Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Giáo viên tiếng Anh online kiếm gần 3 triệu USD mỗi năm

Posted: 11 Jan 2017 08:38 AM PST


Một giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến có thể kiếm được 20 triệu nhân dân tệ (2,89 triệu USD) mỗi năm trong bối cảnh thị trường giáo dục trực tuyến sôi động ở Trung Quốc – tờ nhật báo Thanh niên Trung Quốc cho hay.

Giáo viên tiếng Anh online kiếm gần 3 triệu USD mỗi năm
Học sinh ở Changsha, Hồ Nam. Ảnh: CFP

Giáo viên tiếng Anh trực tuyến Zhu Wei hiện đang bán khóa học trực tuyến gồm 9 bài giảng, mỗi bài kéo dài 2 tiếng với giá 799 tệ trên một website giáo dục trực tuyến. Khóa học này đã được bán 2.330 bản trong năm 2015 và thu về 1,86 triệu nhân dân tệ, trong đó khoảng 1,78 triệu tệ là thuộc về Zhu và nhóm của anh.

Nhóm của Zhu đã phát triển 5 khóa học như thế này trong năm 2015 và kiếm được khoảng 11 triệu tệ, cộng với tiền bản quyền những cuốn sách giáo khoa tiếng Anh đã được xuất bản mà anh là tác giả, cộng thêm tiền từ những khóa học truyền thống khác. "Thu nhập của một giáo viên khoảng trên 20 triệu tệ/ năm" – Zhu nói. "Tôi không thể tin được điều đó cho tới khi bản thân tôi đã đạt được mục tiêu đó".

Trong khi đó, một giáo viên ở trường công uy tín của Thượng Hải kiếm được 10.000 tệ/ tháng, còn một giáo viên ở trường tư thì có thu nhập 30.000 tệ/ tháng.

Trước khi Zhu bước vào thị trường giáo dục trực tuyến, anh là người hướng dẫn ở Tập đoàn Công nghệ và giáo dục New Oriental – một dịch vụ giáo dục tư nhân hàng đầu – suốt 10 năm và từng là giáo viên tiếng Anh ở một trường công lập.

Internet có thể biến một giáo viên thành một ngôi sao, giúp những giáo viên trẻ cạnh tranh với những giáo viên lâu năm một cách công bằng – Su Nannan, một giáo viên dạy online khác chia sẻ.

Su bắt đầu dạy tiếng Anh từ năm 2000 và mở một khóa học online vào năm 2014. Lớp học đầu tiên của anh – được thiết kế khoảng 2.000 học viên – được quảng bá trên trang chủ của nhà cung cấp dịch vụ học trực tuyến hujiang.com. Khóa học thu hút một lượng học viên bất ngờ – 9.000 học viên.

Sau khóa học này, Su lập một nhóm trò chuyện với 500 người để trả lời các câu hỏi của học viên. Nhưng thậm chí 3 ngày sau khi lớp học diễn ra, vẫn có quá nhiều người muốn vào nhóm này, nên anh đã lập 3 nhóm khác, mỗi nhóm 1.000 người.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi có thể kết nối với quá nhiều học viên như thế sau một khóa học" – Su nói. Anh cho biết, nhiều người hỏi anh về kiến thức tiếng Anh, cũng có người chia sẻ về những khó khăn của họ khi học tiếng Anh.

"Rất khó để giáo viên và sinh viên có thể thảo luận vừa rộng vừa sâu về các chủ đề trong lớp học truyền thống. Lần đầu tiên trong suốt 14 năm dạy học, tôi cảm thấy rất nhiều học viên đang cần mình. Tim tôi như run lên".

Trường sư phạm trực tuyến CC hiện đang tập trung đào tạo các giáo viên dạy trực tuyến. Phó chủ tịch Xu Jun của trường này thường phân tích tính cách của những giáo viên dạy trực tuyến nổi tiếng để giúp những giáo viên khác có được những tính cách tương tự.

Một trong những trường hợp đó là một giáo viên tên Chen Zhiyuan – người từ không có ai theo dõi bây giờ đã có tới 104.000 người theo dõi trong vòng một năm.

Ông Xu khen ngợi Chen vừa là một giáo viên giỏi, vừa là một thiên tài marketing. Đầu tiên, Chen mở các khóa học, đưa bài giảng miễn phí để thu hút thêm nhiều người theo dõi, sau đó biến những người theo dõi thành bạn bè trên WeChat để cung cấp các dịch vụ tư vấn một-một.

"Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để tư vấn một-một, nhưng cậu ấy đã có nhiều khách hàng theo cách này" – ông Xu đánh giá. Ông cũng nói thêm rằng, tính cách đáng chú ý nhất của Chen là tương tác về mặt cảm xúc giữa anh và các khách hàng.

"Nhiều giáo viên rất giỏi nhưng họ không được yêu mến khi dạy trực tuyến. Trong khi một giáo viên trực tuyến không chỉ dạy tốt mà còn có ngoại hình ổn, trí thông minh cảm xúc cao và hiểu khách hàng của mình".

  • Nguyễn Thảo (Theo China Daily)



Xem nguồn

Giáo dục Phần Lan: Đâu tin thật, đâu tin giả?

Posted: 11 Jan 2017 07:55 AM PST


 – Gần hai thập kỷ nay, Phần Lan được biết đến như một cường quốc về giáo dục (nhất là giáo dục phổ thông).

Vì thế mà từ đó đến nay, các phương tiện truyền thông thế giới thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin về những thay đổi của giáo dục nước này. Song, điều đáng tiếc là bên cạnh những thông tin chính thức, tin cậy, cũng có một số thông tin do người viết hiểu không đúng, dẫn đến đưa tin thiếu chính xác.  

Còn nhớ cách đây gần 2 năm (20.3.2015) một tin “sốt” gây sự chú ý cho rất nhiều người quan tâm đến giáo dục là: trường học Phần Lan sẽ thay việc dạy các môn học theo cách dạy truyền thống bằng việc dạy theo các chủ đề trong chương trình đổi mới giáo dục vào năm 2016. Tin đó bắt đầu từ một bài báo trên tờ The Independent .

Trước sự lan truyền nhanh chóng của tin này trên các hãng truyền thông quốc tế, 5 ngày sau, Nha giáo dục Phần Lan (OPH) đã chính thức cải chính trên trang mạng của mình rằng: Phần Lan không bó các môn học truyền thống. Thông tin về sự cải chính này đã được Vietnamnet kip thời đăng tải. 

Vậy mà hồi trung tuần tháng 11.2016, tin "sốt" giả này lại xuất hiện trên khá nhiều trang mạng Việt Nam. Đáng chú ý, có tờ báo còn đi xa hơn khi có bài phỏng vấn với tiêu đề: "Phần Lan xóa các môn học: Việt Nam khó mơ" cứ như đó là một sự thực chắc chắn.

Từ các trang mạng chính thức của Nha giáo dục Phần Lan (oph.fi) và trang của Bộ Văn hóa và Giáo dục Phần Lan (minedu.fi), tôi không thấy có gì mới hơn về tin họ đã cải chính năm 2015.  

Trở lại với tin trên tờ báo nọ, tôi được biết bài viết ở đây được tóm lược từ bài viết trên trang Brightside.me – một trang chuyên tổng hợp tin tức – và bài về giáo dục Phần Lan ở trang đó còn viết ở cuối bài: "Based on materials from independent" (khai thác tư liệu từ Independent). Nhưng chắc nhiều người không để ý và tìm hiểu thêm nên không biết đó là tin cũ có từ tháng 3.2015.

Giáo dục Phần Lan: Đâu tin thật, đâu tin giả?
Học sinh trường tiểu học Siltamaki đọc ráp trong một buổi học theo chủ đề.

Hôm qua (10.1.2017) một người bạn nhắn tin cho biết: lại có tin "Phần Lan sẽ bỏ hết tất cả các môn học riêng biệt vào năm 2020" trên ấn bản điện tử của VOV. Dưới bài viết, tác giả có ghi: "Theo Bright Side". 

Trên các trang mạng của Nha giáo dục Phần Lan và của Bộ Văn hóa và Giáo dục Phần Lan không có tin gì về việc Phần Lan bỏ các môn học riêng lẻ hay "cuộc cách mạng giáo dục" như một số báo “phong tặng”.

Vậy giáo dục Phần Lan có gì mới?

Điểm mới của giáo dục Phần Lan từ năm hoc 2016 – 2017 là từ tháng 8.2016, các trường cơ sở  và trung học trong cả nước sẽ áp dụng khung chương trình mới (New Curriculum), trong đó có một số điểm đáng chú ý căn bản như:

–   Đổi mới việc đánh giá học sinh: Chỉ chấm điểm học sinh từ lớp 8 trở lên.
–  Dạy ngoại ngữ thứ nhất từ năm lớp 2 (sớm hơn 1 năm so với trước).
–  Tăng giờ học các môn nghệ thuật
–  Mỗi năm mỗi lớp phải học ít nhất một tiết tích hợp, tức học chung các môn cùng lúc.

Theo kết quả PISA 2015 vừa được công bố, Phần Lan không ở ngôi vị số 1, mà có sự lên ngôi của các quốc gia Đông Á. Nhưng khác với các quốc gia này, dù ở trong nhóm nước có kết quả PISA cao, trường học Phần Lan không có sức ép như các quốc gia đó.

Học sinh Phần Lan có số giờ học trên lớp và giờ làm bài tập ở nhà ít nhất trong số các quốc gia tham gia khảo sát. Trong 12 năm học phổ thông chỉ có một kỳ thi tốt nghiệp cuối bậc học này để chuyển lên đại học hoặc đi làm.

Mặc dù trong hai kỳ PISA 2012 và 2015 Phần Lan bị sụt hạng về môn Toán, song không vì thế mà các nhà quản lý giáo dục cũng như giáo viên lo ngại.

Cái khiến họ quan tâm hơn là sự chênh lệnh giữa học sinh nam và nữ, giữa các vùng thể hiện rõ hơn các kì PISA trước.

Nhà Nobel kinh tế Bengt Holmström cho rằng: “Giáo dục Phần Lan vẫn phát triển đúng hướng và có chất lượng tốt. Không nên quan trọng hóa kết quả PISA. Điều quan trọng là trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của các em sau này”

Võ Xuân Quế (Phần Lan)



Xem nguồn

Học viện An ninh nhân dân mở lớp đào tạo Trinh sát chất lượng cao

Posted: 11 Jan 2017 07:12 AM PST


Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã tới dự.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Khoát, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực Chất lượng cao (CLC) ngành Trinh sát an ninh của lực lượng CAND, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Giáo dục & Đào tạo, Học viện ANND đã tuyển chọn 35 sinh viên ưu tú nhất trong số sinh viên trúng tuyển vào các ngành Nghiệp vụ An ninh năm 2016 để đào tạo lớp trinh sát an ninh CLC.

Những sinh viên được chọn vào lớp này là những em có điểm thi THPT quốc gia cao trên 25 điểm hoặc đạt giải cao trong các kỳ thi Olimpic quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và có điểm kiểm tra năng lực ngoại ngữ đầu vào trên 460 điểm TOEIC theo chuẩn quốc tế.


Sinh viên Học viện An ninh nhân dân

Sinh viên Học viện An ninh nhân dân

Được biết, các sinh viên lớp đại học CLC ngành Trinh sát an ninh sẽ được đào tạo theo chương trình đào tạo và thực hiện chuẩn đầu ra cao hơn so với đào tạo đại trà, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ.

Các sinh viên lớp CLC sẽ được học tập và phải đạt trình độ ngoại ngữ tiếng Anh tối thiểu bậc 4/6 theo khung năng lực Ngoại ngữ Việt Nam khi bước vào năm học thứ 2 và có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trong công tác nghiệp vụ an ninh, đáp ứng ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ hội nhập.

Bên cạnh đó kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành Trinh sát an ninh, các sinh viên lớp CLC sẽ được trang bị thêm những kiến thức mang tính hội nhập quốc tế như Luật Quốc tế, Tội phạm học, Phòng chống khủng bố, Phòng chống tham nhũng… gồm 11 học phần với 23 tín chỉ được biên soạn, giảng dạy, kiểm tra, đánh giá bằng tiếng Anh theo giáo trình của các nước tiên tiến trên thế giới.

Đồng thời khi theo học chương trình này, sinh viên sẽ được trang bị và phải biết vận dụng, phân tích, tổng hợp được kiến thức của 3 chuyên ngành thuộc ngành Trinh sát an ninh gồm: Trinh sát chống gián điệp, trinh sát bảo vệ an ninh xã hội và trinh sát bảo vệ an ninh nội bộ.

Theo Thiếu tướng Khoát, đây là những kiến thức mới, có tính liên thông với hệ thống tri thức toàn cầu giúp các sinh viên lớp CLC có tư duy hệ thống, vận dụng hiệu quả cao vào thực hiện công tác nghiệp vụ trinh sát trong thời kỳ hội nhập. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cho các sinh viên làm quen với môi trường học tập, nghiên cứu để khi có điều kiện được đi học các bậc cao hơn ở nước ngoài….


Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Nguyễn Văn Thành

Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Nguyễn Văn Thành

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đã đánh giá cao những nỗ lực của Học viện ANND trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở lớp đào tạo lớp CLC đầu tiên trong chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm học 2016-2017.

"Việc Học viện ANND lựa chọn ngành Trinh sát an ninh để đào tạo lớp Trinh sát an ninh CLC là phù hợp với nhu cầu thực tế, bám sát tinh thần của Hội nghị Công an Trung ương trong việc đào tạo nguồn nhân lực CLC cho lực lượng nói riêng, sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia nói chung bởi đây là lực lượng nòng cốt và giữ ví trí vô cùng quan trọng" – Thứ trưởng Thành nhấn mạnh.

Để có sản phẩm đào tạo cuối cùng đạt chất lượng cao, đồng chí Thứ trưởng cũng yêu cầu, Học viện ANND cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về mọi mặt, từ giáo viên, cán bộ quản lý cho đến chương trình học.

Hồng Hạnh



Xem nguồn

Lá thư đẫm nước mắt của một giáo viên hợp đồng trước kỳ tuyển viên chức giáo dục

Posted: 11 Jan 2017 06:30 AM PST


Hoãn kỳ thi tuyển dụng

Ngày 10/1, ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đã ký thông báo về việc tạm hoãn thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục trên địa bàn.

Việc tạm hoãn nói trên là theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại một cuộc họp diễn  ra ngày 9/1.

Hàng ngàn người tham dự kỳ thi tuyển dụng công chức tại Quảng Nam. Ảnh: CTV

Theo kế hoạch thì kỳ thi tuyển dụng sẽ diễn ra trong các ngày 17 và 18/1. Nay tạm hoãn và dời vào sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu (chưa thông báo thời gian cụ thể).

Thi công chức, 6 người dự, 5 người trượt

Trước đó, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam có thông báo tuyển dụng 1.193 viên chức giáo viên các cấp gồm: mầm non, Tiểu học và THCS.

Ngoài ra còn tuyển viên chức khác như: lưu trữ, thư viện cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Nam.

Riêng bậc THPT thì Sở thông báo xét tuyển 110 viên chức giáo viên cho các đơn vị sự nghiệp công lập của Sở.

Sau khi nhận được thông báo kế hoạch thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục của Sở, nhiều người vui mừng vì có cơ hội được thể hiện khả năng, được vào biên chế.

Tuy nhiên, kỳ thi này cũng đang khiến hàng trăm giáo viên dạy theo dạng hợp đồng với các UBND huyện, thị xã tâm tư, lo lắng.

"Kết thúc kỳ thi sẽ có kẻ đỗ, người rớt. Như vậy, nhiều giáo viên đang dạy hợp đồng sẽ đứng trước nguy cơ bị thất nghiệp (nếu thi trượt).

Họ là những người đã nhiều năm gắn bó với trường, với lớp. Có rất nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người của địa phương nhưng nay lại bị dồn vào thế bế tắc" một giáo viên dạy hợp đồng cho biết.

Bức "tâm thư" của một giáo viên hợp đồng

Trăn trở trước quyết định tuyển dụng trên, một giáo viên dạy hợp đồng tại một trường tiểu học ở Thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã viết bức "tâm thư" gửi đến lãnh đạo các cơ quan, chính quyền để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.

Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đăng tải bức thư này.

Tôi là một trong hàng trăm giáo viên hợp đồng, sắp tới phải trải qua một kỳ thi tuyển công chức theo công văn số 1874/TB-SGĐT của tỉnh Quảng Nam được công bố vào ngày 2/12/2016 và tổ chức thi tuyển vào ngày 17-18/01/2017.

Trước sự kiện có ảnh hưởng lớn đến tâm tư tình cảm cũng như cuộc sống gia đình chúng tôi trong những ngày sắp tới tôi xin gởi đến quý cấp những ý kiến sau đây:

Tôi tốt nghiệp kĩ sư công nghệ thông tin tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng niên khóa 2010.

Vì yêu nghề giáo, tôi xin dạy hợp đồng tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Duy Hiệu từ năm 2011 đến năm 2012 với tư cách giáo viên trợ giảng môn tin học.

Nghe thông tin Phòng giáo dục Điện Bàn cần giáo viên dạy tin học, tôi đăng ký tham gia và được nhận dạy tại đây như một giáo viên hợp đồng từ 1/10/2012.

Sau một năm, tôi chính thức thành giáo viên hợp đồng của huyện.

Đành rằng việc tổ chức các kỳ thi tuyển là cách để chọn người đủ điều kiện đảm trách một công việc nào đó.

Nhưng đây không hẳn là biện pháp duy nhất. Nhất là đối với những người như chúng tôi, vốn đã trải qua ba nhân tố quyết định để được đứng lớp.

Một là, tôi được đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, trình độ đại học nay dạy chuyên ngành này cho học sinh tiểu học.

Hai là, trải qua hơn 5 năm trong nghề, kinh nghiệm thực tế đã giúp tôi trưởng thành và biết cách tốt nhất để truyền đạt kiến thức và thực hành cho học sinh.

Ba là, chính việc học có hệ thống, dạy theo bài bản và kinh nghiệm, kỹ năng tôi được rèn luyện ngày càng ổn định và nâng cao.

Một cuộc thi tuyển lý thuyết diễn ra một hai ngày, thậm chí một tuần có thể nào thay thể cho 5 năm hoạt động trong ngành nghề được đào tạo chính quy và được thực hành trong năm năm dài đằng đẳng.

Vả lại, chúng tôi dạy tốt hay tồi thì có cả một tập thể giáo viên của trường biết đến, có sự quản lý và giám sát của Ban Giám hiệu.

Đây không phải là chỗ dựa để xét năng lực giáo viên thì quý cấp dựa vào đâu? Tại sao bắt chúng tôi thi viên chức?

Hơn nữa, thời điểm thi tuyển rơi vào thời điểm chúng tôi đang phải miệt mài lên lớp, chuẩn bị giáo án, kiểm tra cuối học kỳ I, ôn tập, chấm bài kiểm cuối kỳ I.

Chúng tôi làm sao có thời gian ôn tập để thi với một tập kiến thức dày cộm?

Phải chăng đây là một sự cố ý loại bỏ công sức, tâm huyết bao năm trong nghề của chúng tôi.

Thêm nữa, có nhiều người như tôi phải tham gia cuộc thi với tỉ lệ 1 chọi 10.

Một tỉ lệ cao cho những người đang giành thời gian cho ngành, cho con cái, gia đình và phải đang thấp thỏm lo cho kế sinh nhai của gia đình có thể mất.

Tôi đã 33 tuổi rồi, cơ quan nào có thể nhận tôi đây. Qua bao năm gắn bó với ngành và giờ đây ngành chuẩn bị đẩy tôi vào thế bế tắc…

Giờ đây, trong thâm tâm chúng tôi mong mỏi ngành, quý cấp nên tổ chức một trong ba phương án sau:

Thứ nhất: thi tuyển phải phân luồng thành các đợt khác nhau. Giáo viên đang dạy hợp đồng dài hạn tại các địa phương thì nên tổ chức thi trước. Sau đó, thiếu bao nhiêu chỉ tiêu thì thi tuyển vào bổ sung.  

Bởi lẽ giáo viên đang phải đứng trên bục giảng thì bận rộn bao công việc như: soạn giáo án, chấm bài, tổng kết. Ngoài ra, còn phải tham gia các hoạt động khác của nhà trường, địa phương….

Bên cạnh đó còn con cái và gia đình của họ phải chăm lo nên thời gian không đảm bảo còn để họ phải ôn luyện lại kiến thức cũ).

Thứ hai, thi tuyển tập trung tổ chức một lần nhưng phải chọn thời gian nhàn rỗi nhất của giáo viên trong năm. Và nên cộng thêm điểm ưu tiên cho các giáo viên có giấy khen của ngành, của cấp (để nhằm tăng chất lượng và niềm tin, khuyến khích và sự phấn đấu của họ trong những năm trước đó).

Thứ ba, quý cấp nên dành cho chúng tôi chế độ miễn thi mà đặc cách vào biên chế.

Vì cứ tính sòng phẳng đi, một sinh viên mới ra trường nếu về giáo dục có bằng cấp ngang chúng tôi nhưng kỹ năng và kinh nghiệm làm sao sánh được với những người đã trải qua mấy năm kinh nghiệm.

Nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng thường thêm điều kiện: trải qua hai năm kinh nghiệm.

Phải chăng kinh nghiệm trở thành yếu tố khá quan trọng trong tuyển chọn, điều mà chúng tôi đang có sao lại không lưu tâm?

Theo đuổi ngành giáo dục đã năm, bảy năm, nếu rời khỏi ngành chúng tôi gặp không ít khó khăn để tìm việc khác.

Phải chăng xã hội thêm một gánh nặng trong việc tạo công ăn việc làm mới cho bao nhiêu con người.

Tôi trân trọng đề nghị: xét vào biên chế cho chúng tôi dựa vào sự xác nhận thời gian cống hiến, bằng cấp, kỹ năng và kinh nghiệm của chúng tôi qua sự xác nhận của tập thể nhà trường. Đấy là sự công bằng.



Xem nguồn

Học viện An ninh ra mắt lớp đào tạo các trinh sát chất lượng cao

Posted: 11 Jan 2017 05:46 AM PST


– Ngày 11/1, Học viện An ninh nhân dân khai giảng lớp đầu tiên đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành Trinh sát an ninh với 35 học viên được tuyển chọn có học lực xuất sắc.

Học viện An ninh ra mắt lớp đào tạo các trinh sát chất lượng cao
Những học viên được tuyển chọn vào khóa đào tạo trinh sát chất lượng cao đầu tiên của Học viện An ninh nhân dân. Ảnh: Thanh Hùng.

Thiếu tướng Nguyễn Quý Khoát, Phó giám đốc Học viện cho biết, để được chọn vào lớp đầu tiên, 35 em sinh viên trúng tuyển là những em xuất sắc nhất trong số hơn 500 thí sinh trúng tuyển các ngành nghiệp vụ an ninh. Đây là những sinh viên có điểm thi THPT quốc gia cao trên 25 điểm hoặc đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đạt điểm kiểm tra năng lực ngoại ngữ đầu vào trên 460 điểm TOEIC theo chuẩn quốc tế.

Các sinh viên này sẽ được đào tạo theo chương trình đào tạo và thực hiện các chuẩn đầu ra cao hơn so với đào tạo đại trà.

Cụ thể, các em sẽ được học tập và phải đạt trình độ ngoại ngữ tiếng Anh tối thiểu bậc 4/6 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam khi bước vào năm học thứ hai. Cùng đó, có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trong công tác nghiệp vụ an ninh.

Ngoài ra, sẽ được trang bị những kiến thức mang tính hội nhập quốc tế như luật quốc tế, tội phạm học, phòng chống khủng bố, phòng chống tham nhũng, điều tra tại hiện trường và dấu vết hình sự,…với các giáo trình được biên soạn, giảng dạy, đánh giá bằng tiếng Anh của các nước tiên tiến.

Tuy nhiên, ngược lại, nếu sinh viên không đủ điều kiện để tiếp tục học tập chương trình này sẽ phải chuyển sang học đại trà hoặc buộc thôi học.

Học viện An ninh ra mắt lớp đào tạo các trinh sát chất lượng cao
Trung tướng Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân chia sẻ tại lễ khai giảng ngày 11/1. Ảnh: Thanh Hùng.

Chia sẻ tại buổi lễ khai giảng, Trung tướng Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Học viện cũng bày tỏ niềm tin và mong mỏi với một lứa học viên trinh sát chất lượng cao trong tương lai với những tiêu chuẩn đầu vào khắt khe.

Tuy nhiên, Giám đốc Học viện cũng nhấn mạnh lớp học này sẽ không “vào bao nhiêu ra bấy nhiêu” mà liên tục có sự sàng lọc để các học viên phải không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện nhằm đạt được kết quả cao.

Thanh Hùng



Xem nguồn

Cho học sinh Tiểu học học Sử như thế là quá nặng

Posted: 11 Jan 2017 05:04 AM PST


LTS: Đóng góp ý kiến quan điểm của mình về việc chương trình, sách giáo khoa Sử dành cho học sinh Tiểu học hiện nay, thầy giáo Trần Trí Dũng cho rằng sách Sử như vậy là quá nặng.

Thầy Dũng thể hiện sự không đồng tình về một số ý của tác giả Thành Trung trong bài viết “Không phải sách giáo khoa sử khó mà do nhận thức của giáo viên”.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/12/2016 đăng bài viết “Sách Sử thế này, học sinh hãi Lịch sử là đúng!” của tác giả Tùng Sơn, nội dung bài viết phản ánh những kiến thức không phù hợp với học sinh lớp 4, lớp 5. 

Không đồng tình với quan điểm này, ngày 8/1/2017, cũng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả Thành Trung có bài viết “Không phải sách giáo khoa sử khó mà do nhận thức của giáo viên” để trao đổi lại. 

Nhận thấy vấn đề về môn Lịch sử đã từng là tâm điểm tranh luận trong thời gian qua, trên cơ sở tìm hiểu lại sách giáo khoa cho học sinh tiểu học và đánh giá lại những nội dung của hai bài viết, tôi thấy cần có những trao đổi thêm. 
   
Nói tới môn Lịch sử là nói những sự kiện, những con số những bài học trong quá khứ mang nhiều giá trị. Giá trị của tri thức lịch sử thì đã rõ ràng. 

Lịch sử là quá khứ, là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, là nguồn dữ liệu để tham chiếu kinh nghiệm cha ông vào sự phát triển hôm nay. 

Một số bài học môn Sử trong sách giáo khoa bậc Tiểu học “quá nặng” so với lứa tuổi học sinh.

Thậm chí, lịch sử còn mang hồn cốt và thể hiện những giá trị truyền thống dân tộc. Không có lịch sử không thể hiểu được vị trí của hiện tại, với ý nghĩa đó, lịch sử còn thì văn hóa còn, mà văn hóa còn thì dân tộc còn. 
   
Mặc dù hàm chứa nhiều những sự kiện bi tráng nhưng lịch sử không có lỗi, bởi đó là sự vận hành khách quan, bởi lẽ lịch sử có sự kiện oai hùng, nhưng cũng có những bi thương, đó là không thể khác, không ai có thể chọn lịch sử mà nhờ lịch sử nên con người và thời đại được định hình.
   
Tuy nhiên, có một nhận định là, trong thời gian gần đây, giáo dục môn Lịch sử trong trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có nhiều sa sút, gây nỗi lo âu trong xã hội. 

Học sinh chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện. Nếu đưa vào môn học bắt buộc thi thì điểm số rất thấp. Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết không chọn môn Lịch sử. 

Học hết cấp phổ thông mà hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh là rất lờ mờ, thậm chí những sự kiện cơ bản hay nhân vật anh hùng tiêu biểu cũng không nhớ hay nhớ sai. 
   
Trước tình trạng học tập môn Lịch sử của học sinh phổ thông, nhiều cuộc thảo đã diễn ra và có nhiều bài viết nói về vấn đề này. 

Đặc biệt, ngày 15/11/2015, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" tại Hội trường Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. 

Và một trong những nguyên nhân được đưa ra trước sự yếu kém của môn Lịch sử là do sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức. 

Truy nguyên lên cao hơn là do chương trình và nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn Lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học. 

Giáo sư Phan Huy Lê muốn rõ thế nào là “tiếp tục giữ môn học Lịch sử?

Như thế, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút môn Lịch sử đã được chỉ ra, vậy cần thiết nhìn nhận lại để thấy rõ những tồn tại và bất cập này trong chương trình Lịch sử đang được dạy cho học sinh hiện nay.        
   
Hiện môn Lịch sử dạy cho học sinh phổ thông được bắt đầu từ cấp Tiểu học ở lớp 4, được tích hợp với môn Địa lý trong một sách giáo khoa chung, và sau đó học sinh được học tiếp ở lớp 5 cho đến hết bậc Trung học phổ thông. 

Tuy nhiên, khi khảo cứu những nội dung lịch sử được dạy cho học sinh Tiểu học hiện nay có thể nhận thấy những nội dung này là quá nặng đối với học sinh tiểu học. 

Có thể dẫn ra đây một số thí dụ như trang 32 sách Lịch sử lớp 4 các tác giả viết bài 10 "Chùa thời Lý", tại bài học này, học sinh phải tiếp thu tại sao thời Lý đạo Phật rất thịnh hành và chùa được xây dựng với quy mô lớn. 

Tiếp đến trang 47 có bài 17 "Nhà Hậu Lê và việc tổ chức quản lí đất nước". Bài này, học sinh phải hiểu bộ máy nhà nước đứng đầu là vua, giúp vua cai quản đất nước có các bộ, viện. 

Tiếp theo bài 17 là bài 18 "Trường học thời Lê" cũng hàn lâm không kém… Sang lớp 5, tính hàn lâm của các bài học vẫn vậy. 

Chỉ có khoảng một nửa số bài là nói về các sự kiện lớn cần phải biết như "Mùa thu cách mạng", "Điện Biên Phủ, pháo đài thực dân sụp đổ", "Tiến vào Dinh Độc lập",… 

Còn lại đa phần là những bài học khô khan, học khó vào với trẻ 10 tuổi. Và rất nhiều nội dung quá hàn lâm bất cập khác nữa mà tác giả Tùng Sơn đã dẫn trong bài viết.    
    
Bên cạnh đó là thiếu tính hệ thống về mặt khoa học. Bởi lẽ, nói đến Lịch sử là nói đến những sự kiện gắn với mốc thời gian cụ thể. Do đó, cần thiết nội dung phải được trình bày hợp lý theo trình tự thời gian về mặt khoa học. 

Mặt khác, nói tới sách giáo khoa thì yêu cầu đầu tiên phải nói tới là tính khoa học. Vì thế đã là sách giáo khoa phải đảm bảo yêu cầu này. 

Tuy nhiên, tác giả Thành Trung trong bài viết của mình lại khẳng định “sách giáo khoa sử không phải là một bộ sử hoàn chỉnh, nên trình bày không theo hệ thống là hiển nhiên” thì đó là điều không hợp lý. 
   
Bên cạnh đó, nói đến lịch sử là nói đến sự chân thực của các sự kiện đã xảy ra, bởi lẽ không ai có thể sáng tạo ra lịch sử. 

Lịch sử Việt Nam theo suốt một chiều dài là những cuộc đấu tranh chống lại ách xâm lược để giành độc lập và giải phóng đất nước. 

Mà điển hình cho những cuộc dấu tranh đó là các cuộc khởi nghĩa vũ trang oai hùng mang đậm sắc của những cuộc đấu tranh bằng vũ lực chính nghĩa. 

Vì thế, sách lịch sử phải phản ánh trung thực các sự kiện đó. Tuy nhiên, tác giả Thành Trung lại cho rằng “Học sinh chỉ biết lịch sử là chiến đấu, chiến đấu tất phải thắng, quan niệm này sẽ tạo cho các em tính hiếu thắng và xu hướng giải quyết các xung đột, mâu thuẫn bằng bạo lực” thì đây là một quan điểm không đúng. 

Quốc hội yêu cầu giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới

Bởi lẽ, đó là các đấu tranh tuy bằng bạo lực nhưng đó là những cuộc đấu chính nghĩa, “dùng bạo lực để thắng hung tàn”. 

Và lẽ đương nhiên, khi giảng dạy các thầy cô giáo phải làm rõ những ý nghĩa đó đối với học sinh. 

Do đó, qua lịch sử học sinh được biết đến những hy sinh xương máu của tổ tiên và cha ông, đó là những áng hùng ca hào hùng của dân tộc, thể hiện truyền thống yêu nước của một dân tộc không thể bị khuất phục, chứ không phải gieo vào đầu con trẻ tư tưởng giảỉ quyết mau thuẫn bằng bạo lực.

Đó là sự trung thực khách quan của lịch sử.      
   
Theo quy định tại khoản 2 điều 27 Luật giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì mục tiêu của giáo dục tiểu học là nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở. 

Như thế, với những kiến thức mang tính hàn lâm của môn Lịch sử đang được dạy ở bậc Tiểu học hiện nay sẽ là quá nặng và không phù hợp với học sinh ở giai đoạn này. 

Vì thế, khi viết lại sách giáo khoa, các tác giả cần lưu ý vấn đề này, và cũng để môn Lịch sử không còn khô cứng và sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với học sinh.



Xem nguồn

Giáo sư Đại học Harvard nói về việc xây dựng Trường Đại học Fulbright Việt Nam

Posted: 11 Jan 2017 04:23 AM PST


Chiều 10/1, tiếp GS.Thomas Vallely, Đại học Harvard (Hoa Kỳ) tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn xây dựng Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) thành trường đại học kiểu mẫu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi về nỗ lực đổi mới giáo dục với GS. Thomas Vallely – Đại học Harvard. ảnh: VGP

Trao đổi với GS.Thomas Vallely, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn có nhu cầu tăng cường hợp tác giáo dục với Hoa Kỳ, quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới, trong bối cảnh triển khai 3 đột phá để phát triển nhanh, bền vững, trong đó có việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Về phần mình, GS.Thomas Vallely cho biết, ý tưởng thành lập FUV bắt nguồn từ mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và nêu rõ nỗ lực phát triển FUV tập trung vào 3 nội dung: 

Thiết lập cơ chế quản trị, bộ máy theo mô hình hiện đại nhất cho một trường đại học hàng đầu thế giới.

Mô hình tài chính phù hợp để huy động đủ nguồn lực cho trường.

Thiết kế cơ sở vật chất cho trường với quy mô hiện đại.

"Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều tiến bộ trong lộ trình xây dựng trường trong cả 3 lĩnh vực", GS.Thomas Vallely nói và kiến nghị: Trường cần cơ chế hoạt động có tính chất đặc thù để tự chủ hoạt động.

Ông cũng bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã giúp triển khai FUV. Thông qua trao đổi với các cấp lãnh đạo Việt Nam, phía Hoa Kỳ đã giải quyết nhiều vấn đề và mong muốn FUV sớm có giấy phép, cơ chế để đi vào hoạt động.

Kể về câu chuyện của một thanh niên Việt Nam 30 tuổi đang làm việc cho Tập đoàn Google có mong muốn kết nối các nhà khoa học Việt Nam trên toàn cầu để đóng góp cho quê hương, GS.Thomas Vallely cho biết, các chương trình của FUV sẽ kết nối với Thung lũng Silicon ở Hoa Kỳ, các doanh nhân, nhà khoa học Việt Nam ở Hoa Kỳ, thông qua đó tiếp thu những tri thức hàng đầu của thế giới. 

Ông cũng cho biết, dư luận Hoa Kỳ đánh giá cao cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa qua, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

"Chính giới Hoa Kỳ nói nhiều về sự thành công của cuộc điện đàm giữa Thủ tướng với ông Donald Trump", GS.Thomas Vallely nói và cho biết, từ khi đắc cử Tổng thống, ông Donald Trump chỉ điện đàm với một số ít nhà lãnh đạo trên thế giới.

Ghi nhận ý kiến của GS.Thomas Vallely, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam ủng hộ tự chủ đại học theo thông lệ quốc tế.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị hai bên cần nỗ lực, dồn sức để xây dựng cơ sở vật chất của FUV xứng tầm; những giáo sư, giảng viên của trường phải là những người xuất sắc, tầm cỡ quốc tế, đưa FUV tương lai trở thành trường đại học kiểu mẫu, tạo ra những nhà khởi nghiệp. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực, hỗ trợ để trường đi vào hoạt động.

GS.Thomas Vallely hoan nghênh chương trình hành động Chính phủ Việt Nam theo hướng thúc đẩy khởi nghiệp và cho biết, các chương trình của FUV sẽ nhấn mạnh vào phát triển khởi nghiệp.



Xem nguồn

Cơ hội học tập và nghiên cứu nâng cao với Epicor ERP

Posted: 11 Jan 2017 03:41 AM PST


Trường Đại học Mở TPHCM, Tập đoàn phần mềm Epicor trao thỏa thuận hợp tácTrường Đại học Mở TPHCM, Tập đoàn phần mềm Epicor trao thỏa thuận hợp tác

Qua thỏa thuận, Epicor đồng thời cung cấp chuyên môn và hỗ trợ mạng lưới nghiên cứu, đào tạo các giảng viên và tổ chức các buổi đào tạo và hội thảo cho sinh viên của trường.

Được biết, kể từ lần đầu hợp tác giữa hai bên vào năm 2013, Trường Đại học Mở TPHCM đã tích lũy được những kinh nghiệm giảng dạy quý báu từ hệ thống Epicor ERP cho sinh viên của mình. Phiên bản mới nhất của Epicor ERP hiện sẽ được tích hợp vào chương trình giảng dạy cho sinh viên theo học các ngành Tài chính- Ngân hàng, Khoa học Máy tính và Kế toán- kiểm toán, cùng hai khoa mới là Quản trị Kinh doanh và Lớp Nâng cao.

Thông qua thỏa thuận hợp tác này, hơn 100 sinh viên sẽ trải nghiệm thực tiễn qua đầy đủ các phân hệ của Epicor ERP, bao gồm các quy trình tài chính, sản xuất và phân phối. Các phân hệ bán hàng, thu mua và tổng hợp kế toán sẽ giúp sinh viên áp dụng các lý thuyết vận hành kinh doanh vào thực tế, đồng thời chuẩn bị cho các sinh viên sẵn sàng cho sự nghiệp của mình ngay sau khi tốt nghiệp.

Chia sẻ tại lễ ký kết, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM – cho biết: Trong kinh doanh, rất khó hình dung hoặc áp dụng các khái niệm lý thuyết vào thực tế. Những môn học như vận hành tài chính và các mô hình phân phối thường không dễ giảng dạy và nhờ vào hệ thống ERP của Epicor, sinh viên có thể áp dụng các khái niệm này một cách thiết thực và mở rộng hiểu biết về thế giới kinh doanh.

Hệ thống Epicor ERP cũng khuyến khích mô hình tự học, mà ở đó sinh viên thử thách bản thân để đạt được kết quả trên mô hình lý thuyết một cách hiệu quả nhất.

Tập đoàn phần mềm Epicor  là nhà cung cấp toàn cầu các phần mềm được thiết kế cụ thể cho từng lĩnh vực giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh.



Xem nguồn

Clip người phụ nữ vật ngửa bé gái để cho ăn thô bạo

Posted: 11 Jan 2017 02:57 AM PST


– Một clip ghi lại cảnh người phụ nữ trông trẻ thuê ở Hải Dương vật ngửa bé gái ra để ép ăn đang được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đại diện chính quyền cho hay qua xác minh không có dấu hiệu bạo hành.

Trong đoạn clip, dù cháu khóc thét, nhưng người phụ nữ này vẫn không buông, tiếp tục dùng một tay giữ đầu, tay kia đút thức ăn.

Clip sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã hút gần 100.000 lượt xem và hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận.

Nhiều người cho rằng cách cho trẻ ăn của người phụ nữ có phần bạo lực và phản giáo dục. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng với trẻ biếng ăn thì những hành động của người phụ nữ cũng không quá đáng bị lên án bởi nhiều người buộc phải làm vậy.

Qua xác minh của VietNamNet, sự việc diễn ra tại nhà số 39 ngõ 409 phố Bình Lộc, khu 7, phường Tân Bình, TP Hải Dương. Đây cũng là nhà của bà Lê Thị Sao- người phụ nữ trong đoạn clip.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Hoàng Văn Thăng, Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết đã nắm được thông tin và xác minh làm rõ sự việc cùng với công an phường.

"Đây không phải là một cơ sở trông trẻ mà chỉ là hàng xóm gửi nhau trông con nhờ giúp thôi. Sau khi thấy thông tin được đăng tải trên mạng xã hội chúng tôi đã cho người kiểm tra. Qua xem xét thân thể các cháu thì các gia đình cũng không phát hiện thương tích. Sự việc không có dấu hiệu bạo hành. Đặc biệt, những gia đình gửi các cháu cho bà Sao cũng không hề ý kiến gì về sự việc này", ông Thăng nói.

Ông Thăng cũng cho hay, qua xác minh của công an phường về sự việc không có dấu hiệu bạo hành, phường cũng đã gửi báo cáo UBND thành phố Hải Dương nắm sự việc.

Thanh Hùng



Xem nguồn

Trung Quốc dựng tượng cụ ông nhặt rác đọc sách trong thư viện

Posted: 11 Jan 2017 02:15 AM PST


Chính quyền thành phố Hàng Châu, Trung Quốc quyết định sẽ dựng tượng để vinh danh một người nhặt rác, cũng là người dành tình yêu sâu sắc với sách và có trái tim nhân ái khiến bao người cảm phục.

Trung Quốc dựng tượng cụ ông nhặt rác đọc sách trong thư viện
Ông Wei đọc sách trong Thư viện công cộng Hàng Châu

Một bức tượng bán thân cao 1,6 mét khắc họa lại cụ ông Wei Sihao sẽ được dựng lại tại chính thư viện mà ông thường đến đọc sách. Bức tượng này còn có cả hình ảnh những cuốn sách, chiếc gậy, những chai nhựa và đống giấy vụn mà ông vẫn mang theo bên mình.

"Đó là cách mà ông ấy đọc sách trong thư viện" – người thiết kế bức tượng Zhu Bingren nói.

Ông Wei Sihao trở nên nổi tiếng sau khi một bức ảnh chụp ông đang rửa tay rất cẩn thận trước khi đọc sách trong một thư viện ở Hàng Châu lan truyền trong cộng đồng mạng. Là một vị khách thường xuyên tới thư viện này, ông Wei thường đặt chiếc gậy tre và túi đựng rác bên cạnh mỗi khi đọc sách.

Trung Quốc dựng tượng cụ ông nhặt rác đọc sách trong thư viện
Bức ảnh ông Wei rửa tay trước khi đọc sách khiến câu chuyện của ông trở nên nổi tiếng

Đây là thư viện dành riêng cho những người ăn mày và người vô gia cư. Nó được mệnh danh là "thư viện ấm áp nhất" Trung Quốc. Trong suốt hơn 10 năm, ông Wei đã tới đây để đọc sách mỗi cuối tuần.

"Sách là món ăn tinh thần của tôi. Tôi không thể sống thiếu sách một ngày nào" – ông từng chia sẻ với tờ China News trong một cuộc phỏng vấn năm 2014. "Tôi sẽ già và đầu óc sẽ không còn minh mẫn. Tôi cần phải nạp năng lượng cho bản thân và gột rửa tâm trí của mình liên tục".

Không may là ông Wei hiện đã qua đời trong một vụ tai nạn xe cộ hồi tháng 12/2015. Chỉ sau khi ông qua đời, người ta mới phát hiện ra những việc làm thiện nguyện của ông.

Ông Wei là một giáo viên về hưu ở Hàng Châu. Mặc dù nhận được tiền lương hưu khoảng hơn 5.000 tên (720 USD)/ tháng, nhưng ông vẫn đi nhặt rác để kiếm tiền giúp đỡ những học sinh khó khăn trong nhiều năm liền.

Từ năm 1994, ông đã giúp đỡ tài chính cho những học sinh nghèo dưới một cái tên khác, mỗi lần từ 300 đến 3.000 tệ. Theo những bức thư mà ông nhận được từ những học trò nghèo được giúp đỡ, có những học trò ở tận tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc.

Ông Wei cũng viết thư động viên những học trò này cố gắng học tập chăm chỉ và gửi cho chúng những cuốn sách và tạp chí.

Trung Quốc dựng tượng cụ ông nhặt rác đọc sách trong thư viện

Là một người hào phóng nhưng ông lại sống vô cùng giản dị.

Căn nhà của ông chỉ có một chiếc giường nhỏ, chẳng có vật dụng gì có giá trị – một trong số các con gái của ông cho hay. Không dùng điện thoại di động, ông sử dụng điện thoại công cộng để gọi cho các con.

Câu chuyện của ông khiến dư luận nước này vô cùng cảm phục. "Dù sống cuộc sống nghèo khó nhưng tinh thần của ông thật cao quý" – một cư dân mạng viết.

"Ông Wei Sihao là một người thầy tốt bụng. Dù đã rời xa chúng ta nhưng tinh thần của ông không bao giờ mất đi ở thành phố này" – Lou Hansong, giáo sư ĐH Zhejiang cho hay.

  • Nguyễn Thảo(Theo China Daily)



Xem nguồn

Comments