Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Lương tháng 13 cho giáo viên: Đau đầu lắm!

Posted: 04 Feb 2013 07:45 AM PST

(VTC News) – Giáo viên là công chức, làm việc cho nhà nước, không phải là người kinh doanh nên… có đâu mà thưởng.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hữu Hùng (Chủ tịch công đoàn Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM). Ông Hùng cho biết, trước những năm đất nước chưa đổi mới, mỗi người giáo viên đều có lương tháng 13 và một số thứ như vải, bột ngọt, đường… "làm quà" ăn tết.  Nhưng khi đất nước bước sang giai đoạn đổi mới thì việc thưởng lương tháng 13 không còn nữa.

Bởi hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện chương trình thi đua khen thưởng cho từng giáo viên vào các dịp lễ tết trong năm như: ngày 20-11, ngày thành lập Đảng… theo mức lương và trình độ của giáo viên nên việc cắt giảm lương tháng 13 là đều đương nhiên.

Nói về chuyện thưởng tết của giáo viên, cụ thể là tại TP.HCM, có trường thưởng ít, có trường thưởng nhiều là tùy thuộc vào điều kiện cũng như việc chi tiêu của trường đó. Nhưng số tiền ấy không phải là tiền thưởng tết mà là tiền tiết kiệm từ chi phí khoán kinh phí hành chính (bao gồm lương và các khoản chi hoạt động).

Giáo viên được thưởng tết phụ thuộc vào ngân sách trường

Theo ông Hùng, từ năm 2007 đến nay, ngành giáo dục đang thực hiện nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị, sự nghiệp công lập.

Từ đó đến nay, Sở giáo dục và Ủy ban nhân dân TP.HCM đã giao việc tự chủ tài chính cho các trường tự thu chi, quản lý. Thông qua đó, các trường có thể tự xây dựng và thực hiện quy chế chỉ tiêu của trường mình sao cho hợp lý và đảm bảo được quyền lợi của giáo viên cũng như nhân viên trong trường. Vì vậy, việc chi vào cuối năm của từng trường có sự khác nhau. Bởi có trường chi hàng tháng, trường chi hàng quý, từng học kỳ hoặc vào cuối năm cho mỗi giáo viên.

Với việc làm trên, nếu trường nào có nhiều giáo viên trẻ, hệ số lương thấp tiền tiết kiệm chia sẽ nhiều hơn và ngược lại. Điều này cũng như chiếc bánh nếu cắt miếng đầu to thì miếng sau sẽ nhỏ lại, đổi lại cũng vậy. Nếu so trong điều kiện hiện nay, nhất là đối với các doanh nghiệp đang phá sản, công nhân thất nghiệp thì mức tiền tết mà nhiều giáo viên nhận được khoảng vài triệu đồng được coi là tạm đủ.

Còn việc thưởng Tết Nhâm Thìn 2012 của giáo viên tại TP.HCM, năm nay, mỗi giáo viên, cán bộ công nhân viên trong ngành giáo dục là 900.000 đông/người. Nguồn kinh phí này là do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động sử dụng từ nguồn kinh phí được giao trong dự toán 2012.

Ông Hùng cho biết, so với mức hỗ trợ tết Tân Mão năm 2011 là 700.000 đồng, mức chi năm nay của TP.HCM cho giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục tăng 200.000 đồng. Mức thưởng này, tùy vào từng nơi và từng tỉnh, thành phố. Riêng TP.HCM, do kinh tế khá hơn nên mới có mức thưởng trên.

Trao đổi cùng chúng tôi, thầy Lê Văn Phước (Hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Sáu, Q,.Bình Thạnh) cho biết, "mức chi tiền tiết kiệm cho giáo viên trong trường nhiều hay ít là do kế hoạch chi tiêu của nhà trường, nhất là người quản lý. Họ phải biết điều tiết và phải nắm rõ được tình hình kinh phí của trường. Việc gì nên làm, việc gì không nên làm.

Tuy nhiên việc này cũng phụ thuộc vào điều kiện của từng trường. Như ở trường chúng tôi, việc chi tiền tiết kiệm cho từng giáo viên năm nay cao là bởi, chúng tôi có mặt bằng cho các trung tâm ngoại ngữ, tin học thuê và còn có chỗ gửi xe để thu kinh phí. Nhưng ở một số trường khác không có được như vậy, nhất là các trường mầm non, tiểu học đóng trên địa bàn thành phố thì rất khó thực hiện".

Một lãnh đạo phòng Giáo dục – Đào tạo TP.HCM cho rằng nên có lương tháng 13 cho giáo viên để động viên, khích lệ tinh thần làm việc và nhiệt huyết phấn đấu với nghề. "Việc làm này, đối với những giáo viên đang công tác ở các trường ở vùng sâu, vùng xa là một điều cần trăn trở và đưa ra mổ xẻ. Thế nhưng xét về cơ chế, cho đến nay chưa thể thực hiện lương tháng 13 cho giáo viên ở các vùng này, vì nếu giải quyết được cho họ mà không giải quyết ở nơi khác thì đau đầu lắm".

Ngọc Thân

Nguồn: http://vtc.vn/538-365355/giao-duc/luong-thang-13-cho-giao-vien-dau-dau-lam.htm

Hiến pháp 2013 cần “giải cứu” giáo dục

Posted: 04 Feb 2013 06:45 AM PST

Học sinh biểu diễn văn nghệ

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang trong thời điểm lấy ý kiến nhân dân trở nên rạo rực với những ai có sự trăn trở đối với tình hình đất nước.

Mở đầu bằng kiến nghị của 72 nhân sĩ, trí thức đã thu hút hàng ngàn người đồng ý ký tên chỉ vài ngày sau đó.

Dự thảo Hiến pháp 2013, do nhóm này soạn thảo, tuy chỉ mang giá trị tham khảo, nhưng với lời mở đầu súc tích, ngắn ngọn với 81 điều, làm những ai có ý kiến cho rằng kỹ năng Lập Hiến ở Việt Nam yếu kém phải thay đổi quan điểm của mình.

Nó đã giải quyết được những hạn chế, bất cập từ thực tiễn thực hiện Hiến pháp 1992, đạt đến trình độ thượng thừa trong việc đảm bảo tự do dân chủ, hướng đất nước đến sự phát triển bền vững trong tương lai, tôn trọng và bảo vệ quyền con người triệt để, xây dựng cơ chế vận hành quyền lực nhà nước rạch ròi và minh bạch.

Nhưng chắc có lẽ nó sẽ không được đoái hoài tới vì nó đã vượt ra khỏi ý chí của giới cầm quyền, tạo nên những biến đổi to lớn trong việc xây dựng mô hình tổ chức quyền lực nhà nước, về quan hệ về sỡ hữu, và đa nguyên chính trị.

Bất cập

Trong khi đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Ủy ban sửa đổi Hiến Pháp 1992 soạn thảo, không cần nói tới chuyện "sức sống" ở tương lai sau này, mà ngay cả các vấn đề nổi cộm trước mắt như tư hữu đất đai, quyền tự do dân chủ, chế độ kinh tế, cơ chế giám sát và chế ngự quyền lực nhà nước vẫn chưa giải quyết được.

Không phải lúc nào cái tốt hơn cũng thắng thế, mà cái cũ, dù dở vẫn tiếp tục lên ngôi để đảm bảo ổn định hiện trạng.

Nếu được thông qua, nó sẽ tiếp tục báo hiệu cho những hình ảnh người nông dân ùn ùn kéo nhau đi kiếu kiện đất đai, bất đồng chính kiến lần lược rủ nhau vào tù vì đe dọa cho an ninh quốc gia và trật tự công cộng, cho đến việc người dân phải oằn lưng gánh nợ cho sự thua lỗ của các tập đoàn nhà nước, và rồi chúng ta sẽ tiếp tục được nghe những điệp khúc tự chỉnh đốn, phê bình và tự phê bình lên một tầm cao mới.

So sánh hai bản Dự thảo, không khó để chúng ta nhận ra cái nào ưu việt hơn. Một bên nêu cao tinh thần "khế ước xã hội" và một bên thể hiện cho thông điệp của "quyết tâm chính trị".

Không phải lúc nào cái tốt hơn cũng thắng thế, mà cái cũ, dù dở vẫn tiếp tục lên ngôi để đảm bảo ổn định hiện trạng.

Hiến pháp 2013 sắp được ra đời, như đã được dự báo trước, sẽ không có gì thay đổi ngoài những cái vụn vặt trong câu từ của Hiến pháp 1992, nội dung cốt lõi vẫn thể hiện tinh thần tiếp tục "định hướng XHCN", với chế độ nhất nguyên chính trị, quyền lực nhà nước là thống nhất dưới sự lãnh đạo của ĐCS.

Vì sao không thay đổi?

Sự chậm chuyển biến về chính trị cho chúng ta được hai giả thuyết: có thể lãnh đạo hiện nay muốn cải cách chính trị nhưng e dè vì sợ biến động xã hội, hoặc họ không muốn thay đổi để tiếp tục đảm bảo vị trí độc tôn của mình.

Nếu như tiếp cận từ giả thiết "không muốn thay đổi", bất chấp những yếu kém của mình, vẫn tiếp tục bám víu vào quyền lực để duy trì nhóm lợi ích riêng , thì chính những người có trách nhiệm hiện nay đang bán rẻ tiền đồ dân tộc, phó mặc tương lai, là lực cản để dân tộc theo dòng chảy tiến bộ nhân loại.

Nhưng cũng có thể những người lãnh đạo có thực tâm cải cách, vì lý do khách quan, e ngại biến động xã hội mà quyết định giữ nguyên hiện trạng.

Áp phích tuyên truyền cho Đảng Cộng sản

Việt Nam chưa có dân chủ đa nguyên

Lý do được đưa ra rất đơn giản, dân trí chưa đáp ứng được những đợt cải cách chính trị theo hướng dân chủ và đa nguyên.

Lo ngại này cũng có cơ sở, khi thực tế đã cho thấy, nếu không thực hiện các hoạt động khai hóa dân trí (giáo dục và làm gương về văn hóa pháp trị, về đạo đức diễn ngôn, về cách chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt v.v…) mà tạo ra sự thay đổi cấu trúc xã hội theo hướng dân chủ, đa nguyên thì thật khốn đốn như thể chúng ta cho người cổ đại sống trong căn nhà sử dụng toàn dụng cụ bằng điện và điện tử.

Khi thay đổi cấu trúc xã hội mà xã hội dân sự chưa kịp tái tạo bù lấp vào khoản trống quyền lực, cân bằng quyền lực với các lực lượng chính trị thì cũng chỉ tạo ra một thể chế dân chủ không hoàn bị.

Và cũng không loại trừ lý do nhà cầm quyền cảm thấy mất an toàn trước một cuộc cải tổ chính trị.

Lộ trình dân chủ

Do đó sẽ rất khó lòng để giới lãnh đạo tự giác chấp nhận cải tổ chính trị vào lúc này.

Các nhà cách mạng dân chủ thì chưa xây dựng được nền tảng tâm thức xã hội, để đảm bảo sự ổn định và phát triển khi có một cuộc cách mạng chính trị theo hướng dân chủ, đa nguyên.

Vì thế thật khó lòng có sự thay đổi hệ thống theo đề xuất như bản Dự thảo Hiến Pháp 2013.

Theo tác giả, để khả dĩ hơn, các nhà cách mạng dân chủ cần đề xuất một lộ trình dài hơi hơn để có sự đồng thuận với Đảng cầm quyền.

Nếu như không thể bắt đầu lộ trình dân chủ bằng việc cải tổ hệ thống chính trị thì có thể làm từ lãnh vực Giáo duc.

Dùng giáo dục để thực hiện chính sách đại khai hóa, đại thức tỉnh, xây dựng nên con người dân chủ và xã hội dân sự, từng bước một, hướng nhà nước và xã hội đến dân chủ, pháp quyền, đa nguyên chính trị , và qua đó cũng tạo tiền đề cần thiết để xây dựng và bảo vệ nền dân chủ non trẻ sau này.

Muốn làm được điều này thì Hiến pháp 2013 cần phải "giải cứu" cho nền giáo dục hiện nay. Trả lại cho giáo dục một môi trường và không gian tự do phát triển, không còn sự áp đặt và chi phối từ chính trị.

Học sinh Việt Nam

Chính trị tha hóa giáo dục

Không khó để nhận ra nền giáo dục hiện nay đang bị lệ thuộc vào chính trị như thế nào.

Từ cơ sở giáo dục các cấp, cho đến những nhà quản lý giáo dục, và cả người học lẫn người dạy đang bị kìm kẹp bởi một hệ thống chính trị tập trung cao độ.

Nội dung giảng dạy mang nặng chất tuyên truyền chính trị, mà xem nhẹ việc phát triển tư duy và tri thức.

Không khó để bắt gặp hình ảnh các chính trị gia lên giọng "giáo huấn" cho các nhà khoa học, những nhà quản lý giáo dục, các thầy cô và sinh viên-học sinh.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội không còn biết đâu là tuyên truyền chính trị, đâu là tri thức khoa học. Mang danh trí thức mà phải đợi quan điểm chính thống từ nhà cầm quyền ban ra thì mặc nhiên xem đó là chân lý và uốn lưỡi hùa theo.

Có thể nói cả hệ thống chính trị đang bủa vây vào giáo dục, nhưng không thể làm cho nó tốt hơn, mà trái lại chỉ làm cho nền giáo dục ngày càng tê liệt, hư hỏng và tha hóa.

Dù Hiến pháp qua các thời kỳ vẫn khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng nhìn vào thực trạng nền giáo dục hiện nay để nói đến những bi hài của nó thì cũng giống như kể câu chuyện "ngàn lẻ một đêm" mới hết.

Một nền giáo dục vốn bị tước đoạt đi tự do bởi chính trị thì tất yếu sẽ dẫn đến khủng hoảng giá trị con người, hèn hạ trước tri thức, và đểu cán trong khoa học.

Tác động của lực lượng chính trị đã dẫn dến cái sai cơ bản nhất của nền giáo dục của chúng ta hiện nay là đi nhào nặn con người bằng một khuôn đúc của một hệ tư tưởng để sản sanh ra những "con người chính trị".

Muốn xây dựng CNXH thì phải có con người XHCN. Nền giáo dục bao nhiêu năm qua vẫn miệt mài "định hướng chính trị" nhằm đào tạo ra những con người XHCN.

Thật lạ khi nền giáo dục mang đậm chất giáo dục chính trị cho con người ngay từ lúc còn trẻ thơ, cố gắng tạo nên những con người XHCN , sống vì lý tưởng cống hiến cho cộng đồng , dấn thân đấu tranh vì tiến bộ xã hội, lại không được như chúng ta kỳ vọng, mà chỉ thấy nổi lên một một thế hệ vô cảm, chỉ biết vơ vét riêng cho mình, thờ ơ trước thời cuộc, dân trí thì thui chột, nhân cách con người xuống cấp, văn hóa thì thấp kém…

Giải phóng giáo dục

Điều đáng nói là giáo dục đã trở nên bất lực và bạc nhược không thể tự vực dậy, tự cứu mình trong tình hình hiện nay.

Không còn cách nào khác, Hiến pháp 2013 cần phải "giải phóng" nền giáo dục ra khỏi sự áp đặt thô bạo của các lực lượng chính trị, trả lại tự do cho giáo dục, để giáo dục phát triển đúng với chức năng của nó.

Giáo dục tiên tiến không mang chức năng định hướng chính trị, mà là đào luyện nên những con người tự do trước các kiểu thể chế và khuynh hướng chính trị.

Giáo dục tiên tiến không mang chức năng định hướng chính trị, mà là đào luyện nên những con người tự do trước các kiểu thể chế và khuynh hướng chính trị.

Nền giáo dục không phải mang nghĩa vụ phải tuyên truyền cho bất kỳ một đảng phái hay lực lượng chính trị nào, mà nó chỉ mang sứ mạng phát triển tri thức và gìn giữ phẩm giá con người.

Để làm được điều này, Hiến pháp 2013 cần phải có các điều khoản bảo vệ cho nền giáo dục tự do.

Bằng việc Hiến định về Tự do học thuật và tính "tự trị" của các cơ sở giáo dục đại học.

Duy trì không gian tự do học thuật bao gồm quyền được tìm kiếm thông tin không giới hạn, quyền được trình bày quan điểm, phổ biến tri thức mà không bị rào cản hay áp đặt từ bất kỳ lực lượng chính trị nào.

Chỉ khi có được tự do học thuật thì chân lý và tri thức không còn là sản phẩm độc quyền của các lực lượng thống trị, khi đó mới sản sinh ra con người độc lập trong tư duy, sáng tạo trong tư tưởng, và qua đó mới mở lối tri thức để làm nên những cuộc Cách mạng Đại dân trí.

Có thể nói, tự do học thuật có giá trị cao trong nấc thang giá trị quyền con người mà Hiến pháp phải có trách nhiệm ghi nhận và bảo vệ dưới điều khoản "Quyền tự do học thuật".

Bên cạnh đó, hiến pháp cần bảo đảm cho tính "tự trị" của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.

Cần bãi bỏ Bộ chủ quản đối với giáo dục đại học. Chuyển đổi môi trường giáo dục thuộc về không gian của xã hội dân sự chứ không phải môi trường hành chính như hiện nay.

Nếu như Hiến pháp 2013 sắp được thông qua thể hiện được tinh thần Tự do giáo dục, thì đây như là một cuộc Cách mạng Khai minh, cởi trói cho tri thức, đúc nên nền móng vững chắc trong việc làm nên một lột trình, mở ra những con đường hướng nhà nước và xã hội đến dân chủ, pháp quyền và đa nguyên một cách ổn định và bền vững trong tương lai.

Ngược lại, nếu Hiến pháp 2013 bỏ lỡ thời cơ này, xã hội Việt Nam sẽ không có lối thoát cho sự trì trệ và khủng hoảng trên nhiều phương diện như hiện nay.

Bài phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả, hiện đang là sinh viên luật năm thứ 3, trường ĐH Luật TP.HCM.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/02/130204_constitution_education.shtml

Sinh viên tốn tiền triệu mời thầy tất niên

Posted: 04 Feb 2013 05:57 AM PST

- Áp Tết, nhiều sinh viên năm cuối không chỉ bận rộn với việc “trả bài” mà còn phải lo chạy vạy để có tiền đi thầy. Việc Tết thầy cũng khiến nhiều bạn "ăn không ngon ngủ không yên"…

Ảnh minh họa

Mời thầy đi ăn nhà hàng

Với Đăng Dương, sinh viên năm cuối một trường ĐH khối ngành Kỹ thuật ở Hà Nội thì việc đi Tết các thầy cô được xếp vào việc "tối quan trọng" trước khi về quê.

"Những năm trước, cứ thi xong là mình về quê. Nhưng do năm nay là năm cuối nên mình phải cố gắng ở lại để đi chúc Tết thầy hướng dẫn tốt nghiệp cho mình. Nhóm của mình có 5 người nên bọn mình quyết định góp tiền lại để mời thầy đi ăn và mua quà tặng thầy luôn chứ không đến nhà" – Dương chia sẻ.

Cũng theo Dương: "Dù không bắt buộc nhưng đã thành thông lệ từ các khóa trước nên việc đi Tết thầy là chuyện đương nhiên. Với mình thì đây cũng là một khoản đáng kể vì các thầy cô cũng không thiếu gì nên mình cũng phải chọn những món quà giá trị một chút".

Khi được hỏi, mỗi thành viên trong nhóm đóng góp bao nhiêu để đi Tết thầy; Dương cho biết “việc đi ăn tốn ít cũng tiền triệu cộng với tiền quà cho thầy thì mỗi người góp khoảng 500.000 đồng.

Theo tìm hiểu, việc đi Tết thầy cũng muôn hình vạn trạng. Không chọn cách mời thầy đi ăn, Thanh cũng là sinh viên năm cuối một trường ĐH ở Hà Nội than thở: "Năm cuối tốn kém lắm bạn ạ. Chẳng phải chỉ dịp Tết không đâu. Mỗi lần gặp thầy hướng dẫn là bọn mình lại phải đóng phong bì cả tiền triệu ấy chứ."

Cùng cảnh sinh viên năm cuối – Thế Phương tâm sự: "Mình học cũng không tốt lắm nên quyết định đi riêng để thầy lưu ý hơn. Nhiều bạn xin được đồ án mẫu của các khóa trước để lại thì làm đồ án nhàn hơn. Còn mình do học kém lại nhận phải đồ án mới nên việc tìm kiếm tài liệu cũng khó khăn. Thành thử mình cũng phải chú ý hơn việc đi thầy".

Được hỏi về số tiền mà Phương đã "đóng" trong phong bì, cậu không trả lời mà chỉ tiết lộ "đã đi riêng thì dĩ nhiên là không thể vài trăm nghìn được".

Chivas, Napoleon bay bao thơ?

Ở khối ngành Kỹ thuật, tất cả các sinh viên đều phải làm đồ án tốt nghiệp nên việc Tết thầy có phần "nhộn nhịp" hơn so với các trường khối ngành Kinh tế và Xã hội.

Thúy Nga, sinh viên ngành Kinh tế chọn Tết thầy đơn giản là lì xì cho con cô lấy may chứ không nặng nề.

Còn Lan Phương cho biết: "Việc Tết thầy thế nào cũng rất đa dạng tùy vào từng khoa và từng thầy cô hướng dẫn. Như khoa mình thì hầu hết đều đi Tết các thầy cô những món quà có giá trị. Các bạn có chung thầy cô hướng dẫn thường đi chung. Mỗi nhóm có từ 4 – 5 người, mỗi bạn góp 500.000 – 1 triệu để mua một món quà giá trị. Những chai rượu ngoại đắt tiền như Chivas hay Napoleon là những lựa chọn hàng đầu…"

Với trường hợp của Tuấn Anh, việc đi Tết thầy cũng khiến cậu "ăn không ngon ngủ không yên". Vì sau khi thi học kỳ xong Tuấn Anh về quê. Khi các bạn gọi điện bảo cậu ra Hà Nội đi Tết thầy, nhưng vì nhà xa nên cậu chỉ gửi tiền cho các bạn trong nhóm mà không trực tiếp đi. Bởi vậy cậu lo lắng không biết là thầy cô có biết mình đi hay không, chỉ sợ là "tiền mất tật mang".

Còn với Dương để có tiền triệu mời thầy đi nhà hàng thì hàng ngày cậu phải đạp xe gần 5 cây số đi làm thêm thời vụ tại một công ty bảo vệ với mức lương 120.000/ 12 tiếng.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

  • Vũ Vũ

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/108318/sinh-vien-ton-tien-trieu-moi-thay-tat-nien.html

Cười nghiêng ngả với ảnh chế giáo dục

Posted: 04 Feb 2013 05:57 AM PST

– Những bức ảnh chế về giáo dục được lưu truyền trên mạng khiến người xem bật cười ra…nước mắt. 

 

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/108352/cuoi-nghieng-nga-voi-anh-che-giao-duc.html

Tỷ lệ chọi ngành Kinh tế sẽ ngất ngưởng?

Posted: 04 Feb 2013 05:56 AM PST

- Mùa tuyển sinh năm nay sẽ có nhiều biến động trong việc xác định chỉ tiêu tuyển mới.
Dù Bộ GD-ĐT cương quyết giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm
ngành Kinh tế, nhưng sức hút của khối ngành này với thí sinh vẫn chưa hết
nóng.





 

Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Kinh tế giảm,  Nông Lâm Ngư tăng

Mùa tuyển sinh năm nay nhiều trường ĐH – CĐ cắt giảm chỉ tiêu các khối ngành kinh
tế như : Trường ĐH Sài Gòn vừa công bố giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế hệ ĐH và dừng
tuyển sinh khối kinh tế hệ CĐ trong mùa tuyển sinh 2013 tổng chỉ tiêu tuyển sinh của
trường năm nay là 3.900, giảm 1.400 so với năm 2012.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM năm nay cắt giảm tới 1.100 chỉ
tiêu. Trong đó, hệ ĐH và CĐ giảm 400 chỉ tiêu, hệ trung cấp giảm 700 chỉ tiêu. Tổng
chỉ tiêu tuyển mới của trường năm nay sẽ giảm xuống còn 4.700 (năm 2012 là: 5.80).
Chỉ tiêu cắt giảm tập trung vào các ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh…

Trong khi khối ngành Kinh tế giảm chỉ tiêu, thì khối ngành Nông Lâm Ngư lại có xu
hướng tăng.

Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 5.300, tăng so với
năm 2012. Ông Huỳnh Thanh Hùng – phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Năm nay,
trường sẽ ưu tiên tuyển sinh cho khối ngành Thủy sản, Chăn nuôi – Thú y nhằm đáp ứng
nhu cầu xã hội và xu hướng dịch chuyển ngành nghề chung".

TS Nguyễn Văn Đệ – Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp cũng dự kiến cắt giảm chỉ tiêu
các ngành Kinh tế, Sư phạm tăng chỉ tiêu các ngành Nông nghiệp. Theo đó, chỉ tiêu
tuyển mới năm nay ở ĐH 2.500 chỉ tiêu và CĐ là 1.100.

Một số ngành khối nông nghiệp của Trường ĐH Cần Thơ cũng dự kiến tăng chỉ tiêu
trong năm 2013. Cụ thể: Ngành phát triển nông thôn tăng từ 70 lên 80 chỉ tiêu; ngành
thú y tăng từ 160 lên 180 chỉ tiêu; ngành khoa học cây trồng tăng từ 240 lên 270 chỉ
tiêu; ngành nông học tăng từ 80 lên 120 chỉ tiêu… Tổng chỉ tiêu tuyển mới của
trường tăng thêm 1.000, tập trung các khối ngành Nông – Lâm – Ngư và Kỹ thuật.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Tây Nguyên năm 2013 là 3.200 và trường cũng cơ cấu
lại việc tuyển sinh theo hướng, giảm chỉ tiêu khối ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán
và tăng chỉ tiêu cho các ngành Chăn nuôi, Lâm sinh, Khoa học cây trồng…

Thí sinh vẫn chuộng kinh tế

Cho dù các trường cắt giảm chỉ tiêu khối ngành Kinh tế, nhưng tại các buổi tư vấn
tuyển sinh gần đây nhiều thí sinh vẫn đổ xô thi khối ngành này. Lý do được phụ huynh
và học sinh cho rằng học khối ngành Kinh tế ra trường dễ xin việc hơn.

Lê Phương, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lương Văn Can (Q.8) nói: "Em chọn thi
Kế toán. Gia đình từ lâu đã hướng cho em thi ngành này. Em cũng lo lắng trước thông
tin Bộ GD-ĐT giảm chỉ tiêu và nhu cầu việc làm sau này nhưng em vẫn thi kế toán".

Nguyễn văn Anh học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) cho biết, lí do
em chọn thi vào ngành Quản trị Kinh doanh (Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM) vì
gia đình em ai cũng học kinh tế hết và ai cũng thành đạt, vì em cũng thích kinh tế
hơn.

Còn Bà Lê Thị Thúy Hồng, phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) cho
biết: "Các năm trước, tỉ lệ học sinh của trường chọn thi giữa khối ngành kinh tế
và các ngành khác với tỷ lệ 60/40. Năm nay, học sinh có quan tâm đến khối Sư phạm,
nhưng không nhiều. Phần đông vẫn quan tâm đến khối Kinh tế…”

Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương khái
quát, nhóm ngành Kinh tế vẫn thu hút thí sinh, đặc biệt là thí sinh khá giỏi. Xu
hướng thí sinh vẫn thích chọn ngành Kinh tế là dễ kiếm việc làm. Mức lương cao cũng
là một trong những yếu tố cơ bản khiến các ngành kinh tế hấp dẫn thí sinh.

Ông Trần Anh Tuấn, phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị
trường lao động TP.HCM, cho biết: "Từ đầu năm 2013 tới nay, tôi đi tư vấn hướng
nghiệp cho hơn 10 trường THPT trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành Đông Nam Bộ. Dù
vẫn còn đắn đo trong vấn đề việc làm, mức độ cạnh tranh khi ra trường, nhưng các em
vẫn quan tâm nhiều tới khối ngành Kinh tế".

Ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho rằng: " Việc học sinh
chọn khối kinh tế đã từ lâu và tiền lệ, lý do các học sinh chọn thi kinh tế là tâm lý
và đa phần nhìn nhận học kinh tế ra trường lương cao…

“Tuy nhiên, các em cần lượng sức khi chọn thi khối ngành Kinh tế vì điểm thi của
khối này rất cao, những học sinh khá giỏi mới đủ sức để thi" – lời ông Cường.



  • Anh Thư

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/108110/ty-le-choi-nganh-kinh-te-se-ngat-nguong-.html

Triển khai thi hành Luật Giáo dục Đại học

Posted: 04 Feb 2013 02:43 AM PST

(GDTĐ)- Ngày 2/7/2012, Chủ tịch nước ký Lệnh số 06/2012/L-CTN công bố Luật giáo dục đại học đã được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/62012. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục đại học, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn.

Luật giáo dục đại học bao gồm 12 chương, 73 điều. Luật đã quy định chi tiết, cụ thể các chính sách phát triển giáo dục đại học, tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Báo Giáo dục và Thời đại trao đổi với ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GDĐT xung quanh việc triển khai thi hành Luật giáo dục đại học.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bùi Anh Tuấn. Ảnh: gdtd.vn
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bùi Anh Tuấn. Ảnh: gdtd.vn

PV. Một trong những vấn đề mới được quy định tại Luật là phân tầng đại học. Ông có thể cho biết vài nét về Nghị định về phân tầng và xếp hạng ĐH Bộ GDĐT đang triển khai xây dựng để trình Chính phủ?

Ông Bùi Anh Tuấn: Luật giáo dục đại học được ban hành nhằm mục tiêu thể chế hóa các chủ trương chính sách của Đảng về giáo dục, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động giáo dục đại học để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế tri thức trong giai đoạn tiếp theo.

Để đạt được mục tiêu trên, Luật giáo dục đại học quy định bốn vấn đề mới cơ bản gồm: phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và vấn đề kiểm soát chất lượng đào tạo. 

Khi thực hiện Luật giáo dục đại học, hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của nước ta sẽ được phân tầng thành các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp. Mỗi một loại hình trường có mục tiêu đào tạo khác nhau. Khoản 1 Điều 9  Luật đã quy định:"Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quản lý nhà nước".

Để từng bước thực hiện phân tầng đại học, Luật đã quy định: "Tăng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học; đầu tư có trọng điểm để hình thành một số cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành công nghệ cao và ngành kinh tế – xã hội then chốt đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới" (Khoản 2 Điều 12).

Việc phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học là vấn đề mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng Nghị định về phân tầng và xếp hạng để trình Chính phủ.

Nghị định sẽ quy định rõ các tiêu chí phân tầng theo định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng nghề nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ dự thảo quy định về tiêu chuẩn phân tầng cơ sở giáo dục đại học, khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo mỗi tầng và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học.

Trên cơ sở các quy định về xếp hạng, sẽ có nhiều tổ chức được phép tham gia xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Theo Luật quy định kết quả xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học sẽ được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng đối với đại học, trường đại học; Bộ trưởng Bộ GDĐT công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng.

PV.Vấn đề xã hội hóa giáo dục đại học, trong đó có quy định về cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có yếu tố nước ngoài hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong văn bản dưới luật?

Ông Bùi Anh Tuấn: Xã hội hóa giáo dục là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Chủ trương này đã được quy định trong Luật giáo dục và nay tiếp tục được cụ thể hóa trong Luật giáo dục đại học. Theo đó "Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học; ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; ưu tiên cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm các điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật; cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục đại học vì mục đích vụ lợi." (khoản 3 Điều 12).

Để tránh tình trạng một cơ sở giáo dục đại học nào đó muốn lợi dụng danh nghĩa phi lợi nhuận để mưu cầu lợi nhuận, tại khoản 3 Điều 66 về quản lý tài chính của cơ sở giáo dục đại học đã quy định:

"Phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học tư thục được sử dụng như sau:

a) Dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế;

b) Phần còn lại, nếu phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở giáo dục đại học thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế."

Mặt khác để đảm bảo sự phát triển bền vững của nhà trường, Luật qui định giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở giáo dục đại học tư thục là tài sản chung không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển; Tài sản và đất đai Nhà nước giao cho cơ sở giáo dục đại học tư thục quản lý và tài sản cơ sở giáo dục đại học tư thục được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng phải được sử dụng đúng mục đích, không chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào;

Nhà nước và xã hội dựa vào việc sử dụng phần tài chính chênh lệch giữa thu chi và tài chính trong hoạt động của nhà trường để có chính sách phù hợp. Với quy định đó, một mặt, Nhà nước không cấm các cơ sở giáo dục đại học hoạt động vì lợi nhuận hợp lý, và mặt khác, có chính sách phù hợp, khuyến khích đối với cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận.

Để cụ thể hóa các quy định này của Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật. Trong đó quy định cụ thể tiêu chí các định cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có yếu tố nước ngoài hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Kèm với đó là quy định cụ thể về chính sách đối của Nhà nước đối với các loại cơ sở giáo dục đại học này và những chế tài của Nhà nước nếu các cơ sở này không thực hiện đúng theo cam kết.

PV.Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học sẽ đi kèm với việc tự chịu trách nhiệm như thế nào, thưa vụ trưởng?

Ông Bùi Anh Tuấn: Tự chủ là một thuộc tính của cơ sở giáo dục đại học. Vấn đề này được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định của Luật giáo dục đại học. Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học được quy định tương ứng với năng lực và điều kiện đảm bảo quyền tự chủ.

Quyền tự chủ đi kèm với tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học. Trách nhiệm lớn nhất của cơ sở giáo dục đối với xã hội là bảo đảm chất lượng đào tạo. Luật qui định cơ sở giáo dục đại học được tự chủ in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học. Như vậy, đã gắn chất lượng đào tạo với tên tuổi của nhà trường.

Trên thực tế, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho các trường tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng; tổ chức tuyển sinh; trong xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo; trong xây dựng và công bố chuẩn đầu ra và thực hiện các biện pháp đảm bảo chất lượng…vv.

Các cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành và chuyên ngành đào tạo, chuẩn đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, học phí và các thông tin quan trọng khác liên quan đến tổ chức đào tạo…vv. Việc công khai các thông tin này một mặt thể hiện sự cam kết về chất lượng đào tạo của nhà trường, mặt khác để các lực lượng xã hội tham gia giám sát thực hiện chất lượng đào tạo của nhà trường.

Hội đồng trường là thiết chế không thể thiếu để giao quyền tự chủ cho các trường. Điều 16 Luật giáo dục đại học bổ sung quy định về hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục đại học công lập so với quy định tại Điều 52 của Luật giáo dục cho phù hợp hơn với thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam.

PV. Khi Luật giáo dục đại học có hiệu lực, vấn đề kiểm soát chất lượng đào tạo sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Bùi Anh Tuấn: Luật Giáo dục Đại học đã đưa vào những điều khoản kiểm soát chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Thay vì qui định chương trình khung như trước đây, Luật giáo dục đại học quy định về chuẩn tối thiểu kiến thức, kỹ năng tại khoản 3 Điều 36 như sau:" Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ…".

Thực hiện các quy định trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng khối lượng kiến thức tối thiểu đối với các trình độ đào tạo, ngành đào tạo để thay thế cho các chương trình khung trước đây, nhằm tạo quyền chủ động hơn cho các trường trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo. Tuy nhiên, đây là công việc đòi hỏi phải có thời gian. Trong khi chưa ban hành được các chuẩn kiến thức, kỹ năng thì các cơ sở giáo dục đại học có thể tham khảo các chương trình khung đã ban hành để xây dựng chương trình đào tạo.

Để khuyến khích các trường xây dựng và phát triển các chương trình chất lượng cao, cho phép xác định học phí ngày càng sát hơn với chi phí đào tạo, khoản 6 Điều 65 Luật giáo dục đại học quy định: "Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo".

Song song với việc thiết lập các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo, Luật cũng đưa ra khung pháp lý của việc tổ chức, hoạt động công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quyền tự chủ. Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được xếp hạng theo những tiêu chí được các cấp có thẩm quyền qui định.

PV. Luật giáo dục đại học còn có nội dung nào đáng chú ý ngoài 4 điểm mới cơ bản trên?

Ông Bùi Anh Tuấn: Ngoài 4 điểm mới cơ bản trên, Luật giáo dục đại học còn có các điều, khoản quy định về chức danh giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học (gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư); quy định trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học; qui định cấp có thẩm quyền ban hành chuẩn quốc gia của cơ sở giáo dục đại học; quy định về công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học và công tác thanh tra, kiểm tra…

Việc quy định giảng viên đại học gồm 5 chức danh sẽ tạo cơ hội để xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên. Đây chính là thể hiện chính sách của Nhà nước đối với đội ngũ giảng viên, lần đầu tiên 5 chức danh giảng viên được quy định trong Luật.

Đồng thời, để huy động đội ngũ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ đến tuổi nghỉ chế độ, Luật giáo dục đại học đã quy định việc kéo dài thời gian giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên này.  

PV. Sau khi Luật giáo dục đại học được Quốc hội thông qua, việc soạn thảo các văn bản quy định chi tiết Luật là nhiệm vụ không kém phần quan trọng để góp phần nhanh chóng đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống. Bộ GDĐT đã tiến hành công việc này như thế nào?

Ông Bùi Anh Tuấn: Theo kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thi hành Luật GDĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì để quy định chi tiết Luật giáo dục đại học sẽ có 36 văn bản, bao gồm: ban hành mới 12 văn bản; sửa đổi, bổ sung 24 văn bản. Cụ thể như sau: Chính phủ ban hành mới 05 Nghị định, sửa đổi, bổ sung 02 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành mới 01 Quyết định; sửa đổi, bổ sung 08 Quyết định; Liên Bộ ban hành 04 Thông tư liên tịch; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mới 06 Thông tư; sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế 19 Thông tư.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch. Hiện nay có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được gửi xin ý kiến của các bộ/ngành, đưa lên mạng lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

PV.Xin cảm ơn ông!

                                         Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201302/Trien-khai-thi-hanh-Luat-Giao-duc-Dai-hoc-1966768/

Giáo viên vùng cao Bắc Yên không một đồng thưởng Tết

Posted: 04 Feb 2013 02:43 AM PST


"Mười ba năm làm giáo viên vùng cao, nhưng chưa bao giờ tôi nhận được một đồng thưởng Tết" – thầy Đỗ Ngọc Khang, hiệu trưởng trường THCS Hang Chú (Bắc Yên, Sơn La) chia sẻ.

Thưởng Tết – chuyện "trong mơ"

Hơn 4 tiếng chạy xe máy, trong cơn mưa phùn mùa xuân, vượt qua những đoạn đường đầy sình lầy do sạt lở núi, và con đường dài bị phủ kín bởi một màn sương giày đặc hạn chế tầm nhìn dưới 5m, chúng tôi đã đến được ngôi trường nằm ở nơi xa nhất của huyện Bắc Yên (Sơn La) – THCS Hang Trú.

Ngôi trường với khoảng 20 giáo viên, trong số đó đa phần là người Kinh, trò chuyện cùng với các thầy cô, chúng tôi biết được quê nhiều người ở tận Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định. Vì vậy, dịp Tết Nguyên đán chính là khoảng thời gian các thầy cô mong chờ nhất để được về đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng con đường về quê ăn Tết đó cũng thật gian nan, vất vả.

Thầy Nguyễn Đình Dinh, giáo viên dạy Văn, quê ở Hưng Yên chia sẻ trong những dịp Tết, để về quê anh phải đi mất 2 ngày đường: “Nếu tôi đi xe máy nhanh nhất cũng phải 8h tối mới về đến nhà, nhưng rất nguy hiểm. Còn nếu đi ô tô, tôi phải bắt xe xuống thị trấn Bắc Yên, sáng hôm sau đi xe khách về Hà Nội, từ đó mới bắt xe về quê”. Nhưng đây là chuyện của hơn một năm trở lại đây khi con đường nhựa chạy qua trường đã được hoàn thành.


Thầy Nguyễn Đình Dinh – giáo viên lâu năm nhất của trường.

Thời gian đầu nhận công tác tại trường, thầy Dinh cho biết do chưa có đường chạy qua, các thầy cô giáo dạy học ở đây phải đi tắt đường rừng hơn một ngày mới về được đến thị trấn để có xe về quê.

Vài năm sau, con đường đất chạy qua trường được mở đã giúp các thầy có thể sử dụng xe máy. Nhưng đoạn đường cũng vẫn rất gian nan với hàng chục cây số đường rừng núi và nhiều suối sâu nguy hiểm. Thầy Dinh nhớ lại: “Có lúc gặp mưa to, đường trơn, suối sâu, không qua được, anh em chúng tôi phải ngủ nhờ nhà dân, chờ tạnh ráo mới dám đi tiếp”.

Đường xa, đi lại khó khăn vất vả nhưng các thầy cô giáo vẫn quyết tâm bám trụ lại đây với mong muốn đem cái chữ cho con em người dân tộc, để các em bớt cảnh đói nghèo. Tết Nguyên đán đã gần kề, các thầy cô giáo nơi đây vẫn miệt mài với công việc của mình, thế nhưng, trong khi người thành phố ngập tràn thông tin về thưởng Tết thì ở đây, đó là chuyện "trong mơ".

Thầy Đỗ Ngọc Khanh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Mười ba năm công tác trong nghề giáo, và dạy chủ yếu ở vùng cao nhưng mỗi dịp Tết đến, không có một đồng thưởng nào".

 Thầy Nguyễn Ngọc Khang – HT trường THCS Hang Chú (Bắc Yên, Sơn La).

Là người gắn bó với trường lâu năm nhất, thầy Nguyễn Đình Dinh ngậm ngùi nói: "Nghe chuyện có trường dưới xuôi thưởng đến hàng triệu đồng mà thấy chạnh lòng. Hơn mười năm dạy học tại đây, từng đi bộ vài ngày để vào tận nhà vận động các em đến trường, nhưng chưa bao giờ tôi nhận được tiền thưởng Tết".

Món quà Tết duy nhất các thầy cô của trường được nhận chỉ là cuốn lịch năm mới. Đây cũng là số tiền trích từ quỹ công đoàn do chính giáo viên đóng góp. Việc làm này cũng mới diễn ra vài năm gần đây khi cuộc sống của các thầy cô đã ổn định hơn.

Cô Nguyễn Thị Hà (giáo viên Sinh – Hóa) tâm sự: "Khi nhận món quà này, tôi cũng không khỏi chạnh lòng. Cuộc sống khó khăn nên đành phải tự an ủi nhau bằng món quà tinh thần".


Cô Nguyễn Thị Hà trong giờ lên lớp.

Giải thích về vấn đề này, thầy Đỗ Ngọc Khang cho biết, nhà trường cũng đã có kiến nghị lên chính quyền xã và huyện, tuy nhiên do ngân sách hạn hẹp nên đến giờ vẫn "lực bất tòng tâm" về câu chuyện thưởng Tết cho giáo viên. Trên cương vị hiệu trưởng nhà trường, thầy Khanh cũng rất trăn trở về vấn đề này.

Thầy chia sẻ một thực tế các trường dưới xuôi còn có thể cân đối thu chi để thưởng Tết cho giáo viên, nhưng ở đây ổn định cuộc sống cho giáo viên cũng phải mất một thời gian dài, khó có điều kiện để cải thiện được vấn đề này.

Trường THCS Hang Chú có gần 300 học sinh và tất cả đều là con em đồng bào dân tộc Mông. Điều kiện sống của người dân nơi đây rất khó khăn, thiếu thốn. Bản thân phụ huynh còn không thể chăm lo đầy đủ  cho con em mình, nên cũng chưa bao giờ giáo viên ở đây nhận được quà của gia đình học sinh.

Cô Hà cho biết: "Người dân ở đây nghèo, đói đến cái ăn cái mặc còn chưa đủ, nói gì đến chuyện cho quà giáo viên dù chỉ là những món quà "cây nhà lá vườn". Gần Tết, thời tiết trên này rất lạnh, nhiều em áo ấm không đủ, ngồi học mà rét run. Thương cảm cho hoàn cảnh của các em, nên nhiều khi tôi và các giáo viên khác còn phải cho học sinh quần áo cũ để mặc".

Về vấn đề này, bà Lê Thị Loan – Trưởng phòng GD – ĐT huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: “Đối với các trường dưới xuôi còn có thể cân đối chi tiêu, hay nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, phụ huynh để có thể thưởng Tết cho giáo viên; còn đối với những trường của huyện Bắc Yên thì hoàn toàn không có điều kiện để làm việc này. Phòng GD – ĐT cũng không đủ ngân sách để hỗ trợ giải quyết vấn đề”.

Hy vọng những đổi thay trong năm mới

Đối với các giáo viên vùng cao, niềm hạnh phúc trong những ngày Tết chính là được trở về bên gia đình và khi quay trở lại trường vẫn nhìn thấy trọn vẹn, đầy đủ những "đứa con người Mông" của mình đến lớp.

Năm mới sắp đến, các thầy cô đang bám trụ tại nơi xa nhất của huyện Bắc Yên (Sơn La) đều mong muốn những điều tốt đẹp sẽ tới.

Là một trong số ít những giáo viên nữ của trường, cô Hà tâm sự: "Tôi hy vọng năm mới, nhà nước sẽ có chính sách quan tâm đến đời sống giáo viên vùng cao hơn nữa, để các thầy cô có thể yên tâm công tác. Còn chuyện thưởng Tết, có thể chỉ một trăm nghìn, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ rất vui mừng. Vì điều đó thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với các giáo viên nơi đây".

Thầy giáo dạy Văn Nguyễn Đình Dinh lại mong muốn: "Tôi mong năm mới, nhà trường sẽ được đầu tư để cải thiện nơi ở cho học sinh thay vì một phòng bán trú có tới 25 em như hiện nay".


Phòng bán trú nhỏ, sơ sài là nơi ở của hơn 20 học sinh người Mông.

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng gặp gỡ với các giáo viên vùng cao những ngày cận Tết, chúng tôi vẫn thấy nụ cười luôn nở trên môi các thầy các cô. Dường như, nhiệt huyết với nghề, và tình yêu với trò luôn là động lực giúp họ vượt qua mọi khó khăn.

An Hoàng

Theo Infonet

Nguồn: http://news.zing.vn/nhip-song-tre/giao-vien-vung-cao-bac-yen-khong-mot-dong-thuong-tet/a300793.html

Báo cáo thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới ngành GD

Posted: 04 Feb 2013 01:43 AM PST

(GDTĐ)-Bộ GDĐT vừa có văn bản yêu cầu giám đốc các sở GDĐT; Giám đốc các ĐH, Học viện, viện ĐH, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ trực thuộc Bộ và thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2012.

Ảnh MH
Ảnh MH

Theo đó, báo cáo tập trung vào một số nội dung: Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị với các hoạt động tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Kết quả thực hiện 3 chỉ tiêu của mục tiêu 1 được quy định tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và 4 chỉ tiêu của mục tiêu 1 quy định tại Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2012 – 2015.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Kết quả thực hiện 2 chỉ tiêu của mục tiêu 3 được quy định tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và các chỉ tiêu của mục tiêu 2,3,4 quy định tại Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2012 – 2015.

Vụ Pháp chế: báo cáo công tác rà soát văn bản QPPL hiện hành để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới văn bản QPPL nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong ngành, lĩnh vực phụ trách. Các nghiên cứu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

-Văn phòng Bộ: báo cáo công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của ngành; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

Vụ Tổ chức cán bộ: báo cáo công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; công tác hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, tập huấn về giới và lồng ghép giới; công tác đánh giá về thực trạng bình đẳng giới.

Thanh tra Bộ: báo cáo về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới.

Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường: báo cáo tình hình tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học về bình đẳng giới.

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam: báo cáo tình hình rà soát, loại thông tin, hình ảnh, kiến thức định kiến giới trong chương trình, sách giáo khoa phổ thông và tài liệu giảng dạy.

Vụ Giáo dục Đại học: báo cáo tình hình nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ để tăng nhanh tỷ lệ phụ nữ được đào tạo sau đại học.

Bộ GDĐT đề nghị các đơn vị xây dựng báo cáo thể hiện rõ tình hình thực hiện, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc; những đề xuất, kiến nghị và gửi về Bộ trước ngày 15/2/2013. 

NN

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3222/201302/Bao-cao-thuc-hien-muc-tieu-quoc-gia-ve-binh-dang-gioi-nganh-GD-1966766/

Chỉ tiêu tuyển sinh Đại học Thủy Lợi cơ sở 2 năm 2013

Posted: 04 Feb 2013 01:43 AM PST

- Tuyển sinh trong cả nước.
– Ngày thi và khối thi theo quy định của Bộ GDĐT.

- Điểm xét tuyển: có điểm chuẩn vào trường (TLA khác TLS); có điểm chuẩn xét chuyển  TLA về TLS; điểm xét tuyển theo ngành.

- Hồ sơ  ĐKDT (TLA và  TLS) các Sở GDĐT gửi về phòng Đào tạo ĐHSĐH của Trường ở Hà Nội.

- Thí sinh ĐKDT vào Cơ sở 2 (TLS), nếu trúng tuyển sẽ học tại số 2 Trường Sa, phường 17, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh và Thị trấn An Thạnh – Bình Dương.

- Thời gian đào tạo hệ đại học: 4,5 năm; riêng 03 ngành Kinh tế, Kế toán, Quản trị kinh doanh là 4 năm.

- Hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ, tạo điều kiện cho sinh viên có thể học lấy hai bằng trong cùng một thời gian.

- Chương trình đào tạo được tham khảo các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ và các nước tiên tiến trên thế giới.

- Giáo trình, sách tham khảo của các môn học được nhập khẩu của các trường danh tiếng trên thế giới, chủ yếu là Hoa Kỳ.

- Từ năm 2008, Trường Đại học Thuỷ lợi được Bộ Giáo dục Đào tạo cấp kinh phí và cho phép tuyển sinh hệ đại học chính quy theo chương trình đào tạo tiên tiến hợp tác với Đại học Bang Colorado (Colorado State University), Hoa Kỳ, ngành Kỹ thuật tài nguyên nước; Lớp học bằng tiếng Anh do giảng viên của Đại học bang Colorado và trường Đại học Thuỷ lợi phối hợp giảng dạy.

- Từ năm 2010, Trường Đại học Thuỷ lợi được Bộ Giáo dục Đào tạo cấp kinh phí và cho phép tuyển sinh hệ đại học chính quy theo chương trình đào tạo tiên tiến hợp tác với Đại học Arkansas, Hoa Kỳ, ngành Kỹ thuật xây dựng (chuyên ngành Kỹ thuật công trình thủy); Lớp học bằng tiếng Anh do giảng viên của Đại học Arkansas, Hoa Kỳ và trường Đại học Thuỷ lợi phối hợp giảng dạy.

- Chương trình tiên tiến xét tuyển đối với thí sinh dự thi đại học, cao đẳng có điểm từ điểm chuẩn vào ngành tương ứng và đáp ứng yêu cầu tiếng Anh của chương trình (thí sinh dự thi trường khác khối A có nguyện vọng xét tuyển đăng kí theo mẫu có phát tại trường hoặc trên website của trường).

- Hệ Cao đẳng không thi tuyển riêng mà xét tuyển theo quy định chung của Bộ GDĐT.

- Thí sinh ĐKDT vào hệ Cao đẳng (TLS) nếu trúng tuyển sẽ học tại Viện Đào tạo và khoa học ứng dụng Miền Trung – 74 Phố Yên Ninh, Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận.

- Hệ liên thông hoàn chỉnh kiến thức từ cao đẳng lên đại học: thời gian đào tạo 2 năm.

- Thông tin chi tiết xem tại: www.wru.edu.vn

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tuyen-sinh/Chi-tieu-tuyen-sinh-Dai-hoc-Thuy-Loi-co-so-2-nam-2013/274498.gd

Trường tung ưu đãi trước mùa tuyển sinh

Posted: 04 Feb 2013 12:43 AM PST

(GDTĐ)-Mùa tuyển sinh 2013, nhiều trường ĐH, cả công và tư đều công bố nhiều ưu đãi đối với người học.

Thí sinh tham gia tư vấn tuyển sinh 2012. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh tham gia tư vấn tuyển sinh 2012. Ảnh: gdtd.vn

Một trong những trường ĐH công bố học bổng "khủng là ĐH FPT với chương trình học bổng gồm 100% học phí cùng hỗ trợ 100 triệu đồng chi phí ăn ở trong suốt 4 năm học. Theo trường này đây là một trong những cơ hội học bổng lớn nhất mà học sinh Việt Nam có thể đạt được cho kì tuyển sinh ĐH năm 2013. Nằm trong diện xét chọn là học sinh giỏi toàn diện năm học lớp 11; là thành viên đội tuyển các tỉnh, thành phố tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học năm 2012 hoặc 2013. Ưu tiên cho các ứng viên đạt từ giải 3 trở lên trong kỳ thi này và thành viên đội tuyển quốc gia dự thi các kỳ thi Olympic quốc tế.

Thông báo tuyển sinh năm 2013 của Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, trường sẽ dành nhiều suất học bổng đầu vào cho những thí sinh có kết quả thi ĐH đạt từ 15 điểm trở lên hoặc có kết quả thi CĐ đạt từ 12 điểm trở lên. Chỉ tiêu ĐH của trường năm nay là 450, chỉ tiêu CĐ là 200.

ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, hàng năm, trường cấp hàng nghìn xuất học bổng khuyến khích học tập và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 5-6 tỷ đồng và xét chọn các sinh viên nhận học bổng đi du học tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Năm 2012, Nhà trường đã chọn 28  sinh viên xuất sắc đi học đại học tại ĐH Bách khoa Hàn Quốc, mỗi sinh viên nhận học bổng toàn phần cả khóa học là 60.000USD (1.2 tỷ đồng).

Hình thức hỗ trợ khá đặc biệt có thể kể đến ĐHQGHN. Theo đó, kỳ tuyển sinh 2013, sinh viên thi vào 14 ngành đào khoa học cơ bản của trường sẽ được hỗ trợ chi phí tối thiểu bằng mức học phí sinh viên phải đóng theo chương trình đào tạo. 14 ngành được ưu đãi cụ thể là: Máy tính và khoa học thông tin, Khoa học vật liệu, Địa lý tự nhiên, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học, Thủy văn học, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học đất, Triết học, Lịch sử, Văn học, Hán Nôm, Nhân học và Việt Nam học.

Riêng ĐH KHTN (ĐHQGHN), ngoài hình thức hỗ trợ trên, sinh viên theo học các ngành khó tuyển còn được hỗ trợ về tài liệu học thuật và điều kiện thực tốt hơn những ngành khác. 

Hải Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201302/Truong-tung-uu-dai-truoc-mua-tuyen-sinh-1966769/

Comments