Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Sẽ rà soát, đào tạo lại giáo viên được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học

Posted: 10 Jan 2017 08:35 AM PST


 – Bộ GD-ĐT vừa có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp thực hiện rà soát, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên THCS và THPT được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học trong thời gian tới.

Sẽ rà soát, đào tạo lại giáo viên được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học

Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian qua vẫn còn một số địa phương làm chưa tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, gắn đào tạo, bồi dưỡng với tuyển dụng và bố trí, sử dụng. Việc này dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thừa giáo viên THCS, THPT nhưng thiếu giáo viên mầm non, tiểu học.

Một số địa phương đã điều chuyển giáo viên THCS, THPT dạy tiểu học và mầm non khi chưa được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học theo quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Để khắc phục, Bộ GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp đẩy mạnh công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, gắn với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên các cấp học phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Cùng đó, rà soát số lượng giáo viên THCS, THPT dư dôi của địa phương đang được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học nhưng chưa được đào tạo đạt chuẩn; xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, phối hợp với các cơ sở đào tạo được Bộ giao nhiệm vụ, triển khai đào tạo lại số giáo viên này đạt trình độ theo quy định.

Bộ GD-ĐT tạo cũng sẽ chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng khung chương trình đào tạo văn bằng 2 cho những giáo viên THCS, THPT điều chuyển dạy mầm non, tiểu học để triển khai thống nhất trong toàn quốc.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị kịp thời phản ánh tình hình và những vướng mắc tại địa phương trong việc sắp xếp, bố trí giáo viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để thống nhất cách giải quyết.



Xem nguồn

Ý tưởng trẻ thơ 2016: 12 thư viện cho trường tiểu học

Posted: 10 Jan 2017 07:53 AM PST


Trong khuôn khổ Cuộc thi "Ý tưởng Trẻ thơ", Honda VN đã trích ra số tiền 2,5 tỷ đồng trao tặng thư viện cho 12 trường tiểu học nghèo và 680 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong học tập.

Cuộc thi "Ý tưởng Trẻ thơ"

Cuộc thi "Ý tưởng Trẻ thơ" được Honda triển khai lần đầu tại Nhật Bản năm 2002, và 2016 là năm thứ 9 cuộc thi được phối hợp tổ chức tại Việt Nam. Cuộc thi được phổ biến tại các trường tiểu học trên cả nước nhằm khuyến khích các em nhỏ thể hiện khả năng tư duy, quan sát, sáng tạo và dám mơ ước thông qua các ý tưởng, phát minh mà các em gửi gắm qua tranh vẽ.

Ý tưởng trẻ thơ 2016: 12 thư viện cho trường tiểu học

Ông Kiwamu Kayano – Phó TGĐ Công ty Honda Việt nam trao tặng trang thiết bị thư viện cho trường Chế Cu Nha tại tỉnh Yên Bái

Trong năm 2016, số lượng tranh dự thi gửi về tiếp tục là con số kỷ lục với gần 450.000 bức. Qua các vòng thi, Ban tổ chức đã chọn và trao giải thưởng cho các em trong tháng 8 vừa qua. Để nhân rộng thông điệp ý nghĩa Cuộc thi, Honda Việt Nam đã trích ra số tiền 2,5 tỷ đồng giành tặng cho các hoạt động khuyến học ý nghĩa bao gồm trao tặng 680 suất học bổng cho 68 trường tiểu học có số lượng tranh dự thi hợp lệ cao nhất của 63 tỉnh trên cả nước và hỗ trợ trang thiết bị thư viện cho 12 trường tiểu học nghèo thuộc 12 tỉnh bao gồm Yên Bái, Nam Định, Thừa Thiên Thuế, Quảng Trị, Lâm Đồng, Gia Lai, Tây Ninh, An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, và Bạc Liêu.

Đây là năm thứ 5 chương trình trao tặng thư viện "Ý tưởng trẻ thơ" đến với các trường nghèo trên cả nước, nâng tổng số trường nhận thư viện lên con số 48 trường. Các trường được hỗ trợ thư viện mới đều là các trường còn khó khăn và thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Việc có thêm tủ sách mới khang trang, đẹp đẽ, phòng đọc rộng rãi cùng tivi, máy tính sẽ cho các em có thêm động lực tới trường mỗi ngày. Những thư viện mới với nhiều đầu sách sẽ mở ra cho các em những thế giới mới diệu kỳ.

Ý tưởng trẻ thơ 2016: 12 thư viện cho trường tiểu học

Đại diện HVN chia sẻ niềm vui cùng các em học sinh tiểu học TT Giồng Trôm thuộc tỉnh Bến Tre

Mở rộng số lượng trường được trao tặng

Để nhân rộng hoạt động ý nghĩa và nhân văn này, Ban Tổ chức Cuộc thi "Ý tưởng trẻ thơ" quyết định mở rộng số lượng trường được trao tặng từ 10 trường năm 2015 lên 12 trường năm 2016, bao gồm: PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái); Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (huyên Ia Pa, tỉnh Gia Lai); Tiểu học Vinh Hà (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế); Tiểu học Trị trấn Giồng Trôm (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre); Tiểu học Tà Rụt (huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị);

Ý tưởng trẻ thơ 2016: 12 thư viện cho trường tiểu học

Ông Kiyokazu Sasabe – Phó TGĐ HVN cắt băng khánh thành thư viện tại trường tiểu học ở Vĩnh Long

Tiểu học Tân Mỹ A (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long); Tiểu học Phước Vinh (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh); Tiểu học Tuân Tức 1 (huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng); Tiểu học Cửu Long 2 (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu); Tiểu học A Nhơn Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang); Tiểu học Trực Đạo (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định); Tiểu học Liêng Srônh (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng).

Ý tưởng trẻ thơ 2016: 12 thư viện cho trường tiểu học

Thư viện mới ở tiểu học Tân Mỹ A, tỉnh Vĩnh Long được trang bị đầy đủ bàn ghế, máy tính, ti vi, đầu DVD và đa dạng các đầu sách

Mỗi thư viện sẽ được trang bị đầy đủ các thiết bị đồng bộ và đảm bảo chất lượng, bao gồm: bàn ghế học sinh, bàn ghế máy tính, bàn ghế thủ thư, tivi và đầu đĩa DVD, máy tính bàn, kệ sách, cùng khoảng 2.300 đầu sách với nội dung đa dạng, hấp dẫn dành cho lứa tuổi thiếu nhi, trị giá cho mỗi thư viện lên đến 180 triệu đồng.

Sau ngày thư viện mới chính thức được mở cửa, mỗi ngày tới trường với các em nhỏ sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi được khám phá với nhiều đầu sách khác nhau, từ sách giáo khoa, sách khoa học, truyện cổ tích, đến những sách về kĩ năng sống, câu chuyện về những nhân vật, tâm gương điển hình… Các em cũng sẽ được thầy cô hướng dẫn sử dụng thư viện đúng cách, lựa chọn và đọc sách hiệu quả.

Ý tưởng trẻ thơ 2016: 12 thư viện cho trường tiểu học

Ông Nguyễn Đức Hữu-Vụ phó Vụ GD Tiểu học, Bộ GD&ĐT (giữa) cắt băng khánh thành thư viện tại tiểu học Trực Đạ

Hy vọng thư viện sẽ không chỉ đơn thuần là nơi đọc sách mà sẽ là "góc học tập" yêu thích. Ban Tổ chức tin rằng, việc xây dựng thói quen đọc sách mỗi ngày sẽ giúp các em nhỏ học thêm nhiều kiến thức bổ ích, nuôi dưỡng tâm hồn, từ đó hoàn thiện bản thân và hình thành kĩ năng sống, chuẩn bị những hành trang tốt nhất cho tương lai.

Minh Ngọc



Xem nguồn

Thi vô địch tiếng Anh với tổng giải thưởng 40 tỷ đồng

Posted: 10 Jan 2017 07:11 AM PST


Cuộc thi English Champion 2017 dự kiến sẽ có gần 30.000 thí sinh tham dự trên toàn quốc với tổng giá trị giải thưởng lên tới 40 tỷ đồng. 

Ban tổ chức cho biết với chủ đề "English can change your world", English Champion 2017 dự kiến sẽ thu hút 30.000 thí sinh từ lớp 4 đến lớp 8 tham gia.

Thi vô địch tiếng Anh với tổng giải thưởng 40 tỷ đồng

Hoạt động của các thí sinh tại vòng chung kết của English Champion 2016 

Khác với các mùa thi trước, cuộc thi English Champion 2017 lần đầu tiên áp dụng hình thức thi trực tuyến online tại Vòng 1 và Vòng 2. Để đảm bảo tính công bằng, tất cả các thí sinh sẽ chỉ được đăng ký 1 tài khoản duy nhất tham gia kỳ thi và làm bài vào các ca thi cố định theo lịch của Ban tổ chức. Bên cạnh đó, hệ thống sẽ áp dụng các cơ chế chống gian lận khi thi cử, đảm bảo đánh giá sát nhất năng lực, trình độ của mỗi thí sinh. 

Thí sinh dự thi sẽ trải qua 4 vòng thi: Vòng 1 (Knowledge Blaze) và 2.000 thí sinh sẽ được chọn vào Vòng 2 (Skill Forge). Thí sinh tham gia bài thi trực tuyến để đánh giá kỹ năng nghe và đọc hiểu, có kiến thức Toán – Khoa học để chọn ra 500 thí sinh đứng đầu mỗi khối lớp của mỗi khu vực. Vòng 3 (Battle Ready), thí sinh sẽ thi đấu loại trực tiếp theo khối với kiến thức Toán – Khoa học và Xã hội bằng tiếng Anh. Top 10 thí sinh xuất sắc nhất toàn quốc sẽ được lựa chọn để tham gia Vòng 4 – World Changers được tổ chức tại TP.HCM.

Tổng giá trị giải thưởng English Champion 2017 là gần 40 tỷ đồng. Quán quân cuộc thi mỗi khối sẽ nhận được phần thưởng trị giá 5.000.000 đồng tiền mặt, học bổng toàn phần cho một năm học trị giá 60.000.000 đồng và các phần quà khác. 

Các thí sinh đạt giải Nhì của mỗi khối sẽ được nhận 3.000.000 đồng tiền mặt và học bổng trị giá tới 30.000.000 đồng cho một năm học và các phần quà khác. 

Ngân Anh



Xem nguồn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần hỗ trợ, phát huy mọi khả năng của Hội Khuyến học

Posted: 10 Jan 2017 06:29 AM PST


Thông báo kết luận nêu rõ, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Hội Khuyến học Việt Nam đã thực hiện tốt các nhiệm vụ theo đúng tôn chỉ mục đích của một Hội đặc thù, một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Hội thực hiện nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài thúc đẩy giáo dục toàn dân, giáo dục suốt đời, hội nhập quốc tế để góp phần xây dựng một xã hội học tập, nâng cao dân trí phát triển đất nước.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan cần chủ động, tích cực hỗ trợ Hội một cách thiết thực, cụ thể thông qua việc đặt hàng, đề xuất nhiệm vụ với Hội để Hội phát huy mọi khả năng, nguồn lực của mình thực hiện nghiên cứu, triển khai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với Hội trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Đặc biệt các vấn đề đang được xã hội quan tâm như công tác tuyển sinh, chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tự chủ đại học, vấn đề lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn,…


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V

Về việc xây dựng mô hình "Thành phố học tập", "Công dân học tập", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng trong thời gian qua và nghiên cứu đề xuất các giải pháp để hoàn thiện mô hình Trung tâm học tập cộng đồng phù hợp với điều kiện của Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đặt hàng với Hội thực hiện đề tài "Nghiên cứu và xây dựng mô hình Thành phố học tập, Công dân học tập" từ nguồn kinh phí triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan chủ động tiến hành nghiên cứu các tiêu chí phù hợp với điều kiện Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các mô hình này.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn nội dung và mức chi thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020" giúp các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương.

Về đề nghị phát triển mạng lưới tổ chức Hội thông qua việc thành lập các chi hội khuyến học, khuyến tài tại các Bộ, ngành, cơ quan và các trường đại học, Phó Thủ tướng đề nghị Hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học sớm triển khai việc thành lập các chi hội khuyến học; đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc thành lập chi hội khuyến học tại các Bộ, ngành, cơ quan.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cấp Hội ở địa phương đánh giá, xếp loại Cộng đồng học tập cấp xã một cách thiết thực, hiệu quả. Kinh phí thực hiện, lấy từ nguồn kinh phí xây dựng xã hội học tập của địa phương.

Hồng Hạnh



Xem nguồn

Clip: Cô giáo lấm lem bùn đất trầy trật đi xe máy đến trường

Posted: 10 Jan 2017 05:47 AM PST


– Để đến được điểm trường mình dạy học, các cô giáo Trường Mầm non Huổi Mí (xã Huổi Mí, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) đã phải trầy trật, lăn lộn cùng với chiếc xe máy của mình trên những cung đường hẹp, vô cùng khúc khuỷu, gập ghềnh.

Mới đây, hình ảnh cô Lò Thị Hòa, giáo viên Trường Mầm non Huổi Mí (xã Huổi Mí, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) trong bộ quần áo dính đầy bùn đất vì đường đến trường vô cùng khó khăn đã khiến nhiều người vô cùng cảm phục.

Đến trường trong bộ dạng lấm lem từ đầu đến chân cũng là điều dễ hiểu khi mà các cô giáo nơi đây phải vượt qua những chặng đường hẹp, thậm chí ngã trầy trật trên đường. Đoạn thì lầy lội bùn đất, đoạn thì gập ghềnh đá.

Đường xấu nên các giáo viên dường như quá quen với chuyện vừa đi vừa ngã và người không khi nào lành lặn, đầy vết xước. Những chiếc xe máy cũng sửa suốt.

Và để hạn chế những vết thương, không còn cách nào khác, những cô giáo nơi đây phải tự rèn luyện tay lái, thêm kinh nghiệm vượt địa hình.

Dưới đây là clip lại cảnh cô Lò Thị Hòa cùng các đồng nghiệp của mình điều khiển xe máy đến trường:

Thanh Hùng



Xem nguồn

100 startup cùng "cá mập" đua tranh khởi nghiệp

Posted: 10 Jan 2017 05:05 AM PST


Sự kiện "Shark Tank 100: Ngày truyền cảm hứng" đã diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập), TP.HCM –  nhằm công bố Chương trình truyền hình thực tế "Shark Tank" chính thức lên sóng Đài Truyền Hình Việt Nam VTV3 vào 10h00 sáng Chủ Nhật hàng tuần, từ tháng 4/ 2017.

Chương trình tuyển chọn Top 100 Startup đã khởi động từ tháng 9/2016, và 5 vòng tuyển chọn tại các khu vực Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Đồng bằng Sông Cửu Long, đã thu hút hàng ngàn hồ sơ tham dự, cuối cùng 100 Startup xuất sắc nhất được chọn vào vòng huấn luyện tăng tốc 6 tuần và thương thuyết đầu tư với Shark. Mục tiêu thành công trong Shark Tank mùa 1 là 30 thương vụ (chiếm khoảng 40%).

Shark Tank là chương trình truyền hình thực tế (do TV HUB sản xuất), nhằm kết nối các Khởi nghiệp (Startup) sáng tạo và đầy khát vọng với các nhà đầu tư mạo hiểm (Sharks).

100 startup cùng 'cá mập' đua tranh khởi nghiệp

Ông Trần Anh Vương-Trưởng ban tổ chức trao hoa cho ong Lê Xuân Vũ- tổng giám đốc Việt Á Bank

Chương trình "tường thuật" lại quá trình thương thuyết giữa Startup và  Shark về sản phẩm độc đáo, mô hình kinh doanh, khả năng phát triển trong tương lai, nhu cầu về vốn… để thuyết phục Shark đầu tư vào doanh nghiệp của mình.

Trong chương trình Startup và Shark đều được trao cơ hội khởi nghiệp và đầu tư cùng nhau, với Startup thuyết phục được Shark, sẽ nhận được đầu tư, nếu không sẽ ra về tay trắng.

100 startup cùng 'cá mập' đua tranh khởi nghiệp

Phát biểu của ông Lê Xuân Vũ- TGĐ Việt Á Bank- nhà tài trợ chính của chương trình. Đây cũng là nhà tài trợ của sự án khởi nghiệp đanh cho sinh viên VN do chính phủ phát động năm 2016.

Đối với Shark việc ra quyết định đầu tư ngay tại cuộc thương thuyết đầu tiên cũng vô cùng áp lực, quyết định đầu tư thể hiện sự thông minh, nhanh nhạy và quyết đoán của Shark. Vì vậy sự thuyết phục và phản biện, những yếu tố bất ngờ, đầy kịch tính sẽ là điểm nhấn khiến khán giả luôn chờ đợi đến giờ phát sóng của mỗi tập Shark Tank.

Chương trình đã thành công tại hơn 30 quốc gia với hơn 300 triệu lượt người xem trên toàn Thế giới. Tại Mỹ, Shark Tank nhận được 250 ngàn đơn đăng ký tham gia mỗi mùa và tỷ lệ các vụ thương thuyết thành công là 48%. Shark Tank đã nhận được 5 giải thưởng Emmy cho format truyền hình thực tế hấp dẫn nhất.

Tuệ Khanh



Xem nguồn

Tạm hoãn thi tuyển hơn 1.300 viên chức giáo dục

Posted: 10 Jan 2017 04:22 AM PST


Sau khi có tâm thư của nhiều giáo viên dạy hợp đồng đăng tải trên mạng cũng như đề nghị của nhiều huyện thị yêu cầu chuyển dời thời gian thi tuyển viên chức ngành giáo dục ra sau Tết hoặc đến mùa hè, Sở GD-ĐT Quảng Nam đã chính thức thông bảo tạm hoãn cuộc thi tuyển này.

Chiều hôm nay (10/1), Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam là ông Hà Thanh Quốc đã chính thức ký thông báo về việc tạm hoãn thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục trên địa bàn. Thông báo này cho biết việc tạm hoãn thi tuyển được thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh vào ngày 9/1.

Tạm hoãn thi tuyển hơn 1.300 viên chức giáo dục

Theo thông báo thời gian thi tuyển dự kiến trước đó vào các ngày 17, 18/1 sẽ bị tạm hoãn và chuyển lại tổ chức vào sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, thời gian cụ thể chưa được thông báo.

Đây là cuộc thi tuyển dụng 1.193 viên chức giáo viên gồm Mầm non, Tiểu học, THCS và viên chức khác như lưu trữ, thư viện cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh năm 2016, đồng thời xét tuyển 110 viên chức giáo viên THPT cho các đơn vị sự nghiệp công lập của sở năm 2017.

Việc tổ chức thi tuyển này khiến hàng nghìn giáo viên dạy hợp đồng lâu năm lo lắng và đang kiến nghị cơ quan chức năng cần ưu tiên với những giáo viên đã dạy hợp đồng lâu năm.

Đáng quan tâm là thời điểm tổ chức thi cận Tết Nguyên đán  khiến nhiều người lo lắng vì ảnh hưởng đến tâm lý và các giáo viên đang dạy theo dạng hợp đồng bận đứng lớp nên không có thời gian để ôn thi. Đa số giáo viên có nguyện vọng chuyển cuộc thi vào hè năm 2017.

Vũ Trung



Xem nguồn

Các trường đại học đã minh bạch đến đâu?

Posted: 10 Jan 2017 03:40 AM PST


 Được coi là “chân phanh” giám sát của quá trình thực hiện tự chủ đại học song trách nhiệm giải trình đặc biệt là minh bạch thông tin của các trường ĐH vẫn là điều khiến nhiều người băn khoăn.

Công khai mà cứng hóa thành báo cáo thì hình thức là tất yếu

Trong bài tham luận về vấn đề tự chủ đại học tại Việt Nam tại hội nghị về chất lương giáo dục ĐH mới đây, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, minh bạch thông tin là 1 trong 3 vấn đề lớn từ thực tiễn triển khai thí điểm tự chủ đại học tại Việt Nam những năm qua.

Theo ông Tuấn, hiện các trường chỉ mới cung cấp thông tin cho người học và xã hội theo các quy định “Ba công khai” mà thực tế cũng công khai chưa tốt. Còn việc công khai thông tin theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo duc đại học thì gần như tất cả các trường chưa làm được.

Trao đổi về vấn đề này, GS Đặng Kim Vui, Hiệu trưởng ĐH Thái Nguyên thẳng thắn cho rằng, việc thực hiện Quy chế Ba Công khai trong thời gian qua phần nào có thể coi là đang “đánh lừa” xã hội. Bởi lẽ những con số công khai trên website có thể rất đẹp nhưng đi vào thực tế thì không phải như vậy.

Chúng ta phải kiểm trả gắt gao hơn về Ba công khai” – ông Vui nhấn mạnh.

Các trường đại học đã minh bạch đến đâu?
Các trường đều thừa nhận việc thực hiện Ba công khai trong thời gian vừa qua vẫn chưa tốt. Ảnh: Lê Văn.

Bình luận về ý kiến cho rằng, việc công bố các thông tin theo Quy chế Ba Công khai của các trường ĐH hiện nay vẫn còn hình thức và tập trung chủ yếu vào việc báo cáo cho Bộ là chính chứ không phải là nhằm công khai thông tin, PGS. TS. Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM cho rằng, việc quy định cứng hóa bằng các loại biểu mẫu, báo cáo thì việc hình thức là đương nhiên.

Chúng ta đang cứng hóa thành các loại biểu mẫu, báo cáo, trong khi đây là một hình thức nhằm giới thiệu nhà trường. Nếu chúng ta quan niệm đây là một cách giới thiệu thì chắc chắn các trường sẽ làm khác. Còn yêu cầu các trường báo cáo như vậy thành ra họ phải làm đối phó. Chuyện hình thức xảy ra là đương nhiên” – ông Phong phân tích.

Lý giải về việc Quy chế Ba công khai ban hành từ năm 2009 song không được thực hiện một cách hiệu quả thực sự trong thực tế, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do vào thời điểm đó, chưa có những quy định chi tiết giúp các trường thực hiện việc này.

Chẳng hạn quy định yêu cầu các trường công khai mục tiêu đào tạo, chương trình nhưng khi đó chưa có Luật GD ĐH để các trường xác định mục tiêu theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng. Hay yêu cầu quy định công khai chuẩn đầu ra khi đó chưa có khung trình độ quốc gia nên chuẩn đầu ra nên mỗi trường làm một kiểu. Chúng ta cũng không thể kiểm soát được” – ông Ga phân tích.

Còn ông Bùi Anh Tuấn thì cho rằng, trong quá trình làm chính sách, tất yếu phải trải qua giai đoạn ban đầu “rất sơ khai” nhưng giúp các trường có thể quen với việc đó. Việc thực hiện Quy chế Ba Công khai cũng là một bước đi như vậy và đó là bước đi cần thiết.

Phải coi công khai thông tin như cách để giới thiệu nhà trường

Trả lời câu hỏi làm thế nào để tăng tính minh bạch thông tin của các trường ĐH, giúp sinh viên, phụ huynh và xã hội nói chung có thể có được thông tin chính xác từ đó tăng cường sự giám sát với hoạt động của các trường

Chúng ta cung cấp dịch vụ thì phải nói rõ là mình cung cấp được cái gì, làm được gì, giúp được ai và ai có thể phù hợp với những cái mình đang có thì nên công bố rõ ràng” – ông Phong khẳng định.

Ông Phong cũng cho rằng, không cần tới bất cứ cơ chế giám sát nào bởi không thể có cơ chế nào giám sát được các trường mà cách tốt nhất là trao quyền tự chủ tối đa cho họ. Khi các trường được trao quyền tự chủ thì dần dần họ sẽ làm đúng bởi không làm đúng sẽ không có người học. Thị trường sẽ tự điều chỉnh bởi lẽ minh bạch thông tin là trách nhiệm đi kèm với quyền tự chủ.

Các trường đại học đã minh bạch đến đâu?
Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng, công khai thông tin theo Quy chế Ba công khai là chưa đầy đủ. Ảnh: Lê Văn.

Trong khi đó, ông Bùi Anh Tuấn thì nhận định, Quy định Ba Công khai trong thời gian qua là rất cần thiết trong việc giám sát và nâng cao chất lượng của các trường ĐH. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Quy chế Ba công khai đã không còn đầy đủ nữa bởi lẽ chưa đáp ứng được đòi hỏi của người học.

Ông Tuấn nêu ví dụ trong việc xác định chỉ tiêu đào tạo hiện nay chỉ dựa vào 2 tiêu chí là số lượng sinh viên trên giảng viên và số lượng mét vuông xây dựng của trường là chưa đầy đủ.

Trong bối cảnh trước kia chúng ta xác định chỉ dựa vào 2 tiêu chí đó dần dần điều chỉnh. Nhưng bối cảnh bây giờ 2 tiêu chí đó cần đẩy mạnh thêm nhiều tiêu chí nữa. Chẳng hạn như tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là một tiêu chí quan trọng cần phải xem xét” – ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, việc công bố thông tin không được kiểm định, thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ có thể dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh khi các trường cung cấp không đúng về sản phẩm đào tạo của mình. “Trách nhiệm của nhà trường và cơ quan nhà nước là minh bạch hóa thông tin. Người học muốn lựa chọn ngành học nào, trường nào thì phải dựa trên việc họ có đầy đủ thông tin về ngành, trường đó” – ông Tuấn khẳng định..

Đề cập tới giải pháp tương lai, ông Tuấn cho rằng, khi các trường tiến tới tự chủ thì các quy định về Ba công khai sẽ không còn cần thiết nữa. Bởi lẽ khi đó, các trường sẽ phải công khai thông tin dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định.

Nếu công khai thông tin theo các tiêu chí đánh giá chất lượng của đại học thì không chỉ thông tin đầy đủ theo các tiêu chí mà còn được kiểm định bởi các trung tâm kiểm định. Khi đó, thông tin công khai sẽ đảm bảo chính xác và đầy đủ.

Xây dựng website để công khai thông tin các trường

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, hiện Bộ đang làm phần mềm để công khai toàn bộ danh sách giảng viên của các trường. Khi đó, sẽ không còn tình trạng một giảng viên nhưng thuộc biên chế của nhiều trường.

Các thông tin về cơ sở vật chất và đặc biệt là thông tin về tỉ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp cũng được công khai.

“Tất cả các tường phải công khai thông tin để xã hội nhìn vào đó các trường đó có chất lượng hay không và học phí con em họ đóng là bao nhiêu, xứng đáng hay không?” – Thứ trưởng Ga khẳng định.

Lê Văn



Xem nguồn

Hà Nội: Thu hồi giấy khen không dấu, không chữ kí

Posted: 10 Jan 2017 02:58 AM PST


Theo hình ảnh đăng tải của một phụ huynh tại Hà Nội, con mình vừa nhận được giấy khen của nhà trường nhưng kì lạ, giấy khen chỉ vỏn vẹn tên của Hiệu trưởng nhà trường. Ngoài ra, không có ngày tháng, tên, dấu đỏ hoặc chữ kí của lãnh đạo nhà trường.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 10/1, cô Phan Tú Uyên – Hiệu trưởng trường THCS Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội xác nhận, sự việc xảy ra ở trường mình. Giấy khen trên đây thuộc một lớp ở khối 6.

"Trường có khoảng 25 lớp. Trước đó, các giáo viên đều chuyển giấy khen đến tôi kí và đưa đóng dấu đàng hoàng. Không hiểu sao cô giáo chủ nhiệm lớp này lại tắc trách đến vậy", cô Tú Uyên cho biết.

Giấy khen không chữ kí, không đóng dấu đỏ tại Trường THCS Mai Động, Hà Nội

Giấy khen không chữ kí, không đóng dấu đỏ tại Trường THCS Mai Động, Hà Nội

Cũng theo Hiệu trưởng nhà trường, ngay sau khi có thông tin phản ánh về sự việc này, BGH nhà trường đã cho thu hồi toàn bộ giấy khen vướng sai sót trên đây.

Cô Uyên khẳng định: "Tôi chắc chắn, chỉ có một số trường hợp của lớp này không có chữ kí và đóng dấu chứ không phải tất cả giấy khen của nhà trường đều bị sai sót như thế. Đây là lần đầu tiên nhà trường mắc lỗi này. Ngay lập tức, BGH đã triệu tập cô chủ nhiệm lớp. Cô cho biết,do mới sinh con được mấy tháng nên có sự nhầm lẫn tai hại và mong được nhận sự thông cảm của cộng đồng".

Chia sẻ thêm với chúng tôi, cô Uyên cho hay, trước mắt nhà trường thu hồi lại toàn bộ giấy khen có sai sót. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm đã xin lỗi trước BGH nhà trường nhưng đồng thời sẽ phải đích thân gửi lời xin lỗi từng học sinh và phụ huynh của các em trong thời gian sớm nhất.

Mỹ Hà



Xem nguồn

Quảng Nam: Tạm hoãn thi tuyển viên chức giáo dục

Posted: 10 Jan 2017 02:15 AM PST


Chiều ngày 10/1, trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Văn Hưng – Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho hay, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo tạm hoãn kỳ thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục tỉnh Quảng Nam khóa ngày 17-18/1/2017 và chuyển lại tổ chức vào sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, thời gian cụ thể sẽ có thông báo sau.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam, cổng thông tin của Sở bị quá tải khi nhiều giáo viên vào xem và tải thông báo hoãn thi trong ngày 10/1

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam, cổng thông tin của Sở bị quá tải khi nhiều giáo viên vào xem và tải thông báo hoãn thi trong ngày 10/1

Ông Hồ Văn Hưng cho hay, việc hoãn kỳ thi tuyển là để tạo điều kiện cho thí sinh có thời gian ôn thi tốt hơn, vì thời gian này các trường đang tổ chức kỳ thi học kỳ 1.

Trước đó, Dân trí đã có bài về bức tâm thư của một giáo viên dạy tiểu học ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). Theo lời của giáo viên này thì thời gian này tổ chức thi tuyển viên chức hoàn toàn không hợp lý; giáo viên này cũng có nhiều "trăn trở" vì đã có thời gian 5 năm đứng lớp, nay lại phải "khăn gói" đi thi tuyển viên chức.

Trao đổi với PV Dân trí, giáo viên này rất vui mừng vì Dân trí đã đăng tải bức tâm thư này, đồng thời giáo viên này cũng cho rằng, hoãn thi trong thời gian này là hợp lý bởi lúc này các trường đang tổ chức kỳ thi học kỳ 1 và chuẩn bị đến Tết Nguyên đán nên các giáo viên có nhiều việc phải làm, không có đủ thời gian để đọc tài liệu ôn thi…

Công Bính



Xem nguồn

Comments