Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


55 bài báo tham dự Hội nghị nghiên cứu khoa học Trường ĐHSP Huế năm học 2016-2017

Posted: 04 Dec 2016 06:48 AM PST


PGS.TS Nguyễn Đình Luyện - Phó Hiệu trưởng - phát biểu tại hội nghị NCKH năm học 2016-2017PGS.TS Nguyễn Đình Luyện – Phó Hiệu trưởng – phát biểu tại hội nghị NCKH năm học 2016-2017

Năm học 2015–2016, sinh viên nhà trường thực hiện 113 đề tài NCKH độc lập, trong đó có 80 đề tài cấp trường, 33 đề tài cấp khoa. Các đề tài có khả năng đem lại những kết quả mang tính thời sự, có thể ứng dụng vào dạy học và xã hội hóa.



TS. Lê Anh Phương – Phó Hiệu trưởng – tặng bằng khen cho các sinh viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động NCKH  

Hội nghị lần này nhận được 55 bài báo cáo kết quả nghiên cứu các công trình NCKH độc lập của 120 tác giả và nhóm tác giả từ 11 khoa, trong đó có 17 bài đến từ các khoa chuyên ngành khoa học tự nhiên, 17 bài ở các khoa chuyên ngành khoa học xã hội và 21 bài từ các khoa chuyên ngành khoa học giáo dục.



 Đông đảo cán bộ giảng viên, sinh viên đã đến tham dự Hội nghị NCKH Trường ĐHSP Huế năm 2016-2017

Theo BTC, các công trình NCKH năm 2016-2017 có chất lượng tương đối cao. Hội nghị là diễn đàn để sinh viên trao đổi các công trình NCKH của mình, đồng thời động viên những sinh viên chưa tham gia NCKH theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu.



Xem nguồn

Đừng im lặng, hãy cùng lên tiếng!

Posted: 04 Dec 2016 05:23 AM PST


LTS: Sau nhiều trường hợp phát hiện “học sinh ngồi nhầm lớp”, cô giáo Phan Tuyết kêu gọi những nhà làm công tác giáo dục hãy lên tiếng để chấm dứt triệt để tình trạng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Cách đây chưa lâu dư luận bàng hoàng vì tin một học sinh trường Tiểu học Lý Đạo Thành (TP Sóc Trăng) lên lớp 6 nhưng không biết đọc, biết viết bị nhà trường trả về học lại chương trình lớp 1. 

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã cho kiểm tra, rà soát ở tất cả các trường tiểu học trên toàn địa bàn, phát hiện hàng trăm em học sinh đọc viết chưa thành thạo. 

Trong đó, thành phố Sóc Trăng có khoảng 70 em, các huyện khác là 30-40 em. Những học sinh này hiện nay đang được giáo viên phụ đạo thêm và bước đầu đã có tiến bộ ít nhiều.



Giáo viên cần lên tiếng để chấm dứt tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Đầu tiên phải thừa nhận không phải tỉnh thành nào trong cả nước cũng đủ dũng cảm để rà soát tất cả học sinh bậc tiểu học như Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng vừa làm. 

Nếu kiểm tra một cách chặt chẽ, công tâm thì ở bất cứ địa phương nào cũng có học sinh chưa đọc viết thông thạo nhưng vẫn lên lớp. 

Hy vọng với cách làm quyết liệt này, ở tỉnh Sóc Trăng từ nay về sau sẽ không còn tình trạng học sinh lên tới lớp 6 vẫn không thể viết nổi tên mình.

Trở lại câu chuyện cậu học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng bị trả về học lại lớp 1, ngành giáo dục Sóc Trăng cũng đã kỉ luật cảnh cáo đối với hiệu trưởng, và khiển trách các giáo viên.

Việc kỉ luật cảnh cáo hiệu trưởng nhà trường là thỏa đáng. Nhưng việc khiển trách tất cả giáo viên (từ lớp 1 đến lớp 5) xem chừng quá mạnh tay. 

Với vai trò một giáo viên đang hàng ngày giảng dạy trên lớp, xin được trao đổi một số suy nghĩ của mình để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn.



Ngoài hiệu trưởng, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về giáo viên dạy lớp 1.

Học sinh học xong lớp 1 nếu chưa nhớ hết các âm vần mà vẫn cho lên lớp 2, chắc chắn các em sẽ ngày càng học dốt hơn và rơi vào tình trạng tái mù chữ là điều hiển nhiên. 

Bởi ở lớp 2, không có môn học vần mà là phân môn tập đọc.

Học sinh không còn học các chữ cái, cách ghép vần, cách phát âm… các em buộc phải đọc trơn một cách lưu loát để hiểu văn bản. 

Trong lớp, giáo viên dù cố gắng tới đâu cũng chỉ có thể dành cho những học sinh này hơn các em khác dăm bảy phút là nhiều. 

Có thầy cô xin miễn cho các em học một số môn chuyên như Mĩ thuật, Thể dục, Kĩ thuật, Âm nhạc để hướng dẫn lại cho các em kiến thức của lớp 1 nhưng các em tiến bộ cũng rất chậm. 

Đã không biết đọc, biết viết, học sinh có ở lại lớp 2 vài năm thì vẫn vậy. Nhưng nếu các em được ở lại lớp 1 thêm năm nữa, chắc chắn sẽ học tiến bộ hơn rất nhiều. 

Tôi biết một giáo viên dạy lớp 4, trong lớp có một học sinh không biết đọc biết viết. 



Khi ban giám hiệu yêu cầu giáo viên này phải nỗ lực kèm cho học sinh ấy phần đọc viết.

Thầy giáo ấy đã trả lời thẳng thừng "Trách nhiệm của tôi không phải dạy kèm kiến thức lớp 1". 

Mà quả thật, dù thầy có nỗ lực dạy kèm đến đâu, em ấy cũng không thể tiến bộ ngay được vì đã mất gốc rồi.

Chỉ có xuống học cùng với học sinh lớp 1 mới may ra cải thiện được.

Nói thế để thấy được, nếu học sinh đọc viết yếu mà cứ buộc phải lên lớp như thế là chúng ta đang hại cả cuộc đời các em. 

Trong thực tế, nhiều học sinh cứ bị đẩy lên lớp cho trường đạt chỉ tiêu, lên hết bậc tiểu học những học sinh này đành phải nghỉ học để đi biển, đi bán vé số, ở nhà lông bông… vì không thể vào học được lớp 6.

Hy vọng, sau Sóc Trăng sẽ có nhiều tỉnh thành khác lên tiếng về việc khảo sát tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp và cương quyết buộc những học sinh đọc, viết yếu phải lưu ban ngay từ lớp 1, tránh tình trạng "lùa" học sinh lên lớp một cách ồ ạt như hiện nay.



Xem nguồn

Thầy giáo nói đánh giá cán bộ, công chức cuối năm chưa thực chất, chính xác

Posted: 04 Dec 2016 04:40 AM PST


LTS: Bàn về câu chuyện mang tính thời sự là đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cuối năm, thầy giáo Bùi Minh Tuấn cho rằng công tác đánh giá còn chưa thật chính xác.

Theo thầy Tuấn, chuyện xếp loại còn nặng tính chiếu lệ, “dĩ hòa vi quí” và còn nhiều điều đáng bàn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Tháng 12 là thời điểm "nước rút" các cơ quan, đơn vị tiến hành tổng kết mọi mặt hoạt động trong năm, trong đó, có nội dung bình xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức. 

Có một thực tế là, trong báo cáo tổng kết về xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cuối năm ở nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay, rất ít hoặc không có công chức nào xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. 

Những số liệu "đẹp" được đưa ra khiến không ít người cảm thấy băn khoăn.

Bởi, với số liệu trên, đa phần công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước đều được đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, số bị xếp loại yếu, kém rất ít, chủ yếu do vi phạm kỉ luật. 



Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức không đúng sẽ để lại nhiều hậu quả. (Ảnh: Báo Đất Việt)


Những băn khoăn về tính xác thực của những số liệu được đưa ra là có cơ sở khi người dân ở nhiều nơi còn kêu ca, phàn nàn về tinh thần thái độ, trách nhiệm giải quyết công việc, về những hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền. 

Tình trạng công chức đến công sở làm việc cầm chừng, không tập trung vào chuyên môn, "chân trong chân ngoài” dẫn tới hiệu suất công việc thấp không còn là hiện tượng cá biệt.

Tình trạng công chức, viên chức lãng phí thời gian làm việc nơi công sở, tác phong làm việc không nghiêm túc là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc nhiều địa phương thời gian qua đưa ra các qui định cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia, la cà quán xá trong giờ hành chính.

Trong khi hiệu quả, năng suất làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế thì việc đánh giá, xếp loại thiếu khách quan, chính xác theo lối "cào bằng" sẽ làm giảm động lực phấn đấu, tạo nên sức ì, sự trì trệ về nhiều mặt trong các cơ quan, đơn vị.




Theo qui định, việc đánh giá công chức, viên chức hiện dựa trên 6 nội dung cơ bản, bao gồm: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ; tinh thần, trách nhiệm trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ; thái độ phục vụ nhân dân.

Với những qui định còn khá chung chung nêu trên, mỗi cá nhân có thể viết những bản kiểm điểm cơ bản giống nhau giữa các năm.

Do đó, việc kiểm điểm công chức, viên chức cuối năm nhiều khi còn mang tính thủ tục, hình thức.

Mặt khác, phương pháp đánh giá, xếp loại qua lấy phiếu đánh giá, bình bầu từ ý kiến của từng công chức, viên chức trong cơ quan thường bị chi phối bởi ý chí chủ quan, tâm lí nể nang, "dĩ hòa vi quí" nên dẫn tới kết quả đánh giá còn có khoảng cách so với thực tế.

Trong khi đó, vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong quá trình đánh giá, phân loại công chức, viên chức chưa được phát huy.

Những bất cập nêu trên có thể xem là những tác nhân chủ yếu dẫn tới những tồn tại, hạn chế trong công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

Nhận thức được việc đánh giá, xếp loại khách quan, chính xác, khoa học là một "nút thắt" quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.



Trước hết, cần thống nhất quan điểm giao việc và đánh giá công chức, viên chức theo công việc được giao.

Giao việc đúng với năng lực từng người và giám sát chặt chẽ kết quả thực hiện công việc không chỉ là cơ sở đánh giá, xếp loại mà còn thông qua đó, có thể rà soát chức năng, nhiệm vụ, sàng lọc, bổ sung chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, các tiêu chí xếp loại đưa ra cần cụ thể, sát thực dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ công việc được giao.

Trong quá trình đánh giá, nhất thiết phải dựa vào các minh chứng cụ thể để xác định đúng mức độ đạt được tương ứng với từng tiêu chí.

Kết quả đánh giá cần được công khai và được mọi người thừa nhận thì kết quả đó mới có giá trị, công tác đánh giá mới có tác dụng lâu dài.

Cuối cùng, cần thiết phải nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu.

Người làm công tác quản lí, đứng đầu trong cơ quan phải chịu trách nhiệm trong nhiều lĩnh vực nhưng việc đánh giá, sử dụng nhân lực hay nói cách khác là việc "dụng nhân" như thế nào cho hiệu quả phải được coi là trách nhiệm quan trọng hàng đầu.

Khi đã "chọn mặt gửi vàng", lựa chọn được những người xứng đáng vào vị trí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, họ có thể được giao nhiều quyền hơn trong việc tuyển dụng nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn khi nhân viên làm việc không hiệu quả.

Chỉ khi người quản lí giám sát chặt chẽ, thường xuyên đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện công việc được giao của nhân viên mới có thể hạn chế được cách đánh giá, phân loại theo lối "cào bằng".

Có thể nói, việc đánh giá, xếp loại công chức, viên chức hàng năm được tiến hành khoa học có độ tin cậy cao sẽ góp phần vào việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, nhanh chóng đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những người làm việc kém hiệu quả theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp về", từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.



Xem nguồn

Điều động Vụ trưởng Kế hoạch – Tài chính làm Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng

Posted: 04 Dec 2016 03:58 AM PST


Ngày 3/12, tại ĐH Đà Nẵng diễn ra Lễ công bố quyết định và bổ nhiệm Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 -2020.

Tham dự buổi lễ, có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đại diện BGH các trường ĐH Quy Nhơn, ĐH Quảng Bình, các cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng.

Theo quyết định số 5518/QĐ-BGDĐT ngày 18/11/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ GD&ĐT được điều động và bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Điều động Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính làm Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Nhằm tăng cường thực tiễn cho cán bộ quản lý, Bộ GD&ĐT đang thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ từ trung ương về địa phương và ngược lại. 

Việc điều động cán bộ của Bộ GD&ĐT, ngoài việc giúp nắm bắt thực tiễn tại cơ sở còn là để giúp hiểu rõ những chủ trương, chính sách của trung ương. 

Bộ GD&ĐT đánh giá cao việc ĐH Đà Nẵng luôn sẵn sàng chia sẻ nguồn lực khi các địa phương hoặc Bộ GD&ĐT cần điều động cũng như việc thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ trong nội bộ ĐH Đà Nẵng".

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ĐH Đà Nẵng cần đẩy mạnh đổi mới cơ chế tự chủ nhằm phát huy nguồn lực của các cơ sở giáo dục đại học thành viên. Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT, ngành GD&ĐT đã có những chuyển biến rõ rệt. Đến nay, đã có 15 trường ĐH được chính phủ giao tự chủ đại học.

Một số quyền tự chủ mà Bộ đã giao cho ĐH vùng 20 năm trước nay đã được luật hóa, áp dụng cho tất cả các trường. Nếu so với tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ thì tự chủ của các ĐH vùng hiện nay đang ở mức thấp.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng lại cơ chế cho mô hình ĐH vùng theo hệ thống quản lý mới để hệ thống ĐH vùng vẫn là những đại học trọng điểm.

Theo Hà Nguyen – GD-TĐ



Xem nguồn

Trường ĐH cơ sở tạm bợ, nhiều ngành không tuyển được sinh viên

Posted: 04 Dec 2016 03:16 AM PST


Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM về thực trạng các trường ĐH, hiện nhiều trường còn sử dụng quá nhiều cơ sở thuê mướn để hoạt động đào tạo và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đặt địa điểm đào tạo. So với cam kết thành lập, nhiều trường chưa có đủ đất thuộc sở hữu mà vẫn còn thuê mướn cơ sở đào tạo tạm bợ.

Nhiều trường ĐH ở TPHCM phải thuê cơ sở đào tạo tạm bợ (Ảnh minh họa)

Nhiều trường ĐH ở TPHCM phải thuê cơ sở đào tạo tạm bợ (Ảnh minh họa)

Về đội ngũ giảng dạy, đa số các trường còn hạn chế trong việc lưu trữ hồ sơ nhân sự. Cụ thể như một số hồ sơ thiếu hợp đồng lao động, hợp đồng hết hạn, hợp đồng chưa được ký đúng quy định như thời hạn ký hợp giáo viên cơ hữu; một số hợp đồng ký chức danh nhân viên nhưng lại phân công làm giảng viên cơ hữu; bằng cấp nước ngoài cấp chưa được dịch thuật, công chứng, và chưa có thẩm định của Bộ GD-ĐT.

Về đào tạo tuy số lượng ngành tăng, phát triển nhiều ngành hơn nhưng số lượng sinh viên theo học không tương ứng, thậm chí có những ngành không tuyển được sinh viên trong nhiều năm liền.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đề cập đến những bất ổn nội bộ và khiếu kiện kéo dài ở một số trường, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, hoạt động của nhà trường, gây hoang mang cho học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.

Đối với giáo dục chuyên nghiệp, hiện nay trên địa bàn TPHCM có 16 trường cao đẳng và 32 trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

Tỷ lệ học sinh sinh viên ra trường có việc làm trong năm học 2015-2016 là 57.01 %. Một số trường trung cấp, cao đẳng có việc làm đạt tỷ lệ cao như trường trung cấp Bến Thành đạt 95.25%, trung cấp Tây Sài Gòn đạt 92%, cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân đạt 94.1%…

Hoài Nam



Xem nguồn

Nhà giáo nhân dân người Khmer nặng lòng với công tác khuyến học

Posted: 04 Dec 2016 02:34 AM PST


Thầy Lâm Es (SN 1940, tại ấp Trà Tép, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyêh, tỉnh Sóc Trăng) sinh ra trong một gia đình nông dân Khmer. Thuở nhỏ, thầy rất ham học. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng thầy vẫn chăm với công việc đèn sách. Ngày lo việc đồng áng phụ gia đình, đêm thầy miệt mài với sách vở. Thầy học sơ cấp tại trường nhà chùa Cần Đước, xã Thạnh Phú, cách nhà 3km. Sau đó, thầy lên học tại trường Tiểu học Chrui Tim Kandal ở chợ Xoài Cà Nả (nay thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên), cách nhà 10 km.

Tuy xa nhà, khó khăn nhiều thứ, nhưng thầy vẫn học tốt. Sau đó thầy lên thị xã (nay là thành phố) Sóc Trăng học tiếp Đệ nhị cấp tại trường Tư thục Khai Trí. Học hết lớp 9, do hoàn cảnh gia đình nên thầy không theo học lên nữa mà vào chùa tu báo hiếu từ năm 1959 cho đến năm 1977 và nhận việc dạy học trong chùa. Trong thời gian đi tu, thầy vẫn tiếp tục công việc học tập với hình thức tự học. Kết quả, thầy đã tốt nghiệp bậc Tú tài.

Năm 1978, thầy về công tác tại Phòng phổ thông thuộc Ty giáo dục tỉnh Hậu Giang. Cũng từ năm đó, thầy bắt tay vào soạn thảo bộ sách dạy song ngữ Khmer-Việt cho học sinh phổ thông. Đó chính là ước mơ mà thầy đã ấp ủ bao nhiêu năm mới thực hiện được. "Điều trăn trở của thầy là làm sao giữ cho được ngôn ngữ của dân tộc. Bây giờ số học sinh người Khmer biết viết chữ Khmer không nhiều. Vì vậy, thầy cố gắng biên soạn bộ sách này là vì mục đích đó", thầy Lâm Es chia sẻ.

Nhà giáo nhân dân Lâm Es, hiện nay là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng.

Nhà giáo nhân dân Lâm Es, hiện nay là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng.

Tính đến nay, thầy Lâm Es đã có trên 50 đầu sách được xuất bản, trong đó có nhiều bộ sách có giá trị như: Bộ sách ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ Tiểu học cho đến THCS; bộ sách dành cho trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ từ lớp 10-12; giáo trình giảng dạy chữ Khmer ở trường các Trường Trung học Sư phạm vùng Khmer ở các tỉnh Nam Bộ như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang . . . ; tài liệu dạy tiếng Khmer căn bản nâng cao trình độ cho cán bộ;… Đặc biệt, bắt đầu từ năm học 2005-2006, bộ sách mới chữ Khmer dành cho học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số được chính thức đưa vào giảng dạy.

Các bộ sách mà thầy nghiên cứu, biên soạn đều nhằm mục đích giúp người học chữ Khmer dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ viết và viết đúng. Thầy Lâm Es cho biết: "Bộ sách có ưu điểm là giúp các em tiếp thu nhanh, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với tâm lý học sinh ở độ tuổi này". Đánh giá về những bộ sách chữ Khmer do thầy Lâm Es soạn thảo, Tiến sĩ Bùi Khánh Thế- Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT, ý kiến rằng: "Đó là những công trình khoa học sáng tạo, hữu ích cho việc bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ Việt-Khmer ở Nam Bộ".

Không chỉ tập trung đầu tư cho biên soạn sách, thầy Lâm Es còn thường xuyên tham gia dạy lớp ngữ văn Khmer cho những nơi có nhu cầu. Mong muốn của thầy là đem kiến thức về cho mọi người dân tộc Khmer để bà con nâng cao trình độ nhận thức, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Trong thời gian công tác, thầy Lâm Es là tấm gương cho tinh thần nỗ lực vươn lên. Thầy đã vừa học vừa làm, hoàn chỉnh tấm bằng ĐH Sư phạm Ngữ văn hệ tại chức tại trường ĐH Cần Thơ. Năm 1992, khi tách tỉnh, thầy Lâm Es được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng cho đến khi về hưu.

Không chỉ giỏi tiếng Khmer, tiếng Việt, thầy Lâm Es còn thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Mỗi khi ở Sóc Trăng có tổ chức các loại hình sinh hoạt ngoại ngữ, nhất là tiếng Pháp, thầy luôn tham gia đầy đủ, giao lưu bằng tiếng Pháp với mọi người.

Với những đóng góp to lớn cho ngành giáo dục, năm 1994, thầy Lâm Es vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đến năm 2002, thầy được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Thầy Lâm Es là nhà giáo đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng, của đồng bào dân tộc Khmer, của ĐBSCL nhận được được vinh dự này. Và, cho đến nay, thầy là người Khmer duy nhất của khu vực ĐBSCL đạt danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Thầy Lâm Es đang trao học bổng cho học sinh.

Thầy Lâm Es đang trao học bổng cho học sinh.

Tháng 6/2003, thầy Lâm Es về hưu. Thầy tiếp tục được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Sóc Trăng. Trong công tác khuyến học, thầy Lâm És cũng dành nhiều tâm huyết. Thầy nói: "Khuyến học là một công tác khá quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp giáo dục. Mong muốn của chúng tôi là công tác khuyến học cần phải được nhìn nhận đúng, được nâng cao ngang tầm với các tổ chức đoàn thể khác. Trong mấy năm qua, Hội khuyến học tỉnh đã vận động được nhiều tỷ đồng gây quỹ khuyến học, đã trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, hiếu học, xây dựng được nhiều trung tâm học tập cộng đồng ở các xã và các huyện, tạo thành phong trào xã hội học tập trong toàn tỉnh".

Với công tác khuyến học, thầy Lâm Es thường xuyên tham mưu với UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các ban ngành liên quan nhằm tuyên truyền phổ biến mọi chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác "khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" ngày càng sâu rộng trong cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân.

Đặc biệt, thầy rất tích cực vận động xây dựng Quỹ khuyến học bằng nhiều hình thức, đa dạng. Đến nay, đã vận động được 17 tỷ đồng, trao hàng trăm ngàn quyển tập, hàng ngàn suất học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó học tốt; thưởng cho 300 giáo viên vượt khó dạy giỏi; đồng thời vận động quần chúng nhân dân hiến được 300.000 m2 để xây dựng trường học.

Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa và Luyện thi (trực thuộc Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng), thầy Lâm Es cùng các cộng sự xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, chụp ảnh, viết văn, thơ; bồi dưỡng văn hóa; bồi dưỡng tiếng và chữ Khmer… cho các đối tượng học viên, trong đó có rất nhiều học viên là người dân tộc Khmer. Bản thân thầy Lâm Es đã trực tiếp quản lý và giảng dạy, bồi dưỡng 38 lớp, với 1.068 học viên là cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh theo học, nhằm tăng thêm sự hiểu biết về ngôn ngữ và chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao.

Trong nhận thức của người dân tộc Khmer nói riêng, của nhân dân Sóc Trăng nói chung, thầy Lâm Es là tấm gương mẫu mực cho tinh thần vượt khó, cho sự nỗ lực không ngừng trong cuộc sống, cho nhân cách cao cả của nhà giáo.

Cao Xuân Lương



Xem nguồn

Đằng sau những tấm huy chương là biết bao công lao khó nhọc của các bậc cha mẹ

Posted: 04 Dec 2016 01:51 AM PST


Không có phần thưởng nào lớn hơn một niềm tin son sắt vào tương lai

Tối 3/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự Lễ tuyên dương và chúc mừng các em học sinh, sinh viên đoạt Huy chương Olympic khu vực và quốc tế, cùng những học sinh đạt điểm cao trong Kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tích to lớn của các học sinh đạt thành tích quốc tế, các học sinh xuất sắc của Kỳ thi THPT quốc gia cùng các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh sau một chặng đường gian nan của việc học tập, giảng dạy. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho học sinh đoạt giải Olympic quốc tế. (Ảnh: Thùy Linh)

"Tôi thật sự trân trọng và xúc động được biết trong số các em đoạt giải tại các kỳ thi Olympic và quốc tế, các em học sinh xuất sắc trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có nhiều em gia đình hoàn cảnh khó khăn và nhiều em là học sinh những trường phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. 

Có được những thành tích xuất sắc này, chúng ta ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp to lớn của các nhà trường, các thầy cô giáo đã tận tình, sáng tạo trong suốt quá trình dạy học, rèn luyện, dìu dắt các em trong đội tuyển và đưa đội tuyển đi thi ở nước ngoài. 

Đó là những người thầy đã dành tâm huyết của mình cho công tác đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng các em học sinh tham gia đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế."- Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng bày tỏ ghi nhận, đánh giá cao những đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng, huấn luyện, góp phần nâng cao thành tích đội tuyển quốc gia Việt Nam trên các đấu trường Olympic khu vực và quốc tế.

Cho rằng những thành tựu của các em hôm nay là sự kế thừa truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, tâm sự với các em học sinh, Thủ tướng mong muốn những kết quả này sẽ là những bước chân đầu tiên trên hành trình rộng lớn hơn của các em trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục đổi mới toàn diện, tích cực hơn nữa, nhất là mô hình đào tạo tại các trường đại học để có thể hy vọng về sự xuất hiện của các nhà kỹ nghệ, nhà văn hóa, doanh nhân nổi tiếng thế giới tại Việt Nam.

"Tổ quốc không chỉ cần tấm huy chương của các em hôm nay mà hơn thế nữa, chính các em là những người cùng thế hệ đã đưa Việt Nam bước lên đài vinh quang của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng còn nhấn mạnh: "Hôm nay tuy không có tấm huy chương nào dành riêng cho quý vị phụ huynh nhưng có lẽ sẽ không có niềm vui, niềm tự hào nào hơn những giây phút như ngày hôm nay. Không có phần thưởng nào lớn hơn một niềm tin son sắt vào tương lai. 

Tôi hiểu rằng đằng sau những tấm huy chương, những thành tích xuất sắc, những tấm huân chương, bằng khen là biết bao công lao khó nhọc của những bậc làm cha làm mẹ."

Lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo trao bằng khen cho các học sinh xuất sắc tại các kỳ thi. (Ảnh: Thùy Linh)

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ thông tin: Năm 2016, Việt Nam cử 7 đoàn với 37 học sinh tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực (Olympic Vật Lý, Hoá học, Sinh học, Toán học, Tin học; Vật lý Châu Á, Tin học Châu Á).

Kết quả 36/37 học sinh của đoàn Việt Nam đoạt giải với 9 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. 

Đây là năm đầu tiên, tất cả các đoàn tham dự Olympic quốc tế đều có học sinh đoạt Huy chương Vàng. Trong đó Huy chương Vàng môn Sinh học đã phải chờ đợi suốt 15 năm qua.

Chính thức tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF từ năm 2012, Việt Nam luôn là một trong khoảng một nửa quốc gia, vùng lãnh thổ có giải hàng năm.

Năm 2016, hội thi được tổ chức tại Hoa Kỳ với 1374 dự án của học sinh đến từ 77 nước; đoàn Việt Nam có 06 dự án tham dự. Kết quả các em đã mang về 04 giải Ba. Đây là thành tích tốt nhất của Đoàn Việt Nam sau 5 năm tham gia sân chơi Intel ISEF.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: "Năm 2016 không chỉ đánh dấu bước trưởng thành của trí tuệ Việt Nam trong các cuộc so tài với trí tuệ thế giới mà còn cho thấy một hình ảnh Việt Nam tham gia sâu hơn, có trách nhiệm hơn vào các kỳ thi Olympic thông qua việc đăng cai tổ chức thành công Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27 với sự tham dự của 252 thí sinh từ 68 quốc gia, vùng lãnh thổ."

Tại lễ tuyên dương, trong số 8 em học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic Quốc tế các môn học có 3 em được nhận Huân chương Lao động hạng Ba và 5 em được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều học sinh giỏi khác được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.  

Bộ Giáo dục và Đào tạo còn tặng Bằng khen cho 14 thầy cô giáo có thành tích trong công tác tập huấn và hướng dẫn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2016.

"Các em là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa giáo dục nước nhà"

Trước đó, vào sáng 3/12, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tiếp Đoàn học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và học sinh xuất sắc nhất kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016.

Qua báo cáo của đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi được biết thành tích của các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2016 tiếp tục giữ vững và có những môn đạt thành tích cao hơn so với các năm trước. 

Các em thật sự xứng đáng là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thi đua dạy tốt, học tốt ở bậc học phổ thông của nước nhà,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các thầy cô, các em học sinh, sinh viên chụp ảnh lưu niệm với Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. (Ảnh: Xuân Trung)

Chia sẻ với các em, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, vị thế của Việt Nam hiện nay trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, sự phát triển của một dân tộc, của một quốc gia trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành động đúng đắn, sự nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học – công nghệ của các thế hệ học sinh-sinh viên hôm nay.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ vì sự nghiệp trồng người và sánh vai với các cường quốc năm châu, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các em phải là những người tiếp bước, từng bước thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

"Hãy học để hiểu biết về văn hóa, về khoa học kĩ thuật, để chiếm lĩnh được các đỉnh cao ấy, nhưng quan trọng hơn các em tiếp tục phấn đấu để học làm người.

Vấn đề này phải rèn luyện suốt đời, phải phát huy được hào khí, truyền thống của dân tộc Việt; đồng thời có sự hiểu biết để hội nhập quốc tế" Phó Chủ tịch Quốc hội căn dặn các em.



Xem nguồn

Họp hành liên miên, thời gian đâu mà soạn với giảng, nghĩ gì đến chỉ đạo?

Posted: 04 Dec 2016 01:09 AM PST


LTS: Trao đổi về bài viết “Ở trường, cán bộ quản lý không đủ thời gian để… họp” của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, tác giả Thuận Phương chia sẻ quan điểm về trách nhiệm của Ban giám hiệu trong chỉ đạo chuyên môn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Dưới góc nhìn của một cán bộ quản lý, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã liệt kê hàng chục cuộc họp ở trường học mỗi tháng của ban giám hiệu "Còn họp, tập huấn theo giấy mời của cấp trên, theo công tác phối hợp thì nhiều vô kể…". 

Họp hành, tập huấn nhiều như thế, Ban giám hiệu lấy thời gian đâu để giảng dạy, quản lý và chỉ đạo chuyên môn ở nhà trường?

Dạy cho xong

Không phải ngẫu nhiên mà trong điều lệ trường học lại quy định ngoài công việc quản lý nhà trường, phó hiệu trưởng phải dạy 4 tiết/tuần, hiệu trưởng dạy 2 tiết/ tuần. 

Ban giám hiệu đứng lớp để nắm bắt chương trình, tiếp cận phương pháp dạy học mới giúp cho việc chỉ đạo chuyên môn sát sao hơn với thực tế. 

Thực tế, tại không ít trường, Ban giám hiệu do bận rộn nên thường nhờ giáo viên dạy thay. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Ngoài một số Ban giám hiệu thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy của mình vẫn còn không ít trường, Ban giám hiệu nói quá bận công việc nên nhờ giáo viên dạy thay suốt cả năm học. 

Có thầy cô vui vẻ tình nguyện khi được chia sẻ công việc với cấp trên nhưng cũng có không ít người than ngắn thở dài rồi cũng đành chấp nhận vì không dám phản đối. 

Một số khác thường không dạy đúng chuyên môn đã được đào tạo như vốn là giáo viên dạy Toán, dạy Tiếng Anh nay lại đảm nhận dạy môn Giáo dục công dân, môn Kĩ thuật… vì theo một số người những môn học này ít có sự đầu tư hơn. 

Do không có nhiều thời gian cùng tâm lý xem những môn học ấy là môn phụ nên họ thường dạy cho có, dạy cho đủ số tiết yêu cầu. 

Chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể!

Vì điều này dẫn đến chất lượng những tiết học của học sinh không đạt. Không ít em học sinh về nhà than thở: Hôm nay, lớp con học môn Giáo dục công dân với thầy hiệu trưởng mà phát chán. 

Thầy chẳng giảng bài chỉ đọc trong sách cho chép đến mỏi tay lại còn về bắt tụi con phải học thuộc, thấy oải cả người". 

Có em nói "Cô hiệu phó vào dạy, cho tụi con mở sách đọc bảo có thắc mắc gì hỏi cô giải đáp. Tụi con đọc nhưng chẳng đứa nào hỏi. Học thế thì cần gì phải đến lớp, ở nhà con học cũng được mà".

Chuyên môn chuyên "chỉ"

Ban giám hiệu bận họp hành, thời gian còn lại lo làm báo cáo, làm hồ sơ thi đua, hồ sơ kiểm định chất lượng…

Có hiệu trưởng than thở "Công việc cứ quay mòng mòng, làm tối mày tối mặt không xong". Bởi thế, còn thời gian đâu mà dành cho những việc khác. 

Chuyên môn nhà trường (điều quan trọng nhất) thường được triển khai theo kiểu "thánh chỉ", nghĩa là nói chứ không làm. 

Với vai trò là chỉ đạo chuyên môn của nhà trường, Ban giám hiệu mà đặc biệt là phó hiệu trưởng phải vừa giỏi lý thuyết, vừa giỏi thực hành (được hiểu như dạy giỏi). 

Để khi giáo viên vướng mắc điều gì trong cách áp dụng phương pháp dạy học mới vào giảng dạy, người chỉ đạo chuyên môn phải biết gỡ rối bằng cách dạy những bài minh họa để giáo viên học hỏi và rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình. 

Thế nhưng, chẳng có phó hiệu trưởng nào lại dũng cảm lên một tiết dạy minh họa cho giáo viên toàn trường dự giờ. Bởi nói bao giờ cũng dễ hơn làm. 

Một phó hiệu trưởng lên tiếng về “không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ”

Để dạy được một tiết minh họa như thế buộc phải có sự đầu tư trong soạn giảng. "Thời gian hội họp liên miên, thời gian nào mà soạn với giảng?".

Mục đích cuối cùng mà giáo dục hướng tới là nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng học tập cho học sinh. 

Những cuộc họp vô bổ mất thời gian, những buổi triển khai chuyên đề, công văn, nghị định mà chỉ cần gửi mail thông báo là đủ để dành thời gian cho người trực tiếp chỉ đạo chuyên môn có sự đầu tư chuyên sâu chuyên môn cho chính mình. 

Từ đó, họ mới có đủ tầm để định hướng, giúp đỡ và hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy một cách tốt nhất.



Xem nguồn

Chuyện người thầy 17 năm dạy học nơi xã đảo xót xa khi nghĩ đến phận làm con

Posted: 04 Dec 2016 12:27 AM PST


17 năm "trồng người" trên xã đảo

Thầy Đoàn Văn Kiều (SN 1979) sinh ra và lớn lên ở Tiền Hải – Thái Bình trong một gia đình có 4 người con. Đam mê nghề dạy học nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Kiều đã muốn được phục vụ trong ngành giáo dục. 

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, chàng trai trẻ Đoàn Văn Kiều thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, chuyên ngành Sinh, Hóa.

Sau khi ra trường 1999, thầy Kiều được Sở GD&ĐT Kiên Giang phân công giảng dạy ở trường PTCS Sơn Hải (thuộc xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang).

Từ đó đến nay, mỗi lần ra đảo dạy, thầy Kiều vượt quãng đường bộ và đường biển hơn 50km nhưng thầy vẫn kiên trì, vượt khó để gắn bó với xã đảo Sơn Hải hơn 17 năm qua. 

Thầy Đoàn Văn Kiều (ở giữa)- người thầy 17 năm dạy học nơi đảo xa và 4 lần về thăm cha mẹ (Ảnh: Thùy Linh)

Trong suốt quãng thời gian ấy, thầy mới về thăm gia đình được vẻn vẹn 4 lần mà lần nào cũng chỉ chớp nhoáng rồi lại đi. Xa nhà, nhớ bố mẹ nhưng thầy chỉ có thể gọi điện hỏi thăm.

Nhiều khi mẹ bệnh nặng khỏi rồi, con mới biết tin. Nghĩ đến chữ hiếu và phận làm con, thầy Kiều không khỏi xót xa, nhưng nhìn các học trò ngoài đảo người thầy lại quyết tâm ở lại gieo chữ cho các học trò nơi đây, 

Hơn nữa, Sơn Hải là xã đảo thuộc quần đảo Bà Lụa cách đất liền 15 km, do đặc thù là xã đảo nên điều kiện kinh tế, đi lại còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều em chủ yếu theo cha mẹ đi làm kinh tế, đi học thất thường, hay bỏ học hoặc không có điều kiện đi học. 

Thầy Kiều kể: "Học sinh xã đảo đa phần là con em ngư phủ, do vậy các em thường thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Các em thường ở với ông bà, cuộc sống phải tự lực là chính… 

Do vậy, mỗi đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường cũng như các thầy cô trong trường nỗ lực đến từng gia đình để vận động họ cho con em đến lớp… Lần đầu họ không đồng ý, mình phải kiên trì đi lần 2, lần thứ 3…". 

Tự tay làm thiết bị dạy học sinh

Càng gắn bó với nghề và học trò trên xã đảo, thầy Kiều càng day dứt hơn khi nhiều trò bỏ lớp để đi biển từ rất sớm. Tuy nhiên, việc vận động các em ra lớp đã khó, giữ các em ở lại lớp còn khó hơn.

Bởi thời gian này điều kiện dạy học, như sách vở, dụng cụ dạy học, tư liệu tham khảo cho giáo viên cũng như học sinh hầu như không có.

Thầy giáo trẻ xung phong ra Trường Sa gieo chữ

(GDVN) – "Thật sự, tôi muốn gắn bó lâu dài ở Trường Sa, rất muốn nghe những đứa trẻ ở đây đọc chữ, đánh vần trong sóng biển", thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ tâm sự.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả giảng dạy thầy Kiều đã luôn suy nghĩ làm thế nào để tiết dạy của mình thu hút học sinh.

Từ sự trăn trở này, thầy Kiều một mặt đầu tư cho giáo án luôn có những kiến thức mới và thầy tự tay làm ra các đồ dùng dạy học bằng mút xốp như: những mô hình về động vật, hệ thần kinh, các lớp xương sống.

Những sáng kiến này vừa giúp nhà trường tiết kiệm chi phí mà còn giúp tiết dạy sinh động và học sinh dễ nắm bắt kiến thức hơn.

Không những vậy, thầy Kiều còn "đỡ đầu" cho nhiều học sinh tham gia nghiên cứu khoa học và tham dự các kỳ Hội khỏe Phù Đổng hàng năm.

Riêng năm 2015 – 2016, thầy Kiều hướng dẫn một học sinh lớp 8 nghiên cứu và hoàn thiện máy cắt, tách đa năng và đã đạt giải Nhì cấp huyện, giải Nhất cấp tỉnh, giải Ba cấp quốc gia với sản phẩm này. 

Tính đến thời điểm hiện tại, trường PTCS Sơn Hải đã có 4 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, một em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh thuộc bộ môn Sinh học do thầy Kiều trực tiếp giảng dạy.

Khi được hỏi điều gì khiến thầy Kiều gắn bó với những đứa trẻ ngoài đảo, thầy bộc bạch: "Sự chân chất ngây thơ hồn nhiên và tình nghĩa của học trò đã lôi kéo tôi, khiến tôi muốn gắn bó ở nơi này".



Xem nguồn

Tuyên dương những học sinh đạt thành tích xuất sắc

Posted: 03 Dec 2016 11:45 PM PST


Đến tham dự chương trình có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, các Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Nghĩa cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, đại diện các nhà tài trợ cùng sự góp mặt của các thầy cô giáo, các em học sinh trong cả nước.

Lan tỏa trí tuệ Việt Nam với bạn bè quốc tế

Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm nay là năm thứ 4 Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức lễ tuyên dương học sinh đạt giải Olympic quốc tế và học sinh xuất sắc nhất kì thi THPT quốc gia, một sự kiện rất có ý nghĩa.

Các kì thi Olympic khu vực và quốc tế hàng năm là dịp để các em học sinh ưu tú trên toàn thế giới có cơ hội thể hiện tài năng của mình đồng thời là dịp để các em giao lưu chia sẻ học hỏi lẫn nhau, qua đó góp phần lan tỏa trí tuệ và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc với bạn bè quốc tế.

Những năm qua các đoàn học sinh Việt Nam đều đạt được thành tích cao tại các kì thi Olympic quốc tế và khu vực góp phần là rạng danh nền GD nước nhà.

Năm 2016, Việt Nam cử 7 đoàn học sinh tham dự các kì thi Olympic châu Á và quốc tế các môn: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và một đoàn tham gia cuộc thi KHKT quốc tế.

Tham dự cuộc thi Olympic châu Á, cả 8 học sinh VN dự thi đều được giải, gồm 3 HCB, 3 HCĐ và 2 bằng khen. Tham dự Olympic Tin học châu Á, cả 6 học sinh đều đoạt giải, gồm 1 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ.

Tham dự các kì thi Olympic quốc tế, cả 23 học sinh của 5 đội tuyển đều đạt Huy chương gồm 8 HCV, 9 HCB 5 HCĐ. Đặc biệt đây là lần đầu tiên tất cả các đội tuyển dự thi đều đoạt HCV. Trong đó đội tuyển Olympic Sinh học lần đầu tiên đoạt HCV sau 15 năm kể từ 2001.

Tham gia kì thi KHKT quốc tế tại Hoa Kì, đoàn Việt Nam có 6 dự án dự thi, kết quả có 4 dự án đạt giải Ba, tăng 3 giải so với 2015, tỉ lệ đạt giải gần 70% số dự án dự thi.



Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ

Những thành tích mà các em đạt được là kết quả từ sự nỗ lực cố gắng không ngừng của các em học sinh, là kết quả của quá trình phát hiện bồi dưỡng học sinh năng khiếu trong cả nước mà các nhà trường các thầy cô giáo đã dày công ươm tạo, nuôi dưỡng. Đó còn là kết quả của sự chăm sóc động viên mà các bậc phụ huynh đã dành cho con em mình trong suốt thời gian qua.

Cùng với đào tạo tài năng, đào tạo phổ thông tiếp tục có những tiến bộ theo hướng nâng cao chất lượng. Tại kì thi THPT quốc gia 2016, trong tổng số gần 900.000 thí sinh dự thi có hàng nghìn thí sinh có kết quả xuất sắc. Tiêu biểu là 5 em đạt điểm xuất sắc nhất ở các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào đại học đạt tổng điểm 3 môn thi trên 28 điểm trở lên.

Trong số các học sinh được tuyên dương hôm nay nhiều học sinh tại các trường THPT vùng nông thôn, ở những địa phương còn nhiều khó khăn cả về điều kiện KTXH và cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học nhưng các em đã nỗ lực vượt khó vươn lên đạt được thành tích xuất sắc.

Để đạt được những thành tích trên ngoài sự cố gắng của bản thân các em học sinh, chúng ta trân trọng cảm ơn và ghi nhận công lao của các thầy giáo cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian tâm huyết cho công tác giảng dạy tuyển chọn tập huấn và tham gia đội tuyển dự thi các Olympic quốc tế cũng như giảng dạy cho học sinh tham dự kì thi THPT quốc gia 2016 vừa qua.

Chúng ta cũng trân trọng chúc mừng và cám ơn đến các bậc cha mẹ học sinh và gia đình đã dày công dạy dỗ, tạo mọi điều kiện cho các em được học tập và vươn lên, giành được kết quả cao mang lại vinh quang cho các em gia đình và Tổ quốc.

Bộ trưởng chia sẻ: Tôi mong các nhà trường, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh sẽ tiếp tục quan tâm bồi dưỡng các em một cách toàn diện hơn có kiến thức phong phú hơn với đầy đủ kĩ năng sống để các em không chỉ đạt thành tích cao trong học tập mà sau này còn trở thành những người lao động giỏi của đất nước.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng bằng khen cho những học sinh đạt HCV Olympic quốc tế

Những bước chân đầu tiên trên hành trình rộng lớn

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng chúc mừng những thành tích to lớn của các học sinh đạt thành tích quốc tế, các học sinh xuất sắc của Kỳ thi THPT cùng các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh sau một chặng đường gian nan của việc học tập, giảng dạy.

Thủ tướng cũng ghi nhận đánh giá cao những đổi mới của ngành giáo dục trong công tác chỉ đạo tuyển chọn bồi dưỡng huấn luyện góp phần nâng cao thành tích của các đội tuyển quốc gia VN tại các kì thi Olympic quốc tế và tổ chức thành công kì thi THPT quốc gia 2016 phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29.

Thành quả của các em hôm nay là niềm tự hào chung của cả nước. Tôi thực sự khâm phục nghị lực các em khi biết nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn sinh sống ở vùng sâu vùng xa nhưng có nghị lực lớn lao, các em đã vươn lên đạt được thành tích học tập xuất sắc đáng tự hào của bản thân gia đình dòng tộc thầy cô bạn bè, và hơn cả là đất nước chúng ta.

Thủ tướng nhắc lại niềm tự hào vào năm 1974 khi ngay từ lần đầu tiên tham dự một kì thi Olympic quốc tế, chúng ta đã đạt HCV môn Toán. Trải qua 42 năm chúng ta đã liên tục giành huy chương để không ngừng khẳng định trí tuệ Việt Nam trong các bảng xếp hạng tại các kì thi Olympic, đứng trên nhiều quốc gia giàu có phát triển hơn VN.

Thủ tướng chia sẻ: Những gì các em đạt được hôm nay là sự kế thừa tinh thần hiếu học không ngừng vươn lên chinh phục đỉnh cao tri thức của rất nhiều thế hệ người VN, trong đó có nhiều bậc tiền nhân đã làm rạng danh đất nước bằng trí tuệ bản lĩnh và sự trung thành tuyệt đối với dân tộc, với cội nguồn, với Tổ quốc như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn..

Tôi cũng mong những gì các em đạt được ngày hôm nay sẽ là những bước chân đầu tiên trên hành trình rộng lớn hơn với một tầm nhìn xa hơn.



Đinh Thị Hương Thảo- học sinh xuất sắc nhất năm 2016 tặng hoa chúc mừng Thủ tướng


Đất nước chúng ta đã bước vào kỉ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một trong những yêu cầu tiên quyết đặt ra cho chúng ta là sự sẵn sàng về chất xám, về nguồn nhân lực đạt trình độ sánh ngang với các cường quốc năm châu.

Muốn sánh vai cũng các cường quốc năm châu thì nguồn nhân lực mang tính chất quyết định và có như vậy chúng ta mới xây dựng một Việt Nam đàng hoàng hơn to đẹp hơn trong thế giới hội nhập toàn cầu hóa hiện nay.

Để đảm bảo được sẵn sàng chiến lược này, ngoài cố gắng của từng cá nhân thế hệ trẻ VN, ngành GD phải đổi mới toàn diện về lượng lẫn về chất, không những chỉ đào tạo về kiến thức chuyên môn mà chúng ta phải thực sự mang tinh thần kiến tạo.

Cần phát triển hệ thống giáo dục, các trường đại học của chúng ta phải là những mô hình tiên tiến về quản trị và tổ chức về con người chất lượng mục tiêu phương pháp giảng dạy môi trường văn hóa và nhân lực hội nhập quốc tế.

Có như vậy thì những học sinh đoạt giải tại các cuộc thi Olympic quốc tế, Intel ISEF, những học sinh xuất sắc trong kì thi THPT quốc gia mới có thể hi vọng vào tương lai của những nhà kĩ nghệ nhà khoa học nhà văn hóa doanh nhân như Bill Gate, Thomas Edison, Jack Ma… ở Việt Nam chúng ta.

Thủ tướng kết thúc cuộc trò chuyện bằng câu chuyện của anh Phạm Kim Hùng, người từng đạt HCV Olympic Toán, tốt nghiệp đại học Stanford, từng làm việc ở Silicon Valley đã quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp.

Người thầy của anh Hùng đã nói: "Stanford không cần em làm một điều gì. Hãy sống một cuộc sống có ý nghĩa và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội từ những điều em học được ở đây". Đây cũng chính là bài học quý đối với các em học sinh hôm nay.

“Chính các em là những người thuộc thế hệ phải đưa Việt Nam bước lên đài vinh quang trong kỉ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư"- Thủ tướng gửi lời nhắn nhủ.

Với những thành tích đã đạt được của các em học sinh trong kì thi Olympic quốc tế trong năm 2016, chủ tịch nước đã quyết định tặng Huân chương lao động hạng Ba cho 3 em học sinh có thành tích đạt HCV Olympic quốc tế và khu vực trong 2 năm liên tiếp 2015-2016.

 

Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho những em đoạt HCV trong kì thi Olympic quốc tế trong năm 2016.

 

Bộ GD&ĐT tặng bằng khen cho các học sinh đoạt HCB, HCĐ và Bằng khen trong các kỳ thi Olympic Quốc tế và Khu vực năm 2016, cho 8 học sinh đoạt giải ba trong cuộc thi khoa học và kĩ thuật quốc tế năm 2015 và cho 5 học sinh đạt điểm xuất sắc nhất kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015.

 


Ghi nhận những đóng góp những cống hiến của các thầy cô giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã tặng bằng khen cho 15 thầy cô đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức bồi dưỡng học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế trong năm 2016 để các em đạt được thành tích như ngày hôm nay.



Xem nguồn

Comments