Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Sóc Trăng: Khai mạc kỳ thi chọn HS giỏi lớp 9

Posted: 31 Dec 2016 08:45 AM PST


Kỳ thi chọn HS giỏi lớp 9 năm nay của huyện Trần Đề huy động 30 giáo viên của các trường tham gia vào hội đồng coi thi; thu hút 177 thí sinh là học sinh khá, giỏi của cấp THCS (tăng 3 thí sinh so với năm học 2015 – 2016).

Các thí sinh tranh tài ở 11 môn thi: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Giáo dục Công dân và Khmer ngữ.

Riêng môn Toán, khuyến khích các trường tuyển chọn thêm đội tuyển gồm những học sinh từ lớp 8 trở xuống để dự thi theo chương trình Toán lớp 8.

Tất cả thí sinh có thời gian làm bài ở các môn thi là 150 phút. Nội dung thi gói gọn trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS do Bộ GD&ĐT ban hành. Môn Tin học thi thực hành trên máy tính, các môn còn lại thi theo hình thức tự luận; riêng môn tiếng Anh còn có thêm hình thức nghe hiểu.



Ông Võ Minh Dẫn – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trần Đề gởi lời động viên đến thí sinh 

Tại buổi khai mạc, bà Dương Thị Hương – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trần Đề – nhấn mạnh: Đây là kỳ thi chọn HS giỏi truyền thống của huyện nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ thầy cô giáo và học sinh phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi. Thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới phương pháp dạy – học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các trường.

Qua đó phát hiện và tuyển chọn các em học sinh có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, tạo điều kiện để học sinh thể hiện khả năng kiến thức và thi đua lập thành tích là tiền đề để Phòng GD&ĐT huyện lựa chọn HS giỏi vào vòng thi cấp tỉnh.

Dự kiến công bố kết quả kỳ thi chọn HS giỏi lớp 9 của huyện là ngày 3/1/2017.



Xem nguồn

Sở GD&ĐT Hà Nội mong thông cảm về sai sót “lễ dâng hương cho HS giỏi”

Posted: 31 Dec 2016 08:04 AM PST

HCMUTE: Kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Đào tạo Chất lượng cao

Posted: 31 Dec 2016 07:19 AM PST


PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ tại buổi lễPGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ tại buổi lễ

Theo PGS.TS Thái Bá Cần – Nguyên Hiệu trưởng, người đã ký quyết định thành lập khoa Đào tạo Chất lượng cao (ĐTCLC), việc hình thành các lớp đào tạo chất lượng cao vào những năm 2006 là bước đi đột phá và cũng nhiều thách thức của nhà trường vào thời điểm đó. 

Vào năm 2006, Trung tâm Đào tạo chất lượng cao của trường được thành lập nhằm thỏa mãn các yêu cầu của xã hội với những khả năng thực tế của HCMUTE.

Sau hội nghị cán bộ chủ chốt của nhà trường năm 2010, Hiệu trưởng đã ký quyết định thành lập Khoa ĐTCLC nhằm kiện toàn bộ máy tổ chức, đáp ứng ngày càng cao hơn nhu cầu của xã hội về chất lượng đào tạo. Sau 10 năm nhìn lại thì đây là một quyết định đúng.



 Lãnh đạo nhà trường và cựu SV giao lưu 

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng – chia sẻ: Từ chỉ có 3 ngành đào tạo ban đầu năm 2006, năm 2010 là 14 ngành, đến năm 2016 là 18 ngành đào tạo. Từ chỉ có 76 sinh viên nhập học năm 2006, đến khóa 2010 nhập học là 381 sinh viên và đến năm 2016 là 2000 sinh viên nhập học.

Như vậy có thể thấy số lượng ngành và số sinh viên tăng lên đáng kể, trở thành 1 khoa có số sinh viên đông nhất trường và đa số các ngành đào tạo trong trường đều có chương trình ĐTCLC.

Với áp lực phát triển như vậy, trong thời gian qua nhà trường đã tập trung đầu tư trang thiết bị, phòng học, phòng thí nghiệm và thực tập để đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập.



 Tiêt mục văn nghệ chào mừng của SV khoa ĐTCLC

Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở vật chất, việc tuyển chọn đội ngũ giảng viên phụ trách các môn học trong chương trình chất lượng cao cũng được tiến hành cẩn trọng.

Chương trình ĐTCLC trong những năm vừa qua đã được cải tiến theo hướng tiệm cận quốc tế. Khối kiến thức khoa học tự nhiên Toán, Lý, Hóa đã được giảng dạy theo giáo trình tiếng Anh, chương trình nhập khẩu từ trường đại học Texas Tech (Mỹ).

Các môn học chuyên ngành được quy định phải giảng dạy bằng slide tiếng Anh, có sách tham thảo bằng tiếng Anh. Ngoài ra, từ năm 2016, Trường đã mở thêm 5 ngành đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Các chương trình đào tạo này được xây dựng có kế thừa các chương trình ĐTCLC tiếng Việt và có tham khảo các chương trình của các nước tiên tiến.Sinh viên được trải nghiệm môi trường học tập hoàn toàn tiếng Anh để hướng tới mục tiêu đạt IELTS 6.5 khi kết thúc khóa học.

Với ưu điểm là sĩ số lớp nhỏ, Khoa ĐTCLC là một địa chỉ được nhà trường lựa chọn để áp dụng các các phương pháp dạy học tích cực, phương pháp kiểm tra đánh giá hiện đại.

Hầu hết các môn học đều có trang online để triển khai hình thức Blended Learning. Sinh viên có thể vào trang online để xem trước tài liệu, video bài giảng, làm bài tập và trao đổi trên diễn đàn môn học.

Phương pháp kiểm tra được tiến hành đa dạng trong một môn học. Song song với phương pháp kiểm tra truyền thống, các hình thức thuyết trình, làm bài tập nhóm, trắc nghiệm online cũng được khuyến khích phát triển.

Theo khảo sát của nhà trường về tốt nghiệp và việc làm năm 2016, 91%  sinh viên tốt nghiệp có được việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp, 80% sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đã học, 81% cựu sinh viên cho rằng kiến thức đã học phù hợp với công việc, 78% hài lòng với công việc hiện tại.

Có thể thấy rằng, tỷ lệ tìm được việc làm và mức độ đáp ứng công việc của sinh viên ra trường khá cao. Đây cũng là một phản hồi tốt cho việc điều chỉnh chương trình đào tạo và vận hành công tác đào tạo để ngày một nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ sư, cử nhân ra trường đáp ứng nhu của xã hội.



Xem nguồn

Đổi mới phương pháp giảng dạy, tiêu điểm của đổi mới căn bản, toàn diện

Posted: 31 Dec 2016 06:37 AM PST


LTS: Cùng với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện của Bộ giáo dục, thầy giáo Trần Trí Dũng cho rằng cần tập trung vào tiêu điểm là đổi mới phương pháp giảng dạy.

Theo đó, thầy Trần Trí Dũng đề xuất một số hướng để đổi mới phương pháp giảng dạy cho hiệu quả.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Năm 2011 được xem là một bước khởi đầu mới trong giáo dục. Nói là một sự khởi đầu mới bởi lẽ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI được khai mạc vào mùa xuân.

Và tại đây, chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam cũng được đưa ra.

Và ngày 4/11/2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã tiến hành Hội nghị lần thứ 8 với chủ điểm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Theo đó, tại Hội nghị 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29 về nội dung này. 

Nói tới đổi mới, xét cho cùng là nhằm đảm bảo thực hiện được các mục tiêu chung và nâng cao chất lượng giáo dục.



Để đổi mới giáo dục, cần đồi mới phương pháp giảng dạy đại học. (Ảnh minh hoa: phapluatxahoi.vn)

Và chất lượng giáo dục ở đây do chất lượng của giáo viên quyết định. Trong đó, phương pháp giảng dạy của giáo viên là khâu then chốt.

Vì thế, đổi mới phương pháp giảng dạy được xem là tiêu điểm của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.          

Khi xét tới tình trạng học tập của sinh viên Việt Nam trong nhiều năm qua, “chơi cả năm, học một tuần” là thực tế của sinh viên tại hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam hiện nay.

Theo đó, sinh viên vẫn lên lớp thường xuyên nhưng không phải chỉ để chuyên tâm học tập.

Đối với học đại học của sinh viên ta hiện nay, không còn các bài kiểm tra đều đặn như thời học sinh, mà sinh viên hiện giờ chỉ coi trọng các kỳ thi cuối kỳ và chỉ thực sự quan tâm chuyện sách vở trước mỗi kỳ thi đó. 

Kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên hiện nay không còn quá câu nệ chuyện ghi chép, ngay cả khi nhiều giảng viên truyền đạt những kiến thức không có trong giáo trình, nhiều sinh viên ngày càng ỷ lại vào những cuốn sách in sẵn.

Tuy nhiên, những cuốn giáo trình thì không thể chỉnh sửa hằng năm nên nhiều sinh viên đang tự thỏa mãn với những kiến thức từ cách đây tới cả chục năm.

Trong giờ học, sinh viên cũng không cần ghi chép tất cả lời giảng của thầy cô vào vở.

Một chiếc điện thoại có tính năng ghi âm, chụp ảnh phần nội dung trình chiếu trên bảng là trợ thủ đắc lực trong giờ học.

Dựa dẫm vào đề cương và những tài liệu in sẵn, phương pháp học tập theo kiểu "nước đến chân mới nhảy" đã và đang làm lười đi một thế hệ cử nhân tương lai của đất nước. 

Nếu như ở cấp học phổ thông, một môn học kéo dài 10 tháng thì khi lên Đại học, Cao đẳng, một môn chỉ học trong vòng 1 tháng là thi.

Do đó, thi xong quên là chuyện bình thường đối với sinh viên.

Đó là một bức tranh phản ánh thực trạng giảng dạy và học tập ở bậc đại học Việt Nam hiện nay.    

Đối với giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp giảng dạy là con đường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhằm thực hiện các mục tiêu giáo dục.

Tuy nhiên, hiện trạng giáo dục trong nhiều năm qua cho thấy, chất lượng thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy còn nhiều yếu kém.         

Cụ thể hiện nay, phương pháp giảng dạy ở các trường phổ thông vẫn là phương pháp truyền thống.

Ở đây, quá trình dạy học được xem là quá trình truyền tải thông tin từ người dạy sang người học và do đó phụ thuộc căn bản vào tài năng sư phạm của người thầy.

Theo đó, thầy thuyết trình, diễn giảng, trò nghe, ghi theo và nghĩ theo một cách thụ động. Quan hệ sư phạm giữa thầy và trò là quan hệ trực diện, đơn tuyến theo đường thẳng từ trên xuống, thể hiện tính chất chỉ huy – phục tùng.

Thầy là chủ thể, tâm điểm và trung tâm của quá trình giảng dạy, còn học trò là khách thể, xem như những quỹ đạo bao quanh.                

Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân nên ở Việt Nam ta quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy ở tất cả các bậc học, cấp học chưa được nhận thức nhất quán rộng rãi trong đội ngũ giáo viên.

Tình trạng giảng dạy theo kiểu “nhồi sọ”, thuyết giảng và truyền thụ một chiều vẫn đang tồn tại.

Trong lối giảng dạy đó, vai trò của người thầy là số một, lấn át vai trò của học trò; trong khi đó, trò rất thụ động, ỷ lại lại vào thầy, vào sách.

Vì thế, quan hệ sư phạm giữa giáo viên và học sinh do đó thiếu thân thiện, mất dân chủ, mang tính áp đặt một chiều.  

Mặt khác, khả năng lựa chọn và tổ chức sử dụng, phối kết hợp một cách hợp lý các phương pháp giảng dạy của các giáo viên còn yếu.

Trong quá trình giảng dạy, người thầy chưa chú ý tổ chức các hoạt động nhận thức nhằm phát huy khả năng độc lập và sáng tạo của học sinh. Phương pháp giảng dạy còn nghèo nàn, đơn điệu và hình thức.

Trong bối cảnh “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” được xem như một mũi nhọn đột phá của chiến lược phát triển thì đổi mới phương pháp giảng dạy trở thành một yêu cầu bức thiết.

Vậy, cần thiết đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng nào?     

Trước hết, đổi mới phương pháp giảng dạy phải góp phần thực hiện mục tiêu hình thành ở người học những phẩm chất và năng lực mới phù hợp với sự phát triển của thời đại như tính chủ động, khả năng độc lập, năng lực học tập suốt đời, năng lực giải quyết vấn đề và năng lực sáng tạo…

Từ đó, tạo thành năng lực thích nghi cao trong một cuộc sống biến đổi không ngừng.              

Thứ hai, việc đổi mới phương pháp giảng dạy cần thực hiện theo những giải pháp cụ thể. Theo đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc đại học cần thực hiện đồng bộ hai giải pháp.

Một là, trong quá trình giảng dạy cần có sự đổi mới về phương pháp tác nghiệp, theo đó các thầy cô giáo cần tổ chức thường xuyên các buổi thảo luận theo chuyên đề trên cơ sở nội dung đã học.

Cụ thể, các thầy cô giáo cần thường xuyên ra các chủ đề thảo luận cho sinh viên ở từng môn học theo định kỳ hằng tháng. Nội dung thảo luận là những chuyên đề cụ thể theo những chủ điểm của môn học.

Khi đó, những buổi thảo luận này sẽ tăng cường tính chủ động của sinh viên trong việc học, tăng cường khả năng làm việc theo nhóm.

Sinh viên có sự đào sâu kiến thức đã học theo từng chủ điểm và nhờ đó môn học cũng trở lên hấp dẫn hơn, kiến thức theo đó được trau dồi thường xuyên hơn. 

Hai là, sau mỗi buổi thảo luận sinh viên sẽ phải viết cụ thể những kiến thức thu lượm được thành một tham luận chuyên đề dưới dạng tiểu luận khoa học. Vì thế, giải pháp này được tiến hành ngay sau giải pháp thứ nhất.

Các bản tiểu luận này sẽ được giáo viên cho điểm và lấy đó làm cơ sở đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo từng môn học.

Đây cũng là cơ sở đặt ra để sinh viên tự giác học tập, chủ động và tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học, có sự ứng dụng thực tiễn trên cơ sở nhận thức và những kiến thức đã được tích lũy. 

Như thế, khi tiến hành thực hiện đồng thời hai giải pháp liên quan trực tiếp đến việc giảng dạy và học tập ở bậc đại học này sẽ làm tăng hiệu quả học tập của sinh viên.

Hoạt động học hành của sinh viên được sôi động hơn và không có chuyện càng học nên cao càng nhàn cũng như không có chuyện khi thi thì mới học, để rồi khi thi xong kiến thức rơi vào quên lãng.

Khi thực hiện các giải pháp đó đòi hỏi các thầy cô giáo và các sinh viên cũng có sự nỗ lực chung, tạo đà thúc đẩy hiệu quả giảng dạy và học tập.   

Thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy lấy học sinh và hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Theo đó, trong giảng dạy, thầy giáo phải đánh giá đúng đối tượng người học, hiểu được suy nghĩ của học sinh, biết học sinh muốn gì để thiết kế bài giảng cho thích hợp.

Từ sự nắm bắt của người học để xây dựng nên nội dung giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy cần tăng cường tính chủ động cho học sinh.

Khi đó, việc giảng dạy cần theo hướng gợi mở ván đề học sinh tự tìm tòi kiến thức, từ đó làm tăng khả năng tự học của người học.           

Thứ tư, đổi mới theo hướng giáo viên là người tổ chức kiến thức và các quá trình nhận thức cho người học.

Việc thiết kế bài giảng và nội dung giảng dạy theo đó phải bảo đảm sự phân luồng trong nhận thức của người học, tránh sự áp đặt một chiều.

Trong quá trình giảng dạy phải có sự liên hệ với thực tiễn để làm tăng tính sinh động và thiết thực cho bài giảng, từ đó kích thích niềm say mê, hứng thú học tập cho người học.     

Đổi mới phương pháp giảng dạy là một quá trình mà ở đó luôn đòi hỏi người thầy phải năng động, sáng tạo thích hợp với điều kiện hiện có và khả năng tiếp nhận của học sinh, sinh viên.

Với yêu cầu đặt ra là người thầy phải hơn người học ít nhất một “cái đầu”, do đó đòi hỏi người giáo viên phải luôn đi trước học sinh về tư duy và nhận thức, để từ đó tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp nhất.

Đặt người học vào vị trí trung tâm trong quá trình giảng dạy để từ đó có được phương pháp tối ưu và thiết thực nhất. 

Trên đây là một vài trao đổi nhằm năng cao chất lượng giảng dạy, hy vọng rằng, với nhiệt huyết đổi mới của đội ngũ giáo viên, công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục sẽ đạt được những hiệu quả tốt nhất.



Xem nguồn

Kỷ luật "ngọt ngào và êm ái" thế này thì ai cũng muốn vi phạm

Posted: 31 Dec 2016 05:56 AM PST


LTS: Việc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An kỉ luật Hiệu trưởng trường mầm non Hưng Thắng vì lạm thu chưa thỏa đáng khiến dư luận bất bình.

Cô giáo Phan Tuyết cho rằng cơ quan quản lý cần nghiêm minh và công tâm hơn nữa trong việc xử lý kỉ luật, tránh tình trạng phạt mà như “thăng chức”.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Năm học nào cũng thế, chuyện lạm thu trong các trường học luôn là đề tài nóng trên các diễn đàn. Dư luận nhiều phen choáng váng với những mức thu "trên trời" của nhiều trường học trên cả nước. 

Sau những phản ánh của phụ huynh, từng đoàn thanh kiểm tra được thành lập rồi những mức kỉ luật cũng được đưa ra nhưng lạm thu vẫn không thể chấm dứt. 

Nhiều chuyên gia đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này nhưng những sai phạm của những năm học sau lại trầm trọng hơn năm học trước. 

Nhiều người hỏi nguyên nhân vì sao? Câu trả lời duy nhất do chúng ta còn áp dụng hình thức kỉ luật quá "êm ái" với những sai phạm của cấp lãnh đạo. 

Kỉ luật thế này ai cũng muốn vi phạm

Hàng trăm phụ huynh trường Mầm non Hưng Thắng huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An đã phản đối việc Hiệu trưởng nhà trường Lê Thị Thu Hà đã có nhiều sai phạm.

Cụ thể là kê khống khoản chi mua đồ dùng học tập của học sinh, thu tiền học phí tháng thứ 10, vận động đóng góp khi chưa được phê duyệt của cấp trên…

Hiệu trưởng Trường mầm non Hưng Thắng bị kỷ luật vì lạm thu. (Ảnh: Baonghean.vn)

Sau khi thanh tra và kết luận những phản ánh của phụ huynh là đúng, số tiền nhà trường thu sai quy định đã được trả lại cho phụ huynh. 

Cô Lê Thị Thu Hà bị kỉ luật mức cảnh cáo, kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng và không được xét thi đua trong năm học 2016-2017. 

Điều đáng nói nhất là vị iệu trưởng này lại được điều động về Phòng Giáo dục Đào tạo của huyện kể từ ngày 1/1/2017.

Cô Hà được điều động về Phòng Giáo dục huyện để làm gì?

Xác nhận với Zing.vn, ông Hoàng Văn Thụ – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Nguyên – cho biết việc điều động cô Hà về Phòng không phải thăng chức mà để “chấn chỉnh”.

Câu trả lời của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Nguyên có điều gì đó thật khó hiểu, điều về công tác tại phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ để "chấn chỉnh". 

Phòng Giáo dục và Đào tạo đâu phải là nơi "thi hành án người bị kỉ luật?". Đây là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. 

Nói cụ thể hơn mọi hoạt động giáo dục ở các trường học đều do Phòng Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý và chỉ đạo. 

Cô Hà, người vừa bị án kỉ luật được điều chuyển về đây rồi cũng sẽ trở thành cấp trên của Ban giám hiệu, giáo viên các trường học. Có giáo viên đùa vui "Kỉ luật kiểu này thì ai cũng muốn vi phạm".

Kẻ thẳng tay người ưu ái

Hiệu trưởng Trường Đường Lâm tiếp tục bị "tố" không đứng lớp vẫn nhận phụ cấp

Cũng làm trong ngành Giáo dục, cũng là vi phạm nhưng số phận giữa giáo viên và Ban giám hiệu được xử lý theo kiểu "một trời một vực". 

Giáo viên chỉ cần vi phạm những điều không được làm như bạo hành với học sinh gây thương tích hoặc nhẹ hơn là xúc phạm học sinh, phạt roi vào mông, vào tay khi các em lười học đã bị đình chỉ giảng dạy, có người còn bị kỉ luật cho ra khỏi ngành. 

Xét cho cùng, thầy cô vướng vào việc bạo hành học sinh cũng xuất phát từ những suy nghĩ tốt muốn các em học hành chăm ngoan nhưng do một số thầy cô chưa biết kìm chế cơn nóng giận, quá nóng vội mới xảy ra hậu quả. 

Dù thế, họ vẫn không có được cơ hội để sữa chữa sai lầm của mình.

Nhưng việc hiệu trưởng dính vào lạm thu lại hoàn toàn khác. Sai phạm này có sự tính toán, xuất phát từ động cơ, mục đích xấu.

Việc làm này còn gây ra dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, làm mất thời gian công sức của các ban ngành liên quan từ việc kiểm tra, xử lý…

Vậy lẽ ra, mức kỉ luật với những hiệu trưởng lạm thu phải nặng hơn nhiều so với việc kỉ luật các thầy cô giáo vi phạm. 

Nhưng từ trước đến nay, những hiệu trưởng liên quan đến việc lạm thu thường nhận được những mức án khá nhẹ nhàng như khiển trách, nhắc nhở, cảnh cáo, lùi thời hạn tăng lương, không xét thi đua, nặng hơn thì chuyển trường, chuyển vị trí công tác (lên cao hơn)…

Chứ ít thấy ai bị cách chức điều chuyển xuống làm nhân viên hay sa thải ra khỏi ngành. 

Muốn chấm dứt lạm thu ở các trường học thì các nhà quản lý giáo dục cần mạnh tay hơn với những sai phạm của các hiệu trưởng. Còn kỉ luật theo kiểu "ngọt ngào êm ái" thế này, thì lạm thu sẽ mãi là vấn nạn.



Xem nguồn

Một số khó khăn cần khắc phục trong khâu ra đề, coi thi với các môn trắc nghiệm

Posted: 31 Dec 2016 05:14 AM PST


LTS: Trước những lo lắng trong việc triển khai thi trắc nghiệm trong kỳ thi học kỳ năm nay, thầy giáo Bùi Minh Tuấn chỉ ra một số khó khăn trong khâu ra đề cần được khắc phục.

Thầy cũng cho rằng khâu coi thi cũng bị thầy cô nương nhẹ để học trò có điểm cao làm đẹp bảng điểm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Hiện đang là thời điểm các trường trung học phổ thông tiến hành tổ chức thi học kì 1 năm học 2016-2017.

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh làm quen dần với những thay đổi trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, nhiều đơn vị trường học đã tiến hành tổ chức thi bằng hình thức trắc nghiệm kết hợp câu hỏi tự luận đối với các môn sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm trong năm 2017.

Bên cạnh những khó khăn cần khắc phục trong khâu ra đề thi, việc coi thi cần được tiến hành nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh.

Giáo viên gặp khó trong việc biên soạn đề thi trắc nghiệm

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, ngoại trừ môn Ngữ văn vẫn thi theo hình thức tự luận, còn lại các môn học khác sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Những môn lần đầu thi trăc nghiệm, học sinh sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ. (Ảnh minh họa)

Để học sinh dần làm quen với hình thức thi trắc nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu kết hợp hình thức thi trắc nghiệm và tự luận đối với các môn sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm.

Động thái này là cần thiết bởi ngoại trừ các môn đã thi trắc nghiệm trong những năm học trước, với những môn lần đầu thi theo hình thức trắc nghiệm, học sinh sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ.

Mặt khác, các đơn vị trường học cần có thêm thời gian để có thể biên soạn được bộ đề thi trắc nghiệm thực sự đảm bảo chất lượng.

Đối với các môn như: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ, học sinh đã có điều kiện làm quen với hình thức thi trắc nghiệm những năm trước đó, giáo viên cũng đã có sẵn nguồn đề dự trữ để sẵn sàng sử dụng.

Tuy nhiên, với những môn lần đầu thi theo hình thức trắc nghiệm như: Toán, Lịch sử, Giáo dục công dân thì các giáo viên gặp không ít khó khăn trong khâu ra đề thi khi vừa phải tiến hành dạy đúng tiến độ chương trình vừa phải biên soạn bộ đề trắc nghiệm cho từng môn học.

Bộ Giáo dục đã biên soạn được hơn 60.000 câu hỏi trắc nghiệm

Rõ ràng, so với việc soạn một đề thi tự luận, việc biên soạn một đề thi trắc nghiệm đạt yêu cầu đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn.

Bởi ngoài việc biên soạn câu hỏi, giáo viên còn phải đưa ra các đáp án, trong số các câu trả lời, chỉ có duy nhất một đáp án chính xác nhất, các đáp án còn lại mang tính gây nhiễu.

Muốn có một đề thi trắc nghiệm, trước hết giáo viên phải xây dựng được ma trận đề rõ ràng, chi tiết theo bốn mức độ đánh giá là: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.

Tuy nhiên, do số lượng câu hỏi trong một đề thi trắc nghiệm nhiều, việc đánh giá mức độ khó, dễ ở từng câu và toàn bộ đề thi là không hề đơn giản.

Hiện trên mạng internet đã lan truyền nhiều bộ đề thi trắc nghiệm ở hầu hết các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, phần lớn trong số đó là do các trung tâm luyện thi trắc nghiệm soạn thảo.

Do chưa được kiểm định về nguồn gốc, người ra đề, kỹ thuật biên soạn đề nên chất lượng các đề thi vì thế cũng khó có thể đảm bảo.

Giáo viên và học sinh chỉ nên xem như một "kênh" để tham khảo và cần cân nhắc kỹ trong quá trình lựa chọn, sử dụng.

Để xây dựng được những bộ đề thi trắc nghiệm đảm bảo yêu cầu về chất lượng trong thời gian tới, bên cạnh việc yêu cầu giáo viên ở các đơn vị trường học tham gia các lớp tập huấn nhằm hoàn thiện kỹ năng ra đề.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương có thể tập hợp nguồn đề từ nhiều trường học trên địa bàn.

Từ đó, tiến hành phân loại, thẩm định đưa vào ngân hàng câu hỏi để giáo viên có thể tham khảo, sử dụng.

Cần chú trọng khâu coi thi

Đối với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, khâu coi thi ảnh hưởng trực tiếp tới mức độ khách quan, chính xác của kỳ thi.

Công bố thêm nhiều điểm mới dự kiến có trong kỳ thi Quốc gia 2017

Trong quá trình coi thi nếu giám thị coi thi lơ là, không nghiêm túc, học sinh có thể trao đổi đáp án mà không để lại bất cứ "dấu vết" nào trong bài làm.

Với những môn lần đầu thi trắc nghiệm, do thời gian biên soạn gấp rút, số lượng câu hỏi trong ngân hàng đề thi còn ít dẫn tới việc mỗi học sinh chưa có được một mã đề thi riêng.

Tình trạng trùng mã đề thi trong cùng phòng thi là điều khó tránh khỏi, khi đó, nếu giám thị coi thi không nghiêm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan trong khâu đánh giá.

Theo quy định, cùng với kết quả thi THPT Quốc gia, điểm trung bình học bạ là một trong những thành tố quan trọng để xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12.

Trong khi đó, điểm thi học kỳ có hệ số 3, điểm thi cao có thể "kéo" điểm trung bình chung lên đáng kể. Một số giáo viên đã "thương" học sinh bằng cách coi thi "nhẹ nhàng" để học sinh có được điểm thi cao.

Chính việc "thương" không đúng cách này có thể khiến học sinh nảy sinh tâm lý lơ là, chủ quan, ngộ nhận về năng lực học tập thực sự của bản thân.

Về lâu dài sẽ gây tác động tiêu cực tới quá trình ôn tập, củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia.



Xem nguồn

Hy hữu sự cố làm “lễ dâng hương cho học sinh giỏi"

Posted: 31 Dec 2016 04:31 AM PST


Sơ suất trong khâu tổ chức, Sở GD-ĐT Hà Nội mong nhận được sự thông cảm với dòng chữ trên băng rôn "lễ dâng hương cho học sinh giỏi" ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Cụ thể, sáng 30/12, đoàn học sinh giỏi của Hà Nội tham gia lễ dâng hương và xuất quân dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2016-2017 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Sự kiện này do Sở GD-ĐT đứng ra tổ chức.

Tuy nhiên, sau khi hình ảnh về buổi lễ được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người đã phát hiện ra và vô cùng bất ngờ với chi tiết chưa ổn ở dòng chữ "Lễ dâng hương cho học sinh giỏi thủ đô tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2016-2017".

Hy hữu sự cố làm

Nhiều người cho rằng cụm từ "dâng hương cho học sinh giỏi" được dùng sai nghĩa bởi thông thường chỉ dùng "dâng hương cho" với những người đã khuất. Thậm chí không ít người không tin nội dung băng rôn là có thật hoặc đã qua chỉnh sửa bởi đây là sự kiện do Sở GD-ĐT đứng ra tổ chức.

Trao đổi với VietNamNet, ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận đây là sai sót, nhầm lẫn rất đáng tiếc của ban tổ chức và mong mọi người thông cảm.

"Năm nào, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nhờ bên Văn Miếu- Quốc Tử Giám hỗ trợ khâu tổ chức, các năm trước đều chuẩn mực không hiểu sao năm nay lại xảy ra sơ suất như thế. Sự kiện này bản thân tôi cũng tham dự và lúc nhìn tấm biển thực tế nhiều người cũng phát hiện sai sót nhưng khi đó buổi lễ đã bắt đầu, ban tổ chức không kịp xử lý", ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cho biết, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã ngay lập tức kiểm điểm những thành viên chịu trách nhiệm trong khâu tổ chức, rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này.

Ông Dũng cho rằng để xảy ra sự cố là một điều rất đáng tiếc và rất mong mọi người thông cảm cho Sở GD-ĐT.

Thanh Hùng



Xem nguồn

Giáo viên cho hơn 40 học sinh tát bạn: Đình chỉ đứng lớp ít nhất một học kỳ

Posted: 31 Dec 2016 03:45 AM PST


Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thường Tín, cô giáo T. – người đã cho hơn 40 học sinh tát em T.L sẽ bị đình chỉ công tác giảng dạy ít nhất một học kì và chuyển sang diện giáo viên dự trữ.

Thời gian được quay trở lại vị trí của cô T. sẽ tùy thuộc vào nhà trường đề xuất và nỗ lực của bản thân cô.

Hiện, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu phòng GD&ĐT nhanh chóng thành lập hội đồng kỷ luật để đưa ra biện pháp chấn chỉnh giáo viên.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí trong chiều 30/12, ông Dũng cho hay, ngay sau khi sự việc xảy ra một ngày (tức ngày 27/12) và nhận được thông tin phản ánh của gia đình, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo nhà trường yêu cầu cô Đặng Thị T. phải viết ngay bản tường trình và bản kiểm điểm.

Vết đỏ trên má học sinh T.L sau khi bị các bạn tát (ảnh: facebook)

Vết đỏ trên má học sinh T.L sau khi bị các bạn tát (ảnh: facebook)

Ngay sau đó, nhà trường đã tổ chức họp chi bộ, họp Hội đồng và tạm thời dừng đình chỉ việc đứng lớp của cô T, điều chuyển giáo viên khác đứng lớp thay cô T.

"Rất đáng tiếc có trường hợp này xảy ra ở Trường tiểu học Ninh Sở. Việc xử lý cô giáo này ở mức độ nào phải căn cứ trên quy định của pháp luật", ông Dũng nói.

Như Dân trí đã phản ánh trước đó, do nghi ngờ học sinh T.L. có chửi bạn, cô giáo T. (Trường tiểu học Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội) đã cho 43 học sinh tát vào mặt học sinh này để kỉ luật.

Theo hiệu trưởng nhà trường, sự việc diễn ra từ ngày 26/12. Ngay sau đó, cô giáo đã đến xin lỗi gia đình học sinh. Đồng thời mẹ của cô giáo T. cũng đến xin lỗi gia đình em T.L.

Cô T. đã công tác ở trường hơn 20 năm. Bản thân cô cũng tỏ ra ăn năn tuy nhiên, quan điểm mà ban giám hiệu đưa ra: Kiên quyết không bao che sai phạm và sai đến đâu phải xử lý đến đấy.

Mỹ Hà



Xem nguồn

Sách Sử thế này, học sinh hãi Lịch sử là đúng!

Posted: 31 Dec 2016 03:02 AM PST


LTS: Cách dạy sử trong chương trình bậc Tiểu học hiện hành đã bộc lộ nhiều điểm còn bất cập khiến học sinh khó tiếp thu và yêu mến môn Lịch sử.

Thầy giáo Tùng Sơn chỉ ra những bài học sử quá hàn lâm hoặc được đưa ra thiếu hệ thống trong sách giáo khoa Sử lớp 4 và lớp 5.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Đáng lẽ ra môn Lịch sử là môn học hấp dẫn với các diễn biến, các trận đánh cùng chiến công hiển hách trước kẻ thù xâm lược.

Càng học sinh bé càng cần dạy theo cách đó. Nhưng không, hiện nay dạy sử ở Tiểu học nặng nề vì sách giáo khoa Lịch sử đã hàn lâm lại thiếu tính hệ thống.

Tính hàn lâm của sách sử lớp 4 và lớp 5 thể hiện qua hàng loạt bài

Trang 32 sách Lịch sử lớp 4 các tác giả viết bài 10 "Chùa thời Lý". Tại bài học này, học sinh phải tiếp thu tại sao thời Lý đạo Phật rất thịnh hành và chùa được xây dựng với quy mô lớn.

Tiếp đến trang 47 có bài 17 "Nhà Hậu Lê và việc tổ chức quản lí đất nước". Bài này, học sinh phải hiểu bộ máy nhà nước đứng đầu là vua, giúp vua cai quản đất nước có các bộ, viện.

Để làm rõ hơn, sách viết "Tuy vua Lê Thái Tông đã chú ý đến việc định ra pháp luật, song phải đến đời vua Lê Thánh Tông, một bộ luật mới ra đời, có tên là bộ luật Hồng Đức…"

Một số bài học môn Sử trong sách giáo khoa bậc Tiểu học còn mang tính hàn lâm.

Tiếp theo bài 17 là bài 18 "Trường học thời Lê" cũng hàn lâm không kém…

Cứ lần giờ theo thứ tự, sách sử lớp 4 còn nhiều bài hàn lâm kém hấp dẫn như "Cuộc khẩn hoang ở Đàng Trong", "Thành thị ở thế kỉ XVI-XVII", "Những chính sách về kinh tế của vua Quang Trung…

Sang lớp 5, tính hàn lâm của các bài học vẫn vậy. Chỉ có khoảng một nửa số bài là nói về các sự kiện lớn cần phải biết như "Mùa thu cách mạng", "Điện Biên Phủ, pháo đài thực dân sụp đổ", "Tiến vào Dinh Độc lập",…

Còn lại đa phần là những bài học khô khan, học khó vào với trẻ 10 tuổi.

Chẳng hạn như "Nguyễn Trường Tộ mong muốn canh tân đất nước", "Xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX", "Vượt qua tình thế hiểm nghèo", "Xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình",…

Những bài học này, với học sinh lớp 4, lớp 5, quả là "nghe đã thấy oải"..

Có những bài mà độ hàn lâm đáng kinh ngạc của sách sử lớp 4, lớp 5

Đó là các bài "Văn học và khoa học thời Hậu Lê" ở Lịch sử 4 và bài "Hậu phương những năm sau chiến dịch biên giới' ở lớp 5.

Bài 19 trong sách sử lớp 4 "Văn học và khoa học thời Hậu Lê" quá nặng kiến thức hàn lâm.

Những chuyện “vừa buồn cười vừa tức” ở sách Ngữ văn Trung học cơ sở hiện hành

Vì đứa bé 9 tuổi mà lại phải học để biết các tác phẩm, tác giả về văn học và khoa học thời Hậu Lê như:

"Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi, "Ức Trai thi tập" của Nguyễn Trãi, thơ Nguyễn Mộng Tuân, thơ của Lý Tử Tấn, Nguyễn Húc, "Việt sử  kí toàn thư" của Ngô Sĩ Liên, "Đại thành toán pháp" của Lương Thế Vinh,…

Khi dạy đến bài 18 này, giáo viên vừa ngạc nhiên vừa buồn cười. Nhiều thầy cô bảo: "Đến giáo viên còn chẳng hiểu huống chi học sinh dưới 10 tuổi".

Còn bài "Hậu phương những năm sau chiến dịch biên giới" ở lớp 5 đã từng làm đau đầu nhiều giáo viên khi đi thi giáo viên giỏi.

Các cô nghĩ nát óc mà chưa có cách nào hay hơn cho học trò hiểu nội dung bài.

Đó là những nhiệm vụ cơ bản của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Đó là sự lớn mạnh với dẫn chứng cụ thể về kinh tế, văn hoá, giáo dục giai đoạn sau 1950. Đó là nội dung Đại hội thi đua toàn quốc năm 1952,…
   
Những bài học khiến các em hãi sử!

Sách sử thiếu hệ thống do có những bài như… trên giời rơi xuống!

Bỗng dưng lại dạy "Chiến thắng Chi Lăng"!


Học lịch sử thì phải theo hệ thống. Sự kiện sau tiếp nối sự kiện trước. Có thế học sinh mới hiểu. Thế nhưng sách Lịch sử lớp 4 thật lạ, đùng cái học bài "Chiến thắng Chi Lăng". 

Trước bài "Chiến thắng Chi Lăng" là bài "Nước ta cuối thời Trần". Đáng lẽ phải dạy cho học sinh biết về việc Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đã, thì mới có chiến thắng ở ải Chi Lăng.

Nhưng không, các nhà soạn sách cứ nghĩ học sinh như là mình vậy… Chỉ có vài dòng chữ nhỏ chú thích sơ lược thế là cứ dạy. Và bài "Chiến thắng Chi Lăng" như trên… giời rơi xuống.

Nhiều bài học đến giáo viên cũng không hiểu, huống chi học sinh dưới 10 tuổi.

Không được học việc giặc pháp xâm lược, lại học ngay "Bình Tây Đại nguyên soái".

Bài "Bình Tây đại nguyên soái" kể về việc Trương Định quyết tâm ở lại cùng nhân dân đánh giặc Pháp tự nhiên đứng chình ình ở trang đầu sách Lịch sử lớp 5.

Học sinh cứ "vẹt" ra là ông Trương Định đang lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa nào đó thì bị triều đình gọi về. Nhưng ông không trở về triều đình mà ở lại lãnh đạo nhân dân đánh Pháp.

Đáng lẽ ra, sách phải có một bài về việc giặc Pháp nổ súng xâm lược nước ta để học sinh hiểu bối cảnh nước nhà. Sau đó mới dạy đến khởi nghĩa Gò Công của Trương Định thì mới hợp lí.

Nhưng không, sách chỉ có vài dòng chữ nhỏ là dạy ngay đến Bình Tây Đại nguyên soái …

Chuyện dạy sử và học sử còn nhiều vấn đề. Nhưng, để học sinh thích học sử thì chúng ta cần có bộ sách sử "có đầu có cuối" ngay từ cấp Tiểu học.

Chứ dạy theo chương trình hiện nay như ở cấp Tiểu học, trẻ không hãi sử mới là điều lạ.

Bài viết thể hiện nhận thức, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.



Xem nguồn

Sinh viên Nhật Bản: áp lực nợ nần và tương lai bất ổn

Posted: 31 Dec 2016 02:21 AM PST


The Japan Times ngày 30/12 dẫn phóng sự của hãng Bloomberg tường thuật cuộc sống khó khăn của đại bộ phận sinh viên Nhật Bản xuất thân từ tầng lớp bình dân. Họ phải đối mặt với tương lai bất ổn với khoản nợ trên lưng cho những tháng năm theo đuổi giấc mơ đại học.

Kengo Kyogoku, một sinh viên Đại học Waseda danh tiếng ở Tokyo phải vay khoảng 1035 USD mỗi tháng để trang trải học hành, chưa kể tiền thù lao từ một công việc bán thời gian. Mẹ anh không đủ khả năng chi trả học phí đại học đắt đỏ cho cậu con trai.

Kengo Kyogoku, ảnh: Bloomberg / The Japan Times.

“Số tiền (nợ) rất lớn. Tôi thấy chán nản khi nghĩ về nó. Tôi tự hỏi, không lẽ mãi mãi mình sẽ phải kéo cày trả nợ. Nhưng tôi không có sự lựa chọn”, anh chàng sinh viên năm thứ 2 khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết.

Những trường hợp như Kyogoku ngày càng không phải hiếm gặp ở Nhật Bản, nơi có hơn một nửa số sinh viên đại học đang cần phải vay tiền để theo đuổi sự nghiệp học hành.

Ngày trước ít sinh viên Nhật phải vay tiền đi học, vì hầu hết họ xuất thân từ giới trung lưu, thượng lưu.

Ngày nay con em những gia đình bình dân có mức thu nhập và tiết kiệm thấp, gặp khó khăn nhiều trong việc học tập, mà một trong những nguyên nhân đến từ chính sách đặc thù ở quốc gia này: bất bình đẳng thế hệ.

Hệ thống giáo dục Nhật Bản là một trụ cột của sự phát triển kinh tế sau chiến tranh, cung cấp nguồn nhân lực lành nghề đã giúp cho các tập đoàn như Sony, Toyota Motor Corp phát triển.

Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, từ năm 1960 đến 1980, tỉ lệ thanh niên trên 18 tuổi theo vào đại học đã tăng từ 10% lên 37%.

Ngày nay, khoảng 80% thanh niên Nhật Bản theo đuổi giấc mơ đại học, nhưng một bằng đại học không còn là điều kiện đảm bảo cho họ có được việc làm toàn thời gian ở những tập đoàn xương sống của nền kinh tế.

Kyogoku 20 tuổi và đang sống với người mẹ đơn thân. Anh phải làm thêm tại một cửa hàng karaoke để kiếm tiền trang trải cho chi phí học hành và nuôi giấc mơ đại học.

Nhưng Kyogoku tâm sự: “Tôi bi quan về nền kinh tế Nhật Bản. Khi bạn nhìn vào cơ cấu nhân khẩu học của Nhật, bạn sẽ thấy vô vọng”.

Ngày 22/12, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định dành 7 tỉ yên từ ngân sách để cung cấp học bổng cho sinh viên Nhật Bản từ tháng Tư tới. Ông phát biểu:

“Điều kiện kinh tế gia đình không nên là yếu tố quyết định tương lai của giới trẻ.

Nếu tất cả chúng ta hỗ trợ một bạn trẻ bằng học bổng và họ làm việc chăm chỉ để trở thành một người nộp thuế trong tương lai, đó là một khoản đầu tư thực sự cho tương lai”.

Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các đời chính phủ Nhật Bản, phân bổ chi tiêu xã hội bao giờ cũng ưu tiên cho những người lớn tuổi, vì họ có số phiếu và ảnh hưởng có thể lật đổ các chính trị gia.

Nhóm dân số già Nhật Bản trên 75 tuổi nhiều hơn nhóm dân số trẻ dưới 15tuổi, khoảng cách này vẫn tiếp tục gia tăng. 

Năm 2035, nhóm dân số già sẽ tăng khoảng 20%, trong khi nhóm dân số dưới 15 chỉ tăng 10%.

Trong khi đó, để thúc đẩy tăng trưởng, chính phủ Nhật Bản sử dụng nhiều rô bốt và tự động hóa trong sản xuất. Đặc biệt là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã khiến rô bốt thay thế được con người trong nhiều công việc phức tạp chứ không phải công việc thủ công như trước.

Điều đó có nghĩa là người lao động Nhật Bản cần có nhiều kỹ năng cao hơn để theo kịp.

Trưởng phòng Học sinh sinh viên Đại học Waseda, Taiji Saito cho biết, các trường đại học ở Nhật Bản phải tìm cách giúp đỡ sinh viên, nếu không muốn mất đi nguồn tài năng tốt nhất của mình.

Trong đợt cấp học bổng mới nhất vào tháng 3/2016, Đại học Waseda cung cấp 2,1 tỉ yên học bổng, trong khi sinh viên trường này phải vay tổng cộng 9,3 tỉ yên để theo học, tính đến cuối năm nay.

Tài liệu tham khảo:

http://www.japantimes.co.jp/news/2016/12/29/national/social-issues/japans-students-face-uncertain-future-cloud-debt/#.WGZssFOLTIX



Xem nguồn

Comments