Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Hành trình 5 năm Trường Trung cấp Đại Việt Cần Thơ

Posted: 27 Dec 2016 08:31 AM PST


Ths Trần Thị Tư - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đại Việt Cần Thơ -phát biểu tại buổi lễThs Trần Thị Tư – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đại Việt Cần Thơ -phát biểu tại buổi lễ

Trường Trung cấp Đại Việt Cần thơ được UBND TP Cần Thơ quyết định thành lập ngày 30/12/2011. Sau 5 năm hình thành và phát triển, trường đã đào tạo hơn 2000 học sinh có trình độ trung cấp chuyên nghiệp phục vụ nguồn nhân lực cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Hiện nay trường đào tạo 12 ngành và chuyên ngành theo hệ chính quy và vừa học vừa làm như: Dược sĩ trung cấp; Y sĩ; Điều dưỡng; Kỹ thuật xét nghiệm; Y sĩ Y học cổ truyền; Sư phạm mầm non; Sư phạm tiểu học; Kế toán doanh nghiệp; Quản lý doanh nghiệp; Tin học ứng dụng; Xây dựng dân dụng và công nghiệp; Pháp luật.

Tại buổi lễ, Thạc sĩ Trần Thị Tư – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đại Việt Cần Thơ – cho biết: Trong 5 năm qua, thầy trò nhà trường đã nỗ lực không ngừng, đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển quy mô và chất lượng như ngày hôm nay.

Từ nay đến năm 2025, trường xác định thương hiệu là nơi đào tạo chất lượng cao, không chạy theo số lượng, xác lập hình ảnh đáng tin cậy về chất lượng. Trên nền tảng chất lượng cao và công nghệ đào tạo tiên tiến với phương châm "Học thành nghề"…



Xem nguồn

Nâng cao hoạt động khuyến học, khuyến tài, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập

Posted: 27 Dec 2016 07:49 AM PST


Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 2, khóa V Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 2, khóa V

Hội nghị nhằm triển khai chương trình công tác khuyến học toàn khóa 2016 -2021 và bầu bổ sung nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ và Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

GS.TS. NGƯT Nguyễn Thị Doan – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ tọa Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng.

Tại Hội nghị, các báo cáo đã đánh giá chung tình hình hoạt động của Hội, những thuận lợi và khó khăn trong thời gian qua; đồng thời thảo luận tìm giải pháp tập trung xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cơ bản.

Nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ 2016-2021 theo đúng định hướng, Hội nghị đề ra các giải pháp tổng thể cơ bản:

Một là, phát triển các tổ chức hội ở tất cả các Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan, đơn vị, trường học…Kiện toàn bộ máy lãnh đạo của các cấp hội từ Trung ương tới địa phương; đồng thời xây dựng hệ thống văn phòng các cấp, trẻ hóa đội ngũ nhân viên giúp việc và thực hiện tốt việc sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành mọi công việc.

Hai là, Trung ương hội có trách nhiệm tháo gỡ những khó khăn về tài chính cho các hoạt động của hội cũng như cho việc triển khai các đề án thông qua việc báo cáo với Trung ương Đảng, Chính phủ và làm việc trực tiếp đối với các Bộ, Ban, Ngành có liên quan.

Ba là, tăng cường công tác thông tin – tuyên truyền đối nội, đối ngoại; đồng thời coi công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền như một biện pháp có tính quyết định trong việc tạo ra những chính sách và cơ chế thích hợp cho việc triển khai mọi chủ trương của hội.

Bốn là, xây dựng mối quan hệ thường xuyên và sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa Hội với Bộ GD&ĐT và một số Bộ, Ban, Ngành có chức năng giáo dục người lớn, với các Ban Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Năm là, tổ chức thật tốt việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, vận dụng sáng tạo lời dạy của Người vào việc xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2016-2021.

Theo GS.TS. NGƯT Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2021, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ làm thay đổi nhanh chóng mọi mặt trong đời sống xã hội, nền kinh tế tri thức đòi hỏi các quốc gia phải có lực lượng lao động tri thức trong các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế quốc dân, kinh tế thị trường thế giới cuốn hút các quốc gia vào cuộc cạnh tranh quyết liệt…Vì thế các quốc gia phải đầu tư vào việc học hành của con người trên cơ sở phát triển đa dạng các hình thức giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy.

Trong điều kiện đó, sứ mạng của sự nghiệp khuyến học là phát triển hệ thống giáo dục người lớn nhằm đào tạo nên những công dân học tập, đáp ứng yêu cầu xã hội học tập phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.

GS.TS. NGƯT Nguyễn Thị Doan cho hay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Hội Khuyến học Việt nam đã đánh dấu một đoạn đường 20 năm xây dựng và phát triển của phong trào khuyến học trong cả nước.

Đến đây, Hội đã chuyển sang giai đoạn mới – giai đoạn tập trung các hoạt động khuyến học, khuyến tài để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập theo các quyêt định của Thủ tướng Chính phủ. Những nhiệm vụ được giao đều rất lớn, thực hiện tốt từng nhiệm vụ là công việc không đơn giản, nguồn lực đầu tư cho công việc lại hạn chế.  

Cần tham mưu tốt với cấp ủy và chính quyền các cấp thành lập các đề án và các đề tài nghiên cứu, bởi xây dựng xã hội học tập không đơn thuần là công việc hành chính, mà là những vấn đề khoa học, cần có cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý và cơ sở chính trị.



Xem nguồn

Máy chữa vết thương của tiến sĩ trẻ trở thành sự kiện khoa học nổi bật 2016

Posted: 27 Dec 2016 07:06 AM PST


 Sự kiện sản xuất thành công máy plasma lạnh của đôi bạn tiến sĩ trẻ Đỗ Hoàng Tùng và Nguyễn Thế Anh đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của KHCN Việt Nam trong năm 2016.

Chiều nay, 27/12, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học Việt Nam đã tổ chức lễ công bố 10 sự kiện KHCN nổi bật của năm 2016 do các nhà báo trong lĩnh vực KHCN bình chọn. Đây là năm thứ 11 sự kiện bình chọn này được tổ chức.

Trong số 10 sự kiện bình chọn được công bố năm nay, có tới 4 sự kiện thuộc lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng. Điều này cho thấy, truyền thông cũng như xã hội đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới khả năng ứng dụng thực tiễn của các nghiên cứu khoa học.

Máy chữa vết thương của tiến sĩ trẻ trở thành sự kiện khoa học nổi bật 2016
Việc chế tạo thành công chiếc máy plasma lạnh ứng dụng trong y tế của TS. Đỗ Hoàng Tùng (phải) và TS. Nguyễn Thế Anh được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học nổi bật năm qua. Ảnh: Lê Văn.

Bốn sự kiện thuộc lĩnh vực này bao gồm: Các kết quả của chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015; Việt Nam sản xuất thành công vaccine sởi-rubella; Xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam; Sản xuất thành công máy plasma lạnh ứng dụng trong y tế.

Cả 4 sự kiện này đều là những kết quả quan trọng của KHCN Việt Nam được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Có 2 sự kiện thuộc lĩnh vực cơ chế chính sách được bình chọn. Lĩnh vực khoa học xã hội cũng có tới 2 sự kiện trong khi lĩnh vực khoa học tự nhiên chỉ có 1 sự kiện có mặt trong danh sách 10 sự kiện nổi bật của KHCN năm nay do các nhà báo bình chọn.

Đáng chú ý, sự kiện thứ 10 được bình chọn năm nay là sự kiện 5 người Việt Nam thuộc nhóm các nhà khoa học có ảnh hưởng lớn nhất thế giới theo công bố của Thomson Reuters.

Tổ chức này ghi nhận 5 nhà khoa học người Việt lọt tốp các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2016 trong đó duy nhất PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng (lĩn vực khoa học máy tính) là nhà nghiên cứu có địa chỉ tại Việt Nam.

Ông cùng với GS. TS Nguyễn Sơn Bình là 2 nhà khoa học người Việt ba năm liên tiếp lọt tốp các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới. Ba nhà khoa học Việt Nam cùng có tên trong danh sách nói trên bao gồm: GS. TS. Nguyễn Thục Quyên, GS. TS Võ Văn Ánh, TS. Trần Phan Lam Sơn.

10 sự kiện KHCN nổi bật của năm 2016

1. Lĩnh vực cơ chế chính sách

Sự kiện thứ nhất: Ban hành 2 Nghị quyết liên quan đến hoạt động KHCN.

Sự kiện thứ 2: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

2. Lĩnh vực KHTN

Sự kiện thứ 3: Lần đầu tiên trao tặng “Giải thưởng Trần Đại Nghĩa”

3. Lĩnh vực KHXH&NV

Sự kiện thứ 4: Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

Sự kiện thứ 5: Phát hiện di tích thời đại đá cũ ở An Khê – Gia Lai.

4. Lĩnh vực nghiên cứu – ứng dụng

Sự kiện thứ 6: Các chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 đang góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Sự kiện thứ 7: Việt Nam sản xuất thành công vaccine sởi-rubella.

Sự kiện thứ 8: Bản độ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam.

Sự kiện thứ 9: Sản xuất thành công máy plasma lạnh ứng dụng trong y tế.

Sự kiện thứ 10: 5 nhà khoa học Việt Nam thuộc nhóm các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới.

Lê Văn



Xem nguồn

Được quyền tự chủ, trường đại học sẽ hoạt động như doanh nghiệp?

Posted: 27 Dec 2016 06:24 AM PST


Ông Phạm Mạnh Hùng – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nêu quan điểm như vậy tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì ngày 26/12, tại trụ sở Chính phủ.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho hay, Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Nghị định về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục bằng việc nhận thức, trong đó có nhiều thay đổi về quan điểm rất là quan trọng. Việc xây dựng Nghị định lúc đầu dựa trên cơ sở tiếp cận khung Nghị định 16 với quan điểm là giao quyền tự chủ cho các đơn vị, các cơ sở giáo dục có khả năng đảm bảo về tài chính, khả năng đảm bảo tài chính càng cao thì quyền tự chủ càng lớn, tuy nhiên trong quá trình làm ở các trường thì nhận thấy nếu với quan điểm này thì giáo dục không tự chủ được.


Bộ GD&ĐT báo cáo về cơ chế tự chủ đại học tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngày 26/12.

Bộ GD&ĐT báo cáo về cơ chế tự chủ đại học tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngày 26/12.

Lý giải về điều này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT chia sẻ, nếu quan điểm tự đảm bảo tài chính càng cao sẽ có quyền tự chủ càng lớn thì có những trường suốt đời không thể tự chủ được, vì họ không có khả năng, không có nguồn thu. Ví dụ như những trường đặc thù như trường nghệ thuật hay một số ngành đặc thù, họ không biết thu kiểu gì để có khả năng đảm bảo tài chính cao để tự chủ nên phải sử dụng ngân sách nhà nước… Vấn đề này là một trong những điều phải thay đổi về điều kiện.

Đặc biệt, ban đầu quy định xây dựng cơ chế tự chủ ở các đơn vị công lập, tức là các cấp từ mầm non đến đại học, nhưng quá trình làm thấy rằng với cấp mầm non thì bức thiết về giao quyền tự chủ chưa phải lớn và làm khó vì cơ bản mầm non là bao cấp nhà nước, không có thu để trang trải. Vì thế, Bộ GD&ĐT xin cắt khối mầm non không tham gia tự chủ mà chỉ làm khối đại học.

Theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng: "Hiện nay các trường đại học đã sẵn sàng để tự chủ, nhưng Nghị định khi đưa ra phải có điều kiện là cho họ được tự chủ cao hơn mức bình thường để họ có thể tự chủ tài chính, nhưng khi tự chủ cao hơn thì lại vường vào một số luật và điều luật. Đơn cử như việc họ muốn được như một ông giám đốc doanh nghiệp, khi cần thiết có thể sa thải ngay một nhà giáo nào có vấn đề hoặc một viên chức dưới quyền, tuy nhiên điều này không làm nổi vì theo luật viên chức thì lại không có quyền đó".

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang thí điểm cơ chế tự chủ cho 15 trường đại học, lãnh đạo Bộ này cho biết những trường này không nhận ngân sách Nhà nước nữa và tự trang trải, về cơ bản đánh giá tốt, nguồn thu tăng lên tốt góp phần đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo của các trường này, Bộ sẽ tiến hành sơ kết tổng kết và xin nhân rộng mô hình này. Theo Nghị quyết của Chính phủ là thí điểm đến hết 2017 nhưng Bộ đang có hướng kiến nghị là kéo dài đến năm 2019.

Trường đại học nào có khả năng tài chính càng cao thì quyền tự chủ càng lớn (ảnh minh họa)

Trường đại học nào có khả năng tài chính càng cao thì quyền tự chủ càng lớn (ảnh minh họa)

Sau báo cáo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói rõ, theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 04, 05, đối với 15 trường tự chủ được như thế thì cho phép được hạch toán như doanh nghiệp. "Không biết Bộ GD&ĐT đã triển khai đến đâu? Đã hạch toán như doanh nghiệp thì sau này thậm chí là giao vốn, giao tài sản cho họ (đất đai), chứ không phải tự chủ nửa vời chỉ về tài chính" – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặt ra vấn đề nhiều trường đại học ở địa phương hiện hiện nay đang có hướng quay trở lại là phân hiệu thuộc đại học. Đáp lời Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Hùng khẳng định quan điểm của Bộ GD&ĐT là ủng hộ theo hướng này, trường nhỏ có thể trở thành phân hiệu của trường lớn để đảm bảo tiếp tục hoạt động.

Châu Như Quỳnh



Xem nguồn

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội

Posted: 27 Dec 2016 05:41 AM PST


 Bà Đinh Thị Lụa  tin tưởng rằng xã hội sẽ có sự đồng thuận đối với kết quả Kỳ thi THPT quốc gia và những công tác đổi mới mà ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện

Thưa bà, trong bản Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia năm nay Bộ chủ trương: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Bộ GD&ĐT điều động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ đến các cụm thi để phối hợp, hỗ trợ công tác tổ chức thi; thực hiện việc giám sát các khâu: In sao đề thi, coi thi, chấm thi; Vậy bà có đánh giá như thế nào về: Năng lực tổ chức thi của các địa phương; đánh giá của xã hội đối với tính nghiêm túc của kỳ thi với một cụm thi đặt dưới sự giám sát của giảng viên các trường ĐH?

Tôi cho rằng năm nay mỗi tỉnh tổ chức một cụm thi THPT quốc gia dành cho tất cả các thí sinh trên địa bàn tỉnh thì quy mô cụm thi THPT quốc gia năm 2017 cũng tương đương với quy mô của các Hội đồng thi tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT tổ chức từ năm 2014 trở về trước. Việc phối hợp với lực lượng giám sát, hỗ trợ do Bộ GD&ĐT điều động để tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia cũng đã được các Sở GD&ĐT thực hiện rất tốt trong những năm qua. Từ đó có thể khẳng định các Sở GD&ĐT hoàn toàn có đủ khả năng và điều kiện để chủ trì tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia cho tất cả các thí sinh trên địa bàn tỉnh.

Với nhận thức đúng đắn, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên trực thuộc Sở GD&ĐT, sự giám sát, phối hợp ở tất cả các khâu của lực lượng cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT điều động sẽ đảm bảo việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 nghiêm túc, khách quan, trung thực; từ kết quả, cách làm đó sẽ tạo được sự đồng thuận của xã hội đối với kết quả Kỳ thi THPT quốc gia và những công tác đổi mới mà ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện.

Kỳ thi năm nay có điểm mới quy định: Thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội), điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh giáo dục THPT có thể thi cả 5 bài thi, thí sinh GDTX có thể thi cả 4 bài để tăng cơ hội xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ theo quy định của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành. Vậy theo bà, điểm mới này có tác động như thế nào về: Công tác dạy và học, kiểm tra đánh giá của giáo dục hiện nay? Thí sinh có thuận lợi như thế nào phát huy sở trường năng lực lựa chọn ngành, nghề sau bậc học phổ thông?

Bà Đinh Thị Lụa – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam 

Trong phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã công bố có quy định thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh GDTX có thể dự thi cả 4 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT đã tạo điều kiện cho thí sinh có khả năng đỗ tốt nghiệp THPT cao hơn.

Việc thí sinh phải thực hiện bài thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm khách quan đòi hỏi HS phải học toàn diện hơn, tránh được hiện tượng học tủ, học lệch chỉ tập trung vào học một số môn thi hoặc học một phần kiến thức của môn học; đồng thời các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần để phục vụ xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Như vậy, việc xét tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ linh hoạt hơn, các thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ; từ đó tạo điều kiện tốt cho lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai của các em HS.

Tuy nhiên, công tác sao in đề thi, coi thi, chấm thi sẽ phát sinh những vấn đề mới nên trong thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và tập huấn nghiệp vụ thi một cách kỹ càng cho tất cả các đối tượng tham gia kỳ thi.

Một vấn đề đáng chú ý khác: Năm nay, Bộ GD&ĐT đã Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia trên cơ sở Quy chế thi THPT ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 25 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã được thực hiện thành công trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Tuy nhiên, khác với kỳ thi năm 2016, kỳ thi năm nay có thể phát sinh tình huống thí sinh không đăng ký thi trọn vẹn cả ba môn của một bài thi tổ hợp mà chỉ đăng ký thi một hoặc hai môn (thí sinh đã tốt nghiệp THPT), vì vậy cần hướng dẫn cụ thể rõ ràng hơn trong công tác coi thi, sao in đề thi, chấm thi để giải quyết tình huống này.

Năm nay, bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận còn các bài thi khác thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi sẽ có một mã đề thi riêng. Vậy theo bà, hình thức thi có tác động như thế nào đối với kỳ thi năm nay về quy mô, công tác đề thi, bảo mật, in sao, vận chuyển đề thi, chấm thi?

Kỳ thi năm 2017 sẽ có số lượng mã đề thi của bài thi trắc nghiệm tăng nhiều so các năm trước nên công tác in sao đề thi phải được thực hiện một cách khoa học, chính xác để tránh sai sót.

Việc chấm bài thi trắc nghiệm vẫn sẽ phải thực hiện bằng máy cùng với phần mềm chuyên dụng, do vậy việc chấm thi sẽ khách quan hơn và giảm nhiều số cán bộ chấm thi trong Ban chấm thi; song bên cạnh đó mỗi bài thi không chỉ có một đầu điểm như trước đây mà có nhiều đầu điểm (tối đa là 4 đầu điểm: Gồm điểm toàn bài và điểm các môn thành phần) dẫn tới phải điều chỉnh phần mềm chuyên dụng và quá trình xử lý chấm sẽ phức tạp hơn.

Xin cảm ơn bà!

"Để chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã mời các nhà khoa học, các giáo viên giỏi tổ chức biên soạn, biên tập câu hỏi thi THPT quốc gia theo kế hoạch của Bộ, với thời gian chuẩn bị từ nay tới thời điểm diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia. Tôi tin rằng, Bộ GD&ĐT sẽ làm tốt công tác đề thi để có được bộ đề thi chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ các mục tiêu đặt ra. Việc đổi mới này cũng sẽ tạo những chuyển biến tích cực trong dạy học ở các nhà trường, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch của HS".



Xem nguồn

Nâng cấp Đại học Nội vụ cơ sở miền Trung

Posted: 27 Dec 2016 05:00 AM PST


 – Ngày 26/12 tại tỉnh Quảng Nam, Trường Đại học Nội vụ đã làm lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập cơ sở đào tạo tại miền Trung

Nâng cấp Đại học Nội vụ cơ sở miền Trung

Tại lễ kỷ niệm, trường cũng đón nhận các phần thưởng và công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc nâng cấp cơ sở miền Trung của trường lên thành Phân hiệu Đại học Nội vụ tại Quảng Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Phân hiệu Quảng Nam Trần Đình Thảo cho biết, nếu như năm học đầu tiên (2006-2007), cơ sở chỉ mới được Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giao 63 chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học ngành Quản trị Văn phòng thì sau 10 năm (năm học 2016-2017), con số ấy đã là 1.500 sinh viên chính quy và hơn 600 học viên vừa làm vừa học ở 7 ngành: Quản trị nhân lực, Quản lý nhà nước, Quản lý văn hóa, Quản trị văn phòng, Lưu trữ học, Khoa học thư viện, Luật.

Khởi đầu chỉ với 3 người, đến nay Cơ sở miền Trung đã có 86 giảng viên, viên chức, người lao động; trong đó, có 4 tiến sĩ, 38 thạc sĩ và nhiều cán bộ là nghiên cứu sinh đang công tác trong tổ chức bộ máy vững mạnh.

Tính đến nay, cơ sở miền Trung đào tạo 3.377 sinh viên, học viên bậc trung cấp, CĐ, ĐH và 3.506 học viên học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn.



Xem nguồn

"Cô gái vườn đào" trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters

Posted: 27 Dec 2016 04:18 AM PST


Hãng thông tấn Reuters vừa công bố 155 bức ảnh do phóng viên hãng này chụp tại 155 quốc gia. Cô gái trong bức ảnh được Reuters chọn là bức ảnh ấn tượng của Việt Nam là Nguyễn Hoàng Kiều Trinh, vừa tốt nghiệp ngành quản lý nhà hàng – khách sạn Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM.

'Cô gái vườn đào' trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters

Nguyễn Hoàng Kiều Trinh trong bức ảnh: “Một thiếu nữ trong bộ áo dài truyền thống tạo dáng chụp hình bên hoa đào nở rộ trong một vườn hoa ở Hà Nội ngày giao thừa trước Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016 (ngày 7-2-2016)

Hiện tại Kiều Trinh đang học năm cuối chuyên ngành Marketing của Trường Quốc tế PSB.

Tại TP.HCM, Trinh được biết tới là hot girl, người mẫu ảnh. Cô gái này cũng nổi tiếng với nickname “cô gái trà sữa”, hiện đang có gần 300.000 người theo dõi trên fanfage cá nhân.

Chia sẻ với VietNamNet về bức hình được hãng thông tấn Reuters chọn là bức ảnh ấn tượng của Việt Nam trong năm 2016, Kiều Trinh cho biết cô hoàn toàn bất ngờ và chỉ biết được sự việc khi nhiều bạn bè đã nhắn tin thông báo.

"Sáng nay em nhận được rất nhiều tin nhắn của bạn bè thông báo hình của em có trong 155 bức ảnh được hãng thông tấn Reuters chọn. Em rất vui và tự hào vì hình ảnh em mặc áo dài được chọn bởi một báo lớn như vậy"- Trinh vui vẻ chia sẻ.

Kiều Trinh nhớ lại buổi chụp bộ ảnh này, khi thời tiết Hà Nội rất lạnh, chỉ khoảng 10oC. “Là người miền Nam nên em không giỏi chịu lạnh. Hôm đó, em chỉ mặc áo dài mỏng manh nên bộ ảnh được thực hiện rất nhanh. Em chỉ mất khoảng 30 phút để nhiếp ảnh gia ghi lại những khoảnh khắc đó".

Dù tốt nghiệp ngành quản lý nhà hàng – khách sạn, nhưng Trinh sẽ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vì cho rằng "em khá có duyên với nghề". Trinh từng tham gia phim ngắn “My sunshine” (đóng cùng Chi Pu), MV “Vội vàng” (Tạ Quang Thắng)…

Dự định của cô gái trẻ này trong năm 2017 là tham gia nhiều dự án như ra mắt phim điện ảnh đầu tiên vào mùa hè 2017, hoàn thành chuyên ngành học Marketing vào tháng 6. Sau đó sẽ dành thời gian chuyên tâm vào diễn xuất và nâng cao thêm về khả năng cũng như kiến thức.

Trinh cho biết "chân thành" là hai từ mà bạn luôn muốn mang theo dù đi đâu hay làm gì. Vì vậy, cô cũng có ước mơ thật đơn giản là "dù có trải qua chuyện gì, thành công hay thất bại, thì mong ước về sau là một cuộc sống bình yên"

Ngoài bức hình của Reuters, Kiều Trinh còn có nguyên một bộ ảnh chụp vườn đào trong ngày hôm đó.

Anh Đỗ Xuân Bút, một trong hai người chụp ảnh cho Kiều Trinh vui vẻ nhớ lại “Buổi chụp lúc đầu gặp đôi chút khó khăn do người trang điểm đến hơi muộn, phải mất một lúc mới thuê được trang phục. Trong lúc chụp, tôi cũng để ý thấy có người nước ngoài “chụp ké”, cũng nghĩ là du khách thấy đẹp thì chụp thôi. Tôi rất vui vì Trinh đã có được bức ảnh đẹp do phóng viên Reuters chụp”.

'Cô gái vườn đào' trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters
'Cô gái vườn đào' trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters
'Cô gái vườn đào' trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters
'Cô gái vườn đào' trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters
'Cô gái vườn đào' trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters
'Cô gái vườn đào' trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters
'Cô gái vườn đào' trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters
'Cô gái vườn đào' trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters
'Cô gái vườn đào' trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters
'Cô gái vườn đào' trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters
'Cô gái vườn đào' trong bức ảnh ấn tượng Việt Nam của Reuters

Lê Huyền – Ngân Anh – Ảnh nhân vật cung cấp



Xem nguồn

Bộ Giáo dục sẽ công bố thêm đề thi thử nghiệm các môn thi 2017

Posted: 27 Dec 2016 03:35 AM PST


 Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ công bố thêm bộ đề thi thử nghiệm của các bài thi THPT 2017 vào cuối tháng 1/2017 để các thí sinh tham khảo.

Ông Ga cho biết, ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan được xây dựng theo một qui trình khoa học, chặt chẽ. Ngay đầu tháng 9/2016 Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác đề thi và xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện.

"Qui trình xây dựng câu hỏi thi được thực hiện qua 9 bước từ tổ chức biên soạn câu hỏi thô, thử nghiệm chuẩn hóa đến lựa chọn các câu hỏi thi đưa vào phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi chính thức để đảm bảo mức độ tương đương giữa các đề thi"- ông Ga cho biết.

Bộ Giáo dục sẽ công bố thêm đề thi thử nghiệm các môn thi 2017
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Bên cạnh đó, đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được xây dựng theo hướng tiếp tục thực hiện đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đảm bảo phân hoá kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Căn cứ ma trận đề thi, Bộ xây dựng các đề minh họa làm cơ sở cho giáo viên và học sinh tham khảo trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.

"Ngày 6/10, Bộ đã công bố 14 đề thi minh họa của các môn thi năm 2017. Theo kế hoạch, Bộ sẽ công bố 14 đề thi thử nghiệm của các môn thi năm 2017 vào cuối tháng 01/2017 để thí sinh và các nhà trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập" – ông Ga thông tin.

Hiện Bộ đang tích cực triển khai xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi. Bộ đề thi theo bài thi này sẽ công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016-2017 (dự kiến giữa tháng 5/2016) – ông Ga cho biết thêm.

Đã biên soạn 60.000 câu hỏi trắc nghiệm

Thứ trưởng Ga cũng cho biết, hiện nay Bộ đang gấp rút thực hiện bổ sung, chuẩn hóa Ngân hàng câu trắc nghiệm đã có tại Cục KTKĐCLGD bằng nhiều nguồn khác nhau, như huy động giáo viên tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi, khai thác các câu hỏi thi phù hợp trong Ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ tháng 10 đến tháng 12/2016, đã tổ chức 10 đợt biên soạn câu hỏi thô tại 10 điểm trên toàn quốc; lựa chọn, huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành, các giảng viên ĐH có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT có nhiều kinh nghiệm thi kiểm tra đánh giá.

"Cho tới hiện tại đã biên soạn được hơn 60.000 câu hỏi thô, cơ bản đáp ứng đúng quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa của lý thuyết khảo thí hiện đại. Số câu hỏi thô đã chuẩn bị hiện đạt gấp đôi so với dự kiến ban đầu" – ông Ga thông tin.

Dữ liệu câu hỏi thô, sản phẩm của các đợt biên soạn này được chuyển về Hà Nội để biên tập, thẩm định và thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

"Cho đến thời điểm này, đã thực hiện được 7 đợt biên tập, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra, kết quả, khoảng 45.000 câu hỏi đã được biên tập; khoảng 80% số lượng câu hỏi thô của 10 đợt biên soạn đạt chất lượng có thể sử dụng cho biên tập tinh chỉnh xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa” – ông Ga khẳng định.

“Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được xây dựng và từng bước được hoàn thiện theo quy trình khoa học, chặt chẽ là cơ sở để ra đề thi trắc nghiệm với mức độ tương đương, đáp ứng yêu cầu tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017" – ông Ga khẳng định.

Lê Văn



Xem nguồn

Thủ tướng: Giáo sư, tiến sĩ đông nhưng kết quả nghiên cứu còn khiêm tốn

Posted: 27 Dec 2016 02:52 AM PST


 Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2016 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) sáng 27/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, các nhà kỹ thuật của chúng ta đông, nhưng các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng còn khiêm tốn, kể cả tư vấn chính sách.

Thủ tướng: Giáo sư, tiến sĩ đông nhưng kết quả nghiên cứu còn khiêm tốn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị sáng nay. Ảnh: Loan Lê.

Không để trí tuệ Việt thua kém trên sân nhà

Biểu dương kết quả mà VAST đã làm được trong năm 2016 cũng như 30 năm đổi mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sứ mệnh lớn nhất của VAST trước hết là làm sao không để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam thua kém trên sân nhà, để từ đó chúng ta có thể hội nhập vào chuỗi giá trị tri thức toàn cầu một cách chủ động với tinh thần khai phóng, phát huy cao độ lòng tự tôn dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đã đến lúc Viện cũng như các cơ quan nghiên cứu khoa học trên cả nước cần nhìn lại, suy ngẫm và hành động theo tinh thần, quan điểm nổi tiếng của một nhà lý luận, nhà khoa học với bề dày hoạt động thực tiễn, đó là cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng khẳng định, nhiều ý kiến cho rằng, nền khoa học Việt Nam vừa yếu, vừa thiếu đòi hỏi chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thành quả và các tác động thực tiễn của KHCN Việt nam trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước. 

Thiếu ở đây chắc hẳn là thiếu thể chế, cơ chế quản lý phù hợp, thiếu vốn đầu tư chỉ là thứ yếu. Yếu ở đây chắc hẳn là có yếu tố con người, đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, các nhà kỹ thuật của chúng ta đông, nhưng các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng còn khiêm tốn, kể cả tư vấn chính sách

Việc nhiều nhà sản xuất đứng trước các vấn đề liên quan đến công nghệ, cải tiến thiết bị, chủ yếu là tìm đến các nhà sản xuất và đơn vị tư vấn nước ngoài là một thực tế cần suy nghĩ, là thách thức và yêu cầu mà các nhà khoa học cần khắc phục, rút kinh nghiệm.

Thủ tướng cho rằng, không ít đề tài nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chỉ góp phần làm dày thêm các tủ lưu trữ tại các thư viện lớn. Nghiên cứu là cần thiết, nhưng không gắn với thực tế, không đáp ứng yêu cầu của thực tế thì tự mình thua trên sân nhà

“Chúng ta cứ mải mê nghiên cứu những vấn đề cao siêu, mà không lưu ý những vấn đề đơn giản của thực tế để đứng nhìn các doanh nghiệp Việt Nam phải chi trả những khoản tiền lớn cho nước ngoài, cho những vấn đề mà không phải trong nước không giải quyết được” – Thủ tướng nói.

"Các nhà khoa học Việt Nam có thể là các nhà khoa học tốt, nhưng chưa chắc là các nhà tư vấn tốt", Thủ tướng khẳng định. “Đây là vấn đề cần thay đổi tư duy, kỹ năng và cả văn hóa làm việc để bắt kịp thực tế, cũng như thích ứng với cơ chế thị trường“.

Bốn yêu cầu và 5 đặt hàng

Từ thực tế nêu trên, Thủ tướng cũng nêu ra 4 yêu cầu và 5 đặt hàng đối với VAST trong thời gian tới.

Thứ nhất, cùng với với nghiên cứu khoa học cơ bản, cần dành thời gian, nguồn lực thỏa đáng để nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học vào thực tiễn; phải tạo lên mối liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu KHCN với sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp, đồng thời giảm dần tình trạng các doanh nghiệp trong nước đang bỏ ra các chi phí lớn thuê các đơn vị tư vấn KHCN ở nước ngoài mỗi khi cần cải tiến hoặc sản xuất thiết bị và phụ tùng.

Thứ hai, KHCN cũng đã được Đảng, Nhà nước xác định là nền tảng, động lực phát triển đất nước. Nhưng đến nay, vai trò đó chưa được phát huy đúng với tiềm năng của người Việt Nam. Làm sao để thực hiện tốt chủ trương này, hướng đi ra sao, đầu tư như thế nào? Những điều này đòi hỏi Viện phải tiến hành các nghiên cứu định tính và định lượng, xây dựng đề xuất thích hợp với Chính phủ. 

Thứ ba, về đào tạo, Viện không ngừng nỗ lực để khẳng định chất lượng đào tạo trong bối cảnh KHCN đang tác động nhanh chóng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. 

Thứ tư, Viện cũng cần tinh gọn bộ máy, áp dụng phương thức quản lý phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài, sáng tạo ra các sản phẩm và ý tưởng có tính ứng dụng cao, phục vụ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng: Giáo sư, tiến sĩ đông nhưng kết quả nghiên cứu còn khiêm tốn
Lãnh đạo VAST tặng Thủ tướng bộ Atlas quốc gia Việt Nam. Ảnh: Loan Lê.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng “đặt hàng” VAST nghiên cứu và đề xuất các giải pháp sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý nhằm nâng cao giá trị và giảm thiểu lãng phí cho tài nguyên quốc gia.

Đề xuất các giải pháp KHCN trong việc theo dõi kiểm soát và xử lý môi trường cũng như khắc phục hậu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu áp dụng KHCN trong việc sản xuất hàng hóa chú trọng yếu tố thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa.

Áp dụng KHCN vào chế biến sau, bảo quản lương thực, thực phẩm với chuỗi giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam. Nâng cấp vị thế của nền nông nghiệp Việt Nam ở nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực then chốt của quốc gia, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, các công nghệ mới, công nghệ nano…

Nhấn mạnh nhiệm vụ khởi nghiệp là quan trọng, Thủ tướng mong muốn từ những nghiên cứu, ý tưởng khoa học của VAST, sẽ có những nhà khởi nghiệp thành công ở trong nước và quốc tế. Ngay trong lòng của Viện cũng có các nhà khởi nghiệp xuất sắc.

Lê Văn



Xem nguồn

Những chuyến đi bỏ mặc người thân

Posted: 27 Dec 2016 02:10 AM PST


Cái đỉnh điểm của việc vị kỷ, là khi một bộ phận không ít người trẻ quyết định bỏ luôn cảm xúc của người thân để dấn thân vào những chuyến đi xuyên Tết.

Không đủ tiền thì đừng “vác xác” ra nước ngoài

Tôi vô tình thấy dòng trạng thái của một bạn trẻ trên mạng, đang tính toán cho chuyến đi dài ngày xuyên Tết, theo cách bạn gọi là "đi trốn"… tự dưng trong một khoảnh khắc, thấy chạnh lòng thương cho giới trẻ ngoài kia.

Những chuyến đi bỏ mặc người thân
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch, tác giả bài viết

Thế hệ trẻ, tạm gọi là thế hệ "thiên niên kỷ" khi năm sinh của các bạn trong khoảng giao thời của hai niên đại, cũ và mới. Các bạn đại diện cho thế hệ dịch chuyển, thế hệ hội nhập toàn cầu, nơi chúng ta xoá nhoà ranh giới quốc gia, trở thành công dân của thế giới ảo và phẳng. 

Tôn chỉ của thế giới đó là trải nghiệm và đam mê, chia sẻ về những cung đường lạ, chia sẻ về những điểm đến tuyệt vời, khuyến khích người ta xách balo lên và đi, nhưng để đi, người trẻ chỉ biết cắm đầu về phía trước mà không hề nhận ra bản thân đã qua rất nhiều giá trị khác của cuộc đời. Những chuyến đi, tôi gọi là vị kỷ.

Những chuyến đi bỏ mặc tương lai

Cách đây không lâu, trên mạng có bài viết "Giới trẻ không thích mua nhà và xe, để dành tiền đi và trải nghiệm". Bài viết đại ý cổ xuý cho một lối sống mới khi không đặt nặng việc sở hữu tài sản mà khuyến khích tiêu tiền vào việc bước đi, không cần dành dụm. Tôi đọc xong, chỉ phì cười, vì cơ bản lối suy nghĩ đó có thể đúng ở nơi khác nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn không được.

Ở các quốc gia phát triển, hệ thống an sinh xã hội tốt, nên dù tuổi trẻ không cần dành dụm cho nhà hay xe thì về già, bạn vẫn có thể dựa vào viện dưỡng lão hay lãnh tiền hưu đủ trang trải cuộc sống, không thành gánh nặng cho con cái, gia đình.

Còn ở Việt Nam, khi hình ảnh người già cơ nhỡ xuống đường ăn xin còn nhan nhản, nếu khi còn trẻ không dành dụm tạo ra một nơi an trú lúc về già, có lẽ cũng nên chọn sẵn một góc phố để sau này ngồi hành khất là kịp. Dại thì chết, thương làm sao được.

Đừng nguỵ biện cho lối sống bạt mạng, không để ý đến tương lai bằng hai từ trải nghiệm.

Những chuyến đi quảng bá “văn hoá lùn”

Trên những diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm du lịch đó đây, dạng bài viết đi nước này nước nọ với số tiền ít ỏi luôn được quan tâm và chia sẻ nhiều nhất. Mặt tích cực của điều này, cho thấy việc khát khao được đi của một bộ phận giới trẻ, nhưng tiêu cực lại là khi “văn hoá lùn” được phô bày nơi xứ người.

Thói manh mún, gian ngoa được đem giới thiệu khắp nơi mà người bày ra lại vỗ ngực tự hào, vui vẻ rằng đó là trí khôn của ta đây. Những chuyện đi lén tàu điện, cách trốn vé qua cổng khu tham quan, cách lấy đồ dùng leo núi của cửa hàng dùng xong rồi đem trả hoàn tiền để gọi là tiết kiệm chi phí, được rỉ tai nhau, được truyền đi như một thứ dịch bệnh của lối tư duy bần cùng, manh mún.

Hay gần đây, có tranh cãi về chuyến đi năm nước với số tiền chưa đầy bảy triệu bạc. Lí lẽ biện minh cho việc này là mục đích của mỗi người mỗi khác. Ừ thì đúng là nên tôn trọng quyền được đi của mỗi người, nhưng đi sang nước người ta, ăn bờ ngủ bụi, tuyệt nhiên đầu óc chỉ chăm chăm đến việc làm sao để đừng tốn tiền, không thấy nhắc đến một kỷ niệm, một trải nghiệm gì về văn hoá, về con người.

Chuyến đi như vậy, là lời xúc phạm dành cho nền văn hoá của một quốc gia bạn ghé thăm.

Không đủ tiền cho chi phí cơ bản, đừng đi, vì đất nước người ta đủ ăn mày rồi, không cần mình qua góp mặt đâu.

Những chuyến đi bỏ mặc người thân

Cái đỉnh điểm của việc vị kỷ, là khi một bộ phận không ít người trẻ quyết định bỏ luôn cảm xúc của người thân để dấn thân vào những chuyến đi xuyên Tết.

Những chuyến đi bỏ mặc người thân
Những chuyến đi chơi xa luôn có sức hấp dẫn với giới trẻ (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Năm trước, tôi ghé nhà một người quen, nhìn cảnh nhà có mỗi hai người già cun cút bên nhau, ông pha ấm trà, bà ngồi coi mấy chương trình ca nhạc trên đài, tịnh lặng như không, mắt môi vương phất nỗi sầu. Hỏi ra, đứa con trai duy nhất năm nay quyết phải đi đến đất nước xa lạ để trải nghiệm cảm giác Tết xa nhà. Ông bà buồn, nhưng rồi vì yêu và thương đứa con trai duy nhất nên cứ để nó đi, để rồi từ đầu ngày Tết đến nay, chiều lại ngồi bên cửa chờ, tự dối lòng coi có khi nào thằng con vì chán nên bỏ cuộc hành trình để quay về sớm hơn dự định.

Cái thở dài của hai vợ chồng trong khí trời xuân, làm tôi ám ảnh và chùng lòng.

Thói ích kỷ của những đứa trẻ thành thị, những đứa trẻ mà hai chữ nơi cửa miệng là chán đời, đã quen quá rồi với việc mỗi ngày nhìn mặt mẹ cha, nên cứ đến Tết thì lại dứt áo, xách đồ lên đi, bỏ lại việc nhà, bỏ lại cơ hội sum vầy, bỏ lại cả những ánh mắt ngóng trông hay căn nhà lạnh vắng tiếng cười của bậc song thân.

Cứ nghĩ lại đi, đời bạn còn trẻ và đủ dài cho những chuyến đi, nhưng thử hỏi, cha mẹ có còn bao nhiêu thời gian để chờ đợi bạn về bên nhau mùa xuân? Đừng để những chuyến đi thành nỗi hối hận vì đến lúc về sẽ không còn nhìn thấy ai đang mong chờ mình.

Còn bạn, Tết năm nay chọn đi hay về, chọn sống vì cái tôi vị kỷ hay vì tình yêu dành cho mẹ cha? Tôi chọn Tết là dịp để sum vầy, vì bất cứ chuyến hành trình nào trong đời, cũng là chia cách để rồi người ta học được việc trân trọng đường về của con tim.

Chúng ta khuyến khích những chuyến đi, nhưng hãy nhớ, hành trang để đi không phải chỉ cần tiền, chỉ cần đôi chân hay sức trẻ, mà là cần khối óc, sự văn minh và cả một trái tim đủ thấu cảm cuộc đời…

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch



Xem nguồn

Comments