Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Tốn tiền đi học nước ngoài, không được cấp bằng: Đề nghị thu hồi hơn 18 tỷ đồng

Posted: 25 Dec 2016 08:34 AM PST


Trong số 194 giảng viên các trường nghề Việt Nam được lựa chọn và cử sang Australia học tập, có 18 người trở về không được phía bạn cấp chứng nhận, dù ngân sách nhà nước đã chi ra hàng chục tỷ đồng. Lý do rất "lạ lùng" – do lệch khung đào tạo giữa hai nước và hợp đồng trọn gói không lường trước được.

"Ký cả gói nên thiếu thời gian học"

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Australia chuyển giao 12 bộ chương trình đào tạo nghề của nước này cho Việt Nam.

Tốn tiền đi học nước ngoài, không được cấp bằng: Đề nghị thu hồi hơn 18 tỷ đồng

Để tiếp nhận được 12 bộ chương trình đào tạo nghề của Australia, Việt Nam phải đưa giảng viên dạy nghề sang nước bạn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng dạy nghề theo chương trình mới.

Thực hiện chương trình này, năm 2014, có 194 giảng viên các trường nghề Việt Nam được lựa chọn và cử sang Học viện Chisholm (Bang Victoria, Australia) theo học. 

Kết thúc khoá học đào tạo ngắn hạn, cơ bản các học viên đã hoàn thành. 

Tuy nhiên, bất ngờ là trong số này, có 18 giảng viên sang đào tạo nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí không đạt điều kiện để được phía bạn Australia cấp chứng chỉ. Trong khi trên thực tế, ngân sách nhà nước đã chi ra hơn 18,3 tỷ đồng cấp cho 18 giảng viên này đi học tập.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận, theo hợp đồng giữa Việt Nam và Australia, tất cả 194 giảng viên Việt Nam dự khóa học đều có thời gian đào tạo như nhau. 

Tuy nhiên, do nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí của Australia có nhiều khác biệt với Việt Nam, khung thời gian đào tạo cũng kéo dài hơn. 

Nhưng thời gian hợp đồng đào tạo kết thúc, nên những học viên này vẫn phải về nước, dù chưa đủ thời gian đào tạo (thiếu 1 tháng học). Do đó, phía Australia chưa công nhận và cấp bằng giảng viên bậc 4 (đủ trình độ dạy cao đẳng) cho những người này.

"Đáng ra, việc ký hợp đồng phải theo từng nghề, vì mỗi nghề có 1 khung thời gian học khác nhau. Nhưng do ký cả gói gồm tất cả các nghề như nhau, nên dẫn tới sai lệch, một nghề bị thiếu thời gian học. Đây không phải là ăn bớt, hay cắt xén chương trình học, mà chưa lường hết sự khác biệt khung đào tạo giữa 2 nước", vị này nói.

Kiến nghị thu hồi 18,3 tỷ đồng – Ai trả?

Thực hiện Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đang thực hiện thí điểm chuyển giao một số giáo trình nghề nước ngoài về dạy tại Việt Nam (tương tự, các chương trình liên kết đào tạo đại học với nước ngoài).

Hiện tại, Tổng cục Dạy nghề đang thực hiện chuyển giao 12 bộ chương trình, giáo trình đào tạo nghề của Australia. 

Đồng thời, 103 giáo viên cũng được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại Malaysia để nhận chuyển giao chương trình đào tạo nghề của Malaysia. 

Ngoài ra, còn nhập chương trình đào tạo nghề của Đức; phối hợp với Anh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho 280 giáo viên giảng dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế. Toàn bộ kinh phí do ngân sách nhà nước chi trả.

Riêng với chương trình đào tạo tại Australia nói trên, đến nay, được biết Thanh tra Bộ Tài chính đã có ý kiến đề xuất thu hồi số tiền hơn 18,3 tỷ đồng đã chi cho 18 học viên này. 

Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH, việc 18 học viên chưa đạt yêu cầu là do khách quan và đã thống nhất cách khắc phục với phía Australia, cho nên Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Tài chính không thu hồi khoản tiền đã chi.

Cụ thể, giải pháp bộ này đưa ra là đã làm việc với Australia để phía bạn cử giảng viên sang Việt Nam bồi dưỡng thêm cho 18 học viên trên khoảng 1 tháng để đủ điều kiện được cấp chứng chỉ.

Khoá học ở Australia có gì?

Theo chương trình Việt Nam ký kết với các đối tác Australia, Việt Nam sẽ tiếp nhận 12 bộ chương trình đào tạo nghề của nước bạn về đào tạo trong nước, bằng và chứng chỉ vẫn do Australia cấp. Để được dạy 12 bộ chương trình này, giảng viên Việt Nam phải trải qua một khóa học ngắn hạn tại Australia để phía bạn công nhận đủ điều kiện giảng dạy. Các nghề chuyển giao gồm: Cơ điện tử; Thiết kế đồ họa; Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp; Quản trị khu Resort; Quản trị nhà hàng; Quản trị lữ hành; Hướng dẫn du lịch; Công nghệ thông tin; Quản trị mạng máy tính; Điện tử công nghiệp; Công nghệ sinh học; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.

Theo Lê Hữu ViệtTiền Phong



Xem nguồn

Các trường học ở Việt Nam cần có nhân viên công tác xã hội

Posted: 25 Dec 2016 05:04 AM PST


PV báo Giáo dục và Thời đại trao đổi TS Nguyễn Hiệp Thương – Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐHSP Hà Nội – về vấn đề này.

5 khó khăn trong phát triển lĩnh vực CTXH

Nhu cầu phát triển CTXH trường học ở Việt Nam là rõ ràng trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập hoá hiện nay. Nhưng tại sao hoạt động này chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong nhà trường?

– Việc xây dựng và phát triển lĩnh vực CTXH còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, lĩnh vực này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của Nhà nước, các cấp, các ngành so với nhu cầu cần có. CTXH trong trường học là một vấn đề còn khá mới mẻ đối với khoa học xã hội ở Việt Nam nói chung và các nhà lãnh đạo cấp cao nói riêng.

Thứ hai, công tác nghiên cứu lý luận về CTXH trường học tại Việt Nam còn rất khiêm tốn. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào được tiến hành một cách sâu rộng được công bố chính thống về các mô hình dịch vụ CTXH tại trường học ở Việt Nam.

Thứ ba, nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng và phát triển CTXH trường học còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều này trước hết được thể hiện ngay trong việc đào tạo CTXH ở Việt Nam nói chung còn nhiều bất cập do thiếu nhân lực và hạn chế về trình độ.

Đa số các trường đào tạo cử nhân CTXH hiện nay vẫn phải huy động nhiều giảng viên ở các ngành gần kề như tâm lý, giáo dục. Số lượng giảng viên được đào tạo cơ bản về CTXH vẫn còn rất thiếu

Việc đào tạo cử nhân hoặc cán bộ CTXH chuyên sâu về lĩnh vực trường học còn rất manh mún. Đa số các trường cao đẳng, đại học chưa thiết kế chương trình đào tạo chuyên biệt về lĩnh vực CTXH này, kể cả ở góc độ lý thuyết lẫn thực hành.

Hiện tại, chỉ có một số cơ sở đào tạo giảng dạy CTXH trường học như một môn học riêng (thường là tự chọn), song nội dung kiến thức và kỹ năng trong các tài liệu đó cũng không được chuyên sâu, không bàn luận cụ thể các giải pháp can thiệp về CTXH cho những vấn đề học sinh gặp phải.

Thứ tư, công tác nghiên cứu thực tiễn và tài liệu hoá những chương trình can thiệp đã có liên quan tới CTXH trường học chưa được thực hiện tốt.

Thứ năm, ngân sách đầu tư cho CTXH trường học cũng như các dịch vụ hỗ trợ học sinh khác còn rất thấp. Đa phần các trường chưa có ngân sách ngoài biên chế cứng cho giáo viên và cán bộ quản lý. Ở những trường đã có phòng tham vấn học đường cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính để trả lương cho tư vấn viên.

Hầu hết các trường đều phải tự xoay sở để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ này, vì thực tế chưa có chế độ đãi ngộ của Nhà nước dành cho các tư vấn viên như những người làm các nghề nghiệp khác. Sự khó khăn về mặt tài chính cũng thể hiện ở việc đầu tư cho các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho việc tư vấn.

Cần phân biệt rõ CTXH trường học và tham vấn trường học

TS Nguyễn Hiệp Thương 

Trong một số hội thảo gần đây, nhiều nhà quản lý đặt câu hỏi về lý do tại sao cần có các dịch vụ CTXH trong trường học trong bối cảnh một số trường đã triển khai mô hình tham vấn trường học?

– Một số điểm phân biệt giữa hai loại hình dịch vụ CTXH trường học và tham vấn trường học như sau:

CTXH trường học: Do cán bộ được đào tạo CTXH và/hoặc một số ngành gần đảm nhiệm. Hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề khác nhau: sức khỏe, tâm lý, nghèo đói, chính sách, nhận thức, hành vi, lối sống, … (mang tính tổng quát)

Mục tiêu là giúp học sinh có điều kiện sống và học tập tốt nhất. Bao gồm 3 cấp độ can thiệp, trong đó quan tâm nhiều đến phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp sớm;vtương tác, làm việc nhiều với gia đình và các bên liên quan. Làm việc ở nhiều nơi khác nhau với nhiều bên khác nhau. Đánh giá tổng thể nhiều khía cạnh cuộc sống có ảnh hưởng tới học sinh, sử dụng lý thuyết hệ thống để phân tích.

Tham vấn trường học: Do các cán bộ được đào tạo chuyên ngành tâm lý thực hiện. Chủ yếu hỗ trợ các vấn đề cảm xúc và hành vi, đặc biệt là các rối nhiễu tâm lý như trầm cảm, lo âu,… (đòi hỏi mang tính chuyên sâu)

Mục tiêu là giúp học sinh có được nhận thức, cảm xúc và hành vi đúng đắn. Thiên nhiều về can thiệp cá nhân, chủ yếu là tham vấn và trị liệu cho một số học sinh cụ thể – tương ứng với mức độ 3 (can thiệp/ trị liệu) của CTXH.

Chủ yếu làm việc một – một trong phòng tham vấn. Chủ yếu sử dụng các bài kiểm tra (test) tâm lý để đo các mức độ rối nhiễu về cảm xúc và hành vi

Có thể thấy, CTXH quan tâm đến nhiều mặt của cuộc sống có ảnh hưởng tới việc học tập và phát triển của học sinh. Để làm được điều này, nhân viên CTXH trường học cần được đào tạo các kiến thức và kỹ năng CTXH, biết cách làm việc với nhiều đối tượng khác nhau liên quan tới học sinh, như phụ huynh, giáo viên, bạn bè, họ hàng, các ban ngành, đoàn thể và cán bộ chuyên môn khác.

Trong khi đó, cán bộ tham vấn làm việc ở góc độ bó hẹp hơn – chuyên sâu hơn về một lĩnh vực cụ thể, thiên về việc xác định, tham vấn và trị liệu các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần.

Nó đòi hỏi cán bộ tham vấn phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn sâu về tham vấn tâm lý và có thể đưa ra những lời khuyên, những bài tập trị liệu nhằm thay đổi suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của học sinh.

Một điều cần làm rõ ở đây là ở nhiều nước phát triển, trong trường học thường có cả nhân viên CTXH và cán bộ tham vấn trường học. Họ phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ học sinh một cách tốt nhất. Thậm chí, ở Anh, Mỹ, Singapore, Hồng Kông,… còn có thêm một số vị trí cán bộ hỗ trợ khác để giúp đỡ học sinh.

Ngoài giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, học sinh có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhiều cán bộ chuyên môn khác nhau trong trường học: Cán bộ tham vấn học đường (school counsellor), chuyên gia tâm lý học đường (school psychologists), cán bộ phụ trách công tác học sinh sinh viên (student care officer) và cán bộ CTXH (social workers).

Mặc dù là có sự khác nhau về tên gọi, mô tả công việc cũng như yêu cầu thực tế của mỗi nước (thậm chí là các khu vực, các trường trong cùng một quốc gia cũng khác nhau), song rõ ràng là học sinh ở những nước phát triển này có nhận được nhiều dịch vụ hỗ trợ hơn ngoài giáo viên giảng dạy chuyên môn.

Điều này cho thấy, khi xã hội phát triển hơn, rõ ràng các trường học ở Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề của học sinh chứ không chỉ đơn thuần bó hẹp ở việc dạy và học kiến thức chuyên môn.

Cân nhắc tính toán phương án bổ sung cán bộ CTXH cho trường phổ thông

Ông có khuyến nghị gì nhằm phát triển CTXH trường học tại Việt Nam hiện nay?

– Trên cơ sở phân tích thực trạng của Việt Nam và ác vấn đề liên quan, chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị liên quan tới việc phát triển CTXH trường học tại Việt Nam hiện nay như sau:

Trước hết, cần khẳng định tầm quan trọng của CTXH trường học và theo xu hướng phát triển, các trường học ở Việt Nam cần có nhân viên CTXH.

Trước mắt, Bộ GD&ĐT nên triển khai nội dung này tại nhà trường và bổ sung vai trò, nhiệm vụ của CTXH vào các hoạt động của nhà trường bên cạnh các hoạt động giáo dục chuyên môn.

Thứ hai, yêu cầu thực tế của Việt Nam đòi hỏi cần có nhiều nghiên cứu, đánh giá thực chứng hơn nữa về nhu cầu của học sinh, cách thức triển khai và vai trò, nhiệm vụ cụ thể của CTXH trường học.

Rõ ràng việc các vấn đề xảy ra với học sinh ngày càng nhiều và phức tạp, đòi hỏi cần sự trợ giúp của nhân viên CTXH. Tuy nhiên, việc lựa chọn hoạt động, dịch vụ can thiệp như thế nào cho phù hợp thì cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể.

Một điểm quan trọng nữa là Việt Nam cần thiết phải sớm xây dựng những văn bản hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc đạo đức và tiêu chuẩn thực hành nghiệp vụ CTXH nói chung, và hướng dẫn chi tiết cho CTXH trường học nói riêng. Đây chính là những cơ sở lý luận quan trọng nhất cho việc xây dựng và triển khai các mô hình CTXH trường học trên thực tiễn.

Về lâu dài, cần có định hướng phát triển con người, nguồn nhân lực nhân viên CTXH trường học đủ về số lượng và thực sự có chất lượng.

Các cấp, các ngành và các cơ sở đào tạo CTXH nên có định hướng mở những mã ngành đào tạo chuyên sâu về CTXH trường học và bồi dưỡng năng lực cho cán bộ giáo dục, giáo viên phổ thông về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ CTXH.

Cần có định hướng đầu tư cho việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết cho việc triển khai các nghiệp vụ CTXH cụ thể trong trường học. Đây sẽ là cơ sở cho việc đào tạo nguồn nhân lực cũng như việc áp dụng, triển khai các mô hình trên thực tế.

Về nhân sự, Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT có thể cân nhắc tính toán các phương án bổ sung cán bộ CTXH cho mỗi trường phổ thông trên cơ sở tham khảo mô hình các nước và dựa vào thực tiễn Việt Nam.

Trước mắt, có thể tính đến việc huy động sự tham gia của giáo viên phụ trách đoàn đội, cán bộ y tế, cán bộ tham vấn tâm lý (nếu đã có) và một số giáo viên khác để đào tạo kiến thức, chuyên môn trong việc hỗ trợ các dịch vụ CTXH cho học sinh.

Về lâu dài, có thể cân nhắc đề xuất thêm một vị trí biên chế chính thức ở mỗi trường phổ thông phụ trách triển khai các dịch vụ CTXH hỗ trợ học sinh và giáo viên.

Cần truyền thông mạnh mẽ về vai trò, tầm quan trọng và những hoạt động của CTXH trong trường học để nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên, cha mẹ và cộng đồng. Cần có những buổi hội thảo, truyền thông hoặc phát tờ rơi trực tiếp cho học sinh và gia đình về các hoạt động của CTXH.

Xin cảm ơn ông!

Một số đặc điểm và yêu cầu cơ bản của CTXH trường học: Tiếp cận trên cơ sở lý thuyết CTXH (Ít nhất, nhân viên CTXH trường học cần nắm được và vận dụng tốt một số học thuyết, cách tiếp cận cơ bản: Thuyết trung dung;Tiếp cận đa chiều; Lý thuyết hệ thống sinh thái; Thuyết tập trung vào điểm mạnh; Can thiệp toàn diện đa cấp độ); Đảm bảo bằng cấp chuyên môn; Tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và thực hành nghiệp vụ CTXH; Phù hợp thực tiễn; Kết nối liên ngành.



Xem nguồn

Hành động tử tế của lái xe khách Sơn La khiến dân mạng nể phục

Posted: 25 Dec 2016 03:39 AM PST


Câu chuyện được chị Mùi Thị Thu Hà – Hiệu phó Trường Mầm non Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La – chia sẻ trên một diễn đàn. Ngay lập tức, câu chuyện nhận được hàng ngàn lượt "like" và chia sẻ. 


Hành động tử tế của lái xe khách Sơn La khiến dân mạng nể phục

Chị Hà viết: "Hôm nay có việc lên Sơn La. Mình đi chuyến xe Phù Yên lên thành Phố Sơn La. Xe chỉ có 3 khách cả mình. Đến Suối Xập thỉnh thoảng lại có 2-3 em học sinh vẫy xe khách, anh lái xe lại dừng xe cho các em lên xe. Mình thầm nhủ trong lòng, khách lên xe khoảng 10 người thế này đông khách thấy vui vui trong lòng. Mình bảo anh lái xe 'anh ơi em mừng cho anh, khách đông anh nhỉ!'. Anh lái xe nói anh làm từ thiện đấy, 2 năm rồi sáng nào anh cũng đón học sinh từ Suối Xập lên đỉnh Phiêng Ban, nếu không phải thứ 7 thì ngày nào cũng gần 40 em học sinh. Trân trọng tấm lòng của anh lái xe lúc 5h30 sáng lên Sơn La quá. Anh thật có tâm. Chúc anh lái xe an toàn may mắn đông khách ạ!"

Chia sẻ với báo Vietnamnet, anh Nguyễn Hồng Phi – lái xe được chị Hà nhắc đến trong câu chuyện – cho biết, anh chạy xe tuyến Phù Yên – Sơn La được 2 năm nay. Anh có 2 xe chạy chuyến đi từ 5h30 sáng và chạy về lúc 13h30 chiều, mỗi xe chạy 2 ngày thay phiên nhau. 

Xe của anh và xe kia do một lái xe tên Nhất lái đều chở miễn phí các em tới trường suốt 2 mùa đông qua. 

"Xe tôi chạy từ 5h30 sáng, đến khoảng 6h30 thì bắt đầu đón các cháu rải rác ở các điểm. Có cả học sinh cấp 1 và cấp 2 của trường Phiêng Ban. Trường Tiểu học Phiêng Ban 1, điểm trường Bản Mòn thì ở giữa đèo" – anh Phi chia sẻ.

Người đàn ông 45 tuổi này cho biết, ban đầu thấy các cháu được bố mẹ chở đi, mùa đông mưa nhiều, rét mướt, đường 5km thì dốc dựng đứng, không có chỗ nào đường bằng, anh thấy thương, nên bảo các cháu lên xe, anh chở tới trường. Rồi quen dần, các cháu tự ra đường đón xe. "Cứ mùa đông mưa rét thì các cháu đi nhờ, còn mùa hè vào học sớm thì bố mẹ các cháu đưa đi. Những cháu gần trường hoặc cách trường độ khoảng 1 km thì đi bộ thôi, vì dừng giữa đèo cũng khó".

Anh Phi chia sẻ, thông thường ngày nào đông thì anh đón khoảng 30-40 cháu, ngày nào ít thì 10-20 cháu. 

Hành động tử tế của lái xe khách Sơn La khiến dân mạng nể phục

Hơn 1.000 lượt bình luận sau khi đọc câu chuyện này đều gửi tới anh Phi và nhà xe những lời khen ngợi, ngưỡng mộ, cầu mong anh và các đồng nghiệp luôn thượng lộ bình an. "Thật đáng trân trọng giữa thời buổi đồng tiền hoá mà vẫn có những người nghĩa tình. Một điều chắc chắn là nhà xe đó sẽ an toàn, gặp nhiều may mắn" – chị Nguyễn Dung bình luận.

Hành động tử tế của lái xe khách Sơn La khiến dân mạng nể phục

"Mình cũng đã từng đi xe khách Phù Yên – Sơn La, thấy các anh thật tốt. Buổi trưa đón các em đi học về, quãng đường đi khá xa nếu không có các  anh thì những em nhỏ này đi học thật vất vả. Mong các anh duy trì được hoạt động này. Hành động nhỏ ý nghĩa lớn!" – chị Vân Phạm nói.

Khi phóng viên xin phép được chia sẻ câu chuyện của anh Phi, anh bảo "Ngại lên báo lắm. Anh và mọi người chỉ cố gắng làm một việc tử tế nhỏ nhoi trong khả năng của mình thôi. Không có gì to tát cả".

  • Nguyễn Thảo
  • Ảnh: Mùi Thị Thu Hà



Xem nguồn

“Xử lý nghiêm” dạy thêm sai quy định: Chỉ diễn ra trên giấy?

Posted: 25 Dec 2016 12:51 AM PST


Xử lý nghiêm giáo viên dạy thêm sai quy định là điệp khúc được nhắc đi nhắc lại trong hầu hết các văn bản, phát biểu chỉ đạo về dạy thêm của TPHCM. Có thể nói đây là thông điệp thể hiện quyết tâm chống dạy thêm tiêu cực, không dung dưỡng cho hành vi sai phạm trong dạy thêm, học thêm của giáo dục TPHCM.

Ngay cả thời điểm thành phố dùng dằng cho – cấm – rồi lại cho dạy học thêm trong nhà trường thì tất cả mọi văn bản, mọi chỉ đạo vẫn một lòng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm sai quy định.

Các văn bản hay các phát biểu chỉ đạo về vấn đề dạy thêm học thêm ở TPHCM đều nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm sai quy định

Các văn bản hay các phát biểu chỉ đạo về vấn đề dạy thêm học thêm ở TPHCM đều nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm sai quy định

Ý chí chống dạy học thêm tiêu cực của lãnh đạo thể hiện mạnh mẽ đến mức trong chỉ đạo về tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa rồi, Sở GD-ĐT TPHCM vẫn lồng vào "nhắc" các Phòng Giáo dục, trường học: Đối với việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, Sở yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp dạy thêm không đúng quy định.

Rồi nào là Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố về việc chấp hành các qui định về dạy thêm, học thêm.

Không cần rông dài thì ai cũng hiểu hậu quả khủng khiếp của tình trạng dạy học thêm tràn lan như hiện nay, việc dạy thêm tiêu cực gây ra áp lực và sự bất mãn từ phụ huynh, học sinh. Trong sự bức bí đó, quyết tâm xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng quy định của lãnh đạo ngành quả rất ấm lòng.

Thời quan qua, không ít trường hợp dạy thêm sai quy định ở TPHCM liên tục được phát hiện. Việc giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà không phép diễn ra nhiều vô kể, rồi cả trường tiểu học ngang nhiên tổ chức dạy học thêm nhiều năm liền bất chấp lệnh cấm hay những lời cảnh cáo.

Vậy nhưng, đã trường hợp nào đã được xử lý theo cách dễ hiểu nhất của từ nghiêm?

Giáo viên tổ chức dạy thêm sai quy định tại nhà... (Ảnh minh họa)

Giáo viên tổ chức dạy thêm sai quy định tại nhà… (Ảnh minh họa)

Việc các giáo viên mở lớp dạy thêm tại nhà không phép hay tình trạng o ép học sinh đến học, sau khi bị phát hiện, các quản lý thừa nhận như vậy là sai, là vi phạm quy định. Nhưng rồi các sai phạm đều chỉ được xử lý bằng cách yêu cầu ngưng lớp dạy thêm học thêm, viết bản tường trình. Ghê gớm lắm thì nhắc nhở trước hội đồng sư phạm hay cắt thi đua năm học.

Phải nhắc đến trường hợp một giáo viên tiếng Anh ở quận Tân Bình tổ chức dạy thêm tại nhà sai quy định. Sự việc đã "rùm beng" khi thông tin cô giáo này bị nhà trường kỷ luật. Cô giáo thì bị sốc tâm lý, còn nhiều đồng nghiệp thì được dịp bày tỏ sự phẫn nộ, tổn thương… Đúng là có sự nhầm lẫn thật, cô giáo không hề bị kỷ luật mà nhà trường chỉ áp dụng hình thức xử lý là không xét thi đua năm học.

Hóa ra việc kỷ luật một giáo viên dạy thêm sai quy định có thể gây bức xúc, phẫn nộ cho đội ngũ như vậy, mặc cho các quy định quản lý đã nói rõ sẽ "xử lý nghiêm".

Ngành giáo dục TPHCM cũng nhấn mạnh, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Đồng thời, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý cấp trên về việc quản lý, giám sát giáo viên thuộc đơn vị mình tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Giáo viên đang dạy tại các trường công lập – chịu sự quản lý trực tiếp của hiệu trưởng – dạy thêm sai quy định nhan nhản… Nhưng đến nay vẫn chưa thấy hiệu trưởng nào phải "chịu trách nhiệm"?

Hay vi phạm về dạy thêm học thêm diễn ra ngay trong trường học thì cũng xử lý theo cách ngưng hoạt động kèm nhắc nhở

Hay vi phạm về dạy thêm học thêm diễn ra ngay trong trường học thì cũng xử lý theo cách ngưng hoạt động kèm nhắc nhở

Ngay trường hợp một trường tiểu học ở quận 5 tổ chức dạy thêm công khai trong nhà trường nhiều năm nay. Đến khi báo chí lên tiếng thì lãnh đạo vào cuộc yêu cầu nhà trường phải ngưng ngay hoạt động sai phạm này. Và chỉ đến buổi sinh hoạt chuyên đề không liên quan thì Phòng Giáo dục mới "tranh thủ" luôn việc phê bình hiệu trưởng nọ.

Theo ý kiến của nhiều quản lý, dù ngành giáo dục giương cao quyết tâm chống dạy học thêm tiêu cực nhưng lại không có một hướng dẫn cụ thể nào từ Bộ hay từ Sở về hình thức xử lý cụ thể đối với trường hợp giáo viên vi phạm quy định dạy thêm. Chính vì vậy, các cấp bên dưới cũng rất lúng túng, phải cẩn trọng khi xử lý.

Bởi rõ ràng xử lý nghiêm – không phải là một hình thức xử lý cụ thể mà các trường có thể áp dụng. Chưa được thực hiện hóa thì thông điệp này chỉ là khẩu hiệu, hô hào.

Làm sai thì dừng – đó đang là cách xử lý về sai phạm trong dạy thêm, học thêm ở TPHCM và nhiều địa phương khác. Chúng ta đang xử lý tiêu cực trong dạy thêm, học thêm theo cách giơ cao mà chẳng đánh, xử lý trên giấy… Hỏi sao giáo viên không "nhờn" với việc vi phạm dạy thêm; hỏi sao học sinh không dễ thoát cảnh bị o ép phải học thêm.

Nói như một nhà giáo ở TPHCM, cứ xử lý cụ thể, xử lý nghiêm bằng hình thức rõ ràng một vài trường hợp dạy thêm sai quy định xem còn ai “nỡ” vi phạm?

Lê Đăng Đạt



Xem nguồn

Nghiên cứu, xem xét đưa nội dung về giáo dục công dân toàn cầu vào chương trình học

Posted: 24 Dec 2016 11:28 PM PST


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với GS Carlos Alberto Torres về nội dung Chương trình Giáo dục CDTCBộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với GS Carlos Alberto Torres về nội dung Chương trình Giáo dục CDTC

Về phía Mạng Công dân Toàn cầu (CDTC) có GS Carlos Alberto Torres – Chủ tịch Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu và đồng Chủ tịch Mạng Giáo dục Công dân toàn cầu thuộc tổ chức UNESCO; ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quốc tế Chương trình Giáo dục CDTC, Tổng giám đốc Mạng Giáo dục CDTC và Giáo sư Ana Elvira Steinbach Torres – Thành viên Mạng Giáo dục CDTC.

Tiếp thành viên Mạng CDTC, phía Việt Nam có đại diện của Vụ GD ĐH, các trường ĐH Sư phạm, Viện Khoa học GD, Ban soạn thảo CT&SGK mới.

Cảm ơn sự đón tiếp trang trọng và sự đón nhận với chương trình CDTC của Bộ GD&ĐT, GS Carlos Alberto Torres cho hay ông rất mong muốn Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ GD&ĐT sẽ xem xét đưa Chương trình (CT) giáo dục công dân toàn cầu (GD CDTC) vào nội dung giảng dạy trong trường học của Việt Nam.

Giới thiệu về CT giáo dục CDTC, GS Carlos cho biết: Hiện nội dung về Giáo dục CDTC đang được giảng dạy tại ĐH California tại LosAlgeles từ 2015 và dựa trên kết quả của sáng kiến GD toàn cầu.

Từ năm 2012 Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Bankimoon đã sáng lập ra CT CDTC dựa trên 3 trụ cột cơ bản: Giáo dục cho tất cả mọi người, nâng cao chất lượng giáo dục và Giáo dục CDTC. Và chỉ khi nào phát triển CT Giáo dục CDTC (trụ cột thứ 3) thì mới có thể đạt được 2 trụ cột trên.

GS Carlos bày tỏ mong muốn được chia sẻ kế hoạch, đưa nội dung tiêu chuẩn của CDTC vào trong nội dung giáo dục của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam đào tạo tập huấn cho đội ngũ giáo viên.

Khẳng định, đây là một chương trình thú vị để đẩy nhanh quá trình hội nhập với thế giới, nhờ đó công dân Việt Nam sẽ được giáo dục để biết tôn trọng giá trị chung của nhân loại, của các dân tộc khác, năng lực hợp tác với bạn bè quốc tế và tham gia thị trường lao động, GS Carlos Alberto Torres chia sẻ:

"Hiện nay ĐH California (Los Angeles) đang triển khai 3 chương trình GD CDTC gồm: Toàn cầu hóa và công dân toàn cầu; Giáo dục CDTC (nhấn mạnh chất lượng, tiêu chí giá trị của CDTC) và Phương pháp giảng dạy GD CDTC.

Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin, nội dung phương pháp về 3 khóa học này nếu Việt Nam thấy phù hợp và có nhu cầu. Dự kiến sắp tới sẽ có 15 trường ĐH sẽ đưa 3 môn học này vào CT giảng dạy, tạo thành mạng lưới GD CDTC ở các trường ĐH".

 Đồng thời, nếu Việt Nam đồng ý đưa CT Giáo dục CDTC vào các bậc học, Mạng lưới muốn hỗ trợ giáo viên giảng viên kiến thức, kỹ năng để giảng dạy về nội dung CDTC gồm cả bậc THPT và ĐH.

GS Carlos Alberto Torres cũng cho hay, hiện Mạng lưới CDTC đã xây dựng bộ câu hỏi 125 câu hỏi, Một người trả lời 80% câu hỏi này sẽ được nhận chứng chỉ là CDTC. GS Carlos cũng bày tỏ hy vọng, từ nay cho tới 2020 Việt Nam sẽ có 5 triệu người có chứng chỉ CDTC.

Tham gia buổi làm việc, đại diện cho Ban soạn thảo CT&SGK mới, GS Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận, việc đưa các nội dung của CT vào nội dung giảng dạy trong các bậc học ở thời điểm này khá thuận lợi vì GD Việt Nam đang xây dựng CT, SGK mới.

Song, để triển khai vào thực tế thì không dễ dàng vì so với hiểu biết xã hội của số đông người dân Việt Nam, những nội hàm của CT CDTC có một khoảng cách khá xa.

Tuy nhiên, đây cũng là nội dung cần thiết cho công dân Việt trong thời kỳ hội nhập, 3 trụ cột của CT Giáo dục CDTC cũng phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.

Do đó, GS Thuyết đã đề nghị Mạng lưới có thể cung cấp cho Bạn soạn thảo các bộ tài liệu, tiêu chí cách thể hiện nội dung Giáo dục CDTC trong CT học của các nước như thế nào để Việt Nam nghiên cứu, học tập

Còn theo đại diện của các trường ĐH Sư phạm, GS Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng ĐHSP Thái Nguyên – cho rằng, cần cân nhắc khi đưa nội dung của CT Giáo dục CDTC vào CT học như các môn học độc lập.

Hiện nay các CT học trong nhà trường ở các bậc học đều đã quá tải, hơn thế nữa, trong các môn học của Việt Nam ở các bậc học cũng đã có các nội dung này.

Theo định hướng xây dựng các môn học theo hướng tích hợp, liên môn mà Bộ GD&ĐT đã xác định, nên chăng đưa các nội dung, nội hàm của Giáo dục CDTC vào lồng ghép theo huớng tích hợp với các môn học khác.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khẳng định, nội dung, nội hàm và mục tiêu của CT Giáo dục CDTC rất phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước ta.

Đồng thời, đây là chứng chỉ thể hiện con người có khả năng làm việc trong thời kỳ toàn cầu hóa. Do đó, Bộ trưởng đã đề nghị GS Carlos và Mạng lưới CDTC cung cấp đầy đủ nội dung, tư liệu, các bộ tiêu chí về CT Giáo dục CDTC cho Bộ GD&ĐT.

Trên cơ sở nội dung nội hàm tiêu chí đó, Bộ trưởng giao Viện KHGD Việt Nam phối hợp với Vụ GD ĐH, Ban soạn thảo CT, SG làm bảng 1 so sánh tìm ra sự khác biệt, tương đồng để có định hướng tiếp nhận một cách chủ động.

Những gì phù hợp sẽ đưa dần vào môn học. Nếu khác biệt sẽ xem xét để sắp xếp một cách phù hợp. Giao Viện KHGN xây dựng một Đề tài về triển khai áp dụng CT Giáo dục CDTC tại Việt Nam để triển khai nội dung này một cách bài bản, thống nhất. 

"Về mục tiêu 5 triệu người Việt đạt chứng chỉ CDTC theo đề nghị của Gs Carlos, Việt Nam rất muốn tham gia Mạng CDTC, song sẽ không bắt buộc mà sẽ công bố công khai trên mạng, để mọi người biết, tham gia, tự học, tự soi, tự sửa trên cơ sở các bảng giá trị, tiêu chí, bộ câu hỏi. Bộ sẽ chỉ hướng dẫn, khuyến khích, không bắt buộc" – Bộ trưởng khẳng định.



Xem nguồn

Bỏ điểm sàn đại học: Có rút "ống thở" của trường cao đẳng?

Posted: 24 Dec 2016 10:46 PM PST


Học sinh sẽ lao vào học đại học

Qui định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, tất cả các ngành không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng. Vì thế dự thảo qui chế năm nay, Bộ GD&ĐT chỉ qui định điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường qui định. Các trường phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh của trường. Như vậy, quy định về điểm sàn đại học hàng năm sẽ không còn nữa.

Bà Trần Kim Phương – Chủ tịch hội đồng quản trị Trường CĐ ASEAN cho rằng, hiện nay, các trường CĐ vừa chuyển từ Bộ GD-ĐT sang Bộ Lao động – thương binh và xã hội đang gặp khó khăn rồi thì Bộ GD&ĐT lại công bố tuyển sinh 2017 sẽ bỏ điểm sàn đại học. Như vậy học sinh sẽ lao vào đại học chứ không vào cao đẳng để học.

"Các trường CĐ như chúng tôi đã bị bộ cắt thức ăn, rút ống thở thì làm sao tồn tại? Trường CĐ sắp bị tiêu hủy. Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại vấn đề này" – bà Phương nói.

Tương tự, ông Nguyễn Đăng Lý – hiệu trưởng trường CĐ Quốc tế TPHCM cho rằng: "Mấy năm gần đây, tình hình tuyển sinh CĐ, trung cấp (TC) ngày càng khó. Lí do không phải tại bản thân các trường mà xuất phát từ chính cơ chế chính sách mà Bộ GD- ĐT đưa ra.

Bộ GD đã quá ưu ái cho các trường ĐH khi chỉ tiêu càng lúc càng phình ra trong khi đó việc xét đầu vào ngày dễ. Các năm trước còn có chút rào cản là điểm "sàn" nhưng theo dự thảo quy chế năm 2017 đưa ra thì hoàn toàn không còn rào cản nào và gần như 100% thí sinh đều sẽ vào ĐH, như thế chẳng khác nào giết chết các trường CĐ, TC".

Về phía trường đại học dân lập, thông cảm với các trường cao đẳng, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng băn khoăn, với quy định bỏ điểm sàn của Bộ như vậy thì cao đẳng sẽ lấy ở mức độ nào?

Theo ông Nghị, nếu bỏ điểm sàn, có thể thực hiện phân luồng, học sinh lớp 9, lớp 10 hoặc tốt nghiệp THPT có thể vào thẳng cao đẳng để học. Đó là thực hiện phân tầng vì các em ở vùng khó khăn không có điều kiện học lên phổ thông. Có thể sau khi tốt nghiệp cao đẳng, các em có điều kiện thì tiếp tục học lên đại học vì hiện nay chúng ta đang khuyến khích học suốt đời.


Thí sinh giờ không phải lo lắng vào đại học

Thí sinh giờ không phải lo lắng vào đại học

Bỏ điểm sàn: Nên có phương án mở!

Tán đồng với việc bỏ điểm sàn, GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho hay, nên áp dụng như tất cả các nước: có bằng Trung học phổ thông thì có quyền đăng ký học Đại học.

“Bỏ "điểm sàn" vì điểm sàn bất lợi cho thanh niên các dân tộc thiểu số và thanh niên các vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long. Các trường phải thu hút sinh viên bằng chất lượng đào tạo của mình và mức học phí thỏa đáng” – GS Trần Phương nói.

Ông Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho rằng, quyết định bỏ điểm sàn là quyết định đúng. Bởi có nhiều loại trường đại học, đào tạo nhiều loại nhân lực khác nhau, thì yêu cầu đầu vào khác nhau. Nếu muốn tuyển chất lượng thế nào, các trường tự quy định điều kiện

Lý giải việc bỏ điểm sàn, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hai năm nay, Bộ đã cho phép các trường có thể tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ THPT. Trên thực tế các trường cũng không tuyển được nhiều thí sinh theo phương thức này.

Năm 2016 mặc dù Bộ có qui định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đăng ký xét tuyển trong khi rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu.

Điều này cho thấy thí sinh ngày nay đã có sự tính toán, lựa chọn trường, không phải vào đại học bất kỳ trường nào. Vì thế không phải các trường cứ hạ điểm điểm chuẩn là có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Ngược lại việc hạ thấp điểm chuẩn làm cho uy tín của trường bị ảnh hưởng, càng khiến cho thí sinh quay lưng.

Thứ trưởng Ga cho rằng, cùng với dự kiến bỏ điểm sàn, năm nay Bộ cũng yêu cầu các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia, đồng thời triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng. Việc kiểm soát chất lượng đào tạo vì vậy không chỉ còn tập trung vào đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, việc bỏ điểm sàn là thách thức rất lớn đối với các trường top dưới và trường ngoài công lập khi xét tuyển, đặc biệt là với trường cao đẳng và đề nghị cần có phương án mở khi bỏ điểm sàn.

GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, không nên quy định điểm sàn cho tất cả các trường.

Nhật Hồng



Xem nguồn

Bộ Giáo dục yêu cầu rà soát các cuộc thi trong trường học

Posted: 24 Dec 2016 10:04 PM PST


Công văn do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kí ngày 22/12 gửi tới Giám đốc các sở GD&ĐT.

Theo công văn, mục tiêu của việc rà soát là loại bỏ những cuộc thi không thiết thực, tạo áp lực với học sinh, giáo viên và các nhà trường, làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, gây băn khoăn cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.

Bộ Giáo dục yêu cầu rà soát thực trạng các cuộc thi trong nhà trường (Ảnh: Vietnamnet)

Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT tiến hành rà soát, báo cáo Bộ GD&ĐT về các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay; làm rõ ưu điểm, hạn chế, khó khăn của giáo viên và học sinh khi tham gia cuộc thi này và đề xuất hướng triển khai trong thời gian tới.

Việc báo cáo rà soát của các sở phải được gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 26/12.



Xem nguồn

25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí đánh giá trường đại học

Posted: 24 Dec 2016 09:21 PM PST


Theo đó, Dự thảo Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng nhất là từ sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập.

Dự thảo đã quy định cả bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) mới ban hành tháng 7/2016 (Guide to AUN-QA Assessment At Institutional Level (ver 2.0)).



Sẽ đánh giá trường đại học theo 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Bộ tiêu chuẩn này gồm có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.

So với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học hiện hành chỉ có 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí, bộ tiêu chuẩn mới có nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí hơn. 

Cụ thể, theo dự thảo, Bộ tiêu chuẩn được chia thành 4 nhóm: Đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí; Đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); Kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).

Triết lý chung cho đại đa số các tiêu chuẩn là các tiêu chí trong tiêu chuẩn sẽ được phân thành quy trình PDCA (Plan, Do, Check, Act).

Việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng có sự thay đổi cơ bản so với quy định hiện hành. Từng tiêu chí được đánh giá theo thang 7 mức để đánh giá thay vì chỉ có mức đạt và chưa đạt như hiện nay. 

Cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng khi có điểm trung bình của các tiêu chuẩn trong từng nhóm đều đạt từ mức 3,5 điểm trở lên và không có tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2,0 điểm.

Sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành và có hiệu lực trong thời gian 5 năm, các cơ sở giáo dục cũng có thể đăng ký để đánh giá thêm theo quy định mới.



Xem nguồn

Trường nào dám không đi Tết từ lãnh đạo huyện đến Giám đốc Sở?

Posted: 24 Dec 2016 08:38 PM PST


LTS: Mỗi khi Tết đến, Ban giám hiệu thường chỉ chú trọng biếu quà Tết lãnh đạo mà không mấy chăm lo đến đời sống của cán bộ, giáo viên. Việc này đã xảy ra ở nhiều trường học.

Bức xúc trước thực trạng này, tác giả Đại Hiệp chia sẻ bài viết phản ánh thực trạng chung đang tồn tại khá lâu trong ngành giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Tiền Tết của giáo viên không phải là tiền thưởng cuối năm hay "tháng lương thứ 13" như các ngành khác, mà là tiền do nhà trường tiết kiệm hoặc thu nhập từ các nguồn phụ như căng-tin, giữ xe, lệ phí dạy thêm tại trường, phần trăm hoa hồng mua sắm, xây dựng, sửa chữa… 


Số tiền này được phân phối, chia đều cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nên gọi là "tiền Tết", "tiền trường… cho". 

Và là "tiền trường… cho" nên bao nhiêu cũng được, nhiều thì vui, ít thì buồn, giáo viên không có quyền đòi hỏi.



Việc đi thăm và tặng quà Tết ngày nay có nhiều biến tướng. (Ảnh minh họa trên baodatviet.vn)

Trường nào có nguồn thu phụ, hiệu trưởng và kế toán chi tiêu tiết kiệm hợp lý, biết quan tâm đến đời sống giáo viên thì tiền Tết của thầy cô có chút đỉnh. 

Còn trường nào không có nguồn thu phụ, hiệu trưởng và kế toán không cân đối được thì giáo viên đành… ngậm ngùi đón xuân. 

Tôi dạy trung học phổ thông 20 năm ở một ngôi trường miền núi tại miền Trung, mức tiền Tết cao nhất được nhận từ trước đến nay là 1 triệu đồng. Được biết nhiều trường tiền Tết còn ít hơn thế nữa. 

Nhưng cũng có một số trường tiền Tết cao hơn 4-5 lần. Mức tiền Tết chênh lệch giữa các trường cùng trên một địa bàn đã làm cho không ít giáo viên so sánh, thắc mắc. 

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi… trường mỗi cảnh, tôi nghĩ giáo viên không nên so sánh làm gì. Đặc thù của ngành giáo dục là như vậy, mang tính nhân văn, công ích, phi lợi nhuận.

"Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa".

Các địa phương cũng không thể hỗ trợ tiền Tết cho giáo viên vì số lượng giáo viên quá đông. 

Có điều giáo viên ai cũng thấy, tuy tiền cho Tết giáo viên thì eo hẹp như vậy nhưng lãnh đạo nhà trường cuối năm vẫn đi "thăm Tết" cấp trên rất rộn ràng. 

Năm nào cũng vậy, Ban giám hiệu đều sắp xếp một chuyến đi "thăm Tết" các lãnh đạo cấp trên, từ lãnh đạo huyện đến các trưởng phòng, giám đốc, các phó giám đốc của Sở Giáo dục và Đào tạo. 

Ngoài ra còn đi thăm Tết giám đốc kho bạc huyện, kế toán Sở Giáo dục và Đào tạo và một số người "máu mặt" khác nữa. 

Có người gọi đây là quy trình cảm ơn… ngược. Lẽ ra cấp trên phải cảm ơn cấp dưới đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhờ đó mà những chủ trương của cấp trên mới được thông suốt, thực thi hiệu quả. 

Gọi là đi "thăm Tết" nhưng đâu chỉ là cành mai, tấm thiệp, chai rượu, hộp mứt? Phải là quà có giá trị lớn, kèm theo "phong bì". 

Đây hình thức "xã giao", "đối ngoại", "cảm ơn lãnh đạo", "có qua có lại với nhau", trở thành "lệ" trong các cấp, các ngành, trong đó có ngành giáo dục. 

Thì ra mục đích thăm Tết là để "tình cảm đi trước", muốn lãnh đạo quan tâm "đầu tư" cơ sở vật chất, trang thiết bị hoặc "nhẹ nhàng" trong kiểm tra, thanh tra, xét danh hiệu thi đua, đề bạt… thì lãnh đạo nhà trường phải biết "quan tâm", lấy lòng lãnh đạo cấp trên trước.

 

Dẫu biết rằng sống ở đời "có qua thì có lại" nhưng đó là chuyện của lãnh đạo các cấp, còn giáo viên chúng tôi được gì?

Xã giao, lấy lòng lãnh đạo, không ai cấm nhưng sao các thầy cô lãnh đạo không tự bỏ tiền túi ra để lo mà dùng công quỹ của nhà trường? 

Chi Tết cho giáo viên thì dè xẻn nhưng biếu quà Tết lãnh đạo thì sao Ban Giám hiệu rất "hào phóng". Điều này đã có từ lâu và ở nhiều nơi đã trở thành "lệ" vào mỗi dịp Tết. 

Lệ không đúng thì "phá lệ". Ngành giáo dục cần có cuộc vận động nói không với nạn quà cáp biếu xén trong dịp Tết, thực hiện đồng loạt từ trên xuống dưới. Cấp trên quyết liệt, cấp dưới đố ai dám biếu!

Môi trường giáo dục lẽ ra phải công bằng, trong sáng, minh bạch hơn bất kỳ nơi nào hết. Mỗi thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, lãnh đạo trong ngành giáo dục cần làm gương trong vấn đề này để giáo viên nể phục.

Vừa qua, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành, địa phương "nói không" với quà cáp biếu xén, "phong bao phong bì".

Hy vọng rằng ngành giáo dục sẽ hưởng ứng nghiêm túc và chỉ đạo quyết liệt, gương mẫu từ trên xuống dưới.

Có như vậy ngành giáo dục mới tạo được sự minh bạch trong cơ chế làm việc, sử dụng công quỹ đúng mục đích, tạo được uy tín trong nhà giáo và nhân dân.



Xem nguồn

Thả cửa vào đại học, các trường cao đẳng lo bị "cắt thức ăn và rút ống thở"

Posted: 24 Dec 2016 07:56 PM PST


Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017. Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo là Bộ sẽ bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn).

Dù dự thảo đang được lấy ý kiến đóng góp nhưng dư luận xã hội lo ngại, nếu Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn xét tuyển vào đại học, cao đẳng thì có thể nhiều trường tuyển sinh bằng mọi giá để thu hút thí sinh. 

Vấn đề này đã được nêu ra trong hội thảo "Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập" diễn ra ngày 22/12 vừa qua, GS.Trần Phương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội cho rằng ông ủng việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn trong quy chế tuyển sinh năm nay.

Tôi đã đề nghị bỏ điểm sàn từ 10 năm nay rồi vì điểm sàn chẳng có lợi gì cho ai cả mà những em học sinh dân tộc thiểu số hay học sinh ở vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bất lợi vì không thể đạt được mức điểm sàn” – GS.Trần Phương nói. 

Tuy nhiên, GS.Trần Phương cho rằng, Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn nhưng Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội sẽ không bỏ. Bởi các trường sẽ có điểm chuẩn trúng tuyển của trường và đó chính là “điểm sàn” của trường.

Ông Phương cho rằng: “Thực tế việc bỏ điểm sàn là có lợi cho những trường Đại học ở tỉnh vì các trường này nếu có điểm sàn thì không bao giờ tuyển đủ sinh viên“.

Chính vì vậy, GS.Phương khẳng định, việc áp dụng như tất cả các nước, có bằng THPT là có quyền đăng ký vào Đại học là phù hợp. Các trường phải thu hút sinh viên bằng chất lượng đào tạo của mình và mức học phí thỏa đáng.

Trường công đang lấy hết học sinh tốt của các trường tư

Cũng trao đổi tại hội thảo này, bà Trần Thị Phương – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng ASEAN cho rằng: 

Với quy chế tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn xét tuyển Đại học nhưng lại cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và các trường Đại học tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu thì sẽ không còn gì để các trường Cao đẳng lấy học sinh nữa.

Bà Phương so sánh những quy định tuyển sinh năm nay là hành động “cắt thức ăn và rút ống thở” đối với các trường Cao đẳng. 

Bà Trần Thị Phương – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng ASEAN phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)

Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại vấn đề này. Muốn các trường phát triển thì chúng ta phải có chế độ chính sách để cả xã hội phát triển“, bà Phương nêu ý kiến. 

Theo bà Phương, chính sách hiện nay đang thừa thầy, thiếu thợ là không đúng quy luật phát triển. Phải thợ nhiều, thầy ít mới đúng nhưng chúng ta đang làm ngược lại.

Ở Việt Nam ai cũng cố gắng để con em vào đại học, thành ra hiện nay nhiều em có bằng đại học phải giấu đi để tuyển vào các công ty nước ngoài làm việc. Đó là một bất cập. 

Vì vậy, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng xem xét lại các chính sách để các trường Cao đẳng chúng tôi có đầu vào nếu không các trường Cao đẳng sẽ chết” – bà Phương nói.

Ngoài ra, bà Phương cũng cho rằng, quy chế tuyển sinh hiện nay là giẫm đạp lên nhau và các trường công đang lấy hết học sinh tốt của các trường tư. 

Bột mì đã là loại 4 loại 5 thì thợ giỏi bậc mấy cũng không bao giờ làm được sản phẩm tốt được” – bà Phương so sánh.

Ngoài ra, bà Phương thẳng thắn cho biết: “Các trường tư thục đang khó khăn lại càng khó khăn hơn là do cơ chế chính sách hiện nay“.

Bộ G&ĐT ra Thông tư 32 (quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh) nhưng không thực hiện đúng, các trường tự chủ chỉ tiêu và khai lung tung cả. Có những trường công không hề có đất, phải đi thuê cơ sở vật chất nhưng vẫn tồn tại. 

Chỉ cần Bộ áp dụng đúng theo quy định đặt ra ở Thông tư 32 không cho các trường Đại học công lập tuyển vượt chỉ tiêu, như vậy sẽ có số dư cho các trường tốp dưới và các trường tư” – bà Phương đề xuất. 

Trước những vấn đề này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng:

Luật Giáo dục Đại học đã trao nhiều quyền tự chủ cho các trường, trong đó có việc chủ động tuyển sinh. Học sinh tốt nghiệp THPT có thể coi là tiêu chuẩn đầy đủ và cần thiết để các trường lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng. 

Còn việc các trường Đại học tuyển sinh như thế nào và đào tạo ra sao để đảm bảo chất lượng sinh viên là trách nhiệm của họ. 

GS.Thiệp lưu ý, khi các trường Đại học công bố "điểm sàn" của riêng mình thì cần phải minh bạch các thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện học tập, tỉ lệ có việc làm cho sinh viên sau khi ra trường cho phụ huynh, học sinh và xã hội biết.

Ngoài ra, GS.Lâm Quang Thiệp cũng nhấn mạnh, khi là các trường tốp trên và đã được đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà lấn sân sang các trường tốp dưới, như trước kia có trường tuyển sinh “vét” đến tận điểm sàn là không đúng.



Xem nguồn

Comments