Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Chát đắng tâm can, niềm tin tan vỡ vì…sáng kiến kinh nghiệm

Posted: 24 Dec 2016 07:13 AM PST


LTS: Câu chuyện về sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục đã được tranh luận rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều điểm đáng bàn.

Thầy giáo Nguyễn Cao bày tỏ nỗi buồn trước thực trạng hiện nay nhiều giáo viên sẵn sàng ăn cắp ý tưởng của nhau, thậm chí là copy nguyên xi sáng kiến kinh nghiệm của đồng nghiệp làm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Sáng kiến kinh nghiệm là sự tích lũy của người giáo viên trong quá trình giảng dạy.

Từ những kinh nghiệm đúc kết của bản thân mà tác giả muốn chia sẻ tới đồng nghiệp để hướng tới một kết quả sau cùng là nâng cao chất lượng dạy và học ở nhà trường.

Song, thực tế trong quá trình thực hiện nhiều giáo viên đã ăn cắp ý tưởng của nhau, thậm chí là bê nguyên si sáng kiến của người khác để làm sản phẩm của mình.

Trong quá trình công tác của những năm qua, bản thân tôi cũng có nhiều lần viết sáng kiến kinh nghiệm và đạt được một số giải.

Việc viết một sáng kiến kinh nghiệm đối với tôi không hề là một việc làm dễ dàng chút nào. Bởi, từ việc tìm ý tưởng và cách thức trình bày một văn bản khoa học là cả một quá trình làm việc nghiêm túc và trách nhiệm của một người thầy.

Vì thế, bao giờ tôi cũng rất trân trọng những thành quả của mình khi đã hoàn thành. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khách quan và chủ quan thì những sáng kiến kinh nghiệm của tôi vẫn được truyền đi bằng nhiều con đường khác nhau.



Tình trạng ăn cắp sáng kiến kinh nghiệm vẫn diễn ra thường xuyên. (Ảnh minh họa trên tuoitre.vn)

Tôi tình cờ vào một website của một trường Trung học Phổ thông ở một tỉnh phía Bắc – Ngôi trường mà cách đây gần 20 năm về trước, tôi đã từng gắn bó quãng đời cấp 3 của mình.

Ngạc nhiên đến sững sờ là khi vào mục nghiên cứu khoa học của nhà trường tôi đọc một sáng kiến kinh nghiệm môn Ngữ văn – một đề tài mà tôi đã thực hiện tại nơi tôi công tác (một tỉnh phía Nam) cách đây mấy năm.

Phần lớn đề tài này đã được bê nguyên si không sai đến từng dấu phẩy. Và, còn buồn hơn nữa là nhiều đoạn người viết còn cường điệu quá trình giảng dạy của mình như một cách đánh bóng tên tuổi.

Đọc xong sáng kiến này mà lòng tôi cảm thấy chát đắng vô cùng, niềm tin bị tan vỡ. Thì ra người đồng nghiệp của tôi ở trong này đã có lần mượn đề tài của tôi để tham khảo – một điều quá đỗi bình thường khi cho đồng nghiệp mượn tài liệu để tham khảo.

Nhưng điều không thể ngờ là sáng kiến của tôi đã bị người đồng nghiệp của mình photo và gửi về cho người chị gái của mình.

Khoảng cách về địa lý, cứ nghĩ là xa nhưng lại vô cùng nhỏ bé trong thế giới mạng internet.

Khi mà chuyện của mọi người, mọi nhà đôi lúc đã là câu chuyện chung của thiên hạ và không gian về địa lí đã được xóa bỏ về khoảng cách thì mọi chuyện về cập nhật thông tin bỗng trở nên dễ dàng đến vô cùng.

Ngày xưa, ông cha ta từng nói: "ăn vụng phải biết chùi mồm" nhưng đằng này khi đã "ăn vụng" của người khác mà cô giáo này vẫn thản nhiên đưa sáng kiến kinh nghiệm của mình lên website của trường và còn chụp chân dung đặt trước đề tài…

Buồn – đó là những gì hiện hữu trong tôi của nhiều ngày sau đó. Bởi người giáo viên "mượn" sáng kiến của tôi đã đạt giải B cấp tỉnh; buồn vì người giáo viên ấy là Tổ phó Tổ Xã hội của nhà trường phổ thông.

Buồn vì cô giáo ấy là cô giáo dạy Văn, đang ngày ngày dạy các em về lòng trung thực, về nhân cách và lẽ sống.

Và, buồn hơn nữa là người giáo viên này đã dối lừa được Ban giám hiệu nhà trường và Hội đồng khoa học của một tỉnh.

Trong chuyện này, thiết nghĩ Sở giáo dục và đào tạo, cũng như Ban giám hiệu nhà trường (nơi người đã 'mượn" sáng kiến kinh nghiệm của tôi) không có lỗi.

Bởi quy định về viết sáng kiến kinh nghiệm đã nói rõ về việc không được phép lấy của người khác, không được sao chép dưới bất kì hình thức nào.

Mà, điều quan trọng là lòng trung thực của giáo viên bởi mỗi năm có tới hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm trong một tỉnh thì không thể nào kiểm soát hết được.

Chúng ta đều biết: từ năm 2015, thực hiện Nghị định 56 của Chính phủ nên mỗi năm ngành giáo dục có thêm hàng triệu sáng kiến kinh nghiệm.

Vì thế, không thể đơn vị nào cũng có thể kiểm soát được "nguồn gốc" của từng sáng kiến kinh nghiệm.

Bởi mỗi trường có hàng chục, thậm chí hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm thì chỉ vài thành viên Ban giám hiệu nhà trường rất khó có thể kiểm soát hết được nguồn gốc của từng đề tài.

Cho nên, điều còn lại là ý thức và lòng trung thực của mỗi người thầy mà thôi.

Chuyện sáng kiến kinh nghiệm đã được đề cập khá nhiều về tính khả thi, sự tốn kém và cả những thật – giả trong quá trình thực hiện.

Nhưng, suy cho cùng thì mỗi sáng kiến kinh nghiệm chân chính là sự đúc kết kinh nghiệm của bản thân trong quá trình giảng dạy của mỗi giáo viên.




Những sáng kiến kinh nghiệm có tính khả thi và được áp dụng trong thực tế giảng dạy là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, những sáng kiến kinh nghiệm như thế không nhiều, nếu không nói là "rất hiếm".

Đứng trước áp lực và những qui định của ngành thì việc thực hiện một sáng kiến kinh nghiệm trong một năm học là chuyện chúng ta phải làm.

Có điều, hình ảnh người thầy – hình ảnh được xã hội tôn vinh và hàng ngày những thầy cô đang dạy các em về lòng trung thực, về nhân cách sống, lẽ nào chúng ta lại chà đạp lên bài giảng của chính mình?

Lẽ nào chỉ vì thành tích của bản thân, vì một tiêu chí để xét thi đua mà nhiều người đã dối lừa người nhau.

Bài học về lòng trung thực chúng ta đã học từ những ngày còn đi học, đừng để lối sống thực dụng dẫm đạp lên nhân cách của chính mình.

Chúng ta là người thầy – nghề được xã hội tôn vinh, chúng ta không chỉ hơn học sinh về kiến thức mà phải hơn các em về  tấm lòng. Đó là điều không chỉ cần có mà là cần thiết của người thầy đứng trên bục giảng hôm nay.



Xem nguồn

Gò đầu, căng mắt, bặm môi…sao bắt trò học nhiều thế cô ơi?

Posted: 24 Dec 2016 06:31 AM PST


LTS: Học sinh Tiểu học vẫn chưa thực sự được giảm tải khi hằng đêm các em vẫn phải cặm cụi viết chữ hoặc làm thêm bài tập theo yêu cầu của bố mẹ.

Tác giả Thuận Phương chia sẻ quan điểm về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!

Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi trong ngày.

Theo đó, giáo viên phải hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tập ngay tại lớp và có 15 phút cuối giờ thầy cô cho học sinh chuẩn bị bài của buổi học ngày mai.


Nếu theo quy định này, hầu như các trường tiểu học đều tuân thủ đúng. Giáo viên không còn giao bài tập Toán, Tiếng Việt về cho học sinh làm như trước đây.

Nhưng thực tế hằng đêm, học trò tiểu học vẫn đang đánh vật với biết bao nhiệm vụ học tập khác.



Ngoài luyện viết trên lớp, buổi tối về nhà các em vẫn phải cặm cụi viết chữ. (Ảnh: Zing.vn)


Luyện viết đến mờ mắt mỏi tay

Trong chương trình học chính khóa có phân môn Tập viết, một tuần học sinh được học 1 tiết.

Các em sẽ tập viết các chữ cái, các vần, các cụm từ, các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ… vào cuốn vở tập viết. Mỗi bài học có khoảng 2 trang vở với đủ kiểu viết hoa, viết thường, cỡ chữ to, cỡ vừa và cỡ nhỏ.

Thiết nghĩ, để rèn viết cho học sinh chỉ cần cuốn vở tập viết như thế là quá đủ.

Thế nhưng không ít trường học lại bắt học sinh phải mua thêm 2 cuốn vở luyện viết. Nội dung viết trong những cuốn vở này cũng chẳng khác cuốn vở tập viết là mấy.

Trên lớp học không còn thời gian để giáo viên luyện viết thêm cho các em, bởi còn biết bao nội dung học tập cần thiết khác.

Thế là cuốn vở luyện viết được giao về nhà cho học sinh viết và thầy cô sẽ kiểm tra vào cuối mỗi tuần.

Không ít phụ huynh lên phàn nàn "Thấy con gò đầu, căng mắt, bặm môi đưa từng nét chữ mà thấy xót. Sao bắt trò viết nhiều thế hả cô?"

Có phụ huynh nói "Hôm qua cháu viết đến 10 giờ mới đi ngủ mà vẫn chưa xong bài, tôi không cho viết nữa".

Những học sinh có cha mẹ quan tâm còn đỡ. Một số khác, không có người lớn giám sát nên các em thường viết cho nhanh để đi chơi.

Bởi thế, chữ viết nguệch ngoạc trông cẩu thả và rất xấu.



Viết ở nhà không xong, lên lớp sợ cô thầy la rầy nên nhiều em tranh thủ viết vào đầu giờ học, viết vào giờ các bạn đã ra chơi, viết lén lút ngay trong các giờ học khác… nên chữ viết càng xấu hơn.

Miệt mài làm vở bài tập

Giáo viên không giao bài tập về nhà nhưng chính phụ huynh lại có cách khác để ép con phải học vào buổi tối.

Dù những cuốn vở bài tập toán, bài tập tiếng Việt các trường không dùng nữa nhưng hầu như em nào cũng có một bộ trong cặp để làm thêm.

Bởi những bài tập trong các vở bài tập giống y chang các dạng bài tập trong sách giáo khoa các em sẽ học trên lớp.

Thế là, tối tối thay vì được nghỉ ngơi vì các bé đã học cả ngày trên trường nhiều em vẫn phải miệt mài, cặm cụi ngồi làm Toán, viết chính tả và làm các bài tập Tiếng Việt khác trong các vở bài tập với một lượng kiến thức học cả buổi trên trường.

Phần do nhà trường hiểu sai nội dung bài tập về nhà (chỉ là bài tập Toán, Tiếng Việt) nên các trường cứ vô tư giao cho học sinh về nhà luyện viết thêm.

Phần khác do phụ huynh kì vọng quá cao ở các con nên đã tạo ra áp lực học tập cho các em đang ở độ tuổi còn quá nhỏ.

Trẻ học cả ngày trên trường, tối về còn phải ra sức "cày" trên những trang vở đến tận đêm.

Dù thế, lực học của các em cũng chẳng có nhiều đổi khác. Đây chính là hậu quả của kiểu học ép, học nhồi nhét mà nhiều phụ huynh vẫn đang áp dụng cho con em của mình.



Xem nguồn

Có nên thuê ông già Noel tặng quà cho trẻ ở chốn đông người?

Posted: 24 Dec 2016 05:49 AM PST


LTS: Gần đây, để tạo thêm niềm vui cho con trẻ, các bậc phụ huynh thường thuê dịch vụ ông già Noel đến tận nhà tặng quà Giáng sinh.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại thích thể hiện nên đã thuê ông già Noel tặng riêng con mình tại chốn đông người như trường học…, mà không hề để ý đến cảm nhận của các bạn khác.

Cô giáo Đỗ Quyên đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết bày tỏ những trăn trở về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Vài năm trở lại đây, dịch vụ ông già Noel đi tặng quà cho trẻ nhỏ theo đơn đặt hàng của cha mẹ vào dịp Noel đã nở rộ.

Nhiều đứa trẻ được nhận những món quà mình mơ ước đã vui mừng khôn xiết và trở nên ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, không ít đứa trẻ buồn tủi, u sầu mang trong mình những thắc mắc, những ấm ức mà không thể nào lý giải được.

Trước đây, mọi người thường thuê ông già Noel đến tận nhà tặng quà có trẻ con. (Ảnh minh họa: VnExpress.net)

Nếu như những năm trước đây, khi gia đình yêu cầu, ông già Noel thường đến nhà tặng quà cho trẻ nhỏ.

Vài năm trở lại đây, ông già Noel thường hay xuất hiện ở bất cứ nơi nào khách hàng yêu cầu. Đó có thể là lớp học, ngay sân trường nơi nhiều học sinh đang vui chơi, trước cổng trường, trong công viên…

Ở chốn đông người nên khi thấy ông già Noel xuất hiện, đám đông đặc biệt là trẻ nhỏ thường vây kín. Trẻ nhận được quà hồ hởi sung sướng bao nhiêu, trẻ không có quà thì tiu nghỉu, u sầu bấy nhiêu.

Nhiều phụ huynh khá giả lại thích chọn chốn đông người để ông già Noel tặng quà cho con mình.

Phần vì tạo bất ngờ cho con, phần muốn con cái "nở mặt nở mày" với thiên hạ nên vô tình đã làm tổn thương không ít những đứa trẻ khác. 

Mặc dù chưa đến Noel nhưng sân trường vào giờ ra chơi hôm ấy cũng chộn rộn khác thường khi thấy ông già Noel mặc bộ đồ đỏ, đội nón (mũ) đỏ xuất hiện trên tay tay ôm hộp quà lớn tiến lại tặng cho cậu bé Dũng học sinh lớp lá một trường mầm non.

Dũng rạng ngời ôm món đồ trên tay trước bao cặp mắt thèm thuồng của các bạn. Có học sinh lên tiếng "Bạn Dũng hay đi học trễ, hay khóc nhè sao ông già Noel lại tặng quà?"

 

Người lạ đột nhập trường Mầm non, công an cảnh báo “bắt cóc trẻ em”

Ngày hôm sau, bỗng xuất hiện thêm nhiều bạn khác được nhận quà của ông già Noel ngay trước giờ ra chơi.

Bọn trẻ càng thắc mắc nhiều hơn, các em làm sao có thể hiểu và lý giải được vì sao bạn được tặng quà còn mình thì không.

Hay bạn được tặng món quà lớn thế, còn mình chỉ có món quà bé xíu xiu.

Có học sinh lại vô tư thắc mắc với cha mẹ "Con học giỏi, ngoan hơn bạn ấy sao bạn ấy được nhận quà?", "Ông già Noel quên con rồi hả mẹ?".

Nghe con hỏi, chẳng người mẹ nào có đủ dũng cảm để nói với con "Vì nhà mình nghèo con ạ. Nghèo nên mẹ không có tiền mua quà thuê ông già Noel đi tặng".

Trong tâm hồn trong sáng non nớt của đám trẻ, ông già Noel chính là những ông tiên, ông bụt chuyên mang đến niềm vui cho trẻ nhỏ.

Bởi thế, chúng càng thắc mắc khi chính mình lại không có quà như một số bạn khác.

Nếu những bạn nhận được quà mà học giỏi, chăm ngoan hay có thành tích gì nổi bật, cha mẹ còn có cái để giáo dục con.

Cực nỗi, có những đứa trẻ được nhận quà lại là thành phần cá biệt trong lớp, ba mẹ các em sẽ chẳng có lý do gì để giải thích cho con một cách thấu đáo.

Gieo vào lòng trẻ hình ảnh ông già Noel nhân từ, hiền hậu luôn mang đến những ước mơ tốt đẹp cho trẻ nhỏ là điều nên làm.

Nhưng cha mẹ chọn cách tặng quà cho con trẻ giữa chốn đông người như trường học, nơi công viên liệu có nên chăng?

Hãy nghĩ về cảm nhận của những đứa trẻ nhà nghèo, những gia đình khó khăn, những đứa trẻ mồ côi cha mẹ…

Các em sẽ rất buồn và tủi thân biết nhường nào khi đứng nhìn bạn được nhận quà còn riêng mình thì không mà chẳng thể nào cắt nghĩa được. 



Xem nguồn

Lá thư của ông bố thay mặt ông già Noel gửi con gái lay động lòng người

Posted: 24 Dec 2016 05:06 AM PST


LTS: Những năm gần đây, ngày lễ Giáng sinh càng ngày càng được chú trọng hơn tại Việt Nam.

Nhiều bậc phụ huynh muốn thông qua ngày lễ này và biểu tượng ông già Noel để giáo dục con cái tốt hơn.

Qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ một bức thư thú vị của người cha thay mặt ông già Noel để gửi cho con gái mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả!

"Gửi bé Như Khuê của Ông!

Ông viết thư cho con từ làng Santa Claus thuộc Rovaniemi, vùng Lapland, Phần Lan, nơi ông đang sống cùng bầy tuần lộc đáng yêu. Cám ơn con đã gửi thư và thăm hỏi sức khỏe, con thật đáng yêu.

Những ngày này, quê hương của ông tuyết rơi nhiều và đẹp lắm, không khí dù lạnh nhưng ông thấy lòng mình ấm áp, ông vui vì nhận được rất nhiều thư và thiệp chúc mừng của các cháu khắp nơi trên thế giới.

Bé Như Khuê viết thư gửi ông già Noel và bố bé thay mặt ông già Noel để trả lời thư của bé.

Những ngày qua, ông cưỡi bầy tuần lộc đi gửi quà cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng ngoan, trung thực và học giỏi, các bạn ấy thật đáng yêu và xứng đáng nhận quà đầu tiên, ông yêu các bạn ấy thật nhiều.

Giờ thì ông dành thời gian viết thư và gửi quà tặng con. 

Bé Như Khuê, ông khen con vì con đã chăm học, biết nghe lời ông bà, thầy cô và cha mẹ, con thật là ngoan khi biết tự giác học bài, có hôm ông còn thấy con tự ủi đồ đồng phục để đi học, con thật giỏi.

Ông biết con vừa được nhận giấy khen khi thi anh văn qua mạng nữa đó, ông thật vui khi biết con và các bạn đạt kết quả học tập tốt. 

Bé Như Khuê yêu dấu, ông vui vì con giữ lời hứa và chăm ngoan. Nhưng ông nghĩ con sẽ tốt hơn, giỏi hơn và sẽ được ông yêu quý hơn nữa nếu con cẩn thận hơn khi viết chữ, không vội vàng khi làm toán và kiên nhẫn hơn khi đánh cờ vua.  

Ông già Noel là biểu tượng ban phát tình yêu thương, giúp gieo vào lòng những đứa trẻ về lòng nhân ái và những đức tính tốt.

Ông nhớ con đã ước mơ rất nhiều, nào là trở thành người múa lân, thành cô giáo như mẹ, thành bác sỹ như chú Triết, hay được học bổng đi học tại Mỹ như cô Thy, cô Châu để được đi khắp thế giới này.

Ông biết con thích học và nói tiếng anh, có hôm rảnh rỗi, ông thấy con học tiếng anh nhưng lười ghi chép khi học từ vựng, ông biết con học nhanh thuộc, nhưng vậy không tốt, sẽ làm con nhanh quên đấy.

Bé Như Khuê, con có ước mơ và quyết tâm thì điều đó sẽ đến với con. Nhưng nhớ nhé, con phải chăm ngoan, tự giác học tập, phải rèn luyện thể thao.

Con đã 9 tuổi rồi đấy, giúp mẹ chăm em, dạy em học, rửa chén hay ủi đồ, học nấu ăn cũng là rèn luyện để trở thành ngoan giỏi đấy nhé.

Ôi, ngoài trời tuyết rơi đẹp quá, những chú tuần lộc lại vẫy đuôi nhắc ông tiếp tục đi dạo quanh để tặng quà cho các bạn khác rồi con ạ.

Bye bé Như Khuê nhé, ông gửi tặng con món quà con thích và một món quà cho em trai con đây, nhớ giữ lời hứa và ngoan giỏi hơn nữa nhé con".

Có nên để thuê ông già Noel tặng quà cho trẻ ở chốn đông người?

Nhận được lá thư của ông già Noel gửi, cô bé Như Khuê nói "Ông già Noel thật vi diệu, cái gì ổng cũng biết". 

Ba mẹ cô bé bật mí, năm nào Như Khuê cũng gửi thư cho ông già Noel để ước món quà mình yêu thích.

Cuối bức thư, cô bé luôn hứa chăm ngoan, học giỏi.

Thế rồi, nhận được quà và lá thư phúc đáp của "Ông già Noel", Như Khuê rất vui mừng và càng trở nên chăm ngoan hơn.

Giáo sư Jared Durtschi thuộc Đại học bang Kansas (Mỹ) cho biết: "Ông già Noel là một biểu tượng về việc ban phát tình yêu thương. Tôi cho rằng đó là một điều tuyệt vời và sẽ có ích cho trẻ trong suốt cuộc đời".

Mượn hình ảnh "Ông già Noel" để gieo vào lòng trẻ những điều tốt đẹp cũng là một cách dạy con hiệu quả đáng học tập phải không mọi người?



Xem nguồn

Phát động chương trình “Toyota cùng em học ATGT” năm học 2016-2017

Posted: 24 Dec 2016 04:24 AM PST


Bà Đoàn Thị Yến- Phó tổng giám đốc Toyota Việt Nam phát biểu tại lễ phát động Bà Đoàn Thị Yến- Phó tổng giám đốc Toyota Việt Nam phát biểu tại lễ phát động

Đây là năm thứ 12 Toyota duy trì chương trình TSEP và tiếp tục thực hiện hai hoạt động ý nghĩa là giao lưu tìm hiểu kiến thức ATGT cấp tỉnh và cấp Quốc gia.

Theo đó, hoạt động giao lưu cấp tỉnh dành cho học sinh và giáo viên tiểu học tại 8 tỉnh thành trên cả nước gồm: Cao Bằng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, TP. HCM, Trà Vinh, An Giang trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2017.

Hoạt động giao lưu tìm hiểu kiến thức ATGT cấp Quốc gia chương trình sẽ  dành cho học sinh và giáo viên tiểu học của 10 tỉnh thành được lựa chọn từ giao lưu cấp tỉnh và các tỉnh thành có thành tích triển khai tốt công tác giáo dục ATGT. Thời gian tổ chức giao lưu cấp quốc gia Toyota dự kiến tổ chức vào tháng 3/2017 tại TPHCM.

Với hai hoạt động trên, học sinh tiểu học thi tìm hiểu kỹ năng ATGT, vẽ tranh tập thể theo đề tài ATGT và sáng tác thơ ca hò vè theo chủ đề ATGT hoặc thể hiện năng khiếu.

Với giáo viên sẽ thực hành bài dạy về ATGT và tham gia hội thảo và tham luận về “đổi mới phương pháp giáo dục ATGT trong trường tiểu học”.



 Một em học sinh biểu diễn tiết mục học an toàn giao thông tại lễ công bố

Phát biểu tại lễ phát động, bà Đoàn Thị Yến – Phó Tổng giám đốc TMV – cho biết: “Với phương pháp học mà chơi, chơi mà học TSEP đã thực sự giúp các em có nền tảng vững chắc về kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn ngay từ những năm đầu đời trên ghế nhà trường…”.

Tại buổi họp báo công bố kế hoạch triển khai chương trình TMV cũng phát động cuộc thi vẽ tranh quốc tế chủ đề “Chiếc ô tô mơ ước” lần thứ 6 với giải thưởng tham quan Nhật Bản, nhà máy Toyota tại Nhật. Đối tượng tham gia là các em độ tuổi từ 15 trở xuống trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra TMV còn còn phát động, giới thiệu thông tin về cuộc thi đến với các em học sinh đang học tập và sinh hoạt tại các câu lạc bộ mỹ thuật và cung văn hóa trên toàn quốc.

Chương trình cũng tổ chức 2 cấp: Quốc gia: thí sinh và nhóm thí sinh gửi dự thi tối đa 3 bức tranh với thời hạn nộp từ 10/1 – 10/3/2017 và tham khảo đầy đủ ở website: https://www.toyotavn.com.vn/chiecotomouoc/. Dự kiến lễ trao giải tổ chức vào cuối tháng 3/2017.

Ở cấp Quốc tế, 9 bức tranh xuất sắc nhất của vòng thi quốc gia sẽ được lựa chọn để tham gia cuộc thi quốc tế tổ chức tại Nhật Bản, các bức tranh được chọn ở 3 nhóm tuổi (từ 8 tuổi trở xuống; 8-11 tuổi và 12-15 tuổi).

Các thí sinh được giải vòng thi cấp Quốc tế cùng người bảo trợ sẽ được lựa chọn mời tham dự lễ trao giải và trải nghiệm lý thú tham quan nhà máy Toyota vào tháng 8/2017 tại Tokyo (Nhật Bản).

Từ khi thành lập đến nay TMV đã triển khai nhiều hoạt động đóng góp xã hội ý nghĩa trên các lĩnh vực: ATGT, giáo dục đào tạo, VHXH- thể thao với số tiền trên 24 triệu USD.



Xem nguồn

Lớp học tràn ngập sắc màu Giáng sinh

Posted: 24 Dec 2016 03:40 AM PST


GD&TĐ – Tối 23/12, cô trò Trường mầm non Việt – Bun (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tổ chức đón Giáng sinh trong không khí vui tươi, ấm áp.



Lớp học tràn ngập không khí Giáng sinh khi các bé đều diện trang phục màu đỏ rực. Cô giáo xinh đẹp hóa thân thành nàng công chúa tuyết với giọng hát ngọt ngào



Các bé chăm chú lắng nghe cô giáo – công chúa tuyết – kể chuyện về các chú Tuần lộc của ông giá Noel; trong đó có Rudolph – Chú tuần lộc mũi đỏ, cũng là chú tuần lộc dũng cảm dẫn đầu đoàn xe kéo vượt qua bão tuyết để đưa quà Giáng sinh cho các em bé ngoan trên khắp thế giới. 



Cô trò lớp Yan Bibian của Trường mầm non Việt – Bun tưng bừng trong điệu nhảy truyền thống Bulgaria. Lớp học mang tên Yan Bibian được hình thành từ năm 2014 với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Bulgaria.  



Tiết mục được yêu thích đặc biệt, cũng là nội dung được cô giáo và các diễn viên nhí chuẩn bị công phu là vở kịch về các chú tuần lộc đáng yêu của ông già Noel. Để hoàn thành vở kịch này, các bé không chỉ tập diễn xuất mà còn phải thuộc những lời thoại bằng tiếng Anh. 



Biểu diễn thời trang là tiết mục hết sức vui nhộn và được hưởng ứng nhiệt tình. Ở tiết mục này, các bé thể hiện sự tự tin, bản lĩnh sân khấu nhưng cũng rất hồn nhiên, đáng yêu.



Đêm Giáng sinh nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các phụ huynh. Trong ảnh là phần biểu diễn thời trang giấy – một phần chơi vui nhộn và thú vị dành cho các gia đình tham dự.



Phần được mong đợi nhất luôn luôn là sự xuất hiện của ông già Noel với những món quà dễ thương. Nụ cười rạng rỡ khi các bé được nhận nmón quà mơ ước của mình và lời chúc ấm áp, tình cảm của ông già Noel dành tặng.

Bé nào cũng rất vui vì Giáng sinh không chỉ là dịp để thỏa  ước mơ mà còn là cơ hội để bộc lộ những tình cảm, cảm xúc với những người gần gũi, xung quanh mình. 



Hình ảnh đáng yêu của cô trò lớp YAN BIBIAN trong lễ hội Giáng sinh 



Theo cô Bùi Thị Kim Xuân – Hiệu trưởng – hoạt động vui chơi hôm nay là một trong nhiều hoạt động được nhà trường tổ chức nhằm mang đến cho trẻ môi trường vui mà học năng động, tích cực; giúp trẻ rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp; giúp trẻ sống hòa đồng, gắn bó…



Xem nguồn

Trường Đại học Bình Dương Trao bằng tốt nghiệp và giao lưu văn nghệ chào năm mới

Posted: 24 Dec 2016 02:58 AM PST


GS.VS Cao Văn Phường - Hiệu trưởng - trao giấy khen cho các tân thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư có thành tích xuất sắcGS.VS Cao Văn Phường – Hiệu trưởng – trao giấy khen cho các tân thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư có thành tích xuất sắc

Dịp này, nhà trường đã khen thưởng cho 140 cá nhân đạt thành tích tốt trong học tập và hoạt động phong trào. Đặc biệt, lễ trao bằng tốt nghiệp và giao lưu văn nghệ có sự tham gia của đoàn nghệ thuật sinh viên đến từ Trường Đại học Bách Khoa Quế Lâm (Trung Quốc).

Gần 20 năm hoạt động, Trường Đại học Bình Dương đã đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có trình độ, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Tại buổi lễ, ban giám hiệu nhà trường cũng nhắn nhủ các tân cử nhân, kỹ sư hãy thể hiện năng lực qua chất lượng được đào tạo làm việc hiệu quả. Đồng thời nhà trường mong muốn mọi người tiếp tục học tập ở bậc học cao hơn để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao của xã hội.



Xem nguồn

Đà Nẵng: Tổ chức học thể dục chính khóa theo chuyên đề phù hợp với năng lực học sinh

Posted: 24 Dec 2016 02:15 AM PST


Các cá nhân, tập thể được tuyên dương, khen thưởng trong Lễ tổng kếtCác cá nhân, tập thể được tuyên dương, khen thưởng trong Lễ tổng kết

Đã có 5 tập thể và 6 cá nhận được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2012 – 2016.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, 100% đơn vị, trường học mầm non, phổ thông, GDTX, TCCN-DN thực hiện nghiêm túc 2 tiết/tuần trong chương trình chính khóa.

Các trường đã thực hiện tốt việc đánh giá sự phát triển thể chất của trẻ, thực hiện đầy đủ và sáng tạo chương trình Thể dục buổi sáng; đảm bảo giáo viên chuyên trách…

Giáo viên thể dục được bồi dưỡng phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa người học, ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học, tổ chức nhiều hoạt động thao giảng, hội thảo, báo cáo chuyên đề, xây dựng chương trình dạy học mới thí điểm theo chuyên đề phù hợp với năng lực của HS và điều kiện của nhà trường.

100% các trường học ở Đà Nẵng đều có các đội tuyển với nhiều môn thể thao tham gia tập luyện tại các CLB nhà trường. Ngoài ra, Đà Nẵng đẩy mạnh công tác dạy học bơi, phòng tránh đuối nước và cứu đuối cho HS. Đã có khoảng 50 hồ bơi đang hoạt động với số lượng hơn 17.000 HS theo học.

HS Đà Nẵng cũng đạt nhiều giải cao tại Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc và các giải thể thao HS toàn quốc. Tổng hợp cả hai giai đoạn khu vực và chung kết, ở HKPĐ toàn quốc lần thức IX, đoàn thể thao HS Đà Nẵng xếp thứ 4/63 tỉnh thành với 4.315 điểm, được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen đơn vị có thành tích xuất sắc tại HKPĐ.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng xác định, giai đoạn 2016 – 2020, ngành sẽ tích cực tham mưu giải pháp về quỹ đất, sân chơi, sân tập thể dụ thể thao, nhà đa năng đúng quy cách; lập kế hoạch mua sắm đồ dùng dạy học, trang thiết bị hiện đại, tăng cường CSVC phục vụ công tác giáo dục thể chất và phong trào HKPĐ.

Dịp này, UBND TP Đà Nẵng đã tặng 8 bằng khen cho các tập thể, cá nhân xuất sắc tham gia HKPĐ toàn quốc lần thứ IX, Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen cho 106 HS đoạt Huy chương vàng HKPĐ toàn quốc lần thứ IX.



Xem nguồn

Nhà trường xác lập kỷ lục có số người đan len nhiều nhất

Posted: 24 Dec 2016 01:34 AM PST


GD&TĐ – Chiều 23/12, 1.300 học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cùng 200 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã tự tay đan những chiếc khăn ấm áp, sặc sỡ sắc màu để tặng học trò nghèo cùng cao.



Hoạt động ý nghĩa này nằm trong khuôn khổ chương trình "Khăn ấm yêu thương". Ý tưởng được thầy trò toàn trường hưởng ứng nhiệt tình.

Trong một thời gian ngắn, với sự nhiệt tình của các thầy cô giáo và sinh viên tình nguyện Học viện Tài chính, toàn bộ học sinh trong trường, từ nữ tới các bạn nam đã có thể tự tay đan khăn để tặng những học trò vùng cao.  



PGS Đặng Quốc Thống – Hiệu trưởng – chia sẻ: Qua chương trình "Khăn ấm yêu thương", thầy trò Đoàn Thị Điểm hy vọng rằng đây là cơ hội để cộng đồng xã hội chia sẻ tình thương, mang đến cho tuổi thơ những nụ cười, niềm tin và hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Nhà trường cũng hy vọng chương trình sẽ là cầu nối gắn kết tình thương, thể hiện tinh thần tương thân tương ái và tình cảm của thầy cô giáo và các bạn học sinh nhà  trường đối với cộng đồng xã hội; là nhịp cầu nối giữa những hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ và những tấm lòng hảo tâm.

Mỗi thầy cô giáo cùng các cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường và học sinh sẽ luôn chung tay, góp sức, tiếp tục xây dựng ngôi trường Đoàn Thị Điểm thực sự là "Nơi yêu thương gửi trao, nơi tài năng tỏa sáng, nơi tương lai bắt đầu."  



Dự kiến khoảng 1.000 chiếc khăn sẽ được thầy trò Trường THCS Đoàn Thị Điểm trực tiếp mang đến các trường vùng cao trao tặng cùng những món quà ý nghĩa khác.  



Rất nhiều chiếc khăn đẹp, ấm áp được thành hình từ bàn tay khéo léo và tấm lòng hướng về các bạn học trò nghèo của nam học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm. 

Cũng trong buổi chiều ngày 23/12, Trường THCS Đoàn Thị Điểm cũng được xác nhận kỷ lục số người cùng đan len nhiều nhất (1.500 người).  



Cũng theo PGS Đặng Quốc Thống, trong suốt các năm học nhà trường luôn chú trọng làm tốt công tác từ thiện. Qua hơn 10 năm, nhà trường đã phát động quyên góp xây dựng quỹ Tấm lòng vàng được 245.036.320 đồng để chi ủng hộ đồng bào bị bão lụt, tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại xã Xuân Phương…



Tiếp nối tinh thần " Chắp cánh yêu thương", trong học kỳ I năm học 2016 – 2017 này, nhà trường đã tổ chức chương trình "Trung thu nhân ái 2016" dưới hình thức Hội chợ từ thiện với tổng số tiền quyên góp cho quỹ Tấm lòng vàng qua hoạt động này lên đến 96.578.000 đồng.

Với mục đích đưa quỹ Tấm lòng vàng của nhà trường đến được với các bạn có hoàn cảnh khó khăn dưới hình thức là những sản phẩm hữu ích, chương trình " Khăn ấm yêu thương" đã được nhà trường phát động đến toàn thể các con học sinh và cán bộ giáo viên nhà trường từ ngày 17/10/2016.

Mục đích cao đẹp của chương trình là nhằm mang lại cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, các bạn học sinh vùng khó khăn có một mùa đông ấm áp. 



Chương trình “Khăn ấm yêu thương”diễn ra trong khuôn khổ Lễ sơ kết học kỳ I của nhà trường. Buổi lễ không có những phát biểu khô khan mà mọi hoạt động đều diễn ra dưới dạng các hoạt cảnh đầy sáng tạo, hấp dẫn và giầu ý nghĩa. Trong ảnh: PGS Đặng Quốc Thống trao phần thưởng cho những học sinh xuất sắc của trường. 



Chương trình buổi lễ cũng sôi động, hấp dẫn với nhiều tiết mục văn nghệ công phu do chính học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm biểu diễn. 



Xem nguồn

Phu nhân của luật sư Phan Anh: Ký ức ngày kháng chiến

Posted: 24 Dec 2016 12:51 AM PST


Chúng tôi hòa vào không khí sôi nổi hướng lên chiến khu cùng rất nhiều gia đình khác. Khẩu hiệu "Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi" xuất hiện ở khắp các đường làng ngõ xóm…


Mẹ tôi…

Mẹ Tôn Nữ Thị Huấn của tôi thuộc dòng dõi hoàng tộc, sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên Huế. Ông nội của mẹ tôi là chắt nội bốn đời của hoàng tử Nguyễn Phúc Yến. Bà ngoại của mẹ tôi là Nguyễn Thị Hòa – cháu nội của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.

Phu nhân của luật sư Phan Anh: Ký ức ngày kháng chiến
Vợ chồng luật sư Phan Anh năm 1955

Năm 1924, mẹ kết hôn với cha chúng tôi là Đỗ Ngọc – một thầy giáo dạy học ở Ninh Giang, Hải Dương. Mẹ tôi có khiếu thơ ca, đảm đang mọi việc trong gia đình và chăm sóc con cái chu đáo. Chính mẹ là người đã tạo ra môi trường giáo dục trong gia đình có văn hóa và nghĩa khí, đưa cả gia đình tôi tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ với một tâm thế đầy lạc quan, tin tưởng.

Thời kỳ Nhật – Pháp bắn nhau (1943), nhà tôi ở ngay cạnh Nhà máy rượu đầu phố Hòa Mã. Trước tình hình rối ren, tất cả các trường học ở Hà Nội đều phải đóng cửa, tám anh chị em tôi theo mẹ về quê nội ở Dục Tú (huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Tuy vậy niềm nhớ tiếc lớp học và niềm khao khát được học hành luôn thường trực trong tâm trí chúng tôi.

Cha tôi nghỉ dạy học về Dục Tú làm Chủ tịch Ủy ban xã kháng chiến. Gia đình tôi ở quê thời kỳ đó đã gây dựng và tham gia nhiều hoạt động của địa phương. Chú ruột tôi là Đỗ Chỉ thành lập và duy trì đội chơi bóng chuyền. Các chị tôi dạy bình dân học vụ. Anh Châu tôi thì tham gia diễn kịch phục vụ bà con.

Tôi vẫn nhớ anh tôi đóng vai Kinh Kha trong vở kịch thơ cùng tên của nhà thơ Huy Thông. Tôi lúc đó còn nhỏ, chưa được tham gia phong trào nên hàng ngày thường giở sách vở ra xem lại, rồi đọc truyện, làm thơ bắt chước mẹ tôi.

Cách mạng Tháng Tám thành công, mặt trận Việt Minh xã Dục Tú lập bàn thờ Tổ quốc và vận động dân làng đến thề.

Trong tà áo dài truyền thống, mẹ chúng tôi không đọc lời thề theo một nội dung đã viết sẵn mà chắp tay, mắt nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng, giọng nghiêm trang: "Trung thành với Tổ quốc/ Trung thực với chính mình/ Chung thủy với mọi người".

Theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, mẹ Huấn tiễn hai anh tôi thoát ly gia đình đi theo cách mạng. Bộ Giáo dục rời lên chiến khu, cha tôi nhận nhiệm vụ lên Vĩnh Phú làm Trưởng ty Giáo dục. Mấy mẹ con chúng tôi trụ lại ở Dục Tú cùng bà con dân làng xây dựng cơ sở kháng chiến với mong muốn khôi phục lại nghề dệt vải truyền thống.

Mẹ tôi tham gia Hội phụ nữ cứu quốc xã Dục Tú, hăng hái tổ chức trồng dâu trên cánh đồng Chằm, vừa để nuôi tằm giải quyết vấn đề nguyên liệu dệt, vừa là nơi kín đáo cho dân làng ẩn nấp khi giặc đến. Mẹ Huấn đón các đoàn thợ từ nơi khác về ở nhà tôi để ươm tơ. Nhà tôi khi đó lúc nào cũng đông vui, né kén này tiếp né kén kia, việc nọ nối việc kia.

Tôi cũng học được cách hái lá dâu và cho tằm ăn. Mẹ tôi đã truyền cho chúng tôi tinh thần lao động sôi nổi, góp sức lao động để phục vụ kháng chiến dài lâu. Khi có địch, dân làng nghe hiệu lệnh thì gồng gánh vật dụng sinh hoạt hàng ngày ra tận cánh đồng ẩn nấp, dân quân ở lại chiến đấu. Địch rút, có hiệu lệnh, bà con trở về làng tiếp tục lao động sản xuất, không một chút nao núng.

Tết kháng chiến năm Mậu Tý 1948, cha chúng tôi về Dục Tú có mang hai bài thơ Cảnh khuya của Bác Hồ và bài Họa thơ Cảnh khuya của Luật sư Phan Anh để làm quà tặng mẹ tôi. Mẹ chúng tôi đã làm bài thơ hưởng ứng Mừng độc lập để gửi lên Việt Bắc. Đó cũng là bài thơ cuối cùng của mẹ.

Ngày 18-9-1948 là ngày mẹ Tôn Nữ Thị Huấn đi về cõi vĩnh hằng khi mới 42 tuổi sau cơn bạo bệnh, là bước ngoặt đau thương trong cuộc đời cha con chúng tôi. Trong tình cảnh đó, cha tôi quyết định đưa cả gia đình lên chiến khu. Một hành trình mới thực sự bắt đầu.

Tản cư

Gạt nỗi đau riêng, chúng tôi hòa vào không khí sôi nổi hướng lên chiến khu cùng rất nhiều gia đình khác. Khẩu hiệu "Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi" xuất hiện ở khắp các đường làng ngõ xóm Dục Tú bao lâu nay đã động viên anh chị em chúng tôi lên đường.

Chị Chinh là chị cả nên quán xuyến tất cả mọi việc, vừa gánh gồng các vật dụng cần thiết, vừa chỉ huy đoàn vận tải. Bà nội đã già nên nằm võng có hai người khiêng, hai em Cự và Cẩm ngồi hai bên quang thúng có người gánh. Còn lại mấy chị em tôi dắt tay nhau đi theo đoàn, tự trông nom nhau. Thóc gạo cũng được gánh mang theo để dự trữ khi đến nơi ở mới. Đoàn người cứ ngày đi, đêm vào nhà dân ngủ nhờ, được bà con đón tiếp niềm nở và chu đáo.

Vài ngày sau cả nhà lên đến Đại Từ – Thái Nguyên và ở nhà bà Mẫn – người cùng quê Dục Tú lên đây khai hoang. Bà Mẫn đón tiếp chúng tôi như bà con thân thiết.

Theo lời khuyên của bà Mẫn, cả năm ở Đại Từ cả nhà tôi đã thực hiện chính sách ăn sắn thay cơm. Nhờ vậy mà số thóc gạo mang theo có thể để dành cho bà nội và các em nhỏ ăn cả năm.

Hàng ngày chúng tôi lên đồi đào củ sắn, hễ nhổ một khóm sắn lại vùi một đoạn thân sắn xuống đất để gây khóm mới. Dần dà những quả đồi quanh nhà phủ đầy cây sắn, chẳng phải mất công chăm sóc. Sắn ở đây củ to, tuy nhiều xơ nhưng với chị em chúng tôi khi đó vẫn vô cùng hấp dẫn và lạ lẫm với sắn luộc, sắn nướng, bánh sắn…

Những lúc rỗi tôi thường dạy các em học bài và khâu vá quần áo cho mọi người. Nếp sinh hoạt đã thay đổi hoàn toàn so với ở Dục Tú, nhưng chị em tôi đã tự sắp xếp và ổn định cuộc sống, không kém phần sôi nổi và hăng hái. Cha Đỗ Ngọc lúc đó làm Trưởng Ty Giáo dục Vĩnh Phú không ở cùng nhưng cũng tạm yên tâm. Chúng tôi thường theo các chị con bà Mẫn vào rừng lội suối.

Trong khung cảnh thanh vắng ấy, các chị ngân nga bài Suối Mơ, Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao. Tâm hồn tôi như tan chảy giữa núi rừng trùng điệp, thấy yêu cuộc sống và tràn đầy hy vọng về ngày mai….

Lúc này, vợ chồng cô Thao (em gái bố tôi) – chú Phan Anh (Luật sư Phan Anh – HC) cũng đã lên ATK. Chú Phan Anh mỗi khi có dịp đều đến thăm bà và mấy chị em chúng tôi. Cả nhà ai cũng quý chú.

Mỗi lần đến, chú đều dùng ngựa làm phương tiện đi lại. Ngựa có hai con, ngựa bạch chú bảo vệ cưỡi, còn ngựa hồng chú Phan Anh cưỡi, trông rất chững chạc và nhanh nhẹn. Chú thường hỏi han sức khỏe và việc sinh hoạt của cả nhà và mang thuốc phòng bệnh cho mọi người, nhất là bà nội (mẹ của cô Thao) đã cao tuổi.

Tôi là người phụ trách thuốc men nên thường xuyên được chú Phan Anh hướng dẫn, dặn dò cách dùng thuốc. Sau này, Luật sư Phan Anh đã đánh giá rằng sự gắn bó giữa gia đình bà Mẫn và gia đình tôi chính là hiện thực hóa của tình người trong kháng chiến như cá với nước, là niềm tin của người dân dành cho tổ chức Việt Minh, là sự đúng đắn của đường lối dựa vào quần chúng, đi sát quần chúng để làm cách mạng của Bác Hồ. Đây cũng chính là nguồn sức mạnh góp phần làm nên chiến thắng sau này.

Đi học

Một bước ngoặt nữa lại đến với tôi. Đó là khi Bộ Giáo dục có chủ trương cải cách giáo dục lần 1 nhằm mở rộng mạng lưới giáo dục. Sau khi thi đỗ vào Trường Sư phạm Trung ương, tôi tạm biệt gia đình để đi học.

Trường học của chúng tôi đóng tại chợ Ngọc thuộc làng Nồi, xã Cẩm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang. Lúc này, cô Thao tôi ốm nặng nên bà nội cùng anh chị em của tôi phải lên ATK để chăm sóc cô.

Cuộc sống những ngày đi học đối với tôi thật đẹp đẽ, tươi vui và đáng nhớ vô cùng. Nữ sinh được sắp xếp ở nhà sàn cùng bà con người Tày, nam sinh thì ở lán trại, có cả hội trường để biểu diễn văn nghệ. Chúng tôi say mê học hành, yêu quý nhau như anh em một nhà và đặc biệt rất tôn trọng kỷ luật.

Lớp học tranh tre nứa lá được xây dựng chắc chắn, gọn gàng. Bàn tre, ghế tre, bảng da trâu sơn đen… Lớp nọ cách lớp kia một quãng để tránh bom của địch. Trường đóng gần trụ sở của lực lượng văn nghệ sĩ kháng chiến, vì vậy mà chúng tôi được tiếp xúc thường xuyên với các nhà văn, nhà thơ. Chú Hoài Thanh thường đến nói chuyện văn học cho chúng tôi nghe.

Tôi nhớ nhất là buổi nói chuyện về quyền sống của con người trong Truyện Kiều của chú khiến chúng tôi mê mẩn. Cả lớp say sưa trong những giờ giảng văn do cô Nga – vợ chú Hoài Thanh dạy. Giặc Pháp vẫn lùng sục ngày đêm nhưng chúng không dám vào rừng sâu, chỉ đi ngoài đường lớn, đốt nhà, ném bom vào trường học.

Để tránh bom, chúng tôi tổ chức đào hầm chữ chi ngay trong lớp học. Một hôm cả lớp đang học thì nghe có tiếng rì rì mỗi lúc một to. Một bạn trong lớp hét toáng lên: "Máy bay đến". Ai cũng đã sẵn sàng tư thế xuống hầm thì chợt phát hiện ra âm thanh của đàn ong đang bay qua. Cả lớp được phen cười nghiêng ngả.

Tôi gắn bó với chợ Ngọc được một năm thì rời Tuyên Quang đi học ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Những ngày tôi ở Nam Ninh, gia đình tôi đã xảy ra chuyện buồn đau. Cô Thao mặc dù đã được đưa ra nước ngoài chữa trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

Khi nhận được tin cô qua đời, tôi buồn lắm. Năm 1953 tôi về nước và gặp lại chú Phan Anh. Tôi khi ấy đã là một thiếu nữ trưởng thành, thường trao đổi, bàn luận với chú về cuộc sống, về thời đại cách mạng, vì vậy mà chúng tôi càng hiểu và đồng cảm với nhau.

Đầu năm 1954 tôi bắt đầu đi dạy học, tôi đã là một người giáo viên nhân dân. Và suốt cả cuộc đời sau này tôi đã gắn bó với công tác giáo dục với niềm say mê và trân trọng.

Ngày 22-5-1955 là bước ngoặt lớn trong cuộc đời khi tôi nhận lời làm vợ Luật sư Phan Anh theo ý nguyện của cô Thao. Ghé vai đảm trách chức phận của cô mình chuyền lại, tôi thấy mình cần thiết cho cuộc sống của anh và ở bên anh tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Cho đến giờ tôi vẫn nghĩ chính nghĩa khí và tình yêu cuộc sống, yêu con người của mẹ Huấn đã ngấm vào tôi và đưa tôi đến với Luật sư Phan Anh…

Gia đình tôi, một gia đình đông con, trong suốt những năm kháng chiến dù có lúc được ở bên nhau, có quãng thời gian xa cách, nhưng lúc nào chị em tôi cũng nhớ về cha mẹ, về nhau với những tình cảm ruột thịt gắn bó.

Chúng tôi đã trải qua những ngày kháng chiến với tâm thế luôn tin tưởng, lạc quan hướng về phía trước và nhớ lời mẹ Huấn của chúng tôi thường răn dạy: Phải trung hậu – nghĩa là hết lòng đi theo cách mạng, trước sau như một, dù có khó khăn gian khổ cũng không lung lạc, nhất định sẽ đến được thành công.

(*) Ghi theo lời kể của bà Đỗ Hồng Chỉnh – phu nhân của Luật sư Phan Anh.

Theo Huyền ChâmAn ninh Thế giới cuối tháng



Xem nguồn

Comments