Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Hội Khuyến học Quảng Nam: Trao gần 45 tỉ đồng học bổng năm 2016

Posted: 23 Dec 2016 08:36 AM PST


Ngày 23/12, Hội Khuyến học Quảng Nam đã tổng kết hoạt động năm 2016 và bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2017

Bà Phạm Thị Minh Chiến – Chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Nam cho biết, so với năm qua, công tác thi đua củng cố, xây dựng phát triển các tổ chức Hội, hội viên tại các cấp Hội đã tăng về số lượng, nhất là các tổ chức chi Hội, Ban Khuyến học các loại và tổ chức hoạt động tương đối đều khắp có hiệu quả, thiết thực, đẩy mạnh được các phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập tại địa phương.


Hội Khuyến học Quảng Nam tổng kết công tác năm 2016 ngày 23/12

Hội Khuyến học Quảng Nam tổng kết công tác năm 2016 ngày 23/12

"Phát huy thành quả khuyến học năm qua, tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua trong trường học, hỗ trợ tích cực phong trào thi đua "dạy tốt – học tốt", "tháng 9 khuyến học" chào mừng năm học mới, các cấp Hội đã chú trọng phát huy nguồn quỹ hiện có và kiên trì vận động, huy động nguồn kinh phí từ các cơ quan, công ty, doanh nghiệp, Hội đồng hương, dòng họ, nhân dân và tổ chức phi chính phủ nước ngoài", Chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Nam nói.

Theo đó, Hội Khuyến học huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận trên 46 tỉ đồng, đã cấp trên 193 ngàn suất học bổng, khen thưởng, hỗ trợ với tổng giá trị trên 39 tỉ đồng. Ngoài ra tại các Hội Khuyến học huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ cùng địa phương tham gia xét chọn, tổ chức trao giải cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập suất sắc như giải thưởng Phan Châu Trinh tại Tam Kỳ và Phú Ninh, giải thưởng "Vinh danh tài năng Điện Bàn" tại thị xã Điện Bàn, học bổng khuyến tài Lê Thiện Trị tại Duy Xuyên, học bổng Thăng Bình tại huyện Thăng Bình, Quỹ ươm mầm Tây Giang tại huyện Tây Giang, Quỹ nâng tầm tri thức tại huyện Đại Lộc, Quỹ giải thưởng Võ Chí Công huyện Núi Thành với tổng số 299 suất, trên 735 triệu đồng.

Năm 2016, Hội Khuyến học Quảng Nam tiếp tục duy trì, phát triển nguồn kinh phí cấp học bổng, khen thưởng cho học sinh, sinh viên nghèo thông qua các hình thức đối ngoại nhân dân trong và ngoài nước và lãi tiết kiệm từ các nguồn quỹ học bổng Đất Quảng, Chan Chu… với số tiền tiếp nhận gần 8 tỉ đồng.

Tổng cộng trong năm 2016, Hội Khuyến học tỉnh đã huy động trên 54 tỉ đồng (tăng 5% so với năm 2015), cấp học bổng, khen thưởng, hỗ trợ gần 197 ngàn suất với tổng số tiền gần 45 tỉ đồng, đã góp phần thiết thực vào việc duy trì, phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, để góp phần hỗ trợ cùng nhà trường củng cố, xây dựng cảnh quan sư phạm, tu sửa xây dựng phòng ốc, trong năm 2016, các cấp Hội đã phối hợp với địa phương hỗ trợ vận động nguồn kinh phí trên 47,5 tỉ đồng.

Công Bính



Xem nguồn

Tổng kết đạt 9,3 bị xếp loại học lực Trung bình, chẳng có gì oan ức!

Posted: 23 Dec 2016 07:54 AM PST


LTS: Thông tin một nữ sinh có điểm tổng kết 9.3 nhưng vẫn xếp loại học lực Trung bình bởi môn Thể dục em bị xếp loại không đạt đang gây xôn xao dư luận. (1)

Cô giáo Phan Tuyết cho rằng việc đánh giá học sinh thường khiến thầy cô rất trăn trở cân nhắc, vì có thể một thay đổi nhỏ sẽ làm thay đổi thứ hạng của học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Việc xếp loại Trung bình cho nữ sinh có điểm tổng kết 9.3 nhưng không đạt môn Thể dục là hoàn toàn đúng theo Thông tư 58 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Mặc dù vậy, truyền hình cũng đưa tin trong bản tin thời sự, dư luận nổi sóng, nhiều người cho rằng việc xếp loại này là bất công, là vô lý với một học sinh học giỏi như vậy.  

Nhiều bạn đọc tỏ thái độ bất bình với giáo viên dạy thể dục và cho rằng họ quá khắt khe, làm cao chỉ vì (một môn học phụ, môn học không quan trọng…)



Bảng điểm tổng kết 9,3 của nữ sinh có học lực trung bình gây tranh cãi. (Ảnh chụp màn hình, nguồn zing.vn)

Phần lớn, độc giả đề cao việc học giỏi các môn văn hóa của học sinh này, nhiều người còn tỏ ra ưu ái theo kiểu "Quy định cũng tùy từng trường hợp mà thực hiện.

Một học sinh giỏi như thế mà không xem xét lại để xếp loại trung bình gây thiệt thòi cho em ấy".

Người lại đề nghị theo kiểu cực đoan: "Ngành Giáo dục nên xem lại môn thể dục, mĩ thuật bởi không liên quan gì đến kiến thức học, kiến thức đi thi của các em nên miễn bắt trẻ học, dành thời gian cho các em học các môn học khác để đi thi"…

Đây không chỉ là ý kiến riêng của độc giả ấy, có nhiều, rất nhiều phụ huynh, học sinh đều nghĩ như thế.

Bởi vậy trong thực tế, không ít học sinh xem thường những môn học thế này, các em thường gọi là môn phụ nên học một cách lơ là chểnh mảng.

Không ít học sinh còn tỏ thái độ xem thường thầy cô dạy những môn các em cho là môn phụ nên thầy cô nói gì cũng mặc, cũng chẳng hề quan tâm.

Nhiều giáo viên dạy môn thể dục cũng chia sẻ trong nỗi ưu phiền:

"Mình nói trò không nghe, đôi khi yêu cầu của bài học rất đơn giản, các em vẫn không chịu thực hiện".

Chúng ta chỉ nhìn thấy bảng điểm của học sinh, nhìn thấy những con số vô hồn mà đã vội vàng kết luận giáo viên khắt khe, bất công để rồi bao "gạch đá" liên tục trút xuống đầu thầy cô một cách dã man, tàn nhẫn.

Sao không ai thử nghĩ "Vì sao giáo viên lại xếp loại chưa đạt cho nữ sinh này trong khi em học rất giỏi những môn học khác?”

Thường thì ở các trường, để xếp loại chưa đạt cho một học sinh bình thường (chứ chưa nói đến học sinh giỏi) các thầy cô giáo cũng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều.

Bởi nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới kết quả xếp loại chung của các em, có em vì xếp chưa đạt còn phải lưu ban.

Bởi thế, không ít thầy cô khi xếp loại cho học sinh thường có sự nâng đỡ, du di rất nhiều trừ một số trường hợp thật đặc biệt để cảnh cáo các em cần học tập nghiêm túc và có thái độ đúng mực. 

Trong trường hợp này, chúng ta trách giáo viên nhưng sao không ai thử đặt câu hỏi "Vì sao thầy cô lại xếp loại học sinh này như thế?"

Tôi đã từng gặp nhiều trường hợp, thầy cô buộc xếp loại không đạt cho một số học sinh có thái độ học tập không nghiêm túc, coi thường môn học và vô lễ với thầy cô trong các giờ học. 

Nếu đúng là vậy thì việc xếp loại không đạt cho trường hợp trên lại chẳng có gì là oan ức cả.

Tài liệu tham khảo

(1) http://news.zing.vn/nu-sinh-bi-xep-loai-hoc-luc-trung-binh-du-diem-tong-ket-9-3-post706027.html



Xem nguồn

Học làm sao cho có Nhân – Trí – Thể – Mỹ là được

Posted: 23 Dec 2016 07:11 AM PST


LTS: Đọc bài viết “Học trò phổ thông thực sự cần học bao nhiêu môn?” của tác giả Phan Tuyết, thầy giáo Trần Trí Dũng cho rằng cần trao đổi thêm về vấn đề nội dung học của bậc trung học phổ thông.

Theo ý kiến của thầy, nội dung học cần phải đảm bảo bốn yêu cầu cơ bản là: Nhân, Trí, Thể, Mỹ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 20/12/2016 đăng bài viết “Học trò phổ thông thực sự cần học bao nhiêu môn?” của tác giả Phan Tuyết. 

Trong bài viết, tác giả nêu câu chuyện có thật về một người học không đều ở các môn, thậm chí kém ở nhiều môn học nhưng vẫn vào được Đại học và sau này phát triển rất tốt công việc. 

Đây chính là một vấn đề khiến chúng ta phải suy ngẫm về sự học, trong việc đánh giá khả năng thực của người học cũng như nhìn nhận lại vai trò của các môn học đang được giảng dạy ở nhiều cấp học hiện nay, đặc biệt khi mà Đảng và Nhà nước đang có chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. 

Vì thế, cần thiết có sự trao đổi thêm, mở rộng về vấn đề này.        
   
Trong câu kết của bài viết, tác giả viết: “Học sinh trung học phổ thông phải học cùng lúc nhiều môn học quá cũng sẽ gây khó khăn cho việc các em học những môn sở trường để phát triển nghề nghiệp tương lai của mình“.

Vấn đề này cũng đặt ra một ý là chúng ta cần thiết phải xem lại cơ cấu và vai trò của các môn học, để từ đó có những phương án chung thích hợp. 

Học sinh trung học học bao nhiêu môn là đủ? (Ảnh minh họa trên Báo Đại Đoàn Kết)

Mục tiêu chung của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Việc đưa môn học nào vào chương trình học tập cho học sinh là nhằm đảm bảo mục tiêu chung.

Học sinh khi học nếu bộc lộ khả năng ở môn học nào thì có thể lựa chọn học nhiều những môn học đó, từ đó định hướng phát triển nghề nghiệp. Chính vì thế mà chúng ta đặt ra chủ trương phân ban kiến thức cho học sinh.
   
Với mục tiêu nhằm nâng cao dân trí, yêu cầu đặt ra đối với người học là học đều ở các môn.

Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình học tập, có những người lại bộc lộ khả năng vượt trội chỉ ở một số môn nhất định. Số này tuy không nhiều nhưng phản ánh về những năng lực khác nhau của người học.    
   
Trong thực tiễn, có những người tuy không giỏi khi học hành ở trường lớp nhưng lại rất giỏi trong công việc thực tế.

Những việc làm phi thường và phát minh của một số nông dân mà chúng ta biết là sự minh chứng cho điều đó.

Học sinh Việt Nam học một lúc 14 môn thì "còn gì là người?"

Bởi lẽ, ở họ có sự tích lũy từ kinh nghiệm sống và làm việc, cộng thêm là sự hăng say công việc với tư chất thông minh mà họ làm được những việc mà người khác không làm được.
    
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là học bao nhiêu cho đủ?

Ở trường học, các môn học nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản, khi học những môn đó cũng để hình thành và phát triển tư duy.

Mỗi một môn học có vai trò và ý nghĩa khác nhau.

Theo phân loại truyền thống của hệ thống khoa học cơ bản Việt Nam hiện nay thì phổ biến hai phân hệ: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.               
    
Các môn Khoa học tự nhiên đặt ra yêu cầu cho người học phải có tư duy nhanh nhạy và mạnh mẽ, cộng với đó là khả năng tìm tòi và sáng tạo.

Các môn Khoa học xã hội đòi hỏi tư duy mang tính tiềm tàng, theo chiều sâu và không bộc lộ, chủ yếu đòi hỏi người học kỹ năng nhớ và khả năng suy luận vấn đề.

Thông thường, những người học giỏi các môn Khoa học tự nhiên thì cũng có thể học giỏi các môn Khoa học xã hội, tuy nhiên có những người chỉ giỏi các môn Khoa học xã hội như bài viết của tác giả Phan Tuyết đã dẫn.

Chính vì thế mà từ lâu đã hình một tư tưởng là các môn Khoa học tự nhiên được xem là những môn chính và nhũng môn học còn lại là những môn phụ.
    
Các môn học được thiết kế đều nhằm đảm bảo các yêu cầu chung của giáo dục. Mỗi một môn học đều có vai trò khác khau mà khi học là nhằm đảm bảo mục tiêu chung là nâng cao dân trí.

Vấn đề đặt ra là cần học những gì, đây là yêu cầu đặt ra còn mang tính lịch sử – chính trị của từng giai đoạn phát triển cụ thể.

Chính vì thế, trong nhu cầu của sự đổi mới, cần thiết phải đánh giá lại nội dung của các môn học, để từ đó có một cơ cấu hợp lý. 
    
Ở đây, nhằm đảm bảo kiến thức chung cho người học là nhằm đáp ứng bốn yêu cầu cơ bản: Nhân, Trí, Thể, Mỹ.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Đổi mới chương trình giáo dục nên bắt đầu từ đâu?

Theo đó, Nhân là sự hoàn thiện và phát triển nhân cách con người; Trí là trí tuệ bao hàm cả sự hiểu biết; Thể là thể chất và sức khỏe; Mỹ là sự cảm thụ về cái đẹp.

Với bốn yêu cầu này, việc xác định, thiết kế và xây dựng dựng các môn học dựa trên cơ sơ mục tiêu chung và phải hài hòa về khả năng nhận thức của người học. 
   
Để đảm bảo yêu cầu về Nhân, các môn học cụ thể phải cung cấp cho người học về sự hình thành và hoàn thiện nhân cách, năng lực và phẩm chất.

Đây là một yêu cầu quan trọng nhằm đảm bảo mục đích: học để làm người.

Khi đó, các môn học cần có phải khai thác các giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống, các yếu tố và thuộc tính con người với những kỹ năng sống theo những tình huống cụ thể.   

Để đảm bảo yêu cầu về Trí, các môn học cần có phải nhằm đáp ứng định hướng sự hình thành, phát triển nhận thức và tư duy trên nền tảng khoa học cơ bản.

Thêm vào đó là kỹ năng nhận thức, cách khai thác và giải quyết vấn đề, khả năng biện luận mà kèm theo đó là sự sáng tạo. Cung cấp sự hiểu biết về giới tự nhiên và xã hội, từ đó hình văn hóa trong nhận thức và con người.  

 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi viết thư này gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

 

Để đảm bảo yêu cầu về Thể, các môn học cần có phải nhằm đảm bảo sự phát triển về thể chất và sức khỏe.

Theo đó, một tư duy và nhận thức lành mạnh chỉ tồn tại và phát triển trên một nền tảng cơ thể của một con người mạnh khỏe. Cùng với đó là sự năng động với những kỹ năng sáng tạo cần thiết.      
   
Để đảm bảo yêu cầu về Mỹ, các môn học cần có nhằm đảm bảo cho người học cảm thụ được cái đẹp, cái đẹp ở đây bao hàm các giá trị thẩm mỹ chung về con người, giới tự nhiên và xã hội, văn hóa trong cách sống và ứng xử.     
   
Sự hài hòa bốn yếu tố trên trong việc cung cấp kiến thức cho người học để có thể trả lời câu hỏi là học bao nhiêu cho đủ với các yêu cầu cơ bản nhất.

Khi đó, với sự phát triển của tư duy giáo dục, cùng với sự phân luồng trong đào tạo hợp lý sẽ hình thành hệ thống tư tưởng, nhận thức để xây dựng hệ thống các môn học thích hợp, giúp định hướng phát triển theo khả năng của người học.
    
Việc đảm bảo cho các môn học, hình thành hệ thống đào tạo thích hợp đòi hỏi người xây dựng chính sách phải có tầm nhìn chiến lược.

Hy vọng rằng, từ sự đánh giá đúng, với những chủ trương đúng đắn, giáo dục Việt Nam nói chung sẽ phát triển theo những chiều hướng tích cực và hiệu quả.



Xem nguồn

"Sản phẩm giáo dục cũng như hàng hóa, nếu kém không ai dám dùng"

Posted: 23 Dec 2016 06:28 AM PST


Bỏ điểm sàn trong dự thảo quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi nhận định, các trường sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tuyển sinh, nhưng đồng thời xã hội cũng sẽ có đánh giá khắt khe và loại bỏ những trường đào tạo hời hợt, yếu kém.

Quan điểm của ông như thế nào về thông tin này trong dự thảo?

TS.Nguyễn Tiến Luận: Tôi cho rằng đây là một quyết định đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tôi hoàn toàn ủng hộ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về vấn đề này.

Chúng ta đều biết rằng nhiều năm qua các trường đại học công lập được hưởng nhiều ưu đãi từ nhà nước, trong khi đó các trường ngoài công lập hầu như gặp rất nhiều khó khăn ngay từ khâu lập đề án cấp phép thành lập trường, cho tới đầu tư cơ sở vật chất, tuyển sinh, đào tạo.

Có một bất cập lớn đó là dù được hưởng bao cấp từ nhà nước nhưng các trường công lập lại chẳng phải chịu trách nhiệm gì nếu như chất lượng đào tạo yếu kém.

Và theo xu thế phát triển của thế giới hiện đại, nhà nước chẳng thể bao cấp mãi được và các trường buộc phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, và như vậy thì giáo dục đại học mới phát triển được.

Trở lại với vấn đề bỏ điểm sàn vào đại học, tôi cho rằng chúng ta đang làm theo xu thế chung của các nước tiên tiến.

Trước khi đưa ra dự thảo, Bộ Giáo dục cũng đã nghiên cứu cách làm ở nhiều quốc gia, đồng thời lắng nghe tham vấn của nhiều Vụ, Viện và chuyên gia.

Đó là một hướng đi mới, rất tốt, nó mở ra cơ hội được học tập đối với rất nhiều thí sinh, tạo điều kiện cho nhiều gia đình tìm thấy những lựa chọn hợp lý cho con em mình.

TS.Nguyễn Tiến Luận đánh giá, xã hội sẽ sớm loại bỏ những trường đào tạo hời hợt, yếu kém.

Nhưng cũng có những ý kiến lo ngại rằng, khi không có điểm sàn, sẽ có những trường tuyển sinh ồ ạt và chất lượng đào tạo kém?

TS.Nguyễn Tiến Luận: Tôi nghĩ rằng không nên quá lo lắng về điều đó, mặc dù đấy cũng là một chi tiết cần chú ý. Vì sao? Tôi đặt câu hỏi ngược lại: Bao nhiêu năm nay, chúng ta áp dụng "điểm sàn" thì chất lượng đào tạo có tốt không?

Điểm sàn là câu chuyện của quá khứ, nó đã lạc hậu lắm rồi, và rất may là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã mở ra một hướng mới.

Tôi cũng xin nói thêm, cái quan trọng nhất không phải là điểm bao nhiêu thì mới được vào đại học, mà cốt lõi là nhà trường dạy cái gì, sinh viên học thế nào? Tốt nghiệp thì cử nhân có gì trong tay? Có tự tin ứng tuyển không? Đó mới là vấn đề cần phải giải quyết.

Điểm số đầu vào chỉ là một yếu tố, chưa nói lên điều gì cụ thể. Chưa chắc những thí sinh đầu vào có điểm cao đã học tốt và làm việc tốt hơn những thí sinh có điểm thấp hơn. Bởi vì điều đó còn phụ thuộc vào năng lực tự thân của từng người ở từng lĩnh vực.

“Học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị”

Tôi nói thí dụ như học ngành tài chính, nhưng trong tài chính thì còn phải chia làm nhiều lĩnh vực khác nhau. Vấn đề là học chuyên sâu lĩnh vực nào? Mục tiêu học tập của sinh viên là tốt nghiệp thì làm gì?

Nhà trường đào tạo có gắn với nhu cầu thị trường không, hay là dạy lớt phớt cho xong rồi cấp bằng?

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng với định hướng cho các trường công lập phải tự chủ hoạt động, rõ ràng tất cả cùng phải nỗ lực, và như thế sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh công bằng.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như bây giờ, thí sinh ở thành phố có điều kiện để tìm hiểu rất sâu về ngành học, trường học trước khi đăng ký. Còn nhiều em ở tỉnh lẻ thì sao? Đây là một nhóm gặp nhiều khó khăn về thông tin ban đầu.

Chính vì thế, chúng tôi phải xây dựng một bộ phận tư vấn tuyển sinh rất mạnh, với sự tham gia của nhiều chuyên gia quản lý tại các doanh nghiệp.

Ngay từ khi đăng ký ứng tuyển, chúng tôi đã phải xem xét đánh giá sơ bộ năng lực của từng em. Tổ chức cho các em đi thực tế ở các doanh nghiệp để hình dung ra công việc mình làm trong tương lai.

Nhưng như vậy chưa đủ, sau đó căn cứ vào những bài test, chúng tôi sẽ phân loại và tư vấn cho thí sinh nên chọn ngành nào.

Tất nhiên là ngay cả khi đã làm kỹ đến như vậy nhưng khi học hết năm đầu, các em vẫn có thể mong muốn chuyển ngành học.

Đây là vấn đề tôi cũng mong rằng Bộ Giáo dục sẽ tính đến, để các chuyên ngành đào tạo có kiến thức tương đồng ở giai đoạn "đại cương" sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên, sau đó các em có thể lựa chọn lại ngành.

Bộ Giáo dục giải đáp những băn khoăn về phương án thi quốc gia 2017

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tân Bộ trưởng đã giải quyết được hai vấn đề lớn đó là đổi mới kỳ thi tốt nghiêp THPT quốc gia theo hướng đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn, giảm nhiều áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Đây là vấn đề bức xúc của xã hội nhiều năm qua, nhưng chỉ đến kỳ thi 2016 vừa rồi mới được giải quyết.

Tôi được biết, Bộ Giáo dục cũng đã tổng kết và muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017 diễn ra êm ả hơn nữa – đó là tư duy hết sức tích cực và quyết đoán của Bộ trưởng.

Cộng thêm với việc bỏ điểm sàn, các trường sẽ hoàn toàn chủ động trong tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình trước xã hội, chắc chắn là chất lượng đào tạo đại học sẽ nhanh chóng thay đổi rõ rệt.

TS.Nguyễn Tiến Luận khuyến khích sinh viên thể hiện đam mê, khát vọng, tinh thần khởi nghiệp.

Cũng có nhiều người lo lắng không biết sẽ định hướng thế nào cho con em họ khi cơ hội vào đại học được mở rộng hơn. Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ không?

TS.Nguyễn Tiến Luận: Thực tế thì đối với học sinh của Việt Nam hiện nay, vào Đại học, Cao đẳng hay đi học nghề chủ yếu là do bố mẹ định hướng, dựa trên năng lực của từng em và điều kiện kinh tế gia đình.

Tôi cho rằng, lựa chọn phù hợp và thực tế sẽ là tốt nhất, tức là đi học nghề ngay cũng tốt chứ không nhất thiết phải vào đại học, nếu như năng lực của bản thân và điều kiện kinh tế không phù hợp.

Nhưng điều quan trọng là khi đã lựa chọn mục tiêu (dù học nghề hay vào đại học) thì bản thân các em phải tự có thái độ tích cực, nghiêm túc, tự hoàn thiện bản thân để đạt được mục tiêu lớn về học tập, đầy đủ kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ…

Điều quan trọng là phải đam mê, không ngừng sáng tạo, khởi nghiệp, có khát vọng làm giàu, thành công nhanh trong sự nghiệp để xây dựng tương lai vững chắc.

Thêm một thời gian ngắn nữa thôi, xã hội sẽ tự phân loại về chất lượng đào tạo của các trường đại học. Tôi tin như vậy, vì đơn giản là đào tạo cũng chính là cung cấp dịch vụ tốt nhất, tiện ích nhất đến người học.

Tôi so sánh vui thế này, sản phẩm giáo dục cũng không khác gì so với sản phẩm là hàng hóa, nếu chất lượng kém không ai dám dùng, dám sử dụng thì phải đóng cửa.

Đào tạo cũng vậy thôi, giảng viên yếu kém về kiến thức, không có kinh nghiệm, sự trải nghiệm thực tiễn, chương trình đào tạo không cập nhật, cơ sở vật chất tồi tàn, sinh viên ra trường không đủ năng lực làm việc, đào tạo không gắn trực tiếp với nhu cầu của doanh nghiệp… thì sẽ mất uy tín và không tuyển sinh nổi.

Cho nên việc bỏ điểm sàn là thời cơ nhưng cũng là thử thách rất lớn của các trường. Đầu vào đã mở để tạo thuận lợi thì dứt khoát đầu ra phải siết chặt, ngoài ý thức của các trường thì Bộ Giáo dục cũng cần phải thật sát sao vấn đề này.

Dứt khoát không để kéo dài mãi tình trạng đào tạo tràn lan rồi không phải chịu trách nhiệm gì khi cử nhân thất nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!



Xem nguồn

Người lạ đột nhập trường Mầm non, công an cảnh báo "bắt cóc trẻ em"

Posted: 23 Dec 2016 05:46 AM PST


Theo xác nhận của cô Nguyễn Thị Hải Đường- Phó phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh, có sự việc người đàn ông lạ mặt vào trường Mầm non Kỳ Thư vào giờ nghỉ trưa ngày 21/12/2016 nhưng đó có phải là vụ bắt cóc hay không phải chờ kết luận điều tra từ phía Công an.

Thông tin từ cô Nguyễn Thị Ngọc- Hiệu trưởng trường Mầm non Kỳ Thư cho biết, khoảng 12h45 phút ngày 21/12/2016, tại lớp nhà trẻ từ 24 đến 36 tháng tuổi, các cháu đang nghỉ trưa. 

Trường Mầm non Kỳ Thư khóa cửa chính đảm bảo an toàn cho các cháu nghỉ trưa.

Cô giáo trực tại phòng là Nguyễn Thị Hoàn đang đứng ở cửa ra vào của phòng (theo cô Hoàn, cô đã chốt một cánh cửa và chỉ mở một cánh cửa), bỗng thấy xuất hiện một người đàn ông  thoáng qua. 

Cô liền hỏi: "Bố cu Bi phải không?" (Vì trong lớp có một cháu mệt, cô Hoàn đoán bố cu Bi đến đón cháu).  

Thấy người đàn ông bịt mắt, đến giật cửa, cô Hoàn kêu lên. 

Cô Lê Thị Thanh Thủy lúc đó đang lau nhà vệ sinh nghe tiếng, chạy đến thì kẻ lạ tháo chạy.

Cũng theo cô Hoàn, thời điểm đó, cửa chính khóa, có thể kẻ lạ mặt đã nhảy rào vào trường.

Các cháu học sinh Mầm non Kỳ Thư nghỉ trưa an lành tại trường

Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã kịp thời báo cáo với Công an xã, Công an huyện. Hiện tại các cơ quan đang vào cuộc điều tra.

"Sau khi xảy ra sự việc, nhà trường rất bình tĩnh. Chiều ngày 22/12/2016, chúng  tôi đã họp Hội đồng, thông báo tình hình, thắt chặt hơn việc quản lý và bảo vệ an toàn cho các em học sinh", cô Ngọc nói.

Thông báo số 14/CSĐT "Về việc thông báo tình hình tội phạm bắt cóc trẻ em" của Công an Kỳ Anh

Được biết, ngày 09/12/2016, Công an huyện Kỳ Anh đã có Thông báo số 14/CSĐT "Về việc thông báo tình hình tội phạm bắt cóc trẻ em" đến các cơ quan trong đó có các nhà trường trên địa bàn. 

Trường Mầm non Kỳ Thư đã phổ biến Công văn của Công an đến cán bộ, giáo viên và phụ huynh để có những giải pháp đề cao cảnh giác với loại hình tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. 

"Để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho trẻ, chúng tôi đã có nhiều giải pháp như nêu cao tinh thần cảnh giác, truyên truyền rộng rãi trong cán bộ, giáo viên, phụ huynh; tăng cường lực lượng giáo viên trực bán trú. 

Và chúng tôi phối kết hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đặc biệt là Công an địa phương trong mọi thời gian và tình huống và nhất là phối kết hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh đưa đón, bảo vệ an toàn cho trẻ", cô Nguyễn Thị Ngọc- Hiệu trưởng nhà trường nói.



Xem nguồn

Đăk Nông: Học sinh hưởng lợi nhờ SEQAP

Posted: 23 Dec 2016 05:04 AM PST


Nhờ được đầu tư từ SEQAP nên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, xã Đắk Ha (Đắk Giong) thích đến trường mỗi ngày.Nhờ được đầu tư từ SEQAP nên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, xã Đắk Ha (Đắk Giong) thích đến trường mỗi ngày.

Sát sao từ lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện

Tỉnh Đăk Nông là một trong những tỉnh mới thành lập, người dân chủ yếu là dân kinh tế mới, điều kiện kinh tế rất khó khăn, trình độ dân trí thấp, sự quan tâm của người dân đối với giáo dục còn nhiều hạn chế nên việc thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn.

Vượt qua nhiều khó khăn và thực hiện việc dạy và học cả ngày theo lộ trình, đến nay, các trường tiểu học tham gia SEQAP đã lập kế hoạch FDS theo tài liệu hướng dẫn của SEQAP, xây dựng kế hoạch giáo dục; thời khóa biểu FDS đáp ứng được yêu cầu của SEQAP dựa vào khả năng, nhu cầu của trẻ; khả năng của đội ngũ; cơ sở vật chất của nhà trường và phù hợp với nhu cầu của cộng đồng.

Các đơn vị đã sử dụng, vận dụng "Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch FDS" và "Sổ tay hướng dẫn hoạt động cho các trường FDS" đối với các trường thuộc SEQAP và ngoài SEQAP để lập kế hoạch, tổ chức, quản lý dạy học cả ngày có hiệu quả.

Để tổ chức thực hiện hiệu quả FDS, cùng với việc lập kế hoạch FDS và tổ chức thực hiện FDS, 40 trường tiểu học đều vận dụng các tài liệu và hướng dẫn của Ban quản lý SEQAP Trung ương để sử dụng thời gian tăng thêm. Tài liệu thiết thực, bổ ích. Tất cả các tài liệu, đĩa hình đều được sử dụng có hiệu quả để tập huấn, nghiên cứu, tham khảo, giảng dạy.

Hiệu quả đầu tư từ Chương trình

Căn cứ vào Mục tiêu của SEQAP và kết quả đã đạt được của địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định những hiệu quả mà Chương trình SEQAP mang lại đã khiến cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo và các em rất phấn khởi.

SEQAP đã hỗ trợ cho các trường nâng cao năng lực quản lý của CBQP cấp Sở, cấp phòng và cấp trường thông qua kỹ năng xây dựng lộ trình chuyển đổi, lập kế hoạch FDS,… ; Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên thông qua hoạt động tập huấn, hội thảo… để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tốt hơn; Từng bước cải thiện cơ sở vật chất nhà trường thông qua hỗ trợ xây dựng phòng học, nhà đa năng, nhà vệ sinh,…; hỗ trợ thêm nguồn lực tài chính để tổ chức dạy học cả ngày thông qua 2 nguồn Quỹ Giáo dục nhà trường và Quỹ phúc lợi học sinh.

Đồng thời, nhờ việc thực hiện hoạt động dạy học cả ngày, nên chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, học sinh được học các môn Tin học, ngoại ngữ, tự chọn, hoạt động ngoài giờ lên lớp, khi thực hiện chương trình T35… . Chất lượng dạy – học hai môn Toán, tiếng Việt được củng cố, phát triển, đảm bảo vững chắc.

Kế hoạch FDS của nhà trường được xây dựng, phát triển thông qua lộ trình chuyển đổi phù hợp có sự tham gia cao của cộng đồng; dựa vào khả năng nhu cầu của trẻ; khả năng của đội ngũ; nhu cầu cộng đồng để thực hiện mà các trường tiểu học khác ngoài Chương trình không thể có được.

Nhờ phương thức tổ chức các hoạt động câu lạc bộ được Chương trình SEQAP hướng dẫn tổ chức, thành lập, hoạt động rõ nét với mục tiêu phát hiện, phát triển năng khiếu, tài năng trẻ và cũng là sự động viên khuyến khích học sinh phát huy được khả năng của mình.

Để Chương trình bền vững cần có giáo viên chuyên biệt

Từ những kết quả đạt được, sau khi chương trình SEQAP kết thúc, để duy trì Chương trình mang tính bền vững thì các hoạt động của SEQAP phải được tiếp tục thực hiện thông qua sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Trung ương và sự tham gia tích cực của cộng đồng để ngày càng phát triển mô hình FDS, tăng cường bữa trưa bán trú, trợ giảng tiếng dân tộc, bồi dưỡng, tập huấn tại chỗ cho giáo viên và cán bộ quản lý, đào tạo giáo viên chuyên biệt cho FDS, …

Đồng thời, Sở GD&ĐT Đăk Nông cũng kiến nghị các cấp cần tiếp tục hỗ trợ các trường tiểu học xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi FDS và tổ chức thực hiện dạy học cả ngày theo mô hình thí điểm của Chương trình SEQAP, đặc biệt các trường ở vùng khó khăn nhằm nhân rộng mô hình.

Hơn nữa, các cấp chính quyền cũng cần có cơ chế chính sách về đầu tư cơ sở vật chất cho trường học cả ngày; các chính sách hỗ trợ về công tác bán trú; có quy định tỉ lệ giáo viên, nhân viên phù hợp cho trường dạy học cả ngày.



Xem nguồn

5 sự kiện không đáng có của ngành giáo dục năm 2016

Posted: 23 Dec 2016 04:21 AM PST


Đốt trường vì "câu" ngàn like

Ngày 9/10, một clip ghi lại cảnh nữ sinh cầm túi xăng tưới và châm lửa đốt trường học được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội. Nữ sinh trong đoạn clip là Ngọc Hân, sinh năm 2003, là học sinh lớp 8 của Trường THCS Nguyễn Trị Phương (Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Em mang xăng đến đốt trường cũ (Trường THCS Phạm Ngũ Lão, xã Ninh An, Ninh Hòa, Khánh Hòa) chỉ vì trước đó có đăng lên Facebook, nếu đủ 1.000 lượt like sẽ châm lửa đốt trường. Khi đã đủ số lượt like, Hân bị các bạn khác xúi giục, ép đốt trường đúng như đã tuyên bố.

Bé gái đốt trường cũ vì câu ngàn like trên facebook (ảnh từ clip)

Bé gái đốt trường cũ vì “câu” ngàn like trên facebook (ảnh từ clip)

Mặc dù nữ sinh này đã được phối hợp để xử lý theo đúng quy định nhưng sự việc để lại nhiều bài học cho giới trẻ về việc "câu like", "câu view" trên mạng xã hội.

Chia sẻ về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, học sinh lứa tuổi THCS đang lớn, có nhiều thay đổi tâm sinh lý và dễ bị tác động, dễ bị lôi kéo. Do đó, "trách nhiệm của nhà trường, của gia đình là cần phối hợp thường xuyên quan tâm theo dõi, diễn biến tâm sinh lý nhắc nhở để tránh tình trạng đáng tiếc như vậy".

Giáo viên bị điều đi tiếp khách

Một trong những câu chuyện giáo dục tốn nhiều giấy mực trong năm 2016 là việc nữ giáo viên bị điều đi tiếp khách xảy ra tại Hà Tĩnh trong thời gian tháng 8/2016.

Theo đó, để chuẩn bị cho Liên hoan Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh tổ chức vào tháng 8, UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã có sự phân công nhiệm vụ cho 21 cán bộ, giáo viên tham gia phục vụ lễ tân. Đây đều là những giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh.

Một số giáo viên phản ánh, đằng sau sự tiếp đón về mặt hình thức ấy, các giáo viên còn phải đi cùng đoàn khách mời đến các quán karaoke "rất phiền phức và không thoải mái". Điều này gây ra sự khó xử cho các giáo viên đã được phân công nhiệm vụ.

Vụ việc trên đã được phản ánh lên tận Bộ trưởng GD&ĐT nên ngày 14/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh làm rõ thông tin và tổ chức rút kinh nghiệm trước vụ việc trên.

Học sinh tự tử vì nghi bị làm nhục

Mặc dù chưa thể khẳng định do bạo lực nhưng một vụ tự tử ở Yên Bái của một học sinh vào trong năm nay đã khiến nhiều người giật mình.

Theo đó, học sinh Bùi Quang Huy có mâu thuẫn với một bạn cùng lớp. Bạn học này đã mách chuyện với gia đình và Huy bị phụ huynh của bạn chặn đánh ở cổng trường bằng tuýp cao su. Sau đó, nhóm thanh niên còn bắt Huy quỳ và chắp tay xin tha trước sự chứng kiến của rất nhiều bạn bè trong trường.

Học sinh Huy bị phụ huynh của bạn học bắt quỳ xin lỗi giữa đường (ảnh từ clip)

Học sinh Huy bị phụ huynh của bạn học bắt quỳ xin lỗi giữa đường (ảnh từ clip)

Sau khi bị đánh, em Huy bị thương, hoảng loạn tâm lý nên gia đình đã đưa em vào Bệnh viện 103 Yên Bái nằm một tuần. Sau khi từ viện trở về, Huy càng ít nói hơn. Ngày 25/9, gia đình phát hiện cháu Huy tự tử ở dưới bếp.

Theo một luật sư, hành vi của nhóm đối tượng đánh học sinh Bùi Quang Huy rõ ràng có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cả hai tội danh có thể "áp" để xử lý đều phải theo yêu cầu của người bị hại nhưng cháu Huy đã mất nên rất khó có thể khởi tố.

"Giáo sư" nhảy lên bàn chửi tục học viên

Ngày 6/11, trên mạng xã hội lan truyền một video dài hơn 3 phút ghi lại một cuộc đối thoại giữa 2 người đàn ông trong một căn phòng xoay quanh vấn đề tiền nong. Một người đàn ông mặc áo hồng (được cho là thầy giáo) hai chân giẫm lên bàn, vừa xưng tao – mày, vừa chửi học viên của mình bằng những từ ngữ tục tĩu.

Theo chia sẻ của người đăng tải đoạn clip, người thầy chửi tục trên là Giáo sư, Tiến sĩ Phan Văn Hưng, Hiệu trưởng "Học viện" Kinh tế Sáng tạo.

Giáo sư nhảy lên bàn chửi tục học viên (ảnh từ clip)

“Giáo sư” nhảy lên bàn chửi tục học viên (ảnh từ clip)

Ngay sau khi sự việc xảy ra, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến chức danh giáo sư danh dự của ông Phan Văn Hưng tại ĐH Southwest America. Bởi lẽ, ngay từ năm 2010 thì trường ĐH Southwest America (Hoa Kỳ) đã bị liệt vào danh sách 21 trường ĐH "ma" tại Mỹ.

Ngày 9/11/2016, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận được công văn số 1441/ĐTVNN của Cục Đào tạo nước ngoài đề nghị thanh kiểm tra hoạt động của Học viện Kinh tế Sáng tạo. Theo ghi nhận của PV Dân trí, đơn vị này đã gỡ bỏ biển hiệu và dừng quảng cáo chức danh "ma" trên website.

Đưa game vào trường và tâm thư gửi Bộ trưởng

Ngày 8/12, facebook của anh Trần Trọng An (Hoàng Mai, Hà Nội) có bài phản ánh liên quan đến game "Chinh phục vũ môn". Được biết, anh An là người đã gửi tâm thư đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Bộ GD&ĐT cổ súy cho học sinh- đặc biệt là học sinh tiểu học, chơi game online thông qua cuộc thi "Chinh phục vũ môn".

Là một phụ huynh của học sinh đang học lớp 5, anh vô cùng lo lắng bởi việc này sẽ vô cùng ảnh hưởng tới con trẻ bởi trong đó có nhiều phần game mang tính bạo lực và nhiều phần yêu cầu phải nạp thẻ cào với mệnh giá từ 10.000 đồng đến 300.000 đồng.

Cuộc thi Chinh phục vũ môn tạm ngừng lại sau khi có tâm thư của phụ huynh gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Cuộc thi “Chinh phục vũ môn” tạm ngừng lại sau khi có tâm thư của phụ huynh gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup cho biết, "Chinh phục vũ môn" được thiết kế có 3 phần chính: Chơi game, phần học tập trực tuyến và tham gia cuộc thi "Chinh phục vũ môn". Tuy nhiên, người sử dụng chỉ trả phí qua thẻ cào ở trong trường hợp nâng cao và việc này là tự nguyện.

Ngày 9/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu tạm dừng cuộc thi, đồng thời yêu cầu TƯ Đoàn- đơn vị chủ trì phối hợp rà soát toàn bộ cuộc thi "Chinh phục vũ môn".

Chiều 10/12, Trưởng ban tổ chức cuộc thi "Chinh phục vũ môn" đã có văn bản thông báo chính thức tạm dừng cuộc thi từ 17h ngày 10/12/2016.

Thầy giáo luồn tay vào nách chỉ bài cho học sinh

Tháng 3/2016, dư luận xã hội vô cùng xôn xao khi một bức hình chụp một thầy giáo luồn tay qua nách nữ sinh để chỉ bài. Thông tin về giáo viên nhanh chóng được xác định là D.A.T. dạy Vật lý của trường THCS Nguyễn Trãi (Châu Đốc, An Giang).

Bức ảnh luồn tay vào nách học sinh do một người bạn cùng lớp của em C.T.S.T. (học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Trãi) chụp lại tại nhà riêng của thầy T. trong giờ học thêm Anh văn của vợ thầy giáo này. Khi sự việc được đưa ra công luận, thầy T. cho rằng, việc mình có trong lớp là phụ vợ sửa bài cho các em học sinh, luồn tay qua nách học sinh như thế thuận tiện hơn, thay vì dùng tay chỉ bài học sinh từ phía đối diện có thể làm trúng các em.

Được biết, hành động luồn tay qua nách học sinh để chỉ bài của thầy T. không phải chỉ diễn ra một lần mà là nhiều lần và nhiều học sinh khác cũng bị chứ không riêng gì em S.T. Ngày 25/3/2016, Phó chủ tịch UBND TP. Châu Đốc (An Giang) đã kỷ luật khiển trách và sẽ chuyển công tác thầy giáo T.

Mỹ Hà



Xem nguồn

Ý tưởng độc đáo thắng Giải AYDA 2016

Posted: 23 Dec 2016 03:39 AM PST


Quán quân cuộc thi Nhà Thiết Kế Trẻ Châu Á (AYDA 2016) đã lộ diện với ý tưởng táo bạo: tạo ra mô hình tâm linh hoàn toàn mới hay khuyến khích hoạt động hiến máu nhân đạo bằng việc thiết kế một chiếc xe hiến máu lưu động.

Chủ nhân xứng đáng của ngôi vị Quán quân AYDA 2016

Ngày 17/12/2016, công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam đã tổ chức vòng Chung kết cuộc thi Nhà Thiết Kế Trẻ Châu Á (AYDA 2016). Hội đồng Ban giám khảo gồm 8 kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất uy tín và giàu kinh nghiệm đã vô cùng khó khăn khi chọn ra ngôi vị quán quân xứng đáng nhất ở mỗi hạng mục Kiến trúc và Nội thất.

Tựu trung, các bài dự thi năm nay đều có ý tưởng độc đáo, sáng tạo, gây ấn tượng mạnh cho hội đồng ban giám khảo khi vừa thể hiện được dấu ấn cá nhân nhưng vẫn quan tâm đến những vấn đề nổi cộm của cộng đồng như: phòng chống lũ lụt, bảo vệ chủ quyền biển đảo, hoạt động nhân đạo và giúp đỡ người nghèo.

Ý tưởng độc đáo thắng Giải AYDA 2016

Những gương mặt xuất sắc nhất của cuộc thi Nhà thiết kế trẻ Châu Á (AYDA 2016)

Ông Ee Soon Hean, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam phát biểu tại đêm chung kết: "Chúng tôi ghi nhận sự sáng tạo mà các bạn thể hiện trong phần thi của mình. Chúng tôi hi vọng rằng cuộc thi Nhà Thiết Kế Trẻ Châu Á sẽ là nguồn cảm hứng và mảnh đất nuôi dưỡng tài năng Thiết kế Nội thất và Thiết kế Kiến trúc trong khu vực. Nippon Paint sẽ là cầu nối để các dự án kiến trúc nổi bật được ghi nhận tại mỗi nước sở tại nói riêng và châu Á nói chung".

Ở mảng Thiết kế Nội thất, thí sinh Đặng Thành Duy – Đại Học Mỹ thuật Công Nghiệp đã xuất sắc giành giải Nhất với dự án "Mầm xanh".

Ý tưởng "Mầm xanh" của thí sinh Đặng Thành Duy là cải tạo một chiếc xe có sẵn thành một không gian hiến máu lưu động với tông màu xanh lá cây làm chủ đạo, tạo cho người hiến máu cảm giác thư giãn thoải mái, hạn chế tối đa cảm giác sợ hãi của màu máu đỏ. Dự án góp phần thúc đẩy tinh thần hiến máu nhân đạo, truyền tải thông điệp "Mỗi sự sống là một mầm xanh tiếp tục đâm chồi nảy nở và cống hiến cho cuộc đời".

Ý tưởng độc đáo thắng Giải AYDA 2016

Phối cảnh tổng thể ý tưởng "Mầm xanh"

Nhóm M.O3 với 3 thí sinh Chu Đình Hùng, Nguyễn Quỳnh Nghi và Nguyễn Trúc Thi – Đại học kiến trúc TP.HCM dành giải Nhất Thiết kế Kiến trúc với dự án "Hai thế giới. Một hành trình. Và những sắc màu chữa lành cảm xúc".

Với mong muốn dùng sắc màu chữa lành những vết thương do nỗi buồn và mất mát mang lại, ba kiến trẻ đã tạo ra một mô hình tâm linh hoàn toàn mới. Bằng việc tạo ra những ngôi "mộ đèn" để lưu giữ tro cốt hỏa táng thay thế cho hình thức thổ táng truyền thống, nhóm đã quy hoạch lại hoàn toàn "vùng đất chết" vừa tiết kiệm không gian vừa biến nơi đây trở thành một khu vực sinh động, nơi nỗi buồn và sự sợ hãi hoàn toàn biến mất để nhường chỗ cho yêu thương và kỷ niệm.

Ý tưởng độc đáo thắng Giải AYDA 2016

Mô hình tổng thể của dự án "Hai thế giới. Một hành trình. Và những sắc màu chữa lành cảm xúc".

Cơ hội vươn mình ra Châu lục

Bên cạnh giải thưởng hiện kim giá trị, AYDA 2016 mang đến cho sinh viên đam mê thiết kế cơ hội được giao lưu, cọ xát với nền Kiến trúc/Nội thất của nhiều nước bạn thông qua chuyến du học ngắn hạn tại Indonesia.

Cụ thể, Quán quân ở mỗi hạng mục sẽ được tham gia chương trình học tập tại Indonesia: các buổi hội thảo, học tập, thăm quan tìm hiểu các địa danh kiến trúc nổi tiếng và tranh tài với Quán quân của 14 quốc gia còn lại để giành giải Bạch Kim danh giá.

AYDA 2016 được tổ chức quy mô lớn với tổng giải thưởng lên đến 270.000.000đ chia đều cho 2 mảng Thiết kế Kiến trúc/Nội thất, mỗi mảng gồm: 01 giải Nhất với 20.000.000 đ tiền mặt, 01 khóa học tiếng Anh tại Apollo 360 trị giá 25.000.000đ trong 06 tháng, và 01 chuyến học tập ngắn hạn tại Indonesia; 01 giải Nhì với 12.000.000đ tiền mặt và khóa học kỹ năng tại Apollo 360; 01 giải “Tài năng phát triển bền vững”, 01 giải “Tài năng cải tiến thiết kế”, 01 giải “Tài năng ý tưởng màu sắc”: mỗi giải 6.000.000đ tiền mặt, 01 khóa học kỹ năng tại Apollo 360.

Đặc biệt, đúng với tên gọi, những chủ nhân thắng cuộc cao nhất của cuộc thi Nhà Thiết Kế Trẻ Châu Á 2016 sẽ tham dự vòng thi châu lục tại Indonesia để tranh giải Bạch Kim danh giá với các quán quân của 14 quốc gia còn lại.

Xem thêm thông tin tại:

Website: http://nipponpaint.com.vn/news/ayda-2016/

Email: npvmarketing@nipponpaint.com.vn

Hoặc : https://www.facebook.com/baovengoinhachung

Lệ Thanh



Xem nguồn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ quy hoạch lại mạng lưới đại học

Posted: 23 Dec 2016 02:56 AM PST


 Nhìn lại 9 tháng đảm nhiệm vai Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định việc tăng quy mô không tương xứng với điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường ĐH là một hạn chế của giáo dục. Năm 2017, Bộ sẽ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới ĐH trong cả nước.


– Là người đứng đầu ngành giáo dục, ông đánh giá thế nào về những kết quả mà ngành đã làm được trong năm 2016 vừa qua?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2016 ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29.

Trong năm qua, chúng ta đã ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Ngành GD cũng đã mạnh dạn nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế, ban hành Thông tư 22 thay thế cho Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, góp phần giảm áp lực, tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học.

Quy chế đào tạo tiến sĩ hay Nghị định quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều điểm mới hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo.

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội.

Đây là kết quả quan trọng để ngành tiếp tục triển khai phương án thi, tuyển sinh đại học năm 2017 và các năm tiếp theo theo hướng ngày càng nhẹ nhàng, khách quan, minh bạch hơn.

Năm 2016 tiếp tục là một năm khẳng định vị thế của giáo dục Việt Nam với thế giới khi 8 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều mang về Huy chương Vàng, trong đó có Huy chương Vàng môn Sinh học chúng ta phải chờ đợi 15 năm qua.

Những ngày cuối cùng của năm 2016, chúng ta đón nhận một tin vui nữa khi theo kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ quy hoạch lại mạng lưới đại học
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ thực hiện quy hoạch lại mạng lưới GD ĐH trong năm 2017. Ảnh: Ông Phùng Xuân Nhạ tại buổi bàn tròn trực tuyến do báo VietNamNet tổ chức. Ảnh: Lê Anh Dũng

– Vậy còn những điểm còn tồn tại của ngành là gì, thưa ông?

– Một trong những điểm hạn chế là việc xây dựng và thực hiện chính sách vẫn còn những điểm chưa phù hợp, khó triển khai trong thực tiễn.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập, cơ cấu chưa hợp lý, trình độ không đồng đều. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế so với yêu cầu phát triển của ngành.

Chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt.

Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

– Bộ trưởng từng nhận định, giáo dục đại học là vùng trũng nhất trong giáo dục Việt Nam hiện nay. Trong năm tới, Bộ sẽ có biện pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục đại học?

– Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, ngành GD sẽ tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản được đặt ra cho năm học 2016 – 2017 và những năm tiếp theo.

Riêng với giáo dục đại học sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Từ đó quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực của đất nước.

Để triển khai được những nhiệm vụ nói trên, toàn ngành giáo dục sẽ phải nỗ lực, đồng lòng hơn nữa. Niềm tin của xã hội chính là động lực quan trọng để ngành có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Lê Văn (ghi)



Xem nguồn

Điều động hiệu trưởng bị kỷ luật về Phòng GD-ĐT huyện làm việc

Posted: 23 Dec 2016 02:13 AM PST


Trường mầm non Hưng Thắng, nơi xảy ra nhiều sai phạm trong công tác thu chi đầu năm học 2016-2017.

Trường mầm non Hưng Thắng, nơi xảy ra nhiều sai phạm trong công tác thu chi đầu năm học 2016-2017.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Quang Mão – Chủ tịch UBND xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết, liên quan đến sai phạm trong công tác thu chi đầu năm, Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Thắng đã bị kỷ luật và điều chuyển công tác. Hiện, Trường Mầm non Hưng Thắng đã có Hiệu trưởng mới, thay thế bà Lê Thị Thu Hà điều hành công việc tại trường.

"Là người chịu trách nhiệm chính về những sai phạm trong công tác thu chi đầu năm học tại Trường mầm non Hưng Thắng, cô Hiệu trưởng Lê Thị Thu Hà bị kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền, cô Nguyễn Thị Hiền – Phó Hiệu trưởng là người có trách nhiệm liên quan bị kỷ luật khiển trách. Về mặt Đảng, cả cô Hà và cô Hiền bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Cô Hiền hiện được chuyển đến làm Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hưng Mỹ, còn cô Hà được chuyển về Phòng GD-ĐT huyện", ông Mão thông tin thêm.

Ngày 20/12, ông Ngô Phú Hàn – Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên đã ký quyết định tạm thời điều động và bố trí bà Lê Thị Thu Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Thắng đến làm việc tại Phòng GD-ĐT huyện. Thời gian điều động đến Phòng GD-ĐT huyện Hưng Nguyên đối với bà Lê Thị Thu Hà tính từ ngày 1/1/2017 cho đến khi được bố trí đến đơn vị công tác khác.

Với những sai phạm trên cương vị Hiệu trưởng nhà trường, bà Lê Thị Thu Hà bị kỷ luật cảnh cáo cả về mặt chính quyền và Đảng. Hiện bà Hà đã được điều động đến Phòng GD-ĐT huyện Hưng Nguyên cho đến khi được bố trí tới đơn vị công tác mới.

Với những sai phạm trên cương vị Hiệu trưởng nhà trường, bà Lê Thị Thu Hà bị kỷ luật cảnh cáo cả về mặt chính quyền và Đảng. Hiện bà Hà đã được điều động đến Phòng GD-ĐT huyện Hưng Nguyên cho đến khi được bố trí tới đơn vị công tác mới.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Văn Thụ – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hưng Nguyên cho biết, việc điều động cô Hà về Phòng không phải là thăng chức mà để "giáo dục", "chấn chỉnh lại".

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, phụ huynh Trường Mầm non Hưng Thắng "tố" Ban giám hiệu nhà trường, đứng đầu là Hiệu trưởng Lê Thị Thu Hà có nhiều sai phạm trong công tác thu chi đầu năm như đưa ra mức đóng góp xã hội hóa quá cao (700 nghìn/học sinh), thu tiền mua hộ đồ dùng, đồ chơi học liệu (từ 295-365 nghìn đồng/cháu/năm tùy theo độ tuổi), thu tiền học phí tháng thứ 10 (năm 2015), có thái độ không phù hợp khi giao tiếp, làm việc với phụ huynh…

Sau khi kiểm tra nội dung tố cáo, UBND huyện Hưng Nguyên đã có văn bản kết luận, chỉ rõ những sai phạm cũng như trách nhiệm của những người có liên quan, đồng thời yêu cầu nhà trường hoàn trả các khoản thu sai cho phụ huynh.

Hoàng Lam



Xem nguồn

Comments