Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Bí mật C1X6 và kế hoạch đào tạo sỹ quan quân đội nòng cốt

Posted: 22 Dec 2016 08:35 AM PST


LTS: C1X6 là tên gọi các khóa học đặc biệt của Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự) từ những năm đầu thập niên 70 thế kỷ 20, với nguồn tuyển chọn là những sĩ quan quân sự nòng cốt cùng các học sinh phổ thông. 

Học viên khóa học này được đào tạo để gửi đi Liên Xô học đại học, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cao về khoa học kỹ thuật cho đất nước. 

Thiếu tướng, Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo, Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật quân sự khi đó, đã dành cho tác giả Lê Phương Mai một cuộc trò chuyện về cuộc thử nghiệm giáo dục này nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Tác giả gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Mô hình hoàn toàn mới

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết đôi điều về bối cảnh ra đời chương trình C1X6?

Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo: Ý tưởng về việc lấy nguồn từ các học sinh phổ thông giỏi đi đào tạo trực tiếp trong quân đội hình thành từ những năm 60. 

Khi đó tôi là thư ký cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Khoảng năm 1967, khi Đại tướng từ miền Nam ra Bắc, tôi đã đề cập ý tưởng này và Đại tướng rất ủng hộ. 

Sau khi Đại tướng mất, tôi chuyển về làm Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật quân sự mới thành lập (năm 1968 – PV). 

Khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1972, dưới sự ủng hộ của GS.Tạ Quang Bửu – Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thì tôi bắt tay ngay vào xây dựng và thực hiện đề án. 

Ông Đặng Quốc Bảo (bên trái) chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1975 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Lúc này, cuộc kháng chiến của dân tộc đã vào giai đoạn kết thúc, chúng ta bước vào giai đoạn chuẩn bị cho tương lai. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ của cả GS.Tạ Quang Bửu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Những sinh viên được đào tạo đó sẽ là một lớp người ưu tú, là lực lượng làm khoa học kỹ thuật cho đất nước, có phẩm chất chính trị tốt.

Cần phải nói là đề án đó rất phù hợp thời điểm ấy, phù hợp với tinh thần vươn lên của một dân tộc sau chiến tranh. Giới trẻ Việt Nam cần được tạo điều kiện để phát triển vì tố chất con người Việt Nam không thua kém gì thế giới. 

Việc đào tạo của đề án có gì khác biệt so với mô hình giáo dục thông thường thời đó, thưa ông?

Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo: Khác biệt đầu tiên là các bạn trẻ được chọn lựa trong các khóa học đó đều có sức học vượt trên mặt bằng chung, có thể coi là nguồn trí thức cao cấp, có thể bắt kịp với thế giới (ngoài lực lượng sĩ quan nòng cốt còn có học sinh các trường chuyên, điểm thi Đại học từ 23 trở lên, trong đó Toán phải được ít nhất 8 điểm – PV).

Hai là sử dụng môi trường quân đội để đào tạo. Các bạn được học tập theo đúng kỷ luật nhà binh, rất chặt chẽ, có định hướng.
 
Khi đã vào cuộc là tinh thần chiến đấu cao. Các bạn đó đều đã là những người có tố chất tốt, khi ở cùng nhau thì thi đua nhau rất lớn. 

Bởi đây không chỉ là đào tạo các cá nhân, mà là đào tạo một đội ngũ. Trong đó cũng có cả sự đào thải. Một sự vươn lên nào cũng có đào thải, càng vươn lên càng phải có đào thải. Những người sau đó được chọn đi nước ngoài học tiếp đều được các giáo viên Liên Xô khen ngợi. 

Vậy chương trình học có gì khác biệt, thưa ông?

Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo: Các bạn đó được học với các giáo viên giỏi. Ngoài giảng viên của Đại học Kỹ thuật Quân sự, chúng tôi mời các giáo viên giỏi nhất của Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp về giảng dạy. 

Về khoa học cơ bản trong nước khi đó không đâu bằng được hai trường đó. Giáo trình học chúng tôi tham khảo từ Liên Xô, Trung Quốc, rồi bổ sung thêm từ thế giới. 

“Kiên quyết không chấp nhận tư tưởng phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”

(GDVN) – Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu này tại lễ đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất và kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Học viện Chính trị (Bộ Quốc Phòng).

Thư viện của trường khi đó có tới 4 triệu đầu sách, nhiều sách quý chúng tôi đi tìm từ nước ngoài về.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hết sức quan tâm tới các sinh viên. Đại tướng cũng đã đến thăm trong thời gian đó, đặc biệt quan tâm tới thư viện.

Các bạn học kỹ thuật, cũng được rút kinh nghiệm dần để tăng cường các giờ thực hành. 

Ngoài ra, cơ sở vật chất, chế độ ăn uống cho sinh viên cũng được ưu tiên hết mức. Phải ăn no mới khỏe mạnh để học giỏi được. 

Khi đó Bộ Quốc phòng đã quyết định cho sinh viên ăn theo chế độ tương đương chế độ cán bộ quân đội cao cấp. Nghèo thì nghèo nhưng vẫn phải tạo điều kiện cho lớp trẻ là vậy. 

Bây giờ nói ra thì thấy bình thường nhưng khi đó, Đảng, Nhà nước, quân đội đã tạo điều kiện tốt nhất, ưu đãi nhất để các sinh viên trẻ hết lòng học tập. 

Hãy học với tinh thần người lính

Theo ông, việc có các chính sách đặc biệt để đào tạo nhân lực chất lượng cao thời đó, có bài học như thế nào đến hiện nay? 

Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo: Thành tựu lớn nhất của đề án đó là khơi dậy trách nhiệm dân tộc, khơi dậy trí tuệ dân tộc. Và lớp người đó cũng tạo tiền đề cho cả các thế hệ bây giờ. 

Tôi biết nhiều lớp con cháu của những người trưởng thành từ đề án đó bây giờ lại tiếp tục theo các bậc cha anh, đạt được nhiều thành công. 

Nó cũng chứng minh rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng đưa lớp trẻ phát triển nếu có đường lối tốt, bởi lớp trẻ không thua bất cứ đâu trên thế giới, chỉ là chưa khai thác ra thôi. 

Chúng ta bây giờ không nhất thiết phải mở rộng môi trường quân đội như đề án, vì quân đội có tính đặc trưng riêng. Nhưng tinh thần người lính thì cần. Và cần những chương trình đào tạo như vậy. 

Vì nguồn dự trữ con người rất lớn. Khả năng của người Việt vẫn còn chưa đượ đánh thức đúng. Nhiều năm qua các trường đại học trong hệ thống giáo dục chính quy đầu tư nhiều nhưng hiệu quả vẫn thấp. Điều đó nghĩa là cần chính sách để tăng cường đào tạo, đánh thức tiềm năng.

Thiếu tướng, PGS.Đặng Quốc Bảo (SN 1927), nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban khoa giáo TƯ Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nguyên Hiệu trưởng kiêm Chính ủy trưởng Đại học Kỹ thuật Quân sự.

Chúng ta cũng cần có sự công bằng. Người ưu tú phải được ưu đãi, được tạo điều kiện, chứ không phải trình độ kém mà con ông cháu cha thì lại được cất nhắc.

Mục tiêu của đề án khi đó là để chuẩn bị kỹ năng đưa sinh viên ra nước ngoài học tập. Bây giờ việc đi học nước ngoài đã dễ dàng hơn. Nhưng thưa ông, hiện nay, sinh viên ra nước ngoài thường không thích về Việt Nam, hiện tượng "chảy máu chất xám" có là chuyện đáng lo? 

Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo: Giới trẻ bây giờ cần phải đi khắp thế giới, mở rộng giao tiếp, không thể cứ bắt họ chỉ tập trung ngồi một chỗ trong nước. 

Tôi gặp nhiều bạn trẻ, người ta cũng sẵn sàng về thôi. Người Việt Nam gắn bó với Tổ quốc chứ. Họ tự hào là người Việt Nam, gọi là về đấy.

Nhưng chính sách chúng ta phải mở đường. Thế giới giờ hẹp lắm, chính sách chưa tạo môi trường cho lớp trẻ thì các bạn ấy đi thôi. Cứ cho các bạn đi, tìm kiếm được môi trường tốt thì đi sẽ tốt. 

Hơn nữa tôi nghĩ rằng đối với những người có khả năng thì thế giới chỉ là một. Ngày hôm nay trong nước, ngày mai ra nước ngoài, ngày kia họ trở về.

Địa bàn là cả thế giới, là đi khắp chứ không phải chỉ một chỗ. Một chuyến đi là một sàng khôn. Như đề án đào tạo, chúng tôi cũng hướng tới tạo điều kiện để sinh viên được đi đây đó, giao lưu mở rộng.  

Ngày xưa còn hạn chế là không được ra thế giới. nhưng lúc đó các bạn ấy đã được đưa ra Liên Xô học. Mà vấn đề giao lưu với thế giới nó quyết định nhiều thứ.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.

Năm 1972, khóa học đầu tiên đào tạo dự bị đại học tại Trường Đại học Kỹ thuật quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật quân sự) được tổ chức với 40 học viên quân sự. Năm 1973, có 150 quân nhân và nhiều học sinh được tuyển chọn và thành lập đại đội C186 (1974-1975). Có 10 khóa được đào tạo từ chương trình này.

Nhiều gương mặt từ C1X6 đã có thành công. Ít nhất 4 học viên trở thành cấp Thứ trưởng hoặc tương đương của các bộ, ngành ngoài quân đội. Trong quân đội có khoảng 20 người cấp tướng, cùng nhiều người thành công ở các lĩnh vực ngoài quân đội như GS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, Phạm Ngọc Minh – Tổng giám đốc Vietnam Airlines, Cao Duy Hải – Tổng giám đốc Vinaphone, Tống Viết Trung – Phó Tổng giám đốc Viettel, Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT…



Xem nguồn

Bài học giản dị của cô giáo người Dao

Posted: 22 Dec 2016 07:53 AM PST


Cô Phượng Mùi Nái tại Văn phòng Chủ tịch nước dịp gặp mặt Đoàn nhà giáo tiêu biểu với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc ThịnhCô Phượng Mùi Nái tại Văn phòng Chủ tịch nước dịp gặp mặt Đoàn nhà giáo tiêu biểu với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh

Nỗ lực mỗi ngày để thành giáo viên giỏi

Trong đoàn giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2016, cô Phượng Mùi Nái còn rất trẻ. Cô tâm sự mới chỉ vào nghề 5 năm nhưng ước mơ trở thành giáo viên đã được ấp ủ từ khi còn nhỏ. Tự hào về Thủ đô với bộ trang phục dân tộc tự may, cô kể về nơi mình sinh ra – một gia đình người Dao nghèo, thôn Nậm Phang, xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần (Hà Giang). Cùng với đó là ký ức về thời thơ bé khó khăn nhưng giàu tình yêu thương của bố mẹ.

"Là con thứ hai trong gia đình có bốn chị em gái, ngày ngày tôi phải dạy sớm đến trường, vì trường cách nhà gần 6 cây số. Chiều về, tôi lại phải cõng em đi chăn trâu đỡ đần cho bố mẹ. Cứ vậy, lớn lên trong vòng tay đùm bọc của gia đình, nhưng tôi cũng thấu hiểu được phần nào nỗi khó khăn, vất vả mà ngày ngày bố mẹ phải vượt qua. Chính vì vậy, từ sâu trong đáy lòng, tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ.

Tôi nuôi ước mơ trở thành cô giáo vì thấu hiểu quê hương mình nghèo khó, dân trí chưa cao, trẻ em nơi đây chịu nhiều thiệt thòi về mọi mặt" – giáo viên trẻ xúc động tâm tình.

Sớm hướng bản thân trở thành người có ích cho xã hội, để không chỉ giúp được gia đình mà còn góp phần nhỏ bé cho quê hương, cô Phượng Mùi Nái đã không ngừng cố gắng, trúng tuyển hệ sư phạm ngành Giáo dục tiểu học của Trường CĐ Sư phạm Hà Giang. 3 năm học tập, cô sinh viên người Dao đã đạt kết quả tốt nghiệp loại giỏi.

Bước vào nghề dạy học, đạt được ước mơ, nhưng cô giáo trẻ vùng khó tâm sự sau đó là rất nhiều gian nan vất vả, cần phải nỗ lực từng ngày để vượt qua, trong đó không thể thiếu tình yêu nghề, yêu trẻ.

"Nhớ khi chủ nhiệm lớp 1, tôi có một học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà cách trường khá xa nên em không thể tự đi học mỗi ngày dù muốn đến lớp. Thấy em thường xuyên nghỉ học, ban đầu, một giáo viên trẻ như tôi cũng không biết mình nên làm gì để giúp đỡ em. Sau đó, suy nghĩ, trao đổi với anh chị em đồng nghiệp, tôi đã tìm ra một cách. Đó là tìm hiểu về anh chị em, bạn bè xung quanh, những người cùng đường với học sinh đó để nhờ họ giúp đỡ đưa em đến trường mỗi ngày.

Từ đó, em được đến lớp thường xuyên hơn. Giờ đã là học sinh lớp 4, em vẫn thầm nhớ và đã nói lời cảm ơn tôi. Câu chuyện nhỏ đó khiến tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa để giúp nhiều học sinh hơn được tới lớp, đến trường" – cô giáo người Dao chia sẻ.

Tình yêu nghề thực sự cũng là động lực giúp cô giáo trẻ luôn nỗ lực và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trở thành giáo viên giỏi các cấp nhiều năm liền. Ngoài công tác giảng dạy, cô cũng được tin tưởng giao nhiệm vụ là giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường.



Cô Phượng Mùi Nái (thứ 3 từ phải sang) cùng các nhà giáo tiêu biểu năm 2016 được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tặng ảnh lưu niệm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. 

7 kinh nghiệm dạy học vùng khó

5 năm dạy học không dài nhưng cũng đủ để cô Phượng Mùi Nái rút ra những kinh nghiệm quý giúp mình có được những thành công ban đầu trong nghề.

7 kinh nghiệm được cô chia sẻ là: Bản thân phải luôn phải tự học hỏi, trau dồi kiến thức, đúc rút kinh nghiệm; gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, thân thiện chia sẻ, tâm sự gần gũi với học sinh; quan sát tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh; học, biết và tập nói tiếng địa phương; vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học phù hợp với vùng miền nơi mình công tác; luôn tâm huyết, yêu nghề mến trẻ và nhiệt tình trong công việc; thân thiện với đồng nghiệp, hiểu và chia sẻ, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Những bài học giản dị, nhưng thực hiện được, thực hiện tốt không hề đơn giản. Bởi Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chế Là còn vô vàn khó khăn: Cơ sở vật chất phục vụ day học thiếu thốn, thiếu nước, không điện, học sinh đi học xa, đường xá đi lại khó khăn, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thiếu thốn; ngôn ngữ bất đồng không thuận lợi cho việc vận động học sinh đến trường, đến lớp, không thuận lợi cho truyền tải bài dạy; phụ huynh dân trí thấp, khó khăn cho việc tuyên truyền, vận động các chủ trương chính sách của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước về giáo dục…

Với tâm huyết và tình yêu nghề, cô giáo trẻ đã quyết tâm khắc phục phục thiếu thốn cơ sở vật chất bằng cách vận động phụ huynh tu sửa trường lớp, bàn ghế, nơi sinh hoạt của học sinh, thầy cô bằng các vật liệu tre nứa có sẵn. Cô cũng luôn giữ mối liên hệ liên lạc hai chiều với phụ huynh; cập nhật kịp thời tình hình học sinh lớp với trưởng bản để phối hợp giáo dục động viên kịp thời; luôn tâm sự gần gũi với từng học sinh trong lớp; không ngừng học hỏi kinh nghiệm dạy học của đồng nghiệp và những người đi trước…

"Các thầy cô hãy yêu nghề bằng cả trái tim vì sự nghiệp giáo dục vùng cao. Hãy đem cái chữ đến với học sinh, giúp các em vượt lên nghèo khó, thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn. Đến với các em bằng cả tấm lòng thấu hiểu và chia sẻ, đừng ngại khó ngại khổ, chỉ có vậy, chúng ta mới thật sự xứng đáng với câu nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý" – cô giáo người Dao gửi gắm.



Xem nguồn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bộ GD&ĐT có thể "đặt hàng" với Hội Khuyến học Việt Nam

Posted: 22 Dec 2016 07:11 AM PST


Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh trong nhiệm kỳ mới Hội xác định tập trung mạnh vào việc xây dựng hệ thống giáo dục cho người lớn. Bởi hiện ở Việt Nam hệ thống giáo dục ban đầu đã hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến đại học dành cho 25 triệu trẻ em, thanh thiếu niên nhưng hệ thống giáo dục tiếp tục dành cho trên 60 triệu người lớn chưa được quan tâm đầy đủ.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam

Ghi nhận ý kiến từ cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để các hội nói chung, trong đó có Hội Khuyến học hoạt động hiệu quả thì các bộ, ngành phải chủ động phối hợp chặt chẽ, coi các hội vừa là đối tác, vừa là người đồng hành trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của mình.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ khi triển khai đề án xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới, hay ban hành những thông tư, chính sách mới, Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể "đặt hàng" cho Hội Khuyến học đưa ra những nghiên cứu, góp ý, phản biện và cái gì đúng thì cùng tuyên truyền, vận động, cùng vào cuộc. Hay trong việc dạy thêm, học thêm; đánh giá học sinh, không chấm điểm, Bộ GD&ĐT có thể phối hợp với hội, mời phụ huynh học sinh đến các trung tâm học tập cộng đồng để giải thích tại sao cần làm vậy, các nước trên thế giới làm như thế nào. Bởi "có những thứ Bộ nói không được nhưng Hội nói lại có hiệu quả hơn nhiều".

Đối với công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, Phó Thủ tướng đặt vấn đề Bộ LĐTB&XH cần có văn bản hợp tác cụ thể để huy động các cấp hội, trong đó có Hội Khuyến học, cùng tham gia với cách làm linh hoạt không chỉ góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả cho công tác đào tạo mà cả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.

"Tới đây, Bộ GD&ĐT cần rà soát toàn, bộ, đánh giá thực chất, phân loại toàn bộ các trung tâm học tập cộng đồng. Từ đó lựa chọn ra một số trung tâm để tập trung làm với một số chương trình phổ biến kiến thức, khoa học, công nghệ cho người dân", Phó Thủ tướng đề nghị.

Nhật Hồng



Xem nguồn

700 học sinh xếp hàng cảm ơn thầy giáo thể dục vào ngày nghỉ hưu

Posted: 22 Dec 2016 06:28 AM PST


 – 700 học sinh của trường cấp 2 Paul Fort (Is-sur-Tille, Pháp) đã xếp thành hàng dài hai bên lối đi để bày tỏ sự cảm ơn với thầy giáo của mình vào ngày cuối cùng ông làm việc tại trường.

Ông Alain Donnat năm nay 64 tuổi là giáo viên dạy thể dục tại trường cấp 2 Paul Fort. Sau 38 năm gắn bó với trường, ông Donnat đã chính thức nghỉ hưu vào ngày thứ Hai, 16/12 vừa qua.

Vào ngày làm việc cuối cùng của ông Donnat tại trường, toàn bộ học sinh trong trường đã xếp thành hàng hai bên lối đi vỗ tay và reo hò để bày tỏ lòng cảm ơn đối với người thầy giáo của mình. 

Ông Alain Donnat đã rất xúc động khi không hề biết trước rằng mình sẽ nhận được sự cảm ơn của toàn thể học trò. Theo hiệu trưởng nhà trường, việc này đã được lên kế hoạch trước đó 2 ngày và được giữ bí mật.

Đoạn video cảm động ghi lại cảnh ông Donnat đi giữa tiếng reo hò, vỗ tay của hơn 700 học sinh do vợ ông, bà Muriel Donnat đăng tải trên Facebook đã có gần 300 ngàn lượt người xem và 2.800 lượt chia sẻ.

Hà Phương (theo Francebleu)



Xem nguồn

Tìm giải pháp phát triển các trường đại học ngoài công lập

Posted: 22 Dec 2016 05:46 AM PST


Từ một trung tâm đại học dân lập Thăng Long nhỏ bé được thành lập dưới hình thức thí điểm vào năm 1988, đến nay tại Việt Nam đã có một hệ thống gồm 84 trường (60 trường đại học và 24 trường cao đẳng) ngoài công lập với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% quy mô sinh viên chính quy của cả nước, ước tính đã gánh đỡ cho ngân sách nhà nước khoản từ 50 đến 60 nghìn tỉ đồng.

Những chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng và Nhà nước đã mở lối cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập lần lượt ra đời. Trong hơn 20 năm, hệ thống trường này không chỉ có những đóng góp đáng kể vào việc đào tạo nguồn nhân lực bậc cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn tạo ra mô hình trường mới mẻ, hiện đại, quản trị năng động hiệu quả, có uy tín về chất lượng đào tạo.



Thứ trưởng Bùi Văn Ga cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT tham dự hội thảo

Nghị quyết Trung ương 29 cũng khẳng định: "Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư…".

Tuy nhiên, cho tới nay hệ thống trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã và đang phải chật vật trước những khó khăn, vướng mắc, bởi hành lang pháp lý chưa đồng bộ, do vậy đã cản trở sự phát triển đi lên của nhiều trường ngoài công lập, dẫn đến nhiều điều bất cập trong quản lý, quy mô sinh viên giảm sút, nghĩa vụ đóng thuế chưa bình đẳng.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam – cho rằng: Cần thừa nhận đóng góp của hệ thống các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập trong 23 năm vừa qua là rất to lớn. Vì vậy chúng ta cần duy trì và phát triển hệ thống này.

Hội thảo mong muốn trên cơ sở tập hợp những tư liệu mới nhất về thực trạng hoạt động các trường đại học cao đẳng ngoài công lập cùng các ý kiến và tham luận của những người tham gia hội thảo, chúng ta một lần nữa khẳng định chủ trương thành lập các trường đại học cao đẳng ngoài công lập, duy trì và phát triển hệ thống này là đúng đắn, cần thiết.

Thông qua hội thảo sẽ chỉ ra được những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân đích thực, nguyên nhân chủ quan và khách quan, cơ hội và thách thức, đồng thời kiến nghị một số giải pháp nhằm củng cố, duy trì và phát triển hệ thống này trong tương quan với hệ thống các trường đại học công lập và trong điều kiện ngày càng dân chủ, công bằng, trao quyền tự chủ đầy đủ cho tất cả các trường đại học, cao đẳng cùng cạnh tranh lành mạnh để phát triển.

Các đại biểu tham gia hội thảo phân tích một cách khoa học, vừa nhìn xa trông rộng ra thế giới, vừa bám sát thực tiễn của đất nước, của địa phương, của từng trường để tìm ra nguyên nhân cản trở các trường hoạt động, để tìm ra cơ chế và nguồn lực để vượt khó và đi lên.



Xem nguồn

Hơn 200.000 sinh viên thất nghiệp: Không nên đổ lỗi cho ngành giáo dục

Posted: 22 Dec 2016 05:03 AM PST


Phát biểu tại hội thảo, các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển hệ thống trường ĐH,CĐ ngoài công lập sáng ngày 22/12 tại Hà Nội về giáo dục đại học hiện nay, GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, lâu nay, báo chí nói nhiều về hiện tượng 200.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH chưa kiếm được việc làm, coi đó như cái họa mà ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, đó là một quan niệm không đúng. Đã chuyển sang cơ chế thị trường thì không thể mong muốn cung và cầu về lao động phải ăn khớp với nhau như hồi kế hoạch hóa tập trung.

GS Phương phân tích, xã hội hướng dẫn sinh viên chọn nghề để học còn nhiều thiếu sót, nhưng dù có hướng dẫn tốt đến mấy chăng nữa cũng không thể bảo đảm cung và cầu về lao động hoàn toàn ăn khớp với nhau. Nhiều sinh viên chọn nghề chỉ căn cứ vào sở thích của mình, chứ không căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Họ sẽ phải tìm nghề khác mà học lại. Chuyển nghề là một hiện tượng phổ biến trên thế giới. Không chỉ chuyển một lần, mà chuyển nhiều lần.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp chỉ muốn tìm việc ở các thành phố lớn. Tìm mãi mà không được, tất họ phải tìm về những vùng cần đến họ. Cũng có một số sinh viên được đào tạo kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu công việc. Họ sẽ phải tự đào tạo lại. Đó chính là tác dụng của cơ chế thị trường.

GS Phương dẫn chứng thêm, nhìn rộng ra thế giới, ta thấy hiện tượng sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm, nước nào cũng có. Ở Trung Quốc, năm 2011, có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm. Mỗi năm lại bổ xung thêm 2 triệu người nữa.


GS Trần Phương

Giáo dục chưa có gì là quá thừa

Trước hiện tượng sinh viên tốt nghiệp chưa kiếm được việc làm, đã có ý kiến cho rằng Giáo dục ĐH của nước ta đã phát triển quá thừa, cần phải hạn chế lại. Theo GS Phương đây là một vấn đề đáng bàn.

“Đúng là có một số ngành đào tạo vượt nhu cầu cần phải điều chỉnh, như sư phạm chẳng hạn, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp lại không kiếm được đủ kỹ sư. Số thanh niên đăng ký học các ngành kỹ thuật công nghệ ở nước ta chiếm tỷ lệ quá thấp. Nguyên nhân vì đâu? Cần phải xem xét lại” – GS Phương nói.

Theo GS Phương, nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa. Nhìn vào những nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, họ đã phải trải qua 20 – 30 năm phát triển rất mạnh ĐH-CĐ mới vươn lên được trình độ công nghiệp hóa. Nước ta cũng không thể thoát khỏi lộ trình đó.

Hãy nhìn vào tỷ lệ người có trình độ ĐH-CĐ trong dân số nước ta. So với các nước nói trên thì còn quá thấp. Chuyển sang thời đại tri thức thì sự bất cập càng nổi rõ hơn nữa.

Một người chinh phục kiến thức ĐH-CĐ không phải là để dùng trong vài ba năm, mà là để dùng trong 30 – 40 năm. Nếu vài năm chưa kiếm được việc làm thích hợp thì chưa lo gì lãng phí.

“Giáo dục đại học của nước ta chưa có gì là quá thừa, trái lại, còn phải phát triển mạnh hơn nữa, nhất là các ngành kỹ thuật – công nghệ. Lâu nay, việc hướng dẫn thanh niên chọn nghề để học chưa được chú trọng. Xã hội đang cần loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Đang thừa loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Các Bộ cần có cơ quan nghiên cứu, hướng dẫn cho thanh niên” – GS Phương nhấn mạnh.

Một khía cạnh khác, GS.TS. Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng cho rằng, do nhiều cơ sở đào tạo hiện nay đang chạy theo nhu cầu tức thời của thí sinh nên có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo với nhu cầu thực tế của xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực cũng là một vấn đề làm xã hội lo lắng.

Để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ở các trường, GS Nghị đề nghị Nhà nước, thành lập cơ quan chuyên môn chuyên nghiên cứu, khảo sát và dự báo nhu cầu thị trường lao động các ngành nghề. Hàng năm có công bố kết quả nghiên cứu và dự báo nhằm định hướng chọn ngành nghề cho xã hội, hạn chế xu hướng chọn ngành nghề theo cảm tính và phong trào tức thời như hiện nay.

Cơ quan chuyên môn có thể định kỳ tổ chức khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường trong phạm vi toàn quốc và công bố công khai chính thức trên các phương tiện truyền thông. Đây sẽ là một kênh quan trọng để người học chọn trường theo học và để các trường nỗ lực cố gắng, phấn đấu đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng trường.

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động vào đầu năm 2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp, trong đó nhóm người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng.

Cụ thể, trình độ cao đẳng nghề thất nghiệp tăng gần 8%; trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp tăng trên 7,9%; trình độ đại học trở lên thất nghiệp tăng gần 4,9%, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm không có bằng cấp chỉ khoảng 2%.

Cùng với đó là gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ các ngành như: Quản trị kinh doanh, marketing, tin học, chứng khoán, ngân hàng, điện lực… đã dành 4 năm để học đại học, 2 năm để học lên cao học, tốt nghiệp với vô số bằng cấp khá, giỏi, nhưng hầu hết đều đang thất nghiệp.

Theo một thống kê khác lại cho thấy, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh; trong 10 cử nhân, có tới 4 người thiếu kiến thức chuyên môn. Vì vậy, cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng, có tới 6 doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Kiến thức, kỹ năng mà chúng ta đang đào tạo trong các cơ sở hiện nay vẫn còn khoảng cách khá là lớn so với kiến thức, kỹ năng mà người sử dụng lao động đang đòi hỏi.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là các hệ thống giáo dục đào tạo cần liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, với các cơ quan quản lý thị trường lao động, để làm sao thu hẹp khoảng cách giữa các kiến thức, kỹ năng thu nhận được trong nhà trường, với kiến thức kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi.

Nhật Hồng



Xem nguồn

Loạt trường Đại học trọng điểm hợp tác đào tạo với Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW)

Posted: 22 Dec 2016 04:21 AM PST


GS.TS. Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân - trao Kỉ niệm chương cho ông Mark Billington - Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á - tại Lễ kí kết hợp tácGS.TS. Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân – trao Kỉ niệm chương cho ông Mark Billington – Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á – tại Lễ kí kết hợp tác

Tại lễ ký kết, ông Mark Billington – Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á – nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế ICAEW CFAB và khả năng nâng cao lợi thế cạnh tranh của sinh viên khi nắm giữ Chứng chỉ quốc tế này; đồng thời bày tỏ cam kết lâu dài của ICAEW góp phần phát triển ngành kế toán, kiểm toán tài chính tại Việt Nam.

GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân-hoan nghênh và đánh giá cao những hoạt động hiệu quả và đóng góp thiết thực của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales cho sự phát triển chung của giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong thời gian vừa qua.

"Nhà trường tin rằng việc tăng cường mối quan hệ hợp tác lần này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên, tiến tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên, góp phần đưa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành trường Đại học uy tín ngang tầm khu vực và quốc tế" – hiệu trưởng Trần Thọ Đạt chia sẻ.

Trước đó, trong các ngày 20 và 21/12, ICAEW đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với các trường đại học lớn trong khối kinh tế là Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Thương mại và Đại học Tôn Đức Thắng.

Theo thoả thuận hợp tác, ICAEW và các trường Đại học tại Việt Nam mở ra cơ hội cho sinh viên các khối chuyên ngành Kinh doanh, Kế toán, Tài chính theo học khóa chứng chỉ quốc tế CFAB ngay tại giảng đường đại học.

Từ đó giúp sinh viên có đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên ngành cũng như khả năng ngoại ngữ để có thể bước chân vào làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế sau khi ra trường, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy khối giảng viên tại các trường Đại học ngang tầm khu vực.

Sự kiện lần này đã thu hút sự quan tâm của đại diện các doanh nghiệp đối tác của ICAEW và các nhà tuyển dụng lớn như Navigos Search bởi đây được coi là một bước khởi đầu để giúp cho ngành Kinh doanh, Kế toán, Tài chính của Việt Nam có được một đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các nhà tuyển dụng quốc tế.

Ngay sau khi kí kết, Tổ chức và các trường Đại học sẽ nhanh chóng bắt tay vào triển khai các nội dung hợp tác.

Trên thế giới, ICAEW CFAB là một trong những chứng chỉ quốc tế uy tín nhất trong lĩnh vực Tài chính, Kế toán và Kinh doanh. Chứng chỉ này được coi là bước đệm không thể thiếu để sinh viên có thể thực hiện giấc mơ đạt danh vị ICAEW Chartered Accountant (ICAEW ACA), danh vị danh giá và cao quý nhất trong lĩnh vực kế toán.



Xem nguồn

"200.000 cử nhân thất nghiệp không phải lỗi của ngành giáo dục"

Posted: 22 Dec 2016 03:40 AM PST


Nhiều người coi việc 200.000 cử nhân thất nghiệp như là thảm họa mà ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm là quan niệm không đúng.

GS Trần Phương , Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định như vậy tại Hội thảo Thực trạng và các giải pháp củng cố, phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam diễn ra sáng nay, 22/12.

Theo ông Phương, hiện tại, Việt Nam đã chuyển sang cơ chế thị trường thì không thể mong muốn cung và cầu về lao động phải ăn khớp nhau như hồi kế hoạch hóa tập trung.

Đúng là xã hội hướng dẫn sinh viện chọn nghề để học còn nhiều thiếu sót nhưng dù có hướng dẫn tốt đến mấy chăng nữa cũng không thể bảo đảm cung và cầu về lao động hoàn toàn ăn khớp với nhau.

Nhiều sinh viên chọn nghề chỉ căn cứ vào sở thích của mình chứ không căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Họ sẽ phải tìm nghề khác để học lại. Chuyển nghề là một hiện tượng phổ biến trên thế giới, không chỉ một lần mà chuyển nhiều lần.

'200.000 cử nhân thất nghiệp không phải lỗi của ngành giáo dục'
GS Trần Phương cho rằng, không thể quy trách nhiệm cho ngành GD về việc 200.000 cử nhân ra trường thất nghiệp.

“Nhiều sinh viên tốt nghiệp chỉ muốn tìm việc ở các thành phố lớn. Tìm mãi mà không được, tất họ phải tìm về những vùng cần đến họ. Cũng có một số sinh viên được đào tạo kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu công việc. Họ sẽ phải tự đào tạo lại” – ông Phương khẳng định. “Đó chính là tác dụng của cơ chế thị trường”.

Theo ông Phương, nhìn rộng ra thế giới, hiện tượng cử nhân thất nghiệp là khá phổ biến. “Ở Trung Quốc, năm 2011, có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm. Mỗi năm lại bổ xung thêm 2 triệu người nữa” – ông Phương cho hay.

Từ đó, ông Phương cho rằng, ông không đồng tình với quan điểm cho rằng, giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay đã phát triển quá thừa, cần phải hạn chế lại.

“Đúng là có một số ngành đào tạo vượt nhu cầu cần phải điều chỉnh, như sư phạm chẳng hạn, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp lại không kiếm được đủ kỹ sư. Số thanh niên đăng ký học các ngành kỹ thuật công nghệ ở nước ta chiếm tỷ lệ quá thấp. Nguyên nhân vì đâu?” – ông Phương nêu câu hỏi.

Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa. Nhìn vào những nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, họ đã phải trải qua 20 – 30 năm phát triển rất mạnh ĐH-CĐ mới vươn lên được trình độ công nghiệp hóa. Vì vậy, Việt nam cũng không thể thoát khỏi lộ trình đó.

Ông Phương cũng cho rằng, tỉ lệ người có trình độ ĐH-CĐ ở Việt nam vẫn còn thấp so với các nước. Nếu chuyển sang thời đại tri thức thì sẽ nảy ra bất cập. Hơn nữa, việc một người tốt nghiệp ĐH vài năm chưa kiếm được việc làm thích hợp thì chưa lo gì lãng phí.

Lâu nay, việc hướng dẫn việc hướng dẫn thanh niên chọn nghề để học chưa được chú trọng. Xã hội đang cần loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Đang thừa loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? “Các bộ ngành cần cơ cơ quan nghiên cứu hướng dẫn cho thanh niên về việc này” – ông Phương khẳng định.

Ông Đinh Ngọc Hiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây cũng cho rằng, không thể chỉ nhìn vào con số 200.000 cử nhân thất nghiệp để trách hệ thống giáo dục được vì điều đó rất “vô duyên”.

Theo ông Hiện, hiện tượng thừa người thiếu việc như hiện nay là do cơ cấu kinh tế của Việt Nam không tạo ra được việc làm cho những người tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ. Các nhà đầu tư vào Việt Nam đều nhắm vào nhân công rẻ tiền thì sẽ không thể có việc làm cho người tốt nghiệp ĐH, CĐ.

Ông Hiện cũng đề xuất không thể ngăn cản phát triển giáo dục đại học đồng thời cũng không thể phân luồng một cách chủ quan. “Nhà nước chỉ tập trung đào tạo dăm ba ngàn người giỏi còn lại để cho học sinh tự lựa chọn. Nhà nước nên tập trung đầu tư vào con người” – ông Hiện đề xuất.

“Vì sao học tư thục thì không được nhà nước đầu tư hỗ trợ trong khi học trường công lập thì nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, còn có chính sách miễn, giảm học phí?” – ông Ngọc nói. Từ đó, ông Hiện đề xuất nhà nước hướng tới việc đầu tư vào con người chứ không phân biệt trường công hay trường tư.

Lê Văn



Xem nguồn

Lâm Đồng ban hành mức học phí mới

Posted: 22 Dec 2016 02:58 AM PST


Theo đó, quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2016 – 2017 đến năm học 2020 – 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như sau:

Mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập:



Mức học phí đối với học nghề phổ thông:


Từ năm học 2017 – 2018 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Mức học phí đối với đào tạo cao đẳng, trung cấp và giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục công lập:


Học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo kỹ năng và đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác do các cơ sở giáo dục chủ động tính toán và quy định mức thu theo sự đồng thuận giữa người học và cơ sở giáo dục, bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Học phí đào tạo cao đẳng, trung cấp và giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo phương thức giáo dục thường xuyên áp dụng mức không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng cùng trình độ đào tạo, nhóm ngành, chuyên ngành và nghề đào tạo theo chương trình đào tạo đại trà tại cơ sở giáo dục cao đẳng, trung cấp và giáo dục nghề nghiệp.

Mức học phí học lại cao đẳng, trung cấp và giáo dục nghề nghiệp bằng mức trân học phí quy định với từng loại hình đơn vị của năm học lại.

Học phí đào tạo tính theo tín chỉ, mô-đun: Mức thu học phí của một tín chỉ, mô-đun được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm, ngành nghề đào tạo và tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa theo công thức sau:




Xem nguồn

Cô gái Việt xinh đẹp tranh tài ở cuộc thi ‘siêu trí não’ thế giới

Posted: 22 Dec 2016 02:15 AM PST


 – Mai Thị Tường Vân là một trong hai thí sinh đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi Vô địch trí nhớ thế giới lần thứ 25 (The 25th World Memory Championships) diễn ra ở Singapore năm nay.

Cô gái Việt xinh đẹp tranh tài ở cuộc thi 'siêu trí não' thế giới
Mai Thị Tường Vân, sinh năm 1991 là một trong hai thành viên của Việt Nam tham gia cuộc thi Vô địch trí nhớ thế giới lần thứ 25 ở Singapore. Ảnh: NVCC

Tường Vân sinh năm 1991, là cựu sinh viên ĐH Mở Hà Nội, sau đó em sang Đài Loan học Thạc sĩ 1 năm. Hiện cô gái 25 tuổi này đang làm việc cho một công ty game online của Trung Quốc ở Philippines.

"Cách đây hơn 3 tháng em có xem chương trình 'supper brain' của trung quốc. Em thấy những người tham gia chương trình đều có xuất phát điểm bình thường, và từ luyện tập mà có được trí nhớ rất siêu phàm, nên em cũng muốn thử sức mình" – Tường Vân chia sẻ về cơ duyên đến với bộ môn này.

Cô gái quê Thanh Hóa cho biết, em là vận động viên duy nhất chỉ mới luyện tập trong vòng 3 tháng để thi đấu với hơn 230 VĐV có kinh nghiệm ít nhất 2-3 năm tới hơn chục năm trong giải đấu này. Điều này khiến các VĐV các nước đều hết sức ngạc nhiên.

Cô gái Việt xinh đẹp tranh tài ở cuộc thi 'siêu trí não' thế giới
Tường Vân (trái) chụp cùng bạn tại cuộc thi. Ảnh: NVCC
Cô gái Việt xinh đẹp tranh tài ở cuộc thi 'siêu trí não' thế giới
Tường Vân chụp cùng huấn luyện viên. Ảnh: NVCC
Cô gái Việt xinh đẹp tranh tài ở cuộc thi 'siêu trí não' thế giới
“Mượn tạm” áo của đội tuyển Philippines để chụp ảnh cho tình cảm – Vân chia sẻ. Ảnh: NVCC
Cô gái Việt xinh đẹp tranh tài ở cuộc thi 'siêu trí não' thế giới
Vân trước khi bắt đầu hạng mục thi nhớ các cỗ bài. Ảnh: NVCC

Ban đầu khi biết đến bộ môn này, Vân cũng chưa nghĩ là mình sẽ tham gia thi đấu, tuy nhiên ngay lần đầu tiên thử áp dụng kỹ thuật nhớ vào một bộ bài 52 lá, em đã nhớ được chính xác trong vòng 2 phút, và nhớ được chính xác 1.000 chữ số trong 58 phút. "Lúc đó, huấn luyện viên của em ngạc nhiên đến mức không tin rằng đó là sự thật. Cô nói rằng với nhiều năm thi đấu cũng như làm huấn luyện viên và đã gặp qua rất nhiều VĐV trên thế giới, hầu hết VĐV nào cũng cần ít nhất 2 đến 3 năm mới có thể đạt được thành tích như vậy, mà ngay từ lần đầu tiên thử em đã đạt được kết quả này, nên cô đề nghị em hãy đến với giải đấu thế giới đi".

Lời đề nghị này khiến Vân suy nghĩ và lo lắng nhiều vì công việc hiện tại của em rất áp lực và bận rộn. Được sự động viên từ huấn luyện viên, gia đình và bạn bè, em đã quyết định tham gia. "Trong 3 tháng tập luyện em chỉ gặp huấn luyện viên mấy lần, vì cả 2 cô trò đều rất bận. Cô cũng là người dẫn đoàn thi đấu của Philippine. Sau đó chủ yếu có thời gian thì em tự luyện. Vì ngôn ngữ khác nhau nên em phải tự lập ra cho riêng bản thân các hệ thống nhớ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, mất 1 tháng" – Vân chia sẻ.

Cô gái Việt xinh đẹp tranh tài ở cuộc thi 'siêu trí não' thế giới
Vân cầm cờ Việt Nam chụp chung cùng các đội tuyển nước bạn. Ảnh: NVCC

Giải đấu được chia ra thành 4 độ tuổi: 8-12 tuổi, 12-17 tuổi, 18-60 tuổi và 60 tuổi trở lên. Mỗi độ tuổi sẽ có 3 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng theo thứ tự người về nhất, nhì, ba xếp hạng theo điểm số. Cuộc thi có tất cả 10 hạng mục: nhớ tên và mặt, nhớ các chữ số, nhớ nhiều cỗ bài (trong 1 tiếng), nhớ các sự kiện lịch sử, nhớ nhanh 1 cỗ bài, nhớ từ ngữ… Điểm số chung cuộc sẽ là điểm tổng kết tất cả các hạng mục.

Năm nay giải đấu có 230 VĐV tham gia đến từ hơn 30 quốc gia. Tổng điểm của Vân là 2153 điểm, vượt qua nhiều VĐV kinh nghiệm khác.

Mặc dù chưa giành được Huy chương trong giải đấu này, song Vân dự định sẽ tiếp tục tham gia giải đấu của Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác trong thời gian tới để có thêm nhiều kinh nghiệm để làm tốt hơn ở giải vô địch thế giới vào cuối năm sau.

Cô gái Việt xinh đẹp tranh tài ở cuộc thi 'siêu trí não' thế giới
Cô gái Việt xinh đẹp tranh tài ở cuộc thi 'siêu trí não' thế giới
Cô gái Việt xinh đẹp tranh tài ở cuộc thi 'siêu trí não' thế giới
Vân hiện đang làm việc cho một công ty ở Philippines. Ảnh: NVCC

Vân tự nhận em là người có trí nhớ rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày, thậm chí là còn hay quên. Nhưng "sau 3 tháng luyện tập bộ môn này, em biết nhìn nhận hơn việc nào cần ghi nhớ, em sẽ tự nhắc bộ não mình cái này quan trọng, phải nhớ thì sẽ nhớ được. Bởi vì muốn nhớ được bất kì điều gì, việc đầu tiên là phải tập trung và nói với bộ não rằng mình cần nhớ việc này" – Vân chia sẻ.

"Mục đích tham gia giải đấu vô địch trí nhớ thế giới của em là để chứng minh rằng bộ não của con người có khả năng vô hạn. Trí nhớ của con người rất siêu phàm và chỉ cần thực sự tập trung, làm đúng phương pháp thì ta có thể nhớ rõ mọi thứ như chụp hình với khối lượng thông tin gần như vô cùng. Ngoài ra, em cũng luôn ấp ủ mang huy chương về cho Việt Nam, khẳng định với các quốc gia khác rằng Việt Nam cũng rất có khả năng trở thành nhà vô địch trí nhớ thế giới".



Xem nguồn

Comments