Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Nghệ An: Hai ngành công an và giáo dục ký cam kết đảm bảo ANTT trong trường học

Posted: 02 Dec 2016 08:13 AM PST


Giáo dục pháp luật về Trật tự an toàn giao thông cho học sinh trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc, Nghệ AnGiáo dục pháp luật về Trật tự an toàn giao thông cho học sinh trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An

Ngày 1/12, Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã cùng với Phòng GD&ĐT huyện, các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên, trường Trung cấp nghề Kinh tế – Kỹ thuật, trường Đại học Vinh (Cơ sở 2) ký cam kết về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Theo đó, việc ký cam kết sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và trường học trong việc trao đổi kinh nghiệm, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện đúng pháp luật, giữ gìn trật tự xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội xâm nhập học đường…

Công an huyện sẽ kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân trong ngành giáo dục có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nêu gương người tốt việc tốt để có sức lan tỏa trong xã hội.

Về phía các trường học, đơn vị giáo dục – đào tạo, việc ký cam kết sẽ tạo điều kiện để ngăn ngừa, phát hiện và ngăn chặn những tác động tiêu cực từ xã hội vào môi trường giáo dục.

Cùng với lực lượng công an và gia đình học sinh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống… góp phần giúp học sinh và giáo viên có nhận thức đầy đủ hơn về pháp luật. Nâng cao tinh thần cảnh giác và phòng chống các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật trong nhà trường và ngoài xã hội.

Nếu có phát hiện ra bất kỳ sai phạm nào, nhà trường cần báo ngay với lực lượng công an để cùng phối hợp giải quyết, xử lý theo pháp luật.

Quy chế đảm bảo an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục cũng đề cập đến việc trước mỗi kỳ thi THPT quốc gia, các sự kiện văn hóa, xã hội do ngành giáo dục tổ chức, các đơn vị chủ trì cần xây dựng kế hoạch hoạt động gửi công an huyện. Lực lượng công an sẽ có phương án phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho các kỳ thi. Phối hợp đấu tranh với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các kỳ thi.

Việc ký cam kết được các cơ sở giáo dục hết sức ủng hộ và nhất trí cao. Đây cũng là hành động của các cơ quan chức năng, đồng hành cùng ngành giáo dục để xây dựng và đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, kỷ luật cho học sinh, giáo viên và xã hội.



Xem nguồn

Trả lương nghìn đô, thị trường đòi hỏi gì ở sinh viên?

Posted: 02 Dec 2016 07:31 AM PST


– Chị Lê Vân, từng là giám đốc nhân sự của một tập đoàn dược phẩm cho biết chị đã từng phỏng vấn những ứng viên dù mới ra trường nhưng đã có những đòi hỏi rất cao.

Trả lương nghìn đô, thị trường đòi hỏi gì ở sinh viên?
Ảnh Đinh Quang Tuấn

"Đã có những bạn rất "xông pha", ứng tuyển vào vị trí quản lý lương nghìn đô la Mỹ dù kinh nghiệm làm việc hầu như chưa có. Tôi không muốn bảo các bạn đừng mơ mộng, đừng đòi hỏi, vì làm như vậy là đi ngược lại mơ ước của tuổi trẻ. Khi người ta còn trẻ, người ta được quyền ảo tưởng, sai lầm, bởi người ta có thể làm lại từ đầu" – chị Vân chia sẻ.

"Tôi đã từng phỏng vấn một vài ứng viên, nói theo kiểu bây giờ là rất "chảnh". Nhưng thực tế số bạn trẻ trong tay không có gì mà dám ảo tưởng, dám chảnh không hề nhiều".

Và những người "dám chảnh" này, theo chị Vân, thường chỉ rơi vào sinh viên các trường như ĐH Ngoại thương hay ĐH Dược.

"Họ ảo tưởng vì rất giỏi, và chưa có môi trường để biết giỏi trong học tập, nghiên cứu khác với giỏi trong công việc, cuộc đời như thế nào. Tuy nhiên, những bạn này chỉ sau một thời gian lăn lộn thì họ sẽ không ảo tưởng nữa, vì họ là những người thông minh, sẽ sớm biết mình là ai, đang ở vị trí nào".

Chị Vân cho biết số ứng viên có sự tự tin khi đến tuyển dụng không nhiều, nhưng đang tăng dần.

"Ngày càng có nhiều bạn nhanh nhẹn, giỏi giang, có những tố chất rất hay ho mà thế hệ chúng tôi không có. Thực trạng xã hội hiện tại cũng khiến cho người trẻ tự tin hơn, bởi cơ hội kiếm tiền nhiều hơn, nhiều sự lựa chọn hơn".

Khi phỏng vấn, chị Vân đánh giá rất cao những ứng viên có khả năng hỏi lại người tuyển dụng những thông tin về doanh nghiệp ngoài những thông tin đã công khai.

"Tôi thích những em "dám" hỏi về chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, về văn hóa công ty, về khả năng thắng tiến nếu các em phấn đấu làm việc…".

Tân cử nhân không thể ở đó mà chờ đợi

Mỗi ngành nghề khác nhau có yêu cầu riêng về nhân sự, nhưng vẫn có những đòi hỏi chung nhất định.

Chị Lê Vân cho biết mình thường đánh giá ứng viên dựa trên 3 tiêu chí: Thứ nhất là tố chất và năng khiếu – cái này không học tập hay rèn luyện mà có được. Thứ hai là quá trình học tập và rèn luyện. Và thứ ba là kinh nghiệm. 

Trả lương nghìn đô, thị trường đòi hỏi gì ở sinh viên?
Sinh viên đi làm thêm (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Từ những lần nói chuyện với sinh viên các trường đại học, ông Cấn Văn Lực, phó Tổng giám đốc BIDV, đã tổng kết lại những điểm yếu của sinh viên ngành tài chính, ngân hàng. Đó là sinh viên thiếu kỹ năng mềm, từ kỹ năng trả lời phỏng vấn, đến phỏng vấn muộn giờ, thậm chí không nhớ cả số báo danh… "Như vậy các bạn đã tự loại chính mình ngay từ vòng đầu". Ông Lực cho biết trong một cuộc tuyển chọn, từ 7 nghìn hồ sơ nộp vào chỉ lấy được 200 cán bộ.

Hơn nữa, theo ông Lực, hiện nay mức độ chênh của các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia là không lớn.

"Vì vậy sinh viên cần chú ý đến cả tính chuyên nghiệp từ tác phong, ăn mặc. Thông thường một vị trí sẽ gọi năm người vào phỏng vấn, tỉ lệ 1 chọi 5, không thể hiện được sẽ thua ngay" – ông Lực khuyến cáo.

"Ngoại ngữ là câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi", nhưng vẫn phải nói. Chúng tôi chấm theo tỉ trọng 70% kiến thức chuyên môn, 30% ngoại ngữ. Như vậy nếu thua ngoại ngữ là cũng thua khá nhiều, đặc biệt các sinh viên ngoại tỉnh.

Các đơn vị tuyển dụng luôn mong tuyển được người vào làm việc ngay. Vì vậy mà đòi hỏi về sự hiểu biết xã hội của ứng viên, vào làm có thể kết nối được luôn".

Còn anh Bùi Tuấn Linh, từng làm giám đốc nhân sự của một công ty thương mại điện tử, nêu ra 4 nguyên tắc để chọn người phù hợp:

"Tôi thường quan tâm trước hết đến giá trị và nguyên tắc sống. Nếu giá trị và nguyên tắc sống của ứng viên song hành với sứ mệnh của tổ chức thì giá trị nhân sự đó có thể tạo ra và tính bền vững của quan hệ làm việc này sẽ là rất lớn. Ứng viên tỏ ra khôn vặt, không trung thực, không tinh tế trong trải nghiệm là người dùng và khách hàng cũng thường bị loại.

Nguyên tắc thứ hai là tham vọng nghề nghiệp. Nguyên tắc thứ ba là khả năng học hỏi và thay đổi mình. Sau cùng mới là năng lực thực thi công việc hiện tại".

Anh Linh cho biết mặt nguyên tắc, anh tin bằng cấp không nên đóng vai trò nhiều trong tuyển dụng.

"Không có mẫu số chung cho tuyển chọn nhân sự. Chúng tôi coi quan hệ giữa từng nhân viên với công ty là quan hệ hai chiều mà cả hai bên cùng phải lắng nghe, học hỏi, thay đổi và cố gắng.

Có rất nhiều trường hợp xảy ra ngoài dự kiến và mang lại rất nhiều phiền toái hoặc bất ngờ thú vị cho tổ chức. Nhiều dự án chiến lược ở công ty ra đời chỉ từ những buổi trà đá vỉa hè với một bạn trẻ măng không có gì ngoài ý tưởng và tham vọng.

Ngược lại, cứ mỗi lần tuyển nhầm chúng tôi lại ngồi rút kinh nghiệm và quay trở lại nguyên tắc tuyển dụng ban đầu là giá trị, tham vọng, khả năng học hỏi, và năng lực triển khai".

Theo anh Linh, hạn chế lớn nhất của các bạn trẻ chính là việc họ không có tham vọng.

"Họ chỉ thích chơi game, xin tiền bố mẹ, sống vật vờ… Cũng có người có tham vọng nhưng không đúng hướng, nhiều bạn vẫn đang tìm kiếm những cơ hội nhàn mà lương cao hoặc cơ hội thăng tiến lớn".

Chị Lê Vân cũng cho rằng "Điều đáng tiếc là giáo dục chưa dạy cho người ta biết cách mơ thế nào, biết phải làm gì để biến mơ ước thành sự thật, chứ không phải cứ ở đó mà chờ đợi".

Phương Chi



Xem nguồn

Ra mắt Câu lạc bộ cựu sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội

Posted: 02 Dec 2016 06:49 AM PST


Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ – nguyên Giám đốc ĐHQGHN – Chủ tịch danh dự CLB Cựu sinh viên ĐHQGHN; ông Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQGHN – Chủ tịch CLB Cựu sinh viên ĐHQGHN; ông Lê Quân – Phó Giám đốc ĐHQGHN – Phó Chủ tịch CLB Cựu sinh viên ĐHQGHN.

Giám đốc ĐH QGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, Câu lạc bộ Cựu sinh viên ĐHQGHN được thành lập với tinh thần Chung tay để phát triển, CLB sẽ là địa chỉ kết nối các thế hệ Cựu sinh viên với ĐHQGHN và với toàn thể sinh viên, là nơi tôn vinh những gương mặt cựu sinh viên thành đạt, giới thiệu và quảng bá những hoạt động giàu ý nghĩa của cựu sinh viên ĐHQGHN đối với cộng đồng, xã hội.

CLB Cựu sinh viên ĐHQGHN không chỉ mang giá trị tạo sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau, là cầu nối giữa các thế hệ sinh viên của ĐHQGHN mà còn là nguồn động viên, khích lệ tinh thần cống hiến và phấn đấu trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập của cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐHQGHN.

Được biết, lịch sử phát triển của ĐHQGHN gắn liền với thành tích học tập, rèn luyện của hàng chục vạn học sinh, sinh viên dưới mái trường ĐH Đông Dương, sau này là Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của ĐHQGHN ngày nay.

Sự trưởng thành, thành đạt của cựu sinh viên ĐH QGHN khi bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có những nhà cách mạng, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng như: Nguyễn An Ninh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thái Học…; nhiều cựu sinh viên đã và đang giữ những vị trí quan trọng như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị…

ĐHQGHN cũng gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa lớn, những trí thức đầu ngành như: Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Huy Lê…; nhiều cựu học sinh – sinh viên là những nhà khoa học có tầm cỡ thế giới như: Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn…Chính những con người cụ thể này là niềm tự hào, góp phần tạo dựng lên truyền thống, danh tiếng, là nguồn lực, tài sản vô giá của ĐHQGHN.

Nhật Hồng



Xem nguồn

Chuyển giao Hội đồng quản trị tại trường ĐH Hoa Sen

Posted: 02 Dec 2016 06:08 AM PST


Theo đó, ông Trần Văn Tạo – nguyên chủ tịch HĐQT trường ĐH Hoa Sen nhiệm kỳ 2012 -2017 đã thực hiện bàn giao với ông Lưu Tiến Hiệp – Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2012-2017 được công nhận theo quyết định 5891/QĐ-UBND ngày 9/11/2016 của UBND TPHCM. Đồng thời, giữa HĐQT cũ và HĐQT mới cũng thực hiện thủ tục thay đổi chủ tài khoản và ủy quyền chủ tài khoản của trường ĐH Hoa Sen tại các ngân hàng.

Buổi chuyển giao giữa HĐQT cũ và HĐQT mới của trường ĐH Hoa Sen

Buổi chuyển giao giữa HĐQT cũ và HĐQT mới của trường ĐH Hoa Sen

Trong buổi bàn giao, hai bên đã xác định 3 nguyên tắc cơ bản để làm việc: Cam kết tôn trọng pháp luật, chỉ làm những điều phù hợp với pháp luật và có đủ cơ sở pháp lý. Vì lợi ích của sinh viên, giảng viên và nhân viên, vì sự ổn định hoạt động của nhà trường. Tôn trọng Quy chế tổ chức và hoạt động hiện hành của Trường. Những điểm nào là bắt buộc trong quy định pháp luật mà quy chế của trường chưa sửa đổi thì áp dụng theo pháp luật.

Tạm thời hoạt động của Ban giám hiệu trường ĐH Hoa Sen hiện tại vẫn diễn ra bình thường và chưa có sự thay đổi nào.

Trước đó, ngày 9/11, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã ký quyết định công nhận HĐQT và chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen nhiệm kỳ 2012-2017. Theo đó, UBND TP.HCM công nhận HĐQT mới gồm bảy người, trong đó ông Lưu Tiến Hiệp là chủ tịch HĐQT mới này.

Lê Phương



Xem nguồn

Giải thưởng 50.000 USD cho nghiên cứu cải cách giáo dục

Posted: 02 Dec 2016 05:25 AM PST


 Giải thưởng trị giá 50 ngàn USD sẽ được trao cho các công trình nghiên cứu khoa học thuộc 5 lĩnh vực, trong đó có cải cách giáo dục và đào tạo.

Chiều 1/12, Bộ GD-ĐT đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bảo Sơn đồng thời phát động Giải thưởng Bảo Sơn năm 2016-2017.

Giải thưởng Bảo Sơn là giải thưởng trao tặng cho cá nhân người Việt Nam là tác giả, nhóm tác giả của các công trình nghiên cứu khoa học thuộc 5 lĩnh vực: Cải cách giáo dục và đào tạo; Xóa đói, giảm nghèo; Phát triển kinh tế bền vững; Y – dược học, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Văn học.

Giải thưởng 50.000 USD cho nghiên cứu cải cách giáo dục
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (trái) và lãnh đạo Tập đoàn Bảo Sơn ký thỏa thuận hợp tác và phát động giải thưởng Bảo Sơn. Ảnh: MOET.

Các công trình phải được ứng dụng có hiệu quả, đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu phải được thể hiện thông qua một trong các hình thức như: bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE hoặc các giải pháp công nghệ, tư vấn chính sách có tính sáng tạo cao; sách do một nhà xuất bản có uy tín ấn hành hoặc các chứng nhận khác có thẩm quyền khác.

Theo thể lệ xét tặng giải thưởng Bảo Sơn năm 2016-2017, đối tượng tham gia Giải thưởng là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên.

Các công trình nghiên cứu khoa học đã đạt các giải thưởng trong hệ thống giải thưởng khoa học – công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ và giải thưởng của các Hiệp hội Trung ương sẽ không được đăng ký tham dự Giải thưởng Bảo Sơn.

Mỗi lĩnh vực xét tặng giải thưởng sẽ được trao 1 giải dành cho Công trình xuất sắc nhất và có điểm số cao nhất. Mức tiền thưởng của năm 2016-2017, mỗi giải có giá trị 50.000 USD.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là khâu then chốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ GD&ĐT rất phấn khởi khi Tập đoàn Bảo Sơn hợp tác với Bộ trong việc trao giải thưởng cho các nhà khoa học, đồng thời hợp tác một số hoạt động về giáo dục và đào tạo.

Lê Văn



Xem nguồn

Học tiến sĩ để làm gì?

Posted: 02 Dec 2016 04:42 AM PST


 Mấu chốt của việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là việc các nghiên cứu sinh xác định học tiến sĩ để làm gì?


Học tiến sĩ để làm gì?

Cần xác định rõ học tiến sĩ để trở thành những người làm nghiên cứu chứ không phải để được ưu tiên bổ nhiệm các chức vụ quản lý.

Cần định nghĩa lại danh xưng tiến sĩ

Theo PGS.TS Phạm Thanh Phong (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hiện là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Dongguk, Hàn Quốc), để nâng cao chất lượng tiến sĩ ở Việt Nam thì trước hết, cần định vị lại danh xưng tiến sĩ trong môi trường học thuật.

Học vị tiến sĩ phải được hiểu như một học vị khoa học được định nghĩa từ châu Âu chứ không nên được hiểu như là kết quả của các kỳ thi của văn hóa Khổng Giáo. Cần phải phân biệt giữa hai loại tiến sĩ: Một là những tiến sĩ danh dự dành cho những người có đóng góp về học thuật, chính trị và thỏa mãn các tiêu chí của đại học nhưng không hề qua 1 chương trình học tiến sĩ nào của trường đó.

Loại thứ hai là tiến sĩ chúng ta đang bàn tới, là những người phải có các dự án nghiên cứu, luận án chứa đựng các nghiên cứu có tính học thuật độc sáng, những nội dung này đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học có quá trình bình duyệt nghiêm túc.

Trước đó, trong cuộc tọa đàm về nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ hồi đầu tháng 11, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng nêu lên quan điểm này.

Theo ông Nhung, quy chế đào tạo tiến sĩ trước hết cần phải thể hiện rõ định nghĩa thế nào là tiến sĩ. “Trong quá trình làm nghiên cứu sinh và khi bảo vệ để được cấp bằng tiến sĩ thì dứt khoát không thể không có phát minh, không có cái mới, dù mức độ có thể khác nhau“.

PGS. TS Vũ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật HN cũng khẳng định, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ cần xác định rõ mục tiêu đào tạo tiến sĩ.

Học tiến sĩ để làm gì? Phải xác định đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhà khoa học có khả năng nghiên cứu, có khả năng đóng góp cho đất nước và có năng lực hội nhập” – bà Lan Anh nói.

Cũng tại cuộc tọa đàm này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam thời gian qua có vấn đề về chất lượng là do người học không xác định được mục tiêu của việc học tiến sĩ.

NCS là đào tạo ra các nhà nghiên cứu với những trí tuệ mới chứ không phải đào tạo kỹ năng làm nghề. Nhiều NCS không xác định được rõ động cơ, mục tiêu này nên dẫn đến chất lượng không đảm bảo” – ông Ga phân tích.

Thị trường sẽ tự thải loại bằng tiến sĩ “rởm”

TS Lê Tiến Dũng, một người có nhiều thời gian trải nghiệm tại các cơ sở đào tạo nghiên cứu sau ĐH ở nước ngoài cho rằng, mấu chốt của vấn đề chất lượng đào tạo tiến sĩ có thể không nằm ở những quy định về “đầu vào” hay “đầu ra” mà ở chỗ chúng ta đang bổ nhiệm dựa vào bằng cấp.

Chung quy lại, xã hội và thị trường sẽ tự điều chỉnh nếu như những người có bằng tiến sĩ kém chất lượng không được bổ nhiệm. Khi đó, những người học sẽ tự biết để không chạy theo những bằng cấp kém chất lượng nữa” – ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, khi nhu cầu về những bằng tiến sĩ kém chất lượng giảm đi, người học chỉ tìm đến những cơ sở đào tạo có uy tín thì các cơ sở đào tạo cũng tự biết mình phải làm gì.

Học tiến sĩ để làm gì?
Thị trường sẽ tự điều chỉnh nếu những người có bằng tiến sĩ rởm không được bổ nhiệm.

GS Trần Văn Nhung cũng từng chia sẻ, chúng ta không cần phải có quá nhiều tiến sĩ, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. “Ở các nước tiến sĩ sẽ về trường ĐH, viện nghiên cứu chứ làm công tác quản lý thì không cần (bằng tiến sĩ – PV). Ở mình bổ nhiệm một người lại ưu tiên có bằng tiến sĩ“.

Cơ quan quản lý không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ, chỉ cần tinh thông pháp luật, trách nhiệm cao và làm việc hiệu quả cao chứ không cần chạy theo cái bằng” – ông Nhung nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Nam Trân, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, hiện đang làm việc tại Mỹ cho biết, tại các nước Âu, Mỹ, những người có bằng tiến sĩ ở những trường đại học không có chất lượng thì không thể nào xin được việc.

Khi nộp đơn xin việc, công ty sẽ chuyển hồ sơ của ứng viên cho một công ty chuyên xác minh lý lịch. Việc phỏng vấn xin việc diễn ra trong nhiều ngày, trải qua mấy vòng nên rất dễ kiểm tra. Vì vậy, khó có chuyện người không xứng đáng qua mặt được người tuyển dụng” – ông Trân chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Trân, tại các quốc gia này, thông tin về chất lượng đào tạo các trường cho đến các công bố khoa học của các tiến sĩ đều khá minh bạch, chỉ cần tìm kiếm trên gooogle 5 phút là có thể biết được chất lượng của trường đến đâu. Vì vậy, ở Việt Nam, thực hiện điều này không dễ.

Trong khi đó, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo, ĐHQGHN thì cho rằng, những người có bằng tiến sĩ vẫn có thể bổ nhiệm vào các vị trí quản lý được. Quan trọng là tiến sĩ có thực chất hay không.

Nếu như tiến sĩ thực chất, có đầy đủ kiến thức cộng với năng lực, trưởng thành từ cơ sở, có kinh nghiệm thì khi tuyển chọn có thể ưu tiên tuyển chọn người có bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, ở Việt Nam nhiều khi tiêu chí tuyển chọn không được áp dụng đúng. Đôi khi bằng tiến sĩ là điều kiện cần để bổ nhiệm” – ông Đức nói.

Theo ông Đức, mấu chốt của vấn đề là ở việc trọng dụng đúng người có năng lực, trọng dụng đúng cán bộ, khi đó, xã hội sẽ tự phân hóa. “Ở nước ngoài, những tiến sĩ không có năng lực thì tự nhiên sẽ bị loại khỏi các phòng thí nghiệm, không thể nào trụ được“.

Theo thống kê của Cục Thông tin KHCN, Bộ KHCN, hiện tại, Việt Nam đang có hơn 24,5 nghìn tiến sĩ, trong đó chỉ có khoảng 12,3 nghìn tiến sĩ đang làm ghiên cứu khoa học (tức làm hoạt động nghiên cứu tại các trường ĐH, viện nghiên cứu và các trung tâm R&D của doanh nghiệp…)

Theo chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của các cơ sở đào tạo gồm các viện, trường, mỗi năm, Việt Nam có thêm từ 1.000-1.500 tiến sĩ mới được cấp bằng.

Lê Văn



Xem nguồn

Nữ sinh hỏi lương 2.000 USD: 'Tôi không ảo tưởng sức mạnh'

Posted: 02 Dec 2016 04:00 AM PST


Thiếu nữ đặt câu hỏi về lương khởi điểm 2.000 USD chia sẻ cô đặt câu hỏi này vì muốn biết doanh nghiệp hiện nay cần những gì ở sinh viên.

Những ngày gần đây, câu hỏi của một nữ sinh về việc cô cần phải học tập và làm như thế nào để có mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng khiến dư luận xôn xao, đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.

Chủ nhân của câu hỏi này là Phạm Thị Thanh, hiện là sinh viên năm 3, ngành An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật Mật mã. Cô đã gây chú ý cho các nhà tuyển dụng trong buổi tọa đàm nghề nghiệp hôm 29/11.

Luôn đặt câu hỏi

Phạm Thị Thanh chia sẻ mức lương 2.000 USD là một trong những mục tiêu của kế hoạch dài hạn mà cô đặt ra ngay từ khi bước chân vào đại học.

Lúc còn là sinh viên năm nhất, không giống như bạn bè đồng trang lứa tự cho phép mình nghỉ xả hơi sau thời gian ôn thi đại học vất vả, Thanh đã lên kế hoạch và nỗ lực để trở thành kỹ sư ngành An toàn thông tin.

Theo Thanh, khi theo học một ngành nào đó, sinh viên cần biết rõ chương trình học đó như thế nào? Sau khi ra trường, họ có thể làm những gì, ra sao và ở đâu?

Nữ sinh hỏi lương 2.000 USD: 'Tôi không ảo tưởng sức mạnh'

Phạm Thị Thanh mới đây gây chú ý với câu hỏi: "Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?"

Nữ sinh thường đặt ra câu hỏi về các môn học được dạy ở trường sẽ giúp cô ứng dụng như thế nào và vào lúc nào? Hay chúng thực sự giúp ích cho quá trình làm việc sau này ra sao?

9X đưa ra quan điểm trong học tập và làm việc: "Tôi luôn muốn biết rõ tường tận giá trị của từng môn học, cũng như muốn tối ưu hóa mọi công việc, học tập đạt hiệu quả nhất.

Tôi cần biết giá trị cốt lõi của môn học, chương trình mình học, thay vì cứ học mà không biết sẽ làm gì với kiến thức đó".

Với Thanh, việc nghiêm túc đặt câu hỏi cho chính mình và người khác giúp cô có định hướng rõ ràng cho con đường bản thân sẽ đi.

Đó là lý do nữ sinh Học viện Kỹ thuật Mật mã “đòi” mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng khi giao lưu cùng nhà tuyển dụng. Cô muốn nghe doanh nghiệp nói ra những điều họ cần ở những người trẻ.

"Doanh nghiệp luôn nói họ phải đào tạo lại sinh viên khi ra trường. Vì vậy, tôi muốn biết họ cần chúng tôi như thế nào? Từ đó, ngoài học tập thật tốt tại trường, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu chuyên sâu những kiến thức, mảng mà doanh nghiệp cần", Thanh giãi bày.

Nữ kỹ sư tương lai chia sẻ do đây là buổi tọa đàm về nghề nghiệp nên cô mới mạnh dạn đặt ra câu hỏi như vậy.

Thực tế, mức lương 2.000 USD không phải mục tiêu của Thanh. Đây là con số cô nghĩ một kỹ sư chất lượng cao, đã đồng hành cùng doanh nghiệp từ lúc sinh viên đến khi ra trường có thể nhận được.

Nói về trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề nhân sự, Thanh bày tỏ doanh nghiệp cần tạo điều kiện làm việc tối đa, quản lý phải giỏi, lương và thưởng thật công bằng, đặc biệt là quan tâm đến cuộc sống của nhân viên trong công ty.

Nếu doanh nghiệp chỉ chăm làm lợi cho mình, không nghĩ đến nhân viên thì khó lòng giữ được nhân lực giỏi.

Nữ sinh hỏi lương 2.000 USD: 'Tôi không ảo tưởng sức mạnh'

Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nguồn: Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội. Đồ họa: Nguyễn Sương.

Không quan tâm người khác nói

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, Phạm Thị Thanh cho biết cô vẫn đang nỗ lực thực hiện kế hoạch riêng. Hiện nữ sinh làm quản lý nhân sự cho một trung tâm ngay tại trường đại học. Công việc mang lại cho Thanh thu nhập ổn định và nhiều kỹ năng đắt giá.

Ngoài ra, 9X còn tham gia các khóa học về chứng chỉ tin học quốc tế để bổ sung thêm kiến thức.

Nữ sinh hỏi lương 2.000 USD: 'Tôi không ảo tưởng sức mạnh'

Nữ sinh chụp ảnh lưu niệm cùng bạn trong buổi hội thảo mà cô đặt ra câu hỏi gây xôn xao. Ảnh: FBNV.

Khi được hỏi rằng bản thân có tự tin sẽ đạt được mức lương khởi điểm 2.000 USD hay không, Thanh tâm sự có thể vào thời điểm này năm sau, cô sẽ suy nghĩ khác.

Câu hỏi nữ sinh năm 3 đặt ra cho các nhà tuyển dụng chỉ mang tính chất mở. Số tiền tượng trưng trong đó không quan trọng bằng giá trị mà những câu trả lời mang lại cho người trẻ.

"Kể cả khi đạt được mức lương khởi điểm 2.000 USD, tôi cũng không bao giờ khoe khoang. Vì tôi làm không phải để chứng mình điều gì.

Tôi tin nếu mình làm tốt, cống hiến hết mình thì những việc tốt sẽ đến. Còn những người ngoài xã hội, họ nói sao cũng được", Thanh bộc bạch.

Trước những phản ứng, bình luận gay gắt của nhiều người cho rằng nữ sinh ảo tưởng, đòi hỏi mức lương khởi điểm quá cao, Thanh tỏ ra không mấy quan tâm.

Với 9X, các bình luận ác ý trên mạng xã hội làm cô buồn, nhưng sẽ không thể khiến cô nhụt chí hay từ bỏ mục tiêu, ước mơ của mình.

(Theo Hoàng Như/ Zing)



Xem nguồn

Tin lời hứa lương 2.000 USD, hàng chục kỹ sư ăn trái đắng

Posted: 02 Dec 2016 03:18 AM PST


 – Tin vào lời hứa hẹn công việc lương hàng ngàn USD, nhiều cử nhân, kỹ sư đã đóng hàng trăm triệu đồng để tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật của VJTech cuối cùng đã “vỡ mộng”.

Hứa tìm việc ngàn đô, sang dọn vệ sinh

Lê Văn Phúc năm nay 25 tuổi, quê ở Yên Định, Thanh Hóa. Tốt nghiệp kỹ sư Công nghệ kỹ thuật xây dựng Đường sắt – Metro của Trường ĐH Giao thông Vận tải nhưng không tìm được công việc như ý, Phúc quyết định tới Công ty Cổ phần Đào tạo Công nghệ Việt Nhật VJTech – nơi hứa hẹn đào tạo và đưa người sang Nhật làm việc, để tìm kiếm cơ hội xuất ngoại.

Phúc cho biết, vào cuối năm 2015, khi tới Công ty VJTech, Phúc được tư vấn đăng ký khóa học tiếng Nhật 6 tháng. Trong quá trình học, công ty sẽ giới thiệu các cơ hội phỏng vấn xin việc làm tại các công ty của Nhật cho Phúc. Khoản tiền 1.000 USD (khoảng hơn 20 triệu đồng) Phúc đóng khi đăng ký học sẽ trở thành phí tư vấn khi Phúc xin được việc.

Tin lời hứa lương 2.000 USD, hàng chục kỹ sư ăn trái đắng
Bản cam kết Công ty VJTech ký với Lê Văn Phúc.

Tới khoảng tháng 3/2016, Phúc lại được công ty tư vấn đăng ký tham gia Chương trình “Đào tạo tiếng Nhật nâng cao 3 tháng cho kỹ sư, kỹ thuật viên”. Công ty cam kết, trong thời gian học viên học tập và thực hành tại Nhật Bản sẽ được chu cấp toàn bộ chi phí ăn ở và giới thiệu các cơ hội phỏng vấn xin việc. Đổi lại, Phúc phải đóng khoản tiền cọc là 5.500 USD (khoảng hơn 100 triệu đồng) với lời hứa hẹn, sẽ được trả lại nếu trong 3 tháng “học” tại Nhật không xin được việc làm.

Trước khi sang Nhật để được “đào tạo nâng cao tiếng Nhật”, Phúc lại được công ty VJTech yêu cầu ký một bản hợp đồng với Công ty cổ phần HUMAN CREATE Nhật Bản, được cho là đối tác của VJTech tại Nhật với mức lương 210.000 Yên (khoảng hơn 40 triệu đồng). Trong cam kết mà công ty ký với Phúc cũng khẳng định, mức lương của công việc mà công ty này giới thiệu cho Phúc sẽ không thấp hơn mức lương ký với HUMAN CREATE.

Tuy nhiên, sau khi sang Nhật Bản, Phúc không những không được “đào tạo nâng cao” mà còn bị đưa vào khách sạn làm công việc tạp vụ, từ dọn dẹp phòng, cọ rửa nhà vệ sinh cho tới rửa chén bát và phụ bếp từ sáng cho tới tối. “Hàng ngày, chúng em phải làm việc tới 11-12 tiếng đồng hồ nhưng hoàn toàn không được trả một đồng lương nào như trong hợp đồng” – Phúc nói.

Phúc cho biết, sau khi xảy ra tình trạng nêu trên đã nhiều lần gọi điện cho lãnh đạo Công ty VJTech để yêu cầu công ty mở lớp đào tạo, giới thiệu các cơ hội phỏng vấn xin việc đồng thời trả tiền lương cho công việc hiện tại đang phải làm tuy nhiên không được công ty đáp ứng.

Kết thúc 3 tháng “đào tạo nâng cao” tại Nhật Bản mà không , ngày 16/9, Phúc trở về Việt Nam. Theo cam kết ký trước đó, Phúc tới Công ty VJTech để đòi lại số tiền 5.500 USD đã “đặt cọc” để tham dự chương trình đào tạo tiếng Nhật nâng cao tại Nhật Bản. 

Tin lời hứa lương 2.000 USD, hàng chục kỹ sư ăn trái đắng
Cam kết về mức lương và thời gian hoàn trả số tiền đặt cọc nếu học viên không nhận được việc làm tại Nhật.

Theo cam kết ký với ông Bùi Trọng Hưởng, Giám đốc Công ty VJTech, công ty sẽ trả lại khoản tiền đặt cọc của em sau 15 ngày kể từ ngày tôi trở về Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nay, sau rất nhiều lần tới công ty, ông Hưởng và lãnh đạo công ty vẫn tìm cách lần lữa không trả”.

Xác nhận lời kể của Lê Văn Phúc, Nguyễn Cao Đồng, quê ở tỉnh Thái Bình, tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng cho biết đã phải đóng 5.000 USD để tham gia chương trình đào tạo tiếng Nhật nâng cao tại Nhật Bản trong vòng 3 tháng của VJTech và là người cùng làm việc với Phúc tại một khách sạn tại Nhật Bản.

Phúc và Đồng cũng cho biết, không chỉ có riêng 2 bạn mà có tới hơn 20 học viên khác cũng đóng tiền để tham dự chương trình “đào tạo nâng cao tiếng Nhật” và không được Công ty VJTech trả lại tiền. Nhóm hơn 20 bạn này đã tập hợp nhau, nhiều lần tới công ty để đòi khoản tiền đặt cọc suốt 2 tháng nay nhưng không thành công. Vì vậy, Phúc và các bạn đã quyết định viết đơn gửi tới báo chí và các cơ quan chức năng.

Công ty đã ngừng hoạt động

Theo phản ánh của Phúc và nhóm học viên, sáng 1/12, phóng viên tìm tới địa chỉ của Công ty Cổ phần Đào tạo Công nghệ Việt Nhật tại tầng 4, Tòa nhà VAPA, số 4B Tôn Thất Thuyết, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên, địa điểm này đã được chuyển đổi thành văn phòng của một công ty khác. Website của công ty cũng trong tình trạng không truy cập được.

Hỏi thăm nhân viên tại đây, chúng tôi mới được biết, Công ty Cổ phần VJTech không thanh toán tiền thuê văn phòng nên đã bị ban quản lý tòa nhà lấy lại văn phòng. Tuy nhiên, tại phòng hành chính của công ty mới vẫn còn một chiếc bàn làm việc của ông Bùi Trọng Hưởng, Giám đốc Công ty VJTech.

Tin lời hứa lương 2.000 USD, hàng chục kỹ sư ăn trái đắng
Chiếc bàn văn phòng được giới thiệu là của Giám đốc Công ty VJTech Bùi Trọng Hưởng được đặt tại văn phòng của một công ty khác không có ai sử dụng.

Theo lời kể của nhân viên này thì công ty có yêu cầu giữ nguyên chiếc bàn của ông Hưởng. Tuy nhiên, ông Hưởng rất ít khi lên ngồi và thời gian gần đây thì không hề thấy xuất hiện. Trước đó, chúng tôi có liên hệ với ông Hưởng để làm việc nhưng ông Hưởng không bắt máy.

Lê Văn Phúc cho biết, sau khi mình và nhóm bạn nhiều lần tới công ty để đòi quyền lợi, ông Hưởng có viết một bản cam kết sẽ giải quyết tiền đặt cọc của nhóm hơn 20 học viên tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật nâng cao vào ngày 1/12.

Tuy nhiên, sau rất nhiều lần gọi điện, nhắn tin, ông Hưởng vẫn không chịu xuất hiện. Ngược lại, trao đổi trên điện thoại, ông Hưởng còn yêu cầu nhóm học viện phải triệu tập được các thành viên hội đồng quản trị của công ty thì mới tới làm việc.

Theo chỉ dẫn của nhóm học viên tới công ty để đòi tiền đặt cọc, phóng viên gặp được ông Nguyễn Văn Hùng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần VJTech hiện đang làm việc tại một công ty du học tại cùng tòa nhà.

Ông Hùng cho biết, theo ông được biết, thì tới 31/10 vừa qua, Công ty VJTech đã dừng tất cả các giao dịch. Còn với các trường hợp của học viên còn nợ tiền đặt cọc như Phúc và Đồng thì hội đồng cổ đông đang đợi báo cáo tài chính công ty gửi lên để chốt lại mới có thể giải quyết được.

Hiện tại chúng tôi vẫn chưa có báo cáo tài chính của công ty. Trong các báo cáo trước đó, nhiều khoản ông Hưởng trình lên không có hóa đơn chứng từ nên hội đồng cổ đông không thông qua được” – ông Hùng cho hay.

Tin lời hứa lương 2.000 USD, hàng chục kỹ sư ăn trái đắng
Ông Nguyễn Văn Hùng, thành viên hội đồng quản trị VJTech đang giải thích với các học viên tham gia khóa đào tạo tại nơi từng là trụ sở của VJTech.

Tìm kiếm thêm về công ty VJTech, chúng tôi khá bất ngờ khi phát hiện mặc dù tên chính thức là Công ty Cổ phần Đào tạo Công nghệ Việt Nhật, song trên website, fanpage Facebook, công ty lại có danh xưng: Học viện Công nghệ Việt Nhật (VJTech Academy) với khẩu hiệu rất hút khách: “Học là có việc làm”.

Chưa hết, vào khoảng tháng 8/2015, Công ty VJTech còn được giới thiệu khá hoành tráng trên một chương trình truyền hình của Hà Nội với dự án 1.200 kỹ sư công nghệ sang Nhật làm việc. Theo đó, ngoài sinh viên đã tốt nghiệp, VJTech còn đào tạo cả học sinh tốt nghiệp THPT để đưa sang Nhật làm việc.

Tuy nhiên, với tình trạng của Công ty VJTech hiện tại, Phúc, Đồng và những người cùng chung cảnh ngộ có lẽ sẽ khó đòi lại khoản tiền đặt cọc vốn không nhỏ với họ và gia đình. Trao đổi với phóng viên, Phúc tỏ ra hối hận khi đã vội vã tin vào những lời quảng cáo “trên trời” của VJTech.

Giờ em và các bạn chỉ mong rút được hồ sơ và nhận lại tiền đặt cọc để ổn định công việc và cuộc sống” – Phúc cay đắng nói.

Lê Văn



Xem nguồn

Cô gái khiếm thị Việt Nam học xuất sắc tại đại học Mỹ

Posted: 02 Dec 2016 02:35 AM PST


Cô gái khiếm thị Việt Nam học xuất sắc tại đại học Mỹ. (Nguồn: UAFS/Youtube)

Hành trình đến kết quả điểm trung bình 4.0 của cô gái khiếm thị Trang Ha là một loạt những thách thức. Hai chị em Trang sinh ra ở Bình Dương, bị khiếm thị bẩm sinh. Năm 2012, khi 19 tuổi, Trang và gia đình được ông bảo lãnh sang sống ở thành phố Fort Smith (bang Arkansas, Mỹ).

Ở Mỹ, Trang sống trong một thế giới xa lạ. Cú sốc văn hóa với cô gái khiếm thị không phải được nhìn thấy mà là nghe thấy – những âm thanh của vùng đô thị nước Mỹ thật khác xa với âm thanh của vùng nông thôn Việt Nam. Đấy là chưa kể việc Trang bị bao quanh bởi những người nói thứ ngôn ngữ mà cô không hiểu.


Bị khiếm thị bẩm sinh, Trang Ha đã nỗ lực rất nhiều và giành kết quả xuất sắc ở đại học Mỹ.

Bị khiếm thị bẩm sinh, Trang Ha đã nỗ lực rất nhiều và giành kết quả xuất sắc ở đại học Mỹ.

Tiếng Anh có lẽ là một trong những nỗi khó chịu lớn nhất của Trang trong việc thích nghi với cuộc sống ở Mỹ. Cô phải "vật lộn" với các bài học ở trường trung học Southside. Một bài tập mà một học sinh thông thường phải mất 1 tiếng để làm thì với Trang phải mất 3 tiếng khi làm bằng chữ nổi braille.

Trang nhớ lại: "Hồi đó tôi vừa sợ vừa nản lòng. Hầu như ngày nào tôi cũng khóc sau khi từ trường về nhà vì tôi chẳng hiểu gì. Tôi ở trong lớp có rất nhiều người, nhưng tôi chỉ cảm thấy như có một mình mình".

Nhưng Trang rất bền chí, cũng là do cô lớn lên trong một gia đình có truyền thống lao động cần cù, ông cô, và tiếp đến là bố mẹ cô, đều làm việc nhiều giờ đồng hồ để nuôi gia đình.

Trang cũng ghét cảm giác mình là đồ vô tích sự, và chính điều này đã thúc đẩy cô phải thành công trong học tập.

Trang biết rằng việc học tập sẽ dọn đường cho cô kiếm được việc làm. Mới đầu, giáo viên dạy tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai của Trang phải dùng công cụ dịch trên Google để giao tiếp với cô, gõ những từ tiếng Anh trên điện thoại, và từ điện thoại sẽ có giọng phát âm tiếng Việt của từ đó. Khi Trang có thể hiểu tiếng Anh cơ bản, cô và giáo viên có thể trực tiếp giao tiếp với nhau mà không cần dùng điện thoại.

Năm đầu tiên ở trường học Mỹ thật vô cùng khó khăn với Trang, nhưng cuối cùng cô đã hiểu được ngôn ngữ xa lạ và tìm được chỗ của mình ở Fort Smith sau khi tốt nghiệp trung học năm 2014. Sau đó cô gái khiếm thị bắt đầu nghĩ đến việc học đại học.

Trang học 6 tháng ở tổ chức Alphapointe ở thành phố Kansas, nơi đào tạo cô những kỹ năng máy tính và các công nghệ khác. Năm sau, Trang quyết định theo học trường ĐH Arkansas Fort Smith (UAFS) ở bang Arkansas và gặp ông Roger Young, điều phối viên của tổ chức Đạo luật cho Người Mỹ khuyết tật (ADA)làm việc tại Trường Đại học UAFS.

Vì đã từng làm việc với các sinh viên khuyết tật khác, ông Young đánh giá mức độ khuyết tật của Trang và mức hỗ trợ mà nhà trường có thể dành cho cô dựa vào năng lực của cô. Hỗ trợ của nhà trường bao gồm cả việc Trang được dành thêm thời gian để làm bài kiểm tra và được cấp thiết bị giúp ghi chép bài giảng.


Điều phối viên Roger Young đã hỗ trợ Trang Ha để cô có thể thực hiện được mong muốn đi học đại học.

Điều phối viên Roger Young đã hỗ trợ Trang Ha để cô có thể thực hiện được mong muốn đi học đại học.

Ông Young còn phối hợp với Văn phòng Dịch vụ dành cho người khiếm thị ở Fort Smith. Văn phòng này đã đào tạo cho Trang cách định hướng và di chuyển đến trường cũng như những thiết bị hỗ trợ cô trong việc học đại học.

Trang đã phải chuẩn bị rất nhiều thứ trước khi đi học đại học. Cô đã mất một tháng để ghi nhớ con đường đến trường, dùng gậy để dò đường và nghe tiếng xe cộ đi lại để có cảm giác định hướng vị trí của mình. Nhờ đó, khi bắt đầu vào học, Trang đã khá thoải mái khi đi bộ đến trường.

Trang Ha trên đường đến trường.

Trang Ha trên đường đến trường.

Mùa thu năm trước, Trang học môn đầu tiên và mùa xuân năm nay cô học 2 môn nữa. Sau khi học xong năm đầu tiên và đạt điểm trung bình 4.0, Trang đăng ký học tiếp 4 môn khác cho học kỳ mùa thu 2016. Bản thân là người khiếm thị, Trang đã vượt qua rất nhiều nghịch cảnh trong cuộc đời, cô đã đối mặt với những thách thức mới mỗi khi vào một học kỳ mới. Cô phải ghi nhớ con đường mới đến lớp học mới, phải tìm sách giáo khoa bằng chữ nổi, đối mặt với những lĩnh vực học mới mà với cô thì thách thức hơn hẳn những sinh viên khác.

Nhưng dù có thách thức đến đâu, ông Young vẫn tự tin là Trang sẽ thành công.

"Cô ấy là một tấm gương tuyệt vời", ông Young nói. "Cô ấy là một ví dụ về một người muốn đến trường đại học và bằng ý chí đã khiến điều đó thành hiện thực. Cô ấy thực sự rất thông minh và tài năng. Cô ấy đã thực hiện mọi nỗ lực để thành công, và tôi tin là cô ấy sẽ tiếp tục như thế".

Trang Ha và ông Roger Young.

Trang Ha và ông Roger Young.

Xuân Vũ

Theo uafs.edu



Xem nguồn

Thay đổi chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen

Posted: 02 Dec 2016 01:52 AM PST


Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen đã được bàn giao cho ông Lưu Tiến Hiệp – vừa được UBND TP.HCM có quyết định công nhận.

Sáng 2/12, HĐQT Trường ĐH Hoa Sen nhiệm kỳ 2012-2017, được công nhận theo quyết định 5122 ngày 4/10/2012 của UBND TP.HCM đã chuyển giao chức năng, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của HĐQT và Chủ tịch HĐQT cho HĐQT và Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2012-2017 được công nhận theo quyết định 5891 ngày 9/11/2016 của UBND TP.HCM. 

Bên bàn giao là ông Trần Văn Tạo, Nguyên chủ tịch HĐQT, bên nhận bàn giao là ông Lưu Tiến Hiệp.

Hai bên cũng đồng ý bàn giao và nhận bàn giao tất cả hồ sơ, tài liệu của HĐQT nhà trường nhiệm kỳ 2012-2017.

Theo đó, HĐQT của Trường ĐH Hoa Sen hiện nay gồm có 7 thành viên gồm ông Lưu Tiến Hiệp- Chủ tịch HĐQT và các thành viên ông Nguyễn Trung Đức, Nguyễn Trọng Duy, Trần Phước Huy, Huỳnh Minh Việt, Tô Ngọc Ngời, Nguyễn Đệ.

Lê Huyền



Xem nguồn

Comments