Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới trả lời một nửa vấn đề

Posted: 19 Dec 2016 08:06 AM PST


LTS: Ngày 16/12 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được Công văn số 719/VKHGDVN trả lời Công văn số 67/GDVN-HC của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đề nghị xác minh một số thông tin liên quan đến “tài liệu thí điểm” Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục.

Công văn ký ngày 14/12 bởi Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trong đăng nguyên văn phần nội dung của 2 công văn trả lời và hỏi, đó là Công văn 719/VKHGDVN, Công văn 67/GDVN-HC.

Chúng tôi hy vọng cung cấp một câu trả lời ban đầu tới quý bạn đọc và các thày cô, học sinh, phụ huynh quan tâm đến Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục – NXBGDVN mà chúng tôi phản ánh thời gian qua.

Nội dung Công văn 719/VKHGDVN

Kính gửi: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam



Trang 1 Công văn số 719/VKHGDVN. Ảnh: giaoduc.net.vn

Ngày 24 tháng 11 năm 2016, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) đã nhận được công văn số 67/GDVN – HC ngày 24 tháng 11 năm 2016 của báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc xác minh thông tin liên quan tới đề tài cấp Nhà nước và đề tài trọng điểm cấp Bộ, Viện Khoa học Giáo dục xin được cung cấp một số thông tin như sau:

I. Đề tài cấp Nhà nước

Viện KHGD VN xác nhận Trung tâm Thực nghiệm giáo dục phổ thông có chủ trì thực hiện 01 đề tài cấp Nhà nước với tên đề tài: Mô hình nhà trường mới theo khả năng phát triển tối ưu của trẻ em Việt Nam bằng giáo dục thực nghiệm.

Từ năm 1978 đến nay, trung tâm Thực nghiệm giáo dục phổ thông đã nhiều lần sáp nhập, đổi tên (Trung tâm Công nghệ giáo dục; Trung tâm nghiên cứu Công nghệ giáo dục) và nhiều lần bàn giao các hồ sơ, tài liệu nên việc lưu trữ tài liệu gặp khó khăn. Hiện Viện chưa tìm được hồ sơ gốc của đề tài. Nay dựa vào văn bản còn lại (bản kế hoạch triển khai đề tài) và một số thông tin thu thập được, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam xin thông tin tóm tắt về đề tài như sau:

Tên đề tài: Mô hình nhà trường mới theo khả năng phát triển tối ưu của trẻ Việt Nam bằng giáo dục thực nghiệm.

Mã số đề tài: 78 – 04 – 026

Chủ nhiệm đề tài: GS.TSKH Hồ Ngọc Đại

Thời gian nghiệm thu: Năm 1990

Quyết định nghiệm thu số: 1823/QĐ – KHKT ngày 6/11/1990.

II. Đề tài trọng điểm cấp Bộ

Trung tâm công nghệ giáo dục có chủ trì đề tài trọng điểm cấp Bộ với các thông tin cụ thể như sau:

Tên đề tài: Hoàn thiện Công nghệ dạy Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Mã số đề tài: B2004 – 51 – TĐ11

1. Các nội dung theo thuyết minh (được duyệt ngày 11/5/2004 do Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN Ninh Đức Nhận ký)

+ Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Đặng Ngọc Riệp

+ Thành viên đề tài:

(1). PGS.TS. Đặng Ngọc Riệp

(2). ThS. Nguyễn Thị Kim Dung

(3). CVCC. Phạm Vũ Hải

(4). CVCC. Phạm Toàn

(5). CN. Ngô Hiền Tuyên

(6). CN. Võ Thanh Hà

(7). GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại

+ Nội dung nghiên cứu:

(1). Biên soạn tài liệu;

(2). Bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt 1 của 6 tỉnh;

(3). Khảo sát đợt 1: 30 trường trọng điểm;

(4). Hội thảo khoa học lần thứ 1;

(5). Tập huấn giáo viên lần 2;

(6). Khảo sát đợt 2;

(7). Hội thảo khoa học lần thứ 2;

(8). Viết báo cáo tổng kết đề tài

(9). Tổ chức nghiệm thu đề tài (cấp cơ sở và cấp Bộ)

+ Thời gian triển khai: 5/2004 – 8/2006

+ Kinh phí thực hiện đề tài: 130.000.000 đ


2. Bổ sung thuyết minh

(1). Về thời gian nghiệm thu: gia hạn thời gian nghiên cứu thêm 12 tháng, đến 8/2007

(2). Về thành viên đề tài: Điều chỉnh chủ nhiệm và thành viên đề tài

Chủ nhiệm: TS. Lê Văn Hồng

Thư ký: ThS. Nguyễn Thị Kim Dung

Thành viên: ThS. Ngô Hiền Tuyên

                     Võ Thanh Hà

                    CN. Đoàn Văn Mừng

(3). Về địa bàn thử nghiệm: 02 tỉnh

(4). Về sản phẩm

– Báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt đề tài.

– Sách học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (03 tập) cho học sinh

– Sách Thiết kế Tiếng việt lớp 1 (02 tập) cho giáo viên

– Tài liệu bồi dưỡng giáo viên



Trang 2 Công văn số 719/VKHGDVN, ảnh: giaoduc.net.vn

3. Đánh giá: Xếp loại Tốt.

– Thời gian nghiệm thu: 18/01/2008

– Hội đồng nghiệm thu được thành lập dựa trên Quyết định số: 8162/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2007

– Chủ tịch Hội đồng:

(1). PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào, ĐH Sư phạm Hà Nội

– Thành viên Hội đồng:

(2) PGS. TS. Nguyễn Quang Ninh, ĐH Sư phạm Hà Nội, Phản biện 1;

(3) TS. Lê Thị Tuyết Hạnh, Học viện Quản lý Giáo dục, Phản biện 2;

(4) GS.TS. Lê Phương Nga, ĐH Sư phạm Hà Nội, Ủy viên;

(5) CVC Trần Thị Thắm, Sở GD&ĐT Lào Cai, Ủy viên;

(6) PGS. TS. Nguyễn Chí Hòa, ĐH KHXH&NV, Ủy viên

(7) TS. Vũ Thị Tuyết, Trung tâm Công nghệ GD, Thư ký

– Kết luận và kiến nghị của Hội đồng:

+ Đây là một đề tài nghiên cứu khoa học công phu, có giá trị thực tiễn, giá trị khoa học cao.

+ Đề nghị Bộ cho phép tiếp tục nghiên cứu mở rộng lên các lớp tiếp theo (từ lớp 2 lên lớp 5) bậc Tiểu học.

+ Đề nghị Bộ đầu tư kinh phí thỏa đáng cho việc triển khai nghiên cứu và ứng dụng khoa học này.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến nội dung công văn của Quý Báo. Trân trọng!

Hết Công văn 719/VKHGDVN.



Trang cuối Công văn số 719/VKHGDVN.

Trước hết, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn và đánh giá cao tinh thần hợp tác của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã có công văn trả lời một số vấn đề báo nêu, để kịp thời cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Tuy nhiên, Công văn số 67/GDVN-HC ngày 24/11 của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nêu ra hai vấn đề: Một là cuốn “tài liệu thí điểm” Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục;

Hai là một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ được Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục – NXBGDVN cho là cơ sở pháp lý để triển khai đại trà “tài liệu thí điểm” này vào trường học.

Để quý bạn đọc tiện so sánh, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn nội dung Công văn 67/GDVN-HC.

Nội dung Công văn 67/GDVN-HC gửi Viện Khoa học giáo dục Việt Nam hôm 24/11 

Kính gửi:  Đồng chí lãnh đạo Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (http://giaoduc.net.vn) xin gửi đến đồng chí lời chúc sức khỏe.

Ngày 14/11/2016 Trung tâm Công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết: 

“Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được Hội đồng nghiệm thu nhiều lần: 2 lần cấp quốc gia, 1 lần cấp Bộ, và lần nào cũng được xếp loại tốt, được đề nghị cho triển khai nhân rộng. 

Hồ sơ còn được lưu tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Và tất nhiên, hội đồng nghiệm thu là Hội đồng quốc gia theo Luật Giáo dục.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục lần thứ nhất là PGS.TS. Lương Ngọc Toản, khi đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục lần thứ hai là GS.TS. Phạm Đình Thái.”



Những ví dụ không phù hợp được Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa vào sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục để dạy trẻ nhỏ. Ảnh chụp từ sách

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng đề nghị Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, quý Viện có hồ sơ nào về việc Hội đồng quốc gia theo Luật Giáo dục nghiệm thu cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục hay không? Nếu có, đề nghị quý Viện cung cấp thông tin: Hội đồng được thành lập khi nào? Ai là Chủ tịch Hội đồng? Hội đồng gồm những ai? Đánh giá kết luận và kiến nghị của Hội đồng về cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, nếu có.

Trên trang congnghegiaoduc.vn của Diễn đàn Công nghệ giáo dục (Trung tâm Công nghệ giáo dục – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội) cho biết:

“Năm học 2006-2007, Trung tâm Công nghệ giáo dục thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ "Hoàn thiện Công nghệ dạy Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mã số B2004-51-TĐ11.”

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng đề nghị Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, quý Viện có lưu hồ sơ về đề tài nghiên cứu khoa học này không? Nếu có, xin quý Viện vui lòng cung cấp một số thông tin:

– Chủ nhiệm đề tài, thành viên đề tài.

– Nội dung đề tài, thời gian triển khai. Thời gian nghiệm thu đề tài.

– Hội đồng nghiệm thu đề tài được thành lập dựa trên căn cứ pháp lý nào? Chủ tịch Hội đồng là ai? Thành viên Hội đồng gồm những ai? Đánh giá, kết luận và kiến nghị của Hội đồng, nếu có.

– Kinh phí thực hiện đề tài.

Trân trọng cảm ơn và đề nghị quý Viện trả lời những câu hỏi trên của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bằng văn bản. Trân trọng!

Hết Công văn 67/GDVN-HC.

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới trả lời một nửa vấn đề được đặt ra


Như vậy, so sánh nội dung Công văn hỏi và Công văn trả lời có thể thấy, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hỏi 2 vấn đề, nhưng cho đến hiện nay Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới trả lời một vấn đề, liên quan đến 2 đề tài nghiên cứu.

Vậy là nhóm câu hỏi liên quan đến vấn đề “Viện có hồ sơ nào về việc Hội đồng quốc gia theo Luật Giáo dục nghiệm thu cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục hay không?”, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam dường như vẫn né tránh không trả lời thẳng.

Về thông tin liên quan đến 2 đề tài nghiên cứu khoa học mà Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cung cấp qua Công văn 719/VKHGDVN, chúng tôi nhận thấy:


Đề tài thứ nhất Mã số 78-04-026 do Gs Hồ Ngọc Đại làm chủ nhiệm, nghiệm thu năm 1990 không nhắc đến tài liệu nào có tên gọi “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục” đang triển khai đại trà vào trường học trên 48 tỉnh thành hiện nay.

Giả sử có đi nữa, thì nó cũng quá lạc hậu vì từ năm 1990, khi chưa có Luật Giáo dục đầu tiên (1998), chứ chưa nói đến Luật Giáo dục hiện hành (Luật Giáo dục 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, ban hành năm 2009).

Đây là 3 đạo luật quy định về Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, và đang có hiệu lực.

Đề tài thứ 2 là đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ: “Hoàn thiện Công nghệ dạy Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc”, mã số đề tài: B2004 – 51 – TĐ11 với Hội đồng nghiệm thu được thành lập theo Quyết định số: 8162/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2007, nghiệm thu ngày 18/01/2008.

Công văn 719/VKHGDVN không trả lời một câu hỏi quan trọng về Đề tài này mà Báo nêu ra trong Công văn 67/GDVN-HC, đó là: Hội đồng nghiệm thu đề tài được thành lập dựa trên căn cứ pháp lý nào? 

Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung Công văn 719/VKHGDVN có thể nhận thấy, đây là một Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học, và căn cứ vào Luật Khoa học và công nghệ số 21/2000/QH10, không phải Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, theo Luật Giáo dục 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2009.

Kết luận và kiến nghị của “Hội đồng nghiệm thu đề tài” càng cho thấy rõ điều đó:

Không có bất kỳ kết luận nào về “sách giáo khoa”, càng không có kiến nghị nào cho sử dụng đại trà Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cho phép và Vụ Giáo dục tiểu học đang hỗ trợ đắc lực Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Trung tâm Công nghệ giáo dục – NXBGDVN triển khai ồ ạt hiện nay.


Quan điểm của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

Sau nhiều bài viết làm rõ những vấn đề về căn cứ pháp lý triển khai đại trà “tài liệu thí điểm” Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục gây nhiều tranh cãi của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục – NXBGDVN, trên cơ sở thông tin từ các bên liên quan cung cấp, chúng tôi nhận thấy:

– Một là, “Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục – NXBGDVN vẫn là một “tài liệu thí điểm”, không phải sách giáo khoa. Nhiều thông tin cho thấy tài liệu này chưa được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định, thông qua và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho sử dụng, theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành.

– Hai là, Trung tâm Công nghệ giáo dục – NXBGDVN thiếu tinh thần cầu thị khi đưa ra những bằng chứng không chính xác để cố bảo vệ quan điểm cho rằng, “Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục” là “sách giáo khoa”, được thẩm định, thông qua theo Luật Giáo dục hiện hành, qua trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/11, cùng các thông tin công bố sau đó trên trang congnghegiaoduc.vn.

– Ba là, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, thẩm định “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục” và một loạt các “tài liệu thí điểm” khác của Công nghệ giáo dục mà Trung tâm Công nghệ giáo dục – NXBGDVN, dưới sự trợ giúp đắc lực của Vụ Giáo dục tiểu học đang triển khai “thí điểm” trên một số tỉnh thành hiện nay.

– Bốn là, kiến nghị 48 sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh thành đang triển khai đại trà “tài liệu thí điểm Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục”, các đầu sách “thí điểm Công nghệ giáo dục” còn lại dừng ngay việc triển khai các tài liệu này vào trường học để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc, chờ kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cam kết trước Quốc hội: sẽ cho thẩm định, nếu các nhà chuyên môn đánh giá thấy không hợp lý thì phải dừng.

Chúng tôi cũng mong Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cần trả lời cụ thể, đúng câu hỏi chúng tôi đặt ra. Vì quý Viện có chức năng quản lý hồ sơ thẩm định một tài liệu được cho là “sách giáo khoa” đang lưu hành hiện nay hay không, quý vị phải biết rất rõ, không nên né tránh.

Chúng tôi cũng đề nghị Trung tâm Công nghệ giáo dục – NXBGDVN và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với tư cách cơ quan chủ quản, phát hành và kinh doanh “tài liệu thí điểm” Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, nhưng vẫn quảng cáo chúng là “sách giáo khoa” lên tiếng về vấn đề này.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục trân trọng đề nghị Vụ Giáo dục tiểu học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc này sớm lên tiếng.

Chúng tôi sẽ chờ đợi câu trả lời chính thức của các cơ quan chức năng, các bên liên quan và sẽ thông tin đến bạn đọc khi có tình tiết mới.



Xem nguồn

Thanh Hóa: Dừng hoạt động khóa đào tạo đánh thức não bộ bằng NLP

Posted: 19 Dec 2016 07:23 AM PST


Logo quảng cáo của Công ty CP Đào tạo đánh thức tiềm năng Việt về Khóa đào tạo đánh thức não bộ bằng NLP.Logo quảng cáo của Công ty CP Đào tạo đánh thức tiềm năng Việt về Khóa đào tạo đánh thức não bộ bằng NLP.

Theo kết quả thanh tra của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Công ty cổ phần đào tạo đánh thức tiềm năng Việt do ông Đào Ngọc Cường làm Chủ tịch HĐQT – Giám đốc, có hồ sơ cấp phép lưu tại công ty chưa đầy đủ.

Khóa học "đánh thức não bộ" của Công ty chưa được đề cập trong quyết định cấp phép (Quyết định số 618/QĐ-SGDĐT ngày 10/8/2016 của Sở GD&ĐT Thanh Hóa về việc cho phép Công ty cổ phần đào tạo đánh thức tiềm năng Việt tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống); tính pháp quy trong một số loại hồ sơ kiểm tra chưa đảm bảo (danh sách lớp, giáo án, hồ sơ người dạy, người học…). Đoàn kiểm tra Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã yêu cầu khóa đào tạo "đánh thức não bộ bằng NLP" tạm thời dừng hoạt động.

Ông Trịnh Xuân Cảnh – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Thanh Hóa – cho biết thêm: Theo Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT về việc Ban hành Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa thì giáo trình, tài liệu trong hoạt động này phải "do Bộ GD&ĐT ban hành hoặc phê duyệt.

Nếu giáo trình, tài liệu tự lựa chọn hoặc tự xây dựng thì phải được cơ quan xác nhận đăng ký hoạt động…", trong khi đó, giáo trình đào tạo khóa "đánh thức não bộ bằng NLP" của Công ty cổ phần đào tạo đánh thức tiềm năng Việt chưa được cơ quan chức năng thẩm định, xác nhận.

Trước đó, Báo Giáo dục và Thời đại đã phản ánh về việc Công ty cổ phần đào tạo đánh thức tiềm năng Việt quảng bá, tuyển sinh học sinh tham gia khóa đào tạo "đánh thức não bộ bằng NLP" (lập trình về tư duy ngôn ngữ) cho nhiều học sinh từ lứa tuổi 6-13 tuổi trên địa bàn Thanh Hóa.

Theo Giám dốc công ty này giải thích thì phương pháp đánh thức não bộ bằng NLP là trẻ được bịt 2 mắt, sau đó người dạy sẽ dùng ngôn ngữ để hướng học sinh tưởng tượng một việc hoặc làm theo một việc gì đó. Học viên sẽ làm theo những việc mà người dạy hướng dẫn. Công ty này đã tổ chức được 2 lớp (gần 20 học viên tham gia, trong đó có khoảng hơn 30% học viên khiếm thị, bị bệnh). 



Xem nguồn

Có nên theo gương Bill Gates bỏ học để theo đuổi đam mê?

Posted: 19 Dec 2016 05:59 AM PST


Các khách mời Nguyễn Phi Phi Anh (tác giả 2 vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối và Góc phố danh vọng), nhà báo Trần Lệ Thùy (từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có Giải thưởng báo chí châu Á đang phát triển, từng được học bổng Fulbright hệ thạc sĩ ĐH Oxford) và Trần Quang Tùng – sáng lập viên kiêm giám đốc sáng tạo một công ty thiết kế, đã có những chia sẻ rất cởi mở với học sinh, sinh viên Hà Nội trong chương trình định hướng nghề nghiệp "Finding Yourself – Tìm lại chính mình" hôm 18/12 vừa qua.

Đây là sự kiện mở màn trong chuỗi hội thảo định hướng nghề nghiệp cho người trẻ Hà Nội mang tên Career Circle. Từ câu chuyện thực tế của bản thân, các khách mời đã mang lại cho các bạn nhiều bài học, giá trị đầy thiết thực, bổ ích trong việc định hướng nghề nghiệp.


MC cùng 3 vị khách mời Phi Phi Anh, Trần Lệ Thùy và Quang Tùng (từ trái qua phải)

MC cùng 3 vị khách mời Phi Phi Anh, Trần Lệ Thùy và Quang Tùng (từ trái qua phải)

Nghề chọn mình hay mình chọn nghề?

Ngày bé, nhà báo Lệ Thùy rất thích vẽ và viết lách nên khá đắn đo giữa hai sở thích này. Tuy nhiên, thời điểm thi đại học, chị đã chọn Học viện Báo chí và Tuyên truyền với định hướng trở thành một nhà báo giỏi.

Với lựa chọn này, chị Thùy đã gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu tiên bước vào nghề. Thời điểm chị ra trường, mặc dù thực tập tốt nhưng vẫn bị từ chối vì không có chỉ tiêu nhận phóng viên nữ. Không ít cơ quan báo chí còn yêu cầu ngoại hình phóng viên nữ trên 1m60 và ưa nhìn.

Tình cờ, chị Thùy được người bạn giới thiệu vào một tờ báo tiếng Anh lĩnh vực kinh tế, được nước ngoài đầu tư. Công việc của chị là gọi điện mỗi ngày để kiểm tra số điện thoại và địa chỉ của nhà hàng khách sạn tại Việt Nam. Chị làm rất tỉ mỉ nhưng sau 3 tháng vẫn bị cho thôi việc. Có gợi ý cho vị trí thủ thư, nhưng chị đã dứt khoát từ chối.

Hai tháng sau, khi quay lại tòa soạn để nhận một số giấy tờ, chị lại được tổng biên tập giữ lại làm việc. Chị cho biết: "Chị thấy rằng, để đạt được cái gì, cũng đều có trả giá. Kể từ khi quay lại làm việc, chị theo chân sếp đi phỏng vấn. Bài đầu tiên phỏng vấn người nước ngoài, chị được giao bóc băng ghi âm, nhưng đã thất bại vì khả năng nghe không tốt. Chị đã luyện nghe liên tục qua băng catxet".

Cũng như vậy, trong kỳ tập huấn nước ngoài, chị giành nhiều thời gian luyện khả năng tốc ký. Đó đều là những kỹ năng đó giúp chị rất nhiều sau này để làm nghề được tốt. "Mình phải chọn nghề, và say mê với nó, nếu không cuộc đời sẽ rẽ qua một bước ngoặt khác. Đó là lý do chị đã dứt khoát từ chối vụ thủ thư, và chỉ nhất quyết làm báo mà thôi", chị chia sẻ.

Cũng giống như quan điểm của chị Thùy, đạo diễn trẻ Phi Anh cho rằng mình hãy cứ chọn nghề, nếu chọn sai, thì sẽ chọn lại cái khác. "Cũng không nên đặt câu hỏi này vì nó khiến chúng ta mất đi tính chủ động trong cuộc đời. Nếu mình luôn xông ra để chọn thì tự tin với nó. Mình chọn nghề gì, tức là bản thân thích nó. Và khi mình thích, thì những trải nghiệm nó mang lại dù là thất bại cũng đều quý cả".

Phi Anh kể, hồi bé cậu thường nghe mọi người nói rằng làm lãnh đạo phải có duyên, ăn to nói lớn… Phi Anh tự nhận thấy mình không có những thứ đó, nhưng không hề dẹp bỏ ước mơ của mình, mà vẫn trở thành một đạo diễn. "Nếu từ bé mình cũng chấp nhận suy nghĩ như vậy, thì mình đã không làm được cái gì cả", Phi Anh khẳng định.

Vì là người quản trị doanh nghiệp và con đường trải nghiệm khác nhiều với chị Thùy và Phi Anh, Quang Tùng cảm thấy người vừa chọn nghề và nghề cũng chọn người. Trước đây, khi còn làm thực tập cho một công ty quảng cáo, anh Tùng cảm thấy công việc đồ họa thật chán và bỏ sau 4 tháng không lương. Nhưng cuối cùng, khi mở công ty, anh lại liên quan mật thiết với nghiệp thiết kế.

"Anh không xác định một nghề cụ thể để mình theo đuổi lúc đầu. Anh quản trị doanh nghiệp nên anh lựa chọn học hỏi và làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau: tài chính kế toán, thiết kế sáng tạo… Anh đam mê tất cả mọi thứ đó, và biến chúng thành nghề của mình thôi. Do đó, cả hai yếu tố đó đều đúng trong trải nghiệm cá nhân của anh", anh Tùng bộc bạch.


Các vị khách mời đều cho rằng việc học là cần thiết. Và đừng kêu ca rằng môi trường học không đủ hay lạc hậu, bởi vì khi chúng ta muốn, có thể học được bằng nhiều cách.

Các vị khách mời đều cho rằng việc học là cần thiết. Và đừng kêu ca rằng môi trường học không đủ hay lạc hậu, bởi vì khi chúng ta muốn, có thể học được bằng nhiều cách.

"Có nên bỏ học để theo đuổi đam mê không?"

Trước góc độ học vấn, chị Thùy không cổ vũ việc bỏ học của nhiều bạn sinh viên hiện nay. "Nhiều bạn nói với chị rằng, không cần học ở trường vẫn đi làm được. Nhưng trường đại học là môi trường giúp cho các em nạp kiến thức. Khi các em có kiến thức nền đủ tốt thì sẽ đi được xa hơn".

Theo chị, Bill Gates bỏ học, là trường hợp ngoại lệ và các bạn sinh viên Việt Nam đừng bắt chước theo, vì đã vào được ĐH Havard nghĩa là tư duy, kiến thức của người đó đã hơn nhiều bạn trẻ bình thường.

"Việc học là việc cả đời. Chị học thêm cả infographic, google adword… mà nhiều người không hiểu chị học để làm gì. Các bạn hay nói rất nhiều về ý tưởng, nhưng không có năng lực thực hiện thì ý tưởng đó cũng chỉ thất bại mà thôi. Việc học cho các em năng lực để thực hiện. Đừng kêu ca rằng môi trường học không đủ và lạc hậu, bởi vì khi chúng ta muốn, có thể học được bằng nhiều cách", chị Thùy chia sẻ.

Với anh Quang Tùng – một người từng nghỉ học ở trường để đi làm, và sau đó bắt đầu chặng đường mới với ngành học thiết kế đồ họa cũng không cổ súy việc bỏ học. Anh bỏ học vì cảm thấy môi trường đó không phù hợp.

Với trải nghiệm cá nhân, anh Tùng nghĩ rằng, ngoài trường lớp, còn nhiều cách thức khác để lĩnh hội tri thức. Anh phân loại kiến thức và nhận thức.

Anh chia sẻ: "Kiến thức là thứ được truyền dạy qua thầy cô, sách vở hay bạn bè. Nhận thức là quá trình bản thân mình trải nghiệm, và đúc rút ra được lượng tri thức riêng. Anh phù hợp với cách tiếp cận thứ 2 hơn. Nhưng cách này cũng khiến anh mất nhiều thời gian, công sức. Ở thời điểm hiện tại, anh nhận ra rằng, nếu học hỏi, tham khảo những điều trường học hoặc sách vở giúp ta nhận ra được sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhiều".

Với Phi Anh, khi chúng ta làm điều gì, cũng góp phần vào quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân sau này.

"Ngày xưa Phi Anh không thích và không giỏi toán. Và đến thời điểm này, mình thấy may mắn vì ngày xưa mình cố gắng học toán, bởi nó đã giúp cho mình rất nhiều. Môn toán giúp cho người học có được sự logic…Khi học, có thể mình rất ghét, nhưng về sau mới nhận ra nó có vai trò trong cuộc sống của mình", Phi Anh khẳng định



Xem nguồn

Bước ngoặt đổi thay của Quán quân "Ứng viên Tài năng 2016"

Posted: 19 Dec 2016 05:16 AM PST


Trải qua 3 vòng thi đầy kịch tính, thí sinh Lê Thùy Nhi – cử nhân đại học Kinh tế Quốc dân – đã xuất sắc trở thành Quán quân mùa thứ 5 cuộc thi “Ứng viên Tài năng 2016” diễn ra vào tối 17/12 tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia (Hà Nội).

Vòng chung kết cuộc thi có sự góp mặt của 5 thí sinh xuất sắc nhất. Đó là: Nguyễn Việt Anh, Phan Mĩ Chinh, Nguyễn Hà Thành Luân, Vũ Ngọc Mai, Lê Thùy Nhi.

Các thí sinh phải lần lượt trải qua 3 phần thi: The Chaser: Xây dựng lộ trình nghề nghiệp; The Talent: Xây dựng chiến lược kinh doanh The Inspirer: "Tuổi trẻ ai cũng có một bước ngoặt đổi thay".

Top 5 thí sinh xuất sắc nhất lọt vào Vòng Chung kết cuộc thi “Ứng viên tài năng 2016”.

Tại vòng 1, đề bài đưa ra 2 nhân vật mong muốn tìm giải pháp cho lộ trình nghề nghiệp cho bản thân. Theo đó, mỗi ứng viên sẽ chọn một nhân vật và có 5 phút thuyết trình tư vấn họ chọn lộ trình nghề nghiệp mà mình đưa ra.

Thí sinh Nguyễn Việt Anh gây ấn tượng mạnh nhất với hội đồng Giám khảo và đạt kết quả tốt nhất nhờ những phân tích vấn đề theo góc nhìn của một Marketer: đi từ Insights, từ giá trị cốt lõi để có lời khuyên nghề nghiệp đúng đắn.

Đến vòng 2 Xây dựng chiến lược kinh doanh, các thí sinh trình bày chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn dựa trên sự tìm hiểu thị trường để giúp một doanh nghiệp tiếp cận với thị trường Malaysia.

Bằng sự bình tĩnh, tự tin và quyết đoán, thí sinh Lê Thùy Nhi đã lội ngược dòng một cách ngoạn mục. Theo đó, cô cùng Nguyễn Việt Anh lọt vào top 2 thí sinh có điểm số cao nhất.

Thí sinh Nguyễn Hà Thành Luân đã vượt qua hai ứng viên còn lại trong vòng thi phụ để giành vé tranh tài ở vòng ba: The Inspirer.

“Ứng viên Tài năng” là cuộc thi mô phỏng quy trình tuyển dụng thực tế, được tổ chức thường niên bởi câu lạc bộ Nguồn nhân lực (HRC), trường đại học Ngoại Thương Hà Nội.

Trải qua gần 2 tháng, cuộc thi đã tiếp cận được hơn 1.500.000 bạn sinh viên và cử nhân mới tốt nghiệp, đạt 300.000 lượt tương tác qua mạng xã hội, và nhận được gần 2000 hồ sơ đăng kí trên khắp cả nước.

Nếu như 2 vòng thi trước đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao; vòng ba của cuộc thi là nơi top 3 được trải lòng, chia sẻ những câu chuyện đổi thay của chính họ, điều làm nên họ của ngày hôm nay.

Họ sẽ thuyết trình để khán giả cảm thấy được truyền cảm hứng, muốn thay đổi và sẽ tự động thay đổi, tự kiến tạo ra những bước ngoặt của bản thân.

Ứng viên Lê Thùy Nhi chia sẻ câu chuyện về cuộc sống không suôn sẻ của mình. Suốt những năm tháng tuổi thơ, cô gái nhỏ thường bị bạn bè cùng lớp tẩy chay.

Năm hai đại học Nhi gặp một tai nạn giao thông nghiêm trọng và phải dừng học nửa năm, hiện tại Nhi không thể đi giày cao gót nữa.

Khi Nhi gục ngã trong đau khổ thì một người đàn ông đã xuất hiện và nói với cô rằng: “Nếu bản thân em không thể tự tốt lên được thì sau này làm sao em có thể giúp được người khác, làm sao hiện thực được ước mơ mang lại giá trị cho cộng đồng“. Được biết, người đàn ông đó sau này chính là chồng của Nhi.

Với Nhi, đây chính là bước ngoặt lớn khiến cô gái hướng nội có sức mạnh vượt qua khủng hoảng để sống hết mình với niềm đam mê marketing. 

Lê Thùy Nhi đã xuất sắc trở thành Quán quân “Ứng viên tài năng 2016”.

Nhi lạc quan chia sẻ: "Những điều tôi từng trải không phải là những điều đáng buồn mà đó còn là điểm nhất, bước ngoặt, điều khiến tôi tự hào trong cuộc sống này: If not you, who? If not now? When?"

Trình bày phần thi của mình, thí sinh Nguyễn Hà Thành Luân quan niệm: "Mỗi người chúng ta là con thuyền nhỏ giữa lòng đại dương, có nhiều trở ngại khó khăn ta không biết trước được, nhưng ta hãy là thuyền trưởng của con tàu đó, làm chủ cuộc đời mình. Hãy là người kiến tạo cơ hội cho chính bản thân mình."

Nguyễn Việt Anh lại có cách nhìn khác về bước ngoặt đổi thay. Việt Anh chia sẻ bản thân không tin có 1 bước ngoặt nào đó khiến mình có thể thay đổi hoàn toàn bản thân. Bước ngoặt là cả 1 quá trình, từ những trải nghiệm, thất bại, thành công, sẽ làm nên con người mình.

Với câu chuyện thật đầy cảm động của bản thân, bạn Lê Thùy Nhi đã truyền cảm hứng được đến khán giả cũng như hoàn toàn chinh phục được Ban giám khảo, để giành danh hiệu Quán quân “Ứng viên tài năng 2016”.

Với thông điệp “Be the change that you wish to see in this world“, cuộc thi “Ứng viên tài năng” mong muốn có thể truyền cảm hứng cho thật nhiều người trẻ Việt, khiến họ muốn và chủ động tạo nên bước ngoặt đổi thay của bản thân mình.



Xem nguồn

Ngành giáo dục tập huấn về công cụ thu thập thông tin quản lý rủi ro thiên tai

Posted: 19 Dec 2016 04:35 AM PST


Bộ GD&ĐT tập huấn sử dụng bộ công cụ thu thập thông tin quản lý rủi ro thiên tai ngành Giáo dụcBộ GD&ĐT tập huấn sử dụng bộ công cụ thu thập thông tin quản lý rủi ro thiên tai ngành Giáo dục

Dự buổi tập huấn có TS Phạm Hùng Anh – Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT), Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ngành Giáo dục cùng đại diện UNICEF Việt Nam, tổ chức PLAN, những tổ chức đã giúp đỡ ngành về xây dựng bộ công cụ, và trong đợt này là tài trợ kinh phí, tài liệu tập huấn.

Trong đợt tập huấn này, các cán bộ phụ trách công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai các Sở GD&ĐT sẽ được các chuyên gia tập huấn sử dụng "Bộ công cụ thu thập thông tin trường học" gồm các công cụ: Báo cáo của nhà trường vào đầu năm học; Báo cáo khẩn cấp của nhà trường về ảnh hưởng của thảm họa, thiên tai; Báo cáo sau thảm họa thiên tai tại trường học. Bên cạnh đó là cách thức báo cáo tình hình của đơn vị trong các trường hợp: Báo cáo theo yêu cầu, báo cáo thống kê định kỳ hàng năm, báo cáo đột xuất.

Theo TS Phạm Hùng Anh, trong đợt này, Bộ GD&ĐT sẽ tập huấn cho cán bộ các Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam; Trang bị cho các cán bộ kỹ năng sử dụng bộ công cụ để giúp lãnh đạo các nhà trường thường xuyên quan tâm cập nhật các thông tin cơ bản và cần thiết của trường mình liên quan đến các vấn đề về con người, cơ sở vật chất, kiến thức và thực hành của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên trong trường học về công tác "Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai" tại trường học và cộng đồng;

Giúp cho lãnh đạo nhà trường các công tác quản lý, báo cáo, lập kế hoạch phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho trường mình và cộng đồng trước, trong và sau khi thảm họa thiên tai xảy ra một cách chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả với nguồn lực lồng ghép của các chương trình, dự án, mô hình liên quan đang được triển khai tại nhà trường và địa phương;

Đồng thời giúp cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT có bức tranh cụ thể với các số liệu và thông tin chính xác, cập nhật của từng trường ngay từ mỗi đầu năm học cho công tác quản lý, báo cáo, lập kế hoạch phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của toàn ngành trước, trong và sau khi thảm họa thiên tai xảy ra phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường, từng địa phương theo phương châm "4 tại chỗ": "Chỉ huy tại chỗ", "lực lượng tại chỗ", "vật tư tại chỗ", "hậu cần tại chỗ" và chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả thảm họa thiên tai để phát triển ngành một cách bền vững…



Xem nguồn

Việt Nam giành 1 HC Bạc Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn

Posted: 19 Dec 2016 03:51 AM PST


– Đội tuyển Việt Nam đã giành được 1 Huy chương Bạc và 4 giải khuyến khích tại kỳ thi Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn lần thứ 10 được tổ chức tại Bhubaneswar, Ấn Độ.

Việt Nam giành 1 HC Bạc Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn
Đội tuyển Việt Nam dự Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn. 

Năm nay, cả 5 thí sinh tham gia đội tuyển đều là học sinh lớp 11 của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Đây là kỳ thi Olympic quan trọng nhất trong lĩnh vực thiên văn học và vật lý thiên văn dành cho lứa tuổi THPT, với hơn 50 đội tuyển đến từ các quốc gia trên thế giới. Mặc dù đây lần thứ 10 kỳ thi được tổ chức, nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự đấu trường này.

Trong một thời gian chuẩn bị, ôn luyện rất ngắn, trong vòng 3 tháng song với sự nỗ lực của các thí sinh và hỗ trợ tích cực của các thầy cô giáo, đội tuyển Việt Nam đã lập nên được thành tích đáng khen ngợi.

Trong các trường phổ thông, kiến thức thiên văn chỉ được đề cập sơ lược ở một số sách giáo khoa vật lý hoặc địa lý. Thành tích tại kỳ thi Olympic này có thể sẽ làm cho môn thiên văn học nhận được sự quan tâm hơn nữa trong chương trình đào tạo ở các cấp thời gian tới.

Thanh Hùng



Xem nguồn

Trò chuyện với thạc sĩ nghiên cứu về ngôn ngữ tường thuật bóng đá

Posted: 19 Dec 2016 03:09 AM PST


– Nghiên cứu sinh Lê Hoàng Trung, quê Tiền Giang vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành ngôn ngữ học tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM với đề tài "Ngôn ngữ trong tường thuật bóng đá trực tiếp". 

Để thực hiện luận văn, Trung thu âm lời bình luận trực tiếp bằng tiếng Việt của 10 trận đấu ở World Cup, Champions League, Giải ngoại hạng Anh, SEA Games, giao hữu quốc tế…Sau đó Trung nghe lại và chép ra các câu bình luận, phân tích về mặt ngôn ngữ.

Trong luận văn dài 120 trang, Trung tính toán sự chênh lệch tốc độ phát âm giữa các trận đấu bóng đá của bình luận viên. Cụ thể như tốc độ phát âm của bình luận viên khi tường thuật trực tiếp trận đấu vòng loại World Cup, các trận đấu quốc tế, các trận đấu trong nước như thế nào. 

Trò chuyện với thạc sĩ nghiên cứu về ngôn ngữ tường thuật bóng đá
(Hình minh họa)

Thứ hai,Trung khảo sát việc sử dụng từ ngữ của các bình luận như từ ngữ thuần việt, từ mượn, từ viết tắt và sử dụng một số biện pháp như ẩn dụ, hoán dụ, cường điệu, nói giảm nói tránh…

Trong luận văn, nghiên cứu sinh này cũng chỉ ra những đặc điểm mà bình luận viên hay mắc lỗi như phát âm sai, từ ngữ có nguồn gốc nước ngoài, phát âm không nhất quán giữa các từ viết tắt, dùng từ ngữ không chính xác…

Đề tài luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của bạn được xem là đề tài lạ. Lý do vì sao bạn chọn đề tài này?

Tôi rất đam mê bóng đá đặc biệt là các giải đấu quan trọng. Khi xem bóng đá tôi thấy các bình luận viên bình luận rất hay. Về mặt văn nói bình luận không vấn đề gì, nhưng khi khảo sát về mặt ngôn ngữ tôi thấy có nhiều ngôn ngữ không đúng. Nhiều câu sử dụng sai. Nhiều câu không phù hợp với cách nói người Việt. 

Cụ thể người Việt sẽ không nói "kiểu tiếng Anh dịch" như cầu thủ A đã bị phong tỏa bởi cầu thủ B hay con bò bị giết bởi người đàn ông. Mà chúng ta nói là cầu thủ A đã phong tỏa cầu thủ B, người đàn ông giết con bò. Như vậy thì có đúng về mặt ngôn ngữ hay không. 

Vì vậy tôi thực hiện đề tài này để chỉ ra những cái đúng và cả những cái chưa đúng trong ngôn ngữ tường thuật của bình luận viên. Đây là  đề tài về mặt ngôn ngữ chứ không đặt mục tiêu ứng dụng thực tế vì tôi chỉ đứng trên khía cạnh là một người nghiên cứu.

Bạn có thể chia sẻ, đề tài này được đánh giá như thế nào khi bạn trình bày trước hội đồng bảo vệ tốt nghiệp?

Khi tôi bảo vệ các thành viên trong hội đồng cũng có tranh cãi. Có những điểm hội đồng đồng tình nhưng cũng có điểm không đồng tình. Các thành viên hội đồng đã chỉ ra một số vấn đề trong quá trình tôi làm như, cái lỗi tôi chỉ ra có phải là lỗi hay văn nói, đặc thù của phát âm. 

Hội đồng cũng đánh giá đây là đề tài mới, hay, từ trước đến nay chưa có người làm. Tôi làm đề tài này không suy nghĩ gì mà chủ yếu vì mục đích để tốt nghiệp. Tôi đam mê bóng đá nên thấy phù hợp với bản thân nên làm.

Bạn vừa chia sẻ làm luận văn chỉ để mục đích tốt nghiệp thạc sĩ, theo cá nhân bạn đề tài có đúng tầm để tốt nghiệp thạc sĩ?

Tôi nghĩ đây là chuyện bình thường. Khi làm đề cương và bảo vệ trước hội đồng phản biện, luận văn của tôi cũng được đánh bình thường. Tôi nghĩ nếu có vấn đề gì, ngay từ đầu người hướng dẫn đã yêu cầu tôi đổi đề tài, chuyển hướng khác. Hội đồng phản biện cũng cho rằng vấn đề là đề tài khai thác ở khía cạnh nào. Tôi biết vấn đề này khá nhạy cảm trong giai đoạn này, nhưng việc đã lỡ rồi.

Trước tranh luận về tính ứng dụng của đề tài bạn suy nghĩ ra sao?

Khi tôi báo cáo đề tài, giáo viên hướng dẫn cho rằng đề tài này khả thi, thực hiện được. Khi bảo vệ các thành viên hội đồng cũng đánh giá đề tài khả thi. Có lẽ cách thể hiện của tôi chưa thuyết phục nên đang có bàn luận về vấn đề này. Bản thân tôi làm đúng với khả năng, năng lực của mình.

Bạn có thể tiết lộ điểm mà đề tài luận văn này giành được?

Cái này cho tôi giữ bí mật. Nhưng với cá nhân tôi điểm không quan trọng mà quan trọng là đã được thông qua và công nhận.

Trong quá trình nghiên cứu đề tài bạn có gặp khó khăn gì không?

Tôi cũng có một số khó khăn nhất định như khi khảo sát phải ghi âm và gỡ băng. Mặt khác chưa có nguồn tài liệu nào về đề tài này để tham khảo nên chủ yếu tôi "tự lực cánh sinh" dựa trên ngôn ngữ của báo chí như báo phát thanh, truyền hình, báo mạng để nghiên cứu.

Với đề tài nghiên cứu này bạn có nghĩ mình đã thành công trong việc tốt nghiệp thạc sĩ ?

Bản thân tôi vừa đi làm vừa đi học, không có nhiều thời gian nghĩ như thế  tạm hài lòng. Tất nhiên các giảng viên nói nếu có thể nên khai thác ở một khía cạnh sâu hơn. Tôi biết hiện nay đang có nhiều tranh cãi về những đề tài luận văn, luận án không có tính ứng dụng. Nhưng về mặt nghiên cứu, giữa nghiên cứu và ứng dụng là vấn đề sâu xa. Có khi nghiên cứu chỉ để đạt mục đích ở khía cạnh này và bỏ phải đi mục đích khác. Khi tôi làm luận văn này nhiều người hỏi rằng làm như vậy có tường thuật hay bình luận được không. Tôi đành trả lời "bó tay" vì tôi chỉ nghiên cứu ở góc độ ngôn ngữ. Tôi làm luận văn này vì thích xem bóng đá. Tôi muốn chỉ ra một số đặc điểm ngôn ngữ trong tường thuật bóng đá của bình luận viên. Ngoài mặt ngôn ngữ, đề tài không hướng đến mục tiêu khác. 

Cảm ơn bạn đã chia sẻ !

Tuệ Minh



Xem nguồn

Việt Nam giành HCB Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn

Posted: 19 Dec 2016 02:28 AM PST


Kì thi Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn năm nay được tổ chức tại Bhubaneswar, Ấn Độ.

Cả 5 thí sinh tham gia đội tuyển đều là học sinh lớp 11 của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Đây là kỳ thi Olympic quan trọng nhất trong lĩnh vực thiên văn học và vật lý thiên văn dành cho lứa tuổi THPT, với hơn 50 đội tuyển đến từ các quốc gia trên thế giới.

Mặc dù đây lần thứ 10 kỳ thi được tổ chức, nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự đấu trường này và đoàn chỉ có 3 tháng ngắn ngủi để ôn luyện.

Hạnh Nguyên



Xem nguồn

Thông tư 22: Ước gì có đề kiểm tra “minh họa”

Posted: 19 Dec 2016 01:45 AM PST


Hướng dẫn còn chung chung

Thời điểm gần cuối năm học, nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã rục rịch chuẩn bị áp dụng thông tư 22/2016/TT- BGDĐT vào việc nhận xét, khen thưởng cuối kì. Ghi nhận của PV Dân trí tại Hà Nội, hầu hết các trường đã nhận được hướng dẫn thực hiện thông tư 22 của Phòng GD&ĐT các quận huyện, cũng như đã được triển khai tập huấn thực hiện từ vài tháng trước.

Theo một hiệu trưởng trường tiểu học tại Hà Nội, hướng dẫn thực hiện TT22 mà phòng GD&ĐT vừa đưa về trường mình có nêu rõ, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm tra định kì, đề kiểm tra định kì phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi và bài tập và được thiết kế theo 4 mức độ được quy định tại điểm c, mục 2, Điều 10 Thông tư số 22.

Đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt, môn Toán thiết kế theo 4 mức độ. Trên cơ sở khung ma trận, các đơn vị vận dụng dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế; đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh…

Nhận xét về điều này, cô Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trường mình cũng vừa nhận được hướng dẫn thực hiện TT22 của Phòng GD&ĐT quận gửi đến. Tuy nhiên, tương tự trên đây, hướng dẫn này còn chung chung, khiến giáo viên và nhà trường rất khó triển khai.

TT22 giúp giáo viên đỡ gánh nặng sổ sách hơn trước đây (ảnh: H. Thủy)

TT22 giúp giáo viên đỡ gánh nặng sổ sách hơn trước đây (ảnh: H. Thủy)

Chẳng hạn, việc hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo kiểm tra định kì, nghiên cứu để ra đề kiểm tra sao cho phù hợp chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi và bài tập được thiết kế theo 4 mức độ. Thế nhưng trong hướng dẫn này, lại không quy định cụ thể từng mức đó như thế nào khiến nhà trường rất khó thực hiện.

"Hiệu trưởng phải tự nghiên cứu để triển khai việc kiểm tra định kì. Tuy nhiên, trong hướng dẫn không quy định cụ thể từng mức ra sao, không cụ thể đâu là vận dụng, đâu là kĩ năng… để nhà trường làm căn cứ. Mà đề của giáo viên ra thì không đủ cơ sở để áp dụng cho toàn bộ học sinh kiểm tra. Do đó, hiệu trưởng lại phải nghiên cứu kĩ hướng dẫn để từng bước thực hiện", cô Ngọc nói.

Cần đề kiểm tra "minh họa"

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, rút kinh nghiệm của TT30, ở TT22 quy định, có thêm bài kiểm tra định kì giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán ở lớp 4, lớp 5 bởi lớp 4, lớp 5 là các lớp cuối cấp tiểu học. Các khối lớp này so với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 có yêu cầu kiến thức, kĩ năng cơ bản ở mức sâu hơn, khái quát hơn, tường minh hơn.

Thứ hai, môn Tiếng Việt và môn Toán ở các khối lớp này là hai môn học công cụ, chiếm nhiều thời lượng hơn so với các môn học khác. Thứ 3, việc có thêm bài kiểm tra định kì nhằm tạo điều kiện cho học sinh quen dần với cách kiểm tra đánh giá ở cấp trung học cơ sở và các cấp học cao hơn.

Mặc dù giao cho nhà trường chủ động rất tốt nhưng một số hiệu trưởng mong muốn có đề kiểm tra mẫu để tham khảo. (ảnh: minh họa)

Mặc dù giao cho nhà trường chủ động rất tốt nhưng một số hiệu trưởng mong muốn có đề kiểm tra mẫu để tham khảo. (ảnh: minh họa)

Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, về cơ bản, TT22 cũng gần giống với TT30/2014/TT-BGDĐT hoặc TT32 trước đây. Tuy nhiên, các trường thấy khó là vì chưa có hướng dẫn cụ thể chi tiết.

"TT22 rất tốt, khuyến khích học sinh và nâng cao tính nhân văn khi áp dụng đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh… Khi có thay đổi ở TT22, giáo viên đã rất phấn khởi vì họ không cần nhận xét nhiều, gánh nặng sổ sách vào cuối năm học không nặng nề như trước đây. Tuy nhiên, về phía phụ huynh thì lại lo lắng vì ít thấy giáo viên nhận xét hơn trước", hiệu trưởng này chia sẻ.

Cũng theo cô Hạnh, để triển khai thông tư 22, nhà trường đã được Sở GD&ĐT tập huấn, sau đó giao cho nhà trường chủ động. Do trước đó, nhà trường đã được làm quen với TT32 và sau này là TT30 nên việc ra đề kiểm tra vẫn được nhà trường thực hiện. Cái chính là khi áp dụng một thông tư mới, cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

"Chẳng hạn trước đây, khi áp dụng TT32, chúng tôi có một quyển sách giáo viên hướng dẫn cụ thể tiết nào thì kiểm tra và có đề mẫu. Giáo viên căn cứ vào đó, chỉ việc đổi số liệu một chút từ đề mẫu là có đề thi chuẩn cho học sinh.

Tuy nhiên, ở thông tư mới này, nhà trường chưa được hướng dẫn cụ thể nên thấy khó. Vì thế, chúng tôi mạo muội đề xuất, giá như có đề thi mẫu như trước đây thì sẽ tốt hơn. Nhà trường cũng bám theo đó để triển khai", cô Hạnh đề xuất.

Về ý kiến này, cô Bích Ngọc cũng đồng tình và mong muốn giá như có đề kiểm tra mẫu để trên cơ sở đó, nhà trường áp dụng triển khai sẽ có ít sai sót hơn. "Việc để nhà trường chủ động rất tốt nhưng cái gì mới, cũng cần có hướng dẫn cụ thể để nhà trường và giáo viên đỡ lo lắng hơn. Chứ chung chung thế này, chúng tôi không biết tham khảo vào đâu cả", cô Ngọc cho hay.

Mỹ Hà



Xem nguồn

Việt Nam dành HCB Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn

Posted: 19 Dec 2016 01:03 AM PST


Kì thi Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn năm nay được tổ chức tại Bhubaneswar, Ấn Độ.

Cả 5 thí sinh tham gia đội tuyển đều là học sinh lớp 11 của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Đây là kỳ thi Olympic quan trọng nhất trong lĩnh vực thiên văn học và vật lý thiên văn dành cho lứa tuổi THPT, với hơn 50 đội tuyển đến từ các quốc gia trên thế giới.

Mặc dù đây lần thứ 10 kỳ thi được tổ chức, nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự đấu trường này và đoàn chỉ có 3 tháng ngắn ngủi để ôn luyện.

Hạnh Nguyên



Xem nguồn

Comments