Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Đề xuất chuyển cấp tiểu học sang dạy học 2 buổi/ngày

Posted: 16 Dec 2016 08:20 AM PST


 – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển đổi các trường tiểu học từ dạy học 1 buổi/ngày sang dạy học cả ngày.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị Tổng kết Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) giai đoạn 2010-2016.

SEQAP nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học ở Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng trong các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế- xã hội khác nhau thông qua việc chuyển đổi các trường tiểu học sang dạy học cả ngày.

Chương trình được thực hiện trong 7 năm (từ 21/2/2010-31/12/2016) và triển khai tại 36 tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn với 284 huyện và hơn 1.600 trường tiểu học khó khăn được chuyển sang dạy học cả ngày.

TS Trần Đình Thuận, Giám đốc ban quản lý chương trình này đưa ra những con số khả quan: 

Đến cuối năm học 2015 – 2016, toàn SEQAP có 1395 trường tổ chức cho 100% học sinh được học cả ngày tại trường (chiếm 87,5%). Số trường còn lại, do vẫn còn một vài điểm trường lẻ khó khăn, xa điểm trường chính, ít học sinh nên chưa tổ chức được học cả ngày. Tuy nhiên, đầu năm học 2016-2017, là năm học không còn sự hỗ trợ của SEQAP, có 100% các trường tham gia SEQAP vẫn triển khai dạy học cả ngày với các phương án phù hợp. Đồng thời các địa phương đã mở rộng mô hình cho các trường ngoài SEQAP.

"Theo số liệu báo cáo của 36 tỉnh cho thấy có hơn 5000 trường ngoài SEQAP thực hiện dạy học cả ngày và tổng số học sinh được thụ hưởng SEQAP trong 7 năm là hơn 1 triệu em. Trong đó, khoảng 49% là học sinh nữ và trên 45% là học sinh dân tộc thiêu số", ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, để thực hiện dạy học cả ngày, các trường cần có giáo viên các môn học đạt tỷ lệ tối thiểu 1,3 giáo viên/lớp và đạt chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học (trong đó có đủ giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục). Cán bộ quản lý và giáo viên phải được bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực tổ chức, quản lý dạy học cả ngày.

Ngoài ra, các trường cần có số phòng học đạt tối thiểu 0,8-1 phòng/lớp; có phòng học đa năng, phòng học nghệ thuật và điều kiện phục vụ hoạt động buổi trưa của học sinh tại trường.

Theo ông Thuận, để đảm bảo tính bền vững của chương trình này, Bộ GD-ĐT cần xem xét và cho thực hiện chuyển đổi các trường tiểu học sang dạy học cả ngày theo lộ trình do SEQAP xây dựng, nhằm đạt được chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 là đến năm 2020 sẽ có 90% các trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày.

Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá, một lộ trình chuyển đổi các trường tiểu học trên toàn quốc chuyển sang dạy học cả ngày giai đoạn 2016-2020 đã được xây dựng với các phương án có tính khả thi là tín hiệu tích cực cho đổi mới, sáng tạo. Do đó, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp nhận, chỉ đạo các địa phương thực hiện trong thời gian tới.

"Để những kết quả của chương trình được duy trì và phát triển, đảm bảo tính bền vững mục tiêu đề ra, tôi đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện để các trường tiểu học trong và ngoài SEQAP tiếp tục thực hiện mô hình dạy học cả ngày trong giai đoạn tới. Đồng thời có lộ trình, kế hoạch chuyển đổi các trường tiểu học dạy học 1 buổi/ngày còn lại ở địa phương sang dạy học cả ngày", bà Nghĩa nhấn mạnh.

Dạy học cả ngày là gì?

Dạy học cả ngày là phương án bổ sung thêm thời gian cho việc dạy học và giáo dục trong trường tiểu học để tổ chức các hoạt động giáo dục tiểu học theo một chương trình, kế hoạch được điều chỉnh, mở rộng nhằm giúp tất cả học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn Tiếng Việt và Toán, hình thành và rèn luyện các phẩm chất, năng lực phù hợp lứa tuổi. Học sinh tham gia học cả ngày sẽ được học tập, hoạt động cả buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều tại trường vào một số ngày hoặc tất cả các ngày học trong tuần. Học sinh học cả ngày tại trường có nhiều thời gian học tập và tham gia các hoạt động giáo dục nhiều hơn, có điều kiện được giao lưu, chia sẻ, góp phần phát triển mối quan hệ xã hội, kỹ năng sống, tính độc lập, tự chủ. Dạy học cả ngày mang cơ hội được học tập trong môi trường thuận lợi cho trẻ em, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số, trẻ em gái. Đồng thời góp phần tạo sự bình đẳng về quyền lợi học tập cho trẻ em ở những vùng miền có điều kiện khác nhau.



Xem nguồn

Dạy học cả ngày trên cao nguyên đá

Posted: 16 Dec 2016 07:39 AM PST


Thư viện ngoài trời tại trường PTDTBTTH Ngán Chiên huyện Xín MầnThư viện ngoài trời tại trường PTDTBTTH Ngán Chiên huyện Xín Mần

SEQAP thay đổi diện mạo giáo dục tại vùng khó

Ông Nguyễn Viết Chuyên – Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Giang) cho biết: Hà Giang là một tỉnh miền núi, có địa hình phức tạp, điều kiện tự nhiên và khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số… Việc dạy học ở Hà Giang còn gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2010- 2011 là năm đầu tiên Hà Giang thực hiện lộ trình của SEQAP. Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình Đảm bảo chất lượng trường học luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT – Ban quản lý chương trình SEQAP Trung ương, UBND tỉnh, các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh và UBND 8 huyện tham gia chương trình SEQAP.

Kết thúc năm học 2015-2016, Hà Giang có 8 huyện với 40 trường (245 điểm trường) tham gia Chương trình, trong đó có 145 điểm trường thuộc vùng khó khăn (chiếm 59%), 145 điểm trường trường thực hiện phương án T30; 37 điểm trường thực hiện phương án T35 (thông qua sự đầu tư từ Chương trình SEQAP cho mục tiêu FDS của ngân sách các địa phương tăng thêm; có sự tham gia tích cực và hiệu quả từ cộng đồng).

Thông qua việc hỗ trợ các trường tiểu học chuyển đổi sang mô hình dạy – học cả ngày (FDS), chất lượng giáo dục cấp tiểu học được nâng lên rõ rệt, giảm sự chênh lệch giữa các nhóm học sinh ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau, từng bước cải thiện về chất lượng giáo dục cấp tiểu học, tạo được nhận thức tương đối tốt từ cộng đồng về công tác giáo dục tại các địa phương.

Thông qua kế hoạch dạy học cả ngày và dựa trên các nguồn lực hiện có, các trường tiểu học tham gia chương trình SEQAP thuận lợi trong việc bố trí sắp xếp đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và bố trí các môn học phù hợp với thực tế tại trường.

SEQAP trước mắt đã triển khai mô hình thành công về hình thức hỗ trợ cho học sinh, cho các nhà trường qua 2 loại quỹ, để thực hiện chuyển đổi từ dạy học một buổi sang FDS.

Từ đó tạo các điều kiện thuận lợi và quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo đề ra khung chính sách cần thiết để hỗ trợ các trường tiểu học trong giai đoạn tiếp theo.

100% cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về quản lý dạy học và học cả ngày, đổi mới phương pháp dạy và học, từ đó chất lượng dạy học của giáo viên các trường tham gia chương trình có nhiều tiến bộ.

Chương trình đã giúp các nhà trường xóa được các phòng học tạm tại các điểm trường, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của các trường góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh.

Học sinh của các trường tham gia chương trình tự tin hơn trong sinh hoạt, giao tiếp tập thể, được giáo dục kĩ năng sống như: biết tự phục vụ cho bản thân.



Học sinh trường tiểu học Bạch Đích trong giờ sinh hoạt Giao lưu tiếng Việt

Tác động đến nhận thức của nhà trường

Trường tiểu học Bạch Đích là một trong 5 trường tiểu học tham gia SEQAP của huyện Yên Minh. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình SEQAP đã tác động tích cực trong việc thay đổi nhận thức của nhà trường, gia đình về lợi ích của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường.

Cô Mạc Thị Huệ – Hiệu trưởng – cho hay: Bạch Đích  nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn, là một xã vùng cao biên giới phía Bắc thuộc huyện Yên Minh, gồm nhiều dân tộc sinh sống.

Học sinh Trường Tiểu học Bạch Đích chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số người Nùng, Dao, Tày, Hmông, Giấy, Pu Péo… đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn.

Từ các nguồn quỹ của Chương trình cũng như sự hỗ trợ, đóng góp của gia đình, nhiều học sinh lứa tuổi tiểu học trong toàn tỉnh được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, phụ đạo củng cố kiến thức và được chăm sóc, nâng cao sức khỏe.

Tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn giáo viên thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trên thực tế của học sinh, các hoạt động giáo dục khác trên cơ sở tích hợp các hoạt động giáo dục âm nhạc, giáo dục mĩ thuật và giáo dục thể chất làm cho nội dung hình thức các hoạt động giáo dục trở nên hiệu quả, đa dạng, phong phú hấp dẫn giáo dục.

Bước đầu tổ chức triển khai các mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh. Khuyến khích thực hiện các loại hình câu lạc bộ như âm nhạc, mĩ thuật, thể dục… với mục tiêu thu hút học sinh đến trường giúp các em bạo dạn, tích cực, tự tin hơn tạo cho các em không khí thoải mái vừa chơi vừa học thông qua đó, phát triển hứng thú cho giáo dục trong quá trình học tập thu hút được học sinh tham gia.

Chất lượng giáo dục của các nhà trường trong những năm qua đã có sự chuyển biến rõ rệt. học sinh tham gia học tập tích cực, chủ động. Tỉ lệ chuyên cần đảm bảo, tỉ lệ học sinh lưu ban, không biết đọc, biết viết giảm so với những năm trước đây khi chưa tham gia Chương trình SEQAP.

Trong năm học 2016-2017 tại Hà Giang, có 17.699 học sinh được thụ hưởng SEQAP, trong đó có 15.233 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 83,79%.

 

Có 15.331 học sinh được học cả ngày, chiếm tỷ lệ 92%. Trong đó có 13.373 học sinh DTTS, chiếm tỷ lệ 87%.

 

Có 37 trường tổ chức được cho 100% HS tại tất cả các điểm trường học cả ngày, chiếm tỷ lệ 92,5 % tổng số trường SEQAP của tỉnh; 145 điểm trường lẻ tổ chức cho 100% HS học cả ngày đạt 59%.

 

Kết quả HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2015-2016 là 2.915 học sinh (tỷ lệ 99%). Trong đó HS học cả ngày (FDS) đạt 99%, HS nữ chiểm tỷ lệ 47%, HS DTTS chiếm tỷ lệ 92%, HS con hộ nghèo chiểm tỷ lệ 44%.



Xem nguồn

Đêm qua, ngôi trường của 4 cô giáo quên mình cứu trẻ lại gồng mình chống lũ

Posted: 16 Dec 2016 06:56 AM PST


4 cô giáo Võ Thị Thu Sương, Thái Thị Tuyết Hồng, Lê Thị Kim Hằng và Nguyễn Thị Hòa có mặt tại trường sáng nay (16/12) dọn dẹp trường sau cơn lũ thứ 2 ập vào trường trong đêm4 cô giáo Võ Thị Thu Sương, Thái Thị Tuyết Hồng, Lê Thị Kim Hằng và Nguyễn Thị Hòa có mặt tại trường sáng nay (16/12) dọn dẹp trường sau cơn lũ thứ 2 ập vào trường trong đêm

Bất ngờ khi được ngợi khen

Có mặt từ sáng sớm nay (16/12) để cùng các giáo viên dọn dẹp hiện trường sau cơn lũ kép, cô hiệu trưởng Võ Thị Thu Sương – 1 trong 4 cô giáo trong cơn lũ dữ dũng cảm cứu 13 trẻ bị mắc kẹt tại lớp học – tỏ ra rất bất ngờ khi việc làm của mình và đồng nghiệp được cả nước biết đến và nhận được nhiều lời ngợi khen như vậy.

Cô tâm sự rất thật rằng, việc làm đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm, là đúng với lương tâm nghề nghiệp, chứ không phải vì để nhận được những lời khen ngợi. Nhưng sự quan tâm, chia sẻ động viên chân thành của mọi người thực sự là nguồn động viên tinh thần lớn lao, khiến các cô vô cùng xúc động.

Đau đáu vì ngôi trường tan hoang sau lũ, sách vở, đồ dùng, trang thiết bị dạy học của cô và trò đều hỏng hoàn toàn, việc học của trẻ bị gián đoạn vì không còn gì để dạy cho các cháu, cô Sương chỉ có một nguyện vọng là có một ngôi trường mới khang trang, an toàn hơn, đảm bảo trẻ học được dù điều kiện thời tiết như thế nào.

"Chúng tôi mong các ban ngành, đoàn thể và mọi người quan tâm chung tay chung sức cho ngôi trường sớm được hoàn thành" – cô Võ Thị Thu Sương bày tỏ. 

24 năm trong nghề dạy trẻ, cô Thái Thị Tuyết Hồng vẫn không hết bàng hoàng khi nhớ lại cơn lũ bất ngờ hôm trước:

"Mưa lũ đến quá bất ngờ, tôi không nghĩ lũ lớn nhanh như thế. Bây giờ, nếu thấy mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, chúng tôi sẽ chủ động hơn, sẽ gọi ngay cho phụ huynh đón các cháu. Nếu phụ huynh chưa đón kịp, cô trò sẽ dắt nhau đi sơ tán sớm lên vùng cao chứ không dám ở lại trường nữa" – cô Hồng chia sẻ.

Nguy hiểm đã qua, cô Nguyễn Thị Hòa – Phó hiệu trưởng Trường mầm non An Hiệp – vẫn ám ảnh hình ảnh cháu gái Trương Đỗ Khành Thương bị rơi xuống nước. "Tôi đã ngụp xuống và đưa được cháu lên nóc tủ. Rất may là cháu chỉ bị lạnh chứ không sao hết" – cô Hòa chưa hết xúc động nhớ lại.

Chia sẻ về việc gắn bó với nghề từ thời đi dạy lương chỉ là vài ký lúa, cô Hòa xót xa khi ngôi trường mình gắn bó bao năm bị thiệt hại nặng nề.

"Trước mắt, tôi ước có sách vở và đồ dùng đồ chơi cho các cháu học tập. Còn nguyện vọng lớn lao nhất là có một ngôi trường khang trang, an toàn để phục vụ học tập cho trẻ" – cô Hòa nêu tâm nguyện.



4 cô giáo trong chương trình giao lưu do báo Tuổi trẻ tổ chức tại trường chiều 15/12 


Đề nghị 4 cô được nhận bằng khen của UBND tỉnh

Có mặt tại Trường mầm non An Hiệp từ chiều 15/12, bà Nguyễn Thị Vũ Linh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuy An – cho biết: Các cô Hiệu trưởng Võ Thị Thu Sương, Hiệu phó Nguyễn Thị Hòa là hai cán bộ quản lý có tâm huyết và đầy trách nhiệm. Hai cô giáo Thái Thị Tuyết Hồng và Lê Thị Kim Hằng đều đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Thật xúc động khi các cô không những chăm sóc tốt các cháu mầm non mà đã thật sự bảo vệ các cháu mầm non được sống trong tình huống nguy hiểm.

"Từ xưa tới nay, chưa bao giờ tại địa phương xảy ra cơ lũ bất ngờ như vậy.

Trước những thiệt hại của nhà trường, các cấp lãnh đạo, ban ngành, đoàn thể, phụ huynh đã kịp thời giúp đỡ, quan tâm, chia sẻ, động viên, ủng hộ các cô. Ngành Giáo dục sẽ tham mưu các cấp để tạo điều kiện để các cô yên tâm công tác và xây dựng trường ở vị trí khác" – bà Nguyễn Thị Vũ Linh cho hay.

Chia sẻ thông tin với báo Giáo dục và Thời đại, bà Trần Ngọc Phương Thảo – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Phú Yên) – cho biết: Cùng với giấy khen của Sở GD&ĐT, Sở GD&ĐT Phú Yên đồng thời đã có đề nghị lên UBND tỉnh trao tặng bằng khen cho 4 cô giáo dũng cảm.

Dự kiến, việc trao bằng cho các cô sẽ được tổ chức trang trọng trong khuôn khổ hội nghị tổng kết Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và công bố quyết định công nhận kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh.

Được biết, chiều 15/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã cứu giúp và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cháu học sinh trong khi lũ về nhanh, gây ngập lụt nghiêm trọng tại trường.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng Bằng khen cho các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp; đồng thời nhiệt liệt biểu dương và cảm ơn các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp về hành động cao đẹp đó.

Bộ trưởng mong các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp nói riêng, các cô giáo, thầy giáo trên khắp mọi miền đất nước nói chung sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững nhiệt huyết, lòng yêu nghề để cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Nhân đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng trân trọng cảm ơn nhân dân và cán bộ xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ cô và trò Trường Mầm non xã An Hiệp nhanh chóng thoát khỏi nước lũ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị chính quyền và ngành Giáo dục tỉnh Phú Yên hỗ trợ Nhà trường sớm vượt qua khó khăn, ổn định việc dạy và học. 

Sáng 13/12, cả trường có 35 cháu đi học. Đến khoảng 11 giờ 30 phút, lũ đã vào sân trường nên Ban Giám hiệu liên hệ với gia đình để đưa các cháu về. Tuy nhiên, chỉ có 20 cháu được gia đình đón về nhà.
Sau đó, nước lũ dâng vùn vụt, lúc nước ngập đến bụng thì không thể chuyển các cháu ra ngoài được. Vì phía ngoài nước sâu hơn nên cô trò bị mắc kẹt tại trường.

Trước tình thế bất ngờ, các cô giáo đã kê bàn ghế để các cháu lên đó ngồi, một số cháu ngồi trên những chiếc kệ đồ chơi để không bị chìm trong nước. Đến khoảng 1 giờ 30 cùng ngày, nước lũ dâng lên ngập đầu người lớn.

Lúc đó, có 3 – 4 cháu ôm vào cổ mỗi cô. Các cô phải cõng các cháu đứng lên và đu vào các song cửa sổ của lớp học. Nhiều cô cố gắng dùng điện thoại để liên lạc người thân và các lực lượng cứu hộ, đồng thời la lớn để các hộ dân gần trường đến ứng cứu.

Lúc đó, các cô chỉ nghĩ, tài sản có thể làm lại được, chứ các cháu thì không thể tìm lại được, không có gì thay thế được. Việc cứu các cháu là chuyện quan trọng nhất được đặt lên hàng đầu, còn mọi chuyện khác thì để qua một bên. – Lời kể của cô Võ Thị Thu Sương – Hiệu trưởng Trường mầm non An Hiệp.



Xem nguồn

Hình thành các nhóm nghiên cứu phối hợp quốc tế về Việt Nam

Posted: 16 Dec 2016 06:15 AM PST



Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

Hội thảo quốc tế Việt Nam học đã diễn ra trong 2 ngày 15 – 16/12, thu hút được sự quan tâm đăng ký và gửi tóm tắt báo cáo của hơn 1.200 nhà khoa học, trong đó có 150 nhà khoa học nước ngoài đến từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

834 bản báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn đã được lựa chọn trình bày tại hội thảo, trong đó có 30 báo cáo được mời và đặt hàng từ các học giả có uy tín và tầm ảnh hưởng hàng đầu trên thế giới về ngoại giao, văn hóa, kinh tế, giáo dục, đổi mới sáng tạo và biến đổi khí hậu.

GS.TS.Nguyễn Hữu Đức Phó Giám đốc ĐHQGHN – Trưởng BTC Hội thảo khẳng định: Hội thảo đã thực sự là nhịp cầu kết nối các nhà Việt Nam học và nghiên cứu Việt Nam trên toàn cầu, không những thúc đẩy kết nối mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam mà đã bắt đầu hình thành các nhóm nghiên cứu phối hợp quốc tế. Đồng thời, Hội thảo lần này là một dấu mốc gắn kết, phát triển, đưa sự quan tâm của Việt Nam học truyền thống đến với những lĩnh vực rộng hơn, liên ngành hơn, gắn với các vần đề đương đại của Việt Nam.

Định vị được tốp 50 nhà nghiên cứu Việt Nam và Việt Nam học hàng đầu

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, thông tin trực tiếp từ hội thảo lần này và thông tin hỗ trợ từ các khảo sát thư tịch nói chung đã cho phép định vị 10 cơ sở nghiên cứu mạnh về các vấn đề Việt Nam học truyền thống, gắn với KHXH-NV nói riêng và 10 cơ sở nghiên cứu mạnh trên thế giới về các vấn đề KH&CN của Việt Nam nói chung (bao gồm cả khoa học tự nhiên, công nghệ, y học, nông nghiệp và môi trường…).

Các cơ sở này đang có nhiều kết quả công bố quốc tế rất sâu sắc về Việt Nam, trong đó có một số cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam đã tham gia hội nhập mạnh mẽ như: ĐHQGHN, Viện Hàn lâm KHCN VN, Đại học Cần Thơ, Đại học Y Hà Nội, ĐHQGTp Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế quốc dân…

Bên cạnh các cơ sở nghiên cứu, Ban tổ chức cũng đã định vị được top 50 các nhà nghiên cứu Việt Nam và Việt Nam học hàng đầu. Đây thực sự nhà các học giả có có sự yêu mến, quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. Trong số các nhà nghiên cứu Việt Nam hàng đầu này, có cả người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài và người Việt Nam đang hoạt động KH&CN ở trong nước. Một số các nhà khoa học đó có mặt trong Hội thảo hôm nay. Đây là các địa chỉ, các đối tác, những nguồn lực quý báu để hợp tác và phát triển các nghiên cứu Việt Nam vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Nóng vấn đề biến đổi toàn cầu

Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần này, các đại biểu tập trung vào chủ đề Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. Chủ đề này đã được thảo luận cho chính sách ngoại giao và hợp tác trong trật tự thế giới mới; về các xu hướng biến đổi của đạo đức, lối sống; về nguồn lực văn hóa; nguồn lực xã hội; hội nhập kinh tế và hội nhập KH&CN.

Bên cạnh đó, bối cảnh toàn cầu còn được đề cập với ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong tất cả các lĩnh vực quan tâm của hội thảo.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho hay, biến đổi toàn cầu còn gắn với biến đổi khí hậu. Các chuyên gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) Việt Nam và quốc tế đã khá thống nhất khi nhận định Việt Nam là một trong ít quốc gia chịu tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Vì vậy ứng phó thông minh với BĐKH gắn liền với phát triển bền vững được xem là lựa chọn thích hợp nhất cho Việt Nam.

Để giảm thiểu hậu quả của BĐKH, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo cần đấy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, khai thác tài nguyên năng lượng gió, năng lượng mặt trời và khí sinh học, vấn đề giảm thiểu BĐKH trong bối cảnh phát triển bền vững.

Tập trung triển khai xây dựng Bộ Quốc chí Việt Nam

Là đơn vị đầu mối tổ chức Hội thảo lần này, ĐHQGHN trực tiếp tiếp nhận các thành quả của Hội thảo để phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức của mình; tập hợp các ý kiến tư vấn của các nhà khoa học báo cáo lãnh đạo Đảng và Chính phủ.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, từ năm 2017, ĐHQGHN sẽ ra mắt Chuyên san Nghiên cứu Việt Nam. Chuyên san Nghiên cứu Việt Nam sẽ là diễn đàn cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế để công bố các công trình nghiên cứu của mình về Việt Nam học, tăng cường quan hệ giao lưu giữa cộng đồng, mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới, thúc đẩy lĩnh vực Việt Nam học phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện, cập nhật và phát triển chương trình đào tạo đại học và sau đại học về Việt Nam học và Khu vực học đạt chuẩn quốc tế.

Đồng thời sẽ thúc đẩy nhanh việc xây dựng Trung tâm tư liệu nghiên cứu Việt Nam học lớn của Việt Nam, hàng đầu của thế giới, đặt tại Hòa Lạc. Đặc biệt, tập trung nguồn lực, xác định cấu trúc, triển khai xây dựng Bộ Quốc chí Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp các nhà khoa học tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5.

Chiều 15/12/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thân mật tiếp đoàn đại biểu đại diện cho các nhà khoa học, học giả của hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đang tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5.

Phát biểu tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5; thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà khoa học về những đóng góp cho ngành Việt Nam học, góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.

Tổng Bí thư đánh giá, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần này đã lựa chọn chủ đề rất toàn diện, đề cập đến những vấn đề thiết thực, vừa mang tính khoa học vừa tư vấn chính sách cho Việt Nam.

Tổng Bí thư đặc biệt hoan nghênh, cảm ơn các nhà khoa học luôn dành cho Việt Nam những ý kiến đóng góp chân tình, quý báu, thực sự là những người bạn thân thiết của Việt Nam. Những ý kiến đó của các nhà khoa học thể hiện tình cảm tốt đẹp, tâm huyết và mong muốn Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa, phù hợp với nguyện vọng của Việt Nam, để Việt Nam hội nhập ngày càng sâu hơn vào đời sống quốc tế.

Tổng Bí thư cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt nam luôn trân trọng những ý kiến tham vấn của các nhà khoa học; mong muốn các nhà khoa học bằng trí tuệ, tâm huyết và tình cảm yêu mến đối với Việt Nam, sẽ tiếp tục nghiên cứu, truyền bá rộng rãi để bạn bè quốc tế hiểu biết sâu sắc hơn về Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm phát triển đất nước.

Nhật Hồng



Xem nguồn

Nâng chất và lượng nhờ SEQAP

Posted: 16 Dec 2016 05:31 AM PST


Câu lạc bộ Trò chơi dân gian- Trường Tiểu học số 1 Na Sang (Mường Chà, Điện Biên) Câu lạc bộ Trò chơi dân gian- Trường Tiểu học số 1 Na Sang (Mường Chà, Điện Biên)

Đa dạng, linh hoạt các hoạt động giáo dục

 Sau 6 năm học triển khai thực hiện Chương trình (2010-2016) tại các trường tiểu học của tỉnh, 40/40 trường tham gia chương trình SEQAP đều thực hiện nghiêm túc việc dạy học cả ngày theo đúng lộ trình quy định, 100% học sinh ở tất cả các khối lớp, tất cả các điểm trường đều được học từ 30 – 35tiết/tuần.


Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Điện Biên, nếu như năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 3364/5273 (63,8%) học sinh tại 16 trường tham gia SEQAP được học 2 buổi/ngày, thì đến năm học 2015-2016 100% học sinh tại 40 trường Seqap được học 2 buổi/ngày, nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày trên toàn tỉnh đạt 99,6%.

Kết thúc năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 7 huyện tham gia chương trình Seqap với 40 trường; 132 điểm trường; 703 lớp 15.158 học sinh; trong đó có 31/40 trường thuộc xã khó khăn (75%); 12.921 học sinh dân tộc thiểu số (85,3%); 40/40 trường đều thực hiện dạy học cả ngày, với 100% học sinh tham gia cả ở trường chính và điểm trường lẻ.

Điều đáng ghi nhận là, các trường tiểu học tham gia Seqap đã tích cực chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương, cộng đồng thôn bản, phụ huynh học sinh tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền và thu hút học sinh tham gia học cả ngày; tổ chức, chỉ đạo các lớp thực hiện học cả ngày phù hợp, đảm bảo hiệu quả.

Thầy Nguyễn Sỹ Quân – Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên – cho biết: “Kết quả học tập của học sinh các trường qua từng năm học đã từng bước được nâng lên đáng kể.

Các trường đã tập trung thực hiện việc củng cố kiến thức, kỹ năng môn Toán, tiếng Việt đảm bảo để học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học bằng việc tăng thời lượng học tập cho môn tiếng Việt và Toán.

Tổ chức linh hoạt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động bổ trợ khác nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Nâng cao khả năng học tập tiếng Việt cho học sinh dân tộc qua việc thực hiện tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh dân tộc qua các môn học khác.

Nâng chất và lượng nhờ Chương trình SEQAP

Cũng theo thầy Quân, với sự hỗ trợ của Chương trình SEQAP, sự quan tâm phối hợp của chính quyền địa phương, cộng đồng, sự cố gắng của các nhà trường, chất lượng giáo dục của các trường SEQAP từ năm học 2010-2011 đến nay đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, học sinh ở các điểm trường đi học đều hơn, không còn hiện tượng học sinh bỏ học; tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 100%; tỷ lệ học sinh phải rèn luyện trong hè giảm đáng kể; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học tăng, cụ thể kết quả học tập của học sinh các trường SEQAP qua từng năm học.

Ngay trong năm học 2015-2016, có 2.788/2.874 học sinh lớp 5 thuộc 40 trường SEQAP hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 97,1%; trong đó tỷ lệ học sinh học cả ngày (FDS) đạt 100%.

Hiệu quả từ dạy học 2 buổi/ngày

Theo thầy Quân, một trong những điểm nổi bất, rất đáng hoan nghênh đó là, các trường học đã tổ chức thực hiện hiệu quả dạy học 2 buổi/ngày (FDS).

Theo đó, cùng với việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện, các trường tiểu học tham gia SEQAP đã vận dụng linh hoạt thời gian trong việc tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh như:

Tổ chức dạy học củng cố kiến thức kỹ năng môn Toán, môn tiếng Việt cho học sinh vào các tiết tăng thêm; dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc; triển khai dạy tiếng Việt công nghệ giáo dục tại 33/40 trường SEQAP, tích hợp rèn luyện, nâng cao khả năng học tập tiếng Việt cho học sinh dân tộc qua thực hiện tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc qua các môn học khác.

Hình thức tổ chức dạy học trong các trường SEQAP của tỉnh được áp dụng đa dạng, phong phú, mềm dẻo, linh hoạt, mở về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng và số lượng; học sinh có được nhiều cơ hội trải nghiệm; huy động nhiều lực lượng tham gia tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường như giáo viên, phụ huynh, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường cùng tham gia.

Tài liệu được cung cấp từ Chương trình SEQAP đã giúp giáo viên xây dựng nội dung dạy các tiết tăng thêm, củng cố kiến thức kỹ năng cho học sinh,… tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp với các hoạt ngoại khóa như: Em yêu biển đảo Việt Nam, chúng em với môi trường và cuộc sống; giao lưu tiếng Việt của chúng em, rung chuông vàng …

Qua đó đã tạo sân chơi lành mạnh bổ ích cho học sinh, giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn và góp phần nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Việt, kỹ năng sống cho các em.

Đồng thời làm phong phú thêm những hiểu biết cho học sinh về các lĩnh vực của đời sống xã hội, vốn tri thức, kinh nghiệm hoạt động tập thể của học sinh. Từ đó hỗ trợ các hoạt động dạy học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Đặc biệt, theo thầy Nguyễn Sỹ Quân, hiện nay 40/40 trường tham gia SEQAP đã xây dựng kế hoạch sinh hoạt sư phạm chuyên đề và chỉ đạo các tổ chuyên môn triển khai thực hiện.

Đơn cử như năm học 2015-2016, 40 trường tham gia SEQAP đã tổ chức được 126 chuyên đề cấp tổ, cấp trường; các chuyên đề được xây dựng bước đầu đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ qua sinh hoạt sư phạm theo chuyên đề; một số chuyên đề đã có tác dụng nâng cao chất lượng giảng dạy đối với giáo viên, chất lượng học tập của học sinh.

“Các hoạt động của câu lạc bộ bước đầu được tổ chức đã giúp học sinh học tập tích cực hơn, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần được nâng lên, phát huy năng lực các mặt hoạt động cũng như học tập của học sinh.

Nhiều câu lạc bộ đã được thành lâp như: Câu lạc bộ văn nghệ; thể dục thể thao; thơ ca; em yêu khoa học; Toán học; em yêu Tiếng Việt; Mỹ thuật; Âm nhạc; cờ vua; chúng em cùng đọc sách; Erobich; em yêu dân ca;… thu hút được sự tham gia tích cực của học sinh”.

Thầy Nguyễn Sỹ Quân



Xem nguồn

“Nóng” nghị trường việc dừng hay triển khai rộng rãi mô hình VNEN

Posted: 16 Dec 2016 04:49 AM PST


Mô hình trường học mới (VNEN) được thí điểm thực hiện tại 73 trường tiểu học ở Nghệ An.

Mô hình trường học mới (VNEN) được thí điểm thực hiện tại 73 trường tiểu học ở Nghệ An.

Thực hiện mô hình trường học mới (VNEN), Nghệ An đã thí điểm triển khai tại 73 trường tiểu học, 26 trường THCS. Kết thúc thí điểm, trên cơ sở những kết quả đạt được Sở GD-ĐT Nghệ An đã lấy ý kiến của các giáo viên, cán bộ quản lý về việc tiếp tục duy trì mô hình này.

Theo kết quả khảo sát ý kiến của Sở GD-ĐT Nghệ An, có 97,7% cán bộ quản lý và giáo viên thuộc 73 trường thực hiện thí điểm đề nghị tiếp tục duy trì các mô hình của Dự án (trong đó 70/73 trường đề nghị tiếp tục triển khai tất cả các thành tố của Dự án, 3 trường đề nghị chỉ thực hiện một phần, không sử dụng tài liệu của Dự án trong dạy và học (Trường TH Nguyễn Trãi, TP. Vinh; TH thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn; TH Tiền Phong 2, huyện Quế Phong). Có 412/470 trường tiểu học không thực hiện thí điểm đăng ký thực hiện các thành tố của mô hình trường học mới.

Theo đại biểu Đinh Thị An Phong thì cử tri tỉnh Nghệ An cho rằng thực tế của tỉnh này chưa phù hợp để triển khai rộng mô hình VNEN.

Theo đại biểu Đinh Thị An Phong thì cử tri tỉnh Nghệ An cho rằng thực tế của tỉnh này chưa phù hợp để triển khai rộng mô hình VNEN.

Đại biểu Đinh Thị An Phong cho rằng, dạy học theo mô hình này cần rất nhiều điều kiện, trong khi đó nhiều bất cập về cơ sở vật chất, giáo viên, tài liệu học tập, sỹ số, sự đồng thuận của phụ huynh.

Chất vấn bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, đại biểu An Phong nêu câu hỏi: "Hiện nay, trong toàn tỉnh còn nhiều nơi thiếu phòng học, tập huấn cho giáo viên còn sơ sài, phụ huynh không đồng thuận… nên cử tri cho rằng, thực tế của tỉnh chưa phù hợp để triển khai rộng mô hình dạy học này. Bà suy nghĩ như thế nào về ý kiến của cử tri?

Là thủ lĩnh ngành, theo bà, thời gian tới, ngành có nên tham mưu và quyết định dạy học theo mô hình mới này không? Với tư cách là Giám đốc Sở, bà có chịu trách nhiệm về chất lượng dạy và học theo mô hình mới hay không?" .

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục Nghệ An về mô hình trường học mới.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục Nghệ An về mô hình trường học mới.

Đại biểu Phan Thị Thanh Thủy thì cho rằng mô hình VNEN vẫn còn nhiều bất cập, các tên gọi như Hội đồng tự quản, Chủ tịch… là khiên cưỡng, không thích hợp với môi trường giáo dục. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, các đại biểu nhận được phản ánh về chỗ ngồi, sỹ số không đều, sách giáo khoa chưa đủ… Đại biểu Thủy đặt câu hỏi: "Trong giai đoạn thí điểm có hỗ trợ kinh phí, nhưng sau khi kết thúc thí điểm, không có hỗ trợ thì sẽ thực hiện như thế nào? Quan điểm của Sở có nên dừng mô hình này hay không?".

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An): “Trả lời về mô hình VNEN của Sở GD-ĐT Nghệ An trái với Công văn Bộ GD-ĐT trả lời các đại biểu Quốc hội: khuyến khích trên cơ sở tự nguyện; lựa chọn nhân tố tích cực; áp dụng mô hình tiên tiến khác. Theo chuẩn này thì chúng ta phải hạn chế dần và phải tìm một mô hình mới, song ở Nghệ An thì không…".

Theo đại biểu Lục Thị Liên (huyện Quỳ Châu) thì nhiều ý kiến trái chiều cho rằng học sinh khá giỏi mới tiếp cận tốt mô hình VNEN, báo cáo giải trình của Sở GD-ĐT cũng đã có đề ra những bất cập, nhất là ở miền núi, 1 trường chỉ có 2 giáo viên đi tập huấn, học sinh nhận thức còn kém, chưa nói rõ tiếng phổ thông. "Đề nghị Sở GD-ĐT cho biết áp dụng mô hình này ở miền núi đã phù hợp hay chưa? Đã có giải pháp gì hỗ trợ cho các trường và giáo viên miền núi?".

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (huyện Đô Lương) thẳng thắn: "Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh có nhiều giải pháp chấn chỉnh học thêm và dạy thêm, tuy nhiên qua thực hiện mô hình VNEN ở các trường xảy ra tình trạng phụ đạo thêm buổi chiều cho học sinh do lo lắng học sinh không nắm được bài học trên lớp. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?".

Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An: Nhiệm vụ đổi mới giáo dục không thể không làm!

Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An: Nhiệm vụ đổi mới giáo dục không thể không làm!

Trả lời chất vấn các đại biểu, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Về nguyên lý, mô hình VNEN là tốt, điều quan trọng là thực hiện có phù hợp hay không. Về điều kiện, mô hình VNEN không đòi hỏi quá cao mà cơ bản là có phòng học với trang thiết bị theo phòng học bình thường. Giáo viên tại các trường thực hiện mô hình VNEN đều đủ chuẩn đào tạo, tuy nhiên, dạy theo mô hình này giáo viên phải giỏi và tâm huyết, trách nhiệm. Tài liệu có sự khác biệt nhưng về khung chương trình và chuẩn kiến thức là như nhau.

"Việc phụ đạo cho học sinh chỉ xảy ra ở một số nơi, nhất là TP Vinh; chủ yếu do phụ huynh quá quan tâm lo lắng cho con em, băn khoăn về hiệu quả và lộ trình triển khai cũng như việc thi cử như thế nào. Vấn đề này Sở sẽ rà soát và có điều chỉnh", Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho hay.

Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh) tập trung tại trường để kiến nghị dừng thực hiện mô hình VNEN.

Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh) tập trung tại trường để kiến nghị dừng thực hiện mô hình VNEN.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi cũng cho biết, việc nhân rộng mô hình trường học mới VNEN Sở khuyến khích các trường áp dụng theo tinh thần tự nguyện. Những trường đã thực hiện thì tiếp tục phát huy hiệu quả, những trường còn lại áp dụng các thành tố tích cực của mô hình. Những giải pháp nào phù hợp thì áp dụng, vận dụng linh hoạt. Những thành tố không phù hợp thì không triển khai.

Sau khi nghe chất vấn và trả lời chất vấn xung quanh mô hình VNEN, ông Nguyễn Xuân Sơn – Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị tạm dừng nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh, tôn trọng nguyên tắc tự nguyện. Nếu có trường thực hiện thì cần đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện triển khai.

Hoàng Lam



Xem nguồn

Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Khăm Muộn thăm và làm việc tại Quảng Bình

Posted: 16 Dec 2016 04:06 AM PST


Đoàn công tác của Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Khăm Muộn chụp ảnh lưu niệm cùng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng BìnhĐoàn công tác của Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Khăm Muộn chụp ảnh lưu niệm cùng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình

Ông Bún Pón Thong Sủ Văn Na Lát – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Khăm Muộn – đã thông báo tình hình thực tế của ngành giáo dục tỉnh Khăm Muộn hiện nay. Tỉnh Khăm Muộn hiện có 919 trường, điểm trường học, với hơn 100.000 học sinh ở các cấp học từ Mầm non đến THPT và Giáo dục chuyên nghiệp.

Với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ hơn 4.500 cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành, trong những năm qua, ngành Giáo dục Khăm Muộn đã gặt hái được những thành công nhất định.

Đến thời điểm này ngành vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Trình độ ngoại ngữ của giáo viên chưa cao; học sinh vào cấp THCS còn thấp do các nhà trường chưa có bán trú mà hầu hết học sinh đều ở các bản, làng xa xôi; tỉnh chưa có mô hình trường học chất lượng cao như Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp của Quảng Bình…

Ông Bún Pón Thong Sủ Văn Na Lát cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ cử Hiệu trưởng và giáo viên của Khăm Muộn sang học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tại các trường học của Quảng Bình; hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên ở các bậc cao đẳng, đại học và cao học…

Tại buổi làm việc, ông Đinh Quý Nhân – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình – nhấn mạnh: Với tình cảm bền chặt và sâu sắc của hai nước, hai tỉnh và hai Sở Giáo dục, từ năm 2016 trở đi ngành Giáo dục Quảng Bình và Khăm Muộn sẽ có những cuộc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau ký kết hợp tác phát triển giáo dục luân phiên mỗi năm một lần.

Quảng Bình sẽ tiếp tục tăng cường giáo viên sang công tác tại Khăm Muộn, giúp các trường dạy Tiếng Việt và hỗ trợ một số hoạt động phát triển giáo dục; cũng như tiếp nhận học sinh, sinh viên của tỉnh Khăm Muộn sang học tại Trường Đại học Quảng Bình và Trường trung cấp Luật Đồng Hới.

Đặc biệt sẽ tạo điều kiện để cán bộ quản lý và giáo viên bộ môn của tỉnh Khăm Muộn sang tham quan, học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa các trường để ngày càng thắt chặt thêm tình đoàn kết và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn.

Trong khuôn khổ của chuyến công tác này, đoàn cán bộ của Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Khăm Muộn đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm về những mô hình triển khai dạy và học tại các trường Trường tiểu học Đồng Phú, THCS số 1 Nam Lý và THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp.

Sau chuyến thăm, trao đổi với báo GD&TĐ, ông Bún Pón Thong Sủ Văn Na Lát cho biết: Đây là chuyến tham quan rất ý nghĩa đối với đoàn của Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Khăm Muộn, qua đây chúng tôi có thể học hỏi được kinh nghiệm từ việc triển khai một số mô hình dạy học đối với học sinh tiểu học hay là việc chú trọng đào tạo học sinh có thành tích cao như tại trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp.

Thời gian tới, với sự hợp tác gắn kết chặt chẽ chúng tôi hy vọng ngành giáo dục của hai tỉnh sẽ có những trao đổi, giúp đỡ nhau trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu của dạy học của mỗi tỉnh…



Xem nguồn

SEQAP tạo cú hích nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học

Posted: 16 Dec 2016 03:25 AM PST


Đó là nhận định của các đại biểu tham dự hội nghị, của các nhà tài trợ và trong báo cáo của Ban quản lý chương trình SEQAP tại hội nghị tổng kết chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học diễn ra hôm nay (16/12) tại Hà Nội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được tham quan các khu trưng bày thành tựu của SEQAP, nghe báo cáo tổng kết Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, xem những tư liệu của chương trình đã được triển khai tại các địa phương, chia sẻ những kinh nghiệm duy trì bền vững thành quả SEQAP tại một số địa phương trong năm học 2016-2017.



 Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội nghị

Những thành tựu đáng ghi nhận của SEQAP

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhận định: Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) được triển khai từ tháng 3/2010 tại 36 tỉnh có điều kiện KTXH khó khăn với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học, rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các vùng miền. Sau gần 7 năm triển khai, chương trình đã đạt được kết quả tốt đẹp với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

SEQAP là chương trình đầu tiên triển khai theo phương thức giải ngân mới, kinh phí được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Vượt qua những khó khăn ban đầu, Chương trình dần đi vào ổn định với sự cố gắng của BQL dự án, của trung ương của địa phương.

Với nguồn đầu tư  hơn 3.000 tỉ đồng, gồm nguồn ODA của các đối tác phát triển, vốn đối ứng của Chính phủ và vốn của 36 tỉnh, qua 7 năm triển khai, SEQAP đã làm cho bộ mặt trường lớp, cơ sở vật chất ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số có nhiều cải thiện đáng kể. Hơn 2.000 phòng học, hơn 1.200 nhà vệ sinh, 262 nhà đa năng, 151 trung tâm truyền thông đã được đầu tư xây dựng. Đây là nguồn cơ sở vật chất đáng được coi trọng.

Đặc biệt là 151 trung tâm truyền thông các phòng GD là nơi để đào tạo đội ngũ giáo viên không chỉ hôm nay mà cho cả ngày mai, trong các giai đoạn tiếp theo để ngành GD tiếp tục tăng cường năng lực của đội ngũ.

Có hơn 1,2 triệu lượt giáo viên và cán bộ được bồi dưỡng. Hình thức, nội dung chương trình bồi dưỡng lần này có rất nhiều đổi mới theo hướng sát thực, hợp với nhu cầu của giáo viên.

Đã có hơn 210.000 học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ bữa ăn trưa để học cả ngày. Một hệ thống tài liệu gồm 20 bộ tài liệu được biên soạn để phục vụ cho việc dạy học giáo dục rèn luyện để phục vụ công tác giáo dục trong các nhà trường. Đã có 1628 trường tiểu học với 1.180.803 học sinh của 36 tỉnh có điều kiện KTXH khó khăn đã chuyển từ học nửa ngày sang học cả ngày.

SEQAP tạo ra cú hích cho giáo dục tiểu học

Các báo cáo tham luận tại hội nghị cho thấy rõ lợi ích của việc học 2 buổi 1 ngày. Việc dạy học cả ngày sẽ tăng thời lượng để củng cố kiến thức các bộ môn, đặc biệt là các bộ môn Toán, Tiếng Việt. Học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm, tham gia các CLB, được giáo dục kĩ năng sống.

Có thể nói rằng các hoạt động đó đã tác động đến chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường, thể hiện ở tỉ lệ xếp loại hạnh kiểm, xếp loại học lực, tỉ lệ học sinh lên lớp, tỉ lệ học sinh khác giỏi tăng, tỉ lệ học sinh lưu ban bỏ học giảm.

Một điều đáng mừng là học sinh thêm yêu trường yêu lớp, phụ huynh tin tưởng tạo điều kiện cho con em đến trường. Điều này đã tác động không chỉ đến học sinh mà còn nâng cao nhận thức của phụ huynh về việc nâng cao kiến thức cho con em, tạo điều kiện cho con em học tập.

Ngoài sự hỗ trợ của SEQAP thì ở nhiều nơi phụ huynh đã chung tay đóng để các cháu ăn trưa tại trường. Tất cả các phụ huynh đều rất vui mừng vì những lợi ích mà SEQAP mang lại.

Ngoài ra, SEQAP cũng đóng góp để hoàn thiện khung cơ cấu hệ thống chính sách. Cụ thể đã góp phần vào việc xây dựng thông tư về xác định vị trí việc làm, về xây dựng chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh bán trú.

Đặc biệt, BQL chương trình SEQAP đã xây dựng lộ trình chuyển đổi các trường tiểu học sang thực hiện học 2 buổi 1 ngày. Lộ trình này là kế hoạch khung để các địa phương tham khảo học tập để triển khai học cả ngày trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhận định: SEQAP đã tạo ra cú hích để các địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực cho giáo dục tiểu học. Chương trình đã tác động đến đối tượng học sinh, giáo viên, đến cha mẹ học sinh, đến cấp ủy chính quyền địa phương có sự quan tâm chăm lo nhiều hơn đến giáo dục tiểu học.

Có thể khẳng định rằng Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học đã mang lại một sinh khí mới, nét tươi mới cho các trường tiểu học ở các vùng khó khăn: Cơ sở vật chất khang trang sạch đẹp hơn, điều kiện học tập đảm bảo đầy đủ hơn, chất lượng giáo dục được nâng cao hơn. Cha mẹ học sinh quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con, tạo điều kiện để các cháu đến trường, phối hợp với nhà trường để chăm lo cho các em học sinh.

Chương trình SEQAP đã góp phần để chúng ta thực hiện công bằng trong giáo dục cơ bản và góp phần vào thực hiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 trong đó có 1 chỉ tiêu quan trọng là 90% các trường tiểu học dạy 2 buổi 1 ngày (Đến nay chúng ta mới đạt gần 60% số trường).

SEQAP đã đóng góp một phần rất xứng đáng trong việc tăng tỉ lệ 2 buổi /1 ngày ở các trường tiểu học trong cả nước, đặc biệt là từ những vùng khó khăn nhất trong cả nước.



Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 71 tập thể và 154 cá nhân đã có thành tích xuất sắc

Tiếp nhận những thành quả to lớn của SEQAP

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Bộ GD&ĐT và các địa phương sẽ có trách nhiệm tiếp nhận các kết quả của dự án duy trì và phát triển bền vững những kết quả này trong thời gian tới vì sự phát triển của GD tiểu học.

Để những kết quả của chương trình được duy trì và phát triển tốt hơn, đảm bảo tính bền vững như mục tiêu ban đầu đã đề ra, Bộ GD&ĐT đề nghị các đồng chí lãnh đạo các địa phương trên cơ sở những kết quả đã đạt được tiếp tục quan tâm chỉ đạo hỗ trợ để các trường tiểu học trong và ngoài SEQAP tiếp tục thực hiện mô hình dạy học cả ngày vì những lợi ích thiết thực của nó.

Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch lộ trình để chuyển đổi các trường tiểu học dạy một buổi 1 ngày còn lại của địa phương sang dạy cả ngày. Để làm được điều đó, các Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT cần căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương để tích cực tham mưu, duy trì phát triển bền vững những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể để chuyển đổi những trường tiểu học sang dạy học 2 buổi/1 ngày.

Kết thúc SEQAP, các Sở GD&ĐT tham mưu với địa phương tiếp tục vận động để nhân dân nhận thức được ý nghĩa của hoạt động này, để phụ huynh đóng góp hỗ trợ cho các cháu ăn trưa tại trường vì những lợi ích thiết thực, vì chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Trong thời gian triển khai SEQAP, các giáo viên đã được bồi dưỡng để nâng cao năng lực. Thứ trưởng cũng đề nghị các đồng chí cán bộ quản lý, giáo viên các trường tham gia SEQAP tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo công bằng bình đẳng trong tiếp cận giáo dục tiểu học có chất lượng thông qua mô hình dạy học cả ngày.

Bộ GD&ĐT đánh giá cao BQL chương trình, đặc biệt là đồng chí giám đốc Trần Đình Thuận đã triển khai những ý tưởng mà Bộ đề ra. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng đóng góp quan trọng vào thành công của SEQAP khi ông là người đã khởi xướng và triển khai chỉ đạo thực hiện chương trình. Thêm vào đó là sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, Chính phủ vương quốc Bỉ, Vụ phát triển quốc tế của Vương quốc Anh, sự phối hợp của các bộ ngành Trung ương, các địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kết luận: Chương trình SEQAP đã thành công, nhưng vấn đề duy trì phát triển thành quả mà chương trình đã đạt được phụ thuộc vào sự nỗ lực của các giáo viên, cán bộ quản lý, của các đồng chí từ các Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, sự ủng hộ của địa phương, của nhân dân. Tôi mong rằng tất cả chúng ta cùng chung tay để làm cho SEQAP thành công, tiếp tục lan tỏa từ những nơi khó khăn nhất đến tất cả các vùng miền trên cả nước, vì chất lượng của giáo dục tiểu học, cấp học nền tảng của giáo dục nước nhà.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã tặng bằng khen của bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 71 tập thể và 154 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học giai đoạn 2009-2016.

Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) với tổng mức đầu tư 179.522.000 USD (3.322 tỉ đồng), trong đó có 151.652.000 USD vốn ODA của các đối tác phát triển, 27.900.000 USD vốn đối ứng của Chính phủ và của 36 tỉnh tham gia.

Sau 7 năm thực hiện đã hỗ trợ xây dựng mới 2006 phòng học, 1289 nhà vệ sinh, 262 phòng học đa năng và 151 Trung tâm nguồn thông tin tại các Phòng GD&ĐT để tổ chức bồi dưỡng tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý phụ vụ cho dạy học cả ngày.

Đã có hơn 210.000 học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ bữa ăn trưa để học cả ngày.

Gần 1,2 triệu lượt giáo viên, cán bộ quản lý được bồi dưỡng tập huấn tăng cường năng lực, xây dựng hệ thống văn bản tài liệu để chuyển đổi 1628 trường tiểu học với tổng số 1.180.803 học sinh của 36 tỉnh có điều kiện kinh tế khoa khăn từ dạy học 1 buổi. 1 ngày sang dạy học cả ngày.

Chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo các trường tiểu học ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên.

Một lộ trình chuyển đối các trường tiểu học trên toàn quốc chuyển sang dạy học cả ngày giai đoạn 2016-2020 đã được xây dựng với phương án có tính khả thi là tín hiệu tích cực cho đổi mới, sáng tạo và Bộ GD&ĐT sẽ tiếp nhận, chỉ đạo các địa phương thực hiện trong thời gian tới.



Xem nguồn

“Không có gì là xấu hay tốt, nhưng suy nghĩ khiến nó trở thành như vậy”

Posted: 16 Dec 2016 02:41 AM PST


– Đó là một trong những câu nói bất hủ trong các tác phẩm của WilliamShakespeare đã được các bạn trẻ Việt nhắc đến trong các bài luận dự thi “Shakespeare Lives in Me""Shakespeare sống mãi trong tôi"do Đại sứ quán Anh cùng Hội đồng Anh Việt Nam tổ chức được đánh giá cao.

"Shakespeare sống mãi trong tôi" là cuộc thi viết luận về những câu trích trong tác phẩm của Shakespeare, được tổ chức trong tháng qua dành cho những người yêu mến Shakespeare nói riêng và văn học Anh nói chung. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh các tác phẩm của William Shakespeare nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày mất của ông.

Đại sứ Anh Giles Lever trao quà cho các bạn trẻ Việt Nam có những bài luận tốt về những câu trích trong tác phẩm của Shakespeare

Cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của rất nhiều bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam.

Tại buổi trao thưởng diễn ra ngày 15/12, Ngài Giles Lever cho biết, ban tổ chức đã rất ấn tượng với chất lượng của các bài dự thi. Nhiều bài viết thể hiện cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của các bạn trẻ, cũng như nêu bật được mối liên hệ giữa giá trị nhân văn trong các câu nói bất hủ của các tác phẩm của Shakespeare, dù đã được sáng tác từ hàng trăm năm trước, với giá trị của con người và cuộc sống hiện đại.

"Tình yêu không nhìn bằng đôi mắt, mà bằng tâm hồn" (Love looks not with the eyes, but with the mind), "Lắng nghe nhiều người, nói với ít người" (Listen to many, speak to a few), hay "Không có gì là xấu hay tốt, nhưng suy nghĩ khiến nó trở thành như vậy" (There is nothing either good or bad, but thinking makes it so)… và còn rất nhiều những câu nói bất hủ khác trong các tác phẩm của William Shakespeare đã được nhắc đến trong các bài luận dự thi.

"Điều này để thấy rằng, các nhà văn Anh có thể truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ Việt Nam và điều này khiến tôi cảm thấy rất vui.

William Shakespeare và các tác phẩm của ông là nhịp cầu văn hóa nối liên các quốc gia vì những giá trị nhân văn mà ông đã khai thác trong các tác phẩm của mình vẫn luôn phù hợp với thế giới hiện tại.

Tôi rất vui khi có nhiều bạn trẻ Việt Nam đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về những câu trích dẫn từ các tác phẩm bất hủ của Shakespeare. William Shakespeare là niềm tự hào của người Anh cũng giống như mọi người dân Việt Nam, ai cũng biết đến Nguyễn Du và truyện Kiều. Truyện Kiều cũng đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi của một quốc gia" – Ngài Giles Lever chia sẻ.

Ban tổ chức cũng trao 3 giải thưởng cho 3 bạn trẻ có những bài luận xuất sắc nhất.

Ngài Giles Lever cũng cho biết, trong tương lai, Đại sứ quán Anh và Hội đồng Anh hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của công chúng Việt Nam đối với các hoạt động trao đổi văn hóa – nghệ thuật giữa hai nước.

Thanh Hùng



Xem nguồn

Đà Nẵng: Cảnh báo học sinh, phụ huynh hạn chế đi lại trong mưa lũ

Posted: 16 Dec 2016 01:58 AM PST


Đà Nẵng khuyến cáo học sinh, phụ huynh hạn chế đi lại trong vùng mưa lũ (ảnh minh họa)

Đà Nẵng khuyến cáo học sinh, phụ huynh hạn chế đi lại trong vùng mưa lũ (ảnh minh họa)

Chiều 16/12, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, Sở cũng đã chỉ đạo Hiệu trưởng các trường học ở các địa bàn còn lại chủ động quyết định và cho học sinh nghỉ học hay không tùy tình hình. Cùng với học sinh toàn huyện Hòa Vang đã nghỉ học từ hôm qua 15/12, học sinh Trường Tiểu học Ông Ích Đường (quận Cẩm Lệ) cũng đã được Hiệu trưởng quyết định cho nghỉ học bắt đầu từ chiều 16/12 để tránh mưa to gió lớn và nhiều tuyến đường dẫn tới trường học bị ngập gây chia cắt giao thông.

Ngoài ra, để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, Sở GD-ĐT Đà Nẵng yêu cầu các trường học, đơn vị trên địa bàn triển khai phương án bảo vệ tài sản, trang thiết bị trường học, đơn vị trong trường hợp có lũ, lũ quét, sạt lở đất; phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình mưa lũ, xử lý các tình huống và kịp báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão cấp trên.

Khánh Hiền



Xem nguồn

Comments