Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM sẽ như thế nào?

Posted: 13 Dec 2016 08:24 AM PST


ĐHQG Hà Nội vừa thông báo dừng kì thi đánh giá năng lực. "Số phận" kỳ thi đánh giá năng lực mà ĐH QG TP.HCM có chủ trương tổ chức năm 2017 sẽ như thế nào.

Trước đó, ĐHQG TP.HCM công bố chủ trương tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào năm 2017. Theo đó bài thi được tổ chức theo định hướng đánh giá năng lực học đại học chứ không nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh. Bài thi dự kiến làm trên giấy gồm 1 câu tự luận, 125 câu trắc nghiệm trong thời gian 180 phút.

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM sẽ như thế nào?
Thí sinh TP.HCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Cấu trúc bài thi gồm 2 phần: Phần 1 đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ, và phần 2 kiểm tra khả năng tư duy logic, giải quyết vấn đề.

Trong phần 1 dự kiến sẽ có 25 câu trắc nghiệm tiếng Việt đánh giá khả năng dùng từ, đọc hiểu và phân tích bài viết; 25 câu trắc nghiệm đánh giá khả năng đọc hiểu tiếng Anh; một bài luận tiếng Việt khoảng 25 – 50 dòng trình bày về một chủ đề cho sẵn.

Trong phần 2 là kiểm tra trắc nghiệm tư duy logic thể hiện qua kiến thức toán học và bài trắc nghiệm kiểm tra khả năng phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề với 50 câu về kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế và kỹ thuật.

Theo dự kiến của ĐHQG TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ  diễn ra sau 2 tuần kỳ thi THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức và được tổ chức ở 3 điểm: TP.HCM, Cần Thơ và Quy Nhơn.

Trong năm đầu tiên bài thi có thể chỉ theo hình thức trắc nghiệm, phần tự luận kiểm tra khả năng diễn đạt tiếng Việt sẽ thực hiện sau 2 năm tiếp theo để thí sinh có thời gian chuẩn bị.

Bên cạnh đó, phương án tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM trong năm 2017 vẫn đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau để xét tuyển. Trong đó mở rộng ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi các trường phổ thông chuyên và năng khiếu từ 10% (năm 2016) lên 20 – 30%; sử dụng kết quả kỳ thi THPT, có những ngành xét 100% chỉ tiêu và có những ngành chỉ xét một phần chỉ tiêu dựa trên kết quả này.

Đối với một số ngành sẽ xét dựa trên kết quả kỳ đánh giá năng lực do ĐHQG TP.HCM tổ chức. Kết quả kỳ đánh giá năng lực có thể được sử dụng xét tuyển trực tiếp hoặc là điểm thành phần trong tổng điểm xét tuyển.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng ĐHQG TP.HCM cho biết “Hiện tại chúng tôi đang bàn bạc và thảo luận trong ban giám đốc và có quyết định cụ thể trong tuần này“.

Theo ông Chính, kế hoạch đã ban hành nhưng hiện tại ĐHQG TP.HCM đang cân nhắc thấu đáo mọi vấn đề trước khi công bố. Tuy nhiên, vấn đề ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi các trường phổ thông chuyên và năng khiếu từ 10% (năm 2016) lên 20 – 30% chắc chắn vẫn sẽ thực hiện, và năm nay sẽ mở rộng hơn năm trước. ĐHQG TP.HCM sẽ hoàn thiện để gửi đề án lên Bộ GD-ĐT.

Trong khi đó, lãnh đạo một trường đại học thành viên của ĐHQG TP.HCM cho biết “Mặc dù Ban giám đốc ĐHQG TP.HCM rất muốn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong năm 2017 nhưng chắc chắn chưa thể làm được. Nếu nhanh lắm cũng phải đến 2018 mới làm được".

Vị này cũng cho biết, với việc Bộ GD-ĐT tổ chức thi như hiện nay ĐHQG TP.HCM không nên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng. “Bài học là từ ĐHQG Hà Nội. Qua hai năm tổ chức đánh giá năng lực nhưng ĐHQG Hà Nội chưa đánh giá được cái hay, cái được, đầu tư tiền của rất nhiều nhưng cuối cùng cũng phải dừng lại…” – vị này bình luận.

Lê Huyền



Xem nguồn

Phép toán "cô sai hay trò sai" có lời giải đúng thế nào?

Posted: 13 Dec 2016 07:41 AM PST


Trước những tranh cãi không có hồi kết của các phụ huynh về đáp án bài toán chỉ gồm các phép cộng trừ mới đây, các giáo viên dạy toán đã đưa ra lời giải chính xác cuối cùng.

Cụ thể, bài toán được một phụ huynh đăng tải trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ với câu hỏi: "Cô sai hay trò sai?" khiến các mẹ tranh cãi nảy lửa có đề bài như sau:

Tính nhanh:

66 – 6 + 7 + 23 -18 + 2=?

Với đề này, đáp án mà em học sinh đưa ra là 74 nếu cứ cộng trừ lần lượt từ trái qua phải. Tuy nhiên, theo phần sửa được cho là của giáo viên khi cộng trừ ghép các cụm số vào với nhau để có kết quả tròn (phù hợp với yêu cầu tính nhanh của bài toán) thì kết quả là 70.

Sau chưa đầy 1 tiếng đăng tải, bài toán đã nhận được hàng trăm bình luận tranh cãi.

Phép toán 'cô sai hay trò sai' có lời giải đúng thế nào?

Một số phụ huynh cho rằng, cách cộng trừ theo cụm để có kết quả tròn như phần bút đỏ sửa chữa sẽ đảm bảo yêu cầu "tính nhanh" của bài toán, nhưng lẽ ra kết quả này cũng phải trùng với kết quả theo cách tính bình thường.

Trao đổi với VietNamNet, thầy Nguyễn Cao Cường (giáo viên chuyên luyện thi môn Toán ở Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp này,  phần sửa chữa bằng bút đỏ đã sai và học sinh mới là người đưa ra đáp án và cách làm đúng.

"Đây là biểu thức chỉ có cộng trừ thì thứ tự thực hiện là từ trái qua phải nên kết quả phải là 74. Nếu tính theo cách của phần chữa bằng bút đỏ thì chỉ khi biểu thức có dấu ngoặc. Đối với biểu thức không có dấu ngoặc, nếu chỉ có phép cộng, trừ hoặc nhân, chia, ta thực hiện phép tính theo thứ tự từ trái sang phải. Đây là điều mà sách giáo khoa cũng nói rất rõ", thầy Cường cho hay.

Thầy Phan Văn Thái, giáo viên chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) khẳng định, dù với cách tính nào đi chăng nữa thì kết quả của biểu thức này vẫn phải là 74. Do đó, lời giải ở phần bút đỏ đưa ra là không đúng.

Thầy Thái chỉ ra lỗi sai: "Trong một biểu thức chỉ có phép cộng và trừ thì chúng bình đẳng nhau và phải thực hiện từ trái qua phải. Trường hợp với yêu cầu tính nhanh thì nếu sau khi gộp như vậy, có thể hiểu là đưa vào trong ngoặc, thì lỗi sai của phần sửa bằng bút đỏ là chưa đổi dấu khi đưa vào trong ngoặc. Phép tính nếu có gộp để tính nhanh phải là (66-6) + (7+23) – (18-2), kết quả cuối cùng vẫn ra là 74″.

Chia sẻ về câu chuyện này, anh Lê Hưng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, cần phải xem liệu đó có phải là giáo viên trong các trường phổ thông có nghiệp vụ sư phạm hay chỉ là các gia sư, giáo viên kiểu "nghiệp dư"; thậm chí không loại trừ các trường hợp “tạo tình huống giả định” rồi gắn cho cô giáo:

"Không chỉ là chuyện các giáo viên mà các bài tập trong các sách in trôi nổi thiếu kiểm định trên thị trường cũng có không ít các lỗi sai. Vì vậy, các phụ huynh cũng cần xác định rõ trước khi quy chụp chung cho tất cả các giáo viên hay sách bài tập, dẫn tới có cách nhìn sai lệch cho ngành giáo dục".



Xem nguồn

Dừng cấp phôi chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C từ ngày 15/12

Posted: 13 Dec 2016 06:59 AM PST


– Bộ GD-ĐT vừa có văn bản lưu ý về việc quản lý trong tổ chức thi, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo đó, các trung tâm sát hạch gồm trung tâm tin học, trung tâm ngoại ngữ – tin học được thành lập theo Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT của Bộ trưởng GD-ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học (không bao gồm trung tâm tin học, trung tâm ngoại ngữ – tin học thuộc các trường cao đẳng), khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT thì được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.

Các Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm xem xét, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, điều kiện; chủ trì việc thẩm định ngân hàng câu hỏi và phần mềm thi trắc nghiệm; chịu trách nhiệm trước Bộ GD-ĐT về việc giao nhiệm vụ tổ chức thi,cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cho đơn vị đó.

Trong khi chưa có ngân hàng câu hỏi và phần mềm quản lý thi quốc gia, các cơ sở có thể tự xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và phần mềm thi trắc nghiệm nhưng đảm bảo đúng quy định.

Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT sẽ dừng việc cấp phôi chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C từ ngày15/12/2016.

Đối với các khóa đào tạo được tổ chức trước ngày 10/8/2016  cần nhanh chóng kết thúc chương trình đào tạo ,tổ chức thi, cấp chứng chỉ cho học viên, đảm bảo quyền lợi của người học.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị giám đốc các Sở GD-ĐT, thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C và chứng chỉ ứng dụng CNTT; có biện pháp quản lý chặt chẽ, xử lý theo quy định các phôi chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C còn tồn đọng hoặc chưa sử dụng hết.

Thanh Hùng



Xem nguồn

Thủ tướng nêu 4 câu hỏi lớn về đại học tư thục

Posted: 13 Dec 2016 06:18 AM PST


Trao đổi với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khi dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc muốn lắng nghe quan điểm của trường về 4 vấn đề then chốt, đồng thời đặt ra 5 yêu cầu.

5 yêu cầu

Đó là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, phương thức đào tạo để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn; đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường lao động. Đội ngũ sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực, trình độ thực tiễn, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Thủ tướng nêu 4 câu hỏi lớn về đại học tư thục

Thủ tướng biểu dương những thành tích mà Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã đạt được trong 20 năm qua. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thứ hai, trường cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ngày càng vững mạnh. Đồng thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu, tham gia phản biện và nghiên cứu góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các nghiên cứu phải gắn với thực tiễn đời sống kinh tế xã hội, giải quyết được những vấn đề mà nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội đặt ra, đặc biệt là có khả năng công bố quốc tế.

Thứ ba, Thủ tướng mong muốn sinh viên cần có quyết tâm cao để học thật giỏi, rèn luyện đạo đức, nhân cách, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, có những ước mơ, hoài bão lớn; năng động sáng tạo trong học tập, nghiên cứu và hoạt động thực tiễn, trang bị kiến thức cùng với các kỹ năng mềm thật tốt, chuẩn bị hành trang thật đầy đủ để vào đời một cách bản lĩnh và tự tin….

Thứ tư, trường tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ dạy và học (phòng học, thư viện, trang thiết bị thực hành…); ưu tiên dành phần thặng dư ngân sách hàng năm có được để tái đầu tư; cấp nhiều học bổng cho sinh viên xuất sắc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên học các chuyên ngành sư phạm ở vùng sâu, vùng xa, thuộc các dân tộc thiểu số… Đặc biệt cần trang bị kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; tổ chức nhiều hoạt động thực tiễn giúp sinh viên sáng tạo, trải nghiệm để trưởng thành về trí tuệ và năng lực thực hành.

Thứ năm, trường cần không ngừng hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động để trở thành một điển hình tốt về cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập; tích cực đóng góp, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan với các cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện mô hình giáo dục đại học ngoài công lập và hệ thống giáo dục nói chung.

4 câu hỏi lớn

Nhân dịp này, Thủ tướng cho biết ông và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT muốn lắng nghe quan điểm của trường về một số vấn đề then chốt: tuyển sinh, tự chủ đại học, huy động các nguồn lực tài trợ và hạ tầng cơ sở đất đai.

Thủ tướng đề nghị trường mạnh dạn đề xuất mô hình và giải pháp đột phá trong tuyển sinh của trường nói riêng cũng như cho các trường đại học nói chung.

Thủ tướng nêu 4 câu hỏi lớn về đại học tư thục

Thủ tướng thăm Khoa Y của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bên cạnh đó, là một trường đại học tư thục, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có được trao quyền tự chủ tối đa trong quản trị đại học hay không? Thủ tướng muốn nghe các đề xuất từ phía trường trong vai trò là một trường đại học tư thục về những chính sách và giải pháp để nâng cao tính tự chủ trong quản trị đại học của trường nói riêng, các trường tư thục nói chung thời gian tới.

Vấn đề thứ ba là huy động nguồn lực, nguồn viện trợ, tài trợ trong vai trò của mình. Từ góc nhìn của nhà trường, Chính phủ cần làm gì, bằng cơ chế và chính sách nào để người dân không chỉ có người giàu, bất kỳ người Việt Nam nào, trong nước hay nước ngoài, đều có thể đóng góp sức người, sức của, tiền bạc, vật chất, trí tuệ, vốn… vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học Việt Nam nói riêng.

Thứ tư là vấn đề đất đai và cơ sở hạ tầng. Tiếp cận đất đai và đầu tư cơ sở hạ tầng đối với trường tư thục thường khó khăn và tốn kém đối với nhiều trường đại học. Với vị trí là một trường đại học tư thục, nhà trường có gặp khó khăn này không? Không chỉ trước mắt mà trên cơ sở định hướng phát triển lâu dài của mình, đâu là cơ chế và chính sách liên quan đến đất đai và vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng mà được cho là rào cản của Nhà nước nói riêng cũng như đối với các trường đại học tư thục hiện nay? Nhà trường có đề xuất gì để tháo gỡ các khó khăn này, không chỉ cho nhà trường mà cho cả khối trường đại học tư thục nói chung.

Theo VGP



Xem nguồn

13 phép tắc cần biết trên bàn tiệc làm ăn

Posted: 13 Dec 2016 05:35 AM PST


Ăn với những người mà bạn không hiểu rõ là một tình huống khó khăn. Những lời khuyên và mẹo nhỏ dưới đây của chuyên gia Barbara Pachter sẽ giúp bạn là một chủ tiệc lịch sử, hiểu biết và gây ấn tượng tốt với các vị khách.

13 phép tắc cần biết trên bàn tiệc làm ăn

1. Chủ tiệc luôn phải phụ trách việc sắp xếp

Điều này có nghĩa là nếu bạn là người mời, bạn nên chọn nhà hàng, đặt chỗ trước. Việc này đặc biệt quan trọng nếu như nhà hàng đông khách. Bạn sẽ chẳng bao giờ muốn bị thông báo là đã hết bàn.

Khi ngồi xuống bàn, "bạn cần chịu trách nhiệm về công tác hậu cần của bữa ăn" – Pachter nói. Điều này có nghĩa là bạn nên hướng dẫn khách đến chỗ ngồi hoặc giới thiệu các món trong phạm vi giá cả khác nhau.

2. Đừng bao giờ kéo ghế cho người khác

Bạn giữ cửa cho khách thì được, nhưng Pachter cho rằng bạn không nên kéo ghế cho khách bất kể giới tính. "Cả đàn ông và phụ nữ đều có thể tự kéo ghế cho mình" – bà viết. Trong bữa tiệc làm ăn, bạn nên bỏ các quy tắc xã giao lại phía sau.

3. Chọn nhà hàng phù hợp với chế độ ăn uống của mọi người

Hầu hết mọi người đều không áp đặt lựa chọn ăn uống của mình với người khác. Tuy nhiên, nếu biết có người ăn chay thì bạn không nên chọn nhà hàng chuyên bít-tết – nơi mà bạn chỉ có thể gọi bít-tết.

4. Đảm bảo lựa chọn món ăn cân bằng với khách

Nếu như khách của bạn chọn một món khai vị hay tráng miệng, bạn cũng nên gọi món tương đồng. "Bạn sẽ không muốn làm cho vị khách cảm thấy không thoải mái khi ăn một mình một kiểu" – bà Pachter nói.

5. Biết vị trí chính xác của các đồ dùng trên bàn ăn

Có một mẹo để nhớ cái gì đặt ở đâu. Đó là quy tắc "trái" 4 chữ, "phải" 5 chữ.

"Thức ăn được đặt bên trái đĩa. Từ "food" (thức ăn) và "left" (bên trái) đều có 4 chữ cái. Nếu bàn ăn được sắp đặt đúng, bánh mỳ, salad hay bất cứ đĩa thức ăn nào đều sẽ được đặt bên trái đĩa ăn của bạn" – Pachter giải thích.

"Tương tự, đồ uống được đặt bên phải đĩa ăn, và từ "glass" (ly) và "right" (bên phải) đều có 5 chữ cái. Bất cứ loại ly hay đồ uống nào đều được đặt bên phải đĩa ăn của bạn".

"Quy tắc trái và phải cũng đúng với các vật dụng. Dĩa (fork: 4 chữ) để bên trái, dao và thìa (knife, spoon: 5 chữ) để bên phải".

6. Biết vật dụng nào dùng cho món gì

Mỗi món ăn đều có vật dụng riêng và tất cả chúng có thể ở trước mặt bạn hoặc sẽ được mang ra ngay sau khi món đó được phục vụ. Trong trường hợp tất cả vật dụng đã được đặt ngay từ đầu bữa ăn, một nguyên tắc chung là hãy bắt đầu với các vật dụng ở phía ngoài trước.

Pachter viết: "Chiếc dĩa lớn nhất thường dành cho món khai vị. Dĩa ăn salad thường nhỏ hơn. Chiếc thìa lớn nhất thường là thìa ăn súp. Nếu bạn gọi món cá, bạn có thể nhìn thấy dao và dĩa ăn cá. Các vật dụng đặt trên đĩa sẽ là dĩa và thìa để ăn tráng miệng, nhưng đôi khi nó được đặt về một bên của đĩa hoặc được mang ra cùng món tráng miệng.

13 phép tắc cần biết trên bàn tiệc làm ăn

7. Quy tắc "BMW" để nhớ vị trí của đĩa và ly

Một mẹo khác rất đơn giản mà Pachter sử dụng để nhớ vị trí thích hợp của đĩa và ly: Hãy nhớ BMW là viết tắt cho "bread" (bánh mỳ), "meal" (món ăn) và "water" (nước). "Đĩa bánh mỳ và bơ ở bên tay trái, món ăn ở giữa và ly nước ở bên tay phải" – Pachter giải thích.

8. Luôn bẻ bánh mỳ bằng tay

Bà Pachter nói rằng bạn không bao giờ nên sử dụng dao để cắt bánh mỳ trong một bữa tiệc làm ăn. "Hãy bẻ bánh làm đôi và mỗi lần xé ra một miếng, quết bơ khi bạn đã sẵn sàng ăn".

9. Biết các vị trí "nghỉ ngơi" và "hoàn thành"

"Hãy đặt dao và dĩa ở vị trí nghỉ ngơi (dao đặt lên đầu đĩa, dĩa đặt ngang ở giữa đĩa) để cho bồi bàn biết rằng bạn đang nghỉ một chút".

"Hãy sử dụng vị trí hoàn thành (dĩa dưới dao và cả hai đều đặt chéo đĩa) để nói rằng bạn đã ăn xong".

10. Đừng sắp xếp lại vị trí món ăn

"Bạn không phải là bồi bàn. Hãy để họ làm công việc của mình" – bà đưa lời khuyên.

11. Đừng sử dụng khăn ăn như giấy ăn

Khăn ăn chỉ nên được sử dụng để lau miệng. Nếu bạn cần xì mũi, hãy xin phép vào phòng tắm – chuyên gia này khuyên.

12. Đừng bao giờ mang đồ ăn thừa về

"Bạn ở đó để làm ăn, chứ không phải để mang đồ ăn thừa về" – bà Pachter viết. "Những chiếc túi để mang đồ ăn thừa về cho chó sẽ được chấp nhận nếu đó là bữa ăn gia đình, nhưng đây là cơ hội làm ăn".

13. Chủ tiệc luôn là người thanh toán

"Nếu bạn mời, bạn là chủ và bạn nên thanh toán" – Pachter nói.

  • Nguyễn Thảo (Theo American Express)



Xem nguồn

Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Bệnh ưa thành tích và bệnh giả dối trong giáo dục rất nặng

Posted: 13 Dec 2016 04:53 AM PST


Trong khuôn khổ hội thảo về vấn đề nhân cách người học trong giáo dục diễn ra mới đây ở TPHCM, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra hàng hàng loạt hiện tượng xuống cấp, suy đồi trong đời sống xã hội như cướp hoa, hôi bia, hiện tượng rút ruột các công trình… Điều này buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao?

GS Trần Ngọc Thêm cho hay đang có sự xung đột giữa văn hóa truyền thống và hiện đại nảy sinh nhiều thói hư tật xấu. Tuy nhiên, nhiều nước cũng gắn bó với kinh tế thị trường, đã và đang trải qua quá trình công nghiệp hóa nhưng họ không phải trải qua những thực trạng, hiện tại tệ hại như ở ta.

GS Trần Ngọc Thêm nói thẳng về nhiều tật xấu của người Việt

GS Trần Ngọc Thêm nói thẳng về nhiều tật xấu của người Việt

Ngoài việc bình diện về văn hóa, nhà nghiên cứu khoa học này đề cập đến việc người Việt đang có quá nhiều "căn bệnh", nhiều tính xấu phổ biến ngay trong môi trường giáo dục – nơi mang trọng trách giáo dục nhân cách cho con người.

Ông phân tích, bệnh ưa thành tích và bệnh giả dối trong giáo dục rất nặng. Người Việt có câu "Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ" nhưng ở trường thầy cô dạy phải biết khôn để giành phần thắng, đóng kịch trong những tiết dự giờ, những lúc có tranh tra… Tình trạng học sinh học yếu kém cỡ nào thì cũng lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưởng… Sự dối trá phổ biến đến nỗi người lớn quên rằng mình đang nói dối. Giả dối trong suy nghĩ thì tự an ủi mình, giả dối trong lời nói được khen là khéo léo, giả dối trong hành động được xem là khôn ngoan.

Theo nhóm nghiên cứu GS Trần Ngọc Thêm thực hiện với 5.600 người thì bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%. Còn theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển giáo dục 2008 thì tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh ở cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50% và cấp 3 là 64% và sinh viên ĐH là 80%.

Trong trường học từ phổ thông lên ĐH có bệnh "đồng phục" từ ăn mặc đến tư duy. Mặc cũng đồng phục, học cũng đồng phục, tư duy cũng đồng phục giết chết tư duy sáng tạo của học sinh. “Giáo dục chạy theo mục tiêu con ngoan, trò giỏi làm sản phẩm giáo dục bị triệt tiêu khả năng cá nhân. Trò giỏi là thuộc bài, làm đúng theo bài giả của cô giáo, làm sáng tạo là… sai, là kém.

Đặc biệt, ông nói rằng có những điểm lâu nay chúng ta cho đó là những giá trị tốt đẹp của người Việt nhưng đó chỉ là huyền thoại. "Tôi gọi chúng ta có huyền thoại về tính cần cù. Bởi vì chúng ta nghỉ ngơi, ăn chơi liên miên: Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc tháng ba rượu chè. Không chỉ tính cần cù, về điều mà người Việt luôn tự hào là tinh thần hiếu học tôi cũng gọi là huyền thoại.

Ông nói về mục tiêu học tập của người Việt: Ngày xưa thì học để làm quan, ngày nay thì để lấy bằng. Học vì sĩ diện, giấu dốt, sợ người ta nói nói đến điểm yếu của mình.

Ngoài ra, ông chỉ ra hạn chế của người Việt là thiếu khiêm tốn, khi đẩy vào thế bắt buộc mới tỏ ra khiêm tốn. Còn ai cũng cho mình là "ông trời con" rất khó hợp tác. Rồi thói vô kỷ luật, không chấp hành các quy định mà còn làm ngược, ở đâu cấm cái gì thì xuất hiện cái đấy. Chỗ nào cấm họp chợ thì nhộn nhịp mua bán, không giẫm lên cỏ thì rủ nhau ngồi la liệt, cấm đổ rác thì nơi đó rác chất đống…

GS Trần Ngọc Thêm đề xuất chúng ta cần xây dựng hệ giá trị bản sắc Việt Nam mang tính đối chiếu để loại bỏ những thói hư tật xấu, có như vậy mới có hệ giá trị định hướng. Trong đó, ông nhấn mạnh đến giá trị nhân ái, trung thực, bản lĩnh, tình yêu nước trong thời bình… ở mỗi cá nhân.

Trong bài báo cáo của mình, Phó GS.TS Nguyễn Thế Hữu, nguyên Giám đốc ĐH Huế cho rằng nhiệm vụ giáo dục trước hết phải đào tạo ra những con người có đầy đủ nhân cách, con người có lòng tự trọng, trung thực, nhân hậu, biết trọng danh dự, nghĩa khí… Nhưng vô cùng ngạc nhiên năm qua và cho đến bây giờ, giáo dục chúng ta không nhắc đến phẩm chất cao thượng của con người. Ông đề cập đến tình trạng báo động, suy thoái hiện nay và đặt câu hỏi: Vì chúng ta quên hay vì chúng ta không còn lòng tin con người có thể cao thượng?

Hoài Nam



Xem nguồn

Vụ nữ sinh lớp 10 bị đánh hội đồng ở công viên: “Hung thủ” xin thôi học

Posted: 13 Dec 2016 04:11 AM PST


Liên quan đến vụ việc một nữ sinh bị đánh hội đồng, quay clip tung lên mạng xã hội ngày 10/12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Đô Lương đã có báo cáo gửi Sở GD-ĐT Nghệ An. Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng 17h30 ngày 10/12 tại Khu đô thị mới, ngoài khu vực quản lý của Trung tâm.

Do mâu thuẫn cá nhân, Nguyễn Thị H. (quần bò xanh) cùng P.A đã đưa Lê K.O ra khu vực vắng người và đánh (ảnh cắt từ clip).

Do mâu thuẫn cá nhân, Nguyễn Thị H. (quần bò xanh) cùng P.A đã đưa Lê K.O ra khu vực vắng người và đánh (ảnh cắt từ clip).

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, do mâu thuẫn cá nhân nên em Nguyễn Thị H. (SN 1999, trú xã Đà Sơn, Đô Lương) cùng bạn là P.A. (học sinh Trường THCS Nguyễn Quốc Trị, Đô Lương) đã đưa Lê K.O. (SN 2001, học sinh lớp 10G, Trung tâm GDTX Đô Lương) đến địa điểm trên đánh. Vụ việc được một thanh niên tên Dũng quay video lại. Khi sự việc xảy ra, một số học sinh của Trung tâm và nhiều nam nữ thanh niên trong huyện đứng xem nhưng không ai can ngăn.


Em Lê K.O. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương kiểm tra sức khỏe trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, nhiều vết xây xước, bấm tím trên mặt.

Em Lê K.O. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương kiểm tra sức khỏe trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, nhiều vết xây xước, bấm tím trên mặt.

Em Nguyễn Thị H. có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Bố H. bị bệnh thần kinh nhiều năm. Năm 2015, trong khi lên cơn, ông châm lửa đốt nhà và bị chết cháy. Nguyễn Thị H. và hai người em được mẹ nuôi nấng.

Nguyễn Thị H. là học sinh lớp 12B của Trung tâm GDTX huyện Đô Lương. Vào ngày 2/12, H. đã có đơn xin thôi học do… "không có nhu cầu học tập". Em trai H. hiện cũng đã nghỉ học.

Sau khi sự việc xảy ra, em Lê K.O. đã được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương kiểm tra sức khỏe trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, mặt bị sưng, mắt trái bầm tím, thái dương có vết xây xước.

Sự việc đang được Trung tâm GDTX phối hợp với Công an huyện Đô Lương xác minh, làm rõ.

Hoàng Lam



Xem nguồn

Hà Nội: Nghi ngờ kẻ lạ nhảy tường rào vào trường dâm ô bé gái lớp 3

Posted: 13 Dec 2016 03:29 AM PST


Nhà trường đã từng xin xây lại tường bao

Chia sẻ với PV Dân trí trong chiều 13/12, cô Dương Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú A cho biết, hiện tại vẫn chưa tìm ra thủ phạm vụ dâm ô với bé gái học sinh lớp 3 của trường.

"Ngay sau khi sự việc xảy ra, phát hiện có vấn đề chứ không phải cháu bé bị chảy máu sinh lý (chu kì kinh nguyệt – PV), gia đình và nhà trường đã báo cáo cơ quan điều tra. Chính tôi gọi điện báo trưởng phòng giáo dục huyện, đồng thời báo Công an xã. Nhận được tin báo, lực lượng Công an xã Trần Phú và Công an huyện Chương Mỹ đã đến làm việc với nhà trường", bà Tâm cho biết.

Cũng theo bà Tâm, hiện cơ quan công an vẫn đang tích cực điều tra. Do gia đình lo sợ cháu bé bị thủ phạm tiếp tục có hành động khó kiểm soát để bịt đầu mối nên gia đình vẫn chưa cho cháu đi học trở lại.

"Ngay sự việc xảy ra, chúng tôi đã cử cô nhân viên y tế cùng đến thăm khám cho cháu bé. Nhà trường cũng động viên gia đình cố gắng ổn định tinh thần giúp con gái để sớm trở lại trường. Về phía nhà trường, đích thân Hiệu trưởng, Hiệu phó và cô giáo cũng đến thăm hỏi động viên học sinh", bà Tâm cho hay.

Khu vệ sinh, nơi xảy ra sự việc (ảnh: Hoàng Đan)

Khu vệ sinh, nơi xảy ra sự việc (ảnh: Hoàng Đan)

Theo quan sát của PV, nhà vệ sinh nơi cháu bé bị dâm ô nằm sát ngay tường rào và cách xa lớp học. Trả lời câu hỏi của PV về việc, trường học đáng ra là nơi an toàn nhưng cháu bé bị dâm ô. Vậy, liệu kẻ gian đột nhập vào trường bằng cách nào? Hiệu trưởng nhà trường cho hay, có thể do tường bao của nhà trường quá thấp nên kẻ lạ đã vượt tường vào, nấp sẵn trong nhà vệ sinh. Trước khi sự việc đáng tiếc này xảy ra, nhà trường đã báo cáo và chính quyền xã đã đề xuất lên huyện việc xây lại tường bao nhưng nhà trường đang chờ quyết định của huyện.

Cháu bé vẫn hoảng loạn

Trao đổi với PV Dân trí chiều 13/12, anh N., bố cháu bé cho hay, hiện tại con anh vẫn đang hoảng loạn tinh thần nên gia đình tạm thời để cháu ở nhà. "Con tôi rất muốn đi học nhưng nghĩ lại chuyện cũ, cháu bảo sợ lắm nên không dám đến. Do đó, tôi vừa bồi dưỡng thể chất, vừa động viên cháu để cháu dần quên đi. Để cháu đỡ buồn, chúng tôi cũng cho cháu mang sách vở ra để tự học ở nhà", anh N. cho biết.

Nhà vệ sinh trường Tiểu học Trần Phú A nằm sát bờ rào và khá tách biệt với trường (ảnh: Hoàng Đan)

Nhà vệ sinh trường Tiểu học Trần Phú A nằm sát bờ rào và khá tách biệt với trường (ảnh: Hoàng Đan)

Ngoài ra, cũng theo anh N., do thủ phạm vẫn chưa được đưa ra ánh sáng nên giai đoạn này, gia đình phải trông giữ cháu rất chặt, đề phòng thanh niên kia vì quẫn trí mà làm bừa.

Nhận xét về phía nhà trường, anh N. cho hay, mấy ngày vừa qua, lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện, lãnh đạo nhà trường cùng cô giáo, UBBV chăm sóc trẻ em của địa phương cũng đến thăm hỏi gia đình và động viên con gái anh.

"Do cháu còn hoảng loạn nên gia đình hạn chế cho cháu tiếp xúc với người lạ. Đặc biệt, khi hỏi chuyện cũ, cháu rất sợ hãi nên chúng tôi cho cháu giấy, lúc nào yên tĩnh và nhớ lại được điều gì, cháu sẽ tự viết ra để đưa cho cơ quan điều tra.

Sự việc xảy ra, gia đình buồn và rất lo lắng. Chúng tôi đã làm đơn kêu cứu tới nhà trường và cơ quan điều tra. Các cán bộ công an địa phương cũng động viên chúng tôi cố gắng chờ đợi, bởi cơ quan an ninh vẫn đang làm việc rất tích cực đề tìm ra thủ phạm", anh N. chia sẻ.

Mỹ Hà



Xem nguồn

ĐH Cần Thơ ngừng cho phép xem luận văn online

Posted: 13 Dec 2016 02:45 AM PST


Sáng nay 13/12, PGS.TS Đỗ Văn Xê – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ đã làm việc với giám đốc thư viện trường và đại diện Công an TP Cần Thơ về việc rò rỉ các file luận văn tốt nghiệp (LVTN) của sinh viên.

Một luận văn của sinh viên khoá 38 được rao bán trên trang web mua bán tài liệu online

Một luận văn của sinh viên khoá 38 được rao bán trên trang web mua bán tài liệu online

Theo PGS.TS Đỗ Văn Xê, trước đó trường có khi yêu cầu sinh viên nộp file LVTN là để các sinh viên khóa sau có thể tham khảo một cách thuận lợi mà không cần phải vào thư viện.

Sau khi nhận được file của sinh viên nộp về, khoa và thư viện trường phải phân công nhiều người đưa các file lên website của trường, vì số lượng LVTN rất nhiều (mỗi năm khoảng 8.000 LVTN) nên một người không thể làm nổi việc này. Bên cạnh đó, những nơi có được file LVTN còn có: sinh viên trao đổi file lẫn nhau; các cơ sở sao in ở bên ngoài trường, giáo viên hướng dẫn đề tài …

Vì có nhiều nơi tiếp cận các file LVTN nên trường không thể xác định ai là người cung cấp các file LVTN ra bên ngoài.

Trong buổi làm việc với Công an TP Cần Thơ, nhà trường đã nhờ công an tiếp cận với chủ nhân của account đã upload nhiều file LVTN của trường ĐH Cần Thơ và yêu cầu những người này cho biết người nào đó cung cấp cho họ các file LVTN của trường. Sau khi nhận được thông tin từ phía Công an, nhà trường sẽ xử lý những người vi phạm.

Đặc biệt, trường cũng đưa ra các giải pháp từ nay trở đi đối với LVTN của sinh viên các khoá sau. Theo đó, sau khi bảo vệ thành công LVTN và sửa chữa theo góp ý của hội đồng, sinh viên nộp bản in của LVTN cho khoa quản lý ngành học. Các khoa sẽ lưu trữ bản in LVTN tại thư viện của khoa và tạo điều kiện thuận lợi cho SV tham khảo. Sinh viên nào muốn tham khảo LVTN của các khóa trước thì đến thư viện của khoa. Trường sẽ không cung cấp giải pháp đọc LVTN online nữa.

Vì không yêu cầu sinh viên nộp file về nên trường sẽ không chịu trách nhiệm khi các file LVTN bị rao bán trên mạng.

Trước đó, Dân trí đã phản ánh thông tin nhiều cựu sinh viên trường ĐH Cần Thơ bức xúc và phản hồi lên ban giám hiệu trường ĐH Cần Thơ sau khi phát hiện LVTN của mình bổng dưng bị rao bán trên một trang website mua bán tài liệu online.

Tìm hiểu trên trang website mua bán tài liệu online này, nhiều LVTN của sinh viên trường ĐH Cần Thơ được tính phí từ 15.000 đồng đến 38.000 đồng (đối với thành viên của trang web) và 50.000 đồng nếu không đăng nhập. Không chỉ LVTN của sinh viên trường ĐH Cần Thơ, trang web này cũng bán nhiều luận văn của nhiều trường khác, kể cả luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.

Lê Phương



Xem nguồn

Đưa tình huống "lời xin lỗi khi đâm vỡ gương xe" vào đề thi học kỳ

Posted: 13 Dec 2016 02:03 AM PST


Đề kiểm tra học kỳ môn Giáo dục công dân cấp THCS do Phòng GD-ĐT Quận 3, TP.HCM, ra cho học sinh có nhiều câu hỏi thú vị, nhiều tình huống từ thực tế cuộc sống.

Cụ thể, ở đề kiểm tra học kỳ 1 môn Giáo dục công dân (GDCD) dành cho học sinh lớp 7, tình huống học sinh lớp 11 ở TP Hải Phòng để lại một tờ giấy kèm nội dung "do vô tình cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi. Liên hệ với cháu qua số điện thoại… để cháu đền ạ" gây xôn xao dư luận hồi giữa tháng 11 đã được đưa vào câu hỏi.

Đưa tình huống 'lời xin lỗi  khi đâm vỡ gương xe' vào đề thi học kỳ

Một phần đề kiểm tra học kỳ môn GDCD lớp 7

Trong câu hỏi số 5 (3 điểm) với hình ảnh chụp lại tờ giấy của nam sinh lớp 11 dán vào xe, câu hỏi có nội dung như sau: "Một anh học sinh nam lớp 11 ở Hải Phòng, sau khi đâm vỡ gương ô tô đã để lại tờ giấy ghi số điện thoại kèm lời xin lỗi rất chân thành. Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi ạ, liên lạc với cháu theo số điện thoại để cháu đền ạ (do không biết chủ ô tô là ai) 0949….

Chủ xe không bắt đền mà còn lấy đó làm tấm gương cho con mình. 

Em hãy viết đoạn văn (7-10 câu) nêu suy nghĩ của em về bạn anh học sinh trên và bản thân em sẽ rèn luyện như thế nào để trở thành người trung thực?“.

Ngoài ra, ở đề kiểm tra học kì 1 môn GDCD dành cho học sinh lớp 9, nạn "hôi của" cũng được đưa vào đề thi.

Đưa tình huống 'lời xin lỗi  khi đâm vỡ gương xe' vào đề thi học kỳ

Một phần đề kiểm tra học kỳ môn GDCD lớp 9

Cụ thể ở câu 5, đề đưa ra sự kiện: “Tại Bình Định, ngày 1 tháng 11 năm 2016, trên quốc lộ 1D, đoạn qua đường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), ô tô tải đang chở hàng gặp nạn bị cháy, nhiều mặt hàng trên thùng xe hư hỏng. Hàng chục người chạy vào hôi của, họ cầm bao và túi nilon chạy đến lục xới và lấy những vật dụng còn sót lại như bột giặt, bột ngọt, sữa…Tài xế phụ của xe đứng khóc, bất lực nhìn đám đông vơ vét hàng hóa“.

Từ đó đề đưa ra câu hỏi: “Việc những người dân hôi của đã đi ngược lại truyền thống nhân ái của dân tộc ta. Sự việc này không phải mới xảy ra lần đầu. Em hãy viết đoạn văn dài (7-10 câu) với nội dung khuyên những người dân không nên hôi của khi người khác gặp nạn nên sống có tình nghĩa, yêu thương nhau“.

Ngoài câu hỏi “hôi của”, câu hỏi số 4 về vệ sinh an toàn thực phẩm ở đề kiểm tra này cũng khá thú vị khi đưa ra vấn đề: "Trước thực trạng hiện nay một số người kinh doanh buôn bán chỉ chú ý đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng (hàng giả, trái cây hóa chất, thực phẩm bẩn). Em có suy nghĩ gì về việc làm của người kinh doanh buôn bán? Em hãy đưa ra lời hứa tự trọng của bản thân nếu sau này em là một người kinh doanh buôn bán thực phẩm trong tương lai”.

Tuệ Minh



Xem nguồn

Comments