Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thủy điện ào ạt xả lũ, giáo viên, học sinh sơ tán chạy tránh sạt lở

Posted: 03 Nov 2016 09:51 AM PDT


Chiều ngày 3/11, ông Võ Đăng Thuận, Phó phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, do ảnh hưởng của đợt lũ vừa qua khiến toàn bộ huyện này bị cô lập, nhiều điểm trường phải sơ tán giáo viên đi tránh lũ.

"Nhiều tuyến đường của huyện bị mưa lũ cuốn trôi, nước ngập gây chia cắt nhiều điểm trường. Nhưng rất may không xảy ra thiệt hại về người cũng như cơ sở vật chất, trường lớp" ông Thuận nói.

Mưa lũ gây ngập lụt, chia cắt nhiều tuyến đường vào huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: AN

Cũng theo ông Thuận, các trường nằm ở trung tâm huyện và xã vẫn dạy học bình thường. Còn tại các điểm trường xa, nằm rải rác các thôn bản thì Hiệu trưởng chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Riêng tại xã Trà Leng, mưa lũ gây chia cắt, cô lập các trường bán trú, nội trú. Nhiều trường phải di chuyển đồ dụng, cơ sở vật chất, thiết bị… lên các vị trí cao hơn.

Giáo viên vùng lũ kiệt sức vì ngập lụt

Cùng tình cảnh trên, nhiều trường dân tộc bán trú khác cũng bị nước lũ uy hiếp như: trường tiểu học Trà Vinh, Trà Cang, Trà Dơn… Việc dạy học tại các trường này đều bị gián đoạn. Nhiều học sinh phải ở lại trường để đảm bảo an toàn, không được tự ý vượt lũ về nhà.

Còn tại TP.Hội An, ông Võ Đình Nam, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP cho biết, mặc dù nước lũ nên nhanh nhưng cũng rút rất nhanh. "Những ngày qua, các học sinh tại các trường vẫn đi học bình thường. Mặc dù một số tuyến đường bị ngập nhưng nước vẫn chưa tràn vào các trường học" ông Nam nói.

Tại rốn lũ Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), nhiều trường học bị ngập lụt, nước cuôn trôi nhiều bàn ghế, sách vở. Phòng GD&ĐT huyện phải cho học sinh nghỉ học ba ngày qua.

Hiện tại một số điểm ngập, nước lũ bắt đầu rút dần. "Sau khi nước rút, hoc sinh, giáo viên nhà trường sẽ bắt tay vào dọn dẹp, xử lý số bùn đất còn sót lại. Học sinh sẽ học bù vào các ngày nghỉ để kịp chương trình" đại diện Phòng GD&ĐT Cam Lộ cho hay.

Cùng ngày, Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên (đóng tại TP.Đà Nẵng) cho biết, hiện nhiều hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên địa bàn các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đang đồng loạt xả lũ.

Lũ chồng lũ, nhiều trường học ở Quảng Bình lại bị nhấn chìm

Cụ thể, các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế) như: A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, Trả Trạch và trên  trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn (Quảng Nam) như: Sông Bung 4, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2 đều xả lũ điều tiết. Thủy điện An Khê-Ka Nak trên lưu vực sông Ba xả lũ điều tiết theo quy trình vận hành.

Cơ quan chức năng cũng phát cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai, Kon Tum.

Trong ngày, các địa phương từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã có báo cáo về tình hình ngập lụt và thiệt hại ban đầu do mưa lũ. Trong đó có bốn người chết, một người mất tích và 15 người bị thương. Tại Quảng Bình còn khoảng 8.000 nhà bị ngập, Bình Định còn 1.211 nhà bị ngập.



Xem nguồn

Ngành giáo dục Quảng Trị vận động gần 600 triệu đồng hỗ trợ học sinh vùng biển

Posted: 03 Nov 2016 09:09 AM PDT


Chiều 3/11, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, đến thời điểm hiện tại đơn vị đã vận động giúp đỡ học sinh vùng biển với số tiền gần 600 triệu đồng.

Tỉnh Quảng Trị là một trong 4 địa phương của miền Trung chịu ảnh hưởng của thảm họa môi trường biển. Toàn tỉnh có 12.825 học sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng Triệu Phong, giáp với biển.

Trước tình hình học sinh vùng biển gặp khó khăn khi bước vào năm học mới (gia đình không có tiền để đóng học phí và các khoản thu đầu năm, nhiều em thiếu sách, vở, dụng cụ, phương tiện học tập; nguy cơ bỏ học cao).

Học sinh vùng biển Quảng Trị tham gia lễ khai giảng năm học mới.

Học sinh vùng biển Quảng Trị tham gia lễ khai giảng năm học mới.

Với phương châm không để học sinh nào phải bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, đầu tháng 9/2016, Giám đốc Sở GD-ĐT đã có thư kêu gọi toàn ngành giáo dục với tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" chung tay đóng góp để giúp đỡ, chia sẻ một phần khó khăn mà học sinh các địa phương vùng biển đang phải gánh chịu.

Sau hơn 1 tháng, các cán bộ, nhân viên, giáo viên và học sinh trong toàn ngành giáo dục đã quyên góp, ủng hộ được số tiền 577.163.000 đồng và các hiện vật gồm: 300 bộ quần áo, 4.472 cuốn sách giáo khoa, 1.302 cuốn vở và các dụng cụ học tập khác.

Với số tiền và hiện vật quyên góp được, Sở GD-ĐT đã kịp thời chuyển đến các đơn vị, trường học vùng biển bị ảnh hưởng do sự cố môi trường.

Đăng Đức



Xem nguồn

Bình Định: Nhiều trường cho học sinh nghỉ học tránh lũ

Posted: 03 Nov 2016 08:26 AM PDT


Ngày 3/11, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Bình Định cho biết, để đề phòng thiệt hại do lũ lụt có thể gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, Sở đã có công văn yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành chủ động ứng phó khi lũ lụt xảy ra, tuyệt đối không để thiệt hại về người. Đồng thời, kiểm tra, hoàn thiện việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng, chống lũ lụt ở cơ sở.

Nhiều trường trên địa bàn tỉnh Bình Định phải cho học sinh nghỉ vì lũ về

Nhiều trường trên địa bàn tỉnh Bình Định phải cho học sinh nghỉ vì lũ về

Ông Tuấn cho biết, trước tình hình mưa lũ kéo dài, có khả năng gây lũ lụt, một số khu dân cư, sáng 2/11, một số trường trên địa bàn huyện Hoài Ân đã cho học sinh nghỉ học. Chiều cùng ngày, trường THPT Hùng Vương (TP Quy Nhơn) cũng cho nghỉ học do ảnh hưởng của lũ.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, từ sáng đến 19h tối 3/11, một số nơi trên địa bàn tỉnh Bình Định bị ngập nặng, giao thông chia cắt. Trên tuyến đường Hùng Vương (phương Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) ngập sâu, có đoạn đã ngập sâu hơn 0,5 m, giao thông rất hạn chế.

Ngay trong sáng 3/11, UBND phường Nhơn Bình đã thông báo cho học sinh từ Mẫu giáo đến THCS trên địa bàn nghỉ học.

Phụ huynh đưa trẻ về nhà sớm

Phụ huynh đưa trẻ về nhà sớm

Tại huyện Hoài Nhơn, phòng GD-ĐT huyện cũng đã chỉ đạo các trường từ Mầm non đến THCS nằm trong vùng rốn lũ cho hơn 2.000 học sinh nghỉ học.

Tại vùng rốn lũ huyện Tuy Phước, tình hình nước ngập càng nghiêm trọng, nhất là 4 xã khu Đông của huyện gần như bị cô lập vì nước ngập. Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, huyện Tuy Phước cũng thông báo cho hơn 30.000 học sinh các cấp trên địa bàn huyện được nghỉ học tránh lũ.

Doãn Công



Xem nguồn

Đánh giá 3 năm thực hiện mô hình Trường học mới (VNEN)

Posted: 03 Nov 2016 07:43 AM PDT


Từ triển khai thí điểm đến nhân rộng

Đối với cấp tiểu học, năm học 2011 – 2012, Bộ GD&ĐT tiến hành thí điểm mô hình tại 6 tỉnh là: Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Kon Tum, Đăk Lăk, Khánh Hòa (với 48 lớp 2, tại 24 trường ở 12 huyện).

Ngày 9/1/2013, Chính phủ đã ký Hiệp định tài trợ số GPE TF013048 với Tổ chức hợp tác giáo dục toàn cầu tại trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới; cơ quan giám sát là tổ chức UNESCO tại Việt Nam tài trợ Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam. Dự án mô hình trường học mới (Dự án GPE-VNEN) với 1447 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành phố.

Nguyên tắc các trường tham gia Dự án là tự nguyện và tập trung hỗ trợ các địa phương còn nhiều khó khăn, có học sinh dân tộc thiểu số và có kết quả học tập môn Tiếng Việt và môn Toán thấp, các tỉnh có điều kiện kinh tế trung bình, mỗi huyện được 1 đến 3 trường tiểu học tham gia dự án làm hạt giống cho huyện; các tỉnh có điều kiện kinh tế thuận lợi, mỗi tỉnh được 1 trường làm hạt giống.

Triển khai mô hình tại các trường trong phạm vi dự án: Năm học năm học 2012 – 2013, Dự án Mô hình trường học mới triển khai tại 63 tỉnh, thành phố với tổng số trường tham gia Dự án là 1.447 trường (Nhóm 1: gồm 20 tỉnh vùng núi khó khăn, có học sinh dân tộc thiểu số: 1.143 trường; Nhóm 2: gồm 21 tỉnh trung bình: 282 trường; Nhóm 3: gồm 22 tỉnh thuận lợi: 22 trường), tổng số điểm lẻ: 1.848 điểm, tổng số học sinh tham gia VNEN là 43.8274 học sinh/1.447 trường.

Triển khai nhân rộng mô hình: Ngoài 1.447 trường thuộc Dự án, theo từng năm học, số trường tiểu học tự nguyện áp dụng mô hình VNEN tăng lên. Cụ thể:

Năm học 2013 – 2014, có 20 tỉnh tự nguyện mở rộng áp dụng mô hình này ở các trường ngoài dự án với 257 trường/tổng số học sinh là 62.064 học sinh.

Năm học 2014 – 2015, có 20 tỉnh tự nguyện mở rộng áp dụng mô hình này với 987 trường/tổng số học sinh là 133.562 học sinh.

Năm học 2015 – 2016, có 54 tỉnh tự nguyện mở rộng áp dụng mô hình này với 2.245 trường/tổng số học sinh là 450.445 học sinh.

Năm 2016 – 2017, các trường tiểu học thuộc Dự án là 1.370 trường, giảm 73 trường của Hà Giang và 4 trường của các tỉnh khác do sáp nhập trường; có 3.067 trường không thuộc Dự án tự nguyện tham gia áp dụng mô hình.

Từ năm học 2014 – 2015, mô hình trường học mới cấp THCS được triển khai thực nghiệm tại 6 tỉnh (Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Kon Tum), mỗi tỉnh 2 huyện, mỗi huyện 2 trường, mỗi trường 2 lớp 6 (tổng số 48 lớp).

Qua thực nghiệm, mô hình tổ chức lớp học và tổ chức nhà trường cùng với tài liệu hướng dẫn học đã được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với đối tượng học sinh trung học cơ sở và điều kiện của các nhà trường hiện nay.

Từ năm học 2015 – 2016, Bộ triển khai mở rộng mô hình trường học mới cấp trung học cơ sở đối với lớp 6 trên tinh thần tự nguyện (đáp ứng nhu cầu của học sinh đã học xong lớp 5 từ 1.447 trường tiểu học tham gia Dự án GPE-VNEN), trong đó có 1.214 trường với 2.980 lớp.

Năm học 2016 – 2017, số trường thực hiện mô hình trường học mới đối với lớp 6 là 1.161 trường với 2.995 lớp, lớp 7 là 1.035 trường với 2.514 lớp.


Kết quả sau 3 năm triển khai

Sau 3 năm triển khai cho thấy mô hình trường học mới có nhiều điểm tích cực: Tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường.

Theo đó, cán bộ quản lý và giáo viên đã tích cực tự tìm tòi, nghiên cứu để triển khai mô hình trường học mới. Việc tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới tạo được không khí vui tươi và thuận lợi cho quá trình tổ chức các hoạt động học tập, tăng cường được mối liên hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, nhà trường với phụ huynh học sinh và cộng đồng.

Giáo viên bước đầu đã biết tổ chức hoạt động học cho học sinh theo phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực thông qua các hoạt động học trong mỗi bài học của mô hình trường học mới; giờ học đã cởi mở hơn, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh gần gũi, thân thiện hơn.

Học sinh đã bước đầu bắt nhịp được với hình thức học tập mới; tích cực và tự lực hơn trong học tập; bước đầu biết trao đổi thảo luận cặp đôi, thảo luận nhóm; có tiến bộ trong giao tiếp, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập.

Đánh giá không chỉ đo lường kết quả học tập học sinh như trước đây, mô hình còn đánh giá quá trình học tập và sự vận dụng kết quả học tập của học sinh, để hướng dẫn học sinh học tập tốt hơn.

Coi trọng đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Học sinh tự đánh giá và đánh giá bạn. Cha mẹ học sinh cùng tham gia vào quá trình đánh giá học sinh.

Tổ chức hoạt động học tập, hoạt đông giáo dục có thể diễn ra ngoài lớp, ngoài nhà trường. Cha mẹ học sinh có thể đến thăm lớp học, ngồi học cùng với con tại lớp học. Cộng đồng có thể chủ động đưa các nội dung giáo dục phù hợp vào nhà trường.

Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình trường học mới này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của một số địa phương nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông… dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

Tài liệu hướng dẫn học vẫn còn một số nội dung chưa logic, không đồng bộ, bất cập (như một số tên bài chưa gắn với mục tiêu bài học, một số bài chưa phù hợp, nội dung thiếu, mắc lỗi kỹ thuật, dung lượng kiến thức lớn, hình minh họa không rõ…).

Tập huấn chưa đầy đủ, chu đáo, chưa thực sự làm tốt khâu tuyên truyền đến cộng đồng. Những bất cập nói trên đã được Bộ GD&ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Kế hoạch triển khai từ năm học 2016 – 2017

Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 4068/BGDÐT-GDTrH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở GD&ĐT tiếp tục chủ động nghiên cứu, áp dụng các phương thức giáo dục tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tiễn để đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục; đồng thời chủ động nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng.

Cụ thể: Khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.

Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học; áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh và dư luận xã hội nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Triển khai hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã nhận thức đầy đủ hơn về bản chất của mô hình trường học mới; thấy rõ hơn nguyên nhân của những hạn chế trong việc triển khai mô hình trường học mới trong thời gian qua và có những điều chỉnh phù hợp tình hình thực tiễn.

Mô hình trường học mới được Ngân hàng thế giới và UNESCO hỗ trợ để các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới thiết kế cho các nước đang phát triển và được triển khai thành công ở một số nước, hiện nay đã được nhiều nước khác áp dụng. 

Mô hình này đã giành được một số giải thưởng quốc tế và được Ngân hàng Thế giới cũng như UNESCO đánh giá là một trong ít mô hình phù hợp nhất với điều kiện giáo dục của các nước đang phát triển. 

Chính vì vậy, Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu và hỗ trợ Việt Nam tham quan mô hình tại Colombia và đề xuất Tổ chức Hợp tác giáo dục toàn cầu tài trợ cho Việt Nam nghiên cứu, vận dụng.

Quan điểm về thiết kế mô hình trường học mới: Nghiên cứu lựa chọn cách làm hay để vận dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam, đồng thời kế thừa những gì Việt Nam đã có để xây dựng mô hình phù hợp với thực tiễn. 

Mô hình trường học mới tại Việt Nam cũng dựa vào những thành tựu khoa học giáo dục tiến tiến của thế giới, dựa trên quy luật nhận thức và những thành tựu tiên tiến của khoa học giáo dục, được thiết kế thành các bước chung cho các nội dung học tập và hoạt động giáo dục. 

Bộ GD&ĐT chủ trương thiết kế mô hình trường học mới Việt Nam theo định hướng phát triển năng lực người học, trong đó coi trọng giáo dục lấy học sinh làm trung tâm. 

Để thực hiện định hướng trên, mô hình tập trung vào đổi mới 5 nội dung cơ bản: (i) Đổi phương pháp dạy; (ii) Đổi mới phương pháp học; (iii) Đổi mới phương pháp đánh giá học sinh; (iv) Đổi mới tổ chức lớp học; (v) Đổi mới sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong quá trình giáo dục.



Xem nguồn

TPHCM: Sôi nổi ngày hội Giao tiếp tiếng Anh

Posted: 03 Nov 2016 07:01 AM PDT


Học sinh tham gia kể chuyện bằng tiếng Anh với các tiểu phẩm trong ngày hội Học sinh tham gia kể chuyện bằng tiếng Anh với các tiểu phẩm trong ngày hội

Đây là hoạt động được nhà trường tổ chức thường niên với mục đích giúp học sinh có cơ hội trao đổi với thầy cô, bạn bè, giáo viên bản địa để nâng cao khả năng nghe, nói, tăng cường vốn từ vựng cũng như sự tự tin trong giao tiếp.

Theo cô Đỗ Thị Sửu – Hiệu trưởng nhà trường, ngày hội năm nay có một nét mới, đó là trường đã lồng ghép hội thi kể chuyện bằng tiếng Anh có tiểu phẩm minh họa vào trong ngày hội. Điều này khiến các em vô cùng thích thú và háo hức chờ đón các tiểu phẩm.

Được biết, đây là hội thi do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức cho học sinh tiểu học toàn thành với mục đích giúp nhằm tạo sân chơi thực hành tiếng Anh, giáo dục văn hóa đọc, đề cao các nét đẹp văn hóa và thấm nhuần những giá trị đạo đức cho học sinh…

Để chuẩn bị cho hội thi sáng nay, trong tháng 10, nhà trường đã tổ chức cho các khối lớp thi và chọn ra 5 tiểu phẩm hay nhất tham gia ngày hội. Theo đó, 5 câu chuyện với các tiểu phẩm dễ thương gồm: The little red hen; Finger Family; Five little ducks; The little red riding hood; Oliver Twist đã được HS các khối thể hiện rất thành công sáng nay và nhận được sự khen ngợi của các đại biểu tham dự cũng như sự đón nhận của HS toàn trường.

Em Võ Nguyễn Minh Hiển – học sinh lớp 4/1 – chia sẻ: Con thấy ngày hội rất là vui và bổ ích vì giúp con nghe nói tiếng Anh tốt hơn. Hôm nay con tham gia vào vai nhân vật là chú thợ  săn, con rất là thích vai diễn này. Con tập lời thoại khoảng hơn 2 tuần.

Bên cạnh hội thi kể chuyện bằng tiểu phẩm, ngày hội thu hút học sinh với nhiều hoạt động tại các trạm như chơi trò chơi, vẽ tranh, tô màu, đọc sách cùng cha mẹ… tất cả đều bằng tiếng Anh.

Tới tham gia ngày hội cùng con, chị Nguyễn Kim Oanh – phụ huynh của trường – chia sẻ: Nghe các cháu tự tin nói tiếng Anh cảm thấy rất hài lòng. Đây không chỉ là sân chơi để các con học hỏi thêm về tiếng Anh mà còn giúp các con phát huy sở trường, năng khiếu như kể chuyện, múa hát làm MC, vẽ tranh… 

Chùm ảnh, học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh thích thú tham gia ngày hội:



Xem nguồn

Quảng Bình: Hạn chế tổ chức hoạt động kỷ niệm 20/11

Posted: 03 Nov 2016 06:18 AM PDT


Cán bộ, giáo viên và nhân viên trường THPT Phan Đình Phùng (Đồng Hới) quyên góp ủng hộ những học sinh khó khăn ở vùng biển sau sự cố môi trường biểnCán bộ, giáo viên và nhân viên trường THPT Phan Đình Phùng (Đồng Hới) quyên góp ủng hộ những học sinh khó khăn ở vùng biển sau sự cố môi trường biển

Năm 2016, ngành giáo dục nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung đã và đang gặp quá nhiều khó khăn do hậu quả của môi trường biển đồng thời chịu nhiều thiệt hại nặng nề do đợt lũ kép vừa xảy ra.

Quán triệt Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 11/01/2013 của Tỉnh uỷ Quảng Bình về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, lãnh đạo sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh không nên huy động kinh phí, công sức của học sinh, của phụ huynh học sinh để tổ chức các hoạt động bề nổi để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam mà cùng tỉnh nhà tập trung khắc phục khó khăn, sớm ổn định các hoạt động giáo dục.

Lãnh đạo ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục cần phải  tiếp tục phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành, nỗ lực phấn đấu dạy tốt, học tốt theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tổ chức thao giảng, dự giờ thăm lớp, thi giáo viên giỏi và các hội thảo, tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành.



Xem nguồn

Hội thảo Hội nhập quốc tế – Góc nhìn từ nước Đức

Posted: 03 Nov 2016 05:36 AM PDT


Hình ảnh tại cuộc hội thảo quốc tế Hình ảnh tại cuộc hội thảo quốc tế "Cộng đồng Asean – Khởi đầu và triển vọng" được tổ chức tại trường ĐH Hà Tĩnh

Hội thảo có chủ đề "Hội nhập quốc tế – Góc nhìn từ nước Đức" do Trường Đại học Hà Tĩnh phối hợp với Trường Đại học Martin Luther University Halle – Wittenberg tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia và Giáo sư đến từ các Trường đại học: Portland State, Chulalongkorn và Nakhon Phanom.

Tại Hội thảo, các giáo sư, giảng viên đã báo cáo các chuyên đề về: Nghiên cứu kinh nghiệm của nước Đức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và vận dụng cho Việt Nam, các thách thức và kinh nghiệm trong quá trình hội nhập kinh tế giữa Đông Đức và Tây Đức và thống nhất nước Đức; sự mất cân đối trong trong giải quyết xung đột đầu tư quốc tế trong giải quyết tranh chấp nhà đầu tư – Chính phủ trong các hiệp định thương mại quốc tế (ISDS) và vận dụng cho Việt Nam khi tham gia vào cộng đồng kinh tế Asean, hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP…

Cùng chủ đề Hội thảo, Trường Đại học Hà Tĩnh phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã thảo luận, đánh giá đầy đủ những thành tựu mà Cộng đồng ASEAN đạt được và thẳng thắn nhìn nhận thực tế những khó khăn, thách thức đang đặt ra và dự báo triển vọng sắp tới để từ đó tìm kiếm các giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất nhằm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch chung.

Tại buổi Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh – cảm ơn các giảng viên của các trường đại học trong nước và quốc tế đã mang đến hội thảo nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế hội nhập quốc tế hiện nay, những bài học kinh nghiệm vận dụng cho Việt Nam đồng thời mong muốn trong năm 2017, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Đại học Hà Tĩnh, hướng tới 60 năm xây dựng và phát triển, các giảng viên nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp gửi bài và tham gia các hội thảo quốc tế cùng với Trường Đại học Hà Tĩnh để nhận được nhiều bài viết đạt chất lượng và hiệu quả.



Xem nguồn

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến xót xa trước bạo lực học đường

Posted: 03 Nov 2016 04:53 AM PDT


Chia sẻ với Góc nhìn thẳng, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an xót xa về tình trạng gia tăng bạo lực học đường mà lỗi phần lớn thuộc trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ.

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

Bạo lực học đường đang gia tăng đến mức báo động. Ngay ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đã có rất nhiều vụ việc các em học sinh đánh nhau đến mức tàn bạo và có những hành vi rất phản cảm, vô đạo đức và thậm chí có thái độ vô cảm trước những cái ác cái xấu. 

Vì sao bạo lực học đường lại gia tăng mạnh như vậy và liệu rằng những hành vi bạo lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên này sẽ dẫn tới những nguy cơ hình thành tội phạm trong lứa tuổi trưởng thành ở tương lai hay không?

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ công an về hiện tượng này. 

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây: 

Nhà báo Phạm Huyền: Theo dõi rất nhiều vụ việc bạo lực học đường, cá nhân ông cảm thấy như thế nào khi chứng kiến hình ảnh, những đoạn clip các em học sinh còn mặc nguyên đồng phục nhà trường nhưng lại đánh nhau rất tàn nhẫn, thậm chí có những thái độ vô cảm trước những cái ác?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Tôi cho rằng nhìn thấy những clip như vậy, những vụ việc mà gia đình đến cơ quan công an trình báo, chúng ta thấy rất xót xa.

Cái thứ nhất, lỗi này tôi nghĩ rằng là do người lớn, do chúng ta không quản lý và không nắm được tình hình để dẫn đến các cháu đó bị bạo lực.

Thứ hai kể cả chúng ta khi phát hiện ra như thế thì bằng tất cả các biện pháp xử lý, chúng ta đều không xử lý được vì các cháu ở tuổi vị thành niên không phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi của mình gây lên.

Thứ ba, ở đây chúng ta do nhiều vụ việc mà đã xảy ra thì rất âm ỉ nhưng nhà trường và đặc biệt là bố mẹ không phát hiện được, cho nên không có biện pháp để ngăn chặn.

Ở đây, có một tình trạng là hiện nay nhiều học sinh của chúng ta đã lên facebook chửi nhau, thách nhau để đánh nhau ở trên mạng nhưng người lớn không nắm được việc này. Đã có nhiều vụ việc xảy ra rất thương tâm, thậm chí các cháu còn đi gây thương tích dẫn đến giết nhau, chuẩn bị cả hung khí các kiểu. Nhiều khi các cháu về cũng đã tâm sự với người lớn những bất bình ở trường, bất bình với cô giáo, bất bình với bạn này bạn khác nhưng mà bố mẹ không quan tâm. Khi phát hiện ra, việc đã xảy ra rồi, chúng ta lại ít có cơ hội để khắc phục.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy theo quan sát của ông, trong xã hội hiện nay, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng như vậy?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Các bạn đã biết, trong thời gian qua bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, chủ yếu các cháu ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ cấp tiểu học, trung học. Đặc biệt là trung học hiện nay có sự chuyển đổi về tâm sinh lý. Các cháu ở độ tuổi này suy nghĩ chưa được chín chắn, có nhiều cháu, gia đình tưởng là rất ngoan nhưng thực tế các cháu đến lớp, các cháu rất hư, lại là những học sinh cá biệt.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, bạo lực học đường gia tăng, Cục Cảnh sát hình sự, Góc nhìn thẳng
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự,
Bộ Công an trả lời chuyên mục Góc nhìn thẳng (ảnh: VietNamNet)

Thứ nhất là gia đình không quan tâm con cái, thứ hai là nhà trường thiếu trách nhiệm, không quan tâm, để các cháu muốn làm gì các cháu làm. Những mâu thuẫn trong các nhóm học sinh, nhà trường lại không biết được, thậm chí là có những thờ ơ khi có một số cháu lên phản ảnh với trường hoặc về tâm sự với bố mẹ thì lại được cho đấy là chuyện vặt nên dẫn đến sự bùng phát lớn như thế. Vậy nên phải phát hiện sớm để có cái biện pháp giải quyết.

Vì thế tôi nói nó do nhiều nguyên nhân và nguyên nhân xã hội là như vậy.

Nhà báo Phạm Huyền: Theo những kinh nghiệm của mình thì theo ông, bạo lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên như vậy thì có tiềm ẩn nhiều nguy cơ hình thành tội phạm trong tương lai như thế nào hay nói cách khác thì những tội phạm ở lứa tuổi trưởng thành thường có quá khứ như thế nào, có xu hướng bvạo lực ra sao ở lứa tuổi khi còn trẻ?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Có chứ! Tôi nghĩ mặc dù đây là bộc phát nhưng nếu chúng ta không có giải pháp để ngăn chặn hoặc giải quyết cụ thể dẫn đến các cháu sẽ tiếp tục thực hiện các hành vi bạo lực. 

Khi sự việc nghiêm trọng, chúng ta lại buộc các cháu phải thôi học hoặc là bỏ học, thì nguy cơ để các cháu đi vào con đường phạm pháp vẫn rất là lớn. Hoặc khi các cháu đã đi vào những trò chơi rồi, không may các cháu sử dụng các loại chất kích thích hoặc cần phải tiêu tiền, các cháu không làm được ra tiền thì các cháu buộc phải có tiền thì các cháu sinh ra ăn trộm, ăn cắp. 

Tất cả những thói hư tật xấu như thế dẫn đến những bạo lực học đường do nhiều nguyên nhân như tranh giành nhau về đồ chơi, người yêu, bạn bè, hoặc do mâu thuẫn về sinh hoạt các kiểu thì dẫn đến sử dụng bạo lực học đường.

Nếu như bạo lực học đường này, chúng ta không có giải pháp phát hiện, ngăn chặn thì các cháu sẽ trở thành mầm mống của tội phạm. Đó là điều tất yếu. 

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, theo ông vai trò của các bậc phụ huynh, nhà trường cần phải như thế nào để có thể giảm được những hiện tượng bạo lực học đường như vậy?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Tôi cho rằng, thứ nhất gia đình là quan trọng nhất. Gia đình là nền tảng để giáo dục và quản lý các cháu. Vì hơn ai hết, gia đình phải quan tâm, phải tạo điều kiện, phải nắm bắt được tâm lý của con em mình.

Thứ hai là ở nhà trường, tôi cho rằng phải tăng cường giáo dục đạo đức. Một việc nữa tôi cho rằng là phải tăng cường giáo dục về mặt pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật. Trong lứa tuổi tiểu học và học sinh trung học phải có hẳn một bộ môn về giáo dục pháp luật. Tôi cho rằng có việc mà hiện nay chúng ta rất dễ làm mà chúng ta đã không làm được trong khi các nước nghiêm cấm triệt để.

Ví dụ như việc không bán các chất kích thích, kể cả thuốc lá, kể cả rượu bia cho các cháu. Đấy là những cái rất dễ để các cháu vướng vào các tệ nạn hiện nay. Tôi thấy điều đó, xã hội hiện nay dường như không quan tâm. Các cháu 13, 14 tuổi uống rượu bia, hút thuốc lá phì phèo là chuyện bình thường. 

Kế nữa, về môi trường xã hội nơi các cháu sống, cần có những điều kiện vui chơi, giải trí, phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên, còn những trò chơi bạo lực phải có giải pháp để ngăn cấm. 

Ngoài ra, hiện nay mạng xã hội rất phát triển, là nguồn gốc để các cháu tụ tập nhau, lôi kéo nhau và bị nhiều kẻ xấu lợi dụng. Bố mẹ cần phải quản lý các mạng xã hội mà con đang dùng. 

Tôi cho rằng hiện nay, các cháu bé gái vi phạm pháp luật nhiều hơn các cháu trai. Những vụ việc mà đánh nhau thậm tệ, tàn bạo, vô cảm thì các cháu gái gây ra nhiều hơn. Có thể do ở lứa tuổi đó các cháu tâm sinh lý phát triển hơn nên cần có những liệu pháp tâm lý cho phù hợp để ứng xử các lứa tuổi. Hi vọng ngăn chặn và không để bạo lực học đường xảy ra phức tạp và cũng tránh để sau này các cháu tránh được con đường phạm pháp mà chúng ta không thể quản lý được.

Vấn đề quan trọng là gia đình, nhà trường và xã hội phải tạo được môi trường sống lành mạnh cho các cháu. 

Nhà báo Phạm Huyền: Cảm ơn ông đã trả lời báo điện tử VietNamNet! 

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền 

Clip: Đinh Tuấn, Đức Yên, Xuân Quý

Tin khác: 




Xem nguồn

Cơ hội tìm hiểu giáo dục đại học châu Âu cho sinh viên Việt Nam

Posted: 03 Nov 2016 04:11 AM PDT


 – Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ sở giáo dục châu Âu vừa tổ chức Diễn đàn Giáo dục đại học Việt Nam – châu Âu và Triển lãm giáo dục đại học châu Âu diễn ra trong hai ngày 3-4/11.

Diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam châu Âu
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại Diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam – châu Âu

Mục đích của diễn đàn nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học giữa các trường đại học châu Âu và Việt Nam. Hai sự kiện cũng tạo sân chơi cho các trường đại học Việt Nam và châu Âu xây dựng, phát triển chương trình hợp tác, đóng góp chung vào việc tăng cường hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam.

Tham gia diễn đàn có khoảng 80 cơ sở đào tạo đại học trong và ngoài nước, cùng sự tham gia của một số đại sứ quán và cơ quan chính phủ quốc tế. Tại diễn đàn, các bên đã chia sẻ một số kinh nghiệm phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế của các cơ sở đào tạo đại học châu Âu cũng như của Việt Nam.

22 tổ chức giáo dục quốc tế cũng đã mang đến một số chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, cung cấp thông tin về cơ hội du học cho các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên đại học.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bùi Văn Ga cho rằng, trong hơn 30 năm qua, sau khi thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo với các trường châu Âu nói riêng và quốc tế nói chung. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Âu còn khiêm tốn so với tiềm năng của cả hai bên. Và đây cũng chính là lý do Diễn đàn và Triển lãm giáo dục đại học Việt Nam – châu Âu được tổ chức để tạo cơ hội cho các trường, các nhà quản lý giáo dục, giảng viên và nhà khoa học kết nối với nhau, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học…

Tại Triển lãm diễn ra vào ngày 4/11, học sinh, phụ huynh và những người quan tâm tới các cơ hội học tập ở châu Âu sẽ nhận được sự tư vấn trực tiếp của đại diện các cơ quan, tổ chức tham gia. Các gian hàng thông tin du học, học bổng của nhiều nền giáo dục uy tín trên thế giới cũng được trưng bày tại triển lãm.

Dự kiến, Diễn đàn và Triển lãm mô hình tương tự sẽ được tổ chức định kỳ 2-3 năm một lần.



Xem nguồn

Câu hỏi về bao cao su trong đề thi gây tranh cãi

Posted: 03 Nov 2016 03:28 AM PDT


Một câu hỏi liên quan đến bao cao su trong một bài thi lớp 3 đã làm dấy lên nhiều tranh cãi trong giáo giới Malaysia.

bao cao su, giáo dục giới tính, đề thi
Câu hỏi và câu trả lời của học sinh gây tranh cãi

Câu hỏi nằm trong bài thi môn Khoa học, trong đó hỏi ý kiến học sinh về việc bán bao cao su trên thị trường.

"Việc bán bao cao su công khai trong các cửa hàng sẽ mang lại những tác động tiêu cực, gây ra các vấn đề xã hội. Bạn có đồng ý với ý kiến này không? Và hãy giải thích tại sao?"

Học sinh này trả lời: "Không. Bao cao su là một cách để tránh thai".

Tuy nhiên, câu trả lời này bị chấm là "sai".

Trả lời các phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Malaysia Ching Sin Woon nói: "Chúng ta hãy điều tra và xem xét vấn đề là gì".

Ông Chong cho rằng những kỹ năng tư duy cao cấp nằm trong Kế hoạch giáo dục của Malaysia (HOTS) giai đoạn 2013-2025.

"HOTS yêu cầu học sinh phải bảo vệ quan điểm của mình khi trả lời những câu hỏi này. Chúng ta cần tôn trọng quan điểm của trẻ" – ông nói.

Nguyên tổng giám đốc Ủy ban Phát triển Gia đình và Dân số quốc gia – Tiến sĩ Raj Karim cho rằng, việc chấm "sai" cho câu trả lời này là hoàn toàn sai lầm.

"Chúng ta luôn nói rằng phải dạy giáo dục giới tính hoặc giáo dục cuộc sống gia đình trong trường học để bọn trẻ có một lối sống an toàn và lành mạnh. Điều đó không có nghĩa là khi bạn dạy chúng về kế hoạch hóa gia đình, là bạn đang yêu cầu chúng phải thực hành ngay sau đó" – Tiến sĩ Raj nêu quan điểm.

"Mặc dù giáo dục giới tính được dạy trong các giờ Sinh học, nhưng học sinh lại không được dạy về những "thông tin nhạy cảm". Giáo viên một phần quá ngại ngùng khi đề cập, một phần chỉ yêu cầu học sinh tự đọc" – bà nói thêm.

Bà cũng cho biết những cuộc thảo luận thẳng thắn về đề tài như thế này chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ, tách biệt, chứ không được thảo luận trong những lớp học lớn do sự nhạy cảm của chủ đề.

"Nó nên được thực hiện một cách chính thức ở những nơi mà bọn trẻ có thể tụ tập và giáo viên có thể nói chuyện với các em" – bà nói.

Anh Goh Seng Chui, 46 tuổi, ông bố có con sẽ vào lớp 3 trong năm tới, cũng cho rằng thật không công bằng khi cho rằng câu trả lời của học sinh kia là sai.

"Những câu hỏi về quan điểm không có câu trả lời duy nhất. Tôi cảm thấy vấn đề nằm ở tư duy hẹp của giáo viên, chứ không phải ở câu hỏi hay việc học sinh trả lời như thế nào" – anh nhận xét.

Anh Goh cũng cho rằng những câu hỏi khuôn mẫu không chỉ không khuyến khích học sinh bày tỏ ý kiến của mình, mà còn bắt chúng phải ghi nhớ những câu trả lời theo sách giáo khoa.

  • Nguyễn Thảo(Theo The Strait Times)



Xem nguồn

Comments