Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Hội thảo quốc tế Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu

Posted: 28 Nov 2016 06:24 AM PST


Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ IV Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ IV "Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững" năm 2012

Tiếp nối 4 kỳ Hội thảo đã được tổ chức tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh vào các năm 1998, 2002, 2008 và 2012, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 5 năm 2016 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội vào các ngày 15-18/12/2016 với chủ đề "Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu".

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn học thuật thảo luận và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam; Đẩy mạnh sự phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu, quy tụ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các hoạt động nghiên cứu, thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần nâng cao hiểu biết về Việt Nam; tăng cường trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo giữa các nhà khoa học, sinh viên, học viên trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ là trưởng ban chỉ đạo hội thảo. Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị tổ chức hội thảo.

Các đơn vị phối hợp tổ chức: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông.

Website hội thảo: http://icvs2016.vnu.edu.vn

Địa chỉ liên hệ: Phòng 706, nhà D2, 144 Đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Điện thoại: (04) 37547670, máy lẻ 726. E-mail: icvs@vnu.edu.vn

Ban Tổ chức thông báo và kính mời các nhà khoa học, hoạch định chính sách, quản lý và doanh nhân tham dự Hội thảo. Thông tin về Hội thảo được cập nhật thường xuyên trên website của Hội thảo.



Xem nguồn

Họp nhiều là căn bệnh nặng không phải chỉ có ở ngành giáo dục

Posted: 28 Nov 2016 04:59 AM PST


LTS: Trước thực trạng họp hành triền miên tại trường học, cô giáo Phan Tuyết đưa ra một số hướng đề xuất để giải quyết, khắc phục tình trạng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Hở một tí là họp, họp triền miên, họp liên tục, họp đến nhức đầu mỏi mắt, họp đến mụ cả đầu óc, họp gì mà họp nhiều thế không biết!

Đó là những cụm từ ta thường nghe được ở bất kì cơ quan công sở nào đó. 

Có thể nói "Họp" là căn bệnh trầm kha của cán bộ công chức các ngành nghề không riêng gì giáo dục.

Hầu như bất cứ ai cũng ngao ngán nhưng vì sao chuyện họp hành vẫn không được hạn chế mà ngày càng có nguy cơ "nở rộ" hơn? 



Họp hành nhiều mà không hiệu quả khiến cán bộ, giáo viên mệt mỏi. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Đơn giản cũng vì mấy sếp thì thích họp mà nhân viên ai cũng ngậm bồ hòn làm ngọt mà không dám có ý kiến để sửa đổi.

Tôi thường về các xã phường xin tin viết bài. Có những buổi chiều đi đến 5 xã phường nhưng đều gặp cảnh họp. 

Đi một vòng quanh Ủy ban chỉ thấy điện sáng, quạt quay, phòng trống trơn không có người. Từng ban, từng bộ phận mọi người đều nhóm họp. 

Thôi thì đủ kiểu họp như họp từng phòng ban, họp từng bộ phận, họp toàn cơ quan… nội dung họp cũng vô cùng phong phú như họp giao ban đầu tháng, họp sơ kết cuối tháng, cuối đợt thi đua, họp triển khai nhiệm vụ mới, họp đánh giá sơ bộ, họp rút kinh nghiệm…

Ngoài phòng chờ, nhiều người dân ngồi đợi đến mỏi mòn, người nóng ruột cứ đi tới đi lui để chờ được kí giấy, được giải quyết các công việc họ đang cần. 

Có người than "Mất toi mấy buổi đi làm, không biết các ông bà ấy họp lúc nào mà tránh".


Ở nhiều trường học trong cả nước, tình trạng họp hành cũng chẳng thua kém gì.

Ngoài những cuộc họp có tên như họp hội đồng, họp tổ chuyên môn, họp liên tịch… còn hàng chục cuộc họp khác.

Ví dụ như họp chuẩn bị nội dung giao lưu, họp đánh giá hoạt động ngoại khóa, họp triển khai chuyên đề, tổng kết chuyên đề, họp triển khai các hội thi, các Thông tư, nghị định… và hàng lô những cuộc họp đột xuất không tên khác…

Họp nhiều, thời gian không có nên việc ăn cắp thời gian của giáo viên và học sinh không thể tránh khỏi.

Cấp tiểu học, buổi sáng 10 giờ 10 phút học sinh tan trường, không ít trường triệu tập giáo viên họp đột xuất có khi gần 12 giờ trưa mới tan. Buổi chiều, có khi họp từ 4 giờ 30 đến gần 7 giờ tối. 

Có ngày thứ bảy, đôi khi họp cả ngày chưa xong còn kéo cả đêm. Bậc trung học, có giáo viên ở một số địa phương kể:

"Nhiều khi cần triển khai việc họp gấp, giáo viên cho học sinh làm bài tập, tự quản trên lớp và thầy cô xuống phòng ngồi họp". 

Không họp liệu có được không?

Có dịp ngồi nói chuyện với một giáo viên đang công tác tại một trường tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh, cô bạn chia sẻ:

"Nhà trường thường liên hệ với giáo viên trên hộp thư điện tử. Mọi kế hoạch, nhiệm vụ cần truyền đạt, phó hiệu trưởng gửi gmail cho các tổ trưởng chuyên môn.

Các tổ trưởng lại gửi cho từng tổ viên thực hiện hoặc có ý kiến góp ý gửi về để tổ trưởng tổng hợp… Nhờ thế, việc họp hành đã được hạn chế rất nhiều". 

Giáo viên này nói tiếp "Trường em ba tháng mới họp hội đồng một lần. Thời gian họp cũng chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng.

Để chuẩn bị cho cuộc họp hội đồng toàn trường có chất lượng, phó hiệu trưởng đã nhận báo cáo của các tổ trưởng chuyên môn, công đoàn cũng nhận báo cáo của các tổ trưởng công đoàn và tổng hợp gửi về cho hiệu trưởng.

Buổi họp hội đồng chỉ nghe ý kiến phản hồi và đề xuất của giáo viên, của các bộ phận nên cuộc họp diễn ra rất nhanh nhưng vô cùng hiệu quả". 

Người đứng đầu cần thay đổi tư duy

Triển khai cuộc họp nhiều ở các cơ quan đơn vị một số cán bộ còn cho rằng "Họp nhiều để đảm bảo nguyên tắc dân chủ" nhưng đó chỉ là ý kiến ngụy biện.

Phần lớn do cách làm việc của nhiều cán bộ chưa khoa học, còn ôm đồm, bảo thủ, phần khác nhiều cán bộ xã phường cũng như trường học còn thích nói nhiều, dông dài, có tư tưởng sợ cấp dưới làm không đúng ý, không đạt hiệu quả nên chưa mạnh dạn giao việc. 

Họ đang có thói quen quản lý con người bằng giờ giấc nhiều hơn bằng hiệu quả công việc được giao.

Hạn chế việc họp sẽ bớt đi những thời gian chết không cần thiết, dành thời gian cho chính công việc sẽ làm chắc chắn sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.



Xem nguồn

Phụ huynh tố giáo viên "đì" học sinh vì không học thêm

Posted: 28 Nov 2016 04:17 AM PST


Theo phản ánh của chị Trần Thị Phương Trinh (SN 1974, ngụ phường 5, TP Vĩnh Long), con gái của chị là em Phùng Gia Mỹ (học sinh lớp 9/5, Trường THCS Lê Quí Đôn) bị cô Nguyễn Thị Thảo – GV dạy toán của trường này "đì" vì không chịu đi học thêm.

Phụ huynh "tố" giáo viên sỉ nhục học sinh

Chị Trinh trình bày, trong kì thi học kì 1, năm 2015 – 2016, em Gia Mỹ có dấu hiệu không muốn đi học. Ban đầu, gia đình nghĩ Gia Mỹ bị chứng rối loạn giấc ngủ (nữ sinh này thường bị chứng rối loạn giấc ngủ). Khi Gia Mỹ nghỉ học thì phụ huynh của em gọi điện thoại cho cô chủ nhiệm xin phép.

Sau vài lần thì cô chủ nhiệm điện thoại cho chồng chị Trinh kêu làm đơn xin giấy xác nhận của bác sĩ rồi làm đơn xin nghỉ học, năm sau học lại.

Phụ huynh tố giáo viên 'đì' học sinh vì không học thêm

"Nghe cô chủ nhiệm nói như vậy tôi rất hoang mang, con gái thì nhất quyết không chịu đi học. Khi đó, tôi chưa biết giải quyết như thế nào thì cô chủ nhiệm và phó hiệu trưởng trường cùng một cán bộ của UBND phường 1 đến nhà nói: "vận động con tôi đi học".

Tuy nhiên, lạ là họ lại hối thúc vợ chồng tôi ký tên vào biên bản xác nhận việc con tôi nghỉ học do bệnh. Tôi thấy không đúng, vì con gái tôi sức khỏe kém chứ đâu bệnh ngặt nghèo đến phải nghỉ học", chị Trinh trình bày và cho biết, con gái mình rất ngoan, hiền, ít nói. Việc Gia Mỹ không chịu đi học là quá bất ngờ nên xin nhà trường cho ít thời gian gia đình tìm hiểu.

Sau đó, Gia Mỹ nói với gia đình rằng, trong giờ kiểm tra môn Toán, em bị cô giáo bộ môn là Nguyễn Thị Thảo kêu đứng lên lớp và nói nữ sinh này copy bài của bạn. Lúc này, Gia Mỹ khẳng định không copy bài của ai hết.

"Mặc dù vậy cô Thảo vẫn kêu cả lớp nhìn vào con tôi và nói: "Ê, tụi bây nhìn kỹ mặt con này đi, nó copy đẳng cấp. Đề "A,B" mà nó cũng copy được, đẳng cấp thiệt. Và từ copy đẳng cấp này cô Thảo nhắc rất nhiều lần rồi mới cho con tụi ngồi xuống làm bài tiếp", chị Trinh bức xúc.

Từ vụ việc trên, các bạn học cùng lớp với Gia Mỹ liên tục chê cười, chọc ghẹo nữ sinh này khiến em không chịu đựng nỗi nên phải giả bộ ngủ để khỏi đi học.

Đặc biệt, chị Trinh còn cho rằng, con gái mình sở dĩ bị cô Thảo "đì" là do không chịu đi học thêm do giáo viên này dạy.

Trong quá trình giải quyết, nhà trường, giáo viên và phụ huynh không có tiếng nói chung dẫn đến sự việc kéo đến ngày 30/1/2016, lúc này Gia Mỹ đã nghỉ học quá 45 ngày và không đủ điều kiện lên lớp (Theo thông tư 58/2011/TT-Bộ GD&ĐT, nghỉ không quá 45 buổi học trong một năm học, nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại không đủ điều kiện lên lớp hoặc không được lên lớp – PV).

"Mới qua học kì 1 vài ngày, tôi thấy con gái không đi học đã báo cho lãnh đạo nhà trường. Nhưng nhà trường nhiều lần trì hoãn, không giải quyết, kéo dài thời gian và cho cho rằng còn gái tôi đã vi phạm thông tư của Bộ GD&ĐT. Quá nhiều lần làm việc với nhà trường, tôi yêu cầu lập biên bản nhưng nhà trường né tránh, không lập. Trong thời gian khiếu nại, tôi cùng với chồng còn bị cô Thảo nhờ những đối tượng ngoài xã hội đe dọa, gây áp lực để không dám gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng", chị Trinh bức xúc cho biết.

Nhà trường và giáo viên lên tiếng

Trao đổi với VietNamNet, cô Nguyễn Thị Tiến – Hiệu Trưởng trường THCS Lê Quí Đôn cho biết: từ tuần học đầu tiên (ngày 29/8/2015 đến ngày 6/11/2015), Gia Mỹ đã nghỉ học 27 ngày. Khoảng thời gian này, cô chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường có liên hệ với phụ huynh của Gia Mỹ và được biết nữ sinh này bị chứng rối loạn giấc ngủ.

Đến khi Gia Mỹ nghỉ học được 33 ngày thì phụ huynh đến trường gặp cô Tiến trình bày sự việc.

"Lúc đó đã kiểm tra học kì 1 xong, chị Trinh đến gặp tôi trình bày sẽ cho Gia Mỹ nghỉ học luôn do em này đang trị bệnh rối "loạn giấc ngủ".

Sau đó, tôi có hướng dẫn chị Trinh hãy chữa bệnh cho Gia Mỹ nhưng phải làm đơn xin nghỉ phép và có giấy khám bệnh của bác sĩ. Do Gia Mỹ đang học năm cuối cấp nên tôi khuyên gia đình cho em tiếp tục học tiếp, nghỉ nửa chừng thì tiếc lắm. Còn không thì làm đơn nghỉ học năm nay, năm sau vào học lại", cô Tiến trình bày và cho biết, lúc này phụ huynh của Gia Mỹ nói muốn con mình nghỉ học luôn để đi du học.

Còn cô Nguyễn Thị Thảo khẳng định mình không sỉ nhục và xúi nhục học sinh chửi rủa, sỉ nhục em Gia Mỹ.

Ngược lại cô này còn "tố" phụ huynh của Gia Mỹ đã xúc phạm, chửi rủa mình thậm tệ trước mặt học sinh, giáo viên và phụ huynh.

"Những việc phụ huynh của em Gia Mỹ nói là hoàn toàn sai sự thật. Tôi không "đì" hay chửi rủa, sỉ nhục Gia Mỹ để em ấy dẫn đến mặc cảm và phải nghỉ học. Tôi có đăng ký dạy thêm ở trung tâm, chứ không dạy thêm ở nhà. Trong vụ việc này tôi là nạn nhân vì bị phụ huynh của em học sinh này xúc phạm, đe dọa từ trường đến nhà riêng", cô Thảo trình bày.

Cô giáo này cũng giải thích về việc phụ huynh em Gia Mỹ bị những đối tượng xã hội bên ngoài đe doạ là do trong quá trình giải quyết vụ việc, phụ huynh em Gia Mỹ nhiều lần đến trường và có lời nói xúc phạm. "Nhiều lần xảy ra vụ việc trên, phụ huynh của các em học sinh khác biết nên bức xúc, trong đó có anh Quang và Thái nên tự ý gọi điện thoại hẹn vợ chồng chị Trinh ra quán cà phê để nói chuyện. Bản thân tôi không có nhờ vả ai giúp đỡ", cô Thảo giải thích.

Liên quan đến vụ việc này, Phòng GD& ĐT TP Vĩnh Long đã có kết luận: Phòng giáo dục rút kinh nghiệm đối với trường THCS Lê Quí Đôn trong việc xử lý công việc. Rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết khiếu nại, bắt buộc phải có biên bản ghi chép. Nhà trường cần hướng dẫn phụ huynh những bước tiếp theo khi không đạt kết quả hoà giải. Đối với cô Tiến (hiệu trưởng), cần rút kinh nghiện bản thân trong việc giải quyết và cần nghiên cứu bồi dưỡng thêm.

Qua kết quả nghiên cứu hồ sơ và phiếu thăm dò học sinh, chưa đủ cơ sở kết luận cô Thảo có hành vi sỉ nhục học sinh. Nhưng bản thân cô Thảo cần rút kinh nghiệm trong quá trình ứng xử với học sinh phải có lời nói nhẹ nhàng thân thiện, tránh học sinh hiểu lầm là sỉ nhục.



Xem nguồn

Đi học ở Việt Nam, nghịch lý càng học cao càng nhàn và rảnh việc

Posted: 28 Nov 2016 03:35 AM PST


LTS: Có một so sánh thú vị thế này: Học tiểu học, đến trường cặp nặng 7 cân; lên trung học còn 4 cân; đến cấp 3 chỉ còn 2 cân; và, lên đại học đến lớp tay cầm mỗi quyển sách cuộn tròn; sau đại học thì đi học bằng tay không, túi quần có thêm cái điện thoại thông minh.

Như thế, chẳng phải là học càng cao càng nhàn là gì?

Dưới đây, Tòa soạn trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của một sinh viên, em là Mai Ly, đang học ở Hà Nội và câu chuyện em nêu ra, phản ánh chính vấn đề nêu trên.

Chơi cả năm, học một tuần

Đó là thực tế của sinh viên tại hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng. Sinh viên vẫn lên lớp thường xuyên nhưng không phải chỉ để chuyên tâm học tập.

Thay vào đó, nhiều sinh viên quan niệm "mỗi ngày đi học là một ngày… chơi".

Không còn các bài kiểm tra đều đặn như thời học sinh, sinh viên hiện giờ chỉ coi trọng các kỳ thi cuối kỳ và chỉ thực sự quan tâm chuyện sách vở trước mỗi kỳ thi đó.

Chuyện sinh viên bỏ học, trốn tiết, nhờ người đi học hộ, hoặc có đến lớp thì cũng ngủ, làm việc riêng không còn quá lạ lẫm với giới sinh viên.

Một phần nguyên nhân của thực trạng này cũng xuất phát từ quy chế học tập, thi cử ở bậc học Đại học, Cao đẳng ở nước ta.

Phạm Văn Sang, sinh viên trường Đại học Công nghiệp, cho biết: "Học đại học nhàn hơn cấp 3 rất nhiều. Thời gian học thì ít, lại không bị kiểm tra bài cũ hay 15 phút, chỉ có giữa và cuối kì.

Bọn mình chỉ thực sự ôn tập bài vở trước mỗi kì thi đó thôi. Còn bình thường thì chẳng bao giờ động đến sách vở, giáo trình".

Sinh viên một trường ngủ trong giờ khi thầy giáo giảng bài. (Ảnh: Mai Ly)

Trốn học là chuyện bình thường.

Học đại học, bạn có thể đến muộn mà chẳng ai quan tâm, bởi lớp học hàng trăm người và trừ phi bạn là "nhân tài" trong lớp thì mới khiến người khác phải cảm thấy thiếu khi không có bạn.

Tất nhiên, có nhiều thầy cô nghiêm khắc điểm danh thường xuyên, nhưng nếu muốn bạn vẫn có thể qua mắt được hành động kiểm soát này.

Vở có thể thiếu, nhưng không thể không có Smartphone

Với nhiều sinh viên, bút vở dường như là thừa thãi bởi học thì đã có giáo trình.

Không còn quá câu nệ chuyện ghi chép, ngay cả khi nhiều giảng viên truyền đạt những kiến thức không có trong giáo trình, nhiều sinh viên ngày càng ỷ lại vào những cuốn sách in sẵn.

Nhưng giáo trình thì không thể chỉnh sửa hàng năm nên nhiều sinh viên đang tự thỏa mãn với những kiến thức từ cách đây tới cả chục năm.

Trong giờ học, sinh viên cũng không cần ghi chép tất cả lời giảng của thầy cô vào vở. Một chiếc điện thoại có tính năng ghi âm, chụp ảnh phần nội dung trình chiếu trên bảng là trợ thủ đắc lực trong giờ học.

5 nghịch lý của nền giáo dục Việt Nam

(GDVN) – TS.Nguyễn Văn Khải cho rằng, dạy lý tưởng, đạo đức rất nhiều, nhưng hiệu quả thấp đấy là vì nhiều người lớn đang ứng xử tồi.

Bạn Quỳnh sinh viên năm cuối của Đại học Sư Phạm Hà Nội cho biết: "Số lượng vở và bút của bốn năm đại học của mình chỉ bằng một kì của hồi học cấp 3.

Vài chục cuốn giáo trình thì gần như mới nguyên". 

Đây không phải là chuyện hiếm gặp trong giới sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam hiện nay.

Chuyện ghi chép nhiều không còn quá quan trọng với sinh viên Việt Nam bởi chúng không thay đổi là bao kết quả của các kỳ thi cuối kỳ.

Kiến thức chỉ gói gọn trong tập đề cương 

Dựa dẫm vào đề cương và những tài liệu in sẵn, phương pháp học tập theo kiểu "nước đến chân mới nhảy" đã và đang làm lười đi một thế hệ cử nhân tương lai của đất nước. 

Nếu như cấp học phổ thông một môn học kéo dài 10 tháng. Lên Đại học, Cao đẳng một môn chỉ học trong vòng 1 tháng là thi, thi xong quên là chuyện bình thường đối với sinh viên. 

Một bạn sinh viên chia sẻ: "Hỏi mình kiến thức cấp 3 như bài thơ này của ai, nội dung như thế nào, công thức tính gia tốc trong Vật lí… mình còn nhớ, chứ giờ hỏi về mấy môn học trên Đại học mới thi xong cách đây 2 tuần thì mình chịu".

Đại học, cao đẳng làm bài tập thể 

Khác với thời học phổ thông thì lên Đại học, Cao đẳng các thầy cô đều khuyến khích làm bài tập nhóm.

Phương pháp này nhằm mục đích nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của thành viên trong công việc tập thể, rèn luyện cho sinh viên cách làm việc tập thể một cách khoa học.

Nhưng đây cũng là một phương pháp khiến cho sinh viên nhàn, rảnh hơn rất nhiều. 

Vấn đề điểm ở Đại học không đặt nặng như phổ thông

Nếu như học sinh phổ thông luôn cố gắng làm những bài kiểm tra để đạt những điểm số cao nhất như 8, 9 điểm.

Sinh viên đại học lại luôn nghĩ, điểm số không quan trọng chủ yếu là thực tế làm gì và làm như thế nào. Hầu như các sinh viên chỉ mong thi qua môn học với những con số khá hoặc thậm chí là đủ để qua. 

Bạn Lưu Phương Thúy, sinh viên đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, chia sẻ: "Trước khi vào trường mình cũng đặt mục tiêu học hành chăm chỉ, cố gắng nhận được học bổng.

Nhưng sau khi vào học Đại học ý nghĩ ấy của mình dần dần mất đi, hiện tại mình thi chỉ mong qua môn không bị thi lại là được".
 
Đáng lẽ càng học lên cao thì áp lực cũng như kiến thức càng nhiều, nhưng như những gì ta thấy sinh viên Đại học, Cao đẳng của Việt Nam hiện nay, nhàn hơn học sinh phổ thông rất nhiều.

Sự nhàn ấy thể hiện qua thời gian học trên lớp, đến kiến thức tiếp nhận đều ít hơn. Như vậy liệu sinh viên, thế hệ trẻ sẽ có những gì trong tay để ra trường đi làm nuôi sống bản thân, chứ chưa nói gì là đóng góp cho phát triển đất nước. 

Vẫn biết rằng tấm bằng đỏ khi ra trường là vô cùng giá trị, nhưng sẽ chẳng có thứ gì ý nghĩa và bền lâu bằng chính những kiến thức mà mỗi chúng ta tự thu nhận được sau những năm tháng trên giảng đường có thể giúp gì chính mình sau này.



Xem nguồn

Cuộc đua tài của các nhà khoa học trẻ nông, lâm, ngư

Posted: 28 Nov 2016 02:53 AM PST


 Gần 200 nghiên cứu khoa học của sinh viên, cán bộ trẻ từ 15 trường ĐH đã được gửi về Hội nghị KHCN tuổi trẻ các trường ĐH, CĐ khối Nông – Lâm – Ngư – Thủy lợi toàn quốc do Bộ GD-ĐT và TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Theo Ban tổ chức hội nghị, các công trình đã phản ánh những kết quả đáng trân trọng trong hoạt động KHCN của tuổi trẻ các trường ĐH, CĐ Khối Nông Lâm Ngư Thủy lợi từ 2014 cho đến nay.

Cuộc đua tài của các nhà khoa học trẻ nông, lâm, ngư
Các tác giả đoạt giải nhất tại hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ khối nông-lâm-ngư-thủy lợi lần thứ 7. Ảnh: Lê Văn.

Tại hội nghị diễn ra trong 2 ngày (26-27/11) do Trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam đăng cai tổ chức, có 13 trường đã tham gia với 58 báo cáo khoa học báo cáo tại 10 hội đồng chuyên ngành.

Các báo cáo khoa học tại Hội nghị đã được tuyển chọn, chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng chuyên môn khá tốt, một số báo cáo có tính mới, sáng tạo và có khả năng ứng dụng trong thực tiễn.

Kết quả, Ban tổ chức đã trao 11 giải Nhất, 16 giải Nhì, 17 giải Ba và 14 giải Khuyến khích cho 120 cá nhân chủ trì 58 công trình khác nhau. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trao 10 giải tập thể, trong đó Học viện Nông nghiệp Việt Nam đoạt giải nhất với số điểm cao nhất toàn đoàn.

Hội nghị KHCN tuổi trẻ các trường ĐH, CĐ khối Nông – Lâm – Ngư – Thủy lợi toàn quốc là hội nghị 2 năm tổ chức 1 lần. Hội nghị lần tiếp theo sẽ được tổ chức vào năm 2018 do Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đăng cai.

Hà Phương



Xem nguồn

Ông "là một, là riêng, là duy nhất" ở Thanh tra Chính phủ(!?)

Posted: 28 Nov 2016 02:11 AM PST


Mấy hôm nay ông bỗng trở nên nổi tiếng sau khi báo chí nói nhiều về đoạn băng ghi âm được cho là phát ngôn của ông tại buổi công bố thanh tra Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hôm 28/9.

Phát biểu của ông Mẫn khiến dư luận dậy sóng vì qua ngôn từ và cách diễn đạt họ nghĩ, ông quyền vụ trưởng đang “dạy” cho người khác cách bưng bít thông tin.



Trụ sở Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: Báo đầu tư)

Các báo trích băng ghi âm được cho là lời ông Mẫn nói: “Tôi nói rõ là sau khi giữa đoàn thanh tra và nhà trường phát hiện ra điều đó thì chúng ta sẽ hội ý và trao đổi, trao đổi mật…

…Tôi nói rõ bất kỳ đoàn viên đoàn thanh tra nào tiết lộ công trình này bị yếu kém hoặc là ăn bớt vật tư ra ngoài để báo chí biết thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật…

Đây toàn là các thầy, các cô đại diện cho các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM… xấu xa thì ta phải đậy lại. Không có dại gì chúng ta đi vạch áo cho người xem lưng…“[1]

Ông cũng tỏ rõ thái độ của mình đối với báo chí: “Bất kỳ đồng chí nào bị báo chí quấy nhiễu thì điện trực tiếp cho tôi… Tôi đuổi, tôi sẵn sàng phối kết hợp đuổi, đuổi đấy.

Đuổi nhà báo ngay, chúng tôi chả ngại gì. Đấy! Bởi vì trong quá trình (thanh tra) báo chí nó nhiễu thì rất là nhục…".[2]



Khi phóng viên hỏi một số thông tin liên quan đến những phát ngôn nói trên, ông Mẫn tuyên bố: “Các thông tin trên mạng là bịa đặt".[3]

Khi được biết phóng viên đang làm việc ở báo nọ, báo kia, ông Mẫn nói: “Tổng biên tập… là cậu của tôi“, “cứ hỏi giám đốc Sở sẽ biết tôi là ai“.[4]

Đúng là “miệng nhà quan có gang có thép”!

Vậy ông Nguyễn Minh Mẫn là ai?

Xin thưa, ông đương kim là Quyền Vụ trưởng Vụ III – Thanh tra Chính phủ.

Hãy nghe ông quyền vụ trưởng tự tin khẳng định mình: "Tôi đang là trưởng đoàn thanh tra. Tôi là người chống tham nhũng mạnh nhất của ngành thanh tra, liêm khiết nhất của ngành thanh tra, chưa nhận cái kim sợi chỉ nào của ai".[5]

Ông hãnh diện kể về lai lịch “trong sạch, vững mạnh” của mình: “Từ năm 2011 đến nay, tôi là người trong sạch, liêm khiết và có cống hiến nhiều nhất nên các lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã giao tôi làm quyền vụ trưởng Vụ III.

Anh hãy đọc báo cáo phần ưu điểm: Quan điểm chính trị rõ ràng, chấp hành tốt cương lĩnh điều lệ, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; đạo đức lối sống lành mạnh, chưa có biểu hiện tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.

Tôi trao đổi để cho rõ là nếu làm quy trình công minh thì tôi là người xuất sắc nhất, liêm khiết và cống hiến nhiều nhất cho ngành thanh tra thì giờ tôi đã là vụ trưởng.

Bởi lúc tôi là quyền vụ trưởng từ năm 2011, tôi là trưởng đoàn thanh tra của năm đoàn, trong đó có thanh tra diện rộng về kiên cố hóa trường học cho cả nước, sau đó trường học trên cả nước được khang trang.

40 năm nay tôi chưa bao giờ có vi phạm khuyết điểm nào. Tôi chỉ có thành tích đối với Đảng, nhân dân và đặc biệt đối với ngành thanh tra…

Chứ tôi là cán bộ thanh tra cao cấp đầu tiên chưa động đến cây kim sợi chỉ của ai. Tôi bị thương, bị mổ mấy lần nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ sự trong sạch của ngành thanh tra…“.

Tôi là một trong những cán bộ làm nhiều việc lớn cho ngành thanh tra. Tôi là người duy nhất kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện tha hóa khác.



Tôi chưa từng vi phạm kỷ luật gì. Họ hoàn toàn bịa đặt vu khống cho tôi, câu kết để cố tình bôi nhọ thanh danh, truyền thống cách mạng, yêu nước hàng trăm năm nay. Tôi cảm ơn nhà báo đã trao đổi.

Tôi có thể khẳng định luôn tôi là người chống tham nhũng mạnh mẽ bởi tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước.“[6]

Tóm lại, ông Nguyễn Minh Mẫn là cán bộ, là lãnh đạo duy nhất ở Thanh tra Chính phủ “suốt 40 năm qua chưa vi phạm khuyết điểm nào; là người xuất sắc nhất, trong sạch nhất, liêm khiết nhất và cống hiến nhiều nhất cho ngành thanh tra“.

Về chống tham nhũng, ông cũng là “người duy nhất kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực mạnh nhất của ngành thanh tra, là người quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ sự trong sạch của ngành thanh tra…“.

Nói thế, dư luận ngầm hiểu, ông “là một, là riêng, là duy nhất” ở Thanh tra Chính phủ (!).

Quả thực, làm quan thanh tra mà được như ông thì thật là hiếm hoi, nếu không nói là “của quý” của ngành thanh tra cả nước.

Nhưng buồn thay, một lãnh đạo “mẫu mực” toàn diện, một “tấm gương” đáng tự hào cho toàn ngành, vậy mà chi bộ nơi ông sinh hoạt lại cho rằng năng lực của ông “không đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ”.

Kết quả đánh giá chất lượng đảng viên năm 2012 của chi bộ Vụ III chỉ rõ:

Thời gian ông Mẫn đứng đầu Vụ, về năng lực chuyên môn, năng lực quản lý điều hành yếu kém, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm 19 điều đảng viên không được làm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách"; năm 2012 không hoàn thành nhiệm vụ được giao, viết đơn tố cáo không đúng sự thật…“.[7]

Dư luận tin đánh giá của chi ủy chi bộ Vụ III về đảng viên của mình. Trí tuệ của tập thể bao giờ cũng sáng suốt và tỉnh táo, ông Mẫn ạ!

Tài liệu tham khảo:

[1,2,3,4]. http://plo.vn/thoi-su/vu-pho-phu-trach-vu-iii-nguyen-minh-man-noi-gi-667331.html

 [5,6]. http://plo.vn/thoi-su/toi-liem-khiet-nhat-nganh-thanh-tra-667558.html

[7]. http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/ong-nguyen-minh-man-thuong-co-nhung-phat-ngon-khong-nghiem-tuc-49070.html



Xem nguồn

Lạm thu gần 80 khoản, Hiệu trưởng mầm non bị kỷ luật

Posted: 28 Nov 2016 01:29 AM PST


 – Hiệu trưởng trường mầm non đề ra gần 80 khoản thu vô lý đầu năm học, khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Ngày 28/11, ông Ngô Phú Hàn, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết, Hội đồng kỷ luật vừa có quyết định kỷ luật mức cảnh cáo đối với cô Lê Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường Mầm non Hưng Thắng.

Bà Hà bị kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng, không được xét thi đua trong năm nay và xem xét chuyển nơi công tác khác.

Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Hiền, Phó hiệu trưởng trường Mầm non Hưng Thắng cũng nhận mức kỷ luật khiển trách và kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng.

Lạm thu gần 80 khoản, Hiệu trưởng mầm non bị kỷ luật
Trường Mầm non Hưng Thắng

Trước đó, nhiều phụ huynh đã tố cáo Ban giám hiệu trường Mầm non Hưng Thắng đề ra gần 80 khoản thu vô lý đầu năm.

Mỗi học sinh phải đóng 344.000 đồng tiền thuê nấu ăn bán trú; tiền xã hội hóa từ 700.000 mỗi em; 365.000 đồng tiền đồ chơi cùng nhiều khoản thu khác. 

Tổng số tiền đầu năm mỗi phụ huynh phải đóng cho con em mình lên tới gần 3 triệu đồng/em.

Như VietNamNet đưa tin ngày 14/11 hàng trăm phụ huynh không đưa học sinh tới trường vì cô hiệu trưởng chưa bị kỷ luật sau hàng loạt sai phạm và yêu cầu điều chuyển công tác đối với cô Hà.

Liên quan vụ việc này, ông Hàn cho biết thêm: "Việc chuyển công tác là do cá nhân cô Hà có đơn xin chuyển công tác. Hiện tại, UBND huyện đang xem xét kỷ luật sau đó mới bàn đến việc chuyển công tác".

Văn Bình



Xem nguồn

Thu trái quy định, Hiệu trưởng trường mầm non bị đề nghị chuyển công tác

Posted: 28 Nov 2016 12:48 AM PST


Cô Lê Thị Thu Hà bị đề nghị hình thức kỷ luật cảnh cáo và thuyên chuyển công tác do có sai phạm trong công tác thu chi đầu năm học.

Cô Lê Thị Thu Hà bị đề nghị hình thức kỷ luật cảnh cáo và thuyên chuyển công tác do có sai phạm trong công tác thu chi đầu năm học.

Theo ông Hoàng Văn Thụ, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), liên quan đến sai phạm của cô Lê Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Thắng trong công tác thu chi đầu năm học, Hội đồng kỷ luật Phòng GD-ĐT huyện thống nhất mức kỷ luật cảnh cáo, thuyên chuyển công tác đối với cô hiệu trưởng này.

"Chúng tôi đã chuyển đề nghị sang Phòng Nội vụ huyện để tham mưu UBND huyện đưa ra quyết định kỷ luật đối với cô Hà. Đến sáng nay Phòng vẫn chưa nhận được quyết định xử lý của UBND huyện", ông Thụ nói.

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, phụ huynh Trường Mầm non Hưng Thắng đã có đơn phản ánh về các khoản thu sai quy định của Ban giám hiệu trường. Theo đó, nhà trường đã đề ra mức thu xã hội hóa “cào bằng” quá cao với số tiền từ 700 nghìn đồng/học sinh/năm trở lên; thu tiền đồ dùng đồ chơi, học liệu từ 350-365 nghìn/học sinh/năm (tùy độ tuổi); tiền đồ dùng phục vụ công tác vệ sinh tại các lớp và thay cha mẹ chăm sóc trẻ bán trú tại trường từ 150-195 nghìn đồng/cháu/năm… Khi phụ huynh có ý kiến, hiệu trưởng nhà trường đã có thái độ chưa phù hợp khiến phụ huynh bức xúc.

Làm việc với PV Dân trí, bà Lê Thị Thu Hà phủ nhận việc cào bằng khoản thu XHH hóa, riêng khoản đồ dùng, đồ chơi, học liệu được lý giải là do hướng dẫn của Sở GD-ĐT Nghệ An về muộn và các khoản thu này do phụ huynh đề nghị. Tại thời điểm làm việc với PV, mặc dù đã triển khai các khoản thu nhưng kế hoạch thu chi đầu năm của Trường chưa được Phòng GD-ĐT huyện Hưng Nguyên phê duyệt.

Sau khi nắm được thông tin phản ánh của phụ huynh và qua các cơ quan báo chí, Phòng GD-ĐT huyện Hưng Nguyên đã lập đoàn kiểm tra và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường cũng như các cá nhân liên quan.

Bên cạnh thống nhất hình thức kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển cô giáo hiệu trưởng Lê Thị Thu Hà sang trường khác, Phòng cũng yêu cầu nhà trường trả lại các khoản thu ngoài quy định cho phụ huynh.

Hoàng Lam



Xem nguồn

Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam kỷ niệm 60 năm thành lập

Posted: 28 Nov 2016 12:05 AM PST


Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ảnh. VGP/Đình NamThay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ảnh. VGP/Đình Nam

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận những thành tích, đóng góp quan trọng, rất ý nghĩa của Học viện đối với sự nghiệp phát triển âm nhạc, văn hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự tìm tòi sáng tạo của Học viện trong tiếp thu, truyền thụ và đưa đến công chúng những tinh hoa của âm nhạc thế giới đồng thời làm giàu thêm, làm đậm đà bản sắc âm nhạc Việt Nam là hết sức điển hình, vô cùng quý báu.

Phó Thủ tướng mong muốn mỗi thầy cô giáo, từng học sinh, sinh viên, nghệ sĩ, nhạc sĩ… của Học viện luôn ý thức trách nhiệm đối với nền âm nhạc nước nhà, với sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam, với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập rất sâu rộng ngày hôm nay.

"Sứ mệnh của Học viện không chỉ là cơ sở đào tạo, nghiên cứu âm nhạc hàng đầu mà phải vươn lên tầm châu lục và quốc tế. Học viện phải là nơi các tài năng âm nhạc, những giá trị nghệ thuật, văn hóa được nâng niu, trân trọng và tạo điều kiện tốt nhất để bừng nở, tỏa sáng, với tình yêu thương con người, tình yêu nghệ thuật, tình yêu cuộc đời…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại hình ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn, cùng mong ước dân tộc Việt Nam "tiến tới đài vinh quang", bước ra thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Học viện cần luôn chủ động thực hiện đổi mới, không chỉ xứng đáng là niềm tự hào của nền giáo dục, âm nhạc Việt Nam mà còn của nền văn hiến Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sớm có phương án thực hiện đầy đủ quyền tự chủ của một đơn vị đào tạo, nghiên cứu rất đặc biệt, với những cơ chế tài chính, tổ chức nhân sự thuận lợi nhất. Từ đó tạo điều kiện, động lực mạnh mẽ cho công tác đào tạo, nghiên cứu của Học viện, không gian sáng tạo rộng mở nhằm phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên, phấn đấu vươn lên ngang tầm quốc tế.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. 



Xem nguồn

Luận án tiến sĩ phải có tính học thuật mang tầm quốc tế

Posted: 27 Nov 2016 11:23 PM PST



PGS.TS Lê Hữu Lập

Trao đổi với PV Dân trí về chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay, PGS.TS Lê Hữu Lập – Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết, hiện nay có một số ít cơ sở đào tạo tiến sĩ đang chạy theo số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng các công trình khoa học của nghiên cứu sinh và đương nhiên là số này ảnh hưởng rất lớn tới lòng tin của xã hội đối với tình tình đào đào tạo tiến sĩ chung của cả nước.

Chính vì điều đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới. Theo đó, dự thảo đòi hỏi nghiên cứu sinh phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế. Đây có lẽ là 1 biện pháp mạnh để nâng tầm tiến sĩ Việt lên, ông thấy thế nào?

PGS.TS Lê Hữu Lập: Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành từ 2009 và sửa đổi bổ sung năm 2012 đến nay không còn phù hợp về mặt pháp lý và thực tiễn.

Dự thảo Quy chế mới được điều chỉnh một số điều quy định nhằm năng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, phù hợp với tinh thần đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo Việt Nam.

Ngoài việc xác định kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của ứng viên dự tuyển thông qua công trình khoa học đã công bố, thì trình độ ngoại ngữ phải đạt chuẩn bậc 4/6 theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam (cao hơn so với trước đây).

Nghiên cứu sinh trước khi bảo vệ phải công bố tối thiểu 2 bài báo, trong đó có 1 bài viết bằng tiếng nước ngoài trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện…Rõ ràng đây là các yêu cầu cao hơn đối với nghiên cứu sinh

Được biết, trong dự thảo Quy chế tiến sĩ mới yêu cầu, người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ luận án cấp trường/viện phải có trách nhiệm cùng nghiên cứu sinh về nội dung luận án khi có khiếu kiện về vi phạm bản quyền tác giả (đạo văn). Liệu quy định này có được sự đồng thuận của cơ sở đào tạo và người hướng dẫn?

PGS.TS Lê Hữu Lập: Tôi nghĩ các cơ sở đào tạo và người hướng dẫn rất ủng hộ yêu cầu này. Hiện nay công nghệ và kỹ thuật cũng cho phép kiểm chứng các luận án trong việc sao chép các tài liệu.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, chi phí cho đào tạo tiến sĩ VN hiện nay quá thấp, (bình quân khoảng 15 triệu đồng/năm), đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đào tạo kém chất lượng tiến sĩ của ta hiện nay?

PGS.TS Lê Hữu Lập: Kinh phí cho cho đào tạo hiện nay nhìn chung là rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Học phí chỉ đủ cho các hoạt động chi thường xuyên.

Còn việc đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện nghiên cứu, thiết lập các phòng thí nghiệm chuyên sâu, kinh phí tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế là rất khó khăn… Đó cũng nguyên nhân dẫn đến chất lượng các công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh hạn chế.

Theo ông, chúng ta phải thay đổi như thế nào để có thể "sản xuất" được những vị tiến sĩ đóng góp được nhiều cho đất nước, cho khoa học?

PGS.TS Lê Hữu Lập: Chất lượng đào tạo tiến sĩ phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức đào tạo của các cơ sở đào tạo Tiến sĩ, vai trò trách nhiệm người hướng dẫn khoa học và đặc biệt là sự nỗ lực của các nghiên cứu sinh.

Đối với Nhà trường cần có môi trường nghiên cứu thuận lợi, cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất cho nghiên cứu; Trong hoàn cảnh kinh tế của ta hiện nay, nhà trường cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, trao đổi học viên

Nghiên cứu sinh phải được tiếp xúc giao lưu trong môi trường học thuật quốc tế, trên cơ sở các học bổng của Nhà nước (như đề án 911) cũng như học bổng của các tổ chức Quốc tế và đối tác. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tính học thuật mang tầm quốc tế thể hiện trong các luận án.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Nhật Hồng (thực hiện)



Xem nguồn

Comments