Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Quảng Bình: Thông tin không chính xác về vụ học sinh không biết đọc, biết viết vẫn phải lên lớp

Posted: 27 Nov 2016 07:08 AM PST


Chiều 27/11, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Đình Nhân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình cho biết, đoàn kiểm tra của Sở đã trực tiếp về tại Trường Tiểu học Cồn Sẻ và tiến hành kiểm tra năng lực học tập của các em học sinh mà trước đó một tờ báo phản ánh là không biết đọc, biết viết vẫn phải lên lớp gây bức xúc dư luận.

Theo đó, đối với trường hợp em Nguyễn Hoàng Phúc Lộc, học sinh lớp 3C, đây là học sinh đủ điều kiện hoàn thành và đạt các kiến thức môn học và hoạt động giáo dục, đạt về phẩm chất và năng lực. Học sinh viết được, đọc được, tính toán được, tuy nhiên vì Lộc nói bị "cà lăm" nên đôi lúc đọc còn chưa trôi chảy. Qua kiểm tra trực tiếp bằng chương trình lớp 3 cũng cho thấy em Lộc đọc được.

Đoàn kiểm tra đã về tại Trường Tiểu học Cồn Sẻ để tiến hành kiểm tra năng lực học tập của các em học sinh.

Đoàn kiểm tra đã về tại Trường Tiểu học Cồn Sẻ để tiến hành kiểm tra năng lực học tập của các em học sinh.

Đoàn cũng đã tiến hành kiểm tra đối với trường hợp em Hoàng Thị Phượng. Qua hồ sơ lưu tình hình học tập của Phượng tại Trường Tiểu học Cồn Sẻ và tại Trường THCS Quảng Lộc. Kết quả kiểm tra cuối năm học 2014-2015 cho thấy: Môn Khoa học 7 điểm, Lịch sử & Địa lý 5 điểm, Tin học 7 điểm, Tiếng Anh 8 điểm. Bàn giao chất lượng lên THCS các môn Toán 5 điểm, Tiếng Việt 5 điểm. Đủ điều kiện hoàn thành chương trình tiểu học, tuy nhiên hiện tại Phượng đã bỏ học.

Đối với em Mai Văn Dương (lớp 5B), đây là học sinh thuộc diện khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, tính tình nhút nhát. Yêu cầu đọc thì rất ít khi đọc, tuy nhiên khi giáo viên đọc hay chép theo nội dung trên bảng thì Dương viết được, chỉ có tính toán là còn chậm.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Bình cũng cho biết, vào sáng ngày mai, 28/11, Sở sẽ tổ chức cuộc họp và có báo cáo chính thức về kết quả kiểm tra thông tin học sinh không biết đọc, biết viết vẫn phải lên lớp tại Trường Tiểu học Cồn Sẻ mà trước đó một tờ báo đã phản ánh.

PV



Xem nguồn

Phó Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam

Posted: 27 Nov 2016 06:25 AM PST


Ngày 26/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận những thành tích, đóng góp quan trọng, rất ý nghĩa của Học viện đối với sự nghiệp phát triển âm nhạc, văn hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sự tìm tòi sáng tạo của Học viện trong tiếp thu, truyền thụ và đưa đến công chúng những tinh hoa của âm nhạc thế giới đồng thời làm giàu thêm, làm đậm đà bản sắc âm nhạc Việt Nam là hết sức điển hình, vô cùng quý báu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (ảnh đăng trên Báo điện tử VTC.VN).

Phó Thủ tướng mong muốn mỗi thầy cô giáo, từng học sinh, sinh viên, nghệ sĩ, nhạc sĩ… của Học viện luôn ý thức trách nhiệm đối với nền âm nhạc nước nhà, với sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam, với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập rất sâu rộng ngày hôm nay.

"Sứ mệnh của Học viện không chỉ là cơ sở đào tạo, nghiên cứu âm nhạc hàng đầu mà phải vươn lên tầm châu lục và quốc tế.

Học viện phải là nơi các tài năng âm nhạc, những giá trị nghệ thuật, văn hóa được nâng niu, trân trọng và tạo điều kiện tốt nhất để bừng nở, tỏa sáng, với tình yêu thương con người, tình yêu nghệ thuật, tình yêu cuộc đời…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại hình ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn, cùng mong ước dân tộc Việt Nam "tiến tới đài vinh quang", bước ra thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Học viện cần luôn chủ động thực hiện đổi mới, không chỉ xứng đáng là niềm tự hào của nền giáo dục, âm nhạc Việt Nam mà còn của nền văn hiến Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sớm có phương án thực hiện đầy đủ quyền tự chủ của một đơn vị đào tạo, nghiên cứu rất đặc biệt, với những cơ chế tài chính, tổ chức nhân sự thuận lợi nhất.

Từ đó tạo điều kiện, động lực mạnh mẽ cho công tác đào tạo, nghiên cứu của Học viện, không gian sáng tạo rộng mở nhằm phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên, phấn đấu vươn lên ngang tầm quốc tế.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. 



Xem nguồn

2017 tuyển sinh tiến sĩ Phật học đầu tiên ở Việt Nam

Posted: 27 Nov 2016 05:43 AM PST


– Dự kiến đến giữa năm 2017, Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ thông báo tuyển sinh chương trình Tiến sĩ Phật học đầu tiên ở Việt Nam.
 
Chiều ngày 27/11, hội thảo "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm" đã được tổ chức tại Thiền Viện Sùng Phúc Gia Lâm, Hà Nội với sự phối hợp của Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Đây là một trong chuỗi sự kiện chào đón lễ ra mắt và đi vào hoạt động của Viện Trần Nhân Tông, đồng thời nhằm hướng tới lễ kỷ niệm 708 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308 – 2016). 

2017 tuyển sinh tiến sĩ Phật học đầu tiên ở Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội – phát biểu tại hội thảo

Mục đích của hội thảo nhằm giới thiệu, đánh giá các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, phân tích, làm rõ thêm giá trị của hệ thống các di tích liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, qua đó nêu lên các quan điểm và giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm.
 
Tham dự hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội Vũ Minh Giang đề xuất các học giả cần tập trung làm rõ 3 vấn đề: làm thế nào để có lượng định chuẩn xác về di sản Phật giáo Trúc Lâm, đánh giá thực trạng: di tích đang ở mức độ nào và đưa ra các giải pháp bảo tồn.
 
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, Trần Nhân Tông là một danh nhân văn hóa, một nhà chính trị, lãnh tụ tôn giáo lớn của Việt Nam và nhân loại.
 
Ông cho rằng, việc nghiên cứu về Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm đã khởi sắc và nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, học giả, người hâm mộ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các nghiên cứu khá phân tán, tùy hứng, không tập trung, chưa có những chuyên luận chuyên sâu, những chương trình hay dự án nghiên cứu lớn. Vì thế, việc định hình một chiến lược nghiên cứu, một số tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về Trần Nhân Tông, Trúc Lâm là việc hết sức cần thiết.
 
"Viện Trần Nhân Tông đã được xác định tôn chỉ là: nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao, chuyên sâu về Phật học, di sản Trần Nhân Tông, thiền phái Trúc Lâm và các vấn đề văn hóa học thuật có liên quan. Mục tiêu nghiên cứu và đào tạo của Viện cũng không gì lớn hơn việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc lâm, đúng như chủ đề của Hội thảo khoa học ngày hôm nay".
 
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc nghiên cứu mang tính học thuật đối với đối tượng nghiên cứu là Phật học, các tư tưởng và trải nghiệm tôn giáo là việc có nhiều khó khăn. "Nghiên cứu Phật học vướng vào mâu thuẫn giữa tính khoa học, lô gic, lý tính và tính tôn giáo trực ngộ và phi lô gic, phi lý tính… Khen thái quá cũng là hạ thấp. Đề cao một cách không khách quan và không bằng chứng cũng là tầm thường hóa. Nhiều người khi viết về Trần Nhân Tông, vì bản ý muốn ca ngợi ông nên nói ông trút bỏ ngai vàng như vứt cái giầy rách. Nói thế tưởng ca ngợi hóa ra lại tầm thường hóa Phật Hoàng. Ngai vàng của tổ tông và vận mệnh dân tộc qua xương máu gian khổ của chúng sinh mới giành và giữ được đâu phải cái tầm thường có thể vứt bỏ. Đạo và đời ở ông hài hòa vô biệt".

2017 tuyển sinh tiến sĩ Phật học đầu tiên ở Việt Nam

Hội thảo "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm" có sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các sư trụ trì

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đề xuất cần hướng tới việc quốc tế hóa việc nghiên cứu về Trần Nhân Tông. Ông cũng cho rằng cần đại chúng hóa, giản dị hóa tư tưởng của Trần Nhân Tông để ai cũng có thể hiểu được, ai cũng có thể thể nghiệm và học tập theo.
 
Dự kiến tới giữa năm 2017, chương trình Tiến sĩ Phật học của Viện Trần Nhân Tông sẽ thông báo tuyển sinh. Chương trình đào tạo tiến sĩ của học viện sẽ phát huy lợi thế liên ngành và quan hệ quốc tế sâu rộng của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngoài định hướng đào sâu và nâng cao tri thức Phật học và các tri thức khoa học tương thông liên đới, chương trình sẽ tăng cường các định hướng nghiên cứu theo hướng giải quyết các vấn đề hiện đại, tư vấn chính sách và định hướng xã hội, cung cấp kỹ năng giải quyết các vấn đề Phật sự cho tăng ni theo kỹ năng quản trị tự viện hiện đại.
 
Ông kỳ vọng chương trình tiến sĩ Phật học đầu tiên ở Việt Nam sẽ hữu ích, thiết thực và trở thành một khâu quan trọng trong việc đổi mới giáo dục tăng ni nói riêng và đổi mới giáo dục đào tạo nói chung.
 
Nguyễn Thảo



Xem nguồn

Internet vạn vật, công nghiệp 4.0 và Giáo dục

Posted: 27 Nov 2016 05:00 AM PST


LTS: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều bài toán cho người người làm công tác giáo dục.

Tác giả Nguyễn Lan Hương (nghiên cứu sinh về giáo dục đại học tại Mỹ) đã chỉ ra một số tác động tích cực và tiêu cực của các xu hướng phát triển này với giáo dục hiện đại.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

"Giáo dục không chỉ để học các sự thật, mà cần được rèn luyện để học cách tư duy"- Albert Einstein

Khi chúng ta, những nhà lãnh đạo, nhà giáo, những nhà nghiên cứu giáo dục, cha mẹ và cộng đồng xã hội nghĩ đến giáo dục cho con trẻ trong thế kỷ 21 này, chúng ta cần ghi nhớ đến nguyên lý học tập trên của Albert Einstein, cần dạy con trẻ cách nghĩ, không hơn và không kém.

Với tất cả chúng ta, đây hoàn toàn không phải là việc dễ.

IoT và cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nền giáo dục toàn thế giới. (Ảnh: Insights/ Báo Khoa học và phát triển)

Chúng ta đang trao đổi và bàn bạc ở khắp trên thế giới về Internet vạn vật (IoT), về cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi thế giới chúng ta đang sống ra sao, sẽ thay đổi công việc chúng ta sẽ làm, sẽ thay đổi cách chúng ta dạy và học trong tương lai gần.

Các câu chuyện về dạy học MOOCs (khóa học mở trực tuyến đại trà) và vô số các công nghệ giáo dục (tech-edu) đang được marketing khắp mọi nơi, thu hút hàng chục triệu người trên thế giới tham gia.

Cùng với đó, những mô hình học tập miễn phí lấy bằng đại học như của University of People, đang đi xa hơn bất kỳ một hình dung nào về giáo dục trong tương lai, và mọi thay đổi mới chỉ diễn ra trong gần một thập kỷ qua.

Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ những khía cạnh tích cực (mà tôi hay nói, là một thế giới tươi đẹp về học tập) khi nhìn đến vai trò của Internet vạn vật và công nghiệp 4.0 sẽ mang đến cho người học trên toàn thế giới.

Đó sẽ là một thế giới học tập không bị giới hạn bởi bất kỳ điều gì, dù đấy là ngôn ngữ, địa điểm, niềm tin.

Khi bạn có máy tính và kết nối internet, bạn là thế giới và thế giới là bạn.

Kiến thức của hàng triệu năm nhân loại phát triển đều nằm trên hệ thống mạng, và chỉ cần bạn muốn học, cơ hội học tập ở bất kỳ đâu và có thể học với mức phí là 0 đồng (edX, MIT, University of People). 

Tuy nhiên, thế giới không chỉ là những bức tranh đẹp. Nó gồm cả những gam màu xấu và tệ hại.  

Theo những quan điểm bảo thủ về việc sử dụng (hay lạm dụng) Internet và máy tính, các phương tiện điện tử trong giáo dục, thì dù với Internet vạn vật, công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo, thách thức mới với tất cả chúng ta là ở góc độ làm sao dạy dỗ con trẻ khả năng nghĩ và sáng tạo, như là một CON NGƯỜI.

Làm sao để trẻ có thể giao tiếp thân ái với người khác, để có thể giải quyết hòa bình những mâu thuẫn trong gia đình, để có động lực và niềm tin yêu vào bản thân và người khác.

Và quan trọng hơn cả, biết coi trọng quan hệ con người (thật) với con người.  

Những yếu tố nhân bản của con trẻ trong một xã hội toàn internet có thể không còn được coi trọng nữa. 

Với internet và các phương tiện điện tử thông minh, hầu hết mọi người đều nhận thấy con cái chúng ta và học sinh đang dành nhiều thời gian với các thiết bị điện tử, hơn là với các giao tiếp thật và với con người thật.

Tương lai gần, 9/10 nhân lực hiện tại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp

Chúng ta buộc phải có một định nghĩa về từ "học sinh – xác chết biết đi" ("zombie students": từ mô phỏng theo truyện về xác chết nhưng vẫn đi lại được) [1].

Chúng ta phải chấp nhận đau đầu với thực tế là "máy tính đang giết chết sự sáng tạo của con trẻ" [2], trong lúc các chương trình học trực tuyến vẫn đang có những câu hỏi lớn về chất lượng dạy và học [3].

Sự tệ hại của internet và internet vạn vật, thiết bị thông minh, có lẽ không chỉ dừng ở yếu tố làm giảm thiểu tính nhân văn của con người học sinh.

Mà nguy hại hơn, nó còn tác động mạnh mẽ vào xã hội, vào quan hệ giao dịch như thông qua những hệ thống đánh cắp thông tin, cuộc chiến tranh mạng, khủng hoảng an ninh thông tin cá nhân và quốc gia, vân vân…  

Chưa khi nào, chúng ta không còn được là một con người thực sự, bởi ở mọi nơi và mọi chốn, nhân danh công nghệ thông minh, chúng ta tự đưa mình vào vị trí "bị theo dõi" bằng tất cả các thiết bị công nghệ.

Chưa khi nào thông tin của quốc gia dù lớn dù nhỏ bị đánh cắp dễ dàng như bây giờ.

Và chưa khi nào chúng ta luôn quan ngại việc đánh máy những dòng chữ này, các thiết bị thông minh của chúng ta đã bị đánh cắp nhanh như thế nào.

Thậm chí, có thể đến một tình trạng, có những xã hội văn minh, con người bắt đầu chấp nhận có quan hệ tình cảm thân thiết với "người máy", hơn là với con người thật [4].

Với tất cả những quan ngại trên về internet, internet vạn vật, rất cần thiết để chúng ta, tất cả mọi người trong cộng đồng này cần suy nghĩ về việc "chúng ta sẽ internet hóa đến đâu?"

Hay như tại hội thảo của Nhật Bản về tương lai của robot với trí tuệ thông minh [5], câu hỏi là chúng ta sẽ đi về đâu, với cuộc sống được thay thế bởi robot?

Với giáo dục, robot và trí tuệ nhân tạo, các thiết bị điện tử có thể giúp cho các học sinh xây dựng được nhân cách tốt của con người hay không?  

Và đạo đức, cách hành xử của công dân có trách nhiệm, con người nhân bản, liệu ai có thể thay thế được vai trò của người thầy và cha mẹ, xã hội cộng đồng trong vai trò nền tảng xây dựng nên một Con Người Tử tế đúng nghĩa? 

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần có sự lựa chọn, sự chọn lọc trong giáo dục có đạo đức từ ngày hôm nay.

Và giống như con trẻ, chúng ta cần học cách tư duy, tư duy cho tương lai của giáo dục: Chúng ta mong con cái chúng ta trở thành người như thế nào?

Tài liệu tham khảo:

[1] Telegraph, Disengaged middle – class children at risk of becoming zombie students, http://www.telegraph.co.uk/education/2016/10/14/disengaged-middle-class-children-at-risk-of-becoming-zombie-stud/

[2] The Guardian, Computers kill students' creativity, https://www.theguardian.com/uk/2000/sep/24/schools.news

[3] Diane Ravitch, NCAA will no longer accept credits awarded by 24k12 Virtual charter schools, https://dianeravitch.net/2014/04/22/ncaa-will-no-longer-accept-credits-awarded-by-24-k12-virtual-charter-schools/;  

[3] NEPC, Virtual School Annual 2015, http://nepc.colorado.edu/publication/virtual-schools-annual-2015

[4] http://thanhnien.vn/cong-nghe/robot-tinh-cam-gay-sot-tai-nhat-ban-het-1000-mau-trong-vong-mot-phut-577243.html;

[5] http://genk.vn/kham-pha/50-lao-dong-nhat-ban-la-robot-tuong-lai-dat-nuoc-nay-se-di-ve-dau-20160404213846736.chn



Xem nguồn

Đổi mới cơ chế quản trị đại học là bước đột phá cần thiết

Posted: 27 Nov 2016 04:19 AM PST


Thông tin trên vừa được đưa ra tại hội thảo:"nghiên cứu quản trị đại học Việt Nam và Vương Quốc Anh" do Đại học Đà Nẵng phối hợp với Viện nghiên cứu đào tạo Việt – Anh tổ chức tại TP.Đà Nẵng ngày 25/11.

Hội thảo nhằm mục đích nghiên cứu thực tế quản trị giáo dục đại học tại Việt Nam và Vương quốc Anh nhằm đề xuất mô hình tự chủ cho giáo dục đại học Việt Nam. Mà trước mắt là mô hình quản trị cho Viện nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh hiện nay và Trường đại học Việt – Anh trong tương lai.

Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tham gia hội thảo về giáo dục tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: An Nguyên

Tham dự hội thảo có ông Giles Lever – Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, đại diện các Trường đại học lớn ở khu vực miền Trung như: Đại học Quảng Bình, Đại học Vinh, Đông Á…

Triết lý giáo dục Việt Nam qua phân tích của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

(GDVN) – "Việt Nam có triết lý giáo dục, chứ không phải không có. Có điều, ta không có những câu trích dẫn để thành kinh điển", Phó Thủ tướng khẳng định trước Quốc hội.

Giáo sư Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, những vấn đề liên quan đến đổi mới cơ chế quản trị đại học đã được đề cập trên các văn bản pháp quy cũng như trên các diễn đàn.

Đây được xem là bước đột phá cần thiết, là biện pháp chủ đạo để tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển mạnh mẽ giáo dục đại học Việt Nam.

"Đổi mới cơ chế quản trị đại học là đổi mới theo hướng tự chủ và mọi đổi mới phải theo xu hướng chung của thế giới. Tự chủ về tổ chức và nhân sự là vô cùng quan trọng. Trong đó, vai trò của Hội đồng trường mang tính quyết định" giáo sư Nam dẫn lại lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Cũng theo Giáo sư Nam, chương II của Luật giáo dục đại học đã đưa ra những quy định về tổ chức cơ sở giáo dục đại học, trong đó nêu rõ cơ cấu tổ chức của một trường đại học và quy định thành lập các hội đồng trường cho các trường đại học và cao đẳng.

Nhiều trường đại học lớn ở miền Trung cũng tham dự hội thảo. Ảnh: An Nguyên

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường cũng được xác định cụ thể. Đại học Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng và tất cả các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng đều có hội đồng trường.

Tuy nhiên, theo ông Nam thì qua tham khảo cho thấy, hiện vẫn còn nhiều trường chưa thành lập hội đồng trường.

Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Đại học Bách khoa Hà Nội

(GDVN) – Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Còn theo Trung tâm nghiên cứu và đánh giá giáo dục đại học, hiện đã có 12 cơ sở giáo dục đại học xây dựng đề án thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ và được phê duyệt.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học khác cũng đang xây dựng đề án tự chủ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong năm 2017, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng (thuộc Đại học Đà Nẵng) sẽ triển khai đề án tự chủ, sau đó đến các trường khác như: Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại học Ngoại ngữ..

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tự chủ đại học là một chủ trương lớn nhiều triển vọng nhằm giúp đổi mới quản trị đại học theo hướng năng động và hiệu quả theo xu thế của thế giới.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã tập trung vào nghiên cứu so sánh Hội đồng trường và tự chủ đại học tại Việt Nam và vương quốc Anh.

Trên cơ sở những nghiên cứu này sẽ giúp các nhà quản lý và nhà nghiên cứu có thêm thông tin về thực tiễn quản trị đại học tại Anh để từ đó đưa ra những đề xuất phù hợp với xu thế chung của thế giới trên cơ sở thực tiễn Việt Nam.



Xem nguồn

Giáo viên khổ vì dạy dỗ kiểu…tự sướng

Posted: 27 Nov 2016 03:36 AM PST


LTS: Thông tư 22 được Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành nhằm khắc phục những bất cập trong Thông tư 30 trong đánh giá học sinh bậc Tiểu học. 

Tuy nhiên, tác giả Đỗ Quyên nhận thấy một số điểm còn bất cập trong việc triển khai và chia sẻ những khó khăn từ phía giáo viên trong việc thực hiện đúng theo Thông tư 22.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết nếu ý kiến này!

Mới đây, một số tỉnh thành trong cả nước đã đồng loạt tập huấn Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh tiểu học.

Ngoài một số điểm mới so với Thông tư 30, đáng lưu ý về kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên chỉ được phép thông báo riêng cho từng phụ huynh chứ không công bố trước lớp, tránh so sánh học sinh này với học sinh khác.

Nhiều giáo viên đã thắc mắc, không thông báo về kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trước lớp (được hiểu trước cuộc họp phụ huynh của cả lớp hoặc trước cả tập thể học sinh trong lớp), vậy sẽ thông báo vào lúc nào?

Thông tư 22 được đưa ra để khắc phục những hạn chế của Thông tư 30 trong đánh giá học sinh Tiểu học. (Ảnh: Báo Đại đoàn kết)

"Thông báo riêng cho phụ huynh" như yêu cầu hướng dẫn sẽ có nhiều bất cập nếu không phải là giáo viên đang làm công tác chủ nhiệm ở các trường học cũng khó mà hình dung ra.

Thứ nhất, phần lớn phụ huynh ở các vùng miền ít có sự tương tác với giáo viên dạy con mình. Có những phụ huynh, con học với thầy cô cả năm nhưng không biết tên cô thầy là gì? Số điện thoại thế nào?

Giáo viên muốn gặp gỡ phụ huynh để trao đổi về việc học và rèn luyện của các em trên trường nhưng cũng rất khó liên lạc với cha mẹ các em (phần lớn là những học sinh yếu kém).

Thầy cô gọi điện nhiều lần, phụ huynh không nhấc máy, nhắn tin cũng chẳng trả lời, viết giấy mời không bao giờ đến gặp, thầy cô vào tận nhà thì phụ huynh tránh gặp mặt…

Vì sao giáo viên bị choáng trước các yêu cầu đổi mới của Bộ?

(GDVN) – “Một nguyên nhân đó là việc giáo viên bị choáng ngợp, theo không nổi trước nhiều yêu cầu đổi mới, cải tiến của Bộ Giáo dục & Đào tạo trong thời gian gần đây”..

Thứ hai, việc trao đổi với phụ huynh bằng điện thoại cũng gặp nhiều khó khăn khi tiền phí điện thoại không hề nhỏ. Bởi đâu chỉ có một em, gần 40 học sinh như thế.

Nội dung trao đổi thì vô cùng phong phú như mặt ưu, khuyết điểm, những biện pháp kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường… khiến không ít giáo viên cũng ít chọn cách này.

Cả năm có 2-3 cuộc họp gặp mặt phụ huynh cả lớp là tương đối đầy đủ nhất.

Nhưng theo quy định (cả trước đây và bây giờ) giáo viên không được nhận xét học sinh trước mặt nhiều phụ huynh khác để tránh việc phụ huynh mặc cảm, xấu hổ với mọi người. 

Giáo viên cũng tránh nói về kết quả học tập của các em trước lớp học tránh cho một số em còn yếu mặc cảm, tự ti với bạn bè. 

Thế rồi, trong các cuộc họp phụ huynh của lớp, thầy cô cũng chỉ nêu những nhận xét, những số liệu chung của cả trường, của lớp mà không được phép nêu kết quả học tập hay nhận xét riêng từng em cho cha mẹ các em biết. 

Tan cuộc họp, một số phụ huynh vây chặt thầy cô để hỏi han về con mình, một số người chờ đợi lâu quá đành chạy về vì bận công việc. 

Giáo viên cũng chẳng kịp trao đổi gì về tình hình học tập rèn luyện của học sinh cho hầu hết phụ huynh biết. Vì điều này đã có không ít phụ huynh ảo tưởng về lực học của con. 

Học sinh vi phạm không được nhắc tên trước lớp, không phê bình trước cờ, không được công bố trong cuộc họp phụ huynh của lớp, giáo viên không được phép nạt nộ, la mắng trò dù các em phạm bất cứ lỗi gì…

Ngược lại không hạn chế lời khen, giấy khen.

 

Điểm số, xếp loại hiện nay có phản ánh chân thực đạo đức học sinh?

(GDVN) – Những điều ác, tật xấu vẫn sẽ tồn tại và ngày càng trầm trọng nếu những người làm giáo dục không chịu thay đổi trong tư duy và hành động.

Việc khen thưởng do hiệu trưởng quyết định (học sinh bình bầu, thầy cô đề xuất) nên không tránh khỏi nhiều giáo viên, nhiều hiệu trưởng muốn khẳng định vai trò của cá nhân mình, vai trò của nhà trường.

Vì vậy, số lượng học sinh được khen thưởng đã tăng vọt trong vài năm trở lại đây. 

Có trường hợp một lớp học có 32 em thì 31 em nhận giấy khen thậm chí có những lớp 100% học sinh đều được khen. Không khen mặt này sẽ khen mặt khác. 

Thế mới có câu chuyện trớ trêu khi mẹ thấy con mang tờ giấy khen "Đạt thành tích về phẩm chất" đã thắc mắc với nhiều người:

"Cô giáo thường xuyên gọi lên mắng vốn vì nó học yếu vậy mà cuối năm lại được nhận giấy khen, thật không thể hiểu nổi". 

Nhưng cô giáo lại giải thích "Học em hơi yếu nhưng lại rất ngoan, hay giúp đỡ các bạn trong lớp…".

Một số người nhận định "Học sinh bây giờ học yếu và hư hơn học sinh thời xưa". Tôi lại tự hỏi "Phải chăng giáo dục theo kiểu tự sướng là nguyên nhân khiến học trò học yếu và hư hơn như vậy?".



Xem nguồn

Chuyện nghề của nữ giáo viên 20 năm học cùng trò nơi con sóng bạc đầu

Posted: 27 Nov 2016 02:54 AM PST


Gieo con chữ nơi đảo xa

Đảo Bạch Long Vĩ còn được biết đến với tên gọi đảo Vô Thủy (không có nước), cái tên gọi đó đủ nói lên điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của hòn đảo này.

Cô giáo Vũ Thị Hà đã có hơn 20 năm dạy học trên đảo Bạch Long Vĩ (ảnh do nhân vật cung cấp).

Thiên nhiên khắc nghiệt là thế, nhưng cô giáo Vũ Thị Hà đã tự nguyện dạy học tại Trường Tiểu học Mẫu giáo Bạch Long Vĩ  20 năm. 

Chị Vũ Thị Hà sinh ra và lớn lên ở hòn đảo Cát Bà, Hải Phòng.

Sống trên đảo từ bé, chị Hà đã quen với sóng gió, yêu biển, yêu những con người gắn bó với biển.

Chị hiểu thấu những vất vả của những người thôn chài sống trên các hòn đảo nhỏ giữa mênh mông biển cả và hiểu hết những thiệt thòi của trẻ em sống trên các đảo xa.

Từ tình yêu trẻ, yêu biển vô bờ, chị Hà đã chọn cho mình một lối đi riêng với bạn bè cùng trang lứa, đó là học ngành sư phạm.

Chị Hà khát khao sau này sẽ làm cô giáo, đưa chữ, kiến thức đến với những đứa trẻ trên các hòn đảo xa xôi của Tổ quốc.

Năm 1986, chị Hà thi đậu vào Trường Sư phạm Kiến An, Hải Phòng.

Với nhiều bạn bè cùng trang lứa của chị ở đảo Cát Bà, việc chị Hà thi đậu trường sư phạm đó là một kỳ tích.

Không ngừng học tập phấn đấu, năm 1989 chị ra trường, được bố trí dạy học ở Trường Tiểu học Lê Chân, phường An Dương, thành phố Hải Phòng.

Với một cô giáo duyên dáng như chị Hà, chị có đủ cơ hội để lựa chọn cho mình một cuộc sống hạnh phúc tại Thành phố Hoa Phượng Đỏ.

Nhưng có lẽ, ước  mơ cuộc đời truyền chữ cho trẻ em vùng đảo đã không cho chị đứng yên nhìn những đứa trẻ trên đảo phải mù chữ, thiếu kiến thức.

Cơ hội để chị Hà biến ước mơ của mình thành hiện thực khi chị may mắn gặp được bác Chủ tịch huyện Bạch Long Vĩ thời đó.

Chị Hà chia sẻ rằng:

“Năm 1996, nghỉ hè, tôi về Cát Bà thăm gia đình. Một hôm, có bác Chủ tịch Huyện Bạch Long Vĩ vào gia đình chơi, thăm sức khỏe bố tôi.

Bác ấy trò chuyện chia sẻ về trẻ em trên đảo Bạch Long Vĩ, về khát vọng của những đứa trẻ cần được học tập và đặt vấn đề mời tôi ra đảo".

Lần gặp gỡ đó đã thay đổi cuộc đời của cô giáo Vũ Thị Hà.

Sự ngỏ ý của bác Chủ tịch Huyện Bạch Long Vĩ đã chạm vào ước mơ bấy lâu của chị.

Không một chút do dự, tháng 9 năm đó chị  Hà đã quyết định tạm biệt Hải Phòng để đến với đảo Bạch Long Vĩ.

"Lúc tôi xin chuyển trường, bạn bè, người thân bao nhiêu người cản, nhưng tôi không chút đắn đo, do dự. Có lẽ, tình yêu trẻ, biển đảo trong tôi quá lớn" – chị Hà chia sẻ.

Ước mơ và thực hiện ước mơ luôn khó khăn cho bất cứ ai trong cuộc đời, với chị Hà cũng không ngoại lệ.

Đơn giản chỉ là hành trình ra tới đảo Bạch Long Vĩ  thôi đó cũng là một thử thách chông gai.

Đến giờ, cô giáo Hà vẫn nhớ mãi hành trình lần đầu chị đến với hòn đảo xa bờ nhất nằm trong biển Vịnh Bắc Bộ

"Hôm đó sóng rất to, con thuyền thì bé tí như thuyền đánh cá.

Từ Hải Phòng ra đảo Bạch Long Vĩ, do sóng lớn quá nên đoàn quyết định ghé vào đảo Cát Bà để tạm trú.

Mãi hai ngày sau, khi sóng bắt đầu nhẹ đi cuộc hành trình ra đảo mới tiếp tục.

 Sóng mạnh khiến tôi say sóng nằm bẹp dí trên thuyền. Khi đến đảo Bạch Long Vĩ, tôi không còn sức lực để bước nữa.

Mọi người phải dìu tôi lên đảo và gần một tuần sau tôi mới hồi tỉnh.

Đến trường nhận lớp, nhìn các em tôi thấy chúng thiệt thòi và thiếu thốn quá.

Tự dưng tôi thấy mình phải có bổn phận là người mẹ hiền thứ hai của các em và từ đó đến nay tôi đã gắn bó với ngôi trường dạy học này” – cô giáo Hà kể.

Những hy sinh thầm lặng

Tình yêu trẻ, yêu biển đảo đã là động lực giúp chị vượt qua khó khăn để dạy tốt, nhưng cũng khó tránh khỏi những lúc chị cảm thấy tủi thân.

Cô giáo Vũ Thi Hà (người ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp nhân ngày nhà giáo Việt Nam (ảnh do nhân vật cung cấp).

Khó khăn lớn nhất đối với chị Hà không phải là điều kiện khắc nghiệt trên đảo mà chính là khoảng cách xa vời của đảo với đất mẹ quê hương.

Chị Hà kể rằng:

"Khi bố mẹ tuổi già, mình là con gái nếu được sống gần thì đỡ đần được nhiều việc.

Những lúc bố mẹ lâm chung nếu có mình thì bố mẹ cũng bớt đi sự cô đơn".

Nhưng đã chọn cái nghề "lái đò" trên đảo Bạch Long Vĩ như chị Hà, ước mơ tưởng chừng bình thường đó đã trở nên xa vời.

"Năm 2002, tôi nhận được tin bố ốm nặng, bà con trên đảo, bạn bè đồng nghiệp tạo điều kiện hết mức để tôi được về gặp ông.

Nhưng không ngờ, khi về tới nơi thì tang lễ đã được tiến hành, tôi không thể gặp mặt ông lần cuối.

Mười năm sau, năm 2012, khi nhận tin mẹ mất, nhưng tuần đó bão tố nên không thể về được. Chỉ biết, nằm trên đảo khóc thương mẹ nơi quê nhà".

Để sống và gắn bó với đảo 20 năm trời với cô giáo Vũ Thị Hà là một sự vượt khó vươn lên.

Nhưng chị Hà tâm sự với phóng viên rằng:

"Tuy khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ tôi ân hận về quyết định của mình. Đảo Bạch Long Vĩ giờ đây trở thành quê hương thứ hai của tôi".



Xem nguồn

Dạy theo kiểu lồng ghép hiện nay kết quả cũng là không

Posted: 27 Nov 2016 02:10 AM PST


LTS: Bàn về việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, cô giáo Phan Tuyết cho rằng việc lồng ghép bài giảng kĩ năng sống trong chương trình học hiện nay chưa thực hiệu quả.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Đọc bài “10 điều nhà trường quên dạy học sinh” của tác giả Lê Xuân Chiến đăng trên Báo Giáo dục điện tử, tôi thấy rất tâm đắc nhưng cũng có đôi điều cần được trao đổi cùng tác giả bài báo với tư cách một giáo viên.

Nếu nói học sinh của ta thời nay "tập trung học kiến thức, rời ghế nhà trường các em lơ ngơ, mò mẫm học cách "sống" và không ít em bị vấp ngã" do thiếu kĩ năng sống là hoàn toàn chính xác. 



Cách dạy kĩ năng sống theo kiểu lồng ghép hiện nay còn thiếu hiệu quả. (Ảnh: VnExpress.net)

Nhưng để tình trạng ấy xảy ra tác giả kết luận nguyên nhân do nhà trường đã "quên' dạy học sinh những kĩ năng sống là có phần chưa thỏa đáng. 

Xin thưa! Học sinh bây giờ không chỉ được học hầu hết những kĩ năng cần thiết để giao tiếp, để ứng phó, để tự bảo vệ mình khi gặp khó khăn, trắc trở mà được học rất nhiều trong từng bài giảng của hầu hết các môn học.

 

Ngoài một số bài học có nội dung cụ thể, các em những kĩ năng sống cần thiết. Còn phần lớn những bài học khác đều có nội dung lồng ghép về một số kĩ năng sống thích hợp. 

Học sinh được học các kĩ năng sống trong trường như thế nào?

Với Tiểu học, những kĩ năng sống cần thiết luôn được lồng ghép trong các bài học ở các môn học cụ thể. Còn bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông là sự tích hợp liên môn.

Ví dụ khi học bài "Phòng chống cháy nổ khi ở nhà" (Bài Đạo đức lớp 3), thầy cô cũng sẽ dạy cho học sinh một số kĩ năng thoát hiểm khi nhà có cháy cũng như cách để báo cho người thân, cho cơ quan cứu hỏa biết để giúp đỡ.

Học bài "Tôn trọng đám tang" (Bài Đạo đức lớp 3), các em cũng biết và hiểu vì sao cần phải tôn trọng đám tang? Biết yêu thương chia sẻ với gia đình bạn, gia đình hàng xóm láng giềng khi có chuyện buồn.

Học bài "Mẹ vắng nhà" (Tập đọc lớp 2), các em biết giúp đỡ ba mẹ một số công việc nhà phù hợp với khả năng của mình. 



(GDVN) – Trẻ lười nhác, vô lễ phần lớn phụ thuộc vào cách dạy và giáo dục các em trong mỗi gia đình, thế nên, ba mẹ phải luôn là tấm gương để con cái noi theo.

Hay như chỉ học bài địa lý "Vùng biển Việt Nam", "Đặc điểm sông ngòi Việt Nam" (Địa lý lớp 8), học sinh sẽ được thầy cô giáo dục kĩ năng phòng tránh đuối nước. 

Hay bài "Dân số và gia tăng dân số", "Lao động việc làm chất lượng cuộc sống" (Địa lý lớp 9)…, học sinh sẽ được giáo dục về giới tính, kĩ năng phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn…

Có thể nói hầu hết các em đều được học những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống nhưng chỉ được tiếp cận theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" nên chẳng mấy tác dụng. 

Có bài học giáo viên chỉ được phép dành 1-2 phút lồng ghép nội dung giáo dục nên không hiệu quả cũng là điều dễ hiểu. 

Chẳng phải ngẫu nhiên mà có câu tục ngữ "Học đi đôi với hành".

Học về cách phòng cháy chữa cháy, cách thoát hiểm nhưng các em không được tập dượt, không được thực hành trong một tình huống cụ thể cũng chẳng có tác dụng gì. 

Học về phòng tránh đuối nước nhưng cũng chỉ được nghe thầy cô dạy theo kiểu dặn dò thì làm sao có thể hình thành nổi kĩ năng? 

Học về phòng tránh mang thai ngoài ý muốn mà học sinh không được hỏi, không được tranh luận, không được trả lời những thắc mắc…

Bởi dạy lồng ghép thì làm gì có thời gian để các em thảo luận, để trực tiếp nêu chính kiến…  

Với cách dạy lồng ghép các kĩ năng sống ở các trường học hiện nay thì việc hình thành và phát triển những kĩ năng ấy cho học sinh còn khó nói gì đến việc áp dụng những kĩ năng học được vào thực tế để bảo vệ bản thân mình khi gặp tình huống như người lớn kì vọng.

Giải pháp nào giúp việc hình thành và phát triển kĩ năng sống hiệu quả?

Với học sinh Tiểu học đã học 2 buổi/ ngày, cần giảm tải thời gian học kiến thức ở buổi thứ hai, tăng cường những hoạt động thực hành. 

Chẳng hạn việc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về những chủ đề đơn giản nhưng vô cùng cần thiết như cách xếp hàng ngay ngắn khi mua hàng, cách giữ trật tự nơi công cộng, giữ vệ sinh chung…



Đặc biệt, chúng ta cũng nên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về giới tính, về cách phòng chống cháy nổ, về phòng tránh đuối nước…

Tăng cường những buổi sinh hoạt dã ngoại như thăm biển, hồ bơi, thăm thú ruộng đồng, trồng cây xanh…

Với học sinh các bậc học khác do thời gian không nhiều nhưng ít nhất một tháng nhà trường cũng cần tổ chức cho các em một lần ngoại khóa về các “chủ đề nóng” như giới tính, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ…

Học lý thuyết và được thực hành bằng những bài học thực tế thì những kĩ năng các em tiếp thu được trong mỗi bài học mới có cơ hội phát huy.



Xem nguồn

Thầy cô giáo không có tính nhẫn nại, chịu đựng sẽ không trụ nổi với nghề

Posted: 27 Nov 2016 01:26 AM PST


LTS: Lên tiếng trước vụ thầy giáo tát học sinh ở TP. Hồ Chí Minh vừa qua, cô giáo Thuận Phương chia sẻ những câu chuyện về khó khăn của các thầy cô khi phải xử lý học sinh cá biệt.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Cư dân mạng đang rất quan tâm chia sẻ bởi clip thầy giáo tát vào mặt, vào đầu một học sinh lớp 7 trong ngày 23/11 vừa qua.

Qua xác minh, chuyện xảy ra tại một trường trung học cơ sở Nguyễn Hiền tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.

Cô hiệu trưởng Lê Thị Chín đã thừa nhận đây là câu chuyện có thật. Nhà trường đang xem xét hình thức kỉ luật thầy giáo giám thị đánh học sinh. 

Sự việc được điều tra làm rõ, học sinh này có biểu hiện gây ồn ào mất trật tự trong lớp ảnh hưởng đến việc học của nhiều học sinh khác.

Do thầy giáo Thế Anh quá tức giận nên không làm chủ được hành vi của mình đã tát vào đầu, vào mặt em học sinh này. 

Vụ thầy giám thị tát học sinh gây xôn xao dư luận. (Ảnh chụp từ clip, nguồn: zing.vn)

Được biết, thầy Thế Anh là giáo viên mới được nhà trường kí hợp đồng một tháng trước đây. Sau sự việc này xảy ra nguy cơ thầy phải nghỉ dạy là rất lớn.

Xem clip chỉ thấy hình ảnh thầy đang tức giận đánh học sinh nên sự phẫn nộ của cư dân mạng càng gay gắt. Để dẫn đến tình trạng thầy nóng nảy phải xử lý bằng đòn roi như thế chỉ những ai là giáo viên mới hiểu được. 

Bình thường nhiều em học sinh lên trường không phải để học mà chủ yếu chơi bời, quậy phá. Dù thầy cô giáo có nói cỡ nào, khuyên giải ra sao các em cũng chẳng để "lọt tai" cứ tự do cười nói, hét lớn trong cả giờ học.

Có em còn chọc phá để bạn không thể học được và thầy dạy cũng chẳng xong. Nhiều giáo viên nín nhịn cho qua tiết học để cho yên chuyện.

Nhưng nhiều thầy giáo nóng tính lại rất khó kìm cơn giận khi thấy các em không chỉ gây mất trật tự còn tỏ ra xấc xược và đầy thách thức. Thế rồi trong một phút nóng giận thầy đã thẳng tay phạt trò cũng là điều dễ hiểu.

Nhiều đồng nghiệp của tôi dạy ở bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông kể lại:

"Nhiều học sinh rất vô lễ. Đã không muốn học nhưng cũng chẳng cho bạn khác học. Khi được giáo viên nhắc nhở, các em thường lên giọng thách thức theo kiểu ‘Em thích thế, thầy ngon cứ đụng thử xem?’

Nhiều khi tức đến bầm gan tím ruột nhưng phải gằn mình lại vì sợ hậu họa sẽ đến với mình".

Học sinh thời nay thế nào?

Nhiều thầy cô nói đùa với nhau "Bây giờ mình không phải dạy học trò mà toàn phải cung phụng những ông hoàng bà chúa".

Tình trạng vi phạm đạo đức nghề giáo, đừng để "con sâu làm rầu nồi canh"

(GDVN) – Sự bất lực về nghiệp vụ, thiếu phương pháp sư phạm đúng đắn trong khi áp lực công việc ngày càng lớn đã dẫn tới những hành vi bạo hành của một số giáo viên.

Nói thế để thấy được áp lực của thầy cô giáo hiện nay nặng nề như thế nào.

Với trẻ tiểu học, giáo viên lên lớp thường mang bánh kẹo ra dụ "Học ngoan cô (thầy) sẽ thưởng quà.

Trò mắc lỗi thầy cô cũng phải thật ngọt ngào khuyên nhủ, nhiều em không nghe, cô thầy nào lỡ cầm cái cây thước bé tí khẽ vào tay trò coi như chuẩn bị tinh thần hứng trận lôi đình của các bậc phụ huynh.

Ý thức được việc có cha mẹ "bảo kê", thầy cô phạt trò là vi phạm nên với bậc học lớn hơn, học sinh càng trở nên lì lợm khó bảo.

Liên hệ với phụ huynh để được phối hợp giáo dục không ít gia đình nói đó là trách nhiệm của nhà trường.

Nhìn cảnh trò đứng cãi tay đôi với thầy, có em còn sỗ sàng gọi thầy bằng “ông”, bằng “thằng”, gọi cô bằng “bà”, bằng "con mẹ". Không ít người cho rằng học trò thời nay hư hơn vì ít bị đòn roi, trách phạt như trước. 

Chẳng thế mà nhiều giáo viên nói với nhau, giáo viên bây giờ muốn tồn tại với nghề phải học chữ “nhẫn”, phải biết học cách "mackeno".

Nhưng như thế thì lương tâm nhà giáo bị cắn rứt, bất an. Thế rồi, giáo viên muốn tồn tại với nghề chỉ còn một cách duy nhất là học tính nhẫn nại, chịu đựng mà thôi.

Một số ý kiến cho rằng "Giáo dục bằng đòn roi là bất lực". Giá tất cả chúng ta ai cũng thử trải qua một ngày làm giáo viên, vào dạy một lớp học mà có vài em học sinh cá biệt mới thấu hiểu hết những áp lực mà thầy cô thời nay đang phải chịu đựng.

Nói thế không phải để cổ xúy cho việc thầy cô dùng bạo lực với các em. Chỉ  mong muốn có được sự hợp tác chặt chẽ từ phía gia đình học sinh với nhà trường.

Sự nghiêm khắc của cha mẹ với con sẽ giúp các thầy rất nhiều trong việc dạy dỗ và giáo dục các em. Được vậy sẽ chẳng bao giờ còn xảy ra tình trạng thầy cô dùng bạo lực với học sinh của mình như thế.



Xem nguồn

Những tín hiệu tích cực từ việc điều chỉnh tổ hợp xét tuyển các môn thi

Posted: 27 Nov 2016 12:44 AM PST


LTS: Thầy giáo Bùi Minh Tuấn chia sẻ bài viết bày tỏ sự vui mừng trước sự xuất hiện của các môn khoa học xã hội trong tổ hợp khối thi tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. 

Thầy Tuấn cho rằng đây là tín hiệu tốt, tác động tích cực tới nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của các môn khoa học xã hội.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!

Trong mùa tuyển sinh năm 2016, cùng với việc tổ chức một kỳ thi Quốc gia chung, kết quả của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp vừa dùng để tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng, đã xuất hiện những nét mới trong cơ cấu các môn thi trong khối thi. 

Theo đó, lần đầu tiên sau 14 năm thực hiện tuyển sinh theo phương thức "3 chung", đã xuất hiện một số tổ hợp khối thi "lạ" với sự "góp mặt" nhiều hơn của các môn khoa học xã hội. 

Chẳng hạn như: Toán, Lí, Văn; Tiếng Anh, Văn, Sử; Toán, Hóa, Văn; Tiếng Anh, Sử, Toán; Hóa, Địa, Tiếng Anh… 

Đáng nói là, nhiều nhóm ngành kỹ thuật, kinh tế cũng quyết định sử dụng các môn khoa học xã hội trong tổ hợp khối thi mới. 

Sự xuất hiện các môn xã hội trong tổ hợp các khối thi trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia là một tín hiệu đáng mừng. (Ảnh: Vtc.vn)

Đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng trong việc cải thiện vị trí của các môn xã hội trong hệ thống các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi thực hiện chương trình phân ban những năm vừa qua, có chưa đầy 2% trong tổng số học sinh trên cả nước lựa chọn ban khoa học xã hội hoặc ban cơ bản nâng cao cho ba môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. 

Số học sinh lựa chọn học các môn khối C được dự báo là sẽ còn teo tóp dần trong những năm tới nếu như không có những thay đổi trong thái độ học tập, thi cử đối với các môn học này. 

Bên cạnh đó, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào khối C cũng thấp hơn nhiều so với các khối thi khác, chỉ chiếm chưa tới 5% lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Kết quả thi Trung học phổ thông Quốc gia ở các môn khoa học xã hội đều ở mức thấp.

Đặc biệt, hiện tượng hàng nghìn thí sinh bị điểm 0 các môn khoa học xã hội trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia vừa qua đã không thể xem là "chuyện bình thường".

Hiện tượng này đã trở thành vấn đề nhức nhối cho những ai quan tâm đến chất lượng giáo dục phổ thông thời gian qua. 

Phương án thi quốc gia 2017 sẽ được áp dụng ổn định trong các năm tiếp theo

Thực tế hiện nay cho thấy, có rất nhiều học sinh (kể cả các bậc phụ huynh) đang có tư tưởng coi thường, hờ hững, lạnh nhạt với các môn xã hội. 

Trong suy nghĩ của không ít học sinh, các môn xã hội chỉ là "môn phụ", môn "học thuộc lòng". 

Phần lớn học sinh từ đầu cấp Trung học phổ thông đều có tư tưởng "học lệch", nghĩa là chỉ chú tâm học các môn khoa học tự nhiên để phục vụ cho việc xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng sau này. 

Trong khi đó, chỉ học đối phó, qua loa đối với các môn khoa học xã hội, cốt sao đủ điểm thi tốt nghiệp. 

Chính quan niệm "thi gì, học nấy" đã ảnh hưởng, chi phối tới sự lựa chọn này.

Nhiều học sinh lựa chọn thi các khối thi có các môn khoa học tự nhiên như: Toán, Lí, Hóa, Sinh vì cho rằng: cơ hội lựa chọn ngành nghề hết sức rộng rãi, hấp dẫn, có thu nhập cao. 

Trái lại, các ngành học có thi các môn khoa học xã hội vừa ít, lại kém hấp dẫn mà cơ hội xin được việc làm sau khi ra trường cũng gặp nhiều khó khăn. 

Sự quay lưng, né tránh đối với các môn khoa học xã hội đang là một thực tế đáng buồn và chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn.

Hiện tượng học sinh không hứng thú, mặn mà với các môn khoa học xã hội sẽ gây ra việc thiếu hụt trầm trọng đội ngũ trí thức có năng lực thuộc lĩnh vực này trong tương lai không xa.

Bộ Giáo dục giải đáp những băn khoăn về phương án thi quốc gia 2017

Hơn nữa, hiện tượng này là một biểu hiện của sự xem thường đáng lo ngại các giá trị văn hóa, tinh thần, các yếu tố bồi đắp tâm hồn, hình thành nhân cách, xa hơn là sự quay lưng với các giá trị làm người. 

Các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, những vụ hành xử theo kiểu "xã hội đen" mà thủ phạm đang dần "trẻ hóa" có chiều hướng gia tăng.

Phải chăng ít nhiều có sự liên quan đến việc xa rời, hời hợt đối với các giá trị đạo đức, nhân văn trong các môn khoa học xã hội được học trong nhà trường.

Khi mà quan niệm "thi gì, học nấy" đang ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều học sinh, phụ huynh hiện nay, việc thay đổi cơ cấu các môn thi trong các khối thi theo hướng tăng dần sự xuất hiện của các môn khoa học xã hội trên thực tế đã có những tác động tích cực tới nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của các môn khoa học xã hội. 

Đồng thời tạo động lực, thay đổi thái độ học tập của học sinh và nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội trong nhà trường phổ thông. 

Trước hết, với sự thay đổi này, dư luận xã hội sẽ có cái nhìn khách quan, đúng đắn hơn đối với vị trí, vai trò của các môn khoa học xã hội – những môn học có tác động, ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách học sinh.

Đối với học sinh, khi có sự "góp mặt" của các môn xã hội ở các khối, ngành xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng, những định kiến về các "môn phụ", môn "học thuộc lòng" sẽ không còn. 

Thay vào đó là sự điều chỉnh về thái độ, động lực và phương pháp học tập đối với các môn xã hội. 

Bởi, muốn hiện thực hóa ước mơ vào Đại học, không có cách nào khác là học sinh không được phép "học lệch'. 

Đối với các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học xã hội thì sự thay đổi mang tính đột phá này sẽ là một "cú hích" tâm lý quan trọng.

Nó sẽ giúp bản thân mỗi giáo viên nỗ lực, cố gắng hơn trong việc tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho hiệu quả nhất. 

Khi mà sự phân biệt đối xử với các môn học không còn, chất lượng giáo dục toàn diện sẽ có được sự cải thiện đáng kể.



Xem nguồn

Comments