Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


TPHCM: 33 nhà giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản

Posted: 19 Nov 2016 08:15 AM PST


Nhà giáo Võ Văn Thấy -  Giáo viên Trường THPT Marie Curie vinh dự nhận giải thưởngNhà giáo Võ Văn Thấy – Giáo viên Trường THPT Marie Curie vinh dự nhận giải thưởng

Đây là giải thưởng được Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng phát động trong suốt 19 năm qua nhằm tôn vinh những nhà giáo có đóng góp lớn nhiều năm liền cho giáo dục TP; không ngừng học tập, sáng tạo và vượt khó trong công tác giảng dạy. 

Trong các nhà giáo nhận giải thưởng năm nay có ba nhà giáo đang là cán bộ quản lý tại các trường học gồm: bà Lê Thị Hòa (Hiệu trưởng Trường MN 6, quận 3), bà Nguyễn Thị Kim Hương (Hiệu trưởng Trường TH Lạc Long Quân, quận 11), ông Trần Đức Vinh (Hiệu trưởng Trường THCS An Phú, quận 2). Còn lại là 30 giáo viên từ bậc MN đến THPT, các trường bồi dưỡng giáo dục, trường chuyên biệt và TCCN. 

Được biết, năm 2016, bên cạnh được thực hiện tại TPHCM, lần đầu tiên giải thưởng đã mở rộng tổ chức tại TP Đà Nẵng với việc vinh danh, khen thưởng cho 20 nhà giáo tiêu biểu.

Theo đó, giải thưởng được bình chọn không dựa vào các danh hiệu thi đua, không chạy theo các thành tích cá nhân mà được dành trao tặng cho các thầy cô đã vượt qua những khó khăn trong công tác lẫn cuộc sống đời thường, luôn xứng đáng là những tấm gương sáng cho đồng nghiệp học tập và học sinh noi theo, góp phần to lớn vào sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo thành phố, được các đồng nghiệp, các bậc phụ huynh và các thế hệ học sinh yêu quý kính trọng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM – chia sẻ, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT thành phố luôn quyết tâm phát huy truyền thống, vượt mọi thử thách, kiên trì thực hiện đổi mới với mục tiêu xây dựng mỗi nhà trường tại TPHCM thành một trường học tiên tiến, hiện đại, coi trọng giáo dục truyền thống, lý tưởng, đạo đức; phát huy năng lực sáng tạo của học sinh, đào tạo những thế hệ trẻ phù hợp với yêu cầu kinh tế, xã hội thời kỳ hội nhập của thành phố và cả nước.



Xem nguồn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chúc mừng GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhân ngày 20/11

Posted: 19 Nov 2016 07:32 AM PST


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi lời chúc mừng đến GS.TS Nguyễn Thiện NhânBộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi lời chúc mừng đến GS.TS Nguyễn Thiện Nhân

Thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng gửi lời chúc sức khỏe và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời bày tỏ mong muốn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đối với ngành Giáo dục.

Nhận lẵng hoa tươi thắm từ Bộ trưởng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gửi lời cảm ơn chân thành đến cá nhân Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT và hơn 1,4 triệu giáo viên trên cả nước vì đã dành những tình cảm quý mến cho đồng chí.



 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng hoa chúc mừng GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhân ngày 20/11/2016

Nhân dịp này, đồng chí cũng đề nghị Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo cần chăm lo hơn nữa đến sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà; trong đó có việc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng lưu ý, Bộ trưởng cần quan tâm đến vấn đề tự chủ đại học, tiếp tục quan tâm đến Trường đại học Việt Đức và đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường.



Xem nguồn

ĐH Đà Nẵng: Tôn vinh nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu

Posted: 19 Nov 2016 06:50 AM PST


 GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng chúc mừng 13 tân Phó Giáo sư của ĐH Đà Nẵng. GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng chúc mừng 13 tân Phó Giáo sư của ĐH Đà Nẵng.

Theo đánh giá của GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, "năm học 2015 – 2016 cũng là năm mà ĐH Đà Nẵng thành công trong việc triển khai nhiệm vụ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.

ĐH Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên có tất cả các trường Đại học thành viên gồm Sư phạm, Bách khoa, Kinh tế, Ngoại ngữ được công nhận đạt chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học do Bộ ban hành. Đây chính là minh chứng cho sự cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo của ĐH Đà Nẵng đối với cộng đồng và xã hội".

ĐH Đà Nẵng cùng với các cơ sở giáo dục Đại học thành viên đã có nhiều nỗ lực và giải pháp cụ thể, hiệu quả từ khâu quảng bá, truyền thông đến công tác tư vấn, tiến hành xét tuyển theo nhóm trường trong ĐH Đà Nẵng… đã góp phần đảm bảo số lượng, chất lượng tuyển sinh.

Nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình tinh hoa, chương trình hợp tác đào tạo với nước ngoài được mở ở các trường đã góp phần nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo.

Trong năm học này, ĐH Đà Nẵng có thêm 13 nhà giáo được Hội đồng chức danh nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư.

Cũng trong dịp này, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) đã có 6 cá nhân được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen cho quá trình cống hiến, 2 tập thể được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua; 3 tập thể và 4 cá nhân được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học; 5 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ;

39 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 cá nhân vinh dự được Bộ D&ĐT tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Nhiều tập thể và cá nhân được Giám đốc ĐH Đà Nẵng tặng giấy khen.

TS Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng – cho biết: "Số lượng SV hệ chính quy khóa tuyển sinh 2016 đã nhập học của trường đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh cho 19 chuyên ngành đào tạo thuộc 7 khoa.

Năm học 2015 – 2016, nhà trường có 33 CBVC đi học tập nâng cao trình độ trong và ngoài nước; trong đó có 11 CB học tiến sĩ, 9 CB học cao học ở nước ngoài…

Các mặt công tác khoa học, trao đổi học thuật, hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo đều đạt những kết quả nổi bật, tạo điều kiện để nhà trường trao đổi SV, giảng viên, giao lưu ngôn ngữ và văn hóa, phối hợp tổ chức các kỳ thi năng lực ngoại ngữ quốc tế, đào tạo, thực tập, việc làm, các chương trình học bổng cho SV, tiếp nhận đội ngũ chuyên gia, tình nguyện viên…

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) dịp này đã có một cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, 4 tập thể nhận Bằng khen cấp Bộ GD&ĐT, 2 tập thể nhận Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT, 9 cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Bộ GD&ĐT…

GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa – cho biết: "Năm học 2015-2016, tuyển dụng mới 6 tiến sĩ, hơn 20 giảng viên hoàn thành chương trình học ở nước ngoài quay về trường tiếp tục công tác, có 2 giảng viên được công nhận học hàm PGS.

Nhà trường đã cử đi học 44 tiến sĩ, 8 thạc sĩ, 01 postdoc, 1 trợ lý nghiên cứu chủ yếu ở nước ngoài. Tỷ lệ giảng viên có trình độ TS trở lên đạt gần 40% trên tổng số giảng viên.



 GS.TS Trần Văn Nam trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục cho các cá nhân tại trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng 

Trường ĐH Bách khoa ngoài việc được công nhận là trường đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn của Bộ GD và Đào tạo còn được Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (CTI) đánh giá tái công nhận 3 chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao PFIEV.

Hai chương trình tiên tiến ngành Điện tử viễn thông và Hệ thống nhúng đã được tổ chức kiểm định chất lượng châu Á AUN kiểm định, đánh giá ngoài. Hội đồng kiểm định của AUN đã đánh giá cao kết quả đào tạo của hai chương trình này.



Xem nguồn

Trường CĐ Công nghệ Thông tin (ĐH Đà Nẵng): Đột phá trước yêu cầu đổi mới

Posted: 19 Nov 2016 04:43 AM PST


GS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng bằng khen của Bộ GD&ĐT cho nhà trườngGS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng bằng khen của Bộ GD&ĐT cho nhà trường

Tham dự còn có GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, Bam Giám hiệu Trường CĐ Công nghệ Thông tin, đại diện lành đạo Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc ĐH Đà Nẵng, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên, các tổ chức đơn vị trong nước và quốc tế, cùng các thế hệ cạn bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường.

Sau 10 năm, Trường CĐ Công nghệ Thông tin – ĐH Đà Nẵng đã gây dựng được một cơ ngơi bề thế tại Làng đại học Đà Nẵng với hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Hệ thống phòng học, thư viện, thực hành, thí nghiệm…đảm bảo yêu cầu hoạt động đào tạo, nghiên cứu của một trường ĐH, CĐ.

Nhằm tạo sự đột phá trước yêu cầu đổi mới GD&ĐT, nhà trường đã không ngừng nỗ lực, phát huy mọi nguồn lực sẵn có và nguồn lực chung của ĐHĐN để mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng đào tạo. Tích cực thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng tốt yêu cầu trình độ nguồn nhân lực của thị trường lao động.

Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực CNTT, nhà trường đã kịp thời phát triển các ngành, nghề đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội.

Đội ngũ CBVC cũng đã trưởng thành nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Những bước phát triển vượt bậc đó, bước đầu đặt nền móng vững chắc và động lực cho nhà trường tiếp tục vươn lên thực hiện đào tạo nguồn nhân lực các chuyên ngành công nghệ thông tin và ứng dụng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và triển khai công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh/thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, GS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – chúc mừng bước phát triển về mọi mặt của nhà trường và những thành tích mà tập thể cán bộ, viên chức, sinh viên đã tạo dựng được trong suốt 10 năm qua.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Là cơ sở giáo dục thành viên trẻ nhất của ĐH Đà Nẵng, trong 10 năm xây dựng và phát triển, Trường CĐ Công nghệ Thông tin đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm các trường bạn, áp dụng chương trình đào tạo mới, được cập nhật thường xuyên để đào tạo đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin thích nghi với đòi hỏi ngành càng cao của thị trường lao động.

Trong thời gian qua, nhà trường đã luôn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, phát triển hợp tác quốc tế, thiết lập mối quan hệ với doanh nghiệp, sinh viên nhà trường luôn đi tiên phong trong các hoạt động khởi nghiệp và sáng tạo, có tỷ lệ tìm được việc làm cao sau khi tốt nghiệp".

Thứ trưởng bày tỏ sự tin tưởng với sức trẻ của mình, Trường CĐ Công nghệ Thông tin sẽ có những bước phát triển xa hơn, góp phần đào tạo những kỹ thuật viên, công nghệ thông tin xuất sắc, có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động thời kỳ hội nhập.

Ghi nhận những thành quả đạt được của nhà trường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng bằng khen cho tập thể Trường CĐ Công nghệ Thông tin – ĐH Đà Nẵng với thành tích xuất sắc trong 10 năm xây dựng và phát triển; Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trao tặng Cờ thi đua xuất sắc cho tập thể nhà trường.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng bằng khen cho 1 tập thể, 3 cá nhân; Giám đốc ĐH Đà Nẵng tặng giấy khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển chung của nhà trường.



Xem nguồn

Lôi cuốn cả xã hội cùng tri ân người thầy trên sóng

Posted: 19 Nov 2016 04:01 AM PST


Lần đầu tiên, “Ngày thầy trò”, một chương trình truyền hình quy mô lớn nhất, thời lượng dài nhất, với độ phủ sóng hiếm có, được tổ chức nhằm ghi lại “nhật ký cuộc sống” của cả đất nước trong ngày 20/11.

Chương trình do Mobi TV kết hợp với Đài tiếng nói Việt Nam, đài truyền hình VTC thực hiện. Đồng hành cùng chương trình là nhà tài trợ kim cương Mobifone.

Đưa 20/11 trở thành ngày hội "tôn sư trọng đạo" toàn dân

Không chỉ gây ấn tượng về quy mô, “Ngày Thầy trò” còn là một cách làm truyền hình mới, mang tinh thần truyền hình thực tế (Reality TV) với ekip thực hiện lên đến hàng trăm người, ông Trần Đăng Tuấn là tổng đạo diễn của chương trình.

Lôi cuốn cả xã hội cùng tri ân người thầy trên sóng

Để "Ngày thầy trò" trở thành nguồn động viên, sự khích lệ đưa ngày Nhà giáo Việt Nam trở thành ngày hội "tôn sư trọng đạo" toàn dân, trong 16 tiếng của chương trình, “Ngày Thầy trò” sẽ sử dụng đa dạng các thể loại báo chí truyền hình như: Phóng sự, tin tức, phỏng vấn, toạ đàm… đan xen với những chương trình văn nghệ, ca nhạc, phim tài liệu nhằm đem đến cho khán giả rất nhiều cung bậc cảm xúc về tình cảm thầy trò, về đạo học xưa nay, về hình ảnh của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Lôi cuốn cả xã hội cùng tri ân người thầy trên sóng
NSND Trần Hiếu và  NSUT Quốc Hưng, hai thầy tra trong chương trình nghệ thuật “Ngày thầy trò”

Tại chương trình, sẽ có những phóng sự về việc dạy và học cùng tình cảm thầy trò ở trường khắp mọi miền đất nước, từ nơi biên giới xa xôi đến những miền đất ở địa đầu Tổ Quốc, nơi miền Trung còn đang chịu hậu quả thiệt hại nặng nề của bão lũ, những nơi còn nhiều gian nan với đời sống, với sự học. Không khí ngày Nhà giáo cũng sẽ được phản ánh sôi động trên khắp mọi miền.

Cùng với đó là chương trình nghệ thuật khắc hoạ sâu đậm tình thầy trò của các nghệ sĩ nổi tiếng, chứa đựng nhiều bất ngờ, hứa hẹn sẽ làm rơi nước mắt của hàng triệu triệu người.

Lôi cuốn cả xã hội cùng tri ân người thầy trên sóng
Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền
Lôi cuốn cả xã hội cùng tri ân người thầy trên sóng
Nhạc sĩ Trần Hiếu

Chương trình còn như một cánh cửa mở, để tất cả các thành phần xã hội đều có thể tham gia. Mọi công dân sẽ cùng trở thành nhân vật của chương trình, với biện pháp tương tác, gửi ảnh, video để tham gia cuộc thi ảnh về thầy trò trong khuôn khổ chương trình, hay gửi lời chúc đến các thầy cô của mình qua Mobi TV.

Phần tương tác này không chỉ đơn thuần là cuộc thi, mà còn là cách giúp các bạn trẻ tri ân với những người đã dày công dạy dỗ mình, kết nối với bạn bè, thầy cô ở xa sau nhiều năm rời mái trường.

Với sự hỗ trợ công nghệ 3G, 4G hiện đại nhất hiện nay của nhà tài trợ Mobifone, việc thực hiện kết nối trong trương trình, sự tương tác với khán thính giả và khả năng quảng bá, đặc biệt live stream chương trình trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội sẽ trở nên mạnh mẽ, dễ dàng hơn.

Sự xuất hiện đặc biệt của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Cũng chính nhờ ý nghĩa đó đặc biệt đó, "Ngày thầy trò" đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cùng các lãnh đạo các Bộ, ban ngành có liên quan.

Trong chương trình, Chủ tịch nước sẽ đặc biệt gửi lời hỏi thăm tới những nhân vật thầy trò trong các phóng sự, những người mà có thể khiến bất cứ ai cũng cảm thấy xúc động vì những gì họ đã làm cho sự nghiệp giáo dục ở những nơi khó khăn nhất, và những tấm gương vươn lên mọi hoàn cảnh để học tập của các em học trò…

Lôi cuốn cả xã hội cùng tri ân người thầy trên sóng
Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Sự quan tâm này của Chủ tịch nước là động lực lớn để ekip sản xuất "Ngày thầy trò" của Mobi TV quyết tâm thực hiện một ngày hội "tôn sư trọng đạo" chất lượng nhất, ý nghĩa nhất.

Có thể thấy, vượt lên ý nghĩa một chương trình kỷ niệm, “Ngày Thầy trò” sẽ phản ánh chân thực, sinh động bức tranh tổng thể về nghề giáo, về việc dạy và học trên mọi miền tổ quốc.

Và hơn thế, chương trình còn khơi dậy những ký ức, những tình cảm sâu sắc về đạo nghĩa thầy trò trong mỗi người. Nhờ đó, chương trình sẽ truyền cảm hứng sâu rộng trong toàn xã hội, tạo ra một “cú hích” đối với nhận thức và tình cảm của các tầng lớp nhân dân, góp phần thiết thực vào việc xây dựng một xã hội học tập. Chương trình được Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ, chỉ đạo, hỗ trợ.

Được biết, format chương trình này còn tiếp tục được nhân lên trong dự án dài hơi của Mobi TV mang tên “Ngày Việt” nhằm tạo ra những ngày hội lớn thực sự, tôn vinh những giá trị cao đẹp của dân tộc, đóng góp thiết thực cho xã hội, cộng đồng.

Chương trình truyền hình “Ngày thầy trò" mừng ngày Nhà giáo Việt Nam sẽ bắt đầu từ 7h sáng đến 23h đêm ngày 20/11/2016 do Mobi TV kết hợp với Đài tiếng nói Việt Nam, đài truyền hình VTC thực hiện. Chương trình được phát sóng đồng thời trên nhiều kênh truyền hình lớn trên Toàn Quốc, trong đó có 7 kênh truyền hình của Mobi TV và các kênh như VTC2, VOV, Truyền hình Nhân dân, ANTG, An Viên, Vietteen….

Doãn Phong



Xem nguồn

Thầy giáo 8X nuôi dạy trẻ mầm non

Posted: 19 Nov 2016 03:19 AM PST


Được xem là giáo viên nam dạy mầm non hiếm hoi ở tỉnh Thừa Thiên Huế và cũng như trên cả nước, tốt nghiệp khoa Sư phạm mầm non Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) xong, thầy Bảy nộp đơn và trúng tuyển viên chức vào trường mầm non Phú Sơn cuối năm 2010. Khăn gói rời quê vào Huế lập nghiệp, biết bao khó khăn từ đó đến nay nhưng không làm thầy nản lòng.

"Nhiều bạn bè của mình nói sao lại đi dạy mầm non, nhiều lời bàn tán lắm nhưng vì niềm đam mê đối với con trẻ, ví như ở nước ngoài các thầy dạy mầm non rất tốt, cớ sao mình thích nhưng lại không theo nghề đã chọn, thế là em bắt đầu công việc tại Huế.

Thời gian đầu, giọng nói của mình khá khó nghe đối với cô giáo trong trường và nhất là các trẻ nhỏ tuổi. Nhưng do mình dùng từ phổ thông, nói chậm và quan tâm hết mình đối với các cháu nên sau vài năm đầu, học sinh trường đều quen giọng mình, thậm chí có nhiều cháu còn "nhiễm" một số từ ở xứ Thanh mình" – thầy Bảy vui vẻ chia sẻ.

Thầy Bảy dạy từ ngữ cho các trẻ

Thầy Bảy dạy từ ngữ cho các trẻ

Công việc một người giáo viên đứng lớp mầm non của thầy Bảy giống y hệt các cô giáo, từ việc dạy kỹ năng, dạy âm nhạc, dạy các cháu làm quen với Toán học, Hóa học, thơ ca, kể chuyện, thể dục cho đến việc xem bữa ăn, đút cơm, dỗ giấc ngủ trưa cho các em… Theo thầy, việc dạy mầm non cũng như việc chăm sóc con nhỏ trong gia đình, người đàn ông nếu biết quan tâm gia đình, con cái thì sẽ đỡ đần được rất nhiều cho vợ.

"Có nhiều lúc các cháu đau bụng quýnh quá đi vệ sinh luôn ra lớp, mình thu dọn lau chùi và cho cháu uống thuốc, nằm nghỉ ngơi. Mình xem cháu như con của mình trong nhà thì không thấy việc đó là ngại ngùng gì cả.

Dỗ các cháu ngủ trưa

Dỗ các cháu ngủ trưa

Rất may mắn là mình quen, lấy vợ là cô giáo cùng trường ở vùng này nên có được người chia sẻ công việc. Sau 6 năm dạy học đến giờ, mỗi lúc gặp học sinh giữa đường gọi "thầy Bảy, thầy Bảy" thì trong lòng rất vui vì mình đã làm cho các em nhớ và quý mến" – thầy Bảy kể.

Cô Nguyễn Thị Bòng, Hiệu trưởng Mầm non Phú Sơn trao đổi, từ ngày thầy Bảy về trường dạy thì cả xã đều ngạc nhiên. Phụ huynh đưa con đến trường cứ nán lại thêm vài phút nhằm thấy mặt thầy giáo "hiếm" và "lạ" này. Các cô giáo nói chuyện với thầy thời gian bị "lây" luôn giọng thầy. Trường toàn cô giáo, do có thầy nên "cân bằng" được không khí. Mọi người ai nấy đều vui vì không những được thầy Bảy đỡ đần công việc nặng, mà vì tính thầy rất vui vẻ, hài hước.

"Ở Huế đàn ông hay có tính gia trưởng khi ít làm việc nhà. Nhưng chúng tôi thấy đàn ông Bắc làm hết mọi thứ, thầy Bảy là ví dụ điển hình, có thầy trong trường các cô giáo đều rất vui, cả tập thể gần gũi như chị em trong cùng một nhà" – cô Bòng thổ lộ.

Cô Nguyễn Thị Bòng, Hiệu trưởng Mầm non Phú Sơn và thầy Phạm Văn Bảy vui vẻ kể lại những kỷ niệm việc dạy trẻ mầm non

Cô Nguyễn Thị Bòng, Hiệu trưởng Mầm non Phú Sơn và thầy Phạm Văn Bảy vui vẻ kể lại những kỷ niệm việc dạy trẻ mầm non

Sau vài năm, do thấy thầy khá vất vả với các lớp bé, nhà trường linh động bố trí thầy dạy ở lớp lớn. Trong lớp lớn gồm thầy Bảy và một cô. Thầy Bảy đảm nhận chính phần dạy, giáo dục cháu. Còn phần chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh cho cháu được cô giáo kia đảm trách.

Những dịp lễ, đặc biệt là ngày dành cho chị em như mùng 8/3, 20/10, thầy Bảy cũng "biến" thành cô khi cùng sinh hoạt, tổ chức vui vẻ trong tập thể toàn phụ nữ. Nhưng vì là "của hiếm" nên thầy Bảy khá được các cô giáo chiều chuộng. Để "cân bằng" cuộc sống khi cả ngày gặp phụ nữ, thầy Bảy cho biết ngoài giờ dạy, thầy tham gia hầu hết các hoạt động thể thao ở thôn, xã như bóng đá, cầu lông.

Hiện thầy Bảy là Bí thư đoàn trường, Tổ trưởng tổ chuyên môn khối mẫu giáo. Qua nhiều sự sáng tạo, năng nổ trong công việc, thầy đạt được nhiều thành tích đáng nể như giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, giải Nhất hùng biện về an toàn giao thông, 3 năm liên tiếp là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Thầy Bảy cho biết bản thân sẽ gắn bó lâu dài với ngành mầm non vì nghề chăm trẻ giờ đã thành máu thịt với thầy mất rồi.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, thầy Bảy kính chúc các đồng nghiệp sẽ luôn yêu nghề, yêu trẻ nhỏ và làm được nhiều việc tốt cho các em phát triển nên người, thành con ngoan trò giỏi cho gia đình và xã hội.

Trường Mầm non Phú Sơn thuộc vùng cao thuộc Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang còn nhiều điều kiện khó khăn. Tuy nhiên tập thể trường rất cố gắng bám trụ, huy động trẻ đi học ngày càng nhiều và luôn dạy học tốt. Toàn trường hiện có 123 cháu. Trường đã được công nhận Tập thể lao động tiên tiến, Công đoàn vững mạnh xuất sắc, Chi bộ trong sạch vững mạnh nhiều năm liền.

Giờ hoạt náo của thầy Bảy luôn được các học sinh đón nhận nhiệt liệt

Giờ hoạt náo của thầy Bảy luôn được các học sinh đón nhận nhiệt liệt

Thầy đánh đàn rất hay cho các cháu hát

Thầy đánh đàn rất hay cho các cháu hát

Các cháu trường mầm non vùng cao này đều tỏ ra rất yêu quý thầy Bảy

Các cháu trường mầm non vùng cao này đều tỏ ra rất yêu quý thầy Bảy

Chăm sóc buổi ăn cho các cháu

Chăm sóc buổi ăn cho các cháu

Thầy và trò vui vẻ trước giờ ngủ trưa

Thầy và trò vui vẻ trước giờ ngủ trưa

Video:

Gặp thầy giáo dạy trẻ mầm non “hiếm” tại Huế

Đại Dương



Xem nguồn

Bức thư "Xin thôi làm chiến binh" của thầy giáo thay lời ngàn học sinh

Posted: 19 Nov 2016 02:37 AM PST


Tác giả bức thư là anh Nguyễn Tuấn Hải – người sáng lập trường Eton Grammar School, từng tốt nghiệp ĐH Princeton (Mỹ) và có 20 năm gắn bó với các hoạt động giáo dục.

Bức thư "xin thôi làm chiến binh" của anh như một lời nói thay nhiều học sinh.

"Sau mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường, con đã đến tuổi trưởng thành và con đã có thể tự đặt cho mình câu hỏi : “Mình là ai và mình muốn gì? ” nhưng con đều bất lực trước chúng, thưa thầy và thưa cô!" – anh viết.

Theo anh, học trò ngày nay đang cùng nhau đi qua "chiếc cối xay" và "tất cả đều trở thành những chiếc xúc xích như nhau". Cha mẹ, thầy cô đã biến các em thành "những cỗ máy" để sản xuất ra "giải thưởng".

"Chúng con rất sợ mình sẽ đánh mất đi xúc cảm khi bị bắt làm cái máy sản xuất điểm và sản xuất giải". Bức thư với mong muốn các thầy cô để các con được là chính mình, được làm trẻ con, không phải sống cuộc đời của những chiến binh. 

Dưới đây là nguyên văn nội dung bức thư nói thay lời của "một học sinh bình thường".

ĐƠN XIN THÔI LÀM CHIẾN BINH

Kính gửi các thầy cô giáo nhân dịp 20.11

Con là một học sinh bình thường nhất trong các học sinh bình thường ở Việt Nam.

Con viết thư này gởi các thầy cô, ngoài ý muốn được chúc mừng các thầy cô nhân dịp này con còn có ước mong được gửi tới thầy cô những mong muốn giản dị của con, của chúng con nữa.

Thưa các thầy cô,

Sau mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường, con đã đến tuổi trưởng thành và con đã có thể tự đặt cho mình câu hỏi : ” MÌNH LÀ AI VÀ MÌNH MUỐN GÌ ? ” nhưng con đều bất lực trước chúng, thưa thầy và thưa cô!

Con thực sự không biết mình là ai nữa. Con đã học giỏi, đã ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ và thầy cô. Trong cuộc đời học sinh của mình, con chưa một lần chống lại ý muốn của cha mẹ và thầy cô. Con được dán một cái mác : CON NGOAN TRÒ GIỎI, một cái mác hay là một cái danh gì đó mà con thấy nhiều vô số và nó cần phải được dán lên người của tất cả tụi con. Đứa nào cũng phải có và phải giống nhau.

Con thấy các bạn xung quanh con cũng vậy. Chúng nó giống con và con thì giống tụi nó. Chúng con không biết mình khác nhau ở điểm nào cả. Đi qua một cái CỐI XAY của 12 năm phổ thông và đại học, chúng con tất cả đều trở thành những chiếc XÚC XÍCH như nhau : trông ngon đấy nhưng mà chán phát ớn.

Con và nhiều bạn khác chỉ là những đứa trẻ thông thường và con tin rằng số này mới đông và cần được quan tâm hơn hết so với một số ít các bạn thật sự giỏi giang, mà nhiều lúc con không có dám bén mảng làm quen với các bạn í vì các bạn í tuy dễ thương nhưng mà các bạn í bận hơn chúng con rất nhiều nên không thể có thời gian mà quan tâm tới việc kết bạn giao lưu nữa. Và có một số bạn thì con biết là các bạn í không thèm để ý tới mấy đứa bình thường như tụi con đâu…

Con đôi khi cũng thế. Chỉ vì cái mà chúng con thiếu nhất trong cuộc đời học sinh của mình là THỜI GIAN. Chúng con phải học như điên dại dưới rất nhiều áp lực của cha mẹ và sau đó là của các thầy cô, những người mong chúng con NÊN NGƯỜI nhưng lại không để chúng con LÀM NGƯỜI, mà lại biến chúng con thành những cỗ MÁY : từ học như máy, làm như máy, nghĩ như máy và ăn cũng như máy…

Con còn nhớ như in những chiều tan học, đợi ngoài cổng trường học kia không phải là bố mẹ thì là bác xe ôm chờ sẵn với bánh mỳ và sữa, không phải đưa con về nhà mà là chở con tới lớp học thêm, qua trùng trùng lớp lớp giao thông xe cộ ở trên đường.

Có đôi khi phải băng qua làn mưa và cả những con phố đã thành sông nữa. Có đứa bạn con tuy lớn mà vẫn ngồi trên xe máy để được bố mẹ dắt qua con phố ngập nước mà chả biết phải làm gì cả. Nhưng không phải tụi con không có suy nghĩ mà là con không biết phải làm gì cả!!!

Chúng con đã không được dạy cách đối mặt với thực tế cuộc sống mà chỉ được dạy làm những chiếc máy vô cảm có một nhiệm vụ duy nhất là sản xuất điểm mà thôi.

Con thấy mình đã rất tệ rồi nhưng con còn thấy các bạn học sinh giỏi hơn con, là các bạn học sinh xuất sắc í, còn khổ và đáng thương hơn chúng con rất nhiều. Tuy rằng các bạn í được quan tâm và được các thầy cô và cha mẹ tập trung toàn bộ nguồn lực cho. Nhưng mà cũng để làm cỗ máy, đương nhiên rồi, để sản xuất cái gì các thầy cô có biết không?

Để sản xuất ra GIẢI THƯỞNG ạ.

Chúng con phải đi học cả ngày và buổi tối nhưng các bạn í còn phải học tới khuya, tới đêm. Suốt trong năm học và nhất là những đợt tập trung đội tuyển kéo dài nhiều tháng. Học để thi đấu với nhau chứ không phải là để kiếm tìm niềm vui qua tri thức, qua khám phá và thỏa mãn sự tò mò tự nhiên mà tất cả bọn nhóc chúng con đều được sinh ra đã là như thế.

Khi con lớn lên như bây giờ, con mới hiểu được ý nghĩa của sự phấn đấu để đạt được một thành tích nào đó. Con bây giờ mới biết đó là sự vượt qua chính mình được ghi nhận bởi người khác xung quanh con với sự cổ vũ và tôn trọng. Con học được điều này từ cuộc sống mà con đã trải qua sau khi ra trường chứ không phải là ở trong nhà trường. Sự nhạy cảm và ý thức về giá trị cá nhân đã may mắn được cuộc sống tươi đẹp ngoài kia dạy và bù đắp cho con sau rất nhiều năm tháng hoài phí của con ở trên ghế nhà trường.

Các thầy cô có hiểu cho chúng con không?

Đó là sự HOÀI PHÍ.

Chúng con rất sợ mình sẽ đánh mất đi xúc cảm khi bị bắt làm cái máy sản xuất điểm và sản xuất giải. Chúng con cũng thương tụi con và cả các bạn học sinh xuất sắc không được là chính mình trong khi nếu được là chính mình thì mấy đứa bình thường như tụi con và cả các bạn í đã rất hạnh phúc để không phải sống cuộc đời của những chiến binh.

Để được làm trẻ con thật sự.

Thưa các thầy cô,

Thư con viết đã dài, con chỉ muốn được chia sẻ chứ không có ý chỉ trích các thầy cô.

Kính mong các thầy cô hiểu tấm lòng và cả suy nghĩ, cảm xúc của tụi con ạ.

Con cảm ơn.

Một học sinh bình thường.



Xem nguồn

Nghĩ từ hình ảnh bé gái H’Mông ở Sapa

Posted: 19 Nov 2016 01:55 AM PST


Hình ảnh – bé gái dân tộc H’Mông 5 tuổi với đôi mắt trong veo, nụ cười thẹn thùng, cùng mẹ và hai em nhỏ đi bán hàng trong đêm chợ tình Sa Pa hiện được nhiều dân mạng chia sẻ, với nỗi cảm thán về những nhọc nhằn của trẻ thơ sớm phải bươn chải kiếm tiền.

1. Share bức hình, nhưng tôi không khỏi chạnh nghĩ về bài toán thoát nghèo cho những đứa trẻ vùng cao, thuộc lòng tiếng Anh "bồi" hơn cả nhận mặt chữ tiếng Việt.

Và rồi chợt nhớ, chỉ mới đầu năm thôi, trong thời gian giá tuyết phủ trắng cả dải biên thùy Tây Bắc, liên tiếp những hình ảnh các bản nghèo run rẩy tràn ngập newsfeed (cũng như các phương tiện truyền thông). Và đó là những đợt sóng giàu lay động nhất, cũng gợi lên nhiều cảm giác bất lực nhất.

Sức người có hạn. Mỗi năm, hàng trăm hàng nghìn đợt quyên góp thiện nguyện, tổ chức có, cá nhân có, bài bản có, tự phát có…, mà mỗi manh áo cũ, mỗi tấm khăn sờn vẫn quý giá đến như thế! Cứ đến gần đông chí, mọi chuyện lại bắt đầu lại từ đầu.

2 . Phải có một cánh cửa thoát nghèo cho những vùng đất ấy, những miền không có điều kiện phát triển nông nghiệp, cũng chẳng thể tính đến khai khoáng hay công nghiệp. Mà lại là những miền "phên dậu" của Tổ quốc. Sau một phép loại trừ đơn giản, du lịch (và hệ thống ngành nghề phụ trợ) là lựa chọn còn lại.

Nghĩ từ hình ảnh bé gái H'Mông ở Sapa

Bức ảnh em bé Sa Pa thu hút sự quan tâm của dân mạng

Nhưng, cũng như rất nhiều câu chuyện khác, vấn đề không chỉ là "làm cái gì?", mà cốt yếu là "làm như thế nào?". Từ "một lựa chọn" đến "một lựa chọn hoàn hảo" là cả một khoảng cách vời vợi. Trong đó, từ tính mong manh của sự cân bằng giữa bảo tồn văn hóa và lợi ích kinh tế, bất cứ ai cũng có thể liên tưởng đến vô vàn hệ quả tiếp nối.

Không ai muốn đất nước mãi mãi còn những vùng "chậm tiến", chỉ biết trông đợi vào sự "chi viện" từ các khu vực phát triển. Cũng không ai muốn những hồn cốt văn hóa nguyên sơ thuần khiết bị xâm thực, pha trộn, lai tạp, thoái hóa…Những Tây Côn Lĩnh, Sa Pa, cao nguyên đá Đồng Văn…. còn chưa được khai thác đúng với tiềm năng. Lào Cai, với danh tiếng của Sa Pa và "nóc nhà Đông Dương" Fansipan. Năm 2015, tổng lượng khách du lịch tới đây đã tăng gấp đôi so với năm 2014. Tổng doanh thu tăng hơn 42,7%, và kèm theo đó là hàng trăm nghìn công việc mới dành cho lao động bản địa. Dù cũng mới chỉ đạt 2 triệu lượt khách, nhưng có thể tin rằng, nếu đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai chưa hoàn thành, điều này sẽ chưa thể xảy ra (đáng chú ý, lượng khách quốc tế đã tăng 31,6%, lên 717 644 lượt), và du lịch Lào Cai còn phải đợi thêm thời gian để "cất cánh".

Nghĩ từ hình ảnh bé gái H'Mông ở Sapa

Bé gái cùng mẹ và hai em nhỏ đi bán hàng ở chợ phiên Sa Pa.

Hãy nhìn qua một số ví dụ khác. Tiềm năng di sản cũng như địa hình thiên nhiên của Thái Lan không hơn gì nhiều (thậm chí còn là kém về phần hoang sơ hùng vĩ) so với Việt Nam, nhưng năm 2014 họ đón gần 12 triệu lượt khách quốc tế (bất chấp dư âm của bất ổn chính trị – xã hội), với tổng doanh thu 19,2 tỷ USD.

Singapore, đơn giản chỉ là một thành phố, thậm chí còn vượt rất xa, với 24,8 triệu lượt khách quốc tế và tổng doanh thu 38,4 tỷ USD.

Đó là chưa nói đến một Sydney hay một Las Vegas, với những sản phẩm du lịch "đắt khách" nhất hoàn toàn tạo dựng bởi bàn tay con người, không phải ân huệ nào đến từ thiên nhiên.

Hiện tại, không có cách nào để chỉ "được" mà không "mất". Cho dù việc bảo tồn các giá trị (văn hóa, tâm linh, thiên nhiên, đa dạng sinh học…) vẫn luôn phải được xác định là hướng đi trọng tâm, bền vững nhất và được ưu tiên nhất, thì muốn có cá, cũng phải bẻ bớt cành, tước bớt dây leo dại, nhóm lửa uốn gai…để làm cần câu.



Xem nguồn

Thầy giáo chế nhạc động viên học sinh đầy cảm động

Posted: 19 Nov 2016 01:13 AM PST


– Để động viên các học sinh của mình không chùn bước trước những khó khăn và quyết tâm học tập tốt, thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng (Hà Nội) đã thực hiện và ghi hình một clip nhạc với thông điệp đầy ý nghĩa.

Clip dài hơn 3 phút ghi lại bài hát mà thầy Tùng chế lời trên nền nhạc "Sau tất cả"- một bài hát được nhiều bạn trẻ biết đến và yêu thích trong thời gian qua.

Clip sau khi chia sẻ trên trang cá nhân của thầy Tùng đã thu hút được hơn 37 nghìn lượt xem và hàng nghìn lượt thích, chia sẻ và bình luận từ các bạn học sinh.

Ngoài những bình luận khen thầy giáo hát hay là liên tục những lời cảm ơn của các bạn trẻ vì những lời dặn dò, động viên mà thầy gửi gắm qua lời bài hát.

"Cảm động" là bình luận được nhắc đến liên tục trong những dòng bình luận.

Bạn Mỹ Linh chia sẻ: "Lời bài hát hay và ý nghĩa quá. Em không biết đã nghe đi nghe lại bao nhiều lần nữa, nhưng vẫn rất thích".

Bạn Văn Thành viết: "Em đã cài bài này để làm chuông báo thức mỗi sáng để sáng nào cũng được nghe thầy hát với thêm quyết tâm học hành".

Thầy giáo chế nhạc động viên học sinh đầy cảm động
Thầy Nguyễn Thanh Tùng.

Chia sẻ với VietNamNet, thầy Tùng cho biết vì muốn gửi gắm thông điệp đến các bạn trẻ nên thầy đã cùng với một học sinh của mình lên lời và dành thời gian để tập luyện cho việc hát và ghi hình.

"Mình nghĩ cách truyền thông điệp thông qua bài hát là một hướng khá hiệu quả với các bạn trẻ. Bài hát "Sau tất cả" được khá nhiều bạn trẻ biết đến, vì vậy mình dựa vào giai điệu bài hát để chế lời, mong các em học sinh tiếp nhận được tốt và hào hứng hơn", thầy Tùng nói.

Thầy Tùng chia sẻ, cũng giống như thông điệp trong lời bài hát, anh mong các em học sinh của mình luôn học tập chăm chỉ, không chùn bước khi đứng trước những khó khăn thử thách. Và đặc biệt cần tạo cho mình tâm lý vui tươi, thoải mái mỗi ngày, bởi đó là một trong những yếu tố giúp các em đi đến thành công.

Thanh Hùng

***************

Xem thêm:




Xem nguồn

Khoa Luật – ĐH Quốc gia HN đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Posted: 19 Nov 2016 12:31 AM PST


Quyền chủ nhiệm khoa Luật, PGS.TS Trịnh Quốc Toản cho biết, đây là sự kiện quan trọng của các thế hệ thầy và trò Khoa Luật để nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển kể từ khoa Pháp lý trường ĐH Tổng hợp Hà Nội – đơn vị tiền thân của khoa Luật – ĐH QGHN ngày nay. Đồng thời xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cơ bản trên chặng đường tiếp theo khi tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản đồng ý chủ trương thành lập trường ĐH Luật thuộc ĐH QGHN trên cơ sở khoa Luật hiện nay.

Theo PGS.TS Trịnh Quốc Toản, Quyết định chủ trương thành lập trường ĐH Luật của Chính phủ đã từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển của ĐH QGHN đến năm 2020 là hình thành trường ĐH Luật thuộc ĐH QGHN với sứ mệnh: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao về pháp luật theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo quản lý; sáng tạo, truyền bá tri thức pháp lý; nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về luật học; tư vấn, phản biện và cung cấp dịch vụ pháp lý có giá trị cao cho Nhà nước, tổ chức, xã hội và công dân đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Với địa vị là một cơ sở giáo dục đại học cho phép trường ĐH Luật có đủ cơ sở pháp lý để phát triển thành trường ĐH định hướng, phù hợp với chủ trương phân tầng các cơ sở giáo dục đại học hiện nay của Nhà nước.


 Khoa Luật - ĐH QGHN đón nhận đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Khoa Luật – ĐH QGHN đón nhận đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Được biết, hiện nay, khoa Luật đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo, có trình độ cao, cán bộ trình độ thạc sĩ trở lên là 93 người trên tổng số 120 cán bộ, chiếm 78%, với 59 cán bộ có trình độ tiến sĩ luật học, trong đó 02 GS.TSKH, 6 GS.TS, 16 PGS.TS. Tính đến nay, khoa Luật đã đào tạo được hơn 10.000 cử nhân Luật, trên 4.000 thạc sĩ luật và khoảng 100 tiến sĩ luật học.

40 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên của khoa Luật – ĐH QGHN đã lập được nhiều thành tích đáng tự hào, tập thể khoa Luật đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba và nhiều cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Khoa đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của nhà nước cũng như của các cấp, các ngành.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm, khoa Luật đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Đảng và Nhà nước trao tặng.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đại biểu tham dự buổi lễ

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đại biểu tham dự buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục đào tạo, Khoa Luật đang còn nhiều việc cần phải làm, phía trước đang còn nhiều khó khăn thách thức. Đặc biệt là tới đây theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khoa Luật đứng trước thời điểm quan trọng để phát triển thành trường đại học Luật thành viên của ĐH QGHN – một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng đại học nghiên cứu với chất lương cao, ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực, tiếp cận trình độ thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Để thực hiện mục tiêu này, ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh, khoa Luật cần bám sát và thực hiện tốt Nghị quyết của hội nghị TƯ 8 khóa XI (Nghị quyết 29- NQ/TW) về đổi mới căn bản toàn diện, giáo dục đào tạo. Đặc biệt là cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất năng lực của sinh viên, phải xác định sinh viên là chủ thể trung tâm của quá trình đào tạo, cần chú trọng bồi dưỡng cho sinh viên năng lực phân tích, sáng tạo, tự cập nhật kiến thức, năng lực thực hành, năng lực tổ chức và khả năng thích nghi với môi trường làm việc khi tốt nghiệp.

Nhật Hồng



Xem nguồn

Comments