Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Sau Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm ai dịp 20/11?

Posted: 18 Nov 2016 08:16 AM PST


 Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều ngày 18/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm và tri ân nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình.

Chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nguyên Phó Chủ tịch nước lưu ý, ngành giáo dục vất vả vì là lĩnh vực rộng , để làm được tốt thì phải có những điều kiện tốt mà đất nước còn nghèo nên cần phải biết cách làm.

Sau Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm ai dịp 20/11?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình. Ảnh: MOET

Bà Nguyễn Thị Bình nói, đổi mới giáo dục 10 năm mới có kết quả. Bởi vậy, trong khi làm phải tính từng năm một yêu cầu cái gì, phải làm gì; tới 2 – 3 năm đạt được mục tiêu gì để thấy được đang đi tới đâu.

Bà Bình cũng khuyên Bộ trưởng nên quan tâm nhiều đến giáo dục phổ thông, lấy đó làm cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ngoài ra, cũng cần tập trung nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, việc đổi mới chương trình phải rõ nét hơn, từ đó việc viết sách giáo khoa mới làm tốt.

Nhân dịp này, bà Bình tặng Bộ trưởng Nhạ cuốn sách "Hệ giá trị mục tiêu phát triển nhân cách người học".

Thầy cô có quyền tự hào về những thành quả đã làm được

Cũng trong chiều nay, 18/11, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm và chúc mừng cán bộ công chức, viên chức ngành giáo dục.

Sau Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm ai dịp 20/11?
Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi và chúc mừng ngành Giáo dục. Ảnh: MOET.

Ông Nhân nhìn nhận thành quả 30 năm Đổi mới của đất nước có sự đóng góp âm thầm của ngành giáo dục. Ông nhắn nhủ với các thầy cô giáo: “Cho dù còn khó khăn, cho dù còn thiếu sót, chúng ta sẵn sàng nhận phê bình, góp ý của người dân nhưng chúng ta cũng có quyền ngẩng đầu tự hào về những thành quả đã làm được cho đất nước hôm nay".

Trong bức thư chúc mừng gửi các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức, nhân viên ngành giáo dục nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ viết:

"Các thầy cô giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành Giáo dục tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, kiên quyết khắc phục hạn chế, yếu kém, chủ động đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và quản lý, nâng cao chất lượng mọi mặt hoạt động”.

Xem thêm:

 



Xem nguồn

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời thẳng thắn, trách nhiệm

Posted: 18 Nov 2016 07:34 AM PST


GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hộiGS.TS Nguyễn Minh Thuyết nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Thưa GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, ông có quan điểm thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn ngày 16/11?

– Tôi rất ấn tượng với phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vì Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ hơn 6 tháng mà đối với toàn bộ các vấn đề 49 vị ĐBQH nêu ra, Bộ trưởng đều nắm chắc tình hình, xác định đúng nguyên nhân chính của hạn chế, bất cập và đưa ra được các biện pháp giải quyết toàn diện, có tính khả thi.

Ấn tượng mạnh nhất của tôi là sự thẳng thắn của Bộ trưởng. Trước câu hỏi của ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) về khả năng thực hiện mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ 2008-2020, Bộ trưởng đã trả lời ngay là sẽ không đạt được. Với nhiều câu hỏi khác, Bộ trưởng cũng có những lời đáp ngắn gọn, quyết đoán.

Tôi không nghĩ rằng những câu trả lời thẳng thắn như vậy là dễ dàng. Bởi vì thừa nhận Đề án không đạt được mục tiêu có nghĩa là thừa nhận trách nhiệm. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới nhận nhiệm vụ, không phải người chịu trách nhiệm trực tiếp trong chuyện này.

Nhưng ông có cái khó của mình: một mặt phải nhận trách nhiệm của người đứng đầu Bộ; mặt khác, phải nhận theo cách như thế nào đó để không đẩy trách nhiệm cho người tiền nhiệm. Cách xử lý của ông là gánh lấy trách nhiệm giải quyết và vạch ra những biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề.

Những biện pháp Bộ trưởng đề ra chắc chắn đã được nghiền ngẫm từ lâu, ít nhất là từ khi ông được phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng. Thậm chí, có những vấn đề, có thể ông đã lưu tâm và có giải pháp từ khi còn ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

Riêng về Đề án Ngoại ngữ, tôi tâm đắc với quan điểm điều chỉnh cách tiếp cận, mục tiêu, từ cách tiếp cận ôm đồm và mục tiêu vượt quá điều kiện thực thi đưa về một phạm vi đối tượng và mục tiêu hiện thực hơn.

Trả lời ĐBQH về yêu cầu ngoại ngữ đối với cán bộ, giáo viên, giải pháp phân biệt mức độ yêu cầu với các nhóm đối tượng khác nhau (cán bộ, giáo viên tuyển mới; cán bộ, giáo viên trẻ, còn có thời gian phấn đấu; cán bộ, giáo viên đã lớn tuổi) mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra là một giải pháp thực tế, chín chắn. Nếu không có giải pháp phù hợp với thực tiễn như vậy thì những ý tưởng tốt đẹp sẽ chỉ là khẩu hiệu, không có tính khả thi.

Là người trực tiếp chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia 2016 và đưa ra phương án thi THPT Quốc gia 2017, Bộ trưởng nắm chắc và trả lời chi tiết, thuyết phục các câu hỏi của đại biểu về phương án của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, đặc biệt là về hình thức trắc nghiệm và các môn thi tổ hợp.

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Nga (Hải Dương) có quan điểm ngược lại về cách thức thi trắc nghiệm. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nga và các câu hỏi của các đại biểu về hình thức thi và cách thức tổ chức thi, đặc biệt là thi trắc nghiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định thi trắc nghiệm không phải đi ngược lại với tính linh hoạt, năng động. Thi trắc nghiệm, mỗi học sinh có một mã đề thi riêng nên không thể có chuyện "áo trắng, áo vàng" hay "ho hắng" làm hiệu trong phòng thi.

Tôi cũng có ấn tượng với sự kiên nhẫn của Bộ trưởng. Đối với nhiều vấn đề, mặc dù Bộ trưởng đã trả lời rõ, đưa ra giải pháp cụ thể, nhưng một số ĐBQH vẫn tái chất vấn, câu hỏi không có nội dung gì mới; làm cho phần sau của buổi chất vấn kéo dài, không đề cập được nhiều vấn đề mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ  rất kiên nhẫn trao đi đổi lại với đại biểu để làm rõ vấn đề.

Tóm lại, tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng vì sự thẳng thắn, phân tích đúng tình hình, đưa ra giải pháp khả thi, nhìn nhận các mặt tương đối hài hòa.

Tuy nhiên, nếu Bộ trưởng có đủ thời gian để khái quát các câu chất vấn theo từng nhóm vấn đề thì nọi dung trả lời sẽ gọn hơn.

Cuối cùng, mặc dù câu hỏi chỉ liên quan đến phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, tôi vẫn muốn được đề cập đến một ấn tượng nổi bật nữa là phần phát biểu ý kiến bổ sung của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Bài phát biểu ngắn của Phó Thủ tướng đã giúp cho Quốc hội và cử tri cả nước thấy rõ hơn toàn cảnh của giáo dục, vị trí của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế, những triết lý đang dắt dẫn đổi mới giáo dục Việt Nam, thêm tin tưởng vào thành công của công cuộc đổi mới giáo dục. Là một nhà giáo, tôi rất cảm kích trước sự nhìn nhận công bằng, khách quan của Phó Thủ tướng và đánh giá cao những kiến giải sâu sắc trong bài phát biểu 15 phút của ông.

Trước việc Bộ trưởng thừa nhận Đề án Ngoại ngữ 2020 không đạt được mục tiêu, ông nhận định như nào về vấn đề này?

– Về một số dự án, đề án giáo dục không đạt mục tiêu, tôi cho rằng nên rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục, chứ không nên lấy đó làm buồn vì khi soạn ra đề án, người làm hướng đến một mục tiêu cao quá nhưng điều kiện không đạt được chứ không phải đề án "vứt đi hoàn toàn".

Điều này khác với một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay những đề án xây dựng thiếu hiệu quả. Ví dụ, để đẩy trình độ ngoại ngữ của cả một thế hệ học sinh, sinh viên lên là điều vô cùng khó, chưa kể đến phải ôm thêm rất nhiều đối tượng khác trong xã hội. Việc không khả thi là do người thiết kế đề án trước đây đặt ra mục tiêu quá lý tưởng, thoát ly điều kiện thực tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nắm rất rõ tiến độ giải ngân của đề án này để đính chính lại những sai sót trong dư luận. Đây là đề án hơn  9000 tỷ nhưng thực sự đến nay mới có hơn 3.000 tỷ được giải ngân, các địa phương chi khoảng 1.600 tỷ.

Tổng kết phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có 49 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu có tranh luận lại. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là phiên chất vấn có số lượng câu hỏi và tranh luận nhiều nhất. Điều này cho thấy giáo dục đào tạo đang là "điểm nóng" của toàn xã hội?

Là người theo sát các kỳ họp Quốc hội nhiều năm, trong đó có 9 năm làm ĐBQH, tôi thấy không bất ngờ. Giáo dục là vấn đề thiết thân với từng người, từng nhà, luôn được cử tri quan tâm; do đó, việc có nhiều đại biểu đăng ký chất vấn là bình thường. Vả lại, cũng phải nói thật là các vấn đề giáo dục dễ hiểu, dễ nói hơn nhiều vấn đề khác.

Ông suy nghĩ sao về những công việc tiếp theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ phải làm trong thời gian tới?

– Hôm nay, các ĐBQH đã đặt ra nhiều vấn đề mà ngành Giáo dục cần giải quyết. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Chính phủ đã giải trình, tiếp thu và cam kết thực hiện một số biện pháp giải quyết vấn đề.

Do đó, công việc tiếp theo Bộ trưởng cần làm là thực hiện các cam kết của mình để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nguyện vọng của nhân dân.

Nhiều giải pháp, nhiều vấn đề cần tới sự cộng tác, phối hợp của nhiều ngành và các địa phương. Bộ trưởng cần tăng cường làm việc, thống nhất với các cơ quan, tổ chức liên quan; tiếp tục đi sâu đi sát, thúc đẩy hiện thực hóa những cam kết cộng tác, phối hợp này. Hy vọng là đến kỳ họp sau của Quốc hội, nhiều vấn đề các ĐBQH đặt ra sẽ được giải quyết có kết quả.

– Trân trọng cảm ơn GS đã trả lời!



Xem nguồn

Bộ GD&ĐT trao bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc

Posted: 18 Nov 2016 06:51 AM PST


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức cùng đại diện các nhà giáo thành kính dâng hương, báo công tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức cùng đại diện các nhà giáo thành kính dâng hương, báo công tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Sau lễ dâng hương, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng quà tặng của Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho các thầy cô giáo tiêu biểu, xuất sắc.

Mỗi người giữ một cương vị, đảm đương một nhiệm vụ khác nhau, nhưng điểm chung của các nhà giáo được nhận bằng khen hôm nay là sự quyết tâm bám trường, bám lớp, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Có thể có những việc làm bình thường nhưng lại mang ý nghĩa phi thường.




Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức trao bằng khen, quà cho các nhà giáo tiêu biểu tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám 

Gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà giáo, ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh: Hơn 70 năm qua, nền giáo dục cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, chăm lo; sự nghiệp GD&ĐT từng bước đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.

Trong đó, đội ngũ nhà giáo ngày càng phát huy được phẩm chất tốt đẹp, sáng tạo, đổi mới, tâm huyết với nghề. Biết bao tấm gương nhà giáo vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, hy sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.

Buổi lễ dâng hương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày hôm nay thể hiện sự trân trọng ghi nhận, đồng thời tin tưởng và mong đợi các nhà giáo tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, ý chí vượt lên mọi khó khăn trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Xúc động trước sự quan tâm, cổ vũ của các cấp lãnh đạo, Bộ GD&ĐT, các cơ sở GD&ĐT trong cả nước đối với nhà giáo, thay mặt các giáo viên tiêu biểu, xuất sắc, GS.TS Đỗ Hương Trà – giảng viên khoa Vật lý (Trường ĐHSP Hà Nội) – chia sẻ:

"Trong bối cảnh ngành Giáo dục đang có những đổi mới mạnh mẽ, mỗi giáo viên chúng tôi đều nhận thức sâu sắc rằng mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, khắc phục khó khăn, không ngừng trau dồi, học hỏi để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức của người giáo viên. Mỗi người thầy, người cô phải là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo để HSSV noi theo".

Các nhà giáo tiêu biểu cũng là nhân vật chính tham dự chuỗi hoạt động của chương trình "Thay lời tri ân" do Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.



Xem nguồn

Học viện Tài chính kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

Posted: 18 Nov 2016 06:09 AM PST


Trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba cho cán bộ, giảng viên Học viện Tài chínhTrao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba cho cán bộ, giảng viên Học viện Tài chính

Trong diễn văn tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ – Hiệu trưởng – đã khẳng định vị thế của nhà giáo trong xã hội: dân tộc Việt Nam có truyền thống "tôn sư trọng đạo" đối với nhà giáo;

Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đội ngũ các thầy cô giáo là nhân tố quyết định tới chất lượng và sự phát triển của giáo dục nước nhà; Vì vậy cho dù ở nơi đâu, trong xã hội nào vị trí của nhà giáo cũng được kính trọng.

Trong lịch sử 53 năm của Học viện Tài chính đã đào tạo được 400 tiến sĩ, 6.000 thạc sĩ, 90.000 cử nhân kinh tế cho đất nước và nước bạn Lào, Campuchia.

Hiện trong số giảng viên, cán bộ quản lý của học viện có 55 giáo sư và phó giáo sư, 143 tiến sĩ, 392 thạc sỹ. Học viện tài chính đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu thi đua cao quý của Đảng, Nhà nước và nước bạn Lào trao tặng.

Trong không khí trọng thể của buổi lễ, Học viện Tài chính đã trao tặng Huân Chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho PGS.TS Nguyễn Văn Dầu và PGS.TS Nguyễn Thị Thương Huyền;

Trao tặng Huân Chương Lao động hạng Ba cho PGS.TS Trần Xuân Hải và TS Nguyễn Đạo Tùng; Học viện cũng trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho 2 cá nhân, Cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho tập thể Học viện.

Cũng tại buổi lễ, Học viện Tài chính cũng đã vinh danh 8 Phó giáo sư được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu năm 2016 và đã được Giám đốc học viện có quyết định bổ nhiệm chức danh.



Xem nguồn

Hội nghị quốc tế công nghệ năng lượng tái tạo đầu tiên ở VN

Posted: 18 Nov 2016 05:26 AM PST


 Sự kiện khoa học đặc biệt với tên gọi "The 4thIEEE International Conference on Sustainable Energy Technologies (ICSET) 2016" vừa diễn ra từ ngày 14 đến 16/11, tại Hà Nội.

Hội nghị quốc tế công nghệ năng lượng tái tạo đầu tiên ở VN

Thứ trưởng Bộ Khoa học CN Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị.

Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên hiếm hoi được chọn làm địa điểm để tổ chức một sự kiện học thuật quan trong của thời đại – ICSET 2016 – thu hút sự tham dự của gần 100 nhà nghiên cứu và học giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới; từ các nước: Mỹ, Đức, Úc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, New Zeland, Đan Mạch, Đài Loan, Việt Nam…

Hội nghị năm nay do Phân ban Điện công nghiệp và Điện tử công suất của IEEE Singapore (IAS/PELS Joint Chapter – IEEE Singapore Section) và Chi nhánh Hội Kỹ sư Điện – Điện tử quốc tế tại Việt Nam (IEEE Vietnam Section) phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Phiên khai mạc sáng ngày 14/11/2016 có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam… 

Thứ trưởng KHCN Trần Quốc Khánh phát biểu đánh giá Hội nghị quốc tế ICSET 2016 là một hoạt động rất ý nghĩa, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế về KH&CN trong lĩnh vực năng lượng vì sự phát triển bền vững.

Dưới góc độ là một trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam với bề dày 60 năm hình thành và phát triển, Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội Hoàng Minh Sơn nhận địnht: "Hội nghị là diễn đàn chia sẻ, thảo luận, thiết lập các ý tưởng, tăng cường mối liên kết với các trường đại học – viện nghiên cứu – ngành công nghiệp trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ năng lượng".

Năm nay, Ban Tổ chức Hội nghị nhận được 120 bài báo khoa học của hơn 250 nhà nghiên cứu đến từ 26 quốc gia trên thế giới, với số báo cáo được chấp nhận là 61 (một tỷ lệ rất khắt khe theo chuẩn của các hội nghị quốc tế chất lượng), trong đó có nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá rất cao. 

Ngoài ra, Hội nghị còn mời được các giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trình bày 4 báo cáo toàn thể và 10 báo cáo mời. Hội nghị gồm 2 phiên toàn thể và 12 phiên kỹ thuật với hơn 30 chủ đề đa dạng "bao phủ" hầu khắp các lĩnh vực công nghệ năng lượng như: Quang điện và năng lượng mặt trời, Hệ thống năng lượng gió, Pin nhiên liệu, Lưới điện thông minh, Năng lượng sinh học và năng lượng địa nhiệt, Ứng dụng công nghệ nano trong lĩnh vực năng lượng, Điện tử công suất và Chuyển đổi năng lượng, Quản lý năng lượng trong các tòa nhà thông minh …

Đáng chú ý, GS. Konstantin Turitsyn từ Học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) đã giới thiệu tại Hội nghị về các công cụ toán học thế hệ mới cho mạng lưới điện thông minh và bền vững – một giải pháp nhằm phòng ngừa các sự cố xảy ra trong lĩnh vực năng lượng. 

Các giáo sư hàng đầu thế giới như Hsiao-Dong Chiang (ĐH Cornell), P R Kumar (ĐH Texas A&M), Longya Xu (ĐH Bang Ohio), Faz Rahman (ĐH New South Wales)… cũng chia sẻ các kết quả nghiên cứu, xu hướng mới nhất trên thế giới, ứng dụng điện – điện tử trong các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, quản lý và đổi mới công nghệ năng lượng, các loại hình sản phẩm, dịch vụ đang được áp dụng thành công và hiệu quả trên thế giới.

Vũ Thành Long – Thanh Minh Trần



Xem nguồn

Ngày hội lớn của Trường ĐH Đồng Nai

Posted: 18 Nov 2016 04:44 AM PST


Trường ĐH Đồng Nai được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (8/2010), là cơ sở giáo dục có lịch sử hình thành và phát triển đáng tự hào ở khu vực miền Đông Nam bộ, là trường đại học công lập đầu tiên của tỉnh Đồng Nai.

Trong 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Nhà trường đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà nói riêng, các tỉnh lân cận và cả nước nói chung.

Thành tích ấy của Nhà trường được gắn với những tên gọi và chức năng, nhiệm vụ của từng giai đoạn. Giai đoạn đầu (1976 -1987), là của một trường sư phạm đào tạo giáo viên cấp 2. Từ 1987-1997, là trường cao đẳng sư phạm. Đến 1997 -2010, trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một trường cao đẳng đa ngành. Và từ năm 2010 đến nay, là đại học đa ngành.



 Một tiết mục văn nghệ chào mừng 

Từ năm 2010 đến nay, Trường ĐH Đồng Nai đã bước đầu khẳng định được vị thế cũng như tên tuổi của mình, là nơi đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao; đồng thời, chuyển giao những kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, khu vực và đất nước.

Với những kết quả đạt được trong 5 năm học vừa qua của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, viên chức và sinh viên nhà trường, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập trường và kỷ niệm 34 năm Ngày NGVN (20/11/1982 – 20/11/2016), Trường ĐH Đồng Nai đã vinh dự được Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Bên cạnh đó, nhiều tập thể đơn vị và cá nhân của Nhà trường cũng được tặng Bằng khen của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trong dịp này. 



Xem nguồn

Những bài thơ hay ngày 20-11 dành tặng thầy cô

Posted: 18 Nov 2016 04:01 AM PST


Chúng ta không khỏi xao xuyến mỗi khi đọc những vần thơ tình cảm, đầm ấm về tình thầy trò dưới mái trường. Vietnamnet xin chia sẻ với bạn một số bài thơ hay nhất về tình thầy trò nhân dịp kỉ Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Những bài thơ hay ngày  20-11 dành tặng thầy cô
Ảnh minh họa từ internet

Nghe thầy đọc thơ

    Em nghe thầy đọc bao ngày

    Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quê nhà

    Mái chèo nghe vọng sông xa

    Êm êm như tiếng của bà năm xưa

    Nghe trăng thuở động tàu dừa

    Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời

    Thêm yêu tiếng hát mẹ cười

    Yêu thơ em thấy đất trời đẹp ra…

                                 Trần Đăng Khoa

Không đề

    Cầm bút lên định viết một bài thơ

    Chợt nhớ ra nay là ngày nhà giáo

    Chợt xấu hổ cho những lần cao ngạo

    Thì ra con cũng giống bấy nhiêu người.  

    Cầm bút lên điều đầu tiên con nghĩ

    Đâu là cha, là mẹ, là thầy…

    Chỉ là những cảm xúc vu vơ, tầm thường, nhỏ nhặt…

    Biết bao giờ con lớn được,  

    Thầy ơi ! Con viết về thầy, lại "phấn trắng","bảng đen"

    Lại "kính mến", lại "hy sinh thầm lặng"…

    Những con chữ đều đều xếp thẳng

    Sao lại quặn lên những giả dối đến gai người.

    Đã rất chiều bến xe vắng quạnh hiu

    Chuyến xe cuối cùng bắt đầu lăn bánh

    Cửa sổ xe ù ù gió mạnh

    Con đường trôi về phía chẳng là nhà…  

    Mơ màng nghe tiếng cũ ê a

    Thầy gần lại thành bóng hình rất thực

    Có những điều vô cùng giản dị

    Sao mãi giờ con mới nhận ra.  

                               Nguyễn Thị Chí Mỹ

  

    Tri thức ngày xưa trở lại đây,

    Ân tình sâu nặng của cô thầy!

    Người mang ánh sáng soi đời trẻ;

    Lái chuyến đò chiều sang bến đây?

    Đò đến vinh quang nơi đất lạ;

    Cám ơn người đã lái đò hay!

    Ơn này trò mãi ghi trong dạ…

    Người đã giúp con vượt đắng cay!

                          Nguyễn Trung Dzũng

   

Những bài thơ hay ngày  20-11 dành tặng thầy cô

Ảnh minh họa từ internet

Thưa Thầy

    Thưa thầy, bài học chiều nay

    Con bỏ quên ngoài cửa lớp

    Dưới gốc phượng già, nằm nghe chim hót

    Con hóa mình thành bướm và hoa

    Thưa thầy bài tập hôm qua

    Con bỏ vào ngăn khóa kín

    Mải lượn lờ theo từng vòng sóng

    Cái ngã điệu đàng, sân trượt patin

    Thưa thầy, bên ly cà phê đen

    Con đốt thời gian bằng khói thuốc

    Sống cho mình và không bao giờ mơ ước

    Mình sẽ là ai? Tôi sẽ là ai?

    Thưa thầy, qua ngõ nhà thầy khuya nay

    Con vẫn thấy một vầng trăng ấm sáng

    Thầy ngồi bên bàn phẳng lặng

    Soạn bài trong tiếng ho khan

    Thưa thầy, cho là nhận: điều giản đơn

    Sao con học hoài không thuộc

    Để bây giờ khi con hiểu được

    Biết làm sao tạ lỗi cùng thầy

                                        Tạ Nghi Lễ

Cô ơi

    Rời mái trường thân yêu

    Bao năm rồi cô nhỉ?

    Trong em luôn đọng lại

    Lời dạy bảo của cô

    Ngày ấy vào mùa thu

    Bước chân em rộn rã…

    Cô không lời từ giã

    Xa trường tự lúc nào

    Em ngỡ như chiêm bao

    Cô về đâu, chẳng biết?

    Vẫn vang lời tha thiết

    Từ giọng cô dịu hiền

    Thời gian bước triền miên

    Cô chưa lần quay lại

    Chúng em nhớ cô mãi

    Mong thấy cô trở về

    Lúc xưa cô vỗ về…

    Nay chúng em khôn lớn

    Ngày rời trường gần đến

    Bao giờ gặp lại cô?!

                                      Thảo Thảo

   

Thầy và chuyến đò xưa

    Lặng xuôi năm tháng êm trôi

    Con đò kể chuyện một thời rất xưa

    Rằng người chèo chống đón đưa

    Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều

    Bay lên tựa những cánh diều

    Khách ngày xưa đó ít nhiều lãng quên

    Rời xa bến nước quên tên

    Giờ sông vắng lặng buồn tênh tiếng cười

    Giọt sương rơi mặn bên đời

    Tóc thầy bạc trắng giữa trời chiều đông

    Mắt thầy mòn mỏi xa trông

    Cây bơ vơ đứng giữa dòng thời gian…

                                              Nguyễn Quốc Đạt

Những bài thơ hay ngày  20-11 dành tặng thầy cô

Ảnh từ internet

Người lái đò

    Một đời người – một dòng sông…

    Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,

    “Muốn qua sông phải lụy đò”

    Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa…  

    Tháng năm dầu dãi nắng mưa,

    Con đò trí thức thầy đưa bao người.

    Qua sông gửi lại nụ cười

    Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.

    Con đò mộc – mái đầu sương

    Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày,

    Khúc sông ấy vẫn còn đây

    Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông…

                                            Thảo Nguyên

   

Lời ru của thầy

    Mỗi nghề có một lời ru

    Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này

    Lời ru của gió màu mây

    Con sông của mẹ đường cày của cha

    Bắt đầu cái tuổi lên ba

    Thầy ru điệp khúc quê nhà cho em

    Yêu rồi cũng nhớ yêu thêm

    Tình yêu chẳng có bậc thềm cuối đâu!

    Thầy không ru đủ nghìn câu

    Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời

    Tuổi thơ em có một thời

    Ước mơ thì rộng như trời, ngàn năm

    Như ru ánh lửa trong hồn

    Cái hoa trong lá, cái mầm trong cây

    Thầy ru hết cả mê say

    Mong cho trọn ước mơ đầy của em.

    Mẹ ru em ngủ tròn đêm

    Thầy ru khi mặt trời lên mỗi ngày

    Trong em hạt chữ xếp dày

    Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm

    Từ trong vòm mát ngôi trường

    Xin lời ru được dẫn đường em đi

    (Con đường thầy ngỡ đôi khi

    Tuổi thơ lăn một vòng bi tới rồi!)

    Hẳn là thầy cũng già thôi

    Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em

    Thì dù phấn trắng bảng đen

    Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình

                                               Đoàn Vị Thượng

  

Xin lỗi các em

    Tôi đâu phải người làm nông

    Cày xong đánh giấc say nồng một hơi

    Chuông reo tan buổi dạy rồi

    Còn nghe ray rứt nỗi đời chưa yên.

    Trách mình đứng trước các em

    Dửng dưng cả tiếng hồn nhiên gọi: Thầy!

    Rụng dần theo bụi phấn bay

    Ước mơ một thuở căng đầy tuổi xanh

    Dẫu là lời giảng của mình

    Cơn ho chợt đến vô tình cắt ngang

    Dẫu là tiết học vừa tan

    Bước qua cửa lớp đôi lần hụt hơi!

    Hiểu dùm tôi các em ơi

    Giấu bao ám ảnh khôn nguôi từng giờ

    Cảnh đời chộn rộn bán mua

    Áo cơm nào dễ chi đùa với ai.

    Vờ quên cuộc sống bên ngoài

    Nhiều điều xa lạ nói hoài riết quen

    Dở hay, yêu ghét, trắng đen

    Còn bao sự thật đã nhìn thẳng đâu

    Ai còn dằn vặt đêm sâu

    Trong từng sợi tóc bạc màu truân chuyên

    Thật lòng tạ lỗi các em

    Hiểu ra khi đã lớn lên mai này!

                                              Trần Ngọc Hưởng

Những bài thơ hay ngày  20-11 dành tặng thầy cô

Ảnh từ internet

Con với thầy

   

    Con với thầy

    Người dưng nước lã

    Con với thầy

    Khác nhau thế hệ

    Đã nhiều lần tôi tự hỏi mình

    Mười mấy ngàn ngày không gặp lại

    Những thầy giáo dạy tôi ngày thơ dại

    Vẫn bên tôi dằng dặc hành trình

    Vẫn theo tôi những lời động viên

    Mỗi khi tôi lầm lỡ

    Vẫn theo tôi những lời nhắc nhở

    Mỗi khi tôi tìm được vinh quang…

    Qua buồn vui, qua những thăng trầm

    Câu trả lời sáng lên lấp lánh

    Với tôi thầy ký thác

    Thầy gửi tôi khát vọng người cha

    Đường vẫn dài và xa

    Thầy giáo cũ đón tôi từng bước!

    Từng bước một tôi bước

    Với kỷ niệm thầy tôi…

                                  Phạm Minh Dũng

   

Bụi phấn xa rồi

    Ngẩn ngơ chiều khi nắng vàng phai

    Thương nhớ ngày xưa chất ngất hồn

    Một mình thơ thẩn đi tìm lại

    Một thoáng hương xưa dưới mái trường

    Cho dẫu xa rồi vẫn nhớ thương,

    Nầy bàn ghế cũ, nầy hàng me

    Bảng đen nằm nhớ người bạn trẻ

    Bụi phấn xa rồi… gửi chút hương!

    Bạn cũ bây giờ xa tôi lắm

    Mỗi đứa một nơi cách biệt rồi!

    Cuộc đời cũng tựa như trang sách

    Thư viện mênh mông, nhớ mặt trời!!!

    Nước mắt bây giờ để nhớ ai???

    Buồn cho năm tháng hững hờ xa

    Tìm đâu hình bóng còn vương lại?

    Tôi nhớ thầy tôi, nhớ… xót xa!

    Như còn đâu đây tiếng giảng bài

    Từng trang giáo án vẫn còn nguyên

    Cuộc đời cho dẫu về muôn nẻo

    Vẫn nhớ thầy ơi! Chẳng thể quên!!!

                                       Thái Mộng Trinh

  

Thầy

    Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay

    Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng

    Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn

    Mà sao lòng xao xuyến mãi không nguôi

    Bao năm rồi ? Đã bao năm rồi hở ? Thầy ơi …

    Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại

    Mái chèo đó là những viên phấn trắng

    Và thầy là người đưa đò cần mẫn

    Cho chúng con định hướng tương lai

    Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi

    Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa

    Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu …

                                     Ngân Hoàng

Những bài thơ hay ngày  20-11 dành tặng thầy cô
Ảnh từ internet

Khi thầy về hưu

    Cây phượng già treo mùa hạ trên cao

    Nơi bục giảng giọng thầy sao chợt thấp:

    “Các con ráng… năm nay hè cuối cấp…”

    Chút nghẹn ngào… bụi phấn vỡ lao xao.

    Ngày hôm qua hay tự tháng năm nào

    Con nao nức bước vào trường trung học

    Thương cây lúa hóa thân từ hạt thóc

    Thầy ươm mùa vàng, đất vọng đồng dao.

    Mai thầy về, sân trường cũ nằm đau?

    Hay nỗi nhớ lấp vùi theo cát bụi?

    Dẫu cay đắng, dẫu trăm nghìn đau tủi

    Nhọc nhằn nào thầy gửi lại ngày sau?

    Mai thầy về, mùa gọi nắng lên cao

    Vai áo bạc như màu trang vở cũ

    Con muốn gọi sao lòng đau nghẹn ứ

    Đã bao lần con ngỗ nghịch thầy ơi!

                                              Lá Me

  

Lời trầm thầy tôi

    Có những chiều hè, phượng đỏ rơi

    Còn đâu năm cũ, sắp qua rồi.

    Thương người bạn cũ, ân sâu nặng

    Nhớ lại thầy xưa, tình chẳng phôi.

    Muốn được cho đi, thầy phải có

    Tâm thành đón nhận, lẽ trò tôi.

    Cho không phải mất, tình muôn thuở.

    Nhận được đời vui, nghĩa thế thôi.

                                   Phạm Duy Cầu

Phương Chi sưu tầm



Xem nguồn

Đại học Thái Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Posted: 18 Nov 2016 03:19 AM PST


GS.TS Đặng Kim Vui tặng hoa chúc mừng các nhà giáo được công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2016GS.TS Đặng Kim Vui tặng hoa chúc mừng các nhà giáo được công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2016

Dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Vũ Hồng Bắc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; NGND.GS.TS Đặng Kim Vui – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHTN, đại diện các cơ sở giáo dục đại học thành viên, các đơn vị trực thuộc Đại học, các nhà giáo đã và đang trực tiếp làm công tác quản lý, giảng dạy

Tại buổi lễ NGND.GS.TS Đặng Kim Vui đã ôn lại truyền thống Ngày Nhà giáo Việt Nam và sự lớn mạnh của đội ngũ nhà giáo gắn với các bước trưởng thành của ĐHTN.

ĐHTN hiện có 27 cơ sở giáo dục đại học thành viên và đơn vị trực thuộc. Đội ngũ cán bộ của ĐHTN không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Nhiều giảng viên trẻ được đào tạo ở các cơ sở giáo dục nổi tiếng trong nước và thế giới, có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp giảng dạy tiên tiến, đủ điều kiện tham gia hội nhập quốc tế.

Hiện nay, ĐHTN có gần 4.400 cán bộ viên chức, trong đó có 10 giáo sư, 123 phó giáo sư, 569 tiến sỹ, 6 nhà giáo nhân dân, 70 nhà giáo ưu tú và 9 thầy thuốc ưu tú.

Tại buổi lễ, ĐHTN đã tiến hành nghi thức trao tặng các phần thưởng thi đua cao quý của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ khen tặng các nhà giáo:

Trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho GS. TS Nguyễn Thị Kim Lan – GV Khoa Chăn nuôi Thú y, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm;

Trao tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho Trường Đại học Nông Lâm; Trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 22 cá nhân của Đại học đã có thành tích xuất sắc;

Cũng tại buổi lễ, Giám đốc ĐHTN đã tặng hoa chúc mừng 23 nhà giáo được công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016./.



Xem nguồn

Thi bình chọn trực tiếp ảnh về tình thầy trò

Posted: 18 Nov 2016 02:38 AM PST


Trong khuôn khổ cầu truyền hình trực tiếp có độ dài kỷ lục 16 tiếng "Ngày thầy trò", một cuộc thi bình chọn trực tiếp ảnh về chủ đề thầy trò đã chính thức được phát động.

Chương trình quy mô lớn đầu tiên về Ngày nhà giáo

Khi thông tin về ‘Ngày thầy trò” – chương trình truyền hình dài kỷ lục liên tục 16 tiếng, bắt đầu từ 7h sáng đến 23h đêm ngày 20/11/2016 – được truyền thông đăng tải, rất nhiều khán giả đã ngạc nhiên không hiểu Ban tổ chức xây dựng thế nào để có nội dung dài hơi và hấp dẫn người xem, khiến họ không thể chuyển kênh.

Thi bình chọn trực tiếp ảnh về tình thầy trò

“Ngày Thầy Trò” là chương trình truyền hình quy mô lớn, do Mobi TV kết hợp với Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình VTC thực hiện sẽ được phát sóng đồng thời trên nhiều kênh truyền hình lớn của Việt Nam, trong đó có 7 kênh truyền hình của Mobi TV và các kênh truyền hình lớn trên toàn quốc như VTC2, VOV, Truyền hình Nhân dân, ANTG, An Viên, Vietteen…

Chương trình được chuẩn bị suốt nửa năm qua, với mục tiêu đề cao đạo nghĩa thầy trò, tinh thần hiếu học, phát huy truyền thống "tôn sư trọng đạo" từ ngàn xưa của người Việt Nam, phản ánh một ngày đặc biệt trong cuộc sống của người dân Việt Nam – một dân tộc có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, một dân tộc luôn coi việc kính trọng những người thày giáo là một trong những thước đo lớn nhất về đạo nghĩa. Với ý nghĩa này, chương trình đã có sự đồng hành của Mobifone, nhà tài trợ kim cương của chương trình. Với công nghệ 3G, 4G hiện đại bậc nhất hiện nay của Mobifone, chương trình sẽ được tiếp sóng chất lượng cao nhất từ khắp mọi miền đất nước, phục vụ cho khán giả một chương trình truyền hình chất lượng cao nhất.

Đại diện Mobi TV – đơn vị sản xuất – mới đây tiết lộ, đây là chương trình quy mô lớn đầu tiên về ngày Nhà giáo Việt Nam. Chương trình sẽ có những phóng sự đặc biệt về tình thầy trò ở khắp mọi miền đất nước, phản ánh tinh thần ngày nhà giáo như một cuốn nhật ký sống động của đất nước; các phần giao lưu với những nhân vật nổi tiếng về đạo nghĩa thầy trò; chương trình ca nhạc quy tụ những cặp thầy trò nổi tiếng làng âm nhạc.

Thi bình chọn trực tiếp ảnh về tình thầy trò

Bình chọn ảnh trực tiếp trên sóng truyền hình

Và đặc biệt chương trình còn thu hút sự tham gia của đông đảo người xem bằng cuộc thi ảnh được thực hiện song song, tạo tính tương tác khiến khán giả cảm nhận được, họ là nhân vật chính của sự kiện.

Cuộc thi được tổ chức nhằm tìm kiếm, chọn ra những bức ảnh đẹp, vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa có nội dung ca ngợi, tôn vinh tình cảm tốt đẹp trong mối quan hệ giữa thầy trò và những tấm gương tiêu biểu trên khắp mọi miền từ biên giới tới hải đảo của Tổ quốc; giữa thầy và trò người Việt Nam ở cộng đồng nước ngoài; giữa trò Việt Nam với thầy là người nước ngoài và ngược lại.

Cuộc thi được chính thức phát động vào ngày 28/10 và kết thúc vào hồi 17h00 ngày 20/11/2016. Các bức ảnh có thể được chụp từ trước, hoặc chụp trong khoảng thời gian từ ngày phát động cuộc thi đến hết thời điểm nhận ảnh dự thi. Mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài chỉ cần like fanpage, share ảnh được post lên fanpage và tag 3 người vào trong post chia sẻ đó là có thể tham gia.

Thi bình chọn trực tiếp ảnh về tình thầy trò

Ban giám khảo cuộc thi ảnh gồm Nhà lý luận phê bình Nhiếp ảnh Vũ Huyến, Truyền hình MobiTV và một số nhà Nhiếp ảnh, nhà Lý luận phê bình Nhiếp ảnh, Nhà báo có uy tín được mời tham gia.

Tham dự cuộc thi, khán giả có thể nhận được 1 giải nhất trị giá 10.000.000đ, 1 giải nhì trị giá 3.000.000đ, 1 giải nhận được nhiều bình chọn qua fanpage trị giá 5.000.000đ, 5 giải khuyến khích theo chủ đề: ( 1: Mầm non, 2: Tiểu học và Trung học, 3: Đại học và Dạy nghề, 4: Giáo dục miền núi, 5: Kỉ niệm thày trò.) mỗi giải trị giá 1.000.000đ.

Những bức ảnh dự thi cần đáp ứng các tiêu chí: Ảnh tham dự đáp ứng tiêu chí trung thực, vui tươi, thể hiện sâu đậm tình thày trò, Tác phẩm dự thi là ảnh định dạng file jpeg, chiều dài từ 2000 – 3000 pixels, độ phân giải ảnh là 300 dpi/inches (Ảnh có dung lượng từ 3Mb trở lên), không chấp nhận ảnh được xử lý kỹ thuật Photoshop hay các phần mềm chỉnh sửa ảnh khác. Mỗi tác giả có thể gửi nhièu tác phẩm, không hạn chế số lượng.

Ngoài việc chấm giải trên fanpage Mobitv.net.vn qua lượng like và share, từ 7h00 ngày 20/11/2016 Ban giám khảo sẽ lên sóng trực tiếp bình luận, công bố những bức ảnh được chọn vào vòng chung kết. Hoạt động này diễn ra thường xuyên, liên tục trong thời gian phát sóng "Ngày thầy trò".

Để tham gia, khán giả gửi bài vào Email: ngaythaytro2016@gmail.com với Tiêu đề "Ảnh dự thi chương trình NGÀY THÀY TRÒ".

Doãn Phong



Xem nguồn

Vụ tiến sĩ nhảy lên bàn chửi học viên: Biển hiệu đổi tên, trang web y nguyên

Posted: 18 Nov 2016 01:55 AM PST


Theo ghi nhận của PV Dân trí trong sáng 18/11, tại trụ sở của "Học viện Kinh tế sáng tạo" (số 1, N7A, đường Nguyễn Thị Thập, phường Nhân Chính, thành phố Hà Nội), biển hiệu đã được thay đổi thành "Trung tâm Ngoại ngữ Kinh tế Sáng tạo". Tuy nhiên, trên website của đơn vị này, tên "Học viện", chức danh "Hiệu trưởng" cũng như học hàm "Giáo sư" vẫn được sử dụng và chưa ngừng lại như yêu cầu của đoàn kiểm tra liên ngành trước đó.

Được biết, "Học viện" Kinh tế Sáng tạo thuộc sự quản lý của Công ty cổ phần Kinh tế Sáng tạo hoạt động với mã số thuế 0106932612 trụ sở, số 1, N7A, đường Nguyễn Thị Thập, phường Nhân Chính, thành phố Hà Nội.

Học viện được đổi tên thành Trung tâm ngoại ngữ (ảnh: Mỹ Hà)

“Học viện” được đổi tên thành “Trung tâm ngoại ngữ” (ảnh: Mỹ Hà)

Theo trao đổi của đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội với PV Dân trí trước đó, ông Phan Văn Hưng có bằng tốt nghiệp đại học, có bằng Tiến sĩ ở nước ngoài đã được công nhận tương đương văn bằng tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT). Trong hồ sơ đăng ký mở trung tâm tư vấn du học và làm giám đốc trung tâm, ông Hưng có xác nhận sơ yếu lý lịch của địa phương, xác nhận ông Hưng không vi phạm kỷ luật theo đúng quy định…

Ông Hưng là Giám đốc Trung tâm tư vấn du học chứ không phải Hiệu trưởng như quảng cáo trên website của Trung tâm.

Về việc thẩm tra giấy phép hoạt động, đây là một trung tâm tư vấn du học, không phải Học viện. Trung tâm này được Sở Kế hoạch Đầu tư cấp phép hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh du học (ngành nghề kinh doanh có điều kiện). Còn trước đó, Trung tâm này được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học (ngành nghề kinh doanh không điều kiện) nhưng từ ngày 1/7/2016, giấy phép này đã hết hiệu lực.

Qua quá trình xác minh, Sở GD&ĐT yêu cầu ông Phan Văn Hưng phải ghi đúng chức danh là Giám đốc, đồng thời gỡ bỏ học hàm Giáo sư trên website của Trung tâm. Như vậy, bản chất của đơn vị này là công ty nhưng lại danh xưng “Học viện” và đã gây nhầm lẫn cho nhiều người.

Tuy nhiên, trên website, đơn vị này vẫn dùng từ Học viện và học hàm Giáo sư để quảng cáo

Tuy nhiên, trên website, đơn vị này vẫn dùng từ “Học viện” và học hàm “Giáo sư” để quảng cáo

Được biết, sau khi kiểm tra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có những đề nghị xử lý và cơ quan an ninh đang giám sát việc thực hiện những đề nghị xử lý đó. Trước mắt, Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội yêu cầu Công ty Cổ phần Kinh tế Sáng tạo hoàn tất và báo cáo Sở GD&ĐT Hà Nội trước ngày 14/11 với một số nội dung như: Dỡ bỏ toàn bộ các biển hiệu "Học viện Kinh tế Sáng tạo" tại trụ sở của Công ty và tại các kênh truyền thông của doanh nghiệp; Dỡ bỏ ngay chức vụ hiệu trưởng cũng như chức danh giáo sư ở tất cả các kênh thông tin và dừng toàn bộ việc quảng bá hoạt động của doanh nghiệp với các chức vụ học hàm, học vị là giáo sư và tiến sĩ khoa học; Dừng toàn bộ việc quảng bá hoạt động doanh nghiệp với các chức vụ học hàm, học vị và các nhãn hiệu như trên.

Chức danh Hiệu trưởng vẫn được đơn vị này áp dụng để quảng cáo

Chức danh “Hiệu trưởng” vẫn được đơn vị này áp dụng để quảng cáo

Như Dân trí đã đưa tin, trước đó, vào ngày 6/11, trên mạng xã hội lan truyền một video dài hơn 3 phút ghi lại một cuộc đối thoại giữa 2 người đàn ông trong một căn phòng xoay quanh vấn đề tiền nong.

Một người đàn ông mặc áo hồng (được cho là thầy giáo) hai chân giẫm lên bàn, vừa xưng tao – mày, vừa chửi học viên của mình bằng những từ ngữ tục tĩu.

Hình ảnh ông Hưng nhảy lên bàn chửi học viên trước đó (ảnh từ clip)

Hình ảnh ông Hưng nhảy lên bàn chửi học viên trước đó (ảnh từ clip)

Theo chia sẻ của người đăng tải đoạn clip, người thầy chửi tục trên là Giáo sư, Tiến sĩ Phan Văn Hưng, Hiệu trưởng Học viện Kinh tế Sáng tạo.

Tuy nhiên, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến chức danh giáo sư danh dự của ông Phan Văn Hưng tại ĐH Southwest America. Bởi lẽ, ngay từ năm 2010 thì trường ĐH Southwest America (Hoa Kỳ) đã bị liệt vào danh sách 21 trường ĐH "ma" tại Mỹ.

Ngày 9/11/2016, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận được công văn số 1441/ĐTVNN của Cục Đào tạo nước ngoài đề nghị thanh kiểm tra hoạt động của Học viện Kinh tế Sáng tạo.

Mỹ Hà



Xem nguồn

Comments