Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Đội tuyển Toán Việt Nam giành 7 huy chương Vàng tại IMSO 2016

Posted: 13 Nov 2016 08:34 AM PST


Đội tuyển Toán Việt Nam giành 7 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng trong kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) 2016 dành cho học sinh dưới 13 tuổi, tổ chức tại Indonesia.

Trong 12 học sinh thi Toán, có 7 em giành huy chương vàng gồm: Cao Thúy An, Nguyễn Khánh Nam, Nguyễn Nhật Minh (THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam), Giang Khánh Chi, Ngô Quý Đăng (THCS Archimedes Academy), Lê Đức Minh (THCS Đoàn Thị Điểm) và Phạm Việt Hưng (THCS Ngôi sao Hà Nội).

Với thành tích 7 vàng, 2 bạc và 3 đồng, đoàn Việt Nam xếp thứ nhất trong 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự ở phần thi Toán. Phần thi Khoa học có 10 huy chương bạc (chủ yếu đến từ THCS Ngôi sao Hà Nội) và 2 huy chương đồng.

Doi tuyen Toan Viet Nam gianh 7 huy chuong Vang tai IMSO 2016 - Anh 1

Đội tuyển Toán Việt Nam xếp thứ nhất trong 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự kỳ thi IMSO 2016

Kỳ thi IMSO dành cho học sinh 11-12 tuổi lần thứ 13 được tổ chức trong các ngày từ 9-13/11 tại thành phố Tangerang, Indonesia với sự tham gia của hơn 400 thí sinh đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những đội mạnh như: Trung Quốc, Singapore, Bulgaria, Hà Lan, Iran, Đài Loan…

Tham gia kỳ thi này, thí sinh phải tự đọc đề và làm bài thi bằng tiếng Anh. Các em thi Toán phải trải qua 3 phần thi: Trắc nghiệm viết đáp số (25 bài/60 phút); Tự luận (13 bài/90 phút) và Khám phá (6 bài/120 phút). Các thí sinh thi khoa học dự thi 2 phần: Lý thuyết và Thực hành với 3 môn thi Vật lý, Sinh học và Hóa học.

Đây là năm thứ hai học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi này. Năm 2015, lần đầu tiên tham dự nhưng 31/32 học sinh đều giành huy chương. Đề thi của IMOS được các nhà chuyên môn đánh giá cao về tính khoa học cũng như tính thực tiễn ở cả ba phần thi tìm đáp án, tự luận và khám phá.



Xem nguồn

Xem Phan Đăng Nhật Minh trả lời siêu tốc ở Đường lên đỉnh Olympia

Posted: 13 Nov 2016 07:50 AM PST


Hiểu biết nhiều lĩnh vực và có khả năng đưa ra đáp án chính xác ngay sau khi câu hỏi được đưa ra, Cậu bé Google Phan Đăng Nhật Minh (Trường THPT Hải Lăng, Quảng Trị) đang lần lượt chinh phục những kỷ lục ở cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Mới đây nhất, ở cuộc thi tháng III quý I, Nhật Minh không chỉ giành vòng nguyệt quế mà còn có được số điểm bằng đúng kỷ lục đã có của chương trình Đường lên đỉnh Olympia suốt 17 năm qua với 460 điểm.

Trước đó, ở cuộc thi tuần, Nhật Minh cũng giành được điểm số kỷ lục của chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2017 với 400 điểm.

Theo dõi Nhật Minh, nhiều người đánh giá em sẽ là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu quán quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm nay.

Cùng xem lại những màn trả lời siêu tốc của Phan Đăng Nhật Minh:

Thanh Hùng

*****

Xem thêm:




Xem nguồn

“Còn một chân dung thứ 26 nữa, đó là thầy Trần Hữu Tá”

Posted: 13 Nov 2016 05:44 AM PST


Viết về thầy Trần Hữu Tá – một nhà nghiên cứu đầy tâm huyết, người trí thức nhân hậu có nhiều đóng góp cho nền học vấn nước nhà – tôi không muốn nói nhiều về học thuật.

Tôi muốn nói về một điều khác, đó là tình nghĩa thầy trò cao đẹp mà suốt cả đời thầy chắt chiu, gìn giữ, nâng niu.

Ở thời điểm khi các bài viết phản ánh bao chuyện xấu xa, tệ bạc trong quan hệ thầy trò trên mặt báo dễ làm người ta bi quan về tính bền vững và cao đẹp của đạo học; thì những câu chuyện về nghĩa thầy trò của thầy Trần Hữu Tá mà đám học trò chúng tôi được biết, dù nhỏ bé và bình dị cũng đã góp phần củng cố niềm tin vào truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc.

Nó vốn được xây đắp trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, làm ấm lòng nhiều thế hệ đã, đang và sẽ đứng trên bục giảng.

Trộm nghĩ, nếu người trí thức Việt nào cũng hành xử được như thầy thì lo gì đạo học nước nhà không vinh hiển.



Thầy Trần Hữu Tá và tác giả.

Vậy nên, xin mạo muội chia sẻ cùng bạn đọc những dòng này:

Người học trò hiếu nghĩa

Những người thầy lớn như Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Trương Tửu, Giáo sư Lê Trí Viễn, Giáo sư Hoàng Như Mai… hẳn đều tự hào vì trong số hàng nghìn, hàng vạn học trò do mình đào tạo, có PGS. TS Trần Hữu Tá, người học trò hiếu nghĩa, luôn nỗ lực làm sáng danh hình ảnh người thầy và tôn vinh đạo nghĩa thầy trò.

Theo gương những người thầy của mình, thầy Trần Hữu Tá đam mê nghiên cứu, học hỏi không ngừng "từ bục giảng đến văn đàn" để sáng tạo nên những công trình khoa học uy tín, trở thành một trong những tên tuổi lớn trong giới nghiên cứu giảng dạy văn học cả nước.

Điều đáng quý là trong suốt cuộc đời mình, từ lúc còn thiếu niên cho đến khi bát tuần – trở thành "trưởng lão trong làng văn", PGS. TS Trần Hữu Tá vẫn luôn ghi tạc công ơn, hướng về các thầy cô của mình bằng một tình cảm trong trẻo, nguyên sơ như nước nhớ nguồn.

Cách đối đãi vừa khiêm cung, lễ độ; vừa ân cần, tha thiết của thầy Trần Hữu Tá với những người thầy của mình thật đáng trân trọng.

Với các Giáo sư Trần Văn Giàu, Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai… lúc đương nhiệm hay khi đã nghỉ hưu, thầy Tá thường xuyên thăm nom, chăm sóc, hàn huyên, tâm sự những lúc các thầy buồn; quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ những lúc các thầy đau yếu.

Khi các thầy đã về cõi vĩnh hằng thì mối xúc động thiêng liêng của người học trò này lan tỏa trong từng trang viết.

Đọc những bài thầy Trần Hữu Tá viết để tưởng niệm thầy mình như:

"Thầy Trần Văn Giàu của chúng tôi" (viết về Giáo sư Trần Văn Giàu), "Vĩnh biệt thầy của những bậc thầy" (viết về Giáo sư Lê Trí Viễn), "GS. NGND Hoàng Như Mai: Vị trưởng lão cuối cùng của ngành Văn đã ra đi!" (viết về Giáo sư Hoàng Như Mai)… người đọc không khỏi ngậm ngùi xúc động trước tình cảm thiêng liêng, tấm lòng trong sáng của một người học trò dành cho các thầy.

Tình cảm ấy, tấm lòng ấy cao đẹp biết bao!

Người thầy nhân hậu và tâm huyết

Những người may mắn được học hay một lần được đàm đạo cùng thầy Trần Hữu Tá đều có chung một cảm nhận rằng tấm lòng thầy nhân hậu và bao dung quá, còn trái tim thầy cháy bỏng một nhiệt huyết lớn lao.

Cả cuộc đời dạy học từ lúc còn là giảng viên một trường Cao đẳng Sư phạm ở Quảng Bình, giảng viên khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho đến những năm tháng là giảng viên, Phó trưởng khoa, Trưởng khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh… thầy luôn đau đáu một nỗi niềm rằng:



Phải làm sao để nền giáo dục nước nhà được chấn hưng và phát triển, để sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy văn học đạt được nhiều thành tựu?

Chính vì thế mà thầy Trần Hữu Tá luôn quan tâm bồi dưỡng, tạo điều kiện hết mức để những cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trẻ phát huy năng lực.

Nhiều trí thức trụ cột của khoa Văn trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đều có công phát hiện, bồi dưỡng của thầy.

Đối với học trò, thầy dường như chẳng nề hà thời gian, công sức.

Thầy khuyến khích, động viên những học trò có năng lực, quan tâm, giúp đỡ những học trò có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Cải – một người bạn của tôi (hiện là Phó hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Quang Trung, huyện Củ Chi) có kể rằng:

Năm học 1998 -1999, khi anh mới bước chân vào khoa Văn trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, có lúc tưởng như không thể theo học tiếp được nữa, thầy đã dành trọn một buổi chiều để trò chuyện, động viên anh.

Một lần, khi bị bệnh nằm ở bệnh viện Bình Dân, anh vô cùng ngạc nhiên và xúc động thấy thầy ân cần đến thăm giữa cái nắng trưa hè như đổ lửa. Những việc làm ấy nhỏ bé, bình dị thôi, nhưng đã khiến anh ghi nhớ suốt đời.

Với riêng tôi, tuy chỉ được học thầy một chuyên đề ngắn, sau đó bẵng đi gần chục năm trời mới có dịp gặp lại, được hầu chuyện cùng thầy, nhưng hình ảnh thầy trong tôi là một cái gì thiêng liêng, không thể nào quên được.

Hồi ấy khi tôi vừa chập chững vào Đại học, có một cái gì rất hụt hẫng, Đại học không giống như những gì tôi từng mơ ước và hình dung.

Tôi cảm thấy mình bị lạc điệu, thậm chí có lúc đã nghĩ rằng mình lựa chọn sai lầm. Thế rồi thầy vào lớp, với một phong thái hiền hậu, nhẹ nhàng thầy tự giới thiệu về mình.

Trong tôi như có một cái gì đó vỡ òa!

Trần Hữu Tá, chẳng phải người chủ biên bộ Sách giáo khoa mà mình đã học thời phổ thông đó sao? Chẳng phải tác giả của những bài viết mà mình hay trích dẫn trong những bài văn thi học sinh giỏi đó sao?

Vậy mà giờ đây, con người ấy lại ở ngay trước mắt, trực tiếp giảng bài cho mình nghe, không hề cao xa như mình tưởng mà rất gần gũi, chân tình.

Chuyên đề thầy Tá giảng cho chúng tôi năm ấy là "Tổng quan văn học Việt Nam" nhưng bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, thầy còn hướng dẫn rất nhiều về phương pháp học ở Đại học.

Từ những bài giảng của thầy, tôi dần dần hòa nhập được với môi trường mới và tin vào sự lựa chọn của mình.

Chỉ có một điều mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn tiếc, đó tuy quý, nhiều lần muốn đến nhà thầy để được học tập, trao đổi lúc ấy nhưng rồi cuối cùng tôi lại không dám.

Sinh viên chúng tôi thời ấy kính trọng song cũng rất sợ thầy cô chứ không phải như bây giờ.

Nhiều năm sau đó, tôi mới có dịp gặp lại thầy trong một hội thảo do Bộ Giáo dục tổ chức ở Huế, thời gian ngắn ngủi chỉ đủ cho thầy trò chào hỏi nhau và lấy số điện thoại để liên lạc.

Nhưng một buổi sáng, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của thầy:

"Minh ơi! Vĩnh Thắng (Tổng biên tập tạp chí Thế giới mới, một trong những học trò thân thiết nhất với thầy Trần Hữu Tá) vừa nhờ thầy biên tập bài viết của Minh.

Bài viết khá lắm! Cố gắng phát huy em nhé, chúc em thành công!".

Những lời nói bình dị, chân thành mà chan chứa thương yêu ấy của thầy là những lời động viên rất lớn cho nghiệp dạy và nghiệp viết của tôi về sau.

Sau này, mỗi khi có dịp vào Sài Gòn tôi đều dành thời gian đến thăm thầy Trần Hữu Tá, để được trò chuyện cùng thầy.

Thầy nói với tôi những suy tư, trăn trở của thầy về giáo dục, kể cho tôi nghe về chương trình "Tri ân và trưởng thành" cho học sinh lớp 12 trường Trương Vĩnh Ký – một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn rất lớn do thầy sáng tạo từ thời còn là Hiệu trưởng ngôi trường tư thục nổi tiếng này.



Thầy khuyên tôi nên làm Tiến sĩ, nên chuyển lên dạy ở Đại học để phát huy năng lực của mình…

Từ những câu chuyện của thầy, tôi trưởng thành thêm, lòng tôi chợt hạnh phúc và bình yên đến lạ mỗi khi được đàm đạo cùng thầy!

Năm 2016, thầy Trần Hữu Tá cho in cuốn "Từ bục giảng đến văn đàn" viết về chân dung 25 người thầy đồng thời là 25 trí thức lớn của nền giáo dục Việt Nam hiện đại – trong đó có người là thầy, có người là đàn anh và cũng có người là bạn của thầy.

Lần giở từng trang sách, người đọc không khỏi xúc động trước sự tri âm cũng như tình cảm thiết tha mà thầy gửi trong từng câu, từng chữ.

Một anh bạn tôi ở Hà Nội sau khi đọc xong cuốn sách đã nói rất chân thành rằng "Còn một chân dung thứ 26 nữa, đó là chân dung thầy Trần Hữu Tá".

Chân dung thứ 26 ấy đã không được thể hiện trong "Từ bục giảng đến văn đàn" nhưng lại đã, đang và sẽ mãi mãi tỏa sáng trong tim những người từng gắn bó với thầy như một giá trị giản dị thôi nhưng bền vững và cao quý!



Xem nguồn

Phan Đăng Nhật Minh chạm điểm số kỷ lục 16 năm của Đường lên đỉnh Olympia

Posted: 13 Nov 2016 05:01 AM PST


 – Phan Đăng Nhật Minh (Trường THPT Hải Lăng, Quảng Trị), được mệnh danh là "Cậu bé Google" đã giành được vòng nguyệt quế cuộc thi tháng và chạm tới mức điểm kỷ lục của chương trình Đường lên đỉnh Olympia suốt 16 năm qua với 460 điểm.

>>>”Cậu bé Google” Phan Đăng Nhật Minh và những màn trả lời nhanh như điện

>>>Xem cậu bé giải toán nhanh hơn máy tính


Phan Đăng Nhật Minh chạm điểm số kỷ lục 16 năm của Đường lên đỉnh Olympia

Phan Đăng Nhật Minh.

Phan Đăng Nhật Minh bước vào cuộc thi tháng với thành tích sở hữu điểm số kỷ lục của chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2017 với 400 điểm từ cuộc thi tuần trước đó.

Nhật Minh chia sẻ em không phải là một người tham vọng, nhưng với Đường lên đỉnh Olympia thì tham vọng là có và đặt quyết tâm sẽ phá kỷ lục điểm số của chương trình.

Thực tế, Nhật Minh tiếp tục thể hiện quyết tâm đó với phong độ ấn tượng khi dẫn đầu đoàn leo núi ở tất cả các phần thi. Đặc biệt, ở cuộc thi lần này, Nhật Minh thể hiện rõ thế mạnh tính nhẩm của mình ở những câu hỏi liên quan đến toán học với những đáp án cực nhanh và chính xác.

Ở phần thi Khởi động, Nhật Minh rất xuất sắc khi trả lời chính xác 11/12 câu hỏi và giành được 110 điểm.

Ở phần thi Vượt chướng ngại vật, một lần nữa Nhật Minh cho thấy sự xuất sắc của mình và khiến các bạn chơi không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí phải nhận xét em "quá nhanh, quá nguy hiểm". Bởi chỉ sau khi từ hàng ngang ở câu hỏi đầu tiên được hé mở, Nhật Minh đã nhanh chóng đưa ra câu trả lời chính xác từ khóa Chướng ngại vật là "Bắc Trung Bộ". Qua đó giành được thêm 80 điểm và tiếp tục dẫn đầu đoàn leo núi.

Ở phần thi Tăng Tốc, Nhật Minh thể hiện khả năng tính toán siêu tốc của mình ngay ở câu hỏi đầu tiên với việc đưa ra câu trả lời chỉ sau 1 giây. Trả lời đúng tất cả các câu hỏi ở phần thi này, Nhật Minh có được 350 điểm và bỏ khá xa các bạn chơi còn lại.

Trước phần thi Về đích, Nhật Minh thể hiện quyết tâm khi chia sẻ coi việc phá kỷ lục là một trong những điều cần phải đạt được.

Phan Đăng Nhật Minh chạm điểm số kỷ lục 16 năm của Đường lên đỉnh Olympia

Ở phần thi Về đích, Nhật Minh chọn gói câu hỏi 80 điểm và giành được tổng điểm 400, chính thức phá vỡ kỷ lục của điểm số của bản thân.

Ngoài ra, Nhật Minh còn giành được thêm 60 điểm từ phần Về đích của các bạn chơi. Qua đó, giành được Vòng nguyệt quế của cuộc thi với số điểm chung cuộc là 460. Đặc biệt, đây cũng là số điểm bằng đúng kỷ lục đã có của chương trình Đường lên đỉnh Olympia suốt 16 năm qua. Trước đó, người đã lập nên kỷ lục này là em Huỳnh Nguyễn Hồng Chiến (sinh năm 1997) đến từ trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Ninh Thuận. Số điểm được Chiến lập tại cuộc thi tuần 2, tháng 3, quý 2, phát sóng ngày 11/1/2015.

Ngoài Nhật Minh, em Nguyễn Thùy Trang (THPT Vân Cốc, Hà Nội) về thứ hai chung cuộc với 230 điểm. Các em Lê Đặng Thiên Phúc (THPT Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi) và Nguyễn Thanh Tú (Trường THPT Nguyễn Du, Thái Bình) lần lượt giành được 190 và 45 điểm.

Thanh Hùng

*****

Xem thêm:




Xem nguồn

Cậu bé Google Phan Đăng Nhật Minh “quá nhanh, quá nguy hiểm”

Posted: 13 Nov 2016 04:17 AM PST


– Đó là chia sẻ của các bạn cùng chơi khi chứng kiến màn giải từ khóa Chướng ngại vật rất ấn tượng của Cậu bé Google Phan Đăng Nhật Minh (Trường THPT Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) ở cuộc thi tháng chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2017.


Cậu bé Google  Phan Đăng Nhật Minh
Phan Đăng Nhật Minh

Ở cuộc thi tháng III quý I chương trình Đường lên đỉnh Olympia vừa được phát ngày 13/11, Phan Đăng Nhật Minh tiếp tục mang về vòng nguyệt quế và sẽ góp mặt ở cuộc thi quý tới đây.

Là người được chọn lật mở ô hàng ngang đầu tiên ở phần thi Vượt chướng ngại vật, sau khi đưa ra đáp án, Nhật Minh đã ngay lập tức đưa ra tín hiệu xin trả lời Chướng ngại vật.

Trước quyết định của mình, Nhật Minh chia sẻ em đưa ra đáp án từ căn cứ vào một gợi ý từ ô hàng ngang đầu tiên là "Trường Sơn" và nhận ra hình ảnh được lật mở là một góc bản đồ của khu vực Bắc Trung Bộ.

Theo luật chơi, nếu trả lời đúng, Nhật Minh sẽ có thêm cho mình 80 điểm. Tuy nhiên, nếu sai, em sẽ không được tiếp tục tham gia phần thi này trong khi các câu hỏi của phần thi này vẫn còn rất nhiều và cơ hội sẽ dành cho các bạn chơi khác.

Và một lần nữa, Nhật Minh cho thấy sự xuất sắc và khiến mọi người không khỏi thán phục khi đây là một đáp án chính xác.

Chứng kiến màn giải từ khóa "siêu tốc" của Nhật Minh, các bạn chơi cùng em cũng không khỏi ngỡ ngàng. Thậm chí, bạn chơi Nguyễn Thùy Trang (Trường THPT Vân Cốc, Hà Nội) nhận xét: "Bạn ấy quá nhanh, quá nguy hiểm".

Đây có lẽ cũng là cảm nhận chung của hầu hết những người theo dõi cuộc thi này.

Kết thúc cuộc thi, Phan Đăng Nhật Minh không chỉ giành vòng nguyệt quế mà còn có được số điểm bằng đúng kỷ lục đã có của chương trình Đường lên đỉnh Olympia suốt 17 năm qua. Trước đó, người đã lập nên kỷ lục này là em Huỳnh Nguyễn Hồng Chiến (sinh năm 1997) đến từ trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Ninh Thuận. Số điểm được Chiến lập tại cuộc thi tuần 2, tháng 3, quý 2, phát sóng ngày 11/1/2015.

Với kết quả này, nhiều người đánh giá Nhật Minh sẽ là một đối thủ đáng gờm với các bạn chơi khác và là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu quán quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm nay.

Thanh Hùng

***** 

Xem thêm:



Xem nguồn

Bộ trưởng Giáo dục: “Tôi muốn nghe tâm sự thật lòng của các thầy cô về khó khăn”

Posted: 13 Nov 2016 03:35 AM PST


Trên đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi gặp mặt tuyên dương giáo viên tiêu biểu xuất sắc đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo năm 2016 vào sáng 13/11.

Phải chấm bài dưới cột đèn đường

Trong 42 giáo viên được tuyên dương năm nay, có 25 cô giáo và 17 thầy giáo. Người nhiều tuổi nhất là cô Phan Hoàng An (sinh năm 1962, Trường THCS Phước Thể, tỉnh Bình Thuận) và người trẻ nhất là cô Quảng Thị Thúy Ngân (sinh năm 1991, giáo viên Trường Mầm non Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM).

Hai giáo viên có thời gian công tác lâu nhất tại đảo là cô Nguyễn Thị Hợi (sinh năm 1966, Trường Phổ thông cơ sở Bản Sen, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) và cô Nguyễn Thị Bích Thủy với lần lượt 29 năm 7 tháng và 29 năm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các giáo viên tại lễ tuyên dương (ảnh: Đăng Lương)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các giáo viên tại lễ tuyên dương (ảnh: Đăng Lương)

Đặc biệt, 2 giáo viên trẻ nhất được tuyên dương năm nay là Nguyễn Ngọc Hạ và Lê Xuân Quyết, cùng sinh năm 1990, hiện đang công tác tại huyện đảo Trường Sa.

Thầy Lê Xuân Quyết là một trong hai giáo viên tình nguyện ra làm giáo viên tại Đảo Song Tử Tây, thuộc huyện đảo Trường Sa đã 4 năm nay. Tâm sự tại lễ tuyên dương, thầy Quyết cho hay, lần đầu tiên thầy phải đi 14 ngày mới ra tới nơi dạy. Lúc đi trên thuyền, thầy cảm tưởng như để một chảo lạc rang thì sóng đánh mạnh tới mức không cần ai đảo, chảo lạc vẫn chín đều.

“Lần đầu tiên nhìn thấy lớp học mình dạy, tôi ngỡ ngàng bởi đó là một lớp học nhỏ xíu, lợp tôn. Thầy trò trong lớp học mà mồ hôi bê bết đầu tóc vì nắng nóng. Nhiều đêm đảo mất điện, tôi phải ôm cả tập vở học sinh chấm bài dưới cột đèn đường bởi cũng như nhiều thứ khác, điện ở đây rất hiếm”, thầy nói.

Cũng khó khăn không kém, cô Nguyễn Thị Thu Thủy (Kiên Hải, Kiên Giang) đã đưa đến buổi lễ những kỉ niệm khiến nhiều người rơi nước mắt. Cô cho biết, đến nay mình đã có 29 năm công tác ở đảo. Mỗi lần đi dạy, cô phải trèo núi cheo leo từ 3-4h đồng hồ. Có những lần bị lạc đường đến đêm, may nhờ một người dân tốt bụng đã đưa cô về… Đó là những kỉ niệm mà gần 30 năm qua, cô vẫn nhớ mãi.

“Sóng biển rất nhiều nhưng sóng Internet không có”

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hợi, Trường PTCS Bản Sen, huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh. Cô là giáo viên có thời gian công tác lâu năm nhất trong số các giáo viên dự lễ tuyên dương.

Cô Hợi chia sẻ: Chúng tôi ở đảo, sóng biển rất nhiều nhưng không có sóng Internet. (ảnh: Đăng Lương)

Cô Hợi chia sẻ: “Chúng tôi ở đảo, sóng biển rất nhiều nhưng không có sóng Internet”. (ảnh: Đăng Lương)

Cô Hợi cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trường đã được xây mới cách đây 4 năm, đã có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, khoảng cách giữa huyện đảo và đất liền còn quá xa. "Chúng tôi ở đảo, sóng biển thì nhiều nhưng sóng Internet không có. Vì vậy, nếu Bộ GD&ĐT nghiên cứu xem xét để có sóng Internet cho trường học ở đây, học sinh sẽ rất tiện lợi trong việc truy cập thông tin trên mạng", cô Hợi nói.

Cũng theo cô Hợi, hiện trường có 9 lớp nhưng vẫn thiếu phòng học. Do vậy, thay mặt các thầy cô giáo ở đây, cô ước mong được đầu tư xây thêm lớp học, được có phòng chức năng, phòng thí nghiệm cho học sinh.

Cô Phan Hoàng An, Trường THCS Phước Thế, Bình Thuận – cô là giáo viên lớn tuổi nhất trong số giáo viên đến dự lễ tuyên dương hôm nay cho hay, hồi mới đến dạy ở đây, điện nước không có nên cô trò rất vất vả. Nhiều học sinh phải bỏ học bám biển dù chưa đến tuổi vì nhu cầu mưu sinh cuộc sống.

"Nếu được đề xuất, tôi không mong muốn gì hơn cho mình mà chỉ mong các em học sinh những nơi như chúng tôi được miễn giảm học phí, để các em yên tâm đi học, không phải theo cha mẹ bám biển nữa", cô An nói.

Cô Thu Thủy (Kiên Giang) cho hay, mỗi lần đi dạy, cô phải trèo núi cheo leo từ 3-4h đồng hồ. (ảnh: Đăng Lương)

Cô Thu Thủy (Kiên Giang) cho hay, mỗi lần đi dạy, cô phải trèo núi cheo leo từ 3-4h đồng hồ. (ảnh: Đăng Lương)

Thầy Đoàn Văn Kiều, có 17 năm công tác tại Trường PTCS Sơn Hải (Kiên Lương, Kiên Giang) cho biết, hiện lương của thầy ở đảo cũng bậc 6 giống như trên đất liền. Tuy nhiên, chi phí trên đảo rất đắt đỏ, giáo viên phải tốn tiền phà đò để về nhà hàng tuần cả trăm nghìn đồng, rất khó khăn. Do đó, nếu có thể được, thầy đề xuất Lãnh đạo Bộ GD&ĐT xem xét hỗ trợ tăng phụ cấp cho giáo viên vùng biển đảo.

Ngoài ra, ở trường thầy đang công tác, mặc dù khó khăn nhưng có nhiều em học rất tốt. Tuy nhiên, rất tiếc nhiều em học giỏi nhưng không có tiền để theo học đến cùng. Cũng như nhiều nơi khác, thầy Kiều cho biết, học sinh ở đây không tiếp cận được thông tin vì thiếu sóng Internet nên rất thiệt thòi khi tìm hiểu thông tin thời sự.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các thầy cô được tuyên dương hôm nay sẽ thay mặt cho các thầy cô đang công tác trên biển đảo trực tiếp trò chuyện với Bộ trưởng. Sau khi lắng nghe, Bộ sẽ có những quyết sách hợp lý, tạo điều kiện cho các thầy cô yên tâm công tác.

Mỹ Hà



Xem nguồn

Quảng Nam: Đưa điệu múa Cơtu vào trường học

Posted: 13 Nov 2016 02:54 AM PST


Bao đời nay, điệu múa tung tung za zá được xem là một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơtu vùng cao Quảng Nam. "Vũ điệu dâng trời" này đã trải qua bao thăng trầm của thời gian và vẫn mang trong mình nét quyến rũ, huyền bí của con người và thiên nhiên Nam Trường Sơn. Ngày xưa, người Cơtu từ già cho đến trẻ ai cũng biết múa vũ điệu này.

Theo thời gian và tác động của cuộc sống hiện đại, vũ điệu tung tung za zá dần mai một. Một số thanh niên nam nữ Cơtu không còn mặn mà như trước. Tại những lễ hội của đồng bào Cơtu, điệu múa này ngày càng ít người tham gia.

Đội múa za zá của lớp 8/1 trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Tây Giang

Đội múa za zá của lớp 8/1 trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Tây Giang

Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa dân tộc Cơtu, nhiều đơn vị trường học ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) đã bắt đầu đưa múa trống chiêng rồi múa tung tung za zá vào trường học.

Thầy Nguyễn Quang Tuấn – Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết, từ năm học này, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và đưa điệu múa tung tung za zá thành một một trong những hoạt động ngoài giờ lên lớp. Trong đó, vào các tối thứ bảy, chủ nhật, trường mời các nghệ nhân về nói chuyện về cái hay, ý nghĩa của điệu múa rồi truyền đạt lại kỹ thuật múa sao cho đúng với nguyên bản.

Hiện nay, từ lớp 6 đến lớp 9 của trường đều thành lập được đội múa riêng. Mỗi đội khoảng 20 em gồm 10 nam và 10 nữ. Nam học múa tung tung, nữ học múa za zá sau đó kết hợp lại thành điệu múa truyền thống tung tung za zá.

Điệu múa za zá của phụ nữ Cơtu trong lễ hội của đồng bào mình

Điệu múa za zá của phụ nữ Cơtu trong lễ hội của đồng bào mình

Ngoài việc tập múa, các em còn tự mua sắm trang phục, đạo cụ… Em Alăng Thị Yến (lớp 9/2) cho biết, từ nhỏ em cũng đã biết các điệu múa tung tung za zá. Thấy mấy chị, các bác lớn tuổi múa em học múa theo, nay được tập lại nên rất nhanh thuộc, cách di chuyển đôi chân, từng động tác za zá nhịp nhàng.

"Em rất thích học múa. Em tham gia tập hơn 2 tháng nay rồi. Cái khó nhất ở điệu za zá là chỗ vừa nhún chân vừa di chuyển theo chiều ngược kim đồng hồ. Dù khó nhưng em vẫn thích học vì đây là điệu múa truyền thống của đồng bào mình cần gìn giữ", Alăng Thị Yến nói.

Chị Clâu Thị Mớp là người mấy năm nay làm cấp dưỡng cho trường giờ kiêm luôn "huấn luyện viên" do chị là người biết múa và múa đẹp. Vào các tối thứ bảy, chủ nhật chị lại tập múa cho các em. Dù không có trống chiêng rộn ràng như ngày hội nhưng các em vẫn say sưa luyện tập theo hướng dẫn của chị.

Chị Mớp bảo: "Vũ điệu tung tung za zá gắn bó lâu đời với đồng bào Cơtu, xuất hiện trong các lễ hội lớn như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl… Không một người Cơtu nào xa lạ với điệu múa này. Theo tiếng Cơtu, tung tung có nghĩa là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi. Nên điệu tung tung dành cho nam thanh niên khỏe mạnh, thể hiện điệu múa nhộn nhịp, mạnh mẽ và hùng dũng. Còn za zá có nghĩa là thẳng hàng, nhịp điệu nhẹ nhàn, uyển chuyển mềm mại mang khát vọng tâm linh đón đợi ơn trời đất nên dành cho nữ. Cả nam giới và phụ nữ khi múa di chuyển theo vòng tròn. Múa tung tung za zá bao giờ cũng theo nguyên tắc nữ đi trước, nam đi sau; vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam".

Trong các lễ hội của đồng bào Cơtu không thể thiếu điệu múa tung tung za zá truyền thống

Trong các lễ hội của đồng bào Cơtu không thể thiếu điệu múa tung tung za zá truyền thống

Thầy Arất Tân là "huấn luyện viên" điệu múa tung tung cho biết: "Nam múa tung tung thì có kèm theo đạo cụ là cây đao và chiếc khiêng. Do nhà trường không có điều kiện nên đa số các em tự làm như cây đao bằng gỗ, khiêng thì làm bằng giấy các-tông, sau đó dùng sơn vẽ lên cho giống như chiếc khiêng thật. Dù đạo cụ chưa ngon lắm nhưng các em rất thích thú luyện tập. Nhìn những động tác vừa mạnh mẽ linh hoạt của người con trai hòa quyện với với bước chân uyển chuyển, đôi tay dịu dàng của người con gái trông thật đẹp mắt, thích thú.

Không riêng gì trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi mà hiện nay các trường tiểu học, THCS khác cũng đã đưa điệu múa này vào sinh hoạt ngoài giờ lên lớp. Tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tây Giang, từ năm 2014, nhà trường đã đưa điệu múa trống chiêng, rồi điệu múa tung tung za zá vào trường học, nhà trường còn tổ chức thi ở các lớp với nhau.

Ông Alăng Bưng – Phó phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tây Giang nhận xét: Bảo tồn văn hóa Cơtu là việc làm cần thiết ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Trước cơn lốc của các mạng xã hội và sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc cực kỳ khó. Chúng tôi rất muốn các em có vốn liếng về văn hóa dân tộc trước khi đi xa và cách đưa điệu múa Cơtu vào trường học là một ví dụ điển hình.

Huyện ủy Tây Giang đã có Nghị quyết 09 về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Cơtu. Đến này, toàn huyện Tây Giang có 60/70 thôn có Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng), 8/10 Gươl xã và có 5 trường học có Gươl. Có trên 90% trường học đưa điệu múa tung tung za zá và múa trống chiêng vào sinh hoạt ngoài giờ lên lớp…

C.Bính-Đ.Hiệp



Xem nguồn

Câu chuyện đẹp sau chiếc gương ô tô vỡ

Posted: 13 Nov 2016 02:11 AM PST


Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh ấn tượng về một lời xin lỗi cực kỳ dễ thương dán bên ngoài cửa kính xe ô tô: "Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi. Liên lạc với cháu qua số điện thoại để cháu đền ạ. Do cháu không biết chủ ô tô là ai. 0949…".

Chủ nhân của hành động đẹp ấy là em Nguyễn Thế Tùng (học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Nguyễn Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng). Hành động nhỏ của cậu học trò nhanh chóng nhận được lời khen ngợi của cộng đồng mạng và khiến ta không khỏi suy ngẫm về ý thức trách nhiệm trước mỗi hành động của bản thân.

Bao nhiêu chiếc gương ô tô đã vỡ? Quá nhiều, từ những hành động vô ý va quẹt đến cả cố ý đập phá. Nhưng biết nhận lỗi, để lại lời nhắn xin lỗi và hứa đền bù thì thật hiếm hoi. Đằng sau nét chữ viết vội nghệch ngoạc ấy là cả một bài học lớn về sự trung thực và lòng dũng cảm.

Dù lớn dù nhỏ thì mỗi người đều có thể phạm lỗi, mắc sai lầm. Quan trọng là ứng xử ra sao trước lỗi lầm ấy. Em Tùng đã có thể bỏ đi và bỏ mặc chiếc kính vỡ kia. Em cũng có thể chỉ dán mảnh giấy ghi ba tiếng "Cháu xin lỗi" là xong. Nhưng em đã trung thực với chủ xe và dũng cảm với chính mình khi để lại số điện thoại và xin đền bù.

Số tiền đền gương dẫu lớn bao nhiêu cũng có thể tìm cách giải quyết. Còn lòng tự trọng và sự thanh thản tâm hồn thì vô giá, không thể dễ dàng bán rẻ. Hành động nhỏ ấy của em là một "tấm gương" lớn khiến bao người đang chối bỏ trách nhiệm, che đậy lỗi lầm phải hổ thẹn. Em chính là chân dung người thật việc thật sinh động, ý nghĩa cho bài học ứng xử, đạo đức nên nhân rộng trong thế hệ trẻ.

Hẳn là cậu học trò ấy đã trưởng thành trong môi trường giáo dục tốt từ gia đình, nhà trường. Quan trọng hơn là sự tự ý thức của bản thân trước mỗi hành động, nhân cách. Dù xã hội còn nhiều lắm những điều chướng tai gai mắt thì điều đó cũng chẳng thể nào làm thui chột ý thức trách nhiệm và sự trung thực, lòng dũng cảm của em. Gia đình em và mái trường THPT Trần Nguyễn Hãn đã rất tự hào về người con, người học trò ấy.

Đáp trả lại hành động đáng khen của cậu học trò nhỏ là tấm lòng bao dung của chủ xe. Anh là bác sĩ Nguyễn Hữu Chung đang công tác tại Hội Châm cứu TP Hải Phòng. Vui vì hành động xin lỗi dễ thương mà hiếm có ấy, anh đã nhủ lòng sẽ không bắt đền. Và cuộc gọi vào buổi chiều vào số điện thoại để lại trên mảnh giấy xin lỗi ấy càng cảm động hơn.

Không một lời trách cứ, không hề yêu cầu đền bù, anh còn quan tâm hỏi han tình hình "thủ phạm" sau va quẹt và gửi một lời chúc học tập tốt. Đáng quý biết bao khi câu chuyện về lời xin lỗi đặc biệt ấy được anh kể cho đứa con trai 11 tuổi của mình và tinh tế dạy con bài học ứng xử.

Một câu chuyện nhỏ đã hé mở hai con người tử tế. Và chúng ta cần nhiều lắm những hành động giản đơn mà đẹp đẽ như thế để đặt những viên gạch nhỏ bé dựng xây một xã hội tử tế.

Thanh Ny



Xem nguồn

Thầy cô nơi cánh sóng trải lòng cùng Bộ trưởng Nhạ

Posted: 13 Nov 2016 01:29 AM PST


Ngày 13/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có buổi gặp gỡ và trực tiếp lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các thầy cô đang công tác tại các xã đảo, huyện đảo được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2016. 

Mở đầu cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi lời chúc mừng các thầy cô giáo đạt được những thành tích không chỉ trong giảng dạy mà còn là tấm gương ở vùng đất khó để học sinh noi theo. 

"Hôm nay, tôi dành thời gian để lắng nghe tâm tư, trao đổi của các thầy cô. Chúng ta tâm sự những điều thật nhất, trao đổi những vấn đề rất đời thường, rất thật, người thật việc thật. 

Các thầy cô được tuyên dương hôm nay sẽ thay mặt cho các thầy cô đang công tác trên biển đảo trực tiếp trò chuyện với Bộ trưởng. Sau khi lắng nghe, Bộ sẽ có những quyết sách hợp lý tạo điều kiện cho các thầy cô yên tâm công tác", Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Nguyện vọng của những thầy cô công tác nơi đảo xa

Tại buổi gặp gỡ Bộ trưởng, cô Nguyễn Thị Bích Thủy hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Lại Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) mạnh dạn trình bày:

"Tôi đã có 29 năm công tác tại xã đảo. Ngày đầu tiên ra đảo là năm 1987, các phương tiện liên lạc đều hạn chế, nước và điện rất hiếm, dân cư thưa thớt, phụ huynh muốn con em đi biển chứ không muốn con em đến trường, đời sống nhân dân còn gặp khó khăn.

Các em thường xuyên bỏ học, mỗi lần đi dạy lội qua núi 3, 4 giờ, đường dốc núi rất cao, kỉ niệm nhớ nhất là lạc đường vì đường mòn nhiều không nhớ". 



Cô Nguyễn Thị Bích Thủy (đứng) hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Lại Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) (Ảnh: Đăng Lương)

Bày tỏ nguyện vọng, cô Thủy nói: "Tôi chỉ mong muốn các em học trò trên xã đảo được quan tâm nhiều hơn nhất là được tiếp cận những công nghệ hiện đại như phòng dạy ngoại ngữ, máy chiếu, để các em bắt kịp với các em học sinh trên đất liền".

Hiện đang giảng dạy tại Trường Tiểu học Bản Sen (Vân Đồn, Quảng Ninh), cô Nguyễn Thị Hợi – giáo viên có nhiều năm công tác nhất trong số 42 giáo viên được tuyên dương cho biết:

Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ và các ban ngành, trường lớp đã khang trang. Nhưng học sinh còn thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị về công nghệ thông tin, xây thêm phòng chức năng, xây dựng thêm các phòng thí nghiệm hóa, lý cho học sinh.

Còn thầy Đoàn Văn Kiều – Trường PTCS Sơn Hải (Kiên Lương, Kiên Giang) mong muốn, Bộ GD&ĐT quan tâm hơn nữa đến các chế độ của giáo viên; chính sách ưu đãi hỗ trợ học sinh vùng biển đảo. 

Thầy chia sẻ, ở xã đảo học sinh chỉ học hết lớp 9, nhiều em học sinh giỏi và khá nhưng nhà nghèo nên đành nghỉ học.

"Các thầy cô rất đau xót nhưng lực bất tòng tâm, mong muốn có những chế độ cho những học sinh khá giỏi để tiếp tục được học trong đất liền", thầy Kiều nói.

Thầy Lê Xuân Quyết – Trường Tiểu học mầm non Song Tử Tây (Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ về những thiếu thốn, thiệt thòi của học sinh trên đảo.

Thầy giáo trẻ kể lại câu chuyện của giấc mơ bánh mỳ của học trò Nguyễn Hà Bảo Châu tại huyện đảo Trường Sa. Chuyện là, khi Bảo Châu đang ngủ thì mơ thấy đi vào tiệm mua bánh mỳ, còn chưa kịp ăn thì mẹ đánh thức dậy.

 

Em tiếc nói rằng đang mơ chưa kịp ăn thì lại tỉnh dậy mất. Mẹ em thương con cứ áy náy mãi, rồi nói rằng nếu biết con đang ăn thì mẹ sẽ không đánh thức con. 

"Với học trò đất liền, một ổ bánh mỳ là điều bình thường, nhưng với học trò ngoài đảo bánh mỳ là món quà xa xỉ", thầy Quyết nói.

Còn cô Phan Hồng An (Bình Thuận) kể: "Tôi vào công tác tại trường THCS Phước Thể năm 1990, thời gian đầu đời sống còn khó khăn. Đến nay, cuộc sống của giáo viên được quan tâm, đã có điện và nước sinh hoạt đầy đủ.

Nhưng tôi vẫn trăn trở bởi học sinh ở đây mới được ưu tiên về bảo hiểm, còn lại những chính sách khác chưa được ưu tiên nhất là chế độ giảm học phí, hỗ trợ kinh phí học tập cho các em học tập đầy đủ". 

Cũng theo cô An, Thông tư 35 về hướng dẫn thi đua khen thưởng cho giáo viên, thì không cần viết sáng kiến kinh nghiệm cũng được xét chiến sĩ thi đua nhưng tại huyện đảo thì vẫn cần viết sáng kiến.

Cô An đề nghị Bộ chỉ đạo kịp thời để các ban ngành thực hiện đúng với thông tư, tạo điều kiện động viên khích lệ các giáo viên.

Muốn thoát nghèo thì phải học

Sau khi lắng nghe tâm tư, ý kiến của các thầy cô, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh:

"Những câu chuyện của các thầy cô rất cảm động. So với khả năng tài chính còn rất khó khăn nên việc giảm học phí cũng cần có lộ trình.

Biện pháp có tính gốc rễ nhất là làm sao cho các cháu được học và phải thoát nghèo. Muốn thoát nghèo phải học, biết chữ để biết được thoát nghèo như thế nào". 



Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện cùng các giáo viên biển đảo (Ảnh: Đăng Lương)

Bộ trưởng khẳng định: "Chúng tôi đánh giá cao việc cho các cháu vùng khó khăn được đến trường đầy đủ. Những đầu tư về giáo dục rất quan trọng và đặc biệt cho học sinh xã đảo và cần có những đầu tư tại chỗ để các cháu không bị thất học".

Giải đáp những băn khoăn của các thầy cô về học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học tiếp, Bộ trưởng cho rằng: 

Về nhóm vấn đề liên quan đến điều kiện trường lớp, gần đây đã có sự đầu tư vượt bậc nhưng chưa đồng bộ. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở, các nhà tài trợ để có nhiều nguồn đầu tư chất lượng.

Về nhóm ý kiến liên quan đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học tiếp: Đây là vấn đề quan trọng bởi những “hạt giống” có năng lực tốt được tiếp tục học là lợi ích kép. Chính họ sẽ là những người sau này đóng góp cho quê hương mình, sẽ có những đầu tư cho học sinh thế hệ sau trên quê hương.

Bộ sẽ xem xét đầu tư, gây những quỹ học bổng và đề nghị một số trường Đại học, Cao đẳng tạo điều kiện miễn học phí cho các cháu.

Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tạo học bổng để các cháu yên tâm học tập, tạo hạt giống cho xã hội.

Về nhóm vấn đề liên quan đến giáo viên: Tất cả các thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh.

Tới đây, Bộ trưởng đề nghị Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục sẽ làm việc với các Sở GD&ĐT, cần có những biện pháp cụ thể hỗ trợ thiết thực để các thầy cô tiếp cận với điều kiện giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học, ưu tiên cho những thầy cô tại các huyện đảo.

Sau đó, Bộ sẽ chỉ đạo thực hiện các dự án tập trung tại vùng khó khăn, đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục hơn nữa.



Xem nguồn

Sau lũ chồng lũ, đến trường khổ ơi là khổ!

Posted: 13 Nov 2016 12:45 AM PST


"Khổ ơi là khổ"

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, một số trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 3 lần bị chìm trong nước lũ, thiệt hại rất nặng nề về tài sản.

Các thầy cô giáo liên tục phải dọn dẹp, vệ sinh sau lũ đến kiệt sức.



Chưa đến 1 tháng, các thầy cô trường Tiểu học số 1 Phúc Trạch phải dọn lũ 3 lần (Ảnh: Qúy Hợi)

Tại trường Tiểu học số 1 Phúc Trạch, khi các thầy cô giáo vừa dọn dẹp, vệ sinh và trang trí lại lớp học sau hai trận lũ liên tiếp thì trận mưa lớn trong hai ngày 7-8/11 khiến trường lại bị ngập nặng, nhiều thiết bị và đồ dùng bị hư hỏng.

Theo thầy Trần Qúy Hợi – một giáo viên tại trường Tiểu học số 1 Phúc Trạch, đợt lũ lần 3 đã khiến 2 bộ máy vi tính, một chiếc tivi của trường bị hỏng, 4 phòng học vừa mới được trang trí phòng học thân thiện, mỗi phòng trị giá 800.000 đồng bị dột hư hết nên phải trang trí lại.



Học sinh trường Tiểu học số 1 Phúc Trạch cùng thầy cô dọn vệ sinh sau lũ (Ảnh: Qúy Hợi)

Bên cạnh đó, hai phòng chức năng, sách vở của học sinh và giáo viên cũng bị ướt rất nhiều…

Mưa lũ xong, bùn lầy, rác tấp đầy cả sân trường nên ba hôm liên tục các thầy cô phải tập trung dọn dẹp. Sau gần ba ngày nghỉ học, đến chiều ngày 10/11, sau khi hậu quả mưa lũ cơ bản được khắc phục, học sinh toàn trường đã đi học lại.

"Khổ ơi là khổ, 23 ngày mà có đến 3 trận lũ. Không những thiệt hại về tài sản, mà thầy cô giáo chúng tôi phải dọn dẹp vệ sinh liên tục đến kiệt sức", thầy Hợi nói.

Bị chậm hàng trăm tiết học

Mưa lũ liên tục đã khiến hàng nghìn học sinh ở Quảng Bình phải nghỉ học kéo dài, gây nên tình trạng chậm chương trình so với học sinh cả nước.



Sách vở của em Hoàng Thị Ngọc Thúy (SN 2005, trường THCS Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch) bị nước lũ cuốn trôi, chỉ còn sót lại một vài quyển sách đã ướt nhẹp. (Ảnh: Thủy Phan)

Tại trường Trường tiểu học số 2 An Thủy, (huyện Lệ Thủy) sau hai lần bị ngập trong nước lũ, nhiều phòng học bị ngập sâu gần 2 mét khiến việc dạy và học của thầy cô trong trường bị gián đoạn.

Cô Hồ Thị Anh Thư, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 An Thủy cho biết, nhiều bàn ghế, sách vở, dụng cụ dạy và học bị hư hỏng do bị ngập sâu trong nước lũ khiến việc khôi phục việc dạy học gặp không ít khó khăn.

"Nước ngâm trường trong ba tuần, số lượng tài sản hư hỏng quá nhiều. Học sinh phải nghỉ học trong ba tuần. Mặc dù rất cố gắng, túc trực vận chuyển để bảo đảm nhưng nó không tránh khỏi thiệt hại nặng nề", cô Thư nói.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, hai đợt lũ liên tiếp đã khiến 8 em học sinh thiệt mạng; 2.900 phòng học, 920 phòng chức năng bị ngập lụt; trên 2.500 bộ bàn ghế, hơn 450 máy vi tính và 50.000 bộ sách giáo khoa bị hư hỏng. Thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chưa kể một số trường còn bị ngập trong lũ đợt 3. 

Bà Trần Thị Hương, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết: "Ngành giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo triển khai bằng mọi cách để khắc phục việc học bù trong ngày nghỉ hoặc có thể dồn lớn, ghép lớp nếu như những phòng học hư hại nặng.

Hiện tại, Sở cũng đã cử các bộ về tận các nơi những vùng khó khăn nhất để chỉ đạo giúp cho các trường, các đơn vị khắc phục kịp thời việc dạy học".



Xem nguồn

Comments