Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Họp phụ huynh buổi tối xin lỗi học sinh bị thầy đánh tím bầm

Posted: 25 Oct 2016 10:02 AM PDT


Liên quan vụ việc thầy giáo đánh học sinh, tối ngày 24/10, Trường TH và THCS Bến Ván (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) tổ chức họp hội phụ huynh, đại diện các đoàn thể, mặt trận thôn và các phụ huynh có học sinh bị đánh.

  thầy giáo đánh học sinh, đánh học sinh

Buổi họp phụ huynh tối ngày 24/10

Tại buổi họp, thầy Cao Trường Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cùng thầy L.M.H chân thành gửi lời xin lỗi đến các phụ huynh, đồng thời cam kết sẽ không để trường hợp nào tương tự xảy ra.

Các phụ huynh cũng ghi nhận ý kiến từ phía nhà trường, bên cạnh đó, đề nghị giáo viên cùng phối hợp với gia đình để dạy dỗ học sinh, không nên đánh khi học sinh phạm lỗi.

Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, sáng 24/10, lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng với Phòng GD-ĐT huyện Phú Lộc đã về Trường Tiểu học và THCS Bến Ván, xã Lộc Bổn để xác định vụ việc thầy giáo L.M.H đánh tím mông học sinh.

Tại buổi làm việc, thầy H thừa nhận có đánh các em: Ngô Đình M., Võ Văn Đ., Võ Văn L., Lê Đình T., Lê Đức T. và em Võ Quốc D, dẫn đến các em bị bầm tím.

Sáng nay (25/10), Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc sẽ đưa ra hình thức kỷ luật chính thức đối với giáo viên vi phạm.

Theo Đức Quang/ Báo Thừa Thiên Huế



Xem nguồn

Đánh giá học sinh tiểu học theo cách mới: Tránh câu hỏi vận dụng nhạy cảm

Posted: 25 Oct 2016 09:20 AM PDT


– Điểm mới đánh giá tiểu học năm nay thay đổi so với thông tư 30 là có thêm bài kiểm tra định kì giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán ở lớp 4, lớp 5. Nhiều giáo viên băn khoăn cách học như thế nào để đánh giá năng lực học sinh.

Buổi tập huấn dạy học phát triển năng lực, kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 25/10, nhằm hướng dẫn các giáo viên tiểu học cách dạy học hai môn Toán-Tiếng Việt theo Thông tư 22.

Hướng dẫn cách dạy học đánh giá năng lực môn Toán, ông Trần Diên Hiển, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, khi đánh giá năng lực của học sinh qua một chủ đề nào đó cần xác định chuẩn kiến thức và kĩ năng học sinh cần đạt được sau chủ đề đó. X ác định những lĩnh vực trong cuộc sống mà học sinh có cơ hội vận dụng và phát huy rồi cụ thể hóa thành các tình huống. Vì vậy trong công tác đánh giá năng lực môn Toán của học sinh cần thực hiện qua hai bước là  đánh giá kiến thức và kĩ năng của học sinh qua chủ đề của môn học; Thiết kế các tình huống trong cuộc sống yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức và kĩ năng để xử lý. 

Ông Hiển hướng dẫn, khi học về đếm và so sánh các số trong phạm vi 20 (lớp 1)  giáo viên tạo ra tình huống để học sinh vận dụng vào cuộc sống như Nhà em có tất cả…phòng, trong đó có…phòng nhủ. Các phòng còn lại là …. Theo ông câu hỏi này có khả năng vận dụng phép đếm đến 20 trong cuộc sống hằng ngày, thấy được ý nghĩa của phép đếm trong gia đình và cộng đồng…

Ở lớp 2, khi học về so sánh và tính toán các số đo thời gian, giáo viên có thể tạo ra tình huống để học sinh vận dụng vào cuộc sống như Em hãy ghi lần lượt các thành viên trong gia đình; Em hỏi tuổi từng người rồi ghi lần lượt tuổi mỗi người theo thứ tự…; Trong gia đình em……là người nhiều tuổi nhất. Hai người đó hơn kem nhau…tuổi. 

Một giáo viên ở Tân Phú cho rằng, cô hoàn toàn đồng ý với những câu hỏi thực tế vì những câu hỏi này giúp các em đi từ kiến thức tới thực tế. Nhưng cần cân nhắc nhưng bài toán mang tính chất nhạy về gia đình riêng của các em. 

"Với câu hỏi Nhà em có tất cả…phòng, trong đó có…phòng ngủ. Cá nhân tôi vừa chuyển tới một khu nhà trọ mới và có rất nhiều học sinh. Vậy với những em phải ở nhà trọ thì như thế nào. Các em sẽ làm như thế nào.  Hay câu hỏi trong gia đình em có mấy người, với những gia đình trọn vẹn không sao nhưng có những em sẽ kể rằng em sống với ông bà ngoại vì bố đi tù, mẹ lấy chồng khác"

Theo cô, dù những câu hỏi này vận dụng rất hay nhưng phải lưu ý những vấn đề nhạy cảm, vì chắc chắn có nhiều học sinh sẽ bị tổn thương. 

Ngoài ra, cô cũng lưu ý, đối với môn Tiếng Việt cần sử dụng từ như thế nào để học sinh tiếp cận được những kiến thức phong phú, tránh khuôn mẫu, nhưng tránh đưa ra những câu hỏi để học sinh trả lời ngô nghê, hồn nhiên.

 Lê Huyền



Xem nguồn

Thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Posted: 25 Oct 2016 08:39 AM PDT


 – Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ thí điểm thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, chính sách học bổng, học phí…

Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6/10 vừa qua.

tự chủ đại học, Trường đại học Bách khoa Hà Nội
Trường ĐH Bách khoa HN sẽ thí điểm mô hình tự chủ toàn diện. 

Theo đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phát triển thành trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế và hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại trường.

Trường được quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ; xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án của trường phù hợp với yêu cầu, lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và yêu cầu của xã hội; quyết định chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; thiết kế, in phôi bằng, quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ.

tự chủ đại học, Trường đại học Bách khoa Hà Nội
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi với ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội về chủ đề tự chủ đại học tại bàn tròn trực tuyến do VietNamNet tổ chức. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trường được quyết định liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo trong nước; liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với đối tác là các trường đại học, các tổ chức đào tạo có uy tín trên thế giới trên cơ sở các chương trình liên kết đã được kiểm định chất lượng; công khai thông tin về các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học; quyết định hoạt động nghiên cứu khoa học; khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ chức hội thảo với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục khoa học và công nghệ, bao gồm cả dịch vụ do Nhà nước đặt hàng.

Trường thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021 và quy định tại Quyết định này. Mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy năm học 2016 – 2017 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm.

Trường quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần mức học phí bình quân tối đa nêu trên; học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.

Đối với các đối tượng đã nhập học trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, trường thu học phí không vượt quá 20% mức trần học phí quy định đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Hà Phương



Xem nguồn

Hai nữ sinh cùng lớp mất tích đầy bí ẩn

Posted: 25 Oct 2016 07:56 AM PDT


– Ông Nguyễn Xuân Hiến, Hiệu trưởng Trường THCS Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết hai học sinh lớp 8 của trường bỗng mất tích đầy bí ẩn từ chiều 23/10 và đến nay vẫn chưa có tin tức gì.

Thông tin học sinh mất tích được gia đình học sinh thông tin cho trường ngay sau khi không thấy các em về nhà, liên lạc không được.

Cụ thể, hai em nữ sinh là Ngô Thị Thu Phương và Ngô Thị Thư đều là học sinh lớp 8A6 Trường THCS Mão Điền và cũng là người cùng làng.

Trường THCS Mão Điền
Hai em Phương và Thư (từ trái qua) học cùng lớp tại Trường THCS Mão Điền.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Hiến cho biết, trước khi mất tích, 2 em học sinh này vẫn đi học và vui chơi tại trường mà không hề có biểu hiện gì bất thường.

Ông Ngô Trọng Tám (bố em Phương) kể: "Trưa 23/10, nhà có đám giỗ. Cả nhà tính sang đó ăn cơm nhưng Phương nói là ăn cơm ở nhà để chiều đi tập văn nghệ. Tuy nhiên, đến chiều về thì cả nhà đã không thấy con đâu".

Theo lời kể của một số nhân chứng, chiều 23/10, em Phương có sang nhà em Thư và rồi hai học sinh này mất tích từ thời điểm đó.

Hiện, hai gia đình của hai học sinh này đã dò hỏi khắp nơi nhưng vẫn không có thông tin gì về Thư và Phương.

Lo ngại hai em bị lừa, bắt cóc, hiện gia đình hai bên đã báo cáo sự việc tới cơ quan công an tỉnh Bắc Ninh để điều tra, mong sớm tìm được các em.

Thanh Hùng



Xem nguồn

Học tiếng Anh qua sách luyện siêu trí nhớ từ vựng

Posted: 25 Oct 2016 07:14 AM PDT


– Cuốn sách "Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh dành cho học sinh THPT Quốc gia" vừa được giới thiệu sáng nay, 25/10, giúp thí sinh một kênh hữu hiệu về học tiếng Anh.

Học tiếng Anh, cách học tiếng Anh, học tiếng anh hiệu quả
Ngày 24/10, Công ty CP MCBooks ra mắt cuốn sách "Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh dành cho học sinh THPT Quốc gia".

Ngoài việc kế thừa những kiến thức đã có trong cuốn "Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh" trước đó, cuốn sách này bổ sung thêm nhiều kiến thức mới trên cơ sở chắt lọc và lựa chọn phương pháp học tiếng Anh theo phong cách của người Do Thái. Qua đó, cho ra đời một phương pháp học phù hợp với kiến thức tiếng Anh cần ôn tập trong kì thi THPT Quốc gia, giúp các bạn trẻ nắm bắt kiến thức và ôn luyện tiếng Anh hiệu quả.

Cụ thể, cuốn sách sẽ giúp học sinh trả lời các câu hỏi trong bài thi trên cơ sở của việc học cụm từ và mẫu câu của 9 chủ đề nội dung mà bài thi tiếng Anh thường đề cập tới.

Cùng đó, giải quyết chi tiết nội dung quan trọng của bài thi khi giúp các sĩ tử dễ dàng thuộc ngữ pháp với quy tắc logic đầu tiên trong bộ tư duy tiếng Anh trên 5 đầu ngón tay.

Học tiếng Anh, cách học tiếng Anh, học tiếng anh hiệu quả
Nội dung bên trong cuốn sách được trình bày khá hấp dẫn.

Điểm mạnh nhất của cuốn sách là mọi bài đọc hiểu đều được hỗ trợ bởi phương pháp Do Thái. Từ chỗ có được trí nhớ cụm từ, học sinh sẽ dễ dàng đọc hiểu với kỹ thuật Block Reading để không mất điểm số nào và tăng gấp đôi tốc độ đọc.

Đặc biệt, mỗi bí mật luyện "siêu trí nhớ" đều đi kèm với một chuyên đề thực hành thực tế để học sinh có thể thực hành ngay lập tức sau khi đọc những bí mật về cách học. Vừa đọc sách vừa thực hành sẽ giúp học sinh nhớ nhanh và dễ hơn.

Ngoài ra, 10 chuyên đề ôn tập bám sát vào chương trình sách giáo khoa phổ thông sẽ giúp các em học sinh THPT bám sát được từ vựng trong chương trình tiếng Anh sẽ thi vào kì thi tới, tránh việc ôn luyện lan man và không đem lại kết quả cao.

Thanh Hùng



Xem nguồn

Bức xúc clip giáo viên mầm non tát vào mặt trẻ

Posted: 25 Oct 2016 06:31 AM PDT


 – Một nữ giáo viên mầm non ở Trà Vinh dùng tay tát vào mặt một đứa trẻ mặc cho em bé đang gào khóc xin tha.

Hiện người dân tại miền Tây đang xôn xao khi trên mạng xuất hiện một đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh giáo viên mầm non dùng tay tát mạnh vào miệng một đứa bé.

Theo đó, đoạn clip dài khoảng 50 giây, ghi lại cảnh một giáo viên mầm non dùng tay tát mạnh vào miệng trẻ mặc cho em bé đang gào khóc thảm thiết.

Ngay sau khi đoạn clip này được đăng tải trên mạng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng với 200.000 lượt theo dõi và gần 4.000 lượt chia sẻ. Cộng đồng mạng cho rằng, vụ việc xảy ra này xảy ra tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Chiều 25/10, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Thanh Liêm – Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè xác nhận, đoạn clip là có thật và xảy ra trên địa bàn huyện tại trường mầm non thị trấn Cầu Kè.

"Sáng nay, huyện ủy Cầu Kè đã tiến hành họp về vụ việc này và sẽ xử lý nghiêm những ai sai phạm sau khi có kết luận chính thức. Bước đầu làm việc, nữ giáo viên này tỏ ra thành khẩn và thừa nhận việc đánh trẻ em như vậy là sai. Còn nguyên nhân dẫn đến vụ việc phải chờ xác minh, làm rõ", ông Liêm cho biết.

Theo tìm hiểu, nữ giáo viên này tên Nguyễn Thị Trúc Ly, vừa chuyển về công tác tại trường mầm non thị trấn Cầu Kè theo chế độ luận chuyển định kỳ 2 năm của ngành giáo dục.

Theo ông Lương Lương Minh – Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cầu Kè, sau khi nắm được thông tin vụ việc trên, phòng đã thành lập tổ kiểm tra và Ly đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình nên nữ giáo viên này đã bị đình chỉ công tác và đang chờ kết luận điều tra từ công an huyện.

Được biết, nhóm trẻ cô Ly trông giữ có 31 bé (độ tuổi từ 25 – 36 tháng tuổi). 



Xem nguồn

Một giáo viên bị buộc chấm dứt dạy thêm tại nhà

Posted: 25 Oct 2016 05:50 AM PDT


Cô N.T.N, giáo viên Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), vừa bị buộc chấm dứt lớp dạy thêm tại nhà do vi phạm quy định về dạy thêm theo Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và quy định của UBND TP HCM.

Cụ thể, cô N. tổ chức dạy thêm cho học sinh chính khóa tại trường. Lớp học thêm do cô N. tổ chức vào tối thứ ba và thứ năm hằng tuần tại nhà riêng ở đường Nguyễn Cảnh Chân (quận 1); gồm hơn 10 học sinh lớp 3, cô N. dạy thêm 2 môn tiếng Việt, toán với học phí 700.000 đồng/tháng.

  dạy thêm, học thêm, Sở GD-ĐT TP.HCM, Đinh La Thăng

Sở GD-ĐT TP HCM sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm. Trong ảnh: Học sinh học thêm tại một trung tâm Ảnh: Tấn Thạnh

Theo phản ánh của phụ huynh, cô N. chủ động gợi ý phụ huynh đưa con đi học thêm với lý do không học thì không biết gì, trong khi nhiều phụ huynh cho rằng chương trình lớp 3 không quá nặng để học sinh phải đi học thêm.

Theo lãnh đạo nhà trường, khi nhận được thông tin phản ánh, nhà trường đã yêu cầu cô N. chấm dứt ngay lớp dạy thêm, đồng thời viết tường trình gửi cho nhà trường. Nhà trường sẽ đưa ra hướng xử lý phù hợp sau khi họp hội đồng sư phạm.

Quan điểm của lãnh đạo trường là thực hiện đúng văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và UBND TP. Ngay từ đầu năm học đã triển khai rất kỹ những văn bản liên quan về dạy thêm, học thêm cho giáo viên toàn trường. Về nguyên tắc là cô N. sai hoàn toàn nhưng về tình, trường muốn xem xét lý do. Bởi vì nhà giáo còn có danh dự, làm sao để họ không tổn thương để khi vi phạm, bị nhắc nhở, họ nhận ra sai lầm, quay lại nghề và gắn bó với nghề hơn, chứ cũng không nên làm họ chán nản và mất lòng nhiệt tình với nghề.

Tuy nhiên, hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định văn bản quy định về dạy thêm, học thêm đã triển khai kỹ cho mọi giáo viên nên cũng không thể nói là không biết, sự việc này cũng không thể xử lý qua loa mà cần kiên quyết để làm gương cho các giáo viên khác.

Trước đó, ngày 21-10, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản cho biết sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP về việc chấp hành các quy định về dạy thêm, học thêm. Sở GD-ĐT cũng đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục phối hợp với sở thực hiện có hiệu quả công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Theo H.Văn/ Báo Người lao động



Xem nguồn

Thầy giáo đánh 6 học sinh, hiệu trưởng lãnh trách nhiệm

Posted: 25 Oct 2016 05:07 AM PDT


Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Lộc (tỉnh TT-Huế) cho biết, để xảy ra vụ việc thầy giáo đánh học sinh bầm tím người, lãnh đạo Trường Tiểu học và THCS Bến Ván cũng phải chịu trách nhiệm.

Sáng nay 25/10, Ban giám hiệu trường trường Tiểu học và THCS Bến Ván đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với thầy giáo chủ nhiệm dùng thước đánh gây bầm tím đùi 6 em học sinh lớp 7/1.

thầy giáo đánh học sinh, Trường Tiểu học và THCS Bến Ván

Trường Tiểu học và THCS Bến Ván, nơi xảy ra vụ việc

Theo ông Cao Trường Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, tại buổi họp hội đồng kỷ luật, thầy H. đã tự nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và hội đồng kỷ luật nhà trường đã thống nhất kỷ luật thầy H. với hình thức này.

Cũng theo ông Sơn, thầy H. còn bị buộc thôi làm giáo viên chủ nhiệm lớp 7/1. Nhà trường đã phân công cho một giáo viên khác làm chủ nhiệm lớp này.

Ông Sơn cho biết thêm, vào tối ngày 24/10, lãnh đạo nhà trường đã cùng thầy H. tổ chức họp phụ huynh học sinh lớp 7/1 với sự tham dự của nhiều cơ quan đoàn thể ở địa phương để xin lỗi những phụ huynh có con em bị đánh. Tại buổi họp, phụ huynh của những học sinh bị thầy H. đánh đã chấp nhận lời xin lỗi, đồng thời chia sẻ với thầy H. cũng như lãnh đạo nhà trường.

Trao đổi với VietNamNet chiều ngày 25/10, bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phú Lộc cho biết, đơn vị này đã nhận được báo cáo kỷ luật thầy H. từ BGH trường Tiểu học và THCS Bến Ván.

thầy giáo đánh học sinh, Trường Tiểu học và THCS Bến Ván

Do làm gãy ghế trong lớp học, 6 em học sinh lớp 7 bị thầy chủ nhiệm đánh bầm tím đùi

"Hành vi của thầy H. đã gây mất uy tín của ngành giáo dục và bức xúc trong dư luận, phụ huynh cũng như các em học sinh. Đây là hành vi đáng bị lên án, không được phép tồn tại trong môi trường giáo dục" – bà Hương nhấn mạnh và cho biết sau khi xem xét toàn bộ vụ việc, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Phú Lộc cũng đồng ý với hình thức kỷ luật mức cảnh cáo đối với thầy H.

Cũng theo chia sẻ của bà Hương, để xảy ra một việc như vậy, lãnh đạo nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm.

"Cụ thể, lãnh đạo nhà trường đã nắm được vụ việc nhưng không vào cuộc xử lí kịp thời, không động viên, trấn an phụ huynh cũng như các em học sinh, không kịp thời báo vụ việc cho lãnh đạo cấp trên để có hướng xử lí… Trách nhiệm này thuộc về hiệu trưởng – ông Cao Trường Sơn" – bà Hương khẳng định.

Theo bà Hương, "Với trách nhiệm như trên, thầy Sơn chắc chắn sẽ được đánh giá "Không hoàn thành nhiệm vụ". Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ cân nhắc, xem xét đến vị trí hiện tại nếu thời gian tới thầy còn để xảy ra sai sót trong công tác quản lý".

Quang Thành



Xem nguồn

Bức thư của bé 6 tuổi làm tan chảy trái tim hàng triệu người

Posted: 25 Oct 2016 04:25 AM PDT


Một bé gái đã làm tan chảy trái tim của hàng triệu người sau khi bức thư vô cùng cảm động của cô bé được đăng tải trên Facebook.

trẻ tự kỷ, người khuyết tật
Bức thư của cô bé Lex, 6 tuổi

Lex, năm nay 6 tuổi, cảm thấy rất tổn thương sau khi một bé gái khác cùng lớp nói rằng em trai Lex rất "kỳ lạ". Em trai Lex là một cậu bé tự kỷ. Vì thế Lex quyết định viết ra những cảm xúc của mình về việc này.

Cô bé viết: "Hôm thứ Hai, tôi cảm thấy rất buồn vì một bạn trong lớp nói rằng em trai tôi kỳ lạ. Em trai tôi bị bệnh tự kỷ và em ấy không kỳ lạ chút nào.

Tôi sẽ rất vui nếu chúng tôi được học về người khuyết tật ở trường, để mọi người đều hiểu được rằng có một số người khác biệt, nhưng tất cả chúng ta nên được đối xử như nhau".

Mẹ của Lex – chị Sophie Camilleri – rất tự hào về cô con gái và chị quyết định đăng bức thư lên Facebook cá nhân.

Chị viết: "Tuần trước, một cô bé ở trường của Lex đã lại gần con bé và nói "em trai bạn thật lạ". Lex nói với cô bé rằng em trai con bé bị tự kỷ, nhưng cô bé kia không biết tự kỷ là gì".

"Điều này khiến Lex vô cùng thất vọng, nhưng từ việc đó, con bé nói rằng muốn mọi chuyện thay đổi".

Theo chị Sophie, Lex đã viết tay bức thư để nâng cao nhận thức về những người khuyết tật ở trường học.

Chị nói: "Tôi rất tự hào khi Lex đưa ra ý kiến này và muốn thay đổi cách mà những đứa trẻ khác nhìn nhận về những người khuyết tật".

  • Nguyễn Thảo(Theo Metro)



Xem nguồn

Thanh Hóa: Nhiều địa phương xin bổ sung giáo viên, nhân viên

Posted: 25 Oct 2016 03:43 AM PDT


Ngày 21/10, UBND huyện Yên Định có tờ trình số 173 về việc xin bổ sung giáo viên, nhân viên còn thiếu năm học 2016 – 2017. Trước đó, ngày 14/10, UBND huyện Cẩm Thủy cũng có tờ trình về việc đề nghị cho tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động đối với giáo viên, nhân viên còn thiếu ở các trường học thuộc huyện này.

Nhiều trường học thiếu giáo viên, nhân viên, nhất là giáo viên các môn đặc thù

Nhiều trường học thiếu giáo viên, nhân viên, nhất là giáo viên các môn đặc thù

Sau khi nhận được tờ trình của các địa phương nêu trên, ông Phạm Đăng Quyền – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến chỉ đạo, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, nghiên cứu đề nghị của UBND huyện Yên Định và Cẩm Thủy.

Từ đó có ý kiến tham mưu, đề xuất, đảm bảo không vượt quá định mức giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hành chính quy định tại quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 23/8, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Trước đó, huyện Yên Định đã tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 1/9 đối với 647 giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện này. Hàng trăm giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng đã có đơn kiến nghị, cầu cứu khẩn cấp tới các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa.

Mới đây nhất, ngày 20/10, Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Công văn khẩn nêu ý kiến chỉ đạo của ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét giải quyết đơn của tập thể giáo viên, nhân viên hành chính các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Yên Định.

Còn tại huyện Cẩm Thủy, địa phương này cũng đã chấm dứt hợp đồng đối với 137 giáo viên, nhân viên. Trước đó, tại huyện Vĩnh Lộc và một số địa phương khác trên địa bàn Thanh Hóa cũng đã có hàng trăm giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng.

Thực tế nêu trên khiến nhiều trường học tại nhiều địa phương rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Ngay đầu năm học mới, tỉnh Thanh Hóa, các ngành chức năng cũng đã có nhiều công văn, văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề sắp xếp, bố trí, luân chuyển giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, một thực tế đặt ra hiện nay là "khoảng trống" của hàng nghìn giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng để lại đang là "bài toán khó" đối với ngành giáo dục Thanh Hóa.

Trong khi đó, hàng trăm giáo viên, nhân viên hợp đồng có đơn kiến nghị, kêu cứu khẩn cấp gửi các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét lại việc bị chấm dứt hợp đồng

Trong khi đó, hàng trăm giáo viên, nhân viên hợp đồng có đơn kiến nghị, kêu cứu khẩn cấp gửi các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét lại việc bị chấm dứt hợp đồng

Do thiếu giáo viên, nhân viên, nhất là giáo viên các môn đặc thù nên việc bố trí, sắp xếp người đứng lớp hiện nay đối với nhiều đơn vị, trường học gặp không ít khó khăn. Có không ít trường học gần như không có giáo viên Tiếng Anh, Tin học… Nhiều trường buộc phải dồn lớp, không tổ chức bán trú. Đó là chưa kể việc phải điều chuyển giáo viên THCS xuống dạy ở bậc Tiểu học và Mầm non đã đặt ra câu hỏi về việc đảm bảo chuyên môn giảng dạy?

Bên cạnh đó, dư luận đặt ra câu hỏi về việc để xảy ra tình trạng hàng nghìn giáo viên, nhân viên hợp đồng bị chấm dứt ngay trước thềm năm học mới nhưng vấn đề trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên quan chưa được làm rõ.

Duy Tuyên



Xem nguồn

Comments