Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Cặp sách của học sinh Tiểu học ngày càng nặng hơn

Posted: 21 Oct 2016 10:05 AM PDT


LTS: Chuyện cặp sách học sinh Tiểu học và chương trình học ngày càng nặng đang trở thành mối bận tâm của nhiều gia đình phụ huynh khi lượng đồ dùng, sách vở trong chiếc ba lô các em phải mang đến lớp dường như đang "quá tải".

Làm sao để giảm tải được khối cân nặng này cho học sinh tránh tình trạng vẹo xương sống, gù lưng cho các em, cô giáo Phan Tuyết có bài viết góp ý về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Mỗi sáng đến trường, hình ảnh được thấy nhiều nhất là nhiều phụ huynh cầm cặp sách của con vào lớp. Nhưng cũng có không ít em tự mình gò lưng mang chiếc cặp nặng đến dăm ki-lô-gam chúi đầu bước từng bước nặng nề.

Như cố tình nói cho tôi nghe, một phụ huynh lên tiếng: "Càng cải cách trẻ càng khổ. Thời xưa, vài ba cuốn sách cũng nên người, bây giờ trong cặp lúc nào cũng có hàng chục cuốn sách vở, con mang gù cả lưng".

Những cuốn Sách giáo khoa VNEN khổ to gấp rưỡi Sách giáo khoa bình thường.

Trong cặp của các em thường có sách Toán, Tiếng Việt, có hôm thêm cuốn Tự nhiên và Xã hội.

Hôm nào học Anh văn có thêm 2 cuốn sách Anh văn và sách bài tập, cuốn nào cuốn nấy để cao bằng chiếc cặp; chưa kể đến một số cuốn sách khác như đạo đức, kĩ thuật, vở luyện viết, tập viết và 5, 6 cuốn vở ghi bài tập.

Rồi đất nặn, màu nước, hộp bút… đôi khi sữa, nước uống… phần lớn các trường học đã hạn chế gánh nặng sách vở cho các em khi buổi trưa quy định để cặp sách lại trường.

Nếu như trước đây, một bộ Sách giáo khoa bình thường ở Tiểu học chưa tới 100.000 đồng, phụ huynh thường mua cho con 2 bộ sách.



Những chiếc ba lô nặng nề (Ảnh: tuoitre.vn).

Một bộ để trên trường học, bộ khác để ở nhà; nhưng với những cuốn sách VNEN, giá đến vài trăm nghìn đồng một bộ, học sinh buộc phải đem về nhà vừa bảo quản sách vở cho mình, vừa có tư liệu để ôn bài.

Vì thế, sách vừa dài vừa nặng đã làm nhiều học sinh vất vả khi phải đeo cặp sách nặng trĩu trên vai.

Chưa nói đến một số phụ huynh là tác nhân gây thêm gánh nặng cho chiếc cặp của con, do cha mẹ ít quan tâm đến việc học của con mình ở nhà nên không hướng dẫn các bé cách soạn sách vở theo thời khóa biểu.

Thế là có cuốn sách, cuốn vở nào, các em đều bỏ hết vào cặp mang theo hết ngày này đến ngày khác.



Bác sĩ Hoàng Xuân Đại (Nguyên chuyên viên cao cấp, Bộ Y tế) cho biết: "Đeo cặp sách quá nặng trong thời gian dài sẽ dẫn đến vẹo cột sống, ảnh hưởng đến tim mạch, tim phải làm việc nặng hơn có thể dẫn đến suy tim".

Vẹo cột sống có thể ảnh hưởng đến các khớp, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về hình thể, dẫn đến khung xương, cột sống xiêu vẹo, hậu quả rất nặng nề.

Giáo sư Trần Ngọc Ân (Nguyên trưởng khoa Xương khớp, Bệnh viện E) nhận định:

"Đối với học sinh Tiểu học, đeo cặp sách nặng quá 5 kg sẽ dẫn đến bị gù lưng. Những học sinh này sẽ trở thành những "ông bà còng" chỉ sau một vài năm học".

Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn cặp sách của trẻ không quá 10% trọng lượng cơ thể, nhiều học sinh Tiểu học cân nặng khoảng 20 kg thì trọng lượng tối đa của cặp không được nặng hơn 2 kg nhưng thực tế các em đang phải mang chiếc cặp gấp đôi trọng lượng quy định.

Để hạn chế tình trạng này, các bậc phụ huynh cũng cần hướng dẫn con soạn sách vở theo thời khóa biểu vào mỗi buổi tối; hạn chế bỏ đồ ăn, thức uống vào cặp để tăng trọng lượng, có vậy mới bảo vệ được con tránh được những căn bệnh mà các chuyên gia đang cảnh bảo.



Xem nguồn

Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại qua góc nhìn trực diện từ cơ sở

Posted: 21 Oct 2016 09:23 AM PDT


LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh – nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chia sẻ những nhận định của ông với tư cách một cán bộ trực tiếp tham gia thực nghiệm Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại ngay từ những năm 1980.

Nhận thấy đây là một tiếng nói từ người trong cuộc ở cơ sở, trực tiếp tham gia quá trình thực nghiệm một cách nghiêm túc, khoa học, có đo nghiệm và đánh giá Công nghệ giáo dục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến quý bạn đọc bài viết này để rộng đường dư luận và có thêm những góc nhìn đa chiều.

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Bắt đầu từ năm 1981, sau 6 năm đất nước thống nhất, Bộ Giáo dục tiến hành Cải cách giáo dục lần thứ 3. Trong cuộc Cải cách giáo dục lần này, ngành Giáo dục phải tiến hành các công việc sau đây: 

– Thống nhất hệ thống giáo dục phổ thông trong cả nước từ 10 năm chuyển sang 12 năm.

– Biên soạn chương trình và biên soạn một bộ sách giáo khoa phổ thông dùng chung cho cả nước. 

– Bồi dưỡng giáo viên dạy sách giáo khoa theo chương trình mới. 

– Việc thay sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, thay sách các môn học của lớp 1 xong sẽ lần lượt thay sách tiếp ở lớp 2, tuần tự như thế cho đến lớp 12.

Năm học 1981-1982 bắt đầu tiến hành thay sách lớp 1. Nhưng trước đó 3 năm, Bộ Giáo dục đã thí điểm dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới ở một số tỉnh ở quy mô hẹp.

Mỗi tỉnh chỉ chọn 1 trường thí điểm để rút kinh nghiệm và đi đến hoàn thiện chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy mới trước khi đưa ra triển khai trên phạm vi toàn quốc. 

Ở Nghệ An trước năm 1981, Bộ Giáo dục đã chọn Trường cấp 1 xã Nghi Phú, một xã ngoại ô của thành phố Vinh làm trường dạy thí điểm, chứ không chọn một trường đặt tại trung tâm thành phố để dạy thực nghiệm hoặc dạy thí điểm.

Khi bắt đầu triển khai thay sách Cải cách lần thứ 3, từ một giáo viên dạy ngữ văn của một trường Sư phạm của tỉnh, tôi được Ty Giáo dục (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo) điều động về Ty để chỉ đạo việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới của cuộc Cải cách lần thứ 3.



Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Tôi đã công tác ở Ty Giáo dục Nghệ Tĩnh từ lúc đó đến khi tách tỉnh và đổi tên là Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho đến mãi sau này, tính ra đã trên hơn 30 năm. 

Việc triển khai thay sách Cải cách giáo dục bắt đầu diễn ra suôn sẻ, toàn Ngành từ Bắc chí Nam đang hào hứng thực hiện dạy học chương trình Cải cách giáo dục ở cấp 1 (nay gọi là bậc tiểu học) và sách lớp 1 (Toán, Tiếng Việt và một số môn học khác).

Triển khai được 3 năm thì đùng một cái, năm 1983 Giáo sư Hồ Ngọc  Đại – Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm giáo dục Giảng Võ (tiền thân của Trường thực nghiệm Giảng Võ hiện nay), bằng "con đường riêng" đã yêu cầu các tỉnh triển khai thêm chương trình và sách giáo khoa lớp 1 thực nghiệm của ông, trong đó có môn Tiếng Việt.

Nội dung và cách dạy học của Giáo sư Hồ Ngọc Đại khác xa với chương trình và sách giáo khoa mà Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đang triển khai. 

Việc triển khai thực nghiệm chương trình Công nghệ giáo dục lúc đó không được Bộ Giáo dục đứng ra chỉ đạo, hướng dẫn, mà để Giáo sư Hồ Ngọc Đại tự liên hệ với lãnh đạo một số địa phương xin "thực nghiệm".

Xét về phương diện quản lý Nhà nước thì việc làm trên của Trung tâm thực nghiệm Giảng Võ là không hợp lý. 

Không thể chấp nhận được cho nền giáo dục của một đất nước chỉ mới 3 năm sau khi tiến hành một công việc hệ trọng là thay sách lớp 1 Cải cách giáo dục, thì lại có người hô hoán thay đổi.

Giáo sư Đại không chỉ hô hào, mà còn thông qua quan hệ cá nhân yêu cầu các nhà trường "thực nghiệm" trên diện rộng 1 cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, khác hoàn toàn, để tiến tới thay thế bộ sách giáo khoa Tiếng Việt mà Bộ Giáo dục mới đưa vào triển khai.

Tuy nhiên yêu cầu của Trung tâm Thực nghiệm Giảng Võ đã được một số tỉnh chấp thuận, trong đó phải kể đến hai tỉnh hết sức hăng hái là Tây Ninh với Bắc Ninh. 

Riêng thành phố Hà Nội thì không đồng ý thực hiện triển khai thí điểm chương trình và sách giáo khoa Công nghệ giáo dục (trong đó có môn Tiếng Việt) của Giáo sư Hồ Ngộc Đại. 

Ở Nghệ An, bằng sức ép của một cơ quan không phải là Bộ Giáo dục, mãi đến những năm 1987 đặng chẳng đừng, chúng tôi buộc phải mở lớp thực nghiệm dạy Tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngộc Đại. 

Đã không làm thì thôi, nhưng khi đã chấp nhận làm thì chúng tôi thực nghiệm nghiêm túc cho ra ngô, ra khoai.

Đã gọi là thực nghiệm thì phải tuân thủ những nguyên tắc về khoa học. Bản thân tôi đã tham mưu với lãnh đạo Ty Giáo dục Nghệ Tĩnh thời đó ra quyết định:

Tách Trường Cấp 1- 2 xã Hưng Dũng thành phố Vinh thành 2 trường: Trường Cấp 1 và Trường Cấp 2. Chọn Trường Cấp 1 Hưng Dũng vừa được tách làm trường thực nghiệm. 

Sau 2 năm khi Trường Cấp 1 Hưng Dũng đã dạy học thành nề nếp, Ty Giáo dục mới tiến hành khảo sát đánh giá kết quả thực nghiệm một cách bài bản, khoa học và đi tới kết luận:


Cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và phương pháp dạy học của Giáo sư Hồ Ngọc Đại không tiên tiến hơn sách Tiếng Việt và phương pháp dạy tiếng Việt theo chương trình Cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục cùng thời điểm. Cụ thể: 

– Phương pháp của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã sa đà vào việc, dạy tiếng Việt cho người Việt theo cách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.  

Trên thực tế học sinh khi chưa biết viết chữ Việt, nhưng đến 6 tuổi thì đã hiểu nghĩa của một vốn từ ngữ rất lớn rồi. Chứ không phải như người nước ngoài khi mới học tiếng Việt… 

– Muốn dạy một lớp theo Công nghệ giáo dục buộc phải bố trí 2 giáo viên cộng với sự đầu tư chỉ đạo của Trung tâm Thực nghiệm Giảng Võ và cán bộ chuyên môn của Ty Giáo dục.

Nhưng qua khảo sát chất lượng học tập của học sinh không hơn chất lượng học môn tiếng Việt của các lớp 1 dạy Tiếng Việt Cải cách giáo dục hiện hành với chỉ 1 giáo viên đứng lớp.   

– Thực tế Việt Nam khó mà đáp ứng yêu cầu mỗi lớp ở cấp 1 bố trí 2 giáo viên cùng dạy một môn. Thực tế này hiện nay đã được làm sáng rõ.  

– Tư tưởng giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại với nền giáo dục của nước nhà là phải " Gỡ ra làm lại từ đầu". 

Theo chúng tôi, triết lý đó đã phủ nhận những giá trị văn hóa – giáo dục truyền thống. Trong khi đó chúng ta vừa trải qua một chặng đường khá dài để  thực hiện Nghị quyết của Đảng về "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc".

Dựa vào những kết luận mang tính khoa học như trên của các cán bộ chuyên môn, Ty Giáo dục Nghệ Tĩnh ngay sau đó quyết định ngừng việc thực nghiệm chương trình và sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại ở Nghệ An.

Trường Cấp 1 Hưng Dũng được chuyển sang dạy chương trình Cải cách hiện hành nhưng không gây ảnh hưởng nhiều về mặt tâm lý cho phụ huynh và học sinh.

Cho mãi gần đến 10 năm sau tính từ thời Công nghệ giáo dục được triển khai thí điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức nghiệm thu chương trình thí điểm Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Kết quả nghiệm thu chỉ chấp nhận một phần nào đó của riêng môn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục chứ không phải toàn bộ chương trình và sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của ông.

Nhưng nói đến chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình và sách giáo khoa. Cả hai yếu tố này phải được đặt trong một chỉnh thể, một hệ thống thống nhất trên toàn quốc. 

Cho nên từ đó các địa phương không mặn mà với chương trình Công nghệ Giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nữa. Mọi chuyện tưởng như xong xuôi. 


Thế nhưng chỉ sau đó ít năm, bộ máy lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thay đổi. Tôi cũng có sự thay đổi công việc 2 năm theo yêu cầu của tỉnh (từ năm 1992 đến năm 1994).

Tháng 9 năm 1994 tôi lại trở về công tác tại Sở. Về cơ quan cũ, tôi bất ngờ khi thấy tỉnh Nghệ An lại cho phép một số huyện tiếp tục triển khai chương trình Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. 

Tôi có trao đổi với đồng chí Giám đốc Sở khi đó, tại sao tỉnh ta lại cho tiếp tục thực nghiệm chương trình Công nghệ giáo dục?

Đồng chí cho biết, Nghệ An chỉ cho thí điểm ít trường thôi. Các trường chủ yếu đóng ở địa bàn thành phố và thị trấn.

Cho đến thời điểm này, Công nghệ giáo dục lại được triển khai nhiều trường ở Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tỉnh khác. Tôi lại một lần nữa phân vân. 

Tôi tự hỏi, có lẽ nào Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại tốt đến mức sau gần 40 năm, đông đảo cán bộ quản lý và giáo viên có trách nhiệm trong ngành giáo dục vẫn không nhận ra cái tốt của nó?

Chẳng lẽ nó là loại Công nghệ siêu phàm để như chúng tôi, những người đã công tác trọn đời ở một Cơ quan quản lý chuyên môn cấp tỉnh, trực tiếp thực nghiệm tuân thủ đúng quy trình khoa học mà vẫn không nhận ra được chân giá trị của nó?

Ngoài sự phân vân tôi còn cảm thấy buồn và thất vọng.

Thất vọng bởi vì, ngay từ đầu Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã quảng bá Công nghệ giáo dục của ông là tiên tiến, là "máy cày" so với "cày chìa vôi" là chương trình và sách giáo khoa phổ thông hiện hành, có thể biến đất nước thay đổi từ lạc hậu thành văn minh.

Khi triển khai ở đô thị lớn không ai tiếp nhận, ông mang nó về các tỉnh nông thôn, vùng xa như Tây Ninh, tỉnh miền núi như Lào Cai để "thực nghiệm" khả năng "cải thiện tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số”.

Đến lúc điều kiện thuận lợi, Giáo sư Hồ Ngọc Đại lại tìm cách đưa sách của ông từ nông thôn ra thành thị, từ miền núi về miền xuôi, triển khai đại trà và bây giờ con số địa phương sử dụng sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của ông đã lan đến 48 tỉnh thành, mà chưa hề có một kết luận khoa học nào, cũng như sự thẩm định nào của Hội đồng thẩm định theo Luật Giáo dục 2005.       



Xem nguồn

Giáo dục đại học đang đứng trước nhiều thách thức lớn

Posted: 21 Oct 2016 08:40 AM PDT


Tham dự hội thảo có TSKH. Phan Quang Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; ông Klaus Hengbach- Phụ trách giáo dục của tập đoàn Phoenix Contact GmbH&Co.KG, Đức;

Và GS.TS.Peter Eckardt- Đại biểu Quốc hội Đức và giáo sư thuộc lĩnh vực dạy nghề; ông Frank Knafla – Thạc sĩ chuyên gia công nghiệp 4.0, tập đoàn Phoenix Contact cùng lãnh đạo các Hiệp hội, Bộ, ban ngành, đại diện các trường Đại học, cao đẳng trên toàn quốc. 

Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH. Phan Quang Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng: 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 là cuộc cách mạng kỹ thuật số và điện tử (máy tính, công nghệ viễn thông và Internet ra đời và phổ cập) đã xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. 

Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học mà với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, rô bốt, Internet vạn vật (IOT) khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây mang tính liên ngành sâu rộng…

Nếu so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này đang phát triển với tốc độ cấp số mũ. 

Các công nghệ mới từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được phát triển với tốc độ vượt bậc, với những đột phá để phục vụ con người được hiện thực hóa như xe tự lái, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo … tất cả đang và sẽ mang lại nhiều thay đổi cơ bản và sâu rộng trong cách con người sống, đi lại, vận chuyển hàng hóa, kinh doanh, chẩn đoán và điều trị bệnh tật…



TSKH. Phan Quang Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)

Tuy nhiên cũng như mọi cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. 

Năm 2015, Mc Donald công bố sẽ xây dựng thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng Robot. Thay vì từ 10 đến 20 nhân viên cho một nhà hàng thì nay chỉ còn 2-3 người để quản lý. 

Tháng 5 năm 2016, Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay bằng Robot. 

Tháng 11/2015, Ngân hàng Anh Quốc đưa ra một dự báo còn đáng lo ngại hơn: sẽ có khoảng 95 triệu lao động phổ thông bị mất việc trong vòng 10 – 20 năm tới tại riêng Mỹ và Anh, tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này. 

Giới nghiên cứu cũng chỉ ra CPS (Cyber Physical System) sẽ không chỉ đe dọa việc làm của công nhân trình độ thấp mà ngay cả những người có bằng cấp (cao đẳng, đại học trở lên) cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong tương lai tài năng tri thức sẽ đại diện cho yếu tố quan trọng của sản xuất hơn là yếu tố vốn. Điều này sẽ luôn phát sinh ra một thị trường việc làm ngày càng tách biệt…

Các trường đại học đối mặt với nhiều cạnh tranh mới

TSKH.Phan Quang Trung nhận định: Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khu vực giáo dục đại học bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn.

Các trường Đại học không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do tốc độ thay đổi công nghệ từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra quá nhanh.

Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường đại học đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Nhiều tập đoàn công nghệ ngày nay có tiềm lực công nghệ, con người và tài chính rất lớn, họ lại ở tuyến đầu trong cuộc chạy đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống vì thế họ có nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm đại học không có. 

Chính điều đó đã làm giảm đáng kể ranh giới và khoảng cách về tri thức và khả năng sáng tạo giữa khu vực Đại học & công nghiệp.

Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. 

Tất cả tạo ra một bức tranh giáo dục đào tạo sinh động mà các phương thức giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng.



Các đại biểu tham dự hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục” (Ảnh: Thùy Linh)

Các hình thức đào tạo trực tuyến như MOOC (Massive Open Online Course) có thể sẽ ngày càng trở nên thịnh hành hơn.

Các cơ sở đào tạo với những chương trình học cập nhật tiến bộ công nghệ hay hợp tác sâu rộng với giới công nghệ trong đào tạo và nghiên cứu sẽ có ưu thế trong việc thu hút người học.

Đối với các doanh nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đang có những tác động lớn đến họ, về phía cung nhiều ngành công nghiệp tận dụng công nghệ mới tạo ra những phương thức hoàn toàn mới để giúp phục vụ nhu cầu hiện tại của con người và phá vỡ phần lớn các chuỗi giá trị ngành công nghiệp hiện có. 



(GDVN) – Hôm nay (21/10), Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo "Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và Giáo dục".




Nhà sản xuất sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách thức sản xuất và bán hàng.

Về phía người tiêu dùng cũng có những đòi hỏi thay đổi lớn trong việc tham gia vào quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm một cách tích cực và chủ động.

Đối với nhà nước, công nghệ mới ngày càng tạo điều kiện cho người dân tham gia với chính phủ nói lên ý kiến của mình.

Ngược lại, chính phủ thông qua công nghệ mới để tăng cường tiếp cận với công chúng, cải tiến hệ thống quản lý xã hội. 

Điều này khiến các Chính phủ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách làm hiện tại của mình. Trong đó quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của người dân trong quá trình này. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng ảnh hưởng sâu sắc đến bản chất của an ninh quốc gia và quốc tế, ảnh hưởng đến cả bản chất của các cuộc xung đột.

Tuy nhiên, khi quá trình này xảy ra các công nghệ mới (như vũ khí điều khiển từ xa, tội phạm mạng sẽ dễ dàng được sử dụng, cá nhân và nhóm nhỏ có khả năng gây ra những tổn thất hàng loạt. Vấn đề này sẽ là những lo ngại mới, thực sự là nguy cơ đối với nhân loại.

Để tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách, các trường đại học, các nhà nghiên cứu và giới truyền thông hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn Phoenix Contact, CHLB Đức tổ chức cuộc hội thảo "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục" để các đại biểu cùng tham gia thảo luận về cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng này.



Xem nguồn

Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có rơi vào “bẫy” cực đoan?

Posted: 21 Oct 2016 07:58 AM PDT


LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới quý bạn đọc phần thứ 2 trong 6 phần của loạt bài phản biện Giáo sư Hồ Ngọc Đại về Công nghệ giáo dục của Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Viện trưởng Viện toán lý thuyết – Viện Toán học Toulouse – Cộng hòa Pháp, Giáo sư Đại Học Toulouse.

Công nghệ giáo dục có rơi vào “bẫy” cực đoan?

Trong nhiều câu nói nổi tiếng của Martin Luther King Jr, có một câu sau mà tôi rất tâm đắc: "All progress is precarious, and the solution of one problem brings us face to face with another problem."

Tạm dịch thoát nghĩa của nó là: các cải cách hay cách mạng trong xã hội nhằm giải quyết vấn đề cũ thì lại gây nên vấn đề mới, và do vậy sự tiến bộ của xã hội là rất gian truân.

Một trong các lý do dẫn đến sự gian truân đó cỏ thể được đặt tên là "cái bẫy cực đoan":

Một mặt xấu của xã hội có thể coi là một cựu đoan, nhưng cải cách hay cách mạng nhằm xóa cái "nguyên nhân" gây ra mặt xấu đó thì lại có nguy cơ đẩy xã hội đến cực đoan khác, tuy là đối ngược với cực đoan trước nhưng cũng xấu cho xã hội.



Hậu Giang tổ chức lớp tập huấn dạy học Tiếng Việt lớp 1 – chương trình công nghệ giáo dục (CGD) cho cán bộ quản lý và giáo viên năm học 2016-2017. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang.

Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện tại có những vấn đề "nổi cộm" mà GS. Hồ Ngọc Đại muốn giải quyết bằng cách cải cách theo hướng "công nghệ giáo dục" của ông.

Tuy nhiên, tôi e rằng một số luận điểm chính trong "công nghệ giáo dục" của ông, mà tôi xin được phân tích qua dưới đây, đã mắc phải đúng cái bẫy cực đoan.


Học mà không cần bắt chước?!

Theo GS. Hồ Ngọc Đại nói thì "công nghệ giáo dục" của ông dạy học theo kiểu "thầy thiết kế – trò thi công" chứ không "học theo kiểu bắt chước". 

Tôi thấy cụm từ "thầy thiết kế – trò thi công" (cũng như nhiều cụm từ ngữ khác mà GS. Hồ Ngọc Đại dùng) khá là khó hiểu, nhưng chuyện đó ta bàn sau. 

Ở đây tôi muốn nói đến cái vấn đề thái cực mà GS. Hồ Ngọc Đại muốn giải quyết, đó là vấn đề "dạy vẹt học vẹt", nhồi một đống thông tin rời rạc vào trong đầu mà không hiểu để làm gì và không dùng được làm gì, ngoài việc để trả bài thi cho được điểm cao cần viết nguyên si như cô giáo dặn. 

Cách giải quyết của GS. Hồ Ngọc Đại là thôi không học theo kiểu bắt chước nữa.

Theo tôi, nếu như "học chỉ có toàn bắt chước" là một thái cực nguy hiểm, thì "học mà không bắt chước" cũng là một thái cực nguy hiểm. 

Bởi vì quá trình học gồm nhiều công đoạn, và một trong các công đoạn dó chính là sự bắt chước. 

Tùy theo môn học, và mục đích trình độ cần đạt được, mà lượng bắt chước trong quá trình học cần nhiều hay ít ra sao, nhưng nó hầu như luôn là một phần quan trọng. 

Thậm chí có thể nói ai không còn biết bắt chước tức là không học được nữa.

Lấy ví dụ trẻ em học nói: chúng học nói tiếng mẹ đẻ một cách rất tự nhiên và nhanh chóng mà không cần có người chủ động dạy, chính bằng cách bắt chước nói theo mẹ và những người xung quanh. 

Chúng bắt chước luôn cả giọng điệu, và cách phát âm nên mới có hiện tượng trẻ em được "ô sin" chăm sóc là chính nói giọng giống "ô sin" chứ không giống bố mẹ.

Tất nhiên, trong quá trình học này, trẻ em vừa bắt chước vừa suy luận một cách tự nhiên, để gắn các từ chúng nghe quen vào các đồ vật, hiện tượng chúng nhìn thấy hay cảm thấy. 

Người lớn tuy não đã phát triển nhiều hơn trẻ em, nhưng học tiếng nước ngoài nhiều khi vất vả hơn trẻ em nhiều, học cả hơn chục năm vẫn không nói được bằng đứa trẻ nhỏ, chính vì ít có điều kiện bắt chước hay ít chịu bắt chước như trẻ nhỏ.

Cách học tiếng Pháp bằng bắt chước cũng chính là cách học của bản thân người viết bài này.

Tôi chưa hề bao giờ được đi học một lớp tiếng Pháp nào, mà chỉ toàn tự học qua đọc sách, nghe đĩa, xem phim, nói chuyện với người Pháp và bắt chước lại cách nói cách viết của người ta.

Một ví dụ khác: có những người dạy lái xe ô tô than phiền rằng: dạy lái xe cho các tiến sĩ rất mệt, vì họ không làm được đúng động tác yêu cầu mà cứ suốt ngày thắc mắc "sao lại làm thế".

Trong khi đó dạy lái xe cho công nhân dễ hơn vì cứ bảo gì họ làm y thế là lái được đúng. 

Hay có một chuyện ngụ ngôn về con dết (nước ngoài hay gọi là con 100 chân) như sau: 


Có con vật khác hỏi dết sao có 100 chân mà vẫn đi được nhịp nhàng, dết bèn khoe phải giơ chân thế này này, thế này này, khoe được ba bước thì các chân dết đá vào nhau và dết ngã lăn quay. 

Tôi lấy mấy ví dụ này để nói lên rằng, khi mà mục đích là phải học được cái gì đó đến mức thấm vào người thành phản xạ tự nhiên, có thể làm mà không cần mất thời giờ nghĩ (như là nói, viết, lái xe, v.v., phải xử lý nhanh một cách nhuần nhuyễn chứ có thời gian đâu để mà nghĩ), thì việc bắt chước và luyện đi luyện lại là vô cùng quan trọng.

Tất nhiên, càng học lên cao, đặc biệt là khi trở thành nhà nghiên cứu, thì tỷ lệ thời gian phải bỏ ra để đào sâu suy nghĩ và sáng tạo càng nhiều lên so với thời gian luyện tập bắt chước cái đã có.

Nhưng nếu "chỉ lo sáng tạo" mà không chịu học hỏi bắt chước cái đã có, thì có nguy cơ "sáng chế lại ra cái xe đạp", "ếch ngồi đáy giếng" không biết mình kém. 

Như là có người Việt Nam tự hào sáng chế được máy bay trực thăng, mà không hiểu rằng làm được một cái bay thẳng lên được một khúc là "trò chơi trẻ con".

Nhưng làm cho nó ổn định, điều khiển được, bay lên đáp xuống chở hành khách được một cách an toàn hiệu quả là một vấn đề công nghệ khác hẳn.

Nhân nói về "sáng chế lại cái xe đạp", nếu đánh giá một cách khách quan, thì trình độ về giáo dục (không phải trình độ của học sinh, mà là của bản thân hệ thống giáo dục, triết lý và tổ chức giáo dục) của Việt Nam vẫn còn thấp so với thế giới.

Có nhiều cái thế giới đã bàn luận từ lâu, đã hiểu, đã áp dụng, còn ở Việt Nam vẫn chưa biết đến hoặc đang mò mẫn.

Nếu chúng ta trình độ mới đang là ở "lớp 1″ thì đầu tiên phải bắt chước học hỏi được thấm nhuần được những điều cơ bản sao cho "lên được lớp 2″ đã, chứ không cần "nhảy cóc lên đại học" vội.

Trong giáo dục, cái chúng ta thiếu nhất có lẽ không phải là thiếu "công nghệ" cao siêu gì, mà là thiếu những điều cơ bản.

Nhóm "Cánh Buồm" của ông Phạm Toàn, khi viết bộ sách "Chào Lớp 1″ dựa trên các ý tưởng "công nghệ giáo dục" của GS. Hồ Ngọc Đại, đã mắc phải không ít sai lầm cơ bản.

Ví dụ, môn tiếng Anh không còn là "dạy nói tiếng Anh" mà biến thành "dạy về tiếng Anh". Trước đây tôi đã có viết một bài có tính hài hước "Giải Ếch Vàng …" để chỉ ra một số lỗi cơ bản của nhóm Cánh Buồm.

Tài liệu tham khảo:

* Trường thực nghiệm: học không thi cử, không chấm điểm (VTC News, 14/05/2012)

http://vtc.vn/538-333103/giao-duc/truong-thuc-nghiem-hoc-khong-thi-cu-khong-cham-diem.htm

* Hồ Ngọc Đại: Đề cương nghiên cứu khoa học về nền giáo dục toàn dân (Vietscience, 07/01/2009):

http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/giaoduc/nghiencuunengdtoandan.htm

trong loạt bài về giáo dục trên vietscience:

http://vietscience.free.fr/design/cht_giaoduc.htm

*Hồ Ngọc Đại: Tôi nghĩ và làm như thế (diễn từ nhận giải Phan Châu Trinh, 2009)

*TS Nguyễn Văn Vịnh: Hủy bỏ "triết lý đọc-chép" bằng công nghệ giáo dục? (20/09/2009)

GS. Nguyễn Tiến Dũng



Xem nguồn

Vào trường tát cô giáo, phụ huynh bị phạt 7 triệu đồng

Posted: 21 Oct 2016 07:16 AM PDT


Phụ huynh vào trường tát nhầm cô giáo ở Đà Nẵng bị phạt hành chính 7 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo tại nơi công tác.

Ông Mai Tấn Linh, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, sau buổi làm việc với bà C. – phụ huynh tát nhầm cô giáo, Thanh tra Sở GD-ĐT thành phố quyết định xử phạt vi phạm hành chính bà C. 7 triệu đồng. Bà C. cũng bị trường THPT Ngô Quyền nơi bà công tác áp dụng hình thức kỷ luật là cảnh cáo.

bạo hành trẻ, phụ huynh, giáo viên

Vết xước trên mặt cháu B.H.G (Ảnh Soha)

Ngoài ra, vợ chồng bà C. phải đến xin lỗi Hội đồng sư phạm Trường TH – THCS Đức Trí về hành động gây rối trật tự, xin lỗi cô A. vì đã đánh nhầm cô, xin lỗi bà O. vì đã quay clip và đưa lên mạng xã hội dưới sự chứng kiến của Sở GD-ĐT.

Ông Linh cũng thông tin, hiện tại công an phường Bình Thuận đã triệu tập chồng bà C. lên làm việc và xử lý về hành động gây rối trật tự.

Theo báo cáo Sở GD-ĐT Đà Nẵng gửi UBND Thành phố Đà Nẵng về vụ “con bị đánh, phụ huynh vào trường tát nhầm cô giáo”, thì vào khoảng 16h30 ngày 12/10, tại Trường TH – THCS Đức Trí (Quận Hải Châu) đã xảy ra việc phụ huynh học sinh hành hung giáo viên và gây rối tại trường vì bức xúc khi biết con mình là cháu B.H.G, lớp 3/4, bị cô giáo đánh gây ra vết xước trên má. Qua xác minh làm rõ, vết thương này do cô O., giáo viên quản lí học sinh, gây ra trong giờ nghỉ trưa.

Bà C., phụ huynh em G, giáo viên môn hóa Trường THPT Ngô Quyền khi đến đón con, phát hiện vết xước trên má, đã hành hung nhầm bà A (vì tưởng bà A là bà O), nhưng không gây thương tích đáng kể.

Chồng bà C. là  ông Bùi Văn Sơn – giằng micro trên tay cô giáo đang điều hành đưa đón học sinh của trường và có hành vi, lời nói khiếm nhã, gây mất trật tự tại trường. Sau đó, bà C. dùng điện thoại di động quay clip và đưa lên trang facebook cá nhân.

Ngay sau vụ việc này, bà Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường TH – THCS Đức Trí, cùng với cô giáo O. đã đến nhà bà C. xin lỗi và khắc phục hành vi do cô O. gây ra.

Sở GD-ĐT Đà Nẵng khẳng định, đây là vụ việc đáng tiếc xảy ra do hành động bộc phát, thiếu kìm chế của cô O., vợ chồng bà C., tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh nhà giáo, nhà trường, ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng.

Sau việc này, Sở GD-ĐT Đà Nẵng sẽ rút kinh nghiệm, tập trung chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm tra đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ toàn ngành theo quy định. Các cơ sở giáo dục tăng cường công tác bảo vệ, ngăn ngừa các hành động gây rối trật tự, xâm phạm thân thể và nhân phẩm của người dạy và người học.

Lê Huyền



Xem nguồn

Thầy giáo vừa nhảy vừa hát cực nhộn với học sinh trên bục giảng

Posted: 21 Oct 2016 06:34 AM PDT


– Một thầy giáo ở Thanh Hóa đã thực hiện những bước nhảy nhảy uyển chuyển cùng với nam sinh ngay tại lớp học trong sự cổ vũ, hò reo thích thú của các học sinh.

Trường THPT Nông Cống 1

Cụ thể, clip của một nữ sinh ghi lại cảnh thầy giáo vừa hát vừa có những bước nhảy khá điêu luyện nhận được sự cổ vũ, phấn khích của tất cả các học sinh trong lớp. Được biết, đây là một tiết mục văn nghệ thầy giáo tặng các nữ sinh nhân ngày 20/10 vừa qua.

Một lúc sau khi chứng kiến màn biểu diễn quá nhiệt của thầy giáo, một nam sinh cũng lên để làm bạn nhảy cùng. Màn nhảy đôi của hai thầy trò đã khiến không khí của lớp học trở nên náo nhiệt với những tiếng reo hò, cổ vũ nhiệt tình.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, đây là một buổi liên hoan ngày 20/10 của thầy trò một lớp thuộc Trường THPT Nông Cống 1 (tỉnh Thanh Hóa). Thầy giáo trong đoạn clip là thầy Lê Minh.

Clip sau khi được chia sẻ trên mạng xã ội đã có hàng nghìn lượt xem và bình luận của nhiều học sinh bày tỏ sự ấn tượng và thích thú về người thầy tâm lý, gần gũi.

Bạn Phan Quỳnh chia sẻ: "Thầy nhảy đẹp và hát hay quá. Món quà cho các bạn học sinh thật ý nghĩa".

Một thành viên khác bình luận: "Đúng là thầy giáo nhà người ta".

Thậm chí một số người hóm hỉnh đùa rằng: "Đây chính là thầy giáo của năm".

Tuy nhiên, số ít người thì cho rằng hoạt động tuy vui nhưng các giáo viên cũng chú ý tiết chế trên lớp học để giữ hình ảnh người giáo viên.

Thanh Hùng



Xem nguồn

“Gieo chữ” trên non cao

Posted: 21 Oct 2016 05:51 AM PDT


10 năm với biết bao kỷ niệm vui, buồn về tình thầy, trò và bà con dân bản. Song trên hết là cho thầy những trải nghiệm thú vị và giúp thầy trưởng thành hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mời về dự Lễ tuyên dương lần này tại Thủ Đô Hà Nội, giáo viên, phụ huynh và học trò của trường ai ai cũng chúc mừng Thầy Ngọc.

Quyết rời phố lên rừng

 Dạy học ở vùng khó đã khó nhưng dạy học cho học sinh dân tộc còn khó hơn nhiều. Vì thế, điều cần nhất ở người thầy là cái tâm. Khi đã có tâm với nghề, khi đã yêu học sinh như con thì khó khăn nào cũng vượt qua, thử thách nào cũng chiến thắng

Thầy Lò Văn Ngọc

Sinh năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, chàng thanh niên với dáng vẻ thư sinh Lò Văn Ngọc – người thành phố "chính hiệu" đã quyết định xa rời cuộc sống phồn hoa nơi đô thị để đến với vùng đất khó.

Năm 2005, thầy "khăn gói quả mướp" một mình tìm đến trường Nà Hỳ, cách thành phố hơn một trăm Kilomet. Mất gần một ngày mới đến được nơi cần đến, ấy vậy mà lúc đến nhận trường, nhận lớp, thầy không tin vào mắt mình bởi đó là những gian nhà lụp sụp được làm bằng tranh tre, nứa lá, vách đất.

Thầy còn nhớ như in sau ngày nhận lớp, thầy được giao đến một bản cách điểm trường chính hàng chục kilomet đường rừng để vận động học sinh đến trường.

Vừa "Chân ướt, chân ráo" nhận nhiệm vụ, cộng thêm địa hình phức tạp, toàn rừng với núi, ngôn ngữ thì bất đồng nên thầy không thể hình dung hết đường đi.

May sao, gặp được một người dân tốt bụng, họ biết nói tiếng Kinh nên chỉ đường dẫn lối cho thầy. "Tuy nhiên, nhờ bác nông dân đó mà tôi có thêm kinh nghiệm đi đường rừng để đến các thôn bản:

Đầu tiên, là nên chọn đi theo đường mòn, tiếp đến là cứ theo dấu chân trâu, bò mà lần theo, kiểu gì cũng đến được bản làng của người dân tộc" – thầy Ngọc chia sẻ.

Lần khác, thầy đi cùng với một đồng nghiệp vào bản, đi đến một khe suối thì trời đổ mưa, nước đổ về rất nhanh, trong thoáng chốc đã ngập ngang người.

Vậy là cả thầy và đồng nghiệp tìm mọi cách để thoát thân, cũng may gặp được một người dân trợ giúp nên cả hai đều thoát nạn. "Thế mới biết, hành trình "gieo chữ" ở vùng cao thật lắm gian nan nhưng con đường để đến với con chữ của các em cũng muôn nỗi nhọc nhằn" – thầy Ngọc bộc bạch.

Gian nan đến trường




 Thầy Ngọc hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm

Cũng theo thầy Ngọc, khổ nhất là các em học sinh, đến được trường đã vất vả rồi, nhưng việc học cũng muôn vàn khó khăn. Ở những lớp học tuềnh toàng, thiếu thốn đủ bề này, mùa hè thì oi bức vì không có điện, có quạt; mùa đông thì rét tê tái, còn gặp phải trời mưa thì khổ không nói hết.

Lúc ấy chỉ còn cách là cả thầy và trò túm tụm lại để tránh mưa hắt, gió lùa; sách vở, quần áo bị ẩm ướt và dơ bẩn.

"Quả thật, thời gian đầu mình rất nản vì ở đây khó khăn quá. Nhưng nhìn các em, em nào em nấy đều hồn nhiên, vô tư, trong sáng và rất "khát chữ" nên mình không cầm lòng được và quyết định ở lại bám trường, bám lớp" – thầy Ngọc chia sẻ.

Một năm sau thầy được điều động sang xã Nà Khoa để dạy học. Ở đây khó khăn không khác gì ở Nà Hỳ. Học sinh toàn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc H'Mông. Trình độ dân trí còn hạn chế, nên nhiều em học hết lớp 7, lớp 8 đã nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng.

"Nhất là thời điểm sau Tết, giáo viên chúng tôi khá vất vả để vận động các gia đình cho con tiếp tục việc học. Nhiều gia đình đồng ý nhưng chỉ cho con trai đi học, còn con dâu phải ở nhà để làm nương" – thầy Ngọc chia sẻ và cho biết:

Giờ đây, tình trạng này không còn nhiều nhưng lúc nào giáo viên trong trường cũng phải sẵn sàng tâm thế để vận động phụ huynh không cho con em nghỉ học giữa chừng. "Niềm vui lớn nhất của giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số là mong sao các em không bỏ trường, bỏ lớp" – thầy Ngọc tâm sự.

Niềm vui của giáo viên vùng khó



Thầy Ngọc cùng các em học sinh chăm sóc vườn rau của nhà trường để cải thiện bữa ăn hàng ngày 

Được biết, hiện nay thầy Ngọc đã được luân chuyển về Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Chà Cang (Nậm Pồ, Điện Biên) và những điểm trường mà thầy đã từng trải qua cũng đã và đang được kiên cố hóa trường lớp. Song chính những năm, tháng công tác ở vùng khó đã cho thầy nhiều bài học quý về tình thầy trò, tình đồng nghiệp và tình cảm của bà con dân bản."

Thầy cho biết: Ngày 20/11 của giáo viên vùng cao thường không có hoa tươi, không có quà bánh nhưng món quà lớn nhất mà các thầy, cô có được là chữ TÌNH.

"Xúc động làm sao, khi được các em tặng một bó hoa rừng, càng cảm thấy ấm áp khi nhận được lời chúc mừng của phụ huynh, bởi như thế là họ đã biết quan tâm đến sự học của con em mình. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để mọi người gắn kết, yêu thương" – thầy Ngọc tự hào kể.

Cũng theo thầy Ngọc, thực ra học sinh dân tộc rất hiếu học, vì vậy quan trọng là giáo viên biết khơi dậy tinh thấy ấy của các em.

"Chẳng hạn như: Nếu không may học sinh chưa thuộc bài, giáo viên chưa vội gắt gỏng và cho điểm kém ngay với em đó mà có thể nhẹ nhàng nhắc lại bài cũ, đồng thời có thể cho em đấy nợ điểm để lần sau gỡ lại.

Như thế, vừa giúp các em hiểu bài, lại không làm các em chán nản, thậm chí còn tạo động lực để các em cố gắng hơn trong học tập nhằm quyết tâm gỡ lại điểm cho mình" – thầy Ngọc trao đổi.

Một năm học nữa lại về với biết bao hy vọng. Dẫu biết rằng vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng nói như thầy Ngọc: dù có khó khăn đến đâu thì những thầy, cô giáo nơi vùng đất khó cũng sẵn sàng vượt qua;

Tất cả đều gạt bỏ nỗi niềm riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là "gieo chữ trên non cao"; đem ánh sáng tri thức đến với các em và đến với bản làng nơi vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc. Từ đó tạo tiền đề để các em có một tương lai tươi sáng hơn.



Xem nguồn

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu không ra bài tập khó về nhà

Posted: 21 Oct 2016 05:09 AM PDT


Sở GD-ĐT TP.HCM vừa ban hành văn bản hướng dẫn các trường về việc quản lý dạy thêm, học thêm.

Theo đó, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải áp dụng theo thông tư 17 của Bộ GD-ĐT và các quyết định của UBND TP.HCM. Cụ thể là: Không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với học sinh học 2 buổi/ ngày, học sinh tiểu học trừ trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng thích ứng cuộc sống, kỹ năng xã hội.

dạy thêm, học thêm, Sở GD-ĐT TP.HCM, Đinh La Thăng
Học sinh tiểu học TP.HCM (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ được tổ chức trên cơ sở tự nguyện tham gia của học sinh, phân lớp theo trình độ học sinh, học sinh được lựa chọn giáo viên để theo học. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Cán bộ, giáo viên đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập tham gia dạy thêm phải thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm, chịu sự quản lý, giám sát của thủ trưởng các cơ sở công lập.

Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý cấp trên về việc quản lý, giám sát giáo viên tham gia dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng quy định.

Sở GD-ĐT TP.HCM cũng yêu cầu hiệu trưởng chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngay trong các giờ dạy trên lớp, không ra bài tập khó về nhà, đảm bảo để học sinh yên tâm về kiến thức đã được trang bị trong nhà trường, tăng cường việc giáo dục, hướng dẫn phương pháp tự học cho học sinh.

Thực hiện công tác phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng cho học sinh giỏi không thu học phí.

Đồng thời, các trường phải xây dựng website hỗ trợ học tập hay sử dụng các ứng dụng CNTT và truyền thông nhằm giúp đỡ học sinh giải đáp các thắc mắc liên quan đến bài học, hướng dẫn học sinh tự ôn tập, củng cố, mở rộng kiến thức tại nhà, tăng cường khả năng tự học của học sinh.

Các phòng GD-ĐT tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng quy định của các cơ sở giáo dục trực thuộc và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất về việc chấp hành các quy định.

Riêng về việc các cơ sở ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa đang thuê cơ sở vật chất nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm, Sở yêu cầu các trường công lập phải đảm bảo đúng quy định của Thông tư 23 ban hành ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính.

Các trường phải lưu ý không được phép sử dụng cơ sở vật chất để cho thuê, liên doanh hay liên kết dưới bất kỳ hình thức nào nhằm mục đích tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng thích ứng với cuộc sống, kỹ năng xã hội.

Ngân Anh



Xem nguồn

Nhân rộng vườn hoa từ bãi rác của sinh viên

Posted: 21 Oct 2016 04:25 AM PDT


 – Ít nhất 60 vườn hoa từ bãi rác theo mô hình của nhóm Sen trong phố – nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ được nhân rộng khắp Hà Nội.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, sau khi có chủ trương của lãnh đạo Thành phố Hà Nội, sắp tới, Thành đoàn sẽ triển khai nhân rộng mô hình “biến bãi rác thành vườn hoa” trên địa bàn thành phố.

vườn hoa từ bãi rác, biến bãi rác thành vườn hoa, sinh viên
Một góc vườn hoa tù bãi rác được thực hiện bởi nhóm Sen trong phố. Ảnh: Văn Chung.

Vườn hoa từ bãi rác là mô hình của một nhóm sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền thực hiện khi tham gia một cuộc thi do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. 

Từ các bãi rác tự phát của người dân, nhóm sinh viên đã sử dụng các chai lọ, vật liệu gạch không nung để trồng hoa, biến vị trí tập kết rác tự phát thành một vườn hoa xinh xắn, làm đẹp mỹ quan.

Xác nhận thông tin này, ông Nguyễn Đức Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội cũng cho biết, trước mắt, mô hình này sẽ được triển khai ở các địa bàn các quận nội thành của Thành phố Hà Nội. Dự kiến sẽ có ít nhất khoảng 60 vườn hoa như vậy được xây dựng.

“Mục tiêu đến hết năm 2016 mỗi quận có từ 5-10 vườn hoa như vậy nữa, vị chi là sẽ có từ 60-100 điểm được xây dựng” – ông Tiến nói. “Đây sẽ là công trình nhằm chào mừng chiến dịch Tôi yêu Hà Nội do Thành đoàn triển khai vào quý 4 hàng năm và hy vọng sẽ là công trình thanh niên của năm của Thành đoàn Hà Nội”.

Về kế hoạch triển khai, ông Tiến cho biết, hiện tại Thành đoàn vẫn đang bàn bạc để lên phương án cụ thể, từ việc tìm địa điểm, tính toán chi phí, xây dựng quy trình cũng như tìm kiếm và thảo luận với các nhà tài trợ.

Các bạn trong nhóm Sen trong phố cũng sẽ tham gia với tư cách nòng cốt và phối hợp với các cơ sở đoàn quận để thực hiện các công trình này.

Trước đó, chiều ngày 20/10, đoàn công tác do đồng chí Đào Đức Toàn – Phó Bí thư Thành uỷ dẫn đầu đã đi thăm mô hình vườn hoa từ bãi rác của nhóm Sen trong phố.

Sau buổi thực tế và nghe báo cáo, ông Toàn đã tặng cho nhóm Sen trong phố 20 triệu đồng để mua dụng cụ và duy trì nhóm. Đồng thời, ông Toàn cũng đã giao cho Đoàn Thanh niên Thành phố là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn thành phố.

Trao đổi với VietNamNet, Đàm Thanh Tùng, K33 khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí-Tuyên truyền, trưởng nhóm Sen trong phố cũng cho biết, em cũng mới được biết tin Thành đoàn sẽ có kế hoạch triển khai từ 60-100 vườn hoa từ bãi rác theo mô hình của nhóm trên địa bàn toàn thành phố.

“Kế hoạch của nhóm em từ này tới cuối năm cũng triển khai 6 vườn hoa trên các địa bàn” – Tùng nói.

Tùng cũng cho biết, tới nay, sau khi kết thúc cuộc thi do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, nhóm Sen trong phố đã triển khai thêm được 2 vườn hoa từ bãi rác tại địa chỉ 39 Quang Trung và 66 Phó Đức Chính.

Lê Văn



Xem nguồn

Phụ huynh vào trường tát cô giáo bị phạt 7 triệu đồng

Posted: 21 Oct 2016 03:43 AM PDT



Phụ huynh vào trường tát nhầm cô giáo ở Đà Nẵng bị phạt hành chính 7 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo tại nơi công tác.




Xem nguồn

Comments