Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


FPT Polytechnic tuyển sinh khóa đào tạo ngành thẩm mỹ Hàn Quốc

Posted: 20 Oct 2016 10:06 AM PDT


Nhân dịp khai trương Hệ thống đào tạo thẩm mỹ Hàn Quốc Poly K-Beauty, Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic dành tặng học viên khóa đầu tiên Quỹ khởi nghiệp với tổng trị giá lên tới 450 triệu đồng.

Cụ thể, miễn 1 triệu lệ phí nhập học cho toàn bộ học viên nhập học trước ngày 30/11/2016, tặng ngay bộ dụng cụ làm nghề cho 60 học viên đăng ký nhập học sớm nhất.

Ngoài ra, học viên khóa đầu tiên còn được bốc thăm cơ hội tham quan tìm hiểu ngành công nghiệp làm đẹp tại Hàn Quốc do Hiệp hội đào tạo làm đẹp Hàn Quốc (ACE) tổ chức.

Lễ ký kết Biên bản Hợp tác (MOU) giữa Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic với Công ty TNHH Plus International và Hiệp hội đào tạo làm đẹp Hàn Quốc (ACE) về việc thành lập Hệ thống các đào tạo thẩm mỹ Hàn Quốc Poly K-Beauty

Hệ thống đào tạo thẩm mỹ Hàn Quốc Poly K-Beauty, hoạt động từ tháng 10/2016, do Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic hợp tác cùng ACE thành lập, cấp chứng chỉ của Đại học FPT và ACE  tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tại Hệ thống đào tạo thẩm mỹ Hàn Quốc Poly K-Beauty, học viên được đào tạo theo chương trình chuẩn của ACE.

Ngoài ra, học viên còn được học kiến thức về Quản trị kinh doanh, Marketing, Truyền thông để có thể tự làm chủ sau khi tốt nghiệp.

Đặc biệt, học viên được hỗ trợ 100% nguyên liệu thực hành, được công nhận tín chỉ để chuyển tiếp học tập tại các trường cao đẳng, đại học tại Hàn Quốc cũng như được FPT Polytechnic hỗ trợ giới thiệu việc làm cho đến khi có việc.

Sau 12 tháng theo học, học viên được tạo điều kiện để thi lấy Chứng chỉ của International Professional Standards Network (IPSN) – Mạng lưới tiêu chuẩn chuyên nghiệp quốc tế được công nhận tại các quốc gia lớn cũng như lấy US State License – Chứng nhận hành nghề thẩm mỹ làm đẹp của chính phủ Mỹ ngay tại Việt Nam.



Xem nguồn

Giải pháp nào cho tuyển sinh Đại học?

Posted: 20 Oct 2016 09:25 AM PDT


LTS: Phương án thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2017 đã được công bố với nhiều sự đổi mới, trong đó nổi bật là việc thi 2 tổ hợp bài thi theo dạng trắc nghiệm được cho sẽ giúp đánh giá bao quát kiến thức học sinh.

Tuy nhiên, đánh giá về cách ra đề thi này, thầy giáo Trần Trí Dũng (một giáo viên dạy học ở Quảng Ninh) nhận xét cách thi theo tổ hợp trắc nghiệm sẽ khó phân loại học sinh, do đó cần các trường thảo luận kĩ đưa ra phương án tuyển sinh Đại học, Cao đẳng phù hợp.

Góp ý cho các trường hiện nay vẫn chưa chọn được phương án tuyển sinh, thầy giáo Trần Trí Dũng đề xuất những ý kiến trong bài viết của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Phương án thi mới khiến các trường Đại học, Cao đẳng khó phân loại thí sinh

Năm 2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương chính thức tổ chức kỳ thi tuyển sinh  Đại học với phương thức 3 chung.

Cụ thể, hầu hết tất cả các trường Đại học trong cả nước sẽ thi tuyển sinh trên cơ sở chung một đề thi, chung một đợt thi và thí sinh sử dụng chung kết quả thi để xét tuyển vào Đại học.

Cho tới năm 2015, phương thức 3 chung vẫn được áp dụng và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thêm chủ trương thi theo cách thức 2 trong 1. Theo đó, hai kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học được nhập chung làm một.

Với phương thức và cách thức này được xem là khá tích cực trong việc giảm áp lực thi cử, đơn giản và đỡ tốn kém cho xã hội.

Giải pháp nào cho tuyển sinh Đại học? (Ảnh: Dung Phương).

Theo phương thức và cách thức đó, đề thi phải có tính phân hóa và phân loại thí sinh theo hai yêu cầu, đó là vừa kiểm tra kiến thức của thí sinh thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông và vừa để đánh giá được khả năng của những thí sinh thi vào Đại học.

Việc tổ chức chung một kỳ thi tuyển sinh cho các trường Đại học nhằm giảm áp lực đối với thí sinh nhưng đặt ra vấn đề chuyên môn chất lượng đầu vào cho các trường Đại học; bởi lẽ, yêu cầu tuyển sinh đối với từng khối thi, ngành học và trường thi là khác nhau.

Theo phương án chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mùa thi năm 2017 có cách thức thi tổ hợp các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.

Với chủ trương này được xem là khá tích cực trong việc bảo đảm kiến thức toàn diện đối với thí sinh, tuy nhiên, với cách thức này đặt ra yêu cầu về tuyển sinh đối với các trường Đại học.

Trên thực tế, việc thi tổ hợp các môn học với 20 câu hỏi cho mỗi môn trong một đề thi gồm khoảng 60 câu sẽ khó đánh giá được năng lực của thí sinh cho việc xét tuyển Đại học, bởi mỗi một khối thi và trường thi có sự đòi hỏi khác nhau. 

Trước đây theo truyền thống, các trường Đại học tuyển sinh theo các khối thi có sự phân chia các môn thi tương đối rõ ràng, cụ thể có bốn khối thi cơ bản phổ biến là A, B, C, và D.

Nhiều trường Đại học khẩn trương xây dựng phương án tuyển sinh 2017

Nay thi theo hình thức tổ hợp, yêu cầu về tính chuyên sâu đối với từng môn đã giảm bớt, như thế sẽ ảnh hưởng tới chuyên môn và chất lượng đầu vào của các trường Đại học.

Điều đó có nghĩa là đặt ra vấn đề các trường Đại học phải có phương án riêng cho mình, nếu như thế thì thực chất chúng ta sẽ quay về lối cũ là các trường tự tổ chức tuyển sinh cho trường mình như những năm trước đây.

Vậy giải pháp nào là hợp lý nhất cho các trường trong khâu tuyển sinh Đại học?

Trên thực tế các trường Đại học vẫn còn đang lúng túng và hoang mang trong khâu tuyển chọn (xem bài “Nhiều trường Đại học khẩn trương xây dựng phương án tuyển sinh 2017" – Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam).

Vì thế, bài viết này xin được đóng góp một số ý kiến để các trường tham khảo khi xây dựng phương án tuyển sinh cho trường mình.

Góp ý xây dựng phương án tuyển sinh các trường Đại học, Cao đẳng

Theo phương án  xét tuyển, thi và tuyển sinh năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, việc tổ chức tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy gồm 4 phương thức tuyển sinh

1) Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi Trung học Phổ thông Quốc gia. 

2) Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp Trung học Phổ thông kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh. 

3) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp Trung học Phổ thông. 

4) Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh. 

Với bốn phương án này thì cũng có nghĩa là các trường Đại học và Cao đẳng phải chủ động nhiều trong khâu tuyển sinh của trường mình.

Khi đó, phương án tuyển sinh riêng đối với các trường Đại học phải đảm bảo được hai yêu cầu:

Phó giáo sư Nguyễn Phương Nga giải đáp về Dự thảo thi quốc gia 2017

Một là, không tốn kém cho xã hội và đánh giá đúng năng lực của thí sinh theo yêu cầu của từng trường và từng ngành.

Hai là, phương án tuyển sinh phải gắn với thực tế không làm phát sinh tình trạng luyện thi tràn lan.

Với những yêu cầu này thì theo tôi, cách thức thi như của Đại học Quốc gia Hà Nội là phù hợp hơn cả.

Theo đó, thí sinh phải làm bài thi đánh giá tổng hợp năng lực trên cơ sở các câu hỏi trắc nghiệm khách quan và làm bài trên máy tính. Tuy nhiên, nếu các trường thực hiện theo phương án này thì phải có sự chuẩn bị thật tốt về ngân hàng câu hỏi cũng như trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác tuyển sinh.

Trên thực tế sẽ có ít trường có đủ điều kiện và khả năng để thực hiện điều này. 

Khi các trường chưa đủ điều kiện để tổ chức thi như Đại học Quốc gia Hà Nội thì trong bốn phương án nói trên, phương án 2 là hay hơn cả.

Theo đó, các trường Đại học xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở cấp Trung học Phổ thông của thí sinh kết hợp với bài thi đánh giá năng lực và sự hiểu biết về ngành nghề mà thí sinh lựa chọn.

Theo truyền thống của nhiều năm tuyển sinh trước đây, đa phần các trường đều tổ chức thi các môn khoa học cơ bản, trừ một số trường về năng khiếu; vì thế, các trường nên đánh giá lại chất lượng của sinh viên đầu vào để từ đó có phương án thích hợp.

Ở đây cần xét đến hai tiêu chí:

Một là năng lực của thí sinh xét trên kết quả học tập ở bậc Trung học Phổ thông và kết quả thi của kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia.

Hai là năng lực chuyên biệt của thí sinh dựa trên sự hiểu biết về ngành nghề đã chọn.

Khi đó, việc xét tuyển sẽ dựa trên ba tiêu chí:

Một là kết quả thi của kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia.

Hai là kết quả học tập ở bậc Trung học Phổ thông.

Ba là một bài thi riêng đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh.

Dự kiến 5 phương thức xét tuyển Đại học, Cao đẳng tại kỳ thi 2017

Đối với kết quả thi của kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia được xét trên cơ sở điểm trung bình cộng của các môn thi để đánh giá kiến thức và năng lực toàn diện của thí sinh.

Đối với kết quả học tập ở bậc Trung học Phổ thông cũng được tính trung bình cộng ở các môn học theo từng khối thi truyền thống.

Đối với bài thi riêng đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh được thi theo hình thức trắc nghiệm và tính điểm riêng.

Khi đó, điểm xét tuyển sẽ dựa trên tổng điểm của ba kết quả đó, được xét theo mô hình hình nón từ cao xuống thấp, theo chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường.

Để thuận tiện cho thí sinh và các trường trong khâu xét tuyển, kết quả học tập của thí sinh ở bậc Trung học Phổ thông sẽ được ghi trong bảng tổng kết các năm học của thí sinh trên cơ sở của học bạ có chữ ký xác nhận của giáo viên chủ nhiệm và Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông.

Với phương án đó các trường Đại học sẽ vất vả hơn trong khâu tuyển chọn nhưng đảm bảo được yêu cầu về chất lượng đầu vào.

Trên cơ sở phân tích trên, chúng tôi hy vọng rằng các trường sẽ có phương án thích hợp cho trường mình.



Xem nguồn

SEQAP đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra

Posted: 20 Oct 2016 08:43 AM PDT


Cùng dự cuộc họp có các ông: Michel Welmond – Trưởng nhóm Chuyên gia Giáo dục, Ngân hàng Thế giới; Hans Lambrecht – Cố vấn Hỗ trợ Ngân sách, Cơ quan phát triển Bỉ; Trần Đình Thuận – Giám đốc Ban quản lý dự án SEQAP, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư…

Mục tiêu của đợt đồng đánh giá cuối cùng nhằm đưa ra các khuyến nghị cho quý cuối cùng và giai đoạn kết thúc dự án. Buổi họp này cũng chuẩn bị cho báo cáo kết thúc dự án.

Đợt đánh giá cuối kì của SEQAP nhằm đánh giá tiến độ thực hiện từ tháng 4 đến tháng 9/2016, bao gồm các hoạt động trong các quý II và II của kế hoạch hoạt động năm 2016

Các phiên làm việc kĩ thuật từ ngày 10-14/10 nhằm xem xét các hợp phần về giám sát và đánh giá; các nguồn lực hướng tới trẻ em vùng khó; kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số; cải thiện khung chính sách; cải thiện cơ sở vật chất; quản lý tài chính, mua sắm, đấu thầu và phát triển bền vững khi SEQAP kết thúc.

Đoàn công tác đã tổ chức hội thảo đánh giá tác động và hiệu quả của chương trình vào ngày 15/10; đi thực địa tại hai huyện Đắc Tô và Kon Rẫy (Tỉnh Kon Tum), làm việc với chính quyền địa phương.

Tóm tắt về kết quả thực hiện của chương trình, ông Trần Đình Thuận – Giám đốc Ban quản lý dự án SEQAP – cho biết: Tại thời điểm cuối năm học 2015-2016, có 1.628 trường tiểu học ở 284 huyện thực hiện SEQAP với 647.117 học sinh, trong đó có 281.781 học sinh dân tộc thiểu số. Có 606.220 học sinh học cả ngày, chiếm tỉ lệ 94%.

Chương trình đã tổ chức xây dựng các tài liệu phục vụ dạy học cả ngày (FDS) như sổ tay hướng dẫn hoạt động của các trường FDS, các cuốn sách dạy học đảm bảo chất lượng môn tiếng Việt và môn toán, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường tiểu học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn qua phân tích bài học và khai thác chuyên đề dạy học…

Chương trình còn có các hoạt động hỗ trợ nhà trường và học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên…

Ông Trần Đình Thuận nhận định: SEQAP đã hoàn thành các mục tiêu của chương trình, đã đạt được nhiều thành công trong tất cả các hợp phần. Nhiều hoạt động đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Chương trình đã thay đổi nhận thức về dạy học cả ngày của nhân dân và cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm cho trường và các cấp quản lý để chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình, SGK mới cũng như góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của cấp tiểu học.



Các đại biểu quốc tế phát biểu tại cuộc họp

Ông Michel Welmond – Trưởng nhóm Chuyên gia Giáo dục, Ngân hàng Thế giới – nhận xét: SEQAP đã cơ bản đạt được những chỉ số, mục tiêu đã đề ra, có sự cải thiện rõ rệt trong các chỉ số. Hầu hết các hoạt động đã được thực hiện trong kế hoạch.

Một trong những thành công lớn nhất của SEQAP chính là sự đóng góp vào chương trình bồi dưỡng giáo viên quốc gia. Phòng học, nhà vệ sinh, phòng đa năng được xây dựng đã đóng góp đáng kể vào những thành công của SEQAP.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao kết quả của việc thực hiện chương trình SEQAP trong thời gian vừa qua và khẳng định đến thời điểm này đa số các chỉ số của dự án đã đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Dự án giúp cho những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được thụ hưởng cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng, đó là điều kiện rất tốt để có thể duy trì việc dạy học cả ngày.

Dự án đã đạt rất nhiều thành công. Sau khi kết thúc dự án, dưới sự tham mưu của các Vụ/ Cục chức năng, Bộ GD&ĐT sẽ có chỉ đạo để tiếp tục duy trì việc dạy học cả ngày. Bộ sẽ tiếp nhận toàn bộ các sản phẩm nghiên cứu cũng như kết quả của SEQAP để sử dụng cho các trường dạy học cả ngày trên toàn quốc.

“Bộ GD&ĐT mong muốn sẽ tiếp tục có các dự án, chương trình tương tự SEQAP cho các vùng khó khăn, vùng sâu xa, vùng đông học sinh dân tộc thiểu số” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.



Xem nguồn

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng phản biện GS. Hồ Ngọc Đại về công nghệ giáo dục

Posted: 20 Oct 2016 08:01 AM PDT


LTS: Sau bài viết “Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại và sự im lặng khó hiểu của giới chuyên môn”, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài phản biện Giáo sư Hồ Ngọc Đại về giáo dục từ Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Viện trưởng Viện toán lý thuyết – Viện Toán học Toulouse – Cộng hòa Pháp, Giáo sư Đại Học Toulouse.

Được biết Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng từng là học sinh Việt Nam trẻ nhất đạt Huy chương vàng Toán Quốc tế năm ông 14 tuổi rưỡi. Ông được phong Giáo sư Toán tại Đại học Toulouse năm 32 tuổi. Năm 2015, Chính phủ Pháp phong ông làm Giáo sư ngoại hạng.

Loạt bài phản biện Giáo sư Hồ Ngọc Đại về giáo dục đã được Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng viết từ năm 2012, bao gồm 6 phần.

Nay để rộng đường dư luận và góp thêm tiếng nói bàn bạc vấn đề dư luận các nhà giáo, phụ huynh và học sinh Việt Nam đang quan tâm liên quan đến Công nghệ giáo dục và sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng 6 nội dung phản biện của ông.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc lần lượt 6 vấn đề Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng phản biện Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Văn phong và nội dung bài viết phản ánh nhận thức, quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt. 

GS.Hồ Ngọc Đại là một người cả đời nghiên cứu về giáo dục, nên ắt hẳn phải thâm hiểu hơn tôi nhiều về triết lý giáo dục.

Tuy nhiên, có một số tư tưởng của ông liên quan đến những vấn đề cơ bản của giáo dục làm tôi rất băn khoăn, nên muốn đem ra đây bàn cãi.

Phần 1: Từ trừu tượng đến cụ thể hay là từ cụ thể đến trừu tượng?

Một trong các phương châm của GS.Hồ Ngọc Đại "từ trừu tượng đến cụ thể". (Phương châm này thể hiện khá rõ trong chương trình lớp 1 "công nghệ giáo dục" về toán và tiếng Việt của Hồ Ngọc Đại, mà tôi sẽ bàn phía dưới). 

Ví dụ, trong bài "Giải pháp phát triển giáo dục: từ góc nhìn nghiệp vụ sư phạm" [1] có đoạn:

“Một. Nguyên tắc phát triển. Môn học thiết kế theo lôgích nội tại của Hệ thống khái niệm khoa học, tôn trọng sự phát triển tự nhiên của Đối tượng, không có sự cưỡng bức từ ngoài. 

Sự phát triển này sẽ là tối ưu, nếu quá trình đi từ trừu tượng đến cụ thể, từ chung đến riêng, từ đơn giản đến phức tạp…”

"Từ đơn giản đến phức tạp" thì đúng quá rồi, vì phải có các yếu tố đơn giản mới hợp lại thành phức tạp được.

Nhưng tại sao lại "từ trừu tượng đến cụ thể, từ chung đến riêng"?! 



Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng. 

Theo tôi thì ngược lại mới đúng, tức là phải đi từ riêng đến chung, đi từ cụ thể đến trừu tượng, mới là quá trình học tự nhiên. 

Nhiều khi "khái niệm trừu tượng" chỉ là cái vỏ, có hay không không quan trọng bằng cái ruột bên trong ra sao.

Khi có "ruột" rồi mới cần "vỏ" để "đóng gói" lại cho "ngăn nắp" chứ toàn vỏ không mà rỗng ruột thì chẳng để làm gì. 

Khi tôi nói chuyện với các SV ngành toán, có nhận thấy rằng nhiều bạn thông minh nhưng hổng kiến thức cơ bản, chính vì học một cách quá trừu tượng mà thiếu ví dụ cụ thể. 

Ví dụ như học giải tích hàm với các không gian rất trừu tượng, nhưng không viết được công thức Parceval cho chuỗi Fourier.

Không phải vô cớ mà Albert Einstein từng nói: Dạy học bằng ví dụ không phải là "một cách dạy học" mà là "cách duy nhất để dạy học".

Chắc GS.Hồ Ngọc Đại sẽ đồng ý rằng các kiến thức về thần kinh học (neuroscience) giúp ích rất lớn cho các ngành khác như tâm lý học và giáo dục học.

Theo hiểu biết hạn chế của tôi, thì hệ thần kinh gồm có các tế bào thần kinh được nối với nhau bởi các "dây nối" chằng chịt thành một mạng (hình dung tương tự như mạng internet).

Thông tin chứa đựng trong một cụm tế bào thần kinh càng dễ được kích hoạt nếu cụm tế bào đó càng có nhiều dây nối đến các tế bào khác.

Khi con người học một khái niệm hay bất cứ một cái gì đó mới, thì hệ thần kinh ghi nhớ lại khái niệm đó vào trong một cụm tế bào thần kinh, và tạo cầu nối từ cụm tế bào đó đến các tế bào khác.

Để tạo được các cầu nối tức là phải nhận ra được các sự liên quan.

Một  khái niệm trừu tượng khi vào não phải có được những cái gì đó đã có trong não để "bám víu" vào qua các cầu nối, thì mới giữ lại được và dùng được chứ không thì dễ bị quên đi hoặc tốn chỗ vô ích.

Những ví dụ cụ thể dễ hiểu và những khái niệm đã quen thuộc chính là những thứ để khái niệm trừu tượng mới bám vào.

Có cần dạy "toán cao cấp" cho học sinh cấp 1?

GS.Hồ Ngọc Đại tự hào về việc dạy "toán hiện đại, cao cấp" cho học sinh cấp 1 ở trường thực nghiệm. Ví dụ, bài báo "Nhiều phụ huynh chẳng hiểu gì về trường thực nghiệm" [2] có đoạn:

“Trẻ con lớp 1 ở trường Thực nghiệm được học tiếng Việt, toán hiện đại, cao cấp. Hiện đại không có nghĩa là nửa vời mà là tư duy hiện đại, tư duy theo cách làm việc và cũng cần xác định tư duy cái gì, làm việc cái gì là tốt và xứng đáng nhất với trẻ con.”


Các từ "hiện đại, cao cấp" ở đây có thể gây cho một số người hiểu nhầm là trẻ em cấp 1 có thể học được toán cao cấp thật. (Có là thần đồng toán học thời nay như Terrence Tao cũng không giỏi đến mức vậy). 

Nói một cách chính xác hơn, thì "toán hiện đại, cao cấp" của GS.Hồ Ngọc Đại chủ yếu là đưa một ngôn ngữ toán học trừu tượng vào cho học sinh cấp 1 học, chứ thực ra không có kiến thức "cao cấp" ở đó. 

Nếu chúng ta bỏ một cái xe đạp 3 bánh cho trẻ con vào 1 cái vỏ thùng xe máy, thì không vì thế mà xe đạp 3 bánh biến thành xe máy.

Một "kiện hàng" mà "vỏ" quá nặng thì "ruột" bị nhẹ đi.

Tôi e là khi học sinh lớp 1 mất quá nhiều thời gian vào việc "tiêu hóa" ngôn ngữ toán học hình thức, thì thời gian dành cho việc học những khái niệm cơ bản nhất của toán học lại bị giảm đi, dẫn đến hổng kiến thức cơ bản.

Và kết quả môn toán của các học sinh học chương trình thực nghiệm của GS.Hồ Ngọc Đại cũng không lấy gì làm khả quan lắm, như bài báo "Trường thực nghiệm: hóa ra là …" [3] phản ảnh.  

GS Ngô Bảo Châu hay được lấy làm ví dụ về sự thành công của trường thực nghiệm, nhưng có một chi tiết mà báo chí bỏ qua.

Đó là Giáo sư Châu được gia đình cho ra học trường khác sau một thời gian thấy học ở trường thực nghiệm không đạt kết quả tốt về môn toán.

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, luôn cần làm 4 phép tính cộng trừ nhân chia, chứ mấy khi sử dụng các thuật ngữ trừu tượng như "phần bù của tập hợp A trong tập hợp B".

Trẻ em không dùng ngôn ngữ trừu tượng như là "phần bù của tập hợp A trong tập hợp B" thì không có nghĩa là không biết làm phép toán đó.

Mà chỉ có nghĩa là nó suy luận một cách cụ thể hơn, trực tiếp hơn, không cần phải qua cái "vỏ" trừu tượng hình thức hóa đó.

Ngôn ngữ trừu tượng hình thức trong toán học là cần thiết ở những mức độ nào đó, nhưng lạm dụng nó thì chỉ làm cho mọi thức trở nên rối rắm phức tạp mà không đi vào bản chất vấn đề.  

Ông V.I. Arnold có viết mô tả những người bị "mắc bệnh hình thức" trong toán học đại loại như sau:

Thay vì nói "Vova rửa tay" thì người ta nói "có một tập hợp các trạng thái tay của Vova gồm có các phần tử là …, có một thời điểm T mà trước thời điểm đó tay Vova ở trạng thái bẩn, sau thời điểm đó trở thành trạng thái sạch, v.v."

(Nghe nói ông Kolmogorov thời thế kỷ 20 cũng mắc sai lầm đưa lý thuyết hình thức về tập hợp vào dạy đại trà cho trẻ nhỏ ở Nga nhưng rồi phải bỏ sau khi bị la ó phản đối?)

Tất nhiên, khi xã hội thay đổi, hiện đại lên, thì việc dạy các môn học cũng cần hiện đại lên theo. Nhưng "hiện đại" và "hình thức" là hai thứ hoàn toàn khác biệt.

Trong thế giới hiện đại, học sinh có thể được trang bị một cái "cặp điện tử" chỉ nặng có 1kg mà vừa viết, vừa vẽ, vừa đọc, v.v. được trên đó thay vì một cái cặp với đống sách vở giấy bút nặng chình chịch.

Nhưng khi học chúng vẫn cần phải đi lên từ những cái cụ thể, quen thuộc rồi mới hiểu được các thứ hình thức trừu tượng. 

Tài liệu tham khảo:

[1]http://daotao.vtv.vn/giai-phap-phat-trien-giao-duc-tu-goc-nhin-nghiep-vu-su-pham/

[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/GSHo-Ngoc-Dai-Nhieu-phu-huynh-chang-hieu-gi-ve-truong-Thuc-nghiem-post60468.gd

[3]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/truong-thuc-nghiem-hoa-ra-la-1337182214.htm



Xem nguồn

Chuyện chỉ tiêu và bệnh thành tích trong ngành giáo dục

Posted: 20 Oct 2016 07:18 AM PDT


LTS: Bệnh thành tích trong lớp học, tại các trường từ đâu mà ra? Hãy nghe thầy giáo Nguyễn Cao lý giải về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Ngày 11/10/2016, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng bài "Bệnh thành tích đã ngấm vào thầy cô, cán bộ quản lý đến mức biết sai vẫn làm" của tác giả Thùy Linh đã thể hiện một điểm nhìn khá đúng với thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay, đó là cấp nào cũng thể hiện bằng những bản báo cáo đẹp để làm vui lòng nhau nhưng thực tế thì chưa hẳn là vậy.

Bệnh thành tích vẫn âm thầm "xâm nhập" từ người này sang người khác, từ đơn vị này đến vị khác, từ cấp thấp đến cấp cao…

Năm nào cũng vậy, khi bước vào năm học được khoảng một tháng là các đơn vị trường học tổ chức hội nghị công nhân viên chức nhà trường.



Khó “cai nghiện” bệnh thành tích trong giáo dục (Ảnh: vtv.vn).

Tại Hội nghị này tất cả các chỉ tiêu của tập thể và cá nhân được đưa ra, có những chỉ tiêu xuất phát từ nhu cầu của giáo viên nhưng có những chỉ tiêu được ấn định từ cấp trên đưa xuống.

Và, một khi đã đặt ra chỉ tiêu rồi thì cũng đồng nghĩa cả tập thể và từng cá nhân phải thực hiện.



Một điều không thể phủ nhận được là không thi đua thì không thể có sự phát triển, không thúc đẩy được chất lượng giảng dạy của nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung nhưng có những phong trào thi đua chỉ chạy theo số lượng thì vô tình đang đẩy giáo viên tới rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chất lượng của học sinh thì thấp mà năm nào cũng đặt ra chỉ tiêu học sinh khá giỏi cao nên rồi giáo viên phải tìm mọi cách để nâng lên để "đạt và vượt chỉ tiêu" đã được giao.

Có một nghịch lí ở ngành giáo dục là các chỉ tiêu của năm học mới sẽ phải cao và đẹp hơn năm trước, chính vì thế mà nhiều chỉ tiêu như tỉ lệ  học sinh khá giỏi cứ mãi được đẩy lên cao và tỉ lệ học sinh yếu kém được hạ tới mức thấp nhất.

Điều này cũng đồng nghĩa cách đánh giá về học tập và hạnh kiểm của học sinh ngày càng hướng tới số lượng, còn chất lượng thật thì chỉ có… người trong nghề mới biết.

Là một đơn vị thuộc diện còn khó khăn nhưng năm học vừa qua trường chúng tôi có tỉ lệ học sinh giỏi tới trên 29 %. Nhưng so với một số trường lân cận trong huyện thì trường chúng tôi vẫn còn thấp hơn, tỉ lệ yếu kém của trường là 2,8 %…

Điều này cũng đồng nghĩa năm học này trường phải đặt ra chỉ tiêu là có ít nhất 30% học sinh đạt loại giỏi, và, cứ tính theo tỉ lệ này thì rõ ràng tìm những học sinh trung bình trong lớp sẽ khó hơn rất nhiều những em học sinh khá giỏi bởi chỉ tiêu đặt ra đã hơn 70% khá và giỏi…

Nếu số lượng học sinh giỏi ở đây là thực như số lượng thì rõ ràng trường của chúng tôi không có gì phải bàn thêm nữa, bởi mục tiêu giáo dục đã quá đạt, song, hình như đó mới là số lượng, còn chất lượng thật thì không phải vậy.

Ngoài các chỉ tiêu về chất lượng giảng dạy thì nhà trường cũng đưa ra hàng loạt các chỉ tiêu về viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh; ôn thi học sinh giỏi.

Tất cả được căn cứ vào số lượng của các năm học trước và bao giờ cũng lấy phương châm là "năm sau phải cao hơn năm trước".

Chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm đã được bàn và nói khá nhiều nhưng có lẽ câu chuyện này vẫn còn rất dài, bởi ngay đầu năm học, bản thân người viết bài này đã nhận được rất nhiều lời "nhờ vả" từ đồng nghiệp.

Người thì nhờ sửa, người nhờ viết đề cương và có người không ngần ngại nhờ tôi viết rồi lấy bao nhiêu tiền thì lấy. Nói ra thì thật chua xót nhưng nó lại đang là thực tế của nhiều đơn vị trường học.

Cứ đến mùa sáng kiến kinh nghiệm là các giáo viên văn trong trường lại thêm bận rộn bội phần.

Đồng nghiệp trong trường nhờ sửa chữa đề tài như chỉnh lại các câu cho đúng ngữ pháp, bố cục văn bản hay sửa một số lỗi chính tả thì không sao nhưng có những giáo viên không biết một tí gì về sáng kiến kinh nghiệm cũng đăng kí rồi sau đó nài nỉ anh em trong đơn vị viết giùm thì thật là những nỗi bi hài trong đơn vị trường học.



Không viết thì giận hờn, nói này nói khác mà viết cho thì còn đâu nhân cách của một người thầy? Hơn nữa mỗi người một chuyên môn khác nhau, không phải cái nào cũng làm được.

Bệnh thành tích sẽ còn "lây lan" đến khi nào mà Ban Giám hiệu các đơn vị còn "ấn định" chỉ tiêu cho từng tổ chuyên môn, từng giáo viên, và, chuyện học sinh lớp 6, lớp 2 không biết viết tên mình sẽ không dừng lại ở một vài trường hợp như báo chí đã nêu trong thời gian qua.

Bởi không chỉ giáo viên, nhà trường chạy theo bệnh thành tích và ngay cả Điều lệ trường trung học cũng quy định rõ tại: Khoản 3, Điều 37, Điều lệ trường Trung học Cơ sở, trường Trung học Phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học.

Vì thế, dù học sinh học yếu cỡ nào cũng chỉ có thể cho các em lưu ban chỉ 1 lần/ cấp học!



Xem nguồn

Đạt điểm thi khối B cao nhất mà chưa dùng máy tính, nói không với mạng xã hội

Posted: 20 Oct 2016 06:36 AM PDT


Kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016 cho thấy, Nguyễn Minh Đức đã trở thành học sinh có điểm thi khối B cao nhất của tỉnh Phú Thọ; đồng thời là 1 trong 6 người có điểm thi khối B cao nhất toàn quốc (28,5 điểm).

Để có những kết quả cao như vậy đối với Đức không có gì đáng ngạc nhiên mà chỉ là một chút bất ngờ.

Không ngạc nhiên bởi trong suốt quá trình học tập, Đức luôn được các thầy cô đánh giá là thông minh, nhanh nhẹn, chăm chỉ, chịu khó tư duy, tìm tòi và đưa ra những câu hỏi phản biện.



Sinh viên  Nguyễn Minh Đức (đứng thứ 3 từ bên phải sang)

Suốt 3 năm học, Đức đều có điểm học tập trung bình môn từ 9,0 trở lên cùng nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở các môn Toán, Sinh.

Tuy nhiên, khi đạt điểm "thủ khoa" với Đức có chút bất ngờ, Đức chia sẻ: “Ở tỉnh Phú Thọ có nhiều bạn thành tích cao, xuất sắc. Trong khi "không phải tất cả các câu em đều chắc chắn đáp án. Nhưng nhớ lời thầy cô dặn, nếu gặp câu hỏi quá khó thì dùng phương pháp loại trừ.

Gặp câu khó em tạm bỏ qua, tập trung làm trước những câu dễ rồi quay lại suy nghĩ những câu khó sau. Nhờ đó em đã có thực hiện ước mơ được trở thành sinh viên ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội”.

Cô Nguyễn Thị Minh Hương, giáo viên chủ nhiệm của Nguyễn Minh Đức không giấu được niềm vui xen lẫn tự hào khi nhắc đến cậu học trò ngoan:

“Ở trong lớp, em Đức là học sinh học đều tất cả các môn, có ý thức tốt. Khi học em thường trao đổi phương pháp học với thầy cô và bạn để tìm ra cách giải nhanh nhất.

Em nắm rất chắc kiến thức trong sách giáo khoa nhưng cũng chịu khó tham khảo ở thư viện nhà trường.

Chúng tôi biết đến Đức là một học sinh ngoan, chịu khó học. Đức không sa đà vào các trò chơi điện tử, điện thoại, mạng xã hội… Những lúc rảnh rỗi em thường phụ giúp mẹ hái sen, bóc sen, phơi sen, làm việc nhà và dạy e học", cô Hương chia sẻ.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy cho biết, mặc dù nhà trường còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đại trà, nhà trường luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng mũi nhọn, phát triển năng lực học sinh, khơi dậy và vun đắp tinh thần tự giác, khả năng tự học, ý thức vươn lên của học sinh.

Nhiều năm liền trường THPT Thanh Thuỷ đã có kết quả thi tuyển sinh Đại học-Cao đẳng nằm tốp 200 trường THPT có kết quả thi cao nhất cả nước và kết quả thi THPT quốc gia xếp trong tốp đầu của tỉnh Phú Thọ.

Năm học 2015-2016, trường THPT Thanh Thủy có rất nhiều lớp đạt kết quả cao, trong đó 12A1 của Đức là lớp tiêu biểu.

Ở cuộc thi Nghiên cứu khoa học-kỹ thuật dành cho học sinh Trung học, lớp đã có 2 học sinh đoạt giải Ba cấp quốc gia và đã được tuyển thẳng vào trường Đại Công nghệ – Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, lớp có 2 học sinh có điểm thi tổ hợp ba môn xét Đại học cao nhất và  nhì  tỉnh Phú Thọ, trở thành thủ khoa khối B và khối A của cụm thi Đại học Hùng Vương.

Những ngày này, Đức đang hân hoan chuẩn bị hành trang để bước vào chặng đường mới, thực hiện ước mơ "trở thành bác sỹ-trước hết để chữa bệnh đau đầu cho mẹ, sau để chăm sóc sức khỏe cho mọi người, nhất là những người nghèo" như em thường tâm niệm.

Khép lại chặng đường đã qua, Đức đã chia sẻ kinh nghiệm để học tốt và thi đạt điểm cao là quá trình học phải nắm chắc kiến thức cơ bản sau đó mới tìm hiểu sâu. Khi đi thi tâm lý vững vàng, đưa ra phương pháp hợp lý, nỗ lực đến 200% khả năng của mình.

Hàng ngày Đức vẫn phải dành thời gian cho việc thư giãn, cân bằng thời gian học với chơi. Có thể nghe nhạc, xem phim, giúp đỡ bố mẹ việc nhà.

Xác định kiến thức chính nằm trong sách giáo khoa, khi cần mở rộng tìm hiểu thêm thì vào thư viện của trường, Đức không tham gia mạng xã hội để tập trung cho việc học, không chơi game, không máy tính mà luôn tự tin và quyết tâm thực hiện ước mơ của mình.



Xem nguồn

Nam sinh bị bạn dùng búa đánh dã man giữa đường

Posted: 20 Oct 2016 05:54 AM PDT


 – Một nam sinh bị bạn dùng búa đánh giữa đường. Vụ việc đang được công an xác minh làm rõ.

Hôm nay, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn clip dài khoảng 34 giây ghi lại cảnh một nam sinh bị bạn dùng búa đánh rất dã man.

Theo đó, đoạn clip quay lại một nam sinh to lớn liên tục dùng tay và chân đánh, đá rất nhiều lần vào đầu và mặt một bạn nam sinh khác đang dưới đường.

Trong clip cũng xuất hiện một người khác liên tục nói: "Thôi đi, chút nữa công an lượm hết bây giờ".

Sau khi đánh bạn bằng tay, nam sinh còn mở ba lô lấy một cây búa ra rồi chặt thẳng vào tay nạn nhân. Nam sinh bị đánh chỉ ngồi bên dưới đường và ôm đầu chịu trận. Chỉ trong thời gian ngắn, đoạn clip này có được hàng ngàn lượt xem, chia sẻ và nhiều lượt bình luận.

Sau đó, cư dân mạng cho rằng, nam sinh bị đánh là học sinh lớp của THPT Tứ Kiệt đóng trên địa bàn thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).

Chiều 20/10, trao đổi với PV, thầy Phan Công Triều – Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kiệt cho biết, thông tin trên là không chính xác. "Sáng nay Công an thị xã Cai Lậy đã có buổi làm việc với ban giám hiệu trường, kết quả xác minh những học sinh trong đoạn clip này không phải là của trường", thầy Triều cho biết.

Đại tá Nguyễn Văn Nhỏ – Trưởng công an thị xã Cai Lậy cho biết, ngay sau khi xem đoạn clip trên đã cử người đến Trường THPT Tứ Kiệt xác minh. Qua xác minh lãnh đạo của trường THPT Tứ Kiệt xác nhận là không có vụ học sinh của trường bị đánh. Vì theo đồng phục của học sinh trong đoạn clip trên không phải là đồng phục của trường.

Đặng Thanh



Xem nguồn

Hơn 80 trẻ mẫu giáo bị ngộ độc thực phẩm

Posted: 20 Oct 2016 05:11 AM PDT


 – Gần 100 em học sinh mẫu giáo ở Vĩnh Long phải nhập viện cấp cứu vì bị ngộ độc thực phẩm.

Sáng 20/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, đã tiếp nhận 84 trẻ em của Trường Mầm non Họa Mi (thị trấn Tam Bình, Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng với nôn ói, đau bụng, tiêu chảy…

Thông tin ban đầu, khoảng 15h ngày hôm qua, hàng loạt học sinh của trường mẫu giáo này có biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy…

Sau đó, phụ huynh và nhà trường đã đưa các em vào bệnh viện cấp cứu.

mầm non, mẫu giáo, ngộ độc thực phẩmAnh Huỳnh Thanh Công (ngụ khóm 2, TT. Tam Bình, huyện Tam Bình) cho biết: 

"Khoảng 1h ngày hôm qua, cô giáo gọi điện nói con tôi bị ói, tiêu chảy nhiều nên gia đình tức tốc chạy đến trường chở bé vào bệnh viện cấp cứu".

Theo bác sĩ CKII Huỳnh Châu Tuấn- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tam Bình cho biết, các bé nhập viện đều có triệu chứng ban đầu nôn ói, số ít đau bụng, tiêu chảy.

"Chúng tôi đã cho các trẻ uống kháng sinh, thuốc chống nôn, nước biển khô và men tiêu hóa. Bước đầu chẩn đoán các bé bị ngộ độc thực phẩm. Hiện tại tình trạng sức khỏe các bé đã ổn định", bác sĩ Tuấn cho biết.

Do cùng lúc tiếp nhận ca bệnh quá đông, bệnh viện phải kê thêm giường và tăng cường lực lượng y, bác sĩ của các khoa khác tham gia cấp cứu và điều trị cho các bé.

Theo nhận định ban đầu, đây là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể do trẻ ăn cùng một loại thực phẩm. Hiện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long đã kết hợp với Trung tâm Y tế Tam Bình đến tiến hành điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu thực phẩm xét nghiệm điều tra nguyên nhân.

Trường Mầm non Họa Mi có 370 bé đang theo học tại các lớp, trong đó có 274 bé ăn bán trú tại trường.

Hoài Thanh



Xem nguồn

Đào tạo ngành y mới: Sẽ tập trung giảng dạy y đức

Posted: 20 Oct 2016 04:29 AM PDT


– Năm học 2016-2017, Trường ĐH Y Dược TP.HCM là trường đại học đầu tiên đào tạo bác sĩ đa khoa theo chương trình mới. 

Theo PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, đây là chương trình đào tạo bác sĩ y khoa được đổi mới một cách toàn diện đầu tiên của nước ta, nhằm đào tạo ra một thế hệ bác sĩ mới, với những phẩm chất mới. Một thế hệ bác sĩ mới có thể đương đầu với những thách thức trong tương lai của hệ thống y tế. 

đào tạo ngành y, bác sỹ đa khoa, y khoa, ĐH Y dược TP.HCM
Mô hình đào tạo ngành y mới

Ông Tuấn cũng cho biết, cho đến hiện nay mô hình y khoa của chúng ta là mô hình đào tạo của Flexner được đề xuất từ năm 1910. Đây là mô hình ứng dụng những thành tựu phát triển mạnh mẽ của y học cơ sở vào chương trình đào tạo y khoa, là mô hình tiên tiến được đưa ra để đào tạo thế hệ bác sĩ y khoa của thế kỷ 20. Thực tế những thành tựu y học đạt được trong nửa đầu thế kỷ 20 đã chứng minh tính ưu việt của mô hình này.

Tuy nhiên, bước vào nửa cuối thế kỷ 20, với những phát minh đột phá của y học hiện đại đã dần xóa ranh giới giữa các ngành khoa học trong y học. Những khám phá và hiểu biết về tâm lý giáo dục, về lý thuyết và phương pháp luận trong dạy và học, và đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin, đã buộc các nhà giáo dục y khoa nhận thức lại và chuyển đổi mô hình đào tạo, ứng dụng phương pháp dạy và học mới nhằm đáp ứng với những thách thức mới của y học trong thế kỷ 21. Theo đó, từ năm 2010, Trường ĐH Y dược TP.HCM đã khởi động quá trình tìm hiểu và đổi mới chương trình đào tạo.

Ông Tuấn cho biết, chương trình mới được xây dựng dựa trên chuẩn năng lực mà một bác sĩ y khoa cần có. Đây là chương trình lồng ghép nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa khoa học cơ bản với y học cơ sở và với y học lâm sàng. Chương trình sẽ lấy sinh viên làm trung tâm trong dạy và học. Phát triển các kỹ năng mềm cho sinh viên gồm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy tích hợp và có tính phê phán, kỹ năng ra quyết định và đặc biệt là kỹ năng học tập suốt đời.  Ngoài ra, sẽ một chương trình lượng giá có tính hệ thống nhằm đánh giá năng lực sinh viên. Sinh viên sẽ được đi thực hành sớm tại các cộng đồng và bệnh viện, qua đó hiểu được hệ thống y tế của nước ta từ trung ương tới địa phương. 

Chương trình mới cũng sẽ tập trung nhiều hơn vào giảng dạy y đức và tính chuyên nghiệp cho sinh viên, giúp sinh viên có thái độ tốt với người bệnh, đồng nghiệp và có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội trong hành nghề y sau này. Năm học 2016-2017, có 393 tân sinh viên y khoa của trường thụ hưởng chương trình mới này.

Chương trình của ĐH Y dược TP.HCM được xây dựng trên chuẩn năng lực bác sĩ y khoa đã được Bộ Y tế ban hành và dựa trên chuẩn đầu ra của trường. 

Theo mô hình mới mà Bộ y tế ban hành, thời gian đào tạo đại học hệ chính quy tại các trường ĐH Y sẽ rút xuống còn 4 năm, kể cả đối với ngành y đa khoa và y học dự phòng (hiện đào tạo 6 năm). Sau khi hoàn thành 4 năm học tại trường, sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân Y khoa. Tiếp đó, những người muốn học tiếp sẽ phân thành 2 hướng: Hệ hành nghề khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý và Hệ nghiên cứu do Bộ GD-ĐT quản lý. Những người không muốn học tiếp có thể trực tiếp tham gia thị trường lao động.

Đối với những người lựa chọn hướng hành nghề khám chữa bệnh, sẽ phải học thêm 2 năm để được cấp bằng Bác sỹ Y khoa, sau đó trải qua thêm 1 năm tiền thực hành nghề tại các bệnh viện. Sau khi kết thúc một năm thực hành tại bệnh viện, những người này phải trải qua một kỳ thi cấp quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi đa khoa. Những người được cấp chứng chỉ mới được bắt đầu hành nghề.

Để trở thành bác sĩ chuyên khoa, các bác sĩ y khoa sẽ phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm 2-3 năm chuyên khoa sau đó thi cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi chuyên khoa. Tiếp đó, để trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu, phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm từ 2 năm trở lên và thi cấp chứng chỉ hành nghề một lần nữa.

Đối với những người lựa chọn hướng nghiên cứu do Bộ GD quản lý thì phân thành 2 giai đoạn: Thạc sĩ đào tạo 2 năm và Nghiên cứu sinh đào tạo 3-4 năm, lấy bằng tiến sĩ. Tham chiếu đối với khung trình độ quốc gia thì các cử nhân Y khoa tương đương với khung trình độ bậc 6. Các bác sĩ Y khoa tương đương khung trình độ bậc 7 còn các bác sĩ chuyên khoa tương đương khung trình độ bậc 8.

Lê Huyền

Xem thêm:




Xem nguồn

Điện hạt nhân: Lợi bất cập hại?

Posted: 20 Oct 2016 03:47 AM PDT


 – “Những bất lợi của điện hạt nhân lớn hơn các lợi ích của nó mang lại, đặc biệt khi một số lợi ích được đưa ra không thực sự đúng”.

Đó là một trong những kết luận được đưa ra tại Hội thảo “Năng lượng nguyên tử ở Việt Nam và thế giới” diễn ra mới đây do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Quỹ FES và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức.

Theo ý kiến của các chuyên gia được trình bày tại hội thảo, lợi thế dễ nhìn thấy của điện hạt nhân là hiệu suất cao, không tốn nhiều diện tích khi tính lượng điện được sản xuất tương ứng trên đơn vị diện tích sử dụng.

nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, điện hạt nhân Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân
Một nhà máy điện hạt nhân ở Đức. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì điện hạt nhân không phải là loại năng lượng bền vững, không hề rẻ, không đảm bảo được an ninh năng lượng, không góp phần giảm thiểu phát thải và không phải là công nghệ năng lượng của tương lai.

Theo đó, các chuyên gia này cho rằng, chi phí thực cho "đầu tư xây dựng" nhà máy điện hạt nhân không bao gồm 12 loại chi phí phát sinh trong vòng đời dự án mà ngân sách nhà nước phải chi trả, và được thu từ người sử dụng năng lượng và người đóng thuế như chi phí hoàn thiện chính sách, chi phí mua nhiên liệu, chi phí phòng sự cố, chi phí tháo dỡ…

Không giống các nhà máy điện thông thường, khi hết tuổi thọ, nhà máy điện hạt nhân phải tốn thêm chi phí xử lý chất thải hạt nhân và chi phí tháo dỡ.

Theo kinh nghiệm của Đức, những chi phí này thậm chí còn lớn và tốn kém nhiều thời gian hơn chi phí và thời gian xây dựng nhà máy. Đây thực sự đang là áp lực lớn đối với chính phủ và người dân Đức.

Theo ông Klaus-Peter Dehde, Thị trưởng vùng Elbtau – một cộng đồng sống gần nơi lưu giữ chất thải phóng xạ, cho biết Đức đã phải bỏ ra 15 tỷ EUR để hỗ trợ và vận hành các nhà máy điện nguyên tử, khoản tiền này không bao gồm các khoản chi phí đã phải chi ra và tới đây sẽ phải chi thêm cho việc lưu giữ rác thải hạt nhân. Nếu tính tổng thể thì phải lên đến hàng nghìn tỷ EUR.

Theo kế hoạch, tới năm 2022, Đức sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân.

Bên cạnh đó, do yếu tố kỹ thuật phức tạp, các nhà máy năng lượng hạt nhân thường xảy ra lỗi và sai sót. Thậm chí nếu không có vấn đề gì xảy ra trong một thời gian dài, các lò phản ứng vẫn phải dừng để bảo trì định kỳ, hoặc tái xây dựng từng phần để đảm bảo cầ các quy định về an toàn mới. Trong thời gian tạm dừng, có thể kéo dài nhiều tháng, vẫn phải đảm bảo độ ổn định của lưới điện và phải sản xuất các nguồn năng lượng thay thế khác.

Do đó, điện hạt nhân không đảm bảo an ninh năng lượng.

Ngược lại, nhà máy điện hạt nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự cố đặc biệt trong điều kiện thiên tai bất thường và khi sự cố xảy ra thì gây ra thảm họa lớn khó có thể khắc phục. Hiện đây là loại năng lượng không công ty bảo hiểm nào tham gia đảm bảo 100%.

"Chúng tôi có đến thăm quan nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ tại Đức, trong thời gian vận hành họ đã phải dừng hoạt động khoảng 500 lần vì gặp phải sự cố".TS. Sonja Schirmbeck – Phó trưởng đại diện FES, cho hay.

Bà Kanna Mitsuta, Chương trình Năng lượng và Hạt nhân, Tổ chức Những người bạn Trái đất – Nhật Bản cho biết: "Thiệt hại (chi phí ổn định, dọn dẹp và sửa chữa) từ tai nạn hạt nhân Fukushima ít nhất là 13 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 130 tỷ đô la Mỹ), và có lẽ sẽ lên đến hàng chục nghìn tỷ yên. Đa số các chi phí này sẽ gánh vác bởi thế hệ trẻ ngày nay và các thế hệ tương lai."

Các chuyên gia cũng cho rằng, tăng sản xuất điện hạt nhân không giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Do việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tốn rất nhiều năm (trung bình 10 năm) trong khi không còn nhiều thời gian để giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm không quá 1,5 độ C, nỗ lực tăng sản xuất điện hạt nhân để cứu hành tinh sẽ trở thành những nỗ lực muộn màng.

Hơn thế nữa, theo một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE), điện hạt nhân chỉ có thể đóng góp 6% trong tổng lượng khí thải toàn cầu phải cắt giảm tính đến năm 2050.

Các chuyên gia này cũng cho rằng, điện hạt nhân điện hạt nhân không phải là một tiến bộ công nghệ. Rất ít các cải tiến trong lĩnh vực khoa học công nghệ bắt nguồn từ điện hạt nhân.

Ngược lại chi phí để sản xuất và nghiên cứu về điện hạt nhân có thể được sử dụng cho các lĩnh vực khoa học khác hiệu quả hơn. “Tương lai không còn là của điện hạt nhân mà của năng lượng tái tạo” – kết luận của hội thảo khẳng định.

nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, điện hạt nhân Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 của Việt Nam.

Từ đó, các chuyên gia bày tỏ lo ngại với những rủi ro, thách thức đối với việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam khi nhìn thấy tỉ trọng đóng góp của điện hạt nhân hiện không đáng kể (dự kiến 3,6% công suất vào năm 2030).

Bên cạnh đó, tính cấp thiết đối với việc đối với phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam vẫn còn là một câu hỏi.

Ở Việt Nam, nhu cầu về sản xuất điện hạt nhân đã giảm rõ rệt thể hiện trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Tuy nhiên, việc có xây nhà máy điện hạt nhân hay không vẫn còn đang chờ quyết định.

Cho dù chỉ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, tất cả các giải pháp về thể chế và cơ sở hạ tầng như đã đề cập ở trên (từ việc xây dựng mới Luật tới cơ quan quản lý độc lập, cho tới kế hoạch di dời cho cộng đồng cũng như nơi lưu trữ an toàn chất thải hạt nhân) vẫn cần phải được thiết lập.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là liệu sản xuất điện hạt nhân có thực sự là một đầu tư xứng đáng, có thể bù đắp cho các phí tổn phải bỏ ra để quản lý nó nhất là khi nguồn năng lượng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong nhu cầu điện quốc gia hay không.

Chưa rõ thời điểm khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận 1 và 2 được Quốc hội phê duyệt vào 11/2009. Theo đó, dự án NMĐHN Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công vào cuối 2014 và hoàn thành vào năm 2020 với tổng công suất trên 4.000 MW.

Vào giữa tháng 1/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, thời điểm khởi công điện hạt nhân Ninh Thuận có thể phải lùi lại tới năm 2020.

Trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2016, thời điểm chạy tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là năm 2028. 

Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông K.B. Komarov – phó tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga cho biết, thời điểm khởi công NMĐHN đầu tiên của Việt Nam có thể là năm 2027 hoặc 2028 chứ không phải 2021 hay 2022 như dự kiến.

7 lò phản ứng hạt nhân Trung Quốc “sát nách” Việt Nam

Hiện tại, 7 tổ máy của 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc với công suất hàng ngàn MW nằm sát biên giới phía Bắc của Việt Nam đã đi vào hoạt động. Có tổ máy nằm cách biên giới Việt Nam chỉ 50km.

Thông tin được Bộ KHCN cung cấp tại cuộc họp báo đầu tháng 10.

Theo ông Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM), hiện tại có 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành (Quảng Tây) với 2 tổ máy; nhà máy điện hạt nhân Xương Giang (trên đảo Hải Nam) với 2 tổ máy và nhà máy điện hạt nhân Trường Giang (Quảng Đông) với 3 tổ máy đã đi vào hoạt động.

“Trong đó nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành nằm rất sát Việt Nam, các điểm gần nhất của biên giới Việt Nam chỉ 50km” – ông Quang cho biết. “Theo lộ trình xây dựng thì tại các nhà máy này có thể xây dựng tới 6 tổ máy”.

Như vậy, khi cả 3 nhà máy này được xây dựng hoàn thiện, sẽ có tới gần 20 lò phản ứng hạt nhân nằm sát biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Lê Văn



Xem nguồn

Comments