Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


"Đổi mới, sáng tạo là nhu cầu tự thân"

Posted: 19 Oct 2016 10:05 AM PDT


 – Đổi mới sáng tạo là nhu cầu tự thân, tự nguyện; là động lực, khát vọng vươn lên của mỗi tập thể, cá nhân; là việc làm thường xuyên, lâu dài; bắt đầu từ việc nhỏ, diễn ra hàng ngày.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết như vậy tại Lễ tuyên dương nhà giáo, học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016 và Phát động phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học" giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 19/10.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng đổi mới, sáng tạo trong dạy và học phải được thể hiện bằng các sản phẩm, minh chứng cụ thể, thiết thực, hiệu quả cao nhất, được đồng nghiệp, bạn bè, xã hội tôn vinh, học tập và làm theo.

"Các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên hãy bắt đầu ngay từ việc xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn. Đổi mới căn bản phương pháp dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hội nhập quốc tế. Ứng dụng có hiệu quả thành tựu về công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý giáo dục và tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp,…".

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, để phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học" giai đoạn 2016-2020 có hiệu quả, ngành giáo dục cần thực sự coi trọng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước.

"Cần có chính sách trọng dụng và khuyến khích đội ngũ giáo viên có năng lực, tâm huyết, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Đây là mấu chốt để khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo đổi mới trong dạy và học, tạo nên môi trường sư phạm văn hóa, nhân văn và tiến bộ. Bộ GD-ĐT cần đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong ngành theo hướng thực chất", Phó Chủ tịch nước nhắn nhủ.

Thanh Hùng




Xem nguồn

Lịch thi học sinh giỏi quốc gia năm 2017

Posted: 19 Oct 2016 09:23 AM PDT


Trong kỳ thi này, thí sinh sẽ thi nói (độc thoại) đối với các môn Ngoại ngữ và thi thực hành đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. 

Thời gian thí sinh thi nói môn Ngoại ngữ là 10 phút/mỗi thí sinh. 

Thời gian thực hành đối với môn Vật lý, Hóa học, Sinh học là 90 phút.



Bộ Giáo dục công bố lịch thi học sinh giỏi quốc gia năm 2017 (Ảnh: Báo Lao động)

Các Hội đồng coi thi tổ chức 3 buổi thi; thời gian bắt đầu làm bài của mỗi buổi thi: 08 giờ 00.

Ngày 05/01/2017: Thi viết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy vi tính môn Tin học.

Ngày 06/01/2017: Thi viết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học; thi nói các môn Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy vi tính môn Tin học.

Ngày 07/01/2017: Thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học.

Nội dung thi sẽ theo chương trình giáo dục trung học phổ thông hiện hành và Chương trình chuyên sâu các môn chuyên cấp THPT ban hành kèm theo Công văn số 10803/BGDĐT-GDTrH ngày 16/12/2009 của Bộ GD&ĐT. 

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trực tiếp giao đề thi (chính thức và dự bị) cho Thủ trưởng đơn vị dự thi nơi đặt Hội đồng coi thi.

Trường hợp phải sử dụng đề thi dự bị, Bộ GD&ĐT sẽ quyết định và thông báo địa điểm thi, lịch thi; đồng thời, hướng dẫn việc in, sao đề thi dự bị.

Sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi, các Hội đồng coi thi bàn giao đề thi dự bị chưa sử dụng giao lại cho đơn vị dự thi sở tại.



Xem nguồn

Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại và sự im lặng khó hiểu của giới chuyên môn

Posted: 19 Oct 2016 08:41 AM PDT


LTS: Tiếp theo loạt bài sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, tác giả Hồng Thủy gửi đến quý bạn đọc một khía cạnh bất thường khác nữa.

Đó chính là sự “im lặng của những người tử tế”. Một phụ huynh là công nhân chỉ ra hàng tá lỗi nội dung trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, trong khi việc triển khai đại trà lộ rõ sự bất thường và có dấu hiệu trái luật.

Thế nhưng người trong cuộc là Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển và Giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn im lặng.

Và rộng hơn nữa là sự im lặng khó hiểu của các nhà nghiên cứu giáo dục, các tác giả chương trình sách giáo khoa hiện hành (Chương trình 2000).

Sau 3 bài viết đặt vấn đề về cơ sở pháp lý, dấu hiệu triển khai đại trà chưa qua thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và phát biểu của ông Đại nói nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giúp ông lách luật, các vị liên quan vẫn im lặng.

Người viết nhận thấy sự im lặng này có điều gì đó không bình thường, bởi các vấn đề đặt ra thuần túy liên quan đến các vấn đề luật định, quy trình học thuật và trách nhiệm giải trình những thắc mắc của dư luận.

Nhưng sự im lặng bất thường ấy không chỉ đến từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển hay Giáo sư Hồ Ngọc Đại, mà còn từ đội ngũ các nhà khoa học, các nhà giáo nước nhà trước hiện tượng này.



Giáo sư Hồ Ngọc Đại trên chương trình Đối thoại chính sách của VTV, tham gia cùng ông còn có Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (thời điểm ông Luận mới nhậm chức). Ảnh chụp màn mình chương trình của: VTV.

Tại sao một phụ huynh là công nhân có thể chỉ ra hàng tá lỗi nội dung trong sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại mà con chị đang phải học, nhưng bao năm qua không thấy nhà khoa học nào lên tiếng?

Vị phụ huynh ấy đã hỏi đích danh Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhưng ông không trả lời.

Có phải giới nghiên cứu ngại va chạm với Giáo sư Hồ Ngọc Đại?

Trên hầu hết các bài báo phỏng vấn Giáo sư Hồ Ngọc Đại về Công nghệ giáo dục của ông nói riêng, hay các vấn đề giáo dục nói chung, không khó tìm thấy những mỹ từ ca ngợi, đề cao ông từ giới truyền thông.

Nhưng không ai trong làng giáo dục Việt Nam lên tiếng về những “vấn đề” trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, cứ để mặc cho Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đến 48 tỉnh thành bất chấp những bất cập về nội dung cũng như quy trình và căn cứ pháp lý cần phải có đang bị nghi ngờ là không chuẩn.

Cũng có hai, ba chuyên gia hàng đầu về giáo dục trong và ngoài nước phản biện Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhưng mới dừng lại ở phương pháp luận, và cũng giới hạn trong khuôn khổ trao đổi cá nhân, nên người viết không tiện trích dẫn.

Còn lại đều im lặng.

Đến nhiều đời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo còn phải “gờm” ông thì quả thực Giáo sư Hồ Ngọc Đại phải có nét gì đó đặc biệt.

Và có thể đây cũng là một manh mối tìm kiếm câu trả lời về sự im lặng của giới chuyên môn về sách giáo khoa Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại.

Đọc và nghe những phát biểu của Giáo sư Hồ Ngọc Đại với truyền thông, người viết nhận thấy không quá lời khi nói rằng ông “chấp”, ông “khinh” tất cả những học giả, nhà nghiên cứu về giáo dục nước nhà mà không cùng tư tưởng “Công nghệ giáo dục” của ông.

Ông ví chương trình giáo dục hiện hành là “cày chìa vôi”, dù lưỡi cày bằng vàng hay titan đi nữa, cũng không thể sánh với “máy cày” là Công nghệ giáo dục của mình.

Giáo sư Đại nhận xét: “Bản chất của giáo dục theo cách cũ là "ngu dân", phương pháp áp đặt, nội dung nghèo nàn, cư xử bằng cưỡng bức. Cách giáo dục ấy không tôn trọng cá nhân, kìm hãm trẻ con, hứa  hão về tương lai. 

Còn tinh thần của CGD là giải phóng trẻ em, lấy hạnh phúc và sự phát triển tự nhiên của trẻ em làm mục tiêu. 

Mỗi em sẽ là một người duy nhất trong xã hội, các em phải khác nhau, khác bố mẹ và thầy cô, CGD tôn trọng suy nghĩ tự do và cá tính khác biệt”. [1]


Giáo sư Đại bình luận về chương trình sách giáo khoa hiện hành, còn gọi là Chương trình 2000: “Nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì.” [2]

Ông cũng rất “khéo” khi giải thích với lãnh đạo cấp cao về việc tại sao dư luận lại phản đối Công nghệ giáo dục của mình:

“Có một lần Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi tôi: "Trong công việc của mình, ai gây khó khăn cho anh nhiều nhất?".

Tôi trả lời là "Toàn người tốt gây khó khăn cho tôi". 

"Tại sao lại thế?" – ông Đỗ Mười ngạc nhiên.

Tôi trả lời: "Vì những người tốt đó họ tưởng tôi làm sai, để bảo vệ nền giáo dục đương thời nên họ phải chống lại lý thuyết của tôi".

Phải nói thật là lý thuyết của tôi đã đảo ngược lại toàn bộ nền giáo dục của nước ta. 

Ví dụ, tôi đề ra các nguyên tắc: học trò là trung tâm chứ không phải là thầy giáo; học là chơi chứ không phải là quá trình vật lộn đau khổ; học không có thi cử, không có chấm điểm…” [3]

Nền giáo dục Việt Nam dù đạt được những thành tựu không hề nhỏ trong bối cảnh đất nước mới thoát ra từ 2 cuộc chiến tranh, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập, yếu kém cần khắc phục.

Trên con đường thay đổi diện mạo cho nền giáo dục nước nhà, có nhiều ý kiến, quan điểm, cách tiếp cận khác nhau là việc hết sức bình thường. 

Chính điều đó cần có sự trao đổi đa chiều giữa các nhà chuyên môn, các nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và ngay cả học sinh để tìm ra những đáp án tối ưu nhất.

Nhưng lạ một điều là dường như chỉ có mình Giáo sư Hồ Ngọc Đại độc diễn.

Các nhà khoa học khác im lặng, ngay cả khi những nỗ lực của họ bị ông Đại công khai vùi dập trên VTV1:

“Nghe danh hiệu thì ghê gớm lắm, nhưng mà không biết gì đâu. Giáo sư gì, Phó giáo sư gì, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ. Tư duy cũ lắm.

Với cái lớp ấy mà nó hạn chế thì đất nước này nguy hiểm lắm.” [4]

Chính sự im lặng của các nhà nghiên cứu, các nhà làm giáo dục trước hàng loạt vấn đề liên quan đến Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại khiến dư luận hoang mang, không biết đúng sai, thật giả thế nào.

Và rồi Giáo sư Đại lên tiếng giải thích giúp dư luận trong vụ phụ huynh đạp đổ rào chắn cổng trường Thực nghiệm năm 2012 để nộp đơn xin cho con vào học: Trong hai cái tồi tệ, người ta chọn cái ít tồi tệ hơn.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải “gờm” Giáo sư Hồ Ngọc Đại như thế nào?

Người viết không có ý bất kính, bất nhã với Giáo sư Hồ Ngọc Đại khi đặt câu hỏi này.

Số là website Hệ thống Giáo dục CGD Victory mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập có đăng lại bài phỏng vấn ông của nhà báo Quỳnh Hương, Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh.



Ông Phạm Vũ Luận trong bàn tròn Đối thoại chính sách của VTV cùng Giáo sư Hồ Ngọc Đại và biên tâp viên Quang Vinh. Ảnh chụp màn hình chương trình của VTV.

Trong bài báo này, tác giả nhận xét: “Vị giáo sư có tiếng ngang ngạnh, nhiều đời Bộ trưởng phải "gờm" vì cách làm giáo dục của ông quyết liệt đến không khoan nhượng, ông nói về giáo dục luôn thẳng thắn đến "nghịch nhĩ"”.

Hay: “Vì tình yêu vô hạn mà nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại dành cho trẻ em, dân chúng đã thương mến gọi ông bằng một chức danh… hết đỗi xoàng xĩnh: Thầy giáo tiểu học Hồ Ngọc Đại.” [1]

Còn theo lời Giáo sư Đại trong diễn từ của ông khi nhận giải thưởng của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2010 thì, trong các đời Bộ trưởng, ông Phạm Minh Hạc là người phản đối quyết liệt nhất việc mở rộng hoạt động “thực nghiệm” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhưng cuối cùng ông Hạc cũng chịu thua.

Ông Phạm Minh Hạc chịu thua ông Hồ Ngọc Đại bởi trong một cuộc họp có mặt hai ông, vị lãnh đạo chủ trì kết luận: Nếu đồng chí Hạc muốn tiếp tục làm Bộ trưởng thì phải để cho Trường Thực nghiệm tái lập bậc Trung học phổ thông. [5]

Từ đó trở đi, những tiếng nói phản biện Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày càng yếu ớt.

Công nghệ giáo dục và sách giáo khoa của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng bắt đầu “bung” khỏi Trường Thực nghiệm từ đây, có lúc đã lan tới 43 tỉnh thành trong cả nước.

Trong đợt cải cách giáo dục lần thứ 3 năm 1978, từ năm 1979 Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Hội Nghiên cứu và giảng dạy sách Văn học thành phố Hồ Chí Minh làm một bộ sách riêng.

Ngoài Bắc, Đại học Sư phạm cũng soạn một bộ sách giáo khoa riêng.

Cuối cùng từ Huế trở ra dùng sách giáo khoa của Đại học Sư phạm, từ Huế trở vào dùng bộ sách giáo khoa nói trên của thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội khóa 10 đặt vấn đề, đất nước thống nhất mấy chục năm mà tại sao lại để tình trạng cát cứ vùng miền, mỗi miền một bộ sách giáo khoa?

Năm 2000 Bộ Giáo dục và Đào tạo lại hì hục chỉ đạo nhập sách giáo khoa cả nước vào một bộ, sau khi Quốc hội ra Nghị quyết số 40. 

Vì thế, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại từ 43 tỉnh thành lại quay về khuôn khổ trường Thực nghiệm.

Tuy nhiên, ông Đại cho rằng đây là một “âm mưu” nhằm “bóp chết” Công nghệ giáo dục của mình:

“Từ năm học 2001 – 2002, theo Nghị quyết số 40 của Quốc hội, cả nước chỉ dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất, thế là Phương án Công nghệ giáo dục bị "bóp mũi cho chết" một cách hợp pháp.” [5]

Nhân đây cũng xin nói thêm về một câu chuyện khác, nhưng có liên quan:

Vừa qua Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đồng ý cho thành phố Hồ Chí Minh chủ động tổ chức, biên soạn những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế xã hội của thành phố, trên cơ sở khung chương trình giáo dục phổ thông quốc gia của Bộ. [6]

Nếu không thận trọng và nghiên cứu thấu đáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể sẽ lại lặp lại câu chuyện Nghị quyết 40 mà Giáo sư Đại than rằng đã “bóp mũi cho chết” Công nghệ giáo dục của ông, Quốc hội sẽ lại phải vào cuộc, sách giáo khoa tách rồi lại nhập.

Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại trở lại lợi hại hơn xưa nhờ cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Điều này đã được Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể nhiều lần trên báo chí.

Người viết cũng đã đề cập đến vai trò của ông Luận trong hai bài:

“Ai đã thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại?” và “Ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển giúp GS. Hồ Ngọc Đại lách luật?”


Ở đây người viết muốn tìm hiểu xem, ông Phạm Vũ Luận “gờm” Giáo sư Hồ Ngọc Đại đến mức nào.

Chữ “gờm” người viết mượn của đồng nghiệp, nhà báo Quỳnh Hương báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn lại từ website Hệ thống Giáo dục CGD Victory mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập. 

Trong chương trình Đối thoại chính sách của VTV tham gia cùng Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận và Biên tập viên Quang Vinh thời kỳ ông Luận mới nhậm chức, Giáo sư Đại nói:

“Sau 2015 Bộ lại có một đợt cải tổ chương trình sách giáo khoa. Vấn đề cải cách sách giáo khoa là buộc phải làm thôi. Vấn đề là ai làm? Tôi thì tôi không tin cái bộ phận hiện nay làm có thể thành công được.

Những người mà từng làm dự án ấy, họ mà tiếp tục làm thì không thể thành công được. Vì mỗi một người cái trình độ tư duy chỉ có thế thôi. Một cái tổ chức, trình độ tư duy của nó chỉ có thế thôi.

Anh không thể khác được. Không thể ra tư duy mới được. Nhất là những người đã định hình rồi. Nghe danh hiệu thì ghê gớm lắm, nhưng mà không biết gì đâu.

Giáo sư gì, Phó giáo sư gì, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ. Tư duy cũ lắm.

Với cái lớp ấy mà nó hạn chế thì đất nước này nguy hiểm lắm. Cho nên tôi tin rằng Bộ trưởng mới (Phạm Vũ Luận) sẽ có cách xử lý mới. Tôi tin là như thế. Bởi vì không thể dựa vào cái lực lượng như thế được.”

Ông Phạm Vũ Luận khi đó đáp lời: “Điều ấy là khẳng định rồi!” [4]

Để cảm nhận rõ hơn, bạn đọc có thể theo dõi lại chương trình Đối thoại chính sách cùng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Giáo sư Hồ Ngọc Đại. [4]

Kể từ đó trở đi, không biết Giáo sư Hồ Ngọc Đại “chinh phục” ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển như thế nào mà khiến hai vị này hết lòng tận tụy giúp ông “thí điểm” Công nghệ giáo dục bằng cách “lách luật”, điều được cho là Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã nói trong bàn tròn trực tuyến với báo Vietnamnet.

Đành rằng đổi mới giáo dục cần có suy nghĩ và cách làm mới, nhưng không có nghĩa là nhân danh đổi mới để áp đặt nhận thức cá nhân lên toàn xã hội, học sinh, giáo viên và phụ huynh phải gánh chịu mọi bất cập.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại có lý tưởng, có cách nghĩ, có cách làm của riêng ông và có mong muốn đóng góp cho nền giáo dục nước nhà là điều rất đáng quý, đáng trân trọng.

Nhưng việc thực hiện nó như thế nào lại là chuyện khác.

Lý tưởng của Giáo sư Đại về Công nghệ giáo dục, có thể là cái ông tưởng là nó có lý, nhưng có thể nó lại phi lý với người khác.

Người viết cho rằng tranh luận khoa học là hoạt động hết sức thiết yếu và cơ bản, nhưng phải trên tinh thần khách quan, cầu thị, hướng tới mục đích chung.

Mọi sự phủ định sạch trơn những gì đã và đang có của nền giáo dục, thiết nghĩ không phải là ứng xử phù hợp của một nhà nghiên cứu, nhà giáo dục.

Và ngược lại, sự im lặng của các nhà khoa học trước vấn đề nóng liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của mình, thậm chí là công việc của mình như việc Giáo sư Đại phủ định Chương trình năm 2000 là một điều khó hiểu.

Đến đây, người viết vẫn không trả lời được câu hỏi tại sao “những người tốt” như Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói, bao gồm các nhà khoa học, các nhà giáo dục, hơn 500 tác giả của Chương trình 2000 – chương trình sách giáo khoa hiện hành lại im lặng.

Đến lượt Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai ông Phạm Vũ Luận, Nguyễn Vinh Hiển tại sao cũng im lặng nốt trước những câu hỏi mà dư luận đặt ra?

Trước sự im lặng ấy của quý vị, người viết chỉ còn biết lần tìm manh mối từ chính những gì quý vị đã nói và làm, chắp nối lại để bạn đọc là các thày cô giáo, phụ huynh học sinh đang phải dạy và có con em học sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Đại tự tìm cho mình câu trả lời.


Liên quan đến vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng công văn từ ngày 4/10.


Công văn này đề nghị Bộ cung cấp thông tin, làm rõ những thắc mắc của dư luận về sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục.Tuy nhiên cho đến nay Bộ chưa có phản hồi dù Văn phòng Bộ xác nhận đã nhận được công văn.



Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.cgdvictory.edu.vn/tin-tuc-su-kien/gsho-ngoc-dai-noi-ve-gd/122-giao-duc-thoi-khung-hoang-tan-day

[2]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73075/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet.html

[3]http://cgdvictory.edu.vn/tin-tuc-su-kien/gsho-ngoc-dai-noi-ve-gd/123-truong-thuc-nghiem-hoc-khong-thi-cu-khong-cham-diem

[4]http://gddt.dateh.lamdong.gov.vn/index.php/en/thuvien/video/item/312-aaai-thoaaai-chaanh-saach-aaai-maaai-giaao-daaac-hoaan-chaaanh.html

[5]http://quyphanchautrinh.org/giai-phan-chau-trinh/ChiTiet/762/giai-vi-su-nghiep-van-hoa-giao-duc?nam=44&bc=57

[6]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/320815/hoc-sinh-tp-hcm-se-duoc-hoc-truc-tiep-chuong-trinh-cua-nuoc-ngoai.html



Xem nguồn

Giáo viên bị nhắc nhở vì chia sẻ, bình luận bài báo về VNEN

Posted: 19 Oct 2016 07:59 AM PDT


LTS: Ngày 16/10 vừa qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Giờ thì tôi đã hiểu vì sao sau gần 5 năm mô hình VNEN mới vỡ trận?" của tác giả Đỗ Quyên, ngay sau đó tòa soạn nhận được sự quan tâm đông đảo của các thầy cô trên cả nước. 

Đặc biệt trong số đó nhiều giáo viên gửi ý kiến về tòa soạn với mong muốn được chia sẻ cùng đồng nghiệp về tình hình giảng dạy tại cơ sở giáo dục nơi mình đang công tác. 

Trong bài viết này, tòa soạn tập hợp những ý kiến đó gửi tới độc giả. Thầy cô nào có ý kiến gì có thể gửi tới tòa soạn thông qua phần bình luận ở cuối bài báo, chúng tôi sẽ cập nhật và đăng tải. 

Một giáo viên đang giảng dạy tại miền Nam chia sẻ: Sở, Phòng GD&ĐT chỉ đạo Ban giám hiệu các trường về các Nghị quyết, Thông tư, Chỉ thị của ngành kèm theo những lời nhắc nhở. 

Sau đó, Ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên, khi đó nếu giáo viên chỉ ra nhược điểm của một phương pháp giáo dục nào đó ví dụ như VNEN hoặc kêu than dạy theo mô hình VNEN cả giáo viên và học sinh đều khổ thì Ban giám hiệu sẽ quán triệt bằng cách khẳng định, dạy và học khó là do giáo viên ngại khó, ngại khổ, không vì học sinh, giáo viên chưa hiểu hết về VNEN, giáo viên thiếu năng lực…

Oái oăm, khi nhận chỉ đạo từ Sở GD&ĐT đến Phòng GD&ĐT nên nhiều nơi Ban giám hiệu cũng ra lệnh cấm giáo viên chia sẻ, bình luận, có ý kiến trên trang cá nhân trước những bài viết trái chiều về giáo dục như Thông tư 30, VNEN…



Like, share bài báo trái chiều về giáo dục, giáo viên bị nhắc nhở (Ảnh: Báo Kiến thức)

Một giáo viên Tiểu học khác than thở: Sau khi tập huấn về mô hình VNEN về giáo viên phải tiến hành thực hiện kê bàn ghế lớp học theo mâm vì học sinh ngồi chật cứng nên tạo cơ hội cho các em nói chuyện, giáo viên thì vất vả hơn 6 lần so với mô hình truyền thống chưa kể giảng đi giảng lại nhiều lần trong một nhóm. 

Bởi lẽ, khi học theo mô hình VNEN thì lớp chia thành 6 nhóm, giáo viên chạy hết nhóm này đến nhóm kia đến khi học sinh vẫn chưa hiểu bài thì cô giảng bằng bảng. Và thế, học trò vẹo cổ, lác mắt. 

"Chính vì vậy, khi giảng bài nếu học sinh không hiểu bài thì tôi kết hợp cả phương pháp truyền thống vào dạy trong quá trình dạy VNEN. 

Là người thường xuyên cập nhật thông tin về những đổi mới giáo dục và đưa ra ý kiến trước cuộc họp, đưa vấn đề ra bàn luận nên tôi bị nhắc nhở thậm chí Sở GD&ĐT đã chỉ đạo một đoàn về dự giờ tiết học của lớp tôi và nói lời hoa mỹ để "ép" tôi phải khẳng định VNEN là tốt.

Như vậy có khác nào họ dạy chúng tôi phải biết im lặng mặc dù thấy những điều không tốt", giáo viên này bức xúc. 



(GDVN) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, nội dung phục vụ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.


Lo ngại trước việc giáo viên tiết lộ thông tin trái chiều với báo chí truyền thông phiến diện, một giáo viên Tây Nguyên cho biết:

"Lãnh đạo có dặn với giáo viên chúng tôi rằng trước khi nói chuyện với báo chí, truyền thông thì cần báo cáo, trao đổi trước với Ban giám hiệu". 

Một giáo viên khác kể: Phòng GD&ĐT triển khai tới các Ban giám hiệu, trong cuộc họp hội đồng, họp chi bộ Ban giám hiệu phổ biến đến giáo viên nên giáo viên dù có đồng tình với những quan điểm trong bài viết trái chiều xung quanh những vấn đề giáo dục thì cũng chỉ đọc và tự suy ngẫm chứ không được "like" hay "share" bài viết ấy lên trang cá nhân của mình.  

Đồng thời, giáo viên cũng không được có ý kiến bình luận gì trước những bài viết như vậy. 

Cô giáo này tâm sự: "Những người dám "like" hay "share"  các bài viết lên trang cá nhân thường là những người đã về hưu hoặc giáo viên đó phải sử dụng một tên nick khác mà không dám công khai thông tin cá nhân, hoặc chỉ dám đưa bài viết đó lên các nhóm kín để cùng nhau bàn luận". 

Hiện nay rất nhiều giáo viên “kêu than” về việc phải thực hiện lệnh cấm này, nếu giáo viên "like", "share", bình luận trên các diễn đàn sẽ bị Ban giám hiệu gọi lên nhắc nhở. 

Bởi theo các nhà quản lý: "Giáo viên là người trong ngành thì phải biết bảo vệ ngành, đừng vạch áo cho người xem lưng, những gì không tốt thì phải biết giấu đi và là giáo viên thì cần phải ủng hộ chủ trương của ngành.

Giáo viên mà còn phản đối trước những đổi mới giáo dục trong cách dạy và học thì làm sao phụ huynh học sinh yên tâm", giáo viên thuật lại. 

Đồng thời, họ cũng cho rằng, người có quyền phát ngôn với các cơ quan truyền thông phải là cấp quản lý nên họ cũng cấm giáo viên tiếp xúc với báo chí. 

Giáo viên này tâm sự rằng: “Vừa qua tôi có chia sẻ bài viết về vấn đề dạy thêm, học thêm thì ngay sau đó Ban giám hiệu gọi tôi lên và hỏi: "Tại sao cô chia sẻ bài viết đó".

Tôi trả lời: "Tôi thích bài viết ấy". Vậy là ngay lập tức tôi bị nhắc nhở trước hội đồng“. 

Vì lý do cá nhân, các thầy cô có ý kiến trong bài đã được Tòa soạn giấu tên, địa chỉ, nơi công tác.



Xem nguồn

Ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình thiệt hại nặng nề sau lũ

Posted: 19 Oct 2016 07:17 AM PDT


Học sinh vùng lũ Quảng Bình đang cần các loại sách vở và đồ dùng học tập sau lũHọc sinh vùng lũ Quảng Bình đang cần các loại sách vở và đồ dùng học tập sau lũ

Những con số đau lòng

Cho đến thời điểm này (19/10), tại Quảng Bình có 7 em học sinh các cấp học bị chết do nước lũ, trong đó 3 em ở huyện Bố Trạch còn lại các huyện Quảng Trạch, Thị xã Ba Đồn, TP. Đồng Hới, Quảng Ninh. Nhiều trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn chưa thể trở lại học bình thường. Thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 110 tỷ đồng.

100% trường và cơ sở giáo dục trên địa bàn bị ảnh hưởng, trong đó, có 70% trường và cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã cử các đoàn công tác về tận các đơn vị trường học bị ảnh hưởng ngập lụt nặng để thăm hỏi, hỗ trợ tiền và kịp thời động viên các gia đình gặp nạn, bị hư hại tài sản, tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số tiền 55 triệu đồng.

Tổng thiệt hại toàn Ngành, ước tính trên 105 tỷ đồng, trong đó: khối trực thuộc Sở  25 tỷ đồng; khối Phòng GD&ĐT huyện, TP 80 tỷ đồng.

Mặc dù đã chủ động ứng phó với bão lũ nhưng do nước lũ lên nhanh đã làm hư hỏng một số phòng học, phòng chức năng, nhà nội trú giáo viên và học sinh của các trường học, làm ướt và hư hỏng trên 60 tủ đựng hồ sơ, trên 2.500 bộ bàn ghế; trên 450 máy vi tính; trên 100 máy in, 50 máy phô tô.

Riêng số sách giáo khoa, vở, thiết bị giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh bị ướt, hư hỏng: trên 50.000 bộ (SGK) và gần 30.000 bộ (thiết bị).

Hậu quả của cơn lũ lịch sử này đối với ngành giáo dục là chưa thể khắc phục được nhưng ngay sau khi nước rút, cán bộ giáo viên, nhân viên của ngành đã nỗ lực hết sức nhằm dọn dẹp vệ sinh môi trường để đón học sinh đến trường sớm nhất cho dù nhiều gia đình cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo đang gặp nhiều khó khăn do nhà cửa, tài sản, vật dụng gia đình bị hư hỏng…

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Ngoài câu chuyện khối tài sản cơ sở vật chất của các đơn vị bị thiệt hại không thể ngày một ngày hai khắc phục thì ngành giáo dục lại đối diện với câu chuyện học sinh các vùng khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề có nguy cơ bỏ học là rất cao. Đây chính là khó khăn tác động trực tiếp đến ngành giáo dục Quảng Bình trong thời gian tới.

Ông Đinh Quý Nhân – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình – cho hay: Hậu quả của đợt lũ vừa qua gây cho ngành giáo dục Quảng Bình những thiệt hại đáng kể về cơ sở vật chất và con người. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình sẽ nỗ lực hết sức để sớm khắc phục và đưa học sinh trở lại trường.

Dự kiến đến ngày 21/10 thì tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ trở lại giảng dạy, học tập bình thường. Các đơn vị sẽ chủ động để dạy bù cho học sinh để đảm bảo chương trình của bộ GD&ĐT đã đề ra.

Trước những khó khăn đó, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã đề xuất với UBND tỉnh sớm quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng phòng học, phòng chức năng, xây hàng rào, sửa chữa sân bãi, mua sắm các thiết bị dạy học, máy vi tính, máy in, máy photo, SGK…. nhằm sớm ổn định việc dạy và học cho các trường thiệt hại nặng;

Đồng thời, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cũng mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, sách vở, dụng cụ học tập, đồ dùng, đồ chơi… kịp thời hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng, khắc phục hậu quả mưa lũ trở lại hoạt động dạy và học bình thường.



Xem nguồn

Phó Chủ tịch nước nói ngành Giáo dục không nên chỉ chạy theo thành tích

Posted: 19 Oct 2016 06:35 AM PDT


Sáng 19/10, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT long trọng tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016 và phát động phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020".

Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại diện lãnh đạo Ban thi khen thưởng Trung ương, một số Bộ, ban, ngành và 252 giáo viên, học sinh tiêu biểu trong cả nước.

Năm học 2015-2016, toàn ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực đổi mới và đạt được những kết quả tích cực.

126 giáo viên và 126 học sinh đại diện cho hơn 1,1 triệu giáo viên và trên 15 triệu học sinh phổ thông trong cả nước về dự lễ vinh danh là những tấm gương sáng về sự tận tâm, tận lực, đi đầu trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều cải tiến, sáng kiến, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục. 

Đây là những những tấm gương vượt khó vươn lên học giỏi, rèn luyện tốt, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các giải văn hóa, thể thao cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Chú trọng đào tạo đạo đức, nhân cách học sinh

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT đã tổ chức tuyên dương nhà giáo và học sinh năm học 2015-2016 và phát động đổi mới sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020, ngay sau khi thầy trò bước vào năm học mới. Sự kiện này thể hiện quyết tâm đổi mới của Bộ GD&ĐT.



Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Trong những năm qua, tinh thần đổi mới đó đã thúc đẩy giáo dục, đào tạo Việt Nam có nhiều cải cách mạnh mẽ từ nội dung, phương pháp dạy và học, đổi mới trong quản lý thi cứ để hướng tới hoàn thiện và chuẩn hóa hơn. 

Quy mô giáo dục được phát triển, tăng cường mở rộng cơ sở vật chất trường lớp theo hướng từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội.

Các phong trào thi đua "Dạy tốt – Học tốt" ở các cấp học đã xuất hiện ngày càng nhiều nhiều tấm gương học sinh tiêu biểu và xuất sắc. Ngành đã xây dựng được đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng, chất lượng và luôn tận tụy, tâm huyết với nghề.



(GDVN) – Tối 28/8, tại Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương 100 thủ khoa xuất sắc năm 2016.


Nhiều học sinh đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, điển hình như năm 2016, đạt được 6 huy chương vàng và đứng đầu tại cuộc thi Olympic Toán học Châu Á – Thái Bình Dương và đứng thứ 12/76 quốc gia, lãnh thổ về kiểm tra Toán và Khoa học lứa tuổi 15.

Ngoài ra, ngành cũng tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh, trí tuệ con người Việt Nam cũng như nền giáo dục nước ta với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, giáo dục và đào tạo nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập, có mặt còn tụt hậu đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa so với sự phát triển của cuộc cách mạng tri thức, khoa học và công nghệ trong thời kỳ toàn cầu hóa. 

Bày tỏ sự đồng tình và hoan nghênh sáng kiến tổ chức lễ phát động phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học của giai đoạn 2016-2020 trong toàn ngành giáo dục, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung trong quá trình thực hiện:

Thứ nhất, phát huy những kết quả đạt được, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo và triển khai có hiệu quả việc đổi mới trong toàn hệ thống theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI.

Trong đó, đặc biệt chú trọng gắn đổi mới với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước để chuẩn hóa chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học;

Cần quan trọng kết quả thực chất, không chạy theo thành tích và tiếp tục hoàn thiện các chương trình Bộ đã tiến hành đổi mới phù hợp hơn, gắn với yêu cầu thực tế.

Thứ hai, quan trọng và chuyển biến hơn về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để nâng cao tinh thần tự học và khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh trong học tập và thực hành, kể cả khả năng ngoại ngữ. Đặc biệt chú trọng giáo dục đào tạo đạo đức, nhân cách cho học sinh.



Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vinh danh giáo viên tiêu biểu

Thứ ba, phải thực sự quan trọng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước; có chính sách trọng dụng và khuyến khích những cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực, tâm huyết, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Đây là mấu chốt để khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo đổi mới trong dạy và học, tạo nên được môi trường sư phạm văn hóa, nhân văn và tiến bộ.

Bên cạnh đó, với tư cách Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ cần quan tâm đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong ngành theo hướng thật chất và thực sự tiêu biểu để đội ngũ giáo viên và các em học sinh không chỉ là người thầy giỏi, học sinh xuất sắc mà còn là những tấm gương người tốt việc tốt trong xã hội.

Nhân lễ tuyên dương, Phó Chủ tịch nước mong toàn ngành hướng về đội ngũ nhà giáo và học sinh vùng bão lũ miền Trung bằng những việc làm ý nghĩa nhất với tinh thần tương thần tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học phải được thể hiện bằng các sản phẩm

Bước sang năm học mới 2016-2017, toàn ngành Giáo dục nỗ lực thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp lớn nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo.

Phát động phong trào thi đua với chủ đề "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định:

"Đổi mới sáng tạo là nhu cầu tự thân, tự nguyện; là động lực, khát vọng vươn lên của mỗi tập thể, cá nhân; là việc làm thường xuyên, lâu dài; bắt đầu từ việc nhỏ, diễn ra hàng ngày, để việc làm ngày hôm nay đạt năng suất, hiệu quả hơn ngày hôm qua;

Là hành động thiết thực nhất của mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục và các em học sinh, sinh viên góp phần tạo chuyển biến căn bản chất lượng, hiệu quả giáo dục nước nhà. 

Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học phải được thể hiện bằng các sản phẩm, minh chứng cụ thể, thiết thực, hiệu quả cao nhất, được đồng nghiệp, bạn bè, xã hội tôn vinh, học tập, làm theo".

Bộ trưởng gửi tới các thầy cô giáo và các em học sinh trong cả nước thông điệp:

Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên cả nước hãy bắt đầu ngay từ việc xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn;

Đổi mới căn bản phương pháp dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hội nhập quốc tế; ứng dụng có hiệu quả thành tựu về công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý giáo dục;

Tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp; cùng nhau xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc, kết hợp hài hòa truyền thống văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại…

Bộ trưởng mong muốn mỗi cơ quan quản lý giáo dục các cấp sẽ là nơi kiến tạo, hỗ trợ, phục vụ để mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên có môi trường thuận lợi nhất phát huy tối đa khả năng, phẩm chất và năng lực cá nhân, tự nguyện tham gia thi đua đổi mới, sáng tạo.

Và là nơi đánh giá, thẩm định các minh chứng, sản phẩm đổi mới sáng tạo để biểu dương, khen thưởng kịp thời, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phạm vi toàn ngành và cả nước.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kêu gọi các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành Giáo dục, các em học sinh, sinh viên trong cả nước hãy bằng những việc làm thiết thực nhất chung tay, chia sẻ, ủng hộ cả về tinh thần và vật chất hướng về đồng bào miền Trung đang chịu nhiều tổn thất bởi đợt lũ lụt vừa qua, trước hết là hướng về các thầy cô giáo và các em học sinh vùng lũ lụt.



Xem nguồn

Học tiếng Anh trên xe lăn, 10X trở thành học sinh tiêu biểu của năm

Posted: 19 Oct 2016 05:53 AM PDT


Mặc dù liệt cả 2 chân, nhưng em Nguyễn Thiên Phú (Trường THPT Chuyên Quốc học – Huế) vẫn luôn cố gắng vươn lên trong học tập, đặc biệt là ở môn tiếng Anh, để trở thành một trong số những học sinh được vinh danh trong năm học 2015 – 2016.

Lên nhận bằng khen tại Lễ tuyên dương giáo viên, học sinh tiêu biểu năm học 2015 – 2016 do Bộ GD-ĐT tổ chức trên chiếc xe lăn, cậu học trò lớp 10 xứ Huế khiến nhiều người không khỏi trầm trồ, thán phục trước nghị lực của em.

  học tiếng Anh, dạy tiếng Anh, Nguyễn Thiên Phú

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao bằng khen học sinh tiêu biểu năm học 2015 – 2016 cho em Nguyễn Thiên Phú

Phú được chọn là gương mặt học sinh đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế năm học vừa qua không chỉ bởi nghị lực vượt khó mà còn bởi sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể, đặc biệt là với môn Tiếng Anh vốn gây khó với nhiều bạn trẻ.

Em cũng từng giành được giải Ba cấp tỉnh Olympic Tiếng Anh qua mạng, Huy chương Đồng cấp quốc gia thi Tiếng Anh qua mạng, Giải Nhì học sinh giỏi Tiếng Anh cấp tỉnh…

Chia sẻ về thành tích của mình, Phú khiêm tốn cho biết "Cách học tiếng Anh của em cũng không quá cao siêu hay gặp quá nhiều khó khăn. Bởi chủ yếu em học bằng cách xem phim, nghe clip nhạc và đọc những câu chuyện được viết bằng tiếng Anh mà ẹm thấy thích".

Mọi khó khăn của việc học tiếng Anh dường như trở nên nhỏ bé trong mắt cậu học trò liệt cả 2 chân bởi theo Phú, đơn giản bởi em được làm việc mà mình thích thú.

Phú cho rằng kinh nghiệm của bản thân xuất phát từ việc em nhận thức để học tiếng Anh tốt phải tập trung trước tiên vào hai kỹ năng nghe và nói.

Thời gian đầu cũng như bao người khác, Phú đến với tiếng Anh như một tờ giấy trắng. "Ban đầu em không hiểu, nhưng cứ chăm chú xem các bộ phim và clip nhạc thế. Em học nghĩa của từ thông qua phụ đề tiếng Việt của các bộ phim hoặc qua từng ngữ cảnh mà các nhân vật dùng đến những từ đó" – Phú kể.

Khi đã quen dần, em tập luyện và thử thách bản thân hơn bằng cách chuyển dần sang xem những bộ phim, clip nhạc có phụ để là tiếng Anh.

"Khi em nghe nhiều và rồi bắt chước người ta nói thì khi viết và đọc, cũng như là phần ngữ pháp em thấy nhẹ nhàng và dễ đúng hơn. Em nghĩ mới đầu không nhất thiết phải học quá nặng về ngữ pháp" – Phú chia sẻ.

Phú cũng đọc nhiều sách truyện tiếng Anh và thường xuyên lên mạng để xem các clip dạy học về tiếng Anh trên youtube hay mạng xã hội.

Một kinh nghiệm khác của Phú là để học được tiếng Anh hiệu quả không nên học một mình mà có thể học theo nhóm. "Qua đó, chúng em có thể tập giao tiếp và trao đổi thi đua với nhau để mọi người cùng tiến bộ".

Phía sau xe lăn là niềm tin của bố

Luôn đứng sau đẩy chiếc xe lăn cho cậu con trai, anh Nguyễn Văn Tân nghẹn ngào "Làm cha mẹ, hẳn ai cũng thế thôi, thấy con cố gắng được như ngày hôm nay, chúng tôi cảm thấy rất vui và vô cùng tự hào".

  học tiếng Anh, dạy tiếng Anh, Nguyễn Thiên Phú

Em Nguyễn Thiên Phú và bố Nguyễn Văn Tân

Theo anh Tân, mặc dù Phú không được may mắn như các bạn cùng trang lứa nhưng anh cảm nhận được sự nỗ lực rất lớn từ cậu con trai. Và kết quả ngày hôm nay chủ yếu đến từ sự nỗ lực của Phú.

"Ngày thường, cháu nó học rất chăm. Tuy nhiên, Phú cũng học với tinh thần rất thoải mái, như là vừa học vừa chơi vậy" – anh Tân chia sẻ.

Mặc dù phải ngồi xe lăn để đi học nhưng Phú không bao giở bỏ học. Thương con, hằng ngày anh Tân dù đi làm vất vả nhưng vẫn đều đặn ít nhất ngày 2 chuyến đưa đi, đón về. Cứ mỗi sáng sớm, anh Tân lại lục đục dậy chuẩn bị cùng con với những  công việc quen thuộc từ vệ sinh cá nhân, mặc quần áo đến chuẩn bị đồ ăn sáng và đưa Phú đến trường.

Không phụ lòng bố mẹ, Phú cố gắng học tập và thi đỗ vào lớp chuyên Tiếng Anh của Trường THPT Chuyên Quốc học – Huế, và hôm nay vinh dự được là một trong số những học sinh tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế và cả nước.

Phú chia sẻ thời gian tới em vẫn sẽ tiếp tục đầu tư thời gian cho môn tiếng Anh bởi sẽ hữu ích cho nhiều ngành nghề trong tương lai.  

Thanh Hùng



Xem nguồn

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trao học bổng cho sinh viên chương trình liên kết quốc tế

Posted: 19 Oct 2016 05:10 AM PDT



Sinh viên nhận học bổng chương trình liên kết quốc tế với Đại học Mỹ Hòa

Sinh viên nhận học bổng chương trình liên kết quốc tế với Đại học Mỹ Hòa

Trong tháng 9 năm 2016 cũng đã có 40 em sinh viên ngành Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm theo học chương trình liên kết 2+2 của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM với Trường ĐH Mỹ Hòa (Meiho University – Taiwan) được chuyển tiếp sang học tập và nghiên cứu tại Đài Loan


Sinh viên ngành Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm nhập học tại Trường ĐH Mỹ Hòa (Meiho University – Taiwan)

Sinh viên ngành Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm nhập học tại Trường ĐH Mỹ Hòa (Meiho University – Taiwan)

Với mục tiêu tăng cường hợp tác trong việc đưa các chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế đến với học sinh – sinh viên Việt Nam, trong tháng 10 năm 2016 Trường tiếp tục triển khai chương trình liên kết đào tạo liên thông chính quy các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm cho sinh viên tốt nghiệp cao đẳng hoặc cao đẳng nghề. Sinh viên học liên thông 02 năm tại Đài Loan sẽ được cấp bằng đại học chính quy, sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội làm việc tại Đài Loan hoặc học tiếp lên thạc sỹ, tiến sỹ tại đây, ngoài ra sinh viên còn được bổ túc kiến thức tiếng Anh miễn phí tại Trường để đạt được ngưỡng TOEIC 550 trước khi xuất cảnh.


Sinh viên chương trình liên kết sinh hoạt đầu khóa tại Trường ĐH Mỹ Hòa (Meiho University – Taiwan)

Sinh viên chương trình liên kết sinh hoạt đầu khóa tại Trường ĐH Mỹ Hòa (Meiho University – Taiwan)

Tiếp tục sự thành công của chương trình liên kết trong năm 2017 Trường sẽ tiếp tục triển khai chương trình đào tạo thạc sỹ các nhóm ngành công nghệ liên kết với Trường ĐH Mỹ Hòa (Meiho University – Taiwan)



Xem nguồn

Trường trả lại học phí cho 9 sinh viên vì không đủ mở lớp

Posted: 19 Oct 2016 04:29 AM PDT


img-0236-1476865199509

Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật miền Nam (ảnh Internet )

Bà Trần Thị Bền, Phó phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam xác nhận rằng trường buộc phải trả lại hồ sơ và học phí cho những học sinh trung cấp đã nhập học do không mở được lớp.

"Do số lượng quá ít không đủ để mở lớp, nên chúng tôi có gọi điện đến từng phụ huynh học sinh để thông báo tình hình, đồng thời đề xuất hướng giải quyết. Đa số phụ huynh đều đồng ý rút học phí và hồ sơ.

Cũng có một số phụ huynh bức xúc vì đã nộp tiền, chờ đợi mà cuối cùng con em không được đi học. Chúng tôi đành xin lỗi và giới thiệu đến một số trường CĐ và trung cấp khác có đào tạo hệ này. Đó là trường hợp bất khả kháng nên hầu hết các phụ huynh sau đó cũng thông cảm với trường", bà Bền cho biết.

Được biết , năm học này trường CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam tuyển sinh 14 ngành bậc TCCN 3 năm dành cho học sinh tốt nghiệp THCS thế nhưng chỉ có 2 ngành là xây dựng và sư phạm mầm non nhận được hồ sơ. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10, chỉ có 9 học sinh nộp học phí nhập học.

Lê Phương

(lephuong@dantri.com.vn)



Xem nguồn

Học viên cao học sư phạm “mất tích” khi đang điều trị ở viện tâm thần

Posted: 19 Oct 2016 03:46 AM PDT


Theo chị Nguyễn Hòa, chị gái của Hiên, em vốn là học sinh giỏi trong suốt 12 năm phổ thông. Em đỗ vào K41, Khoa Sư phạm Toán, ĐH Thái Nguyên.

Tốt nghiệp Khoa Sư phạm Toán được 2 năm, Hiên đi dạy hợp đồng tại một trường THPT tại quê nhà và đã có biểu hiện nhẹ của bệnh. Em ít nói và ít tiếp xúc hơn và bị mắc tiểu không kiểm soát. Lúc này gia đình đưa đi chữa và Hiên trở lại bình thường.


Nguyễn Thị Hiên năm 2012

Nguyễn Thị Hiên năm 2012

Năm 2013, Hiên nghỉ dạy hợp đồng ở trường THPT và thi đỗ cao học của Trường ĐHSP I Hà Nội. Học được 1 năm, Hiên tái phát bệnh nặng hơn nên gia đình quyết định xin bảo lưu kết quả để đưa em đi chữa bệnh.

Theo người nhà của Hiên, khi đang điều trị ở Khoa Tâm bệnh thì chiều 17/10, em bỏ đi đâu không rõ. Khi đi, em mặc áo cộc tay màu xanh lục, quần ngố hoa.

Ảnh của Hiên vào tháng 9/2016

Ảnh của Hiên vào tháng 9/2016

Được biết, Hiên sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo ở Bắc Giang. Gia đình em có 3 người con. Hiên là con giữa và đồng thời cũng là niềm tự hào của gia đình vì theo chị gái Hiên, từ bé, em đã học rất giỏi. Mặc dù khi lên ĐH, Hiên chỉ đạt bằng khá nhưng việc đỗ cao học tại một trường ĐH lớn của Hà Nội là niềm mong mỏi lớn của gia đình.

"Mấy ngày nay em đi tìm khắp phố phường, ai gọi ở đâu em cũng tới. Gia đình dán thông báo khắp các ngã tư. Em còn đến các trung tâm bảo trợ xem có nhỡ ai đưa em vào đấy giúp không nhưng đều vô vọng. Thông qua báo Dân trí, gia đình hy vọng ai nhìn thấy Hiên ở đâu, có thể báo cho gia đình theo 3 số điện thoại dưới đây:

Mẹ: 0966786759, Bố: 01665357395, chị gái: 01645297932

Mỹ Hà



Xem nguồn

Comments