Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Nhân tài cần có cơ hội tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế

Posted: 01 Oct 2016 10:11 AM PDT


Trên đây là một trong những ý kiến đề xuất tại Hội thảo đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đào tạo nguồn nhân lực của TP Đà Nẵng diễn ra ngày 1/10.

Nhiều ý kiến tâm tư về nhân tài được đưa ra tại Hội thảo về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cuảTP Đà Nẵng

Nhiều ý kiến tâm tư về nhân tài được đưa ra tại Hội thảo về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cuảTP Đà Nẵng

Nhân tài: Nhiều trăn trở

Là một học viên tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922), được đưa đi đào tạo ở Anh, sau gần 2 năm trở về và được bố trí công việc đúng chuyên ngành đào tạo tại Trung tâm công nghệ sinh học của TP, Phan Thị Thu Trang bày tỏ cảm kích được làm việc trong môi trường được lãnh đạo quan tâm sâu sát tâm tư, nguyện vọng. Tuy nhiên, Trang cũng chia sẻ những trăn trở trong quá trình làm việc thực tế là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được cho việc phát triển nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Điều này, bà Võ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Đà Nẵng – đơn vị tiếp nhận nhiều nhân sự từ Đề án 922 chia sẻ: "Khi về Trung tâm Công nghệ sinh học thì do không có các cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm tiên tiến, hiện đại nên các em rất khó làm việc".

Chị Thu Trang cũng chia sẻ thêm nguyện vọng khi có cơ hội thì được tạo điều kiện để được học tiếp, nâng cao trình độ chuyên sâu. Theo chị Trang, trong quá trình học tập, nâng cao trình độ chuyên sâu vừa bồi dưỡng năng lực cho người học; đồng thời tạo liên kết giữa người học với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ở cả trong và ngoài nước, sẽ hỗ trợ cho TP sau này.

Chị Uyên Ly cũng là một nhân tài được cử đi học ở Anh về công tác tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) chia sẻ: Cùng với việc yêu cầu môi trường làm việc thuận lợi, thì người học trở về cũng cần có sự chủ động để thích nghi với môi trường làm việc, bên cạnh việc thể hiện năng lực ở kiến thức chuyên môn thì cần phải có cả những kỹ năng mềm, như là học cả sự kiên trì và nhẫn nại, quan sát để ứng xử hòa hợp trong môi trường làm việc. Chị Uyên Ly cũng đưa ra đề xuất là cần có sự kết nối giữa nguồn nhân lực chất lượng cao, những người đi học ở nước ngoài trở về để cùng chia sẻ những kinh nghiệm làm việc thực tế; đồng thời bày tỏ được lãnh đạo thành phố lắng nghe tâm tư, nguyện vọng.

Một trong những khó khăn của những người học trở về làm việc ở TP nữa là chế độ lương trong cơ quan Nhà nước thấp; trong khi nhu cầu sinh hoạt phí (chỗ ở, đi lại…) ở thành phố lại cao. Một cán bộ cũng là học viên đề án 922 trở về TP đưa ra ví dụ lương 5 triệu đồng/tháng mà lại chi phí thuê nhà ở đến 2-3 triệu đồng thì phần còn lại khó mà trang trải cuộc sống. Nhiều người học xong trở về được bố trí công việc rồi nhưng lại mang tâm lý chờ xong hết thời hạn (thời gian quy định làm việ cho TP sau khi được đào tạo xong) để tìm cơ hội việc làm mới.

Ông Huỳnh Văn Hoa – người từng tham gia Đề án 922 từ những ngày đầu chia sẻ, qua tiếp xúc với nhiều phụ huynh và học viêc trở về, có những người họ nói ân hận vì đã tham gia đề án, vì không có điều kiện bồi hoàn kinh phí đào tạo, "lỡ dính" vô Đề án rồi nên phải làm chứ không muốn làm. Họ không muốn làm việc không phải vì không muốn gắn bó với TP, cũng chưa hẳn là không vừa lòng chế độ đãi ngộ, mà có nhiều lý do khác.

Một ví dụ mà lãnh đạo Quỹ đầu tư TP đưa ra mà ông Bùi Văn Tiếng – nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đồng tình là có những trường hợp học viên trở về không hòa hợp với môi trường làm việc. Những người học ở nước ngoài trở về thường có tư duy độc lập, đưa ra chính kiến, phản biện; trong khi lãnh đạo cơ quan vẫn giữ tư duy chỉ nghe những điều mình muốn nghe; hoặc chỉ muốn cấp dưới răm rắp làm theo chỉ đạo của mình mà không nghe ý kiến đóng góp, xây dựng có tính phản biện.

Không nhất thiết học viên học xong phải về phục vụ thành phố ngay

Để sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao hiệu quả, ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng – là một trong những đơn vị tiếp nhận nhiều nhân tài từ Đề án 922 đề xuất cần tạo điều kiện cho các học viên tham gia đề án có điều kiện học tiếp, tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế ở nước ngoài để trở về phục vụ thành phố hiệu quả hơn. Ông Thanh đưa ra ví dụ như ở lĩnh vực Công nghệ thông tin, thì sau khi học xong, học viên ở lại làm việc ở nước ngoài một thời gian, để được tiếp cận và có cơ hội ứng dụng công nghệ tốt hơn trong môi trường làm việc ở nước ngoài, tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế, rồi sau đó trở về làm việc phục vụ cho thành phố. Ông Thanh đề xuất nên cân nhắc thời gian học viên trở về TP làm việc, không nhất thiết học xong là phải trở về ngay. Ông Thanh cũng đưa ra đề xuất cần cân nhắc không chỉ tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực công, mà xem xét hình thức chuyển nhượng nguồn nhân lực sang khu vực tư có nhu cầu.

Với đề xuất chuyển nhượng nguồn nhân lực, đại diện Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, có thể để nhân tài làm việc ở bên ngoài rồi trở về; chứ được đào tạo xong, làm việc chứng minh năng lực xong lại chuyển nhượng ra bên ngoài thì rất lãng phí

Nhiều lãnh đạo ban ngành của Đà Nẵng cũng nhìn nhận trong thực tế bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần cho chiến lực phát triển lâu dài của thành phố; thì trước mắt việc thu hút nhân tài là cần thiết và cho thấy hiệu quả ngay trong thực tế. Đồng thời, cần coi trọng hơn nữa chính sách hấp dẫn những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực về làm việc ở thành phố, có thể chỉ trong một thời gian nhất định, để đội ngũ tại chỗ có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, lĩnh hội kiến thức từ các chuyên gia.

Trong chính sách đãi ngộ nhân tài, ông Đặng Công Ngữ – nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng đề nghị không nên "cào bằng" định mức đãi ngộ mà nên thu hút nhân tài ở những vị trí công việc thực sự cần, và cần xác định sắp xếp ưu tiên chính sách đãi ngộ cho nhân tài theo vị trí công tác, địa bàn công tác.

Khánh Hiền



Xem nguồn

Học sinh vững kiến thức sẽ thích ứng với mọi hình thức thi

Posted: 01 Oct 2016 06:40 AM PDT


Quá trình phát triển sẽ luôn có thay đổi và mình phải thích ứng

“Phương án nào cũng có mặt tích cực và hạn chế. Nên một phương án mới ra đời, để đánh giá chính xác ngay rất khó, cần qua thực tiễn để điều chỉnh và rút kinh nghiệm.


Với phương án thi THPT quốc gia năm 2017 tôi rất hoan nghênh vì mục tiêu hướng tới một kỳ thi nhẹ nhàng nhất, làm học sinh tăng tính tự tin và hướng tới một nền giáo dục hiện đại theo xu thế chung toàn cầu” – Thầy Đặng Quang Ngàn

Phương án thi năm 2017 học sinh phải làm các bài thi trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn. Điều này có gây khó khăn cho học sinh, giáo viên trong giảng dạy, ôn tập để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi hay không?

– Quá trình chỉ đạo ở địa phương bao giờ cũng phải thấy được trong quá trình phát triển sẽ luôn luôn có sự thay đổi và mình phải thích ứng.

Về phía Hòa Bình đã chuẩn bị sẵn một tâm thế đáp ứng tất cả những thay đổi. Riêng với thi trắc nghiệm, học sinh đã được làm quen ở một số môn.

Mặc dù điều gì mới đưa vào sẽ không tránh khỏi có bỡ ngỡ, nhưng tôi cho rằng, đối với các thầy cô giáo đã được đào tạo 4 năm ở trường đại học, đây không phải là thách thức lớn.

Xin thầy chia sẻ phương hướng chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hòa Bình để hướng tới kỳ thi THPT quốc gia 2017, đặc biệt là việc thi trắc nghiệm và bài thi tổ hợp?

– Hòa Bình, với phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", nên khi có chủ trương của Bộ GD&ĐT, chúng tôi luôn tiếp nhận thông tin một cách sớm nhất và triển khai một cách nhanh nhất đến các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các thầy cô giáo.

Hệ thống chính trị của tỉnh cũng đã có tầm nhìn dài hạn nên những điều này đã được tỉnh chuẩn bị một cách khá kỹ lưỡng. Một khi Bộ GD&ĐT đã giao quyền chủ động cho tỉnh thì tỉnh cũng sẽ chủ động ở mức tối đa một cách linh hoạt để làm sao mang lại quyền lợi cho học sinh và đảm bảo đúng mục tiêu giáo dục.

Thầy có thể nói cụ thể hơn về việc hướng dẫn các trường trong tổ chức dạy học, hướng dẫn ôn tập cho học sinh?

Ông Đặng Quang Ngàn 


– Thi trắc nghiệm, bài thi tổ hợp với giáo dục Hòa Bình không lạ vì các thầy cô giáo đã cập nhật thông tin thường xuyên và đã có cho học sinh thử nghiệm trước khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi rộng rãi.

Chúng tôi quán triệt tư tưởng không phải khi thi mới ôn mà hình thành kiến thức nền tảng cho học sinh trong từng giờ học để dù hình thức đánh giá nào thì học sinh cũng đáp ứng được tốt. Tôi nghĩ, khi học sinh đã học tốt thì cách kiểm tra đánh giá nào các em cũng sẽ làm tốt.

Lưu ý của thầy với nhà trường, giáo viên, học sinh của Hòa Bình để thực hiện tốt nhất kỳ thi THPT quốc gia 2017?

– Với học sinh, tôi muốn nhắn nhủ các em là đừng quá hoang mang, vì dù thi dưới hình thức nào thì cũng phải trên nền tảng kiến thức; nên nếu học sinh nắm được kiến thức thì sẽ thích ứng với mọi hình thức thi, dù là trắc nghiệm hay tự luận.

Với giáo viên là những người được đào tạo qua các trường đại học sư phạm là những người phải chủ động, câp nhật thông tin sớm nhất, hơn cả học sinh một bước. Bên cạnh đó, phụ huynh không nên hoang mang; các lực lượng xã hội khác cũng nên đồng lòng ủng hộ vì mục tiêu chung.

Không lo ngại khi môn Giáo dục công dân trở thành môn thi

Năm nay môn Giáo dục công dân lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia, trong hướng dẫn năm học của Sở GD&ĐT Hòa Bình có chú ý đặc biệt đến điều này không?

– Môn Giáo dục công dân là môn dạy học sinh làm người. Tất cả các tình huống đều gần gũi với cuộc sống và học sinh đã được rèn luyện nên tôi nghĩ tất cả câu hỏi học sinh có thể trả lời được. Chỉ cần hệ thống lại để các em có thể trả lời theo đúng yêu cầu của đề thi, đó không phải là một thách thức.

Mong muốn của thầy như thế nào đối với những câu hỏi trong đề thi THPT quốc gia với môn Giáo dục công dân?

– Cá nhân tôi cho rằng, bộ phận soạn thảo đề thi cũng sẽ ra những đề thi hướng tới hình thành con người mới, có phẩm chất và năng lực tốt, thái độ tốt và có đầy đủ tư duy để phát triển đất nước.

Hiện Bộ GD&ĐT chưa công bố, nhưng tôi tin Bộ đã rất cố gắng, lắng nghe từ cơ sở, từ các nhà khoa học, chắc là năm đầu tiên sẽ ra được đề như ý. Vấn đề nào khi đổi mới cũng có những vấn đề phải bàn nhưng tôi tin Bộ GD&ĐT sẽ có một phương án tốt nhất.

Địa phương tự tin tổ chức tốt kỳ thi

Kỳ thi THPT quốc gia 2017, quyền chủ động của địa phương tiếp tục một bước nữa được nâng cao. Từ thực tế, địa phương, ông có tự tin Hòa Bình sẽ tổ chức kỳ thi này một cách công bằng và khách quan?

– Tôi quan tâm nhiều đến tính mục tiêu. Chúng ta có thể tốn kém hơn một chút; nhưng để đạt được sự phát triển con người tốt hơn, đặc biệt nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu xã hội, đó mới là mục tiêu cần hướng tới. Còn về phía địa phương, tôi tin các địa phương đều đủ khả năng đảm nhiệm kỳ thi này.

Bắt đầu vào năm học mới, Hòa Bình đã dự đoán là thi trắc nghiệm ở tất cả các môn, trừ Ngữ văn nên đã chuẩn bị khá lỹ lưỡng từ phía học sinh và phụ huynh. Nội dung này được thông tin đầy đủ đến phụ huynh trong cuộc họp phụ huynh tại các nhà trường.

Có thể nói, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế tổ chức kỳ thi tại địa phương từ nhiều năm nên không phải là một thách thức.

Xin cảm ơn thầy!



Xem nguồn

Hiểu thế nào cho đúng về các danh xưng, học hàm?

Posted: 01 Oct 2016 05:56 AM PDT


LTS: Nhân đọc bài viết hai bài viết “Rối loạn danh xưng trong trường học” và “Danh xưng, chứng chỉ, bằng cấp trong hệ thống giáo dục nước ta” đăng trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Phát Tài (giảng viên trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II) có những góp ý với mong muốn đóng góp thêm cách nhìn vì sự phát triển giáo dục nước nhà.

Rộng đường dư luận và tôn trọng tranh luận đa chiều, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả ý kiến riêng này của tác giả!

Bằng cấp, chứng chỉ là cơ sở pháp lý để xác nhận chủ nhân của nó có một trình độ và năng lực phù hợp với một tiêu chuẩn nhất định.

Ở đây có hai vấn đề cần được phân định rạch ròi văn bằng (degree) và chứng chỉ (certificate):

Văn bằng là căn cứ xác định năng lực của chủ nhân ở một trình độ nào đó: bằng Tiến sĩ, bằng Thạc sĩ, bằng Đại học, bằng Cao đẳng, bằng Trung học Chuyên nghiệp, bằng Trung học Phổ thông…

Chứng chỉ là căn cứ xác định năng lực của chủ nhân đủ khả năng làm một công việc cụ thể:

Chứng chỉ Sư phạm – xác nhận cho người có bằng Đại học một ngành ngoài Sư phạm đủ khả năng dạy học; chứng chỉ hành nghề kế toán trưởng – xác nhận cho người có bằng Đại học, Cao đẳng ngành kế toán đủ khả năng làm công việc của một kế toán trưởng…



Danh xưng, chứng chỉ bằng cấp trong hệ thống giáo dục nước ta (Ảnh minh họa trên nld.com.vn).

Danh hiệu đạt được trong văn bằng, tùy vào trình độ và ngành học mà người học được nhận danh hiệu tương ứng, danh hiệu này chính là học vị của người học và theo đó chúng ta có một số danh hiệu sau:

Người tốt nghiệp Đại học sẽ có danh hiệu tùy vào ngành được đào tạo.

Những người tốt nghiệp Đại học những ngành Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, nghệ thuật, kinh tế… sẽ công nhận danh hiệu cử nhân. 

Những người tốt nghiệp Đại học những ngành thuộc khối kỹ thuật sẽ được công nhận danh hiệu kỹ sư. 



Những người tốt nghiệp Đại học các ngành về kiến trúc sẽ được công nhận danh hiệu kiến trúc sư.

Những danh hiệu này chỉ phụ thuộc vào ngành được đào tạo chứ không phụ thuộc vào trường đào tạo và cũng không phụ thuộc vào công việc họ sẽ làm.

Người nào học và hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ sẽ được cấp bằng và danh hiệu Thạc sĩ, nói đúng hơn danh hiệu Thạc sĩ là học vị của người có trình độ Thạc sĩ.

Tương tự như vậy, người nào học và hoàn thành chương trình đào tạo Tiến sĩ sẽ được cấp bằng và danh hiệu Tiến sĩ.

Tác giả bài viết “Rối loạn danh xưng trong trường học” đã sai sót khi cho rằng “… ai muốn làm nghiên cứu sinh để đạt học vị Tiến sĩ thì bắt buộc phải có bằng Thạc sĩ”.

Theo Điều 8, quy chế đào tạo tiến sĩ Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì người dự vào trình độ Tiến sĩ cần có trình độ Đại học trở lên và cần đáp ứng thêm một vài yêu cầu về nghiên cứu khoa học.

Người học Thạc sĩ là người cập nhật kiến thức theo hướng chuyên sâu có thể được phát triển từ khóa luận tốt nghiệp Đại học đã làm trước đây.

Nghĩa là người học Thạc sĩ là người bắt đầu có kiến thức sâu về một chuyên ngành hẹp nào đó chứ không phải là “có kiến thức rộng do đi học mà có” như tác giả bài báo viết.

Ngoài ra, học Thạc sĩ chính là học cách tự học, tự nghiên cứu theo hướng chuyên sâu chứ không đơn giản là “cập nhật kiến thức mới hơn so với lúc tốt nghiệp Đại học”. Vì sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ không ai lại đi học tiếp Thạc sĩ để cập nhật mà anh phải tự học, tự cập nhật.

Thạc sĩ chính là bước đệm tốt để người học có định hướng tốt hơn cho một đề tài trong luận án khi làm nghiên cứu sinh. Tuy nhiên bước đệm này có thể sẽ không cần thiết nếu người thực hiện luận án tìm ra một hướng nghiên cứu mới.

Tôi đồng ý với tác giả bài báo “Danh xưng, chứng chỉ, bằng cấp trong hệ thống giáo dục nước ta” rằng Thạc sĩ và Tiến sĩ không có tính liên thông.

Về học hàm Giáo sư và Phó Giáo sư, tác giả đã quá khắc khe và nhầm nghĩa khi cho rằng “Phó” là cấp dưới, là “người giúp việc” cho cấp trưởng; từ đó phân vân rằng trong một bộ môn chuyên môn không có Giáo sư thì Phó Giáo sư giúp việc cho ai? Nhưng rõ ràng Giáo sư chưa phải là cấp trên của Phó Giáo sư do đó băn khoăn này không đúng.

Xét về tính lịch sử từ “Phó” được sử dụng trong Phó Giáo sư bắt đầu xuất hiện trong các kỳ thi dưới thời nhà Nguyễn (từ thời vua Minh Mạng).

Theo đó, những người không đậu Tiến sĩ trong kỳ thi Hội thì được ghi nhận là đậu “phó bảng” để phân biệt với người đậu “chính bảng”. Từ đây, ta có thể hiểu “Phó” có nghĩa là thấp hơn, chưa bằng (kém hơn). 

Theo từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, ấn bản 2016 (trang 988) định nghĩa: “Phó giáo sư (giáo sư cấp I) là học hàm của người nghiên cứu khoa học, giảng dạy ở bậc đại học, dưới giáo sư”. 



Như vậy Phó Giáo sư và Giáo sư là hai học hàm ở hai mức độ khác nhau, độc lập lập nhau.

Trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấp các danh hiệu Tiến sĩ chuyên ngành hay Tiến sĩ liên ngành.

Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định cấp bằng Tiến sĩ. Tuy nhiên trong thực tiễn chúng ta hay gặp cụm từ như Tiến sĩ khoa học.

Sở dĩ như vậy là do “vướng mắc của lịch sử”, trước đây chúng ta có học vị Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ tương tự như Liên Xô và các nước Đông Âu.

Khi đất nước hội nhập thì để thống nhất học vị với các nước Tây Âu và Hoa kỳ, chúng ta chuyển học vị Phó Tiến sĩ (trước kia) thành Tiến sĩ và Tiến sĩ (trước kia) thành Tiến sĩ khoa học.

Cần lưu ý rằng từ “Phó” trong Phó Tiến sĩ được giải thích tương tự như Phó Giáo sư và Giáo sư.



Xem nguồn

HUTECH khai giảng chương trình Đại học chuẩn Nhật Bản

Posted: 01 Oct 2016 05:13 AM PDT


Các tân sinh viên và khách mời chia vui trong ngày khai giảng năm học mớiCác tân sinh viên và khách mời chia vui trong ngày khai giảng năm học mới

Tham dự lễ khai giảng với 757 tân sinh viên chương trình có các vị khách mời Nhật Bản như Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, Giám đốc Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Hiệu trưởng Đại học Kanazawa (K.I.T), Hiệu trưởng Học viện Ngôn ngữ Meros cùng đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM.

Với mục tiêu đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao giỏi chuyên môn, vững tiếng Nhật cho các công ty, tập đoàn Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam và tại Nhật Bản, chương trình Đại học chuẩn Nhật Bản được triển khai do Viện Công nghệ Việt – Nhật (VJIT – HUTECH) hợp tác với Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản và các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản.



Đại diện Ban giám hiệu HUTECH trao hoa cho các vị khách mời đặc biệt đến từ Nhật Bản 

Được biết, ưu điểm nổi bật của chương trình là sinh viên được đảm bảo cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua những ngày hội việc làm được tổ chức thường xuyên trong suốt quá trình đào tạo.

Sinh viên được đào tạo tiếng Nhật và trang bị văn hóa, tác phong làm việc Nhật Bản dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên người Nhật.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản tài trợ cho tất cả sinh viên của chương trình học bổng học tiếng Nhật trị giá 30 triệu đồng để đạt trình độ tiếng Nhật N3, đảm bảo giao tiếp tốt trong công việc.

Năm 2016, chương trình Đại học chuẩn Nhật Bản thu hút hơn 700 sinh viên theo học với 15 ngành đào tạo thuộc 2 lĩnh vực Nhật Bản hiện đang có nhu cầu nhân lực cao: Kỹ thuật – Công nghệ, Kinh tế – Quản trị, nâng tổng số sinh viên của chương trình lên gần 1.500 sinh viên.



Xem nguồn

Cuốn sách ngày khai giảng

Posted: 01 Oct 2016 04:31 AM PDT


Tập thể sư phạm nhà trường thực hiện nghi thức chào đón tân SVTập thể sư phạm nhà trường thực hiện nghi thức chào đón tân SV

Theo Ban tổ chức, đây là năm học đánh dấu mốc kỷ niệm 25 năm hoạt động giáo dục phục vụ xã hội với tinh thần khai phóng và bất vụ lợi của tập thể nhà trường.

Các bạn tân sinh viên khóa này sẽ có một năm mở đầu với nhiều hoạt động đậm nét và sôi động. Đây cũng là năm học đầu tiên nhà trường áp dụng chương trình "Trải nghiệm sinh viên năm nhất" được thiết kế đặc biệt để việc học đại học sẽ vừa thú vị vừa hiệu quả. 



 Tân SV khoa Kinh tế-Thương mại tại lễ khai giảng

Điểm đặc biệt, năm nay các tân SV đến dự lễ khai giảng được nhận ngay tại ghế ngồi của mình một quyển sách là quà mừng của nhà trường cho ngày đầu vào đại học.

Có 7 đầu sách khác nhau được trao ngẫu nhiên. Những quyển sách này thuộc các thể loại khác nhau, tác giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong diễn văn khai giảng, bên cạnh lưu ý về tình hình kinh tế-chính trị trong nước, khu vực và thế giới, TS Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng – truyền thông điệp đọc sách đến các tân SV:

"Các bạn hãy đọc quyển sách mà các bạn vừa nhận, và hãy trao đổi sách với những bạn khác. Khi trao quyển sách cho các bạn, một món quà giàu ý nghĩa biểu trưng, nhà trường đồng thời trao cho các bạn trách nhiệm người sinh viên, một người học đã trưởng thành.

Quyển sách mà các bạn nhận chất chứa kỳ vọng của thầy cô ở các bạn; nó cũng mang những giá trị cốt lõi của nhà trường, mà đầu tiên là giá trị "hiếu học, hiếu tri", tức ham học, ham hiểu biết.

Con người, ở mọi hoàn cảnh, mọi thời đại, mọi văn hóa, đều cần phải đọc sách để tiến bộ, để sống tốt hơn. Là sinh viên, các bạn hãy hoàn thành trách nhiệm đọc, hay rộng hơn là trách nhiệm dấn thân vào tri thức, vào những câu hỏi lớn của cuộc sống, vào những vấn đề của xã hội…

Chỉ có đọc sách, chỉ có tìm hiểu và nghiên cứu, người ta mới có thể thoát ra khỏi hoàn cảnh của mình và góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người khác, chứ không phải đơn giản là lên facebook viết status. 

Các bạn có thể email cho tôi, cũng như cho bất kỳ thầy cô nào, bạn bè nào khác về một quyển sách hay mình đang đọc. Đó sẽ là những email đẹp nhứt, đáng quý nhứt, đáng nhớ nhứt của cuộc đời tôi, hay của bất kỳ người làm giáo dục nào.

Ngoài email, chúng ta sẽ có những buổi tọa đàm, những hội thảo về sách, về những điều viết trong sách và cả những điều ngoài trang sách, mà chúng ta liên tưởng khi đọc sách…".



Nhà trường trao học bổng cho các tân SV 

Khuyến khích tinh thần học tập của sinh viên, hàng năm, nhà trường đều dành tặng những suất học bổng: tài năng, khuyến học, vượt khó cho tân sinh viên.

Đặc biệt tại lễ khai giảng lần này, nhà trường quyết định trao tặng 116 suất học bổng với tổng trị giá lên tới 6,4 tỷ đồng dành cho các thí sinh đã đạt được kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2016 và những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Sau buổi lễ khai giảng, các tân SV sẽ bước vào Tuần 0, tuần lễ chào đón tân sinh viên từ ngày 9/10 để giúp những người bạn mới tìm hiểu và bắt đầu hội nhập vào môi trường học tập hoàn toàn mới mẻ của giảng đường đại học với nhiều hoạt động phong phú: Sinh hoạt đầu khóa/sinh hoạt chuyên ngành, Chương trình giao lưu CLB sinh viên Hoa Sen, bài giảng đầu năm của GS Pierre Darriulat với chủ đề “Trí thực học – Chí ra khơi – Hồn khai phóng” và TS Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng), TS Phạm Quốc Lộc (Phó hiệu trưởng) với chủ đề "Sống tử tế, Học đàng hoàng, Kết nối năm châu".



Xem nguồn

Học viện Cán bộ TPHCM khai giảng năm học mới

Posted: 01 Oct 2016 03:49 AM PDT


Bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tăng hoa chúc mừng Ban giám đốc Học việnBà Thân Thị Thư – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tăng hoa chúc mừng Ban giám đốc Học viện

Tham dự lễ khai giảng có đại diện lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND TPHCM cùng lãnh đạo các ban ngành Trung ương và địa phương. 

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, để chuẩn bị cho năm học mới, học viện đã xây dựng được quỹ học bổng khuyến khích học tập học kỳ 1 với số tiền 140 triệu đồng.

Đây là số tiền được trích từ tiền thu học phí và quỹ học bổng đồng hành cùng sinh viên học viện, cộng thêm số tiền 792 triệu đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ viên chức học viện, các doanh nghiệp… Các chính sách khen thưởng, khuyến học, hỗ trợ sinh viên vượt khó trong học tập năm học đầu tiên là rất tốt. 



 Một tiết mục văn nghệ của cán bộ Học viện chào mừng đại biểu tại lễ khai giảng

Được biết, trong đợt tuyển sinh đại học chính quy khóa đầu tiên của học viện, đã có 498 thí sinh trúng tuyển với điểm bình quân chung là 18 điểm. Ngoài việc tuyển sinh đào tạo khóa đầu tiên, Học viện Cán bộ TPHCM cũng đang triển khai đào tạo trung cấp lý luận chính trị – hành chính cho khoảng 12.000 học viên.

Phát biểu tại lễ khai giảng, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết: Học viện Cán bộ TPHCM đang tích cực xây dựng chương trình để mở thêm các chương trình đào tạo cử nhân: chính trị học, luật học, xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, công tác xã hội.

Đồng thời, Học viện đã và đang tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ viên chức thành phố và mở các khóa bồi dưỡng.

Tại lễ khai giảng, Học viện Cán bộ TPHCM cũng đã trao 10 suất học bổng (3 triệu đồng/suất) cho các sinh viên có điểm trúng tuyển cao. Bên cạnh đó, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã trao 36 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với trị giá gần 100 triệu đồng. 



Xem nguồn

“Lớp đó sướng thế? Thầy cô dễ không à. Ai như bên này toàn bà la sát”

Posted: 01 Oct 2016 03:07 AM PDT


LTS: Vừa qua, học sinh các trường Trung học Cơ sở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) tranh luận sôi nổi về việc sẽ chọn học trái buổi môn gì, theo giáo viên nào cho hợp lý, … trước lệnh cho học sinh tự chọn giáo viên và môn học.

Tuy nhiên, việc cho học sinh chủ động chọn giáo viên dạy buổi thứ hai trên trường ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã dẫn đến đa phần các em thích những giáo viên dễ tính, cho điểm thoáng.

Nhưng liệu đây có phải là sự lựa chọn khôn ngoan của học sinh?

Cô giáo Phan Tuyết đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Những giáo viên dễ dãi thường được các học sinh dễ dàng yêu quý hơn, nhưng thực tế những giáo viên này có phải là sự lựa chọn tốt nhất?

Các trường Trung học Cơ sở trên địa bàn thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) sẽ tổ chức học hai buổi/ ngày và cho học sinh chủ động chọn môn học, chọn giáo viên buổi học thứ hai (trái buổi).



Học sinh Trường Trung học Cơ sở Kim Hồng háo hức điền vào phiếu đăng ký chọn giáo viên và môn học trái buổi (Ảnh: tuoitre.vn).

Giải pháp này với mong muốn tạo động lực cho giáo viên nỗ lực trong giảng dạy để thu hút học sinh về với mình. Bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng đây là nét mới, một cách làm hay để nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên nhưng cũng có không ít sự băn khoăn:

"Liệu rằng học sinh có chọn giáo viên dựa trên chất lượng giảng dạy hay vì những lý do khác?"

Nếu giải pháp trên thực hiện cho sinh viên các bậc học Cao đẳng, Đại học thì chẳng có điều gì đáng bàn nhưng học sinh bậc Trung học Cơ sở đang ở độ tuổi từ 11 – 14 tuổi liệu có thích hợp chưa?

Với độ tuổi này, các em thường bồng bột, bốc đồng yêu thương theo cảm tính có lợi cho mình kể cả cái lợi mang tính tiêu cực.

Giáo viên các em yêu thích thường phải là người cho điểm rẻ, vui tính, dễ dãi trong khi dạy, khi thi, biết thương học sinh (không thuộc bài cho nợ lần khác, kiểm tra 15 phút báo trước, cho đề cương ngắn gọn… ).



Với nhiều em, những điều này quan trọng hơn nhiều hơn việc thầy cô ấy dạy hiểu bài hay không?

Thực tế đã được chứng minh, ở các trường học từ Trung học Cơ sở đến Trung học Phổ thông hiện nay, những giáo viên dễ dãi thường được các em yêu quý và chào đón một cách nhiệt tình.

Cứ vào đầu mỗi năm học, danh sách giáo viên vào dạy từng lớp sau khi được thông báo, sẽ trở nên "nóng" trên các diễn đàn tranh luận của học sinh. Nào là "Lớp đó sướng thế? Thầy cô dễ không à. Ai như bên này toàn bà la sát…".

Thật ít khi nghe các em nói: "Cô (thầy) ấy dạy dễ hiểu, dạy hay…", mà nhiều nhất vẫn là: "Thầy (cô) ấy dễ lắm…".

Mỗi kì thi đến, các em thường ngóng ra ngoài xem giáo viên nào vào lớp mình coi thi, nếu là giáo viên dễ, học sinh sẽ hò reo và cho hàng tràng vỗ tay không dứt.

Ngặt nỗi, giáo viên nổi tiếng thường nghiêm khắc, thì ôi thôi chưa rời phòng thi các em đã loạn lên tố cáo với các bạn lớp bên: "Ông thầy (bà cô) gì mà hắc ám, coi thi gì mà khó quá, nhìn thấy cái mặt là đã thấy ghét rồi…".

Thường những học sinh học giỏi, chịu học lại rất thích giáo viên nghiêm túc, dạy ra dạy mà chơi ra chơi.

Khi chọn thầy cô học, chắc chắn các em cũng sẽ đăng kí học với những thầy cô giáo như vậy nhưng số lượng học sinh học giỏi trong một lớp lại không có mấy còn học sinh trung bình trở xuống lại quá nhiều.

Điểm số luôn rất quan trọng với các em nên lười học mà được điểm cao, em nào mà chẳng thích?

Học sinh đã thế, còn giáo viên thì sao?

Chắc chắn khi giáo viên không được học sinh chọn, bản thân giáo viên ấy cũng biết được vì sao mình không được học trò yêu mến?

Nếu vì chuyên môn, vì phương pháp dạy học, chắc chắn những giáo viên này sẽ cố gắng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nhưng vì lý do khác như nghiêm khắc quá, cho điểm chặt, không bao giờ mớm bài… vì cuộc sống sẽ có không ít giáo viên tự thay đổi mình cho phù hợp với sở thích của các em.

Đó là chưa nói đến việc cạnh tranh, nói xấu lẫn nhau giữa các giáo viên để tranh giành học sinh cho mình, cũng là điều khó tránh khỏi.



Lúc này thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chất lượng giảng dạy không được nâng lên có khi lại theo chiều hướng tiêu cực khác.

Nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên đâu nhất thiết phải để học sinh chọn học?

Nhà trường cần quản lý chặt chẽ đề kiểm tra, đề thi, giao chất lượng đầu năm cho thầy cô quản lý và cuối năm nghiêm túc sát hạch lại các em có lẽ đang là phương pháp tối ưu nhất hiện nay.



Xem nguồn

Không thu tiền xã hội hóa, trường “xin” phụ huynh tiền hoạt động

Posted: 01 Oct 2016 02:25 AM PDT


Phụ huynh tố bị "ép" mua sách VNEN photo

Chị N.T.M có con học lớp 3 tại Trường Tiểu học (TH) Đồng Văn 1 phản ánh: Năm học 2015-2016, bé H. con chị được cô giáo phát cho mấy cuốn photo sách thuộc dự án mô hình trường học mới (VNEN). Không chỉ sử dụng sách này để học thêm ở nhà mà cháu phải mang sách photo lên trường để học.

Theo phản ánh của phụ huynh, Trường Tiểu học Đồng 1 (Tân Kỳ, Nghệ An) tự ý photo sách VNEN phát cho học sinh mang về nhà. Với 12 cuốn sách photo như thế này, phụ huynh phải đóng 175 nghìn đồng.

Theo phản ánh của phụ huynh, Trường Tiểu học Đồng 1 (Tân Kỳ, Nghệ An) tự ý photo sách VNEN phát cho học sinh mang về nhà. Với 12 cuốn sách photo như thế này, phụ huynh phải đóng 175 nghìn đồng.

"Vừa rồi đọc báo chúng tôi mới biết việc photo sách VNEN để bán cho phụ huynh là không được phép. Thế nhưng đầu năm học 2016-2017 này tôi lại thấy con mang sách về, bảo mẹ nộp cho cô giáo 175 nghìn đồng. Chúng tôi cũng không có nguyện vọng mua sách photo cho con học nhưng nhà trường làm như thế buộc chúng tôi phải trả tiền. Đó là chưa kể chất lượng sách photo rất kém, những phần chữ in trên nền đậm, nền màu trong sách lúc photo lên thì rất khó đọc, như thế thì rất hại mắt của các cháu", chị M. cho hay.

Khi một bản thông báo được cho là của thầy hiệu trưởng gửi cho các giáo viên về nội dung tổ chức họp phụ huynh đầu năm đến tay phụ huynh, các phụ huynh càng hoang mang hơn bởi các khoản đóng góp đầu năm của con em mình. Chị H.T.K. bức xúc: "Năm ngoái chúng tôi đóng tiền xã hội hóa đến 800 nghìn. Năm nay nghe tin nhà trường không vận động tiền xã hội hóa nữa vì xã sẽ thu tiền đối ứng xây dãy phòng học 2 tầng, mỗi cháu 1,4 triệu đồng.

Đó là số tiền rất lớn đối với thu nhập của người dân vùng xã 135 như chúng tôi. Ấy vậy mà trong thông báo này, thầy hiệu trưởng bảo các giáo viên chủ nhiệm "xin" mỗi phụ huynh 300 nghìn đồng để hoạt động. Thế thì khác nào chúng tôi phải đóng 2 lần tiền xã hội hóa, tính ra là gần 2 triệu đồng".

Văn bản được cho là của lãnh đạo nhà trường gửi giáo viên các lớp hướng dẫn về thực hiện các khoản thu đầu năm học bị rò rỉ ra ngoài. Trong đó nêu số tiền dự kiến xin phụ huynh là 300 nghìn đồng để phục vu hoạt động bề nổi, hoạt động đội và học tập.

Văn bản được cho là của lãnh đạo nhà trường gửi giáo viên các lớp hướng dẫn về thực hiện các khoản thu đầu năm học bị rò rỉ ra ngoài. Trong đó nêu số tiền dự kiến “xin” phụ huynh là 300 nghìn đồng để phục vu hoạt động bề nổi, hoạt động đội và học tập.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phản ánh việc nhà trường yêu cầu mua vở có logo, hình ảnh của trường ở trang bìa do nhà trường bán với giá gần gấp đôi giá vở ngoài thị trường.

"Cũng loại vở này, chúng tôi mua bên ngoài chỉ có 4.500 đồng, thêm cái ảnh trường vào bìa, giá vở đội lên 7.000 đồng, 1.000 đồng cho nhãn vở và giấy kính bọc nữa là gần gấp đôi giá thị trường rồi", một phụ huynh bức xúc.

Cuốn vở có hình ảnh của nhà trường, nhãn vở và bọc bằng giấy bóng kính có giá 8.000 đồng trong khi giá 1 cuốn vở cùng loại ngoài thị trường có giá 4.500 đồng.

Cuốn vở có hình ảnh của nhà trường, nhãn vở và bọc bằng giấy bóng kính có giá 8.000 đồng trong khi giá 1 cuốn vở cùng loại ngoài thị trường có giá 4.500 đồng.

Các khoản thu mới chỉ là dự kiến

Đưa vấn đề này trao đổi với ông Ngô Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường TH Đồng Văn 1, ông Hải khẳng định, số tiền 300 nghìn đồng mà nhà trường "xin" phụ huynh mới chỉ là dự kiến của trường. "Vào ngày 4/10 tới đây, chúng tôi mới tổ chức họp phụ huynh toàn trường để phụ huynh bàn bạc, thống nhất, hợp lý thì mới thu", ông Hải cho hay.

Tuy nhiên, ông Phó hiệu trưởng cũng cho rằng, vì không vận động xã hội hóa nên nhà trường không có kinh phí để phục vụ các hoạt động bề nổi của trường. "Số tiền này để phục vụ các hoạt động của học sinh như dã ngoại, thăm thú các di tích lịch sử, tổ chức cho các cháu vui chơi trung thu, giao lưu văn nghệ, cả quỹ đội, hội phí hội phụ huynh. Nếu phụ huynh không đồng ý thì các hoạt động này cũng bị ảnh hưởng, không thể nổi trội hơn…", ông Hải cho biết thêm.

Trường Tiểu học Đồng Văn 1 đang trong quá trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia.

Trường Tiểu học Đồng Văn 1 đang trong quá trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia.

Riêng phản ánh về sách VNEN photo bán cho phụ huynh, ông Hải khẳng định trường không có chủ trương đó. Trong khi đó, một giáo viên chủ nhiệm lớp 3 của trường lại cho rằng, một số phụ huynh có nhu cầu nên nhờ giáo viên photo sách hoặc mượn sách về tự photo để bày thêm cho con học ở nhà: "Không nhiều lắm đâu. Chủ yếu là phụ huynh ở trong bản, học lực của các cháu hơi đuối. Có photo hộ cho phụ huynh thì tôi cũng chỉ lấy tiền bằng giá photo ngoài cửa hàng thôi. Từ tháng 8 vừa rồi trường cấm nên cũng không photo hộ cho phụ huynh nữa".

Việc yêu cầu học sinh sử dụng vở có bìa in logo và hình ảnh của trường, theo ông Hải, vì trường đang xây dựng trường chuẩn quốc gia nên cũng muốn "đồng bộ" tất cả từ chất lượng đến sách vở, cơ sở vật chất. Mức giá 8.000 đồng/quyển ông Hải cho rằng không quá đắt vì lấy theo giá của đơn vị cung ứng, hơn nữa chất lượng giấy tốt hơn. Mặc dù Sở GD-ĐT Nghệ An đã có yêu cầu các trường không được in logo hình ảnh nhà trường lên bìa vở để bán cho phụ huynh nhưng theo ông Ngô Minh Hải thì "nhiều trường lâu nay vẫn làm thế".

Công trình nhà học 2 tầng đang được thực hiện có kinh phí gần 8 tỷ đồng, trong đó xã phải đóng đối ứng 10% tương đương 760 triệu đồng. Để có tiền đối ứng cho đơn vị thực hiện, UBND xã dự kiến sẽ thu phụ huynh trên đầu học sinh học tại trường mỗi em 1,4 triệu đồng.

Công trình nhà học 2 tầng đang được thực hiện có kinh phí gần 8 tỷ đồng, trong đó xã phải đóng đối ứng 10% tương đương 760 triệu đồng. Để có tiền đối ứng cho đơn vị thực hiện, UBND xã dự kiến sẽ thu phụ huynh trên đầu học sinh học tại trường mỗi em 1,4 triệu đồng.

Hiện công trình nhà học 2 tầng của Trường TH Đồng Văn 1 đang được triển khai xây dựng. Theo kế hoạch, đến tháng 11/2016, công trình trị giá gần 8 tỷ đồng này sẽ được bàn giao và đưa vào sử dụng. Theo quy định xã phải đối ứng 760 triệu đồng đối với dự án này. Phương án thu tiền đối ứng cũng đã được đưa ra HĐND xã bàn bạc và thống nhất thu phụ huynh học sinh trường TH Đồng Văn 1 số tiền 380 triệu, nửa còn lại sẽ thu cả xã. Như vậy tính ra thì mỗi học sinh trường TH Đồng Văn 1 phải đóng 1,4 triệu đồng.

"Có tiền đối ứng thì bên kia họ mới bàn giao công trình nên không thể chia ra thu trong nhiều năm được trong khi đó, yêu cầu năm 2016 trường phải đạt chuẩn. Huy động mỗi phụ huynh có con học tại trường là 1,4 triệu đồng thì cá nhân tôi cũng thấy cao, chưa hợp lý nên sẽ phải đưa ra lãnh đạo bàn bạc để có phương án khác phù hợp hơn", ông Phan Đức Quang – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết.

Hoàng Lam



Xem nguồn

Sẽ thực hiện tốt mọi phương án thi nếu gạt bỏ tâm lý ứng thí

Posted: 01 Oct 2016 01:43 AM PDT


Tâm lý ứng thí, tức nghe ngóng thi thế nào để dạy như vậy. Còn nếu dạy theo chương trình từ đầu và hoàn toàn chủ động chương trình của mình thì điều đó không còn là vấn đề nữa.

Thi trắc nghiệm Giáo dục công dân không lạ

Đây là năm đầu tiên môn Giáo dục công dân xuất hiện trong kỳ thi THPT quốc gia? Là người đứng đầu nhà trường, ông có lo lắng điều này?

– Nói về môn Giáo dục công dân, nếu để ý chúng ta sẽ thấy, lâu nay các trường đã tổ chức rất nhiều hoạt động liên quan đến chuyện trắc nghiệm Giáo dục công dân rồi, như thi tìm hiểu an toàn giao thông, thi tìm hiểu về sức khỏe sinh sản, những điều đó các trường đã làm từ lâu. Có thể có người nghĩ rằng, thi Giáo dục công dân là những kiến thức hàn lâm như triết học chẳng hạn nên họ sợ thôi.

Vậy còn với môn Toán thì sao?

Môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 cũng sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm. Có người sợ hình thức thi này không phát triển tư duy toán, nhưng theo tôi, khi học sinh giải quyết được bài trắc nghiệm thì các em vẫn phải có tư duy toán để giải quyết bài toán; học sinh vẫn phải thực hiện qua các bước giải để có đáp án, không phải trắc nghiệm là chọn bừa. Tăng câu hỏi bài thi tổ hợp sẽ phân hóa tốt hơn.

Ông Vũ Đình Thuận 

 

Phương án thi chính thức tăng số câu hỏi các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp. Ông có đồng tình với thay đổi này?

– Tôi nghĩ khi tăng số câu hỏi, bài thi sẽ phân hóa hơn. Ví dụ, một học sinh học tốt môn Vật lý nếu có làm tốt 20 câu cũng sẽ cảm thấy không đủ để mình phân biệt với bạn khác, nhất là với học sinh trường chuyên.

Với 20 câu như trong dự thảo, đề ra phải đảm bảo cho học sinh xét tốt nghiệp và phân hóa để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Giả sử, với tỷ lệ 50% chẳng hạn, sẽ chỉ còn 10 câu để phân hóa, chắc chắn sẽ không thể đủ để phân hóa được một em giỏi, một em hơi giỏi, một em khá… Nhưng 40 câu rõ ràng là việc phân hóa sẽ rõ hơn. Thời gian quy định cho mỗi bài thi khi số câu hỏi thay đổi cũng là hợp lý.

Không nên dạy theo kiểu lò luyện thi

Với những thay đổi trong phương án thi THPT quốc gia năm 2017, cách dạy, cách học của nhà trường sẽ thay đổi như thế nào?

– Với Trường THPT chuyên Tuyên Quang, chúng tôi đã chủ động từ lớp 10. Tôi cho rằng, việc sống còn là dạy trên lớp, dạy chính khóa là chính. Dạy tốt ở trên lớp đã rồi mới là phụ đạo, dạy thêm. Còn cứ đổ theo thi như thế nào rồi ôn tập thế, nếu sang năm có thay đổi lại phải làm lại từ đầu.

Bộ GD&ĐT có đưa ra lộ trình từ bài thi tổ hợp đến tổng hợp rồi tích hợp. Nhà trường có chuẩn bị gì cho lộ trình này?

– Với dạy học tích hợp, các trường sẽ phải có sự chuẩn bị. Bộ GD&ĐT cũng chắc sẽ có hướng dẫn, các trường không thể tự làm được. Khi nào Bộ GD&ĐT có hướng dẫn thì các trường sẽ chủ động thực hiện.

Vẫn còn có những giáo viên, học sinh tỏ ra lo lắng trước kỳ thi, ông sẽ chia sẻ điều gì với họ?

– Chỉ cần gạt bỏ được tâm lý ứng thí, ta sẽ làm được hết. Nếu cứ hay lo sợ thi như thế nào để dạy theo thế ấy thì chỉ được năm nay, sang năm lại phải làm lại.

Sống còn nhất giáo viên phải xác định được cách dạy của mình là dạy học sinh cách làm chứ không được dạy học sinh bài này làm thế này, bài kia làm thế kia…

Như thế bài khác không được chỉ dạy học sinh sẽ lúng túng. Kiểu lò luyện thi của ta là mắc cái đó, chỉ dạy mẹo mực để giải từng bài cụ thể.

Tin là sẽ có ngân hàng đề thi tốt

Số lượng thí sinh đông đòi hỏi ngân hàng đề thi lớn, ông có băn khoăn gì về chất lượng đề thi hay không?

– Bộ GD&ĐT có nêu mỗi học sinh có một mã đề, điều đó là hợp lý để tránh việc nhìn bài. Theo tôi, với chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ và kinh nghiệm của ĐHQG Hà Nội, từ nay đến sang năm chắn sẽ đủ để thi.

Năm nay Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ chương trình thi của năm 2016 chỉ ở lớp 12, sang năm nữa mới có cả lớp 11 và năm tiếp theo cả chương trình phổ thông. Nếu trong chương trình lớp 12, môn Toán chỉ có khoảng 140 tiết, không nhiều.

Ông kỳ vọng về đề thi THPT quốc gia năm tới sẽ như thế nào?

– Tôi nghĩ đề thi sẽ đáp ứng được học sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp, tức học lực trung bình, học tập chăm chỉ sẽ đạt yêu cầu tốt nghiệp; phân hóa để phân biệt được học sinh khá cứng, học sinh giỏi; em khá cứng chỉ được 8 nhưng em giỏi phải được 9, 10. Tôi hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ làm được điều đó.

Ông nhận định thế nào về phương án tổ chức thi THPT quốc gia 2017?

Tôi cho rằng, phương án này đạt được đúng mục đích của Bộ GD&ĐT đề ra, đó là kỳ thi nhẹ nhàng hơn, làm cho việc dạy học trong trường tiến tới phát triển năng lực cho học sinh. Điều này Tuyên Quang đã làm từ lâu và luôn sẵn sàng cho kỳ thi, nhất là kỳ thi hướng tới giảm căng thẳng cho học sinh.

Đặc biệt, trong điều kiện chúng ta đang xây dựng chương trình như hiện nay, cách thi này dần dần hướng tới việc dạy học sinh một thứ để các em biết nhiều thứ, dạy học sinh cách làm để học sinh biết làm.



Xem nguồn

Độc đáo mô hình cà phê khuyến học

Posted: 01 Oct 2016 01:01 AM PDT


Là người ngoài ngành giáo dục nhưng ông Phạm Văn Bình rất quan tâm đến hoạt động dạy và học ở các nhà trường, ông đã có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học ở địa phương như tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, hiến đất để xây dựng trường học…

Năm 2013, ông Bình đã có một sáng kiến: bán cà phê gây quỹ khuyến học. Để thực hiện dự án này, ông đã đầu tư mua sắm tủ, cà phê gói loại uống liền, trà, nước bằng số tiền tiết kiệm ít ỏi của cá nhân ông. Cách làm của ông là để cà phê, trà, nước… tại văn phòng UBND xã; khách uống cà phê đa số là cán bộ, nhân viên ở cơ quan tự pha chế cà phê, trà, nước và cũng tự giác bỏ tiền vào thùng theo giá đã niêm yết.

Cà phê khuyến học của ông Bình đã được nhiều người biết đến và ủng hộ nhiệt tình. Mọi người ủng hộ cà phê của ông vì sự tiện lợi của nó; hơn nữa khi uống một ly cà phê, mọi người đã đóng góp một ít công sức của mình vào quỹ khuyến học của địa phương.

Ông Dương Văn Xuân – Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tiên Phước cho biết, cứ mỗi tuần, Ban khuyến học công đoàn xã đến kiểm tra số tiền và đưa vào quỹ, sau đó mua bổ sung cà phê, để thêm tiền lẻ vào thùng cho tuần tới.

Thùng khuyến học ở thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam

Thùng khuyến học ở thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam

Mô hình này mỗi năm thu được từ 3-4 triệu đồng ở mỗi chi hội. Với địa bàn xã Tiên Cẩm hiện nay được 3 chi hội khuyến học thì mỗi năm cũng thu được khoảng 10 triệu đồng; số tiền này dùng để chi thưởng cho các em học sinh có học lực khá giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã nhằm động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập.

Mô hình thứ hai là thùng khuyến học ở thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước). Mô hình này bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2016 này. Sau khi vận động các gia đình hội viên đồng ý thực hiện, Ban chấp hành chi hội khối phố mang thùng đến đặt tại nhà các hội viên. Đến nay đã có 150 thùng khuyến học được đặt ở chi hội khối phố Bình Phước (thị trấn Tiên Kỳ).

Tùy theo tấm lòng của mỗi gia đình dành cho khuyến học, ví dụ như tiền lẻ hàng ngày sau khi đi chợ được các gia đình bỏ vào thùng, tiền dư của ông bà, bố mẹ do con cháu cho… Dù không nhiều nhưng "góp gió thành bão".

Theo thỏa thuận của các hội viên, trước ngày 2/10 hàng năm, ban chấp hành chi hội đến cùng gia đình mở khóa thùng kiểm đếm tiền trong thùng, sau đó trích từ 30-40% số tiền trong thùng dùng cho quỹ khuyến học của chi hội, còn lại là dùng khuyến học trong gia đình.

Ông Nguyễn Chí Thắng – một người dân ở khối phố Bình Phước (thị trấn Tiên Kỳ) cho hay, ở khối phố này có 150 thành viên tham gia. Nếu mỗi hộ gia đình bình quân bỏ vào thùng một năm chỉ 200 ngàn đồng thì chi hội đã có 30 triệu đồng. Số tiền này giúp đỡ rất nhiều cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm… và làm được rất nhiều việc khác.

"Đây là việc làm nâng cao ý thức cho người dân trong công tác khuyến học, khuyến tài, mang lại lợi ích chung cho xã hội", ông Thắng nói.

Heo khuyến học tại xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, Quảng Nam

Heo khuyến học tại xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, Quảng Nam

Mô hình khuyến học thứ ba cũng đang được thực hiện huyện Tiên Phước, đó là nuôi heo khuyến học tại xã Tiên Hà. Tại thôn Phú Vinh (xã Tiên Hà), mỗi gia đình có 1 con heo. Hiện đã có 36 hộ tham gia. Đầu tháng 9 vừa qua, chi hội khuyến học thôn Phú Vinh đã mổ heo, tổng cộng được 82 triệu đồng. Số tiền này được hỗ trợ chi hội khuyến học thôn 4 triệu đồng, còn lại là quỹ khuyến của gia đình.

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tiên Phước cho biết, sắp đến thôn Tú An (xã Tiên Hà) cũng tiến hành mổ heo đất. Số tiền này cũng sẽ được thực hiện như thôn Phú Vinh.

Theo báo cáo của Hội Khuyến học huyện Tiên Phước, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng cộng toàn huyện Hội đã huy động nguồn quỹ được trên 1,3 tỉ đồng; trong đó đã cấp học bổng, khen thưởng, hỗ trợ khó khăn cho học sinh, sinh viên là 4.922 suất, với số tiền trên 1,2 tỉ đồng. So với chỉ tiêu đăng ký huy động quỹ cả năm của toàn huyện Hội đến nay đã đạt trên 65%.

Công Bính



Xem nguồn

Comments