Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Vớt vát cho VNEN, một số nơi đang làm trái chỉ đạo của Bộ trưởng

Posted: 18 Oct 2016 09:32 AM PDT


LTS: Sau gần 5 năm (2012 – 2016) triển khai thực hiện mô hình trường học mới VNEN, một số địa phương đã quay lưng lại với mô hình này.

Rất nhiều cán bộ, giáo viên tâm huyết, ngoài và trong cuộc đều đặt ra câu hỏi: "Liệu mô hình trường học mới VNEN có phù hợp với giáo dục Việt Nam hay không?"

Sau đây là ý kiến của thầy giáo Lê Văn Vỵ (một giáo viên ở Hà Tĩnh, người đã viết hàng chục bài phản biện về VNEN đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam).

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Sự lựa chọn nhiều bất cập!

Để trả lời câu hỏi liệu mô hình trường học mới VNEN có phù hợp với giáo dục Việt Nam hay không?, chúng tôi đặt ra vấn đề hiện nay Giáo dục Việt Nam đang ở đâu và trả lời nó.  

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cả về xóa mù, phổ cập cho đến đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và được thế giới biết đến.

Tại Hà Tĩnh, năm 1995, UNESCO đã tặng xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên giải thưởng Crupxkaia về thành tích xóa mù.

Giáo dục Cẩm Bình đã được 4 lần được Nhà nước phong tặng anh hùng và một thời nổi tiếng về "ngọn đèn làng học", về mô hình Bình dân học vụ.

Mô hình trường học mới VNEN ra đời từ Cô-lôm-bi-a đã khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, sáng tạo được mô hình tự quản, biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục.

Nhưng mô hình này quả là không hợp với giáo dục Việt Nam, vì giáo dục Việt Nam đặt ra trong thế kỷ XXI không phải là vấn đề xóa mù, phổ cập, mà là vấn đề bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Việc tìm kiếm mô hình giáo dục tiến tiến vô cùng cấp bách, cần thiết, nhưng mô hình đó tuyệt nhiên không phải là mô hình trường học mới của Cô-lôm-bi-a.



Học sinh lớp 7 ở Hà Tĩnh tán thành bỏ VNEN.

Chúng ta triển khai thí điểm  mô hình trường học mới VNEN trên phạm vi toàn quốc và sau gần 5 năm,  một số địa phương đã quay lưng lại mô hình này, chứng tỏ nó không ưu việt như Dự án đã khuyến cáo!

"Nửa dơi, nửa chuột"

Nghĩa đen của mô hình là hình mẫu, hình chuẩn.

Trả lời câu hỏi mô hình trường học mới VNEN có phải là mẫu và chuẩn không? chúng tôi thấy, mô hình này không mẫu, không chuẩn.

Việc triển khai mô hình  trong thời gian gần 5 năm (2012-2016), thiếu cả một lộ trình triển khai bài bản, cẩn trọng, khoa học, tuân thủ từng bước cần có của một mô hình thực nghiệm.



Học sinh lớp 7C trường Trung học Cơ sở Nam Hà, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh khuôn mặt tươi vui rạng rỡ khi được bỏ chương trình VNEN.

Sự tùy tiện, vội vàng được biểu hiện ở mấy điểm sau đây:

1. Ở bậc Tiểu học, mô hình bắt đầu từ lớp 2, bỏ qua lớp 1; ở Trung học Cơ sở bắt đầu từ lớp 6.

Rất nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh ngỡ ngàng khi thấy mô hình không đầu không cuối, và băn khoăn lo lắng liệu tương lai của mô hình sẽ ra sao có thực hiện ở bậc Trung học Phổ thông hay không?

Có người nghi ngờ mô hình trường học mới chủ yếu nhằm giải ngân một dự án 84,6 triệu USD. Kết thúc dự án, hết tiền là hết mô hình?

2. Dự án mô hình trường học mới VNEN ở Việt Nam (GPE-VNEN) không giám sát được tình hình nên bỏ mặc địa phương mỗi nơi làm một kiểu.

Ví như tại Hà Tĩnh, năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai 100% mô hình trường học mới đến các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, bất chấp Nghị định 115/2010/NĐ-CP về thẩm quyền quản lý Nhà nước về giáo dục, bất chấp luật giáo dục và điều lệ trường trung học.

Việc xuất bản, phát hành, kinh doanh sách thử nghiệm khi chưa được Hội đồng quốc gia thẩm định và chưa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là hoàn toàn trái với Khoản 3, Điều 29 Luật giáo dục.

Hiện, tại Hà Tĩnh dư luận xôn xao về một triệu bản sách thử nghiệm VNEN với số tiền lên đến 20 tỷ đồng đang được dư luận đặt câu hỏi:

Liệu đây có phải là lợi ích nhóm đã len vào trong mô hình thử nghiệm? (Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài báo riêng).



Trường Trung học Cơ sở Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh là một trong những trường đã bỏ mô hình VNEN trong năm học 2016-2017.

3. Việc bê nguyên  xi một số phần mô hình trường học mới VNEN từ Cô-lô-bi-a vào Việt Nam như:

"Ngồi theo mâm", tổ chức lớp và các chức danh: Chủ tịch Hội đồng tự quản, Trưởng ban đối ngoại, học tập,  nhóm Chim sơn ca, nhóm Vui vẻ, nhóm Sáng tạo, nhóm Họa mi đã bị chính các em học sinh khước từ sau một thời gian thực hiện mà tự các em chuyển đổi sang một cách gọi giản dị hơn: Lớp trưởng, Lớp phó, Tổ 1, 2, 3,4.

Điều này chứng tỏ, mô hình trường học mới VNEN đã vỡ trận.



Trường Trung học Cơ sở Nam Hồng (thành phố Hà Tĩnh) là một trong những trường đã bỏ mô hình VNEN trong năm học 2016-2017.

4. Nhằm "vớt vát" lại một chút cho mô hình trường học mới VNEN, một số nơi đã và đang làm trái Công văn 4068 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại Hà Tĩnh đang có chỉ đạo ngầm vận dụng VNEN vào chương trình truyền thống và ngược lại, điều này đã làm khó cho giáo viên và học sinh, biến mô hình giáo dục thành quái dị "nửa dơi, nửa chuột".

Nguyện vọng giáo viên, phụ huynh mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc thanh tra toàn diện mô hình trường học mới VNEN; có đánh giá khoa học, chính xác và nhanh chóng kết thúc mô hình này càng sớm càng tốt.

Clip biểu quyết bỏ VNEN của lớp 7, trường Trung học Cơ sở Nam Hồng, thị xã Hồng lĩnh, Hà Tĩnh:



Xem nguồn

Tạm dừng phiên tòa ông Hoàng Xuân Quế kiện cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Posted: 18 Oct 2016 08:50 AM PDT


Vào ngày 7 và chiều 10/10, TAND Thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án ông Hoàng Xuân Quế (Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì ra quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 (khi đó là ông Phạm Vũ Luận).

Quyết định số 4674 thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế vì cho rằng có sao chép một phần nội dung trong luận án của Tiến sĩ Mai Thanh Quế (Giảng viên Học viện Ngân hàng).

Tuy nhiên, phía ông Hoàng Xuân Quế cũng như Luật sư Trần Hồng Phúc – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên khởi kiện đã đưa ra nhiều luận chứng thuyết phục khẳng định việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó là ông Phạm Vũ Luận ra quyết định 4674 là không khách quan, không công bằng, không minh bạch.



Vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tạm dừng để Tòa làm rõ thêm một số nội dung thông tin, củng cố thêm các chứng cứ. ảnh: VH.

Cụ thể, trong quá trình giải quyết vụ việc, ông Hoàng Xuân Quế nhiều lần đề nghị Bộ GD&ĐT đưa ra cuốn luận án tiến sĩ gốc mà ông đã nộp về Bộ GD&ĐT trước và sau khi bảo vệ luận án, để xem xét. Đó là luận án mà ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ và được cấp bằng Tiến sĩ loại xuất sắc.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT không đưa ra được cuốn luận án này. Đồng thời, trong quá trình thu thập tài liệu, Bộ GD&ĐT căn cứ vào quyển luận án được cho là của ông Quế nộp tại Thư viện Quốc gia và quyển luận án lưu tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để đánh giá.

Ông Quế không chấp nhận các cuốn luận án này, do không có chữ ký cam đoan của mình trên phần cam đoan (là yêu cầu bắt buộc), và các tài liệu kèm theo phải nộp cho Thư viện Quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Về cuốn luận án ông Hoàng Xuân Quế nộp tại Bộ GD&ĐT thì cơ quan này cho biết đã chuyển vào Thư viện Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh?!

Cuốn luận án này cũng không có chữ ký cam đoan của ông Quế. Trong khi đó, theo quy định thì cuốn luận án bắt buộc phải được lưu tại hồ sơ nghiên cứu sinh của ông Quế tại Bộ GD&ĐT.

Kết thúc phiên xét xử chiều 10/10, Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa nêu ý kiến: Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa "Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 điều 193 Luật Tố Tụng hành chính năm 2015, chấp nhận một phần khởi kiện theo yêu cầu của đương sự (ông Hoàng Xuân Quế) đối với yêu cầu hủy quyết định số 4674 ngày 11/10/2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (do tại phiên toà ông Quế không yêu cầu bồi thường như trong đơn khởi kiện, mà chỉ yêu cầu hủy quyết định 4674, khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp).

Người khởi kiện (ông Hoàng Xuân Quế) được quyền nhận lại án phí đã nộp và người bị khởi kiện phải nộp án phí sơ thẩm".

Chủ tọa phiên tòa thông báo sẽ công bố kết quả vào chiều 17/10.

Tuy nhiên, chiều nay (17/10), Chủ tọa phiên tòa cho biết, do cần làm rõ một số nội dung, củng cố các chứng cứ, do đó áp dụng Điều 187 Luật Tố tụng hành chính, tạm ngừng phiên tòa.

Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa.

Để độc giả tiện theo dõi vụ việc này, chúng tôi xin thống kê lại các nội dung đăng tải như sau:

1. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nguyen-Bo-truong-giao-duc-Pham-Vu-Luan-bi-kien-vi-quyet-dinh-so-4674-post171494.gd

2. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dai-dien–Bo-Giao-duc-neu-quan-diem-ve-vu-cuu-Bo-truong-bi-kien-ra-toa-post171575.gd

3. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Luat-su-noi-cuu-Bo-truong-Bo-Giao-duc-va-Dao-tao-hanh-su-vo-phap-vu-ong-Que-post171537.gd

4. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thu-truong-Bui-Van-Ga-muon-cac-co-quan-to-tung-giu-nguyen-Quyet-dinh-4674-post171651.gd

5. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Luat-su-cua-ong-Hoang-Xuan-Que-neu-6-van-de-phan-bien-lai-Bo-Giao-duc-post171653.gd



Xem nguồn

Quảng Bình: Lãnh đạo Sở GD&ĐT thăm và chia sẻ cùng các trường bị ngập lụt

Posted: 18 Oct 2016 08:09 AM PDT


Ông Trần Đình Nhân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình - thăm hỏi động viên học sinh sau mùa lũÔng Trần Đình Nhân – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình – thăm hỏi động viên học sinh sau mùa lũ

Cùng ngày, ông Trần Đình Nhân – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình – đã đến chia buồn, động viên gia đình các học sinh bị chết do bị nước lũ cuốn trôi. Mỗi gia đình học sinh được Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình hỗ trợ 1 triệu đồng

Tại các trường bị ngập lụt nặng, ông Trần Đình Nhân đã chia sẻ khó khăn với các trường, mong muốn các cán bộ, nhân viên, giáo viên nhà trường cố gắng dọn dẹp vệ sinh trường lớp, đưa hoạt động của nhà trường trở lại nếp bình thường.

Bên cạnh đó, các trường cần có báo cáo cụ thể về những thiệt hại do đợt lũ này gây ra để Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình trình tỉnh xin hỗ trợ phần kinh phí khắc phục hậu quả.

Lãnh đạo Sở chỉ đạo phòng GD&ĐT các địa phương Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn và các đơn vị trực thuộc cần theo dõi diễn biến mới nhất của cơn bão số 7 và số 8 để từ đó chủ động trong việc dạy và học đồng thời có phương án tốt nhất để bảo vệ tài sản của nhà trường. Đặc biệt, các trường cần phải chủ động trong việc bảo vệ học sinh trước, trong và sau khi thiên tai ập đến nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của học sinh.

Trong đợt này, những trường có thiệt hại nặng nề và những trường khó khăn trên địa bàn được Sở GD&ĐT hỗ trợ 3 triệu đồng.

Một số hình ảnh của lãnh đạo Sở GD&ĐT đến thăm, chia sẻ và động viên các trường bị thiệt hại trong đợt lũ vừa qua:

Các đồng chí lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình chia buồn và động viên gia đình em Phạm Thị Khánh Ngọc – học sinh lớp 4 trường TH Quảng Trung. Em bị nước lũ cuốn trôi vào ngày 14/10



Xem nguồn

Nhiều người vẫn nghĩ phụ nữ không giữ được chức vụ cao trong xã hội

Posted: 18 Oct 2016 07:26 AM PDT


Ngày 14/10, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đến thăm và làm việc tại Học viện Phụ nữ Việt Nam. 

Mở đầu cuộc làm việc, TS.Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam tóm tắt sơ bộ về chức năng, nhiệm vụ và định hướng phát triển giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 của học viện.

Theo đó, Học viện Phụ nữ Việt Nam có chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác phụ nữ, cán bộ nữ cho hệ thống chính trị và tham gia đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu xã hội. 

Tổng kết thực hiện, nghiên cứu, phát triển lý luận ngành khoa học xã hội để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, luật phát có liên quan đến phụ nữ và phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Học viện Phụ nữ Việt Nam phấn đấu được công nhận là một cơ sở giáo dục đại học "định hướng ứng dụng" và đạt được các tiêu chuẩn quốc gia quy định đối với các cơ sở giáo dục đại học. 

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đến thăm và làm việc tại Học viện Phụ nữ Việt Nam (Ảnh: Thùy Linh)

Trong đó có một số ngành (giới và phát triển, công tác xã hội, luật, quản trị kinh doanh) đạt đẳng cấp khu vực ASEAN về đào tạo và nghiên cứu khoa học; trở thành trung tâm có uy tín ở Việt Nam trong việc bồi dưỡng cán bộ Hội, cán bộ nữ, cán bộ làm công tác phụ nữ trong hệ thống chính trị.

Sau bốn năm tuyển sinh đại học, hiện nay học viện đang đào tạo 1.600 sinh viên theo học các ngành Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Giới & Phát triển và Luật. 

Theo giám đốc Học viện, mặc dù là cơ sở giáo dục mới thành lập được 4 năm nhưng công tác tuyển sinh của trường luôn đạt so với chỉ tiêu đề ra, đặc biệt trong năm học 2016-2017 trường tuyển sinh đủ sinh viên ngay trong đợt 1.
 
Giám đốc Trần Quang Tiến hi vọng rằng thông qua buổi làm việc, học viện sẽ được lắng nghe những ý kiến đóng góp, định hướng của lãnh đạo Hiệp hội nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động mọi lĩnh vực trong thời gian tới. 

Chia sẻ với lãnh đạo Nhà trường, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng học viện cần có phương án cụ thể, lộ trình thực hiện việc đẩy mạnh nâng cao năng lực cho phụ nữ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo nữ từ trung ương đến địa phương. 

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng bộ giáo trình tự học hoặc đào tạo tại chỗ cho học viên nữ; đào tạo kỹ năng, Ngoại ngữ cho học viên nữ; Tập trung đào tạo đối tượng phụ nữ tham chính; Chú trọng  thực hiện các công trình nghiên cứu Bình đẳng giới… 

Mặc dù ai cũng nói bình đẳng giới nhưng thực tế cho thấy chúng ta chưa làm được bởi đến thời điểm này tâm thức bên trong của nhiều người luôn nghĩ phụ nữ không giữ được chức vụ cao trong xã hội. 

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ minh chứng, trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chưa có Hiệu trưởng nào là nữ giới. 



Xem nguồn

Còn 29 trường với 8.529 học sinh Hương Khê “thất học” do lũ

Posted: 18 Oct 2016 06:44 AM PDT


Hơn 8 nghìn học sinh Hương Khê, Hà Tĩnh nghỉ học do mưa lũ

Thông tin từ ông Trần Đình Hùng (Trưởng phòng Giáo dục Hương Khê), đến ngày 18/10 vẫn còn 29 trường với 8.529 học sinh Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn Hương Khê, Hà Tĩnh chưa được đến trường do lũ.

Trong số 29 trường này có 12 trường Mầm non,  12 trường Tiểu học, 6 trường Trung học Cơ sở trên địa bàn các xã Hương Trạch, Hương Phúc, Hương Giang, Hòa Hải, Phúc Đồng, Hà Linh, Phương Điền, Gia Phố,  Phương Mỹ, Hương Thủy, Lộc Yên , Hương Đô học sinh chưa thể đến lớp.

Thậm chí những trường Mầm non, Tiểu học ở Phương Mỹ, Hòa Hải, Hương Thủy, Hà Linh  thuộc địa bàn vùng xuôi huyện Hương Khê, nước lũ vẫn chưa rút.

Cô giáo Ngô Thị Hà (Hiệu trưởng trường Mầm non Phương Mỹ) buồn bã nói qua điện thoại:

"Nước lũ bao vây tứ phía, nước rút rất chậm. Chúng em trông chờ nóng cả gan ruột, từng ngày, từng giờ mong nước rút nhưng đây là vùng trũng, ngập lâu nên nước rút rất chậm, nghe nóng cả ruột gan.

Sáng nay vào lúc ba giờ chúng em xem nước thì vẫn còn ngập đến 2m".

Mang những gì còn sót lại ra phơi!

Quan sát xung quanh là cảnh ngổn ngang của những ngôi nhà sau lũ.

Tại các điểm trường Mầm non Hà Linh, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hòa Hải nước rút đến đâu là các giáo viên, phụ huynh được sự giúp đỡ của lực lượng bộ đội, thanh niên tình nguyện dọn dẹp, vệ sinh đến đó.

Công tác nạo bùn trong phòng học, sân trường; lau chùi bàn ghế; vệ sinh giếng nước, nhà ăn, nhà vệ sinh; phơi sách vở, tài liệu, chăn chiếu được thực hiện rất tích cực.

Tại những ngôi trường bên dòng sông Ngàn Sâu mà chúng tôi đến, nước ngập sâu, thậm chí như điểm trường Tân Dừa thuộc trường Mầm non Hương Trạch, nước ngập xấp xỉ mái ngói, nên tất cả đồ dùng thiết bị dù được gác lên cao vẫn ngập hoàn toàn.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo Hương Khê, đến thời điểm hiện tại, thiệt hại của các trường ước tính 3 tỷ đồng (nhiều nhất là trường Mầm non Hương Trạch, Hương Đô, Phương Mỹ, Hà Linh; trường Tiểu học Hương Đô, Phương Mỹ).

Hiện, tất cả các trường bị ngập lũ đang tập trung nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm ổn định tình hình, cho các em đến lớp.

Học sinh bán trú không biết bao giờ mới được trở lại trường!

Với những học sinh học ngoại trú, dự tính vài ngày hoặc chậm nhất một tuần các em được trở lại trường nhưng với các học sinh bán trú chưa biết đến bao giờ?

Sau lũ, các nhà trường phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. "Thiệt hại ba tỷ đồng cả ngành giáo dục là không lớn, nhưng với các nhà trường mất một máy vi tính, máy in, hay thiết bị dạy học, đồ chơi là ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy học của giáo viên và học sinh", cô Trần Thị Hiền (Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở) trao đổi.

Sách báo, dụng cụ học đều bị ướt hết!

Đến trường Mầm non Hương Đô, hay Hương Trạch, Lộc Yên thấy đồ chơi trẻ em chôn trong bùn, sách vở và thiết bị lấm bùn lũ không khỏi xót xa.

Đến trường Tiểu học Hương Đô, tận mắt chứng kiến toàn bộ phòng thí nghiệm và thư viện hư hỏng hầu như không thể khắc phục được mà ái ngại cho nhà trường…

Được biết để có những dụng cụ dạy học hay đồ chơi cho trẻ là phải nhờ vào công tác xã hội hóa giáo dục.

"Nhưng bây giờ toàn bộ gia đình học sinh bị ngập lũ, các hộ gia đình phụ huynh ở thôn 7, 9 ở hai bên bờ sông Ngàn Sâu, nước lũ ngập hết, tình cảnh càng khốn đốn hơn, nên không thể huy động phụ huynh được.

Nhà trường chưa biết có cách nào để có được máy tính, máy in, máy phô tô đây?", thầy Nguyễn Quốc Toản ngao ngán.

Còn đối với các lớp tổ chức ăn bán trú, dụng cụ tập đoàn, bếp ăn hư hỏng, chăn màn ướt, trộn bùn, bát đĩa vỡ, xô thúng đồ dùng bằng nhựa trôi theo lũ chưa biết khi nào mới sắm sửa lại được.

Cô Lê Thị Hải Yên (Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Trạch) lo lắng: "Trường em có 4 điểm, đều  tổ chức bán trú cho học sinh, tại diểm Tân Dừa nước lũ sắp ngập mái nhà nên dụng cụ tập đoàn, tủ lạnh bị hỏng hoàn toàn, bếp ăn cũng lún nền, vì vậy, để tổ chức được bán trú còn là một khó khăn lớn.

Ví như chẳng biết đến bao giờ chúng em mới có tiền mua được tủ lạnh để cất trữ mẫu thức ăn như quy định".

Có thể vài ngày nữa, trời không mưa, thủy điện Hố Hô không xả lũ, trường bắt đầu học bình thường, nhưng tổ chức bán trú thì chưa biết đến bao giờ!?

Một số hình ảnh khắc phục lũ lụt ở các trường Mầm non Hương Trạch, Lộc Yên, Hương Đô, Tiểu học Hương Đô (Hương Khê, Hà Tĩnh):

Qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi muốn kêu gọi giáo viên, học sinh ở các trường học trên địa bàn toàn quốc, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đến với những trường học vùng rốn lũ Hương Khê chia sẻ, động viên giúp đỡ vật chất tinh thần để họ vượt qua được khó khăn này!



Xem nguồn

Phương pháp học: Chìa khoá sáng tạo cho sinh viên

Posted: 18 Oct 2016 06:02 AM PDT


 – Khi việc học thực sự trở thành "quyền" chứ không còn là "nghĩa vụ" của sinh viên thì phương pháp học bắt đầu trở thành một đề tài được nhiều trường học quan tâm vì kiến thức thì vô vàn nhưng làm sao đổ đầy kiến thức đó vào trong mỗi sinh viên thì câu chuyện bắt đầu quay về phương pháp học.

Khi người học trở thành trung tâm

Nguyễn Thị Thu Ngân (Sinh viên năm 2 trường ĐH Boston, Mỹ) sau 2 tháng theo học tại ngôi trường nổi tiếng về chất lượng đào tạo của Mỹ đã chia sẻ:

 "Hai tháng đầu học trong môi trường này, thật sự mình rất "đuối" và không biết mình phải làm gì vì mình cảm giác hầu như không được dạy gì cả! Mình lớn lên từ cách dạy thầy giảng trò nghe, nay "bị" cho vào một môi trường mà bạn phải làm việc cùng nhau để tìm ra một đáp án đúng khiến mình thật sự bối rối. Nhưng khi vượt qua được "ngưỡng" bối rối đó, khẳng định được giảng viên chỉ là người chỉ dẫn để ra được kết quả cuối cùng thì cũng là lúc mình nhận ra rằng các kỹ năng về tư duy, phản biện, tranh luận…của mình tiến bộ rất nhiều ".

giảng đường thông minh, phương pháp học

Đây không phải là trường hợp "cá biệt" đối với các bạn du học sinh Việt Nam. 

Trong thời đại mà mọi kiến thức bạn chỉ cần "Google" thì phương pháp học là điều cần chú trọng. 

Tại các quốc gia phát triển, việc học nhóm đã được "phương pháp hóa" thành nhiều hình thức tùy theo mục tiêu của ngành học nhằm phát huy tối đa năng lực của từng thành viên, cũng như rèn cách phát triển tư duy, giải quyết vấn đề trong một tập thể. Và tất cả các phương pháp đó đều lấy người học làm trọng tâm, giảng viên đóng vai trò là người giám sát và định hướng, giúp các nhóm tìm ra lối đi tối ưu trong việc học tập, nghiên cứu của mình.

Cuộc giao thoa giữa chuyên môn, công nghệ và phương pháp

Hiện nay, phương pháp học tập chủ động theo nhóm TBL đang là mô hình học tập được rất nhiều trường Đại học trên thế giới áp dụng. Đây là mô hình giáo dục tập trung vào hình thức theo từng nhóm nhỏ. Theo đó, mỗi nhóm sẽ bao gồm 5-7 sinh viên và không thay đổi trong suốt năm học. Với sự sắp xếp này, tính tương tác giữa các thành viên thường rất cao; sinh viên có nhiều điều kiện hơn để trao đổi và thảo luận các câu hỏi và vấn đề được đưa ra, góp phần không nhỏ vào việc tiếp thu nội dung bài giảng hiệu quả hơn.

giảng đường thông minh, phương pháp học
Một nhóm sinh viên trong giờ học tại giảng đường thông minh Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Để tránh trường hợp một số sinh viên thụ động trong quá trình làm việc nhóm, mô hình TBL khuyến khích giảng viên liên tục giám sát, nhắc nhở, và đưa ra những lời góp ý khi cần thiết. Chính vì vậy, sau khi đã được thích nghi với môi trường TBL, sinh viên sẽ dần trở nên chủ động hơn trong việc đóng góp vào kết quả học tập chung của nhóm. 

Các trường Đại học danh tiếng như Đại học Vanderbilt, Đại học Colarado, đặc biệt là trường Đại học Y Harvard đã áp dụng phương pháp này trong nhiều năm qua.

Tại Việt Nam, Đại học Y Dược TP.HCM và ĐH Y – ĐH Thái Nguyên đã bắt đầu áp dụng phương pháp TBL tại Giảng đường thông minh

TBL đã và đang chứng tỏ sự khác biệt khi nâng cao khả năng của sinh viên lẫn giảng viên.

Bạn Nguyễn Thùy An (Sinh viên lớp Y13C, Trường ĐH Y Dược TP.HCM) chia sẻ sau khi được học phương pháp này: "Mình rất bất ngờ với các bố trí bàn học linh hoạt, giảng viên và sinh viên có thể trao đổi, tương tác với nhau dễ dàng hơn. Tùy yêu cầu của từng buổi học mà tụi mình ghép nhóm, di chuyển trong lớp học rất dễ dàng. Mọi người có cơ hội trình bày ý kiến của mình nhiều hơn, thảo luận tốt hơn và được hỗ trợ bởi rất nhiều thiết bị công nghệ tiên tiến, trực quan sinh động".

giảng đường thông minh, phương pháp học

Giảng đường thông minh với các trang thiết bị hiện đại và cách phân bổ vị trí học tập thuận lợi cho học nhóm

Phương pháp học tập theo nhóm TBL đặc biệt phát huy hết hiệu quả khi "song hành" cùng Giảng đường thông minh -một giảng đường với các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại để sinh viên tiếp xúc gần hơn với thực tế, được trải nghiệm thông qua hình ảnh, mô phòng, clip 3D, giảng viên gần gũi hơn với sinh viên qua cá phần mềm quản lý và tương tác. Hiện tại, ĐH Y Dược TP.HCM và ĐH Y – ĐH Thái Nguyên đang là 2 đơn vị sở hữu giảng đường thông minh.



Xem nguồn

Trường Hữu nghị 80 khai giảng năm học mới khối lưu học sinh Lào – Campuchia

Posted: 18 Oct 2016 05:20 AM PDT


Đại biểu dự lễ khai giảng nhận hoa chúc mừng từ lưu học sinhĐại biểu dự lễ khai giảng nhận hoa chúc mừng từ lưu học sinh

Tham dự buổi lễ có ngài Thongsavanh Phomvihane – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam; Ngài Prak Nguon Hong – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo chính quyền địa phương; cùng đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh và lưu học sinh.

Năm học 2016-2017, trường Hữu nghị 80 đón 380 lưu học sinh (LHS) học dự bị tiếng Việt để vào học Đại học và Sau Đại học, trong đó có 93 LHS Campuchia, 287 LHS Lào – bao gồm các đối tượng LHS diện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Lào, Chính phủ Campuchia và một số LHS diện tự túc.

Năm nay cũng là năm học thứ 6, nhà trường đón 40 giáo viên cốt cán các môn khoa học tự nhiên cấp THPT của Lào sang trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và ứng dụng CNTT.

Năm học 2016-2017 đặc biệt có ý nghĩa bởi đây là năm học sẽ diễn ra các sự kiện đánh dấu mốc son trong mối quan hệ giữa Việt Nam với 2 nước bạn Lào và Campuchia. Đó là kỉ niệm 55 năm Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm ngày kí hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam – Lào; kỉ niệm 45 năm ngày Việt Nam và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tại lễ khai giảng, ngài Thongsavanh Phomvihane – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam – đánh giá cao chất lượng đào tạo của nhà trường. "Đối với cán bộ Lào khi được sang bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đều được truyền đạt kiến thức, bài học kinh nghiệm mới về chuyên ngành, môn học cả lí luận và thực tiễn. Sau khi hoàn thành khoá bồi dưỡng trở về nước, họ đều áp dụng kiến thức kinh nghiệm đã học cho công việc trong mọi lĩnh vực công tác ở khắp mọi miền đất nước" – đại sứ Thongsavanh Phomvihane nói.

Đánh giá cao năng lực và tâm huyết của đội ngũ giáo viên nhà trường, ngài Prak Nguon Hong – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam – khẳng định trên cương vị của mình tại Việt Nam sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa Đại sứ quán với các thầy giáo, cô giáo và cán bộ viên chức trường Hữu nghị 80 ngày càng bền vững.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT dự khai giảng, đồng chí Phạm Chí Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT) – ghi nhận nỗ lực của thầy và trò nhà trường, nhiều năm liền trường Hữu nghị 80 được Bộ GD&ĐT công nhận danh hiệu đơn vị lao động xuất sắc, cờ thi đua của Bộ GD&ĐT, bằng khen của Chính phủ, cờ thi đua của Chính phủ.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2016-2017 và những năm học tiếp theo, đồng chí Phạm Chí Cường đề nghị nhà trường thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa giáo dục toàn diện; đi đầu trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy tiếng Việt và công tác quản lí; chú trọng công tác giáo dục ý thức và tinh thần đoàn kết của học sinh 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, thông qua các hoạt động chung về văn hoá, văn nghệ, thể thao để học sinh các nước được giao lưu, thân thiện, không phân biệt dân tộc, quốc tịch…

Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT chúc các LHS Lào, LHS Campuchia và học sinh Việt Nam đạt được thành tích tốt và mong rằng các em sẽ là những nhân tố tích cực vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa 3 quốc gia.

Phát biểu tại lễ khai giảng, cô Hiệu trưởng Vũ Thị Ánh, thay mặt tập thể nhà trường cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành hữu quan, Thị uỷ, UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội); sự phối hợp chặt chẽ, gắn bó của Đại sứ quán Lào, Đại sứ quán Campuchia – đã giúp nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đồng thời bày tỏ quyết tâm của tập thể thầy trò nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2016-2017, xây dựng trường Hữu nghị 80 mãi mãi là mái trường thắm đượm tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào – Campuchia.

Trường Hữu nghị 80 là nơi tụ hội của học sinh sinh viên 3 nước Việt – Lào – Campuchia, 36 năm qua trường đã đào tạo dự bị tiếng Việt cho gần 10.000 lưu học sinh Lào và Campuchia, là điểm đặt chân đầu tiên của nhiều thế hệ lưu học sinh 2 nước bạn khi đến Việt Nam học tập và nghiên cứu.



Xem nguồn

Các trường kiểm tra, đánh giá học sinh theo bộ đề thi minh họa

Posted: 18 Oct 2016 04:38 AM PDT


Học sinh được giải tỏa áp lực khi nhà trường có những giải pháp hiệu quả trong công tác dạy học, hướng dẫn ôn tập, phụ đạo kiến thức.Học sinh được giải tỏa áp lực khi nhà trường có những giải pháp hiệu quả trong công tác dạy học, hướng dẫn ôn tập, phụ đạo kiến thức.

Nhằm nâng cao chất lượng dạy học hiệu quả, đáp ứng đổi mới kỳ thi, các trường cũng chủ động yêu cầu giáo viên nghiên cứu, thực hiện soạn thảo giáo án, xây dựng ngân hàng đề thi, ma trận câu hỏi theo hướng bài thi trắc nghiệm của đề thi THPT quốc gia.

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy

Theo thầy Huỳnh Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quý Cáp (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017, hội đồng sư phạm nhà trường nghiên cứu và dự đoán được những sự thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia. Chính vì vậy, khi Bộ GD&ĐT công bố chính thức phương án kỳ thi THPT quốc gia 2017, cán bộ, giáo viên nhà trường không tỏ ra bất ngờ hay sự lo lắng, băn khoăn nào.

Cùng với đó, việc Bộ GD&ĐT sớm công bố bộ đề thi minh họa đã giúp cán bộ, giáo viên, học sinh nắm bắt, tìm hiểu nội dung, cấu trúc đề thi một cách kịp thời. Ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn về công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá bám sát nội dung kỳ thi THPT quốc gia 2017.

"Chính điều đó đã giúp nhà trường chủ động thực hiện kế hoạch dạy học và xây dựng chương trình dạy học phụ đạo cho học sinh theo hướng đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia. Trên cơ sở tổ chức họp các tổ chuyên môn, nhà trường tích cực động viên, khuyến khích giáo viên mạnh dạn trao đổi chuyên môn, linh hoạt trong phương pháp và cách thức tổ chức dạy học" – thầy Huỳnh Anh Tuấn cho biết.

Cũng như nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã có những bước chuẩn bị, thay đổi trong cách dạy, cách học nhằm hướng đến kỳ thi THPT quốc gia ngay từ những thời điểm này.

Thầy Nguyễn Ngọc Chính – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa – chia sẻ: Qua nghiên cứu phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và bộ đề thi minh họa, có thể khẳng định những thay đổi đó có tính căn bản nhằm hướng tới đổi mới cách dạy, cách học, công tác kiểm tra, đánh giá ở bậc học THPT hiện nay theo mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; yêu cầu đội ngũ giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm.

Muốn làm được những yêu cầu cơ bản đó thì người giáo viên phải không ngừng đổi mới, nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi. Người giáo viên phải dành thời gian để nghiên cứu nhiều hơn, đầu tư công sức nhiều cho công tác soạn thảo giáo án, bài giảng trên lớp, xây dựng đề thi, câu hỏi.

Tăng thời lượng ôn thi, phụ đạo cho học sinh

Theo cán bộ quản lý các trường học, để đáp ứng theo định hướng kỳ thi THPT quốc gia 2017, trên cơ sở hướng dẫn của Sở GD&ĐT, nhà trường đã thực hiện đánh giá năng lực học tập của học sinh lớp 12 dựa vào kết quả năm học lớp 11, tổ chức thăm dò nguyện vọng của học sinh 12 chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, chọn mục đích thi chỉ để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, hoặc xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng để có hướng giảng dạy và ôn tập phù hợp từng đối tượng.

Song song với đó, nhà trường cũng thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo cách ra đề trắc nghiệm khách quan, tích cực bám sát, vận dụng các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT vừa công bố. Tổ chức các buổi họp trao đổi chuyên môn theo từng bộ môn, tổ hợp liên môn nhằm đề ra các giải pháp đổi mới cách dạy học, cách kiểm tra, đánh giá theo định hướng thi THPT quốc gia năm 2017 và trên cơ sở phù hợp với điều kiện hiện dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, cũng như dạy phụ đạo, ôn tập cho học sinh các khối lớp, nhất là học sinh khối 12.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Chính, với điều kiện thực tế của nhà trường hiện nay thì chỉ mới tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh khối 12. Trong đó tập trung ôn tập, phụ đạo ở các bộ môn: Toán, Ngữ văn và Anh văn, với thời gian mỗi tuần 2 buổi học. Các lớp học phụ đạo đều được các giáo viên có năng lực tốt đảm nhiệm. Và để cho học sinh được tiếp cận với những phương pháp học tập khác nhau, với mục tiêu nâng cao chất lượng của công tác phụ đạo, giúp học sinh có nhiều cách tiếp thu bài học thuận lợi, nhà trường đã bố trí chéo giáo viên các bộ môn giảng dạy.

Thầy Huỳnh Anh Tuấn cho hay: Với mục tiêu không chỉ nâng cao chất lượng dạy học, mà còn giúp học sinh hướng đến kỳ thi với kết quả cao nhất, nên khi có thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhà trường đã tổ chức họp các tổ chuyên môn yêu cầu thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá. Tổ chức khảo sát chất lượng học sinh, hướng dẫn học sinh thực hiện đăng ký tổ hợp môn thi. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém ngay từ thời điểm này. Mặt khác, nhà trường chỉ đạo giáo viên biên soạn ngân hàng câu hỏi, ma trận câu hỏi theo hướng đề thi trắc nghiệm.

Qua khảo sát và cho học sinh đăng ký tổ hợp môn theo tinh thần tự nguyện thì các em đăng ký tổ hợp môn xã hội chiếm gần 2/3 số lượng học sinh.

Theo kế hoạch của nhà trường, trước mắt sẽ tập trung phụ đạo cho học sinh lớp 12 và thực hiện 100% đề thi (trừ môn Ngữ văn) kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm. Còn các khối lớp 10, 11 sẽ triển khai dạy phụ đạo vào thời điểm ngay sau học kỳ 1 kết thúc, đồng thời thực hiện kiểm tra, đánh giá theo đề thi kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận, với tỷ lệ 60/40 (đối với học sinh khối 10), 30/70 (học sinh khối 11).

Chính những sự thay đổi trong cách dạy, cách học như thế này cũng đã tạo ra một phong trào thi đua trong dạy học ở nhà trường hết sức sôi nổi. Đội ngũ giáo viên ra sức nỗ lực tự học, tự nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu với tình hình giảng dạy mới nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi ngay từ lúc này", thầy Tuấn cho biết thêm.



Xem nguồn

Lý do hàng trăm ngàn thanh niên Nhật Bản tự nhốt mình trong nhà

Posted: 18 Oct 2016 03:56 AM PDT


Hơn nửa triệu người trẻ Nhật Bản đang xa lánh xã hội và chọn cho mình cuộc sống cô lập – theo một khảo sát mới được công bố bởi Chính phủ nước này.

hikikomori, thanh niên Nhật Bản, người trẻ Nhật Bản, sống cô lập, áp lực xã hội
Hàng trăm nghìn người Nhật Bản đang mắc hiện tượng “hikikomori” – tự nhốt mình trong nhà từ 6 tháng trở lên

Hiện tượng có tên là "hikikomori" được đưa ra bởi Bộ Phúc lợi, Lao động và Y tế Nhật Bản để nói về một người nhốt mình trong nhà từ 6 tháng trở lên mà không đến trường, đi làm hay ra ngoài để tiếp xúc với xã hội.

Khảo sát cho thấy, 541.000 người từ 15 tới 39 tuổi hiện đang sống cô lập. Con số này đã thấp hơn con số ước tính trong cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các vào năm 2010 khi 696.000 người được cho là đã thoát khỏi hiện tượng "hikikomori".

Tờ The Japan Times cho biết, những người tự nhốt mình trong nhà ít nhất 7 năm chiếm 35% tổng số, trong đó những người nhốt mình từ 3 đến 5 năm chiếm 29%.

Số người sống ẩn dật có độ tuổi cao hơn – từ 35 đến 39 tuổi – đã tăng gấp đôi trong 6 năm – khảo sát cho hay.

Lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1990, hiện tượng này chưa được phân loại như một căn bệnh rối loạn chính thức và cũng không có biện pháp điều trị nào được đưa ra.

Các bác sĩ tin rằng những ảnh hưởng tâm lý và văn hóa đều khiến người trẻ cảm thấy họ cần phải cô lập mình.

Hiện tượng này phổ biến hơn ở đàn ông – những người phải đối mặt với những áp lực lớn để thành công sớm trong cuộc sống – ở cả trường học và sự nghiệp.

Hiện tượng này cũng phổ biến hơn ở tầng lớp trung lưu – những người tự cô lập mình thường là những người được giáo dục tốt. Họ thường chơi trò chơi điện tử, đọc truyện tranh ở nhà thay vì tiếp xúc với người khác.

Tuy nhiên, các nhà tâm lý học nói rằng hiện tượng này không phải do lười biếng.

Ông Tamaki Saito – chuyên gia tâm lý học người Nhật Bản – đã miêu tả hiện tượng này là "đau khổ trong tâm trí".

"Họ muốn ra ngoài thế giới – họ muốn kết bạn và có người yêu, nhưng họ không thể" – ông chia sẻ với BBC.

"Hikikomori" cũng không phải là hiện tượng của riêng Nhật Bản. Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy những trường hợp sống cô lập kiểu "hikikomori" cũng xuất hiện ở Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha và các quốc gia khác.

  • Nguyễn Thảo(Theo The Independent)



Xem nguồn

Trường học tan hoang vì mưa lũ, hàng nghìn học sinh chưa thể đến trường

Posted: 18 Oct 2016 03:15 AM PDT


Lũ rút xuống, chỉ còn lại đống bùn đất 

Chúng tôi đến trường mầm non Tân Hóa , huyện Minh Hóa (Quảng Bình) khi cơn lũ kinh hoàng vừa mới đi qua.

Nhìn từ ngoài cổng vào đến trong phòng học, mọi thứ đều trở nên tiêu điều, lấm đầy bùn đất.



Lũ đi qua, khiến nhiều trường học trên trở nên tan hoang, nhiều dụng cụ, trang thiết bị hư hỏng nặng.

Các thầy cô giáo đang cật lực dọn dẹp lại đống đồ đạc bám đầy bùn đất, người cầm chổi, người cầm vòi nước, người khuân bàn ghế.

Gặp cô Đinh Thị Thương Hoành – Hiệu trưởng nhà trường khi cô đang cầm chổi cố đẩy đống bùn lầy ra khỏi sân trường. Thấy chúng tôi, cô buồn bã nói: "Chẳng còn gì nữa rồi em ơi. Mọi đồ đạc, dụng cụ học tập, trang thiết bị đã bị ngập trong nước hư hỏng hết rồi. Giờ chúng tôi không biết làm thế nào nữa, trường bây giờ như bãi chiến trường với đống bùn lầy, nhìn mà chỉ biết cười ra nước mắt…".



Bùn đất bám đầy trường học.

Theo cô Hoành, toàn trường có 5 điểm thì tất cả đều bị ngập hết hoàn toàn. Những điểm trường kia là dãy nhà cấp 4 thì không nói, nhừn ở điểm trường chính, dù trước đó, các thầy cô đã chuyển hết đồ đạc lên tầng 2 nhưng nước lũ dâng ngập cả tầng 2 nên mọi dụng cụ đều đã hư hỏng.

Mấy ngày qua, các thầy cô ở trường mầm non Tân Hóa liên tục dọn dẹp, lũ rút chừng nào thì dọn chừng đó nhưng đến giờ vẫn một đống ngổn ngang đầy bùn đất.



Lớp bùn đất bám đầy trường học, cây cối…

"Có cả mấy chú bộ đội và các thầy trên phòng xuống dọn giúp nữa, nhưng trường vẫn như thế này đây. Không biết đến lúc nào các em học sinh và thầy cô mới đi học được vì mọi trang thiết bị, đồ dùng đã hư hỏng hết rồi. Riêng trong năm nay, đây là lần thứ 3 trường bị ngập lụt rồi, nhưng mấy lần trước chỉ bị ngập ít, còn lần này thì ngập quá cao, mình trở tay không kịp", cô Hoành nói.

Tại trường Tiểu học Tân Trạch cũng tình trạng tương tự. Lũ vừa rút xuống, các thầy cô giáo cùng sự trợ giúp của các chiến sỹ dân quân, bộ đội nhanh chóng đến trường lau dọn đóng bùn đất và cố vớt vát xem đồ gì còn dùng được.



Cô Đinh Thị Thương Hoành – Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Hóa: “Trường chẳng còn gì nữa rồi”.

"Mấy ngày liên tục, các thầy cô chỉ ăn vội bằng mấy thanh lương khô rồi tập trung quét dọn, lau rửa các phòng học. Nhưng lớp bùn đất dày quá, diện tích trường lại nhiều, đồ đạc cũng bám đầy bùn đất nên mãi vẫn chưa thể xong.

Khổ quá chị à, giờ đồ đạc hư hỏng đết rồi, các em đến lớp bây giờ không thế nào đây", một cô giáo ở trường Tiểu học Tân Hóa cho biết.



Các thầy cô giáo trường tiểu học Tân Hóa dọn dẹp sau lũ.

Xã Tân Hóa được coi là "rốn lũ" của Quảng Bình. Trong đợt lũ vừa rồi, 100% nhà dân đều bị ngập trong nước. Các công trình y tế, giáo dục… cũng bị ngập và hư hỏng nhiều đồ dùng, trang thiết bị, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.



Ông Cao Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: "Đợt lũ vừa rồi đã gây ra thiệt vô cùng nặng nề cho người dân. Lũ dữ cũng đã khiến một người dân trong xã tử vong khi đang đưa trâu bò đi tránh trú. Thep thống kê ban đầu, thiệt hại tài sản của người dân đã lên tới 1 tỷ đồng, chưa kể các cơ sở hạ tầng và những công trình khác ở địa phương. Nhiều hộ dân đang rơi vào cảnh thiếu nước, thiếu lương thực".

Hàng nghìn học sinh chưa thể đến trường

Không riêng gì ở Tân Hóa, mà hàng trăm ngôi trường khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng rơi vào cảnh tương tự. Hiện tại, vẫn còn gần 50% số học sinh toàn tỉnh chưa thể đến trường học do cơ sở vật chất của trường bị hư hỏng…



Lũ đi qua, chỉ còn lại lớp bùn đất.

Thầy Nguyễn Khắc Tiến – Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Minh B (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) cho biết, nước lũ ngập sâu 2m đã khiến hầu hết bàn ghế, sách vở của học sinh và một bộ máy chiếu của nhà trường bị cuốn trôi và hư hỏng.

Trường tiếu học Quảng Minh B nằm ở giữa vùng cồn bãi, hầu hết giáo viên đều ở bên kia sông, do đó khi nước lũ lên nhanh, chỉ có thầy hiệu trưởng và hai giáo viên nội trú nên các thầy cô dọn không xuể.



Đồ đạc ngổn ngang

"Nước rút đò mới chạy, nên hôm qua toàn bộ cán bộ, giáo viên nhà trường mới tập trung làm vệ sinh trong lớp. Còn sân trường hiện chúng tôi vẫn đang dọn nhưng lớp bùn đất dày đến hơn 15cm, sân lại rộng nên chúng tôi phải nhờ đến các lực lượng thanh niên, dân quân… nhưng vẫn chưa thể làm xong", thầy Tiến nói.



Em Hoàng Minh Tuấn, (một học sinh tiểu học ở xã Quảng Minh) cho biết: "Sách vở em để lại ở trường giờ đã bị lũ cuốn trôi hết. Bây giờ em không biết lấy gì để đi học nữa. Nhà em vừa rồi cũng bị ngập, nhiều đồ đạc bị cuốn trôi và ướt hết".





Theo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, trận mưa lũ lịch sử những ngày qua đã khiến khoảng 70% số trường học trên địa bàn bị ngập, nhiều trường bị ngập từ 2 đến 3 mét, nhiều sách vở, dụng cụ học sinh và cơ sở vật chất bị hư hỏng nặng, có nhiều trường bị đổ sập rất nhiều hạng mục.



Theo thống kê sơ bộ, trận mưa lũ đã gây thiệt hại cho ngành giáo dục khoảng 200 trăm tỷ đồng. Hiện Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã báo cáo lên UBND tỉnh để xin kinh phí tu sửa lại những ngôi trường bị thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra.



"Đoàn công tác của Sở đã tổ chức về các trường ở vùng bị thiệt hại nặng kiểm tra và sớm có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo công tác dạy và học cho các em học sinh", ông Đinh Qúy Nhân – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết.  

 



Xem nguồn

Comments