Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Tưng bừng ngày hội đến trường Wellspring

Posted: 07 Sep 2016 09:36 AM PDT


Sáng 5/9, hơn 1200 học sinh và 300 giáo viên, cán bộ nhân viên Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring Hà Nội (phường Bồ Đề, quận Long Biên) tưng bừng tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới 2016 – 2017.

Ngay từ đầu năm học 2016 – 2017, thầy và trò trường Wellspring đã và đang tự mình tham gia vào hàng loạt các hoạt động trong chuỗi thay đổi đó dưới với thông điêp chung: FROM STUDENT AND BY STUDENT, thầy cô sẽ là người đóng vai trò dẫn dắt, định hướng, hỗ trợ để các em học sinh có thể tích cực tự mình tham gia vào các dự án trực tiếp từ khâu lên ý tưởng, đến khâu xây dựng và triển khai hàng loạt dự án.

Thầy và trò trường Wellspring đã kết thúc năm học 2015-2016 với rất nhiều thành tích đáng tự hào. ảnh: Hương Giang.

Với Trường Tiểu học, đó là những dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong lớp học, dự án "Con muốn tự làm", Mini Stage, Student Voice, Topic of your dream…

Với Trung học, đây thực sự sẽ là một năm học đặc biệt mà rất nhiều các hoạt động do chính các em học sinh đưa ra ý tưởng, xây dựng kế hoạch và thực hiện và các em cùng đóng vai trò đồng lãnh đạo-co-leader bên cạnh các thầy cô:

Từ các câu lạc bộ, toàn bộ các dự án sự kiện, cộng đồng, từ thiện đến các dự án học tập do các em tự đề xuất đều được các em tự tay tham gia vào thông qua hai tổ chức đang hoạt động rất hiệu quả tại trường Wellspring là Student Council – Hội học sinh và International Ambassadors – Đại sứ Wellspring.
Năm học mới 2016 – 2017, chương trình TOP 20 WISERS sẽ dành vinh danh trước tiên cho những em học sinh có tham gia đóng góp tích cực nhất cho các dự án của cộng đồng Wellspring.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Nghề giáo cao quý, nhưng cũng đầy thách thức"

Đặc biệt, với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả mọi hoạt động của nhà trường, mỗi học sinh, mỗi thầy cô có thể tự tay mình tham gia vào quá trình đổi mới và mở rộng năng lực học tập và môi trường hoạt động của trường học truyền thống lên rất nhiều.

Đón đầu và hoà mình vào xu hướng của các trường học hiện đại trên thế giới và cũng chính là môi trường làm việc tương lai của tất cả chúng ta.

Chính thầy cô và các em học sinh và cả các phụ huynh học sinh của Wellspring đang tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với Hệ thống thực tế ảo ngay từ Wellspring này:

Các em đang tham gia vào môi trường học tập rộng lớn toàn cầu bên ngoài những bức tường của lớp học thông thường, bên ngoài 8 tiếng đồng hồ ở trường học thông qua các mạng xã hội học tập như EDMODO, GOOGLE CLASSROOM, GOOGLE SITE, SCHOOLOGY… từng thầy cô giáo, từng em học sinh, từng phụ huynh học sinh đều có thể tự tay đóng góp xây dựng và chia sẻ các ý tưởng, các nguồn học liệu, các ý kiến, các dự án của mình thông qua môi trường này.

Các bạn học sinh của Chương trình MUHIGH cũng đã và đang truy cập thẳng vào thư viện học liệu của MISSOURI UNIVERSITY – trường Đại học hang đầu top 100 trên thế giới và trực tiếp học tập, chia sẻ thẳng với các thầy cô hướng dẫn tại Mỹ bên cạnh các thầy cô ở Việt Nam đang trực tiếp hướng dẫn các bạn.

Bằng cách trực tiếp tham gia vào những hoạt động, những dự án trên, mỗi học sinh trường Wellspring sẽ ngày càng hình thành, phát triển những kỹ năng, những năng lực cho tương lai để trở thành những công dân toàn cầu tự tin hoà nhập với bất kỳ môi trường quốc tế nào và hình thành năng lực có thể sánh ngang với thế hệ "cách mạng công nghiệp 4.0" trên toàn thế giới.

Năm học 2016 -2017, Wellspring tiếp tục duy trì các chính sách khuyến học nhằm cổ vũ tinh thần hiếu học, tinh thần phấn đấu của các em học sinh thông qua nhiều loại học bổng: học bổng Tài năng đặc biệt – Wellsrping Talent Scholarship, học bổng Bài luận Thu hoạch Nghiên cứu, học bổng Tài năng Merit…

Quỹ học bổng trị giá 5 tỷ đồng sẽ tiếp tục được duy trì để góp phần tạo động lực cho rất nhiều bạn học sinh đến từ các khối lớp của trường Wellspring có thành tích học tập tốt, có thành tích trong hoạt động thể thao –  ngoại khóa – phát triển cá nhân và xã hội hướng đến và đạt được. 

Dưới đây là những hình ảnh ấn tượng trong lễ khai giảng tại Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring Hà Nội:​

Các thầy cô chào đón học sinh bước vào năm học mới. ảnh: Hương Giang.
Bà Lê Tuệ Minh – Chủ tịch điều hành hệ thống Wellspring, người luôn tràn đầy nhiệt huyết với công tác đào tạo, giáo dục của nhà trường. ảnh: Hương Giang.
Ở trường Wellspring, cô và trò như những người bạn thân. ảnh: Ngọc Quang.
Đã trở thành truyền thống trang trọng tại Lễ Khai giảng của trường Wellspring, nghi thức truyền lửa trong Lễ Khai giảng năm học 2016 – 2017 của trường được thắp lên. ảnh: Ngọc Quang.
Những em bé háo hức đón chào năm học mới. ảnh: Ngọc Quang.
Năm học mới tràn đầy niềm tin và hy vọng. ảnh: Hương Giang.
Những học sinh xuất sắc được trao tặng học bổng trước khi vào năm học mới. ảnh: Hương Giang.
Wellspring là Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp duy nhất của Việt Nam được chính thức và trực tiếp công nhận là Trường Quốc tế Cambridge bởi Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge (Anh quốc). ảnh: Hương Giang.



Xem nguồn

Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội khuyên tân sinh viên: Học tốt, mơ nhiều, yêu say đắm!

Posted: 07 Sep 2016 08:53 AM PDT


Trong bài phát biểu đầy tâm huyết của mình với các thầy cô giáo, sinh viên, tân sinh viên, phụ huynh của trường ĐH Y Hà Nội, Hiệu trưởng GS.TS Nguyễn Đức Hinh cho biết, năm học 2016 – 2017 là thời điểm nhà trường thực sự bắt tay vào đổi mới giáo dục đại học – một việc hệ trọng đã được chuẩn bị chu đáo trong những năm vừa qua.

"Đổi mới là văn hóa của chúng ta, là văn hóa của đại học. Nếu không đổi mới liên tục, chúng ta sẽ bị bỏ rơi ngay lập tức. Chỉ có đổi mới mới cho phép chúng ta đi lên, đi đến đúng chỗ cần phải đến. Trường ĐH Y Hà Nội đang thực hiện đổi mới toàn diện nhà trường trên mọi mặt hoạt động theo hướng hội nhập với các nước phát triển trên thế giới. Mỗi thầy cô giáo, các em sinh viên hãy tự cam kết với chính bản thân mình về hoạt động đổi mới" – ông Nguyễn Đức Hinh nhấn mạnh.


Các tân sinh viên trường ĐH Y Hà Nội

Các tân sinh viên trường ĐH Y Hà Nội

Song song với vấn đề đổi mới, ông Hinh cũng nhấn mạnh tới văn hóa chất lượng. Đây là nhiệm vụ không kém phần quan trọng so với đổi mới. "Đổi mới và chất lượng là 2 vấn về có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng với nhau, hỗ trợ cùng nhau phát triển. Chất lượng luôn là cái đích sau cùng chúng ta phải hướng đến. Mỗi thành viên trong đại gia đình ĐH Y Hà Nội lúc nào cũng phải nghĩ đến chất lương trong từng hoạt động, trong từng việc làm của mình. Mọi công việc đều phải được hoàn thành với kết quả hiệu quả nhất có thể được. Điều này luôn phải được ghi nhớ trong tâm trí của tất cả mọi người, từ thầy đến trò, không loại trừ bất kỳ ai.

Ông Hinh cho rằng, thước đo của khoa học công nghệ là những công bố quốc tế trong các tạp chí có uy tín, là bản quyền sáng chế khoa học. Quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với nhà trường, là trách nhiệm của chúng ta đối với xã hội, với đất nước và với dân tộc.

"Chúng ta không được phép cung cấp các dịch vụ kém chất lượng. Mọi sản phấm của chúng ta đều là kết quả của các dịch vụ đó. Dịch vụ của chúng ta không chỉ là đào tạo đại học, sau đại học, khoa học công nghệ mà còn bao gồm cả các dịch vụ khám chữa bệnh. Tôi đề nghị toàn thể đội ngũ giảng viên, viên chức nhà trường hãy chung tay cùng xây dựng "văn hóa chất lượng", đây là quá trình không ngừng nghỉ" – GS Hinh mong muốn.

Đối với sinh viên, học viên, GS Hinh đề nghị chung sức, đồng lòng xây dựng "xây dựng văn hóa sinh viên, học viên". Rèn luyện, học tập để bản thân để phát triển toàn diện, nhân cách tốt, trung thực, đàng hoàng.

Cuối cùng, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội chúc rất cả các sinh viên: Học tốt, mơ nhiều, yêu say đắm!

Tại lễ khai giảng, trường ĐH Y Hà Nội đã tặng thưởng cho sinh viên Thủ khoa thi vào Phân hiệu của trường tại tỉnh Thanh Hóa.

Được biết, Thủ khoa của trường ĐH Y Hà Nội là thí sinh Nguyễn Tiến Dũng, với số điểm đạt được là 29,15.

Hồng Hạnh



Xem nguồn

Lễ Khai giảng xúc động tại ngôi trường hiện đại bậc nhất thủ đô

Posted: 07 Sep 2016 08:11 AM PDT


Không những vinh dự được trở thành những học sinh đầu tiên học tập tại ngôi trường mới, hiện đại bậc nhất thủ đô, ở T37 Times City, các em còn vinh dự đón Đại sứ Anh, ngài Giles Lever, đến dự Lễ Khai giảng, viết thư gửi tương lai "Me in 10 years"…

Lễ Khai giảng năm học 2016-2017 của hơn 3.200 học sinh trường Trung học Vinschool đã diễn ra trong bầu không khí ấm áp, hân hoan. Năm học mới, học sinh khối Trung học được học tập tại cơ sở mới ở T37 Times City. Đây là một trong những ngôi trường có cơ sở vật chất hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, với bể bơi trong nhà, thư viện, nhà thi đấu đa năng, phòng lab, trung tâm test ngôn ngữ…
Các thầy cô trong Ban giám hiệu Nhà trường cùng rất nhiều giáo viên đã ra cổng trường đón các em học sinh đến tham dự Lễ Khai giảng. Hình ảnh này khiến rất nhiều Phụ huynh và học sinh xúc động.
Các em học sinh còn vô cùng xúc động, sung sướng khi được nhận thiệp chúc từ chính các thầy cô giáo. Thầy Jimmy đến từ Anh quốc chia sẻ thầy chưa từng thấy hoạt động này tại Anh và các nước châu Á thầy đã từng dạy tiếng Anh như Trung Quốc, Thái Lan… "Đây là một ý tưởng của Vinschool và tôi thấy rất hay. Việc này không chỉ mang lại cho các em động lực, sự hứng khởi mở đầu năm học mới mà còn giúp tình cảm thầy trò gắn kết hơn", thầy Jimmy chia sẻ.
Sau giây phút chào cờ trang nghiêm, hàng nghìn học sinh Vinschool đã hoà giọng thành một dàn hợp xướng khổng lồ cùng cất cao bài hát Quốc ca. Đây là một trong những khoảnh khắc xúc động đặc biệt của Lễ Khai giảng.
Một bất ngờ nữa dành cho học sinh Vinschool là sự tham dự của Đại sứ Vương Quốc Anh, Ngài Giles Lever. Đây cũng là lần đầu tiên Ngài Giles Lever đến dự Lễ Khai giảng của một trường phổ thông tại Việt Nam. Sự xuất hiện của Đại sứ Anh đánh dấu bước phát triển mới của Hệ thống giáo dục Vinschool trong năm học 2016 – 2017 khi Nhà trường đưa Chương trình tiếng Anh Cambridge vào giảng dạy ở khối Phổ thông liên cấp, chuẩn hóa năng lực giáo viên… Đại sứ quán Anh quốc tại Hà Nội và các tổ chức giáo dục của Anh cam kết hỗ trợ Vinschool trong suốt quá trình triển khai. Ở khối Mầm non, Vinschool cũng từng bước đưa Chương trình mầm non quốc tế IPC vào giảng dạy.
Một trong những điểm nhấn của chương trình là tinh thần chủ động và Lãnh đạo tự thân – The Leader In Me của các Vinser khi các em đã hoàn toàn làm chủ chương trình, từ việc đóng vai trò MC song ngữ cho đến chủ trì các tiết mục hòa tấu nhạc dân tộc "Chiều dài đất nước", nhạc kịch "Listen to Me".
Là những người đầu tiên được học tập dưới mái trường hiện đại ở T37 Times City, học sinh khối Trung học Hệ thống giáo dục Vinschool còn được viết thư gửi tương lai "Me 10 years". Những bức thư này sẽ được lưu trang trọng trong phòng Truyền thống của Nhà trường. "10 năm nữa, con nhất định sẽ quay về trường, gặp lại các thầy cô để nói rằng: Con đã làm được, con tự hào và tự tin là một Vinser'", bạn Nguyễn Ngọc Thảo Vy, học sinh khối 12 chia sẻ.
Sau Lễ Khai giảng, học sinh Vinschool về lớp học để cùng nhau viết "Mục tiêu năm học", chủ động đề ra những kế hoạch cụ thể cho năm học mới.
Những tiết học đầu tiên của năm học mới được bắt đầu ngay sau đó với những phương pháp giáo dục hiện đại, phát huy tối đa vai trò chủ động sáng tạo, chủ động của học sinh, khiến không khí lớp học vô cùng sôi nổi.
Thư viện với hơn 3.300 đầu sách, hơn 10.000 cuốn sách cũng là điểm đến yêu thích của rất nhiều học sinh Vinschool. Trong ngày học đầu tiên của năm học mới, nhiều em đã xuống thư viện để đọc những cuốn sách mình yêu thích.
Nhiều bạn học sinh rất thích thú khi được học bơi ngay trong ngày khai giảng. Bể bơi 4 mùa hiện đại, thiết kế mái lượn sóng rất hấp dẫn các Vinsers.
Các bạn học sinh Vinschool đã có một Lễ Khai giảng thật ý nghĩa và nhiều niềm vui.
Vinschool là hệ thống trường Việt Nam chất lượng cao, liên cấp từ Mầm non đến Trung học phổ thông, do Tập đoàn Vingroup đầu tư phát triển. Trường được trang bị các điều kiện giáo dục ưu việt nhất với khát vọng trở thành một hệ thống giáo dục thương hiệu Việt Nam – đẳng cấp quốc tế, kế thừa và phát huy giá trị, bản sắc của nền giáo dục quốc gia đồng thời chắt lọc tinh hoa của khoa học giáo dục thế giới.



Xem nguồn

Quốc vụ khanh phụ trách Phát triển và Pháp ngữ thăm trường học tại TP HCM

Posted: 07 Sep 2016 07:28 AM PDT


Chuyến thăm Việt Nam của ông André Vallini nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và sâu sắc giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục.

Đến thăm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, ông Vallini nhận được sự đón tiếp trọng thị của Ban giám hiệu nhà trường và sự chào đón nồng nhiệt của các em học sinh.

Bà Nguyễn Thị Yến Trinh – Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong – bày tỏ mong muốn chính phủ Pháp tích cực hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Pháp tại các trường học tại TPHCM nói chung cũng như tại trường Lê Hồng Phong nói riêng; đề nghị phía Pháp hỗ trợ đổi mới tài liệu giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Pháp cũng như phát triển, đa dạng hóa các chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp bậc đại học tại Việt Nam.



Ông André Vallini thăm HS lớp 12 chương trình song ngữ của trường

Ông André Vallini cho biết ông rất quan tâm đến trường Lê Hồng Phong, một ngôi trường danh tiếng và có bề dày lịch sử. Ở cương vị Quốc vụ khanh phụ trách Phát triển và Pháp ngữ, ông đặc biệt mong muốn thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Pháp tại các trường học Việt Nam.

Ông cho rằng ngày nay, ngoài tiếng Anh, biết tiếng Pháp là một lợi thế lớn trên thị trường việc làm quốc tế đồng thời mở ra cánh cửa để tìm hiểu các nền văn hóa khác.



Ông André Vallini 

 chụp ảnh lưu niệm với Ban giám hiệu và học sinh của trường

Ông Vallini cùng phái đoàn thăm các em học sinh lớp 12 chương trình song ngữ của trường và trao đổi với các em học sinh.

Được biết, Trường chuyên Lê Hồng Phong hiện có khoảng 180 học sinh đang học tiếng Pháp tại các lớp song ngữ.



Xem nguồn

Thầy môn chính dạy thêm vì lương thấp, vậy cô môn phụ sống ra sao?

Posted: 07 Sep 2016 06:46 AM PDT


LTS: Thời gian gần đây những phản ứng của giáo viên và xã hội trước lệnh cấm dạy thêm của TP.Hồ Chí Minh đã cho thấy vấn đề dạy thêm, học thêm đang diễn biến rất phức tạp, đi vào từng ngõ ngách của trường học ở nhiều nơi. 

Hôm nay, trong bài viết này, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, Nguyễn Quốc Vương nêu lên ý kiến của mình về "nạn" dạy thêm, học thêm hiện nay ở nước ta. 

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Cho tới nay chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào cho dù là ở quy mô nhỏ về dư luận xã hội, đặc biệt là dư luận của giáo viên đối với việc cấm dạy thêm. 

Nhưng khi nhìn vào những thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và phản ứng của dư luận về nội dung này cho thấy có 3 xu hướng chính: phản đối, đồng ý và lưỡng lự (hoặc không có ý kiến).

Đáng chú ý, trong số những ý kiến gay gắt nhất phản đối lệnh cấm dạy thêm có cả xuất phát từ phía giáo viên, thậm chí từ phía hiệu trưởng. 

Việc phản ứng này rất dễ hiểu vì dạy thêm vốn đã tồn tại trong một thời gian dài đến độ trở thành phổ biến và đối tượng tác động chính của lệnh cấm là giáo viên. 

Vậy những giáo viên phản đối lệnh cấm dạy thêm căn cứ trên những cơ sở nào? 

Tôi xin được tóm lược thành 3 luận điểm chính sau: 

Thứ nhất, 
luận điểm cho rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu xuất phát từ chính các phụ huynh và các em học sinh. Nhà trường và giáo viên tổ chức dạy thêm là đáp ứng nhu cầu chính đáng của chính các phụ huynh. 

Thứ hai, luận điểm cho rằng "bác sĩ mở được phòng khám tại sao giáo viên không thể dạy thêm?"

Thứ ba, 
luận điểm "lương giáo viên quá thấp và dạy thêm cũng là lao động nên không thể cấm giáo viên dạy thêm". 

Cả ba luận điểm trên trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay đều có lý do rất thực tế. 

"Môn chính" dạy thêm vì lương thấp, vậy "môn phụ" sống ra sao? (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Ở luận điểm thứ nhất, quả thật có không ít phụ huynh muốn cho con học thêm. Quan niệm coi giáo dục là truyền đạt kiến thức và mục tiêu học tập là thi đỗ vào các trường "điểm", trường đại học danh tiếng, đạt được các danh hiệu đã cuốn các gia đình vào một cuộc đua tranh bất tận. 

Đằng sau cuộc đua đó là nỗi ám ảnh về mục tiêu thực sự của giáo dục. Phụ huynh hoang mang khi tự mình trả lời câu hỏi "giáo dục để làm gì?". 

Khi không tự tin với câu trả lời tự mình đưa ra, họ sẽ phải nhìn ra xung quanh để rồi bị cuốn theo người khác. Cứ thế, người nọ nhìn người kia tạo ra một hiệu ứng đám đông không có điểm dừng. 

Tuy nhiên, nếu như có phụ huynh muốn con được học thêm thì cũng sẽ có không ít phụ huynh không thích hoặc phản đối chuyện dạy thêm. 

Những phụ huynh này hoặc là đã trả lời thỏa đáng được câu hỏi "giáo dục để làm gì?" nên thấy việc học thêm là không quá cần thiết. 

Tuy nhiên, nhiều người trong số họ vẫn phải cho con đi học thêm vì sợ con không theo kịp bạn bè hoặc sợ con bị đối xử không công bằng. 

Nhận diện các thể loại dạy thêm và “con đường cấm” nên chọn!

(GDVN) – Nếu các bạn muốn kiếm tiền, có rất nhiều nơi tuyệt vời để kiếm được nhanh hơn hay dễ dàng hơn (nghề giáo)…lời của ông Medvedev.

Chính vì thế mà để có được những tờ đơn đề nghị, đồng ý cho giáo viên dạy thêm không phải là điều quá khó khăn.

Thực tế này làm cho luận điểm "dạy thêm xuất phát từ nhu cầu của chính phụ huynh" trở nên lung lay. 

Luận điểm "bác sĩ mở được phòng khám thì giáo viên cũng có thể dạy thêm" cũng nói lên một thực tế khác. 

Không quá khó khăn để nhận ra rất nhiều bác sĩ, thậm chí là lãnh đạo các bệnh viện làm việc hoặc sở hữu phòng khám riêng. Thu nhập từ đây trong nhiều trường hợp còn lớn hơn rất nhiều lần so với thu nhập chính thống từ đồng lương. 

Cũng giống như hiện tượng giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình ở trường, các bác sĩ nói trên cũng sẽ khám chữa cho chính những bệnh nhân đã tìm đến bệnh viện nơi họ đang làm việc. 

Hệ lụy của việc này là dễ làm nảy sinh sự "hủ bại" khi có những giáo viên dành tâm trí cho việc dạy thêm hơn là đầu tư cho bài giảng trên lớp. 

Các bác sĩ cũng rất dễ sa vào vũng lầy tương tự khi dùng vị trí ở bệnh viện để "chiêu mộ" bệnh nhân đến phòng khám. 

Kết quả là bản chất "công cộng" của bệnh viện và trường học không còn và sự tôn nghiêm của nghề nghiệp biến mất. 

Tất nhiên, câu hỏi của giáo viên đặt ra cũng rất chính đáng? Tại sao bác sĩ có thể "chân trong chân ngoài" mà giáo viên lại không được phép dạy thêm? 

Nhìn rộng ra có rất nhiều nghề khác cũng đang diễn ra cảnh tượng này với vô vàn các "chiêu thức" dùng vị trí công để tư lợi. 

Việc chấp nhận luận điểm dùng vị trí công để phục vụ mục đích tư đồng nghĩa với việc chấp nhận cái vòng luẩn quẩn đầy nghiệp chướng. Sẽ không bao giờ có xã hội công bằng và an toàn khi cái vòng luẩn quẩn đó còn tồn tại. 

Luận điểm cuối cùng, "lương giáo viên thấp nên giáo viên cần phải dạy thêm" giống như một tiếng kêu ai oán vừa giận vừa thương. 

Không sống được bằng lương là một bi kịch lớn. Cuộc sống với cơm áo gạo tiền và đủ nỗi lo toan, trách nhiệm luôn mạnh hơn cả ngàn lần những lời động viên hay khẩu hiệu kêu gọi "cống hiến", "hi sinh" sáo rỗng và đượm sắc màu đạo đức giả. 

Khi đói, như một phản xạ tự nhiên, người ta sẽ nghĩ đến việc kiếm tiền. Dạy thêm là một cách tăng thêm thu nhập. 

Ngân hàng đề – một cách để giảm tiêu cực từ dạy thêm, học thêm

(GDVN) – Để tạo sự công bằng, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực xảy ra, các cấp quản lý giáo dục cần sớm lập ra một "ngân hàng" đề các môn thi.


Tuy nhiên, nếu chính đáng hóa tư duy "lương thấp nên phải được dạy thêm" sẽ tạo ra nhiều mâu thuẫn. 

Nếu chấp nhận nó đồng nghĩa với việc các giáo viên sẽ phải chấp nhận nhiều mệnh đề khác gắn với hệ lụy đã chỉ ra ở trên khi các vị trí công bị lợi dụng và dùng cho mục đích tư lợi. 

Xã hội sẽ ra sao khi tất cả các công chức dùng lý do "lương thấp" để biện minh cho hành vi trục lợi của bản thân dưới mĩ từ "làm dịch vụ"?

Liệu chúng ta có yên tâm và sống hạnh phúc trong tình trạng ấy?

Và nữa, trên thực tế việc dạy thêm ở Việt Nam chủ yếu diễn ra ở những "môn chính" như Toán, Tiếng Việt (Văn), Ngoại ngữ, Lý, Hóa…. 

Nếu các giáo viên dạy những môn này lấy lý do lương thấp để chống lệnh cấm dạy thêm thì sẽ biện minh như thế nào cho đồng lương còm cõi của những giáo viên dạy các "môn phụ" trong trường như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…? 

Trên thực tế dạy thêm trong nhiều năm qua đã tạo ra một sự mặc cảm giữa những viên "không thể dạy thêm" và những giáo viên có dạy thêm. 

Sự phân chia thành "đội thắng" và "đội thua" này làm cho mối quan hệ hợp tác về nghề nghiệp –  thứ không thể thiếu của giáo dục trường học ở Việt Nam, vốn đã yếu ngày càng yếu hơn. 

Mặt khác, "dạy thêm" về bản chất chủ yếu là việc ôn tập tri thức và luyện thi cho nên nó sẽ không giúp giáo viên phát triển sâu trình độ nghề nghiệp như nhiều giáo viên tưởng. 

Thậm chí việc duy trì lâu dài lối dạy học kiểu luyện thi còn phá hỏng cả tư duy của giáo viên. Giáo dục khi được hiểu đơn giản chỉ là luyện thi và thi đỗ sẽ là một thảm họa. 



Xem nguồn

Dạy thêm như quả táo có độc, nhìn bề ngoài bổ dưỡng, nhưng ăn vào là gặp nguy

Posted: 07 Sep 2016 06:03 AM PDT


LTS: Trong khi thành phố Hồ Chí Minh đang quyết liệt cấm dạy thêm, học thêm, dư luận vẫn đang phân thành nhiều luồng trái chiều.

Trước thực trạng này một thầy giáo ở miền Bắc đã gửi thư tới tòa soạn nêu ra 12 lý do vì sao nên cấm hoạt động này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Tôi là một giáo viên, hiện đang công tác tại một trường Trung học Cơ sở ở miền Bắc, hôm nay tôi muốn nêu quan điểm của mình về những lí do cần thiết vì sao phải cấm dạy thêm:

1 – Nội dung chương trình dạy chính khóa trong Sách giáo khoa hiện nay ở hầu hết các môn nhiều nội dung còn mang tính hàn lâm, nặng lý thuyết, xa rời thực tiễn và không có giá trị ứng dụng.

Như ở môn Lịch sử (lớp 7, học kì một) học sinh đã phải học về sự tan rã của chế độ phong kiến, sự hình thành giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản.

Nhiều phụ huynh cho rằng chỉ nên chống tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, bớt xén chương trình chính khóa để buộc học sinh phải học thêm (Ảnh: laodong.vn).

Sau khi học xong tiết học này, tôi thấy học sinh không ai thảo luận về nội dung vừa học mà ùa ra sân trường chơi… làm sao học sinh lớp 7 lại có thể quan tâm những vấn đề như vậy?

Hay như môn Toán, sau khi học xong chương trình phổ thông, nhiều kiến thức về parabol, đồ thị, hàm số, giải phương trình bậc một, bậc hai, rồi lượng giác, đạo hàm, tích phân, hàm số logarid… sau này cũng ít khi sử dụng đến.

Tôi cũng làm thêm nghề kĩ thuật cơ khí nhưng chỉ cần sử dụng cộng, trừ, nhân, chia, phải chăng một phần không nhỏ kiến thức đã được học là thừa và không cần thiết?

Ví dụ khác, ở các tác phẩm văn học, học sinh ngoài phải tìm hiểu tác giả, tác phẩm còn phải học quá nhiều thời lượng về câu cú, thủ pháp nghệ thuật… trong khi đó theo tôi, điều quan trọng nhất là phải giáo dục về tư tưởng nhân văn của tác phẩm.

Các mốc thời gian cụ thể để ngưng việc dạy thêm học thêm trong trường học

Điều này có nghĩa là học sinh nên được tập trung vào việc cảm thụ vẻ đẹp tư tưởng, vẻ đẹp nhân văn của tác phẩm từ đó học sinh biết yêu con người, yêu quê hương đất nước và có tinh thần đấu tranh chống lại điều xấu…

Theo tôi, bắt các em nghiên cứu quá sâu, quá sớm về kĩ thuật văn chương trong một tác phẩm văn học là chưa tương xứng với năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ và thế giới quan của các em.

Những nội dung trên nên để vào tiết học tiếng Việt, tập làm văn.

2 – Mục đích đi học thêm của các học sinh phần lớn xuất phát từ phục vụ việc thi cử và thỏa mãn bệnh thành tích trong giáo dục, từ mong ước của các phụ huynh.

Nếu không xuất phát từ nhu cầu ham học hỏi, muốn nâng cao trình độ thì những gì các em thu nhận được từ các lớp học thêm liệu có giúp các em trưởng thành tốt hơn?

3 – Việc học thêm cũng lấy đi rất nhiều thời gian của các học sinh mà đáng ra ở lứa tuổi này các em phải có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí.

Các em cũng nên luyện tập văn nghệ, thể thao hoặc làm những công việc phụ giúp gia đình phù hợp để các em có điều kiện bồi bổ thế giới quan, phát triển toàn diện nhân cách, phẩm chất, sức khỏe, tâm hồn, kĩ năng sống và lao động.

4 – Từ việc học thêm chiếm quá nhiều thời gian của các em dễ dẫn đến các em thiếu đi các trải nghiệm cuộc sống, có thế giới quan méo mó, phiến diện, lười vận động, sợ lao động, một số không nhỏ mắc bệnh béo phì, cơ thể yếu đuối; thậm chí có nhiều em còn bị gọi là "gà công nghiệp", "kính cận", "bốn mắt", …

Sao cứ biện hộ cho dạy thêm là đúng?

5 – Việc dạy thêm khiến nhiều giáo viên phải cắt xén thời gian, đáng lẽ ra là để nghiên cứu bài vở, soạn giáo án, gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh học sinh.

Do đó, hoạt động này cũng khiến các giáo viên phân tâm, chú trọng giảng dạy ngoài nhiều hơn là nâng cao chất lượng trên lớp, những em học sinh yếu kém từ đó cũng mất đi quyền lợi được chăm sóc, chú ý từ các giáo viên.

6 – Việc học thêm dù là bắt buộc hay tự nguyện cũng tốn kém một khoản tài chính không nhỏ đối với phụ huynh học sinh.

Tôi tin rằng, nếu cả xã hội hạn chế được dạy thêm, học thêm, thì những khoản đầu tư này có thể được sử dụng vào những việc thiết thực, hữu ích hơn.

7 – Việc học các cấp ở Việt Nam dường như vẫn chưa thoát khỏi bóng dáng của việc học lệch.

Lâu nay, ở các năm học chuyển cấp và đặc biệt ôn thi Đại học, Cao đẳng những môn nằm trong nội dung thi như Toán, Văn, Anh (thi tốt nghiệp), khối A, khối B, khối C, khối D (thi Đại học, Cao đẳng) thường được học sinh chú trọng với mục đích nhằm vượt qua những kì thi, kiểm tra sắp đến.

Tình trạng học lệch này có thể tạo ra những thế hệ "chủ nhân tương lai của đất nước" bị "lệch" về trí tuệ và tâm hồn.

Thử tưởng tượng xem nếu một trong số những em này nắm giữ chức trách quan trọng thì dưới tầm hiểu biết hạn hẹp, liệu có đưa ra những quyết sách thiển cận đối với đất nước?

8 – Trong khi nhiều người đồng tình với quan điểm nên bỏ học thêm, dạy thêm thì một số lại lo sợ nếu cấm hoạt động này, các giáo viên sẽ không đủ thu nhập sống trong khi lương chính của họ quá "bèo bọt".

Tuy nhiên, tôi cho rằng quan niệm này là không thoả đáng do hiện nay, mặt bằng chung thu nhập ở nước ta vẫn còn thấp so với các nước khác. Còn rất nhiều giáo viên mấy chục năm qua không hề dạy thêm mà báo chí đã phản ánh,  họ vẫn yêu nghề và cống hiến đó thôi?

9 – Xét ở góc độ cống hiến cho xã hội, khi những hoạt động này không đạt được giá trị thực chất là nâng cao dân trí, thì việc đông đảo nhân dân lao động phải chi tiền cho hoạt động học thêm, dạy thêm không đạt hiệu quả là không thích đáng.

Theo tôi, đứng về quan điểm xã hội học, hoạt động này không đáp ứng nhu cầu của xã hội.

10 – Việc chấm dứt dạy thêm, học thêm chủ yếu là vì sự phát triển lành mạnh và toàn diện nhân cách của học sinh.

Trong khi đó, từ trước đến nay chúng ta luôn hô hào  "tất cả vì học sinh thân yêu" vậy,  theo tôi cần phải chấm dứt học thêm.

11 – Theo tôi được biết thì nhu cầu học thêm của học sinh chủ yếu có ở các em có học lực tốt; ở các lớp chọn, trường chuyên cũng có một phần do bố mẹ các em thúc ép mà những em thuộc đối tượng này chỉ cần có hướng dẫn một vài buổi là hoàn toàn có khả năng tự học.

Nhận diện các thể loại dạy thêm và “con đường cấm” nên chọn!

Phần  rất lớn các em học sinh thuộc các lớp đại trà, học lực trung bình hoặc số ít đạt mức yếu và  khá thường không có nhu cầu học thêm.

Thực tế cũng đã chứng minh, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vẫn học tập xuất chúng nhưng hoàn toàn không học thêm ở đâu.

12 – Một số người lý luận rằng quy luật thị trường "có cầu ắt có cung", tôi cho rằng cách lý luận này là thiếu chín chắn vì với những trường hợp ma túy, mại dâm "cầu" rất nhiều tại sao Nhà nước vẫn cấm "cung"?

Như vậy, các nhà quản lý, lãnh đạo không thể căn cứ hoàn toàn vào việc "cung" và "cầu" mà cần tính toán xem điều đó có lợi, hại gì cho sự phát triển chung của xã hội?

Tôi cho rằng dạy thêm học thêm giống như một quả táo có độc mà mọi người nhìn vẻ bề ngoài của nó có vẻ như ngon và bổ dưỡng nhưng thực tế nó lại ẩn chứa những điều xấu xa và nguy hiểm.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn, cách hành văn của riêng tác giả.



Xem nguồn

Trường học dành cho trẻ em cơ nhỡ… khai giảng muộn

Posted: 07 Sep 2016 05:20 AM PDT


Ngày 7/9, tại Thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, Cơ sở giáo dục nội trú tình thương Khai Trí An Giang tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2016-2017.

Đại diện Ban chủ nhiệm cơ sở giáo dục tình thương Khai Trí đánh trống khai giảng năm học 2016 - 2017

Đại diện Ban chủ nhiệm cơ sở giáo dục tình thương Khai Trí đánh trống khai giảng năm học 2016 – 2017

Phát biểu khai giảng năm học mới bà Trần Ánh Tuyết, Chủ nhiệm Cơ sở giáo dục nội trú tình thương Khai Trí nhấn mạnh, việc giáo dục trẻ em bất hạnh trong cộng đồng vừa là niềm vinh dự, vừa là trách nhiệm hết sức nặng nề đối với nhà trường, từ nhiều năm qua Cơ sở giáo dục nội trú tình thương Khai Trí là nơi đào tạo hàng trăm trẻ em lang thang cơ nhở, trẻ em mồ côi, mỗi năm học có trên dưới 100 em học sinh theo học từ lớp 1 cho đến hết lớp 5, riêng các em học lên cấp 2 vẫn được ở nội trú những chuyển sang các trường THCS ở địa phương.

Nhân dịp khai giảng năm học mới, các nhà hảo tâm, DN trong tỉnh trao 100 suất quà cho các em học sinh nơi đây

Nhân dịp khai giảng năm học mới, các nhà hảo tâm, DN trong tỉnh trao 100 suất quà cho các em học sinh nơi đây

Tại lễ khai giảng, Ban Chủ nhiệm Cơ sở giáo dục tình thương Khai Trí cũng tri ân đến các nhà tài trợ, Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm trong và nước đã quan tâm giúp đỡ để cơ sở vật chất ngày càng được khang trang, sạch đẹp xứng đáng là nơi rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách và trình độ học vấn của trẻ thơ.

Năm học 2016-2017, Cơ sở giáo dục nội trú tình thương Khai Trí tiếp nhận 100 em học sinh đủ các độ tuổi. Với Hội đồng Bảo trợ gồm 15 người, Ban Chủ nhiệm 2 người cùng 10 người giúp việc, Cơ sở luôn bám sát mục tiêu "Tình thương" và "Trí tuệ" nhằm giáo dục cho học sinh phát triển toàn diện Đức, Trí, Thể, Mỹ và trở thành người hữu dụng cho xã hội.

Nhân dịp này, các nhà tài trợ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tỉnh cũng trao 100 suất quà để các em làm hành trang cho năm học mới và vui tết trung thu 2016.

Bảo Phong



Xem nguồn

Chính phủ giao Bộ Lao động quản lý dạy nghề

Posted: 07 Sep 2016 04:35 AM PDT


 – Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8, Chính phủ thống nhất giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý dạy nghề.

Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ nêu rõ "Chính phủ thống nhất giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường sư phạm."

Cụ thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, cơ quan quản lý trực tiếp các trường trung cấp, cao đẳng khẩn trương chỉ đạo thực hiện tự chủ trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giảm nhanh can thiệp hành chính của Bộ chủ quản và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Trước đó, hồi tháng 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo có tờ trình kiến nghị Chính phủ giao Bộ này quản lý hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học, kể cả trung cấp nghề, cao đẳng nghề đang thuộc quản lý của Bộ Lao động.



Xem nguồn

Giáo dục khai phóng: Triết lý đào tạo phù hợp cho xã hội Việt Nam

Posted: 07 Sep 2016 03:52 AM PDT


Theo GS.TS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật (Vietnam Japan University, VJU), nhiều trường đại học ở Việt Nam đang nghiêng về đào tạo chuyên ngành hẹp cho sinh viên mà không hướng tới trang bị cho sinh viên một tầm nhìn rộng để có thể thích ứng với thời đại “đi biển không có la bàn” hiện nay.

Ngày 9/9 tới, Trường ĐH Việt Nhật sẽ khai giảng các chương trình đào tạo thạc sĩ đầu tiên tại Việt Nam với triết lý giáo dục cũng như mô hình và chương trình đào tạo mới. VietNamNet có cuộc trao đổi với GS Furuta, Hiệu trưởng VJU về những vấn đề của giáo dục đại học Việt Nam cũng như cách để VJU có thể khắc phục được những điều này.

triết lý giáo dục, Trường Đại học Việt Nhật, khai giảng năm học mới, giáo dục đại học việt nam
GS Furuta, Hiệu trưởng VJU.

– Phóng viên: Thưa GS. Furuta, VJU sắp triển khai hoạt động đào tạo đầu tiên với 6 chương trình thạc sĩ. Xin GS cho biết, vì sao VJU lại không bắt đầu đào tạo từ bậc đại học hay cao hơn là bậc tiến sĩ mà lại chọn bậc thạc sĩ và việc lựa chọn 6 chương trình đào tạo dựa trên cơ sở nào?

– GS. Furuta: Chúng tôi có ý tưởng trong tương lai không xa sẽ xây dựng 1 trường đại học tương đối quy mô, có cả bậc đại học và sau đại học. Tuy nhiên, đây là công việc cần có sự đầu tư của cả chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Trong thời gian ban đầu, nguồn lực mà chúng tôi huy động được có hạn nên Nhà trường lựa chọn đào tạo thạc sĩ.

Về các chuyên ngành đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường đại học đối tác của Nhật Bản đã thống nhất VJU sẽ bắt đầu đào tạo những chuyên ngành là thế mạnh của hợp tác Việt Nhật, lấy việc đào tạo khoa học liên ngành và công nghệ tiên tiến làm định hướng cơ bản.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thực hiện một khảo sát cơ bản về nhu cầu học tập cũng như nhu cầu đào tạo các ngành nghề. Từ đó, chúng tôi đã thống nhất chọn ra 6 chương trình đào tạo thạc sĩ sẽ bắt đầu từ tháng 9 này.

Trước hết chúng tôi ưu tiên một số lĩnh vực mà ĐH Quốc gia Hà Nội và một số đại học đối tác Nhật Bản đã có quan hệ hợp tác lâu dài. Đó là các lĩnh vực Nghiên cứu Việt Nam (Việt Nam học) và nghiên cứu Nhật Bản (Nhật Bản học), Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ nano. Sau đó, chúng tôi chọn 2 lĩnh vực nữa mà phía Việt Nam có nhu cầu lớn và các đại học Nhật Bản có thế mạnh, đó là lĩnh vực Chính sách công và Kỹ thuật hạ tầng.

– Vậy kế hoạch phát triển VJU trong tương lai sẽ như thế nào, thưa GS?

– Trong khoảng 1-2 năm tới, Nhà trường có kế hoạch mở thêm chương trình thạc sĩ nữa. Đó là chương trình Biến đổi khí hậu, chương trình Khoa học Thủy sản, chương trình Chính trị và Lãnh đạo chiến lược.

Ngoài ra, hiện tại Nhà trường chưa có khoa nhưng dần dần chúng tôi sẽ hình thành 1 số Khoa như Khoa học và công nghệ tiên tiến, Khoa học bền vững, Khoa học quản trị và phát triển, Khoa học quốc tế,…

Đến năm 2020, chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn đào tạo bậc đại học. Ở bậc đại học, chúng tôi coi trọng triết lý giáo dục khai phóng để đào tạo nhân lực có tầm nhìn rộng và khả năng thích ứng cao. Kế hoạch cụ thể như thế nào thì hiện tại 2 bên Việt Nam và Nhật Bản vẫn đang trao đổi và thảo luận.

– GS có nhắc tới triết lý giáo dục khai phóng mà VJU sẽ hướng tới. Xin GS có thể giải thích cụ thể hơn về triết lý giáo dục này của VJU hay không?

– Tôi cho rằng, một đặc điểm của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là coi trọng giáo dục chuyên sâu, tập trung đào tạo một số lĩnh vực hẹp. Tiêu biểu là các trường đại học đơn ngành tại Việt Nam. Mô hình đại học như vậy phù hợp trong xã hội tương đối ổn định. Ví dụ như ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, hiện tại xã hội đang thay đổi rất nhanh. Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, con người nhiều khi phải “đi biển không có la bàn”. Muốn vậy thì “tầm nhìn xa” của con người rất quan trọng. Vì vậy, việc xây dựng kiến thức cốt lõi vững chắc là một yêu cầu rất quan trọng trong việc đào tạo của các trường đại học.

Trường ĐH Việt Nhật sẽ hướng tới triết lý giáo dục khai phóng, giúp học viên trạng bị những kiến thức cơ bản vững chắc để có thể đối phó được với những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay đặt ra.

Ngoài những kiến thức khoa học cốt lõi nhất, học viên tại VJU có thể tự chọn các môn học theo định hướng khác nhau để có thể tự trau dồi kiến thức theo định hướng mong muốn. Nói cách khác, sinh viên được đào tạo theo mô hình đại học khai phóng sẽ rèn luyện năng lực tự học ngay trong quá trình học và dần duy trì sự tự học đó suốt đời.

Các sinh viên đào tạo theo mô hình này khi ra trường có thể không làm tốt được ngay, phải mất thời gian làm quen với các công việc cụ thể nhưng các em sẽ thích nghi rất nhanh với các yêu cầu công việc hay sự thay đổi của thời đại. Những sinh viên như thế có thể thành công hơn trong sự nghiệp và cuộc sống.

Ba vấn đề của giáo dục đại học Việt Nam

– Mục tiêu của VJU là đào tạo nguồn nhân lực và sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao. Vậy, chương trình đào tạo của VJU có gì đặc biệt so với chương trình đào tạo của các trường đại học Việt Nam?

– Chương trình đào tạo thạc sĩ của chúng tôi được xây dựng dựa trên chương trình của các đại học đối tác Nhật Bản. Tất nhiên có sự điều chỉnh phần nào cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Khoảng 50% giảng viên tại VJU do phía Đại học Nhật Bản phái cử. Ngôn ngữ đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh ngoại trừ một số ngành đặc thù Nhật Bản học, hay Việt Nam học. Các bạn học viên sẽ có cơ hội đi Nhật Bản trong 3 tháng để thực tập.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn chương trình đào tạo của chúng tôi hướng đến trang bị tầm nhìn rộng của khoa học bền vững như tôi đã nói ở trên. Tôi hy vọng các học viên của VJU sẽ có hoài bão lớn, có năng lực lãnh đạo, có thể đưa ra những quyết sách có lợi, có tầm ảnh hưởng không chỉ Việt Nam, mà còn cả ở khu vực và trên thế giới.

– Sinh viên, thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam thường không được đánh giá cao so với mặt bằng trình độ của các quốc gia khu vực. Liệu chương trình đào tạo của VJU có thể khắc phục điều này?

– Tất nhiên chất lượng học viên là một vấn đề lớn đối với trường chúng tôi. Chất lượng tuyển sinh khóa 1 của VJU tương đối cao. 95% học viên trúng tuyển đạt trình đột tốt nghiệp đại học loại khá giỏi trở lên. Trong đó loại tốt nghiệp giỏi và xuất sắc chiếm 50%.

Chương trình chất lượng thạc sĩ của trường có chất lượng tương đương với các trường hàng đầu của Nhật Bản. Nên nếu tốt nghiệp chương trình thạc sĩ của trường với thành tích loại giỏi thì nhất định đảm bảo thi vào được chương trình tiến sĩ của Nhật Bản hoặc các nước khác.

Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, chúng tôi đã tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ như đào tạo tập trung trong môi trường học thuật chuẩn mực, đồng thời mỗi chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng chuẩn đầu ra và dựa trên chương trình đang được vận hành tại đại học đối tác Nhật Bản.

Thứ ba, chúng tôi cũng đảm bảo chất lượng giảng viên có trình độ quốc tế, với tối thiểu 50% học phần chuyên môn sẽ do giảng viên đến từ các đại học Nhật Bản đảm nhận.

Trường chúng tôi cũng chú trọng các kỹ năng thực hành thực tế với các học phần thực hành, thí nghiệm, thực địa trong các học phần chuyên môn. Đặc biệt mỗi chương trình có 6 tín chỉ thực tập tại các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp tại Nhật Bản hoặc Việt Nam, giúp học viên đáp ứng được nhu cầu công việc ngay sau khi tốt nghiệp.

– Là người sống và làm việc ở Việt Nam rất nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về thực trạng của giáo dục đại học Việt Nam. Theo ông, mô hình đào tạo của VJU liệu có khắc phục được những vấn đề mà GD Việt Nam đang gặp phải hay không?

– Tôi nghĩ rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống ham học. Đây là thế mạnh cơ bản nhất của nền giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng. Một số ngành nhất là các ngành khoa học cơ bản và khoa học nhân văn trình độ các học giả Việt Nam không kém gì với các học giải quốc tế.

Tuy nhiên, theo tôi nền giáo dục đại học Việt Nam hiện có 3 vấn đề:

Thứ nhất, nghiên cứu và đào tạo đôi khi tách biệt với nhau. Ở Việt Nam, nghiên cứu chủ yếu là công việc của các viện, đào tạo là của các trường đại học. Phân công như vậy trong tình hình hiện nay là không hợp lý. Nên kết hợp nghiên cứu và giáo dục – đào tạo nhất là khi chúng ta đang muốn xây dựng môi trường giáo dục mang tầm quốc tế.

Thứ 2, là vấn đề mà tôi đã nói ở trên. Nền giáo dục đại học tại Việt Nam mạnh về chuyên sâu, đào tạo đơn ngành, hơi coi nhẹ việc xây dựng nền tảng vững chắc và tầm nhìn rộng. Nói cách khác là thiếu triết lý giáo dục khai phóng.

Thứ 3, Chính sách của Chính phủ Việt Nam coi trọng tính tự chủ của các đại học nhưng khi người ta nói tính tự chủ vẫn nặng về tự chủ tài chính. Tôi cho rằng, tự chủ là đặc trưng không thể thiếu được của mỗi trường đại học. Phải tăng cường hơn nữa tính tự chủ của các trường đại học về đào tạo, nghiên cứu và cả nhân sự. Chẳng hạn như quyền phong giáo sư chẳng hạn.

Nền giáo dục đại học Việt Nam có thế mạnh riêng của mình, và VJU sẽ kết hợp được thế mạnh của các đại học hàng đầu Nhật Bản và Việt Nam để xây dựng thành công mô hình đào tạo mới. Do đó, tôi tin chắc rằng, chúng tôi có thể khắc phục được những vấn đề nêu trên.

Ngày 09/09/2016, Trường Đại học Việt Nhật – Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ tổ chức lễ khai trường và khai giảng các chương trình đào tạo của Nhà trường. Buổi lễ được tổ chức tại hội trường Nguyễn Văn Đạo – ĐHQGHN. Buổi lễ là sự ra mắt chính thức của Trường Đại học Việt Nhật và đánh dấu việc triển khai các hoạt động đào tạo đầu tiên tại Trường.

Buổi lễ dự kiến sẽ có sự tham dự của hơn 400 khách mời bao gồm: đại diện chính phủ; Bộ, ban, ngành, địa phương của hai nước Việt Nam và Nhật Bản; Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ĐHQGHN; đại học đối tác của Nhật Bản; Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA; Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO; các chuyên gia giáo dục; các doanh nghiệp; tổ chức báo chí, truyền thông của Việt Nam và Nhật Bản …và đặc biệt là sự tham gia của lãnh đạo, giảng viên và học viên của Trường Đại học Việt Nhật.

Lê Văn (thực hiện)



Xem nguồn

Phụ huynh "gây bão" cộng đồng mạng vì xin cho con học dốt

Posted: 07 Sep 2016 03:10 AM PDT


– Khác với hầu hết các phụ huynh đặt nhiều kỳ vọng vào con mình với kết quả học tập tốt, đơn xin cho con học dốt của một vị phụ huynh thực sự đã gây bão công đồng mạng.

Trong mấy giờ qua, cư dân mạng đang chia sẻ liên tục "Đơn xin cho con tôi học dốt" được đăng tải trên Facebook cá nhận của anh Nguyễn Ngọc Thạch.

phụ huynh, áp lực học hành

Trong đó, tác giả nói tới việc mẹ quên rằng con mình là một bản thể duy nhất và không giống bất kỳ đứa trẻ nào khác. Chính vì thế đã có những so sánh khiến con dần rơi vào trạng thái trầm cảm. Áp lực quá lớn vì sợ rằng bản thân không phải học sinh giỏi sẽ làm cha mẹ nhục nhã, đẩy con đến quyết định tự tử.

Đến khi nhận ra, vị phụ huynh quyết định xin cho con được là học sinh dốt, không giỏi, không tiên tiến. Mặc dù điều này sẽ làm thành tích của lớp, của trường ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng người mẹ muốn cứu con mình ra khỏi vòng xoáy của thứ áp lực học hành mà phụ huynh đang tự đè nặng lên vai những đứa trẻ.

Chia sẻ với VietNamNet, anh Thạch cho biết, đây là câu chuyện có thật đầy xót xa về người cháu của anh. Anh Thạch đã thay lời chị gái viết lá đơn này sau khi chứng kiến cảnh người mẹ đau khổ chuyện học hành của con, còn người con thì từng thổ lộ ý định tự tử trong những dòng nhật ký.

Bài viết sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều ủng hộ từ phía các phụ huynh cũng như thành viên khác. Chỉ chưa đầy 4 giờ đăng tải, bài viết đã nhận được hơn 13 nghìn lượt thích và hơn 3,4 nghìn lượt chia sẻ.

VietNamNet trích đăng nội dung bài viết:

Tôi viết đơn này, chỉ mong quý nhà trường, quý bộ xem xét và cho phép con tôi được trở thành học sinh dốt trong năm học này.

Tôi cũng như bao nhiêu người mẹ khác, thường quên rằng con mình là một bản thể duy nhất và độc lập, không giống bất kỳ ai… nên tôi vẫn thường so sánh nó với con chú Sáu hàng xóm, con chị Ba tổ trưởng… để khi con tôi được 8 điểm, tôi trách nó là sao không được 10 điểm như con chú Sáu… Nó, con tôi, chưa bao giờ nhận được lời khen nào từ tôi, thay vào đó là những lời trách cứ vì sao không giỏi bằng những đứa trẻ xung quanh. Và con tôi rơi vào trầm cảm từ đó… thật tuyệt vọng biết bao khi mọi cố gắng của mình đều bị người thân khước từ nhìn nhận.

Con tôi học giỏi từ lớp một đến lớp chín, chỉ khi đến lớp 10, mọi thứ trở nên tệ hại khi điểm số nó giảm thê thảm. Con tôi không thể giỏi đều mười mấy môn học nhà trường yêu cầu, cháu rất cố gắng học để giỏi toán, hoá, sinh vì thích trở thành bác sĩ dù rằng nghề đó học lâu, chi phí cao và hiểm nguy trùng điệp. Nhưng các môn khác cháu không thể giỏi, cháu chạy chậm do thể lục yếu, cháu viết văn không tốt, lúng túng về diễn đạt, cháu không thuộc được hết ngày nào quân ta thắng quân địch, quân ta chết bao nhiêu, quân địch bể bao nhiêu xe tăng… cháu không thể nhớ, thầy cô ạ… và điểm số của cháu ở những môn không phải thế mạnh chỉ là bốn năm điểm.

Tôi như người điên… nỗi mặc cảm xấu xa khiến tôi rất ngại khi được anh trưởng phòng hay chị đồng nghiệp hỏi về thành tích học tập của con mình, sợ ánh mắt dè bỉu của họ, sợ tiếng đời, cái lắc đầu thông cảm… Rồi tôi như mọi người, tìm tới tận nhà thầy cô để năn nỉ cho con mình được đi học thêm. Thầy nói lớp đầy, không còn chỗ, tôi van xin để con mình kê thêm cái ghế ngồi trong lớp… Học nhà thầy chưa đủ, tôi đăng ký trung tâm cho cháu học.

Lịch của cháu là học trường sáng chiều, tối đến trung tâm, thứ bảy, chủ nhật thì học nhà thầy… cốt yếu chỉ để con tôi giỏi lại ở những môn còn lại, đạt trên 6,5 và trở thành học sinh giỏi.

Cháu cố tự tử đêm qua…

Liên tục đập đầu vào tường, rất mạnh, cả tôi và chồng đã phải giữ cháu lại, ôm cháu vào lòng, hỏi han cả đêm… Cháu mới thú nhận, dù học thêm rất nhiều, nhưng rồi điểm số của cháu cũng chỉ lẹt đẹt, vì tới tối, lúc lê tấm thân tới trung tâm, cháu chỉ còn đủ sức để gục đầu và ngủ mê mệt dưới bàn…

Cháu không muốn sống nữa, vì sợ rằng bản thân không phải học sinh giỏi sẽ làm cha mẹ nhục nhã.

Nay, tôi viết đơn này, trước hết xin nhận mọi khuyết điểm về phần mình khi quyết định cho cháu nhà là học sinh dốt, không giỏi, không tiên tiến. Chắc chắn điều này sẽ làm thành tích thi đua của lớp, của trường ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng, bằng trái tim người mẹ, tôi muốn cứu con mình ra khỏi vòng xoáy của thứ áp lực học hành phụ huynh đang tự đè nặng lên vai những đứa trẻ.

Những đứa trẻ đó, chúng chỉ cần mang hoài bão, ước mơ và đam mê của bản thân, không cần gánh bất kỳ thứ sĩ diện hão nào của gia đình hay dòng tộc.

Những đứa trẻ đó, có ưu khuyết, cần được định hướng để lựa chọn thứ phù hợp với bản thân, không cần phải trở thành một siêu nhân để giỏi đều tất cả các môn học. Điều mà tôi tin rằng ngay cả thầy cô cũng không thể làm được.

Những đứa trẻ đó, là con người… không hoàn hảo, nhưng sự không hoàn hảo đó nhắc nhở chúng phải tự hoàn thiện mỗi ngày dài trong đời.

Vì lẽ đó, tôi tha thiết xin cho con mình được thành học sinh dốt.

Kính đơn”.

Một vị phụ huynh chia sẻ: "Tôi thấy nhiều phụ huynh giờ như vậy, bắt con học thêm đủ thứ, quá kỳ vọng vào con, gây áp lực lớn mà không quan tâm con muốn gì. Như vậy thật sai lầm và tội nghiệp những đứa trẻ không thể nào thoát ra khỏi mong muốn tột bậc của cha mẹ. Con tôi nay lớp 9, chưa bao giờ đi học thêm, tôi thấy mình dũng cảm và đúng, tự thấy con là đứa trẻ may mắn, hạnh phúc. Bọn trẻ đâu thích học thêm như bố mẹ nó. Hãy nhìn xuống để yêu con, đừng ngửa mặt lên trời bởi con đâu phải thần thánh".

Trên trang thông tin tổng hợp Afamily giới thiệu một bức thư được cho là của giáo viên lớp 1 trường Pháp (trường Alexandre Yersin, Hà Nội) gửi cho phụ huynh sau ngày khai giảng. Cô giáo mong phụ huynh khuyến khích, động viên ngay khi con làm tốt; không nổi nóng khi con chưa làm được. Đồng thời, chứng tỏ cho cháu biết quý vị quan tâm đến những gì cháu làm và quý vị tự hào khi các cháu tiến bộ.

phụ huynh, áp lực học hành



Xem nguồn

Comments