Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Giáo viên phấn khởi với lệnh cấm cho bài tập về nhà

Posted: 14 Sep 2016 10:25 AM PDT


TP.Hồ Chí Minh đã chính thức ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, kế hoạch học 2 buổi mỗi ngày này sẽ do các trường tiểu học chủ động xây dựng, sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị mình.

Trong đó, buổi chính sẽ dùng để học các tiết học, môn học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Buổi thứ 2 sẽ tập trung vào những nội dung chưa dạy xong trong buổi chính khóa. Học sinh sẽ tự học, có sự hướng dẫn của giáo viên ở ngay tại lớp, để hoàn thành các nội dung học tập.

Cơ quan quản lý giáo dục của thành phố cũng đã nghiêm cấm việc cho bài tập về nhà làm đối với các học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày.

Ngay sau khi chỉ đạo này được công bố, trên các diễn đàn mạng xã hội đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, khi nhiều ý kiến trái chiều nhau, một bên là đồng thuận và một bên là không ủng hộ, cho là như vậy sẽ rất bất cập.

Chị Nguyễn Thị Vân (nhà ở phường 3, quận 3, TP.Hồ Chí Minh), có con đang học lớp 1 của Trường tiểu học Nguyễn Sơn Hà cho rằng, việc cấm cho các em học sinh mang bài tập về nhà là hoàn toàn đúng.

Không được giao bài tập cho học sinh về nhà, tất cả kiến thức giáo viên phải truyền đạt cho HS tại lớp (ảnh: P.L)

Bởi lẽ, học sinh tiểu học ở TP.Hồ Chí Minh hầu hết đều đã được học 2 buổi/ngày ở trường, nên buổi tối về nhà, các em cần được nghỉ ngơi, vui chơi, sinh hoạt với gia đình, theo đúng nghĩa của một tuổi thơ hồn nhiên.

Còn nếu ba mẹ muốn tập cho con một nề nếp học tập, thì cần kèm cặp con học thêm ở nhà, chứ toàn bộ bài tập đều cần thiết phải được giải hết ở ngay tại trường.

Thế nhưng, không đồng quan điểm này, chị Phan Thị Ngọc Thân (nhà ở phường Linh Tây, quận Thủ Đức) có con đang học lớp 4 thì đã nói rằng, việc cho bài tập cho học sinh mang về nhà làm vẫn là điều cần thiết, nhưng có thể hạn chế bớt lại.

"Độ tuổi trẻ con như vậy, các em học sinh sẽ rất dễ nhớ, nhưng cũng dễ quên, lại đang ở độ tuổi hiếu động, nghịch ngợm, nên để giữ ý thức, nề nếp học tập, ôn lại những gì đã học trên lớp, thì việc cho bài về nhà để làm cũng là điều nên làm" – chị Thân bày tỏ tiếp.

Là một giáo viên có gần 30 năm dạy tiểu học, cô Diệp Thị Lan – giáo viên lớp 1/4  Trường tiểu học Thiên Hộ Dương, quận 10 cho biết: Việc không cho bài tập để học sinh mang về nhà làm ở tiểu học, thành phố đã làm được vài năm nay, còn bây giờ thì chỉ nhắc lại, chấn chỉnh kỹ hơn.

Với quy định này, các giáo viên đều phải truyền tải kiến thức, giải thích, hướng dẫn cho các em học sinh làm bài tập, kiến thức thực hành đều phải giải quyết hết ở trên lớp, thường thì làm ở buổi thứ 2.

"Trong bối cảnh TP.Hồ Chí Minh không cho thực hiện việc dạy thêm học thêm như hiện nay, đối với những học sinh nào có sức học chậm, yếu, thì phụ huynh khi về nhà cần có sự quan tâm, kèm cặp, chỉ bảo các em học thêm." – cô Lan khuyến cáo.

Cũng đồng quan điểm này, thầy Vũ Quốc Đô – giáo viên khối lớp 5, Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11 cũng khẳng định: Việc cấm cho học sinh mang bài tập về nhà làm đã áp dụng từ nhiều năm nay, và giáo viên cũng không có gì khó khăn khi áp dụng.

Dù vậy, thầy Đô cũng chia sẻ: Đối với những học sinh có sức học chậm, yếu thì các giáo viên sẽ chỉ dám truyền đạt các kiến thức khung, chuẩn nhất theo chương trình của Bộ quy định, để các em dễ tiếp thu.

Còn với những học sinh học khá hơn, giáo viên sẽ giảng dạy nâng cao tùy theo sức học thực tế của học sinh.

Bài tập sẽ được hướng dẫn, làm ngay tại lớp, còn về nhà, phụ huynh có điều kiện thì nên hướng dẫn, chỉ bảo thêm kiến thức cho học sinh.



Xem nguồn

Hội thảo khoa học giữa hai trường Đại học Pháp – Việt

Posted: 14 Sep 2016 09:43 AM PDT


Ngày 14/9, Trường Đại học Đông Á phối hợp với Trường ĐH Charles de Gaulle-Lille 3 (Cộng hòa Pháp) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Khoa học quản lý và tổ chức”.

Hội thảo khoa học lần này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam – Pháp đang có bước phát triển mới, toàn diện hơn. Tổng thống Pháp Francois Hollande VUA có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam sau 12 năm, nhằm định hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.

Trong đó,  khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo là một trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra trong chương trình nghị sự. Hơn nữa, Việt Nam là một quốc gia nằm trong khối cộng đồng Pháp ngữ.

Ths.Lương Minh Sâm đại diện Trường ĐH Đông Á và GSTS. Lê Hữu Khóa đại diện Ban cao học Châu Á ký kết hợp tác về giáo dục. Ảnh: Hoàng Tuấn

Hội thảo gồm có 8 chuyên đề, tham luận được trao đổi giữa các giáo sư tiến sĩ, nhà nghiên cứu bao gồm: các phương pháp tiếp cận trong khoa học quản lý và tổ chức;

Chủ thuyết duy lý trong khoa học quản lý và tổ chức; khoa học quản lý liên văn hóa; chủ thuyết duy lý hiện đại và bối cảnh hội nhập quốc tế;

Các mô hình quản lý và văn hóa tổ chức, quản lý; điểm dị biệt PE trong văn hóa quản lý; quản trị sự thay đổi trong các tổ chức để thích ứng với sự thay đổi của môi trường và vấn đề đổi mới tư duy quản lý trong các doanh nghiệp Việt Nam,…

Ngoài những nội dung báo cáo khoa học, hội thảo chứng kiến lễ ký kết hợp tác (MOU) giữa Trường Đại học Đông Á với Ban Cao học Châu Á, Trường Đại học Charles de Gaulle – Lille 3 về quan hệ hợp tác giữa hai Trường trong những năm tới.

Nguyên Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm tham quan cơ sở giảng dạy và học tập của  Đại học Đông Á. Ảnh: Hoàng Tuấn

Trước đó, vào chiều ngày 10/9, nhân chuyến làm việc tại TP Đà Nẵng, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đến thăm trường ĐH Đông Á.

Là người quan tâm đến chất lượng giáo dục-đào tạo và công tác quản lý,  tổ chức giáo dục lúc còn đương chức cũng như khi đã về hưu, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm bày tỏ sự cảm kích khi chứng kiến quá trình phát triển và chất lượng đào tạo ngày càng tăng của ĐH Đông Á.

Đặc biệt, nguyên Phó Thủ tướng tỏ ra tâm đắc với phương pháp giảng dạy, chất lượng đào tạo và không gian học tập hiện đại của ĐH Đông Á tại cơ sở mới 33 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng.

Nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá cao nỗ lực và tâm huyết của lãnh đạo ĐH Đông Á trong việc xây dựng trường thành một cơ sở giáo dục đại học có quy mô và chất lượng không ngừng phát triển. Ông cho rằng ĐH Đông Á là vốn quý của Đà Nẵng nói riêng và cả miền Trung nói chung.



Xem nguồn

Phải đóng gần 1 triệu đồng mới được dự lễ tốt nghiệp, SV phản ứng

Posted: 14 Sep 2016 09:00 AM PDT


Ngày 13/9, Trường ĐH Luật TP.HCM có thông báo về việc tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa 36 và 37. Cụ thể trường thực hiện đổi mới việc trao bằng cho sinh tùy theo nguyện vọng của sinh viên trường trao bằng tốt nghiệp theo một trong hai hoặc cả hai hình thức.

Thông báo của trường khiến sinh viên phản ứng dữ dội

Thông báo của trường khiến sinh viên phản ứng dữ dội

Với hình thức trao bằng tại trường, sinh viên trực tiếp đến ký và nhận bằng tại Phòng Đào tạo. Tại đây mỗi sinh viên được nhận lại 50.000 đồng/sinh viên (số tiền dự định làm kinh phí tổ chức lễ tốt nghiệp, trích từ số tiền 220.000 đồng mà sinh viên đã đóng cho Phòng Đào tạo).

Với hình thức trao tại lễ khai giảng kết hợp lễ tốt nghiệp, sinh viên phải đóng 900.000 đồng/người. Nếu có người thân tham dự đóng thêm 100.000 đồng/người. Theo lý giải của trường, chi phí này sẽ bao gồm một bộ lễ phục cử nhân, sinh viên được giữ lại sau khi kết thúc lễ, chi phí thuê mặt bằng tổ chức lễ, chí phí công tác tổ chức, thực hiện buổi lễ, một tấm ảnh cá nhân (20cm x 30cm) khi lên sân khấu nhận bằng.

Nhiều sinh viên phản ứng rằng cách làm này phải chăng đã có một sự kỳ thị giữa sinh viên có tiền và không có tiền. "Nếu sinh viên nào khó khăn thì sẽ không được một buổi lễ đánh dấu kết thúc cuộc đời sinh viên hay sao?", M.T., một sinh viên khóa 36 bức xúc.

Trao đổi với Dân trí, ông Phan Văn Tuyến, Trưởng Phòng Công tác Học sinh, Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết thông báo ngày 13/9 chỉ nhằm mục đích thăm dò, khảo sát ý kiến của sinh viên. Trưa nay 14/9, trường đã có điều chỉnh nói rõ hơn về nội dung đã thông báo trước đó.

Lí giải vì sao dự kiến đưa ra hai hình thức trao bằng trong đó có thu 900 nghìn đồng, ông Tuyến cho biết: "Do điều kiện về cơ sở vật chất của trường khá nhỏ chỉ 3.000m2 mà số lượng tới hơn 1.000 tân cử nhân. Mọi năm tổ chức lễ ở đây sinh viên cũng phản ánh chật và quá tải, mất đi tính trang trọng và thoải mái, cũng như những dấu ấn kỷ niệm dành cho các sinh viên.Do đó nhà trường muốn đổi mới. Lên phương án tổ chức một cách quy mô tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng thì mình thuê đơn vị tổ chức sự kiện, rồi chi phí đó đã bao gồm bộ lễ phục mặc tại lễ xong tân cử nhân được giữ luôn. Để may bộ trang phục này đã mất hết 400.000đ rồi".

Ông Tuyến khẳng định, bản chất của thông báo trên là việc triển khai thăm dò ý kiến của sinh viên. Tại thông báo trường đã nhấn mạnh, tùy vào số lượng sinh viên đăng ký, nhà trường sẽ quyết định cách thức và quy mô tổ chức lễ một cách phù hợp, như vậy thông qua số lượng sinh viên đăng ký, trường sẽ quyết định phương án cụ thể.

Ông Tuyến tiết lộ, sau khi thăm dò chính thức và nhận được ý kiến của nhiều sinh viên chỉ tổ chức ở trường nên có khả năng lễ tốt nghiệp sẽ làm như mọi năm tại trường và không thu thêm số tiền kia. Nhà trường sẽ có thông báo chinh thức trong 1, 2 ngày tới.

Lê Phương

(lephuong@dantri.com.vn)



Xem nguồn

Sơ tán kịp thời 104 học sinh khi xảy ra lũ quét lúc 3h sáng

Posted: 14 Sep 2016 08:17 AM PDT


Trường THCS Yên Tĩnh (Tương Dương) thiệt hại nặng nề về tài sản, thiết bị đồ dùng dạy và học do lũ quét sau cơn bão số 4. May mắn, 104 học sinh nội trú đã được sơ tán kịp thời trước khi lũ tràn vào (ảnh Mạc Nguyên).

Trường THCS Yên Tĩnh (Tương Dương) thiệt hại nặng nề về tài sản, thiết bị đồ dùng dạy và học do lũ quét sau cơn bão số 4. May mắn, 104 học sinh nội trú đã được sơ tán kịp thời trước khi lũ tràn vào (ảnh Mạc Nguyên).

Ngày 14/9, Phòng GD-ĐT huyện Tương Dương (Nghệ An) đã có báo cáo gửi Sở GD-ĐT Nghệ An về những thiệt hại do cơn lũ quét xảy ra tại Trường THCS Yên Tĩnh rạng sáng nay.

Lũ đột ngột xảy ra vào lúc 3h sáng, cán bộ, giáo viên chỉ kịp hướng dẫn các em học sinh (nội trú) của trường chạy lên vị trí cao hơn nên may mắn không xảy ra thiệt hại về người. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của thầy và trò đã bị thiệt hại nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường THCS Yên Tĩnh cho hay: Năm 2011, trên địa bàn xã Yên Tĩnh đã xảy ra lũ quét, gây hậu quả nặng nề. Bởi vậy, để kịp thời ứng phó với diễn biến thời tiết trong cơn bão số 4, nhà trường đã cắt cử giáo viên, cán bộ trực tại trường. Rạng sáng 14/9, mưa quá lớn, nước từ thượng nguồn đổ về, xô đổ toàn bộ khu vực bờ tường phía sau trường, bùn, đất đá bắt đầu tràn vào phía trong. Các giáo viên, cán bộ trực tại chỗ đã nhanh chóng sơ tán 104 học sinh tại khu nội trú của trường lên khu vực cao. Việc di chuyển hết sức khẩn trương, may mắn không có thiệt hại về người xảy ra.

Tuy nhiên, lũ đã nhấn chìm 350 bộ sách giáo khoa của học sinh và nhà trường (gồm 85 bộ lớp 6, 83 bộ lớp 7, 90 bộ lớp 8, 92 bộ lớp 9) cùng một số sách tham khảo các lớp; 20 bộ máy vi tính để bàn, 6 máy tính xách tay, 6 máy in; 120 bộ bàn ghế học, 19 bộ bàn ghế ăn của học sinh, 8 bộ bàn ghế giáo viên, 1 máy chiếu, 7 ti vi, 80 bộ chăn màn cùng đồ dùng, vật dụng cho học sinh bán trú và toàn bộ thiết bị dạy học xuống bùn đất. 2 tấn gạo dự trữ để phục vụ học sinh nội trú cũng bị ngâm dưới dòng nước lũ, không thể sử dụng được.

Cán bộ, giáo viên Trường THCS Yên Tĩnh cùng các lực lượng hỗ trợ khác khắc phục hậu quả để sớm đưa việc dạy và học trở lại bình thường (ảnh Mạc Nguyên).

Cán bộ, giáo viên Trường THCS Yên Tĩnh cùng các lực lượng hỗ trợ khác khắc phục hậu quả để sớm đưa việc dạy và học trở lại bình thường (ảnh Mạc Nguyên).

"Dù đã kê số gạo dự trữ lên cao hơn nhưng lũ tràn vào quá nhanh nên 2 tấn gạo phục vụ học sinh nội trú bị ngập dưới bùn đất. Hiện tại trường cũng chưa biết tính sao bởi vì đến tháng 10, tháng 11 tới thì gạo dự trữ của Nhà nước mới được cấp về trường. Chúng tôi đang tính tới phương án mua nợ gạo nấu cơm cho học sinh, hôm nào có cấp bù thì trả lại. Toàn bộ thiết bị dạy và học đã hư hỏng hoàn toàn, chưa thể khẳng định được đến bao giờ việc dạy và học của trường mới có thể trở lại bình thường", thầy Hùng cho biết thêm.

Hiện hơn 450 học sinh của Trường THCS Yên Tĩnh đang phải nghỉ học. Từ sáng 14/9, cùng với các lực lượng hỗ trợ từ huyện và xã, các giáo viên, cán bộ nhà trường đang tích cực thu dọn, khắc phục thiệt hại do lũ quét gây ra.

Ảnh hưởng của cơn bão số 4 gây mưa to dẫn tới ngập úng ở nhiều nơi đến đến chiều ngày 14/9, tại huyện Con Cuông (Nghệ An), gần 11.200 học sinh thuộc 34 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn phải nghỉ học. Tại huyện Tương Dương, ngoài hơn 450 học sinh tại Trường THCS Yên Tĩnh phải nghỉ học do lũ quét, còn khoảng 1.000 học sinh ở chưa thể tới trường do tình trạng sạt lở, chia cắt sau mưa lớn kéo dài.

Lũ quét cũng gây hư hỏng một số vật dụng của giáo viên nội trú Trường tiểu học Yên Tĩnh 1 và hư hỏng bờ rào tại điểm trường Chả Lúm thuộc Trường tiểu học Yên Tĩnh 2.

Trước đó, Sở GD-ĐT Nghệ An đã có công văn chỉ đạo các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế trước, trong và sau cơn bão số 4 để chủ động cho học sinh nghỉ học, lên phương án bảo vệ tài sản và tính mạng cho học sinh.

"Ngay sau khi nhận được báo cáo của Phòng GD-ĐT Tương Dương, Sở GD-ĐT tỉnh đã chỉ đạo phòng báo cáo UBND huyện, tập trung mọi nguồn lực tại chỗ để khắc phục hậu quả, sớm đưa trường trở lại hoạt động bình thường; tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời thông bác cáo trường chủ động cho học sinh nghỉ học khi có nguy cơ lũ quét, lũ ống xảy ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho học sinh đồng thời có kế hoạch dạy bù, vệ sinh môi trường tránh xảy ra dịch bệnh….", ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho hay.

Hoàng Lam



Xem nguồn

Ra mắt chương trình Kotler Business Program

Posted: 14 Sep 2016 07:36 AM PDT


Đại diện của Kotler Impact và VietnamMarcom cùng nhau ký kết hợp tácĐại diện của Kotler Impact và VietnamMarcom cùng nhau ký kết hợp tác

Kotler Business Program là chuỗi những sự kiện và chương trình đào tạo về Quản trị – Kinh doanh – Tiếp thị cao cấp do Giáo sư Philip Kotler sáng lập.

Người được xem là ông tổ của thế giới tiếp thị hiện đại, một học giả, một tác giả và đồng tác giả của hơn 52 cuốn sách, 100 bài báo, công trình nghiên cứu chuyên sâu về Marketing và quản trị kinh doanh.



 Hai bên vui mừng với thỏa thuận hợp tác vừa được kỳ kết

Hiện nay, Kotler Business Program đã được triển khai tại hơn 32 quốc gia, áp dụng công nghệ E-learning nổi tiếng của Pearson Education đang phục vụ hàng triệu sinh viên giúp tăng khả năng học Marketing trực tuyến với thời gian linh động một cách tối đa ở mọi lúc, mọi nơi.



Trao học bổng cho sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM thông qua đại diện của trường 

Tại lễ ký kết và ra mắt chương trình Kotler Business Program, Kotler Impact và VietnamMarcom cũng trao tặng 4 suất học bổng đầu tiên cho sinh viên có thành tích học tập và hoạt động cộng đồng xuất sắc của Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Trường Đại học Nông Lâm TPHCM nhằm giúp sinh viên có cơ hội học hỏi với các GS, chuyên gia nổi tiếng trên thế giới.



Xem nguồn

Quảng Bình: Công khai các khoản thu từ năm học 2016 – 2017

Posted: 14 Sep 2016 06:53 AM PDT


Việc quy định công những khoản được phép hay không được phép thu chi tránh sự hiểu nhầm giữa phụ huynh và nhà trường đồng thời giảm thiểu áp lực về kinh tế của phụ huynh học sinh đầu năm học.Việc quy định công những khoản được phép hay không được phép thu chi tránh sự hiểu nhầm giữa phụ huynh và nhà trường đồng thời giảm thiểu áp lực về kinh tế của phụ huynh học sinh đầu năm học.

Theo đó, đầu năm học mới Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã có văn bản số 1660/HD-SGDĐT về việc hướng dẫn thực hiện thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục công lập trong năm học 2016 – 2017.

Tại văn bản này, sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã hướng dẫn rõ các khoản thu chi được phép và không được phép tại các cơ sở giáo dục công lập và sở GD&ĐT cũng yêu cầu các khoản thu này phải công khai, rõ ràng đối với phụ huynh học sinh.

Ngoài các khoản thu theo quy định; các khoản thu theo thỏa thuận và những khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong các cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả.

Công tác thu, chi phải thực hiện đúng quy trình từ việc lập kế hoạch, dự toán, thẩm định; xin chủ trương,… quyết toán và báo cáo kết quả thực hiện minh bạch, rõ ràng đối với phụ huynh.

Các khoản thu chi, sử dụng kinh phí phải thông báo công khai đến phụ huynh để phân biệt rõ khoản thu theo quy định và khoản thu theo thỏa thuận hoặc đóng góp tự nguyện.

Các cơ sở giáo dục công lập không được thông báo thu các khoản bắt buộc, thỏa thuận, tự nguyện trên cùng một thông báo bởi như vậy sẽ  gây sự hiểu lầm đến phụ huynh là khoản thu bắt buộc.

Đơn vị quản lý phải thực hiện hạch toán riêng từng khoản thu vào sổ sách kế toán, tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán thu, chi hàng năm của đơn vị; thu phải có phiếu thu; kinh phí thực hiện phải đảm bảo đầy đủ chứng từ và hạch toán kế toán.

Nội dung và định mức chi phải được đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định hiện hành của Nhà nước (riêng kinh phí được các tổ chức, cá nhân tài trợ khi chi tiêu còn phải theo thỏa thuận với nhà tài trợ); không được dùng khoản thu này để điều chuyển hoặc chi cho nội dung, mục đích khác.

Các khoản thu được khuyến khích các có sở giáo dục chia nhiều đợt thu theo thỏa thuận thống nhất giữa nhà trường và Ban đại diện Cha mẹ học sinh để phần nào đó giảm thiểu áp lực về kinh tế đối với phụ huynh khi bước vào năm học mới…



Xem nguồn

Những khóa học hè thượng lưu của giới nhà giàu Trung Quốc

Posted: 14 Sep 2016 06:11 AM PDT


Với việc thu nhập của phụ huynh ngày càng tăng trong khi cuộc chiến giành được một suất trong các trường Ivy League ngày càng khốc liệt, thì vài tháng nghỉ hè đang trở thành một mặt trận trong cuộc chạy đua giáo dục của nhiều phụ huynh Trung Quốc.

thượng lưu Trung Quốc, nhà giàu Trung Quốc, Ivy League, học hè, trại hè

Lin Yongyue – thứ hai từ trái sang – đang cố gắng kiểm soát ngựa của mình khi cậu và các bạn cùng câu lạc bộ rời sân tập

Vào một buổi sáng mùa hè mù sương của tháng 7, một dáng người loắt choắt leo lên chiếc thang để trèo lên chú ngựa bạch tên là Wendy.

Người cưỡi ngựa là một cậu bé má đỏ có tên tiếng Anh là Harry, 8 tuổi.

Harry giữ dây cương bằng cả hai tay và ra lệnh cho Wendy phi nước kiệu. Sau đó, với sự giúp đỡ của 6 chuyên gia tới từ Argentina, cậu bé thực hành những kỹ thuật khó hơn.

Bạn làm gì trong mùa hè này? Khi Harry và bạn bè ở câu lạc bộ Polo thành phố Thiên Tân được hỏi câu đó khi quay trở lại trường, chắc hẳn chúng sẽ có khá nhiều chuyện đế nói hoặc để viết.

Những đứa trẻ này dành kỳ nghỉ hè của mình để nâng cao kỹ năng cưỡi ngựa, ôn lại các nghi thức chơi polo. Hai nhiếp ảnh gia toàn thời gian – những paparazzi của trại hè – làm nhiệm vụ chụp lại từng khoảnh khắc để các bậc phụ huynh, ông bà bọn trẻ nhìn thấy những gì mà mình có được khi bỏ ra 10.000 nhân dân tệ (1.500 đô la) mỗi tuần.

Cách đây không lâu, hầu hết trẻ con đều dành kỳ nghỉ hè để vui chơi ngoài trời, giúp đỡ cha mẹ. Với việc thu nhập của phụ huynh ngày càng tăng trong khi sự cạnh tranh trong học thuật ngày càng lớn, thì vài tháng nghỉ hè đang trở thành một mặt trận trong cuộc chạy đua giáo dục của nhiều phụ huynh Trung Quốc.

Qua vài thập kỷ chuyển đổi kinh tế, Trung Quốc đang có nhiều người giàu hơn bao giờ hết, nhưng khoảng cách giàu nghèo cũng lớn hơn. Một khảo sát mới đây của ĐH Bắc Kinh ước tính, 1% những người giàu nhất nước này kiểm soát 1/3 tài sản quốc gia. 25% nghèo nhất chỉ có khoảng 1% tài sản quốc gia.

thượng lưu Trung Quốc, nhà giàu Trung Quốc, Ivy League, học hè, trại hè

Đối với những cậu bé học cưỡi ngựa như Harry, những kỹ năng này sẽ giúp ích các em rất nhiều trong cuộc chạy đua vào các trường đại học như Oxford, Cambridge hay các trường khác trong khối Ivy.

Đối với phần lớn tầng lớp trung lưu, các lớp học hè thường phổ biến hơn các trại hè đắt đỏ. Thậm chí ngay cả những gia đình không mấy dư dả cũng cảm thấy áp lực trong việc phải bắt kịp xu thế này. Thường thì họ phải gom góp tiền tiết kiệm của cả nhà để trả cho bất cứ khóa học thêm nào mà họ đủ khả năng chi trả.

"Lĩnh vực này đang bùng nổ" – Luo Moming, phó chủ tịch công ty giáo dục tư nhân New Oriental đã được niêm yết trên sàn chứng khoán New York khẳng định.

Thời ông Luo còn nhỏ, trại hè – ít nhất là như người Mỹ hình dung – là một khái niệm trừu tượng. Sinh năm 1975, kỳ nghỉ hè của ông là chạy khắp các con phố của Vũ Hán – một thành phố miền trung Trung Quốc, trong khi bố mẹ ông bận đi làm.

Khái niệm đó đã nhanh chóng thay đổi. Do chính sách một con của nước này, các bậc phụ huynh dồn hết tâm sức của mình vào đứa con duy nhất. Họ đưa những "ông vua con" tới các lớp học tiếng Anh, các trại hè toán học.

Mặc dù ngày càng nhiều cha mẹ quan tâm tới các môn ngoại khóa như hội họa, thể thao, nhưng các chương trình phổ biến nhất vẫn hướng tới học hành, thi cử. Một khóa học được rất nhiều phụ huynh ưa chuộng là chương trình học trước sách giáo khoa gói gọn trong các bài giảng với tổng thời gian 20 tiếng.

Các phụ huynh tầng lớp trung lưu không thích trại hè cho lắm, nhưng họ thích những khóa học chuyên sâu và học trước chương trình, ông Luo chia sẻ. Bằng cách đó, con cái họ có thể thi được vào những trường tốt, dẫn đầu trong lớp, sau đó là bước chân vào các trường đại học.

thượng lưu Trung Quốc, nhà giàu Trung Quốc, Ivy League, học hè, trại hè
Câu lạc bộ polo ở Thiên Tân, Trung Quốc

Mặc dù các khóa học tiếng Anh luôn phổ biến, nhưng trại hè là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của các bậc phụ huynh hiện đại.

Một số phụ huynh than phiền rằng trẻ con ngày nay đang quá được nuông chiều và họ gửi con em mình tới các trại hè quân đội hoặc trại hè giảm cân. Ngoài ra, còn có trại hè thiên nhiên – nơi trẻ được tiếp xúc với cuộc sống nông trại, hay những trại hè dành cho cả bố mẹ và con cái nhằm cải thiện giao tiếp, phát triển kỹ năng sống… với giá 1.000 đô la/ tuần.

Bà Cao Kaixin – người quản lý chương trình này cho hay, ngày càng nhiều phụ huynh tầng lớp trung lưu muốn con cái mình trở thành những đứa trẻ hạnh phúc và đa dạng. Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh đều chọn những chương trình hè hữu ích cho con đường học tập sau này của trẻ. Họ không để con em mình vui chơi một cách tự do chỉ vì đó là kỳ nghỉ hè hay vì đứa trẻ vẫn còn nhỏ.

Thậm chí với cả những gia đình siêu giàu – những người không có ý định cho con tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao mà sẽ thi SAT thì chương trình nghỉ hè vẫn là sự tập trung cho tương lai đứa trẻ.

Tại trại hè polo ở Thiên Tân, giữa những bài tập polo, ăn bánh ngọt giữa giờ, các lớp nấu ăn, học nghi lễ, bọn trẻ vẫn được học về việc cần phải làm gì để đến được một ngôi trường có tên tuổi ở một nền giáo dục đẳng cấp thế giới.

"Này, cô đã học trường nào vậy?" – cô bé Chloe, 12 tuổi hỏi tôi trong giờ ăn trưa trong khi vẫn đi đôi giày cưỡi ngựa.

"Cháu sẽ tới Harvard" – cô bé khẳng định chắc như đinh đóng cột.

  • Nguyễn Thảo(Theo Washington Post)



Xem nguồn

Nữ tài xế cứu 20 trẻ thoát hỏa hoạn

Posted: 14 Sep 2016 05:29 AM PDT


Một nữ tài xế xe buýt đang được ca ngợi sau khi giúp 20 học sinh tiểu học thoát ra khỏi chiếc xe buýt bốc cháy.

anh hùng, tài xế anh hùng
Nữ tài xế dũng cảm Renita Smith

Các quan chức của quận Prince George cho biết, khoảng 4 giờ 45 phút chiều ngày 13/9, các nhân viên cứu hỏa nhận được cuộc gọi thông báo có hỏa hoạn trên xe buýt gần công viên College. Cảnh quay được các nhân viên cứu hỏa ghi lại cho thấy ngọn lửa bắt đầu bùng lên khi những làn khói đen dày tràn ra khỏi xe.

Lái xe buýt Renita Smith kể lại, cô chỉ mới đi qua 3, 4 trạm dừng thì bảng điều khiển xe bắt đầu kêu bíp bíp. Sau đó, chiếc xe bắt đầu bốc khói. Smith đã cho xe dừng lại, chuẩn bị gọi hỗ trợ thì nhìn thấy lửa qua gương chiếu hậu.

"Tôi đặt mic xuống, tháo dây an toàn, nhảy lên và đưa bọn trẻ xuống" – cô chia sẻ với ABC News. Sau khi Smith đưa bọn trẻ xuống xe, một người khác đã giúp đưa bọn trẻ tới nơi an toàn. Cô ngay lập tức quay lại xe buýt để đảm bảo rằng không còn đứa trẻ nào trên xe… Những bước cuối cùng của cô trên xe phải đi giữa khói mù mịt.

Fazlul Kabir – một người chứng kiến sụ việc cho biết những người hàng xóm và cư dân rất tự hào về Smith.

"Chiếc xe buýt hoàn toàn bị phá hủy bởi ngọn lửa. Nếu không có Smith thì bọn trẻ đã không được cứu. Cô ấy rất dũng cảm" – Kabir nói.

anh hùng, tài xế anh hùng
Hình ảnh chiếc xe buýt bốc khói

Các nhà chức trách tiết lộ, 20 học sinh này tới từ Trường Tiểu học Glenarden Woods. Không có ai bị thương trong vụ tai nạn. Hầu hết học sinh đều được bố mẹ đến hiện trường vụ cháy để đón về.

Nguyên nhân chính thức của vụ cháy vẫn chưa được biết, tuy nhiên các nhà chức trách cho rằng có vẻ như lửa tới từ chỗ nào đó gần bánh xe sau, sau đó lan ra cả xe.

Smith – một bà mẹ 2 con – chia sẻ, phần thưởng của cô là đưa bọn trẻ về an toàn với bố mẹ chúng. "Khi bọn trẻ ở trên xe của tôi, chúng là con của tôi cho tới khi chúng trở về an toàn với bố mẹ. Tôi phải chăm sóc mỗi đứa trẻ như con mình. Đó là việc tôi đã làm. Đó cũng là điều mà tôi hi vọng rằng bất cứ người nào cũng sẽ làm cho bất cứ đứa trẻ nào".

  • Nguyễn Thảo(Theo ABC News)



Xem nguồn

Học sinh lớp 5 bị lũ cuốn vì vớt cặp giúp bạn

Posted: 14 Sep 2016 04:47 AM PDT


Thấy bạn bi rơi cặp, Hòa đã quay lại giúp bạn vớt lên nhưng không may trượt chân và bị dòng nước lũ cuốn trôi.

Sáng nay 14/9, tại ngầm của tỉnh lộ 562 thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xảy ra một vụ chết đuối hết sức thương tâm.

học sinh, học sinh tiểu học, Quảng Bình, lũ lụt

Hàng trăm ngôi nhà ở Quảng Bình bị tốc mái do hoàn lưu bão số 4

Nạn nhân là em Trần Đức Hoà (sinh năm 2006),  học sinh lớp 5, Trường Tiểu học số 1 Sơn Trạch, xã Sơn Trạch.

Thời điểm đó, Hòa cùng nhóm bạn đang đi học khi đi đến đoạn đường trên thì người bạn đi cùng với Hoà là em Trần Minh Quân (học sinh cùng lớp) không may bị rơi chiếc cặp. Hoà liền quay lại giúp bạn vớt lên, nhưng không may trượt chân và bị dòng nước dữ cuốn trôi.

Chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng tìm kiếm. Sau một giờ đồng hồ, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể Hòa cách đó khoảng 500m.

Theo thông kê sơ bộ, tại Quảng Bình, hoàn lưu bão số 4 đã làm gần 400 ngôi nhà bị tốc mái, 12 người bị thương, 2 người chết và 1 thuyền viên trên tàu QB 33250-TS bị rơi xuống biển mất tích. Nhiều tuyến đường trong tỉnh bị ngập, gây ách tắc cục bộ.

Hải Sâm



Xem nguồn

Thi năm 2017: Chất lượng đề thi có được đảm bảo?

Posted: 14 Sep 2016 04:05 AM PDT


– Nếu “chốt” phương án thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT năm 2017, Bộ GD-ĐT sẽ chuẩn bị đề thi trắc nghiệm như thế nào để đảm bảo chất lượng?

Phương án thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD-ĐT đang gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận. Trong đó, vấn đề nhiều người quan tâm nhất chính là đề thi và ngân hàng đề thi trắc nghiệm sẽ được chuẩn bị như thế nào để đảm bảo chất lượng của kỳ thi.

Phải có tối thiểu 1.750 câu hỏi cho mỗi phòng thi

Ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho rằng việc Bộ GD-ĐT lựa chọn phương án tổ chức kỳ thi THPT năm 2017 bằng hình thức thi trắc nghiệm là đúng xu thế và nên được đẩy nhanh.

thi trắc nghiệm, thi THPT 2017, phương án trắc nghiệm, trắc nghiệm môn toán

Ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT

Tuy nhiên, theo ông Minh, “công tác tổ chức đòi hỏi phải tính thêm” và “Khó khăn nhất của việc thi trắc nghiệm là chuyện ra đề thi. Nếu giải quyết được vấn đề ra đề thì việc thi trắc nghiệm còn không khó khăn”.

Từ kinh nghiệm tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm của Trường ĐH FPT, ông Minh cho biết trường không tự ra đề mà chủ yếu học tập từ kho đề thi của nước ngoài. Những nước được trường lựa chọn là những quốc gia nói tiếng Anh, trong đó chủ yếu là hai quốc gia Anh, Mỹ.

Do quy mô kì thi không lớn nên đội ngũ làm đề tương đối ít, nhưng đó là những người giỏi nhất của trường.

Đồng quan điểm với ông Minh, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) nhận xét điều đáng lo nhất là Bộ GD-ĐT có đủ khả năng về thời gian và nhân lực để chuẩn bị câu hỏi ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đủ tốt hay không?

Bà Nga cho rằng, từ dự thảo phương án thi THPT 2017 mà Bộ công bố với thông tin chi tiết về số câu hỏi của mỗi đề thi cũng như thời gian làm bài thì Bộ chắc chắn đã phải có dự thảo cấu trúc đề thi.

thi trắc nghiệm, thi THPT 2017, phương án trắc nghiệm, trắc nghiệm môn toán

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)

"Bộ nên công bố sớm mẫu đề thi để học sinh, giáo viên và các trường đại học biết được cấu trúc đề thi".

Bà Nga cũng ủng hộ việc Bộ chỉ đạo xây dựng ngân hàng đề thi dựa trên cơ sở ngân hàng đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội vì đơn vị này đã xây dựng và thử nghiệm ngân hàng câu hỏi của mình ở nhiều vùng miền, phân tích đánh giá cụ thể…

"Nhưng Bộ nên chọn lọc những câu hỏi phù hợp với mục tiêu thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ cần phải xây dựng thêm nhiều câu hỏi nữa mới đủ để đảm bảo mỗi thí sinh có một đề thi".

“Nếu tính mỗi phòng thi trung bình 30 – 35 thí sinh, như với môn Toán có 50 câu trắc nghiệm thì để đảm bảo mỗi thí sinh có một đề thi thì tối thiểu phải có 1.750 câu hỏi cho mỗi phòng” – bà Nga phân tích.

Còn ông Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT đã có kinh nghiệm cho một số môn đã có vài ba nghìn do việc thi trắc nghiệm các môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ đã được tiến hành cả chục năm nay.

thi trắc nghiệm, thi THPT 2017, phương án trắc nghiệm, trắc nghiệm môn toán

Ông Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

“Điều khác biệt là trước đây chúng ta chỉ tập trung làm trong một tháng và rất bí mật thì nay ngân hàng đề thi phải đủ lớn để đảm bảo mỗi em có một đề thi” – ông Long cho hay. Tuy nhiên, theo ông Long, nếu Bộ chỉ đạo một bộ phận tập trung làm thì trong khoảng thời gian 6 tháng tới có thể làm được.

Ông Long cho rằng, kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc ra đề thi trắc nghiệm rất công phu chứ không đơn giản.

"Để ra được 1.000 câu hỏi được chuẩn hóa thì đầu tiên người ta sẽ đưa ra 1.000 câu hỏi cho học sinh làm thử. Sau đó loại đi 500 đề không phù hợp và bổ sung 500 câu hỏi mới để học sinh làm thử tiếp để lấy 750 câu. Đến lần thứ 3 thì mới chọn được 1.000 câu hỏi cho đề thi" – ông Long chia sẻ thông tin và cho rằng có thể tin tưởng vào chất lượng của đề thi do ĐHQG Hà Nội chuẩn bị. "Tuy nhiên, mô hình thi đánh giá năng lực vẫn cần được đánh giá và tổng kết chính thức".

Cuối năm công bố nghiên cứu độc lập về kỳ thi đánh giá năng lực

Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội, thành viên tổ công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, thì cho rằng việc xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là việc của Bộ GD-ĐT chứ không phải việc của ĐHQG Hà Nội.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu ĐHQG Hà Nội rà soát lại trong ngân hàng câu hỏi đề thi đánh giá năng lực của mình, xem những câu hỏi nào phù hợp với cấu trúc đề thi do Bộ đưa ra thì chuyển giao lại một phần.

thi trắc nghiệm, thi THPT 2017, phương án trắc nghiệm, trắc nghiệm môn toán

Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội

Ông Hồng cho rằng, với việc chuyển giao này thì tính khả thi của đề án thi THPT 2017 của Bộ sẽ cao hơn.

Trước những băn khoăn rằng cho tới thời điểm hiện tại chưa có đánh giá độc lập nào về hiệu quả của kỳ thi này, ông Hồng khẳng định sau mỗi năm tổ chức kỳ thi, ĐHQG Hà Nội đều tổ chức hội nghị tổng kết và có gửi báo cáo lên cơ quan chủ quản cũng như cơ quan chức năng.

Bản thân ông Hồng cũng được giao cho một đề tài nghiên cứu khoa học đánh giá mối tương quan kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi THPT quốc gia. Một số kết quả của đề tài đã đăng bài ở các tạp chí khoa học giáo dục như tạp chí khoa học của ĐHQG Hà Nội, tạp chí khoa học của Viện Khoa học Giáo dục, Tạp chí của Bộ GD-ĐT từ tháng 6 tới nay.

“Theo dự kiến, đề tài nghiên cứu  này sẽ được nghiệm thu trong năm nay” – ông Hồng thông tin.

Không nên áp dụng trắc nghiệm môn Toán ngay trong năm 2017

Trao đổi với VietNamNet, GS Hà Huy Khoái cho rằng, việc thi trắc nghiệm là phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, với phương án thi trắc nghiệm môn Toán, theo GS Khoái, trong vòng khoảng thời gian 8 – 9 tháng là không kịp để chuẩn bị một ngân hàng đề thi đảm bảo chất lượng.

“Cá nhân tôi nghĩ là không kịp vì việc ra đề phải bao quát hết kiến thức vừa đảm bảo học sinh không thể dùng máy tính mà làm được. Tôi nghĩ điều này rất khó” – GS Khoái khẳng định và nói thêm đây chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân ông.

Vị giáo sư này cũng cho rằng các trường ĐH cũng cần có thời gian để đưa ra chủ trương rõ ràng về việc sử dụng một phần hay toàn bộ phương án thi trắc nghiệm trong xét tuyển đại học. Học sinh, phụ huynh và giáo viên cũng cần có thời gian để hiểu toàn bộ câu chuyện thi trắc nghiệm, tránh tâm lý hoang mang.

“Tôi cho rằng, có thể chúng ta chưa nên thi trắc nghiệm môn Toán ngay trong năm nay mà để chuẩn bị xong những việc nêu trên rồi mới tiến hành sẽ tốt hơn”.

L.Huyền – L.Văn



Xem nguồn

Comments