Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


“Sức hút cá nhân trong kỷ nguyên châu Á”

Posted: 10 Sep 2016 08:18 AM PDT


ITP và Minami Fuji ký kết dưới sự chứng kiến của PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TPHCMITP và Minami Fuji ký kết dưới sự chứng kiến của PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM

Hội thảo được tổ chức nhằm xây dựng và đẩy mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và trường đại học cũng như phát huy sứ mệnh của Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG TPHCM, tạo môi trường doanh nghiệp trong lòng đại học.  Sự kiện còn là mục đích hưỡng dẫn, tạo động lực vươn lên cho sinh viên, hỗ trợ tư vấn về chương trình đào tạo.

Ngay trước buổi hội thảo, ITP và Công ty Minami Fuji Nhật Bản cũng đã đã ký thỏa thuận hợp tác 2 bên và khai trương văn phòng mới của Công ty Minami Fuji tại ITP dưới sự chứng kiến của PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, ông Nguyễn Anh Thi – Giám đốc ITP và ngài Sugiyama Sadahisa – Chủ Tịch Minami Fuji.

Lễ ký kết giữa ITP và Công ty Minami Fuji đánh dấu sự phát triển, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực giáo dục, việc làm góp phần tạo thêm cơ hội phát triển kỹ năng cho sinh viên Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Hai bên cũng thống nhất triển khai chương trinh đào tạo và phát triển sinh viên hợp tác giữa ITP và Minami Fuji với 2 chương trình: GMC và Meister. Bên cạnh đó, hai bên cũng thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi và đóng góp các hoạt động chung.



Xem nguồn

14% chi phí nghiên cứu khoa học là công tác phí, hội nghị, hội thảo

Posted: 10 Sep 2016 03:23 AM PDT


– Trong tổng kinh phí 1.833 tỷ đồng cho 15 chương trình khoa học công nghệ (KH&VN) trọng điểm cấp nhà nước 5 năm qua (2011-2015), có 248 tỉ (chiếm 13,8%) là chi cho công tác phí, hội nghị, hội thảo.

Thống kê trên được nêu ra trong Báo cáo tổng kết các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 được trình bày tại hội nghị diễn ra sáng nay, 10/9.

nghiên cứu khoa học, khoa học công nghệ Việt Nam, chương trình khoa học công nghệ trọng điểm, công bố quốc tế, chi phí nghiên cứu khoa học

14% chi phí nghiên cứu khoa học dùng cho công tác phí, hội nghị, hội thảo.Ảnh minh họa.

Nếu cộng cả khoản kinh phí chi cho nguyên vật liệu phục vụ nghiên cứu khoảng 482 tỷ đồng (khoảng 26,3%) thì tổng số kinh phí “không tham gia trực tiếp cho phát triển nguồn lực KHCN” chiếm khoảng 40%.

Tuy nhiên, “một phần không nhỏ trong số đó đã góp phần kết nối tăng cường trao đổi về học thuật giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước. Một phần khác được cấu thành trong các sản phẩm khoa học công nghệ của các nhiệm vụ” – báo cáo khẳng định.

60% còn lại của tổng kinh phí cho 15 chương trình trọng điểm cấp nhà nước trong giai đoạn 5 năm qua bao gồm899 tỉ chi cho lao động khoa học (48,5%) và 214 tỉ đồng chi cho việc mua máy móc phục vụ nghiên cứu (11,4%).

“Nếu so sánh với các số liệu khoảng 2.700 tiến sĩ và trên 2.600 thạc sĩ và kỹ sư tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ của chương trình. Các nhiệm vụ góp phần đào tạo trên 400 tiến sĩ và 900 thạc sĩ thì có thể thấy rằng khoản kinh phí trên không quá nhiều” – báo cáo nêu.

Trong giai đoạn 2011-2015, đã có 10 chương trình trọng điểm cấp nhà nước về khoa học công nghệ (chương trình KC) và 5 chương trình trọng điểm cấp nhà nước về khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX) được thực hiện.

Theo đó, chương trình KC đã triển khai 329 nhiệm vụ. Tổng kinh phí phê duyệt cho các nhiệm vụ này là 3.049 tỉ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước là 1.554 tỉ đồng, cao gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước. Kinh phí bình quân ch mỗi nhiệm vụ là 4,7 tỉ đồng.

Các chương trình KX triển khai 101 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 206 tỉ đồng, cao hơn giai đoạn trước 30%. Kinh phí bình quân cho mỗi nhiệm vụ là khoảng 2 tỷ đồng.

Kết quả, các chương trình KC đã tạo ra 23 loại giống cây trồng mới và 25 chủng vi sinh, giống vật nuôi có ưu thế vượt trội so với các chủng giống cũ.

Các chương trình cũng đã tạo ra 208 công nghệ mới trong đó có 55 công nghệ đã hoàn thiện và chuyển giao cho sản xuất. 630 quy trình sản xuất mới với 157 quy trình đã hoàn thiện.

Đã có 161 mẫu máy móc thiết bị mới được tạo ra với 65 mẫu máy móc dã được hoàn thiện và ứng dụng trong sản xuất.

Các đề tài cũng đã tạo ra 321 loại vật liệu mới và tiến hành thương mại hóa được 73 loại sản phẩm. Tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa đạt hàng trăm tỉ đồng.

Số lượng các sáng chế, giải pháp hữu ích tăng lên đáng kể so với giai đoạn trước. Đã có 40 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp và trên 150 kết quả khác đã làm xong các thủ tục đăng ký đang đợi cấp bằng sở hữu trí tuệ.

Đối với các chương trình KX, các kết quả sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý kinh tế được tổng hợp thành 8 báo cáo gửi đến Ban Kinh tế và các cơ quan lý luận nước với kiến nghị về những vấn đề quan trọng: cơ hội và thách thức của nền kinh tế khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), giải pháp đồng bộ để thực hiện tái cấu trúc đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam…

Gần 10 tỉ cho mỗi bài báo quốc tế

Cũng theo báo cáo tổng kết, với cả chương trình KC và chương trình KX, trong năm 5 năm với tổng số 430 nhiệm vụ, tổng kinh phí là 1.833 tỉ đồng, song cả 2 chương trình trọng điểm cấp nhà nước về khoa học công nghệ chỉ thu về 186 bài báo quốc tế và khoảng 565 bài báo được công bố tại các hội thảo quốc tế.

Nếu tính quy đổi thì mỗi bài báo quốc tế của các chương trình KC và KX cần tới gần 10 tỉ đồng.

Cụ thể, chương trình KC có 162 kết quả khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế và 208 kết quả khoa học được báo cáo đăng trong kỷ yếu các hội thảo khoa học quốc tế. Khoảng 1.100 bài báo được công bố trong nước.

Với các chương trình KX, đã có 1.018 bài báo đã đăng tạp chí khoa học trong nước và 24 bài báo công bố trên tạp chí và 35 bài đăng tại kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế.

Riêng chương trình KX.04 – “Nghiên cứuu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015” có tới 15 bài báo quốc tế và 547 bài trên các tạp chí trong nước.

Trong nhận xét những điểm hạn chế, bất cập của các chương trình trong giai đoạn 5 năm qua, báo cáo viết: “Việc đầu tư giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ trong các chương trình còn tương đối dàn trải chưa thực sự tập trung”.

“Vì vậy, kết quả của các chương trình nhìn chung chưa tạo được ấn tượng sâu sắc”.

“Đa số các đề tài, dự án chủ yếu tập trung vào giải quyết từng vấn đề cụ thể của sản xuất, chưa có nhiều nhiệm vụ hướng vào những vấn đề có ý nghĩa lớn về mặt khoa học và phạm vi ứng dụng rộng rãi. Do đó tất cả các đề tài đều có địa chỉ ứng dụng nhưng sức lan tỏa của nhiều kết quả chưa cao”.

Lê Văn



Xem nguồn

Làm sao đẩy lùi được vấn nạn dạy thêm, học thêm?

Posted: 10 Sep 2016 01:15 AM PDT


LTS: Lệnh cấm dạy thêm, học thêm đã được quy định rõ tại Thông tư 17 và thời gian gần đây, thành phố Hồ Chí Minh cũng có những quy định cụ thể hơn nhằm "siết chặt" hiệu lực thi hành như "đuổi việc giáo viên nếu vi phạm dạy thêm".

Đứng ở góc độ một giáo viên, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã có bài viết đề ra những giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn dạy thêm, học thêm này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Có thể nói, từ lâu, cả nước đã tốn quá nhiều bút mực, công sức nhằm tháo gỡ, giải quyết "vấn nạn" dạy thêm, học thêm tràn lan trong ngành Giáo dục. 

Tại thành phố Hồ chí Minh, giáo viên dạy thêm sai quy định có thể sẽ bị đuổi việc (Ảnh: infonet.vn).

Biết bao hội nghị bàn tròn được mở ra, hàng vạn ý kiến đã đóng góp, các văn bản, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành về dạy thêm, học thêm lần lượt ban hành và triển khai.

Văn bản quy định về dạy thêm, học thêm mới nhất và đầy đủ nhất là Thông tư 17 (năm  2012) của Bộ Giáo dục và Đào tạo được xem là "công cụ, chìa khóa" pháp lý quan trọng nhằm sắp xếp, chỉnh đốn dạy học thêm vốn lộn xộn, phức tạp sớm đi vào nề nếp, quy củ.

Các mốc thời gian cụ thể để ngưng việc dạy thêm học thêm trong trường học

Dựa vào Thông tư này, các địa phương, tỉnh, thành đã ban hành quy định cụ thể, chi tiết việc quản lý, tổ chức, thực hiện dạy học thêm trên địa bàn của mình.

Chương trình, nội dung Sách giáo khoa hiện hành có nhiều ưu điểm nổi trội hơn so với nội dung, chương trình Sách giáo khoa cải cách trước đây.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, một số nội dung Sách giáo khoa các môn học ở bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông  còn nặng nề, hàn lâm, chưa phù hợp với năng lực học sinh.

Lắng nghe ý kiến phản ánh của cơ sở giáo dục, các giáo viên, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giảm tải một số nội dung, bài học ở các môn học.

Quyết định này đã giảm được một phần nhỏ áp lực, căng thẳng cho thầy và trò trong quá trình dạy và học.

Chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học cũng được ban hành sau vài năm áp dụng chương trình, Sách giáo khoa mới.

Nó được xem là những "cẩm nang" trang bị,  hỗ trợ tích cực,  tạo điều kiện thuận lợi rất tốt cho giáo viên và học sinh trong giảng dạy, học tập, kiểm tra và đánh giá.

Đặc biệt, kể từ khi tổ chức thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng với hình thức ba chung (năm 2006) đề thi bám sát chương trình, Sách giáo khoa, không đánh đố học sinh, có sự phân hóa cao vừa giảm tải bớt căng thẳng, áp lực cho thí sinh.

Dạy thêm, học thêm như thế nào là vi phạm pháp luật?

Các em chỉ cần chăm chỉ, biết cách tự học thì cơ hội đỗ Đại học rất cao, vừa tiết kiệm, giảm được chi phí, tốn kém không hề nhỏ cho Nhà nước và phụ huynh.

Hai năm nay, với cách thức tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2 trong 1 gọn nhẹ, tiết kiệm đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, đánh giá cao của phụ huynh, học sinh.

Các trung tâm luyện thi Đại học hoạt động rầm rộ sau tết Nguyên đán dạo nào khiến phụ huynh và học sinh tốn kém nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, giờ đã trở nên đìu hiu, không còn phù hợp với xu thế dạy học, thi cử mới.

Đổi mới, cải tiến  về công tác thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 10 năm qua, nhìn tổng thể, đã đem lại lợi ích, thuận tiện to lớn về nhiều mặt cho phụ huynh, học sinh và Nhà nước.

Năm học đến, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức thi và xét tuyển Đại học.

Những cố gắng, nỗ lực trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cả ngành giáo dục  thật đáng ghi nhận.

Nhưng vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, vi phạm pháp luật ở nhiều địa phương vẫn hiện hữu và phố biến đang trở thành mối quan tâm, lo ngại lớn của xã hội, phụ huynh và học sinh.

Mới đây, thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định nghiêm cấm dạy thêm, học thêm tại nhà trường bắt đầu từ năm 2016-2017, song cũng có không ít ý kiến trái chiều, có nhiều ý kiến cho rằng việc cấm ấy khó khả thi, chưa giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề.

Theo quan điểm của tôi, không phải cái gì ta quản không được là ra lệnh cấm mà cần phải có những biện pháp khác để tiếp cận, giải quyết tốt hơn.

Thiết nghĩ, đổi mới nội dung, chương trình, cách đánh giá; nhận thức trách nhiệm của phụ huynh và công tác quản lý dạy học thêm là ba yếu tố mấu chốt loại bỏ dần tình trạng dạy thêm tràn lan, gây nhiều hệ lụy lớn cho gia đình, xã hội và môi trường giáo dục.

Thứ nhất; nội dung chương trình mới, áp dụng đại trà từ năm học 2018-2019, phải thật sự tinh giản, gần gũi với cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, tránh tính hàn lâm, nặng nề, vô bổ.

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác đánh giá, kiểm tra, thi cử theo hướng các đề thi chỉ yêu cầu ở mức kiến thức cơ bản, vận dụng nhiều kỹ năng thực tế, học gì thi nấy để đẩy lùi lối học tủ, học lệch.

Người Việt cũng cần kiên trì loại bỏ dần bệnh thành tích trong giáo dục như các trường, địa phương không được áp đặt chỉ tiêu thi đua dưới bất kỳ hình thức nào; xử lý, kỉ luật nghiêm với các trường hợp vi phạm.

Thứ hai, nhiều phụ huynh dù ngoài mặt phản đối dạy thêm lấy tiền nhưng thực tế lại luôn ép buộc con cái hết học thêm thầy này, đến cô khác.

Nhận diện các thể loại dạy thêm và “con đường cấm” nên chọn!

Do đó, đã đến lúc, trách nhiệm của các bậc phụ huynh về việc phối hợp, tham gia giáo dục con trẻ cần được xét xem nghiêm túc.

Phụ huynh nên cân nhắc, lựa chọn cho con đi học thêm thế nào cho phù hợp với khả năng của con, không nên ép buộc, gây áp lực, lấy mất thời gian nghỉ hè với con.

Một khi phụ huynh có nhận thức tốt, bớt chạy theo thành tích hay phong trào, thì chắc chắn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan sẽ hạ nhiệt, môi trường giáo dục sẽ giảm phức tạp.

Ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nhiệm vụ quản lý, kiểm tra dạy thêm, học thêm với các quy định đã ban hành như các trung tâm dạy học thêm phải có giấy phép… triển khai đồng bộ.

Những trường hợp giáo viên cố tình vi phạm đến lần thứ hai, thứ ba thì có ngay hình thức kỷ luật, từ thuyên chuyển công tác đến buộc thôi việc.

Làm mạnh, làm nghiêm một vài trường hợp ắt hẳn tình trạng vi phạm quy định sẽ giảm thiểu. Điểm yếu cố hữu của người Việt là vẫn còn nặng "chủ nghĩa duy tình", các "quan hệ" này, nọ… nên việc thực thi pháp luật chẳng ra sao.

Tôi cho rằng nếu công tác này bị lơ là, buông lỏng, làm không đến nơi đến chốn thì dù văn bản, quy định có đầy đủ, chặt chẽ đến đâu cũng khó có tính khả thi.



Xem nguồn

Phụ huynh lo canh cánh tiền đóng góp đầu năm học mới

Posted: 10 Sep 2016 12:37 AM PDT

Giáo dục Việt Nam có vấn đề trước hết là do lối suy nghĩ của các bậc phụ huynh?

Posted: 09 Sep 2016 11:50 PM PDT


LTS: Bàn về vấn đề phụ huynh chạy trường cho con, tác giả Phúc  Lai đã gửi đến bài viết chia sẻ câu chuyện của những bậc phụ huynh có con sắp lên lớp 6.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Với những phụ huynh có con học lớp năm, ngay từ kì thứ hai đã phải tính toán xem sang năm lên cấp II, cho con học trường nào? Riêng tôi quyết "không cho cháu học trường nào cả".

Chính xác gia đình không "cho" mà để cháu tự chọn.

Con tôi học loại khá, không phải giỏi giang gì, từ một lớp ở trường dân lập bình thường. Điều đó cũng phù hợp với cách nhìn nhận lâu nay của gia đình là việc học tập ở môi trường giáo dục như ở Việt Nam rất khó đánh giá thực chất tiềm năng con đến đâu vì tất cả chỉ dựa trên điểm số.

Và đặc biệt từ khi có Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì là các đánh giá còn "chung chung" hơn nữa, Giáo dục Việt Nam đã loay hoay cải cách suốt mấy năm qua mà vẫn chưa thấy có gì cải tiến!

Chạy trường chạy lớp còn tồn tại ở nhiều nơi (Ảnh: congly.com.vn).

Do đó, gia đình tôi chỉ làm mỗi một việc là định hướng bước đi cho con.

Trao đổi với con các lựa chọn: học tiếp lên trường Trung học Cơ sở cùng hệ thống với trường hiện nay, sang một vài trường khác tương tự… và cuối cùng là "về trường làng" (tức là về học đúng tuyến theo hộ khẩu thường trú của cháu) từ đó tôi để cháu tự quyết.

Không phải là "gia đình "cho" cháu học trường nào?" mà cháu tự "cho" cháu, và "cho" luôn cả bố mẹ cơ hội để làm phụ huynh học sinh của trường.

Chuyện bạn của con trai

Trong số những phụ huynh có chung lo lắng, có một người bạn học của tôi cũng có con sang năm chuyển cấp học.

GS. Hồ Ngọc Đại: Chạy trường làm gì? Nơi trẻ học tốt nhất là gần nhà

Khổ nhất là gia đình họ có ông bà đã từng là giáo viên, nên chỉ nghĩ con phải theo trường công lập để học. Cả ông và bà của cháu kia, đều giữ vững quan điểm phải vào công lập cho cháu mình.

Ông bà cháu kia rất sửng sốt khi gia đình tôi hoàn toàn không "cưỡng bức" con phải chọn trường theo ý của mình, và cho rằng quyết định của tôi là sai:

"Chúng nó thì biết cái gì mà tự cho lựa chọn?"

Theo quan điểm cho con vào học trường công, gia đình bạn tôi theo đúng lộ trình sẽ cho cháu đi học ở trường công lập đúng tuyến.

Theo đúng công thức thứ hai vẫn thịnh hành lâu nay ở… trên mạng là "chạy trường chạy tiếp cả lớp", thế là gia đình bạn tôi chạy trường điểm ở Quận cho con, tuy nhiên, khi vào được trường thì cháu không được xếp vào lớp phụ huynh muốn.

Thế là mọi việc rối tinh hết cả lên.

Đêm hôm, bố cháu gọi điện cho tôi vì sáng mai muốn xuống trường Trung học Cơ sở dân lập cùng hệ thống mà con tôi đã nộp hồ sơ để xin học. 

Dù trường đã "đầy" nhưng do chính sách ưu tiên các cháu từ cấp Tiểu học cùng hệ thống lên, nên cháu vẫn được nhận.

Tuy nhiên, sau đó lại nảy sinh trở ngại nhà trường tổ chức kiểm tra chất lượng đầu năm để phân loại xếp lớp… và mẹ cháu thì e ngại con không "thi đấu" được, nên thôi.

Vài ngày sau, bố mẹ cháu lại "lóc cóc" chạy về trường công đúng tuyến, lại năn nỉ ỉ ôi, gãi đầu gãi tai nói khó nói dễ để cháu được nhận trở lại!

Khi nói chuyện với bố cháu này, tôi thấu hiểu sự mệt mỏi của phụ huynh trong việc chạy đua từ trường này sang trường khác, mà rõ ràng Thế vận hội Rio 2016 chưa bắt đầu. Ủy ban Thể dục thể thao đã bỏ sót rất nhiều vận động viên điền kinh tiềm năng tranh chấp huy chương về môn… "chạy trường".

Bố cậu bé than vãn: "Khổ cái, đây là vợ em nghe lời chị cô ấy, hình mẫu đã có sẵn là con chị ấy rất thành công ở trường này, trường kia; nên muốn áp dụng cho nhà em. Đó là một, thứ hai là con nhà em không như con nhà bác, nó lờ phà lờ phờ, chẳng biết lựa chọn gì cả".

Và đây là những gì tôi nói với chú ấy.

Rõ ràng trong mỗi mùa hè, chúng ta lại đọc rất nhiều những tấm gương vượt khó, nhà nghèo ở tận miền núi với hải đảo, vùng sâu vùng xa… lại nhiều tấm gương bố mẹ mất sức lao động, vừa phải làm phụ gia đình vừa học mà họ vẫn đỗ Đại học, thậm chí đỗ cao và có nhiều Thủ khoa.

Tại sao họ làm được, trong khi điều kiện học tập của họ kém hơn con chúng ta rất nhiều?

Con tôi ngay từ đầu năm học lớp 5, nó đã nghiên cứu điều kiện tuyển chọn của trường Trung học Cơ sở cùng hệ thống, cháu muốn học ở lớp tăng cường tiếng Anh, và gia đình tôi tôn trọng lựa chọn đó.

Chạy trường và sự lãng phí đầu tư giáo dục

Tôi chỉ giới thiệu với con điều kiện của trường và hoàn cảnh gia đình, để làm được điều đó là hoàn toàn không dễ, nhưng nếu cố gắng hết sức thì con sẽ đạt được.

Mẹ cháu thì thường xuyên động viên và liên tục theo dõi, giúp đỡ để cháu đạt được kết quả học tập tốt nhất trong năm học.

Cuối cùng, cháu cũng đã đạt được điều cháu mong muốn – có thể học ở đó gia đình sẽ phải lo một số tiền học phí lớn hơn là cháu đi học trường công đúng tuyến, nhưng cái "được" của gia đình tôi là cháu đã một bước trưởng thành, tự lựa chọn, tự phấn đấu và tự chịu trách nhiệm.

Và tất nhiên, nếu cháu không được xét tuyển, cháu sẽ vui vẻ về học trường công…

Với cháu con của hai "vận động viên điền kinh" kia, thì rõ ràng là bố mẹ ông bà đang sa vào một vòng luẩn quẩn: luôn nghĩ con của mình lờ phờ và không thực hiện được việc lựa chọn cho đàng hoàng; và bố mẹ sẽ làm thay con điều đó.

Cứ tiếp tục như thế cho đến Trung học Phổ thông và Đại học, bố mẹ cứ cầm tay và lôi con đi xềnh xệch.

Con cái mỗi nhà đều có những vấn đề của mình, nhưng gia đình tôi luôn mong con mình học được cách tự lập, lối tư duy mở, mềm dẻo và biết cách xử lý tình huống, biết dung hòa trong mối quan hệ với mọi người.

Tôi tin là các Thủ khoa nhà nghèo ở tận trên núi cao, hầu hết các cháu sẽ có tâm hồn rộng mở, dũng cảm, dám chấp nhận các thách thức của cuộc đời.

Tôi có hỏi ông (ngoại) của cháu kia, bây giờ ông nhìn lại ông có sống thay được cuộc sống cho mẹ cháu không, hay hầu hết là những gì bây giờ cô ấy có được là do cô ấy tự phấn đấu? Ông gật đầu công nhận, đúng là ông bà không sống thay cho cô ấy được.

"Vậy thì tại sao cô ấy lại cố sống thay con cô ấy?"   

Câu hỏi ông không trả lời được.

Mỗi người đều có quyền lựa chọn con đường riêng của mình, dù có được sự đùm bọc, che chở của gia đình tốt đến bao nhiêu, tất yếu cũng sẽ có một ngày vì cuộc sống mà phải tự mình quyết định, tự chịu trách nhiệm với những vấn đề của mình.

Bộ Giáo dục biết tình trạng chạy trường, chạy lớp

Cả một xã hội mà cháu nào cũng muốn chen chân vào trường điểm, trường tốt thì còn gì là minh bạch, công bằng.

Với những cháu không có khả năng chạy thì phải chấp nhận sự thiếu công bằng của xã hội giành cho mình chăng?

Nếu con tôi phải rơi vào hoàn cảnh đó, tôi sẽ giúp cháu chấp nhận mà vượt qua hoàn cảnh, chứ không cố luồn lách để chọn cho mình một chỗ đứng tốt hơn trong bóng râm hoặc hưởng ánh nắng mặt trời nhiều hơn…

Xem ra giáo dục Việt Nam "có vấn đề" trước hết là do lối suy nghĩ của các bậc phụ huynh.



Xem nguồn

Thác là thể phách còn là tinh anh

Posted: 09 Sep 2016 11:08 PM PDT


LTS: "Muốn sang thì Bắc cầu kiều – Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy".

Từ xưa truyền thống hiếu học đã ngấm sâu vào nếp sống của con người Việt Nam, trở thành một truyền thống, nét đẹp của con người Việt Nam góp phần xây dựng hình ảnh những con người nước mình "cần cù, chịu khó" trong mắt bạn bè thế giới.

Đằng sau những cô cậu học trò đang lớn từng ngày, trở thành những con người tài năng ấy, đương nhiên luôn có bóng dáng "lao lực" của những người thầy âm thầm nhưng vĩ đại dìu dắt họ nên người.

Nhớ về người thầy dạy Lý của mình, tác giả Hồ Tấn Nguyên Minh có bài viết xúc động như một lời tri ân, cảm tạ người thầy đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giáo dục, giờ đã "hóa kiếp mây bay" để lại bao nuối tiếc cho những thế hệ học trò của ông.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Tôi muốn mượn câu thơ ấy trong kiệt tác "Truyện Kiều" của Nguyễn Du để dành riêng tặng thầy Trần Hùng Anh – một trong những người thầy, người đồng nghiệp mà tôi quý mến nhất ở trường chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên.

Ngày thầy mất người thân, bạn bè, đồng nghiệp và học sinh đứng chật kín hai bên đường tiễn đưa thầy.

Thầy Trần Hùng Anh (trái) và tác giả  (Ảnh tác giả cung cấp).

Không ai cầm được nước mắt khi nghe những lời điếu văn cảm động và tha thiết ân tình của thầy Hiệu trưởng.

Từng giọt long lanh rơi xuống – ngậm ngùi, xót xa, nuối tiếc trước sự ra đi quá đột ngột của một con người cao quý. Không đợi ai nhắc bảo, các em học sinh trường Lương Văn Chánh mỗi em cầm một một đóa hoa tươi đặt lên mộ người thầy yêu quý của mình.

Với một nhà giáo, dành được tình cảm lớn như thế từ mọi người kể cũng hiếm, nhưng ân tình ấy không ngẫu nhiên mà có.

Cuộc đời này tựa một chiếc gương soi, soi vào tròn sẽ nhận được ảnh tròn, soi vào méo sẽ nhận ảnh méo.

Tình cảm mà thầy nhận được là kết quả của cả một đời dạy học bằng tất cả tài năng, tâm huyết và một tấm lòng trong sáng như nước từ khe suối tuôn ra; như loài hoa bình dị mà thanh tao làm say đắm lòng người.

Nói về thầy Trần Hùng Anh là nói tới một nhà giáo giỏi.

Môn Vật Lý khó như vậy mà qua tầm kiến thức sâu rộng và cách giảng bài cuốn hút của thầy, các em nhận ra từ đó biết bao điều thú vị.

Những thế hệ học sinh Lương Văn Chánh từng được học thầy Hùng Anh có lẽ sẽ không bao giờ quên được giọng giảng bài sang sảng, khúc chiết mà vô cùng lôi cuốn của thầy.

Là một trong những thầy giáo có uy tín hàng đầu ở Phú Yên, thầy là trụ cột trong phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật Lý của tỉnh đồng thời là chỗ dựa về chuyên môn cho các đồng nghiệp trường Lương Văn Chánh.

Vì vậy mà tuy hầu như chẳng nhận một danh hiệu thi đua nào thầy vẫn được Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên và Bộ Giáo dục đánh giá cao.

Năm 2012, thầy được Bộ Giáo dục cử làm thành viên Ban ra đề thi đại học môn Vật Lý dành cho học sinh toàn quốc, trở thành niềm tự hào cho tập thể giáo viên nhà trường.

Những ai từng gặp thầy Hùng Anh dường như đều có chung một cảm nhận rằng con người đáng kính ấy khi mới gặp có vẻ lạnh lùng, nhưng khi tiếp xúc, làm việc với thầy mới nhận ra rằng ẩn bên trong cái vẻ ngoài gai góc ấy là một phong cách sống phóng khoáng, hóm hỉnh, hào hiệp;  một tấm lòng độ lượng và dào dạt tình thương.

Với học trò, thầy dường như chẳng tiếc một điều gì.

Trong khả năng của mình, thầy làm tất cả để hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho các em.

Trước khi mất không bao lâu, dù biết sức khỏe của mình không được tốt, thầy vẫn lặn lội vào tận thành phố Hồ Chí Minh để vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ cho những học sinh nghèo của trường Lương Văn Chánh có điều kiện vươn lên trong học tập.

Bất cứ khi nào học trò cần giúp đỡ về kiến thức, dù là gặp gỡ trực tiếp hay qua điện thoại thầy đều rất sẵn lòng.

Nơi ấy cần nhiều tình thương

Không chỉ với học trò, các giáo viên trong nhà trường – đặc biệt là giáo viên tổ Vật Lý – cũng tìm thấy nơi thầy một chỗ dựa vững chắc, một nơi chia sẻ chân thành trong giảng dạy cũng như trong cuộc sống.

Một con người làm việc không mệt mỏi, được mọi người nể trọng như thế lại rất đỗi khiêm nhường, không thích phô trương bản thân mình.

Cả cuộc đời dạy học – dù có công rất lớn với sự nghiệp giáo dục của nhà trường, thầy hầu như chẳng xin một danh hiệu, một phần thưởng nào. Khi tôi hỏi, thầy chỉ cười mà đáp rằng: "Nên dành cho lớp trẻ".

Câu nói ấy bình dị thôi nhưng đáng quý biết bao nhiêu, liệu có được bao nhiêu người biết nhường đường và  nghiêng mình trước tương lai như thế?

Ngày thầy mất, không một tấm bằng khen, không một chiếc huy chương nào được treo lên nhưng nhìn những ánh mắt tiếc thương hướng về di ảnh của thầy tôi chợt nghĩ đến một chiếc huy chương khác – vô hình nhưng bất tử – được tạo nên từ tình cảm của biết bao người đã từng gắn bó với thầy.

Những người như thầy Hùng Anh người thương nhiều mà người ghét cũng lắm. Bởi tính cách của thầy vô cùng mạnh mẽ, cương trực "thẳng như một làn tên bắn, trong sáng như một chiếc gương soi".

Thầy Trần Hùng Anh cùng các thầy cô giáo tổ Vật Lý đi thực tế ở Thủy điện Sông Ba Hạ (Ảnh tác  giả).

Thầy sống chân thật, yêu ghét rõ ràng, không hề  biết luồn lách, đãi bôi.

Thầy là người mà nói như những câu thơ Phùng Quán là: "Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét".

Những người trong sáng, thẳng ngay sẽ yêu quý thầy bởi họ tìm thấy ở thầy sự tri âm.

Còn những kẻ trí trá, ma mãnh, luồn cúi sẽ luôn xem thầy như cái gai trong mắt, cái đinh trong thịt mà lúc nào họ cũng muốn nhổ đi. Thầy biết thế nhưng không bao giờ sống khác, cốt cách ấy cao đẹp biết chừng nào!

Một lần cà phê chuyện phím, thầy đọc cho tôi nghe hai câu thơ "Ước gì có một dòng sông/ Cuốn phăng đi những đứa không là đời".

Ban đầu tôi không hiểu ý thơ của thầy cho lắm, bởi cuộc đời này là một mớ hỗn tạp, đan xen nhiều chiều kích, tồn tại nhiều loại người,  có người tốt cũng có người xấu, có người cao thượng cũng có kẻ thấp hèn, làm gì có "những đứa không là đời".

Lâu dần tôi mới hiểu, một người như thầy sẽ chỉ chấp nhận sự trong sáng, thẳng ngay mà không bao giờ chấp nhận sự giả trá, ti tiện nên mới khao khát cuốn phăng đi những gì làm cho cuộc đời này trở nên xấu xí.

Thái độ của thầy với cái xấu mạnh mẽ, quyết liệt như vậy đấy.

Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, cảm thấy sức khỏe của mình không được tốt, thầy một mình vào Sài Gòn khám bệnh. Và khi biết mình mắc căn bệnh ung thư quái ác, không thể nào qua khỏi,  thầy giấu cô và các con, một mình âm thầm chịu đựng những cơn đau khủng khiếp.

Tấm gương "giỏi việc nước, đảm việc nhà" của ngành giáo dục Ninh Bình

Thầy không muốn vợ con lo lắng; không muốn người thân, bạn bè phải xót xa;  không muốn ai phải khổ vì mình.

Lúc nào gượng dậy được, thầy vẫn cố gắng truyền đạt kiến thức cho các em học sinh, vẫn góp ý chỉnh sửa từng cái đề thi, từng bài giảng cho đồng nghiệp.

Thầy là vậy:  Sống thanh thoát, chết nhẹ nhàng tựa như cánh hạc ung dung vào cõi khác.

Ngày nhà trường làm lễ truy điệu cho thầy, nhìn di ảnh thầy, nghe những câu hát của Phạm Duy trong lời cảm ơn đầy xúc động của Trần  Quang An – con trai thầy "Nghìn trùng xa cách/ Người đã đi rồi/ Còn gì đâu nữa/ Mà khóc với cười" tôi bất chợt nghĩ đến hình ảnh của những hạt bụi vàng.

Thầy chính là một hạt bụi vàng – nhỏ bé, bình dị nhưng vô cùng cao quý.

Chính những hạt bụi vàng như thế sẽ khiến cho cuộc đời này tỏa sáng những ánh vàng rực rỡ.

Nghĩ về thầy, lòng tôi bỗng nhiên chùng xuống, những hạt bụi vàng quý giá  như thầy hình như càng ngày càng hiếm trong cõi đời này.                               



Xem nguồn

Thi trắc nghiệm môn Toán: Thế giới có kinh nghiệm gì?

Posted: 09 Sep 2016 10:25 PM PDT


Lời toà soạn: Mấy ngày gần đây, cuộc tranh luận về việc sử dụng các bài thi trắc nghiệm cho kỳ thi xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ diễn ra sôi nổi. VietNamNet vừa nhận được bài viết phân tích việc sử dụng dạng thức trắc nghiệm cho các bài thi Toán của tác giả Phạm Ngọc Duy –  hiện đang làm nghiên cứu sinh về đo lường và tâm trắc học giáo dục tại ĐH Massachussets Amherst. Trước đó, anh Duy tốt nghiệp khoa Toán, Trường ĐH Sư Phạm, Hà Nội và theo học chương trình thạc sỹ về Quản lý Giáo dục tập trung vào Giáo dục đại học và Chính sách giáo dục quốc tế tại Boston College.



Trước khi nói về vấn đề sử dụng bài thi trắc nghiệm cho môn Toán, việc đặt bài thi này trong hệ thống các công cụ đo lường phổ biến trong giáo dục có thể giúp bạn đọc có một cái nhìn tổng thể hơn.

Hệ thống đo lường giáo dục

Trong hệ thống giáo dục, các công cụ đo lường giáo dục phổ biến như các bài thi, bài kiểm tra trình độ có thể được chia ra thành hai loại chính (i) các công cụ đo lường cuối quá trình (summative assessment) và (ii) các công cụ đánh giá trong quá trình hoặc trên lớp học (formative assessment). 

Mỗi nền giáo dục có chính sách riêng trong việc ưu tiên sử dụng hai loại công cụ này. Các nước Châu Âu có truyền thống sử dụng nhiều các công cụ đo lường trong quá trình như các bài kiểm tra trên lớp, bài thi giữa kỳ, cuối kỳ, cuối năm học. Các nước Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc lại có xu hướng sử dụng kết quả các bài thi đánh giá cuối quá trình trong việc ra các quyết định tốt nghiệp và tuyển sinh đại học hơn. 

kỳ thi THPT quốc gia 2017, thi tốt nghiệp THPT 2017, tuyển sinh đại học 2017, đổi mới thi cử

Thí sinh tham khảo thông tin xét tuyển năm 2016. Ảnh: Lê Văn

Tuy nhiên, xu hướng chung hiện nay là sử dụng phối hợp hai loại hình đo lường này bởi vì mỗi loại hình có ưu điểm và nhược điểm riêng. Trong hơn một thập kỷ vừa qua, Hoa Kỳ có vẻ như chú trọng nhiều đến các đo lường cuối quá trình. Nhưng những chính sách cải cách gần đây của nước này cho thấy các đánh giá trong quá trình đang được chú trọng, đầu tư phát triển và sử dụng nhiều hơn.

Về mặt hình thức, các công cụ đo lường cuối quá trình thường là các bài thi chuẩn hóa (standardized). Các câu hỏi thi ở của bài thi này thường là câu hỏi trắc nghiệm đa lựa chọn có một hoặc vài phương án trả lời đúng, hoặc các câu hỏi điền tô (grid-in), hoặc các câu hỏi yêu cầu các câu trả lời ngắn (short answers).  
Lý do của lựa chọn này nằm ở những ưu điểm của các bài thi trắc nghiệm như khả năng bao phủ rộng của đề thi, tính khách quan của quá trình chấm thi và khả năng áp dụng các mô hình và công cụ tâm trắc học để tính điểm thang đo (scaling), tổ chức thi trên máy tính (computer adaptive testing), phát hiện các câu hỏi có khả năng tiềm ẩn bất công cho một nhóm sinh viên (differential item functioning) và so bằng điểm giữa các bài thi, đợt thi (equating).

Trong khi đó, dạng thức các bài thi đánh giá trong quá trình thường đa dạng hơn, có thể chứa nhiều loại câu hỏi hơn và cũng có thể tích hợp nhiều loại câu hỏi trong một đề thi hơn.  

Đề thi đánh giá trong quá trình sát với việc học và nhu cầu đánh giá của các thầy cô giáo, các trường, nhóm trường hơn. Các câu hỏi thi của các bài thi này có thể là các câu hỏi tự luận, các câu hỏi trắc nghiệm đa lựa chọn. Các bài thi này cũng có thể yêu cầu học sinh làm các thí nghiệm, đo đạc một số đại lượng, mô tả một số hiện tượng (performance assessment).
Tuy nhiên, việc tổ chức và sử dụng các hình thức thi này trên diện rộng cho hàng triệu thí sinh trong một khoảng thời gian ngắn là một việc làm phức tạp, tốn kém thời gian và công sức. Việc áp dụng các mô hình tâm trắc học để đánh giá các bài thi đo lường trong quá trình này cũng tốn kém và phức tạp hơn rất nhiều các bài thi chuẩn hóa sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm.
Tóm lại, mỗi loại hình đo lường có ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc phối hợp sử dụng hiệu quả các loại hình này trong toàn bộ hệ thống giáo dục là một việc làm cần thiết để đảm bảo hiệu quả giáo dục cũng như tạo điều kiện tốt cho công tác thống kê và các nghiên cứu định lượng về giáo dục.

Về các bài thi trắc nghiệm môn Toán

Việc sử dụng các câu hỏi tự luận cho các đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học môn Toán và Văn học có lẽ là một truyền thống trong nhiều năm của nền giáo dục Việt Nam. Trong khi nhiều  môn khác đã sử dụng các bài thi trắc nghiệm trong khoảng hơn một thập kỷ, thì các bài thi trắc nghiệm cho lĩnh vực Toán hoặc đo lường tư duy định lượng mới hơn và ít phổ biến hơn. Gần đây nhất, ĐHQG Hà Nội có lẽ là một trong những nơi đầu tiên ở Việt Nam sử dụng dạng thức câu hỏi này cho các câu hỏi liên quan đến môn Toán.
Việc một số nhà Toán học hoặc các thầy cô giáo giảng dạy môn Toán ở phổ thông hoặc đại học quan ngại về vấn đề này cũng là một điều dễ hiểu.
Lý do đầu tiên là nằm ở chỗ Việt Nam đã quá quen sử dụng các bài thi tự luận môn Toán trong một thời gian rất dài.
Ngoài lý do lịch sử trên thì việc những người có chuyên môn về Toán cho rằng dạng thức thi như vậy sẽ làm học sinh học vẹt, bấm máy tính để ra kết quả và không cần hiểu bản chất vẫn có thể làm tốt bài thi được. Hệ quả của việc này là có thể làm hỏng tư duy toán học của học sinh.
Đây thực ra chỉ là những quan sát dựa trên kinh nghiệm cá nhân và cần thêm chứng cứ khoa học trên mẫu đại diện để có thể đưa ra khẳng định có căn cứ.
Trên thực tế, với các bài thi trắc nghiệm phần Toán phổ biến như bài thi SAT, ACT cho thấy, trên những mẫu đủ lớn, các điểm phần Toán của các bài thi này dự đoán khá tốt khả năng hoàn thành và đạt kết quả tốt ở các khóa học cấp độ đại học ở Hoa Kỳ. Khi được sử dụng cùng với điểm trung bình chung trong học tập, khả năng dự đoán của điểm của các bài thi này được cải thiện một cách đáng kể.
Nếu đặt các bài thi đánh giá cuối quá trình bằng các câu hỏi trắc nghiệm trong hệ thống đo lường giáo dục, chúng ta có thể thấy ngoài các công cụ này, các bài kiểm tra trên lớp, các bài thi giữa kỳ, cuối kỳ có thể đóng vai trò định hướng để học sinh học tập toàn diện, rèn luyện tư duy, rèn rũa khả năng trình bày, năng lực giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo trong một lĩnh vực hoặc môn học cụ thể.
Trong khi đó, các bài thi cuối giai đoạn như thi tốt nghiệp hoặc tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể hướng tới đo lường các năng lực chung, kiến thức phổ rộng hơn như khả năng đọc hiểu, khả năng giải quyết vấn đề, tính toán trong khoảng thời gian hạn chế. Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển các câu hỏi thi trắc nghiệm dạng thức mới như các câu thí sinh tự điền câu trả lời, hoặc viết các câu trả lời ngắn, hoặc điền từ vào ô trống, kết nối các cụm từ để tạo thành một câu trả lời hoàn chỉnh cũng có thể giúp cải thiện khả năng đo lường của các bài thi trắc nghiệm.
kỳ thi THPT quốc gia 2017, thi tốt nghiệp THPT 2017, tuyển sinh đại học 2017, đổi mới thi cử
Nếu xây dựng tốt cả hai thành tố của hệ thống đo lường trong giáo dục này, chất lượng và hiệu quả của công tác đo lường, thống kê trong giáo dục sẽ được cải thiện đáng kể.Các yếu tố quyết định tới chất lượng và hiệu quả của các bài thi đo lường trong quá trình hay cuối quá trình có thể kể đến là (i) chất lượng của thiết kế các bài thi, (ii) chất lượng từng câu hỏi thi , (iii) quá trình tổ chức thi, chấm điểm; (iv) chất lượng và độ tin cậy của các phương pháp tính, rà soát và cân bằng điểm.

Một số kết luận và khuyến nghị

Xuất phát từ những luận điểm trên đây về hệ thống đo lường trong giáo dục cũng như một số kinh nghiệm quốc tế, người viết bài này có một số kiến nghị chính sách như sau để các cơ quan hữu trách và cộng đồng xem xét và áp dụng hoặc kiến nghị áp dụng.

Thứ nhất, các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan đến việc xây dựng và vận hành thành công các chính sách giáo dục có liên điều chỉnh các hoạt động đo lường trong giáo dục. Cần có chính sách đồng bộ để các phương thức đo lường trong quá trình cũng như cuối quá trình được sử dụng hợp lý, hiệu quả trong toàn bộ hệ thống giáo dục. 

Việc tạo điều kiện về nguồn lực để các thầy cô giáo và người học hiểu và sử dụng hiệu quả các bài kiểm tra thường xuyên, bài thi trong quá trình sử dụng hình thức tự luận hoặc quan trắc thực chứng (performance assessment) là một việc làm quan trọng để các kết quả đo lường này trở thành thông tin hữu ích cho quá trình học tập của học sinh và giảng dạy của người học. 

Điểm các bài thi này sẽ được sử dụng để tính điểm trung bình chung học tập. Do có các ưu thế vì chi phí, tính chuẩn hóa và khách quan, các bài thi trắc nghiệm sử dụng một số dạng thức câu hỏi khác nhau cũng cần được khuyến khích sử dụng cho các bài thi đánh giá cuối quá trình. Công tác truyền thông và chia sẻ thông tin để toàn bộ hệ thống giáo dục hiểu và cùng chung sức từng bước xây dựng các thành tố của hệ thống đo lường giáo dục là bước đi ban đầu quyết định sự thành công của các bước triển khai tiếp theo.

Thứ hai, các đơn vị được giao trọng trách thiết kế các bài thi đo lường cuối giai đoạn và xây dựng các câu hỏi thi cần đảm bảo chất lượng của các bài thi này. Do đảm bảo chất lượng là một quá trình liên tục, việc xây dựng các cơ chế để theo dõi và cải tiến toàn bộ quy trình thiết kế, xây dựng, chuẩn hóa, tổ chức thi, phân tích dữ liệu thi, tính điểm thi, so bằng điểm thi là việc làm cần thiết. Các đơn vị này cũng cần được tạo điều kiện để hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức khảo thí quốc tế, các cơ sở đào tạo về đo lường, tâm trắc học giáo dục có uy tín trên thế giới.

Quan trọng nhất, cộng đồng có chuyên môn và quan tâm đến đổi mới đo lường, đánh giá trong giáo dục cần tiếp tục đưa ra các ý kiến đóng góp cho dự thảo mới đây cũng như các phiên bản tiếp theo và các dự thảo khác về lĩnh vực này. 

Các đóng góp có thể xuất phát từ kinh nghiệm, quan sát của cá nhân. Các ý kiến cũng có thể xuất phát từ các tài liệu chuyên môn, các nghiên cứu thực chứng về chủ đề này. 

Việc có các ý kiến khác nhau thậm chí là mâu thuẫn nhau là điều không thể tránh khỏi nhưng cần thiết để cộng đồng cũng như các nhà quản lý giáo dục có thể thống nhất được những chính sách phù hợp nhất với điều kiện và hoàn cảnh hiện tại của giáo dục nước nhà. 

Chính sách như vậy chắc chắn sẽ không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng chúng có thể điều chỉnh các hoạt động thi cử, tuyển sinh của chúng ta theo hướng từng bước tích cực hơn, phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế.


Phạm Ngọc Duy



Xem nguồn

Cách tính điểm xét tốt nghiệp quốc gia 2017

Posted: 09 Sep 2016 09:43 PM PDT


Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT công bố, kỳ thi năm 2017 sẽ có 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn bài thi Khoa học Tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Phương thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 (Ảnh: Thùy Linh)

Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng.

Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội. Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng nếu có nguyện vọng.

Ngoài bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận thì các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm; Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính.

Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.



Xem nguồn

Lần đầu tiên khai trường Đại học Việt Nhật

Posted: 09 Sep 2016 09:01 PM PDT


Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nikai Toshihiro, Nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt Nhật Takebe Tsutomu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Văn hóa – Thể thao – Khoa học & Công nghệ Higuchi Naoya;

Và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada, đoàn nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản; đồng chí Phùng Xuân Nhạ – Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; đồng chí Tô Huy Rứa – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức TW, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Việt Nhật…

Hàng trăm khách mời, giảng viên, sinh viên tham dự lễ khai trường.

Phát biểu tại lễ khai trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật Furuta Motoo cho biết Việt Nam hiện có một số trường đại học được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ nước ngoài. 

Sự khác biệt ở đây là Trường Đại học Việt Nhật được thành lập với tư cách là trường thành viên của Đại học Quốc Gia Hà Nội – trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có truyền thống và uy tín hàng đầu Việt Nam.

Việc tuyển sinh thành công và mời được giảng viên giỏi quản lý các chương trình đào tạo và giảng dạy tại Trường Đại học Việt Nhật trong thời gian qua đã cho thấy ưu thế là trường đại học thành viên của Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Thông qua sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, Trường Đại học Việt Nhật hướng tới trở thành một mô hình đại học mới ở Việt Nam, không chỉ ở góc độ giới thiệu những lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo mới ở Việt Nam, mà còn từ chính quan điểm cơ bản về giáo dục đại học.

Trường chú trọng đào tạo học viên có tầm nhìn rộng và là một mô hình mới về kết hợp nghiên cứu và đào tạo, về tự chủ đại học, về liên kết đại học và doanh nghiệp, và thu hút nhân tài quốc tế.

Trường Đại học Việt Nhật, một mặt hướng tới trở thành một trường đại học nghiên cứu đa ngành với thế mạnh về công nghệ kỹ thuật tiên tiến và khoa học liên ngành theo mô hình Center of Excellence (Trung tâm xuất sắc).

Mặt khác, trường coi trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tốt các yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với xã hội Việt Nam và yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết Đại học Việt Nhật đã xác lập được lực lượng cán bộ quản lý, giảng dạy gồm cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản, xây dựng được 6 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao và khoa học liên ngành.

95% học viên theo học khóa đầu tiên đã tốt nghiệp đại học loại khá giỏi trở lên, khả năng ngoại ngữ tối thiểu B2 (tương đương IELTS 5.0-5.5 trở lên).

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn

Đại học Việt Nhật hướng tới mục tiêu trở thành trường đẳng cấp quốc tế, chất lượng học viên tốt nghiệp tương tự chuẩn đầu ra của các đại học đối tác hàng đầu Nhật Bản. Tối thiểu 50% học viên có cơ hội thực tập 3 tháng tại Nhật Bản với chi phí được đài thọ toàn bộ“, Hiệu trưởng Furuta Motoo chia sẻ. 

Đại học Việt Nhật là thành viên thứ 7 của Đại học Quốc gia Hà Nội, được Thủ tướng quyết định thành lập tháng 7/2014.

Trường có cơ sở tại Mỹ Đình với tổng diện tích hơn 2.000 m2. Sắp tới Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phối hợp với Nhật Bản xây dựng cơ sở tại Hòa Lạc với 3 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Phát biểu chúc mừng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, sự ra đời Trường Đại học Việt Nhật là sự kết hợp hài hòa giữa nền giáo dục Nhật Bản – nền giáo dục hàng đầu thế giới và Đại học Quốc Gia Hà Nội – trung tâm đào tạo, nghiên cứu số 1 Việt Nam với trình độ học thuật và chất lượng đào tạo được Việt Nam và thế giới đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những nỗ lực của Đại học Quốc Gia Hà Nội trong công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Trường Đại học Việt Nhật trong thời gian qua cũng như đánh giá cao sự nhiệt tình tham gia của các giáo sư, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã tận tình chung sức xây dựng các chương trình đào tạo và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động của nhà trường.

Bộ trưởng tin tưởng rằng với sự ra đời và đi vào hoạt động của Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc Gia Hà Nội sẽ có thêm điều kiện để thực hiện sứ mạng của mình. Qua đó, ngành giáo dục đào tạo Việt Nam cũng có thêm đơn vị đào tạo tốt, có sức mạnh lan tỏa và ảnh hưởng trong toàn hệ thống.

Tại buổi lễ, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản Nikai Toshihiro khẳng định sự ra đời của Trường Đại học Việt Nhật là kết quả hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. 

Ông cũng bày tỏ kỳ vọng Trường sẽ vươn tới trình độ quốc tế và đào tạo được nguồn nhân lực xuất sắc. Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Trường Đại học Việt Nhật – Đại học Quốc Gia Hà Nội trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học để trường ngày càng phát triển.

GS. Furuta Motoo – Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật đánh trống khai trường.

Tại lễ khai trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật Furuta Motoo đã đánh trống khai trường, đánh dấu việc triển khai các hoạt động đào tạo đầu tiên tại trường.



Xem nguồn

Nếu môn Toán thi trắc nghiệm sẽ nảy sinh 5 nhược điểm

Posted: 09 Sep 2016 08:18 PM PDT


Dự thảo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 của Bộ có nhiều ưu điểm vì nó hạn chế được học lệch, giảm số ngày thi và tránh được tình trạng ảo trong xét tuyển nhưng học sinh lại học nhiều môn hơn dẫn đến vất vả hơn.

Chúng ta biết rằng, môn toán là nền tảng cho các môn học khác, được xem như là bộ não của con người. Do đó, môn toán có nên thi trắc nghiệm không?

Được biết, năm học 2007 – 2008 môn toán dự kiến thi theo hình thực trắc nghiệm nhưng không thành. Bộ cần lấy ý kiến các chuyên gia, giáo viên và học sinh trên các vùng miền để có quyết định phù hợp. Theo tôi, nếu môn toán thi theo hình thức trắc nghiệm thì có 5 nhược điểm sau:

1. Không đào sâu kiến thức của học sinh vì số lượng câu hỏi trong đề thi tương đối nhiều và lượng câu hỏi khó ít đi, điều này hạn chế năng lực tư duy sáng tạo của học sinh.

2. Không thấy được khã diễn đạt bằng lời của học sinh. Đây là yếu tố quan trọng của giáo viên khi truyền đạt năng lực ngôn ngữ cho học sinh.

3. Không thấy rõ một quá trình tư duy của học sinh thông qua các bước khi gặp một bài toán tương đối khó và phức tạp.

4.Yêu tố may mắn trong làm bài có thể xảy ra. Thi trắc nghiệm không học vẫn có điểm vì đánh lụi, còn thi tự luận không học sẽ không có điểm.

5. Thứ tự trình bày lời giải bài toán được thay bằng "thủ thuật" làm sao tốn ít thời gian để có kết quả nhanh nhất làm như vậy mất đi tính sư phạm của nền giáo dục.

Thiết nghỉ rằng, quá trình dạy và học môn toán là quá trình thường xuyên và lâu dài. Để nâng cao chất lượng dạy và học môn toán nói riêng, đào tạo người lao động phát triển toàn diện nói chung thì liệu chúng ta có nên thay thế hoàn toàn hình thức thi tự luận bằng hình thi trắc nghiệm trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh ở trường phổ thông hiện nay hay không?

Thạc sĩ: Nguyễn Quang Thi, Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng

Mọi thông tin, bài viết về giáo dục, quý độc giả có thể gửi tới ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!



Xem nguồn

Comments