Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Trường Đại học Việt – Nhật hướng đến trở thành đại học đẳng cấp hàng đầu châu Á

Posted: 09 Sep 2016 09:41 AM PDT


Tham dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; ngài Nikai Toshihiro – Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản; ngài Takebe Tsutomu – Nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt Nhật; đại diện các Bộ, ngành hữu quan của Chính phủ Việt Nam, hiệu trưởng các trường đối tác Nhật Bản, các học viên của khóa học đầu tiên.

Trong phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự nhiệt tình tham gia của các giáo sư, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã chung sức xây dựng các chương trình đào tạo, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động của nhà trường.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu và công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được coi là một tỏng những ưu tiên then chốt.

Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các mục tiêu kinh tế, xã hội được xem là một trong những giải pháp cơ bản cho sự phát triển của Việt Nam.

Cơ hội mở ra cho Trường Đại học Việt – Nhật là rất nhiều, lợi thế lớn, tuy nhiên, khó khăn thách thức cũng còn nhiều ở phía trước. Trường cần khai thác thế mạnh liên thông liên kết trong toàn hệ thống ĐHQG Hà Nội để trường nhanh chóng trở thành đơn vị có sức mạnh về đào tạo, NCKH, khai thác tốt các hỗ trợ của các đối tác Nhật Bản.

Bộ trưởng cũng đề nghị ĐHQG Hà Nội, với vai trò cơ quan chủ quản của VJU vừa có biện pháp hỗ trợ tối đa cho trường trong giai đoạn đầu, cần tiếp tục tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản để sớm xây dựng và báo cáo khả thi, làm tiền khả thi cho công tác xây dựng, khai thác quý báu nguồn vốn xây dựng VJU tại Hòa Lạc.

Trước mắt, cần phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành để nhanh chóng hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức hoạt động đặc thù của VJU. Bộ GD&ĐT sẽ chú ý trong việc ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho VJU và coi như là một cơ sở giáo dục đào tạo trọng điểm.

Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ĐHQG Hà Nội và Trường Đại học Việt – Nhật để phối hợp, hỗ trợ phát triển.

Trường Đaị học Việt – Nhật, được Thủ tướng Chính phủ nước CHXHC Việt Nam ký Quyết định thành lập ngày 21/7/2014. Đây là kết quả hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục giữa hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, trở thành thành viên thứ 7 của ĐHQG Hà Nội. Trường đã xác lập được lực lượng cán bộ quản lý và giảng dạy gồm cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản.

Khóa đầu tiên được khai giảng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản với 6 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ và đã tuyển sinh được 72 học viên chất lượng tốt.

Đồng thời, trường cũng đang xúc tiến làm việc với các cơ quan liên quan phía Việt Nam để Chính phủ Việt Nam cấp học bổng cho các học viên xuất sắc trong quá trình học tập.

Ngoài hệ thống cơ sở vật chất dùng chung hiện có của ĐHQG Hà Nội, trường đang được đầu tư xây dựng cơ sở hiện đại tại Hòa Lạc, trước mắt sẽ có 3 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế trong năm 2017.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQG Hà Nội vui mừng cho biết: Hôm nay là một ngày đặc biệt, đây là Lễ khai giảng đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu quan trọng của trường đại học thành viên thứ 7 trong hệ thống các trường đại học trực thuộc ĐHQG Hà Nội.

Hơn thế, đây còn là sự kiện thể hiện dấu ấn sinh động và đậm nét trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản.

Trường Đại học Việt Nhật là đơn vị có được sự gửi gắm tâm huyết, niềm tin, và kỳ vọng của chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản, của ĐHQG Hà Nội và các đại học Nhật Bản, và của toàn xã hội.

Tôi tin tưởng vào tương lại tốt đẹp của Trường Đại học Việt – Nhật vì nó có nền tảng của những quyết tâm và sự thống nhất về mục tiêu giữa các nhà lãnh đạo hai nước, giữa các trường đại học Việt Nam, Nhật Bản và giữa các nhà khoa học.

Trong thông điệp Lễ Khai trường, GS. Furuta Motoo – Hiệu trưởng – khẳng định: Trường Đại học Việt – Nhật là mô hình mới ở Việt Nam. Trường có tính quốc tế cao, mở rộng cánh cửa với học viên trong khu vực và trên thế giới.

Trường đào tạo với tiêu chuẩn chất lượng cao, các chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở chuyển giao chương trình và công nghệ đào tạo từ các đối tác Nhật Bản, ĐHQG Hà Nội và các đại học uy tín.

Tại trường, người học được phát triển năng lực và tư duy sáng tạo. Chúng tôi kêu gọi các bạn trẻ có ý chí phấn đấu và ước nguyện vươn ra thế giới hãy hướng về Trường Đại học Việt – Nhật và cùng nhau xây dựng một trường đại học xuất sắc ở Việt Nam, làm hình mẫu cho cả Việt Nam và Nhật Bản.

Sự ra đời của Trường Đại học Việt Nhật là kết quả hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục giữa hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.

Trường Đại học Việt – Nhật sẽ vươn tới trình độ quốc tế và đào tạo được nguồn nhân lực xuất sắc. Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Trường Đại học Việt Nhật trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học để Trường ngày càng phát triển vươn lên đẳng cấp đại học hàng đầu châu Á.

Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản Nikai Toshihiro



Giáo sư Furuta Motoo đánh trống khai trường 



Giáo sư Furuta Motoo gửi thông điệp khai trường

              



 Các quan khách chụp ảnh lưu niệm cùng các tân học viên khóa đầu



Phát biểu giao nhiệm vụ của Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn 



Các đại biểu tham dự buổi lễ 



Xem nguồn

Góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chương trình GDMN

Posted: 09 Sep 2016 09:00 AM PDT


Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì buổi thảo luận chung chiều 9/9 Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì buổi thảo luận chung chiều 9/9

Hội thảo có sự tham gia của đại diện cán bộ quản lý GDMN của các Sở, Phòng thuộc các tỉnh thành phía Nam cùng 6 trường CĐ, ĐH và các chuyên gia GD, đặc biệt là đại diện của UNICEF.

Tại đây, các đại biểu chia làm 2 nhóm thảo luận, góp ý sửa đổi và đưa ra những đề xuất nhằm điều chỉnh Chương trình GDMN phù hợp với sự phát triển của trẻ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn GDMN trong giai đoạn thực hiện NQ29 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.



 Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Bá Minh chia sẻ với các đại biểu về những vấn đề cần góp ý 

Sau một ngày làm việc, đa số các đại biểu nhất trí cao với ban soạn thảo và có những đóng góp thêm để dự thảo được hoàn thiện.

Đơn cử như về bổ sung mục 6 như sau: Các cơ sở GDMN có thể lựa chọn bổ sung một số nội dung có tính chất bổ trợ để nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ, phù hợp với mục tiêu của Chương trình GDMN và điều kiện của nhà trường.



 Các đại biểu tham gia ý kiến

Một số đại biểu góp ý: Cần bỏ cụm từ "nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ", hay đề nghị cần xem xét kĩ từ "bổ trợ", có thể thay bằng từ "phát triển chương trình GD của các trường" ở mục 6 nói trên.

Bên cạnh đó là những sửa đổi liên quan đến dinh dưỡng cho trẻ theo từng độ tuổi hay như đánh giá trẻ, cũng như sửa đổi một số cụm từ chuyên môn…



Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tổng kết lại buổi hội thảo  


Phát biểu tổng kết tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của các đại biểu tham dự, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được ban soạn thảo dự thảo ghi nhận và xem xét, bổ sung để hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi bổ sung một số nội dung chương trình GDMN.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý, tiếp sau Hội thảo này, ban soạn thảo sẽ hoàn thiện hơn và sẽ đưa dự thảo sửa đổi lên trang web để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi hơn. Dựa trên bản dự thảo sửa đổi đó, các Sở cũng cần tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của GV, chuyên gia tại địa phương, sau đó tổng hợp và gửi lên Bộ GD&ĐT.



Xem nguồn

Trường ĐH Việt Nhật theo đuổi triết lý "phát triển bền vững"

Posted: 09 Sep 2016 08:18 AM PDT


 – Ngày 9/9, Trường ĐH Việt Nhật – ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2016-2017 cũng là khai giảng các chương trình đào tạo đầu tiên của trường.

Khai giảng, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Việt Nhật, Đại học Việt Nhật
Lễ khai giảng ĐH Việt Nhật có sự tham dự của đại diện Chính phủ hai nước, các đại học đối tác Nhật Bản, các chuyên gia giáo dục…

Trường Đại học Việt Nhật – trường đại học thành viên thứ 7 thuộc ĐHQGHN, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào ngày 21/7/2014. Trường với mục tiêu sớm trở thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế, được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam, góp phần gia tăng giá trị đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Trường cũng hứa hẹn trở thành trung tâm giao lưu văn hóa, học thuật và là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Năm 2016, Trường mở 6 chương trình đào tạo thạc sĩ đầu tiên thuộc các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao và khoa học liên ngành là Công nghệ Nano, Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật Hạ tầng, Khu vực học, Chính sách Công và Quản trị Kinh doanh.

Khai giảng, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Việt Nhật, Đại học Việt Nhật
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi lễ khai giảng. Khi còn là Giám đốc ĐHQG Hà Nội, ông Nhạ đã tích cực xúc tiến  đầu tư ĐH Việt Nhật tại Nhật, huy động lực lượng giáo sư, chuyên gia cho việc xây dựng các chương trình đào tạo và vận động chính phủ 2 nước trong việc thành lập.

Trường Đại học Việt Nhật có sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực và các sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao; tiếp nhận chuyển giao tri thức từ Nhật Bản; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản; và tác động tích cực đến hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng.

Mô hình của trường là mô hình mới, được xây dựng theo phong cách Nhật Bản với sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Trường hướng đến sự phát triển bền vững dựa trên sự tự chủ cao và xã hội hoá nguồn lực.

Khai giảng, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Việt Nhật, Đại học Việt Nhật
Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ khai giảng, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn khẳng định: "Trường ĐH Việt Nhật là đơn vị có được sự gửi gắm tâm huyết, niềm tin và kỳ vọng của Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản, của ĐHQGHN và các đại học Nhật Bản, và của toàn xã hội. Chính phủ và nhân dân hai nước đang kỳ vọng rất lớn vào Trường ĐH Việt Nhật, vào những giá trị mà nhà trường cam kết sẽ đóng góp cho xã hội”.

Ông Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị nhà trường luôn phải đặt vấn đề chất lượng đào tạo và nghiên cứu lên vị trí ưu tiên hàng đầu và chi phối mọi hoạt động của đơn vị. Mọi hoạt động của trường từ việc quản trị điều hành đến giảng dạy, học tập, học liệu và hỗ trợ học tập… đều phải hướng tới chuẩn cao của thế giới. Triết lý "Phát triển bền vững" của trường cần phải được thể hiện cao nhất trong giải pháp nguồn nhân lực khoa học và đào tạo.



Xem nguồn

Gần 700 học sinh Kỳ Hà trở lại trường sau hai tuần nghỉ

Posted: 09 Sep 2016 07:36 AM PDT


 – 1.051 em học sinh ở Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) không đến lớp, thì nay đã có hàng trăm em quay trở lại trường. Theo con số thống kê được, sáng nay đã có 669 học sinh đi học trở lại.

Formosa, học sinh nghỉ học

 Không có bạn chơi nên trước đó học sinh đến lớp buồn bã vì không có bạn chơi

Tính đến thời điểm hiện tại, xã Kỳ Hà đã có 669 em học sinh quay trở lại trường học. Số lượng tăng lên nhiều so với thời điểm khai giảng năm học mới.

Ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: Sau hai tuần nghỉ học không đến lớp, hiện nay đã có thêm 669 em học sinh trở lại trường học.

Con số thống kê sáng nay, tại trường THCS Hà Hải đã có 424/520 em (phân hiệu 1, còn phân hiệu 2 chưa thống kê được con số) học sinh trở lại trường, tiểu học có 508/694 em và mầm non 200/300 cháu đã quay lại trường học.

So với ngày hôm qua, số học sinh đến trường tăng nhanh: Hôm qua học sinh trung học có 98/520 em (phân hiệu 1), tiểu học mới chỉ có 175/694 học sinh, và mầm non 114/300 cháu đến trường.

Formosa, học sinh nghỉ học

Lớp học lác đác vài học sinh (Hình ảnh ghi nhận tại trường THCS Hà Hải sáng 6/9).

Như Vietnamnet đưa tin trước đó, để mong muốn chính quyền đáp ứng những kiến nghị về tiền học cho con em sau sự cố môi trường, bà con xã Kỳ Hà không cho học sinh đến trường, khiến 1.051 học sinh không được đi học sau lễ khai giảng.

Trong ngày khai giảng, số lượng học sinh đến tham dự rất hạn chế (Mầm non Kỳ Hà có 135/300 học sinh, tiểu học 232/694 và trung học cơ sở Hà Hải (bao gồm 2 phân hiệu) chỉ có 96/730 học sinh).

Phụ huynh cho rằng, sự cố môi trường do Formosa gây ra khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. "Sau sự cố môi trường, cuộc sống chúng tôi khó khăn, nên nhà trường miễn giảm toàn bộ tiền học thì tôi mới cho con đến trường" – Chị Mai Thị Tin (Thôn Bắc Hà) chia sẻ.

Formosa, học sinh nghỉ học

 Sáng nay, một số lớp học lượng học sinh gần đạt 100%

Formosa, học sinh nghỉ học

Sân trường đã đông vui trở

Ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh thông tin: Hiện nay hàng trăm học sinh đã quay trở lại trường, đây là tín hiệu đáng mừng cho học sinh xã Kỳ Hà.

" Để động viên người dân cho con em trở lại trường học, chính quyền cùng với hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể, mặt trận phân công tổ chức họp, giải thích cho người dân rõ những chính sách liên quan đến khắc phục sự cố môi trường.

Chính quyền đã tiếp thu những kiến nghị của dân, tổ chức đối thoại với dân. Nhà trường cử giáo viên 1 buổi đến lớp, 1 buổi được cử xuống nhà dân để vận động bà con cho học sinh trở lại trường. Hơn nữa, tạm thời không thu học phí và tiền xây dựng của học sinh để khuyến khích các em đến trường đi học" – ông Vĩnh nói.

Trước đó, để phản đối chính sách di dời lấy mặt bằng cho dự án Formosa, 119 em học sinh thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi) cũng không đến trường trong hai năm học. Hiện nay các em đã quay trở lại trường.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường THCS Kỳ Lợi thông tin: Sau 2 năm không đến trường để phản đối chính sách di dời, thì nay các em đã quay trở lại trường học. Nhìn chung các em đã tiếp thu tốt, mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế vì một thời gian dài không đi học. Nhà trường đang tăng cường tổ chức dạy và học để 119 em bắt kịp chương trình".



Xem nguồn

Thi THPT 2017: Không cần làm tất cả các môn trong bài thi tổ hợp

Posted: 09 Sep 2016 06:53 AM PDT


– Với việc xuất hiện bài thi tổ hợp trong phương án dự kiến kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, nhiều thí sinh băn khoăn các trường sẽ xét điểm từng môn thành phần hay tính tổng của bài thi để xét tuyển đại học.

Thi THPT 2017, bài thi tổ hợp, THPT quốc gia 2017, THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga

Nhiều thí sinh băn khoăn các trường sẽ xét điểm từng môn thành phần hay tính tổng của bài thi để xét tuyển đại học. Ảnh: Thanh Hùng.

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT công bố, kỳ thi năm 2017 sẽ có 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn bài thi Khoa học Tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân). Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội. Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.

Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.

Tuy nhiên, điều mà nhiều thí sinh băn khoăn nhất là điểm thi trong bài thi tổ hợp tự chọn sẽ được tính như thế nào trong việc xét tuyển đại học.

Em Trần Văn Tiến (Hà Nội) thắc mắc: "Khi xét tuyển đại học, sẽ tính điểm tổng của bài thi tổ hợp hay tính điểm theo từng môn? Em băn khoăn không biết có nhất thiết phải làm hết cả 3 môn trong bài thi tổ hợp tự chọn không và nếu không làm, dính điểm liệt một trong 3 môn có làm sao không?"

Một học sinh lớp 12 khác chia sẻ: "Với thay đổi năm nay, các trường đại học cần phải công bố tổ hợp xét tuyển sớm để thí sinh còn liệu tính. Trường hợp em học theo khối A, nhưng lỡ năm nay trường đại học lại sử dụng tổng kết quả bài thi Khoa học tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa Sinh), tức là sẽ có thêm môn Sinh thì rất thiệt thòi. Chưa kể đợi đến lúc các trường công bố tổ hợp, rồi em mới học môn Sinh thì cũng khó có thể kịp để có thể học tốt".

Trả lời VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, bài thi tổ hợp gồm 60 câu hỏi trắc nghiệm chia làm ba phần riêng biệt, mỗi môn trong tổ hợp có 20 câu hỏi. Điểm khi chấm sẽ có cả điểm tổng hợp của bài và điểm của từng môn cấu phần.

"Để xét tốt nghiệp sẽ tính điểm cả bài thi tổ hợp. Còn để xét tuyển ĐH, CĐ, các trường có thể tổ hợp các điểm thành phần của từng môn cấu phần hoặc điểm của cả bài thi, kết hợp với các môn thi khác để xây dựng tổ hợp xét tuyển. Việc này sẽ do các trường tự chủ", ông Ga nói.

Do đó, việc xét tuyển đại học sẽ tùy trường. Nếu trường yêu cầu sử dụng điểm của cả bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội thì thí sinh phải làm hết tất cả. Nếu trường chỉ sử dụng một cấu phần thì các em có thể làm mỗi cấu phần đó.

Theo ông Ga, vấn đề điểm liệt sẽ được quy định chi tiết trong quy chế tới đây. Tuy nhiên, trên nguyên tắc, nếu các em bị điểm liệt của cả bài thi mới không được xét tốt nghiệp, không tính theo điểm liệt của một cấu phần trong bài thi đó.

Chia sẻ lo lắng của thí sinh về thời điểm công bố phương án xét tuyển của các trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường công bố sớm ngay trong đầu năm học cho thí sinh chuẩn bị.

"Ngoài ra, các trường nào tuyển sinh theo khối thi mới thì 2 năm qua cũng tương đối ổn định, do đó các thí sinh cũng không phải lo lắng chuyện tổ hợp xét tuyển mới", ông Ga nói.



Xem nguồn

ĐH Đà Nẵng tiếp nhận thiết bị trị liệu xương khớp Protec phục vụ đào tạo

Posted: 09 Sep 2016 06:11 AM PDT


Đại diện ĐH Đà Nẵng và Hiệp hội Saitama NBC Nhật Bản ký kết biên bản trao tặng và tiếp nhận thiết bị.Đại diện ĐH Đà Nẵng và Hiệp hội Saitama NBC Nhật Bản ký kết biên bản trao tặng và tiếp nhận thiết bị.

Thiết bị này được đưa vào sử dụng với mục đích phục vụ cho nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành Y tại Khoa Y Dược, ĐH Đà Nẵng. 

Tại buổi lễ, bác sĩ Nakagawa Tadanori – Viện Trưởng Viện trị liệu xương khớp FMT Nhật Bản – đã hướng dẫn vận hành thiết bị cho các kỹ thuật viên và SV đang theo học tại Khoa Y Dược thuộc ĐH Đà Nẵng.

Được biết, thiết bị trị liệu xương khớp Protec có tổng trị giá 1 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí vận hành, mời chuyên gia hướng dẫn.



GS.TS Trần Văn Nam tặng hoa cho đối tác tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng – cho biết: “Đây là món quà có ý nghĩa rất to lớn với ĐH Đà Nẵng nói chung và khoa Y Dược nói riêng. Chúng tôi cam kết sẽ sử dụng đúng mục đích, hiệu quả cao, cụ thể là tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, sinh viên khoa Y Dược được tiếp cận, nghiên cứu và sử dụng thiết bị, nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo trong nhà trường”.

Việc trao tặng và tiếp nhận thiết bị trị liệu xương khớp Protec này đã thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng với Hiệp hội Saitama NBC Nhật Bản và Ban Đề án Ươm mầm nhân lực Việt Nam được ký kết hợp tác vào đầu tháng 8/2016.



Xem nguồn

“Giờ ra chơi nào giáo viên cũng thảo luận về thi cử"

Posted: 09 Sep 2016 05:28 AM PDT


-Trước những thay đổi liên tục của kỳ thi THPT quốc gia, nhiều học sinh không khỏi lo lắng. Giáo viên phổ thông thì cho rằng việc thay đổi nên có lộ trình để tránh ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.

Học sinh lo học thêm môn

Với học sinh, nếu theo phương án thi mới, số lượng các môn học mà các em phải phân bổ thời gian sẽ nhiều hơn năm ngoái.

Nguyễn Thị Hà My (Hà Tĩnh) tỏ ra lo lắng khi lượng kiến thức phải học nâng lên là 6 môn, sẽ khá nặng với khoảng thời gian chuẩn bị chỉ một năm học lớp 12.

Em chia sẻ: "Chỉ để đảm bảo vượt tốt nghiệp, em đã phải học nhiều môn hơn. Nếu như năm ngoái, ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, chỉ cần học thêm một môn nữa thì với phương án mới, em sẽ phải dành sự tập trung và thời gian học thêm 2 môn khác". 

thi THPT quốc gia, thi THPT quốc gia 2017, bài thi tổ hợp, trắc nghiệm môn Toán
Mặc dù phương án thi tốt nghiệp được đưa ra ngay sau ngày khai giảng, nhưng học sinh vẫn không khỏi lo lắng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Điều mà L.K Vân, người vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH 2016, băn khoăn nhất là môn Toán chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm.

Vân cho rằng, môn Toán với hình thức trắc nghiệm, sẽ có nhiều trường hợp thí sinh không biết cách làm, nhưng khoanh bừa vẫn có xác suất được điểm. Trong khi đó, điều này là không thể nếu thi theo hình thức tự luận phải trình bày cách giải mới đi được đến kết quả cuối cùng.

Nhiều thí sinh khi được hỏi còn mong rằng với thay đổi năm nay, các trường đại học cần phải công bố tổ hợp xét tuyển sớm.

 "Trường hợp em học theo khối A, nhưng lỡ năm nay trường đại học lại sử dụng tổng kết quả bài thi Khoa học Tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa Sinh), tức là sẽ có thêm môn Sinh thì rất thiệt thòi. Chưa kể đợi đến lúc các trường công bố tổ hợp, rồi em mới học môn Sinh thì cũng khó có thể kịp để có thể học tốt" – một học sinh lớp 12 than thở.

Giáo viên: Có nên trắc nghiệm tất cả các môn?

Ông P.T.T Định, giáo viên tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) cho rằng, trong năm đầu triển khai, có thể học sinh, giáo viên cảm thấy bị động vì phải học nhiều môn hơn. Tuy nhiên, về lâu dài đây là phương thức thích hợp để đánh giá toàn diện kiến thức của học sinh.

"Lâu nay, học sinh chỉ học 3 môn chính và một môn phụ được lựa chọn trước như Lý hoặc Hóa đối với các em theo khối tự nhiên; Sử hoặc Địa với các em chọn các khối xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng các em học lệch, học tủ. Do đó, với bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội, các em phải học đều hơn".

Theo ông Định, để xét tốt nghiệp THPT, không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi và buộc học sinh phải học tới 6 môn thi như dự thảo Bộ GD-ĐT đưa ra.

"Thi tốt nghiệp như vậy là nhiều đối với học sinh, trong khi việc xét tốt nghiệp hoàn toàn có thể căn cứ vào kết quả học tập của 3 năm học THPT", ông Định nói.

Với hình thức trắc nghiệm, ông Định lo rằng một số môn sẽ không đánh giá hết được năng lực của học sinh. "Chẳng hạn như môn Toán, phần trình bày, vẽ đồ thị hay phần vẽ bản đồ, biểu đồ của môn Địa lý sẽ không thể hiện. Tuy nhiên, việc thi trắc nghiệm sẽ bao quát được nhiều kiến thức hơn. Chẳng hạn, môn Toán vừa có thể kiểm tra lý thuyết vừa có thể kiểm tra dạng bài tập. Trong khi nếu làm tự luận thì chỉ kiểm tra được dưới dạng bài tập.

Theo ông Định, hình thức thi tốt nhất là kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận ở tất cả các môn để kiểm tra toàn diện kiến thức cũng như khả năng trình bày của thí sinh.

Một giáo viên dạy Toán ở Nghệ An thì chia sẻ: "Tôi cho rằng trắc nghiệm các môn Lý, Hóa làm được thì Toán cũng sẽ làm được. Những em khá, giỏi thì vẫn có thể đạt điểm cao. Việc thay đổi môn Toán sang trắc nghiệm cũng sẽ giống như các môn chứ cũng không ảnh hưởng đến kết quả thi và về mặt việc tuyển sinh cũng sẽ không ảnh hưởng gì".

Tuy nhiên, theo vị giáo viên này, thi trắc nghiệm sẽ không thể hiện được tư duy logic của các học sinh.

"Nếu thi trắc nghiệm thì ở rất nhiều phần, cái tư duy logic sẽ không được thể hiện ra được. Điều này khác hẳn với bài thi tự luận. Thậm chí, khi làm trắc nghiệm, một số bài tập không cần biết cách giải nhưng nếu các em thành thạo về máy tính cầm tay vẫn có thể tìm ra được đáp số", vị giáo viên này cho hay.

Vị giáo viên này chia sẻ thêm: "Bộ GD-ĐT có lập luận cách thi như năm nay đã được chuẩn bị 2 năm nhưng thực ra mới chỉ triển khai trên tập nhỏ là ĐHQG Hà Nội và giờ lại áp dụng trên một tập lớn".

Theo vị này, nhìn một cách tổng quát, việc thay đổi dù tốt nhưng nếu diễn ra từng năm một chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.

Trong khi đó, một giáo viên dạy Toán tại một trường THPT thuộc diện “tốp đầu” của TP.HCM cho biết cả tổ Toán của trường hiện nay khá căng thẳng: "Giờ ra chơi nào, chúng tôi cũng tập trung thảo luận về chuyện này".

Điều mà các giáo viên toán lo lắng, về lâu dài, là nếu thi trắc nghiệm, dần dần học sinh sẽ mất khả năng suy luận, lý giải.

thi THPT quốc gia, thi THPT quốc gia 2017, bài thi tổ hợp, trắc nghiệm môn Toán

Ảnh Lê Anh Dũng

Mặc dù thi trắc nghiệm là xu hướng chung của xã hội, nhưng tôi cho rằng trắc nghiệm chỉ thực sự phù hợp với một số môn.

Còn để giải một bài hình học không gian hay khảo sát đồ thị, cần hội tụ nhiều kỹ năng tính toán, vẽ hình, vẽ đồ thị… Điều này qua bài trắc nghiệm sẽ không kiểm tra được học sinh".

Vị này chia sẻ rằng giáo viên Toán chưa có kinh nghiệm nhiều về thi trắc nghiệm.

"Có lần, đi tập huấn về phương pháp thi trắc nghiệm, chúng tôi thấy chuyên viên huấn luyện giới thiệu tài liệu dài 4 trang A4, soạn những "mánh khóe" để làm bài trắc nghiệm Toán. Tôi thấy rằng đó không phải là làm bằng tư duy mà làm bằng xảo thuật.

Trắc nghiệm Toán một phần thì được. Chứ trắc nghiệm cả như thế này giáo viên toán chúng tôi rất thất vọng".

Giáo viên này góp ý:

"Lẽ ra nên có một quá trình chuẩn bị dài hơi hơn, ví dụ như 3 năm, tính từ lứa học sinh lớp 10 năm nay. Học sinh lớp 12 khá hoang mang, dù trong dự thảo đã "trấn an" bằng việc nói rằng chỉ ra đề trong phạm vi kiến thức lớp 12″.

Một giáo viên dạy môn Vật lý ở TP.HCM thì cho biết anh không lo lắng cho học sinh về phương pháp làm bài vì đã thi trắc nghiệm gần 10 năm nay.

"Tuy nhiên, tôi lại lo cho học sinh chịu thiệt về điểm số khi xét tuyển đại học. Trước đây, làm bài thi môn này, cao nhất là các em sẽ có 10 điểm để cộng vào kết quả thi. Nhưng bây giờ có làm hết 20 câu Vật lý, các em cũng chỉ được tối đa hơn 3 điểm".

Đồng tình với quan điểm "học sinh thiệt điểm", thầy giáo Lê Phạm Thành, môn Hóa học, cũng cho rằng nếu kỳ thi THPT quốc gia năm tới với các bài thi tổ hợp chỉ áp dụng để lấy điểm xét tốt nghiệp thì không ai phản đối, còn nếu để xét tuyển đại học nữa thì có chỗ không ổn.

"Nếu xét đại học thì độ chính xác của các bài thi tổ hợp không cao. Thứ nhất là về việc coi thi giữa các địa phương là khác nhau. Thứ hai, quan trọng hơn, là từ 3 môn thi riêng rẽ sự phân hóa còn chưa rõ ràng nữa là bây giờ ghép lại".

Ngân Anh – Thanh Hùng – Lê Văn



Xem nguồn

Tiệc tùng thâu đêm vẫn thành thạo 4 – 5 ngoại ngữ

Posted: 09 Sep 2016 04:45 AM PDT


 – Hoàn thành chương trình Thạc sĩ với tấm bằng giỏi, hiện đang công tác tại một trường đại học của Đức song song với làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ, cô gái Trần Thị Mai (sinh năm 1988) có những chia sẻ thú vị về đất nước này cũng như những trải nghiệm học tập và cuộc sống của mình ở Đức.

du học, du học sinh, du học Đức, học bổng du học, học bổng du học Đức
Trần Thị Mai hiện đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ và công tác tại một trường đại học của Đức. Ảnh: NVCC

Choáng ngợp vì ai cũng giỏi

Miễn học phí, học xong được ở lại 18 tháng, được phép đi lại không cần visa giữa các nước trong khối Schengen… là một số lý do khiến Mai quyết định chọn Đức là điểm đến du học của mình. Hoàn thành chương trình Thạc sĩ Kinh tế ở Philipps-Universität Marburg trong 2 năm, hiện Mai đang công tác tại Đại học Marburg song song với làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ.

Cô gái 28 tuổi chia sẻ, trước khi sang Đức, ấn tượng của Mai về đất nước này chỉ là nổi tiếng có bia và xúc xích ngon. "Mình sang Đức vào mùa thu, khi cây lá đổi màu, lại được học tập ở một thành phố cổ kính nên lúc đầu thấy lãng mạn lắm. Nói là mùa thu nhưng nhiệt độ chỉ trên 10 độ C. Ngay cả giữa mùa hè ngắn ngủi cũng có những ngày mát lạnh như mùa đông ở miền Bắc Việt Na. Mùa đông đầu tiên của mình ở nước Đức dài lê thê, tuyết rơi bốn năm bận, 4 giờ chiều trời đã tối. Lúc đó, dù rất thích tuyết nhưng mình nhớ ánh nắng mặt trời kinh khủng".

Trước khi sang Đức, Mai tốt nghiệp THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), sau đó là ĐH Ngoại thương Hà Nội, nhưng chưa bao giờ cô được ở trong một môi trường đa văn hóa như ở Philipps-Universität Marburg nên cảm thấy vô cùng hào hứng. Vì ở trong ký túc xá nên Mai được tiếp xúc với rất nhiều sinh viên đến từ các nước mà thậm chí cô còn chưa nghe tới bao giờ.

"Hàng tuần đều có rất nhiều tiệc tùng dành cho sinh viên nước ngoài. Cú sốc đầu tiên của mình là khi một bạn người Nga giải thích cho mình rằng, nếu tiệc ghi bắt đầu lúc 10 giờ tối thì 12 giờ đêm mới nên tới và 5, 6 giờ sáng mới về. Nếu ở Việt Nam có lẽ sẽ bị nói là hư khi đi nhảy nhót, uống rượu cả đêm như vậy nhưng đối với sinh viên phương Tây nói chung thì đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Ngoài ra, việc sinh viên hút thuốc lá, shisha hay hút cỏ (dù không hợp pháp ở Đức) cũng được cho là chuyện bình thường trong giới sinh viên, thậm chí còn được coi là "cool".

Mai cũng tiết lộ, hồi mới sang, trong mắt các bạn, cô bị cho là "uncool" vì khi đi quán rượu với các bạn mà toàn mang theo sẵn đồ uống riêng để tiết kiệm tiền, hoặc 10 giờ đã lục đục đòi về vì sợ hết xe buýt.

Cú "sốc" thứ hai khi mới sang Đức, là Mai vô cùng ngạc nhiên khi rất nhiều bạn nói thành thạo 4, 5 ngoại ngữ trở lên. "Bạn có thể thấy họ đi tiệc tùng cả đêm nhưng thành tích học tập vẫn tốt, ngoại ngữ nói vèo vèo, tích cực chơi thể thao, am hiểu hội họa và âm nhạc. Nhìn chung, phần lớn các bạn được giáo dục toàn diện từ nhỏ nên cực kì tự tin".

du học, du học sinh, du học Đức, học bổng du học, học bổng du học Đức
Mai và các bạn học ở Đức. Ảnh: NVCC

Do chương trình thạc sĩ mà Mai theo học đào tạo bằng tiếng Anh nên tới 80% là sinh viên quốc tế, phần lớn đến từ các nước châu Âu. Ban đầu, cô cũng chỉ nói được tiếng Anh và Mai cho rằng đó cũng là khó khăn lớn khi học tập và sinh sống ở Đức, bởi nhiều thông báo của trường về các sự kiện, tin tức hay thông báo đi tàu xe, cô đều không nắm được. "Mình cũng choáng ngợp nữa vì thấy ai cũng giỏi hết và nhận ra nhiều điểm yếu của bản thân: hay xấu hổ, sợ nói sai nên không dám tham gia thảo luận trong giờ học.

Tuy nhiên, thầy cô giáo ở trường rất nhiệt tình và luôn sẵn lòng hỗ trợ khi cần. "Có một kỉ niệm mình không bao giờ quên là trong kì học thứ hai. Sau một buổi hội thảo ở Berlin, một giáo sư gọi riêng mình và nói rằng, nếu mình là người thông minh nhất trường mà không bao giờ dám nói ra ý kiến của mình thì sẽ không ai biết mình thông minh cả; hơn nữa, mình là một sinh viên, mình hoàn toàn có quyền nói sai. Từ đó, mình hoàn toàn thay đổi trong cách học tập của mình và trở nên tự tin hơn rất nhiều".

Không chỉ kính trọng và yêu mến các thầy cô ở trường đại học, Mai còn thấy rất ấn tượng với cách người Đức dạy con. "Mình từng nhìn thấy nhiều em bé chỉ tầm 3, 4 tuổi thôi đã đội mũ bảo hiểm theo bố mẹ đạp xe trên đường. Có những ngày mưa, mình thấy họ đưa con mặc áo mưa, đi ủng ra ngoài chơi, để con nhảy thoải mái vào các vũng nước đọng trên đường".

Người Đức kỷ luật: Gặp bố mẹ cũng phải đặt lịch

Giống như nhiều người nước ngoài khác, Mai cũng cho rằng người Đức sống khá khép kín và có vẻ ngoài lạnh lùng. Hết năm đầu tiên đại học, cô chỉ chơi được với các bạn nước ngoài, mà không có một người bạn bản địa nào. "Thông thường, họ cần rất nhiều thời gian để quen với sự hiện diện của bạn cũng như mở lòng nói chuyện hay rủ đi chơi."

Người Đức cũng cảnh giác cao độ về thông tin cá nhân. "Họ gần như không bao giờ chia sẻ gì trên mạng xã hội, càng không dễ dàng cho bạn địa chỉ email hay số điện thoại. Ngày đầu ở Đức, mình không biết đến điều này nên thoải mái mang sổ đi hỏi xin số điện thoại, email của các bạn cùng học. Sau khi nhận được liên tiếp ánh nhìn ái ngại của họ, mình mới hiểu ra điều này. Họ cũng rất thẳng tính, không nói vòng vo. Khi tiếp xúc với các giáo sư, mình học được là phải nói thẳng vào vấn đề, hoặc họ sẽ hỏi ngay là mình cần gì" – Mai chia sẻ.

du học, du học sinh, du học Đức, học bổng du học, học bổng du học Đức
Thiên nhiên tươi đẹp ở Đức. Ảnh: NVCC

Cô cũng thừa nhận việc đúng giờ và tính nguyên tắc là những tính cách rất nổi tiếng của người Đức. "Nếu bạn hẹn ai mà đến muộn hai phút thôi là có thể nhận được thái độ khó chịu và lời phê bình thẳng thắn rồi.Tuy nhiên, mọi thứ cũng chỉ là tương đối, lẽ dĩ nhiên là cũng có những người Đức không như thế".

"Người Đức làm việc với trách nhiệm, kỉ luật cao. Họ cũng là người thích lên kế hoạch rất chi tiết. Dù là muốn gặp bố mẹ của bạn đi chăng nữa thì bạn cũng cần đặt lịch hẹn trước cả tuần để hai bên không bị động trong thu xếp công việc riêng. Điểm khác biệt nhất so với môi trường làm việc ở Việt Nam là người Đức rất rõ ràng giữa công việc và đời tư. Bản thân mình phải làm việc rất lâu rồi mới được đồng nghiệp cho số điện thoại di động để tiện liên lạc khi có gì khẩn cấp trong công việc. Ngay cả ngoài giờ thì họ thích thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị nhiều hơn là về đời sống riêng. Nếu muốn làm thân với đồng nghiệp người Đức, cách tốt nhất là đi uống bia với họ sau giờ làm việc" – Mai chia sẻ.

Hãy tự kiếm tiền để đi du học

Với những bạn trẻ đang nỗ lực săn học bổng để đi du học, Mai cho rằng, nếu cố gắng mãi mà không có duyên với học bổng thì các bạn nên cân nhắc phương án tự kiếm tiền để đi học, cho mình cơ hội tiếp xúc với một nền giáo dục tiên tiến và mở rộng tầm mắt trước thế giới rộng lớn bên ngoài.

Bản thân Mai không nộp hồ sơ xin học bổng, thời gian từ khi quyết định đi du học tới khi đặt chân sang Đức chỉ vỏn vẹn 6 tháng. Một phần vì hầu hết các trường đại học ở Đức miễn học phí nên sau khi cân nhắc, cô thấy mình có thể cố gắng tự chi trả được các khoản sinh hoạt phí. Trong 2 năm học Thạc sĩ, Mai làm thêm cho một cửa hàng sushi và làm trợ lý sinh viên ở khoa Kinh tế. Ngoài ra, cô cũng nhận được học bổng STIBET I của DAAD dành cho luận văn tốt nghiệp, nhận lương thực tập ở một công ty của Đức. Những khoản này cũng giúp Mai phần nào trong việc trang trải sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, có lẽ một phần nhờ từng làm trợ lý trên khoa, một phần nhờ tấm bằng giỏi nên Mai được giữ lại trường làm việc.

du học, du học sinh, du học Đức, học bổng du học, học bổng du học Đức
Mai và chồng người Đức. Ảnh: NVCC

Và có lẽ cái duyên của cô gái xứ Thanh với đất nước này còn dài lâu khi hiện tại Mai đã kết hôn với một chàng trai người Đức sau mối tình từ năm thứ 2 đại học. "Khác với những người bạn Đức khác mà mình quen thì bạn này rất thân thiện và cởi mở. Trong buổi hẹn hò đầu tiên, mình đã rất bất ngờ vì bạn ấy tìm hiểu nhiều về Việt Nam để trò chuyện cùng mình.Từ khi quen nhau thì mình mới có động lực học tiếng Đức và tìm hiểu nhiều về văn hóa của đất nước tưởng chừng như lạnh lùng này".



Xem nguồn

Vụ gần 1.000 học sinh bị cản trở đến trường: Thêm 757 học sinh đã quay trở lại trường

Posted: 09 Sep 2016 04:03 AM PDT


Những ngày vừa qua, các ngành chức năng thị xã Kỳ Anh bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động thì đại đa số phụ huynh ở xã Kỳ Hà đã nhận thức được việc học của con trẻ là rất quan trọng, nếu cản trở sẽ gây ảnh hưởng đến tương lai của cả thế hệ trẻ.

Hiện vẫn còn 194 em học sinh vẫn chưa được đến trường

Hiện vẫn còn 194 em học sinh vẫn chưa được đến trường

Chính vì vậy đến ngày 9/9 đã có thêm 757 em học sinh của cả 3 cấp trên địa bàn đã quay lại trường học. Cụ thể, số học quay lại lớp ở bậc mầm non đã đạt 200/300 em (tăng 100 em), bậc tiểu học 492/694 em (tăng 335 em so với 2 ngày trước), trung học cơ sở 426/520 em (tăng 328 em). Tính chung 3 cấp học đã có thêm 757 em học sinh đến trường, đạt hơn 88% trong tổng số 1.554 học sinh. Hiện vẫn còn 194 em học sinh vẫn chưa được đến trường

Có mặt tại ba trường tại xã Kỳ Hà, PV Dân Trí ghi nhận được quang cảnh trường học đã trở nên rộn ràng, các lớp học đã đông đủ hơn, một số lớp số học sinh đi học gần như đạt 100%.

Sau nhiều ngày bị bố, mẹ ngăn cấm không cho đi học, nay được trở lại trường, nhiều em đã không giấu được sự vui sướng.

"Mấy ngày nay không được đến trường, cháu rất buồn và nhớ trường, lớp , thầy cô và các bạn. Cháu sợ mình sẽ không bắt kịp chương trình. Nay được bố, mẹ cho đi học trở lại cháu rất mừng, cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ công sức của thầy, cô đến nhà động viên chúng cháu", em Nguyễn Thị Diệu, lớp trưởng lớp 7B xúc động nói.

Một số lớp số học sinh đi học gần như đạt 100%.

Một số lớp số học sinh đi học gần như đạt 100%.

Ông Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Hải chia sẻ: "Nhìn thấy các em đến trường như sáng hôm nay tôi rất vui và phấn khởi. Hơn nữa để giúp các cháu được đến trường thì chúng tôi đã có sự kết hợp của các ban ngành địa phương, phụ huynh xóm, bí thư, thôn trưởng cùng với từng cán bộ giáo viên đến tận nhà vận động từng phụ huynh để sớm cho các em đến trường".

"Trước mắt tiếp tục vận động một số phụ huynh còn lại cho các em đến trường đầy đủ, sau đó nhà trường sẽ có kế hoạch dạy bù lại kiến thức mấy ngày trước đó để cho các em không bị hổng kiến thức".

Trước đó như Dân trí đã phản ánh, năm học 2016-2017 đã bắt đầu nhưng gần 1.000 học sinh thuộc ba cấp (Mầm non, Tiểu học và THCS) ở xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn chưa được đến trường.

Nguyên nhân dẫn đến việc này là các phụ huynh không cho con em đến trường để gây sức ép, đòi hỏi các quyền lợi sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. Những người dân nơi đây phản ánh, sự cố ô nhiễm môi trường biển thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, nên họ yêu cầu nhà nước phải miễn toàn bộ các khoản đóng góp.

Hiện các ngành chức năng thị xã Kỳ Anh đang tiếp tục tuyên truyền vận động để số học sinh còn lại được sớm quay trở lại trường học.

Minh Đức



Xem nguồn

Đà Nẵng tăng cường quản lý học sinh chơi Pokemon Go

Posted: 09 Sep 2016 03:21 AM PDT


Theo đó, yêu cầu các đơn vị, trường học tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên ký cam kết không chơi trò chơi Pokemon Go ở cơ quan, đơn vị, trường học, khi tham gia giao thông, ở khu vực công sở, khu vực nguy hiểm,…, không chơi gần hoặc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các khu vực quân sự, an ninh quốc phòng, các khu vực cấm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đà Nẵng yêu cầu học sinh cam kết không chơi Pokemon Go khi tham gia giao thông, khi đang ở trường học...

Đà Nẵng yêu cầu học sinh cam kết không chơi Pokemon Go khi tham gia giao thông, khi đang ở trường học…

Ngành GD Đà Nẵng khuyến cáo cán bộ công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên không sử dụng tài khoản Email, Facebook, Zolo cá nhân để đăng ký và trao đổi thông tin; nghiêm cấm sử dụng địa chỉ thư điện tử của chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng (đuôi @danang.gov.vn) để đăng ký và trao đổi thông tin về trò chơi này.

Đồng thời, lưu ý các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong trường học, các giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở các tác hại của trò chơi Pokemon Go (tác hại tổn thương về sức khỏe, rối loạn tâm thần, tác hại về kết quả học tập…).

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng, phụ huynh học sinh để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn học sinh, sinh viên sử dụng dịch vụ internet, điện thoại di động để chơi trò chơi Pokemon Go; phối hợp với công an địa phương có biện pháp kiểm tra, giám sát các dịch vụ internet xung quanh trường học, ký túc xá học sinh, sinh viên lôi kéo tham gia trò chơi Pokemon Go này.

Khánh Hiền



Xem nguồn

Comments