Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Các lãnh đạo không phát biểu trong khai giảng năm học 2016-2017

Posted: 28 Aug 2016 09:53 AM PDT


– Nhiều địa phương chỉ đạo, đề xuất lãnh đạo không phát biểu khi đến dự lễ khai giảng năm học mới 2016-2017.

Cụ thể, tronng văn bản Sở GD-ĐT TP.HCM gửi các đơn vị trực thuộc thể hiện việc không mời lãnh đạo phát biểu trong lễ khai giảng năm học mới.

khai giảng, năm học mới, lãnh đạo, Sở GD-ĐT TP.HCM

Văn bản cũng lưu ý hiệu trưởng khi đọc diễn văn khai giảng cần ngắn gọn, không báo cáo thành tích; học sinh và giáo viên hát quốc ca, không sử dụng băng lời bài hát.

Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng đề xuất lãnh đạo TP Đà Nẵng khi đến dự lễ khai giảng năm học 2016-2017 tại các trường vùng sâu, vùng xa trên địa bàn chỉ tặng hoa, quà chúc mừng mà không phát biểu.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo đơn vị cơ sở thống nhất việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2016-2017 đồng loạt ở các trường vào đúng ngày 5/9, thời gian bắt đầu lễ khai giảng từ 7h30.

Cùng đó yêu cầu lễ khai giảng được tổ chức ngắn gọn, trang nghiêm với đầy đủ nghi thức như: Chào cờ, hát Quốc ca (không mở băng nhạc), đọc thư Chủ tịch nước.

Về phần hội, các trường sẽ tổ chức hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường trở thành kỷ niệm thiêng liêng đối với học sinh.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường trang trí khuôn viên đẹp, có khẩu hiệu chào mừng năm học mới và thể hiện sự quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, tạo không khí hứng khởi cho học sinh.

Ngay sau ngày khai giảng, các trường tổ chức ngay hoạt động dạy học, đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học đề ra

Thanh Hùng(tổng hợp)



Xem nguồn

Hà Nội tuyên dương 100 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc

Posted: 28 Aug 2016 09:11 AM PDT


Tối 28/8, tại Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ tuyên dương 100 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn năm 2016. Đây là những tấm gương tiêu biểu của sinh viên Thủ đô trong học tập và rèn luyện.

100 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc đã vinh dự được trao tặng bằng khen, cúp biểu trưng và phần thưởng của UBND thành phố Hà Nội.

100 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc đã vinh dự được trao tặng bằng khen, cúp biểu trưng và phần thưởng của UBND thành phố Hà Nội.

Tại buổi lễ, 100 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc đã vinh dự được trao tặng bằng khen, cúp biểu trưng và phần thưởng của UBND thành phố Hà Nội. Đây là những sinh viên tiêu biểu, xuất sắc được lựa chọn trong hàng vạn sinh viên tốt nghiệp năm nay.

Trong đó, 2 người là thủ khoa "kép" (vừa là thủ khoa tuyển sinh, vừa là thủ khoa tốt nghiệp), 50% thủ khoa là đảng viên, 60% thủ khoa có kết quả học tập đạt loại xuất sắc (đạt điểm tổng kết toàn phần trên 9.0)…

Trong số này, nhiều thủ khoa có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đã phấn đấu nỗ lực vươn lên học tập, nhiều thủ khoa có công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao được giải thưởng trong nước và quốc tế.

Năm 2016 là năm thứ 14 liên tiếp thành phố Hà Nội tổ chức tuyên dương các Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thành phố. Đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm thường xuyên, sâu sắc của Thành phố Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ; đồng thời là sự ghi nhận, biểu dương đối với kết quả học tập, rèn luyện, tình thần vượt khó vươn lên của sinh viên Thủ đô.

Sau 14 năm, tổng số 1.533 thủ khoa được vinh danh, đón nhận Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội. Nhiều trong số các bạn thủ khoa được vinh danh đã thành công trong sự nghiệp, có nhiều đóng góp cho Thủ đô và đất nước.

Bà Ngô Thị Doãn Thanh - Phó trưởng Ban dân vận trung ương trao bằng khen cho các Thủ khoa

Bà Ngô Thị Doãn Thanh – Phó trưởng Ban dân vận trung ương trao bằng khen cho các Thủ khoa


Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Lê Quốc Phong trao bằng khen cho các Thủ khoa

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Lê Quốc Phong trao bằng khen cho các Thủ khoa

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã biểu dương và chúc mừng những thành quả mà 100 thủ khoa đạt được. Ông cũng chia sẻ rằng Thủ đô rất cần các bạn – tầng lớp tri thức trẻ với nhiều hoài bão, niềm đam mê và khát khao được cống hiến. Lãnh đạo thành phố cũng gửi lời nhắn nhủ và kỳ vọng tới các Thủ khoa rằng cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, học tập và nghiên cứu để gặt hái những thành công trên những chặng đường tiếp theo.

Cũng tại buổi lễ, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng nói rằng: "Chương trình tuyên dương thủ khoa xuất sắc có ý nghĩa rất đặc biệt. Thứ nhất thể hiện truyền thống hiếu học của Thủ đô. Thứ hai, các bạn thủ khoa có thể thấy được xã hội ghi nhận như thế nào những nỗ lực, cố gắng của mình.

Quan trọng nhất là dịp để thế hệ trẻ ngày nay có dịp tiếp xúc với các cơ chế chính sách và những mong muốn, kỳ vọng của các cấp chính quyền lãnh đạo và nhân dân trong việc trí tuệ, tinh hoa của Thủ đô được đóng góp nhiều hơn cho quê hương và đất nước”.

Là một trong số 100 Thủ khoa được vinh danh tại buổi lễ này, bạn Đinh Nho Minh – Thủ khoa Học viện Chính sách và Phát triển chi biết: “Em cảm thấy thực sự rất vui và hạnh phúc. Bởi vì đây là kết quả của quá trình 4 năm học tập và phấn đấu, đó là một quá trình ngay từ khi em bước chân vào học viện cho đến khi em ra trường, em đã cố gắng rất nhiều và có được sự hỗ trợ của các thầy, các cô và bạn bè cũng như từ gia đình”.

Mai Châm



Xem nguồn

Họp phụ huynh kiến nghị về VNEN

Posted: 28 Aug 2016 04:59 AM PDT


Tại buổi họp diễn ra sáng 28/8, nhiều phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP.Vinh, Nghệ An) bày tỏ ý kiến muốn trường sử dụng phương pháp dạy học truyền thống.

Một vài ngày trước đó, một số phụ huynh còn mang băng rôn, khẩu hiệu treo trước cổng trường yêu cầu dừng chương trình học theo mô hình "trường học mới Việt Nam" (VNEN).

Trong đơn kiến nghị phụ huynh cũng đã ghi nhận sự nỗ lực của nhà trường trong chương trình đề án VNEN như: cơ sở khuôn viên nhà trường được cải thiện, các cô giáo tận tâm, nhiệt tình trong giảng dạy, cùng phối hợp với phụ huynh để nâng cao chất lượng dạy học.

Họp phụ huynh, VNEN
Phụ huynh nêu ý kiến tại buổi họp

Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng con họ bị 'đuối' dần và tụt lại xa so với học trình trường học hiện hành. Học theo mô hình VNEN chủ yếu để các em làm chủ tiết học, tìm hiểu kiến thức, trao đổi nhóm các giáo viên hướng dẫn nhưng các em còn quá nhỏ chưa đủ ý thức trong việc học nên chất lượng học giảm nhanh chóng.

Một số ý kiến phụ huynh cho rằng, đề án VNEN là tốt tuy nhiên việc áp dụng còn quá nhanh và chưa hợp lý thời điểm hiện tại.

Ông Lô Cam Y Hiệp (phụ huynh lớp 2D) cho biết, bản chất của chương trình học VNEN là tốt. Nhưng điều kiện phòng học của nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu tự học, học nhóm của học sinh. Cùng với đó, việc các giáo viên được tập huấn để dạy theo đề án VNEN còn nhiều hạn chế.

Theo nhiều phụ huynh, họ sẽ không để con em tiếp tục đi học nếu nhà trường không bỏ chương trình học VNEN.

Liên quan đến vấn đề này, sáng nay đại diện Sở giáo dục Nghệ An đã có mặt để giải thích, nghe ý kiến phụ huynh để đưa ra phương án chỉ đạo cho nhà trường.

Họp phụ huynh, VNEN
Ông Thái Huy Vinh – PGĐ Sở GD&ĐT Nghệ An trao đổi với phụ huynh

Ông Trần Thế Sơn – Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở giáo dục Nghệ An cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến của phụ huynh để đưa ra phương án giải quyết. Quan điểm của sở giáo dục là tiếp tục đổi mới chương trình dạy học nhưng phải phù hợp với từng lớp, từng trường, vùng miền khác nhau.

Thực tế dự án chương trình trường học mới (VNEN) đã kết thúc vào ngày 31/5 . Hiện nay, chủ trương của Sở là sẽ tiếp tục triển khai có chọn lọc các yếu tố tích cực, phù hợp của VNEN vào trong đổi mới giáo dục. Những yếu tố không phù hợp, bất cập, khó khăn trong thực hiện sẽ được điều chỉnh hoặc bỏ.

Ông Thái Huy Vinh – PGĐ Sở GD&ĐT Nghệ An cũng khẳng định, trên cơ sở lấy ý kiến của phụ huynh giao cho trường Tiểu học Nguyễn Trãi tự chủ, chủ động tổ chức lớp học theo hiện hành hoặc tiếp tục áp dụng theo mô hình VNEN. Dù là chương trình nào, thì điều quan trọng nhất là phù hợp, đảm bảo chất lượng giáo dục và ổn định tâm lý cho học sinh bước vào năm học mới.

Văn Bình



Xem nguồn

Nữ sinh tốt nghiệp được phong hàm Trung úy từng thi Đại học chỉ đạt 19 điểm

Posted: 28 Aug 2016 02:51 AM PDT


Vũ Thị Thu Huyền (sinh năm 1993, quê Tiên Lãng, Hải Phòng) sinh ra trong một gia đình có bố công tác trong ngành công an, mẹ là nông dân. 

Từ nhỏ Huyền đã luôn mơ ước lớn lên sẽ được khoác lên người bộ quân phục của ngành giống như bố. Ước mơ ấy đã theo cô bé Huyền suốt tuổi thơ, để đủ động lực phấn đấu và sau đó thi đỗ vào trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. 

Bằng sự cố gắng của mình, năm 2011, Huyền trúng tuyển chuyên ngành Phòng cháy chữa cháy, Đại học Phòng cháy chữa cháy (Hà Nội).

Thủ khoa đầu ra Đại học Phòng cháy chữa cháy với điểm học tập toàn khóa đạt 9,19, được thăng quân hàm vượt cấp và giữ lại trường làm giảng viên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Năm học 2015-2016 vừa qua, Huyền đã trở thành Thủ khoa đầu ra Đại học Phòng cháy chữa cháy với điểm học tập toàn khóa đạt 9,19, được thăng quân hàm vượt cấp và giữ lại trường làm giảng viên.

Huyền trở thành một trong 100 gương mặt được thành phố vinh danh, tặng bằng khen trong lễ tuyên dương thủ khoa ngày 28/8. 

Khi được thầy hiệu trưởng gắn hàm trung úy, Thu Huyền thấy rất vui và tự hào. Nữ sinh chia sẻ: "Khi được thầy hiệu trưởng gắn quân hàm lên vai, cảm xúc đầu tiên là xúc động, sau đó mình rất vui và tự hào.

Tuy nhiên, mình cũng có chút lo lắng vì nhiệm vụ đặt ra là phải cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc được giao và cống hiến hết mình để xứng đáng với phần thưởng cao quý này".

"Mình nghĩ, đó là trọng trách đặt lên vai một sỹ quan cảnh sát với nhiệm vụ cống hiến, gìn giữ và bảo vệ đất nước. Vậy nên, mình sẽ cố gắng đem hết khả năng của bản thân để phục vụ Tổ quốc", nữ thủ khoa Đại học Phòng cháy chữa cháy tâm sự.

90% thủ khoa quay lưng, từ chối chính sách đãi ngộ của Thủ đô

(GDVN) – Từ khi thực hiện chính sách thu hút tài năng trẻ (2003-2015), Thành phố tuyển dụng được 147 thủ khoa vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố.

Với thành tích cao như vậy, ít ai biết 5 năm trước khi thi vào trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Vũ Thị Thu Huyền lại đạt được số điểm không mấy ấn tượng (19 điểm). 

Là một cô gái, lựa chọn môi trường rèn luyện trong ngành công an để phát triển, Thu Huyền hiểu được những khó khăn mà mình phải đối mặt nhưng cô gái 9X chưa từng lùi bước mà luôn nỗ lực tập luyện và vượt qua mọi thử thách. 

Huyền chia sẻ những khó khăn từng trải qua: "Là con gái học phòng cháy chữa cháy phải leo tường, vượt rào, cầm lăng, vòi, ôm bình chữa cháy thực hành như những nam sinh khác. Dù được các thầy ưu tiên, không đòi hỏi quá cao như nam giới nhưng phải hoàn thành tốt". 

Trước khi trở thành người lính cứu hỏa, các nam sinh được tham gia trực Đội chữa cháy học tập của trường, có cơ hội đi thực địa ở các đám cháy. Thu Huyền cũng được đi thực tế chữa cháy rừng khi thực tập tại Quận 12, TP. Hồ Chí Minh.

Chiến sĩ phòng cháy chữa cháy rất vất vả. Em là con gái nên được giao nhiệm vụ hậu cần. Nhưng đám cháy cũng làm em bị sặc khói, nhức đầu“, Huyền tâm sự. .

Thủ khoa 23 tuổi tự nhận không thông minh nên phải chịu khó gấp đôi, gấp ba người khác. Huyền thường chủ động hỏi thầy cô vướng mắc trong học tập, luôn tự động viên chính mình mỗi khi gặp khó khăn. 

Mong ước được tiếp bước, nối nghiệp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh

Vừa giành bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ, Huyền còn được biết đến là một võ sĩ Taekwondo ưu tú, thường xuyên biểu diễn tại các hội thao và nhiều lần đoạt giải cao tại các cuộc thi võ thuật toàn ngành công an. 

Ngoài ra, Thu Huyền có năng khiếu đặc biệt trong bộ môn bắn súng. Huyền kể: "Bắn súng là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo của trường, ngay từ kỳ đầu tiên mình đã đạt điểm 9 môn học này khi cả lớp có 56 thành viên thì chỉ có hai người đạt điểm số đó và không ít người bị 0 điểm. 

Mình cảm thấy đây là một môn rất phù hợp với bản thân mình, dù điều kiện và quá trình tập luyện còn rất khó khăn và vất vả". 

Trong một buổi giao lưu với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nhân dịp anh trở về Việt Nam sau thành công ở Olympic Rio 2016 vào ngày 19/8 vừa qua, Thu Huyền đã vinh dự được là người trực tiếp gặp gỡ, ngồi nói chuyện với VĐV xuất sắc này. 

Tại đây, Huyền tiết lộ về mơ ước của mình chính là được tiếp bước, nối nghiệp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh dù không thể theo con chuyên nghiệp như anh nhưng Huyền vẫn muốn dành thời gian luyện tập và tham dự các cuộc thi bắn súng để thỏa mãn niềm đam mê.

Thành tích của Vũ Thị Thu Huyền:

Giải Nhì hội thi "Tìm hiểu Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi, bổ sung".

Giải Ba Nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2012-2013 cấp trường.

Được Tổng cục xây dựng lực lượng CAND tặng danh hiệu – Thanh niên tổng cục Xâu dựng lực lượng CAND xuất sắc tiêu biểu năm 2013.

Gải thưởng "Sao tháng Giêng" năm 2014.

Giải Nhì Nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2014-2015 cấp trường.

Giải Ba Hội thi cán bộ phòng cháy giỏi năm học 2014 – 2015 cấp trường.

Huy chương Bạc Liên hoan võ thuật Thanh niên CAND lần thứ 2 năm 2012.

Huy chương Vàng hội thi chung kết bắn súng, võ thuật Thanh niên Công an năm 2013.

Giải Nhì hội thi Sáng tạo trẻ trường Đại học Phòng cháy chữa cháy năm học 2012-2013.

Huy chương Đồng Liên hoan võ thuật Thanh Niên CAND lần thứ III năm 2014.

Giải Nhất hội thi sáng tạo trẻ năm 2014;

Giải Nhì toàn đoàn Liên hoan võ thuật CAND năm 2015.

Giải Nhì văn nghệ cấp trường năm 2015.

Đạt học viên Xuất sắc toàn khóa học, được phong thăng cấp bậc hàm Trung úy.

Được Bộ trưởng Bộ Công An tặng bằng khen "Học viên xuất sắc toàn khóa" năm 2016.



Xem nguồn

Đây là lễ khai giảng đúng nghĩa trong mắt một cô giáo!

Posted: 28 Aug 2016 02:09 AM PDT


LTS: Góp ý để lễ khai giảng tổ chức ý nghĩa, phù hợp, cô giáo Khánh Ngọc đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Màn giới thiệu tưng bừng (sau lời giới thiệu, đại biểu đứng dậy chào, tiếng vỗ tay đan xen cùng tiếng trống chào mừng từng hồi gióng giã vang lên) và những bài diễn văn dài dòng trong lễ khai giảng đầu năm học đã biến ngày có ý nghĩa quan trọng này thêm nặng nề và mệt mỏi.

Có lẽ từ lâu, chúng ta đã quên rằng lễ khai giảng là dành cho các em học sinh nên người lớn đã và đang lạm dụng nó. Điều này đã biến buổi lễ khai giảng đầy ý nghĩa như thế thành nơi vinh danh và tung hô của những người lớn với nhau.

Bộ Giáo dục yêu cầu không phát băng ghi lời bài hát Quốc ca khi khai giảng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Đã có không ít trường dự kiến làm lễ khai giảng lúc 6 giờ 30 phút nhưng phải nán lại đợi đến 7 giờ mới làm lễ chỉ vì một cán bộ cấp trên được cử về đi trễ. Trời nắng gắt, hàng trăm học sinh phơi mình trong cái nắng như thiêu như đốt. Mồ hôi vã ra trên từng khuôn mặt ngơ ngác.

Người lớn thì thao thao bất tuyệt ở trên sân lễ nhưng chắc chắn các em ngồi dưới chẳng hiểu gì. Bởi ở độ tuổi trẻ mẫu giáo và tiểu học hiểu sao được những thành tích của nhà trường, cơ cấu về tổ chức lớp học và những chỉ đạo, những huấn thị được gửi gắm!

Lễ khai giảng là của các em, phải để chính các em thấy vui, thấy hứng thú chứ không thể để các em ngán ngẫm chờ đợi đến giây phút được giáo viên tuyên bố "buổi lễ khai giảng đến đây là hết" rồi vỡ òa trong niềm vui như vừa thoát khỏi một sự tra tấn nào đó.

Làm gì để có buổi lễ khai giảng đúng nghĩa với học sinh?

Ở bậc học mầm non và tiểu học, thiết nghĩ sau phần toàn trường làm lễ chào cờ và hát Quốc ca, hiệu trưởng tuyên bố lý do thật ngắn gọn và đánh hồi trống khai trường, học sinh thả bong bóng nguyện ước trong tiếng reo hò cỗ vũ của các em.

Sao cứ nhất định học rồi mới khai giảng?

Nhạc bài hát "Ngày đầu tiên đi học" vang lên, đại diện học sinh khối cuối cấp đi lên tặng hoa cho đại diện học sinh đầu cấp. Một học sinh đại diện cho học sinh toàn trường phát biểu cảm nghĩ của mình rồi phần lễ kết thúc chừng 30 phút là chuyển sang phần hội.

Các tiết mục văn nghệ, kịch của các khối lớp đã được chuẩn bị từ trước sẽ cùng nhau lên biểu diễn. Một số trò chơi dân gian được huy động để học sinh chơi tập thể, tuyên dương và phát quà cho tất cả học sinh theo tinh thần khuyến khích.

Học sinh vào lớp để nghe thầy cô dặn dò chuẩn bị cho một tuần học mới.

Buổi lễ khai giảng như thế vừa gọn nhẹ vừa hiệu quả nhưng chắc chắn cũng sẽ rất vui cho các em học sinh. Chí ít, học sinh sẽ không bị nắng "tra tấn", các em được hát, được vui chơi và được ăn bánh kẹo.

Hãy vì niềm vui của con trẻ, xin người lớn hãy trả lại một buổi lễ khai giảng thật đúng nghĩa cho học sinh.



Xem nguồn

"Nhà khoa học không nhất thiết về nước làm việc như nghĩa vụ"

Posted: 28 Aug 2016 01:26 AM PDT


 – Khả năng phát triển nghiên cứu khoa học trong nước có thể tăng cường thông qua chính sách "gia công chất xám" và "hợp tác nghiên cứu quốc tế".

Không nhất thiết về nước như nghĩa vụ

Do điều kiện thực tế của Việt Nam, các tiến sĩ học ở nước ngoài về khó có thể làm nghiên cứu khoa học đúng với khả năng của họ. Vì thế, theo quan điểm của tôi, các nhà khoa học nếu có điều kiện tiếp tục theo đuổi công việc nghiên cứu của mình ở nước ngoài, không nhất thiết phải về nước làm việc như một nghĩa vụ bắt buộc.

Các anh chị có quyền chọn cho mình môi trường tốt nhất để có thể phát huy toàn bộ khả năng của bản thân và có thể đóng góp một cách thiết thực, hiệu quả hơn cho đất nước dù là một cách gián tiếp.

Nếu vậy thì các tài năng của chúng ta cứ lần lượt ra đi và tình trạng chảy máu chất xám cứ như vậy diễn ra thì thử hỏi sự phát triển của đất nước này sẽ như thế nào? Và có sự công bằng không khi đất nước đã đầu tư không ít tiền để gửi các du học sinh đi học ở nước ngoài?

Câu trả lời, theo tôi, là chúng ta sẽ được nhiều hơn mất nếu biết cách khai thác thế mạnh của các nhà khoa học này bằng chính tài năng và lương tâm trách nhiệm của họ.

Điều thứ nhất các nhà khoa học của chúng ta nếu được tiếp tục làm việc trong môi trường thuận lợi, tài năng của họ sẽ được phát huy và tiếng tăm của họ sẽ đem lại uy tín cho đất nước.

Kế tiếp, bản thân các nhà khoa học này có thể bằng con đường đào tạo và giảng dạy có thể trực tiếp hay gián tiếp xin các loại học bổng giúp một số lớn các sinh viên Việt Nam cơ hội đi học ở nước ngoài.

Quan trọng hơn, nhờ cầu nối là các nhà khoa học tài năng người Việt sống ở nước ngoài, chúng ta hy vọng có thể nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học (cũng như thu nhập của nhà nghiên cứu) trong nước thông qua các chính sách phát triển "hợp tác nghiên cứu quốc tế" và "gia công chất xám". Hai khái niệm này trong thực tế không mới và các nước có nền khoa học đang trỗi lên mạnh mẽ, ví dụ như Trung Quốc và Ấn Độ, đã và đang rất thành công trong chính sách này.

Tại sao không "gia công chất xám"?

Nếu nhìn theo quan điểm thị trường thì bất cứ ngành nghề nào cũng cần nơi đặt hàng, tiêu thụ sản phẩm, trả công và đầu tư để phát triển sản phẩm tốt hơn. Nghiên cứu khoa học cũng vậy, cần phải có thị trường để phát triển. Đó chính là hoạt động R&D (Nghiên cứu và Phát triển) của doanh nghiệp, chính sách quản lý và phát triển của Chính phủ, và sự đầu tư của các tổ chức đại học hướng nghiên cứu…

Tìm thị trường cho phát triển nghiên cứu khoa học là sự hạn chế lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu trong nước. Vậy giải pháp thiết thực để thu hút người tài về nước đóng góp đó chính là làm thế nào để có việc làm, có thu nhập và có cơ hội phát triển ở tầm quốc tế (hay nói chung là có thị trường cho hoạt động nghiên cứu khoa học) cho họ, chứ chưa hẳn là phải trả lương cao, cất nhắc vào chức vụ quản lý hay một vài cơ chế đãi ngộ đặc biệt nào đó. Vì thế chiến lược phát triển thị trường nghiên cứu khoa học trong nước thông qua "gia công chất xám" và "hợp tác nghiên cứu quốc tế" có thể là một hướng đi phù hợp với chúng ta.

Như chúng ta biết, việc các giáo sư nước ngoài rất cần những nguồn nhân lực chất lượng cao, giá rẻ để làm việc trong các dự án nghiên cứu của họ là nhu cầu thực tế trong hầu hết các nước có nền khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến.

Trong các năm qua, có thể thấy xu hướng các giáo sư Nhật Bản và Hàn Quốc rất thích nhận các nghiên cứu sinh từ các nước như Việt Nam hay Trung Quốc sang làm việc cho các trung tâm nghiên cứu của họ vì chi phí cho các sinh viên này khá thấp. Tiền đầu tư vào các dự án nghiên cứu này thường được cấp bởi các công ty tư nhân hoặc tài trợ của chính phủ và sản phẩm đầu ra thông thường phải là các "patent" (chứng nhận sáng chế) hoặc các giải pháp hoàn chỉnh để có thể ứng dụng vào sản xuất.

Các nghiên cứu sinh Việt Nam trong quá trình làm việc trực tiếp trên những dự án thực tế này sẽ được đào tạo thành những nhà khoa học tương lai không chỉ có kiến thức học thuật mà còn có khả năng ứng dụng thực tiễn. Đây là nguồn đào tạo các nhà khoa học trẻ Việt Nam gần như hiệu quả nhất hiện nay trong điều kiện đầu tư còn rất hạn chế của đất nước.

Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta từng thành công trong các chính sách "gia công hàng may mặc", "gia công giày dép", hay cao hơn là "gia công phần mềm"cho nước ngoài, tại sao chúng ta không làm "gia công chất xám" cho họ.

Khái niệm "gia công chất xám" đây chính là làm thuê cho các tổ chức nghiên cứu nước ngoài muốn có chi phí nghiên cứu khoa học giá rẻ. Họ có dự án, có tiền đầu tư nghiên cứu cao. Chúng ta thiết lập một nhóm nghiên cứu trong nước (nhà khoa học hướng dẫn các sinh viên cao học, tiến sĩ) để thực hiện các hoạt động nghiên cứu cụ thể nào đó, ví dụ như chế tạo thiết bị, đo đạc, thực nghiệm, mô hình hóa…

Công lao động sẽ được tính theo giờ, theo đơn vị sản phẩm, hoặc theo số lượng bài báo khoa học. Trong quá trình gia công này, chúng ta không những tạo được thu nhập chân chính cho các nhà khoa học trong nước mà còn từng bước đào tạo nên một số lớn các nhà khoa học tương lai nữa.

Khó khăn lớn nhất chính là làm sao nhận được các hợp đồng "gia công chất xám" và việc tổ chức thực hiện chúng như thế nào?

Đáp án cho vấn đề này chính là nhờ sự đóng góp của các nhà khoa học người Việt sống ở nước ngoài, làm cầu nối giữa nguồn nhân lực đông đảo, có chất lượng cao trong nước và nhu cầu "chi phí nghiên cứu giá rẻ" của nước ngoài. Bằng tài năng, danh tiếng và uy tín khoa học của mình, các giáo sư có thể trực tiếp hoặc hợp tác với đồng nghiệp quốc tế tìm các hợp đồng nghiên cứu, sau đó, chuyển một phần hoặc toàn bộ các công việc nghiên cứu này về các trường đại học, Viện nghiên cứu, hoặc thậm chí một số cá nhân hay nhóm nghiên cứu độc lập trong nước để thực hiện.

Việc giám sát, đánh giá chất lượng và kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện dự án hoàn toàn có thể thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại hiện nay (On-line meeting, Tele-conference…).   

"Hợp tác nghiên cứu quốc tế" không phải là không thể

"Hợp tác nghiên cứu quốc tế" thì lại liên quan đến việc các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước có thể tham gia làm thành viên của những consortium (tạm dịch là tổ hợp tác), để cùng nhau lập dự án nghiên cứu và cùng xin kinh phí thực hiện từ các tổ chức quốc tế và cùng nhau hợp tác thực hiện các dự án đấy.

Sự hợp tác này một mặt phụ thuộc vào tiềm năng của các nhóm nghiên cứu trong nước, mặt khác, luôn được khởi đầu từ những quan hệ tin tưởng nhau giữa các nhà khoa học lãnh đạo các nhóm.

Việc "hợp tác nghiên cứu quốc tế" là sự phát triển cao hơn một bậc so với việc "làm gia công chất xám" ở chỗ các tổ chức nghiên cứu của chúng ta có vị trí ngang hàng phải lứa với các nhóm nghiên cứu khác trong consortium.

Muốn thiết lập các kênh quan hệ để kết nối hợp tác quốc tế như thế không phải là điều dễ dàng nhưng cũng không phải là điều không thể, nhất là ở tầm vóc của các nhà khoa học xuất sắc như GS. Ngô Bảo Châu hoặc một vài nhà khoa học Việt Nam sống ở nước ngoài khác.

Thông qua các dự án hợp tác quốc tế, uy tín của các tổ chức nghiên cứu trong nước sẽ dần được nâng cao và từng bước chúng ta sẽ học hỏi được cách thức lập kế hoạch dự án, phương pháp quản lý dự án, thậm chí các chiêu thức "lobby" một cách hiệu quả để nhận thầu dự án một cách phù hợp theo thông lệ quốc tế.

Như vậy, có thể nói, chỉ có thông qua các chính sách "hợp tác nghiên cứu quốc tế" và "gia công chất xám" thì các nhà nghiên cứu của chúng ta mới thật sự là tự mình tìm hướng đi cho mình mà không đợi đến lúc những chính sách đãi ngộ hay đầu tư của nhà nước cho KHCN được cải thiện.

Việc này có thực hiện được hay không trước tiên phải nhờ vào uy tín và sự thành công của những nhà khoa học hàng đầu người Việt đang hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ngoài.

Kế đến là cần một số chính sách phù hợp, cởi mở của nhà nước trong lĩnh vực phát triển KHCN, cùng với những nỗ lực mạnh mẽ của đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học đầy tiềm năng trong nước.

Thực tế cho thấy, số lượng tiến sĩ người Trung Quốc sau khi tốt nghiệp đã tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình ở nước ngoài chiếm một tỉ lệ không nhỏ.

Từ những thành công của lớp người này và thông qua hợp tác khoa học với các nước tiên tiến, chất lượng nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đã ngày càng phát triển không ngừng. Trung Quốc từ một nước "gia công sản phẩm công nghiệp" nay đã chuyển mạnh sang "gia công chất xám" và hiện tại đã có những thành tựu về khoa học công nghệ của riêng mình.

Đây chính là điều chúng ta cần phải suy ngẫm và học hỏi nhằm từng bước cải thiện chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

Đinh Hoàng Bách



Xem nguồn

Cãi lời mẹ, thủ khoa "kép" chọn lối của riêng mình

Posted: 28 Aug 2016 12:44 AM PDT


 – Cuộc trò chuyện giữa tôi và Lại Thành Minh, thủ khoa “kép” của Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam là chuỗi dài những bất ngờ.

Đọc cái tên đầy “nam tính” của Minh, tôi đã nghĩ sẽ gặp một chàng trai với mái tóc cắt ngắn kiểu thời thượng và đeo khuyên tai. Thế nhưng, khi nghe giọng Minh trên điện thoại, tôi mới biết Minh là một cô gái.

Tags: thủ khoa xuất sắc, thủ khoa xuất sắc 2016, thủ khoa xuất sắc Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thiết kế đồ họa, thủ khoa kép

Lại Thành Minh, nữ thủ khoa kép của Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Lê Văn

Và ngồi trước mặt tôi trong quán cà phê tranh thủ giờ nghỉ trưa cho cuộc phỏng vấn cũng không phải là một cô gái tóc nhuộm xanh đỏ, mắt kẻ chì thật đậm như tôi tưởng tượng.

Thành Minh có cái nhẹ nhàng, dễ chịu của một cô gái Hà Nội đồng thời cũng có sự tự tin, nhí nhảnh của một tâm hồn nghệ sĩ – những người ưa thích tự do và sự khoáng đạt.

Điều đó cũng chẳng có gì lạ khi cả bố và mẹ Minh đều là những người làm nghệ thuật. Bố của Minh là kiến trúc sư đồng thời là họa sĩ tranh cổ động nổi tiếng Lại Văn Thành còn mẹ em hiện là giảng viên của Trường ĐH Mỹ Thuật Việt Nam.

Từ khi còn nhỏ, thông qua công việc cũng như những cuộc trò chuyện cùng cha mẹ, Minh cũng bắt đầu tìm tòi và dần yêu thích nghệ thuật. Sự hun đúc của truyền thống gia đình đã định hướng cho lựa chọn nghề nghiệp của Minh sau này.

Khi vào ĐH, Minh đã lựa chọn thi vào Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.Năm đó, dù vừa trải qua cú sốc về tinh thần do người bố mà em rất thân thiết qua đời, Minh vẫn thi đỗ cả 2 khoa Hội họa và Đồ họa của trường.

Đứng trước 2 lựa chọn: Đi theo con đường truyền thống của cha mẹ hay lựa chọn một ngành hoàn toàn mới, Minh đã chọn hướng đi thứ 2. Với điểm số 36 điểm, Minh là thủ khoa đầu vào của Khoa Đồ họa, Trường ĐH Mỹ thuật năm đó.

Lựa chọn ngành thiết kế đồ họa của Minh là một bất ngờ với nhiều người.

“Lúc đó mọi người ai cũng khuyên em nên học hội họa vì gia đình em có truyền thống, có sẵn nền tảng kiến thức rồi thì con đường tương lai cũng thuận lợi. Tuy nhiên, em lại thích được học những cái mới hơn” – Minh chia sẻ.

Minh cho rằng, là một người thích công nghệ, em cảm thấy thiết kế đồ họa phù hợp với khả năng của mình hơn và em cũng cảm thấy có hứng thú hơn. “Em cảm thấy mình không phải là một người có đủ kiên nhẫn để cầm cọ vẽ” – Minh bày tỏ.

Dù vậy, với Minh, dù là hội họa truyền thống hay một ngành mới như thiết kế đồ họa thì quan trọng nhất vẫn là nền tảng kiến thức, đặc biệt là tư duy mỹ thuật. “Đó là điều quan trọng nhất mà em nhận được từ cha mẹ mình” – Minh nói.

Minh cho biết, mặc dù em lựa chọn hướng đi không giống như con đường mà mẹ em đã định hướng, song mẹ em vẫn rất tôn trọng ý kiến và lựa chọn của em chứ không ép buộc.

Cô Dung, mẹ của Thành Minh cho biết, khi Minh nói chuyện với cô về lựa chọn ngành thiết kế đồ họa, trong lòng cô cũng có một chút băn khoăn nhưng cuối cùng cô vẫn tôn trọng quyết định của con gái. “Lúc đó chỉ lo nó là con gái mà làm thiết kế đồ họa suốt ngày ôm máy tính thì vất vả không chịu được” – cô Dung nhớ lại.

Còn Minh thì kể: “Thực ra mẹ em cũng muốn tốt cho em nhưng em muốn tìm con đường đi mới cho mình. Và mẹ cũng rất tôn trọng em. Mẹ sẵn sàng cho em có những trải nghiệm để em có thể học hỏi thêm”.

Giấc mơ khởi nghiệp với thời trang

Tốt nghiệp đại học với mức điểm trung bình 5 năm là 8,91, điểm kỳ thi tốt nghiệp ĐH là 9,49 (đồ án 9,22 và khóa luận 9,82), Minh một lần nữa trở thành thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Mỹ thuật, trở thành một trong số 100 thủ khoa xuất sắc của các trường ĐH Hà Nội được vinh danh trong năm 2016.

Tags: thủ khoa xuất sắc, thủ khoa xuất sắc 2016, thủ khoa xuất sắc Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thiết kế đồ họa, thủ khoa kép

Lại Thành Minh bên cạnh người mẹ của mình. Ảnh: NVCC

Thế nhưng, những thành tích này dường như không làm ảnh hưởng nhiều đến con đường mà Minh đã lựa chọn. Một tháng sau khi tốt nghiệp, Minh nộp hồ sơ xin vào một công ty khởi nghiệp làm công việc thiết kế thương hiệu và quảng cáo với mức lương không hề cao so với mức thu nhập của một người làm thiết kế chuyên nghiệp.

Minh cho biết, em rất thích thú công việc truyền thông thương hiệu, do vậy, hiện tại, khi mới ra trường, em chủ yếu muốn tìm một môi trường để có thể học hỏi và bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công việc của mình sau này nên cũng chưa quan tâm nhiều tới mức lương.

Ngoài công việc truyền thông, cô thủ khoa ĐH Mỹ thuật Việt Nam cũng ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp, tự xây dựng một thương hiệu thời trang của của riêng mình. Minh cho biết, từ nhỏ, em đã yêu thích thiết kế thời trang và việc em lựa chọn ngành thiết kế đồ họa thực chất là vì ước mơ từ bé này.

“Mọi người hỏi em là vì sao học thiết kế đồ họa lại đi thiết kế thời trang? Thực tế thì không có gì mâu thuẫn cả. Những kiến thức và kỹ năng này đều hỗ trợ rất tốt cho nhau. Ngay cả việc em lựa chọn công việc về truyền thông thương hiệu cũng là cách để giúp em thực hiện mục tiêu này” – Minh nói.

Nói về điều này, cô Dung, mẹ của Minh chia sẻ rằng, bản thân cô cũng rất bất ngờ khi biết con gái đam mê thời trang. Đây cũng không phải là hình dung của cô về nghề nghiệp của cô con gái duy nhất của mình. Dẫu vậy, cô nói rằng, cô sẽ vẫn tôn trọng và ủng hộ lựa chọn của con.

Minh cũng cho biết, ngoài việc học hỏi các kỹ năng về truyền thông thương hiệu, thời gian tới, em sẽ tìm cơ hội để trau dồi kiến thức về thời trang. “Năm tới, em cũng dự định sẽ quay trở lại trường học cao học để nâng cao kiến thức” – Minh chia sẻ.

Tôi hỏi rằng, trước sau em đều lựa chọn ngược lại những gì mà mẹ đã định hướng cho em, liệu em có sợ đến một ngày mình sẽ thất bại và hối hận không? Cô thủ khoa trả lời rằng: “Em nghĩ trên con đường khởi nghiệp chuyện thành công hay thất bại đều có thể xảy ra. Vì thế, nếu như không đạt được thành công như mục tiêu mình mong muốn, em cũng không hối hận”.

“Em vẫn còn rất trẻ mà” – Minh nói.



Xem nguồn

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi viết thư này gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Posted: 28 Aug 2016 12:02 AM PDT


LTS: Được sự tín nhiệm của nhân dân, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã “cầm cương” ngành giáo dục với nhiều điểm "nóng" từng ngày, từng giờ được gần 5 tháng.

Chia sẻ với Bộ trưởng, cũng đồng thời có một số góp ý, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã có bức thư nói lên nhiều vấn đề của ngành.

Được sự đồng ý của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Tòa soạn trân trọng đăng nguyên văn bức thư này.

Kính mời quý độc giả cùng theo dõi. 

Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Kính thưa Bộ trưởng!

Với tư cách là một nhà giáo đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục trong 60 năm, tôi biết cũng như mọi người, Bộ trưởng đang rất băn khoăn trong việc nên chấn chỉnh cách nào tốt nhất, khả thi nhất, để có thể đổi mới nền giáo dục nước nhà.

Tôi xin kính gửi đến Bộ trưởng một số kiến nghị tâm huyết sau đây:

GS. Nguyễn Lân Dũng góp ý thẳng thắn cho đổi mới giáo dục Việt Nam (Bài 1)

1- Sự nghiệp đổi mới giáo dục là một công việc khó khăn và lâu dài, không thể tiến hành ngay một lúc mọi chuyện vì như người xưa đã nói "dục tốc bất đạt".

Chính vì vậy ta cần lựa chọn cái gì cần phải làm ngay, cái gì lần lượt làm trong các năm sau.

2- Chúng ta không bi quan về thực trạng giáo dục nước nhà, bởi vì chúng ta có một đội ngũ đông đảo các giáo viên hầu hết đều yêu nghề, mến trẻ mặc dù với đồng lương còn quá hạn chế.

Chúng ta có một thế hệ trẻ thông minh, hiếu học, có số năm học và số tuổi học đường giống như hầu hết các nước có nền giáo dục phát triển;

Hàng chục triệu phụ huynh hết sức quan tâm đến việc nuôi dạy con cái, hy vọng con cái trở thành những đứa con ngoan, trò giỏi, tương lai phục vụ hiệu quả cho đất nước.

Thời đại ngày nay là thời đại tin học phát triển với khả năng có thể thay đổi một cách thần kỳ những đổi mới trong giáo dục.

GS. TS. NGND. Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: giaoduc.net.vn).

3- Việc gì cần làm đầu tiên?

Theo tôi đó là sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới giáo dục.

Trước hết là sự tham gia thiết thực của đội ngũ các nhà khoa học thuộc Liên hợp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (với các Hội chuyên ngành Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ, Sử, Địa, Âm nhạc, Mỹ thuật…) và hàng triệu giáo viên dày dặn kinh nghiệm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang lo lắng điều gì?

Việc biên soạn chương trình, dự kiến phân ban cần lấy ý kiến của đội ngũ cán bộ này dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ.

Đầu tiên cần xác định cơ cấu năm học, nhất là việc phân ban.

Cần nhớ rằng kiến thức cơ bản được học dưới mái trường phổ thông là hành trang quý giá trong một cuộc đời mỗi người, là cơ sở để có thể học thêm suốt đời.

Tôi nghĩ chỉ nên phân ban ở hai năm cuối bậc giáo dục phổ thông và phân ban sâu như một số nước để thực hiện thành công với 4 phân ban: Toán – Lý, Hóa – Sinh, Xã hội – Nhân văn, Quản trị – Kinh doanh.

Mỗi phân ban chuyên có 4 môn nên đủ sức học rất sâu và chuẩn bị cho việc chọn ngành nghề để học tiếp lên Cao đẳng, Đại học hay các trường nghề.

4- Bộ xác định phương hướng của Chương trình và giao cho các Hội khoa học chuyên ngành tập trung các chuyên gia giỏi nhất, các thầy cô giáo nhiều kinh nghiệm nhất tham gia soạn thảo.

Một Hội đồng giáo dục Nhà nước đủ uy tín xem xét, thông qua và sau đó công bố công khai để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong cả nước.

5- Việc biên soạn sách giáo khoa là quyền của mỗi tác giả hay các nhóm tác giả. Chỉ có 2 tiêu chuẩn duy nhất là: Không sai chương trình chuẩn và có chất lượng cao.

Không nên đề ra tiêu chuẩn về người viết sách giáo khoa, chất lượng các sách giáo khoa sẽ được thẩm định qua một Hội đồng quốc gia đầy đủ uy tín và sau đó được thị trường tự sàng lọc.

6- Đổi mới mang tính cách mạng kỳ thi Quốc gia cuối cấp trung học phổ thông. Chỉ có một kỳ thi duy nhất làm cơ sở cho việc xét tốt nghiệp và xét tuyển Đại học.

Giữ vững nguyên tắc"Học gì thi nấy" chứ không phải "Thi gì học nấy" như hiện nay (hệ quả xấu về chuyện học lệch, phân biệt hai loại giáo viên là quá rõ).

Có thể lựa chọn ba phương án:

Triết lý giáo dục – Việt Nam đã có chân lý này hay chưa?

+ Thi 5 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (trừ Toán) và Khoa học xã hội (trừ Văn); thi trong 2 ngày.

+ Thi 3 môn: Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (có cả Toán) và Khoa học xã hội (có Văn); thi trong 1 ngày.

+ Thi chung với ngân hàng đề thi gồm kiến thức tất cả các môn học với sự hỗ trợ của kỹ thuật tin học; thi trong 1 buổi.

Phương án thứ ba là hay nhất và rất khả thi – Ngân hàng đề thi do các Hội khoa học chuyên ngành đề xuất và có một Hội đồng khảo thí quốc gia lựa chọn.

Trong khi chưa có đủ máy tính để thực hiện như Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua, thì chỉ cần có 1 máy tính cho mỗi trường kèm theo máy in đề thi cho các thí sinh.

Hai thí sinh ngồi gần nhau có đề khác nhau cho nên có thể đảm bảo một cách dễ dàng việc loại trừ gian lận thi cử.

Học sinh có quyền ghi bao nhiêu nguyện vọng tùy thích (!).

Máy tính sẽ lựa chọn (như ở nước ngoài) dễ dàng căn cứ vào nhiều tiêu chí khác nhau (điểm số từng môn liên quan đến ngành nghề, nguyện vọng của thí sinh, hoàn cảnh địa lý, vùng miền…).

Các Tổng Công ty Tin học lớn sẵn sàng vào cuộc để hỗ trợ thực hiện công việc tưởng là rất khó khăn này.

Việc thi cử tiến hành ngay tại từng điểm thi ở địa phương và do các Sở Giáo dục và Đào tạo phụ trách.

Các trường Cao đẳng, Đại học có thể cử giảng viên tham gia các Hội đồng thi để thêm tin tưởng vào tính nghiêm túc của kỳ thi.

Kết quả trúng tuyển sẽ dễ dàng và nhanh chóng có được (số thí sinh dự thi và số tuyển sinh của tất cả các trường thực tế không chênh lệch bao nhiêu).

7- Trong các công việc ưu tiên cần lựa chọn ưu tiên trước hết là việc nâng cao chất lượng bậc giáo dục Mầm non và bậc Cao đẳng, Đại học.

Cần đào tạo ra những cán bộ đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu xã hội (không phải chỉ vào biên chế Nhà nước mà phần lớn phục vụ trong các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội kể cả nông-lâm-ngư nghiệp).

Cũng cần ưu tiên tổ chức lại việc học Ngoại ngữ để sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông ít nhất cũng sử dụng được 1 ngoại ngữ (có dự án của bạn trẻ Trần Hùng John đã gửi Bộ trưởng).

Nên mở rộng khoa ngoại ngữ chuyên ngành ở mọi trường Đại học, vì biết ngoại ngữ có thể lập nghiệp thông qua việc tìm ra biết bao các sáng kiến kỹ thuật đã hết thời hạn bảo hộ trên Internet.

Thiếu giáo viên bản ngữ thì có thể thuê, vì sinh viên đóng tiền để được học cơ mà?

Thà dạy ngoại ngữ còn hơn dạy các chuyên ngành mà xã hội chưa có nhu cầu và rất khó tìm việc làm.

Những điểm cần sửa đổi nếu tiếp tục không chấm điểm học sinh tiểu học

8- Cần xem lại những bất cập trong việc thực hiện "Trường học mới" theo kinh nghiệm Colombia, và Thông tư 30… những chuyện đã có quá nhiều ý kiến phản biện bất đồng tình.

Nếu không đúng, cần xóa bỏ ngay những chuyện bất cập và xa thực tế, cần chấm dứt việc lấy số đông học sinh để làm thí nghiệm một chủ trương mới nào đó (!).

Tôi hy vọng Bộ trưởng sẽ xem xét những kiến nghị trên đây của tôi (và nhiều đồng nghiệp) với thái độ thực sự cầu thị.

Kính chúc Bộ trưởng dồi dào sức khỏe để chỉ đạo thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà!

Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2016.



Xem nguồn

"Nếu thích hát hãy hát thật hay, chơi game hãy học chơi thật giỏi"

Posted: 27 Aug 2016 11:20 PM PDT


Với mong muốn thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết và cống hiến của Thủ khoa Hà Nội, tham gia giao lưu, 100 thủ khoa xuất sắc cùng đông đảo đoàn viên thanh niên Thủ đô đã được nghe các doanh nhân trẻ thành đạt của Thủ đô chia sẻ bí quyết và kinh nghiệm khởi nghiệp.

Tại buổi giao lưu Thắp sáng ước mơ thủ khoa Hà Nội 2016 với chủ đề "Thủ khoa với khởi nghiệp" do Thành đoàn Hà Nội tổ chức sáng 27/8, chuyên gia, doanh nhân thành đạt đã những chia sẻ thẳng thắn với các bạn trẻ, Thủ khoa hiểu trọn vẹn về thế nào là khởi nghiệp và tại sao phải khởi nghiệp? 

Các khách mời chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp (Ảnh: V.Đ)

Chia sẻ những điều kiện trở thành doanh nhân, anh Nguyễn Xuân Phú (Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ  Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse) tâm sự: 

"Lúc trẻ, lựa chọn nghề nghiệp, trường đại học để thi, tôi băn khoăn mãi bởi từ nhỏ bản thân đã ao ước trở thành nhà Toán học.

Hồi ấy, cả làng tôi chỉ có 1 – 2 cái ti vi, nhìn hình ảnh nước ngoài thấy khác nước mình, thấy cuộc sống của họ sung túc hơn mình… tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ, không theo ngành Toán học nữa mà thi kinh tế để tìm hiểu tại sao đất nước mình nghèo".

Đến khi học xong trường kinh tế khi không nhận được tiền "viện trợ" của bố mẹ nữa, thì anh Phú bắt đầu suy nghĩ đến việc khởi nghiệp. 

Còn anh Trần Quân, chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, chia sẻ: "6 năm trước, tôi cũng giống như các bạn ở đây, tham dự lễ tuyên dương sinh viên tiêu biểu toàn quốc, có cơ hội được tiếp xúc với các bạn thủ khoa. Đó là các bạn rất xuất sắc, có tố chất, lập hội sinh viên tiêu biểu 2010". 

Còn trẻ, sinh năm 1989, được tiếp xúc với nhiều môi trường kinh doanh hiện đại lớn như vậy, nhưng mong muốn khởi nghiệp của anhh Quân không phải là cái gì quá xa vời. Anh bắt nguồn khởi nghiệp từ cách thái miếng thịt, bán cọng rau, giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn cho 50,000 hộ gia đình. 

Anh Quân tâm sự: "Ước mơ của tôi là mở được chuỗi 1.000 cửa hàng thực phẩm sạch. Ước mơ để thay đổi vấn nạn thực phẩm bẩn như hiện nay và thay đổi thực trạng phân phối nông sản Việt đang còn nhiều bất cập. Khó khăn luôn có nhưng phải luôn có đam mê, khát vọng, ý chí để vượt qua khó khăn ấy".

Khi bạn Phạm Thị Ngọc Anh (thủ khoa Đại học Ngoại thương) băn khoăn:

"Trong số 100 thủ khoa xuất sắc năm 2016, có đến 30 bạn thuộc lĩnh vực kinh tế, các khách mời có lời khuyên gì dành cho thủ khoa nói chung, thủ khoa ngành kinh tế nói riêng trên con đường lập nghiệp?".

Thủ khoa xuất sắc Đại học Ngoại thương đặt câu hỏi dành cho các khách mời (Ảnh: V/Đ)

Anh Nguyễn Xuân Phú giải đáp: "Khi làm gì đó, hãy cảm nhận khát khao, mong muốn cái gì để có động lực. Khởi nghiệp không phải là làm kinh tế, nếu thích hát hãy hát thật hay, chơi game hãy học chơi game thật giỏi". 

Ở một góc độ khác, anh Lê Vĩnh Sơn – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà lại cho rằng: "Ngành kim khí xuất phát từ gia truyền, hãy khởi nghiệp với những gì mình hiểu nhất, đừng khởi nghiệp những gì quá xa vời. 

Cuộc sống phân bổ cơ hội cho tất cả mọi người. Ai càng chủ động nhiều thì càng có nhiều cơ hội để đến thành công". 

Mặt khác, mỗi thủ khoa cũng cần tự hỏi xem bản thân mình có thật sự là người muốn làm doanh nhân hay không, mình có sở trường gì để có thể phát huy sở trường đó thì mới có thể khởi nghiệp thành công được…

"Đừng lo mình bị trễ, hãy đi đúng quy trình, bạn sẽ thành công" – anh Sơn nhấn mạnh.

Ở góc độ kinh tế ,Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng (Tổng thư ký phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp Việt Nam) nhận định:

Khó khăn của các bạn chính là cơ hội của người khác. Để khởi nghiệp, các bạn cần quan tâm đến các vấn đề của xã hội, tạo nên cơ hội kinh doanh và nắm bắt được cơ hội đó. 

Theo Tiến sĩ Hằng: “Có 3 yếu tố để trở thành người thành công: phải đam mê, có kỹ năng, có lợi nhuận. Thực tế cho thấy vấn đề kỹ năng, sáng tạo trong kinh doanh rất quan trọng. Nếu các bạn nhìn thấy cơ hội, cần chuẩn bị kĩ năng kinh doanh và kĩ thuật. 

Nếu chưa đủ điều kiện này, thì bạn cần thử làm việc tại doanh nghiệp lớn, học hỏi kinh nghiệm của họ, kĩ thuật của họ, bí quyết của họ, sau này vận dụng nó vào chính công việc của mình sau này. Đó là con đường học tập để khởi nghiệp nhanh nhất".



Xem nguồn

TPHCM: Các trường phải chấm dứt dạy thêm học thêm

Posted: 27 Aug 2016 10:38 PM PDT


Thông tin này được nhấn mạnh trong Thông báo kết luận và chỉ đạo của Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM tại Hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của các cấp học ở TPHCM được ông Lê Hồng Sơn ký ngày ngày 26/8.

Cụ thể, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố về quản lý dạy thêm học thêm và theo công văn 22/7 của Sở GD-ĐT. Theo đó, các trường phải chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm của tất cả các trung tâm, cơ sở bồi dưỡng văn hóa, ngoại ngữ, tin học… đã được cấp phép giảng dạy trong nhà trường từ năm học này.

Ngày 26/8, trong thông báo kết luận của giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM tiếp tục đề nghị các trường chấm dứt việc dạy thêm học thêm từ năm học 2016-2017

Ngày 26/8, trong thông báo kết luận của giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM tiếp tục đề nghị các trường chấm dứt việc dạy thêm học thêm từ năm học 2016-2017

Tùy điều kiện nhà trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là với học sinh cuối cấp. Phòng GD-ĐT thực hiện tốt các công tác tham mưu với UBND quận huyện để tổ chức quản lý việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo địa bàn.

Ngoài ra, giám đốc Sở cũng yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc quy định về công khai, minh bạch, nhất là đối với thu chi và quản lý tài chính nhà trường. Đồng thời, đảm bảo an toàn trường học; đẩy mạnh công tác phổ cập bơi lội, phòng chống tai nạn, chống đuối nước cho trẻ.

Các trường nhân rộng mô hình giáo dục kỹ năng sống, đẩy mạnh hoạt động giáo dục ngoài nhà trường, giáo dục trải nghiệm, học sinh nghiên cứu khoa học; tăng cường chỉ đạo giáo viên giới thiệu, định hướng cho học sinh đọc sách để góp phần hình thành thói quen đọc sách cho trẻ; phối hợp đưa âm nhạc dân tộc, võ dân tộc vào nhà trường…

Trước đó, ngày 22/6/2016, UBND thành phố ra công văn về quản lý dạy thêm, học thêm ngày 28/6, Sở GD-ĐT TPHCM cũng có công văn ngày 22/7 gửi các trường về việc đề nghị chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Tại Hội nghị tổng kết năm học của ngành giáo dục thành phố ngày 12/8, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM đưa ra đề xuất với lãnh thành phố xem xét lại việc cấm dạy thêm, học thêm trong trường học vào thời điểm này.

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TPHCM khóa IX, nhiều đại biểu cũng bày tỏ việc chưa đồng tình với "lệnh" cấm dạy thêm, học thêm bên trong nhà trường. Sau đó, đoàn khảo sát của Ban văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM đã tiến hành khảo sát về tình hình dạy thêm học thêm tại một số địa bàn.

Được biết, vào ngày 31/8 tới, đoàn khảo sát sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM về vấn đề này.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)



Xem nguồn

Comments