Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Hà Nội giảm áp lực kỳ thi vào 10

Posted: 06 Jun 2016 09:21 AM PDT


Đó là chia sẻ của ông Ngô Văn Chất – Trưởng phòng Quán lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT) Hà Nội – khi trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại trước 2 ngày thí sinh Hà Nội chính thức bắt đầu kỳ thi vào 10.

Phân tích rõ hơn về điều này, ông Ngô Văn Chất cho biết: Năm nay, Hà Nội có 75.127 thí sinh đăng ký dự thi, được chia thành 154 điểm thi. Kỳ thi thực hiện theo chỉ đạo của thành phố là nghiêm túc nhưng không căng thẳng; tỷ lệ thí sinh vào các trường vẫn như năm trước. Tuy nhiên, năm nay, số thí sinh THCS giảm so hơn 3000 học sinh nên áp lực đỡ căng thẳng hơn.

Mặt khác, sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có nhiều lựa chọn: Các trường chuyên, trường THPT công lập, THPT công lập tự chủ tài chính, các trường ngoài công lâp, các TTGDTX.

Ông Ngô Văn Chất – Trưởng phòng Quán lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT) Hà Nội 

Ở Hà Nội hiện có một số trường ngoài công lập rất tốt, nhiều trường được đầu tư cơ sở vật chất, phòng bộ môn để nâng cao chất lượng.

 

Trung tâm GDTX cũng là lựa chọn tốt. Thí sinh vào hệ này không thi mà chỉ xét tuyển; trong khi đó, sau 3 năm học, học sinh có thể học thêm cả nghề và được cấp bằng tốt nghiệp tương đương như tốt nghiệp hệ THPT.

20 đoàn thanh tra lưu động sẽ đến các điểm thi

– Ngày 8/6, thí sinh sẽ bước vào ngày thi đầu tiên, vậy chắc chắn, đến thời điểm này mọi việc đã sẵn sàng cho kỳ thi nghiêm túc, không có sự cố?

Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập các Hội đồng ra đề thi, các Hội đồng coi thi, chấm thi và thành lập 15 đoàn kiểm tra cơ sở vật chất của 154 điểm thi.

Cho đến nay, tất cả các điểm thi đã chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo tiến hành kỳ thi an toàn. Hội đồng đề cũng đang khẩn trương tiến hành công việc.

Công tác tiếp theo, Sở GD&ĐT sẽ thành lập 20 đoàn thanh tra lưu động kiểm tra các điểm thi trong những ngày kỳ thi diễn ra và 5 đoàn kiểm tra công tác bảo vệ đề và bài thi.

Công tác ra đề thi được quán triệt tinh thần đảm bảo sự phân hóa và các kiến thức phải là kiến thức theo chuẩn kiến thức kỹ năng, nằm trong chương trình THCS hiện hành, chủ yếu trong chương tình lớp 9.

Về chấm thi, Sở GD&ĐT thành lập một điểm chấm Ngữ văn và môn chuyên khối xã hội và một điểm chấm Toán và các môn chuyên tự nhiên.

Với các điểm thi, Ban chỉ đạo thi thành phố đã chỉ đạo quận/huyện thành lập các Ban chỉ đạo thi quận huyện. Ban chỉ đạo thi quận/huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai tới từng điểm thi trên địa bàn nhưng công việc hết sức cụ thể như: Phương án đảm bảo an toàn giao thông, an ninh các điểm thi, phòng chống úng ngập, các sự cố bất thường… Ban chỉ đạo thi các quận/huyện đã vào cuộc tích cực.

Có thể nói đến thời điểm này, tất cả công tác chuẩn bị nhân sự, địa điểm, công tác coi thi, chấm thi đều đã sẵn sàng.

Sáng nay (6/6), tại các điểm thi, lãnh đạo các điểm thi đã phân công nhiệm vụ kiểm tra lần cuối cơ sở vật chất, thiết bị, các phương án đảm bảo an toàn và khẳng định sẵn sàng tổ chức kỳ thi an toàn.

Cũng với mục đích để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Sở GD&ĐT hết sức coi trọng công tác tập huấn nghiệp vụ quy chế thi và nghiệp vụ làm thi cho tất cả các thành viên trong điểm thi. Nhấn mạnh, trưởng điểm thi phải có trách nhiệm hướng dẫn các thành viên trong điểm thi, từ phó điểm trưởng, cán bộ coi thi đến trật tự, an ninh, y tế… Tóm lại, tất cả các thành viên tham gia điểm thi phải được học tập, nắm chắc quy chế.

Các thí sinh cũng được học tập quy chế vào sáng mai (7/6). Trong buổi này, thí sinh được giám thị phổ biến để nắm kỹ hơn trách nhiệm, những điều mình được làm và không được làm; đặc biệt các khâu xử lý vi phạm cũng công khai hướng dẫn để từng em đều nắm được.

 Hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi

 Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 8/6 đến 10/6/2016.

– Dự báo thí sinh Hà Nội sẽ trải qua những ngày thi căng thẳng trong thời tiết nắng nóng. Sở GD&ĐT có chỉ đạo như thế nào đến các Hội đồng thi trong việc hỗ trợ, giúp đỡ thí sinh và người nhà những ngày thi này?

Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2016 – 2017 của Hà Nội tổ chức vào ngày 8/6 tới dành cho các thí sinh thi vào trường THPT không chuyên; sáng 9/6, học sinh thi vào lớp chuyên sẽ bắt đầu thi môn Ngoại ngữ điều kiện, chiều 9/6 thí các môn chuyên; sáng 10/6, các em sẽ thi nốt môn chuyên còn lại.

Ban chỉ đạo thi thành phố cũng như Sở, quận/huyện đã xây dựng các phương án đảm bảo an toàn cho kỳ thi, đặc biệt khi kỳ thi này diễn ra trong những ngày nắng nóng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ hướng dẫn coi thi, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các điểm thi phải chuẩn bị nước uống cho cán bộ tham gia làm thi, đặc biệt là cho thí sinh.

Mặt khác, do các em mới ở tuổi THCS, nhiều em phải đi đến điểm thi mới nên Sở GD&ĐT yêu cầu buổi sáng, các điểm thi phải cử người ra cổng hướng dẫn, đón các em vào.

Đối với người nhà đưa đón thí sinh, yêu cầu có điểm để tập trung; tránh hiện tượng cha mẹ thí sinh và người nhà tập trung tại các cổng trường thi.

Cần đặc biệt ghi nhớ vật dụng không được mang vào phòng thi

– Ông có lời khuyên nào với thí sinh thi vào lớp 10 năm nay và người nhà trong thời điểm này?

Kỳ thi vào lớp 10 là công việc đã làm nhiều năm nay, thực hiện theo phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.

Điểm xét tuyển là điểm học tập và rèn luyện của học sinh trong 4 năm THCS cộng với điểm thi hai môn Ngữ văn và Toán.

Chúng tôi mong các bậc cha mẹ học sinh trong những ngày này tập trung chăm sóc sức khỏe cho con em, động viên tin thần các con, lưu ý các con không phải tâp trung vào học thêm quá nhiều vì như thế sẽ tạo tâm lý căng thẳng.

Gia đình cũng lưu ý, tuổi các em còn nhỏ nên cần hết sức nhắc nhở thực hiện nghiêm túc các quy định, tuyệt đối chấp hành kỷ luật phòng thi, đặc biệt là những vật dụng không được mang vào phòng thi.

Những năm trước đây, có một vài trường hợp, mặc dù đã được học tập quy chế và nhắc nhở nhiều nhưng vẫn có em quên bỏ điện thoại và mang cả vào phòng thi. Cuối giờ, khi gia đình nôn nóng, gọi điện thoại nhắc nhở, thành ra vi phạm quy chế, rất đáng tiếc.

Chỉ còn 2 ngày trước kỳ thi, thí sinh hãy bình tĩnh, kiểm tra lại kiến thức đã học, tự tin bước vào phòng thi. Tin rằng, với sự chuẩn bị kiến thức trong những ngày vất vả vừa qua, các em sẽ thu được kết quả tốt trong kỳ thi này, lựa chọn được trường phù hợp với năng lực học tập của mình.

– Xin cảm ơn ông!

Trong số 154 điểm thi của Hà Nội, có 105 điểm thi tại các trường THPT, 48 điểm thi đặt tại trường THCS, 1 điểm thi đặt tại trung tâm giáo dục thường xuyên với tổng số 3166 phòng thi.

Có hơn 8.000 giáo viên được huy động làm nhiệm vụ coi thi trong đó có 50% là giáo viên dạy cấp THCS, 50% là giáo viên dạy cấp THPT và đều là những giáo viên không dạy các môn Ngữ văn, Toán.



Xem nguồn

Để thành công, nhất thiết mỗi trường phải tạo được sự khác biệt

Posted: 06 Jun 2016 08:37 AM PDT


Tại đây, khi chia sẻ về việc xây dựng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng lưu ý cơ sở đào tạo cần phải tạo được cho mình sự khác biệt về mô hình đào tạo; bởi đó mới chính là chìa khóa mang đến thành công cho mỗi trường.

Quan trọng là chất lượng đào tạo

Nói về chất lượng đào tạo, Bộ trưởng cho rằng việc cần tập trung của các nhà trường trước hết phải là công tác đào tạo bậc ĐH, sau đó mới đến các bậc đào tạo sau đại học.

Hiện nay, thứ tự ưu tiên này đang có sự đổi khác ở một số cơ sở đào tạo, nếu không muốn nói là có xu hướng sa đà vào đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mà thiếu sự đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo ĐH. Đua nhau đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhưng chất lượng không tốt thì sẽ gây bất cập và ảnh hưởng đến cả uy tín đào tạo của nhà trường.

Theo Bộ trưởng, đào tạo vẫn là hoạt động chính của các trường ĐH. Các trường đã có nhiều ngành nghề rồi, cần rà soát lại, xem ngành nghề nào cần nhu cầu nhân lực thì phát triển, ngành nghề nào dự báo không cần thì nên dừng lại để hạn chế những hệ lụy cho SV. Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác kiểm định chất lượng là để chúng ta biết mình yếu cái gì mà thay đổi, từ đó nâng cấp chất lượng.

Vì vậy, khi chọn ngành đào tạo, các trường cần phải đầu tư tới nơi tới chốn, cho ra một thương hiệu đào tạo đàng hoàng, tránh kiểu làm nửa vời, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học.

Theo Bộ trưởng, công tác nghiên cứu khoa học cần phải gắn với nhiệm vụ đào tạo, đồng nghĩa với việc gắn liền trách nhiệm của giảng viên. Đây chính là điểm mấu chốt nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả và hợp lý hơn.

"Một trường ĐH mạnh theo hướng thực hành không nhất thiết phải chạy theo chỉ tiêu số lượng tiến sĩ, mà quan trọng là chất lượng đào tạo. Trường có đến 500 thầy cô có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhưng chất lượng đội ngũ này thế nào mới là quan trọng" – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các trường cần tăng cường năng lực đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng lại để tránh tình trạng khi các thầy cô giỏi rồi lại chạy theo việc nâng chuẩn học hàm, học vị.



Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc với trường HUTECH 

Mọi cơ sở đào tạo đều bình đẳng

Tại buổi làm việc, GS.TS Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng – báo cáo những vấn đề trọng tâm mà trường đã và đang hướng đến trong việc xây dựng HUTECH trở một trường ĐH nghiên cứu.

Theo GS.TS Hồ Đắc Lộc, hướng phát triển của HUTECH trong giai đoạn tới sẽ là đào tạo song song với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trường sẽ nỗ lực đầu tư cho con người (chất xám, quản lý) để tập trung cho mục tiêu đó.

Trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất, định hướng phát triển của nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết rất tin tưởng vào sự thành công của nhà trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng bày tỏ sự băn khoăn về quy mô đào tạo hiện nay của nhà trường (lên tới 25.000 SV).

"Hằng ngày báo chí vẫn nói về con số SV thất nghiệp (hơn 225.000 em). Điều này không chỉ khiến chúng ta – những người trong ngành – trăn trở mà còn là vấn đề lớn, rất lớn của xã hội. Nó cho thấy công tác đào tạo, nâng chất nguồn nhân lực có vấn đề" – Bộ trưởng băn khoăn.

Theo Bộ trưởng, chúng ta hiện đang có hơn 250 trường ĐH trên cả nước. Các trường đang có sự xếp hạng, phân tầng. Tuy nhiên số lượng trường đào tạo chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội chưa nhiều, không phải nơi nào cũng làm được như HUTECH hay những cơ sở đào tạo hàng đầu khác.

Tỉ lệ 80% SV của HUTECH có việc làm sau tốt nghiệp là rất đáng ghi nhận, cho thấy trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ, của cơ sở đào tạo, đồng thời là sự khẳng định về thương hiệu đào tạo mà nhà trường đã xây dựng được.

"Qua quan sát thực tế cơ sở vật chất của trường cho thấy HUTECH không chỉ hiệu quả về sản phẩm đào tạo, mà chất lượng cung cấp dịch vụ, chất lượng đào tạo cũng thật sự rất tốt. Lâu nay trường ngoài công lập vẫn chưa có tâm thế bình đẳng với các trường công.

Đó là điều bất cập. Chuyến công tác lần này tôi muốn thay đổi tâm thế đó, mang lại sự công bằng cho các trường. Trường nào tốt thì sẽ được trao cơ hội đầu tư, trường nào không tốt buộc phải sáp nhập hoặc giải thể theo quy luật" – Bộ trưởng khẳng định.

Nhân đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng gửi gắm chủ trương của lãnh đạo ngành tới các trường ĐH ngoài công lập: Mọi trường, mọi cơ sở đào tạo đều bình đẳng và nhận sự quan tâm, hỗ trợ hết mức từ Bộ GD&ĐT cho những hướng đi đúng đắn, như HUTECH đã và đang thực hiện.

Bộ trưởng cũng gợi ý cho sự phát triển bền vững của HUTECH nói riêng, hệ thống ĐH ngoài công lập nói chung: Để thành công, nhất thiết mỗi trường phải tạo ra được sự khác biệt.

Khác biệt phải được thể hiện ở trong chất lượng dịch vụ. Các trường cần phải đi vào đào tạo các ngành mà xã hội đang rất cần, xu hướng Việt Nam cần khi chúng ta hội nhập ASEAN – Đấy mới là sự khác biệt.

Trong đó, việc liên kết, gắn chuỗi giữa đào tạo và thực tế là hướng đi tốt. Hướng đi này sẽ khắc phục được căn bệnh rất phổ biến trong đào tạo của chúng ta hiện nay: chất lượng đầu ra thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội.

"Mỗi trường ĐH, nhất là trường ĐH ngoài công lập, muốn thành công thì nhất quyết phải có sự đầu tư, đầu tư tới nơi tới chốn. Hết sức tránh việc đầu tư chưa tới ngưỡng đã chia lợi tức, khiến việc tái đầu tư sẽ thiếu hiệu quả.
Cuối cùng là các trường cần phải có Hội đồng trường, để từ đó xây dựng được những định hướng, chiến lược phát triển và một Hội đồng Quản trị đủ tâm, đủ tầm, đoàn kết trong sự phát triển của nhà trường"

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ



Xem nguồn

Chương trình tích hợp tiếng Anh tại TPHCM: Hiệu ứng ngày càng lan tỏa

Posted: 06 Jun 2016 07:53 AM PDT


Học sinh năng động, sáng tạo và giao tiếp tốt

Một năm triển khai có thể chưa đủ đánh giá hết hiệu quả của chương trình Tiếng anh Tích hợp (TATH) nhưng cũng đủ bộc lộ những ưu- khuyết. Đánh giá chung của lãnh đạo nhiều trường tham gia triển khai giảng dạy trong năm học 2015-2016 thì ưu điểm, rõ nhất chính là học sinh năng động hơn. Do mỗi tuần học sinh có đến 8 tiết được tiếp xúc với giáo viên bản ngữ nên kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài và tư duy phản xạ của các em tốt hơn. Bên cạnh đó, phong thái của học sinh cũng tự tin, cách học độc lập kể cả làm việc nhóm cũng nhanh nhạy hơn.

Tiết học sinh động của học sinh học chương trình tiếng Anh tích hợp

Tiết học sinh động của học sinh học chương trình tiếng Anh tích hợp

Khác với các chương trình dạy tiếng Anh khác chỉ dạy chuyên sâu về tiếng Anh, chương trình này tích hợp chương trình của quốc gia Anh quốc và Bộ GD –ĐT Việt Nam ở 3 môn Toán, Tiếng Anh và Khoa học. Cô Hoàng Thị Lê An – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) đánh giá rằng chương trình rất phù hợp với nhu cầu hiện nay của học sinh và cha mẹ học sinh. "Chúng tôi nhận thấy học sinh không chỉ giỏi về vốn ngoại ngữ mà kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của các em rất tiến bộ. Đặc biệt là các em phát huy được tư duy khoa học và tiếp thu những kiến thức thông qua chương trình được truyền đạt bởi ngôn ngữ tiếng Anh", cô Lê An cho biết.

Cô An cũng chia sẻ, thời gian đầu học sinh lớp 6 cũng gặp chút bỡ ngỡ do chuyển tiếp môi trường học từ tiểu học lên. Tuy nhiên chỉ sau một tháng học thì các em nhanh chóng thích nghi và kết quả học tập cũng nâng lên. Trong khi đó các học sinh lớp 7 do được trang bị từ năm học trước nên tiếp thu thông tin và phát huy kỹ năng thực hành nhanh hơn. Kết quả kiểm tra học kỳ vừa rồi nhìn chung chất lượng của học sinh học chương trình này rất tốt và không bị ảnh hưởng gì đến kết quả học chương trình chính khóa. Đặc biệt, gần như không có học sinh nào đạt kết quả trung bình thay vào đó hơn 90% học sinh đạt giỏi chương trình chính khóa .

Nhắc đến chương trình tiếng Anh tích hợp, thầy Nguyễn Hữu Hạnh – Hiệu trưởng trường THCS Đống Đa (Quận Bình Thạnh) tỏ ra tâm đắc: "Đây là chương trình tôi tâm huyết, ấp ủ vì tôi thấy mục tiêu chương trình đi đúng hướng mà chúng ta cần trang bị cho học sinh. Qua các tiết dự giờ tôi đánh giá những giờ học tích hợp rất hay ở chỗ được thiết kế không nặng về kiến thức mà đi sâu vào kỹ năng đồng thời hướng học sinh theo lối tư duy sáng tạo. Học sinh chủ động hơn và đặc biệt là phương pháp tự học, điều mà tôi muốn thay đổi các cháu từ lâu nhưng chưa được".

Theo thầy Hạnh, minh chứng là khi cho học sinh chương trình này cọ sát với các bạn lớp chuyên tiếng Anh thì các em không hề thua kém thậm chí còn năng động hơn. Năm học qua,trường có 2 lớp tham gia chương trình với tổng cộng 47 học sinh theo học và dự kiến sẽ mở thêm 2 lớp trong năm học tới sau những tính hiệu khả quan đã được bộc lộ.

Tương tự tại trường THCS-THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, có 227 học sinh theo học chương trình tích hợp tại 6 lớp trong năm học 2015-2016. Sau một thời gian ngắn làm quen, học sinh thích nghi và hứng thú với cách học này nên không có em nào rút ra khỏi chương trình.

Lan rộng đến các quận ngoại thành

Dựa vào kết quả khả quan sau khi đưa vào giảng dạy, nhiều trường muốn thực hiện tiếp chương trình và sẽ mở rộng thêm trong năm học tới. Cô Lê Thị Bình- Trưởng phòng giáo dục Quận 1 cho biết, sau khi nắm bắt nhu cầu của phụ huynh, học sinh, dự kiến quận sẽ mở rộng thêm ở một số trường trên địa bàn. Trước mắt có 2 thêm trường tiểu họcvà 1 trường THCS đã đăng ký thực hiện trong năm học 2016-2017. Ngoài ra phòng GD quận cũng đang làm việc với một số trường THCS để mở rộng thêm số trường có tham gia dạy. Năm học rồi có tất cả 11 trường THCS và Tiểu học ở quận 1 có dạy chương trình Tiếng Anh tích hợp.

Nhiều trường muốn thực hiện tiếp chương trình và sẽ mở rộng thêm trong năm học tới

Nhiều trường muốn thực hiện tiếp chương trình và sẽ mở rộng thêm trong năm học tới

Cô Bình cũng chia sẻ thêm rằng do là quận trung tâm với những áp lực về sỉ số, cơ sở vật chất nên khi sắp xếp phòng học cho chương trình tích hợp cũng gặp một số khó khăn. "Tuy nhiên tất cả các trường đều trên tinh thần tất cả vì học sinh, đáp ứng mong muốn và tạo điều kiện cho HS có cơ hội tiếp cận với chương trình tiên tiến cũng như được làm quen với phương pháp học chủ động, tích cực. Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường sắp xếp phòng học, cơ sở vật chất để có thể mở rộng thêm".

Không chỉ các trường đã giảng dạy chương trình thấy hài lòng mà nhiều quận, huyện cũng muốn tham gia chương trình này từ năm sau. Sức lan tỏa của chương trình đã đến tận các quận, huyện vùng ven như quận 6, 9, Gò Vấp và huyện Hóc Môn.

Thầy Lưu Hồng Uyên – Trưởng phòng giáo dục quận 6 cho biết, "chúng tôi xin ý kiến của thường trực UBND quận để triển khai chương trình này trong năm học 2016-2017. Trên địa bàn quận 6 có 10 trường THCS và 18 trường tiểu học thì dự kiến triển khai trên mỗi một cấp học là 5 trường với số học sinh tùy theo số lượng phụ huynh đăng ký".

Thầy Uyên cho biết: "Điều mong mỏi của chúng tôi là học sinh của quận mình cũng có thể nói tiếng Anh lưu loát và sử dụng tiếng Anh vào việc học các môn toán, tự nhiên và xã hội để đáp ứng với vấn đề hội nhập quốc tế". Thầy Uyên cũng nhận định, qua trao đổi với các quận đã triển khai, nhận thấy chương trình này hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới các môn học do Bộ GD-ĐT quy định, thậm chí còn giúp các em giảm tải bớt các kiến thức về toán và khoa học vì đã được tích hợp.

Là quận vùng ven, điều kiện kinh tế người dân còn khó khăn nhưng nhiều phụ huynh tại quận 9 cũng mong muốn cho con em được học chương trình theo chuẩn quốc tế ngay trong nhà trường. Cô Nguyễn Thị Thu Hiền- Trưởng Phòng GD-ĐT quận 9 cho biết, trước nhu cầu của phụ huynh trường đã cung cấp thông tin đến cha mẹ học sinh về chương trình. Ngay như năm học vừa rồi, rất nhiều phụ huynh thắc mắc và có nguyện vọng cho con học dù quận chưa triển khai. Theo cô Thu Hiền, "năm học tới căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, quận chúng tôi dự kiến sẽ triển khai chương trình tích hợp tại 3 trường tiểu học gồm trường Lê Văn Việt, Phước Bình và Bùi Văn Mới đồng thời tại 2 trường THCS là Hoa Lư, Trần Quốc Toản".

BOX: Được biết, chương trình tiếng anh tích hợp đã được thực hiệntừ HK II năm học 2014 – 2015 tại 18 trường học trên địa bàn và thực hiện đại trà tại 65 trường (bao gồm tiểu học, THCS) từ năm học 2015 – 2016. Đây là bước đệm vững chắc khi mà nguồn nhân lực tương lai sử dụng thành thục tiếng Anh, sẽ giúp cho học sinh có cơ hội phát triển tri thức để tự tin sự hội nhập với quốc tế trong giai đoạn mới.

Phương Lan



Xem nguồn

Sân chơi ‘xịn’ nhất cho giới trẻ

Posted: 06 Jun 2016 07:10 AM PDT


– MUN (Hội thảo Mô phỏng Liên Hiệp Quốc) là một phiên họp giả định các cuộc thảo luận tại Liên Hiệp Quốc. MUN là một hoạt động đã có nhiều phiên bản của học sinh, sinh viên trên toàn thế giới, trong khi VNMUN là một trong số ít những Hội thảo Mô phỏng Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Việt Nam.

VNMUN là một sân chơi giúp các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội được tìm hiểu và tiếp cận gần hơn với những vấn đề thời sự và cấp bách nhất hiện nay của các quốc gia nói riêng và thế giới nói chung. 

Tại đây, các đại biểu đại diện cho mỗi quốc gia sẽ có cơ hội được nêu lên quan điểm của mình, bàn thảo và đưa ra giải pháp cho những vấn đề mà mình quan tâm.

Hội thảo mô phỏng Liên Hiệp quốc
Mô tả

Các đại biểu sẽ được ban tổ chức (là những du học sinh đến từ những trường đại học hàng đầu về Quan hệ quốc tế tại Anh, Mỹ, Nhật, Úc) hướng dẫn cách tìm kiếm thông tin về tình hình thế giới, thao tác viết nghị quyết, thao tác vận động hành lang cũng như cách chuẩn bị một bài phát biểu hoàn chỉnh, từ đó có thể đảm nhận tốt việc làm đại biểu của một nước mà bạn đã chọn.

Mọi hoạt động của VNMUN trong vòng 3 ngày sẽ diễn ra hoàn toàn bằng tiếng Anh để đảm bảo tính chuyên nghiệp, tái hiện đầy đủ trải nghiệm Liên Hiệp Quốc thật sự. 

Là năm thứ 2 được tổ chức, VNMUN 2016 sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) vào tháng 8 tới đây.

VNMUN chào đón tất cả các bạn học sinh, sinh viên từ các tỉnh thành của Việt Nam và trên toàn thế giới tham gia hoạt động bổ ích và nhiều ý nghĩa này. 

Các đại biểu được chọn là những người có khả năng giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh, muốn trau dồi khả năng thuyết trình và muốn hoàn thiện hồ sơ du học với trải nghiệm MUN.

Nguyễn Thảo



Xem nguồn

"ĐH thực hành không cần quá nhiều tiến sĩ"

Posted: 06 Jun 2016 06:28 AM PDT


– Chiều 6/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng nêu 5 thông điệp trao đổi với giảng viên và sinh viên Hutech; đồng thời, gửi tới các trường đại học ngoài công lập khác.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM,
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Thứ nhất, ông cho rằng Hutech đã định hướng hợp lý khi đi theo hướng đại ứng dụng. Tuy nhiên, trường phải chọn được sự khác biệt. Đó không phải là số lượng sinh viên đông, ra trường có việc làm ngay hay cơ sở vật chất hiện đại mà sự khác biệt phải được thể hiện trong chất lượng dịch vụ, đi vào những ngành đào tạo mà nền kinh tế cần, trong thời kì hội nhập – là những ngành đào tạo mà các trường ĐH khác chưa chuẩn bị kịp.

Về mô hình đào tạo, ông Nhạ cho rằng trong khi nhiều trường đại học còn loay hoay với mô hình tự chủ, thì Hutech đã có khởi đầu rõ nét, mạch lạc. Ông Nhạ đề nghị trường càng "đi" càng phải vững vàng, không để xảy ra kiện cáo. Mô hình đào tạo của trường gắn chặt đào tạo với thực tế, khắc phục được căn bệnh phổ biến hiện nay là tính hàn lâm trong đào tạo rất cao, sinh viên ra trường ngơ ngác, quá trình học tập và khởi nghiệp sau này tách biệt. Điều này gây lãng phí rất lớn.

 "Các trường công đang say sưa với đào tạo tiến sĩ, đâu đó xao lãng với đào tạo đại học. Hutech cần bám chắc việc đào tạo đại học để tạo sự khác biệt"- ông Nhạ lưu ý

Vần đề thứ hai mà ông Nhạ trao đổi là về ngành nghề đào tạo. Ông Nhạ đề nghị nhà trường rà soát ngành nghề có tiềm năng tốt, điều chỉnh các ngành nghề phù hợp với xu thế hội nhập.

Thứ ba, về nghiên cứu khoa học, ông Nhạ cho rằng, khác với trường công, nghiên cứu khoa học ở trường tư như Hutech trước hết để nâng cao chất lượng, chương trình đào tạo. Cần kéo giảng viên, sinh viên vào nghiên cứu, nghiên cứu gắn với khởi nghiệp…Đây là xu hướng rất mới.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM,
Ảnh Lê Huyền

Thứ tư, về giảng viên, theo ông Nhạ, tỷ lệ 500/800 cán bộ, giảng viên của trường có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, đối với một trường đại học theo hướng thực hành không cần quá nhiều tiến sĩ mà quan trong chất lượng. Hutech cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng lại giảng viên, tránh để xảy ra tình trạng giảng viên chạy theo bằng tiến sĩ.

"Chạy theo tiến sĩ sẽ thành tiến sĩ ảo. Tôi đánh giá cao nỗ lực của các thầy cô theo đuổi việc làm tiến sĩ. Nhưng theo tôi nếu không có công nhận quốc tế thì chất lượng cũng khó nói" – ông Nhạ bày tỏ quan điểm.

Ông Nhạ cũng lưu ý trường về vấn đề tài chính, cần tính toán để tái đầu tư, tránh tình trạng chia lợi nhuận sớm. "Hiện nay, mô hình của trường chưa phải theo hướng phi lợi nhuận. Nhưng trường nên có cách làm để sau này mọi người nhìn vào thấy đây là trường vì chất lượng".

Vấn đề cuối cùng mà ông Nhạ đề cập tới là việc quản trị đại học. Theo ông Nhạ việc quản trị phải hướng tới chuẩn quốc tế. "Kinh nghiệm cho thấy chúng ta nên học mô hình quản trị của các trường đại học tư ở một số nước"…

Trước đó, ông Hồ Đắc Lộc, hiệu trưởng Hutech cho biết, trường có 21 năm thành lập, là một trong hai trường đầu tiên thí điểm mô hình tư thục. Hiện nay, trường đào tạo từ bậc cao đẳng đến tiến sĩ. Trường có hai mô hình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ và liên kết quốc tế. Trường xác định thuộc đại học ứng dụng.

Ông Lộc cũng cho biết từ năm đầu tiên thành lập với cơ sở thuê mướn tại 12 địa điểm, có dưới 100 cán bộ, giảng viên, đến nay trường đã có trên 800 cán bộ giảng viên. Tổng số tiền cổ đông đóng góp nhà trường hơn 1.500 tỷ.

Lê Huyền- Ngân Anh



Xem nguồn

Học sinh chơi gì trong thời gian rảnh rỗi

Posted: 06 Jun 2016 05:45 AM PDT


Sức hấp dẫn của game và mạng xã hội

Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng học sinh dành thời gian cho các trò chơi điện tử, lên mạng xã hội chiếm tỷ lệ lớn nhất (32%); 20% học sinh không tham gia trò chơi nào và 23% chọn các trò chơi dân gian trong thời gian rảnh rỗi.

Đáng chú ý, cũng theo thu nhận ý kiến học sinh từ khảo sát, học sinh sau khi tham gia các trò chơi điện tử cho biết có tâm trạng mệt mỏi, uể oải; tham gia mạng xã hội thì lơ mơ, tức giận; không tham gia hình thức chơi nào có tâm trạng chán nản.

Liên quan đến nội dung khảo sát, theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Mận, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, không ai phủ nhận những lợi ích to lớn không gì thay thế được của công nghệ. Trò chơi công nghệ hiện đại cũng phát triển như vũ bão, ngày càng tăng trong việc giữ vị trí độc tôn trong giới trẻ.

Tuy nhiên, những trò chơi hiện đại, chủ yếu học sinh THCS chơi là game, nhiều trò chơi đơn lập, thiếu tính tương tác trong một nhóm chơi, thường là chơi với đối tác ảo. Học sinh thường say quá mức, nhiều em "nghiện", đầu óc lơ mơ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến trò chơi, khát khao chiến thẳng ảo. Giờ ra chơi, các bạn cũng tranh thủ chơi, thậm chí có bạn còn chơi vụng trong giờ học.

Đã có nhiều bạn bỏ học, trốn học để chơi. Mặt khác, nhiều trò chơi mang tính chất bạo lực, thiếu tính nhân văn, rất có hại đối với người chơi, nhất là lứa tuổi THCS đang ở giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách.

"Chúng ta, không thể thờ ơ trước những hành động, những vụ án đau lòng bắt nguồn từ việc nghiện game. Như vậy, những trò chơi hiện đại- game, không phù hợp với học sinh trong thời gian giải lao ngắn ngủi giữa các tiết học" – cô Mận cho biết.

Về mạng xã hội, cũng như game, hình thức này có một sức hút lớn đối với mọi người và học sinh THCS. Tuy nhiên, cô Mận chỉ ra rằng, thực tế cho thấy, mạng xã hội khiến nhiều bạn trẻ bỏ bê việc học, học không tập trung. Thậm chí nhiều bạn kết nhóm chơi, công kích, nói xấu thầy cô bạn bè… Những học sinh tham gia mạng xã hội trong giờ ra chơi không có tâm lí tốt cho giờ học tiếp theo. Nhiều bạn cũng rơi vào tình trạng "nghiện", chỉ nghĩ đến bạn bè trên mạng, những tin tức hình ảnh trên mạng, không để tâm vào bài học.

"Riêng những học sinh không tham gia hình thức chơi nào trong các giờ ra chơi thường sống cô lập, thu mình, ngại vận động, ngại giao tiếp với bạn bè xung quanh. Các bạn học tập như một cỗ máy lặng lẽ. Sau giờ học này lại đến giờ học khác, ngày này cũng như ngày khác. Nhiều bạn trong nhóm này không có hứng thú học tập sau giờ ra chơi" – cô Mận chia sẻ.



Biểu đồ tỷ lệ học sinh lựa chọn trò chơi trong khảo sát của cô Nguyễn Thị Mận

Học sinh thấy thoải mái khi chơi trò chơi dân gian

Một điều thú vị trong khảo sát của cô Nguyễn Thị Mận là học sinh cho biết cảm thấy thooải mái sau khi tham gia trò chơi dân gian.

Lý giải điều này, cô Mận cho rằng, trò chơi dân gian có nhiều tính ưu việt, số người tham gia được đông hơn, không khí chơi rộn ràng, khi chơi những người xung quanh thương hò reo, cổ vũ, tạo ra tiếng cười vui vẻ.

Những trò chơi dân gian có tính tương tác rất lớn, nhiều năng lực kĩ năng được rèn luyện: Nhảy dây, Bịt mắt bắt dê; Mèo đuổi chuột; rồng rắn lên mây… Trong thời gian 10 hay 20 phút, học sinh có thể tổ chức chơi được rất nhiều trò chơi dân gian đơn giản.

Mặt khác những dụng cụ cho nhiều trò chơi rất đơn giản dễ kiếm, ít tốn kém, không ảnh hưởng tới sức khỏe của người chơi cũng như môi trường xung quanh. Các bạn tham gia trò chơi dân gian giờ ra chơi có tâm lí thoải mái, hứng khởi, bớt căng thẳng mệt mỏi, tạo được tâm lí tốt cho những giờ học tiếp theo.

Mặc dù có nhiều ưu việt, nhưng những trò chơi dân gian vẫn ít "có mặt" trong các giờ ra chơi của học sinh.

Lý giải điều này, cô Nguyễn Thị Mận đưa lý do từ tác động của kinh tế thị trường, của công nghệ thông tin, khoa học kĩ thuật; từ chính sách; do gia đình dành ít thời gian cho con cái, nhất là thời gian chơi với các con. Các nhà trường chưa thấy được mức độ quan trọng của các trò chơi dân gian, việc tổ chức mới chỉ dừng lại ở tính hình thức… Nhiều học sinh không biết đến các trò chơi dân gian, không biết cách chơi và thiếu dụng cụ để chơi, chưa hiểu được ý nghĩa, tác dụng của các trò chơi dân gian…

Để góp phần làm sống lại trò chơi dân gian trong trường học, cô Nguyễn Thị Mận cho rằng, trước hết cần có sự phối kết hợp giữa các nhà quản lí giáo dục và các nhà quản lí văn hóa dân gian. Cần quan tâm đến việc đưa các trò chơi dân gian bổ ích vào nhà trường phù hợp với từng cấp học.

Cha mẹ học sinh cũng cần dành thời gian quan tâm đến con em, không phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường; hướng dẫn và cùng chơi với con những trò chơi dân gian đơn giản. Ngoài ra, nhân tố quyết định vô cùng quan trọng chính là nhà trường và các thầy cô.

"Việc đưa trò chơi dân gian vào trường THCS có thành công hay không chủ yếu là do nhà trường, thầy cô trực tiếp làm công tác giảng dạy và giáo dục học sinh. Nhà trường cần phổ biến các trò chơi dân gian đến với học sinh" – cô Nguyễn Thị Mận chia sẻ thêm.



Xem nguồn

Học "quên ăn quên ngủ" để đua vào lớp 10

Posted: 06 Jun 2016 05:02 AM PDT


– Kỳ thi vào lớp 10 năm nào ở Hà Nội cũng căng thẳng, thậm chí áp lực hơn vào đại học. Càng về những ngày thi có em học đến 4-5 ca/ngày đến quên ăn ngủ.

Trò căng thẳng, lịch học đến đêm khuya

Ngày 8/6 tới, hơn 81.000 học sinh Hà Nội sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập là hơn 50.000. Một số trường có tỷ lệ chọi cao như THPT Trung Văn, THPT Yên Hòa… 

thi lớp 10 tại Hà Nội, thi vào lớp 10 tại Hà Nội, Sở GD-ĐT Hà Nội, lịch thi lớp 10 tại Hà Nội 2016, đề thi lớp 10 tại Hà Nội

Học sinh trong kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2015. (Ảnh: Văn Chung)

Lê Quang Đăng Hưng, học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho biết, năm nay em chọn thi cùng lúc 4 trường gồm: Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội), Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Trường THPT Cầu Giấy và nguyện vọng vào Trường THPT Yên Hòa.

Chuẩn bị cho kỳ thi, Hưng cảm thấy rất áp lực bởi trường nào tỉ lệ chọi cũng cao, học sinh giỏi thi nhiều. Từ đầu năm lớp 9, tuần nào Hưng cũng kín lịch đi học thêm ba môn Toán, Văn, Anh. Sớm thì 19h30, muộn thì hơn 21h Hưng mới từ trung tâm về đến nhà, ăn và học tiếp đến đêm khuya mới đi ngủ.

Thùy Dương, học sinh Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, em cũng cùng lúc thi và nguyện vọng vào 4 trường thuộc tốp đầu ở Hà Nội. Một tuần Thùy Dương ngoài học thêm các buổi học buổi sáng ở trường, em còn đi học thêm 5 buổi ở các trung tâm. Ba buổi/tuần em về nhà lúc 21h rồi lại lao vào học.

Bạn của Dương có em học kín 7 buổi/tuần với 3 buổi học thêm tiếng Anh, 2 buổi học thêm Toán, 2 buổi học thêm tiếng Anh; đặc biệt là vào chủ nhật các bạn học thêm từ sáng đến 22h mới về nhà.

Thùy Anh, học sinh Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) đăng ký thi vào 2 trường THPT chuyên là chuyên Ngoại ngữ và chuyên Chu Văn, và Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa). Tuy nhiên, bố mẹ vẫn hi vọng em đỗ vào một trường tốt như chuyên Ngoại ngữ hay Chu Văn An.

Trước áp lực phải đỗ vào lớp 10 trường tốt, Thùy Anh đi học thêm kín tuần, ngày nào cũng về nhà muộn, có hôm hơn 22h và học đến hơn 0h mới đi ngủ.

Tương tự, Tùng Lâm (học sinh Trường Marie Curie) cho biết, em học thêm kín lịch trong tuần, thường 20h về đến nhà và học đến hơn 23h đi ngủ….

Lo mất ăn ngủ

Nhìn con học suốt ngày đêm mà chị Lan, có con đang học Trường THCS Cầu Giấy sốt ruột. Nhiều lúc nhìn con uể oải sau giờ học thêm, về nhà muộn chị nhìn con mà muốn khóc.

"Cháu tự đặt mục tiêu phải đỗ vào một trường chuyên hoặc ít nhất có thể vào Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy). Dù lực học giỏi nhưng thấy bạn bè ai cũng đi học thêm nên cháu tự xin bố mẹ cho đi học thêm chứ chúng tôi không ép. Khuyên cháu đi ngủ sớm thì con nói mẹ pha cho cốc cà phê để đủ tỉnh táo" – chị Lan chia sẻ.

Chị Hòa có con học một trường THCS ở quận Long Biên (Hà Nội) cho rằng, lực học của con trai chị không khó để vào một trường THPT trên quận nhưng chị muốn con đỗ vào một trường chuyên trong nội thành. 

"Như vậy để con có môi trường rèn luyện, đặc biệt là phát triển kĩ năng sống. Những trường như Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) các nhóm học sinh có rất nhiều hoạt động ngoại khóa, tôi rất thích" – chị Hòa đặt mục tiêu. 

Trước kỳ thi vào lớp 10 chị cũng ngồi cùng con để vạch chiến lược ôn tập và chọn trường phù hợp. Để chuẩn bị cho kỳ thi, con chị Hòa ngoài ôn ở trường cả tuần vào mỗi buổi sáng, chị còn mời gia sư về tận nhà dạy thêm hai môn Toán và tiếng Anh cho con.

"Tôi không muốn con học nguyện vọng 2 ở một trường THPT công lập vì áp lực sẽ nhiều, áp lực học thêm lớn. Gia đình sẵn sàng đóng thêm phí để con học trường ngoài công lập để con phát triển năng lực bản thân” – chị Hòa nói.

Còn anh Nam Phương, có con học một trường THCS ở quận Hà Đông (Hà Nội) thì thẳng thắn: “Xem điểm số trên lớp của con toàn điểm giỏi nhưng tôi không tin. Mấy năm gần đây nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũng khuyên tôi tỉnh táo trước lực học thực sự của con. 

Quả thật vật, cuối năm lớp 8, tôi cho con đến lớp học thêm của bạn kiểm tra thì cháu hổng kiến thức nhiều”. Ngoài việc tự đến xem thầy dạy rồi chọn lớp học thêm cho con, anh Nam Phương cũng ngồi cùng con để cân nhắc chọn một trường cao, một trường điểm thấp để đề phòng con trượt nguyện vọng 1. “Thú thực là con thi vào 10 thôi nhưng tôi lo mất ăn ngủ” – anh Phương tâm sự.

Lịch tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội:

Thời gian 

Nội dung

22/4

– Phát hành Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2016 – 2017 và cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh vào lớp 10 THPT thành phố Hà Nội.

10/5

– Hoàn thành tính điểm THCS, điểm cộng thêm, điểm sơ tuyển đối với các thí sinh không chuyên.

– Thu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của học sinh, thu và kiểm tra hồ sơ đăng ký dự xét tuyển thẳng.

18/5 -19/5

– Học sinh xem danh sách dự tuyển tại các cơ sở giáo dục, thí sinh tự do, thí sinh tỉnh ngoài xem tại phòng giáo dục và đào tạo. Học sinh kiểm tra toàn bộ thông tin cá nhân, điểm THCS, điểm cộng thêm, điểm sơ tuyển, nguyện vọng đăng ký. Nếu có sai sót thì đề nghị cơ sở giáo dục sửa chữa kịp thời.

– Công bố điểm THCS và điểm cộng thêm.

Sáng 7/6

– Các điểm thi tổ chức học quy chế thi cho thí sinh, thông báo Bảng ghi tên dự thi để thí sinh kiểm tra, báo cáo sai sót cho điểm thi.

8/6

– Thi vào lớp 10 THPT.

9/6 -10/6

– Thi vào THPT chuyên.

9/6 – 20/6 

– Chấm thi

21/6

– Các trường THPT công lập và chuyên công bố điểm xét tuyển tại trường nguyện vọng 1 và nguyện vọng 1 chuyên tại các trường.

21/6 -28/6

– Các cơ sở giáo dục nhận đơn phúc khảo của học sinh và nộp về phòng giáo dục đào tạo.

22/6

– Công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên.

22/6- 23/6

– Trả hồ sơ và Giấy báo kết quả tuyển sinh vào lớp 10 cho học sinh.

22/6- 24/6:

– Nhận hồ sơ của học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT chuyên.

23/6 -25/6

– Nhận hồ sơ của học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập.



Xem nguồn

Hiệu trưởng than thở về thông tư 30 với tân Bộ trưởng

Posted: 06 Jun 2016 04:20 AM PDT


– Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng giáo dục tiểu học phải đi theo mô hình đánh giá như Thông tư 30, nhưng phải có cách bước đi để tránh duy ý chí. Không tăng thu nhập khi công việc phát sinh là không công bằng đối với giáo viên.

Báo cáo với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chuyến thăm và làm việc với Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) sáng 6/6, cô Lâm Hồng Lãm Thúy, hiệu trưởng nhà trường cho biết trường đã có 2 năm thực hiện Thông tư 30 (TT30) theo quy định của Bộ GD-ĐT, bên cạnh những ưu điểm cũng có nhiều hạn chế.

"Trường có số lượng học sinh đông, một giáo viên tiểu học dạy nhiều môn, nên việc ghi nhận xét vào vở cho học sinh khiến để giáo viên rất khó ghi hết nhận xét, sát sao dến từng quyển vở.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thông tư 30
Tham quan mô hình dạy học của trường. Ảnh: Lê Huyền

Cũng đã có biện pháp tháo gỡ bằng cách trong mỗi tiết học giáo viên được cân nhắc nhận xét một tỉ lệ học sinh nhất định chứ không cần nhận xét hết. Tuy nhiên, việc nhận xét ít học sinh lại làm thầy cô không yên tâm, nên thường cố gắng nhận xét nhiều, nhận xét hết học sinh" – cô Thúy cho biết.

Cô Thúy cũng mong muốn Bộ, sở có chỉ đạo để thầy cô thực hiện TT30 được thuận tiện hơn.

Về TT30, ông Nhạ cho rằng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phải có cả đổi mới kiểm tra, đánh giá.

"Mục tiêu, ý nghĩa của TT 30 rất tốt, đánh giá mọi mặt để giúp trẻ hoàn thiện chứ không để lấy điểm thi hay gây ra áp lực so sánh. Đây là một phương thức nhiều nước đang dùng. Nhưng khi thực hiện, bên cạnh cái được, các thầy cô cũng phải thực tế, điểm gì tốt phải trân trọng".

Những địa phương, thành phố có sĩ số lớp quá đông phải có cách như thế nào. Phải tuyên truyền, chuẩn bị tâm thế cho cả phụ huynh lẫn thầy cô. Có rất nhiều thứ phải làm, nhưng nên theo hướng thí điểm, mỗi trường lựa chọn một vài lớp, tập trung làm thí điểm trong 1, 2 năm hay 5 năm, rồi nhân rộng chứ không phải dàn hàng ngang ngay một lúc. "Cố gắng nhanh nhưng không phải vì nhanh mà hỏng" – ông Nhạ nhấn mạnh.

Ông Nhạ bày tỏ mình cũng muốn nghe từ giáo viên những giải pháp để thực hiện hiệu quả TT30 chứ không phải chỉ là nghe về những khó khăn.

Về phần mình, người đứng đầu ngành giáo dục gợi ý một số giải pháp như tập huấn kỹ cho giáo viên, ứng dụng CNTT để lượng hóa việc đánh giá.

Cũng theo ông Nhạ, phụ huynh phải tham gia để tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện TT30.

"Có khung, có lộ trình và không thể thiếu được sự đầu tư. Với những lớp học có sĩ số học sinh lớn cần phải tăng cường thêm giáo viên. Và khi yêu cầu giáo viên đánh giá học sinh kỹ hơn, toàn diện hơn lương thưởng cũng phải thay đổi. Không tăng thu nhập khi công việc phát sinh là không công bằng đối với giáo viên" – ông Nhạ nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm, nếu chỉ quan tâm tới khía cạnh khoa học của phương pháp mà quên đi lộ trình và các vấn đề liên quan thì hiệu quả thực hiện sẽ thấp.

Giáo dục không phải là phong trào

Đề cập tới việc toàn trường có 1.800 học sinh nhưng chỉ có 130 cán bộ giáo viên, ông Nhạ đã đặt câu hỏi cho thầy cô Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Các thầy cô đã phấn đấu, nhưng có tiếp tục lâu dài được không?".

"Giáo dục không phải là phong trào mà là kết quả tự nhiên từ hướng đi đúng, việc làm đúng của thầy và trò, trong đó có sự tham gia tự nguyện của phụ huynh".

Ông Nhạ mong muốn giáo viên phải tranh thủ, cố gắng hơn nữa trong việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để đạt chuẩn mới.

"Chuẩn giáo viên hiện nay là chuẩn của phương pháp truyền thụ kiến thức. Sắp tới chuyển sang phương thức phát triển năng lực học sinh, vì vậy chuẩn giáo viên cũng phải thay đổi. Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các vụ, cục, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng chuẩn giáo viên phù hợp yêu cầu mới. Giáo viên bậc tiểu học sẽ có chuẩn mới, có sự thay đổi dù không nhiều nếu so với bậc THCS và THPT”.

Về mô hình “trường học mới”, Bộ trưởng quan niệm: “Chỉ những gì đã chắc chắn thì mới nên làm trước, những gì chưa "chín" có thể chờ đợi để rút kinh nghiệm. "Giáo dục phải bền vững chứ không nóng vội. Khi đổi mới phương pháp tổ chức giảng dạy phải tính đến sự căn bản và lộ trình thực hiện. Chúng ta khuyến khích cái mới, nhưng đổi mới nếu không đồng bộ sẽ có mặt trái". 

  • Ngân Anh – Lê Huyền



Xem nguồn

Tìm kiếm nữ ứng cử viên trao giải thưởng khoa học L’Oreal – UNESCO năm 2017

Posted: 06 Jun 2016 03:37 AM PDT


Giải thưởng lần thứ 17 sẽ vinh danh 5 nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học Vật lý (Hóa học, Vật lý, Thiên văn học…), tại mỗi châu lục sẽ chọn ra một ứng viên xuất sắc cho giải thưởng thế giới: châu Phi và các quốc gia Arab, châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, Mỹ – Latinh và khu vực Bắc Mỹ. Mỗi nhà khoa học đạt giải sẽ nhận được giải thưởng trị giá 100.000 euro để tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn những đề tài có tầm ảnh hưởng lớn của mình.

Thời hạn đề cử ứng viên cho giải thưởng quốc tế danh giá này kéo dài đến hết ngày 20/06/2016. Các nhà khoa học nữ chỉ được đề cử bởi những nhà khoa học uy tín (học vị Tiến sĩ trở lên). Sau đó, sẽ được một hội đồng giám khảo độc lập gồm các nhà khoa học danh tiếng quốc tế đưa ra bình chọn cuối cùng vào tháng 9 năm nay.

Để đề cử cho ứng viên Việt nam, xin vui lòng nộp hồ sơ đề cử ứng viên cho Giải thưởng L'OREAL – UNESCO For Women in Science 2017 tại website: http://www.fwis.fr/en/awards


Giải thưởng LOréal-UNESCO 2015 cho ba nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam.

Giải thưởng L’Oréal-UNESCO 2015 cho ba nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam.

Nhân dịp này, Quỹ L'Oreal Vì sự phát triển phụ nữ trong Khoa học tại Việt Nam cũng thông báo về chương trình vinh danh các nhà khoa học nữ Việt Nam năm 2016.

Học bổng L'Oreal – UNESCO Vì Sự Phát Triển Phụ Nữ Trong Khoa Học cấp quốc gia được triển khai tại Việt Nam vào năm 2010. Trong suốt 6 năm qua, chương trình này đã vinh danh 18 nhà khoa học trẻ tiềm năng Việt Nam về những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giúp họ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê khoa học. Năm 2015, nhà khoa học nữ Việt Nam Trần Hà Liên Phương đã được vinh danh là nhà khoa học nữ tiềm năng thế giới tại Paris, đã giúp Việt Nam lần đầu tiên có tên trong danh sách quốc gia có nhà khoa học nữ trẻ xuất sắc thế giới.

Tiếp tục sứ mệnh vinh danh và hỗ trợ tài năng khoa học nữ Việt Nam, năm 2016, chương trình L'Oreal Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học tiếp tục trao 2 giải thưởng và 3 học bổng nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học và nghiên cứu viên khoa học nữ Việt Nam.

Đối tượng tham gia chương trình học bổng là các nhà nghiên cứu khoa học nữ không quá 45 tuổi, có học vị tiến sĩ và có đề án nghiên cứu khoa học thuộc 2 lãnh vực: Khoa học Đời sống và Khoa học Vật liệu. Mức học bổng được trao tặng là 150,000,000 đồng/ứng viên.

Chương trình giải thưởng được dành cho tất cả các nhà khoa học nữ đang làm việc và nghiên cứu tại Việt nam có quá trình nghiên cứu khoa học, đóng góp lâu dài vào sự phát triển của khoa học Việt nam. Giá trị giải thưởng là 50,000,000 đồng/người.

Chi tiết về giải thưởng và học bổng khoa học năm 2016, xin vui lòng tham khảo tại: www.phunutrongkhoahoc.vn

Thời gian nhận hồ sơ giải thưởng và học bổng nghiên cứu khoa học cấp quốc gia đến hết ngày 30/9/2016.

Hồng Hạnh



Xem nguồn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ đang rà soát và xem lại Thông tư 30

Posted: 06 Jun 2016 02:56 AM PDT


Báo cáo với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chuyến thăm, cô Lâm Hồng Lãm Thúy – hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Kiêm cho biết trường đã có 2 năm thực hiện Thông tư 30 (TT30) theo quy định của Bộ GD-ĐT, bên cạnh những ưu điểm cũng có nhiều hạn chế. Cụ thể là do số lượng học sinh đông, một giáo viên tiểu học dạy nhiều môn, nên việc ghi nhận xét vào vở cho học sinh khiến giáo viên rất khó ghi hết nhận xét, sát sao đến từng quyển vở.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan vườn rau trên sân thượng của thầy trò trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan vườn rau trên sân thượng của thầy trò trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm

Sau khi tham quan và lắng nghe chia sẻ của nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng giáo dục là một quá trình lâu dài, nó cần một hướng đi đúng, định hướng đúng, một sự cố gắng bền bỉ và lâu dài. "Chúng ta đang đi đúng hướng, chỉ cần kiên định chúng ta sẽ đến đích thành công. Đổi mới giáo dục, phương thức đào tạo, đánh giá là nhiệm vụ tiên quyết. Chúng ta cần phải đổi mới từ tư duy cho đến hành động. Bởi hai thành tố ấy là nền tảng quan trọng trong việc hướng đến đổi mới toàn diện nền giáo dục", ông Nhạ cho biết.

Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đang rà soát để xây dựng một chuẩn GV do đó bậc Tiểu học chắc chắn cũng cần có một chuẩn mới. Vì vậy, giáo viên cần phải được bồi dưỡng nghiệp vụ, phát huy sức mạnh năng lực tiếng Anh và CNTT để từ đó có điều kiện tiếp cận với các nền giáo dục mới, hình thức học mới.


Bộ trưởng cho biết Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát lại toàn bộ để tháo gỡ những khó khăn, áp lực cho giáo viên

Bộ trưởng cho biết Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát lại toàn bộ để tháo gỡ những khó khăn, áp lực cho giáo viên

Nhà trường cần phải tạo điều kiện, hỗ trợ giáo viên trong việc học tập, nâng cao nghiệp vụ. Đặc biệt là công tác nâng cao kiến thức và khoa học giáo dục, tránh tình trạng mô đun hóa tiết dạy. Việc đổi mới phương pháp tổ chức giảng dạy đóng vai trò hết sức quan trọng. Để tránh hình thức, nhà trường cần phải linh hoạt và sáng tạo.

Nói thêm về TT30, Bộ trưởng phát biểu: "Nội dung TT30 rất tốt. Đây là phương thức nhiều nước thực hiện, tiên tiến, nhân văn và không gây ra áp lực so sánh. Nhưng khi thực hiện, bên cạnh cái được, các thầy cô cũng phải thực tế, điểm gì tốt phải trân trọng"

"Chủ trương là đúng, tuy nhiên lộ trình bước đi, phương thức áp dụng vẫn cần phải rà soát và xem lại. Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát lại toàn bộ để tháo gỡ những khó khăn, áp lực cho giáo viên. Điều chúng ta cần phải xác định với nhau chính là tránh duy ý chí trong thực hiện, phương thức triển khai, tư duy và phương thức đánh giá", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng, quá trình đào tạo, đánh gía học sinh Tiểu học gắn rất chặt chẽ với phụ huynh, gia đình. Vì vậy, nhiệm vụ của ngành, nhà trường là phải làm sao để phụ huynh hiểu mà cùng tham gia. Do đó, các trường học cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các buổi tập huấn cho giáo viên, để họ có phương thức đánh giá học sinh theo TT30 thật tốt.

Lê Phương



Xem nguồn

Comments