Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Serge Tisseron và tâm lý giáo dục về các màn hình

Posted: 25 Sep 2015 06:53 AM PDT

Dẫn nhập

3-6-9Khác với các thế hệ trước, hiện trẻ được sinh ra và lớn lên trong một môi trường với vô vàn loại màn hình (TV, games, Ipad, máy tính, điện thoại di động,…).  Trẻ tiếp cận với màn hình rất sớm nhưng các phương tiện thông tin mới này không phải chỉ cho toàn là lợi ích, nhất là khi nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ rất là cần thiết…

Khả năng dùng các màn hình không bẩm sinh. Từng bước, trẻ cần được giải thích để nắm rõ tiện lợi và hiểm nguy  của công cụ này và học cách đối xử để chúng thận trọng, sử dụng có suy nghĩ và làm chủ – chứ không là nạn nhân- của các phương tiện thông tin.

Đối thoại với trẻ bắt đầu từ gia đình. Trường học tiếp tục sau đó để từ từ cho trẻ biết dùng các màn hình, các phương tiện thông tin như máy tính bản, internet, các mạng xã hội, …dùng  với những cẩn mật cần thiết.

Cha mẹ cũng không nên sử dụng màn hình suốt ngày trước mặt trẻ: chúng có khả năng bắt chước rất giỏi và sẽ thành "nghiện màn hình", như cha mẹ – nếu cha mẹ nghiện. Lúc đó mọi giáo dục sẽ thành vô cùng khó khăn.

Nhiều khoa học gia và nhà giáo đã lên tiếng về màn hình, trong đó có Serge Tisseron.  

Serge Tisseron, người Pháp, sinh năm 1948, là một tâm lý gia, một bác sĩ tâm thần và bác sĩ phân tâm học. Trong đời, ông còn là một người viết sách bằng tranh dù nghề chính của ông là giám đốc nghiên cứu ở Đại học Paris 7. Ông chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của hình ảnh, của các phương tiện thông tin mới, đủ loại, trên trẻ và ông đã viết hơn bốn mươi sách về các chủ đề này. Luật 3-6-9-12 của ông được Viện Hàn Lâm khoa học Pháp dùng như những mấu thời gian mà ta phải lưu ý trong việc dạy trẻ tiếp cận các loại màn hình.

Sơ lược về luật 3-6-9-12 của Serge Tisseron

 

  1. Không màn hình trước 3 tuổi, hay ít nhất là tránh tối đa. Trước 3 tuổi trẻ bị lôi cuốn và hấp dẫn bởi màn hình nhưng chúng không tiếp thu được vì trên đó các hình ảnh biến chuyển nhanh quá. Màn hình làm chúng mõi mắt một cách vô ích. Đừng dùng màn hình thay cho cô trông giữ trẻ – thông thường các cháu… rất ngoan khi được đặt trước một phim hoạt hình trên TV –

Như một bác sĩ thần kinh nhiều kinh nghiệm, Serge Tisseron bảo rằng não của trẻ, trước 3 tuổi, còn nhiều vùng chưa được tiếp nối với nhau bởi các dây liên hoàn (synapses). Trẻ cần những sinh hoạt giúp chúng liên kết các vùng thuộc não điều khiển năm giác quan để cấu kết các vùng của não bộ – thí dụ như khi chúng cầm lấy một vật nào đó, đưa lên miệng ngậm, ném vật ấy xuống đất, nghe tiếng động rồi chạy theo nhặt vật ấy : chỉ thế thôi nhưng huy động được cả toàn bộ não và tay chân. Màn hình  không giúp trẻ phát triển như thế. Màn hình không cho trẻ những sinh hoạt mà chúng cần, ở tuổi của chúng.

Theo các quảng cáo, các máy tính mang đến những hình ảnh sinh động giúp trẻ "thông minh hơn". Nhưng kết quả các nghiên cứu hoàn toàn  trái ngược. Trẻ có thể theo dỏi một truyện kể trên màn hình. Nhưng chúng hoàn toàn thụ động. Trong khi nghe mẹ (hay cô giáo) kể, với một quyển sách trên tay, trẻ có thể thấy sự sống động của mẹ, có thể lật với mẹ các trang sách và trao đổi phản ứng với mẹ, …

  1. Không chơi games trước 6 tuổi. Ngay cả khi những nhà sản xuất games quảng cáo hết mình về những trò chơi của tuổi mẫu giáo – họ biết là tạo thói quen sớm thì trẻ sẽ thành những người tiêu dùng trung thành trong nhiều năm – Nhưng không nên cho trẻ chơi games vì những trò chơi này có sức lôi cuốn rất lớn, trẻ chưa đủ miễn nhiểm hay suy luận để rời màn hình cho những sinh hoạt khác – những sinh hoạt tối cần thiết cho trẻ ở độ tuổi này: chúng rất cần phát triển thể hình, vận động, khám phá ngôn ngữ và cảm giác. Chơi games thường là chơi một mình, không giúp trẻ tập tành liên hệ xã hội. Đó là chưa nói tới hiện thời trên thị trường, có rất nhiều trò chơi không thích hợp với chúng.

Đi vào chi tiết, Serge Tisseron bảo rằng ở độ tuổi này, từ 3 đến 6, trẻ cần các trò chơi thuộc hai dạng khác nhau – vừa cảm giác / hành động vừa kể chuyện – để cùng lúc phát triển tâm lý – thể hình và làm giàu vốn ngôn ngữ. Các games không giúp hoàn thành hai vai trò đó.

Trên TV, Serge Tisseron đã đếm thấy rằng hơn 80% các chương trình dành cho trẻ dưới 6 tuổi  thật ra là không thích hợp cho độ tuổi của chúng. Nhất là không thích hợp với tâm lý của trẻ.

  1. Không Internet trước 9 tuổi, và Internet có hướng dẫn cho tới khi trẻ vào trung học, lớp 6 – tức là 12 tuổi.

6 tới 9 tuổi là tuổi của những năm đầu tiểu học, là lúc trẻ đủ khả năng tiếp cận tri thức của trường học, tập đọc, tập viết, tập làm các phép tính căn bản. Đủ khả năng để chăm chú, đủ kiên nhẫn để làm xong một công việc được giao, biết sáng chế ra giải pháp để giải quyết các vấn đề khi gặp khó khăn. Chơi games ở tuổi này có thể giúp trẻ phát triển thêm các khả năng vừa kể trên –  kiên nhẫn, sáng tạo, giải quyết vấn đề, …-

Nhưng cũng cần chọn cho chúng những games hợp với tuổi của chúng và tránh tiếp xúc với bạo lực.

Theo Serge Tisseron, cũng chỉ nên tặng trẻ cái điện thoại di động đầu tiên sớm nhất là khi chúng tròn  9 tuổi, với những dặn dò về trách nhiệm của chúng trong cách dùng phương tiện thông tin và liên hệ xã hội này.

Không Internet trước 9 tuổi vì trên mạng cái tốt và cái xấu lẫn lộn, đồng thời hiện hữu mà trẻ thì chưa có khả năng phân biệt biệt được – trừ phi là cha mẹ tiếp tục dìu dắt chúng trên internet hay cài phần mềm giới hạn tiếp cận cho trẻ, một loại hàng rào ngăn những phần cấm địa.

Ngay tới sau  9 tuổi, trẻ cũng còn cần sự hướng đẫn của cha mẹ khi tiếp cận với Internet. Hướng dẫn của người lớn cần để tránh cho trẻ tiếp cận những hình ảnh không thích hợp với độ tuổi và tránh cho chúng những sinh hoạt, trên mạng, có hại cho chính bản thân chúng – đưa đời tư lên facebook chẳng hạn – vì chúng chưa ý thức được rõ ràng cái nào là riêng tư, cái nào là thật, là giả.

9 tới 12 tuổi còn là tuổi của các nhóm bạn, bị ảnh hưởng của bạn. Tiêm nhiểm bạo lực cũng nhiều nhất ở  thời điểm này.  Các games không thích hợp có thể đưa đường dẫn lối cho trẻ đến những cách cư xử đầy bạo hành.

  1. Internet một mình từ 12 tuổi, khi trẻ đã thấm nhuần những cẩn mật cần thiết, biết tôn trọng thời dụng biểu và biết lúc rời internet cho những sinh hoạt khác,… Tức là lúc chúng đủ khả năng quyết định và tổ chức sinh hoạt của mình. Biết giờ phải đi ngủ hay giờ phải dành cho việc học. Cha mẹ vẫn còn phải sàng lọc những địa chỉ cấm kỵ (các sites về sex hay các trò chơi may rủi chẳng hạn) và vẫn còn phải dùng những phương tiện phần mềm làm rào cản.

  1. Luật «3-6-9-12» tổng quát, cần nhưng chưa đủ. Để "thi hành" luật này, đối thoại giữa cha mẹ và trẻ, giữa các nhà giáo và học trò, … vô cùng quan trọng. Luật có thể co giản ít nhiều tùy trường hợp. Nhưng quỹ thời gian cho trẻ phải có giới hạn rõ ràng. Cở 3 tới 5 tuổi chẳng hạn, một giờ mỗi ngày trước màn hình là giới hạn cần thiết. Ở tuổi này chúng bắt đầu có khả năng hiểu được những kỹ thuật sản xuất thông tin, chúng bắt đầu biết phân biệt cái đùa, cái nghiêm chỉnh, và hiểu được những giới hạn đặt ra bởi cha mẹ. Màn hình khác đời thường, … Cha mẹ ở đó để giải thích cho chúng về những vấn đề này.

.

Trẻ từ 3 tuổi biết là không được nhận kẹo hay đi theo một người lạ. Tức là chúng  có khả năng hiểu rằng những gì trên màn hình không hẳn là sự thật.

.

Trong tất cả mọi trường hợp, ngay cả sau 12 tuổi, cha mẹ và các nhà giáo nên thường xuyên bảo trẻ rằng:

  1. tất cả những gì chúng cho lên internet ai cũng có thể đọc được ;
  2. tất cả những gì cho lên internet sẽ vĩnh viễn ở đấy ;
  3. phải thận trọng kiểm soát vì tất cả những gì chúng tìm thấy trên internet hay trên TV không hẳn đều là đúng, không hẳn là sự thật.

.

Đồng thời, bàng bạc qua các phân tích, Serge Tisseron  tiếp tục nhắc đến sự cần thiết, cho trẻ, tiếp cận với sách.

.

Sách, màn hình và bốn cuộc cách mạng  theo Serge Tisseron

 

Màn hình là một cấu thành của cuộc sống hiện thời. Có thể giới trẻ xem màn hình như một hiện tượng tự nhiên. Thật ra, màn hình đã đảo lộn nhiêu cấu trúc và sinh hoạt của xã hội. Ta đã đi từ văn hóa truyền khẩu, đã sống khoảng hơn 25 thế kỷ với chữ viết rồi với sách. Màn hình, trước nhất là xi nê, rồi tới TV và sau cùng máy tính và điện thoại di động, … mới xuất hiện  từ  chưa đầy 130 năm.  Serge Tisseron nhấn mạnh đến các cuộc cách mạng mà màn hình đã mang tới.

 

Văn hóa sách khác văn hóa màn hình

Thời tiền sử, bên ta thì có văn hóa truyền khẩu, bên Tây, đó là những tượng đài, hình vẽ, trong đó có cả hình ảnh của tôn giáo. Người xưa kể chuyện, thêu dệt chung quanh kinh nghiệm sống, trí nhớ hay vài hình ảnh đơn giản. Tất cả những truyện truyền khẩu này thường thay đổi tùy người kể, tùy hoàn cảnh, tùy vùng miền. Ta có câu "tam sao thất bổn".

Sau đó với chữ viết, rồi nhà in, sách ra đời. Các chuyện kể thành bất biến  vì rành rành trên giấy trắng mực đen. Sách thành một loại của quí, vốn hiểu biết tối thượng của văn hóa. Thư viện là nơi tồn trử hiểu biết của nhân loại, tủ sách là thước đo mức … thâm sâu bác học của chủ nhà.

Sự ra đời của màn hình  cũng đã theo một quá trình phức tạp.

Phim ảnh trước nhất. Khởi thủy phim ảnh dựa trên sách, phải có cốt truyện mới làm nên phim. Phim lúc đó chỉ  để minh họa, bằng một loại ngôn ngữ dễ tiếp cận hơn cho tất cả mọi người, kể cả và nhất là những người không biết đọc hay không có khả năng/can đảm đọc trong nhiều ngày một truyện dài. Màn hình đưa các thông điệp đến một quần chúng rộng hơn.

Truyền hình sau đó, rồi internet, internet cả trên điện thoại di động. Màn hình xâm nhập vào đời sống của mỗi người ở mọi nơi. Hiện thời, khó có thể tổ chức liên hệ xã hội mà không kể tới màn hình.

Trường học, từ cấu trúc, sinh hoạt, chương trình giáo khoa, liên hệ thầy-trò, … cũng bị ảnh hưởng bởi màn hình.

Serge Tisseron bàn đến bốn cuộc cách mạng mà màn hình mang lại.

Màn hình và bốn cuộc cách mạng cùng một lúc

 

Nói tới màn hình, nhiều người nghĩ ngay cái vật thể phát tiếng và phát hình. Thật sự, màn hình, trong bản chất, làm thay đổi nhiều điều trên đời và trong xã hội, một xã hội vốn đã có nhiều an bài với sách.

Cách mạng về sự liên hệ với tri thức

 

Sách là văn hóa số ít, của một người. Một người đọc một quyển sách và tiếp thu nội dung của quyển sách ấy một mình – một việc làm cô đơn.

Hiện tượng đọc sách là một thao tác đơn lẻ, là  việc làm của một người. Trong liên hệ với sách ta thấy rõ ràng đó là liên hệ chiều thẳng đứng : một người viết sách và nội dung đó được đọc, mỗi lần, bởi một người khác. Một sự chuyển giao ở số ít.

Văn hóa màn hình là văn hóa số nhiều.

Khởi đầu là phim ảnh. Phim ảnh cần nhiều người thực hiện một phim, cho nhiều người tiếp cận. Trong đó, ta phải kể những người thực hiện điều khiển quay phim, những nghệ sĩ đóng vai, người sản xuất phim để rồi mang ra chiếu cho quảng đại quần chúng xem phim.

Ngay tới màn hình TV cũng là vật tập trung sự chú ý của nhiều người mà thí dụ dễ hiểu nhất là cảnh chung quanh một cái TV  là cả một gia đình im lặng, chăm chú nhìn, nghe…

Từ từ, các trò chơi truyền hình, các phim truyền hình thực tế, … cũng được nhiều người tham dự, trên màn hình cũng như trước màn hình.

Còn nói chi tới internet: cả thế giới thành một làng với màn hình máy tính làm trung gian.

Wikipedia trên internet là một thí dụ điển hình: Wikipedia được đóng góp bởi rất nhiều người và được tham khảo bởi công chúng,  trong đó có cả những tác giả   đã góp phần làm ra Wikipedia, một cách vô danh.

Tóm lại, liên hệ với tri thức thành dễ dàng hơn và  là những liên hệ vô danh – tôi không là độc giả hay học trò của X, Y –  .

.

Cách mạng trong giáo dục, với sự học

Văn hóa của sách là văn hóa thẳng. Từ hàng đầu cho đến hàng cuối. Từ trang một cho đến trang chót. Mỗi chuyện được bố cục có đầu, có đuôi, có chuyện xãy ra trước đến chuyện sau. Văn hóa sách là văn hóa theo chiều thời gian. Phải đọc phần trước mới có thể hiểu phần sau…

Với màn hình, ta có thể bị lôi cuốn bởi  các ảnh nhảy múa trước mắt mà không cần biết đầu biết đuôi. Một đứa trẻ chưa biết đọc cũng có khả năng "chơi" màn hình. Chữ "chơi" ở đây thể hiện đúng hành vi của người tiếp cận màn hình. Dùng thông tin, dùng trí nhớ làm việc  (mémoire de travail) hay trí nhớ tức thời chứ  không cần trí nhớ lâu (mémoire à long terme) vì chỉ cần một thao tác nhỏ là màn hình sẽ  trực tiếp cung cấp tất cả thông tin hữu dụng.

"Văn hóa" màn hình, từ việc tra khảo trên internet đến các trò chơi games trên mạng, … là văn hóa zapping, tức là ấn chuột tùy hứng, đi từ …đông đi tây, bất kể giờ giấc, thứ tự trước sau hay trên dưới, …

Màn hình vì thế không giúp  ta phát triển khả năng về thời gian, phát triển trí nhớ nhất là  trí nhớ lâu dài.

Hay là trí nhớ lâu dài thành vô ích, không cần thiết ?

Trong tất cả mọi trường hợp, vai trò truyền hiểu biết của thầy giáo ở trường cần được định hướng lại.

Trò, khi quen với việc tra cập internet sẽ khó mà tiếp tục giam mình trong lớp học, khó chấp nhận liên hệ quyền lực giữa thầy và trò, trong một khoảng thời gian dài của lớp học, …

Màn hình và  cách mạng tâm lý

Ngay tới cách và quá trình cấu tạo bản thể cũng khác từ ngày có games và có internet. Ngày xưa, cái "tôi" của mỗi một trong chúng ta là một "sở hữu riêng", dấu kín và mỗi cá nhân có khả năng điều khiển được những định nghĩa về mình .

Ngày nay, cái tôi được phơi bài trên các mạng xã hội. Hơn thế nữa, cả làng internet đổ xô vào thâm nhập cái tôi đó mà nhiều khi "khổ chủ" không kiểm soát được. Những bản thể riêng đã thành món phơi bày dưới thanh thiên bạch nhật.

Hơn nữa, cái "tôi", lại thường là cái tôi ở số nhiều – như trong một vở tuồng, ta sắm nhiều vai, như mỗi khi trẻ chơi một game mới và nhập vai vào một diễn viên khác.

Trong cái văn hóa tin học mới này, người "giỏi" là người giữ được khả năng nói về những cái "tôi" của mình, dĩ nhiên rồi, nhưng đồng thời người "giỏi" là người làm chủ được được những thông tin về cái tôi của mình, biết chi tiết nào phơi bày được và phần nào thì phải bảo vệ riêng tư.  Để phòng ngừa rủi ro trở thành nạn nhân của thông tin này.

Dạy trẻ là dạy chúng khả năng dùng các "cửa sổ" của màn hình và biết quyết định  đóng hay mở các cửa sổ đó  đúng cách, đúng lúc.

Cách mạng trong các liên hệ xã hội

Liên hệ xã hội thông thường được định nghĩa, tới bây giờ, như một liên hệ đa diện, có thể đi từ nhiều khía cạnh như huyết thống, tình cảm, gần gũi địa lý, có chung những sở thích hay ý tưởng, …

Trên internet, chỉ cần một điểm chung là có thể làm "bạn" với nhau. Không cần sâu đậm tình cảm hay gần gũi địa lý. Mọi biên giới như biên giới tuổi tác, khác biệt giới tính, vai trò và địa vị xã hội gần như không còn nữa.  Vì các nhóm trên internet là những nhóm mà liên hệ giữa các thành viên là một liên hệ không có tổ chức. Các thành viên không cần ý thức nhóm (sentiment d'appartenance) nhưng họ cần được thừa nhận (recherche d'aprobation de soi). Trong chừng mực nào đó, các nhóm trên mạng trả lời được nhu cầu liên kết xã hội của cá nhân.

Nhưng thật ra, cá nhân vẫn …cô đơn. Thí dụ khôi hài ta vẫn thường kể là dù X có cả nghìn bạn trên facebook, lúc X cần dọn nhà, không một bạn nào đến giúp anh hay chị ta…

Viện Nhi đồng Mỹ cũng như Serge Tisseron khuyên là làm sao giới hạn cho trẻ  dùng màn hình tối đa khoảng hai giờ mỗi ngày.

Theo một khảo sát ở Mỹ, năm 2013, trẻ ở độ tuổi  8-18  dùng  màn hình và mạng xã hội đến hơn 7 giờ mỗi ngày – một hiện tượng với những hậu quả nặng: béo phì, bệnh mắt, thiếu ngủ – tức là có hại cho trí nhớ – học hành kém đi, và nhất là mất liên hệ xã hội trong đời sống hàng ngày trong đó đi đầu là liên hệ với các thành viên khác trong gia đình…

Sách và màn hình, mỗi phương tiện thông tin, bắt ta phải sinh hoạt não bộ và ảnh hưởng tới tâm lý ta khác nhau, Serge Tisseron kết luận rằng ta cần cả hai, sách và màn hình, vì chúng bổ sung lẫn nhau. Ta có thể đi nhanh hơn và đi xa hơn khi dùng cả hai, cứ y như ta đi với hai chân của ta chứ không nhảy lò cò trên một chân.

Sách giúp ta biết về quá khứ, tiếp cận với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Đọc sách có thể cho ta thêm khả năng hiểu và thương đồng loại. Trong khi đó, văn hóa màn hình, nhất là các games, có thể giúp ta đối diện với những bất ngờ của tương lai và giúp ta khả năng thay đổi cách nhìn hay cách sống ở đời.

Tách riêng ra, sách hay màn hình, một mình, đều tiềm ẩn nhiều …hiểm nguy cho người tiếp cận.

Sách kén người đọc, sách chậm trể trước các phát minh mới, sách có khi bắt học trò học thuộc lòng, sách có biên giới, …

Màn hình, nhất là internet, "tiến bộ" hơn sách ở những điểm tiêu cực vừa nêu trên của sách nhưng  văn hóa zapping không rèn học trò những đặc tính như tìm tòi và kiên nhẫn. Với internet, nhiều trò có thể biết mà không cần hiểu. Sự lệ thuộc màn hình có những hậu quả cho việc phát triển trí tuệ và thể hình của trẻ và cuối cùng, màn hình không giúp mọi người liên hệ tốt hơn trong xã hội.

Nhưng từ từ, hai văn hóa, văn hóa sách và văn hóa màn hình, tiếp sức cùng nhau, hòa hợp với nhau : ta đọc sách trên máy tính bảng, ta dùng các mạng xã hội để "quản lý" cuộc sống của mình, không cần phải bỏ công ghi chép hết các sự kiện hàng ngày, ta mang tới và chia sẻ với tha nhân dễ dàng hơn các kết quả của sáng tạo cá nhân, không còn phải lệ thuộc một nhà xuất bản hay một nhà phát hành sách.

Cái cần, cũng như trong tất cả mọi việc, là biết cách dùng sách cũng như biết cách dùng các màn hình – dùng đúng cách, đúng liều và đúng lúc.

 

Đề nghị của Serge Tisseron để trường học đối mặt với cách mạng tin học

Khi đề cập đến vấn đề này, nhiều người quản lý giáo dục nghĩ ngay tới việc phải lo mua thiết bị cho trường lớp. Dĩ nhiên cần thiết bị nhưng "cái áo không làm nên nhà tu". Trước cách mạng tin học, cái  phải nghĩ đến là những thay đổi mà trường học cần làm để thích ứng với hoàn cảnh mới, nhất là phải chuẩn bị cho học trò – càng sớm càng tốt – chứ không phải vội đi mua thiết bị.

Trong tương lai, kỹ năng cần cho học trò lúc ra trường sẽ không là khả năng ghi nhớ, nằm lòng một cái gì để tái tạo lại những qui trình đã học ở trường.

Tái tạo, người máy – robot – có khả năng đó sau khi được lập trình. Robot sẽ làm tốt hơn, nhanh hơn, lại không mệt như con người. Thế nên con người ở đó để làm những việc cần sáng tạo, những việc phức tạp mà không thể lập trình trước. Vai trò của ta là lo liên hệ với người khác, giám sát điều hành mọi thứ, trong đó có việc tổ chức việc làm cho robot.

Thế có nghĩa là trường học phải suy nghĩ tới những thay đổi cần thiết để dùng màn hình trong việc dạy học và để tiếp tục đào tạo học trò một cách thích hợp cho hoàn cảnh xã hội tương lai. Tức là để thích ứng, phải thay đổi từ  triết lý, chủ đích của giáo dục, tới chương trình và phương pháp sư phạm.

Ở đây, Serge Tisseron  không có ý định làm một cuộc cách mạng giáo dục. Ông chấp nhận rằng trường học là nơi để trẻ học sống với người khác, để phát triển, để  hạnh phúc. Với màn hình thêm vào, như một cấu thành không tránh được, ông có vài đề nghị rất cụ thể về sư phạm.

  1. Làm việc nhóm và lớp học đảo ngược

Tìm kiếm tra cứu trên máy tính thường là một việc làm cá nhân. Giáo viên có thể ở đó để khuyến khích các trò làm việc cùng nhau, phân công nhau, không phải trong lô gic tranh đua mà trong lô gic hợp tác

Lớp đảo ngược là từ mà Serge Tisseron dùng để chỉ cách tổ chức sự học chung quanh những tranh luận, phản biện. Phương thức này rất dễ thực hiện với các màn hình và với internet vì trên mạng, tất cả những ý khác chiều đều hiện hữu, cái cần là phải biết đúc kết lại và bố cục sự hiểu biết một cách khoa học. Thao tác này giúp trẻ tích cực học, biết tiếp cận, biết suy luận, biết phê bình và cuối cùng , với sự giúp sức của thầy hay cô, tạo kiến trúc cho hiểu biết trước khi tiếp thu.

Màn hình không chỉ là minh họa cho bài học của thầy dễ hiểu hơn. Màn hình còn là một công cụ để trò thêm sáng tạo. Chúng có thể, rất sớm, khám phá và phát triển những  kỹ năng ngôn ngữ của hình ảnh màu sắc, song song với ngôn từ. Nhất là khi những kỹ năng này được tổ chức qua các công việc của nhóm. Như thế là tận dụng tin học để học một cách tích cực, để sáng tạo, để tổ chức và để liên hệ với bạn đồng song.

Ở đây là trò học chứ không phải là thầy dạy.  Đề nghị này không mới, Cái mới là chính trò dùng màn hình và những phương tiện tin học như công cụ để trình bày minh họa các sáng tạo của mình trong quá trình đi tới tri thức.

  1. Học lập trình. Hiện máy và robot là "những bạn đồng hành" của con người và giúp ta trong những công việc nặng nhọc hay nhàm chán. Trẻ cần được khai tâm, sớm chừng nào tốt chừng ấy, với ngôn ngữ lập trình để chúng tường tận cấu trúc và sinh hoạt của máy móc. Đó là điều kiện tiên khởi để chúng có khả năng, sau này, thay đổi hay hoàn thiện các máy móc (phần cứng) hay các chương trình tin học (phần mềm).

Trong dấu ngoặc, một thí dụ nhỏ, hiện ở lớp một, trẻ không phải học viết chữ cho đều đặn. Học trò lớp một tự do viết thế nào tùy trò, chữ in hay chữ thường, miễn là đọc được là đủ. Lý do rất giản dị: sau này, trong vài năm nữa chúng sẽ dùng bàn phím máy tính. Chữ đẹp không còn là một chủ đích của trường tiểu học.

  1. Dùng màn hình để trẻ đi tìm bản thể của mình. Tuổi ở trường mẫu giáo và trường tiểu học là lúc trẻ đi tìm định nghĩa về bản thể của mình. Màn hình là một công cụ tích cực để chúng "nhìn" thấy được những "mẫu người" khác nhau – qua các truyện kể, qua các vai trong trò chơi kịch, … Trẻ cũng có thể tự sáng chế ra nhiều nhân vật khác nhau, tự vào vai hay bảo vệ các nhân vật ấy. Giáo viên có thể quay phim rồi chiếu lại cho chúng xem. Chơi, vào vai rồi khi nhìn chính mình đóng kịch, trẻ sẽ tự nhận thức được cái nào "ổn" và cái nào "không ồn" để tự định hướng.

Đấy là cách dùng một cách tích cực màn hình – chính trẻ là diễn viên của các "phim" –  Màn hình thành một công cụ của của giáo dục làm người, một công cụ rất lôi cuốn – như một trò chơi – nhưng vô cùng thâm sâu.

Nói chung, với các màn hình và với cách mạng tin học, trường phải làm sao khuyến khích những sinh hoạt sáng tạo trong cộng đồng lớp học để cho  trẻ vừa tự phát triển vừa học sống với người khác – vai trò mở mang kiến thức và vai trò xã hội hóa trẻ –

Hai chữ chính là sáng tạoxã hội. Vì nếu không trẻ sẽ "tiêu thụ" màn hình một cách thụ động và tiêu thụ một mình.

 Tạm kết luận

Đối với trẻ, cha mẹ ở nhà phải suy nghĩ đến sự cần thiết cho con cái tiếp cận với màn hình, theo những thời điểm tốt nhất. Đối thoại với con để chúng dùng màn hình đúng cách, đúng lúc. Đồng thời cũng cần biết những khả năng và giới hạn của màn hình nói chung và internet nói riêng để dạy con một cách toàn diện – biết "sở trường và sở đoản" của màn hình để khai thác các điểm cộng và bù đắp các khiếm khuyết –

Trường học, từ lớp mẫu giáo, cần khuyến khích trẻ nói về – tức là diễn tả ra bằng lời – những gì chúng tiếp cận được trên màn hình – để cho sự tiếp cận này thành tiếp cận có hướng dẫn và có đào sâu. Để màn hình không còn giới hạn trong nghe-nhìn mà còn là bước đầu của đối thoại, của phát triển ngôn từ… Như thế, trường học khai thác những lợi ích của màn hình mang lại đồng thời bổ sung những vai trò mà màn hình không thể làm tròn (như phát triển cá thể, trí nhớ dài lâu, lý luận,…).

Trong đường hướng đó, gia đình và trường học đồng hành trong việc dùng một cách tích cực màn hình để giáo dục trẻ.

Nguyễn Huỳnh Mai

.

Tài liệu tham khảo

 

. L'enfant et les écrans – Avis de l'Académie des Sciences. Trình bày bởi Bach J.-Fr., Houdé O., Léna P. và Tisseron S. NXB Les Pommiers, 2013.

. Tisseron S., Les dangers de la télé pour les bébés.  NXB Eres, 2009.

. Tisseron S. và Gravillon I., Qui a peur des jeux vidéo? NXB Albin Michel, 2008.

. Tisseron S., 3-6-9-12. Apprivoiser les écrans et grandir. NXB Erès, 2013.

. Tisseron S., Les enseignants, les enfants et les écrans: quelle école pour demain?

In Didactiques en pratique. Université de Liège, CIFEN (2015), n°1, tr. 9-17.

. Serge Tisseron cũng có một blog cá nhân với nhiều bài viết hữu ích:

http://www.sergetisseron.com/blog/
———————

Nguyễn Huỳnh Mai – hocthenao.vn

Nghề giáo viên: Mô phạm hay Sáng tạo?

Posted: 25 Sep 2015 06:43 AM PDT

images955853hoctro-1-compressedKhông biết tự bao giờ, người thầy đã bị xã hội "dán nhãn" mô phạm. Hễ là giáo viên thì phải mặc áo có cổ, vác cái cặp to, bước thẳng và mắt nhìn về phía trước, không nói tục chửi bậy hay ăn quà vặt trên vỉa hè… Nghề khác thì có thể mày tao chí tớ dọa nạt người khác, nhưng hễ đã mang danh thầy cô giáo mà trót nhỡ phát ngôn thiếu mô phạm là ngay lập tức hứng búa rìu dư luận.

Cái mác mô phạm, dần dần đã trở thành một định kiến và sợi dây trói buộc đối với bất cứ ai muốn vào ngành sư phạm, sẽ trở thành giáo viên và đã là giáo viên. Không ít học sinh phổ thông đã có chung một quan niệm như thế, và đó là lí do tại sao những bạn cá tính, giàu khả năng sáng tạo, năng động và thực tế lại ít khi lựa chọn bó mình trong một cái nghề mà họ cho rằng quá nhiều công thức. Thậm chí, một vài bạn trong số những kẻ tài tử này, vì duyên phận, may hay là không may sa lưới một trường Sư phạm, thì sau một, hai năm học, đã ngay lập tức được liệt vào hàng "cá biệt", nào là nghênh ngang phách lối, không biết kính trên nhường dưới, nào là ăn mặc chả giống ai, tóc mỗi ngày một kiểu, quần áo thì toàn tông màu chóe,  nào là phát ngôn bừa bãi… Một số bạn, tự thấy mình khác với đám đông ù lì, bất mãn với một môi trường nhàn nhạt vô âm sắc, đã tự giác đứng vào hàng các bộ tộc thiểu số, và lập sân chơi riêng. Không ít người trong số đó, cuối cùng, đã không thể thích nghi, và lựa chọn rẽ sang hướng khác, từ bỏ cái nghề mà mình đã được đào tạo chính qui, tốn không biết bao nhiêu tiền của, thời gian và công sức.

Trong số những kẻ gai góc đã có cơ may/ hay là không may tiếp tục bám trụ với nghề, có nghĩa là trở thành giáo viên ở một trường công hay trường tư nào đó, thì có đến một nửa sẽ bị bào mòn và gọt tròn đi trong các môi trường phổ thông. Bị cuốn vào một vòng xoáy của những việc lặt vặt tủn mủn, giấy tờ sổ sách, thi giáo viên giỏi, trông thi, chấm thi, trả bài, dạy thêm, họp thi đua…, sau vài năm, cái ý chí muốn thay đổi một cái gì đó, cái cá tính gai góc muốn khẳng định mình là một giáo viên khác biệt, những ý tưởng sáng tạo và lòng nhiệt tình hăm hở buổi đầu… không ít thì nhiều cũng hao mòn dần. Và kết quả là, sau nhiều năm cầm viên phấn và đứng trên bục giảng, họ chính thức bị đồng hóa và trở thành mẫu hình giáo viên đúng chuẩn- mô phạm.

Rõ ràng là, chúng ta không bao giờ được phép coi thường các khẩu hiệu treo trên tường hay các diễn ngôn định kiến. Bạn cứ thử vùng vẫy trốn thoát khỏi nó mà xem, bạn sẽ cảm thấy mỗi cử động của mình đều bị nó kiểm soát. Có hàng trăm đôi mắt săm soi bạn từng giờ và ép bạn phải sống cho vừa khuôn khổ, trong những qui phạm. Bất cứ cái chệch hướng, đều dứt khoát phải bị chỉnh huấn, hoặc trả giá, bằng cách này hay cách khác. Và thế là, cách tốt nhất là chúng ta lựa chọn phương án an toàn- trở thành một giáo viên đúng chuẩn.

Tuy nhiên, xét về bản chất nghề nghiệp, nghề giáo viên lại là một công việc đòi hỏi bạn phải vô cùng sáng tạo, tinh tế thậm chí mẫn cảm. Theo quan điểm cá nhân tôi, chẳng có một công thức bất di bất dịch nào có thể định lượng được một người thầy tốt. Những thầy giáo tuyệt vời nhất mà tôi từng được học chính là những người vô cùng  hiếm hoi, dám vứt quách cái nhãn dán mô phạm. Thầy giáo dạy Văn cấp hai của tôi chữ xấu không thể tả nổi, mỗi khi kết thúc một tiết học, cái bảng hiện lên nham nhở như một bãi chiến trường, nó dường như là kết quả của cả một quá trình thầy vật lộn với tư duy và ngôn từ của mình, cố hết sức để truyền đạt nó tới cho người học. Thầy giáo dạy Sử hay nhất mà tôi từng học thường có thói quen, trong những lúc dạt dào cảm hứng, ngồi hẳn lên bàn giáo viên, cả trăm đứa học trò trong lò luyện thi đứa nào cũng mắt chữ O mồm chữ A nghe như nuốt từng lời, và tôi thì có thể nhớ luôn bài học, không cần phải học bài ở nhà. Thầy giáo dạy Sinh mà tôi ngưỡng mộ nhất, có lần, còn xông vào giữa giờ Văn, của đội tuyển Văn, để giảng giải về cơ chế hoạt động của não bộ. Những người thầy xuất sắc nhất mà tôi được học, không có ai dạy dỗ một cách tuần tự, đúng chuẩn, ăn mặc, ứng xử theo công thức, và vì thế, cũng chẳng bao giờ bắt chúng tôi phải "đổ vừa khuôn". Sự không hoàn hảo, hóa ra, có sức hấp dẫn riêng của nó. Tôi luôn tìm thấy chính mình trong bài học và được tự do suy tưởng và hiểu được sự không giới hạn của tri thức, cũng như không giới hạn của cuộc sống. Không ít học sinh đã tỏ ra "phát mệt" với những giáo viên luôn cố tình tỏ ra đạo mạo, chuẩn mực, mô phạm.

Đi sâu vào công việc thường ngày của người giáo viên, bạn sẽ thấy rằng lẽ ra, đó phải là một công việc vô cùng tinh tế, giàu sức sáng tạo, tràn đầy cảm hứng. Thử nhìn lại xem, trong cuộc đời ngắn ngủi hay lê thê làm một giáo viên quèn, bạn có bao giờ gặp một lứa học sinh giống hệt một lứa học sinh trước đó? Trong một lớp học ba bốn chục học sinh hoặc nhiều hơn nữa, không có đứa nào giống đứa nào. Thậm chí, chính cái đứa học sinh ấy, hôm nay rất ngoan ngoãn thông minh, nhưng ngày mai, vào một ngày trái gió trở trời, nó lại thành ra ngạo mạn, hay nhút nhát hay tăng động… Bên trong cái vẻ ngoan hiền thông minh tưởng chừng hoàn hảo của chúng, bao giờ cũng tiềm ẩn những nhân tố phản kháng, hoặc những gót chân Asin mà dù cố gắng đến mấy, bạn cũng không bao giờ hiểu hết. Mỗi ngày, bạn đứng giữa và phải đối phó với hàng ngàn các yếu tố đang không ngừng chuyển động, đổi khác, mâu thuẫn. Chưa kể, cái tri thức mà bạn muốn truyền cho học sinh của mình lại mỗi ngày một khác. Cái mà bạn tưởng đã là chân lý, một mai hóa ra chuyện hoang đường, huyền thoại. Cái bạn cứ tưởng là sai đứt đi rồi, hóa ra, xét trên một phương diện nào đó lại thành ra đúng. Phát ngôn của những đứa lười biếng và láo toét nhất trong lớp, lại có thể chính là những phát ngôn thông thái nhất… Không gì có thể lường trước được trong thế giới của bạn. Chưa kể, bất cứ chiêu trò hay ho nào của bạn hôm nay, ngày mai đã trở nên lỗi thời và nhanh chóng bị lũ học trò tinh quái bắt bài. Chúng suốt ngày chỉ có việc săm soi và nghĩ mưu điều khiển bạn.

Trong một thế giới xoay như chong chóng, nếu thiếu sự sáng tạo, bạn sẽ tự biến mình thành cái máy giảng bài biết đi hay cái máy chấm điểm chạy bằng cơm, biến cuộc sống của mình trở thành ao tù phẳng lặng, hoặc thậm chí trở thành một cái barie cản trở sự sáng tạo của học trò. Tôi đã biết không ít những giáo viên như thế. Ban đầu họ tự nhốt chặt chính mình bằng cách nhất quyết không chịu học thêm cái gì mới mẻ, tiếp đó họ không bao giờ chịu hiểu cho là thế giới đang không ngừng chuyển động còn họ thì đứng im, và cuối cùng, họ cực lực công kích và nhiệt tình cản trở tất cả những gì đang sống và đang chuyển động. Những người thầy như thế, thật tàn nhẫn biết bao và cũng đáng thương hại biết bao. Cái đầu của họ, cũng như trái tim của họ đã quá chật để có thể dung nạp bất cứ cái gì khác biệt.

Chính những ý tưởng sáng tạo và một tâm hồn bay bổng, giàu sức tưởng tượng sẽ thúc đẩy bạn thử nghiệm những thứ điên rồ, làm những điều không thể, dám đi con đường của mình. Nó sẽ là động cơ đốt trong khiến cho bạn làm việc hăng say không mệt mỏi, đồng thời lan tỏa niềm cảm hứng cho học sinh của bạn, để chúng có thể nhân lên những ngọn lửa sáng tạo và nhiệt tình. Bạn dũng cảm đi tìm cái mới, chấp nhận cái mới, bất chấp những khó khăn thậm chí dọa dẫm thậm chí trả giá. Nhưng cái mà bạn có được, đó là bạn chuyển động, bạn sống một cuộc sống đủ đầy thật sự chứ không phải chỉ tồn tại như một cái máy giảng bài hay chấm điểm. Tôi luôn tin rằng, nếu bạn sống tử tế, bạn sẽ gặp những người tử tế. Khi bạn có những ý tưởng sáng tạo, bạn sẽ gặp được những người có đầu óc sáng tạo hoặc chỉ đơn giản là ưa thích những cái mới.

Sự sáng tạo trong nghề nghiệp nhất thiết phải bắt nguồn từ sự trăn trở. Bạn không thể nghĩ ra cái gì đó mới nếu bạn không thực sự day dứt về những cái cũ, băn khoăn về học trò của mình hàng ngày, trước, trong và sau mỗi buổi học, lặn lội mò mẫm để học hỏi và trả giá. Nhưng sự sáng tạo cần được tiếp sức bằng tinh thần lạc quan, bởi thiếu nó, bạn sẽ nhanh chóng từ bỏ. Sự sáng tạo của mỗi cá nhân cần được hỗ trợ bởi một thứ slogan tích cực hơn: Nghề giáo- nghề sáng tạo. Chỉ khi nào cả xã hội cho rằng, nghề giáo viên thực sự là một nghề đòi hỏi sự sáng tạo, một nghề lao động trí óc tinh vi, tổn hao nhiều chất xám và vì vậy xứng đáng được tôn vinh như những nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp, thay vì đơn thuần chỉ là một nghề thủ công, chỉ khi nào chính mỗi người giáo viên cũng tự nhủ được rằng: mình đang làm một công việc sáng tạo, thì lúc đó, giáo dục mới mong đổi mới. Mà ngay cả từ đổi mới, thiết nghĩ, cũng nên được gọi tên theo cách khác, vì nó mòn quá đi rồi.

Nguyễn Thị Ngọc Minh- khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội

Comments