Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Chủ biên sách lên tiếng về bài thơ ‘Thương ông’

Posted: 06 Nov 2014 12:57 AM PST

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, đoạn đầu bài thơ ‘Thương ông’ rất hay, nhưng có một số từ không chuẩn tiếng Việt, gây khó hiểu với học sinh lớp 2 nên phải bỏ. Phần sau rất thú vị, thể hiện tình cảm trong sáng của trẻ con nên thêm vào.

Trước những ý kiến trái chiều, thậm chí bức xúc từ dư luận trước việc bài thơ “Thương ông” trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2, tập 1 bị “làm mới” so với bản trước đây, GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên cuốn sách này đã giải thích.

Trả lời báo Tuổi trẻ, GS Thuyết cho biết bài “Thương ông” trước đây được đưa vào sách giáo khoa lớp 4, trong bộ sách hiện hành nằm ở chương trình lớp 2. Theo nguyên tắc lựa chọn, để đảm bảo yêu cầu về số chữ của một bài tập đọc dạy trong một tiết học (dài tối đa 120-150 chữ), nhóm biên soạn không thể đưa trọn vẹn bài thơ gốc (168 chữ). Nhóm đã chọn cách trích đoạn, lược bớt. 

minhthuyet.jpg

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, đoạn đầu bài thơ ‘Thương ông’ rất hay nhưng có một số từ không chuẩn tiếng Việt, gây khó hiểu với học sinh lớp 2 nên phải bỏ. Ảnh: Quỳnh Trang.

Việc cắt một số câu trong đoạn đầu bài “Thương ông” được GS Thuyết giải thích, dù rất hay nhưng có một số từ không chuẩn tiếng Việt. “Từ “khập khà” (trong câu “Đi phải chống gậy/ Khập khiễng khập khà”) là cách viết của nhà thơ để gieo vần, nó hợp lý khi nằm trong chỉnh thể bài thơ nhưng xét ở mục đích dạy tiếng Việt, đó là từ không chuẩn và khó hiểu với học sinh lớp 2″.

Việc thêm mới phần cuối đoạn thơ, khác với bản trong sách giáo khoa cũ, GS Thuyết trả lời rằng, bài cũ cũng chỉ là trích đoạn chứ không phải trọn vẹn nguyên bản. Phần sau của bài thơ, với chi tiết cháu bé bảo ông nói “Không đau! Không đau!”, và “Móc túi ra: Biếu ông cái kẹo”, dựng lên hình ảnh cậu bé ngộ nghĩnh, có tình cảm trong sáng, cách nghĩ hồn nhiên, rất thú vị. 

“Theo tôi, cái thần của bài thơ nằm ở phần này. Đó là lý do chúng tôi chọn đoạn trích sau… Chúng tôi không hề tùy tiện mà phải nghiên cứu kỹ vì chọn đoạn trích cho học sinh lớp 2 không phải việc dễ”, GS Thuyết nói trên Tuổi trẻ

Trước đó, nhiều người đã phản ứng khá mạnh khi đọc bài thơ “Thương ông” trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2, tập 1 hiện hành. Bản mới bị cắt câu và thêm khổ, khác hoàn toàn bài đã gắn bó với bao thế hệ học sinh.

Một số người bức xúc cho rằng, việc cắt một số câu trong phần đầu khiến bài thơ mới trúc trắc về vần điệu, thiếu hình ảnh thơ ca bóng bảy, khó nhớ, khó cảm nhận. Đoạn bị cắt đi lại là phần thể hiện được rõ ràng nhất cảm xúc của người ông khi nhận được tình yêu thương của cháu trai.

Thêm mới phần cuối của bài gốc với những đoạn đối đáp, vào trích đoạn cho học sinh lớp 2, gây khó nhớ cho những cô cậu học trò còn thiếu kiến thức để có thể hiểu những ngôn từ trúc trắc như thế.

Quỳnh Trang tổng hợp

(Nguồn: vnexpress.net)

Hai ký túc xá bỏ không: Tỉnh Khánh Hòa miễn tiền thuê phòng 10 tháng

Posted: 06 Nov 2014 12:46 AM PST

(Dân trí) – Liên quan đến việc 2 ký túc xá (KTX) hơn trăm tỷ đồng "đói" sinh viên ở Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có cuộc họp bàn và thống nhất miễn phí tiền thuê phòng 10 tháng liền cho sinh viên nào đăng ký ở KTX.


KTX sinh viên Nha Trang bề thế nhưng ít sinh viên đến ở

KTX sinh viên Nha Trang bề thế nhưng ít sinh viên đến ở.


Ngoài ra, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu các cơ quan liên quan phải tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu kinh doanh các dịch vụ quanh KTX; cần có phương án bố trí xe buýt chạy qua các điểm KTX; thử nghiệm đưa xe đạp vào cho sinh viên thuê; kéo các dịch vụ như Internet, điện thoại công cộng vào KTX; tổ chức làm sạch môi trường, môi sinh…


Trước đó như Dân trí đã phản ánh, KTX trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa (thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang) do Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, quy mô 1000 sinh viên, với kinh phí xây dựng 77 tỷ đồng.


Hiện KTX này đã được Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa bàn giao nhưng Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa chưa nhận. Lý do: KTX xa trường không dưới 7km, xa khu dân cư… nên hiện không có sinh viên nào đến ở, lãng phí.


Trong khi đó, KTX sinh viên Nha Trang (xã Vĩnh Ngọc, phía bắc Nha Trang) có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với 4 khối nhà 5 tầng và quy mô 1000 sinh viên. Đã gần một năm nay, sau khi Trung tâm Quản lý nhà và chung cư (thuộc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa) tiếp nhận, KTX sinh viên Nha Trang chỉ khai thác ước đạt 15% công suất nhà. Theo Trung tâm quản lý nhà và chung cư tỉnh Khánh Hòa, nguyên nhân có thể nằm ở chỗ, do KTX xa trường nên sinh viên không quan tâm.


Thủy Nguyên

 

 

(Theo: dantri.com.vn)

Bộ GD-ĐT thành lập Trung tâm Truyền thông giáo dục

Posted: 05 Nov 2014 11:47 PM PST

(Dân trí) – Ngày 6/11, tại buổi giao ban Bộ GD-ĐT, ông Bùi Mạnh Nhị – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Trung tâm Truyền thông giáo dục thuộc Văn phòng Bộ GD-ĐT.

Trung tâm
Truyền thông giáo dục được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Phòng Báo chí Tuyên
truyền thuộc Văn phòng Bộ. Trung tâm
Truyền thông giáo dục có chức năng giúp Chánh Văn phòng theo dõi hoạt động báo
chí của ngành; cập nhật thông tin báo chí phản ánh về ngành để thông tin kịp
thời cho Lãnh đạo Bộ và các tổ chức thuộc Bộ; phối hợp với các cơ quan thông
tấn, báo chí và các cơ sở giáo dục và đào tạo để tổ chức hoạt động thông tin,
tuyên truyền phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng và hoạt động của
ngành; tổ chức dịch vụ truyền thông giáo dục theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Vụ
trưởng Vụ tổ chức cán bộ cũng đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về
việc thành lập Văn phòng Đảng-Đoàn thể trực thuộc Bộ GD-ĐT. Văn phòng Đảng –
Đoàn thể trực thuộc Bộ GD-ĐT được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đảng
ủy với Văn phòng Công đoàn cơ quan Bộ và Văn phòng Đoàn thanh niên. Văn phòng Đảng – Đoàn thể có nhiệm vụ tham mưu
giúp Đảng ủy Bộ, Công đoàn cơ quan Bộ, Đoàn Thanh niên về công tác Đảng theo
quy định tại Quy định số 215-QĐ/TW ngày 15/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Nhân dịp này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tăng hoa
chúc mừng đồng chí Nguyễn Thiện Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng được
Chủ tịch nước thăng quân hàm Thiếu tướng.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tăng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Thiện Minh
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tăng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Thiện Minh

Cũng tại buổi họp
sáng nay, Bộ GD-ĐT công bố các quyết định của Bộ trưởng về việc nghỉ hưu để
hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho các đồng chí Phan Thị Lan Anh – Phó Vụ Trưởng
Vụ GDMN, đồng chí Chử Đức Nhã – Phó Chánh Văn phòng Bộ, đồng chí Trương Duy
Phúc – Phó Cục trưởng; quyết định về việc thôi giữ chức vụ quản lý cho đồng chí
Phan Văn Kha – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Đăng Lương

(Theo: dantri.com.vn)

Cụ ông 81 tuổi đăng ký thi cao học

Posted: 05 Nov 2014 10:15 PM PST

(Dân trí) – Năm nay 81 tuổi, cụ ông Lê Phước Thiệt (sinh năm 1933, ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vừa đến Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) để đăng ký dự thi cao học. Được biết, cụ Thiệt từng tốt nghiệp đại học ở Mỹ khi đã gần 70 tuổi.

Ông Lê Phước Thiệt đến đăng ký dự thi cao học tại ĐH Duy Tân (Đà Nẵng)

Cụ ông Lê Phước Thiệt đến đăng ký dự thi cao học tại ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).

Tôi thích câu nói "không bao giờ là quá trễ"


Khi nghe bác của mình là cụ ông Lê Phước Thiệt (81 tuổi) nói muốn đi thi cao học, ông Nguyễn Đình Ba – cháu cụ Thiệt, người đầu tiên trong nhà được cụ Thiệt chia sẻ ý định hết sức ngạc nhiên.

 

"Không riêng chi tôi, mà cả nhà ai cũng bất ngờ vì ở tuổi này rồi mà bác tôi vẫn còn muốn đi học" – ông Ba nói.

 

Còn với cụ Thiệt, cụ cho việc này là hết sức bình thường. "Tôi thích câu nói "không bao giờ là quá trễ"" – cụ Thiệt chia sẻ phương châm sống mà ông tâm đắc.

 

Qua trò chuyện, chúng tôi thấy quả thật cụ Thiệt nói là làm thiệt. Định cư ở Mỹ một thời gian dài vừa đi làm vừa tự học, đến khi sắp xếp được, cụ bắt đầu đi học và tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tài chính ở Mỹ vào năm 2001 khi đã gần 70 tuổi.

Tốt nghiệp đại học ở tuổi 70, cụ Thiệt bắt đầu muồn trở về Việt Nam. "Ở tuổi gần đất xa trời, tôi như con cá hồi lội ngược dòng muốn về quê cũ. Quê tôi ở Đại Lộc, Quảng Nam". Vừa về quê hẳn hồi năm ngoái (2013), năm nay, cụ Thiệt đăng ký đi thi cao học.


Theo quy định, ngoại trừ môn Ngoại ngữ được miễn vì cụ Thiệt đã có bằng đại học toàn phần ở nước ngoài, cụ phải dự thi 2 môn chuyên ngành để thi vào cao học ngành Quản trị Kinh doanh ở ĐH Duy Tân


"Ở tuổi đó, ông cố, ông nội còn muốn đi học. Con trẻ không lý gì mà lười học"


"Ông có thấy áp lực khi phải ôn thi và dự thi không ạ?" – chúng tôi hỏi. Cụ Thiệt nói giọng hào sảng: "Không, tôi thấy hoàn toàn thoải mái. Tôi đâu thi cử, học hành vì cơm áo, danh vị gì nữa mà áp lực. Tôi đi học trước hết là cho bản thân mình. Tôi học để trí não được "tập thể dục", giữ cho tinh thần minh mẫn. Cũng như sức khỏe của mình, mình phải tập thể dục, thấy đau yếu chỗ nào là đi khám bệnh liền. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tôi muốn học về Triết học ở cái tuổi chiêm nghiệm cuộc đời. Nhưng ở đây tôi đăng ký ngành Quản trị Kinh doanh, phù hợp với chuyên ngành đại học của tôi. Không có cơ hội học Triết, tôi hơi tiếc. Tôi đọc sách vậy".


Ông Lê Phước Thiệt đến đăng ký dự thi cao học tại ĐH Duy Tân (Đà Nẵng)

“Ở tuổi mình, tôi đâu còn thi cử,học hành vì cơm áo, danh vị gì nữa mà áp lực. Tôi học trước hết là cho bản thân mình” – cụ Thiệt chia sẻ.

Về phía người nhà, ông Ba – cháu cụ Thiệt nói dù bất ngờ nhưng gia đình luôn luôn ủng hộ và tin tưởng bác. Ngoài 80 tuổi, cụ Thiệt vẫn rất mạnh khỏe, minh mẫn. Điều này có thể nhận thấy khi chúng tôi có duyên được gặp và nghe cụ chuyện trò.  


Khi chúng tôi bày tỏ muốn chia sẻ câu chuyện của cụ trên báo, cụ Thiệt nói rằng cụ không muốn lên báo.

 

"Tôi thấy việc của tôi hết sức bình thường. Tôi mới đăng ký dự thi thôi. Tôi đã đỗ vào cao học đâu" – cụ Thiệt nói.

Nhưng chúng tôi mạo muội xin phép cụ Thiệt được chia sẻ câu chuyện đến bạn đọc như là một câu chuyện người thật việc thật về tấm gương học tập suốt đời của cụ.


"Người ta nói ra đường hỏi người già, về nhà hỏi trẻ nhỏ. Ông có muốn nhắn nhủ gì với những người trẻ không ạ?"- chúng tôi hỏi. Cụ Thiệt trải lòng: "Tôi không dám nhắn nhủ ai. Nhưng ở ngay trong nhà mình. Tôi vui vì các con tôi học hành đỗ đạt, thành người có ích cho xã hội, đúng câu: "con hơn cha, nhà có phúc".


Và con tôi khi dạy các cháu, chắt tôi (cụ Thiệt đã có cháu gọi bằng cố), có thể nói với bọn trẻ rằng ở tuổi đó, ông cố, ông nội còn muốn đi học. Con trẻ như thế không có lý gì mà lười học".


Khánh Hiền


 

(Theo: dantri.com.vn)

Học sinh 3 miền hào hứng đăng ký tham gia cuộc thi “Chinh Phục Vũ Môn”

Posted: 05 Nov 2014 09:30 PM PST

Chỉ sau ba tuần được phát động, cuộc thi Chinh Phục Vũ Môn do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Hội đồng Đội TW, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng công ty CP Trò chơi giáo dục trực tuyến (Egame) tổ chức đã tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng giáo dục.

Theo thống kê trên trang chủ cuocthi.cpvm.vn, tổng số học sinh đăng ký đã lên đến hơn 6.000 em đến từ 1216 trường THCS thuộc tất cả 63 tỉnh/thành trong cả nước. Số lượng thí sinh ghi danh tham gia cuộc thi vẫn tăng lên từng ngày.


Ông Phạm Ngọc Thập – Giám đốc Đối ngoại công ty Egame cho biết "Hiện tại, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều đăng ký triển khai cuộc thi từ các tỉnh/thành phố trên cả nước, trong đó có khá nhiều trường ở các tỉnh, khu vực nông thôn, miền núi. Đây là động lực to lớn để BTC chúng tôi nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể đem đến cho các em học sinh một sân chơi mới bổ ích, lành mạnh và hấp dẫn."



Số lượng thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi trên trang cuocthi.cpvm.vn tăng lên chóng mặt

Số lượng thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi trên trang cuocthi.cpvm.vn tăng lên chóng mặt.

Tính đến đầu tháng 11/2014, Bắc Ninh đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi với hơn 600 em. Trong top 5 tỉnh/thành phố có số lượng học sinh đăng ký tham gia đông nhất còn vinh danh các tỉnh/thành như Quảng Ngãi, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định. Ngoài ra, CPVM cũng đã được đưa vào hệ thống 42 cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi trên toàn khu vực phía Nam như một hình thức giải trí, học tập bổ ích và chính thống.


Em Vũ Khánh Linh, học sinh lớp 8D trường THCS Ngọc Châu, Hải Dương chia sẻ "Ở trường em có rất nhiều bạn đăng ký tham gia cuộc thi CPVM. Chúng em vẫn tự luyện tập và thi đấu với nhau để cọ sát và có thêm kinh nghiệm trước khi cuộc thi chính thức diễn ra."



Khánh Linh tranh thủ thời gian rảnh để luyện Chinh Phục Vũ Môn

Khánh Linh tranh thủ thời gian rảnh để luyện Chinh Phục Vũ Môn.

"CPVM có cách chơi đơn giản, thiết kế dễ thương, tiết tấu nhanh, thời gian một ván chơi không quá dài, rất phù hợp với lứa tuổi học trò". Đó là chia sẻ của em Hoàng Minh Tuấn, học sinh lớp 6 trường THCS Phú Hải, Quảng Bình.


Với khả năng trải nghiệm trên nhiều thiết bị khác nhau, các em học sinh sẽ dễ dàng luyện tập, thực hiện phần thi của mình trên máy vi tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối của internet một cách nhanh chóng và tiện lợi, không cần quan tâm nhiều về điều kiện kỹ thuật như mạng yếu, thiếu thốn máy vi tính ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.



Học sinh có thể tham gia cuộc thi bằng máy vi tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh

Học sinh có thể tham gia cuộc thi bằng máy vi tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh.

Cuộc thi sẽ chính thức mở màn vào ngày 1/12/2014. Ngay từ bây giờ, các em học sinh đã có thể đăng ký tham gia trên trang chủ cuocthi.cpvm.vn để trải nghiệm và luyện tập CPVM.


Ban Tổ chức cũng cho biết hiện Hải Dương đang là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai cuộc thi tới tất cả các em học sinh THCS trên địa bàn. Dự kiến, trong thời gian tới, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, TPHCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng sẽ là những tỉnh/thành tiếp theo tổ chức tập huấn và thi thử cuộc thi lý thú này.


Mọi chi tiết về cuộc thi được cập nhật tại: cuocthi.cpvm.vn       


 

(Theo: dantri.com.vn)

“Xuất khẩu” giáo sư, tiến sĩ: Tại sao không?

Posted: 05 Nov 2014 09:01 PM PST

Nếu xuất khẩu được giáo sư, tiến sĩ thì cứ xuất bởi nó vừa giải quyết lao động dư thừa vừa tiếp tục đào tạo năng lực cho đội ngũ này.

Có thừa thì cứ xuất


Theo một số liệu thống kê năm 2013 – 2014, cả nước có khoảng 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ. Bởi số giáo sư, tiến sĩ Việt Nam “nhiều nhất Đông Nam Á” như chia sẻ của Phó Tổng thư ký liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phạm Bích San nên có nhiều ý kiến đề xuất rằng nên “xuất khẩu” một phần đội ngũ này ra nước ngoài học tập và làm việc.


PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, hiện Việt Nam đã có đưa nhiều nông dân sang các nước vừa để hỗ trợ nông dân nước bạn kỹ thuật trồng lúa vừa nâng cao thu nhập cho bản thân. Tương tự, cũng có nhiều nhà khoa học ra nước ngoài làm việc và mang lại danh tiếng cho Việt Nam. Đặc biệt, đội ngũ giáo sư, tiến sĩ (GS, TS) Việt Nam đang thừa một cách tương đối, có một tỷ lệ lớn được đào tạo không chuẩn, thiên về lý thuyết, chất lượng dưới mức trung bình so với quốc tế.


Bởi vậy, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam: “Ở Việt Nam cứ nói rất hay, rồng bay phượng múa về chính sách sử dụng nguồn nhân lực nhưng làm lại rất dở vì nó không hề cụ thể, cứ nói nguyên tắc, nguyên lý thế thôi. Nếu xuất khẩu được GS, TS thì cứ xuất, ai có khả năng chuyên môn mà nước ngoài sử dụng được thì nên tạo điều kiện cho họ đi. Đi làm cũng là đi học, để họ ra nước ngoài là giúp họ phát huy năng lực, tạo ra thu nhập tốt hơn, từ đó có tác động trở lại đối với các cơ quan quản lý trong nước, để cơ quan quản lý thấy rằng họ cầm vàng trong tay mà không biết là vàng, từ đó phải thay đổi chính sách”.


Đồng quan điểm với ông Nam, PGS. TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính Học viện Hành chính quốc gia cũng cho rằng, di chuyển nhân lực là một xu thế tất yếu trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.


“Ngay trong khối EU đã có quy định rằng, mỗi cán bộ công chức làm việc trong các bộ máy nhà nước phải luân phiên có một nhiệm kỳ làm việc trong tổ chức quốc tế. Bởi thế, để các GS, TS Việt Nam tham gia vào môi trường làm việc quốc tế là điều cần thiết, tất nhiên cách làm cụ thể thế nào cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Nó cũng là điều kiện để nâng cao trình độ cán bộ khoa học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới”, ông nói.



PGS.TS Lê Anh Vinh (

PGS.TS Lê Anh Vinh (giữa ảnh) tại lễ vinh danh các GS, PGS năm 2013. Sau một thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài, anh trở về công tác tại trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội.

 

Theo Viện phó Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, năng lực thực chất của các GS, TS Việt Nam chính là khó khăn lớn nhất khi họ tham gia vào môi trường quốc tế, nói cách khác, đội ngũ này khó đáp ứng được các tiêu chuẩn làm việc của quốc tế.

“Đầu tiên chính là trình độ ngoại ngữ không tốt khi cứ chạy theo một số chứng chỉ nhất định, kế đó là chuyên môn lâu nay phát triển chưa đi vào thực chất, chạy theo hư danh nhiều.


Thực tế, những năm qua, lượng GS, TS Việt Nam ra nước ngoài làm việc rất ít. Thậm chí, tôi được biết có những GS không có điều kiện đi nước ngoài, cố gắng lắm thì được vài buổi tham quan, khảo sát, tìm hiểu.


Ngay như hồi tôi còn làm Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, việc trao đổi GS, TS với thế giới gần như không có. Chúng tôi chỉ có thể mời họ sang một số buổi, nói gì đều thông qua phiên dịch hay chỉ tổ chức một số buổi có tính chất khảo sát trong một vài tuần ở nước ngoài, nghe cán bộ nước bạn báo cáo, tham quan là chính, còn để nâng cao trình độ thì rất hạn chế. Bởi vậy, tạo ra môi trường cho cán bộ khoa học Việt Nam phát triển là rất quan trọng”.


Trước nỗi lo lắng về tình trạng chảy máu chất xám, GS, TS ra nước ngoài không trở về nữa, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri trấn an: “Tôi ở nước ngoài nhiều, thấy rằng không ai không có tình cảm với đất nước, vấn đề là các nhà quản lý trong nước có tạo điều kiện cho họ cống hiến hay không. Tháp nhu cầu của Maslow cũng đã chỉ rõ, nhiều khi những người này không phải vì vấn đề vật chất hoàn toàn mà họ cần được cống hiến, cần được xã hội thừa nhận”. Do đó, theo ông Tri, nếu đưa được các GS, TS Việ Nam còn tương đối trẻ ra nước ngoài làm việc, sau 5-10 năm khi chính sách về nhà ở, công việc… ở Việt Nam đã cải thiện, họ sẽ trở về và tham gia vào việc thúc đẩy đất nước phát triển.


Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cũng không mấy lo lắng về tình trạng này bởi trước nay đã chảy máu chất xám rồi. “Cán bộ khoa học học ở nước ngoài về, thấy thu nhập quá thấp, lương nhà nước không đủ sống, họ lại không phát huy được kiến thức mình đã học vậy thì cứ để họ làm ở chỗ khác giúp họ phát huy tốt hơn, thu nhập cao hơn”. Do đó, theo ông Nam, nếu Việt Nam “xuất khẩu” GS, TS mà họ trở về thì là điều tốt, còn nếu không cũng chẳng sao.


Học Hàn Quốc cách dùng người


Khi PGS. TS Nguyễn Văn Nam còn làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, hàng năm Viện được giao chỉ tiêu đào tạo 10 tiến sĩ mỗi năm, thời gian đào tạo là 4 năm. Tuy nhiên, Viện thường không đạt chỉ tiêu, có chăng được dăm bảy người.


“Có tình trạng là cứ cử nhân viên đi nước ngoài đào tạo, đến hạn về thì họ đi hết. Từ thời tôi còn làm viện trưởng, cử mấy người đi Mỹ, Úc, Hà Lan… học tập, giờ chẳng ai quay về. Khi họ đi thì viện không quản lý nữa, sau cơ quan nhà nước nào quản lý tôi cũng chẳng biết. Họ học xong, người làm ở nước ngoài, người về nước làm cho các tổ chức quốc tế chứ cũng chẳng làm cho viện”, ông Nam chia sẻ.


Ông Nam cho rằng, việc sử dụng người tài thế nào không tùy thuộc vào chính sách, bởi chính sách quá chung chung, mà mang tính cá nhân nhiều hơn, nói cách khác là tùy thuộc vào thủ trưởng của từng đơn vị.


“Ai biết dùng người tài thì biết cách đối xử, biết lôi kéo và xếp việc tốt hơn cho người ta. Nhưng những ông sếp biết dùng người hiếm lắm, dăm bảy ông mới được một”.


Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho rằng, Việt Nam cần học Hàn Quốc cách dùng người. Theo đó, từ thời Tổng thống Park Chung Hee, những cán bộ đi học tập ở nước ngoài về bao giờ cũng được trả lương gấp 5 lần người đào tạo ở trong nước và bố trí vào các vị trí cần thiết. Khi có đa số những người có năng lực như vậy thì tư duy, phong cách làm việc sẽ thay đổi và thúc đẩy sự phát triển.


“Về lý thuyết, tiên tiến bao giờ cũng là thiểu số. Do đó, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, là điểm nút đột phá cho sự phát triển. Những người có năng lực không chấp nhận thủ trưởng yếu hơn họ hoặc không biết sử dụng họ”, ông Tri đánh giá.


Hiện tại, ở vị trí Viện phó Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, PGS. TS Nguyễn Hữu Tri thường tổ chức cho các cán bộ tham gia các chương trình du lịch học tập, du lịch nghiên cứu ở nước ngoài.


“Không có nhiều tiền thì chúng tôi tổ chức các chuyến đi ngắn ngày. Ví dụ, mỗi chuyến đi Singapore, Malaysia kéo dài 5-7 ngày, chúng tôi liên hệ với một số trường đại học của họ. Trong tour sẽ có 2 ngày đến các trường này, chúng tôi tham quan thư viện, giảng đường, nghe cán bộ trường trao đổi, cung cấp thông tin… Với trường ở Thái Lan, hàng năm họ gửi một danh sách các ngành đào tạo, Viện sẽ cử cán bộ sang đó học tập khoảng 1 tháng. Khi sang đó, tự khắc họ phải nâng cao năng lực ngoại ngữ của mình vì giáo viên giảng dạy là người nước ngoài”, ông cho biết.


PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh, quan trọng là các cơ quan trong nước phải có chính sách dùng người cho tốt, không thể cứ tùy tiện, nhận rồi để đấy, nếu không người tài sẽ bỏ đi hết.

 

Theo Thành Luân

Đất Việt

 

 

(Theo: dantri.com.vn)

Lễ ký kết xây dựng học bổng VNUA

Posted: 05 Nov 2014 07:45 PM PST

Nhân dịp khai giảng năm học 2014 – 2015, tối ngày 31 tháng 10 năm 2014, tại sân vận động sinh viên thuộc Học viện Nông nghiệp (trước là Đại học Nông nghiệp) đã diễn ra lễ ký kết thành lập quỹ học bổng VNUA giữa Tập đoàn Đức Hạnh BMG và Học viện Nông nghiệp.

Buổi lễ có sự chứng kiến của  hơn 2 ngàn sinh viên cùng nhiều khách mời; Ban giám hiệu, các thầy cô Học viện Nông nghiệp; Ban lãnh đạo cùng các thành viên Tập đoàn Đức Hạnh BMG, các cơ quan truyền hình, báo chí.

Lễ ký kết xây dựng học bổng VNUA


Thay mặt Tập đoàn, CTHĐQT,Tiến sỹ Trần Đức Hạnh đã trao tặng 100 suất học bổng với trị giá 800 triệu đồng cho thực tập sinh Học viện, bà Trần Thị Tuyết – Phó Tổng giám đốc tài chính trao 100  suất học bổng trị giá 800 triệu đồng cho học sinh khoa Thú y và Thạc Sỹ Đỗ Tất Đạt đã trao 200 triệu đồng cho quỹ VNUA.

 


Lễ ký kết xây dựng học bổng VNUA

Sau chương trình  là buổi giao lưu của Tiến Sỹ Trần Đức Hạnh với các sinh viên Học viện về "Con đường đi đến thành công"


Với hai bàn tay trắng và ý chí không ngừng học hỏi vươn lên, từ một cậu học sinh nghèo, Tiến sỹ Trần Đức Hạnh đã tốt nghiệp 2 bằng cử nhân "Kỹ sư chăn nuôi" và " Kỹ sư thú y".


Năm 2007, Tiến sỹ Trần Đức Hạnh thành lập Công ty thuốc Thú y Đức Hạnh Marphavet. Tiếp đó, Tiến sỹ Trần Đức Hạnh thành lập Tập đoàn Đức Hạnh BMG bao gồm: Công ty Cp thuốc Thú y Đức Hạnh Marphavet, Công ty Nanovet, Công ty CP BMG, Công ty HDH và đặc biệt là Công ty Cp rượu Đức Hạnh BM. 


Lễ ký kết xây dựng học bổng VNUA


Trên cương vị là Chủ Tịch HĐQT, Tiến Sỹ Trần Đức Hạnh được mọi người kính trọng không chỉ vì là một doanh nhân thành đạt mà còn là một người có cái Tâm. Chính TS. Trần Đức Hạnh đã là người viết lên và thực hiện triết lý kinh  doanh mang đậm văn hóa BMG: "Base mind good – lấy Tâm Đức làm nền tảng" và đây cũng là phương châm hoạt đông của Tập đoàn BMG.


Tiến Sỹ Trần Đức Hạnh không những được đánh giá là một hiện tượng của làng thú y Việt Nam mà còn được biết đến với vai trò là một nhà quản trị chuyên nghiệp, một nhà quản lý với nhiều sáng tạo đột phá, một chuyên gia đào tạo nhân sự cho các doanh nghiệp và là một diễn giả thường được các trường đại học mời đào tạo kỹ năng mềm và định hướng cho sinh viên Việt Nam


Bằng thực tiễn của cuộc đời, bằng nguồn trí thức phong phú và lối truyền đạt vui nhộn và dễ gần.Buổi giao lưu đã nhận được sự cổ vũ, ủng hộ nhiệt tình của hơn hai ngàn sinh viên và hàng trăm khách mời.


 

(Theo: dantri.com.vn)

“Cuộc đời thay đổi khi… tiếng Anh của tôi thay đổi”

Posted: 05 Nov 2014 06:04 PM PST

"Tôi luôn phải cố gắng gấp 10 lần các bạn chỉ để tập phát âm cho rõ ràng, ngay cả với tiếng Việt. Tay tôi không thể linh hoạt để ghi chép bài giảng nên chẳng có gì ôn bài khi kết thúc buổi học" – Là một sinh viên khuyết tật bẩm sinh, Phan Thanh Tùng, sinh viên năm cuối Học viện Bưu chính viễn thông hiểu hơn ai hết sự khác biệt giữa mình và các bạn đồng trang lứa.

Nhưng nhờ nỗ lực, chỉ sau 1 năm bền bỉ học tiếng Anh, từ con số 0 tròn trĩnh, Tùng đã đạt thành tựu không ngờ: 6.0 IELTS…



Phan Thanh Tùng trong lễ khai giảng khóa học AE14 và JE2 của Smartcom

Phan Thanh Tùng trong lễ khai giảng khóa học AE14 và JE2 của Smartcom.

Chiến thắng giới hạn của bản thân


Ngay từ những ngày đầu học cấp 2, Phan Thanh Tùng đã được làm quen với tiếng Anh. Nhưng "mối duyên" nở sớm ấy không giúp trình độ tiếng Anh của Tùng xán lạn. Vì ngay từ đầu, Tùng đã không thích. Càng ghét hơn khi Tùng là một học sinh khuyết tật bẩm sinh với đôi chân và đôi tay không cử động được bình thường, lưỡi Tùng ngắn và cứng hơn các bạn nên phát âm rất khó.


Mãi đến cuối năm thứ hai đại học, lời khuyên của một thầy giáo trong trường đã khơi lên khao khát du học trong Tùng: "Thầy khuyên tôi cố gắng du học để học thạc sĩ và tiến sĩ. Nếu tiếng Anh tốt, thầy sẽ giúp tôi tìm học bổng. Với một sinh viên công nghệ, du học Nhật hay Mỹ đều là miền đất hứa. Nhưng… tiếng Anh của tôi gần như mất gốc, tôi nhận ra mình phải thay đổi".         


Cánh tay Tùng không thể cử động linh hoạt như các bạn, không thể ghi chép được bài giảng, "chẳng có gì để đọc lại và ôn bài sau khi kết thúc buổi học. Tôi luôn phải tập trung cao độ vào mọi bài giảng, để rồi khắc sâu chúng vào đầu óc mình. Tập trung và ghi nhớ là lựa chọn duy nhất của tôi". Trở ngại nữa là Tùng không thể phát âm tròn vành rõ tiếng vì lưỡi ngắn và cứng. Mỗi ngày Tùng dành 2 giờ học tiếng Anh. Liên tục suốt 1 năm Tùng lao vào nghe – nói – đọc – viết tiếng Anh không ngừng nghỉ để chiến thắng rào cản của chính cơ thể mình. Sau 1 năm nỗ lực vượt lên số phận, Tùng đã đạt trình độ tiếng Anh cao trung cấp (upper-intermediate), thi đỗ vào lớp IELTS Special của Smartcom với điểm đầu vào đạt 6.0 IELTS. Tùng  có thể xem phim tiếng Anh mà không cần phụ đề, đọc báo tiếng Anh và giúp bạn luyện thi TOEIC.



Tùng tập trung cao độ lắng nghe thầy giảng

Tùng tập trung cao độ lắng nghe thầy giảng.

Học tiếng Anh đúng và thông minh


Với Tùng, thành công ngoạn mục này có hậu thuẫn lớn từ những người thầy giàu kinh nghiệm và phương pháp học tiếng Anh thông minh tại Smartcom – đơn vị tiên phong ứng dụng hybrid learning vào đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam. "Những người thầy tâm huyết ở Smartcom đã đem cái "tâm" của nghề để truyền lửa cho chúng tôi".



Phan Thanh Tùng và thầy Nguyễn Anh Đức

Phan Thanh Tùng và thầy Nguyễn Anh Đức.

Chương trình hybrid learning tại Smartcom kết hợp linh hoạt giữa việc lên lớp học trực tiếp với giảng viên và học trực tuyến, chủ động trong mọi không gian và thời gian. Nhờ thế, Tùng bắt đầu lấy lại thiện cảm với tiếng Anh: "Tôi thích nghe các bản tin trên mục bài học hàng ngày của website www.smartcom.vn. Tôi  nghe nó đều đặn mỗi ngày, và sau đó tôi xem bài dịch của bản tin đó để đảm bảo mình hiểu đúng và hiểu sâu mọi bản tin. Sau đó tôi tận dụng triệt để công cụ chép chính tả ở trên website. Tôi nghe phần lời nói, rồi nhanh chóng đánh máy lại các cụm từ tiếng Anh rất rất nhiều lần…".


Con đường du học đã hé mở từ khi trình độ tiếng Anh của Tùng thay đổi. Ước mơ vươn xa đến những chân trời mới của Tùng bước đầu đã dần thành hiện thực. Đó là niềm hạnh phúc không chỉ của gia đình Tùng, mà còn là niềm vui của đội ngũ những người thầy, những học viên Smartcom, khi mang niềm tin cuộc sống đến những người kiên trì như Tùng tiếp tục ước mơ và thực hiện ước mơ của mình. Tháng 1/2015 sắp tới, Tùng sẽ chính thức dự thi IELTS tại Hội đồng Anh, hi vọng ở bài thi IELTS này, Tùng sẽ đạt từ 7.0 trở lên. Sau nững nỗ lực không mệt mỏi, Tùng xứng đáng gặt hái được thành công như vậy.


 

(Theo: dantri.com.vn)

Giảng đường lếch thếch vì thời trang “biến dạng”

Posted: 05 Nov 2014 05:39 PM PST

(Dân trí) – Nhiều trường đại học cấm sinh viên, giảng viên mặc quần jeans. Nhưng trên thực tế, quần jeans "chẳng là gì" so với đủ kiểu thời trang có thể gọi là "biến dạng" của sinh viên.

Giảng đường nhiều trường ĐH đang trở nên lếch thếch vì… trang phục của sinh viên

Khuôn viên nhiều trường đại học đang trở nên lếch thếch vì… trang phục của sinh viên.



Thời trang sinh viên "biến dạng"


Gần 1 giờ chiều, trước cổng Trường ĐH V, TPHCM tấp nập sinh viên (SV) đổ về chuẩn bị cho giờ vào lớp. Chỉ 10 – 15 phút quan sát đã thấy vô số kiểu thời trang "quái dị" của SV khi đến trường.


Những chiếc quần đũi ngắn cũn cỡn tưởng rằng chỉ có thể để mặc ở nhà hoặc khi đi pinic được rất nhiều nữ sinh chuộng dùng. Nhiều cô gái mặc kèm với áo quây, áo hai dây rồi thêm một chiếc áo khoác lùng bùng bên ngoài. Có nữ sinh lại kết hợp với chiếc áo sơ mi đủ dài chạm đến mép quần. Quần quá ngắn nên nhìn từ phía sau da thịt của không ít nữ sinh lộ cả những chỗ nhạy cảm.


Nhiều cô gái kết những kiểu quần túm ngang túm dọc, rộng thùng thình kiểu Alibaba kết hợp với những đôi dép lê đủ màu sắc Hợp tông với phong cách này dường như chỉ là áo hai dây, ba lỗ được các bạn che bằng chiếc áo khoác mỏng bên ngoài.


 

Không chỉ nữ sinh, nam sinh của trường cũng gây "chóng mặt" với đủ kiểu phong cách thời trang lập dị. Có anh chàng cao dong dỏng với mái tóc được nhuộm màu xanh lẫn vàng cắt mái dài. Chiếc quần jeans hoa văn loang lổ bó sát người kết hợp với chiếc áo thun bó đủ màu sắc. Đặc biệt, chiếc áo thun này chỉ có một ống tay áo, còn phía bên kia trần vai, chiếc áo nằm chéo qua ngực.

Phong cách quần ngố được xếp lệch ống ngắn ống cao cũng được nhiều nam sinh ưa chuộng. Các loại áo sơ mi hay áo thun cũng được "cách tân" với đủ bộ dạng như trước khoét ngắn cũn, sau dài chấm đuôi.


Ngôi trường này có những ngành mang dang dấp "nghệ thuật" nên dường như mặc định cho SV những kiểu ăn mặc như vậy là bình thường, thậm chí như vậy mới là phong cách. Cho dù phong cách đó thật khó để gọi tên được là phong cách gì.


"Loạn" giá trị thẩm mỹ


Một giảng viên Trường ĐH Văn hóa TPHCM chia sẻ giảng đường hiện nay bị nhiều SV biến thành sàn diễn thời trang với những phong cách "biến dạng". Từ quần áo cho đến nhiều loại phụ kiện lắc tay, lắc chân, dây đeo cổ, túi xách… rất phản cảm.


Ở giảng đường cũng có thể thấy sự xuất hiện rầm rộ của trang phụ "phi giới tính" như nam sinh đeo khuyên tai, túi xách xúng xính…, không thiếu những bạn tô son đỏ chót. Đặc biệt SV ở những ngành liên quan đến nghệ thuật, họ thể hiện một cách thái quá như một cách khẳng định cá tính cá nhân mà không chú ý đến văn hóa học đường.



Thẩm mỹ của nhiều sinh viên có xu hướng

Thẩm mỹ của nhiều sinh viên có xu hướng "nhập ngoại" một cách thiếu định hướng.


Tuy nhiên, không chỉ ở những trường có các ngành liên quan đến nghệ thuật mới có xuất hiện thời trang như "mó bòng bong". Đến hầu hết các trường ĐH, kể các các trường phần lớn đào tạo các ngành nghiêm túc như sư phạm, khoa học, kỹ thuật cũng có không khó để thấy những trang phục "khó nhìn" của SV như những chiếc áo voan mỏng tanh nhìn xuyên thấu, áo thun ba lỗ, quần ôm sát cơ thể, đi dép lê…


Cách ăn mặc nhiều SV đã làm giảng đường ĐH mất đi nề nếp môi trường học đường, thậm chí trở nên nhếch nhác lếch thếch. Điều này xuất phát từ thực tế các trường ĐH ít đặt ra yêu cầu khắt khe về đồng phục khi đến trường, chủ yếu quy định chỉ mang tính nhắc nhở.


Khi tình trạng SV ăn mặc phản cảm xuất hiện nhiều ở giảng đường, nhiều trường phải đặt ra những quy định về trang phục "chuẩn" cho SV lại gây ra nhiều tranh cãi.


Theo đánh giá của của một số chuyên gia văn hóa, hiện tượng thời trang SV "biến dạng" là do giới trẻ ngày ngay ảnh hưởng từ nhiều phong cách thời trang từ bên ngoài nhưng lại thiếu một định hướng thẩm mỹ. Thậm chí họ bị loạn về giá trị thẩm mỹ, nhìn nhận sai lệch về cái đẹp. Nhiều bạn trẻ cho rằng phải cách tân, khác người hay hở hang mới là đẹp… Họ không còn biết đâu là giới hạn nên đã tự biến mình thành khác người và ảnh hưởng tới môi trường học đường.


Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho rằng chương trình giáo dục thẩm mỹ trong trường học từ mầm non lên phổ thông của chúng ta chưa hợp lý. Giáo dục chỉ mới tập trung dạy kỹ năng, kỹ thuật mà bỏ quên việc hướng dẫn thế hệ trẻ hiểu về ngôn ngữ, về những giá trị của nghệ thuật, giá trị của cái đẹp.


Hoài Nam

 

 

(Theo: dantri.com.vn)

Tri ân 56 tấm gương thầm lặng đóng góp tài trí xây dựng Tây Bắc

Posted: 05 Nov 2014 05:24 PM PST

(Dân trí) – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chương trình góp thêm một lời cảm ơn của đồng bào cả nước đối với những người con bình dị, đại diện cho hàng vạn người Việt Nam đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, đóng góp tài trí vào sự phát triển chung của Tây Bắc.

Tối 5/11, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Chương trình  "Nghĩa tình Tây Bắc".


Tham dự Chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.




Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc chương trình.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc chương trình.


Chương trình gồm 3 phần: Phần thứ nhất với chủ đề "Tây Bắc nơi hội tụ những sắc màu văn hóa"; Phần thứ hai là lễ tôn vinh 56 đại biểu (2 đại biểu là gương điển hình tiên tiến trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, kỹ thuật, bộ đội biên phòng… 1 đại biểu là thương binh tiêu biểu, 1 đại biểu đại diện cho gia đình liệt sĩ tiêu biểu. Phần thứ ba là chương trình nghệ thuật với 3 chương gồm “Linh thiêng trời Tây Bắc", “Tây Bắc tự hào vùng đất biên cương", "Những trái tim hồng trên vùng cao Tây Bắc".


56 đại biểu điển hình là bộ đội, giáo viên, y, bác sỹ, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là những cán bộ trên các lĩnh vực có nhiều năm gắn bó, tâm huyết, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nơi vùng cao, biên giới Tây Bắc.




Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ trao quà tặng các thương binh và gia đình liệt sỹ vùng Tây Bắc.


Đó là những đại biểu điển hình như: Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Lói (xã Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) luôn hăng say trong công tác, đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện; Cô giáo Ma Thị Hoa, Trường Mầm non xã Tát Ngà (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang); Cán bộ văn hóa xã Châu Cường – Sầm Văn Bình, (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) tâm huyết trong việc sưu tầm, biên soạn, phổ biến chữ Thái; Thiếu tá Nguyễn Đình Dy (Đồn Biên phòng Bạch Đích, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang kiêm Bí thư Đảng ủy xã Phú Lũng, huyện Yên Minh) có nhiều đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở Phú Lũng,…


Phát biểu tại khai mạc chương trình giao lưu nghệ thuật "Nghĩa tình Tây Bắc", Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: Thời gian qua, Tây Bắc đã có bước phát triển toàn diện, vùng đất có nhiều tiềm năng về lợi thế nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng, thủy điện… Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cả về kinh tế quốc phòng, an ninh. Do đó, phát triển toàn diện, bền vững Tây Bắc không chỉ là nguyện vọng của nhân dân trong vùng, còn là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong sự phát triển đất nước. Đây cũng là thể hiện tình cảm cả nước với Tây Bắc, Tây Bắc với cả nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo xây dựng đất nước.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ: "Chương trình nghĩa tình Tây Bắc mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc là hoạt động thiết thực, thể hiện sự tri ân đối với các liệt sĩ, thương binh. Góp thêm một lời cảm ơn của đồng bào cả nước đối với những người con bình dị, đại diện cho hàng vạn người con Việt Nam đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, đóng góp trí tuệ, sức lực vào sự phát triển chung của Tây Bắc. Chúng ta tin tưởng rằng, thời gian tới, các bộ, ban, ngành, các tổ chức, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp sẽ quan tâm, giúp đồng bào vùng cao, vùng sâu, xa xóa đói, giảm nghèo, xây dựng vùng Tây Bắc của Tổ quốc văn minh, giàu đẹp".


Những tiết mục văn nghệ đặc sắc



Phương Nhung



Phương Nhung


Phương Nhung

Phương Nhung


Phương Nhung



Phương Nhung



(Theo: dantri.com.vn)

Comments