Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Khánh thành Trường Cao đẳng Công thương TPHCM cơ sở Quảng Ngãi

Posted: 01 Nov 2014 08:23 PM PDT

(Dân trí) – Ngày 1/11, tại thôn Liên Hiệp 2 (phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi), Trường CĐ Công thương TPHCM – cơ sở Quảng Ngãi tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 và khai giảng năm học mới.

Theo đó, theo thiết kế giai đoạn 1 đã thi công trên diện tích 4.500m2, quy mô 5 tầng với 11 phòng học (trong đó có 4 phòng học chức năng). Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 45 tỷ đồng.

Trong năm học đầu tiên, trường CĐ Công thương TPHCM – cơ sở Quảng Ngãi (thuộc Bộ Công thương) đã tuyển sinh 300 sinh viên (200 sinh viên hệ Cao đẳng và 100 chỉ tiêu hệ Trung cấp).


Lễ khánh thành và khai giảng Trường CĐ Công thương TPHCM - cơ sở Quảng Ngãi.
Lễ khánh thành và khai giảng Trường CĐ Công thương TPHCM – cơ sở Quảng Ngãi.


Phát biểu cảm tưởng, em Cao Ngọc Hân – sinh viên hệ CĐ, tâm sự: "Khi nhà trường hình thành, em rất vui mừng với ước mơ trở thành kỹ sư cơ điện và được học tập ngay gần nhà. Với hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, em cùng nhiều bạn sinh viên nghèo khác không có điều kiện học ở xa nhà, vì chi phí thuê nhà trọ, ăn uống cơm bụi rất tốn kém. Nhờ có trường CĐ Công thương TPHCM ở Quảng Ngãi, ước mơ nghề nghiệp của em càng rộng mở hơn".


Song song việc "khai sinh" trường CĐ Công thương TPHCM – cơ sở Quảng Ngãi, khu công nghiệp – dịch vụ VSIP (đóng tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) đang hình thành và cấp giấy phép đầu tư cho 9 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động trên 11.000 nhân sự. Đồng thời, nhà trường phát triển trong thời điểm hiện nay phù hợp với quá trình mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.


Tại lễ khánh thành và khai giảng năm học mới, ông Lê Quang Thích – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ: "Hiện nay, nhu cầu sử dụng lao động cho khu Công nghiệp – Dịch vụ VSIP rất lớn. Qua đó, Tỉnh đề nghị nhà trường chú trọng đào tào nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng uy tín cùng thương hiệu nhà trường bền vững trong tương lai, giáo dục sinh viên có đủ đạo đức, chuyên môn và kỹ năng trước khi tốt nghiệp ra trường".


Mô hình nhà trường tại cơ sở Quảng Ngãi sau khi hoàn thành giai đoạn 2.
Mô hình nhà trường tại cơ sở Quảng Ngãi sau khi hoàn thành giai đoạn 2.

Được biết, Trường CĐ Công thương TPHCM – cơ sở Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng (quy mô 30 phòng học).


Hồng Long

 

 

(Theo: dantri.com.vn)

Kỷ luật thầy giáo đặt tay lên ngực nữ sinh

Posted: 01 Nov 2014 07:58 PM PDT

(Dân trí) – Trong buổi ôn tập cho 3 nữ sinh lớp 6, một thầy giáo Trường THCS dân tộc bán trú xã Trung Tiến (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) đã có hành động đặt một tay lên ngực, một tay lên lưng chỉnh tư thế học sinh khiến nữ sinh này hoảng sợ.

Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc bán trú xã Trung Tiến, huyện vùng cao Quan Sơn đã quyết định kỷ luật đối với thầy giáo Nguyễn Đình Ân.



Trường THCS dân tộc nội trú Trung Tiến nơi thầy Ân công tác.

Trường THCS dân tộc nội trú Trung Tiến nơi thầy Ân công tác.



Thầy Ân bị kỷ luật vì đã vi phạm quy định của đơn vị, vi phạm chuẩn mực đạo đức nhà giáo, lên lớp giảng bài cho học sinh trong tình trạng có sử dụng rượu và to tiếng khiến học sinh hoảng sợ.



Với hành vi của mình, thầy Ân đã bị tạm đình chỉ công tác 7 ngày; phạt hành chính 150.000đ, bị dừng xét nâng lương trong 1 năm; không xét thi đua năm học 2014 – 2015, cảnh cáo trước toàn hội đồng sư phạm nhà trường.



Trước đó, vào chiều 9/10/2014, trong khi đang ôn tập cho 3 nữ sinh lớp 6, thầy Ân đã có hành động đặt tay lên ngực và lưng một nữ sinh để chính tư thế cho học sinh khiến nữ sinh này hoảng loạn tâm lý.



Sau đó, nhà trường đã yêu cầu thầy Ân tường trình sự việc, theo thầy Ân cho biết do buổi trưa đi dự liên hoan, uống khá nhiều rượu, khi thấy một học sinh ngồi học trong tư thế cúi rạp trên bàn thầy đã to tiếng, dùng tay nắn lại tư thế ngồi cho nữ sinh này.



Duy Tuyên

 

 

(Theo: dantri.com.vn)

Hàng trăm học sinh nuôi con chữ ở ngôi trường xuống cấp

Posted: 01 Nov 2014 05:06 PM PDT

(NG) – Những bức tường đã bị bong tróc vôi vữa, nền phòng ẩm thấp, cửa sổ xộc xệch, trống không, bàn ghế xuống cấp, trần nhà hư hỏng… Đó là thực trạng đáng buồn nhưng đang diễn ra tại một số điểm trường ở xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Thêm một năm học nữa, hàng trăm em học sinh tiểu học tại điểm trường Măng Song, Xa Rô, xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) phải học tập ở ngôi trường mục ruỗng, xuống cấp nghiêm trọng. Dù rất thương học sinh, lo sợ đồ vật trên cao rơi xuống, ảnh hưởng đến tính mạng của cả thầy và trò, nhưng các thầy, cô ở đây đành bất lực vì chưa có cách nào khắc phục.


Để được tận mắt chứng kiến điều kiện giảng dạy, học tập của thầy, cô và các em học sinh Trường Tiểu học & THCS Ba Tầng, chúng tôi đã vượt hàng chục cây số đường đèo dốc đến với một số điểm trường vùng sâu của xã này. Sau hơn 2 giờ vượt dốc, chúng tôi đã tiếp cận điểm trường Măng Song, cách trung tâm xã Ba Tầng khoảng gần 20km.

Nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh được học tập thuận lợi, các thầy, cô giáo phải vào tận nơi "cắm bản" để "nuôi" con chữ cho các em. Trong điều kiện như thế, các điểm trường cũng hết sức tạm bợ, có nơi bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Nhưng, vì không muốn việc học tập của các em bị gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng nên các thầy, cô cũng đành "cắn răng" chịu đựng.

Thật khó tin, trước mắt chúng tôi là một ngôi trường cấp 4 đã được xây dựng từ rất lâu, cơ sở vật chất đã bị xuống cấp trầm trọng.
Tường nhà đã bị bong tróc vôi vữa, của sổ bị hư hỏng.
Tường nhà đã bị bong tróc vôi vữa, của sổ bị hư hỏng.

Ngôi trường này gồm có 4 phòng học, chia làm 2 dãy, cũng là nơi học tập của gần 120 em. Theo quan sát, dãy 2 phòng phía bên trái đã bị mục ruỗng không thể phục vụ việc dạy học. Trên tường vôi vữa đã bị bong tróc, cửa sổ bị hư hỏng, có nơi trống không, nền phòng ẩm thấp, bàn ghế xộc xệch…

Khung cửa cạnh bàn giáo viên trống không.
Khung cửa cạnh bàn giáo viên trống không.

Vì lo sợ tính mạng của học sinh, các thầy cô giáo đã chuyển các em sang dãy nhà 2 phòng bên cạnh. Tuy nhiên, dãy nhà này cũng đang có dấu hiệu xuống cấp, trần phòng bị hư hại, trưng ra các thanh gỗ, tấm lợp và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Trong điều kiện chỉ có 2 phòng học, gần 120 em học sinh phải chen chúc học tập và được phân thành 2 ca trong ngày. Và, việc học tập của các em dưới mái trường này cũng tồn tại rất nhiều nguy hiểm.

Anh Nguyễn Hữu Trực, giáo viên lớp 5 cho hay: “Biết rằng cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng như vậy, đe dọa tính mạng của cả trò lẫn thầy, cô nhưng chúng tôi cũng chưa tìm được biện pháp gì hơn. Sau nhiều lần đề đạt lên trường, vẫn chưa nhận được ý kiến và phương án xử lý”.

Được biết, điểm trường này được xây dựng khoảng từ năm 1998, sau đó vài năm được xây thêm 2 phòng để đáp ứng nhu cầu dạy học. Nhưng do bị xuống cấp nên về mùa nắng các học sinh phải chen chúc nhau trong điều kiện rất nóng nực, còn về mùa mưa thì bị nước dột từ trên xuống, gây ẩm thấp.

Khung cửa cạnh bàn giáo viên trống không.
Do không thể duy trì việc dạy học nên đầu năm nay, các thầy cô phải chuyển học sinh sang dãy nhà bên cạnh.

Anh Lưu Ngọc Bắc, giáo viên lớp 4 tại điểm trường này kể lại lần thầy và trò đang học tập trong lớp thì bỗng nhiên những tấm phông ở ngoài hiên rơi xuống. Các em học sinh đều sợ hãi nhưng phải tự trấn an. Sợ nhất là những khi các em chơi đùa bên ngoài mà không có thầy, cô ở bên cạnh để "canh chừng".

Rời điểm trường Măng Song, chúng tôi tiếp tục vượt đèo đến với bản Hun Dốc, cách đó hơn 10km. Nơi đây cũng có một điểm trường tạm do phụ huynh dựng lên để làm nơi học tập cho gần 20 em học sinh. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Hồ Văn Hải, giáo viên điểm trường này cho biết, vì khoảng cách quá xa so với trung tâm nên phải mở điểm trường tại đây để dạy chữ cho các cháu học sinh.

"Các em ở đây "khát chữ" lắm, nhưng không có điều kiện đến trung tâm học tập. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng các em đi học chậm, chênh lệch nhau đến 1 hoặc 2 tuổi. Thế nhưng, cơ bản các em cũng tiếp thu được bài. Dù khó khăn đến mấy mình cũng quyết tâm "bám bản" dạy chữ cho các em. Sau buổi học chính, mình dành thời gian dạy phụ đạo nữa là các em theo kịp với các bạn khác thôi" – anh Hải nói.

Thầy cô giáo cũng hết sức lo sợ khi dạy học trong môi trường như vậy vì sợ ảnh hưởng đến các em.
Thầy cô giáo cũng hết sức lo sợ khi dạy học trong môi trường như vậy vì sợ ảnh hưởng đến các em.

Thầy Nguyễn Hữu Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Ba Tầng cho biết, những năm gần đây, nhờ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục nên đã giúp cho các em học sinh có điều kiện đến trường. Học sinh cũng có ý thức hơn đối với việc học tập nên cơ bản bài toán về số lượng đã được giải quyết.

Tuy nhiên, do đóng trên địa bàn khó khăn, điều kiện đi lại cách trở nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em. Trường phải phân công giáo viên vào các điểm trường lẻ để dạy chữ cho các em. Nhưng tại các điểm trường này cũng đã xuống cấp trầm trọng. Cụ thể, tại điểm trường Măng Song có 4 phòng nhưng 2 phòng không thể duy trì giảng dạy được, 2 phòng còn lại cũng đã xuống cấp. Tại điểm trường Xa Rô cũng có 2 phòng nhưng do xây dựng từ lâu nên cũng không đảm bảo. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại các điểm trường này vô cùng thiếu thốn. Trong điều kiện như thế, các giáo viên và hàng trăm học sinh phải học tập dưới môi trường xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trường cũng đã có văn bản đề xuất lên cấp trên về hướng xử lý nhưng chưa có kết quả.

Đăng Đức

Nên theo tiếp ngành kỹ thuật hay lựa chọn hướng khác

Posted: 01 Nov 2014 03:00 PM PDT

Em 21 tuổi, vừa tốt nghiệp cao đẳng ngành bảo dưỡng công nghiệp. Ngành học em được liên thông lên 2 nhánh là cơ khí chế tạo máy và cơ điện tử theo hệ không chính quy.

Sức học ở trường của em ở mức trung bình khá và em không cảm thấy hứng thú khi học. Em cảm thấy mình không phù hợp với ngành cơ khí, cũng không biết nên làm lại từ đầu hay đi tiếp con đường đã chọn. Vì nếu đi tiếp thì tương lai mù mịt lắm, còn quay sang hướng khác thì em không biết nên học ngành gì nữa.

Em đã thử làm nhiều bài test trên mạng nhưng nó không rõ ràng, đa số đều hướng em vào các ngành như: Kỹ thuật, tư vấn, xã hội… Còn mọi người xung quanh bảo em kiếm gì đó buôn bán hay học công nghệ thông tin. Em giờ thật sự không biết mình phù hợp với ngành gì nữa.

Các bài trắc nghiệm tính cách MBTI thì không giúp ích gì cả vì cơ bản có nhiều câu em không biết chọn đáp án nào là đúng với mình, vì tính cách của em lúc hướng ngoại, lúc hướng nội tùy lúc lắm, quyết định lúc là cảm tính, lúc là lý trí…

Giờ em đã mất 3 năm rồi nên muốn định hướng lại tương lai thật đúng để có thể không hối hận khi đã lựa chọn. Nhưng em thật sự không biết phải làm thế nào nữa. Xin tư vấn giúp em.

Trần Vĩnh An

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây

(Nguồn: vnexpress.net)

Nên học văn bằng hai ngành gì

Posted: 01 Nov 2014 02:31 PM PDT

Em năm nay 24 tuổi, đã tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp, đi làm được 2 năm. Hiện tại em làm nhân viên văn phòng (phụ trách hợp đồng, nhân sự, thủ quỹ). Em mong muốn học văn bằng 2, nhưng chưa biết nên học ngành nào.

Em phân vân giữa ngành Kế toán và ngành Luật. Luật là ngành em thích nhưng sợ học xong sau này khó có thể tìm được công việc phù hợp để phát triển vì hầu như ở các công ty đều có luật sư, và để có thể tư vấn các vấn đề về luật thì đòi hỏi kiến thức phải sâu (sau khi tốt nghiệp đại học phải tham gia khóa học đào tạo nghề Luật sư của Học viện Tư pháp trong vòng 6 tháng, đăng ký tập sự tại các văn phòng luật sư trong vòng 18 tháng và cuối cùng là trải qua kỳ thi cấp quốc gia do Bộ Tư pháp tổ chức). Em sợ kiến thức mình học không có cơ hội phát huy.

Về kế toán thì trong quá trình làm việc em cảm thấy đây là ngành cần học, thứ nhất rất dễ để xin việc liên quan đến văn phòng, thứ hai áp dụng thực tiễn vào đời sống rất nhiều. Nhưng để học 3 năm lấy bằng so với những khóa học ngắn hạn của các trường thì em chưa biết nên chọn học gì để giúp cho công việc của em. Có anh chị nào đã và đang học văn bằng 2 hai ngành này có thể nói rõ hơn giúp em về quá trình học, cũng như cho em lời khuyên thêm không ạ.

Cẩm Tú

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây

(Nguồn: vnexpress.net)

Bằng cấp hay thực học, thực làm?

Posted: 01 Nov 2014 11:05 AM PDT

Kiến thức sinh viên học trong trường là những điều họ không mấy khi dùng được trong thực tế nghề nghiệp, còn những gì thực sự cần thiết mà thế giới việc làm đòi hỏi cho công việc tương lai thì họ lại không được học.

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thực hiện với quy mô gần 3.000 cựu sinh viên (SV) thuộc 5 khóa khác nhau (ra trường từ năm 2006- 2010) của 3 ĐH: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM và ĐH Huế, đã cho thấy những con số đáng báo động.

Những con số biết nói

Có đến 26,2% cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, dù khái niệm việc làm ở đây được hiểu rất rộng là bất cứ công việc gì tạo ra thu nhập, không nhất thiết phải đúng với trình độ, chuyên ngành đào tạo. Trong số này, 46,5% cho biết đã đi xin việc nhưng không thành công; 42% lựa chọn một giải pháp an toàn là… tiếp tục học lên hoặc học thêm một chuyên ngành khác.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) trong lễ tốt nghiệp. (Ảnh: Gia Thùy)
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) trong lễ tốt nghiệp. (Ảnh: Gia Thùy)

Thậm chí, có 27% cử nhân được hỏi cho biết họ rất khó kiếm việc làm do ngành học của mình không phù hợp với thị trường. Số người rơi vào cảnh nhà tuyển dụng không hiểu về ngành học cũng chiếm tới 18%. Các khảo sát trên đây đa số được thực hiện tại các trường "đầu tàu" của Việt Nam, còn ở những trường ĐH khác có lẽ kết quả còn báo động hơn.

Những con số trên đây đã cho thấy ít nhất là hai vấn đề nghiêm trọng. Thứ nhất, chất lượng giáo dục hiểu theo ý nghĩa hẹp nhất là năng lực, kỹ năng thụ đắc được sau quá trình 4 năm học ở bậc ĐH, đã thấp đến nỗi hơn 1/4 SV sau khi ra trường từ 1-5 năm vẫn chưa tìm được việc làm, kể cả những việc trái ngành nghề hay những việc không cần được đào tạo ở bậc ĐH.

Thứ hai, giữa nhà trường và thế giới việc làm bên ngoài đang có một khoảng cách quá lớn. Trong lúc các doanh nghiệp (DN) không ngớt than phiền thiếu người làm được việc và khẳng định nguồn nhân lực có chất lượng cao đang là chỗ "thắt cổ chai" cản trở những kế hoạch phát triển của họ thì cử nhân mà các trường ĐH tạo ra vẫn không lấp được chỗ trống ấy vì họ được học trong trường những điều mà họ không mấy khi dùng được trong thực tế nghề nghiệp.

Đó là một sự lãng phí vô cùng to lớn. Bốn năm học ĐH của một SV đối với nhiều gia đình nông dân là một hy sinh lớn lao. Học phí ĐH ở Việt Nam dù thấp cũng vẫn là gánh nặng với bao nhiêu gia đình. Lãnh đạo các trường ĐH cần cảm thấy mình đã có lỗi với những gia đình ấy khi không đem lại cho SV một nền giáo dục đủ để họ có thể thích ứng, tồn tại và phát triển được trong thế giới việc làm.

Một lãnh đạo DN liên doanh đã nói với nhóm nghiên cứu chúng tôi rằng khi nhận SV mới tốt nghiệp vào làm việc, ông mất 2 năm để "tẩy rửa" những gì các em đã được học và thêm 2 năm nữa để dạy những kỹ năng cần thiết thì mới đáp ứng được công việc của DN.

Xem lại sứ mệnh đào tạo ĐH

Lối ra cho tình trạng đó, là các trường phải tư duy lại về sứ mạng của mình. Sứ mạng của một trường ĐH là một tuyên ngôn cho thấy lý do tồn tại của trường ĐH. Nó sẽ dẫn dắt và quyết định mọi hành động tiếp theo của nhà trường, cũng như cách mà nhà trường lựa chọn chiến lược để thực hiện mục tiêu của mình.

Đề án Đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã nêu rõ mục tiêu trước năm 2020 cần đạt được "70%-80% tổng số SV theo học các chương trình nghề nghiệp – ứng dụng". Ứng với mục tiêu này là quy hoạch Tổng thể hệ thống giáo dục ĐH 2012-2030 với 3 hoặc 4 tầng bậc, trong đó chỉ 5% số SV trong toàn hệ thống sẽ theo học tại các trường ĐH nghiên cứu và được đào tạo để trở thành các nhà khoa học tương lai. Số còn lại sẽ học trong các trường định hướng nghiên cứu (20% số SV), các trường tập trung giảng dạy (25% số SV), các trường CĐ 2 hoặc 3 năm (50% số SV).

Theo kế hoạch đó, sẽ chỉ có một số ít các trường tập trung vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo ra các nhà khoa học. Các trường này sẽ thu hút những tài năng lỗi lạc nhất trong mọi ngành học và cũng sẽ đào tạo giảng viên có bằng tiến sĩ cho các trường ĐH khác trong cả hệ thống. Phần lớn các trường còn lại sẽ thực hiện hoạt động nghiên cứu ở mức độ cập nhật những tiến bộ mới nhất trong chuyên ngành để phục vụ cho hoạt động giảng dạy và đào tạo của mình. Do đó, trọng tâm của những trường này sẽ là đào tạo theo định hướng nghề nghiệp – ứng dụng, nghĩa là đào tạo những người có đủ năng lực vận hành khu vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong xã hội.

Như vậy, sứ mạng quan trọng nhất của những trường này là đem lại cho SV những phẩm chất, kỹ năng, tri thức mà thế giới việc làm đòi hỏi. Trong một thế giới ngày càng trở nên tương thuộc, các trường ĐH phải là nơi chủ động tạo ra mối quan hệ các bên cùng có lợi với giới DN. Mối quan hệ này không chỉ là một chiều, theo nghĩa DN hỗ trợ cho nhà trường cải thiện chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo; mà là quan hệ hai chiều, theo nghĩa nhà trường có thể thực hiện những công trình nghiên cứu nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể của DN, tăng năng suất và hiệu quả hoạt động của DN với nguồn tài trợ từ DN. Sự hợp tác đó còn là chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, giúp tăng thu nhập cho nhà trường và giảng viên, đưa kiến thức khoa học vào cuộc sống, chương trình đào tạo được thường xuyên cập nhật.

Tuy vậy, để mở rộng những kết quả đó trong cả hệ thống, vẫn còn nhiều rào cản mà trước hết là rào cản trong nhận thức. Văn hóa trọng bằng cấp hơn thực học, bệnh thành tích và hiếu danh là những yếu tố không hỗ trợ. Trong bối cảnh đó, tầm nhìn và ý chí của người lãnh đạo sẽ là một nhân tố cốt yếu bảo đảm cho thành công của nhà trường.

Dựa vào doanh nghiệp

Nếu các trường ĐH nghiên cứu tập trung chủ yếu cho khoa học cơ bản và cần được ngân sách quốc gia đầu tư mạnh mẽ thì những trường ĐH chọn lựa sứ mạng định hướng nghề nghiệp – ứng dụng sẽ đặt trọng tâm vào nghiên cứu ứng dụng và không cần phải dựa vào nguồn ngân sách nhà nước mà hoàn toàn có thể dựa vào các doanh nghiệp để thực hiện.

Theo Phạm Thị Ly

Người Lao Động

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Các cháu cần phấn đấu vươn lên bằng trí tuệ”

Posted: 01 Nov 2014 08:03 AM PDT

(NG) – "Các cháu là những hạt giống đỏ quý giá, cần cố gắng góp sức xây dựng đất nước, vươn lên bằng trí tuệ chứ không ỷ lại vào tài nguyên", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắn gửi 82 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trong buổi gặp gỡ thân mật ngày 1/11.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.

Chiều tối 1/11, 82 học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tiêu biểu, học giỏi cùng 15 thầy cô giáo các trường đại học, cao đẳng, THPT đã được tiếp kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.
82 học sinh, sinh viên được tiếp kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là các em đã đạt giải cao trong kì thi học sinh giỏi quốc gia và điểm cao kì thi đại học, cao đẳng 2014.

"Thanh niên dân tộc thiểu số hiện có gần 3,6 triệu người, chiếm 13,13% thanh niên toàn quốc. Trình độ văn hóa, đạo đức, lối sống của thanh niên dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, đa số thanh niên dân tộc thiểu số có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức công dân, chấp hành pháp luật, có tinh thần xung kích tình nguyện vì cộng đồng; năng lực hội nhập, kĩ năng xã hội của thanh niên dân tộc thiểu số ngày nay được nâng lên.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo kính mong Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, nhất là trong học tập để tuổi trẻ dân tộc thiểu số trở thành nguồn nhân lực chủ đạo trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng đồng bào dân tộc", Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Đắc Vinh phát biểu mở đầu buổi tiếp kiến Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang động viên các em học sinh, sinh viên mạnh dạn bày tỏ những tâm tư, tình cảm.

Tại buổi tiếp kiến Chủ tịch nước, các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đã có cơ hội bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng tới Chủ tịch nước và được Chủ tịch nước động viên, khích lệ tinh thần ra sức học tập, tu dưỡng đạo đức.

Đại diện các em học sinh dân tộc thiểu số được tiếp kiến Chủ tịch nước, em Vừ Mý Kỵ (dân tộc Mông) – sinh viên Học viện An ninh nhân dân xin hứa: "Sẽ phấn đấu vượt mọi khó khăn học tập tốt hơn, xứng đáng với những gì mà các bác lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các các lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các thầy cô giáo đã tin tưởng.

Em Vừ Mý Kỵ chia sẻ câu chuyện của mình.
Em Vừ Mý Kỵ chia sẻ câu chuyện của mình.

Được biết, Vừ Mý Kỵ quê ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Kỵ sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, mẹ mất sớm, bố là nông dân, nhiều anh chị em không được đi học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Vừ Mý Kỵ đã cố gắng vươn lên đạt một số thành tích về môn Lịch sử: Hai Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Duyên hải – Đồng bằng Bắc Bộ và Trại hè Hùng Vương năm 2013, nhận học bổng Vừ A Dính, học sinh nghèo vượt khó và trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia năm 2014, Kỵ đạt giải Nhì môn Lịch sử, đồng thời thi đỗ vào Học viện An ninh với số điểm 23,5.

Cũng tại buổi gặp gỡ này, Vừ Mý Kỵ đã mạnh dạn phản ánh tình trạng thiếu điện thắp sáng, học sinh phải thắp đèn dầu ngồi học ở bản mình.

Được sự động viên của Chủ tịch nước, em Hoàng Văn Chung (xóm Khuổi Lịch, xã Giáp Trung, huyện Bắc Mê, Hà Giang) cũng mạnh dạn chia sẻ: "Ở quê cháu, trường tiểu học chưa được xây kiên cố, phải dùng vách tre làm tường. Để đi học trường cấp 3 ở trung tâm xã, các bạn phải bơi qua suối đi học. Những ngày mưa, các bạn phải nghỉ học. Cháu rất mong sẽ có một cây cầu bắc qua suối để các bạn yên tâm đến trường".

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương sáng kiến tổ chức chương trình biểu dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc.

Em Vừ Mý Kỵ chia sẻ câu chuyện của mình.
Cũng tại buổi gặp gỡ thân mật, Chủ tịch nước đã tặng quà các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số học giỏi.

"Những vấn đề các cháu chia sẻ bác sẽ đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan chức năng", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.

Em Vừ Mý Kỵ chia sẻ câu chuyện của mình.

""Những học sinh, sinh viên giỏi, mong rằng các cháu là một trong những khâu quan trọng tiếp sức vào cải cách giáo dục và dùng tài trí xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Các cháu đi học xa nhà nhưng trong lòng vẫn canh cánh nỗi niềm quê hương. Mong rằng với những tình cảm sâu nặng, sau khi tốt nghiệp các cháu sẽ trở về góp sức xây dựng quê hương. Đừng quên miền núi, nơi đã sinh ra mình. Các cháu là những hạt giống đỏ quý giá, cần cố gắng góp sức xây dựng đất vươn lên bằng trí tuệ chứ không nên ỷ lại vào tài nguyên", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi gắm.

Các thầy cô giáo nhận quà của Chủ tịch nước.
Các thầy cô giáo nhận quà của Chủ tịch nước.

Các thầy cô giáo nhận quà của Chủ tịch nước.
Các đại biểu của Ủy ban Dân tộc, Bộ GD-ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được Chủ tịch nước tuyên dương về sáng kiến tổ chức lễ tuyên dương.

Phương Nhung

Comments