Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Học bổng học tập và thực tập quốc tế tại Vương quốc Bỉ | Giáo dục

Posted: 10 Nov 2014 07:12 AM PST

Đối tượng là ứng viên sau khi đã tốt nghiệp đại học và có 2 năm kinh nghiệm đi làm tại một nước đang phát triển.

Các khóa đào tạo và thực tập quốc tế là những chương trình đào tạo sau đại học (các khóa đào tạo thạc sĩ bổ sung) và thực tập nâng cao nằm trong chương trình giảng dạy sau đại học của các Trường ĐH Pháp ngữ của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (Wallonie-Bruxelles).

Các chương trình Thạc sĩ bổ sung bao gồm:

- Nuôi trồng thủy sản

- Quản lý giao thông

- Y tế công cộng – Định hướng y tế và phát triển

- Khoa học và Quản lý môi trường tại các nước đang phát triển

- Quản lý các nguồn tài nguyên động vật và thực vật tại miền nhiệt đới

- Quản lý rủi ro thiên nhiên

- Khoa học và Công nghệ thực phẩm

- Y học liên ngành

- Tài chính vi mô

- Bảo vệ trồng trọt tại vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới

- Kinh tế quốc tế và Kinh tế phát triển

- Phát triển, môi trường và xã hội

- Phương pháp học y tế công cộng

Các chương trình thực tập nâng cao gồm:

- Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các thư viện đại học

- Hệ thống thông tin địa lí

- Quản lý hệ thống dịch vụ y tế – kinh tế và lập kế hoạch hệ thống y tế (Ban A) – nghiên cứu hệ thống y tế (Ban B)

- Phương pháp hỗ trợ cải tiến nông nghiệp gia đình

- Môi trường và Quản lí bền vững các nguồn tài nguyên khoáng sản

Hồ sơ dự tuyển phải nộp qua bưu điện hoặc bưu phẩm chuyển phát nhanh tới Viện Hàn lâm Nghiên cứu và Đào tạo sau đại học (ARES):

Trước ngày 12/1/2015 đối với các khóa thực tập: Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các thư viện đại học, Phương pháp hỗ trợ cải tiến nông nghiệp gia đình, Môi trường và Quản lí bền vững các nguồn tài nguyên khoáng sản

Trước ngày 11/02/2015 đối với tất cả các khóa đào tạo khác.

Để biết thêm thông tin chi tiết, ứng viên tham khảo files đính kèm hoặc tại địa chỉ: appel à candidatures CSI 2015-2016 (http://www.cud.be/content/view/333/202).

Danh sách các Trường Đại học Pháp ngữ của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (Wallonie – Bruxelles), ứng viên tham khảo tại địa chỉ: http://www.studyinbelgium.be/.


Đây là phần tóm tắt tin, đọc đầy đủ theo link sau:
Đọc bài viết gốc

Học sinh TPHCM tham quan triển lãm bảo vệ động vật hoang dã | Giáo dục

Posted: 10 Nov 2014 06:11 AM PST

Đây là hoạt động nằm trong Chương trình "Triển lãm lưu động SOS" do Tổ chức bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Sở GD&ĐT TPHCM và Chi cục Kiểm lâm TPHCM tổ chức.

Triển lãm được đặt ngay tại sân trường với các hoạt động trưng bày, trò chơi, thông tin, hình ảnh thực tế về việc tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam… thu hút nhiều học sinh tham quan, tìm hiểu.

Với thời gian khoảng 30 phút, HS các lớp lần lượt được giới thiệu về các động vật hoang dã cần được bảo vệ. Nhân viên của tổ chức WAR đưa ra những câu hỏi cho các em HS như: Đố các em vì sao các loài thú quý hiếm dần biến mất? Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng của nhiều động vật hoang dã quý hiếm… Những câu hỏi này nhận được các em HS trả lời sôi nổi, nhiệt tình. 

Em Trần Nguyễn Thanh Phương – HS lớp 6A13 – cho biết: "Sau nghe các anh chị kể chuyện, hướng dẫn và xem các bức tranh và xem băng hình em thấy rất thương các con vật bị bắt và bị làm ra nhiều món. Con gấu đã kêu đau đớn khi bị bắt hút mật, con khỉ thì bị nấu cao… 

Việc săn bắt thú rừng là sai trái, mỗi người cần biết bảo vệ các động vật hoang dã. Trước mắt, em sẽ về nói với ba mẹ không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, góp phần nhỏ bảo vệ môi trường thiên nhiên". 

Được biết, trong năm học 2014 – 2015, Trường THCS Ngô Sĩ Liên là trường thứ 5 tổ chức triển lãm để tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi và khích lệ các em HS về việc bảo vệ động vật hoang dã. 

Từ năm học này, TP HCM sẽ đưa nội dung bảo vệ động vật hoang dã vào chương trình giảng dạy lớp 7. Theo đó gần 300 giáo viên THCS đã được tập huấn cách sử dụng tài liệu và giáo cụ điện tử do Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức. 

Cũng trong khuôn khổ chương trình SOS năm học 2014 – 2015, ngoài Triển lãm SOS, Tổ chức WAR còn dự kiến đưa khoảng 500 HS đi tham quan Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. 

Dự kiến từ nay đến cuối năm học 2014 – 2015, triển lãm Lưu động SOS này sẽ được thực hiện ở khoảng 20 trường THCS, hướng tới khoảng 20.000 HS TPHCM. 

Một số hình ảnh tại buổi triển lãm lưu động do PV báo GD&TĐ ghi lại:


Đây là phần tóm tắt tin, đọc đầy đủ theo link sau:
Đọc bài viết gốc

Triển khai đúng tinh thần đánh giá mới với học sinh tiểu học | Giáo dục

Posted: 10 Nov 2014 05:08 AM PST

Bên cạnh việc tiếp tục tập huấn cho cán bộ quản lí và giáo viên cách nhận xét, hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện; cách ra đề kiểm tra cuối học kì I, cuối năm học, Sở này cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT thành lập Tổ Nghiệp vụ để hỗ trợ cán bộ quản lí và giáo viên thực hiện TT 30/2014 đạt hiệu quả

Đồng thời, chỉ đạo các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn tập trung vào đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo TT 30/2014. Chú ý hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của việc đổi mới đánh giá học sinh; về cách nhận biết các năng lực và phẩm chất của học sinh; cách nhận xét, hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện; cách ra đề kiểm tra cuối học kì I, cuối năm học.

Chỉ đạo cán bộ quản lí, cán bộ cốt cán hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên trong đánh giá thường xuyên bằng nhận xét: Được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng “lời nói” hoặc "viết" phù họp với học sinh và nhà trường, đúng với yêu cầu của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét;

Được quyền chủ động viết nhận xét vào vở hoặc phiếu học tập, bài kiểm tra của học sinh, sử dụng tin nhắn, email… để liên lạc sao cho thuận tiện trong việc phối hợp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

TT 30/2014 quy định, yêu cầu giáo viên phải quan tâm đánh giá tất cả học sinh, không được "quên" em nào, nhưng khi viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hàng tháng; không lạm dụng việc dùng các câu nhận xét theo mẫu có sẵn vì không phù hợp với các học sinh khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau.

Đối với các trường tiểu học, Sở yêu cầu làm tốt công tác tuyên truyền để cộng đồng và cha mẹ học sinh hiểu đúng về TT30/2014; giải thích cho cha mẹ học sinh về quy định đánh giá học sinh tiểu học, hướng dẫn cha mẹ học sinh cách theo dõi, hỗ trợ học sinh học tập, tham gia đánh giá học sinh, phối họp với giáo viên, nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

Cán bộ quản lí và giáo viên tiếp tục nghiên cứu TT30/2014, triển khai thực hiện đúng tinh thần, mục đích và ý nghĩa của Thông tư.

Tích cực trải nghiệm qua thực tế dạy học trên lớp để chia sẻ về cách đánh giá thường xuyên bằng nhận xét học sinh trong quá trình dạy học cho phù hợp với điều kiện thực tế; cập nhật thông tin cách đánh giá của các trường, các chuyên gia, trao đổi qua mạng tieuhoc.moet.edu.vn để vận dụng vào thực tế dạy học.

Sở cũng nhấn mạnh các trường cần thực hiện nghiêm túc Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH về việc chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.

Thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm nhẹ công việc, thủ tục hành chính, hồ sơ, sổ sách… để giáo viên dành nhiều thời gian hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh hoàn thành nội dung học tập; tạo cơ hội để học sinh phát triển tiến bộ, tự tin, sáng tạo…

Về tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối kỳ I và cuối năm học, Sở giao cho nhà trường chủ động thực hiện kiểm tra, đánh giá cuối kỳ I và cuối năm học, nghiệm thu, bàn giao chất lượng học sinh theo Quy định tại TT 30/2014.

Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiệm thu, bàn giao chất lượng học sinh giữa cấp tiểu học và THCS đối với các môn: Tiếng Việt, Toán và Ngoại ngữ khối lớp 5 cuối năm học.

Nếu kết quả đánh giá cuối năm học bất thường so với lực học của học sinh, nhà trường chủ động sắp xếp thời gian cho học sinh kiểm tra lại.

Nếu học sinh chưa hoàn thành chương trình môn học, lớp học nhà trường yêu cầu giáo viên lập kế hoạch cụ thể và tổ chức ôn tập giúp đỡ để học sinh hoàn thành và tổ chức kiểm tra, đánh giá lại sau thời gian phù hợp để đảm bảo kết thúc trước ngày 4/6 hàng năm.

Nếu học sinh phải rèn luyện thêm trong hè thì tổ chức kiểm tra lại để xét hoàn thành chương trình lớp học trước ngày 01/8 hàng năm.

Sở GD&ĐT Hải Dương yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tổ chức sơ kết thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo TT 30/2014 vào các thời điểm giữa tháng 11/2014, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học 2014 – 2105.


Đây là phần tóm tắt tin, đọc đầy đủ theo link sau:
Đọc bài viết gốc

Thay đổi lớn từ mô hình VNEN ở một trường vùng biên | Giáo dục

Posted: 10 Nov 2014 04:06 AM PST

Trưởng phòng Giáo dục tiểu học ( Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An) Trần Thế Sơn hồ hởi chia sẻ với chúng tôi như vậy khi nói chuyện về dự án trường học mới (VNEN) đang được triển khai thực hiện tại địa phương này.

Đổi thay lớn từ một mô hình

Câu nói của ông Sơn đã khiến chúng tôi quyết tâm tìm đến ngôi trường nơi biên cương của Tổ quốc. Qua tìm hiểu được biết, Trường tiểu học Nậm Cắn 1 huyện Kỳ Sơn nằm trên địa bàn xã vùng núi cao của tỉnh Nghệ An và là một trong những địa phương nghèo nhất so với cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Đúng là "trăm nghe không bằng một thấy', không còn là những em học sinh dân tộc thiểu số rụt rè, nhút nhát; trước mặt chúng tôi là những bạn nhỏ khá tự tin, năng động, nói năng lưu loát và sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào khi chúng tôi đưa ra.

Từng là một học sinh nhút nhát, ít nói, mỗi khi có người lạ là em Hờ Bá Cu (học sinh lớp 5A) lại ngồi co ro, thu mình trong góc lớp, ai hỏi câu gì cũng không nói, có chăng chỉ là những cái lắc đầu hoặc là gật đầu một cách miễn cưỡng. 

Thế nhưng giờ đây Cu đã trở thành một người hoàn toàn mới. Em tự tin trong giao tiếp, hăng hái phát biểu trong lớp, sẵn sàng phản biện với cô giáo và các bạn. Gặp người lớn dù là quen hay không em đều lễ phép chào hỏi và trò chuyện thân mật với mọi người. Hiện Cu đã trở thành nhóm trưởng nhóm 2 của lớp.

Cũng giống như Hờ Bá Cu, em Lầu Mai Hoa không còn là một cô bé nói năng lý nhí và đỏ bừng mặt mỗi khi cô giáo hỏi. Hoa đã là Chủ tịch Hội đồng tự quản của lớp. Nhìn cách điều hành lớp học, chúng tôi thấy em khá chững chạc và rất ra dáng "lãnh đạo".

Trao đổi với chúng tôi cô Nguyễn Thị Kiều – giáo viên chủ nhiệm lớp 5A – cho biết: Chúng tôi cũng không ngờ các em học sinh lại có sự tiến bộ nhanh đến như vậy. 

Trước khi mô hình trường học mới được áp dụng, rất khó để có thể huy động các em tham gia vào các hoạt động học tập như là: Lên bảng làm bài tập, phát biểu ý kiến cá nhân hoặc là múa hát văn nghệ v.v… thế nhưng giờ đây mọi chuyện đã thay đổi. Mô hình trường học mới đã làm được điều này, khắc phục được hạn chế của cách dạy truyền thống như trước đây.

Lý giải cho sự tiến bộ rõ rệt của học sinh, cô Kiều phân tích: Có thể do lớp học VNEN được sắp xếp và trang trí một cách khoa học, khang trang gần gũi, thân thiện nên tạo được cảm giác thoải mái và hứng thú học tập đối với học sinh. Mặt khác, lớp học có đầy đủ các góc học tập, góc thư viện góc cộng đồng, sản phẩm của lớp học như: Hộp thư vui, Điều em muốn nói v.v…

Điều quan trọng là ở mô hình này, học sinh đã được đổi mới cách học đó là: phát huy tính chủ động, tự giác học tập, được học theo nhóm có sự giúp đỡ của giáo viên khi gặp khó khăn. 

Đặc biệt, với lớp học VNEN, năng lực của từng em học sinh được bộc lộ và phát triển. Các em đã trở thành trung tâm của tiết học, được nói ra điều mình nghĩ và được trải nghiệm với những tình huống gần gũi với môi trường xung quanh. Chính vì lẽ đó mà học sinh đã hào hứng và ham học hơn.


 Các em tự tin và hăng hái phát biểu, tày tỏ chính kiến của mình

Chính quyền hỗ trợ, phụ huynh vào cuộc

Với những hiệu quả ró nét về phát triển năng lực và các kỹ năng cơ bản, mô hình trường học mới VNEN đã dần tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Phụ huynh đã tích cực hưởng ứng, chính quyền cũng đã vào cuộc để hỗ trợ cho Ngành.

Anh Và Bá Chịa – phụ huynh em Và Bá Xa (lớp 2C) tâm sự: “Ban đầu mình khá bất ngờ khi thấy con mình tự tin ở những nơi đông người không giống với nó ngày trước chút nào. 

Hai bố con trên đường từ trường về nhà, gặp người lớn cháu chào hỏi rất lễ phép, nói năng mạch lạc rõ ràng. Tìm hiểu ra mới biết cháu được học theo mô hình trường học mới. Đến nay không còn là chuyện bất ngờ mà là sự tin tưởng tuyệt đối và gửi trọn niềm tin đến các thầy cô. 

Chúng tôi sẵn sàng đóng góp công sức và tiền bạc để cùng với nhà trường để tạo điều kiện cho em mình được học tập trong điều kiện tốt nhất có thể theo mô hình VNEN”.

Còn ông Lầu Bá Thái – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn quả quyết: “Kết quả học tập và rèn luyện của con các em học sinh đã, đang thuyết phục dân bản và chính quyền địa phương. Cả hệ thống chính trị của xã sẽ cùng vào cuộc và đồng hành với giáo dục của địa phương. 

Tất cả chỉ với một mong muốn đó: Con em dân tộc vùng núi cao này sẽ được phát triển toàn diện, rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi”.

Theo báo cáo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn: Năm học 2011-2012, Trường tiểu học Nặm Cắn 1 chưa thực hiện chương trình giáo dục theo mô hình trường học mới; toàn trường có 42 học sinh giỏi chiếm 14,9%; học sinh khá là 76 chiếm 27%; học sinh trung bình là: 149% chiếm 53% và học sinh yếu là 14 chiếm 5%; số lượng học sinh đạt trung bình trở lên là 267 em chiếm 95%.

Tuy nhiên sau khi thực hiện chương trình VNEN, kết quả này đã có sự thay đổi tích cực. Cụ thể: Năm học 2013 – 2014, số lượng học sinh giỏi là 56 em chiếm 18,4%; học sinh khá là 108 em chiếm 35,5% học sinh trung bình là 134 em chiếm 44,1% và học sinh yếu chỉ còn 6 em chiếm 2%. Tỷ lệ học sinh đạt từ trung bình trở lên là 298 em chiếm 98%.


Đây là phần tóm tắt tin, đọc đầy đủ theo link sau:
Đọc bài viết gốc

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: “Chính chúng ta là thủ phạm gây ra dạy thêm, học thêm” – Giáo dục – Khuyến học

Posted: 10 Nov 2014 04:02 AM PST

Thi vào lớp 6 như thi… đại học!

Chỉ thị về việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học của Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi, đặc biệt là ở "lệnh cấm" thi tuyển vào lớp 6 THCS. Vấn đề này khiến các giám đốc Sở GD-ĐT đau đầu trước bài toán tuyển chọn vào những trường chất lượng cao, trường đặc thù…

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng chia sẻ: "Chúng tôi ủng hộ việc không tổ chức dạy thêm, học thêm để việc học ở bậc tiểu học đơn giản, không gây áp lực thi cử và học sinh phát triển bằng năng lực bản thân theo định hướng thầy cô. Tuy nhiên, Bộ cần hướng dẫn chi tiết thêm bởi các cấp quản lý còn băn khoăn về việc cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Nội dung "thi tuyển" Bộ cấm có khác với khảo sát, kiểm tra như một số trường trọng điểm, một số lớp đặc thù tiếng Pháp, tiếng Nhật… vẫn làm hay không? Sở dĩ phải làm như vậy vì nhu cầu đầu vào cao hơn khả năng đáp ứng". Theo ông Nguyễn Minh Hùng, đây là đề tài được bàn luận căng thẳng nhất trong buổi họp giao ban chuyên đề của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, Hải Phòng vừa diễn ra ngày 7/11.

Riêng tại Hà Nội, kỳ tuyển sinh vào lớp 6 THCS của một số trường trọng điểm được so sánh với… thi đại học về mức độ căng thẳng và yêu cầu cao khi tỷ lệ "chọi" không thua kém các trường đại học. Chỉ tiêu vào lớp 6 hệ THCS Trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam mỗi năm chỉ khoảng 200 học sinh, nhưng số lượng đăng ký dự tuyển năm nào cũng trên dưới 4.000 học sinh. Trường THCS Cầu Giấy cũng có hơn 2.000 học sinh "tranh tài" để chọn ra 240 học sinh vào lớp 6 trường này. Trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành có gần 2.600 học sinh đăng ký nhưng cũng chỉ tuyển trên dưới 200 học sinh. Lý giải về điều này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, nếu chỉ xét học lực theo học bạ thì số học sinh trình độ tương đương nhau quá lớn, không đủ tiêu chí để lựa chọn nên bắt buộc phải tổ chức thi.

"Nợ" hướng dẫn tuyển sinh lớp 6

Trước thắc mắc của các Sở GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, nguyên tắc là không được thi tuyển lớp 6 THCS vì đây là bậc học đã được phổ cập giáo dục. "Nếu nhiều cháu cùng muốn vào một trường thì phải có lựa chọn nhưng chọn thế nào thì các trường phải cân nhắc. Chọn đầu vào cao thì dạy giỏi là chuyện bình thường quá…". Bộ trưởng nhấn mạnh: "Khi dùng thi-kiểm tra văn hóa để tuyển các cháu vào các lớp đầu cấp, chính chúng ta là thủ phạm gây nên tình trạng dạy thêm học thêm chứ không phải do học sinh và phụ huynh".

Là một trong những trường thường xuyên phải tổ chức kiểm tra đầu vào, bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Đoàn Thị Điểm cho biết, hiện nay, bậc THCS Đoàn Thị Điểm vẫn tổ chức thi tuyển. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng học sinh khi số đăng ký lớn (năm 2013 trường này có 1.000 học sinh đăng ký tuyển sinh so với chỉ tiêu là 400 học sinh). "Bây giờ Bộ GD-ĐT cấm thi tuyển thì chúng tôi phải làm theo cách nào? Hiện trường vẫn chưa có cách nào khác nên rất cần hướng dẫn của Bộ" – bà Nguyễn Thị Hiền cho biết.

Trước băn khoăn về việc làm sao tuyển chọn được những học sinh xứng đáng, phù hợp vào các trường trọng điểm, đào tạo đặc thù mà không gây ra tình trạng dạy thêm, học thêm bậc tiểu học, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), ông Nguyễn Trọng Hoàn cho biết, Bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu để sớm có hướng dẫn trong thời gian tới.


Đây là phần tóm tắt tin, đọc đầy đủ theo link sau:
Đọc bài viết gốc

Cần Thơ: Khen thưởng HS đạt giải kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia | Giáo dục

Posted: 10 Nov 2014 03:05 AM PST

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen cho 5 HS đạt giải Ba trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia THPT năm học 2013 – 2014 (tiền thưởng 1.150.000 đồng cho mỗi cá nhân).

5 HS đạt giải gồm: Nguyễn Hữu Gia Bảo; Nguyễn Anh Kiệt; Phạm Trần Hồng Vân; Đặng Ngọc Trâm; Đoàn Mạnh Dũng. Tất cả 5 HS đạt giải đều là HS Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen cho 5 GV đã có thành tích tham gia bồi dưỡng đội tuyển quốc gia có HS đạt giải Nhất năm học 2013 – 2014 (tiền thưởng 1.150.000 đồng cho mỗi cá nhân).

5 GV gồm: Ông Nguyễn Ngọc An – Sở GD&ĐT; các ông/bà: Đỗ Trần Ngọc Khánh; Lê Phước Dũng; Huỳnh Văn Sái; Lâm Ngọc Cớm – đều là GV Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng.


Đây là phần tóm tắt tin, đọc đầy đủ theo link sau:
Đọc bài viết gốc

Tăng khả năng xử lý thông tin và thu nạp kiến thức – Giáo dục – Khuyến học

Posted: 10 Nov 2014 03:01 AM PST

Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý giáo dục hàng đầu trên cả nước.  

Phát triển khả năng ngôn ngữ vượt trội

Chương trình tích hợp là chương trình được biên soạn tích hợp chương trình Quốc gia Anh quốc với chương trình chuẩn quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trên cơ sở giảm tải khoa học và chú trọng phát triển tư duy, phẩm chất của học sinh.

Chương trình Tích hợp 3 môn Toán, Tiếng Anh, Khoa học chọn phương pháp giảng dạy tích hợp giữa ngôn ngữ và nội dung làm nền tảng khoa học để phát triển khả năng ngôn ngữ vượt trội cho người học theo chuẩn Anh.

Thứ nhất, những ứng dụng giảng dạy ngôn ngữ và bộ môn (toán, khoa học) hiện đại trong đề án tích hợp được đưa ra với những nghiên cứu các yếu tố trùng lắp của chương trình toán, khoa học của 2 hệ thống giáo dục Anh và Việt Nam thông qua việc so sánh chi tiết 2 chương trình của các môn trên. Từ đó tìm ra các học phần phù hợp và logic để giảng dạy trong chương trình tích hợp.

Thứ hai, việc nghiên cứu mục tiêu học tập của từng bộ môn trong 2 hệ thống giáo dục được chú trọng, nhằm mục đích tìm ra sự trùng hợp cũng như khác biệt trong mục tiêu giáo dục nói trên giữa 2 hệ thống. Thêm vào đó, sự tiếp nối chủ đề và thời gian các học phần của một bộ môn, chẳng hạn như sinh học, hay hóa học được giảng dạy, có thể khác nhau giữa 2 hệ thống Việt Nam và Anh. Để cân bằng và tránh trùng lặp, sự tiếp nối chủ đề đã được điều chỉnh nhằm đảm bảo tính liên thông và đảm bảo các chủ đề học thuật cơ bản cho từng bộ môn được giảng dạy đầy đủ trong suốt cấp học. Ví dụ như một vài chủ đề hóa của lớp 8 trong hệ thống giáo dục Việt Nam có thể được dạy sớm hơn (hoặc muộn hơn) so với hệ thống quốc gia Anh. Điều chỉnh kế hoạch giảng dạy và sự tiếp nối chủ đề đã được thực hiện sao cho hết cấp THCS, học sinh học chương trình tích hợp sẽ nắm được các chủ đề này, tránh trùng lắp và vẫn đảm bảo việc đánh giá đầu ra theo hệ thống giáo dục Việt Nam cho học sinh tích hợp với bộ môn hóa học của cấp THCS, cũng như theo chuẩn quốc tế.

Đi đầu trong định hướng dùng phương pháp CLIL

Đặc biệt, chương trình tích hợp của TP Hồ Chí Minh sẽ đi đầu trong định hướng dùng phương pháp hiện đại kết hợp nội dung và ngôn ngữ (CLIL) để giảng dạy cho học sinh các cấp.

CLIL  là phương pháp giảng dạy tiên tiến trên thế giới (viết tắt của Content Language Integrated Learning). Đây là phương pháp dạy và học kết hợp giữa nội dung và ngôn ngữ sao cho một học sinh thông qua hai ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ và một ngôn ngữ khác) vừa nắm được thuần thục về nội dung chương trình cũng như đạt được một chuẩn cao của ngôn ngữ (theo tiến sỹ Peeter Mehisto của Trường Đại học London).

Theo nghiên cứu của Dr Mehisto, có rất nhiều lợi ích cho việc áp dụng phương pháp giảng dạy CLIL cho học sinh, cụ thể: Tăng khả năng quản lý và xử lý thông tin và khả năng thu nạp kiến thức của học sinh; Tăng cường việc luyện trí nhớ cho học sinh; Tạo ra cách làm việc và học tập mới cho học sinh và giáo viên, một trọng tâm của giáo dục hiện đại trong thế kỷ 21; Tiết kiệm thời gian vì nội dung bộ môn và ngôn ngữ được giảng dạy cùng lúc; Việc tăng cường tư duy bằng hai thứ tiếng (tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh) giúp học sinh có thể áp dụng kiến thức bộ môn (chẳng hạn như toán hay khoa học) vào hiện thực cuộc sống để tìm cách giải quyết vấn đề.

Học sinh tham gia học chương trình tích hợp, thông qua phương pháp giảng dạy CLIL được bắt đầu học tập chương trình tích hợp giữa chương trình Quốc gia Anh và chương trình Việt Nam cho 3 môn toán, tiếng Anh, Khoa học kể từ lớp 1. Đối với môn toán và khoa học, học sinh sẽ thu được tất cả những kiến thức bộ môn cần thiết nhất thông qua ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (tiếng Việt theo quy định của Bộ GD-ĐT cho 3 bộ môn này nhưng đã qua tích hợp và lược bớt những phần trùng lặp để tránh mất thời gian của học sinh). Đối với môn tiếng Anh, học sinh sẽ được học khung chương trình tiếng Anh của vương quốc Anh, kết hợp với các học phần giảng dạy của chương trình tiếng Anh do Bộ GD-ĐT Việt Nam hướng dẫn.

Sơ đồ sau miêu tả sự hòa quyện kiến thức nội dung và ngôn ngữ:

(Nguồn: Dr. Peeter Mehisto)

(Nguồn: Dr. Peeter Mehisto)

Việc bắt đầu học theo phương pháp trên từ sớm giúp học sinh tiếp cận và chuẩn hóa ngôn ngữ ngay từ khi còn nhỏ.

Học sinh THCS học chương trình song ngữ (có tích hợp) của một bộ môn nhưng thông qua 2 thứ tiếng tại Bắc Mỹ và châu Âu đã chia sẻ như sau về việc học môn toán qua tiếng Anh: "Cha mẹ em nghĩ rằng học toán qua ngôn ngữ thứ 2 hẳn là khó lắm. Hoàn toàn không phải vậy. Chúng em học tập theo nhóm, vui và hiệu quả. Học bộ môn thông qua một ngôn ngữ khác giúp em thông thạo ngôn ngữ, từ vựng và cách diễn tả toán học. Có thể nói em sẽ phải học tích cực hơn nhưng chắc chắn em sẽ giỏi hơn".

Đối với môn khoa học, các em cảm thấy được thoát ra khỏi cách học truyền thống, khi người thầy giảng về các khái niệm và các em làm bài tập. Các em học qua việc xây dựng đề án, luôn trải nghiệm cái mới và luôn luôn là người đặt câu hỏi. Các em thật sự thú vị với điều đó. "Học thực sự là sự đam mê" – các em chia sẻ.

Đam mê này sẽ dẫn các em tới đâu?

Tại Anh, các học sinh học tập theo phương pháp CLIL thường nhận định là phương pháp này giúp các em tập trung cao độ hơn trên lớp, tự tin hơn, mở rộng kỹ năng và hiểu biết cuộc sống toàn diện, cũng như giúp các em cảm thấy mình đang "đi trước các bạn cùng trang lứa" trong hành trình thu thập kiến thức. Ở rất nhiều em khác, thành công thể hiện ở việc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi GCSE, kỳ thi quốc gia dành cho lứa tuổi 16, 17. Hy vọng với phương pháp này, học sinh Việt Nam cũng sẽ có những trải nghiệm tương tự và được các trường đại học hàng đầu trên thế giới chào đón.

 

 


Đây là phần tóm tắt tin, đọc đầy đủ theo link sau:
Đọc bài viết gốc

Khai mạc triển lãm đào tạo Mỹ thuật công nghiệp | Giáo dục

Posted: 10 Nov 2014 02:05 AM PST

Đây là triển lãm tiếp theo triển lãm Công trình mỹ thuật ứng dụng của Cán bộ Giảng viên đang được triển lãm tại Trường, là một trong nhiều hoạt động chuyên môn của chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp (1949 – 2014).

Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp được thành lập từ năm 1949 (tiền thân là Trường Quốc gia Mỹ nghệ). Là một trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội về lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp có 13 ngành và chuyên ngành được đào tạo họa sỹ thiết kế mỹ thuật ứng dụng: Thiết kế Gốm; Thiết kế Sơn mài; Thiết kế Thủy tinh; Thiết kế Trang sức; Thiết kế Kim loại; Thiết kế Dệt; Thiết kế Thời trang; Thiết kế Đồ họa; Thiết kế Nội thất; Điêu khắc; Hội họa hoành tráng; Thiết kế Công nghiệp; Thiết kế Đồ chơi.

Mục tiêu của Trường là đào tạo cử nhân Mỹ thuật công nghiệp trình độ đại học và thạc sỹ. Mỗi ngành, chuyên ngành đều có chức năng, nhiệm vụ và đặc thù riêng trong đào tạo nhưng mục tiêu chung nhất là đều hướng tới giá trị thẩm mỹ, giá trị ứng dụng, giá trị kinh tế của từng sản phẩm tiêu dùng. 

Với mục tiêu đào tạo này, nhiệm vụ của Nhà trường hàng năm cung cấp một nguồn nhân lực – họa sỹ thiết kế có chất lượng cao cho xã hội. 

Bên cạnh công tác đào tạo, Nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng thành quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống xã hội. Tăng cường hợp tác đào tạo trong nước và quốc tế.

Năm 2014, Nhà trường kỷ niệm 65 năm thành lập Trường. Trong 65 năm qua, nhiều thế hệ sinh viên được đào tạo trong Nhà trường đã đi khắp mọi miền của Tổ quốc, mang kiến thức đã được học tập phục vụ xã hội. 

Triển lãm Kết quả đào tạo Mỹ thuật công nghiệp chào mừng Kỷ niệm 65 năm thành lập Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, đồng thời cũng trưng bày giới thiệu với công chúng gần 200 tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, đây là kết quả của quá trình đào tạo, học tập của thày và trò nhà trường. 

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị – Hiệu trưởng nhà trường – bày tỏ mong muốn: Thông qua triển lãm này, Nhà trường nhận được sự đánh giá khách quan của xã hội đối với lĩnh vực đào tào của nhà trường để từ đây, trường sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời cũng khắc phục những tồn tại để quá trình đào tạo trong thời gian tiếp theo, Nhà trường sẽ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ giáo dục, đào tạo được Nhà nước giao phó. 

Thăm và cùng cắt băng khai mạc triển lãm, Hoạ sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – đánh giá cao các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. Ông vui mừng khi thấy, các tác giả đã kế thừa được truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành của nhà trường. 

Lịch sử đã vinh danh nhiều tên tuổi lớn là những tác gia được tặng thưởng các danh hiệu cao quý nhất của Đảng, Nhà nước như các Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, cùng các tác phẩm mà những giá trị nghệ thuật sẽ mãi trường tồn cùng năm tháng.

Một số hình ảnh tại cuộc triển lãm do PV báo GD&TĐ ghi lại:


Đây là phần tóm tắt tin, đọc đầy đủ theo link sau:
Đọc bài viết gốc

Quy chế tuyển sinh mới: 6 hay 9 nguyện vọng? – Giáo dục – Khuyến học

Posted: 10 Nov 2014 01:59 AM PST

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Xin ông cho biết những điểm mới của quy chế tuyển sinh 2015?

Quy chế tuyển sinh mới (QCTS) đang trong quá trình soạn thảo và khi có phiên bản đầu tiên, ngành GD-ĐT sẽ đưa ra để xin ý kiến. Về nguyên tắc cơ bản, quy chế 2015 được xây dựng mới dựa theo các điểm đã được quy định trong kỳ thi quốc gia THPT và có kế thừa quy chế cũ ở những điểm không thay đổi như: Diện ưu tiên, nhiệm vụ các trường khi thực hiện tổ chức thi, thanh tra, kiểm tra… Điểm mới nhất trong quy chế mới là quy định về xét tuyển: Tổ hợp các môn thi, bao nhiêu tổ hợp, bao nhiêu môn thi cho một ngành, điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào, thí sinh được nộp bao nhiêu nguyện vọng, các trường công bố phương án xét tuyển thế nào, thời gian tuyển sinh trong bao lâu…

Đặc biệt, năm 2015, các trường sử dụng kết quả chung của kỳ thi quốc gia, trên một cơ sở dữ liệu nên phải có những quy định cụ thể để các trường có thể chọn thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo. Các trường tuyển sinh riêng thì sẽ tuyển sinh như năm 2014 và đa số các trường trong số này cũng sử dụng một phần chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả của kỳ thi quốc gia, một phần chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT thì sẽ được quy định như năm 2014. Hiện các trường đã gửi đề án, Bộ sẽ xem xét và công bố.

Theo các thông tin lọt ra từ "đại bản doanh" của ngành GD-ĐT, mỗi thí sinh sẽ có 3 nguyện vọng (NV), 6 NV, 9 NV… Vậy thông tin nào là chính xác?

Đến giờ này chưa thể nói được vì phải dựa trên các quy định về xét tuyển; ví dụ: các trường có gửi giấy báo cho thí sinh hay là thí sinh tự tải trên mạng và nộp đơn xét tuyển vào các trường ĐH; Tuyển sinh chung toàn quốc cho tất cả các trường hay để các trường tự tuyển sinh như mọi năm… Mỗi phương thức xét tuyển có số lượng NV khác nhau. Khi thống nhất được cách xét tuyển sẽ có số lượng các NV. Đến giờ, chưa thể xác định được vì đang có rất nhiều ý kiến khác nhau về các vấn đề.

Tuy nhiên, cuối tháng 11/2014, ngành GD-ĐT sẽ đưa các chủ trương hỏi ý kiến rộng rãi, không nên đoán lúc 6 NV lúc 9 NV làm thí sinh hoang mang. Thông tin chính thức sẽ được ban hành, thí sinh cứ yên tâm học tập.

Một trong những điều các trường lo ngại là phần mềm tuyển sinh. Có ý kiến cho rằng, dù làm cách gì thì chỉ có thể nhìn thấy dữ liệu trên máy tính, nếu không quy định dải điểm tuyển sinh cho từng trường thì một thí sinh 20 điểm có thể nộp hồ sơ nhiều trường, khiến tuyển sinh hỗn loạn, nhiều trường sẽ phải "dài cổ" chờ thí sinh vì họ cùng chờ 1 thí sinh. Ý kiến của ông là gì?

Biện pháp giảm ảo đang được nghiên cứu và sẽ được đưa vào quy chế sắp tới. Tất nhiên, giảm ảo chỉ tương đối, không thể tuyệt đối. Bộ sẽ đưa ra các giải pháp để khiến số ảo ở mức các trường có thể chấp nhận được. Các chuyên gia đang nghiên cứu nhằm giảm khó khăn trong việc lọc thí sinh ảo cho các trường và điều này sẽ được đưa vào quy định của quy trình xét tuyển.

Được biết, trong tương lai, phương án thi riêng bằng bài thi tích hợp kiểm tra năng lực sẽ được sử dụng. Tất cả các thí sinh vùng miền có được áp dụng kỹ thuật làm bài của dạng bài này hay không?

Phương án thi riêng hiện nay mới chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện hoàn toàn độc lập. Đây là trường đi đầu trong đổi mới, là điều chúng ta đang hướng tới, vì là cách thi tiến bộ nhất, giảm nhẹ việc tổ chức thi đến mức chỉ có một bài thi đánh giá năng lực học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện đại trà, phải thay đổi cách dạy, học, thay đổi chương trình, sách giáo khoa.

Khi học sinh học theo chương trình sách giáo khoa mới thì thi cử mới có thể thay đổi theo hướng đó được. Hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ mới khuyến khích các trường thực hiện, khuyến khích học sinh tham gia và để học sinh tích lũy kinh nghiệm dần. ĐH Quốc gia đã chuẩn bị và khảo sát kỹ thí sinh đáp ứng yêu cầu hay không để có phương án thích hợp. Bộ chưa có nghiên cứu cụ thể, chưa thực hiện đại trà.

Ông nghĩ gì về trào lưu đưa môn Văn vào thi tuyển sinh ngoài các khối thi truyền thống với mong muốn tăng tính nhân văn trong một số ngành nghề đào tạo bác sĩ, nhà kinh tế, nhà kỹ thuật?

Các trường sử dụng môn nào để xét tuyển ngành nghề là do các trường thực hiện quyền tự chủ trong việc xác định các tổ hợp xét tuyển. Nhưng bên cạnh những tổ hợp mới, các trường cần duy trì các tổ hợp truyền thống vì các thí sinh dự thi tuyển sinh 2015 đã học từ lâu để chuẩn bị cho việc thi cử. Chọn thêm Văn hay Sử, Địa, Bộ đều hoan nghênh vì như thế là yêu cầu thêm kiến thức xã hội, đào tạo ra con người toàn diện hơn. Điều này chấm dứt tình trạng sinh viên tốt nghiệp không viết nổi lá đơn xin việc, và góp phần chấm dứt hiện tượng học lệch của học sinh.

Cảm ơn ông. 

Dự kiến, tháng 1/2015 quy chế mới sẽ được công bố và trước đó 45 ngày, theo quy định, phải được đưa lên mạng. Như vậy, cuối tháng 11/2014, quy chế sẽ được trưng cầu ý kiến rộng rãi?

Thí sinh không nên quá hoang mang vì những thông tin không chính thống. Dù đổi mới theo cách nào thì Bộ cũng sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh và giảm tốn kém, giảm áp lực cho toàn xã hội. Theo đó, đề thi mới sẽ tương tự như năm 2014.

 

Theo Hồ Thu

Tiền Phong

 

Xem thêm :trường, thông tin, phương án, ý kiến, học sinh, nhân văn, sử dụng, thống nhất, thí sinh, tốt nghiệp thpt,


Đây là phần tóm tắt tin, đọc đầy đủ theo link sau:
Đọc bài viết gốc

Thông báo tuyển chọn giáo viên đi giảng dạy tại Mô-dăm-bích năm 2015 | Giáo dục

Posted: 10 Nov 2014 01:03 AM PST

Giáo viên, giảng viên đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn sau: Có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt; có ý thức tổ chức kỷ luật tốt; có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình trong công tác; biết tuyên truyền, vận động cộng đồng; biết giữ gìn, phát huy tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Mô-dăm-bích;

Cam kết tự nguyện đi giảng dạy tại Mô-dăm-bích và trở về nước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác, cam kết chấp hành phân công công tác của Bộ GD&ĐT;

Có đủ sức khoẻ theo quy định hiện hành của Bộ Y tế đối với người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;

Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn đúng chuyên ngành tuyển chọn, có kinh nghiệm giảng dạy; sử dụng thành thạo tiếng Bồ Đào Nha.

Số lượng tuyển: 4 giáo viên, gồm: 1 giáo viên chuyên ngành hóa học, làm việc tại Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục Mô-dăm-bích.

3 giáo viên chuyên ngành Nông nghiệp, giảng dạy tại các trường Trung cấp dạy nghề thuộc Bộ Giáo dục Mô-dăm-bích.

Thời gian công tác, lương và các chế độ khác của giáo viên được hưởng theo quy định tại Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Bộ GD&ĐT nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Giáo dục nước Công hòa Mô-dăm-bích năm 2014.

Ứng viên đăng ký dự tuyển nộp 1 bộ hồ sơ dự tuyển, gồm các giấy tờ xếp thứ tự như sau:

Đơn đăng ký dự tuyển đi làm chuyên gia giáo dục ở nước; Công văn giới thiệu của cơ quan công tác đồng ý cho tham gia dự tuyển; Sơ yếu lý lịch có dán ảnh, có xác nhận của cơ quan công tác;

Bản sao hợp lệ các loại văn bằng có kèm theo bảng điểm kết quả học tập;

Hồ sơ dự tuyển gửi bằng thư phát chuyển nhanh bảo đảm hoặc nộp trực tiếp tại Trung tâm Hợp tác Chuyên gia và Kỹ thuật với nước ngoài – Cục Đào tạo với nước ngoài, 14 Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hồ sơ đựng trong túi hồ sơ kích thước 25cm x 34cm, mặt ngoài túi có ghi "Hồ sơ dự tuyển đi giảng dạy tại Mô-dăm-bích năm học 2015".

Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ theo quy định tại mục Hồ sơ dự tuyển và được nộp trong thời hạn quy định của Thông báo này (xem thêm thông tin, các mẫu văn bản liên quan tại các website: www.moet.gov.edu; www.vied.vn; www.cepece.edu.vn).

Thời hạn nhận hồ sơ (tính theo dấu bưu điện đến hoặc sổ theo dõi nhận hồ sơ của Trung tâm Hợp tác Chuyên gia và Kỹ thuật với nước ngoài): Trước ngày 30/11/2014. Hồ sơ dự tuyển không được trả lại trong bất kỳ trường hợp nào.

Ứng viên trúng tuyển sẽ được Trung tâm Hợp tác Chuyên gia và Kỹ thuật với nước ngoài – Cục Đào tạo với nước ngoài thông báo, hướng dẫn các thủ tục trong quá trình cử đi giảng dạy tại Mô-dăm-bích; quản lý giáo viên trong thời gian công tác tại Mô-dăm-bích và làm các thủ tục tiếp nhận giáo viên về cơ sở đào tạo trong nước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD&Đ đề nghị các Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT, các trường ĐH phổ biến rộng rãi thông báo này và giới thiệu người có đủ điều kiện tham gia dự tuyển theo đúng thời hạn quy định.


Đây là phần tóm tắt tin, đọc đầy đủ theo link sau:
Đọc bài viết gốc

Comments