Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


GS Nguyễn Văn Tuấn: “Việt Nam chưa sẵn sàng để thực hiện xếp hạng đại học”

Posted: 04 Oct 2014 07:55 PM PDT

(NG) – Việc phân hạng các trường đại học tại Việt Nam dù mới là dự thảo nhưng thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, tri thức. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Trường ĐH New South Wales, Úc) đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Theo dự thảo này, Bộ GD-ĐT lựa chọn, ủy nhiệm cho một tổ chức thực hiện xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Có ý kiến cho rằng, việc xếp hạng đại học nên để tổ chức độc lập tiến hành xếp hạng để đảm bảo công bằng. Giáo sư nghĩ sao?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi cũng nghĩ việc xếp hạng đại học nên để cho một hay vài nhóm độc lập thực hiện để đảm bảo tính khách quan. Bộ GD-ĐT không nên đứng ra làm và hình như trong dự thảo mới, Bộ cũng không có ý định làm. Ở nước ngoài, các bảng xếp hạng đại học hàng đầu trên thế giới là do các nhóm tư nhân (như nhóm QS – Quacquarelli Symonds, nhóm Times Higher Education của tạp chí Times nhưng nay là của Thomson Reuters), hay do các nhóm nghiên cứu của một đại học (như AWRU của Đại học Giao thông Thượng Hải, CWTS Leiden xuất phát từ Đại học Leiden bên Hà Lan).

Hiện ở Việt Nam, theo Giáo sư liệu đã có đơn vị nào chuyên nghiên cứu về xếp hạng đại học chưa?

Xếp hạng đại học là một lĩnh vực trong bộ môn khoa học mới có tên là scientometrics (tức đánh giá khoa học). Ở Việt Nam, theo tôi biết có một vài nhóm nghiên cứu về chất lượng giáo dục, còn nhóm chuyên nghiên cứu về đánh giá khoa học chỉ mới có Trung tâm CHEER của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành mới được thành lập. Nói chung, Việt Nam chưa có kinh nghiệm về xếp hạng đại học.

GS Nguyễn Văn Tuấn:
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hiện là giáo sư Trường ĐH New South Wales, là chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Australia).

Bộ đề ra các tiêu chí định hướng nghiên cứu khoa học. Giáo sư có thể nhận xét về các tiêu chí này?

Tôi đếm được tất cả 15 tiêu chí để xếp hạng đại học định hướng nghiên cứu. Nói chung các tiêu chí này đặt nặng phần lượng mà thiếu tập trung vào phần phẩm của đại học. Thật ra, 13/15 tiêu chí đều là lượng, từ số giảng viên có bằng tiến sĩ, số chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, quĩ thời gian dành cho nghiên cứu, đến số bài báo khoa học công bố, tất cả đều được gắn liền với một con số!

Vấn đề là không ai biết cơ sở khoa học của những con số này là gì. Chẳng hạn như chúng ta không biết được tại sao có tiêu chí đào tạo 50 tiến sĩ mỗi năm. Thật ra, tiêu chí này cũng khó khách quan vì còn tuỳ thuộc vào qui mô đào tạo của trường. Ngay cả các đại học lớn nhất nước mỗi năm cũng chỉ có thể đào tạo 30-50 tiến sĩ. Do đó, người ta có lí do để nghi ngờ rằng tiêu chí này được soạn cho một đại học nào đó.

Có một vài tiêu chí tôi cho là quá cao và rất khó có đại học nào đạt được. Ví dụ như tiêu chí "ít nhất 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường có trình độ tiến sĩ" là rất cao. Chúng ta biết rằng tính chung, trong số hơn 60 ngàn giảng viên đại học, chỉ có khoảng 15% có bằng tiến sĩ. Ngay cả hai đại học quốc gia, số giảng viên và nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ cũng chỉ đạt con số 25%. Do đó, tôi cho rằng tiêu chí này thiếu tính thực tế.

Tương tự, tiêu chí "Ít nhất 25% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư" cũng thiếu tính thực tế. Hiện nay, số GS/PGS trong các đại học Việt Nam chỉ chiếm <5% trên tổng số giảng viên. Ngay cả đại học quốc gia, cũng chỉ có 6-7% giảng viên có chức danh GS/PGS. Do đó, tôi nghĩ với tiêu chí này, chẳng có đại học nào ở Việt Nam đáp ứng được.

Còn một số tiêu chí khác thì hoặc là trùng hợp, hoặc chưa được định nghĩa rõ ràng. Chẳng hạn như định nghĩa thế nào là một cơ sở "nghiên cứu cơ bản" là một vấn đề còn tranh cãi và không dễ có đồng thuận.

Có người cho rằng, cần phải thêm chỉ tiêu số sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề là bao nhiêu, tiêu chí chất lượng sinh viên ra trường, tỷ lệ sinh viên ra trường có công việc ổn định?

Tôi nghĩ các tiêu chí như số sinh viên ra trường có việc và làm đúng ngành nghề đào tạo là đầu ra của đào tạo, nhưng đó không hẳn là tiêu chí để xếp hạng đại học nghiên cứu. Bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải có tiêu chí cựu sinh viên đoạt các giải thưởng quan trọng như Nobel và Fields, chứ không có bảng xếp hạng nào dùng tiêu chuẩn "thấp" như số sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Xét riêng về tiêu chí cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu, Giáo sư thấy các tiêu chí đã đủ chưa? Giáo sư có góp ý gì?

Tôi nghĩ các tiêu chí mà Bộ GD-ĐT đề xuất vừa phức tạp, vừa đơn giản và vừa thiếu. Tôi có thể lấy vài ví dụ tiêu biểu như sau:

Phức tạp vì những tiêu chí như qui mô đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, quĩ thời gian dành cho nghiên cứu, đào tạo theo định hướng nghiên cứu chiếm hơn 60% tổng số các chương trình đào tạo của trường… sẽ rất khó hiểu hay khó định nghĩa.

Nhiều tiêu chí bị đơn giản hoá một cách không hợp lí. Ví dụ như số giảng viên có bằng tiến sĩ hay có chức danh GS/PGS là một biến số liên tục từ 0 đến 100%, nhưng bị "nhị phân hoá" dựa vào một ngưỡng như trên/dưới 40%, hay trên/dưới 25%! Sự nhị phân hoá là một cách làm rất phi khoa học. Một trường có tỉ lệ 24% sẽ rất khác với 26% vì tiêu chí này, nhưng trong thực tế thì sự khác biệt chẳng có ý nghĩa học thuật.

Thiếu vì chưa quan tâm đến chất lượng nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như tiêu chuẩn công bố tối thiểu 50 bài báo khoa học là thuần tuý lượng. Vấn đề quan trọng hơn là công bố ở đâu, tập san loại gì và tầm ảnh hưởng ra sao. Một bài báo trên tập san có hệ số ảnh hưởng cao (như trên 10) có giá trị cao hơn nhiều so với 10 bài báo trên tập san có hệ số ảnh hưởng bằng 1. Do đó, nếu chỉ quan tâm đến lượng mà bỏ qua khía cạnh phẩm là một sai lầm nghiêm trọng và có thể dẫn đến sai sót hoặc thiếu khách quan trong xếp hạng.

Tôi có nhiều đề nghị, nhưng tôi sẽ ưu tiên cho 2 đề nghị liên quan đến đơn giản hoá tiêu chí và nghiên cứu.

Thứ nhất là cần phải đơn giản hoá và giảm số tiêu chí xếp hạng. Tôi cho rằng 15 tiêu chí được đề ra nhưng chưa có cơ sở khoa học vững vàng và thành thật mà nói, cũng chẳng giống ai trên thế giới. Nếu mục tiêu xếp hạng đại học tạo sự cạnh tranh và làm thước đo về phát triển nghiên cứu khoa học, tôi đề nghị phải bỏ những tiêu chí mang tính đầu vào (input) và tập trung vào các tiêu chí đầu ra (output). Hiện nay, hầu hết các tiêu chí liên quan đến đầu vào. Tôi đề nghị thêm các tiêu chí liên quan đến giảng dạy (như số sinh viên trung bình tính trên giảng viên, trình độ giảng viên và danh tiếng trong giảng dạy).

Riêng các tiêu chí liên quan đến nghiên cứu khoa học, cần phải thêm các tiêu chí liên quan đến tầm ảnh hưởng và chất lượng nghiên cứu (như tần số trích dẫn, chỉ số tác động). Trong thời đại toàn cầu hoá, đại học ngày nay là một trung tâm xuyên quốc gia, do đó cần phải có tiêu chí phản ảnh số giảng viên, giáo sư, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (postdoc) và sinh viên từ nước ngoài.

Thứ hai là nghiên cứu tìm trọng số thích hợp. Thật ra, vấn đề không phải là bao nhiêu tiêu chí, nhưng trọng số gắn liền với mỗi tiêu chí. Chẳng hạn như các tiêu chí liên quan đến nghiên cứu khoa học phải có trọng số cao hơn các tiêu chí liên quan đến quốc tế hoá hay giảng dạy. Nhưng cao như thế nào là một vấn đề khoa học. Do đó, trước khi đề ra tiêu chí, tôi đề nghị phải có nhiều (nhấn mạnh: NHIỀU) nghiên cứu về tính thích hợp và độ tin cậy của các tiêu chí. Qua những nghiên cứu như thế mới có thể tìm ra những trọng số cần thiết. Những nghiên cứu này không phải chỉ đơn giản phân tích dữ liệu của Bộ GD-ĐT sẵn có hay do trường đại học cung cấp, mà phải là những điều tra qui mô trong cộng đồng và giới kĩ nghệ.

Theo Giáo sư, đã đến lúc Việt Nam đề ra việc xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học hay chưa?

Tôi nghĩ Việt Nam chưa sẵn sàng để thực hiện việc xếp hạng đại học. Lí do là hiện nay, Việt Nam chưa có những trung tâm chuyên nghiên cứu về xếp hạng đại học, còn thiếu những nghiên cứu khoa học cần thiết cho việc xếp hạng. Bất cứ bảng xếp hạng nào, bất cứ tiêu chí nào đề ra phải dựa vào chứng cứ khoa học, mà chứng cứ khoa học chỉ có thể đúc kết từ nghiên cứu chứ không thể từ ý kiến cá nhân, càng không thể tuỳ tiện. Nhưng các tiêu chí được đề ra trong dự thảo có vẻ thiếu cơ sở khoa học và như tôi chỉ ra ở trên, còn thiếu tính thực tế. Do đó, cần phải nghiên cứu trước khi áp dụng vào việc xếp hạng đại học.

Việt Nam nên xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng của riêng mình, hay học hỏi từ nước ngoài, thưa Giáo sư?

Tôi nghĩ câu trả lời tuỳ vào mục tiêu của việc xếp hạng. Nếu mục tiêu là muốn khuyến khích các đại học vươn đến tầm cao của thế giới, thì chúng ta nên dựa vào các tiêu chuẩn ở nước ngoài với vài thay đổi cho phù hợp với tình hình trong nước. Bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải nhắm vào việc đánh động sự yếu kém của các đại học Trung Quốc nên họ đặt tiêu chuẩn rất cao. Nếu bảng xếp hạng phục vụ cho mục tiêu mang tính nội địa, thì tôi nghĩ chúng ta không nhất thiết phải dựa vào nhưng vẫn phải tham khảo các tiêu chuẩn của các bảng xếp hạng quốc tế. Dĩ nhiên, một số tiêu chí phải được chỉnh sửa sao cho phù hợp với bối cảnh địa phương. Chẳng hạn như không cần phải đề ra tiêu chuẩn giải Nobel, nhưng có thể là những giải thưởng quan trọng trong chuyên ngành nghiên cứu.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Công Quang – Nguyên Chi (thực hiện)

Bàn về “đạo văn” và vấn đề sở hữu trí tuệ

Posted: 04 Oct 2014 06:40 PM PDT

(NG) – Thời sự mấy hôm nay có vấn đề một Giáo sư, Phó Hiệu trưởng một trường Đại học ở Hà Nội bị nghi đạo văn. Qua bài viết này, tôi muốn đưa ra vài phân tích về quyền sở hữu trí tuệ và đạo đức của người làm khoa học.

Bàn về
Bìa cuốn sách "Kỹ thuật điện cao áp – quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp" của PGS.TS Trần Văn Tớp và tài liệu giảng dạy năm 1993 của PGS.TS Võ Viết Đạn (ảnh: Nguyễn Hùng)

Đạo đức của một người làm khoa học thật ra rất là giản dị: câu nói "cái nào của César thì trả cho César" thể hiện tập quán nhất thống. Đó là một cách làm việc vừa nói lên sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, vừa là tự trọng. Tức là hoàn toàn không được dùng tài liệu, kết quả hay công trình của người khác rồi ký tên mình. Giáo trình cũng thuộc quyền sở hữu của người viết. Có cập nhật thì cũng phải ghi tên tác giả nguyên thủy và ghi thêm tên người cập nhật.

Không thể nói rằng những cái hay, cái tốt từ tài liệu cũ thì phải lấy để viết. Cũng không thể quan niệm rằng chép giống nhau là đặc trưng của sách giáo khoa.

Có những giáo viên mới ra trường, chưa đủ thì giờ và khả năng viết giáo trình thì không có gì cấm họ dùng giáo trình của người tiền nhiệm với hai điều kiện:

+ Được tác giả đồng ý.

+ Nêu rõ tên tác giả với học trò của mình.

Sự đồng ý của tác giả là một điều kiện cần thiết, không thể nào suy diễn rằng "người chết chắc cũng đồng tình" (?)

Quyền sở hữu trí tuệ cũng áp dụng cho những tài liệu chưa hay không xuất bản. Một luận văn ra trường thường không được xuất bản, một số luận án Tiến sĩ cũng thế. Các giáo trình cũng là những tác phẩm sáng tạo dù có in ấn xuất bản hay không. Và nếu có sáng tạo thì có quyền trí tuệ. Ta không có quyền sao chép hay mượn đem về rồi… cho tên mình vào.

Đó là nói theo tập tục của những nước tham gia hay thừa nhận Công ước Berne.
Công ước Berne (1) nguyên thủy ký ngày 9.9.1886 tại Berne, Thụy sĩ; chỉnh sửa nhiều lần qua các kỳ họp ở Paris, Berlin, Roma, Bruxelles, Stockholm và lần sau cùng là tại Paris năm 1979. Có 168 nước ký tham gia công ước này, đồng ý chấp nhận quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có Việt Nam – Việt Nam tham gia từ ngày 26.10.2004.

Công ước Berne gồm hơn 40 điều khoản đi từ định nghĩa các tác phẩm được bảo vệ, các tiêu chỉ để áp dụng tác quyền, thời gian được bảo vệ, vấn đề tác quyền xuyên quốc gia …

Văn bản này quan trọng vì được đại đa số các quốc gia tham gia, đã đưa ra những định nghĩa khung và một khuôn mẫu pháp lý cho vấn đề sở hữu trí tuệ. Công ước Berne ra đời từ hơn một thế kỷ và được tu chỉnh qua các hội nghị tiếp theo như đã ghi trên nên vẫn còn cập nhật.

Một số điều khoản đặc biệt được dự trù cho các nước đang mở mang (6 điều, phụ lục). Ngoài ra, mỗi hệ thống pháp luật của từng quốc gia có quyền định nghĩa, bổ túc và ấn định chi tiết các thể thức áp dụng văn bản sao cho thích hợp với đặc thù của xã hội mà vẫn tôn trọng các ý hướng đạo của Công ước (điều1, khoản 2 chẳng hạn).

Tác phẩm nào được bảo vệ:

Thông thường, có ba điều kiện để thành một tác phẩm được bảo vệ:

+ Có sáng tạo.

+ Sự sáng tạo này đã thành phẩm.

+ Sản phẩm độc đáo, chưa hiện hữu trước đó.

Trong sở hữu trí tuệ ta có thể kể ra các tác phẩm văn chương, hội họa âm nhạc, các bài báo khoa học, các chương trình tin học, các sáng tạo kỹ thuật, máy móc…

Công ước Berne đi xa hơn nữa và 8 khoản trong điều 2 ghi rõ những dạng khác nhau của các tác phẩm được bảo vệ. Trong đó ngoài những gì vừa nêu ở trên còn có cả các bài thuyết trình, bản vẽ của kiến trúc sư, bản đồ của nhà địa lý … Nghĩa là tất cả những gì hội đủ ba điều kiện (sáng tạo, thành phẩm và chưa có trước đó) nêu trên.

Theo nguyên tắc thì không cần thủ tục gì hết để thực thi quyền này. Thế nhưng trong thế giới kinh tế thị trường, những sản phẩm công nghệ cần được trình tòa (brevet hay patent) để khẳng định quyền sở hữu trí tuệ. Trong khoa học thì ngày đăng báo là bằng chứng cho biết tác giả đầu tiên của khám phá.

Để áp dụng quyền sở hữu trí tuệ trong công nghệ, thông thường ta phân biệt thông tin hay nguyên tác và sản phẩm. Thông tin thì không có sở hữu trí tuệ. Còn sản phẩm thì được bảo vệ. Thí dụ như trong công nghệ, khái niệm bao cao su là một thông tin (đó là phương thức bảo vệ trong quan hệ giới tính). Các mẫu mã và mác của các bao cao su thì có thể trình tòa và được bảo vệ.

Nội dung quyền sở hữu trí tuệ

+ Quyền vật chất

+ Phát hành, in ấn, trình bày trước công chúng dưới mọi hình thức, bán buôn, chuyển nhượng, dịch sang ngôn ngữ khác, sản xuất ra hàng loạt …

+ Quyền khai thác dưới mọi hình thức có thể.

+ Quyền tinh thần

+ Tư cách cha đẻ, tác giả của tác phẩm.

+ Quyền được thừa nhận hay tôn vinh của xã hội,

+ Quyền được bảo vệ sự tròn vẹn của tác phẩm và cấm người khác cắt xén hay làm méo mó, sai lệch tác phẩm.

Thông thường quyền sở hữu trí tuệ được bảo đảm suốt cuộc đời của tác giả và từ 50 tới 70 năm sau khi tác giả qua đời.

Tại sao cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ?

+ Cho những tác phẩm văn chương, mỹ thuật, nghệ thuật là để khuyến khích sự sáng tác và sáng tạo.

+ Đối với các nhà khoa học, bảo vệ sở hữu trí tuệ là cách vinh danh những người tận tụy với khoa học và tìm tòi khám phá.

+ Cho những sáng chế công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ cũng theo theo chiều hướng trên.

+ Cho những thương hiệu, là để bảo vệ thông tin cho người tiêu dùng (phân biệt hàng thật – hàng giả) và bảo đảm một sự cạnh tranh trong sạch – Phải biết rằng các thương hiệu cũng như trong công nghiệp, công tác nghiên cứu phát triển tốn nhiều kinh phí. Bảo vệ sản phẩm đầu ra là khuyến khích các thương nghiệp tìm tòi và nghiên cứu, mục đích cuối cùng giúp công nghiệp phát triển.

Những ngoại lệ

1. Phần mềm tự do từ thập niên 80, khởi xướng là một số chuyên gia có ý thức hệ chống quyền lực thương mại của các ông trùm máy tính và cổ vũ cho sự phát triển của các chương trình tin học không phải mua.

2. Từ mươi năm nay các Đại học Bỉ đều đưa lên trang mạng những công trình khảo cứu các Tiến sĩ, nghiên cứu sinh trong ý thức hệ chia sẻ kiến thức (2)

Sở dĩ các khoa học gia chấp nhận công bố các khám phá của mình vì họ tin chắc rằng không ai sẽ đi …ăn cắp các kết quả đó.

Khuynh hướng này sẽ, về lâu về dài, một mặt góp phần phát triển khoa học nhanh hơn. Và mặt khác đưa trình độ khả năng tiếp cận khoa học của người dân lên cao hơn.

Lời kết:

Về những trích dẫn văn chương cho các sách giáo khoa. Con số hàng triệu đô la đã được đưa ra khi nói về tiền bản quyền phải trả cho các tác giả được trích dẫn trong các sách giáo khoa.

Trường hợp này đã được các nước tham gia Công ước Berne giải quyết một cách nhẹ nhàng bằng cách xin phép các tác giả được trích dẫn, không đền bù, để theo đuổi mục đích đào tạo một tầng lớp người đọc trẻ. Những người này sẽ có khả năng mua sách sau đó. Hơn thế, đem các trích dẫn vào sách giáo khoa thì cũng như là một hình thức quảng bá không công cho tác giả!

Việt Nam đã tham gia vào Công ước Berne, ta cũng có thể hành xử như thế, vừa tiết kiệm được ngân sách mà lại hợp lý hợp tình.

Nguyễn Huỳnh Mai

(từ Liège, Bỉ)

(1) nguyên văn Công ước Berne bằng tiếng Pháp có thể đọc được ở đây:

http://www.copyright.ht/hypertext/berne1.htm

(2) đây là ba liên kết với các nơi mà ba Đại học lớn nhất ở Bỉ cho đăng các công trình của các nhà khoa học nước mình:

http://www.bib.ulb.ac.be/fr/bibliotheque-electronique/index.html

http://orbi.ulg.ac.be/news?id=03

http://www.uclouvain.be/374269.html

Trường đại học “như quán phở”?

Posted: 04 Oct 2014 05:45 PM PDT

Ông chủ quán phở chỉ có một mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận và để có lợi nhuận đó, ông ta phải nấu cho ngon, phục vụ cho tử tế. Trường ĐH vì lợi nhuận về bản chất là một doanh nghiệp và mục tiêu của nó cũng không khác.

Trong Đối thoại giáo dục tổ chức tại TPHCM mới đây, một diễn giả đã phát biểu nôm na là trường ĐH cũng như một quán phở, nấu ăn ngon thì người ta sẽ đến. Liệu chúng ta có quá nhấn mạnh đến tính chất dịch vụ của giáo dục ĐH mà bỏ quên sứ mạng xã hội của nó?

Nơi có thể bán và mua

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta đang chứng kiến 2 luồng ý kiến trái ngược: Một bên cổ vũ cho tính chất phi lợi nhuận của giáo dục ĐH, một bên chứng minh rằng đào tạo ĐH cũng là một dịch vụ. Cả 2 phía đều đang đi đến những quan niệm và nhận định cực đoan.

Trường đại học
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH trước kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Trường phái phi lợi nhuận cho rằng giáo dục không phải là chỗ để kinh doanh, đầu tư vào giáo dục chỉ nên để lấy danh chứ không phải lấy tiền, tiêu biểu là ý kiến của GS Trần Văn Thọ (Báo Tuổi Trẻ ngày 12-8). Trường phái vì lợi nhuận thì cho rằng trường ĐH cũng như quán phở, miễn sao bán đúng giá, cung cấp món hàng có chất lượng thì chính là kinh doanh hợp đạo đức và đóng góp cho xã hội, tiêu biểu là nhận định của một diễn giả đã nêu ở trên.

Câu trả lời cho trường phái nào là đúng hay sai, đúng đến mức độ nào hay sai ở chỗ nào nằm trong vấn đề bản chất cốt lõi của trường ĐH là gì. Nếu tuyệt đối hóa sứ mạng xã hội và tính chất lợi ích công của giáo dục ĐH, chúng ta sẽ thấy trường phái phi lợi nhuận là đúng. Trong khi đó, nếu tuyệt đối hóa bản chất dịch vụ của đào tạo ĐH, chúng ta sẽ thấy trường phái vì lợi nhuận là đúng.

"Phi lợi nhuận" là một quan niệm truyền thống mà không mấy ai đặt dấu hỏi. Đã bao thế kỷ nay, trường ĐH được xem là nơi bảo toàn những giá trị tinh thần của xã hội và truyền lại qua nhiều thế hệ, là nơi kiến tạo tri thức mới và đào tạo nhân tài. Kinh tế tri thức và đại chúng hóa giáo dục ĐH đã khiến trường ĐH không còn là thánh đường tri thức tôn nghiêm mà biến thành một cái siêu thị – nơi người học chọn môn mình muốn, trả tiền cho từng môn không khác gì những món hàng. Tuy vậy, vẫn có nhiều người dị ứng với việc xem nhà trường như một cái chợ, nơi mọi thứ đều có thể bán và mua.

Trường ĐH và quán phở có gì khác?

Vậy trường ĐH và các doanh nghiệp có gì khác nhau? Nếu như doanh nghiệp chỉ cần "giải trình trách nhiệm" với khách hàng về chất lượng dịch vụ hay sản phẩm họ đã mua và bảo đảm rằng sản phẩm hay dịch vụ ấy có chất lượng xứng đáng với giá tiền mà họ đã trả, thì trách nhiệm giải trình của trường ĐH phức tạp hơn rất nhiều.

Trước hết, trường ĐH có trách nhiệm giải trình với sinh viên về chất lượng giáo dục nhà trường đã mang lại. Đồng thời, phải giải trình trước xã hội về kết quả đào tạo của mình, giải trình trước các tổ chức kiểm định chất lượng, các hiệp hội chuyên môn hay trước cơ quan quản lý nhà nước về quy trình hoạt động của mình. Điều đó cũng tương tự ông chủ quán phở phải giải trình trách nhiệm trước khách hàng, trước các cơ quan kiểm dịch, thuế, an toàn thực phẩm.

Hơn nữa, trường ĐH không những có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội mà còn phải có trách nhiệm trước những tiêu chuẩn khoa học và đạo đức của chính mình. Sinh viên có thể muốn học thật ít, với chi phí thật thấp, ra trường thật nhanh, lấy tấm bằng một cách thật dễ dàng. Những tiêu chuẩn khoa học và đạo đức của nhà trường không cho phép họ chiều theo mong muốn ấy của "khách hàng".

Trường ĐH còn phải bảo toàn những giá trị tinh thần kế thừa từ những thế hệ trước và trao lại cho thế hệ sau. Nó không được phép để cho sự thật lịch sử trong quá khứ bị chôn vùi. Nó phải hành động không chỉ vì lợi ích của hôm nay mà còn vì lợi ích của ngày mai. Đó là điều khiến trường ĐH không thể bị đối xử như một doanh nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm với khách hàng hiện tại của mình, hay rộng hơn là xã hội hiện tại mà mình là một bộ phận làm nên nó.

Sản phẩm của quán phở chỉ có tác dụng với khách hàng của quán ấy. Trong khi đó, sản phẩm của trường ĐH – con người mà nó đào tạo, kết quả nghiên cứu mà nó thực hiện – không chỉ tác động đến những người đã học ở trường ấy mà còn tác động đến toàn xã hội. Nếu người học được đào tạo với một tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo, với sự hiểu biết sâu sắc về xã hội và con người, với những kiến thức chuyên môn vững chắc, họ sẽ đem những điều ấy vào nơi làm việc và làm cho xã hội trở thành tốt hơn.

Xét về mục tiêu, bản chất của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận. Ông chủ quán phở chỉ có một mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận và để có lợi nhuận đó, ông ta phải nấu cho ngon, phục vụ cho tử tế. Trường ĐH vì lợi nhuận về bản chất là một doanh nghiệp và mục tiêu của nó cũng không khác. Để có lợi nhuận, họ phải xây trường cho đẹp để thu hút sinh viên, mời thầy cho giỏi và đào tạo sao cho người có học khác với người không có học và ra trường thì tìm được việc làm. Về mặt này, trường vì lợi nhuận cũng đáng được hoan nghênh như mọi doanh nghiệp khác, vì họ tạo ra giá trị gia tăng cho người học và góp phần tích cực vào việc đào tạo lực lượng lao động có trình độ.

Không thể ăn xổi, ở thì

Tuy nhiên, nếu trường ĐH chỉ nhằm vào việc phục vụ khách hàng và tìm kiếm lợi nhuận thì sẽ không có ai nghiên cứu về mặt trăng, sao hỏa, thiên thạch, về quá khứ, về những thứ "vớ vẩn" bởi nó tốn hàng núi tiền mà không có hy vọng gì lấy lại được ngay. Sẽ không ai đào tạo những ngành ít người học, chi phí đơn vị cao, khả năng hoàn vốn thấp. Sẽ không ai dạy những môn không giúp người học mài ra thành tiền được ngay nhưng lại là những món ăn tinh thần nuôi dưỡng lý tưởng, sự công chính, sự trưởng thành của lương tâm, là những thứ giúp bảo toàn cột trụ tinh thần của cả xã hội.

Chính vì lẽ ấy, với những trường đào tạo nghề nghiệp cho sinh viên và coi đó là một dịch vụ, người ta thường gọi là "training providers" (các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo) thay vì trường ĐH. Chúng tôi thiết nghĩ sự phân biệt tên gọi đó là xác đáng. Cũng khó mà xem là ĐH nếu các trường chỉ đào tạo những kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong một chuyên ngành rất hẹp, không trang bị cho người học một nền tảng kiến thức rộng rãi về các nền văn hóa và các thời đại, một sự hiểu biết đầy đủ về những sức mạnh lịch sử chi phối cuộc sống của con người.

Trường ĐH không chỉ là trường nghề, nó giúp tạo ra những con người có hiểu biết và từng trải trong việc suy nghĩ một cách hệ thống về những vấn đề đạo đức và lương tâm. Với ý nghĩa đó, trường ĐH là cột trụ tinh thần của xã hội. Điều này làm cho trường ĐH khác với các doanh nghiệp.

Nếu sản phẩm của quán phở chỉ có tác dụng với khách hàng của quán ấy thì sản phẩm của trường ĐH – con người mà nó đào tạo, kết quả nghiên cứu mà nó thực hiện – không chỉ tác động đến những người đã học ở trường ấy mà còn tác động đến toàn xã hội.

Ngày càng phức tạp, đa diện

Trường công, trường tư vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận không nói lên điều gì về chất lượng. Có trường tư là nơi bán bằng nhưng cũng có trường tư đạt đến đỉnh cao như Harvard. Có trường công nổi tiếng thế giới như ĐH Quốc gia Singapore, cũng có trường công mua điểm bán bằng. Mỗi loại trường đều có sứ mạng khác nhau, đặc điểm khác nhau và bổ sung cho nhau để tạo ra một hệ thống đa dạng nhằm đáp ứng những nhu cầu đa dạng của cuộc sống.

Thị trường giáo dục ĐH là một thị trường hàng ngàn tỉ USD sôi động trên toàn cầu. Đó là một thực tế mà dù chúng ta có thừa nhận hay không thì nó vẫn tồn tại. Chúng ta nên công nhận rằng trường ĐH là một thực thể ngày càng phức tạp và đa diện. Trường vì lợi nhuận, thuộc sở hữu tư nhân, là một doanh nghiệp và chúng ta cần thiết lập hành lang pháp lý thích hợp để nó đóng góp tích cực cho xã hội. Trường phi lợi nhuận thuộc sở hữu cộng đồng và trường công thuộc sở hữu nhà nước là những tổ chức được tạo ra để phục vụ lợi ích công. Một sự phân biệt dứt khoát như thế sẽ giúp cho mọi loại trường cùng phát triển và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của xã hội.

Khuyến nghị chính sách của chúng tôi là thiết lập một hành lang pháp lý rõ ràng cho tất cả loại trường dựa trên đặc điểm sở hữu, sứ mạng của nó và tạo điều kiện cho mọi loại trường phát triển. Ngay cả trường vì lợi nhuận cũng cần được một sự ưu đãi có mức độ nhất định. Quan trọng nhất là cần bảo đảm trách nhiệm giải trình của tất cả các trường, dù là công hay tư, vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, trước cơ quan quản lý, trước xã hội và trước công chúng.

Theo Phạm Thị Ly

Người Lao Động

Có lớp mầm non phải “nhồi” 60 trẻ/lớp

Posted: 04 Oct 2014 11:44 AM PDT

(NG) – Do tình trạng thiếu trường lớp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực thế nên sĩ số ở bậc mầm non tại TPHCM đang trong tình trạng quá tải, bình quân 40 – 50 trẻ/lớp, đặc biệt có lớp phải "gánh" đến 60 trẻ.

Hội nghị "Giải quyết vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo ở các Khu chế xuất – Khu công nghiệp" diễn ra sáng 4/10 nêu ra thực trạng thiếu trường lớp ở bậc học mầm non (MN) và những vướng mắc trong việc xây dựng trường cho con em công nhân tại TPHCM và các tỉnh lân cận.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, nhiều năm gần đây, dân nhập cư vào TPHCM biến động theo chiều hướng tăng nhanh, công tác dự báo số học sinh đến lớp không chính xác, tạo áp lực lớn trong việc không đáp ứng kịp nhu cầu phòng học cục bộ ở một số địa phương.

"Tại TPHCM sĩ số trẻ trong lớp MN còn đông, bình quân 40 – 50 trẻ/lớp, đặc biệt có lớp sĩ số lên đến 60 trẻ", ông Đạt cho hay.

Có lớp mầm non phải
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tham dự hội nghị giải quyết vấn về cho học cho trẻ mầm non trong các khu chế xuất – khu công nghiệp.

Tính đến tháng 5/2014, toàn TPHCM có 912 trường MN, trong đó 419 trường công lập và 493 trường ngoài công lập cùng với hơn 11.480 nhóm, lớp. Tổng số trẻ trên 331.230 trẻ.

Dự kiến đến năm 2025, TPHCM sẽ có 2.558 trường MN với tổng số trẻ là 596.296 trẻ. Số giáo viên dự kiến sau hơn 10 năm nữa tăng lên gấp 3 lần so với hiện nay (từ 18.585 lên 53.156 người).

Ông Phạm Huy Thông, Phó trưởng ban Quản lý KCX – KCN TPHCM cho hay đến tháng 9/2014, ngoài 6 dự án đã và đang triển khai trực tiếp trong KCX – KCN (KCX Linh Trung (2 dự án), KCX Tân Thuận, KCN Vĩnh Lộc, KCN TBCC, KCN Lê Minh Xuân), còn có 18 dự án công trình trường MN, cơ sở giáo dục MNcó nguồn gốc từ KCX – KCN, có khả năng đáp ứng hơn 5.000 trẻ.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện dự án các trường MN theo đề án "Tạo lập quỹ đất xây dựng các công trình tiện ích phục vụ người lao động trong KCX – KCN" phát sinh rất nhiều vấn đề.

Nhiều KCX – KCN hiện hữu đã tận dụng tối đa quỹ đất có thể khai thác, không có những mảng cây xanh tập trung đủ lớn để lập dự án xây dựng trường MN, diện tích đất không đủ xây dựng trường chuẩn. Hơn tại các KCX – KCN, quy hoạch cây xanh tập trung thường có vị trí là khu cách ly với công trình hạ tầng kỹ thuật, môi trường khó đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Chưa kể đến việc, việc xây dựng Trường MN phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng KCX – KCN nhằm đảm bảo việc xây dựng công trình phải phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được quy hoạch cũng rất phức tạp.

Có lớp mầm non phải
TPHCM thiếu trầm trọng trường lớp ở bậc mầm non, nhiều lớp phải “nhồi” đến 60 trẻ/lớp. (Ảnh minh họa)

Xuất phát từ việc thiếu trường lớp, trong khi nhu cầu gửi trẻ của công nhân rất cao nên nhiều gia đình phải chấp nhận gửi con tại các nhóm trẻ gia đình, kể cả các nhà trẻ không phép. Nơi đây tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ thiếu an toàn cho trẻ.

Thực trạng này không chỉ xảy ở TPHCM mà còn diễn ra tại một số tỉnh lân cận tập trung nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương…

"Cơ sở nhà trẻ không phép trên địa bàn vẫn phát triển nhanh tại địa bàn có cụm công nghiệp hoạt động để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Đặc biệt là các cơ sở này nhận giữ trẻ cả thứ 7, chủ nhật, trông đến 10 giờ đêm phù hợp với việc tăng ca của công nhân", bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng Phòng Giáo dục MN của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương nói.

Ghi nhận những đóng góp từ các địa phương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ những ý kiến trong hội nghị sẽ là cơ sở để Bộ GD-ĐT tiếp tục tham mưu để cùng với các Bộ, ngành có hướng đề xuất tháo gỡ, nhất là những vấn đề liên quan đến các KCN-KCX.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng đề nghị, các địa phương tiếp tục chủ động quản lý chặt các cơ sở giáo dục MN, đặc biêt là các nhóm lớp ngoài công lập để đảm bảo chăm sóc, giáo dục trẻ tốt nhất bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường lớp sớm giải quyết chỗ học cho trẻ.

Hoài Nam

Cấm giảng viên, sinh viên mặc quần jeans, đi dép lê

Posted: 04 Oct 2014 11:38 AM PDT

Mặc quần jeans, áo thun và đi dép lê là 1 trong số 8 danh mục cấm của Trường ĐH Cửu Long đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên nhà trường.

Nội dung này được nêu rõ tại quy định về thực hiện văn hóa công sở và trang phục đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên tại Trường ĐH Cửu Long, được Phó Hiệu trưởng Nguyễn Cao Đạt ký ngày 4/10/2014.

Cụ thể, các hành vi cấm gồm: Hút thuốc lá trong nhà trường; sử dụng đồ uống có cồn tại công sở (trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ, tết, tiếp khách ngoại giao…);

Quảng cáo thương mại; truy cập website nội dung không lành mạnh; thờ cúng trong phòng làm việc và hoạt động mê tín dị đoan tại đơn vị;

Tổ chức đun nấu, ăn uống, tiếp khách gây mất trật từ trong giờ làm việc ở công sở; mặc các trang phục hở hang, không lịch sử trong trường; mặc quần jeans, áp thun, mang dép lê.

Thứ 2, thứ 6 hàng tuần, trang phục dành cho nữ là áo dài truyền thống; nam là quần tây/quần kaki, áo sơ mi trắng sơ vin, đi giày hoặc dép có quai hậu.

Các ngày còn lại, sinh viên mặc trang phục tự chọn, lịch sự, trang nhã, đi giày hoặc dép có quai hậu, đảm bảo gọn gàng, kín đáo và không để lộ nội y gây phản cảm, mất mỹ quan. Nếu sử dụng áo thun phải có cổ, tay áo lịch sự…

Theo Lập Phương
Giáo dục & Thời đại

Hội phụ huynh lạm thu: ‘Xử’ hiệu trưởng

Posted: 04 Oct 2014 02:40 AM PDT

(NG)Bộ GD-ĐT mới có công văn hoả tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.

Công văn do thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ký nêu rõ: Qua phản ánh của báo chí và nhân dân, ở một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra việc thu góp trái quy định, ép buộc học sinh may (mua) quần áo đồng phục gây bức xúc trong dư luận xã hội.

lạm thu, hội phụ huynh, hiệu trưởng 

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương hướng dẫn, giám sát và kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học đảm bảo đúng quy định. Các khoản đóng góp, tài trợ theo hình thức xã hội hoá cũng phải thực hiện theo quy định hiện hành.

Có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu góp hoặc ép buộc học sinh may (mua) quần áo đồng phục trái quy định.

Ngân Anh

Comments