Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Một số khoản thu không chỉ hỏi ý kiến đại diện cha mẹ học sinh

Posted: 04 Oct 2014 05:04 AM PDT

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý trong thực hiện các khoản thu, chi từ đóng góp của học sinh, cha mẹ học sinh và các hỗ trợ xã hội khác tại các cơ sở GD-ĐT.

Trong đó có một nội dung đáng chú ý: Các khoản thu được phép thu để phục vụ trực tiếp cho học sinh phải xin ý kiến cha mẹ học sinh thì phải xin ý kiến tại hội nghị toàn thể cha mẹ học sinh, có dẫn giải nội dung chi, cùng nguyên tắc thu đủ bù chi, được sự đồng thuận của các cha mẹ học sinh mới được thu, không hỏi ý kiến qua đại diện cha mẹ học sinh.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

UBND tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan, rà soát hệ thống toàn bộ các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến thực hiện các khoản thu, sử dụng nguồn thu tại các cơ sở GD-ĐT của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Thực hiện việc hướng dẫn cụ thể đến từng loại hình cơ sở GD-ĐT trên địa bàn toàn tỉnh và yêu cầu thực hiện đúng quy định.

Yêu cầu các nhà trường công khai hóa, chi tiết hóa mà minh bạch hóa các khoản thu, việc sử dụng các nguồn thu theo quy định hiện hành của nhà nước; thông báo công khai đến Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các cơ sở GD-ĐT để phụ huynh và toàn thể nhân dân biết cùng giám sát, thực hiện.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở GD-ĐT khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra ngay từ đầu năm học việc thực hiện các khoản thi của học sinh trên địa bàn, đặc biệt lưu ý, việc lạm thu không đúng quy định thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các cơ sở giáo dục vi phạm thu các khoản thi không đúng quy định, lạm thu dưới nhiều hình thức, hoặc vi phạm do tự đưa ra những đóng góp nói là trang bị cho học sinh nhưng không thiết thực, hiệu quả.

Sở GD-ĐT cũng được yêu cầu quản lý về dạy học thêm theo đúng quy định. Có kế hoạch hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện hiệu quả chất lượng học 2 buổi trên ngày của các nhà trường ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Tránh lạm dụng, biến tướng thành dạy thêm, học thêm không đúng quy định để thu tiền của học sinh…

Theo Lập Phương
Giáo dục & Thời đại

Công chúng sẽ thiệt nếu sách giáo khoa bị đội giá vì… tác quyền

Posted: 04 Oct 2014 01:46 AM PDT

(NG) – Tuần qua, trên báo chí, một số tác giả văn học có lên tiếng phê bình Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tuyển chọn tác phẩm của họ vào sách giáo khoa phổ thông (SGK) mà không hỏi ý kiến và cũng không trả tiền tác quyền hoặc trả với mức rất thấp.

Trước vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết đã có bài viết chia sẻ quan điểm của ông, chúng tôi xin được gửi tới độc giả cùng tham khảo.
NXB cũng… chịu không nổi

Việc trích dẫn tác phẩm trong SGK không phải xin phép, không phải trả tiền tác quyền

Được biết đầu năm ngoái, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục – Đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp, trong đó có điều khoản "Bộ GD-ĐT chỉ đạo NXB Giáo dục VN nghiên cứu, phối hợp với Trung tâm Quyền tác giả văn học VN thực thi các quy định về bản quyền trong xuất bản". Tháng 8 vừa qua, Hội Nhà văn VN và NXB Giáo dục VN đã thỏa thuận về việc trả tiền tác quyền cho các tác giả có tác phẩm in trong SGK từ năm 2014 theo Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong xuất bản. Trong tháng 10, hai bên sẽ tiếp tục bàn về cách chi trả cho các tác giả.

Việc trả nhuận bút cho các tác giả văn học là thỏa thuận dân sự giữa NXB với các tác giả hoặc đại diện của họ là Trung tâm Quyền tác giả văn học VN; và nếu các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm in trong SGK được trả nhuận bút xứng đáng thì đó là điều đáng mừng. Chỉ có điều hai bên và công luận cũng nên cân nhắc kỹ để không làm ảnh hưởng đến bên thứ ba là hàng chục triệu học sinh phổ thông và gia đình họ. Pháp luật nước ta và các công ước quốc tế đều thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của người sáng tạo, nhưng cũng có những quy định giới hạn quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi của công chúng.

Theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 25, Luật Sở hữu trí tuệ (ban hành năm 2005; sửa đổi, bổ sung năm 2009), việc "trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại" thuộc vào "các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao". Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra quy định giới hạn quyền sở hữu trí tuệ như vậy là vì lợi ích của công chúng. Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (năm 1971) cũng quy định tại khoản 2 điều 10: các quốc gia "có thẩm quyền quy định cho phép sử dụng trong mức độ phù hợp có mục đích những tác phẩm văn học, nghệ thuật bằng cách trích dẫn, minh họa, giảng dạy trong các xuất bản phẩm, các buổi phát thanh, ghi âm hoặc ghi hình, miễn sao việc sử dụng đó phù hợp với thông lệ chính đáng".

Trong các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Công ước Berne có 2 vấn đề cần làm rõ:

1. Việc "trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường" là trích dẫn miệng của giáo viên trong giờ lên lớp hay trích dẫn trong SGK? Quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ bao quát cả 2 trường hợp này. Bởi vì nếu hiểu trích dẫn chỉ là trích dẫn miệng thì mỗi thầy cô sẽ trích một khác, làm sao có thể đảm bảo sự thống nhất về kiến thức trong nhà trường? Hơn nữa, nếu không trích dẫn tác phẩm trong SGK, không lẽ mỗi học sinh sẽ phải mua hàng trăm tác phẩm để học? Ngay Công ước Berne cũng chỉ rõ trích dẫn là trích trong "xuất bản phẩm".

2. SGK có phải mặt hàng "nhằm mục đích thương mại không"? Mặc dù SGK được bán cho học sinh, nhưng ở nước ta, đây vẫn là loại hàng hóa có bù giá, được Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính duyệt, vì vậy không thể coi là nó được bán vì mục đích thương mại. Thực tế cho thấy SGK rẻ đến mức không thể rẻ hơn nên tuyệt nhiên không có tổ chức, cá nhân nào dám in nhái SGK, trong khi rất nhiều loại sách khác bị in nhái để bán trên thị trường. Với mức giá bù lỗ như vậy, SGK nhằm phục vụ công chúng chứ không phải nhằm mục đích thương mại. Nếu SGK cũng phải trả tiền tác quyền như các loại xuất bản phẩm khác thì giá SGK sẽ bị đội lên và người chịu thiệt sẽ là công chúng, tức là học sinh. Điều này trái với tinh thần bảo vệ lợi ích công chúng của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tới đây, với chủ trương "một chương trình, nhiều bộ SGK", sẽ có nhiều NXB bỏ tiền túi của mình ra làm SGK phục vụ học sinh. Chắc rằng các NXB không thể bù lỗ và ngân sách nhà nước cũng không bù giá cho những bộ SGK này. Nếu không thực hiện quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, chắc chắn giá SGK sẽ cao ngất ngưởng và không mấy ai còn hào hứng làm SGK nữa vì không thể cạnh tranh nổi với SGK do Bộ GD-ĐT làm có Nhà nước bù giá.

Việc trích dẫn tác phẩm trong sách tham khảo chắc chắn phải trả tiền tác quyền

Hiện nay có hai loại sách được sử dụng trong nhà trường. Ngoài SGK, còn có sách tham khảo (STK). STK lâu nay vẫn là một mặt hàng lợi nhuận cao nên mới diễn ra tình trạng "trăm hoa đua nở'”, rất nhiều nhà xuất bản không liên quan đến lĩnh vực giáo dục cũng phát triển mạnh loại ấn phẩm này. Với loại sách này, không chỉ các nhà văn, nhà thơ bị xâm phạm tác quyền mà quyền sở hữu trí tuệ của tác giả SGK cũng bị xâm phạm nghiêm trọng, vì hầu hết các STK chỉ lặp lại nội dung, bài tập trong SGK; mức "sáng tạo" cao nhất cũng chỉ là thay đổi cách trình bày và để trống một số dòng cho học sinh viết câu trả lời vào sách. Ngay NXB Giáo dục VN cũng làm STK xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả SGK.

STK có mục đích thương mại và đây là điểm khác biệt rõ so với SGK nên chắc chắn tổ chức, cá nhân xuất bản nó phải thực hiện nghiêm túc việc trả tiền tác quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nếu trích dẫn tác phẩm văn học và sử dụng nội dung, bài tập trong SGK.

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, chúng tôi không nhằm làm ảnh hưởng tới thỏa thuận tự nguyện giữa NXB Giáo dục VN với các tác giả có tác phẩm được tuyển chọn vào SGK mà chỉ đề nghị hai bên và công luận lưu ý bảo đảm quyền lợi của hàng chục triệu học sinh theo tinh thần và lời văn của Luật Sở hữu trí tuệ cũng như pháp luật quốc tế.

GS Nguyễn Minh Thuyết

Cậu học trò mồ côi và giấc mơ trở thành cảnh sát biển

Posted: 03 Oct 2014 09:58 PM PDT

(NG) – Bố mất khi Mến lên 7 tuổi. 5 năm sau, mẹ em qua đời vì bệnh ung thư. Mến ở một mình trong ngôi nhà nhỏ bố mẹ để lại. Vượt lên nỗi đau thương, mất mát, cậu học trò xứ Nghệ cố gắng học thật giỏi để thực hiện giấc mơ trở thành cảnh sát biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Từ nhà đến trường là quãng đường không phải là gần nhưng Nguyễn Trọng Mến (sinh năm 2001, lớp 8A, Trường THCS Nghi Xá, Nghi Lộc, Nghệ An) ngày nào cũng cuốc bộ đi học. Từ một năm nay, khi mẹ "về" với bố, Mến đã quen với thiếu thốn như vậy rồi.

73 tuổi, bố Mến lấy vợ lẽ, khi đó mẹ của Mến chỉ bằng tuổi của người cháu nội chồng. Mến bị sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh và từ nhỏ đã được phẫu thuật. Tuy nhiên hiện tại, giọng nói của em nhiều khi không tròn vành, rõ tiếng. Bạn bè thương yêu Mến lắm nên không trêu chọc gì em cả.
Năm Mến lên 7 tuổi thì bố em qua đời, năm đó Mến mới học lớp 1, cũng chưa đủ lớn để hiểu nỗi mất mát mà mình phải chịu.
Những người anh chị cùng cha khác mẹ cũng đã già, lại có gia đình riêng, chẳng có nhiều điều kiện và tâm sức để lo cho người mẹ kế và cậu em út. Hai mẹ con Mến nương tựa vào nhau để sống. Nhưng một lần nữa, số phận lại giáng một đòn chí mạng lên cuộc đời em khi mẹ được kết luận mắc bệnh ung thư. Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, năm 2013 mẹ Mến qua đời.
"Ngày mai là giỗ đầu mẹ em", Mến buồn bã nói với tôi.

Học học trò mồ côi học giỏi Nguyễn Trọng Mến.

Cậu học trò mồ côi học giỏi Nguyễn Trọng Mến.

Mất bố, mất mẹ, Mến trơ trọi giữa cuộc đời. Anh em đằng nội cũng đông nhưng cũng lần lượt qua đời, mấy người cháu cũng lập gia đình, cũng phải lo cho vợ con. Mến ở một mình trong ngôi nhà nhỏ bố mẹ để lại. Người anh cả (64 tuổi) chịu trách nhiệm sang trông nom nhà cửa và chăm sóc em. Nhưng anh cũng nhiều tuổi rồi, lại mắc cái tật thích uống rượu nên thành ra Mến phải tự chăm sóc lấy bản thân mình. Sau những giờ học, Mến phụ giúp anh chị công việc đồng áng.

"Chi phí sinh hoạt thì có tiền tuất mỗi tháng 500 nghìn của bố. Chị dâu cầm rồi mua thức ăn hàng ngày cho em. Hôm nào anh trai uống ít rượu, em đi học về đã có cơm canh. Hôm nào anh ấy hơi quá chén thì em phải tự nấu nướng", giọng Mến buồn buồn. Hai chị em đang nói chuyện thì anh trai Mến về, người nồng nặc mùi rượu, bước lảo đảo. Anh dúi cho Mến một nắm xôi rồi bắt đầu càm ràm về chuyện này chuyện nọ. Mến im lặng…

Những tấm giấy khen, bằng khen minh chứng cho thành tích học tập của Mến.

Những tấm giấy khen, bằng khen minh chứng cho thành tích học tập của Mến.

Chị Nguyễn Thị Vinh – chị dâu của Mến thở dài: "Tính ông như vậy, nhiều khi tội thằng Mến lắm. Bố mẹ mất sớm, anh trai như vậy thôi thì chị cũng cố gắng thay bố mẹ, thay anh lo cho Mến thôi. Nhưng chị năm nay 59 tuổi rồi, đau ốm luôn, ruộng đất lại chẳng được bao nhiêu, thương em cũng không biết làm gì hơn".

Khó khăn, thiếu thốn nhưng Mến vẫn gắng vượt lên và học rất giỏi. Suốt 7 năm liền Mến là học sinh giỏi của trường, của huyện.
Nhận xét về cậu học trò mồ côi học giỏi, cô Trần Thị Hà – giáo viên dạy môn Ngữ Văn lớp 8A cho biết: "Tuy hoàn cảnh hết sức đặc biệt nhưng Mến luôn có tinh thần vươn lên trong học tập. Mến ngoan, chăm chỉ, hăn sau xây dựng bài, chữ viết khá đẹp và luôn có cách cảm nhận vấn đề theo cách riêng của mình. Năm ngoái, Mến đạt danh hiệu học sinh giỏi huyện môn Văn. Năm nay em cũng nằm trong tốp nguồn của đội tuyển học sinh giỏi Văn của trường".
Cậu bé được đánh giá là sáng dạ, chăm chỉ, có cách cảm nhận vấn đề theo cách riêng của mình.

Cậu bé được đánh giá là sáng dạ, chăm chỉ, có cách cảm nhận vấn đề theo cách riêng của mình.

Được biết, Nguyễn Trọng Mến cũng nằm trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi môn Giáo dục Công dân. Mến cũng học khá tốt các môn tự nhiên. Trong ngôi nhà nhỏ của Mến, giữa những bức tường loang lổ là những tấm giấy khen của cấp trường, cấp huyện dán kín tường.

Nói về ước mơ của mình, Mến sáng rực đôi mắt: "Em ước sau này trở thành cảnh sát biển. Ước mơ đó càng thôi thúc trong em hơn từ hồi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển, xâm phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam. Em sẽ cố gắng học thật tốt để thi vào Học viện Cảnh sát để thực hiện ước mơ của mình".
Được biết nhà trường đã miễn toàn bộ các khoản đóng góp cho Mến để em yên tâm đến trường.

Mến chỉ mong còn bố, còn mẹ để có điểm tựa về tinh thần những lúc cảm thấy buồn tủi, cô độc.

Mến chỉ mong còn bố, còn mẹ để có điểm tựa về tinh thần những lúc cảm thấy buồn tủi, cô độc.

Rồi đôi mắt cậu bé chùng xuống, giọng nói cố tỏ vẻ cứng cỏi nhưng vẫn đứt quãng bởi xúc động: "Thỉnh thoảng em thấy buồn tủi, khó khăn, bế tắc em càng nhớ bố, nhớ mẹ nhiều hơn. Em cũng mong có bố, có mẹ như các bạn để có một điểm tựa trong cuộc sống nhưng… Trước khi mất, mẹ chỉ dặn em cố gắng đừng bỏ học, em sẽ cố gắng để thực hiện mong ước của mẹ".

Mùa thu nhưng nắng vẫn chói chang trên đỉnh đầu. Nhìn đôi mắt buồn buồn nhưng tràn đầy ước mơ của Mến, tôi mong sao ước mơ của em sớm trở thành hiện thực.

Hoàng Lam

Thắc mắc trượt ở Học viện Khoa học Quân sự: Phân tích trên cơ sở dữ liệu

Posted: 03 Oct 2014 08:43 PM PDT

(NG) – Mặc dù Học viện Khoa học Quân sự đã có sự giải thích khá rõ ràng nhưng phụ huynh vẫn cho rằng chưa thỏa đáng nhất là thí sinh Hoàng Duy Quang lại thuộc diện trúng tuyển. Trên cơ sở dữ liệu mà báo NG có trong tay, xin phân tích cụ thể để bạn đọc hiểu rõ.

Vào ngày 8/8/2014 khi Bộ GD-ĐT đưa ra các mức điểm sàn tối thiểu thì khối các trường thuộc Bộ Quốc phòng cũng ký quyết định công bố điểm chuẩn. Vào thời điểm này do chưa có công văn của Bộ yêu cầu tính theo công thức mới nên nhà trường vẫn thực hiện cách tính tổng điểm của thí sinh theo công thức như mọi năm đó là:TĐXT = điểm môn Toán + điểm môn Ngoại ngữ *2 + điểm môn Văn + điểm ưu tiên (nếu có).

Sau khi lọc lấy thí sinh nam dự thi các khối thuộc khu vực Quảng Bình trở ra và tính TĐXT theo công thức trên và sắp xếp từ cao xuống thấp thì có kết quả như sau: Xếp vị trí từ số 1 đến số 7 đều là thí sinh có TĐXT từ 30,5 điểm trở lên và dự thi khối D1 hoặc D4.

Ở vị trí thứ 8 có 3 thí sinh cùng đạt mức 29,5 điểm gồm Hoàng Duy Quang dự thi khối D1; T.B.L và L.V.K dự thi khối D4.

Thứ tự xếp TĐXT theo cách tính cũ của thí sinh từ cao xuống thấp.
Thứ tự xếp TĐXT theo cách tính cũ của thí sinh từ cao xuống thấp.

Như chúng tôi đã phân tích ở bài trước thì chỉ tiêu dành cho nam miền Bắc chỉ còn 8 chỉ tiêu và nhà trường bắt buộc phải xác định đủ chỉ tiêu, không được phép vượt quá. Sở dĩ có sự bắt buộc này là do khi trúng tuyển hệ quân sự còn liên quan đến con số phân bổ vị trí việc làm trong quân đội.

Về nguyên tắc tuyển sinh nếu hai thí sinh bằng điểm thi trong cùng một khối thi thì cả hai cùng trúng tuyển hoặc cùng trượt. Dựa trên quy định này nhà trường xác định hai phương án:

Phương án 1: Nếu lấy điểm chuẩn khối D1 là 29,5 và khối D4 là 30,5 thì số thí sinh trúng tuyển trên cơ sở dữ liệu là 8. Như vậy là vừa đủ chỉ tiêu và đáp ứng đúng yêu cầu của Bộ quốc phòng đưa ra.

Phương án 2: Nếu lấy điểm chuẩn khối D1 là 30,5 và D4 là 29,5 thì cả hai thí sinh dự thi khối D4 đều trúng tuyển nghĩa là số thí sinh trúng tuyển trên cơ sở dữ liệu là 9 chỉ tiêu, vượt chỉ tiêu được giao.

Sau khi thảo luận Hội đồng tuyển sinh đã quyết định lựa chọn phương án 1 để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu chứ không thể vượt quá chỉ tiêu. Như vậy thí sinh Hoàng Duy Quang đã trúng tuyển theo cách tính TĐXT như mọi năm.

Một cán bộ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho biết: Việc chọn phương án điểm chuẩn nào hoàn toàn do Hội đồng tuyển sinh quyết định. Nhà trường chọn phương án 1 để đảm bảo tuyển vừa đủ chỉ tiêu là hoàn toàn hợp lý, không có gì đáng bàn cãi ở đây.

Vào ngày 14/8/2014 Bộ GD-ĐT có công văn đề nghị tính điểm xét tuyển đối với các ngành có môn thi chính theo công thức: TĐXT1= [Điểm môn Toán + điểm môn Ngoại ngữ *2 + điểm môn Văn]*3/4 + điểm ưu tiên (nếu có). Tuân thủ quy định của Bộ GD-ĐT, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã tính lại điểm xét tuyển cho thí sinh và vẫn tuân thủ theo quy tắc lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.

Thứ tự xếp TĐXT theo cách tính mới của Bộ GD-ĐT của thí sinh từ cao xuống thấp.
Thứ tự xếp TĐXT theo cách tính mới của Bộ GD-ĐT của thí sinh từ cao xuống thấp.



NG đã từng có loạt bài phân tích về bất cập công thức mới của Bộ GD-ĐT và thực tế sự bất cập này đã diễn ra ở Hội đồng Tuyển sinh Học viện Khoa học Quân sự. Cụ thể, khi tính điểm xét tuyển theo công thức mới thì thứ tự của một số thí sinh đã bị thay đổi.

Ở đây thí sinh L.V.K bị trượt ở cách tính cũ đã nhảy vọt lên xếp thứ 7 và dĩ nhiên trở thành trúng tuyển. Khi thí sinh L.V.K trúng tuyển thì đẩy thí sinh Hoàng Duy Quang tụt xuống vị trí thứ 9. Nếu nhà trường ấn định chỉ tiêu trúng tuyển là 8 thì điểm chuẩn khối D1 và D4 đều phải là 22,50 và lúc này thí sinh Quang bị trượt.

Nhằm đảm bảo quyền lợi thí sinh đã trúng tuyển theo cách tính cũ không trượt theo cách tính mới nên nhà trường đã đề xuất với Bộ Quốc phòng xin thêm 1 chỉ tiêu để tiếp nhận thí sinh Quang và đã nhận được sự đồng ý.

Lãnh đạo của Học viện Khoa học Quân sự chia sẻ: Việc xin thêm 1 chỉ tiêu đối với khối các trường quân đội là rất khó khăn và quy định của ngành rất chặt chẽ. Theo quy định thì nhà trường báo cáo phương án xét tuyển lên Ban Tuyển sinh Quân đội – Bộ Quốc phòng xem xét một cách cặn kẻ sau đó mới trình lãnh đạo của Bộ ký quyết định công nhận điểm chuẩn.

Nguyễn Hùng

Sáp nhập trường, gần chục giáo viên mất phụ cấp thâm niên

Posted: 03 Oct 2014 06:56 PM PDT

(NG) – Mặc dù hàng chục năm giảng dạy trường công lập, nhưng trước khi nghỉ hưu không lâu trường công lập lại sát nhập vào trường bán công vì thế gần chục giáo viên Trường mầm non Tân Ninh (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) bị thu hồi tiền thâm niên khiến giáo viên không khỏi chạnh lòng.

Theo phản ánh của các giáo viên đã nghỉ hưu của Trường mầm non Tân Ninh thì trước đây khi bắt đầu vào giảng dạy, họ được biên chế tại Trường mầm non Mỏ Cromit Cổ Định (huyện Triệu Sơn). Đây là một trường mầm non công lập cho đến tháng 8/2004.

Tháng 9/2004, Trường Mỏ Cromit Cổ Định sát nhập vào trường bán công Tân Ninh vì thế trước khi nghỉ hưu không lâu sau ngày trường sát nhập, 8 giáo viên đã không còn được hưởng tiền thâm niên. Trong đó có giáo viên chỉ nghỉ hưu sau ngày trường sát nhập 1 năm, nhiều nhất cũng không đầy 4 năm.

Vào nghề giáo từ sau năm 1977 và đã có hơn 32 năm trong nghề với bao tâm huyết và đóng góp suốt quá trình giảng dạy, có gần chục năm làm chủ nhiệm, hiệu trưởng của trường thế nhưng khi nói về việc chế độ thâm niên, cô giáo Lê Thị Duyên không khỏi chạnh lòng.

Đơn gửi đến cơ quan chức năng của 8 giáo viên đã nghỉ hưu của Trường mầm non Tân Ninh
Đơn gửi đến cơ quan chức năng của 8 giáo viên đã nghỉ hưu của Trường mầm non Tân Ninh.

Cô Duyên cho biết: "Trường bán công cũng là trường của Nhà nước. Giáo viên chúng tôi vẫn hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì tại sao lại phân biệt đối xử. Điều bất hợp lý là tháng 9/2004 các giáo viên Trường Cromit Cổ Định bị sát nhập sang trường mầm non bán công Tân Ninh nên nghỉ hưu bị mất tiền thâm niên nhưng đến tháng 6/2011, Trường mầm non Tân Ninh lại đổi thành trường công lập vì thế mà các giáo viên giảng dạy bán công lâu nay lại nghiễm nhiên được hưởng chế độ thâm niên. Như vậy, chúng tôi quá thiệt thòi so với những gì chúng tôi cống hiến".

Cô giáo Lê Thị Huyền thì bùi ngùi: "Gần 31 năm cống hiến cho giáo dục, chỉ có vài năm sau ngày trường sát nhập tôi về hưu thì cũng bị thu hồi tiền phụ cấp thâm niên. Chúng tôi biết theo quy định, giáo viên tại trường bán công là không được nhận phụ cấp thâm niên nhưng đối với trường hợp các giáo viên như chúng tôi thì như vậy không thỏa đáng một chút nào".

Bản thân chỉ giảng dạy sau khi trường công sát nhập vào trường bán công chỉ có một năm nhưng cũng là một trong những giáo viên bị thu hồi tiền thâm niên, cô Nguyễn Thị Thêm không khỏi thất vọng, cô chia sẻ: "Cũng là giáo viên, cũng cống hiến cả cuộc đời cho giáo dục và cũng dạy tại trường công lập cho đến tận những năm cuối cùng, thế mà chỉ có 1 năm trường sát nhập vào bán công thì chúng tôi bỗng nhiên mất quyền lợi. Chúng tôi cũng không phải ham tiền nhưng muốn nhà nước quy định thế nào cho hợp lý, xứng đáng với những gì chúng tôi cống hiến mà thôi".

Hiện nay, theo thống kê của Phòng Chế độ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa thì có trên 70 trường hợp có quyết định thu hồi tiền thâm niên. Đây là những đối tượng rơi vào trường hợp là giáo viên bán công, giáo viên nhưng làm công tác quản lý, không giảng dạy…

Đơn gửi đến cơ quan chức năng của 8 giáo viên đã nghỉ hưu của Trường mầm non Tân Ninh
Nhiều giáo viên không khỏi chạnh lòng khi nói về những bất cập trong quyết định thu hồi tiền thâm niên.

Trao đổi về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Diệp, Trưởng Phòng Chế độ, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Có rất nhiều trường hợp giáo viên phản ứng khi nhận được quyết định thu hồi tiền thâm niên nhưng chúng tôi cũng chỉ là nơi thực hiện theo công văn, quyết định của Bộ Giáo dục và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chứ cũng không thể thay đổi được gì. Mặc dù có giáo viên chỉ nghỉ hưu trước ngày trường bán công trở thành trường công lập có vài ba tháng thôi nhưng cũng không được hưởng. Hay như các trường hợp tại trường mầm non Tân Ninh cũng vậy, họ là những giáo viên đáng được hưởng. Tuy nhiên, trong quyết định người ta chỉ căn cứ tại thời điểm nghỉ hưu".

Còn ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định: "Những trường hợp như các giáo viên Trường mầm non Tân Ninh thật sự cũng rất thiệt thòi. Như vậy để thấy được quyết định của Bộ giáo dục và của Bảo hiểm Việt Nam có nhiều chỗ còn bất cập".

Nguyễn Thùy

Phân tầng đại học: Sẽ rất nguy hiểm cho sự phát triển của các trường!

Posted: 03 Oct 2014 11:15 AM PDT

(NG) – "Cần cân nhắc thật kỹ các tiêu chí để phù hợp với thực trạng nền giáo dục hiện nay, bởi để đạt được các tiêu chí chất lượng cao nhiều trường "rất dễ rơi vào tầng 5" mà không cần đánh giá kiểm định chất lượng. Như thế là rất nguy hiểm cho sự phát triển của các trường…".

Đó là ý kiến góp ý của PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi khi trao đổi với PV NG về dự thảo Nghị định Quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.

PGS. TS Nguyễn Văn Nhã.
PGS. TS Nguyễn Văn Nhã.

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo xin ý kiến góp ý về phân tầng đại học với 5 thứ hạng và 3 tiêu chí, là người làm và nghiên cứu GDĐH nhiều năm qua, ông thấy nội dung của Dự thảo Bộ đưa ra như thế nào, có phù hợp với thực tế nền GDĐH Việt Nam hiện nay?

Việc cơ quan quản lý có dự kiến phân tầng các trường ĐH là phù hợp với xu hướng thế giới đang xếp hạng các trường ĐH tiên tiến, đó là một dấu hiệu tích cực trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền GD Việt Nam.

Trong dự thảo ban đầu lần này dự kiến 5 tầng (mỗi tầng lại còn chỉ rõ khoảng số lượng các trường cụ thể 10 hoặc 20%…) theo cá nhân tôi không thể định tính dự kiến như thế được. Bởi lẽ cứ theo các tiêu chí của loại trường thì số lượng các trường ở mỗi tầng có thể nhiều hoặc ít, thậm chí hoặc không có trường nào được nằm ở tầng như thế mới thực sự là đánh giá khách quan, không lệ thuộc ý kiến chủ quan trong phân tầng.

Một điều cần lưu ý nữa là những ĐH như ĐH quốc gia, ĐH vùng có nhiều trường ĐH thành viên với chức năng nhiệm vụ khác nhau (có trường là ĐH nghiên cứu, có trường chỉ đơn thuần đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề…) thì nằm ở tầng nào. Cần cân nhắc thật kỹ các tiêu chí để phù hợp với thực trạng nền giáo dục hiện nay, nghĩa là để đạt được các tiêu chí chất lượng cao nhiều trường "rất dễ rơi vào tầng 5" mà không cần đánh giá kiểm định chất lượng. Như thế là rất nguy hiểm cho sự nghiệp phát triển của nhà trường.

Như ông nói, việc phân tầng, xếp hạng rất "nguy hiểm" hiện nay với giáo dục đại học Việt Nam. Tại sao lại như vậy?

Chúng ta đã và đang triển khai kiểm định chất lượng các trường ĐH theo bộ tiêu chí của Bộ GD-ĐT hoặc của AUN… một số trường đánh giá trong, đánh giá ngoài cho thấy kết quả ở mức khá khiêm tốn, nay triển khai phân tầng (dự kiến 10 năm mới xếp hạng lại – Điều 11) nghĩa là 2 hoặc 3 nhiệm kỳ của Hiệu trưởng khác nhau đấy.

Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về xếp hạng nhà trường này? Hay cả 2-3 hiệu trưởng ấy? Còn xếp loại (dự kiến 2 năm/lần – điều 13) thì mấy cơ quan được phân công nhiệm vụ này có đủ sức đi 1 vòng các trường đánh giá hết không? Có thể là quá sức hoặc không cụ thể, chính xác mà đánh giá không chính xác thì nguy hiểm thật đấy chứ.

Có ý kiến cho rằng, chỉ nên phân biệt hai loại trường đại học, gắn với hai loại mục đích đào tạo khác nhau. Loại thứ nhất là những trường đại học tinh hoa, có mục đích đào tạo những nhân tài cho đất nước, và loại thứ hai là những trường đại học đại chúng, có nhiệm vụ đào tạo nhân lực, hay nói cách khác là người lao động thông thường. Còn ý kiến của ông?

Hẳn chúng ta đều biết mỗi kiểu xếp hạng các trường ĐH trên thế giới có tiêu chí riêng, rô bốt vào trang web tiếng Anh của trường tự động phân tích số liệu rồi công bố xếp hạng, rất khách quan nhưng vì tiêu chí do họ đặt ra khác với tiêu chí (thói quen quản lý) của Việt Nam nên không ít ý kiến chưa hài lòng cách xếp hạng như vậy.

Chúng ta nay mới bắt đầu, hẳn không tránh khỏi khó khăn, nhưng càng phân nhiều loại (muốn rạch ròi từng tầng từng bậc) thì chắc khó khăn càng nhiều. Vấn đề là các tiêu chí đưa ra phải đạt mức độ "tâm phục khẩu phục" thì không hề đơn giản, nhất là bộ phận chịu trách nhiệm làm công tác phân tầng đó có chuyên nghiệp thực sự hay không, có độc lập với cơ quan quản lý hay không…cũng là vấn đề cần cân nhắc.

Tuy nhiên, nếu Bộ vẫn thực hiện với phương án mình đưa ra, với số lượng khoảng 450 trường ĐH, CĐ, việc xếp hạng các cơ sở được thực hiện theo chu kỳ 2 năm một lần như dự thảo đưa ra, theo ông cần phải xếp hạng như thế nào?

Ta nhẩm thử con số: Mỗi trường được đánh giá ngoài nhanh cũng mất 5-7 ngày, thảo luận với lãnh đạo nhà trường nhanh là 10 ngày; chắc không thể xếp hạng kịp theo cách làm cũ! Chắc chắn phải dùng đến công nghệ đánh giá xếp loại tiên tiến mà thế giới đang sử dụng, tôi tin thế.

Có thể giai đoạn đầu, một số trường sẽ "chưa muốn phân tầng", nhất là các trường ngoài công lập chưa được hưởng chính sách ưu đãi, đầu tư của Nhà nước, cho dù nếu không tham gia phân tầng thì cũng chịu "ẩn dật" (như không tham gia cuộc thi Hoa hậu nào đó, thì tự an ủi là biết đâu mình đẹp hơn các cô đoạt giải mà!).

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, nhu cầu nhân lực khá đa dạng, hệ thống GDĐH nước ta khá rộng lớn, do đó việc phân tầng là hết sức quan trọng. Cần lưu ý, hệ thống GDĐH cần được phân tầng về chức năng chứ không chỉ về chất lượng, vì đào tạo tầng nào cũng cần bảo đảm chất lượng theo quan niệm chất lượng là sự trùng hợp với mục tiêu. Trong thời gian qua, sự quản lý của ngành GD chưa theo các định hướng đó, cho nên mọi loại trường đều chạy theo số lượng để đào tạo ra hàng loạt sinh viên kém chất lượng như nhau. Ông nghĩ sao?

Việc phân tầng các ĐH là thuộc tính bản chất của chính trường ĐH đó, tôi nghĩ, mỗi Hiệu trưởng đều biết (có thể chưa thật cụ thể chi tiết) trường mình đang nằm ở tầng nào (như 1 anh ra dự hội đình làng đã tự biết đâu là chiếu trên và ai sẽ ngồi chiếu đó vậy!), chẳng qua cơ quan quản lý chưa phân tầng cụ thể, chứ định tính cũng đã có, ví dụ cả nước chỉ có 2 ĐHQG, 5 ĐH vùng, 10 ĐH trọng điểm…

Bên cạnh đó, cũng có nhiều cách phân tầng phân loại theo quy mô, theo truyền thống 100 năm trở lên, theo lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu… cho dù có hay chưa có phân tầng, kiểm định thì các Hiệu trưởng (dù trường to hay bé) đều đang hết sức cố gắng, tâm huyết và có trách nhiệm để xây dựng và phát triển thương hiệu của nhà trường.

Vấn đề quan trọng, theo tôi, là cơ chế chính sách cần xem lại, phân cấp và giao trách nhiệm cho các trường (trực tiếp là Hiệu trưởng) cần rõ ràng minh bạch, khi đó hệ thống giáo dục đại học thực sự là trăm hoa đua nở!

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Học sinh mầm non cũng “gánh” hàng chục khoản thu

Posted: 03 Oct 2014 11:01 AM PDT

(NG) – Đầu năm học, hàng trăm phụ huynh có con em theo học tại Trường Mầm non Xuân Bình (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) phải “lao đao” với các khoản thu. Nhà trường đã đưa ra hàng chục khoản thu và bắt phụ huynh phải đóng cho con em nếu muốn theo học tại trường.

Để chấn chỉnh việc lạm thu xảy ra trong các trường học 2014 – 2015, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có văn bản hướng dẫn cụ thể gửi đến các trường yêu cầu thực hiện nghiêm khắc việc thu chi trong các nhà trường.
Một số phụ huynh có con em đang theo học tại Trường Mầm non xã Xuân Bình, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) phản ánh. Trong năm học này, nhà trường đã đưa ra hàng chục khoản thu và bắt phụ huynh phải đóng cho con em nếu muốn theo học tại trường.

Để con được đến trường đi học, phụ huynh phải
Để con được đến trường đi học, phụ huynh phải "oằn lưng" đóng hàng chục khoản thu cho trường.

Liên quan đến khoản thu đầu năm học, nếu có ý kiến gì về khoản thu của các trường, bạn đọc có thể phản ánh thông tin tới báo điện tử NG theo địa chỉ email: dantri@dantri.com.vnXin trân trọng cảm ơn!

Theo tìm hiểu của PV NG, ngay từ những ngày đầu mới vào năm học mới, Trường Mầm non Xuân Bình đã yêu cầu mỗi học sinh (HS) lớp mẫu giáo lớn phải đóng số tiền là 270.000đ/em. Một phụ huynh (xin giấu tên) bức xúc: "Đầu năm học, nhà trường đã bắt chúng tôi phải đóng khoản thu này và nói để mua đồ dùng học tập cho các cháu. Nếu không đóng khoản thu trên nhà trường không cho các cháu vào học".

Lý giải về khoản thu này, bà Cao Thị Lợi – Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Bình cho biết, số tiền này nhà trường thu là để mua trang thiết bị và đồ dùng học tập cần thiết cho HS. "Nhà trường chỉ đứng ra mua hộ các loại đồ dùng học tập cho các cháu để có đồ dùng phục vụ cho việc học tập. Hiện nay bên ngoài có nhiều loại trang thiết bị học không đạt, để các phụ huynh yên tâm nên chúng tôi đứng ra mua hộ từ huyện về phục vụ cho các cháu", bà Lợi nói.

Cũng theo bà Lợi, việc mua giúp đồ dùng học tập cho HS nhà trường cũng có phần "công lao" trong đó. Chính vì thế mà giá mỗi loại đồ dùng đều cao hơn bên ngoài từ 3 – 500 đồng. Khoản tiền công này, bà Lợi cho rằng: "Nhà trường mua giúp nên có thu thêm để lấy tiền công, phí vận chuyển khi mua từ huyện về".

Trong năm học 2014 – 2015 này, Trường Mầm non Xuân Bình có hơn 300 HS. Trong đó, có gần 100 cháu trong độ tuổi ở lớp mẫu giáo lớn. Như vậy, mỗi em HS khi được nhà trường mua giúp đồ dùng học tập thì phải mất một khoản phí "thù lao" cho trường.

 Bà Cao Thị Lợi - Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Bình trao đổi với phóng viên.
Bà Cao Thị Lợi – Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Bình trao đổi với phóng viên.

Ngoài khoản thu này, trong bảng danh sách tổng hợp các khoản đóng góp dưới hình thức tự nguyện, thỏa thuận của nhà trường Mầm non Xuân Bình năm nay có đến chục khoản thu. Mỗi một HS bán trú phải đóng tổng cộng 10 khoản, HS không bán trú phải đóng 6 khoản. Chưa kể khoản thu một ngày công lao động (không đi đóng 100.000đ)…

Danh sách các khoản thu mà Trường Mầm non Xuân Bình tổ chức thu trong năm học này bao gồm: Tu bổ, sửa chữa, mua sắm, nâng cấp cơ sở vật chất trường chuẩn mức độ II = 350.000đ/cháu/năm; tiền hỗ trợ nhân viên, giáo viên hợp đồng, bảo vệ = 200.000đ/cháu/năm; tiền nước uống = 40.000đ/cháu/năm; quỹ cha mẹ học sinh = 40.000đ/cháu/năm; tiền điện, nước sinh hoạt = 200.000đ/cháu/năm.

Ngoài các khoản thu trên, đối với HS bán trú phải đóng thêm các khoản như: tiền thuê nhân viên nhà bếp phục vụ bán trú = 315.000đ/cháu/năm; tiền trông coi trẻ ngoài giờ = 198.000đ/cháu/năm; tiền điện nước phục vụ bán trú = 200.000đ/cháu/năm; tiền ga, chất đốt nấu ăn bán trú = 135.000đ/cháu/năm.

Tổng số khoản thu mà mỗi HS không bán trú phải đóng là 1.030.000đ. Còn đối với HS bán trú là 1.878.000đ.

Nhiều phụ huynh đã rất bất bình về những khoản thu trên nhưng không biết kêu ai. Các khoản thu này nhà trường đều "núp" dưới danh nghĩa thu hộ cho Hội cha mẹ học sinh. Hầu hết, các khoản thu này không đúng với quy định của nhà nước và không có trong công văn hướng dẫn của Sở GD-ĐT Thanh Hóa nhưng phụ huynh vẫn phải đóng góp.

Lý giải về hai khoản thu tiền hỗ trợ nhân viên, giáo viên (GV) hợp đồng, bảo vệ của nhà trường và tiền thuê nhân viên nhà bếp phục vụ bán trú bà Lợi cho biết: "Hiện nhà trường vẫn chưa có người phục vụ nấu ăn cho các cháu đủ điều kiện theo quy định. Vì thế, chúng tôi phải đưa hai GV bộ phận chuyên môn có chứng chỉ về nấu ăn xuống phục vụ nhà bếp. Vì thế, vị trí của hai GV bị khuyết nên chúng tôi phải thuê 2 giáo viên bên ngoài dạy thế chỗ cho hai GV trên".

Việc bà Lợi đẩy hai GV chuyên môn xuống bếp nấu ăn là bất hợp lý. Điều này đã tạo ra việc thiếu GV bộ môn dạy học của trường, dẫn đến phải đi thuê thêm GV vào dạy để thế chỗ cho hai GV của trường tạo ra khoản thu trên.

Được biết, Trường Mầm non Xuân Bình đóng trên địa bàn thuộc vùng kinh tế khó khăn diện 30a và 135 của tỉnh Thanh Hóa. Hầu hết, các cháu trong trường đều là người dân tộc thiểu số Thái, Thổ, Mường… chiếm đến 60%. Tỷ lệ HS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo của trường là khoảng 50%.

 Bà Cao Thị Lợi - Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Bình trao đổi với phóng viên.
Danh sách các khoản thu của Trường Mầm non Xuân Bình làm nhiều phụ huynh lao đao, các khoản đóng góp đều quá cao.

Ông L.V.A bức xúc cho biết, gia đình có 4 đứa cháu nội ở độ tuổi đi học mầm non. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn, tiền đóng góp quá cao nên đành phải để 2 đứa cháu ở nhà. Gia đình ông A chỉ là một trong nhiều trường hợp ở xã Xuân Bình có con, cháu đến tuổi đi học nhưng vì không có tiền đóng góp nên cũng phải để con ở nhà.

Để các phụ huynh phải đóng góp đầy đủ, Trường Mầm non Xuân Bình đã bắt buộc các phụ huynh phải ký vào bản cam kết thực hiện các nội quy của nhà trường. Trong bản cam kết này nêu rõ: Thực hiện tốt các quy định của Hội Cha mẹ HS, thực hiện đóng góp đầy đủ các khoản thu theo thỏa thuận trong cuộc họp phụ huynh đầu năm đề ra… Nếu phụ huynh nào không thực hiện tốt phải chịu trước nhà trường, Hội Cha mẹ HS và pháp luật.

Mới đầu năm học, phụ huynh có con em theo học tại Trường Mầm non Xuân Bình đã phải lo đóng hàng chục khoản thu với mức quá cao. Nhiều hộ gia đình nghèo nơi đây đang phải "lao đao" không biết lấy tiền đâu đóng học cho con?

Thái Bá


Mùa mưa lũ, thầy trò thấp thỏm lo… trường sập

Posted: 03 Oct 2014 10:03 AM PDT

(NG) – Nhiều mét tường rào đổ ngã, đất sạt lở trong trận lũ hồi cuối năm ngoái khi nước ngập vào trường cả hơn 1m, hiện giờ thầy trò Trường Tiểu học số 1 Tây Phú ở xã Tây Phú (huyện Tây Sơn, Bình Định) lại thấp thỏm lo âu khi mùa mưa lũ sắp tới.

Trường học bên sông và nỗi lo trường sập
Trường Tiểu học số 1 Tây Phú (huyện Tây Sơn, Bình Định) đứng trước nỗi lo trường bị nước sông xâm lấn mỗi mùa mưa lũ tới.

Trường Tiểu học số 1 Tây Phú, nguyên tách ra từ Trường tiểu Tây Phú (thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) được xây dựng cách đây hơn 15 năm, nằm cách xa bờ sông Đá Hàn (một nhánh của sông Côn). Hiện toàn trường có hơn 300 học sinh học từ lớp 1 đến lớp 5 với dãy trường học 2 tầng, 10 phòng học và một dãy phòng học cấp 4.

Thế nhưng, hơn 5 năm trở lại đây sau mỗi mùa mưa lũ nước sông chảy xiết gây sạt lở nghiêm trọng khiến giáo viên và học sinh rất lo lắng vì nước sông "ngoạm" trường. Nghiêm trọng nhất là trận lũ năm 2009, nước lũ tràn về ngập vào trường sâu cả hơn 1m, toàn bộ hàng rào phía bờ sông bị nước lũ cuốn làm đổ ngã. Hàng năm mỗi mùa mưa lũ về nước chảy xiết bờ sông bị xói mòn “ngoạm” sâu vào ngôi trường.

Trường học bên sông và nỗi lo trường sập
Mỗi mùa mưa lũ tới, nước sông 3 nguồn đổ về chảy đâm thẳng vào trường khiến giáo viên, học sinh vừa học vừa lo.
Thầy Bình, Hiệu trường trường chỉ tay vào mực nước ngập vào trường trong đợt lũ năm 2013 vừa qua.
Thầy hiệu trưởng Đoàn Thiên Bình chỉ tay vào mực nước ngập vào trường trong đợt lũ năm 2013 vừa qua.

Theo thầy Đoàn Thiên Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Tây Phú, cho biết: "Sau trận lũ lớn năm 2009, trường bị ảnh hưởng nặng, sau đó lãnh đạo huyện về trường kiểm tra chỉ đạo các ngành chức năng có kế hoạch tu sửa nhưng sau đó chỉ xây lại được tường rào. Năm nào nhà trường cũng báo cáo lên chính quyền địa phương, Phòng GD-ĐT huyện. Cách đây 2 năm, Ban quản lý dự án huyện có về trường khảo sát, tính toán nhưng do kinh phí lớn nên đến nay vẫn chưa thực hiện được".

"Mỗi mùa mưa lũ về nước mấp mé trường học, kéo theo hàng khối đất chảy xuống sông. Trước dòng chảy của ông ở tận phía bên kia bờ sông nhưng bây giờ dòng chảy đâm thẳng vào trường học gây sạt lở nghiêm trọng. Cứ theo đà này, trong một vài năm nữa nếu không khắc phục được tình trạng này thì cũng có phần nguy hiểm đến ngôi trường", thầy Bình lo lắng.

Qua tìm hiểu, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do tình trạng khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy. Trong khi đó, đoạn sông này ngắn, xung quanh bao phủ là núi nhưng tập trung 3 nguồn nước lớn từ Vĩnh Thạnh chảy về, một nguồn từ Hầm Hô và cánh Đồng Xiêm chảy ra nên sức tàn phá rất mạnh ảnh hưởng đe dọa đến trường học và hàng trăm hộ dân sống dọc đoạn sông này.

Mưa lũ không chỉ đe dọa đến trường học mà hàng trăm hộ dân sống dọc đoạn sông này cũng sống trong lo lắng, trong đó có khoảng chục hộ bị xâm thực sâu. Về mùa mưa lũ những hộ dân này luôn trong tình trạng lo lắng sẵn sàng di dời nếu lũ lớn đổ về.

Nhiều đoạn tường rào bị đổ ngã do lũ về.
Nhiều đoạn tường rào bị đổ ngã do lũ về.
Nhiều đoạn tường rào bị đổ ngã do lũ về.

Theo ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch xã Tây Phú cho biết: "Qua trận lụt lớn năm 2009 đã ảnh hưởng xâm thực đến Trường tiểu học Tây Phú và một số hộ dân sống gần khu vực này bị xâm thực rất nghiêm trọng. Từ đó, đến nay chính quyền địa phương đều đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ kinh phí để khắc phục tình trạng trên, còn địa phương thì lực bất tòng tâm vì không có kinh phí. Hàng năm, trước mùa mưa lụt, địa phương đã thông báo các hộ gia đình cho người dân sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có lũ lớn. Riêng về nạn xâm thực ở Trường tiểu học số 1 Tây Phú là nặng nhất, nhiều lần chính quyền địa phương kiến nghị lên cấp trên và đã có kế hoạch gia cố, xây dựng bờ kè nhưng do kinh phí cao nên đến nay vẫn chưa thực hiện".

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Sĩ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: UBND huyện Tây Sơn đã lập đề án gia cố, xây dựng bờ kè dọc sông Đá Hàn nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh Trường tiểu học Tây Phú nói riêng, cũng như người dân sống dọc bờ sông nói chung. Tuy nhiên, do kinh phí lớn ngoài khả năng của huyện nên đến nay dự án vẫn chưa triển khai được. Trước tình trạng này, UBND huyện đã trình báo với UBND tỉnh và đang chờ nguồn vốn hỗ trợ khắc phục thiên tai, lũ lụt từ Trung ương hoặc UBND tỉnh rót về”.

Doãn Công

Trường học bên sông và nỗi lo trường sập

Posted: 03 Oct 2014 09:49 AM PDT

(NG) -Nhiều mét tường rào đổ ngã, đất thì sạt lở trong trận lũ hồi cuối năm ngoái khi nước ngập vào trường cả hơn 1m, hiện giờ thầy trò Trường Tiểu học số 1 Tây Phú ở xã Tây Phú (huyện Tây Sơn, Bình Định) lại thấp thỏm lo âu khi mùa mưa lũ sắp tới.

Trường học bên sông và nỗi lo trường sập
Trường Tiểu học số 1 Tây Phú (huyện Tây Sơn, Bình Định) đứng trước nỗi lo trường bị nước sông xâm lấn mỗi mùa mưa lũ tới.

Trường Tiểu học số 1 Tây Phú, nguyên tách ra từ Trường tiểu Tây Phú (thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) được xây dựng cách đây hơn 15 năm, nằm cách xa bờ sông Đá Hàn (một nhánh của sông Côn). Hiện toàn trường có hơn 300 học sinh học từ lớp 1 đến lớp 5 với dãy trường học 2 tầng, 10 phòng học và một dãy phòng học cấp 4.

Thế nhưng, hơn 5 năm trở lại đây sau mỗi mùa mưa lũ nước sông chảy xiết gây sạt lở nghiêm trọng khiến giáo viên và học sinh rất lo lắng vì nước sông "ngoạm" trường. Nghiêm trọng nhất là trận lũ năm 2009, nước lũ tràn về ngập vào trường sâu cả hơn 1m, toàn bộ hàng rào phía bờ sông bị nước lũ cuốn làm đổ ngã. Hàng năm mỗi mùa mưa lũ về nước chảy xiết bờ sông bị xói mòn “ngoạm” sâu vào ngôi trường.

Trường học bên sông và nỗi lo trường sập
Mỗi mùa mưa lũ tới, nước sông 3 nguồn đổ về chảy đâm thẳng vào trường khiến giáo viên, học sinh vừa học vừa lo.
Thầy Bình, Hiệu trường trường chỉ tay vào mực nước ngập vào trường trong đợt lũ năm 2013 vừa qua.
Thầy hiệu trưởng Đoàn Thiên Bình chỉ tay vào mực nước ngập vào trường trong đợt lũ năm 2013 vừa qua.

Theo thầy Đoàn Thiên Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Tây Phú, cho biết: "Sau trận lũ lớn năm 2009, trường bị ảnh hưởng nặng, sau đó lãnh đạo huyện về trường kiểm tra chỉ đạo các ngành chức năng có kế hoạch tu sửa nhưng sau đó chỉ xây lại được tường rào. Năm nào nhà trường cũng báo cáo lên chính quyền địa phương, Phòng GD-ĐT huyện. Cách đây 2 năm, Ban quản lý dự án huyện có về trường khảo sát, tính toán nhưng do kinh phí lớn nên đến nay vẫn chưa thực hiện được".

"Mỗi mùa mưa lũ về nước mấp mé trường học, kéo theo hàng khối đất chảy xuống sông. Trước dòng chảy của ông ở tận phía bên kia bờ sông nhưng bây giờ dòng chảy đâm thẳng vào trường học gây sạt lở nghiêm trọng. Cứ theo đà này, trong một vài năm nữa nếu không khắc phục được tình trạng này thì cũng có phần nguy hiểm đến ngôi trường", thầy Bình lo lắng.

Qua tìm hiểu, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do tình trạng khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy. Trong khi đó, đoạn sông này ngắn, xung quanh bao phủ là núi nhưng tập trung 3 nguồn nước lớn từ Vĩnh Thạnh chảy về, một nguồn từ Hầm Hô và cánh Đồng Xiêm chảy ra nên sức tàn phá rất mạnh ảnh hưởng đe dọa đến trường học và hàng trăm hộ dân sống dọc đoạn sông này.

Mưa lũ không chỉ đe dọa đến trường học mà hàng trăm hộ dân sống dọc đoạn sông này cũng sống trong lo lắng, trong đó có khoảng chục hộ bị xâm thực sâu. Về mùa mưa lũ những hộ dân này luôn trong tình trạng lo lắng sẵn sàng di dời nếu lũ lớn đổ về.

Nhiều đoạn tường rào bị đổ ngã do lũ về.
Nhiều đoạn tường rào bị đổ ngã do lũ về.
Nhiều đoạn tường rào bị đổ ngã do lũ về.

Theo ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch xã Tây Phú cho biết: "Qua trận lụt lớn năm 2009 đã ảnh hưởng xâm thực đến Trường tiểu học Tây Phú và một số hộ dân sống gần khu vực này bị xâm thực rất nghiêm trọng. Từ đó, đến nay chính quyền địa phương đều đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ kinh phí để khắc phục tình trạng trên, còn địa phương thì lực bất tòng tâm vì không có kinh phí. Hàng năm, trước mùa mưa lụt, địa phương đã thông báo các hộ gia đình cho người dân sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có lũ lớn. Riêng về nạn xâm thực ở Trường tiểu học số 1 Tây Phú là nặng nhất, nhiều lần chính quyền địa phương kiến nghị lên cấp trên và đã có kế hoạch gia cố, xây dựng bờ kè nhưng do kinh phí cao nên đến nay vẫn chưa thực hiện".

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Sĩ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: UBND huyện Tây Sơn đã lập đề án gia cố, xây dựng bờ kè dọc sông Đá Hàn nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh Trường tiểu học Tây Phú nói riêng, cũng như người dân sống dọc bờ sông nói chung. Tuy nhiên, do kinh phí lớn ngoài khả năng của huyện nên đến nay dự án vẫn chưa triển khai được. Trước tình trạng này, UBND huyện đã trình báo với UBND tỉnh và đang chờ nguồn vốn hỗ trợ khắc phục thiên tai, lũ lụt từ Trung ương hoặc UBND tỉnh rót về”.

Doãn Công

Comments