Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Cậu bé 9 tuổi đạt giải nhiếp ảnh gia trẻ quốc tế

Posted: 29 Oct 2014 07:06 PM PDT

Với bức ảnh bọ cạp dưới ánh nắng mặt trời, cậu bé Carlos Perez Naval, 9 tuổi ở Tây Ban Nha, chiến thắng ở hạng mục nhiếp ảnh gia trẻ của cuộc thi Nhiếp ảnh Thiên nhiên hoang dã quốc tế năm 2014.
bo-cap-4025-1414647776.jpg

“Stinger in the sun” của cậu bé Carlos Perez Naval. Ảnh: Carlos Perez Naval.

Các tác giả đạt giải trong cuộc thi thường niên Nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã năm 2014 được vinh danh và trao giải tại Bảo tàng Lịch sử thiên nhiên ở London tuần trước, với sự tham dự của Công nương Catherine. Tác giả người Mỹ Michael “Nick” Nichols giành giải cao nhất với bức ảnh đen trắng chụp bầy sư tử nghỉ ngơi trên một mỏm đá ở Serengeti, Tanzania.

Tuy nhiên, người được chú ý hơn cả là cậu bé Carlos Perez Naval, người chiến thắng ở hạng mục dành cho nhiếp ảnh gia trẻ tuổi. Bức ảnh chụp con bọ cạp màu vàng dưới ánh nắng mặt trời của cậu có tên “Stinger in the sun” được đánh giá cao.

Carlos tìm thấy “nhân vật” trên đang phơi nắng trên một hòn đá ở khu vực gần nhà, thành phố Torralba de los Sisones, tỉnh Teruel, thuộc vùng Aragon của Tây Ban Nha, theo thông tin trên website của Natural History Museum.

Carlos đã quyết định thử nghiệm lần đầu tiên với double exposure (một kỹ thuật trong nhiếp ảnh khi đem phơi sáng 2 khung cảnh hoàn toàn khác nhau trên cùng một tấm phim âm bản) và đã thành công.

3-8824-1414647777.jpg

Carlos chụp ảnh cùng Công nương Catherine trong đêm trao giải ở London. Ảnh: Independent.

Bố mẹ Carlos là những người đam mê du lịch, và họ luôn mang theo con trai theo suốt các chuyến đi của mình tới khắp nơi trên thế giới. Năm 4 tuổi, Carlos bắt đầu chụp những bức ảnh về thiên nhiên mà cậu trông thấy. Ban đầu, cậu tập tành với máy ảnh compact, còn giờ thì là một loại máy chuyên nghiệp. Bất cứ khi nào ra nước ngoài, cậu luôn mang theo mình ống kính lớn hơn.

Carlos không cần phải tới những miền đất xa xôi mới có những bức ảnh đẹp. Trong suốt những năm đi học, hoa lá và những con vật trong vườn nhà và quanh thành phố Teruel không thể “thoát khỏi” ống kính của cậu.

Những bức hình đẹp của nhiếp ảnh gia 9 tuổi

Bình Minh

(Nguồn: vnexpress.net)

Thầy giáo đột tử trên bục giảng

Posted: 29 Oct 2014 06:30 PM PDT

Vị thầy giáo được đồng nghiệp phát hiện nằm gục trên bục giảng, cơ thể tím tái.

Sáng 30/10, ông Lê Thanh Cương, Hiệu trưởng trường Tiểu học cơ sở Phú Hậu (Thừa Thiên-Huế) cho biết, giáo viên trường này là ông Trần Quang Hùng (57 tuổi) đã đột tử trong khi đứng lớp.

Khoảng 10h sáng 29/10, ông Trần Quang Hùng (giáo viên chủ nhiệm lớp 2) có giờ giảng trên lớp. Thấy cơ thể mệt mỏi, thầy cho học sinh của lớp mình về sớm.

Khi các đồng nghiệp đến phòng thì thấy thầy Hùng nằm gục trên bàn giáo viên, người tím tái nên đã đưa đến phòng y tế trường sơ cứu nhưng không qua khỏi.

“Theo kết quả pháp y thì thầy Hùng chết do bị đột quỵ. Có thể, trong lúc giảng bài cho học sinh thầy bị tụt huyết áp”, Hiệu trưởng trường tiểu học cho hay.

Đến 20h tối cùng ngày, thi thể của thầy Hùng đã được người thân đưa về nhà lo hậu sự.

Phúc Nguyễn

(Nguồn: vnexpress.net)

Chàng sinh viên khiếm thị giành học bổng hơn 700 triệu

Posted: 29 Oct 2014 03:13 PM PDT

Là sinh viên khiếm thị duy nhất giành được học bổng toàn phần của ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam trong năm nay, Nguyễn Thành Vinh đã nỗ lực rất nhiều để có thể vượt qua các đối thủ khác trong cuộc thi.

Sinh ra vốn là đứa trẻ lành lặn trong một gia đình có hai anh em ở tỉnh Long An. 19 tháng tuổi, trong lúc đang cầm ly sữa bằng thủy tinh đứng trên giường thì Vinh ngã xuống đất, bị mảnh vỡ găm vào mắt và vĩnh viễn cướp đi ánh sáng của cậu bé.

Khác với những người bị khiếm khuyết về cơ thể, ngay từ lần đầu gặp gỡ, nhiều người dễ dàng cảm nhận được tinh thần lạc quan, cởi mở của chàng sinh viên khiếm thị năm nhất ĐH RMIT. Hiện, Vinh theo học ngành truyền thông. Dù mới nhập học hơn một tháng nhưng cậu cho biết đã khá quen với môi trường mới. 

“Phải đến lúc 6 tuổi em mới cảm nhận được hết khiếm khuyết của cơ thể mình khi không còn đôi mắt”, Vinh nói về thời điểm phải một mình lên TP HCM học nội trú ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu theo đúng tuổi đi học.

unnamed-9212-1414636750.jpg

Vinh phát biểu trong buổi lễ trao học bổng tại trường ĐH RMIT. Ảnh: Nguyễn Loan.

“Đó có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất của em khi lần đầu tiên xa cha mẹ, phải tự làm lấy mọi việc sinh hoạt cá nhân từ giặt quần áo, rửa chén bát và học tập. Phải mất 3-4 tháng em mới làm quen được với những sinh hoạt của trường. Em đã khóc rất nhiều”, Vinh kể.

Nam viên cũng cho rằng chính vì phải xa nhà trọ học từ nhỏ nên cậu đã rèn luyện được tính tự lập. Song, nỗi nhớ nhà thì vẫn luôn thường trực trong lòng đứa trẻ 6 tuổi.

“Lúc nhỏ cứ cuối tuần là ba mẹ em lên đón. Lên cấp 3 em có thể tự đi xe buýt nên những lúc được nghỉ học em lại bắt xe về thăm gia đình. Từ khi cha mẹ ly hôn và đều có gia đình mới, nhiều khi nhớ nhà em cũng không biết phải về đâu”, Vinh nhỏ giọng, nói.

Với tâm niệm không để mình thua thiệt so với bạn bè, toàn bộ thời gian Vinh dành hết cho việc học. Cậu bé khiếm thị có niềm đam mê đặc biệt với tiếng Anh từ khi còn bé nên luôn tranh thủ nghe những bài nhạc hay chương trình radio bằng tiếng nước ngoài. Thế nên dù không biết mặt chữ nhưng năm lớp 2 Vinh đã phát âm khá chuẩn ngôn ngữ này.

Đây được cho là lý do Vinh lọt vào “mắt xanh” của một giáo viên nước ngoài đến từ Tổ chức từ thiện Loreto khi về trường Nguyễn Đình Chiểu dạy. Cậu được thầy kèm cặp và tiến bộ từng ngày nên vài năm sau đã có thể sử dụng lưu loát tiếng Anh.

Cũng từ năm lớp 3, khi nhận thấy cậu học trò đặc biệt này học tốt tất cả các môn, trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu đã để cho cậu bé chuyển qua trường tiểu học gần đó để học theo chương trình hòa nhập. Thêm một lần nữa Vinh lại bị “sốc” trước môi trường mới khi phải học cùng với các bạn bình thường khác.

“Nhiều lúc bị bạn bè chọc ghẹo, hay trời mưa gió phải một mình đi bộ tới trường em chỉ ước mình có thể nghỉ học. Nhưng rồi nhiều khi ốm không được tới trường, không được gặp bạn bè em mới nhận ra khao khát được học lên, được sống có ý nghĩa của mình”, Vinh tâm sự.

unnamed-1-3335-1414636750.jpg

Vinh (thứ 2 từ phải qua) là sinh viên khiếm thị duy nhất giành được học bổng toàn phần năm nay của ĐH RMIT. Ảnh: Nguyễn Loan.

Khi học hết cấp 3, giấc mơ vào đại học của Vinh bị nhiều trường từ chối vì sợ cậu không theo kịp chương trình. Không nản lòng, Vinh tìm về trường ĐH Tân Tạo (Long An) gần nhà để nộp đơn xin học nhưng cậu tiếp tục bị từ chối. Để thuyết phục được trường, chàng trai khiếm thị phải tự mình viết thư trình bày nguyện vọng và gặp trực tiếp Phó hiệu trưởng. Nhận thấy nghị lực và khả năng của Vinh, ĐH Tân Tạo lần đầu tiên chấp nhận một sinh viên khiếm thị vào trường. 

Sau hai năm theo học, khi biết ĐH RMIT có học bổng cho sinh viên khiếm thị, Vinh gửi hồ sơ, ôn tập bài vở với hy vọng được học trong trường ĐH quốc tế này. Với khả năng tiếng Anh lưu loát, nghị lực của bản thân và sự tự tin, Vinh đã vượt qua phần phỏng vấn khảo sát của trường để trở thành sinh viên khiếm thị duy nhất nhận học bổng 100% của RMIT, tương đương 700 triệu đồng.

“Em chọn ngành truyền thông để có thể khẳng định mình là một người có thể học và làm việc như những người bình thường khác”, Vinh nói và cho biết sau khi thi khảo sát đã được vào học ở lớp L7 – lớp tiếng Anh có trình độ cao nhất của RMIT.

Dù giành được học bổng toàn phần, song chàng sinh viên khiếm thị vẫn năng nổ kiếm thêm việc làm bên ngoài. Vinh khoe vừa được vào làm phục vụ bàn ở một quán ăn, mặc dù khá xa trường học nhưng cứ 14h cậu lại bắt xe buýt đi làm, đến 22h thì thuê xe ôm về. “Tiền lương không cao, phải dành hơn một nửa đi xe nhưng em vẫn thích đi làm để học thêm kinh nghiệm làm việc và khả năng giao tiếp với mọi người”, Vinh cười tươi.

Nói về cậu sinh viên đặc biệt này, bà Carol Witney – Trưởng phòng hỗ trợ người khuyết tật ĐH RMIT – cho biết, Vinh rất có nghị lực và biết rõ mục đích cũng như định hướng tương lai của mình. Hoàn toàn khác với nhiều người khuyết tật, Vinh rất tự tin vào bản thân và sống cởi mở chứ không khép mình.

“Chúng tôi hy vọng với suất học bổng này Vinh có thể tự tin khẳng định bản thân, sống có ích và tìm được một công việc tốt sau này”, bà Carol Witney chia sẻ.

Nguyễn Loan

(Nguồn: vnexpress.net)

Trường tiểu học có vốn đầu tư nước ngoài phải dạy tiếng Việt

Posted: 29 Oct 2014 03:12 PM PDT

Học sinh là công dân Việt Nam học tập tại trường tiểu học, hoặc cấp tiểu học của trường phổ thông có nhiều cấp học có vốn đầu tư nước ngoài phải học chương trình tiếng Việt và chương trình Việt Nam học.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 73/2012 về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, đối với giáo dục tiểu học, học sinh là công dân Việt Nam học tập tại trường tiểu học hoặc cấp tiểu học của trường phổ thông có nhiều cấp học có vốn đầu tư nước ngoài phải học chương trình tiếng Việt và chương trình Việt Nam học, thời lượng không ít hơn 140 phút/tuần, học từ lớp 1 đến hết lớp 5.

Mục tiêu là giúp học sinh hình thành và phát triển vốn từ vựng, các kỹ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp phù hợp với lứa tuổi; cung cấp cho học sinh kiến thức ban đầu về tiếng Việt, văn hóa và con người Việt Nam.

Đối với chương trình Việt Nam học, mục tiêu là giúp học sinh hiểu biết cơ bản về các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu và những truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam; hiểu biết đơn giản về vị trí địa lý, lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo… của Việt Nam. Thời lượng không ít hơn 70 phút/tuần, học từ lớp 4 đến hết lớp 5.

Đối với giáo dục trung học, học sinh là công dân Việt Nam học tập tại trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông của trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài phải học chương trình Việt Nam học để có kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về lịch sử, địa lý, văn hoá, truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam. Thời lượng không ít hơn 90 phút/tuần, học ở các lớp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Bộ GD&ĐT khuyến khích cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài giảng dạy chương trình tiếng Việt và Việt Nam học bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài cho học sinh là người nước ngoài đang theo học tại trường.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/12/2014.

Xuân Hoa

(Nguồn: vnexpress.net)

Nên học Điện điện tử hay Cơ điện tử

Posted: 29 Oct 2014 02:58 PM PDT

Em đang là sinh viên năm nhất ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện tại em học chương trình tiên tiến Cơ điện tử (sinh viên chương trình tiên tiến được học các môn kỹ thuật bằng tiếng Anh).

Nhưng theo em tìm hiểu thì ngành Cơ điện tử học nhiều thứ quá, không tập trung vào một lĩnh vực như Điện điện tử. Anh trai em trước đây cũng học Bách khoa và khuyên em nên học Điện điện tử, vì học cái này ra trường dễ xin được việc đúng ngành mình học hơn. Cụ thể hơn là anh khuyên em nên học chuyên ngành Tự động hóa của ngành Điện điện tử.

Vì sinh viên kỹ sư tiên tiến năm đầu chỉ học nâng cao tiếng Anh chứ chưa học các môn chuyên ngành nên em có thể xin chuyển ngành được. Nhưng em đang băn khoăn không biết có nên chuyển hay không. Bởi vì 5 năm nữa khi em ra trường liệu ngành nào sẽ dễ xin được việc đúng ngành học hơn? Rất mong được mọi người giải đáp. Em cảm ơn ạ.

Hoàng Đức Hưởng

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây

(Nguồn: vnexpress.net)

Có nên bỏ Trung cấp Y và thi lại ĐH

Posted: 29 Oct 2014 01:37 PM PDT

Em là sinh viên trung cấp Y Hải Dương, khoa Y sĩ. Giờ em muốn thi lại vào ĐH Kinh tế quốc dân để theo đuổi đam mê của mình.

Em đang sống cùng gia đình nên nếu bỏ học, chắc chắn bố mẹ sẽ không đồng ý. Em sẽ phải trốn gia đình và giấu không cho họ biết dự định của bản thân.

Em có nên bỏ trung cấp Y và theo đuổi ước mơ của mình? Mong anh chị tư vấn giúp. Em cảm ơn.

Kim Ngọc

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây

(Nguồn: vnexpress.net)

Ông Đào Trọng Thi: ‘Giáo viên chưa hiểu thì làm sao giảng dạy’

Posted: 29 Oct 2014 11:55 AM PDT

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, do chương trình giáo dục phổ thông hiện nay được thiết kế quá cao, quá nặng nên vượt khả năng tiếp nhận của cả học sinh miền núi lẫn thành thị.
DaoTrongThi-1742-1414578703.jpg

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi.

- Báo cáo thẩm tra Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban tại Quốc hội có đoạn “chương trình giáo dục hiện hành vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh”. Cơ sở nào để Ủy ban có kết luận như vậy?

- Việc giám sát giáo dục được Ủy ban Văn hóa Giáo dục thực hiện năm 2013. Các thành viên trực tiếp khảo sát ở các địa phương gồm 8 tỉnh, thành phố. Phía Bắc có Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Nội. Phía Nam có TP HCM, Tiền Giang, Gia Lai, Đồng Tháp.

Thường đến mỗi địa phương, trước khi làm việc với UBND tỉnh, chúng tôi làm việc với các Sở Giáo dục, trực tiếp đến các trường ở các cấp và loại hình giáo dục khác nhau. Ở những địa phương như Gia Lai, Lạng Sơn, chúng tôi đến cả trường nội trú, bán trú. 

Trên cơ sở khảo sát trực tiếp như vậy, kết hợp với báo cáo giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, Ủy ban đã tổng hợp và được kết quả là chương trình giáo dục hiện hành vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh. Đánh giá này phản ánh tương đối đúng cho đa số cơ sở giáo dục trên cả nước.

- Việc quá tải thể hiện như thế nào, thưa ông?

– Trước đây, nhà nước có chương trình dành riêng cho vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu, yêu cầu sẽ nhẹ nhàng hơn, gọn hơn, tạo điều kiện cho học sinh những vùng này tiếp cận và nắm vững kiến thức. Về sau, điều này phải bỏ đi vì cả nước thống nhất một chương trình, một bộ sách giáo khoa. Như vậy là đã bỏ đi những giải pháp áp dụng riêng cho những đối tượng khác nhau, đặc biệt là đối tượng khó khăn. Chương trình hiện hành vì vậy quá tải với nhóm học sinh này.

Không chỉ vậy, thực tế giám sát cũng cho thấy ngay cả học sinh ở vùng đồng bằng, thành phố vẫn đang bị quá tải, không phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh. Nguyên nhân là chương trình được thiết kế quá cao, quá nặng. Bên cạnh đó, khi thiết kế chương trình, ngành giáo dục cho rằng mình có đủ điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện chương trình sách giáo khoa ấy. Nhưng trên thực tế không thể thực hiện được vì điều kiện hạn hẹp.

Ví dụ khi thiết kế chương trình thì học sinh tiểu học, THCS được học 2 buổi mỗi ngày, nhưng thực tế chỉ một phần rất nhỏ được học đúng như thiết kế, còn lại đều không có điều kiện nên chỉ học một buổi mỗi ngày. Khi chương trình thiết kế học 2 buổi mà rút lại chỉ một buổi thì chắc chắn học sinh sẽ bị quá tải. Tất nhiên là ngành giáo dục đã có điều chỉnh, tuy nhiên vẫn dựa trên một chương trình được thiết kế, trên một yêu cầu cao, nên dù điều chỉnh thì cũng không phù hợp với một buổi mỗi ngày.

- Theo Ủy ban thì ngay cả giáo viên và cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Điều này được lý giải thế nào thưa ông?

– Chương trình được thiết kế dành cho giáo viên đạt chuẩn, tuy nhiên thực tế có rất nhiều giáo viên, đặc biệt là vùng khó khăn chưa đạt yêu cầu. Thậm chí giáo viên còn chưa hiểu chương trình thì làm sao giảng dạy?

Chương trình được thiết kế trên tinh thần các cơ sở giáo dục có đầy đủ trang thiết bị để đảm bảo việc dạy và học. Nhưng thực tế, trang thiết bị chưa đảm bảo được yêu cầu giảng dạy theo nội dung thiết kế. Có nơi thiết bị có nhưng giáo viên không có khả năng sử dụng, có nơi được trang bị nhưng không có chỗ để, không có phòng học bộ môn, phải xếp xó. Có nơi lại được trang bị thiếu đồng bộ không thể sử dụng. Nhưng cũng có cơ sở giáo dục học sinh phải học chay.

Với thực trạng như vậy, chỉ một bộ phận cơ sở giáo dục ở vùng phát triển đáp ứng được, còn ở những vùng khó khăn để đảm bảo truyền đạt được nội dung theo thiết kế rất khó khăn.

- Ý kiến của Ủy ban Văn hóa Giáo dục như thế nào trước thực trạng trên?

– Với những tồn tại như vậy, ngành giáo dục phải rút kinh nghiệm ở lần đổi mới này. Theo đó, phải thiết kế một chương trình phù hợp với khả năng thực tế của ta hiện nay, tức là học sinh trung bình có thể tiếp thu được, giáo viên hiện có cơ bản giảng dạy được, và cơ sở vật chất hiện có đáp ứng được nhu cầu giảng dạy. Không cần phải tất cả, mà đông đảo giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục có thể đáp ứng được. Một phần nhỏ chưa đáp ứng được thì tập trung ưu tiên đầu tư để nó có thể có đủ điều kiện cùng tham gia vào quá trình đổi mới.

Lần trình dự thảo đề án trước, ngành giáo dục dàn đều tất cả cơ sở giáo dục, cho rằng cần bổ sung cơ sở vật chất. Vì vậy, số tiền dự toán rất lớn như chúng ta từng nghe là 70.000 tỷ đồng, rồi 34.000 tỷ. Đấy là vì họ tính cứ có một cơ sở giáo dục thì nhân với bao nhiêu tiền, cộng tổng số tiền chi cho các trường trên cả nước thì ra con số ấy. Bây giờ vấn đề đặt ra là phải thiết kế chương trình phù hợp với khả năng hiện có, chỉ 5-10% cần phải bổ sung. Như vậy thì mới hiện thực được.

- Vậy chương trình giáo dục phổ thông cần thiết kế như thế nào để khắc phục được sự không đồng đều giữa các vùng miền như ông vừa nói ở trên?

- Vẫn thống nhất có một chương trình nhưng không cứng nhắc áp dụng ở tất cả cơ sở giáo dục mà chương trình thống nhất ấy sẽ linh hoạt mềm dẻo. Nghĩa là sẽ có một phần mang tính chất bắt buộc với tất cả học sinh trên toàn quốc. Một phần mềm sẽ dành cho các địa phương thiết kế thêm nội dung về lịch sử văn hoá đặc thù của địa phương, có thể dựa trên thực tế trình độ học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất của từng nơi.

Ngoài ra, chúng ta dành thời lượng để chính các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa phù hợp với trường họ. Ví dụ trường khó khăn, cơ sở vật chất kém, học sinh tiếp thu kém, giáo viên hạn chế thì thời lượng giảng dạy có thể tăng lên. Như bình thường học một buổi nhưng ở những nơi này có thể tăng lên 1,5 buổi để củng cố kiến thức. Những địa phương khá hơn như Hà Nội thì bổ sung kiến thức, kỹ năng ngoài kiến thức bắt buộc.

Như vậy gọi là một chương trình thống nhất nhưng bên trong có rất nhiều chương trình vì có phần “mềm”. Dự thảo hiện nay Bộ Giáo dục thiết kế phần mềm ấy là 20% thời lượng và 80% là chương trình bắt buộc.

Hoàng Thùy thực hiện

(Nguồn: vnexpress.net)

Môn bắt buộc tại trường có vốn đầu tư nước ngoài

Posted: 29 Oct 2014 03:41 AM PDT

(VNN)- Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 73 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. 

Thông tư quy định cụ thể chương trình giáo dục bắt buộc đối với học sinh là công dân Việt Nam tại cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, học sinh Việt Nam tại trường có vốn đầu tư nước ngoài phải học chương trình Việt Nam học.

Cụ thể, đối với giáo dục tiểu học, học sinh là công dân Việt Nam học tập tại trường tiểu học hoặc cấp tiểu học của trường phổ thông có nhiều cấp học có vốn đầu tư nước ngoài phải học chương trình tiếng Việt và chương trình Việt Nam học.

Đối với chương trình tiếng Việt, mục tiêu là giúp học sinh hình thành và phát triển vốn từ vựng và các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp phù hợp với lứa tuổi; cung cấp cho học sinh những kiến thức ban đầu về tiếng Việt, văn hóa và con người Việt Nam. Thời lượng không ít hơn 140 phút/ tuần, học từ lớp 1 đến hết lớp 5.

Chương trình Việt Nam học dành cho học sinh tiểu học có mục tiêu giúp học sinh hiểu biết cơ bản về các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu và những truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam; hiểu biết đơn giản về vị trí địa lý, lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo, khí hậu, sông núi, tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam; qua đó học sinh hình thành tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào về dân tộc. Thời lượng không ít hơn 70 phút/ tuần, học từ lớp 4 đến hết lớp 5.

Đối với giáo dục trung học, học sinh phải học chương trình Việt Nam học để có kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về lịch sử, địa lí, văn hoá, truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam. Thời lượng không ít hơn 90 phút/ tuần, học ở các lớp trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

Học sinh được chuyển tiếp về trường Việt

Học sinh là công dân Việt Nam học tập tại các cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, giảng dạy theo chương trình giáo dục của nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt thì được chuyển tiếp sang học tập tại cơ sở giáo dục phổ thông giảng dạy theo chương trình giáo dục của Việt Nam khi có nhu cầu. Cơ sở giáo dục phổ thông tiếp nhận và quyết định việc học chuyển tiếp của học sinh căn cứ kết quả đánh giá trực tiếp năng lực của học sinh.

Học sinh là công dân Việt Nam học tập tại cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của nước ngoài đã đăng ký với Bộ GD-ĐT được quyền tham dự tuyển sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam theo quy định hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2014.

Ngân Anh

(Nguồn vietnamnet.vn)

Đề xuất hợp tác công – tư trong giáo dục

Posted: 29 Oct 2014 01:36 AM PDT

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hạn hẹp, sinh viên ra trường thất nghiệp, một hình thức hợp tác giữa khu vực công và tư được hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người đề xuất.

Ngày 29/10, tại diễn đàn Tư nhân hoá và hợp tác công – tư trong giáo dục do Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người, ông Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, hợp tác công – tư là sự thoả thuận để đơn vị tư được cung ứng các cơ sở hạ tầng hoặc dịch vụ vốn cho giáo dục mà lẽ ra do Chính phủ cung ứng. Quá trình hợp tác này dựa trên thế mạnh của từng đối tác nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng thông qua sự phân bổ phù hợp các nguồn lực, rủi ro và quyền lợi.

Khẳng định việc hợp tác công – tư trong lĩnh vực giáo dục là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi ngân sách nhà nước đang hạn hẹp, sinh viên ra trường tỷ lệ thất nghiệp cao, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT đại học FPT cho biết, theo xếp hạng của Universitas 21, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chưa được đưa vào danh sách năm 2014.

[Caption]

TS Lê Trường Tùng.

Ông Tùng cho hay, cũng theo xếp hạng Năng lực cạnh tranh các quốc gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong các tiêu chí xác định năng lực cạnh tranh của từng quốc gia có tiêu chí hợp tác đại học – doanh nghiệp trong các hoạt động nghiên cứu phát triển.

Về tiêu chí này, trong báo cáo 2014-2015, Việt Nam xếp thứ hạng 92 trong số 144 nước được xếp hạng.

“Trong xếp hạng cụ thể từng trường đại học, tiêu chí việc làm, quan hệ doanh nghiệp, hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp cũng là một trong các yếu tố quan trọng”, ông Tùng nói và nhận định, qua việc so sánh với các nước và cảm nhận thực tế, mối quan hệ giữa đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam còn yếu kém.

Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay có tỷ lệ 88% sinh viên đại học và 81% sinh viên cao đẳng là sinh viên công lập. Như vây, chất lượng của các trường công hiện nay đóng vai trò quyết định trong chất lượng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Nhưng một thực tế là sinh viên ra trường không tìm được việc làm lên tới hàng chục nghìn.

Vì vậy, theo chủ tịch HĐQT đại học FPT, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam như một hệ thống hoặc của từng trường, cần tăng cường hợp tác công – tư để phát triển quan hệ nhà trường – doanh nghiệp.

Ông Rene Raya, chuyên gia phân tích chính sách của Hiệp hội Giáo dục Cơ bản và Giáo dục Người lớn Châu Á – Nam Thái Bình Dương cho rằng, hợp tác công tư trong giáo dục là một hình thức chia sẻ trách nhiệm, rủi ro và lợi ích một cách chính thức, trên cơ sở hợp đồng cho việc cung cấp các dịch vụ giáo dục mà thường thì vẫn được nhà nước cung cấp.

Ông cho biết, hình thức hợp tác công tư trong giáo dục đã được thực hành ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó các ví dụ nổi bật là hệ thống Phiếu học phí ở Pakistan, Ấn Độ, gia sư tư nhân ở Campuchia, hợp đồng dịch vụ giáo dục ở Philippines, các trường học do Tổ chức phi chính phủ quản lý ở Bangladesh…

“Khi thực hiện hợp tác công tư, chất lượng và kết quả học tập sẽ tốt hơn, có sự lựa chọn và cạnh tranh, đồng thời người nghèo có khả năng tiếp cận và chi trả”, ông Rene Raya nói.

Tại diễn đàn, tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng khẳng định, hợp tác công – tư trong giáo dục là cách tốt nhất để khắc phục sự hạn chế của nguồn lực cùng cơ chế quản lý kém hiệu quả của khu vực công. 

Hoàng Thuỳ

(Nguồn: vnexpress.net)

Giật mình về tỷ lệ học sinh bị quấy rối tình dục

Posted: 28 Oct 2014 10:01 PM PDT

(VNN) – 11% trong 3.000 học sinh THCS, THPT được hỏi cho hay bị quấy rối tình dục trong trường. Kết quả khảo sát do Tổ chức Plan tại Việt Nam (Plan) phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện trong tháng 3/2014. 

Theo kết quả do Plan công bố chỉ có 18,2% số học sinh được hỏi cho rằng trường học tuyệt đối an toàn.

Học sinh, phổ thông, quấy rối, tình dục, Sở GD-ĐT Hà Nội
Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính để các em đánh giá trường học chưa thực sự an toàn là do vẫn còn học sinh đánh nhau, trêu đùa, chọc ghẹo chiếm tỷ lệ 40,6%.

Do mọi người lăng mạ xúc phạm nhau trong trường chiếm 38,6%và do bị các bạn trêu chọc chiếm 37,8%.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát về trải nghiệm các hình thức bạo lực của các em học sinh trong 6 tháng gần đây (từ tháng 10/2013 đến tháng3/2014) cho thấy 31% học sinh đã bị bạo lực về thân thể, 65% bị bạo lực về tinh thần/ tâm lý, tình cảm và 11% bị quấy rối, xâm hại về tình dục trong trường học hoặc trên đường đến trường.

Rất ít học sinh cho biết, tìm kiếm sự hỗ trợ từ cha mẹ haythầy cô khi các em bị bạo lực cho dù người gây ra bạo lực là ai và hình thức bạo lực là gì. Cụ thể: 42% các em bị bạo lực thân thể, 68% bị bạo lực tinh thần và36% bị quấy rối, xâm hại tình dục thường tự mình giải quyết…

10 trường THCS gồm: THCS Phương Trung (Thanh Oai), THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm), THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy), THCS Lê Lợi (Hà Đông), THCS Chu Văn An (Tây Hồ), THCS Cổ Loa (Đông Anh), THCS Phù Lỗ (Sóc Sơn), THCS Vạn Thắng (Ba Vì), THCS Thăng Long (Ba Đình), THCS Khương Thượng (Đống Đa).

10 THPT gồm: THPT Chu Văn An (Tây Hồ), THPT Mỹ Đức C (Mỹ Đức),THPT Kim Anh (Sóc Sơn), THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Từ Liêm), THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm), THPT Thạch Thất (Thạch Thất), THPT Cầu Giấy (Cầu Giấy), THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai), THPT Nguyễn Trãi (Thường Tín) và THPT Nhân Chính (Thanh Xuân).

Dự kiến sẽ có hơn 30.000 học sinh nam nữ thuộc khối lớp 6,7,8, 10 và 11; hơn 700 giáo viên và 45.000 phụ huynh của 20 trường trung học sẽ tham gia vào dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng", cùng với khoảng 100 cán bộ ngành giáo dục các cấp và các sở ban ngành liên quan…

Tổng kinh phí triển khai là trên 1 triệu USD, tương ứng trên 21 tỷ đồng.

Với việc triển khai dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" tại 20 trường học nói trên đến năm 2016 Sở GD-ĐT Hà Nội và Plan hy vọng sẽ xây dựng thành công mô hình phòng ngừa và ứng phó với tình trạng bạo lực trên cơ sở giới ở trường học…

Nguyễn Hiền

(Nguồn vietnamnet.vn)

Comments