Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Nam sinh Bách khoa hát Rap thuyết trình về cái đẹp

Posted: 26 Oct 2014 07:31 PM PDT

Cảm nhận cái đẹp ở nhiều góc độ, Nguyễn Thành Trung thuyết phục giảng viên bằng bài thuyết trình độc đáo trên nền nhạc Rap.

Mới đây trên Youtube, clip “Sinh viên Bách khoa cảm nhận về cái đẹp” tung lên mạng thu hút hàng nghìn lượt xem. Lời bài hát ý nghĩa kết hợp giọng đọc sôi nổi trên nền nhạc Rap của chàng trai thể hiện cảm nhận về cái đẹp ở nhiều góc độ khác nhau “Cái đẹp tồn tại quanh ta không chỉ trong bài văn bức vẽ. Mà trong cuộc sống lao động hàng ngày giản đơn, lặng lẽ“.

Đó là cái đẹp thể hiện thông qua cách mặc trang phục “Định nghĩa thế nào là mặc đẹp? Là hài hòa đường nét, màu sắc, tỷ lệ, duyên dáng và tùy vào hoàn cảnh. Ví dụ như chơi thể thao. Mặc quần soóc trông khỏe khoắn. Nhưng đi lễ chùa mà mặc như thế thì chẳng còn gì là đẹp hết“; hay suy nghĩ về cái đẹp trong tâm hồn con người “Vẻ đẹp bề ngoài không vĩnh cửu. Nó sẽ phai tàn theo năm tháng. Chỉ có vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp nhân cách chống chọi được thời gian“. Chàng trai còn hài hước mang những kiến thức chuyên ngành ra so sánh “Chiếc máy phát điện đẹp . Không phải đẹp ở chiếc vỏ. Mà là đẹp khi nó chạy ra dòng điện hình sin”. Clip nhận được nhiều ủng hộ “lời bài hát ý nghĩa”, “nghe đi nghe lại rất dễ nhớ và cảm nhận không tồi”.

Nguyễn Thành Trung, sinh viên Viện Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội, chủ nhân của clip trên cho biết, đó là phần thuyết trình cho bài tập thảo luận nhóm của Trung trong giờ học Cơ sở mỹ thuật sản phẩm dệt may. Bài thuyết trình có chủ đề “Thế nào là cái đẹp trong trang phục và cái đẹp trong nghệ thuật?”.

Theo Trung, các môn xã hội lý thuyết dài, dễ gây nhàm chán cho người học, người nghe, đặc biệt là các bài thuyết trình. Nam sinh muốn bài thảo luận của mình độc đáo hơn nên viết lời bài Rap trong vòng một ngày rồi mang biểu diễn trước lớp và được giảng viên cùng các bạn trong lớp nhiệt liệt hưởng ứng.

trung-1414-1414396704.jpg

Nguyễn Thành Trung cho biết thời gian tới cậu sẽ tiếp tục sáng tác và làm clip để cổ vũ các bạn học sinh THPT về niềm yêu thích học các môn xã hội. Ảnh: NVCC.

“Việc sáng tạo như thế này vừa là cách tiếp thu kiến thức rất nhanh, nhớ rất lâu. Nếu phù hợp với môi trường học đường thì các thầy cô cũng sẽ không phản đối”, Trung chia sẻ.

Cô Dương Thị Kim Đức, giảng viên Viện Dệt may – Da giầy thời trang (ĐH Bách khoa Hà Nội) ấn tượng với bài thuyết trình mà nam sinh này thể hiện. Cô Đức chia sẻ, sinh viên lên lớp thường tiếp nhận kiến thức một chiều, việc Trung trình bày theo cách trên thể hiện sự băn khoăn, suy nghĩ về kiến thức được học. Theo cô, để làm được một clip nhìn đơn giản nhưng ngoài nắm được bài thì cũng cần những kỹ năng cơ bản về hát, thể hiện niềm yêu thích của mình trong đó. Cô Đức cho bài thuyết trình này điểm A và luôn khuyến khích sinh viên thể hiện những suy nghĩ riêng của mình theo những cách độc đáo như thế này.

Ngoài làm các clip, Trung còn sáng tác thơ và là một cây hài trong mắt bạn bè. Tự nhận giọng mình chưa hay nhưng Trung rất tự tin biểu diễn và thường xuyên làm clip trong quá trình học tập. “Phòng thu âm” là phòng ở ký túc xá, máy quay là điện thoại mượn của bạn bè. Trung sáng tác nhiều bài Rap sôi nổi, ý nghĩa để lưu giữ kỷ niệm về mái trường, về quãng đời sinh viên, như Tôi yêu Bách khoa, Xin lỗi, anh chỉ là sinh viên bách khoa; nói lời tri ân đến các thầy cô giáo giảng dạy trong Người thầy, bài hát này sau giành giải nhất một cuộc thi tài năng trong khoa; hay ca ngợi những vị tướng tài của Việt Nam trong Dũng tướng

Trung cho hay, thời gian tới dù bận đồ án tốt nghiệp nhưng cậu sẽ tiếp tục làm những clip theo ý thích của mình. Đó cũng là cách Trung tạo dấu ấn nho nhỏ cho thời sinh viên. Vừa học, vừa thích sáng tạo nên 12 năm liên tục là học sinh giỏi, xuất sắc, điểm tích lũy toàn khóa hiện tại là 3,2 và cậu hy vọng sẽ duy trì hết khóa để lấy tấm bằng giỏi của trường Bách khoa.

Hoàng Phương

(Nguồn: vnexpress.net)

TP HCM cho phép triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp

Posted: 26 Oct 2014 07:17 PM PDT

TP HCM sẽ triển khai Chương trình dạy Toán – Khoa học và tiếng Anh tích hợp tại các trường công lập thay thế Chương trình thí điểm dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh của Hội đồng khảo thí quốc tế Cambridge (CIE).

Văn phòng UBND TP HCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của lãnh đạo thành phố về việc cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình dạy Toán – Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam tại các trường công lập (thay thế Chương trình CIE) do Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn, được Hội đồng khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định.

UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước không để dư luận phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục của Thành phố. Đồng thời, phối hợp với Sở Ngoại vụ làm việc với Tổng lãnh sự quán Anh Quốc tại TP HCM về những vấn đề liên quan đến Chương trình CIE tại địa bàn để chia sẻ thông tin, đảm bảo nguyên tắc đối ngoại.

Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 23/6, Sở Giáo dục TP HCM cho biết sẽ ngừng tuyển sinh chương trình Cambridge và triển khai thực hiện đề án dạy tiếng Anh tích hợp theo chuẩn tiên tiến. Giám đốc Sở Giáo dục khẳng định: “Việc chuẩn bị đề án tích hợp này thực hiện từ tháng 12/2011 khi Sở làm việc với Bộ Giáo dục Anh. Thực hiện chương trình này cũng là mang tính thí điểm, nhằm giúp học sinh tiếp cận chương trình toán, khoa học, tiếng Anh tiên tiến”.

Lãnh đạo Sở Giáo dục còn cho biết, ngoài việc hỗ trợ xây dựng chương trình theo chuẩn tiên tiến, Hội đồng khảo thí Anh sẽ là đơn vị kiểm tra, giám sát chất lượng và là một trong các đơn vị cấp bằng cho học sinh. Đây là một chương trình tiên tiến đạt chuẩn của Bộ Giáo dục Anh.

Trước thông tin này, ông Douglas Barnes (Tổng lãnh sự quán Anh tại TP HCM) hôm 30/6 đã ra tuyên bố không có việc Bộ Giáo dục Anh liên kết với Sở Giáo dục TP HCM trong việc xây dựng chương trình tiếng Anh tích hợp, Hội đồng khảo thí Anh cũng không tham gia vào việc giám sát hay kiểm định chất lượng chương trình này. Đến ngày 4/7, Tổng lãnh sự quán Anh lần thứ 2 ra thông cáo tái khẳng định không có sự hợp tác nào giữa Bộ Giáo dục Anh và Sở Giáo dục TP HCM và cho biết sẽ không đính chính thông tin theo yêu cầu của Sở này.

Sau đó, Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận chỉ đạo trong thời gian chưa sơ kết thí điểm chương trình Cambridge, khi UBND thành phố chưa phê duyệt đề án, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM dừng ngay việc triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam”.

Thành phố đồng thời yêu cầu Sở Giáo dục sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm Chương trình Cambridge thời gian qua và nêu rõ vì sao ngừng triển khai chương trình này, ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi của học sinh và phụ huynh.

Trung Sơn

(Nguồn: vnexpress.net)

TS Vũ Thu Hương: ‘Giáo dục Việt Nam đậm tính bác học, ít thực tế’

Posted: 26 Oct 2014 05:46 PM PDT

“Không được học cách xử trí khi bị rơi xuống nước, bị xâm hại, lúc động đất… nên Việt Nam mới nằm trong nhóm các quốc gia có trẻ em bị chết nhiều nhất bởi các lý do như đuối nước”, TS Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm dẫn chứng.

- 20 năm đào tạo giáo viên tiểu học, bà đánh giá thế nào về chương trình giáo dục phổ thông hiện nay?

– Chương trình của ta đề cao tính bác học, đưa nhiều lý thuyết, công thức mà ít chú ý đến thực tế, tính ứng dụng. Điều này khiến mọi người nghĩ khoa học tách bạch với hiện tượng trong cuộc sống và học một đằng, ra đời là một nẻo. Tôi thì thích chương trình có tính ứng dụng thực tế hơn vì nó giải quyết được khâu học để làm gì.

Các môn học trong chương trình giáo dục được đánh giá chưa đều. Chúng ta quá đề cao Văn, Toán, coi nhẹ các môn nghệ thuật, kỹ năng sống, văn hóa sống (Sinh vật, Lịch sử, Địa lý…). Điều này thể hiện ở khắp các cấp, nhưng rõ nhất là ở bậc tiểu học. Học sinh học quá nhiều tiết Toán (5 tiết/tuần), Tiếng Việt (8 tiết/tuần), còn những bộ môn được coi là phụ kia thì chỉ có 1-2 tiết.

Việc phân biệt môn chính, môn phụ dẫn đến giáo viên cũng giảng dạy theo kiểu môn chính chú trọng, môn phụ chẳng để tâm. Ví dụ, nếu môn học của thầy cô A được coi trọng thì cô A sẽ làm mọi cách để trở thành người quan trọng. Tuy nhiên, nếu cô A là người quan trọng mà môn học của cô bị coi nhẹ thì cô cần gì tổn công hao sức nghĩ ra phương pháp hay. Không ít giáo viên dạy môn chính chưa thực sự tốt nhưng vẫn kiếm được nhiều tiền, đặc biệt từ việc dạy thêm. Trong khi giáo viên môn phụ như Lịch sử, dù dạy hay đến mấy vẫn chỉ nhận về chút lương ít ỏi, như thế khó có thể giữ được nhiệt huyết lâu dài.

TS-Vu-Thu-Huong-8374-1414298543.jpg

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng chương trình giáo dục Việt Nam cần thay đổi lại kết cấu, coi trọng và tăng thời lượng cho các môn học gắn bó với cuộc sống thực tiễn của con người. Ảnh: NVCC.

Những môn gắn bó mật thiết với con người, cuộc sống như: Thể dục, Thủ công, Kỹ năng sống… thì không được coi trọng. Học sinh Việt Nam đâu có được học cách xử lý thế nào khi bị rơi xuống nước, bị xâm hại, lúc động đất… Bởi thế nên chúng ta mới nằm trong nhóm các quốc gia có trẻ em bị chết nhiều nhất bởi các lý do như đuối nước. Trong khi ở nhiều nước học sinh được học nấu ăn từ mẫu giáo thì rất nhiều em lớp 9 ở Việt Nam vẫn không biết tự nấu ăn hay chăm sóc bản thân. Đó là hệ quả một phần của nền giáo dục và sự thiếu quan tâm trong giáo dục kỹ năng sống của bố mẹ đến con cái. Một số môn Thủ công, Âm nhạc nội dung kiến thức vừa dễ quá mà những điều cần học thì chưa được đưa vào.

Môn Thể dục là vấn đề bất cập lớn của chương trình giáo dục Việt Nam. Người Việt ta vóc dáng vốn nhỏ bé mà môn rèn luyện thể chất này lại bị coi là rất phụ, một tuần có 1-2 tiết. Như vậy, nếu chiến tranh xảy ra mà thể lực dân ta không có thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Ngay trong thực tế thôi, thể thao Việt Nam mới ở tầm khu vực, chưa ra được thế giới. Nếu môn học này ngay từ cấp tiểu học đã được chú trọng thì rất có thể một ngày không xa chúng ta sẽ thấy đoàn thể thao Việt Nam xuất hiện trong những giải đấu lớn.

Những vấn đề tồn tại trên không phải lỗi của Bộ GD&ĐT hiện nay mà do cả quá trình, chúng ta không trách thời nào được.

- Có ý kiến cho rằng chương trình của Việt Nam đẩy nhanh tiến trình tiếp nhận kiến thức, ví dụ cùng một phép Toán học sinh Việt Nam được học trước học sinh cùng lứa tuổi của Anh, Mỹ nhiều năm. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

– Các nước khác họ cũng dạy các môn học và chương trình học như ở Việt Nam. Về tổng thể kiến thức là như nhau nhưng mỗi nước có cách phân chia kiến thức cho các bậc học khác nhau. Ví dụ Australia dạy số âm cho bậc tiểu học, còn Việt Nam phải lên cấp hai mới học số âm. Có nước đặt nhẹ môn Toán ở cấp dưới nhưng khi lên cấp trên hoặc với nhóm thi ĐH, họ sẽ dồn kiến thức.

Việt Nam đặt nặng Toán khó, chú trọng lý thuyết, một số nước lại coi trọng Toán thực tế hơn. Nếu học chỉ nhận lý thuyết, không chú ý thực hành thì thời gian sẽ dư ra và phải dạy kiến thức khác. Do đó cùng một phép tính, học sinh Việt Nam có thể học sớm hơn các bạn cùng lứa tuổi của nước khác.

Đúng là chương trình của chúng ta bị đẩy nhanh tiến trình tiếp nhận cho học sinh và bị lý thuyết hóa nhưng vấn đề này cũng phải giải quyết từ từ.

- Những bất cập bà chỉ ra nhiều năm nay đã được nói tới và ai cũng mong chờ sự thay đổi. Theo bà, điều gì khiến việc đổi mới giáo dục phải chờ đợi lâu?

– Có ba lý do chính theo tôi ảnh hưởng đến việc đổi mới giáo dục. Thứ nhất là nếp suy nghĩ, quan niệm của phụ huynh. Chỉ ví dụ thông tư 30 về thay đổi đánh giá thường xuyên học sinh, bao nhiêu năm nay chúng ta đã quen với chấm điểm giờ thay đổi toàn bộ, rất nhiều phụ huynh phản ứng. Giáo viên Việt Nam được đào tạo theo lối mòn nên khi có cái mới, một số người sẽ gặp khó khăn, lúng túng trong thực hiện rồi không ủng hộ. Tư tưởng là điều quan trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chứ không phải chương trình học hay phương pháp dạy… Nếu tất cả cùng có tư tưởng coi trọng cả quá trình chứ không phải điểm số của mỗi năm thì học sinh sẽ không bị ép học ngày đêm để cải thiện điểm số.

Điều thứ hai gây khó khăn cho việc đổi mới là chương trình học đã được xây dựng khá kín lịch rồi, nếu muốn thay đổi thì phải nghiên cứu kỹ càng xem giảm cái gì, tăng cái gì cho hiện quả.

Lý do thứ ba và không kém phần quan trọng là điều kiện thực hiện những cái mới. Ví dụ, nếu nhà trường không có bể bơi thì sao dạy được môn bơi trong giờ thể dục? Nếu không có sân thể thao thì sao dạy được bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông…

Trong khả năng của mình, giáo viên có thể làm gì để giảm tính bất cập của chương trình?

– Đầu tiên giáo viên phải chia sẻ với phụ huynh để có sự đồng cảm thống nhất tư tưởng với nhau. Giáo viên nên dành thời gian, sự tâm huyết cho công việc của mình. Đặc biệt, cần sự "cởi trói" của cấp trên để các thầy cô được sáng tạo và giải quyết những bất cập. Ví dụ, thay vì cho học sinh ngồi một chỗ học Toán trong sách vở, giáo viên có thể mang các vật dụng, khối hình đến giúp trò hiểu được tính thực tiễn của môn học.

Bài thực vật chúng ta có thể giao cho mỗi bé một cốc có đất và hạt giống để các cháu tự quan sát, tìm hiểu quá trình nảy mầm của cây. Khi dạy bài phát hiện hoả hoạn, phòng tránh đuối nước, các thầy cô có thể mở rộng hướng dẫn các em cách xử lý để giảm sát thương nếu gặp tình huống đó. Không ai cấm việc mở rộng bài giảng, liên hệ với thực tế cả.

- Bộ GD&ĐT sắp tới sẽ thay đổi chương trình, sách giáo khoa, bà có những đề xuất gì để giải quyết các tồn tại trong chương trình hiện nay và học tập được điều hay của thế giới?

- Về kết cấu môn học, theo tôi nên tăng thời lượng môn thể dục, thủ công, kỹ năng sống… lên gấp 2-3 lần so với hiện nay. Quan trọng nhất là các môn phải được đánh giá đồng đều, Toán, Văn có đánh giá, chấm điểm cuối kỳ thi các môn khác cũng phải đánh giá, chấm điểm như thế, học sinh, giáo viên mới coi trọng được.

Chúng ta có thể học tập thế giới cách bố trí thời gian chương trình, cách giảng dạy đưa nhiều kiến thức thực tế, bài thực hành vào giờ học.

Đặc biệt, Việt Nam cần học hỏi cách quan tâm đến người học đúng với thực chất lứa tuổi của chúng, tôn trọng ý kiến, sở thích của trẻ và tạo điều kiện để các em phát huy được hết khả năng của mình.

TS Nguyễn Kế Hào: “Chương trình vừa quá tải, vừa thiếu tải”

TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, cho rằng sau 2 lần giảm tải, chương trình giáo dục Việt Nam đã linh hoạt, khoa học và hợp lý hơn, nhưng vẫn còn những phần nội dung quá tải, biểu hiện của thiếu chất lượng là học nhiều mà phần chất thu được lại thấp. Bên cạnh đó cũng có những nội dung đang bị thiếu tải.

TS-Nguyen-Ke-Hao-1908-1414204029.jpg

TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học. Ảnh: Quỳnh Trang.

Quá tải học tập có nhiều nguyên nhân đến từ cả phía gia đình, giáo viên, xã hội và đặc biệt là điều kiện kinh tế cơ sở vật chất thiếu thốn. Các phụ huynh luôn có tâm lý “muốn thêm” nên hay cho con tham gia các lớp học ngoài giờ. Giáo viên thì bị quá tải học sinh, lương thấp nên cũng muốn dạy thêm để có thu nhập. Các nhà quản lý chưa làm tốt công tác của mình nên để tình trạng lớp học đáng lý chỉ phục vụ 30-40 em, nhưng được sử dụng cho 60-70 học sinh.

Việt Nam hiện nay vẫn duy trì hình thức học ứng thí, môn nào có điểm mới học nên thể dục, nghệ thuật… bị coi nhẹ. Bên cạnh đó, do thiếu thốn cơ sở vật chất nên giáo dục Việt Nam chưa đủ điều kiện đẩy mạnh những môn học hoạt động, thực hành nhằm phát triển toàn diện cho học sinh. Thay vào thời gian bị dư ra của những môn thực hành ấy, thầy cô dạy thêm kiến thức, ra bài tập khiến học trò có thể căng thẳng.

Con trẻ của chúng ta đang chịu sức ép về học tập từ người lớn. Giáo viên nhất là bậc Tiểu học cũng phải chịu áp lực khi đảm nhận tất cả các môn trừ như Hát nhạc hay tiếng Anh. Điều đó cho thấy hiện nay quá tải không chỉ ở học sinh mà ngay cả giáo viên.

“Tôi thấy điều chúng ta chưa làm được là sau tất cả những cuộc cải cách vẫn chưa có tổng kết đánh giá. Phải có việc tổng kết này mới rút ra những kinh nghiệm. Công thức tôi đưa ra cho việc làm sách giáo khoa là: Kế thừa – ổn định – phát triển – tránh lai căng”, TS Hào nói.

Quỳnh Trang thực hiện

(Nguồn: vnexpress.net)

Đánh giá học sinh không bằng điểm số

Posted: 26 Oct 2014 02:30 PM PDT

Các học sinh Vinschool sinh hoạt trong ngôi trường lấy cảm hứng từ chính những điều thú vị trong câu chuyện Harry Porter nổi tiếng. Ở đó, học sinh được đánh giá năng lực học tập không bằng điểm số.

Đón con ở cổng trường, bé Hoàng Anh reo lên ríu rít với chị Nhàn: "Hôm nay Nhà Hổ bọn con đã chiến thắng. Nhà Hổ được các cô cho ăn kem vui lắm mẹ ạ". Thấy con hớn hở bất ngờ, chị Nhàn cũng vui lây và cũng rất tò mò "Nhà Hổ" con mình là như thế nào.

Hoàng Anh kể với mẹ, cả trường của cô bé được chia làm bốn Nhà, gồm Rồng, Hổ, Đại bàng và Sư tử – những loài vật biểu trưng cho trí tuệ, dũng mãnh, chính trực và kiên cường. Thành viên trong nhà cùng thi đua dành thẻ "hiệp sĩ" – chính là những tấm thẻ khen ngợi mỗi khi học sinh "ghi điểm" về nề nếp, kỷ luật và học tập. Hàng tuần, nhà nào giành được nhiều thẻ hiệp sĩ nhất sẽ được tuyên dương trước toàn trường và đặc biệt, ngày thứ 6 sẽ được hãnh diện khoác lên mình màu áo đặc trưng của Nhà để tôn vinh chiến thắng.

"Thấy con hào hứng cố gắng tự học, viết chữ thật đẹp, rồi mau miệng biết chào người lớn, mời ông bà bố mẹ ăn, cảm ơn chú bảo vệ ở trường,… để xứng đáng với các bạn trong Nhà Hổ, tôi thấy hạnh phúc lắm. Con ngoan ngoãn, có ý thức tự học, vậy là đủ chưa cần so điểm cao điểm thấp", Chị Nhàn chia sẻ.

vin1.jpg

Đối với học sinh Tiểu học, quan trọng nhất là thông qua các hình thức đánh giá để khuyến khích sự cố gắng, động viên sự thành công

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, đối với học sinh tiểu học, quan trọng nhất là thông qua các hình thức đánh giá để khuyến khích sự cố gắng, động viên sự thành công, hướng dẫn các em vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập, tạo niềm vui mỗi ngày tới trường để tìm tòi, khám phá. Điểm số không hẳn là thông số duy nhất thể hiện chính xác năng lực cũng như tố chất mỗi em. Chính vì vậy mà nhiều trường học hiện nay cũng đã và đang áp dụng một cách sáng tạo các hình thức đánh giá nhằm truyền tải cho học sinh tinh thần cố gắng, phát huy điểm mạnh cá nhân.

vin2.jpg

Ở bậc Tiểu học, sự gần gũi và khích lệ từ giáo viên có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ.

"Tại Vinschool, chúng tôi luôn cố gắng phong phú hóa các hình thức nhận xét, đánh giá học sinh như thi đua theo Nhà, tặng hoa chăm ngoan, sticker mặt cười; phiếu khen thưởng,… làm sao để mọi lời nhận xét của giáo viên sẽ trở thành một nguồn động viên, khuyến khích con trẻ cố gắng phấn đấu", cô Đinh Thị Tú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vinschool chia sẻ với các phụ huynh về việc áp dụng nhiều hình thức khen thưởng đánh giá cho học sinh.

Bằng hình thức chia Nhà, Vinschool tạo ra sự khích lệ, động viên đối với học sinh ở tất cả các mặt học tập, kỷ luật, nề nếp. Những học sinh được khen ngợi không chỉ vì có điểm tốt, học giỏi mà còn vì học sinh đã biết nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc, biết giúp đỡ bạn bè thầy cô hay chú bảo vệ, cô lao công trong trường,… Và để những hành động tốt lan tỏa trở thành một thói quen trong cuộc sống không chỉ tại nhà trường, các thầy cô giáo còn gửi riêng những phiếu đánh giá nhận xét với các tiêu chí cụ thể về cho phụ huynh. Bố mẹ sẽ cùng con nối dài những hành động ý nghĩa nho nhỏ ấy trong gia đình và trong cuộc sống hàng ngày.

vin3.jpg

Đánh giá nhận xét đồng nghĩa với việc hướng dẫn các em vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập, tạo niềm vui mỗi ngày tới trường để tìm tòi, khám phá.

Một cuốn sổ điểm không đủ để phản ánh về một cá nhân học sinh ở trọn vẹn các mặt: học tập, nhân cách, hay các loại hình trí thông minh khác nhau. “Tôn trọng sự phát triển toàn diện của trẻ, động viên khích lệ để các em tìm thấy niềm vui trong quá trình phấn đấu mới chính là mục đích cao nhất và điểm đến của sự nghiệp trồng người”, cô Đinh Thị Tú nhấn mạnh.

Nam Sơn

(Nguồn: vnexpress.net)

Cơn sốt học tiếng Anh tại Hàn Quốc

Posted: 26 Oct 2014 01:22 PM PDT

Tiếng Anh trở thành yêu cầu bắt buộc nếu muốn tìm được việc làm tốt tại Hàn Quốc. Điều này khiến các bậc phụ huynh không ngại chi tiền cho con cái đi học  nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thanh niên Hàn Quốc ngày nay khó xin việc nếu không có bằng TOEIC trên 900 điểm, điểm số mà nhiều người bản ngữ cũng khó mà đạt được.

Tỷ lệ tốt nghiệp đại học ở Hàn Quốc gần 100%, điều này khiến các sinh viên phải cạnh tranh gay gắt khi xin việc. Các nhà tuyển dụng cũng đau đầu trước hàng nghìn thí sinh có năng lực tương đương nhau. Để tìm ra ứng viên tốt nhất, sử dụng thành thạo tiếng Anh là tiêu chí mà các nhà tuyển dụng ưa thích.

Người Hàn Quốc chi 17 tỷ USD mỗi năm và thuê 30.000 giáo viên Anh ngữ bản địa để đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh, những người mong muốn con cái mình đáp ứng được nhu cầu của thị trường việc làm.

Những người giàu có gửi con cái tới trường học ở những nước nói tiếng Anh. Có hơn 500.000 gia đình sống trong tình cảnh mẹ theo con ra nước ngoài trong khi cha ở lại Hàn Quốc kiếm tiền, theo Diplomat.

thediplomat-2014-10-18-01-51-4-7617-4291

Một trung tâm luyện thi tiếng Anh ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Ian Mutto.

Những trường mầm non và tiểu học tư thục dạy tiếng Anh mọc lên như nấm, buộc chính phủ Hàn Quốc phải thực hiện các chính sách hạn chế bởi họ cho rằng cơn sốt học tiếng Anh đang cản trở học sinh hoàn thiện năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ.

Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng cắt giảm thời gian và tiền bạc mà người dân nước này chi cho việc học tiếng Anh. Nước này đã cắt giảm 2.500 việc làm của người nói tiếng Anh bản xứ, thậm chí là chấm dứt tuyển dụng giáo viên tiếng Anh người bản địa. Các trường đại học thì đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt về tuyển dụng giáo viên bản ngữ, đòi hỏi họ phải có bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ và vài năm kinh nghiệm.

Hồng Hạnh

(Nguồn: vnexpress.net)

Trường học bỏ hoang

Posted: 26 Oct 2014 01:09 PM PDT

Được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đang thi công dở thì một số trường học ở Hà Tĩnh phải hoãn vô thời hạn, bỏ hoang nhiều năm nay.

Dự án xây mới trường THCS Kỳ Thịnh  (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được triển khai từ năm 2011, nằm trên địa bàn xóm 8, xã Kỳ Thịnh, với tổng diện tích 13.000 m2. Công trình được Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng rót vốn, UBND xã Kỳ Thịnh làm chủ đầu tư và giao Công ty cổ phần xây dựng Hòa Bình (trụ sở ở địa bàn huyện) thi công. Chi phí ước tính cho 10 phòng học, tường rào của giai đoạn một là 5,6 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2012. 

truongbohoang-5341-1414286156.jpg

Cơ sở mới của trường THCS Kỳ Thịnh chuẩn bị hoàn thành giai đoạn một thì bỏ hoang để điều chỉnh cho phù hợp với tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: Đức Hùng.

Ông Nguyễn Tiến Bảy, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Thịnh thông tin, vào cuối năm 2012, khi chuẩn bị hoàn thiện dãy nhà hai tầng gồm 10 phòng thì phải dừng thi công do một số hạng mục không phù hợp với tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Xã đã yêu cầu nhà thầu dừng lại để điều chỉnh cho đúng tiêu chí. Đây là dự án thuộc sự quản lý của Ban quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng. Gần đây xã đã làm tờ trình gửi Ban để xem xét hướng giải quyết.

"Khi nào có quyết định từ trên xuống thì mới tác động được đơn vị thi công, thúc đẩy họ tiến hành xây tiếp", ông Bảy nói và bày tỏ xót xa khi ngôi trường đã bỏ hoang gần hai năm và đang có dấu hiệu xuống cấp. Hiện trần nhà đã bị thấm ướt, nhiều nơi nước dột đọng xuống thềm thành vũng nhỏ. Gạch hoa dưới nền cũng đã bong tróc, vỡ. Tường nhiều nơi bị nứt nẻ, rêu phong bám phủ. Hệ thống then cửa sắt đã hoen gỉ.

Thầy Trần Xuân Lạc, Hiệu trưởng trường THCS Kỳ Thịnh thông tin, cơ sở cũ khá chật hẹp, chỉ có 15 phòng học và mỗi phòng chỉ rộng 40 m2. Trong khi đó số lượng học sinh là 730 với 23 lớp. Trường vẫn phải tổ chức dạy hai ca nên rất vất vả. "Dự định của chúng tôi là khi các hạng mục trong giai đoạn một hoàn thành sẽ chuyển một số học sinh lên cơ sở mới, tổ chức học một ca", thầy Lạc nói. Tuy nhiên, mọi quyết định về vấn đề này đều thuộc về cấp trên. 

Cách huyện Kỳ Anh khoảng 60 km là huyện Thạch Hà, nơi có một ngôi trường bị bỏ hoang nhiều năm. Vào năm 2010, trường THPT Mai Kính được xây mới trên địa bàn xã Việt Xuyên với diện tích 34.000 m2, tổng vốn 31,3 tỷ đồng. Công trình do UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần xây dựng và Sản xuất vật liệu 22-12 đảm nhiệm thi công.

Đến năm 2012, ngành giáo dục Hà Tĩnh có đề án quy hoạch lại trường mầm non và phổ thông, trường THPT Mai Kính thuộc diện thừa nên phải giải thể. Thời điểm đó, dãy nhà 4 tầng gồm 16 phòng vừa xây xong phần thô và hàng rào được chủ đầu tư cho dừng thi công.

truongbohoang1-3524-1414286156.jpg

Các phòng ở trường THPT Mai Kính xây xong phần thô đã phải dừng lại bởi vì trường giải thể. Ảnh: Đ​ức Hùng.

Sau nhiều năm phơi nắng, phơi mưa ở giữa cánh đồng, ngôi trường là chỗ trú ngụ cho trâu bò. Toàn bộ hệ thống đang xuống cấp trầm trọng, các khối bê tông bị lòi thép ra ngoài, cầu thang lên xuống mốc meo, nhiều chỗ bị nứt. Những mảnh vữa xi măng đã trộn vẫn để ở trong phòng nhiều năm, gió thổi vào khiến bụi mù mịt.

Ông Đoàn Tiến Đạt, Chánh văn phòng UBND huyện Thạch Hà cho biết, để tránh lãng phí, gần đây UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đồng ý cho Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) "mượn" có thời hạn để làm trung tâm cây giống. Hiện các phòng bên dưới đã được Công ty Mitraco quét sơn, xây bao thành nơi làm việc. 

Nói về thực trạng trường xây mới nhưng bỏ hoang, ông Dư Lý Trí, Phó chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho hay, khoảng 5 năm về trước, học sinh toàn tỉnh khoảng 400.000, nay chỉ còn hơn 230.000. Số lượng học sinh giảm là do nhiều em nghỉ học, nhiều em theo gia đình vào Nam. "Thiếu học sinh nhưng lại thừa lớp thì tất yếu phải sáp nhập trường. Nhiều trường học đã quy hoạch từ trước, nhưng vẫn nằm trong đề án sẽ dôi ra", ông Trí nói.

Ảnh: Trường học bỏ hoang

Đức Hùng

(Nguồn: vnexpress.net)

Sinh viên FPT Polytechnic được cho điểm 10,7

Posted: 26 Oct 2014 12:08 PM PDT

Với phần trình diễn Vovinam xuất sắc, sinh viên FPT Polytechnic được tất cả giám khảo đồng loạt cho điểm 10,7 trong cuộc thi “Poly Shine up 2014″. Đây là điểm số chưa từng có từ tất cả các giám khảo.
Vovinam-JPG-3057-1414302632.jpg

Võ kịch “Dậy sóng” với những màn tấn công đẹp mắt của một nữ sinh đã nhận được những tràng pháo tay giòn giã của khán giả trong đêm chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng được tổ chức hai năm một lần của Trường cao đẳng thực hành FPT Polytechnic.

MXTO0284-JPG-8855-1414302632.jpg

Được giàn dựng công phu, tái hiện những ngày dân tộc bị thực dân đàn áp, sinh viên FPT đã hóa thân thành những người dân vốn tay cuốc tay cày, lội ngược dòng, giành tự do bằng võ thuật dân tộc.

Giai-nhat-CLB-Vovinam-voi-man-9603-5565-

Làm sống dậy trang sử hào hùng, những sinh viên của Câu lạc bộ Vovinam mong muốn truyền đến khán giả lòng tự hào dân tộc và thông điệp “chỉ cần đoàn kết, khát vọng và cố gắng, dù đối mặt với kẻ thù nào cũng có thể chiến thắng”.

DSC05584-JPG-8791-1414302632.jpg

Vượt qua 16 tiết mục trong đêm chung kết, võ kịch “Dậy sóng” đã giành giải nhất với điểm số chưa từng có từ tất cả các giám khảo. Ca sĩ Bảo Trâm Idol, chuyên gia đến từ Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, Hội Việt Nam Finger Style Guitar đều chấm tiết mục điểm số 10,7.

Ao-thuat-cua-thi-sinh-Nguyen-D-7151-7302

Đêm chung kết còn có một số tiết mục ấn tượng như ảo thuật của thí sinh Nguyễn Đức Bảo (giải khuyến khích).

Nhay-hien-dai-Love-Story-JPG-3535-141430

Nhảy hiện đại Love Story của một cặp đôi Ngọc Anh – Huy Đáng (giải khán giả bình chọn).

DSC05509-JPG-5567-1414302633.jpg

Tiết mục hip hop hấp dẫn “Cướp biển vùng FPT” được trao giải nhì.

Giai-nhi-Gap-nhau-trong-rung-m-6475-6958

Hay những lời ca ngọt ngào của Xuân Chinh – Ngọc Huyền với ca khúc “Gặp nhau trong rừng mơ” (giải nhì).

Tiet-muc-Sao-bau-cua-thi-sinh-7619-5575-

Nguyễn Ngọc Sơn cũng mang đến bất ngờ cho khán giả với tiết mục sáo bầu “Thần thoại”.

MXTO0181-JPG-3842-1414302633.jpg

Các thầy cô của nhà trường cũng góp vui với ca khúc Rock “Lý ngựa ô” làm nóng đêm thi.

Kiều Trinh

(Nguồn: vnexpress.net)

Bài toán tìm tổng số viên kẹo

Posted: 26 Oct 2014 12:01 PM PDT

Bình có 75 tấm thẻ màu đỏ và 85 tấm thẻ màu xanh. Có một chiếc máy tự động mà ở đó Bình có thể bỏ hai thẻ màu đỏ vào và nhận được một viên kẹo và một tấm thẻ màu xanh.

Lại có một máy tự động khác mà ở đó Bình có thể bỏ vào 3 tấm thẻ màu xanh để nhận được một viên kẹo và một tấm thẻ màu đỏ. Bình liên tục đổi thẻ lấy kẹo cho đến khi không thể đổi được nữa.

Hỏi lúc đó Bình sẽ có tổng cộng bao nhiêu viên kẹo? 

Trần Nam Dũng
ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP HCM

Gửi bài toán hay về tòa soạn.

(Nguồn: vnexpress.net)

Làm gì khi thực tập thanh toán quốc tế tại ngân hàng

Posted: 26 Oct 2014 12:00 PM PDT

Em đang là sinh viên năm cuối ngành Ngân hàng tại một trường đại học ở TP HCM. Sắp tới, em sẽ thực tập tại phòng Thanh toán quốc tế của một ngân hàng.

Em không biết những công việc hàng ngày ở đó là như thế nào, em sẽ làm những gì tại đó, những kỹ năng quan trọng nào em cần rèn luyện thêm. Xin các anh chị đã và đang làm việc tại ngân hàng, những người am hiểu về ngành này tư vấn giúp em.

Trần Thanh Nhã Quyên

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây

(Nguồn: vnexpress.net)

Từ năm 2015, học phí trường công lập sẽ tăng?

Posted: 26 Oct 2014 04:48 AM PDT

(VNN)- Ngày 27/10, Bộ GD-ĐT trưng cầu ý kiến dự thảo Nghị định quy định cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số người làm việc và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Nghị định này quy định về dịch vụ sự nghiệp công, giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (sau đây gọi là dịch vụ giáo dục, đào tạo), cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số người làm việc và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp giáo dục, đào tạo).

Học phí, đại học, công lập, Nghị định, dự thảo, Bộ GD-ĐT
Ảnh Văn Chung

Theo đó, dự thảo Nghị định nêu rõ, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục sử dụng ngân sách Nhà nước từ năm 2015 đến 2018 được chia thành ba giai đoạn.

Cụ thể, đến năm 2015, mức giá được tính đủ chi phí tiền lương của toàn bộ cán bộ, giảng viên, viên chức của đơn vị; chi phí trực tiếp phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập hoặc hoạt động cung cấp dịch vụ (gồm chi phí vật tư, văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện nước, nguyên, nhiên vật liệu và các chi phí khác phục vụ trực tiếp hoạt động giảng dạy hoặc cung cấp dịch vụ.)

Năm 2015, giá dịch vụ giáo dục chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định. 

Đến năm 2016, ngoài các chi phí được tính như năm 2015, giá dịch vụ giáo dục sử dụng ngân sách nhà nước thêm chi phí quản lý chung của đơn vị (gồm chi phí vật tư, văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện nước và các chi phí khác phục vụ ban giám đốc, các phòng, ban của bộ phận quản lý hành chính trong đơn vị). Năm 2016 cũng chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định.

Đến năm 2018, mức giá tính đủ chi phí và mức tích lũy hợp lý.

Cách tính học phí đối với từng loại hình dịch vụ?

Dự thảo cũng nêu rõ, căn cứ đề nghị của sự nghiệp giáo dục,đào tạo và tình hình thực tế, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương (hoặc cơ quan được ủy quyền) quyết định đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện được thực hiện trước lộ trình.

Nhà nước quy định mức giá cụ thể hoặc khung giá phù hợp vớitừng loại dịch vụ giáo dục, đào tạo sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá. 

Các đơn vị sự nghiệp giáo dục được phân thành ba loại là đơn vị tự chủ hoàn toàn (tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển), đơnvị tự chủ (tự bảo đảm chi thường xuyên) và đơn vị chưa tự chủ (là các đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo nhiệm vụ giáo dục, đào tạo được cấp có thẩm quyền giao.)

Dự thảo quy định cách tính học phí cụ thể với từng loại hình đơn vị giáo dục.

Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục, đào tạo tự chủ hoàn toàn,được tự quyết định mức học phí nhưng học phí bình quân tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước.

Học phí đào tạo các ngành cụ thể cao hoặc thấp hơn mức giáđào tạo bình quân tối đa, tùy theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo,nhưng bảo đảm mức giá đào tạo bình quân trong trường không vượt quá giới hạn mứcgiá đào tạo tối đa.

Đơn vị đào tạo thực hiện công khai mức giá đào tạo cho người học trước khi tuyển sinh. Nhà nước hỗ trợ đến mức trần học phí do Chính phủ quyđịnh đối với sinh viên là đối tượng chính sách.

Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo tự chủ, học phí nằm trong phạm vi khung giá dịch vụ giáo dục, đào tạo do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Đơn vị sự giáo dục quyết định mức giá cụ thể cho từng loại dịch vụ. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể giá dịch vụ giáo dục, đào tạo thì thu theo mức giá do cơ quan nhà nước quy định.

Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục chưa tự chủ, trường hợp Nhà nước quy định giá cụ thể, đơn vị thu theo mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trường hợp quy định khung giá thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủyban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá cụ thể theo lộ trình tính giá dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo sự phân cấp của Chính phủ để áp dụng thống nhất.

Đối với dịch vụ giáo dục, đào tạo không sử dụng ngân sách nhà nước, các đơn vị được xác định giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá.

Cùng với quy định về mức giá, Nghị định cũng quy định các nộidung liên quan như thu, chi trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập.

Quyền của người đứng đầu?

Bên cạnh đó, vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số người làm việc… cũng là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị định.

Vẫn theo dự thảo Nghị định, kế hoạch tuyển dụng viên chức sẽ do Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng viên chức làm việc tương ứng theo các lĩnh vực chuyên môn giáo dục, đào tạo;

Đối với đơn vị được giao quyền tự chủ về bộ máy, biên chế: Kế hoạch tuyển dụng viên chức của đơn vị do người đứng đầu đơn vị quyết định theo thẩm quyền để bảo đảm thực hiện được kế hoạch hoạt động chuyên môn nhưng phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát;

Với đơn vị chưa được giao quyền tự chủ về bộ máy, biên chế: Kế hoạch tuyển dụng viên chức của đơn vị do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị phê duyệt;

Người đứng đầu đơn vị được ký hợp đồng thuê, khoán đối với những công việc không cần bố trí lao động thường xuyên và các hoạt động dịch vụ khác; được ký hợp đồng lao động và các hình thức hợp tác khác với chuyên gia,nhà khoa học trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu chuyên môn của đơn vị……

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ GD-ĐT sẽ có điều chỉnh trước khi trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

Nguyễn Hiền

(Nguồn vietnamnet.vn)

Comments