Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


“Cô giáo gì mà tối ngày đòi tiền”

Posted: 02 Oct 2014 08:25 AM PDT

(NG) – Những lúc phải hỏi phụ huynh và học sinh về chuyện đóng tiền trường, cô lại nhớ như in lời một vị phụ huynh "Cô giáo gì mà tối ngày đòi tiền".

Tiền trường "chòng cổ" giáo viên

Đầu năm học, tiền trường là mối bận tâm của lãnh đạo nhà trường, là gánh nặng của phụ huynh nhưng với nhiều giáo viên (GV), đó là nỗi “ám ảnh”. Ở nhiều trường, GV chủ nhiệm được giao công việc trực tiếp đứng ra thu các khoản đóng góp từ phụ huynh.

"Thu tiền muốn đuối luôn. Đầu năm GV có rất nhiều việc phải lo nhưng không nỗi lo nào như việc phải đứng ra thu tiền HS. Trong cặp sách tôi nào là sổ sách, giấy tờ, ghi phiếu thu của hàng chục HS, tiền cuộn dây thun… Oải luôn ", cô Nguyễn L.A, giáo viên một trường tiểu học ở quận Tân Bình, TPHCM nói về tâm trạng của mình khi nhắc đến việc GV phải đứng ra thu tiền HS.

Nhiều giáo viên vừa dạy học vừa... phải đòi nợ chính học sinh của mình (Ảnh minh họa)
Nhiều giáo viên vừa dạy học vừa… phải “đòi nợ” chính học sinh của mình (Ảnh minh họa)

Đó mới chỉ về phần thủ tục giấy tờ, đã là công đoạn cuối. Còn trước đó, không ai khác ngoài GV là người được giao trọng trách thông tin, giải thích các khoản thu giữa nhà trường và đại diện cha mẹ HS với các phụ huynh khác.

"Trường nào thu rõ ràng, minh bạch thì đỡ. Còn lắm khoản "nhiêu khê" thì chẳng ai khác ngoài GV chủ nhiệm như phải nhảy vào chảo lửa khi đối diện trực tiếp với phụ huynh", cô L.A nói.

Những buổi họp phụ huynh, GV nào cũng muốn tập trung trao đổi với phụ huynh về tình hình con trẻ, sẽ không phải áp lực những việc ngoài chuyên môn với đủ điều tiếng. Nhưng thực tế họ đang phải thay nhà trường đứng ra thông báo, giải thích về các khoản thu từ trên ấn xuống.

Nhiều GV chia sẻ, họ được đào tạo về sư phạm, công việc là giảng dạy nhưng đang phải kiêm thêm nhiệm vụ của một thủ quỹ, kế toán và cả việc “đòi nợ” thuê.

Giáo viên giống “chủ nợ”

Một mặt làm nhiệm vụ giáo dục, mặt khác lại phải ôm công việc thu các khoản tiền từ HS đẩy người thầy vào những tình huống bi hài đầy xót xa.

HS đóng chậm, nhà trường đâu phải làm việc trực tiếp với phụ huynh, cứ nhằm GV của mình mà hỏi. GV giống "chủ nợ" của HS nhưng mặt khác chẳng khác nào "con nợ" của nhà trường.

Cô B., GV một trường tiểu học ở quận 5, TPHCM kể, đến thời hạn mà HS nào chưa đóng là nhà trường sẽ "nhờ vả" GV chủ nhiệm nhưng thật ra là nhắc nhở. Thế là GV lại phải hỏi HS, gọi điện cho phụ huynh hỏi tình hình để giục đóng tiền.

Cô B. như in, có lần cô hỏi thăm một phụ huynh chuyện đóng tiền cho con, phụ huynh này hỏi: "Cô giáo gì mà tối ngày đòi tiền?". Cô B. chết lặng không trả lời được và câu hỏi đó vẫn đeo đẳng theo cô.

Một GV khác kể hồi mới ra trường, trong lớp có em một em chậm đóng tiền, cô ngại gọi điện phụ huynh nên chỉ nhắc riêng HS nhỏ HS này. Đến ngày tổng kết sổ sách thì gần 5 tháng em chưa đóng, cô thông báo cho phụ huynh thì bố mẹ HS lên trường làm ẫm ĩ bảo rằng đã đóng đầy đủ, chắc cô giáo thu … bỏ túi riêng chứ không đóng cho thủ quỹ.

Phụ huynh nói biên lai bị mất, GV không thể đôi co nên cô đành nói do mình quên, phải bỏ tiền túi ra đóng cho HS cùng với "hàm oan" cầm tiền trò bỏ túi.

"Dạy HS ở lớp mà phải mở miệng ra hỏi về chuyện tiền các em và phụ huynh còn đâu uy tín người thầy chứ chưa nói đến những vấn đề phát sinh. Phụ huynh nói không sai, cô giáo dạy học mà đi "đòi nợ" riết chẳng ra thể thống gì. Nhiều đồng nghiệp của tôi quá chán nản, muốn bỏ nghề vì công việc ngoài lề không thuộc chuyên môn này”, cô giáo này tâm sự.

Không ít khoản tiền trường, GV cũng không nắm rõ thu để làm gì, kế hoạch thu chi nhưng họ vẫn phải làm nhiệm vụ… nhắc nhở HS đóng tiền. Nhiều sự cố xảy ra thì GV cũng là người phải "chịu trận".

Mới đây, tại Trường THPT Hùng Vương (TPHCM), nhiều HS phản ánh các em phải đóng số khoản tiền như bảo trì máy tính, tiền hỗ trợ GV… mà không biết trường dùng vào những việc gì, GV chỉ yêu cầu đóng tiền mà không giải đáp rõ ràng. Lúc bấy giờ, nhà trường mới lên tiếng giải thích bằng việc "đá" trách nhiệm sang cho GV là do GV không giải thích rõ ràng các khoản thu cho HS gây hiểu nhầm.

Hiện nay, một số trường học ở TPHCM yêu cầu phụ huynh đóng tiền trực tiếp cho thủ quỹ để giảm bớt phần nào áp lực cho GV. Tuy nhiên, với những gia đình HS chậm đóng tiền thì công việc "đòi tiền" vẫn được chuyển cho GV.

Mà với đủ loại tiền phải đóng như hiện nay, nhất là những khoản đeo mác "tự nguyện" nhưng phụ huynh không bằng lòng thì số HS đóng sớm, đóng đủ không nhiều. Thành ra, GV vẫn phải thường xuyên "đòi nợ" chính HS của mình.

Cô Bích Hạnh, GV Trường tiểu học Châu Văn Liêm, TPHCM cho rằng để thầy cô thoát được cảnh vừa dạy vừa phải "đòi nợ" nói trên rất cần một văn bản từ trên quy định không để GV phải thu bất cứ khoản tiền gì từ học trò.

Hoài Nam

Vụ Hiệu phó bị “tố” sao chép giáo trình: Người tố cáo làm “sai lệch” thông tin

Posted: 02 Oct 2014 07:19 AM PDT

(NG) -Cuốn "Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp" của PGS.TS Võ Viết Đạn (Hà Nội, 1993) thực chất chỉ là bài giảng cá nhân, chưa được coi là giáo trình. Vì thế, việc nói PGS.TS Trần Văn Tớp sao chép giáo trình là không chính xác.

Như NG đã thông tin với bạn đọc về việc Bộ GD-ĐT vừa nhận được đơn tố cáo PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Đảng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sao chép giáo trình của người khác.

Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Kỹ thuật điện cao áp – quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp" của PGS.TS Trần Văn Tớp và tài liệu giảng dạy năm 1993 của PGS.TS Võ Viết Đạn.

Theo tìm hiểu của NG thì người đứng đơn tố cáo là ông Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên bộ môn Hàn (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Bản thân ông Thành cũng gửi đơn tố cáo với các cơ quan báo chí và cơ quan chức năng, cuốn sách "Kỹ thuật điện cao áp – quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp" của PGS.TS Trần Văn Tớp, NXB Khoa học và Kỹ thuật phát hành năm 2007 đã có những chương chép gần như 100% cuốn giáo trình "Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp" của PGS.TS Võ Viết Đạn, xuất bản năm 1993.

Tuy nhiên kiểm tra nhanh thông tin này trên cơ sở dữ liệu của Thư viện Quốc gia Việt Nam cho thấy: Không tồn tại bản lưu của cuốn "Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp" của PGS.TS Võ Viết Đạn.

Mới chỉ là bài giảng chưa phải là giáo trình

Trao đổi với NG sáng 2/10,GS.TS Lã Văn Út, nguyên trưởng bộ môn Hệ thống điện (nay là Viện Điện) – ĐH Bách khoa Hà Nội, người chuyên theo dõi về giáo trình của bộ môn cho biết: Cuốn "Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp" của PGS.TS Võ Viết Đạn không phải là giáo trình và cũng không được thông qua theo đúng quy định về viết giáo trình. Đây chỉ là một trong bốn cuốn tài liệu được viết ra nhằm phục vụ học viên của lớp bồi dưỡng cho các kỹ sư sẽ vận hành ở trung tâm Điện lực Quốc gia và các trạm 500 Kv. Sở dĩ như vậy là thời gian đó bộ môn có tham gia thiết kế đường dây 500Kv từ năm 1990 đến 1994. Trước khi đưa đường dây này vào vận hành vào năm 1993, lúc đó Bộ Năng lượng có yêu cầu bộ môn bồi dưỡng cho một số lớp. Trong hợp đồng họ rất muốn "ăn chắc" nên có yêu cầu các thầy giảng thì có tài liệu phát đến từng học viên, nếu khó khăn trong in ấn thì sẽ hợp tác giúp đỡ. Trên cơ sở yêu cầu này thì cuốn tài liệu của PGS.TS Võ Viết Đạn được hình thành. Ngoài các học viên của lớp học này thì một số thầy ở bộ môn cũng được tặng cuốn tài liệu này.

Cuốn giáo trình năm 1972 của PGS.TS
Cuốn giáo trình năm 1972 của PGS.TS Võ Viết Đạn, tài liệu năm 1993 giống như một thành quả của việc tiếp thu kiến thức mới cập nhật mà cuốn giáo trình năm 1972 chưa có.

"Qua đây có thể khẳng định cuốn tài liệu này không phải là giáo trình cũng không phải là tài liệu tham khảo. Như vậy, đứng về nguyên tắc thì bản quyền là không có. Tên cuốn tài liệu thì bộ môn xác nhận là do thầy Đạn viết nhưng nói về lý trong việc bản quyền bảo hộ thì không đủ cơ sở pháp lý. Vì thế việc tố cáo nói là sao chép giáo trình là không đúng" – GS.TS Lã Văn Út nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên NG, năm 1972, thầy Võ Viết Đạn có cuốn giáo trình "Kỹ thuật Điện cao áp". Từ những năm 1990 đã có sự giao lưu tài liệu trong và ngoài nước, trong khi đó bộ môn điện tham gia thiết kế xây dựng đường dây siêu cao áp 500Kv, do đó bộ môn rất cần cập nhật những kiến thức về cao áp và siêu cao áp. Tài liệu "Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp" năm 1993 giống như một thành quả của việc tiếp thu kiến thức mới cập nhật mà cuốn giáo trình năm 1972 chưa có. Vào thời điểm năm 1993 GS. Lã Văn Út có đề nghị tổ chuyên môn cho tái bản quyền giáo trình năm 1972 để cập nhật thông tin. Nhưng cho tới sau năm 1993 PGS.TS Võ Viết Đạn cũng chưa có ý muốn tái bản cuốn giáo trình của mình. Vào năm 2003, PGS.TS Võ Viết Đạn qua đời.

Thực hiện viết sách theo yêu cầu của bộ môn

Với việc PGS.TS Võ Viết Đạn qua đời mà vẫn chưa có một cuốn giáo trình cập nhật nên vàokhoảng năm 2006 GS. Lã Văn Út có đề nghị PGS. Trần Văn Tớp, PGS. Nguyễn Đình Thắng và một số người khác nên viết chung hoặc như thế nào đó để ra được cuốn giáo trình cập nhật.

GS. Lã Văn Út khẳng định: cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp đã cập nhật được khá nhiều nội dung của cuốn tài liệu năm 1993 và 1972. Việc cập nhật và giống nhiều hay ít đối với sách giáo khoa là chuyện bình thường.

"Cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp là viết theo yêu cầu của bộ môn, việc cập nhật là hiển nhiên, cập nhật theo tập tài liệu của PGS. Đạn là hợp lý, đây không những là sản phẩm mới cần được đưa vào mà còn như một sản phẩm chung của nhóm chuyên môn là đường dây siêu cao áp" – GS. Út nói.

Biên bản thẩm định giáo trình của PGS.TS Trần Văn Tớp năm 2007.
Biên bản thẩm định giáo trình của PGS.TS Trần Văn Tớp năm 2007.

Trước câu hỏi nên chăng cuốn sách "Kỹ thuật điện cao áp – quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp" của PGS.TS Trần Văn Tớp cần có cả tên PGS.TS Võ Viết Đạn? Chia sẻ về vấn đề này GS. Út bộc bạch: Đây là vấn đề bộ môn trước đây đã từng đặt ra những cũng là vấn đề khó nói. Trong giai đoạn sau năm 1993 đến năm 2003 không bản sách và không cập nhật. Bên cạnh đó, trong thời gian viết chung PGS. Đạn cũng không mời ai tham gia cùng.

Trong cuốn sách của mình ở lời nói đầu, PGS.TS Trần Văn Tớp cũng đã khẳng định: Tài liệu này được biên soạn dựa trên kinh nghiệm giảng dạy môn học Kỹ thuật điện cao áp và tài liệu "Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp" do PGS.TS Võ Viết Đạn biên soạn năm 1992 phục vụ công tác vận hành và quản lý hệ thống truyền tải siêu cao áp 500Kv Bắc – Nam. Bên cạnh đó ở phần cuối sách liệt kê tài liệu tham khảo cũng đã nêu tên hai tài liệu này của PGS. Đạn.

PGS. Nguyễn Đình Thắng, cùng tổ chuyên môn với PGS. Trần Văn Tớp cho biết thêm, trước khi cuốn giáo trình của PGS. Tớp được thông qua thì nhóm chuyên môn phải họp nhiều lần, thông qua các chuyên đề và góp ý để được ra sách.

Được biết, ngày 16/9 vừa qua, sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Thành, Viện Điện đã có cuộc họp với Bộ môn Hệ thống điện liên quan liên quan tới nội dung trên. Tuy nhiên kết luận cuối cùng của vụ việc còn phải chờ Thanh tra Bộ GD-ĐT xác minh làm rõ.

Nguyễn Hùng

Đại học Việt Nam sẽ được phân thành 5 hạng

Posted: 02 Oct 2014 07:11 AM PDT

(NG) – Ngày 2/10, Bộ GD-ĐT công bố xin ý kiến rộng rãi về Dự thảo Nghị định quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, khung xếp hạng cơ sở Giáo dục đại học bao gồm 5 hạng.

Mục đích của Dự thảo quy định này nhằm phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, xếp hạng và khung xếp hạng các cơ sở GDĐH; quy trình, thủ tục phân tầng và xếp hạng cơ sở GDĐH.

5 hạng cơ sở giáo dục đại học được tính theo phần trăm (%) số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm từ cao xuống thấp, được làm tròn số, cụ thể như sau:

Hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất;

Hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1;

Hạng 3 là nhóm 40% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 2;

Hạng 4 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 3;

Hạng 5 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng thấp nhất.

Việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 2 năm một lần.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, uỷ nhiệm cho một tổ chức thực hiện xếp hạng các cơ sở GD ĐH.

Phân tầng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn 10 năm. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phân tầng cơ sở GDĐH cho từng giai đoạn.

Dự thảo cũng ra 3 tiêu chí phân định các cơ sở giáo dục đại học là Tiêu chí cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu; Tiêu chí cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng; Tiêu chí cơ sở GDĐH định hướng thực hành.

Tiêu chí cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu

Theo dự thảo, cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu có quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ không dưới 50% tổng qui mô toàn trường;

Số chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu chiếm hơn 60% tổng số các chương trình đào tạo của trường;

Có không ít hơn 70% số ngành đào tạo có các chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ;

Có không ít hơn 50% số ngành đào tạo có các chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Kinh phí dành cho hoạt động khoa học công nghệ không ít hơn 25% tổng kinh phí hoạt động hằng năm của trường;

Quỹ thời gian dành cho hoạt động khoa học công nghệ của giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không ít hơn 50% tổng thời gian làm việc hằng năm;

Ít nhất 80% các chương trình nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học công nghệ, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ hoặc tương đương có các nghiên cứu sinh tham gia;

Có ít nhất một cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản chuyên sâu hoặc một trung tâm nghiên cứu phát triển các công nghệ nguồn.

Ít nhất 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường có trình độ tiến sĩ;

Ít nhất 25% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư; Đào tạo và cấp bằng ít nhất 50 tiến sĩ/năm;

Hằng năm công bố ít nhất 50 bài báo, công trình nghiên cứu kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI, SCI;

Có ít nhất 70% số chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu của trường được các tổ chức kiểm định chất lượng công nhận, trong đó có không ít hơn 30% số chương trình này được các tổ chức kiểm định chất lượng khu vực, quốc tế công nhận…

Tiêu chí cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng

Là trường đại học có các chương trình đào tạo chủ yếu theo hướng ứng dụng và hoạt động khoa học công nghệ tập trung theo hướng nghiên cứu triển khai.

Đào tạo trình độ đại học và trình độ thạc sĩ là chủ yếu, một số ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ.

Cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Có các tiêu chí về đào tạo và nghiên cứu khoa học khác với các quy định của cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu.

Tiêu chí cơ sở GDĐH định hướng thực hành

Là trường cao đẳng trong hệ thống giáo dục đại học, có các chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng thực hành; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất.

Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng trở xuống phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương; nghiên cứu chuyển giao công nghệ, xử lý những vấn đề kỹ thuật trong thực tế sản xuất và đời sống ở các địa phương.

Hồng Hạnh

Cơ hội đặc biệt cho các thí sinh muốn học ngành Quản lý kinh doanh cấp bằng Anh quốc

Posted: 02 Oct 2014 07:00 AM PDT

Theo học chương trình ĐH chuyên ngành Quản lý Kinh doanh đảm bảo sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Sinh viên được cập nhật các kiến thức chuyên môn, đào tạo các kỹ năng cần thiết mà các doanh nghiệp yêu cầu và đặc biệt khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh chuyên ngành trong công việc.

Theo học ngành Quản lý kinh doanh (Bachelor of Business Managerment) trong chương trình này, sinh viên sẽ học toàn phần tại ViệtNam và được nhận bằng đại học chính quy do Trường Đại học York St John cấp. Chương trình đào tạo theo Quyết định số 3242/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sinh viên chương trình hợp tác quốc tế tốt nghiệp năm 2013.
Sinh viên chương trình hợp tác quốc tế tốt nghiệp năm 2013.

Đôi nét về Đại học York St John

ĐH York St John là một trường đại học có bề dày lịch sử truyền thống ở Anh. Trường có uy tín về chất lượng đào tạo và được biết đến với môi trường học tập xuất sắc, tinh thần cộng đồng mạnh mẽ. Trụ sở chính tọa lạc trên một khuôn viên tuyệt đẹp tại trung tâm thành phố lịch sử York.

Các khóa học tại Đại học York St John được thiết kế linh hoạt không những cung cấp các kiến thức chuyên ngành, những kỹ năng nghề nghiệp do bạn lựa chọn mà còn là phương pháp làm việc, giao tiếp chuyên nghiệp mà các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm trên thị trường việc làm cạnh tranh ngày nay.

Đại học York St John nằm trong Top 20 trường ĐH có chất lượng giáo dục tốt nhất trong cuộc khảo sát sinh viên quốc gia 2012, thuộc top 10 cho “sự trải nghiệm tuyệt vời của sinh viên” theo The Times Higher Education.

Với những ưu điểm của mình Đại học York St John ngày càng thu hút được nhiều sinh viên tại vương quốc Anh cũng như sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Đôi nét về Đại học York St John
Sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng các giáo sư ĐH York St John (vương quốc Anh).

Sinh viên học tập tại chương trình Đại học York St John được trang bị 4 kỹ năng chính nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả tối đa trong công việc.

Khả năng sử dụng tiếng Anh trong công việc: Phát triển kỹ năng Tiếng Anh nhằm giúp sinh viên có thể làm việc, giao tiếp hiệu quả trong công việc và đời sống hàng ngày. Trú trọng vào tiếng Anh học thuật: Nghe, Nói, Đọc, Viết. Đây là chương trình tiếng Anh học thuật giúp sinh viên có kiến thức cơ sở và chuyên sâu để tự tin trong giao tiếp và làm bài bằng Tiếng Anh. Chương trình tiếng Anh được xây dựng với 4 cấp trình độ. Mỗi cấp trình độ tương đương với 250 tiết học trên lớp. Kết thúc cấp độ 4, sinh viên có trình độ tương đương với IELTS 6.0.

Kỹ năng học tập và giao tiếp: Kỹ năng học tập là một học phần bắt buộc đối với sinh viên. Qua đó sinh viên biết cách tự phân tích và đánh giá và xây dựng cách học phù hợp với mình để đạt được hiệu quả cao nhất. Sinh viên cũng hiểu rõ các kỹ năng cần thiết để nắm vững bài giảng, thực hành nghiên cứu độc lập, viết luận và thuyết trình trước lớp. Nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp học kỹ năng mềm qua đó sinh viên biết chủ động tổ chức quản lý thời gian, công việc của mình, biết cách giao tiếp ứng xử hiệu quả để đạt được mục đích.

Một buổi học ngoại khóa của sinh viên khóa 3 nhập học đợt 1 ngày 20/08/2014
Một buổi học ngoại khóa của sinh viên khóa 3 nhập học ngày 20/09/2014.

Kỹ năng tin học văn phòng: Các sinh viên được trang bị những kiến thức mới nhất về các ứng dụng tin học trong xử lý công việc hàng ngày. Kinh nghiệm từ các nhà tuyển dụng cho thấy đây là những yêu cầu tuy không phức tạp nhưng thực sự cần thiết. Các kỹ năng này giúp cho sinh viên hoàn thành các bài làm của mình theo tiêu chuẩn và khi ra trường các em có thể hòa nhập và bắt đầu công việc ngay không bị bỡ ngỡ.

Kiến thức chuyên ngành: Các kiến thức các em học trong 3 năm chuyên ngành về các lĩnh vực quản trị, tài chính, marketing, phương pháp nghiên cứu và quản trị dự án, v.v gắn liền với sự phát triển kinh tế thế giới và đặc điểm kinh tế Việt Nam. Nắm vững chủ trương phát triển kinh tế đất nước tầm nhìn 2020 với sự đột phá về kinh tế dịch vụ, chương trình được xây dựng với các học phần về quản trị du lịch tạo điều kiện để sinh viên ra trường có nhiều cơ hội việc làm.

Dưới đây là một số thông tin chính về chương trình hợp tác đào tạo ngành Quản lý kinh doanh (Bachelor of Business Managerment) giữa ĐH York St John (vương quốc Anh) và ĐH Công nghiệp Hà Nội:

* Thời gian đào tạo:

04 năm (8 học kỳ) tại Đại học Công nghiệp Hà Nội

* Nhập học: ngày 10/10/2014

* Điều kiện dự tuyển: Tốt nghiệp THPT

* Phương thức tuyển sinh

Xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện ở bậc THPT

Vào thẳng chuyên ngành (kỳ 3) đối với các thí sinh đạt IELTS 6.0 trở lên

* Học phí:

Kỳ 1: 22.000.000 đ/kỳ

Kỳ 3: 35.000.000 đ/kỳ

Kỳ 5: 35.000.000 đ/kỳ

Kỳ 7: 35.000.000 đ/kỳ

Kỳ 2: 22.000.000 đ/kỳ

Kỳ 4: 35.000.000 đ/kỳ

Kỳ 6: 35.000.000 đ/kỳ

Kỳ 8: 20.000.000 đ/kỳ

* Điều kiện học tập và sinh hoạt

- 30% giảng viên trường ĐH York St John, 70% giảng viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội (bao gồm các Giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo tại nước ngoài)

- Cơ sở vật chất hiện đại với phòng máy cấu hình cao, máy chiếu, điều hòa.

- Giáo trình được cập nhật liên tục theo hệ thống đào tạo của vương quốc Anh.

- Trung tâm thư viện với hơn 400.000 đầu sách các loại, đảm bảo cho sinh viên nghiên cứu và học tập.

- Trung tâm Dịch vụ nhà ăn, ký túc xá hiện đại tiện nghi với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại.

- Nhà trường tổ chức các hoạt động thể thao, sinh hoạt văn nghệ thường niên cho sinh viên.

* Cơ hội nghề nghiệp

Sinh viên có thể làm ở các vị trí phù hợp nhất tại các tập đoàn, các công ty liên doanh, các công ty trong nước và quốc tế như: Giám đốc điều hành, giám đốc bộ phận, quản trị chiến lược, phát triển thị trường, quản trị dự án, quản trị tài chính, quản lý nhân sự, quản lý/giám sát sản xuất, Marketing-Pr-Even, quản trị kênh phân phối, đại diện thương mại hay trưởng văn phòng đại diện…

Bộ phận phát triển Quan hệ doanh nghiệp của nhà trường sẽ giới thiệu việc làm cho các em, đảm bảo 100% sinh viên có việc làm sau khi ra trường.

Ngoài ra, sinh viên có thể tiếp tục theo học thạc sỹ trong và ngoài nước.

Thông tin chi tiết, liên hệ:

Khoa Đào tạo Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Tòa nhà A12 khu A, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội – P.Minh Khai, Quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 04 37655121 (225) – 04.37639583 – Đường dây nóng: 0904 639583, Email:info@fict.edu.vn

Website: www.fict.edu.vn – www.haui.edu.vn

Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp và Kinh tế Hà Nội khai trương “Trung tâm đào tạo chất lượng cao”

Posted: 02 Oct 2014 06:10 AM PDT

Sáng ngày 1/10/2014, tại Hội trường Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông Trung tâm Đào tạo Công nghệ thông tin và Truyền thông Hà Nội thuộc Sở thông tin truyền thông Hà Nội đã diễn ra lễ khai trương "Trung tâm đào tạo chất lượng cao" thuộc Trường cao đẳng nghề công nghiệp và kinh tế Hà Nội.

Tới dự lễ khai trương có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường cùng các vị khách mời là đại diện các trường dạy nghề, đại diện các công ty trong và ngoài nước và đặc biệt là có sự có mặt của ông Joachim Chandran Fernado – Bí thư Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Văn Thoại - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi lễ
Tiến sĩ Vũ Văn Thoại – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi lễ.

Tại buổi lễ, Tiến sĩ Vũ Văn Thoại – Hiệu trưởng nhà trường đã có bài phát biểu nhấn mạnh định hướng, mục tiêu hoạt động, xây dựng và phát triển "Trung tâm đào tạo chất lượng cao". Trong đó, mục tiêu chính giúp các học viên được học tập, rèn luyện, cọ xát trong một môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp các học viên sau khi được đào tạo sẽ trở thành những lao động có tay nghề thực sự chứ không phải bỡ ngỡ với công việc như một số hình thức đào tạo thường thấy trong nước.

Tiến sĩ Vũ Văn Thoại
Tiến sĩ Vũ Văn Thoại ký kết hợp tác đào to với lãnh đạo Trung tâm công nghệ thôngtin, Trung tâm Đào tạo Công nghệ thông tin và Truyền thông Hà Nội thuộc sở Truyền thông.

Cùng với nhà trường, ông Vũ Lộc An – Giám đốc Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông, Trung tâm Đào tạo Công nghệ thông tin và Truyền thông Hà Nội Vũ Lộc An trăn trở: Hiện tại nước ta có 72000 cử nhân ra trường không có việc làm, đó là một quan ngại lớn trong tình hình kinh tế và bối cảnh hiện nay. Bên cạnh các phương án khắc phục vấn đề này, các trường nghề cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo các tay nghề giỏi, có thể đáp ứng được đòi hỏi công việc trong nước và nước ngoài. Việc thành lập Trung tâm đào tạo chất lượng cao mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần giải quyết bài toán nói trên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ cam kết sẽ cố gắng kết mình, tạo điều kiện tối đa cho Trung tâm đào tạo chất lượng cao phát triển.

Ông Joachim Chandran Fernado – Bí thư Đại sứ quán Ấn Độ cũng có đôi lời phát biểu, trong đó ông cũng khẳng định vai trò của ngành công nghệ thông tin, trong đó chủ yếu là tay nghề và khả năng ngoại ngữ. Ông cho rằng, nếu muốn hòa nhập vào nguồn lao động mang tầm quốc tế thì cần phải thành thạo ngoại ngữ. Cùng với đó, bản thân ông cũng như đất nước Ấn Độ cố cũng cam kết sẽ cố gắng đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy Trung tâm đào tạo chất lượng cao cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Một lớp học tại Trung tâm.
Một lớp học tại Trung tâm.

Tại buổi lễ, Tiến sĩ Trần Văn Khởi – Phó hiệu trưởng nhà trường đã công bố các quyết định thành lập Trung tâm đào tạo chất lượng cao, chính thức bổ nhiệm ông Mai Thanh Tuấn làm Giám đốc trung tâm. Cuối cùng, đại diện lãnh đạo Trường cao đẳng nghề công nghiệp và kinh tế Hà Nội, đại diện Trung tâm đào tạo chất lượng cao đã ký kết chương trình hợp tác phát triển cùng với các đại diện Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông Trung tâm Đào tạo Công nghệ thông tin và Truyền thông Hà Nội, Công ty truyền thông đa phương tiện Việt Nam, Công ty cổ phần truyền số liệu Việt Nam.

"Trường Cao đẳng nghề Công nghệ & Kinh tế Hà Nội (HACOTAB) trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được thành lập theo quyết định số 594/QĐ-LĐTBXH.Nhà trường có mô hình đào tạo khép kín (Nhà trường – Sinh viên – Doanh nghiệp). Cơ sở vật chất gồm các khu giảng đường, hội trường, thực hành, giáo dục thể chất, ký túc xá, vui chơi thành chuỗi liên kết với trang thiết bị hiên đại, đồng bộ. Đội ngũ giảng viên là các tiến sĩ, thạc sĩ đã từng giảng dạy tại các trường của Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Ấn Độ,… với mục đích tạo ra nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và khả năng làm việc cao, có kỷ luật và đạo đức tốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế".

“Bắt đền” nhà trường vì con học lớp 5 vẫn không biết đọc

Posted: 02 Oct 2014 05:30 AM PDT

Bức xúc trước việc con mình đã học đến lớp 5 mà không biết đọc, cũng chẳng biết viết, gia đình chị Nguyễn Thị Vinh (Bắc Giang) dự định “bắt đền” nhà trường.

Sau 15 phút cố gắng, Vịnh không đọc được một chữ nào trong quyển Tiếng Việt lớp 5.

Sau 15 phút cố gắng, Vịnh không đọc được một chữ nào trong quyển Tiếng Việt lớp 5.

Học 5 năm, không viết được họ tên

Sau 15 phút xoay đi, xoay lại nhiều lần cuốn Tiếng Việt lớp 5, Nguyễn Văn Vịnh, thôn Nghĩa An, xã Nghĩa Phương (lớp 5B, Trường Tiểu học Nghĩa Phương I) quay sang nhìn mọi người rồi lắc đầu: “Con không đọc được”. Tôi đưa bút bảo em viết họ tên, lớp và trường của mình. Lại mất từng ấy thời gian, Vịnh cũng chỉ viết đúng chữ “Vịnh” và “5B”, còn phần họ, tên đệm, lớp và trường… em viết nguệch ngoạc không ra chữ gì. Mẹ em đọc tên ông, bà, anh chị trong gia đình… Vịnh đều cắn bút.

“Cháu học đến lớp 5 mà không biết đọc, biết viết. Gia đình tôi rất buồn và thắc mắc tại sao học sinh không biết chữ mà nhà trường vẫn cho lên lớp. Nếu các thầy, cô giáo nghiêm khắc hơn thì cháu không đến nỗi thế này”- Chị Nguyễn Thị Vinh, thôn Nghĩa An, xã Nghĩa Phương (mẹ Vịnh) nói.

Chị Vinh còn cho biết, một số học sinh trong thôn học chung lớp với Vịnh cũng không biết đọc, biết viết; nhiều cháu đọc, viết rất kém nhưng vẫn lên lớp đều đều. trong số đó có Vịnh. Chúng tôi đã gặp học sinh lớp 4, lớp 5 ở thôn Nghĩa An thì đúng như thông tin chị Vinh cho biết, đa số các cháu đều đọc và viết rất kém. Có cháu ngoài tên mình ra không biết viết chữ gì khác.

Sản phẩm của Vịnh sau 15 phút viết.
Sản phẩm của Vịnh sau 15 phút viết.

“Gia đình tôi định bắt đền nhà trường theo hai hướng, một là dạy cháu biết đọc, biết viết; hai là phải trả gia đình 50 triệu đồng, trong đó 2 triệu đồng tiền đóng học trong 4 năm và 48 triệu đồng nuôi dạy cháu”- Chị Vinh quả quyết.

Cần lớp học chuyên biệt

Bí thư chi bộ thôn Nghĩa An Nguyễn Văn Hưng và một số người dân trong thôn xác nhận có một vài học sinh lớp 4, lớp 5 không biết đọc, biết viết, trong đó có cháu Nguyễn Văn Vịnh. Tuy nhiên nhiều người cho rằng chị Vinh đổ hết lỗi cho nhà trường là thiếu khách quan, gia đình chị cũng phải chịu trách nhiệm về việc này.

Ông Lưu Đức Sóc, người cùng thôn cho rằng: “Vịnh là đứa trẻ hiếu động, nghịch và hay quên. Vợ, chồng chị Vinh cũng bỏ bê dạy con, nên cháu học trước quên sau”. Điều này cũng được gia đình chị Vinh thừa nhận: "Do phải đi làm xa nhà nên ít khi vợ chồng tôi dạy Vịnh học".

Đề cập đến tình trạng học sinh lớp 4, lớp 5 không biết đọc, biết viết, thầy Thân Văn Lăng, hiệu trưởng trường tiểu học Nghĩa Phương I cho biết, trường hiện có 6 học sinh có vấn đề về trí tuệ đang theo học diện hòa nhập cộng đồng là: Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Thị Nhật Lệ, Hoàng Văn Xuân, Nguyễn Văn Phượng, Dương Thị Thùy (lớp 5) và Nguyễn Thị Huế (lớp 4). Những em này đều đọc, viết rất chậm, trong đó Nguyễn Văn Vịnh và Nguyễn Thị Nhật Lệ không biết đọc, viết.

Nhà trường đã cử nhiều thầy cô dạy giỏi đến kèm, nhưng các em vẫn không có tiến bộ, nhớ được vài hôm lại quên kiến thức. Nhà trường đang tích cực phối hợp với gia đình để rèn dạy các em. “Cần có lớp chuyên biệt cho những học sinh thuộc diện này để bảo đảm chính sách, đồng thời giúp các em hòa nhập cộng đồng. Nhà trường đã đề nghị việc này lên cấp trên xem xét”- Thầy Lăng cho hay.

Trả lời câu hỏi tại sao các em không biết đọc, biết viết vẫn được lên lớp, thầy hiệu trưởng cho rằng vì sợ để ở lại lớp, chênh lệch độ tuổi không hòa nhập được, học sinh lớn tuổi bắt nạt bạn ít tuổi, gây phức tạp trong nhà trường!?

Qua sự việc này đề nghị ban giám hiệu trường tiểu học Nghĩa Phương I sớm rà soát chất lượng học sinh, bố trí lớp học phù hợp giúp các em hòa nhập cộng đồng.

Theo Báo Bắc Giang

55 học sinh vượt khó, học giỏi nhận học bổng khuyến học

Posted: 02 Oct 2014 05:17 AM PDT

(NG) – Chiều 1/10, Hội Khuyến học huyện Nam Đàn (Nghệ An) phối hợp với văn phòng báo điện tử NG tại Nghệ An tổ chức lễ trao học bổng "Hành động vì những ước mơ" năm 2014 đến 55 học sinh vượt khó, học giỏi.

Đại diện lãnh đạo huyện Nam Đàn đã trực tiếp trao 55 suất học bổng cho 55 em học sinh nghèo vượt khó học giỏi từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn với tổng số tiền 20 triệu đồng.

Anh Nguyễn Duy Thảo - Phó trưởng Ban tuyên giáo huyện Ủy Nam Đàn trao học bổng đến các em.
Anh Nguyễn Duy Thảo – Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện Ủy Nam Đàn trao học bổng đến các em.

Đây là số tiền do Quỹ học bổng "Hành động vì những ước mơ" do ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (PVBank) phối hợp cùng Quỹ khuyến học Việt Nam và báo điện tử NG tổ chức.

Được biết, học bổng Hành động vì những ước mơ sẽ trao 297 suất học bổng trị giá 100 triệu đồng cho các em học sinh của 5 huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An gồm: Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Yên Thành và Nam Đàn.

Dịp này, ông Nguyễn Huy Hướng – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Đàn cũng trích tiền tiết kiệm của gia đình thông qua Hội Khuyến học huyện trao 5 suất học bổng đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Anh Nguyễn Duy Thảo - Phó trưởng Ban tuyên giáo huyện Ủy Nam Đàn trao học bổng đến các em.
Ông Nguyễn Huy Hướng – Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Nam Đàn dành 5 suất học bổng cho các em học sinh thông qua Hội Khuyến học huyện Nam Đàn.

Ông Lê Mạnh Hà – Chủ tịch Hội khuyến học huyện Nam Đàn cho biết: "Những suất học bổng của ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (PVBank), Quỹ khuyến học Việt Nam và báo điện tử NG đến với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có ý nghĩa rất lớn, là động lực giúp các em phấn đấu hơn trong học tập".

Cũng trong chiều 1/10, Hội khuyến học huyện Nam Đàn tổ chức sơ kết "Tháng khuyến học" lần thứ XI năm 2014. Kết quả, trong tháng khuyến học lần thứ XI, Hội khuyến học huyện Nam Đàn đã kết nạp mới 873 hội viên nâng số hội viên toàn huyện là 34.271; thành lập thêm 14 ban khuyến học ở các dòng họ, cơ quan, đơn vị.

55 em học sinh huyện Nam Đàn nhận học bổng Hành động vì những ước mơ.
55 em học sinh huyện Nam Đàn nhận học bổng “Hành động vì những ước mơ”.

Ở các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị và huyện hội đã huy động được gần 700 triệu đồng. Từ nguồn quỹ khuyến học, các cấp hội đã chi thưởng và cấp học bổng cho 10.827 học sinh và 1187 lượt giáo viên với số tiền trên 850 triệu đồng.

Những địa phương, đơn vị thực hiện tốt "Tháng khuyến học" lần thứ XI như: Kim Liên, Nam Cát, Khánh Sơn, Xuân Hòa, Nam Trung, Nam Xuân; công an huyện, trạm vật tư nông nghiệp, trung tâm y tế huyện, bệnh viện đa khoa huyện Nam Đàn….

Nguyễn Duy

Tài trợ toàn phần khóa học Anh quốc tại Triển lãm Du học eduFairUK 2014

Posted: 02 Oct 2014 05:00 AM PDT

Theo đó, Bellerbys College sẽ tài trợ toàn bộ chương trình học tập tại Anh, Vietnam Airlines tài trợ vé máy bay khứ hồi và Quỹ Học bổng ISC-UKEAS chi trả toàn bộ chi phí ăn ở, mang đến suất tài trợ toàn phần cho 1 khóa học tiếng Anh tại Anh quốc.

Trong nỗ lực mang thêm thật nhiều hỗ trợ từ các trường ĐH Anh quốc và các tổ chức khuyến học thế giới đến với học sinh Việt Nam, ISC-UKEAS, đại diện của hơn 95% trường ĐH xứ sở sương mù đã thành công trong việc đề xuất và phối hợp cùng các đối tác chiến lược, bổ sung thêm khóa học này vào gói học bổng khổng lồ của Triển lãm Du học Anh Quốc eduFairUK2014.

Không yêu cầu chứng chỉ

Suất học bổng này không yêu cầu học sinh có bất kì chứng chỉ hay kết quả học tập xuất sắc nào. Tiêu chí để tìm chủ nhân học bổng là sự nhiệt tình tìm hiểu và ham học hỏi.
Các bạn học sinh cần thực hiện hai bước:

·Đăng kí tham gia Triển lãm Du học Anh Quốc eduFairUK 2014

·Nhận thông tin hướng dẫn chi tiết và lấy mã tham dự tại Triển lãm Du học eduFairUK2014 vào lúc:

9h sáng -12h30 ngày 4/10/2014, Melia hotel, 44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội

9h sáng -12h30 ngày 5/10/2014, Sheraton hotel, 88 Đồng Khởi, TP Hồ Chí Minh

Chương trình đăng kí tham dự chỉ diễn ra cho đến hết 0h ngày 4/10/2014.

Cơ hội học tiếng Anh tại Anh quốc

Cơ hội học tiếng Anh tại Anh quốc

Khóa học Tiếng Anh này chỉ dành cho học sinh có độ tuổi từ 15-25, kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Bellerbys sẽ tài trợ toàn bộ chương trình học tập tại Anh, Vietnam Airlines tài trợ vé máy bay và Quỹ Học bổng ISC-UKEAS chi trả toàn bộ chi phí ăn ở.
Theo ISC-UKEAS, Bellerbys Colleges – một trong những trường dạy dự bị ĐH & A-level tốt nhất Anh Quốc, và Vietnam Airline – Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, trong những ngày cuối cùng trước thềm Triển lãm Du học eduFairUK 2014, đã đồng ý cùng phối hợp thực hiện chương trình hết sức ý nghĩa này.

HSBC, Vietnam Airline tham gia khuyến học cùng 45 trường Anh Quốc tại eduFairUK2014

Ngân hàng HSBC tham gia Triển lãm Du học eduFairUK năm nay với tư cách khách mời danh dự, cung cấp gói hỗ trợ khuyến học đặc biệt cho học sinh bao gồm: Miễn phí 100% phí chuyển tiền du học, miễn phí dịch vụ mở tài khoản, giảm giá tới 50% khi thanh toán bằng tài khoản HSBC, v..v..
Một khách mời khác là Vietnam Airlines – đối tác độc quyền của ISC-UKEAS cũng cam kết giảm 50usd/tổng chi phí vé, hoàn vé miễn phí cho du học sinh (du học qua ISC-UKEAS) trong trường hợp bị từ chối visa, khuyến khích học sinh bằng giá vé du học đặc biệt cùng nhiều vé máy bay miễn phí chặng HN-UK.
Trong khi đó, ISC-UKEAS, đơn vị tổ chức, đại diện của hơn 95% trường ĐH Anh quốc cũng tặng voucher fast track visa 150usd, cung cấp liên tục những học bổng 500-5000 bảng từ Quỹ học bổng mới ra mắt của mình.

45 trường ĐH hàng đầu Anh quốc đến với eduFairUK2014 lần này với thông điệp KHÔNG CẦN QUÁ XUẤT SẮC ĐỂ DU HỌC. Đại diện của các trường cho rằng hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đạt được cơ hội du học là điều vô cùng khó khăn và chỉ dành cho người cực kỳ xuất sắc hoặc giàu có, thực ra chỉ cần có cơ hội tiếp cận với học bổng và hiểu về cách thức vận hành của việc du học, bạn đã có 50% cơ hội đặt chân vào ngưỡng cửa du học rồi.

Hiện ISC-UKEAS là đại diện của hơn 95% trường ĐH Anh Quốc, liên tục cập nhật thông tin du học, học bổng trao lại cho du học sinh Việt Nam, là cơ uy tín tại Việt Nam tư vấn du học miễn phí, giúp du học sinh miễn phí khâu dịch thuật và hoàn tất thủ tục du học tại các trường nước ngoài. Học sinh du học qua ISC-UKEAS không phải trả bất kì một loại chi phí dịch vụ nào.
Trong năm 2014, ISC-UKEAS đã hỗ trợ cho hơn 132 du học sinh Việt Nam nhận học bổng từ các trường, với tổng giá trị lên tới 13 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, ISC-UKEAS đã đưa hơn 40.000 học sinh đi du học, được Hội đồng Anh công nhận là cơ sở tư vấn du học hiệu quả nhất.
Độc giả quan tâm có thể truy cập website ISC-UKEAS để cập nhật thông tin du học và học bổng.
Trực tiếp gặp gỡ đại diện của 45 trường ĐH Anh quốc

Những giáo viên hết lòng với sự nghiệp trồng người

Posted: 02 Oct 2014 03:54 AM PDT

(NG)-Có thầy cô tự nguyện đi xin áo dài, học bổng… cho học sinh nghèo; có thầy lặng lẽ hiến đất xây trường học; hoặc vợ chồng giảng viên hơn 8 năm "cưu mang" sĩ tử ở trọ đi thi đại học… Với các thầy cô này, tất cả cũng vì công tác khuyến học, khuyến tài.

Lo chuyện đồng phục cho học trò nghèo

Nhắc đến những giáo viên lo chuyện đồng phục cho học trò nghèo ở Tiền Giang, nhiều người biết đến cô Nguyễn Thị Lâu – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kiệt, người đã âm thầm đi xin áo dài cho các nữ sinh nghèo trong suốt 8 năm qua.

Cô Lâu tâm sự: "Gần 30 năm gắn bó với nghề, đặc biệt là tôi được giảng dạy ở một trường vùng sâu, nơi có nhiều em học sinh nghèo như các em học sinh Trường THPT Tứ Kiệt này (thuộc huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Bởi thế, mấy năm qua vào những dịp đầu năm học, hình ảnh các phụ huynh quần áo lắm lem, chân đất đến trường, xin cho con vào học ít hôm vì nhà chưa may kịp chiếc áo dài; Rồi có em chạy đến "tường trình" em có một chiếc áo dài, hôm qua mưa nên áo chưa khô… Khi đó, tôi đã suy nghĩ và không biết làm gì để chia sẻ với các phụ huynh và các em khi đồng lương của mình còn ít ỏi".

Hơn 8 năm qua, cô Lâu tự nguyện đi xin áo dài cho các nữ sinh nghèo.
Hơn 8 năm qua, cô Lâu tự nguyện đi xin áo dài cho các nữ sinh nghèo.

Từ những trăn trở này, khi cô Lâu còn là giáo giáo viên chủ nhiệm rồi tham gia công tác đoàn (mới đến vị trí phó hiệu trưởng phụ trách mảng kỷ cương nề nếp của học sinh như hiện nay – PV) đến kỳ hè cô Lâu lăn lội đi xin đồng phục cũ (chủ yếu là áo dài) để mang về giặt ủi cho bào túi nilon, đợi đên ngày tựu trường "chờ" phụ huynh lên khất nợ chuyện đồng phục cho con em hoặc em nào "tường trình áo chưa khô" là cô phát ngay. Nếu áo không vừa, đích thân cô đo và cắt sửa lại cho vừa vặn với các em.

Dần dần, số lượng học sinh trường tăng lên và số học sinh thiếu đồng phục cũng tăng theo. Chính lúc này và từ việc làm hiệu quả của cô Lâu nên nhiều thầy cô trường Tứ Kiệt và Hội phụ huynh học sinh cùng chung tay với cô trong chuyện đi xin quần áo giúp cho học trò nghèo "bám" con chữ.

Những để việc xin áo dài hiệu quả hơn, cô Lâu bàn với BGH nhà trường vận động các em nữ sinh nguyên góp áo dài sau mỗi năm học và chương trình này vẫn được duy trì cho đến nay và rất được các em nữ sinh trong trường và một số trường lân cận hưởng ứng. Như năm học vừa rồi có trên 100 bộ đồng phục do các em học sinh nguyên góp, chưa tính số đồng phục (chủ yếu là quần, áo sơ mi nam) do các phụ huynh đi vận động các đơn vị may đồng phục cho học sinh trao tặng.

Cô Nguyễn Thị Gọn – Chủ tịch công đoàn Trường THPT Tứ Kiệt chia sẻ: "Phần đông học sinh Trường THPT Tứ Kiệt ở nông thôn thuộc diện nghèo, cận nghèo rất nhiều . Bởi vậy, đối với những gia đình có kinh tế khá giả, việc sắm cho các em vài bộ đồng phục để đến trường thì không khó. Nhưng đối với những gia đình lao động nghèo ở nông thôn thì phải vất vả lắm. Tuy nhiên sau khi có chương trình tặng áo dài cũ lại cho nhà trường do cô Lâu phát động thì những câu chuyện phụ huynh đến trường xin khất nợ đồng phục không còn nữa".

Còn tại An Giang, nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh… biết đếnthầy Đỗ Minh Sang – Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (thị xã Tân Châu, An Giang) nhiều năm qua luôn tích cực vận động các mạnh thường quân hỗ trợ vải may đồng phục và vận động các học sinh tặng lại đồng phục, sách cũ… để giúp các học sinh nghèo của trường trong mỗi đầu năm học.

Vì thế, gần kết thúc học kỳ 2 của mỗi năm học, thầy Sang triển khai kế hoạch vận động học sinh tặng lại sách cũ, đồng phục cho nhà trường. Theo thầy Sang sau khi các em mang sách, quần áo đến trường tặng, thầy cô trong nhà trường cùng một số đoàn viên cùng phân loại và "làm mới" sách, quần áo trước khi tặng lại cho các em học sinh nghèo trong nhà trường.

Hơn 8 năm qua, cô Lâu tự nguyện đi xin áo dài cho các nữ sinh nghèo.
Thầy Sang ngoài việc lo chuyện đồng phục cho các em học sinh nghèo, thầy còn vận các mạnh thường quân cấp học bổng cho các em học sinh nghèo.

"Khó khăn nhất là việc vận động các học sinh tặng lại đồng phục không còn mặc nữa cho các em lớp sau. Vì đa phần các em đều thấy ngại khi cho quần áo của mình đã mặc rồi. Ngoài ra các em còn lo lắng đến chất lượng đồng phục, kích cỡ… Nhưng khi được các thầy cô trong trường giải thích, tâm lí lo ngại không còn nữa nên nhiều em học sinh (cả nam, nữ) đã bắt đầu mạnh dạng mang đồng phục của mình đến tặng cho nhà trường, dù số lượng còn khiêm tốn, chỉ giao động trên dưới 40 bộ đồng phục/năm học." Thầy Sang chia sẻ

Theo Thầy Sang, sau khi các em học sinh mang đồng phục đến tặng cho Đoàn trường, thầy Sang cùng các thầy cô, học sinh trong BCH Đoàn trường bắt đầu công đoạn phân loại (nam, nữ, kích cỡ) và thực hiện việc giặt ủi, công đoạn cuối cùng là cho các bộ đồng phục trắng tinh vào túi nilon rồi mang đến tận nhà các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn "ướm" thử các bộ đồng phục.

Em N. T. T. – cựu học sinh Trường Nguyễn Quang Diêu chia sẻ: "Đến bây giờ em cũng không sao quên được giây phút "ướm" được 2 chiếc áo dài mà thầy cô trong BCH Đoàn trường mang đến tặng cho em. Lúc đó em mừng lắm, mừng vì có dài đi học, mừng vì đã giúp cha mẹ đã vất vả mất mấy ngày công gặt lúa mới có đủ tiền mua hai chiếc áo dài cho em. Cũng chính vì sự chăm lo của quý thầy cô trong trường, từ cuốn sách, quyển vở đến cái áo… nên đây là động lực để em cố gắng học tập hoàn thành chương trình Cao đẳng để sau này mình có cơ hội chia sẻ lại với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như em".

Theo tìm hiểu của PV NG trong nhiều năm qua, thầy Sang không chỉ tích cực vận động sách vở, đồng phục… cho học sinh nghèo. Thầy Sang còn vận động từ nhiều nguồn để lo quà tết cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi khi tết đến xuân về. Như Tết Giáp Ngọ vừa rồi, BCH trường tổ chức gói 158 đoàn bánh tét để "hụ hợ" vào 158 phần quà tết cho các em học sinh nghèo đón cái Tết đầm ấm.

Thầy giáo hiến đất xây trường, giảng viên cưu mang sĩ tử

Ông bà xưa có câu "tấc đất, tấc vàng", vậy mà thầy giáo Nguyễn Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Thành Nam 1 (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) sẵn lòng hiến tặng hơn 1.200m2 đất để xây dựng trường học, ướm mầm tương lai cho hàng trăm học sinh nghèo ở địa phương.

Theo thầy Thắng cho biết, điểm lẻ ấp 9A thuộc Trường tiểu học Mỹ Thành Nam 1 được thành lập năm 1986, do địa bàn rộng nên điểm lẻ phải "gánh" số HS địa bàn các ấp: 9A, 9B và HS ở ấp Mỹ Hội và Hội Cư của huyện Cái Bè. Ban đầu điểm trường được dựng bằng tre lá, sau đó được xây tường cấp 4. Sau thời gian hơn 20 năm sử dụng, ngôi trường đã xuống cấp trầm trọng, lớp học ẩm thấp, sụt lún, khi trời mưa, thầy trò phải nghỉ học.

Hơn 8 năm qua, cô Lâu tự nguyện đi xin áo dài cho các nữ sinh nghèo.
Thấy điểm lẽ xuống cấp, cá em học sinh đi lại khó khăn, thầy Thắng tự nguyện hiến 1.200m2 đất của gia đình để xây trường học mới

Thầy Thắng chia sẻ: "Thấy điểm lẽ ấp 9A (cách điểm chính khoàng 6km) đã xuống cấp, mỗi khi trời mưa gió thầy trò phải nghỉ học để tránh mưa. Nhưng điều tôi lo nhất là những ngày giông bão, ẩn hoạ có thể xảy đến lúc nào chẳng hay, vì vậy tôi bàn với gia đình và đi đến quyết định hiến mảnh đất mà vợ chồng tôi vất vả mấy năm mới mua được để địa phương xây trường học cho các em học sinh tiền bề học hành!".

Sau khi thống nhất trong gia đình, thầy Thắng trình bày với địa phương và ngành GD và nhận được được sự ủng hộ nhiệt tình. Tháng 9/2012 ngôi trường được khởi công, kinh phí được Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. HCM hỗ trợ cùng nguồn kinh phí của địa phương. Sau thời gian gần một năm xây dựng, điểm lẻ ấp 9A cũng hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp tựu trường năm học học 2013-2014.

Theo ghi nhận của PV NG, trường có qui mô 1 trệt, 1 lầu với 6 phòng học. Ngoài ra, trường còn có các hạng mục như: cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh, sân trường, hệ thống điện, nước sinh hoạt… tổng kinh phí xây dựng hơn 4 tỉ đồng.

Với vợ chồng thầy Phạm Ngọc Long và cô Lê Thị Huyền (hiện là giảng viên Trường ĐH Cần Thơ) ngoài việc tận tùy trên giảng đường, truyền đạt kiến thức cho sinh viên là chưa đủ trong sự nghiệp "trồng người". 8 năm qua, vợ chồng cô Huyền đã "cưu mang" hàng ngàn sĩ tử ở trọ miễn phí trong những kỳ thi ĐH, CĐ.

Hơn 8 năm qua, vợ chồng cô Huyền đã cưu mang hàng ngàn sĩ tử qua những kỳ thi ĐH, CĐ
Hơn 8 năm qua, vợ chồng cô Huyền đã “cưu mang” hàng ngàn sĩ tử qua những kỳ thi ĐH, CĐ

Chia sẻ với PVNGvề mối duyên "cưu mang" sĩ tử trong 8 năm qua, cô Huyền nói: "Vợ chồng tôi đang phục vụ trong ngành giáo dục và đang giảng dạy cho các em sinh viên tại trường thì hai vợ chồng luôn tự nhủ rằng cần làm thêm nhiều việc liên quan đến giáo dục. Vợ chồng tôi cùng với các tình nguyện viên muốn đóng góp một chút công sức của mình trong việc lo nơi ăn, chốn ở cho các sĩ tử qua các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ.

Đại đức Thích Phước Độ – Ủy viên Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương, trụ trì chùa Phú Hội (Giang Thành, Kiên Giang) chia sẻ: "Tôi được Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương giao nhiệm vụ điều phối và hỗ trợ chương trình tiếp sức mùa thi trong nhiều năm qua tại cụm thi Cần Thơ nên được biết tấm lòng thiện nguyện của vợ chồng thầy Long, cô Huyền trong việc "mở rộng cửa" đón hàng trăm thí sinh vào nhà ở trong mỗi đợt thi. Tính đến nay đã có hàng ngàn sĩ tử ở nhà cô Huyền đi thi ĐH-CĐ nhưng điều đáng nói là cô Huyền, thầy Long cùng các thanh niên tình nguyện ở đây luôn hết lòng phục vụ các sĩ tử và phụ huynh một cách tốt nhất".

Chúng tôi hỏi vợ chồng thầy Long, cô Huyền khi nào không còn "nuôi" sĩ tử nữa, thầy Long, cô Huyền chỉ cười và dẫn chúng tôi đến tham quan một căn hộ mà vợ chồng cô vừa thuê lại để chuẩn bị sửa sang cho các em ở trong kì thi quốc gia 2015 sắp tới.

Nguyễn Hành

ĐH Nha Trang: 55 năm đào tạo gần 40 ngàn kỹ sư, cử nhân

Posted: 02 Oct 2014 03:21 AM PDT

(NG) – Tiến sĩ Vũ Văn Xứng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, cho biết thông tin trên tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống nhà trường (2/10/1959 – 2/10/2014) và chào đón sinh viên khóa 56 nhập trường sáng nay 2/10.

ĐH Nha Trang: 55 năm đào tạo gần 40 ngàn kỹ sư, cử nhân
Tiến sĩ Vũ Văn Xứng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường.

Trường ĐH Nha Trang tiền thân là Khoa Thủy sản thành lập năm 1959 tại Học viện Nông lâm Hà Nội. Trong lịch sử, trường đã nhiều lần đổi tên và lấy tên Trường ĐH Nha Trang từ năm 2006 đến nay.

Tiến sĩ Vũ Văn Xứng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo cho đất nước gần bốn chục ngàn kỹ sư, cử nhân cùng với hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ. Nhà trường cũng đã đào tạo cho các nước Campuchia, Lào, Bangladesh, Srilanka, Ecuado, Ruanđa… hàng trăm cán bộ kinh tế, kỹ thuật trình độ ĐH và sau ĐH.

"Nhiều người trong số họ đã trở thành những cán bộ quản lý Nhà nước từ TƯ đến các địa phương, nhiều người đã trở thành các nhà quản lý sản xuất và kinh doanh giỏi ở trong và ngoài ngành thuỷ sản", TS Xứng nói.

Quang cảnh buổi lễ.
Quang cảnh buổi lễ.

Năm 2000, Trường ĐH Nha Trang đóng thành công tàu vỏ nhựa công suất 90CV; tiếp đó thành công trong việc sản xuất giống cá chẽm, sản xuất chitozan, sản xuất giống cá chim vây vàng; mới đây năm 2014, đã đóng mới và hạ thủy thành công tàu câu cá ngừ vỏ nhựa công suất 350CV nằm trong chương trình hợp tác với hãng YANMAR (Nhật Bản)… Đây là tàu vỏ nhựa khai thác xa bờ lớn nhất Việt Nam.

Năm học 2013-2014, nhà trường có 11 SV Xuất sắc, 181 SV Giỏi, hơn 3000 SV Tiên tiến. Tân thủ khoa kỳ sinh tuyển sinh vừa qua là em Trần Thị Liên Nhung, cựu HS Trường THPT Lý Tự Trọng, TP Nha Trang, đạt 24 điểm. Năm học mới 2014-2015, nhà trường tuyển hơn 2.400 SV ĐH, 1.000 SV CĐ, hơn 400 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Hiện có trên 20.000 sinh viên đang theo học các hệ đào tạo khác nhau tại trường.

Đến dự Lễ kỷ niệm ngày truyền thống nhà trường và đánh trống khai giảng năm học mới, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, đã biểu dương, đánh giá cao những thành tựu, kết quả mà Trường ĐH Nha Trang đã đạt được trong 55 năm qua. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, thi đua dạy tốt học tốt để gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường ĐH Nha Trang.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường ĐH Nha Trang.

Nhân dịp này, nhà trường cũng khen thưởng cho 7 giảng viên xuất sắc; các doanh nghiệp, nhà tài trợ cũng trao tặng hàng chục suất học bổng, phần quà có giá trị cho các SV đạt thành tích tốt trong học tập, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Viết Hảo

Comments