Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Đề xuất dùng môn văn xét tuyển ngành y

Posted: 12 Oct 2014 04:26 AM PDT

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tâm đắc với đề xuất của một số hiệu trưởng nên dùng môn văn để xét tuyển vào trường y. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này cần cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng.

Nhiều cái lợi

Tại hội nghị hội đồng hiệu trưởng các trường đại học y dược diễn ra tại Hà Nội ngày 10/10, lãnh đạo một số trường đại học y đề xuất sử dụng môn văn để xét tuyển vào trường y.

Ủng hộ ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: "Việc thi theo khối lâu nay khiến thí sinh học lệch. Môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp.

Không nói đâu xa, nhiều đồng chí chuyên viên ở bộ làm công văn sai ngữ pháp. Có lúc tôi nói vui: rất dễ đứt đứt mạch máu não khi đọc nguyên bản những văn bản này".

Theo bà Tiến, khi Bộ GD-ĐT đã quy định toán-văn-ngoại ngữ là ba môn bắt buộc trong xét tốt nghiệp THPT thì các trường y cũng nên theo hướng chọn tổ hợp môn đó để xét tuyển và cộng thêm môn tự chọn là môn hóa với ngành dược, môn sinh với ngành y.

Như vậy, thí sinh định hướng thi ngành y dược có thể chọn bốn môn xét tốt nghiệp cũng chính là bốn môn xét vào đại học, chứ không phải thi thêm nhiều môn như khi các trường duy trì thi theo khối B.

Thí sinh thi vào ĐH Y Hà Nội năm 2014. (Ảnh: Văn Chung)
Thí sinh thi vào ĐH Y Hà Nội năm 2014. (Ảnh: Văn Chung)

Ưu thế của môn văn trong ngành y

GS.Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội khi được hỏi cũng ủng hộ đề xuất này.

Theo GS Thuyết: "Mới nghe, đề xuất này có vẻ lạ tai, nhưng phân tích kỹ sẽ thấy nó rất có lý. Trước hết, nếu các trường y, dược tuyển sinh dựa trên kết quả thi 3 môn bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) cộng thêm môn sinh hoặc hóa thì học sinh đỡ phải thi thêm một kỳ thi sát hạch của trường, giảm cồng kềnh và đạt yêu cầu của Bộ GD-ĐT khi tổ chức một kỳ thi chung".

Ông phân tích ưu thế của môn ngữ văn với việc tuyển người vào ngành y:

"Môn ngữ văn gồm có hai phần: ngôn ngữvăn học. Phần ngôn ngữ giúp người học phát triển tư duy logic, diễn đạt rành rẽ, thuyết phục. Bác sĩ là người làm khoa học, cần tư duy tốt để phát huy khả năng của mình trong nghiên cứu. Bác sĩ có năng lực ngôn ngữ sẽ giao tiếp tốt, và đó là điều có ý nghĩa lớn trong ứng xử hằng ngày với bệnh nhân. Còn phần văn học bồi dưỡng tâm hồn, giáo dục tình cảm nhân văn trong mỗi con người. Người học văn tốt chắc chắn sẽ có những rung động sâu sắc về những cảnh ngộ đời thường, những hoàn cảnh đáng thương của con người trong cuộc sống. Khi cảm thông được với người bệnh, bác sĩ sẽ tận tụy hết lòng tìm cách cứu chữa cho bệnh nhân. Khi cảm thông được với người bệnh, chia sẻ được những lo lắng với người bệnh, thậm chí bác sĩ có thể giúp đỡ người bệnh có thêm nghị lực để tự chữa bệnh cho mình."

Xem xét lại, ta thấy lâu nay các trường y dược thi toán, hóa, sinh. Hai môn hóa, sinh gần với chuyên ngành y dược nhưng môn toán gần với các ngành cơ khí, tài chính, xây dựng hơn. Toán được chọn bởi có tác dụng rõ rệt là phát triển tư duy cho người học. Nay có thêm môn thi đánh giá tư duy của thí sinh thì càng tốt.

Cô Lan Anh, giáo viên dạy văn Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, Hà Nội cùng một số giáo viên dạy văn khác cho rằng đề xuất dùng môn văn xét tuyển vào trường y tốt trên phương diện chiến lược lâu dài và rất có ý nghĩa.

Không chỉ riêng y, ngành nghề nào môn văn cũng rất cần và được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống ở lời ăn, tiếng nói, cư xử giao tiếp giữa người với người.

Cần cân nhắc

Tuy nhiên, theo giáo viên này nếu thực hiện, môn văn chỉ nên là môn điều kiện cho thí sinh có nguyện vọng học trường y.

"Cần một ngưỡng nhất định đủ điều kiện thi vào trường y. Làm như vậy để học sinh lưu tâm, cố gắng. Không nên lấy môn văn là một trong 4 môn thi có điểm số ngang bằng các môn như toán-hóa-sinh. Như vậy, sẽ tạo áp lực cho các em, đặc biệt khi hiện nay học sinh đã/đang ôn theo khối thi truyền thống gồm 3 môn toán-hóa-sinh. Có thể công bố phương án tuyển sinh trong năm nay để sang năm 2016 thực hiện. Theo thời gian bộ môn văn dù là điều kiện nhưng số điểm và yêu cầu có thể nâng dần" – cô Lan Anh nêu ý kiến.

Có quan điểm phần nào gần với cô Lan Anh, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng để những thí sinh lâu nay đã ôn thi theo khối thi truyền thống của các trường y, dược khỏi bỡ ngỡ, tốt nhất là áp dụng phương án mới từ năm 2016. Về điểm số, theo ông, có thể tính toán để những môn như toán, ngữ văn, ngoại ngữ có hệ số 1, các môn hóa hoặc sinh có hệ số 2.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh cho rằng trước mắt chưa thể tiến hành tuyển sinh dùng môn văn xét tuyển vào trường y, cần ít nhất vài năm để chuẩn bị trước khi có thể thực hiện. Hội đồng hiệu trưởng các trường y dược sẽ họp vào tháng 12 tới để bàn cụ thể về các phương án tuyển sinh cho năm 2015.

Nguyễn Hữu Tiến, thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội năm 2013 cho rằng bản thân mình và hầu hết các bạn khi đăng ký thi vào trường không chỉ xác định cần học tốt về kiến thức văn hóa mà còn ý thức, trách nhiệm của bác sĩ cứu người.

“Vào trường, em và các bạn lại học hỏi ở các anh chị khóa trên; thầy cô thường xuyên nhắc nhở. Trường cũng có bộ môn giáo dục y đức cho sinh viên. Việc soạn thảo văn bản có thể học ở các lớp đào tạo ngắn hạn hoặc tự bồi dưỡng” – Tiến nói.

Theo Văn Chung
Vietnamnet

Trường thu cao, phụ huynh xã nghèo kêu trời

Posted: 11 Oct 2014 07:09 PM PDT

(NG) – Xuân Trạch là xã miền núi 135 đặc biệt khó khăn ở huyện huyện Bố Trạch của tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 82%. Nhưng các bậc phụ huynh có con đang theo học tại Trường Mầm non xã Xuân Trạch lại đang phải oằn mình đóng đậu với mức thu tăng gần gấp đôi so với năm trước.

"Thắt lưng buộc bụng" cho con đến trường

Những ngày qua, PV NG liên tục nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh tại xã miền núi Xuân Trạch (Quảng Bình) về mức đóng đậu quá cao tại Trường Mầm non Xuân Trạch. Theo đó, mức thu cao nhất đối với một cháu mẫu giáo đang theo học tại trường này là 1.880.000 đồng, ngoài ra, mỗi tháng phụ huynh còn phải đóng gần 200 ngàn tiền ăn/1cháu. Trường Mầm non xã Xuân Trạch có 3 điểm trường với 345 cháu, trong đó 3 tuổi 119; 4 tuổi 98 cháu và 5 tuổi là 128 cháu.

Xã 135, trường
Ngoài số tiền phải đóng cao “ngất ngưởng”, mỗi tháng phụ huynh còn phải đóng gần 200 ngàn tiền ăn/1 cháu.

Một phụ huynh xin được giấu tên kêu trời: "Thu mà cao như ri thì những người nghèo như nhà tui biết lấy mô ra. Hai vợ chồng tui chỉ có vài sào ruộng, nhưng khổ nỗi nước nôi không có nên dường như bỏ hoang quanh năm. Ở cái đất ni, muốn làm thêm nghề chi cũng khó. Hôm trước có mấy người trong xóm rủ chồng tui vô rừng chặt gỗ về bán kiếm tiền nộp tiền học cho con, nhưng vì sợ bị bắt nên tôi không dám cho chồng đi. Thôi đành "thắt lưng buộc bụng" cho con học cho biết cái chữ, sau này có bỏ học đi làm thuê cũng không bị thiên hạ chê trách mù chữ".

Một buổi học của các cháu Trường Mầm non Xuân Trạch.
Một buổi học của các cháu Trường Mầm non Xuân Trạch.

Mức thu này đối với những gia đình nằm trong diện hộ nghèo hoặc có từ 2 đến 3 con đang theo học lớp mầm non, nguy cơ con phải bỏ học giữa chừng là rất cao.
"Xuân Trạch là xã nghèo được hưởng chế độ 135, lẽ ra nhà trường phải thu thấp để cho các cháu có điều kiện đến trường, đằng này mức thu lại cao ngất ngưỡng khiến những gia đình đông con hết khổ. Không cho con đi học thì không được, mà cho đi thì phải vay mượn khắp nơi", chị H. than phiền.

Một buổi học của các cháu Trường Mầm non Xuân Trạch.
Xuân Trạch là một xã miền núi nằm trong diện được hưởng chế độ 135, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 82%.

Theo điều tra của PV NG, nhiều phụ huynh còn bức xúc, không đồng tình với một số khoản thu mà nhà trường đưa ra, trong đó khoản thu tiền tiền nước uống, giấy vệ sinh 80 ngàn đồng/cháu là quá cao.

"Mập mờ" về các khoản thu

Để hiểu rõ hơn về mức thu cao như phụ huynh phản ánh, PV NG đã có cuộc làm việc với bà Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Trạch. Tại cuộc trao đổi, bà Nhung cũng thừa nhận mức thu như vậy là hơi cao.

Một buổi học của các cháu Trường Mầm non Xuân Trạch.
Bà Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Trạch luôn tỏ ra bối rối trước những câu hỏi của PV NG.
"Nhà trường cũng biết mức thu như thế là hơi cao đối với một số phụ huynh, tuy nhiên vì "xã hội hóa giáo dục", kinh phí đầu tư của xã có phần hạn chế, bởi thế nhà trường cũng phải kêu gọi sự chung tay đóng góp của các bậc phụ huynh để xây dựng cho nhà trường ngày một phát triển hơn", bà Nhung giải thích.
Khi PV xin xem danh sách các khoản thu, bà Nhung không thể cung cấp bằng văn bản và chỉ nêu lên các khoản thu, nhưng khi PV cộng lại cũng không đủ số tiền 1.880.000 đồng (mức cao nhất) mà phụ huynh phải nộp.
"Các khoản được phép thu, nhà trường đã giao cho giáo viên chủ nhiệm đứng ra thu sau đó nộp lại cho kế toán, còn các khoản thu khác đã có sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh thì chúng tôi giao cho hội phụ huynh thu và chi tiêu", bà Nhung phân bua.

Tuy nhiên, khi PV đưa ra thông tin, nhiều phụ huynh cho biết, tổng số tiền mà các cháu phải đóng đậu (mức cao nhất 1.880.000 đồng – PV), phụ huynh đều đóng cho giáo viên chủ nhiệm. Sau đó, bà Nhung cho gọi một giáo viên chủ nhiệm của một lớp ra đối chiếu thì phát hiện số tiền mà phụ huynh đóng đậu đều nằm trong danh sách giáo viên này thu.

Số tiền mà phụ huynh đóng đậu đều nộp cho giáo viên chủ nhiệm.
Số tiền mà phụ huynh đóng đậu đều nộp cho giáo viên chủ nhiệm.

Khi PV đề cập về khoản thu năm ngoái chưa đến 1 triệu đồng, nhưng năm nay lại cao gần gấp đôi, bà Nhung cho rằng: "Sở dĩ năm nay mức thu cao hơn là do nhà trường đầu tư một số trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ cho các cháu tốt hơn. Đặc biệt, tại điểm trường chính Vĩnh Sơn, nhà trường đang xây dựng nhà ăn bán trú và dự kiến mua thêm sạp ngủ để phục vụ các cháu nên cũng hơi cao so với năm ngoái".

Trước những khoản thu khiến nhiều bậc phụ huynh bất bình, PV NG đã làm việc với ông Cao Thế Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch. Ông Vĩnh cũng thừa nhận, mức thu như thế là hơi cao so với một xã nghèo, nhưng vì ngân sách của xã còn hạn chế, dù hàng năm xã cũng đã tích cực đầu tư cho các trường học đóng trên địa bàn.

"Mặc dù vẫn biết kinh tế địa phương đang còn rất nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian qua, UBND xã và nhà trường cũng đã rất nỗ lực trong công tác "xã hội hóa giáo dục" với mong muốn nền giáo dục xã nhà ngày càng phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu trường có chỗ nào chưa phù hợp về cách làm thì xã sẽ có ý kiến để trường cân nhắc, xem xét và rút kinh nghiệm, còn nếu có sai phạm mà nhà trường giải quyết không dứt điểm thì xã sẽ tiến hành vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm", ông Vĩnh khẳng định.

Đặng Tài – Phúc Lịnh

“Phổ cập” đại học: sự lãng phí đã quá rõ ràng!

Posted: 11 Oct 2014 04:59 PM PDT

(NG) – Những quyết sách của Bộ GD&ĐT thời gian gần đây cho thấy quyết tâm tăng nhanh tỷ lệ số lượng cử nhân trên 10 nghìn dân để bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Bằng chứng là rất nhiều trường dân lập, tư thục được mở ra ồ ạt…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
… Các trường cao đẳng đua nhau nâng cấp lên đại học, các trường đại học lại mở rộng đào tạo đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực. Tuy nhiên xem ra nền kinh tế – xã hội Việt Nam thì lại chưa bắt kịp với sự tăng chóng mặt nguồn cung nhân lực đó, dẫn đến một hệ lụy là sinh viên ra trường thất nghiệp quá nhiều. Việc học CĐ, ĐH rồi thất nghiệp hoặc làm những việc không liên quan đến ngành nghề được đào tạo là một sự lãng phí vô cùng to lớn không chỉ cho cá nhân và gia đình người đó, mà còn cho cả XH nữa

Có nhiều ý kiến nói rằng cứ để thả lỏng đầu vào đại học, đầu ra thắt chặt. Nhưng quan trọng là có "thắt" được không, ai là người kiểm soát cái sự "thắt" đó và kiểm soát như thế nào ? Bởi vì quá trình "thắt" rất dài và do rất rất nhiều người cùng chung tay "thắt" cái sợi dây đó, mà chỉ cần một vài người "buồn ngủ" là sợi dây đã lỏng lẻo rồi.

Lại có ý kiến cho rằng hãy cứ để xã hội đào thải những người có năng lực yếu, những người có năng lực tốt sẽ tồn tại và phát triển. Nhưngliệu có bao nhiêu người tin tưởng vào sự sàng lọc tự nhiên đó khi mà có quá nhiều tiêu cực trong xã hội? Rõ ràng là chỉ cần có đầy đủ bằng cấp thì chả có lý do gì mà những người năng lực yếu không chen chân được vào các cơ quan. Dù có thanh tra, thanh… gì đi chăng nữa thì vẫn là làm "đúng quy trình", vẫn "không có gì sai sót"…!?

Các công việc trong xã hội được phân ra thành những nấc cụ thể, mỗi nấc lại có một yêu cầu về trình độ, kỹ năng của người làm việc. Không thể nói anh cử nhân giỏi hơn anh công nhân, anh giám đốc giỏi hơn anh chuyên gia được. Mỗi người đều có một khả năng và vai trò riêng, vì vậy giáo dục cũng nên phân cấp và phân luồng cho người học vào những cấp học đó.

Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cần phải theo nhu cầu xã hội, tránh việc cái XH thiếu thì không ai cung cấp, cái XH thừa thì cứ mang ra. Hiện nay các trường ĐH, CĐ xin chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên những gì mình có thể đáp ứng được như tỷ lệ diện tích/SV, tỷ lệ giáo viên/SV, điều kiện cơ sở vật chất…. Như vậy là yếu tố thị trường gần như vô giá trị !

Việt Nam chúng ta không thiếu cơ quan nghiên cứu về nhân lực lao động, liệu có khó không việc thống kê xem 5-10 năm tới XH cần bao nhiêu nhân lực ngành này, trình độ này, bao nhiêu nhân lực ngành kia trình độ kia (dù chỉ là tương đối) ?. Để từ đó bộ GD&ĐT xác định quy hoạch phát triển và chỉ tiêu tuyển sinh cho mình.

Dẫu vẫn biết ai cũng có quyền được học tập nâng cao trình độ, khi học xong thì người đó phải tự chịu trách nhiệm về tương lai của mình. Nhưng các nhà quản lý, nhà hoạch định chiến lược đã làm hết trách nhiệm của mình chưa khi mà sự lãng phí đã quá rõ ràng?

Tôi nghĩ, có lẽ cũng như ở một nút giao thông mà nếu không có các đồng chí CSGT phân luồng điều hành (bên nào được đi, bên nào phải đứng lại) thì tất cả cứ lao lên và rồi cùng…cứ đứng im tại chỗ nhìn nhau mà chẳng ai có thể nhúc nhích được!!!

Mai Van Chien: maivanchien01@gmail.com

Việt Nam giành được 10 huy chương ở IMSO

Posted: 11 Oct 2014 01:44 PM PDT

Chiều 11/10, ông Đoàn Công Thạo, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), cho biết đoàn 12 học sinh của nhà trường đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi toán và khoa học quốc tế (IMSO) đã giành được 10 huy chương.

Theo đó, sau khoảng một tuần thi đấu tại Indonesia, 10 trong số 12 học sinh của trường đem huy chương về cho đất nước. Trong đó toàn bộ sáu học sinh trong đội tuyển toán đều có huy chương (ba huy chương bạc, ba huy chương đồng), bốn huy chương đồng còn lại của các học sinh thi các môn khoa học khác.
"Mặc dù thời gian chuẩn bị cho kỳ thi rất ngắn, gấp gáp, chỉ có chưa đầy hai tháng tổ chức ôn luyện cho các em, trong khi đó đề thi và bài làm yêu cầu hoàn toàn bằng tiếng Anh nhưng các em đều nỗ lực hết mình. Thành tích của đoàn là ngoài mong đợi" – ông Đoàn Công Thạo cho hay.
Được biết kỳ thi IMSO năm nay thu hút sự tham gia của 14 nước trên thế giới. Năm 2014 là năm thứ 11 cuộc thi được tổ chức và là năm đầu tiên Việt Nam tham gia.
Theo Ngọc Bảo
Pháp luật TPHCM

Đổi mới từ ngọn, khó đạt hiệu quả

Posted: 11 Oct 2014 12:42 PM PDT

Khi triết lý và chiến lược giáo dục chưa rõ ràng mà tiến hành đổi mới sách giáo khoa, thay đổi các kỳ thi, không cho điểm hằng tháng, trang bị máy tính bảng… thì rõ ràng là đang đổi mới từ phần ngọn.

Đổi mới có nghĩa là phải bỏ đi những gì đã cũ, thay vào cái mới. Còn khi nói đổi mới cơ bản và toàn diện thì phải chăng là tất cả những nội dung căn bản của nền giáo dục Việt Nam hiện nay đều đã lạc hậu đến mức phải thay thế bằng những cái mới?

Lỗi hệ thống

Vậy trước hết, phải xác định đâu là những vấn đề cơ bản? Thực chất, đó là các bộ phận chính hợp thành "cấu trúc vĩ mô" của nền giáo dục. Giống như một ngôi nhà kiên cố, dù ở đâu cũng phải có các phần cơ bản là: nền móng, cột trụ, tường vách và mái lợp.

Nền giáo dục của quốc gia nào cũng đều có cấu trúc theo mô hình phổ quát: tầng cao nhất là triết lý giáo dục để định hướng cho xây dựng chiến lược giáo dục. Khi có chiến lược đúng mới có cơ sở để chỉ đạo cho việc thiết kế nội dung và chương trình. Khi nội dung (sách giáo khoa) và chương trình phù hợp với khả năng tiếp thu của từng lứa tuổi thì mới có cơ sở để sáng tạo phương pháp dạy và học.

Đổi mới từ ngọn, khó đạt hiệu quả
Học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie (TPHCM) ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Bao trùm lên tất cả, phải có yếu tố đạo đức giáo dục để cân bằng giữa con người kiến thức và con người nhân văn. Đó là loại cấu trúc có logic chặt chẽ, không thể tùy ý đảo lộn vị trí, đừng đi tắt đón đầu. Dư luận xã hội từng đặt câu hỏi: Giáo dục Việt Nam có đang bị lỗi hệ thống hay không?

Có thể tìm câu trả lời ở các khía cạnh sau. Về triết lý giáo dục, nếu chỉ căn cứ vào nghị quyết của Đảng về giáo dục là không sai nhưng đó là mục tiêu đào tạo con người cho sự phát triển đất nước. Triết lý giáo dục phải bắt đầu từ con người – tức là đào tạo con người biết tư duy và hành động độc lập, có tố chất văn hóa dân tộc và hiện đại, có ý chí hướng đến và có khả năng trở thành công dân thế giới. Triết lý ấy không chấp nhận lối giáo dục nạp kiến thức – giống như cài đặt chương trình làm việc cho những cỗ máy.

Về chiến lược giáo dục, nghị quyết của Đảng đã xác định "giáo dục là quốc sách". Tuy nhiên, khi thực hiện lại bỏ chế độ học không mất tiền thì hệ quả số người được học sẽ giảm, số người muốn học cao hơn cũng giảm. Điều này rất dễ hình dung: một gia đình người lao động tuy chưa nằm trong diện xóa đói giảm nghèo nhưng đang ở diện cận nghèo và thường phải vay mượn để đóng tiền học cho 2 con, nếu học phí tăng hoặc bỗng nhiên gia đình có người ốm đau, bệnh tật hay công việc làm ăn gặp lúc khó khăn thì chắc chắn một đứa con phải nghỉ học. Nếu gia đình đó có cố gắng cho 2 con học hết phổ thông thì cũng không đủ tiền cho cả hai vào đại học. Cụ thể hơn, niên khóa 2013-2014, toàn khu vực Tây Nam Bộ có 30.347 học sinh bỏ học với những lý do: nhà nghèo, nhà xa, học kém, phụ huynh không coi trọng việc học của con cái… (số liệu của cuộc họp giao ban do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở đồng bằng sông Cửu Long).

Nếu trong xã hội có tình trạng số người đi học giảm, thời gian đào tạo giảm cũng có nghĩa là mặt bằng dân trí không được nâng cao và chiến lược giáo dục không ngang tầm với "quốc sách".

Không thể đi tắt

Khi triết lý và chiến lược giáo dục chưa rõ ràng mà tiến hành đổi mới sách giáo khoa, thay đổi các kỳ thi, không cho điểm hằng tháng, trang bị máy tính bảng… thì rõ ràng là đang làm từ phần ngọn, giống như xây nhà từ trên xuống khi chưa gia cố tốt phần nền móng. Không phải phụ huynh nào cũng phản ánh lên báo về nỗi lo của mình nhưng ai cũng băn khoăn: Nếu hằng tháng, thầy cô chỉ nhận xét về thái độ mà không cho điểm thì làm sao biết được kết quả học tập của con em mình để "gò" chúng vào bàn học, đến cuối học kỳ mới biết thì đã muộn.

Thực ra, ai cũng biết đặc điểm tâm sinh lý của trẻ vị thành niên là bản năng mạnh hơn lý trí. Vì thế, khi trẻ không sợ bị điểm xấu thì bản năng ham chơi lại càng mạnh hơn lý trí học tập. Việc thay đổi sách giáo khoa, thay đổi kỳ thi còn đang có rất nhiều ý kiến phản biện. Điều đó chứng tỏ chưa có sự đồng thuận của các nhà khoa học và của toàn xã hội do sự thay đổi khá đột ngột từ cực này sang cực khác… Vì vậy, nên chăng cần nhắc lại lời dặn của người xưa: dục tốc bất đạt?

Khi nào còn bệnh thành tích thì còn học sinh lớp 5, lớp 6 chưa biết đọc, biết viết. Khi nào còn dạy thêm học thêm tràn lan, còn quà biếu thầy cô, còn phong bì cho thành viên hội đồng chấm luận án, còn tình trạng "tính nhầm" hàng ngàn tỉ đồng tiền đóng thuế của nhân dân… thì sẽ không còn tôn sư trọng đạo. Công cuộc đổi mới giáo dục vì thế khó mà đạt được "cơ bản và toàn diện", bởi nó sẽ giống như chiếc máy tính cũ – khó mà tương thích với một chương trình lạ.

TS Nguyễn Hữu Nguyên
(Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM)
Theo Người Lao Động

Khâm phục hai học sinh vượt khó, học giỏi

Posted: 11 Oct 2014 12:37 PM PDT

(NG) – Sống trong cảnh nghèo khó, suốt 8 năm liền, Nguyễn Thị Thanh Ngân (học sinh lớp 8A1, Trường THCS Long Thuận, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) và em Trần Phú Vinh – học sinh lớp 8A1, Trường THCS Tân Công Sính (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) luôn nỗ lực học tập, đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Ba mất, nhà nghèo…, vẫn học giỏi

Ba mất do căn bệnh ung thư não cách đây 3 năm, Ngân sống với mẹ trong căn nhà chật hẹp, bị dột tạt mỗi khi mưa. Gia đình thuộc hộ nghèo, đất nền nhà 2 mẹ con em đang được người hàng xóm cho ở nhờ. Để có tiền xoay xở chi tiêu trong gia đình, hàng ngày mẹ em là cô Võ Thị Bột (ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) phải chạy xe đạp đi bán cá dạo, vất vả cả ngày nhưng chỉ kiếm được 30 ngàn đồng. Riêng Ngân, ngoài giờ học em tiếp mẹ chuyện cơm nước, giặt quần áo, tắm heo (lợn).

Đang mắc chứng bệnh nổi nhiều hạch bên trong cổ, phải đi điều trị nhiều lần nhưng Ngân vẫn vượt qua, cố gắng học tập để đạt kết quả cao. Ngân tâm sự: "Trước khi ba mất, ba nói ba mẹ không biết chữ, con cố gắng học để sau này đừng cực khổ như ba mẹ. Lời nói của ba làm em nhớ mãi và luôn quyết tâm học cho thật tốt, sau này có việc làm dành dụm tiền xây nhà cho mẹ".

Dù gia cảnh nghèo, ba mất sớm nhưng suốt 8 năm qua, em Nguyễn Thị Thanh Ngân (
Dù gia cảnh nghèo, ba mất sớm nhưng suốt 8 năm qua, em Nguyễn Thị Thanh Ngân (bên trái) luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Thầy Nguyễn Lộc – Tổng phụ trách Đội, Trường Trung học cơ sở Long Thuận cho biết, ngoài vượt khó học giỏi, cùng bạn bè tham gia học nhóm, chăm ngoan, Ngân còn tham gia tốt hoạt động phong trào trong nhà trường, các hội thi cấp trường, cấp huyện đều đạt thứ hạng cao.

Nhờ tính chuyên cần nên suốt 7 năm qua, Ngân luôn đạt những thứ hạng cao nhất của lớn và của trường. Chính nhờ thành tích này, Ngân vừa được một công ty trao suất học bổng trị giá 2 triệu đồng, giúp em tiếp tục vượt qua khó khăn, phấn đấu học giỏi.

Một buổi đi học, một buổi đi bắt ốc, hái rau

Từ nhà đến trường bằng chiếc xe đạp cũ thường xuyên bị hư, có khi phải đi bộ trên đoạn đường đất dài 5 cây số, nhưng Trần Phú Vinh – học sinh lớp 8A1, Trường THCS Tân Công Sính (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) hàng ngày vượt bao khó khăn vẫn miệt mài đến trường với ước mơ theo con đường học vấn để sau này có được một tương lai tốt đẹp.

Vinh sống với ba mẹ trong căn nhà lá được che cất tạm bợ. Do mẹ sau khi được mổ tim, sức khỏe chưa hồi phục hẳn, ba có tật ở chân nên hằng ngày sau khi đi học về, em còn phụ giúp gia đình lo chuyện cơm nước, giặt quần áo…

Dù gia cảnh nghèo, ba mất sớm nhưng suốt 8 năm qua, em Nguyễn Thị Thanh Ngân (
Cha mẹ bệnh tật, gia đình nghèo khó nên một buổi đi học, một buổi Vinh đi bắt ốc, hái rau bán… nhưng vẫn là học sinh giỏi trong 8 năm học.

Để có tiền đi học và trang trải cho cuộc sống, Vinh còn làm hoa vôn đem bán cho giáo viên và các bạn trong trường. Vào mùa lũ, mỗi tối em cùng ba bơi xuồng ra đồng bắt óc mang bán. Khó khăn là vậy nhưng từ lớp 1 đến lớp 8, Trần Phú Vinh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và đứng nhất khối lớp. Em cũng đạt được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi cấp huyện như: "Thơ, truyện ngắn", "Hùng biện tiếng Anh", "Giải toán trên Internet", "Vẽ tranh",…

Dù đã cố gắng làm kiếm tiền đi học nhưng do gia cảnh quá khó khăn nên Vinh thường xuyên đi học mà không có tiền trong người. Vinh tâm sự: "Những lúc trưa ở lại trường chờ học bồi dưỡng, thấy em không có tiền mua cơm trưa nên dì bán ở căn tin cho em 1 dĩa cơm chay ăn".

Năm học mới này, Vinh được một cô giáo của trường cho 200 ngàn đồng mua bộ quần áo mới. Thầy Nguyễn Phú Hiệp, giáo viên chuyên trách Đội – Trường THCS Tân Công Sính cho biết, dù phải phụ giúp ba mẹ trong công việc nhưng Vinh vẫn tham gia tốt phong trào của trường, ngoài đóng vai trò lớp trưởng, Vinh còn là Liên Đội phó Liên Đội Trường THCS Tân Công Sính, em luôn hăng say tham gia các phong trào do trường phát động.

Nguyễn Hành – H.N

Gần 6.500 học sinh tiểu học dự thi cuộc thi tiếng Anh quốc tế

Posted: 11 Oct 2014 07:16 AM PDT

(NG) – Sáng 11/10, gần 6.500 học sinh giỏi tiếng Anh tới từ 182 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tham dự vòng 1 cuộc thi Vô địch TOEFL Primary 2014. Cuộc thi này nhằm đánh giá trình độ của thí sinh tham gia.

Cuộc thi Vô địch TOEFL Primary 2014 (TOEFL Primary Challenge 2014) được phát động tới học sinh tiểu học từ lớp 3-5 trên toàn quốc do IIG Việt Nam và các Sở GD-ĐT tại các tỉnh thành phối hợp tổ chức. Cuộc thi Vô địch TOEFL Primary 2014 tại 11 tỉnh thành vừa qua đã thu hút được gần 18.700 thí sinh đến từ 690 trường tiểu học. Hà Nội là địa phương thứ 12 trong cả nước tham gia vào hành trình TOEFL Primary Challenge 2014.

Cuộc thi
Cuộc thi Vô địch TOEFL Primary 2014 ở Hà Nội thu hút gần 6.500 học sinh tiểu học tham gia.

Kết thúc Vòng 1 tại Hà Nội, những thí sinh xuất sắc nhất tại Vòng 1 sẽ được vào Vòng 2 để thử sức với bài thi quốc tế TOEFL Primary cấp độ 2 của ETS; sau đó top 50 em có kết quả cao nhất tại Vòng 2 sẽ được chọn vào Vòng 3 để thi bài TOEFL Junior. Tất cả các thí sinh tham dự thi Vòng 2 và Vòng 3 đều được nhận phiếu điểm TOEFL Primary và TOEFL Junior quốc tế do Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) trực tiếp cấp và có giá trị toàn cầu.

Kết thúc 3 Vòng thi, toàn bộ thí sinh tham dự Vòng 3 (Vòng Chung kết) tại Hà Nội sẽ nhận được giấy khen và quà tặng của BTC với cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 10 giải Ba và 34 giải Khuyến khích.

Được biết, Vô địch TOEFL Primary 2014 là cuộc thi tiếng Anh đầu tiên tại Việt Nam cho học sinh tiểu học sử dụng bài thi quốc tế chuyên biệt để đánh giá trình độ của thí sinh tham gia.
Nguyễn Hùng

‘Hay là hội phụ huynh không hiểu điều lệ?’

Posted: 11 Oct 2014 05:54 AM PDT

(NG)-"Tôi cũng không hiểu là giáo viên, rồi hiệu trưởng, có bao nhiêu người hiểu đầy đủ về Điều lệ cha mẹ học sinh. Hay là bản thân ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không biết họ hoạt động theo quy định nào, được phép làm gì, không được làm gì".

Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD-ĐT, chobiết như vậy khi trao đổi về câu chuyện "lạm thu tiền trường" vẫn đangnóng bỏng –  dù năm học mới đã khai giảng hơn 1 tháng.

Ông Quang cho biết, theo Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (ban hành từ năm 2011) có quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng thành viên trong ban đại diện, những khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học.

lạm thu, tiền trường, hội phụ huynh học sinh
Ông Bùi Hồng Quang. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đó là:  Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như bảo vệ cơ sở vật chất, trông coi phương tiện giao thông của học sinh; vệ sinh trường lớp; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Khi chưa có văn bản pháp lý, chúng ta kỳ vọng việc ban hành các quy định sẽ giảm thiểu hiện tượng lạm thu. Nhưng đã có các văn bản rồi, tai sao trong thực tế phụ huynh vẫn phải nộp tiền cho ban đại diện cha học sinh những khoản nói trên?

- Tôi đang suy nghĩ theo hướng tốt là do ban đại diện cha mẹ học sinh chưa biết các quy định mà điều lệ đã ban hành.

Khoan hãy nói trách nhiệm của các ban đại diện cha mẹ học sinh hay giáo viên chủ nhiệm, người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm đầu tiên đối với việc xảy ra ở cơ sở mình quản lý, cụ thể ở đây là các khoản thu góp trái quy định.

Người đứng đầu đã không quán triệt các quy định hiện hành, không giám  sát các quy định đó được thực hiện ra sao…

Theo tôi, bản thân phụ huynh học sinh cũng phải làm hết trách nhiệm của mình. Tại sao phải đóng góp khoản này? Tại sao cũng "xuôi chiều" ủng hộ dù thấy Ban đại diện cha mẹ học sinh không đủ năng lực, hoặc thấy vô lý vẫn đồng ý đóng góp và sợ những điều vu vơ ở đâu đâu?

Liệu có phải vì thiếu kinh phí cho các hoạt động thường xuyên nên dù có trái quy định vẫn phải thu thêm của phụ huynh?

Việc phân bổ ngân sách cho giáo dục là theo đầu dân số theo độ tuổi chứ không phải theo đầu học sinh.

Trên nguyên tắc phải đảm bảo tối đa là chi cho lương là 80% và 20% cho các hoạt động thường xuyên, các địa phương  sẽ có tiêu chí riêng khi phân bổ ngân sách cho các trường.

Tôi không đồng ý với lập luận cho rằng vì thiếu nên phải thu của phụ huynh.   

Có một thực tế là nhiều cơ sở giáo dục vẫn không đảm bảo cơ cấu chi đó mà đa phần là 90% hoặc hơn kinh phí chi thường xuyên dành để chi cho lương và các khoản chi có tính chất lương. Như vậy là thiếu hụt khoản chi các hoạt động thường xuyên.

Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh nêu rõ không được thu góp các khoản rất cụ thể như vậy nhưng Bộ lại có văn bản khác cho phép các cơ sở giáo dục được nhận đóng góp theo hình thức xã hội hóa. Điều này có mâu thuẫn?

Không có mâu thuẫn trong các văn bản ở đây.

Nhiều ban đại diện thường làm quá trách nhiệm của mình, đứng ra thu góp các khoản phục vụ cho hoạt động dạy học nên Bộ GD-ĐT đã phải quy định rõ vào điều lệ về việc ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu góp các khoản thu cụ thể nào.

Còn xã hội hóa thì là chủ trương chung của Chính phủ chứ không phải chỉ riêng giáo dục.

Với văn bản quy định về tài trợ, Bộ GD-ĐT chỉ hướng dẫn rõ việc tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân như: phải chuyển vào tài khoản của nhà trường ở Kho bạc Nhà nước; hiệu trưởng phải đứng ra tiếp nhận… hiện vật tài trợ chứ không phải thông qua hội phụ huynh.

lạm thu, tiền trường, hội phụ huynh học sinh
Ông Bùi Hồng Quang

Các khoản thu từ phụ huynh theo danh nghĩa tự nguyện rất lớn, thậm chí có nơi tương đương với ngân sách nhà nước cấp cho các trường. Dòng tiền này đang được kiểm tra, giám hoặc tổng kết như thế nào?

Theo quy định, mọi khoản thu – chi cụ thể phải được ghi chép và lưu trong sổ sách kế toán của nhà trường. Phải gửi vào tài khoản, chi tiêu xong phải chi quyết toán.

Nhưng việc tiền có vào tài khoản không thì lại là vấn đề của kiểm soát của cơ quan quản lý.

Tôi nghĩ cơ quan quản lý ở các địa phương muốn làm nghiêm là hoàn toàn có thể làm được.

Hàng năm, Bộ, các sở đều có các đoàn thanh tra nhiệm vụ năm học, nhưng chuyện lạm thu vẫn tiếp tục là vấn đề gây bức xúc ở trong nhà trường. Có phải "lạm thu" luôn là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"?

Sau khi đi kiểm tra các địa phương thực hiện nhiệm vụ đầu năm học, nếu phát hiện các cơ sở giáo dục sai phạm, Bộ sẽ có các văn bản khuyến nghị các địa phương chấn chỉnh.

Trách nhiệm xử lý là của địa phương,Bộ không kỷ luật được hiệu trưởng nào cả. Đầu tháng 10, Bộ đã gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành đề nghị các địa phương đồng lòng "chống lạm thu" trong ngành giáo dục.

Chúng tôi cũng đề nghị trong công tác đào tạo bồi dưỡng hè hằng năm cho cán bộ – giáo viên sẽ đưa những nội dung liên quan tới quy định thu chi vào.

Sắp tới, khi tổ chức họp giao ban với các giám đốc Sở GD&ĐT, cơ quan chức năng cũng sẽ phải tổng kết vấn đề này. Nếu thấy cần thiết thì chỉ rõ nơi nào, ở đâu bị phản ánh, trách nhiệm của giám đốc Sở thế nào, Sở nào năm ngoái bị báo chí nêu năm nay đã chấn chỉnh được.

Để không tái diễn tình trạng này thì phải kỷ luật nghiêm những người vi phạm, thu sai phải trả lại cho học sinh.

Cảm ơn ông.

  • Hạ Anh (Ghi)  

Dựng rạp phản đối sáp nhập trường

Posted: 11 Oct 2014 05:54 AM PDT

(NG)- Năm học mới đã bắt đầu được gần 2 tháng nhưng hàng trăm học sinh từ mầm non tới THCS ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chưa thể đến lớp. Lý do là phụ huynh cho con nghỉ học để phản đối việc sáp nhập THCS Hương Bình với trường Hòa Hải và Phúc Đồng.

Trước tình hình trên, ngày 12/10, lãnh đạo cao nhất tỉnh, huyện đã về đối thoại với dân, nhưng sự việc vẫn đang bế tắc. Người dân vẫn cương quyết không đưa con đến trường.

hàng trăm học sinh không được tới lớp

Người dân ngồi phía ngoài để nghe chính quyền giải thích

Phản đối quyết liệt

Từ năm học 2014-2015, 247 học sinh Trường THCS Hương Bình (xã Hương Bình, huyện Hương Khê) sáp nhập vào một trong hai trường THCS Hòa Hải và THCS Phúc Đồng (cũng thuộc huyện Hương Khê). Tuy nhiên, chủ trương này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân.

Để cho các cơ quan chức năng “để ý” tới nguyện vọng của mình, dù không liên quan gì tới việc sáp nhập, phụ huynh có con em đang theo học tại trường mầm non và tiểu học của xã Hương Bình cũng không cho học sinh tới lớp.

Vì thế, tại xã Hương Bình, đến thời điểm này vẫn còn hàng trăm học sinh từ mầm non đến THCS chưa đến trường: trường mầm non Hương Bình mới chỉ có 30/215 em, Tiểu học Hương Bình có 29/255 em, Trường THCS Hương Bình sáp nhập sang cơ sở mới cũng chỉ có 30/247 em đến trường. Một số em được bố mẹ chuyển đi nơi khác học.

Chính quyền xã Hương Bình và huyện Hương Khê đã nhiều lần cử cán bộ, giáo viên và thông qua loa phóng thanh để tuyên truyền, vận động để phụ huynh cho trẻ tới trường. Tuy nhiên,  người dân vẫn kiên quyết giữ quan điểm của mình. Một vài gia đình “nóng ruột” nên cho con tới trường thì ban đêm bị ném đá, ném chất bẩn vào nhà “dằn mặt”.

Trước tình trạng đó, sáng 12/10, tại trụ sở UBND xã Hương Bình đã diễn ra cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh với khoảng 300 người dân.

Ông Nguyễn Văn Cung (thôn Bình Thành) trình bày, Trường THCS Hương Bình là ngôi trường có bề dày truyền thống, lại là trường chuẩn quốc gia nhiều năm nay, cơ sở vật chất còn rất tốt thì bị sáp nhập.

hàng trăm học sinh không được tới lớp

Ông Dương Danh Phong bức xúc khi sáp nhập trường mà không thông qua ý kiến người dân

Ông Dương Danh Phong (thôn Bình Trung, xã Hương Bình) bức xúc, sáp nhập trường là một chủ trương lớn thế nhưng chính quyền huyện, xã lại không cho dân tham bàn bạc, đóng góp ý kiến. Hơn nữa, nếu học Trường THCS Hòa Hải, một em học sinh lớp 6, lớp 7 phải đạp xe tới 12 km (cả đi và về là 24 km) ảnh hưởng tới việc học.

Còn Trường THCS Phúc Đồng (cách khoảng 4 km) lại nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn đường thường xuyên xẩy ra tai nạn. Muốn yên tâm thì người lớn phải đưa đi đón về thì rất mất thời gian, ảnh hưởng tới năng suất lao động, trong khi người dân chủ yếu làm ruộng.

Lãnh đạo huyện, tỉnh nói gì?

Cũng theo ý kiến của nhiều người dân, việc sáp nhập trường THCS Hương Bình là một quyết định vội vàng. Người dân mong muốn được giữ lại trường. Họ cũng nghi ngờ việc sáp nhập trường có uẩn khúc đằng sau. Đồng thời, cơ sở ngôi trường này đã được bán cho một doanh nghiệp, giờ không thể lấy lại được.

Trước những câu hỏi được người dân đặt ra, ông Hà Văn Hùng, bí thư huyện ủy Hương Khê giải thích, việc sáp nhập trường là theo chủ trường của tỉnh, không có uẩn khúc gì phía sau cả. Còn cơ sở của trường sẽ do xã quản lý chứ không phải bán đi như thông tin mà người dân phản ánh.

Theo ông Hùng, mong muốn giữ lại Trường THCS Hương Bình của người dân là một nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, vì quy mô của trường quá nhỏ (8 lớp với 247 học sinh, theo quy định là 16 lớp) để đảm bảo việc dạy và học nên phải sáp nhập.

hàng trăm học sinh không được tới lớp

Người dân dựng rạp tại công trường THCS Hương Bình để mong chính quyền giữ lại trường.

Ông Hùng cho biết, việc sáp nhập đã được sự tham mưu của ngành giáo dục và quy trình đã làm rất rõ, được sự đồng ý của chính quyền các cấp. Còn không thông qua ý kiến của người dân thì ông Hùng giải thích là không thể lấy hết ý kiến của người dân được. Tuy nhiên, sau khi biết tin bà con phản ánh, huyện và xã đã tổ chức gặp gỡ giải thích tuyên truyền, vận động để người dân hiểu.

Đối với việc học sinh đi học xa, đi lại vất vả, sẽ có trường nội trú cho những học sinh này. Ngoài ra sẽ hỗ trợ gạo, phương tiện đi lại cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Về mùa lụt thì cả huyện Hương Khê bị ảnh hưởng chứ không riêng gì xã Hòa Hải và Phúc Đồng, khi ấy, học sinh sẽ được nghỉ học để đảm bảo an toàn.

hàng trăm học sinh không được tới lớp

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh giải thích cho người dân, tuy nhiên vẫn chưa có tiến triển

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – ông Nguyễn Thiện cũng cho hay, việc sáp nhập trường đã diễn ra lâu nay theo lộ trình vạch ra trước đó. Ông cũng thông cảm với những khó khăn mà học sinh phải đối mặt khi chuyển trường.

Về chuyện đoạn đường học sinh đi (đường Hồ Chí Minh) thường xuyên xẩy ra tai nạn giao thông, ông Thiện cho biết, sẽ đưa ra những giải pháp thích hợp để không xẩy ra, như bồi dưỡng thêm kiến thức luật giao thông cho học sinh. Và sắp tới tuyến đường vượt lũ đưa vào sử dụng (tháng 6/2015) sẽ rút ngắn được quãng đường đi của các em.

Sau khi nghe giải thích từ lãnh đạo huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh, người dân vẫn chưa đồng tình. Đã có một số người dân bỏ về khi cuộc đối thoại đang diễn ra.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết những tâm tư, nguyện vọng của người dân hoàn toàn chính đáng. Song để phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài, để nền giáo dục có những bước phát triển đáp ứng với những yêu cầu trong giai đoạn mới thì sáp nhập trường là một chủ trương đúng đắn, nhằm khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế và tránh lãng phí tại các trường.

Ông Bình cũng mong muốn người dân đưa con em đến trường, tránh việc các em học sinh phải thất học. 

  • Văn Đức

Comments