Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Tưởng phải lo, hóa ra không

Posted: 06 Jul 2013 04:31 AM PDT

(GDTĐ) – Trong khi dư luận xã hội tán đồng với việc Bộ GDĐT cho phép thí sinh mang một số thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi thì ở một số hội đồng thi,  không khỏi có những cán bộ coi thi lo lắng về việc thí sinh sẽ lợi dụng việc này để quay cóp, rồi việc phân biệt, phát hiện và ngăn chặn thí sinh sử dụng các thiết bị điện tử công nghệ cao để quay cóp. Tuy nhiên, kết thúc đợt I của kỳ thi, trên toàn quốc không ghi nhận được trường hợp thí sinh vi phạm. Báo GDTĐ xin ghi lại một số ý kiến để thấy rằng những lo lắng trên là không có cơ sở.

Ông Lê Nam Thắng – Trưởng điểm thi Đại học Đại Nam: Chúng tôi đồng tình với quan điểm của Bộ GDĐT phải tường minh trong thi cử. Đặc biệt với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì lại càng phải đảm bảo lẽ công bằng. Chúng ta thường nói về giám sát xã hội, vậy trong phòng thi ai giám sát giám thị. Đại học Đại Nam là một trường ngoài công lập mới thành lập, quan điểm của chúng tôi là lấy chất lượng đào tạo làm nên uy tín. Thế nên, dù có khó khăn trong tuyển sinh như nhiều trường ngoài công lập nhưng chúng tôi cũng vẫn muốn tuyển đúng người, đúng với năng lực học tập của các em.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT về việc cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình không có chức năng thu phát tại chỗ và ngăn chặn việc thí sinh sử dụng thiết bị điện tử công nghệ cao nhằm gian lận khi làm bài, Đại học Đại Nam đã cho tập huấn nhiều đợt, từ điểm trưởng, đến giám thị, mời cả PA83 vào giúp cán bộ coi thi. Tuy nhiên, kết thúc buổi thi thứ 3 của đợt I này, chúng tôi không phát hiện được thí sinh nào sử dụng thiết bị công nghệ cao để quay cóp. Còn với việc thí sinh dùng máy quay hay máy ghi âm đúng theo như quy định của Bộ GDĐT, cũng hoàn toàn không có.


Niềm vui khi kết thúc môn thi cuối cùng
 

Bà Nguyễn Thị Hương Lan – Cán bộ coi thi Trường Đại học Đại Nam: Nếu nói là không lo lắng thì cũng không đúng vì báo chí, các cơ quan thông tin đại chúng cảnh báo nhiều về việc thí sinh sẽ lạm dụng việc Bộ GDĐT cho phép thí sinh mang một số thiết bị điện tử vào phòng thi sẽ dẫn đến việc thí sinh lạm dụng đem vào nào là đồng hồ, các loại máy thu phát công nghệ cao, có thể xem các file văn bản dạng TXT, DOC, PDF… để thực hiện gian lận khi có cơ hội.

Nhưng quan điểm của tôi là nếu giám thị làm hết trách nhiệm thì không có gì phải lo hết. Thử hỏi, nếu thí sinh nào đó cố tình sử dụng những thiết bị này thì sẽ buộc phải nghe, xem… và khi đó giám thị sẽ không khó phát hiện những biểu hiện bất thường của thí sinh đó mà có biện pháp xử lý. Nhưng kết thúc đợt thi, ở cả 3 buổi ở điểm thi của tôi và cả hội đồng thi đều không có thí sinh nào vi phạm quy chế mang những thiết bị công nghệ cao vào gian lận. Và cũng tuyệt nhiên không có thí sinh nào sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình dù được phép của Bộ GDĐT.

Bà Lê Thị Phương Thảo – Cán bộ coi thi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Ở trường khác thì tôi không biết chứ ở Đại học Sư phạm tôi thấy thí sinh thi vào trường rất ít sử dụng tài liệu. Qua nhiều năm tổ chức thi, Đại học Sư phạm Hà Nội luôn là trường có ít thí sinh vi phạm quy chế thi nhất. Cần phải nói rằng tố chất của thí sinh thi vào sư phạm cũng khác biệt hơn những ngành khác, thế nên thí sinh thi vào đây họ xác định là sẽ làm nghề thầy giáo nên họ cũng luôn tự ý thức việc làm của mình và tránh việc vi phạm quy chế thi.

Còn với việc Bộ GDĐT cho phép thí sinh mang thiết bị quay phim hay ghi âm không có chức năng thu phát trực tiếp, chúng tôi cũng có trao đổi về việc này, nhưng cũng không có gì lo lắng. Tuy nhiên, nhà trường cũng tập huấn chúng tôi rất kỹ, như khi phát hiện nghi vấn thì làm gì, có khó khăn thì báo lên hội đồng chỉ đạo. Nhưng qua 3 buổi thi chúng tôi thấy đến vi phạm quy chế còn không có nữa là việc thí sinh sử dụng thiết bị điện tử công nghệ cao. Và cũng tuyệt nhiên không có thí sinh sử dụng máy quay hay ghi âm để "giám sát" giám thị.

Ông Phan Đăng Hưng – Trưởng điểm thi THCS Phú Diễn (Đại học Công nghiệp Hà Nội): Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường có tỷ lệ thí sinh dự thi cao trên cả nước. Trước quy định cho phép thí sinh được mang một số thiết bị điện tử vào phòng thi, chúng tôi cũng có lo lắng nhưng không nhiều. Ngay khi làm công tác tổ chức thi, chúng tôi đã đưa nội dung này vào tập huấn rất kỹ cho giám thị. Tiếp đó, chúng tôi cũng có lời khuyên các cán bộ coi thi cập nhật thông tin qua báo chí về những thiết bị điện tử công nghệ cao thí sinh có thể sử dụng quay cóp.

Bước vào từng buổi thi, điểm trưởng cũng thường xuyên nhắc nhở giám thị không quá lo lắng về việc thí sinh mang vào phòng thi thiết bị điện tử nào, được phép hay không, như thế sẽ tạo nên sự căng thẳng không đáng có. Tuy nhiên, phải lưu tâm đến việc thí sinh sử dụng các thiết bị thu phát tinh vi để quay cóp. Thực tế là kết thúc cả 3 buổi thi, chúng tôi hoàn toàn không phát hiện được trường hợp nào thí sinh sử dụng thiết bị điện tử, hay thiết bị điện tử công nghệ cao vào mục đích quay cóp.

Thí sinh Bùi Quang Tuyên – Số báo danh 002781, Phòng thi số 81 (Đại học Kiến trúc Hà Nội): Em cũng có biết việc Bộ GDĐT cho phép thí sinh sử dụng một số máy quay, máy ghi âm không có chức năng xem hình, nghe tại chỗ mang vào phòng thi. Nhưng cả 3 buổi thi em không thấy phòng thi của em, không có bạn nào sử dụng các loại máy này cả. Giờ đi thi đại học nghiêm lắm, không quay cóp trong phòng thi được đâu. Em cũng như các bạn đi thi thì chú tâm làm bài cho thật tốt chứ chẳng ai lại đem máy quay để quay phòng thi làm gì.

Dĩ Hạ thực hiện

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/tuong-phai-lo-hoa-ra-khong-1970656/

Nam sinh đi thi đại học với 200 ngàn đồng đi vay

Posted: 06 Jul 2013 04:31 AM PDT

Trong buổi sáng thi môn đầu tiên đợt I kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, các bậc phụ huynh có mặt tại điểm thi trường ĐH Hồng Đức cơ sở II (Thanh Hóa) đều không khỏi xúc động khi bắt gặp một nam sinh đen nhẻm, vội vã chạy đến năn nỉ các đồng chí công an để được vào thi khi đã chậm 10 phút. Mặc dù bị chậm mất 10 phút nhưng vẫn trong thời gian quy định làm bài nên Duân vẫn được tạo điều kiện để vào phòng làm bài thi.

Gặp chúng tôi, em Hoàng Văn Duân, quê ở xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hóa) – thí sinh đến điểm thi muộn rơm rớm nước mắt kể, vì gia đình khó khăn nên xoay sở mãi em mới có được 200.000 đồng để lấy tiền đi thi. Trong khi tất cả các thí sinh sáng ngày 3/7 đã phải có mặt để nhận phòng thi, làm thủ tục thi thì cuối buổi chiều Duân mới xuống thành phố để đi tìm phòng trọ. Không biết phòng thi và lẫn lộn giữa trường ĐH Hồng Đức cơ sở 1 và 2 nên sáng ngày 4/7 khi bước vào môn thi đầu tiên, Duân đã đến nhầm địa điểm thi và bị muộn mất 10 phút.

Hoàng Văn Duân (áo đen) được các sinh viên trường ĐH Hồng Đức giúp đỡ trong những ngày thi.

Sau khi hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Duân chuẩn bị ít đồ đạc để xuống thành phố Thanh Hóa dự thi đại học. Nhưng khốn nỗi, gia đình nghèo khó không lấy đâu ra tiền để Duân đi thi, mặc dù từ nhà Duân xuống thành phố cũng chỉ cách gần 40km. Với 200.000 đồng trong tay được mẹ vay từ hàng xóm cùng với ít sách vở ôn luyện, và 1 bộ quần áo là tất cả "hành trang" mà Duân xuống thành phố dự thi đại học sau 12 năm đèn sách.

Trong buổi thi đầu tiên, hình ảnh cậu học trò nhỏ nhắn, mồ hôi nhễ nhại, khuôn mặt đen nhẻm, quần áo lếch thếch đã khiến các bạn sinh viên tình nguyện ở điểm thi trường ĐH Hồng Đức II không khỏi băn khoăn. Ngay khi kết thúc buổi thi, Duân được các bạn tình nguyện ở đây tận tình hỏi han thì được biết Duân đi thi chỉ với một bộ quần áo và 200.000 đồng vay mượn được. Nghị lực vượt khó quyết thi đại học của Duân khiến nhiều sinh viên tình nguyện cảm phục. Bạn Nguyễn Thị Thắng – sinh viên tình nguyện đã đưa Duân về chỗ trọ giúp đỡ Duân việc ăn, ở, đi lại những ngày thi.

Duân đặt quyết tâm thi đỗ đại học.

Thắng chia sẻ: "Lần đầu tiên nhìn em ấy rất đáng thương. Khi biết hoàn cảnh khó khăn lại phải thuê trọ mà cũng không gần địa điểm thi nên em quyết định đưa em ấy về xóm trọ rồi nói với anh Đức (sinh viên năm cuối trường ĐH Hồng Đức) cho em Duân sang đó ngủ cùng".

Vừa kể về cuộc sống của mình và những lo lắng vừa trải qua, cậu nam sinh này rơm rớm nước mắt cho biết cậu học không được khá lắm nhưng sẽ quyết tâm thi đỗ đại học bằng được và nếu đậu sẽ đi làm thêm để trang trải cuộc sống.

Kết thúc 3 môn thi, Duân cho biết em làm được bài cũng tạm ổn. Duân tâm sự, dù kết quả năm nay thế nào thì em vẫn sẽ tiếp tục thi cho đến khi nào đậu.

Chia tay cậu học trò nghèo giàu nghị lực, chúng tôi chúc cho ước mơ của em sớm thành hiện thực.

Nguyễn Thùy

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nam-sinh-di-thi-dai-hoc-voi-200-ngan-dong-di-vay-751455.htm

Ý thức và trách nhiệm

Posted: 06 Jul 2013 03:31 AM PDT

(GDTĐ) – Theo báo cáo nhanh của Bộ GDĐT, đợt thi thứ nhất kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đã diễn ra trong trật tự, an toàn và đúng quy chế. Hội đồng tuyển sinh của các trường thực hiện nghiêm túc của quy chế tuyển sinh, không khí trường thi trật tự, an toàn. Qua các điểm thi, với vẻ mặt phấn khởi của thí sinh và phụ huynh sau mỗi môn thi đã nói lên tất cả.


 

Để có được kết quả đó trước hết phải nói đến trách nhiệm cao của thí sinh trong quá trình dự thi. Các em giờ không còn trông mong vào những "phao" mà dồn hết ý chí, kiến thức mình đã dùi mài trong suốt 12 năm học để nắm bắt một cơ hội vào đời.

Để có kết quả đó cũng phải kể đến công tác chuẩn bị thi từ cấp cao nhất đến các cơ sở tổ chức thi cũng như sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong nhiều năm qua, Bộ GDĐT liên tục sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định về tuyển sinh theo hướng có lợi cho thí sinh và theo hướng nghiêm túc, công bằng cho kỳ thi. Qua các văn bản pháp quy đó, cũng như sự nghiêm túc của các kỳ thi trước đó, các em đã nhận thức được con đường đại học phải bằng kiến thức của chính mình. Từ nhận thức các em đã có ý thức trong quá trình tham gia thi. Do vậy, kết thúc đợt thi đầu tiên, theo thống kê của Bộ GDĐT có 134 thí sinh vi phạm kỷ luật (chủ yếu do mang điện thoại vào phòng thi) trên tổng số  650.000 thí sinh dự thi quả là tỷ lệ rất nhỏ. Hy vọng, trong kỳ thi tới những lỗi vi phạm không đáng có này lại tiếp diễn.

Để có kết quả này còn phải kể đến công sức của đông đảo cán bộ tổ chức thi, giám thị tham gia coi thi. Với tinh thần trách nhiệm cao, vì quyền lợi của thí sinh và vì tính nghiêm minh, công bằng của kỳ thi họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Đây là nhiệm vụ nặng nề, bởi tính chất của kỳ thi vốn rất căng thẳng. Mọi sơ xuất ở mỗi khâu: Từ ra đề, đến in, chuyển đề và coi thi đều dẫn đến hậu quả rất lớn. Hậu quả đó sẽ tác động rất lớn đến xã hội, đến từng thí sinh và từng gia đình thí sinh. Không ít cán bộ khi được tham gia kỳ thi tỏ ra lo lắng. Họ lo lắng là lẽ thường vì nếu có sai sót thì theo quy chế sẽ bị kỷ rất nặng, có thể đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn 69.000 cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi có lẽ đều có tâm trạng chung đó. Nhưng từ ý thức mức độ quan trọng của kỳ thi họ đã nhận thức trách nhiệm to lớn của mình đối với xã hội, đối với tương lai của thế hệ trẻ để vượt lên những lo ngại và hoàn thành nhiệm vụ. 

Để có được điều đó không thể phủ nhận sự ủng hộ to lớn của cả hệ thống xã hội. Đó là ý thức và trách nhiệm của một đội ngũ đông đảo những cán bộ không trực tiếp tham gia công tác thi nhưng đã phục vụ hết mình chỉ với một mong muốn kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Đó là những tấm lòng cao đẹp của người dân, dẫu không có người nhà tham gia thi nhưng sẵn lòng hỗ trợ các sĩ tử. Họ sẵn sàng gạt bỏ mọi nhu cầu về lợi ích để giúp đỡ thí sinh.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi năm là một hoạt động rất lớn và có ý nghĩa xã hội cao, với ý thức và trách nhiệm cao của toàn hệ thống chính trị xã hội, chắc chắn kỳ thi sẽ thành công trọn vẹn. Và xã hội cũng hoàn toàn tin tưởng vào tính công bằng, nghiêm túc của kỳ thi do Bộ GDĐT tổ chức. 

Nguyên An

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/y-thuc-va-trach-nhiem-1970667/

Chị em mồ côi vay tiền đi thi đại học

Posted: 06 Jul 2013 03:31 AM PDT

Đó là hoàn cảnh của hai em Nguyễn Thị Lệ Thắm (20 tuổi) và Nguyễn Như Ý (18 tuổi) ở xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ba mẹ đều đã mất, để có tiền đưa em đi thi, Thắm phải vay mượn tiền bà con rồi chở em đi xe máy vượt gần 80 km ra Quy Nhơn thi đại học.

Đợt thi vừa qua, đến chùa Hiển Nam (TP Quy Nhơn) hỏi đến hoàn cảnh hai chị em mồ côi quê Phú Yên, mọi người ai cũng biết. Chúng tôi gặp Thắm khi em đang thu xếp hành lý để chờ em trai tan thi về rồi hai chị em trở về quê.

Để có tiền đi thi, hai chị em phải vay tiền hàng xóm.

Thắm chia sẻ: "Em trai Như Ý dự thi vào ngành Cơ khí, Trường ĐH Nông lâm TPHCM. Ngày qua em thi về nói làm cũng được nhưng hôm nay sao chưa thấy về không biết làm bài có được không".

Để có thể lo cho con cái ăn học, ba mẹ em thức khuya dậy sớm làm đậu phụ, trồng rau đem ra chợ bán. Dù nghèo nhưng ba mẹ Thắm vẫn cố gắng cho con đi học. Thấu hiểu nỗi khổ ba mẹ nên hai chị em rất chăm chỉ học hành. Nào ngờ tai họa ập xuống, mái ấm gia đình hạnh phúc giờ chỉ còn hai chị em bơ vơ.

"Trước mẹ bị bướu cổ, cứ tưởng chỉ là bị mụn hạch bình thường nên chỉ ở nhà thuốc thang mà chẳng biết bị ung thư. Khối u ở cổ đã di căn qua ngực, khi mẹ gần mất, em mới biết mẹ bị ung thư vú giai đoạn cuối. Dù trong nhà chẳng có tài sản gì đáng giá, ba cũng bán đi để chữa trị cho mẹ nhưng đã không kịp…", Thắm bùi ngùi tâm sự.

Biết mẹ khó qua khỏi căn bệnh quái ác, Thắm lúc này chỉ biết cố gắng hoàn thành tâm nguyện của mẹ đó là tiếp tục thi đại học, cao đẳng. Sau đó, Thắm đã thi đậu vào ngành Kế toán, trường CĐ Xây dựng số 3.

Nhưng nỗi đau chưa dừng lại ở đó, không lâu sau khi mẹ mất, ba em vì lao lực nhiều nên bị thần kinh phân liệt phải sống thực vật một thời gian rồi theo mẹ ra đi.

May mắn là hai chị em được những tấm lòng hảo tâm góp sức giúp đỡ vượt qua khó khăn. Khi chứng kiến gia đình như vậy, Như Ý từ lúc đang học lớp 12 có dự định sẽ nghỉ học để làm lụng nuôi ba nuôi chị rồi năm sau mới thi. Nhờ có mọi người động viên giúp đỡ, Ý đã không bỏ học và tự nhủ sẽ tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, trở thành một kĩ sư cơ khí. 

Để có tiền đưa em trai đi thi, Thắm đã phải đi vay mượn tiền bà con hàng xóm. Sau đó, hai chị em đèo nhau đi trên chiếc xe máy cũ mà người cha để lại. Nhờ có người quen giới thiệu, hai chị em xin vào tá túc ở chùa Hiển Nam để được ăn ở miễn phí tiết kiệm chi phí.

Thắm chia sẻ: "Trước kỳ thì em rất lo lắng vì tiền đâu đưa em đi thi. Sau khi vào chùa được nhà chùa cho ăn ở miễn phí hai chị em mừng đến run lên. Biết được hoàn cảnh của hai chị em, mọi người ai cũng thông cảm và nhiệt tình giúp đỡ nên em cảm thấy bớt đi tự ti mặc cảm".

Nỗi bất hạnh vẫn còn đó, nhưng điều đáng mừng là cả hai chị em đều biết vượt qua đau thương. Trong hai năm học vừa qua, 3 kì học đầu đã có kết quả thì Thắm đều là sinh viên giỏi. Vừa học em phải vừa đi làm thêm để tự lo cho mình và giúp đỡ em ở nhà. Còn người em trai thấy chị vất vả nên cũng biết tự chăm sóc mình và sống tự lập.

Hai chị em rất đỗi vui mừng vì được ăn ở chùa miễn phí.

Gặp Ý sau khi em thi xong, em tâm sự: "Em làm bài cũng tạm ổn nhưng điểm cụ thể vẫn chưa biết nhưng em vẫn hy vọng mình sẽ đậu. Nếu lần này không đậu thì em chờ năm sau vì nếu thi 2 trường, hai chị em đâu có tiền. Còn nếu đậu, em sẽ cố gắng vừa học vừa làm tự nuôi mình chứ biết nhờ cậy vào ai".

Cô Kiều Thị Kim Phượng – giáo viên chủ nhiệm của Ý ở Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (huyện Tuy An, Phú Yên) cho biết: "Ý là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cứ sợ hoàn cảnh khó khăn ấy sẽ làm em gục ngã nhưng thầy cô bạn bè đều mừng vì em đã đi thi đại học để theo đuổi ước mơ của mình. Dù cho kết quả như thế nào thì nghị lực của hai chị em Ý cũng thật đáng quý".

Sau khi chuẩn bị hành lý ít ỏi, hai chị em Thắm và Ý ăn bữa cơm chay cuối cùng tại chùa rồi lên đường về quê. Các thầy, các bạn thí sinh, phụ huynh ra tận cổng chùa tiễn chân và dành nhiều lời chúc cho chị em lên đường may mắn.

Đ. Nguyễn - D.Công

Xem thêm :Tuy An, Phú Yên, Quy Nhơn, Kế toán, Cơ khí, Nông lâm, Xây dựng, ngành, đau thương, An Định, đại học

Nguồn: http://dantri.com.vn/su-kien/chi-em-mo-coi-vay-tien-di-thi-dai-hoc-751402.htm

Tri thức cần được cập nhật thường xuyên

Posted: 06 Jul 2013 02:31 AM PDT

(GDTĐ) – Trước những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý nói riêng thì công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên được coi là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Tuy đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ song công tác bồi dưỡng giáo viên hiện nay vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định.

PGS. TS Trần Thị Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo sau ĐH – Bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý (Học viện Quản lý giáo dục)  đã trao đổi về vấn đề này cùng GDTĐ.

Thưa PGS, bà có thể cho biết tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên?


PGS. TS Trần Thị Minh Hằng
 

- Công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện và phát triển nhân cách nghề của mỗi giáo viên. Công cụ lao động của người thầy giáo là tri thức khoa học mà tri thức thì cần phải được thường xuyên cập nhật và làm mới thì mới đáp ứng được với yêu cầu của xã hội. Vì vậy người giáo viên cần phải được bồi dưỡng thường xuyên. Và trong bồi dưỡng phải được định hướng những vấn đề cơ bản, cập nhật để có thể tự bồi dưỡng thì mới đạt được hiệu quả cao trong công việc của mình.

Theo bà, những nội dung bồi dưỡng giáo viên hàng năm cần triển khai ra sao để đạt  được hiệu quả cao nhất?

- Những nội dung bồi dưỡng giáo viên hàng năm có các hình thức như: Bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng theo chuyên đề. Vấn đề bồi dưỡng chung nhất là các cơ sở giáo dục dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tùy theo từng cấp học, bậc học xác định những nội dung bồi dưỡng cho phù hợp với đội ngũ giáo viên của cơ sở mình. Các nội dung bồi dưỡng cần đổi mới, thiết thực và bổ ích cũng như hình thức bồi dưỡng thường xuyên cần mềm dẻo và linh hoạt. Thời gian tổ chức phải phù hợp, tránh chồng chéo… Tóm lại, mục tiêu chung của bồi dưỡng giáo viên là giúp giáo viên đảm nhiệm tốt việc giảng dạy theo chương trình mới và luôn đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học.  

Vấn đề đổi mới phương pháp trong bồi dưỡng thường xuyên cũng vô cùng quan trọng, thưa bà?

- Để công tác bồi dưỡng giáo viên đạt hiệu quả cao, trong công tác bồi dưỡng cần phải lưu ý: Lựa chọn những vấn đề bồi dưỡng cho giáo viên phải là những vấn đề thiết thực, những vấn đề mà đội ngũ giáo viên đang gặp khó khăn trong quá trình dạy học; đồng thời phải có phương pháp bồi dưỡng nhằm hình thành phát huy được những kĩ năng cho giáo viên. Nên tránh hình thức bồi dưỡng theo kiểu lý thuyết nặng về lý luận, xa với thực tiễn. Với thời gian bồi dưỡng có hạn, mục tiêu của các chuyên đề mà báo cáo viên đặt ra thường là lớn vì vậy báo cáo viên nên sử dung phương pháp gợi mở, nêu vấn đề để giáo viên có thời gian trao đổi và tranh luận, và có thể để họ tự nghiên cứu tự học để rút ra những kinh nghiệm thiết thực cho bản thân. Chính vì vậy việc lựa chọn đội ngũ báo cáo viên cùng cần lưu ý ngoài tri thức lý luận và kinh nghiệm về thực tiễn thì cần phải có phương pháp báo cáo trao đổi để chuyên đề bồi dưỡng thực sự có hiệu quả


 Giáo viên cần được cập nhật thường xuyên tri thức        (Ảnh: Lê Văn)
 

Thực tế cho thấy, công tác bồi dưỡng thường xuyên sẽ không thu được hiệu quả cao nếu các nhà trường và người giáo viên không tích cực tham gia. Phải chăng vì vậy, bản thân người giáo viên cần phải tăng cường hơn nữa vai trò chủ thể của mình để đáp ứng được yêu cầu của công tác bồi dưỡng?

- Với công tác bồi dưỡng, mỗi giáo viên cần nhận thức đúng đắn vai trò của việc bồi dưỡng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và phải tiến tới thực hiện việc tự bồi dưỡng. Với những tri thức khoa học và phương pháp sư phạm được đào tạo trên ghế nhà trường thì không thể thỏa mãn và đáp ứng với yêu cầu đổi mới thường xuyên của giáo dục.

Mặt khác những yêu cầu của xã hội đặt ra cho giáo dục và đào tạo ngày càng lớn thì không thể chỉ đào tạo một lần là thỏa mãn mà phải đào tạo nâng cao và phải bồi dưỡng thường xuyên. 


  Giờ truy bài.                                      Ảnh: Ngọc Hà
 

Là người đã có quá trình gắn bó với giáo dục nói chung và công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên nói riêng, bà có nhận xét, đánh giá gì về công tác bồi dưỡng giáo viên đang được triển khai tại các địa phương, sở giáo dục, phòng giáo dục hiện nay?

- Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng giáo viên và để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của giáo dục và đào tạo, những năm trước kia và những năm gần đây Bộ GDĐT đã có nhiều đổi mới về chỉ đạo công tác bồi dưỡng nên đạt được hiệu quả cao như phân cấp công tác bồi dưỡng, địa phương chủ động về nội dung, hình thức tổ chức, thời gian tiến hành.

Hiện nay các địa phương đã tăng cường bồi dưỡng theo chuyên đề hướng tới việc hình thành các kỹ năng mềm nhằm nâng cao phẩm chất và năng lực nhà giáo cho đội ngũ giáo viên. Song thực tiễn cũng có một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm túc nội dung và thời lượng các chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên vì vậy chất lượng lớp bồi dưỡng chưa cao, nội dung bồi dưỡng đôi khi còn chậm đổi mới và chưa thực sự thiết thực đối với người học. Việc bố trí thời gian tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên chưa hợp lý… Vì vậy công tác bồi dưỡng chưa đáp ứng được với yêu cầu đề ra.

Theo bà, để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên thì ngành giáo dục cần quan tâm chú trọng điều gì?

Trước tiên ngành giáo dục và đào tạo cần lưu ý việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, và toàn thể giáo viên. Làm sao để cán bộ và giáo viên thấy được tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng từ đó quan tâm và tích cực hưởng ứng công tác bồi dưỡng.

Công tác bồi dưỡng giáo viên phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên và có kế hoạch bồi dưỡng liên tục cho giáo viên. Phải đầu tư về kinh phí cho công tác bồi dưỡng này. Đồng thời nâng cao tính tự chủ cho các cơ sở trong việc xác định các nội dung bồi dưỡng giáo viên cho phù hợp với đặc thù của từng vùng và từng cơ sở giáo dục. Xây dựng được đội  ngũ báo cáo viên trở thành mạng lưới có hiệu quả từ cấp Bộ đến các địa phương. Kế hoạch bồi dưỡng không chỉ tập trung vào một đợt trong hè mà còn có thể rải rác trong năm học với thời gian thuận lợi cần thiết…

Xin cảm ơn PGS.TS Trần Thị Minh Hằng!

Sông La (Thực hiện)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201307/pgs-ts-tran-thi-minh-hang-tri-thuc-can-duoc-cap-nhat-thuong-xuyen-1970664/

Tám năm bán vé số nuôi “mộng” cho con vào đại học

Posted: 06 Jul 2013 02:31 AM PDT

(TNO) Kỳ thi ĐH-CĐ đợt 1 đã kết thúc với sự hào hứng của nhiều thí sinh và phụ huynh vì đề tương đối dễ. Vừa đưa con đi thi về đến nhà, nghỉ ngơi ít phút, người cha Nguyễn Văn Nga (41 tuổi) lại lúi húi lấy vé số đi bán để "kiếm tiền lo cho con trai Nguyễn Anh Thái thi đợt 2 tốt hơn".

Tâm sự với chúng tôi, người đàn ông bán vé số với khuôn mặt đen sạm, giọng nói mộc mạc, chất phát và rất đặc trưng, dễ nhận biết của người Phú Yên đã không giấu vẻ hạnh phúc và tự hào về đứa con của mình. Hành trình đưa con đến với ngày thi đại học là câu chuyện cảm động của người cha mang trên mình căn bệnh hiểm nghèo.

Cái nghèo vây chặt

Sống ở vùng quê nghèo (xã Hòa Vinh, H.Đông Hòa, Phú Yên) quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn, người vợ lại mắc bệnh hở van tim, nhiều lần chữa trị nhưng không khỏi, ông Nga vào Sài Gòn bán vé số với hi vọng có chút tiền gởi về quê lo thuốc than cho vợ và nuôi con ăn học. Nhưng sự nghiệt ngã của số phận một lần nữa đổ ập lên thân hình gầy guộc mỏng manh của ông. Căn bệnh tràn dịch màng phổi của ông khiến hoàn cảnh gia đình càng thêm chật vật.

 Hai cho con anh Nga và ước mơ trong kỳ thi ĐH-CĐ 2013
Hai cho con ông Nga và ước mơ trong kỳ thi ĐH-CĐ 2013

Ông Nga nhớ lại: "Hồi đó nếu không có bà con, anh em giúp đỡ chắc tôi phải bán nhà chữa bệnh". Suốt gần một năm điều trị, căn bệnh quái ác ấy cũng qua đi nhưng gia đình lại lâm vào cảnh túng quẩn, nợ nần chồng chất.

Ông Nga chỉ vào vết mổ dài ngoằng bên hông xúc động: "Tôi không nhớ nổi đã tốn bao nhiêu tiền cho căn bệnh này. Chỉ biết bây giờ còn nợ ngân hàng tám triệu và nợ một số người thân, hàng xóm. Nghèo quá, không biết bao giờ mới trả hết nợ".

“Dù mắc bệnh hở van tim không thể làm những việc nặng nhọc nhưng mẹ nó (bà Lê Thị Mộng, 42 tuổi) vẫn đều đặn chắt góp mỗi tháng 200.000 đồng từ việc gặt lúa mướn để cho nó đi học vẽ, nuôi mộng trở thành chàng kiến trúc sư. Mình đã khổ rồi thì ráng cho con chút chữ, học hành đàng hoàng mới hy vọng thoát nghèo được", ông Nga tâm sự.

Thi đại học là niềm vui lớn

Hai ngày thi đại học vừa rồi, ông Nga thức dậy từ 4 giờ sáng để lo bữa ăn sáng cho con. "Nói nghe sang vậy chứ thật ra là nấu mì tôm thôi, hai cha  con hai gói mì tôm. Ăn vậy đỡ chứ ngoài quán tô hủ tiếu, tô phở mắc lắm".

5 giờ là phải ra bắt xe buýt đến điểm thi. "Ngồi đợi con ngoài phòng thi mà mình cứ nôn nóng, hồi hộp không thua gì nó", ông cho biết.

Ngày thi đầu tiên, Thái thi 2 môn Toán và Lý. Ông kể: "Nghe nó nói 2 môn đó chắc cũng trên 12 điểm tôi thấy cũng mừng. Chỉ không biết môn vẽ thế nào. Nó nói ở quê không có điều kiện tiếp xúc với môn vẽ nhiều, giờ thấy mấy bạn vẽ đẹp quá. Nó đã cố gắng hết sức rồi, kết quả tới đâu mừng tới đó".

Mặc dù gia đình nghèo khó nhưng suốt 12 năm liền Anh Thái, học sinh Trường THPT Lê Trung Kiên (H.Hòa Vinh) luôn đạt học sinh tiên tiến. Vốn mê vẽ, đợt 1 Thái đã đăng ký thi vào Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM

"Nhiều người con rớt ĐH thì buồn đã đành, nhưng cũng có người con đậu ĐH cũng buồn vì không biết lấy tiền đâu cho con nhập học. Tôi thì dù thế nào, tôi cũng phải cố gắng cho con ăn học. Nó mà không đi học thì cũng chỉ đi bán vé số như tôi, hoặc đi làm thuê, làm mướn cho người ta. Bao giờ mới hết khổ được?", ông Nga quyết tâm.

Được hỏi về cái nghèo và ước mơ hiện tại, Nguyễn Anh Thái rụt rè: "Từ nhỏ em đã biết chăn bò, làm những công việc nhỏ trong nhà, cũng hiểu được phần nào cái đói của ba mẹ với những bữa cơm độn khoai sắn. Giờ em sẽ cố gắng thi thật tốt đợt 2 (vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), mai này sẽ vừa đi làm vừa học. Ba mẹ còn phải nuôi đứa em học lớp 7 nữa, mình phải cố gắng tự lập để ba mẹ đỡ khổ".

Diễm Út – Đức Tiến

Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc – Kỳ 2
Thương hai chị em mồ côi đưa nhau đi thi đại học
Một thí sinh bị bệnh hiểm nghèo trước ngày thi đại học
Đi thi đại học bằng xe… thiết giáp
Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc
Hàng ngàn thí sinh dự thi đại học đổ về TP.HCM
18 điều giúp bạn thi đại học tốt
Giảm 10% giá vé tàu hỏa cho thí sinh thi đại học, cao đẳng 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130706/tam-nam-ban-ve-so-nuoi-mong-cho-con-vao-dai-hoc.aspx

Đợt I kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Giám thị đã thực hiện tốt chức trách của mình

Posted: 05 Jul 2013 10:30 PM PDT

(GDTĐ) -  Đợt I kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, không có trường hợp thí sinh nào mang thiết bị điện tử công nghệ cao vào phòng thi. Điều này đã giải tỏa những lo lắng không đáng có của giám thị trước ngày thi. Ngay khi kết thúc đợt thi, báo GDTĐ đã phỏng vấn Thứ trưởng Bùi Văn Ga – Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ – về việc trên.

123
Thứ trưởng Bùi Văn Ga – Trưởng Ban chỉ đạo Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013

Toàn xã hội thấy rõ hơn không gian thực sau cánh cổng trường thi

- Thưa Thứ trưởng, chủ trương cho phép thí sinh được mang vào phòng thi những thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng không thu phát, không xem, nghe trực tiếp, của Bộ GDĐT đã được xã hội đánh giá cao.

Quan điểm chỉ đạo trên phải chăng với mục đích tăng cường tính minh bạch trong phòng thi, khi xã hội cho rằng còn có những "vùng cấm" trong tuyển sinh mà không phải các Đoàn thanh tra lúc nào cũng đến được?

* Việc Bộ cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát âm, phát hình tại chỗ, không có chức năng truyền được thông tin ra ngoài là nhằm mục đích tăng cường thêm tính nghiêm túc của kỳ thi thông qua kênh tự giám sát. Điều này sẽ làm cho giám thị nâng cao thêm ý thức trách nhiệm khi làm nhiệm vụ, góp phần ngăn chặn tiêu cực trong phòng thi.

Sự giám sát của thí sinh với những bằng chứng cụ thể sẽ làm cho xã hội thấy rõ hơn không gian thực sau cổng trường thi. Trước đây, không gian này chỉ có những người trong cuộc mới biết, thiếu công khai, minh bạch, gây nghi ngờ tính công bằng và khách quan.

- Không phản đối chỉ đạo của Bộ, nhưng nhiều Hội đồng thi, cán bộ coi thi không khỏi có những lo lắng về việc kiểm tra thí sinh mang thiết bị điện tử vào phòng thi là loại được phép hay không. Rồi thí sinh lạm dụng việc cho phép này để sử dụng thiết bị công nghệ cao quay cóp?

* Không đến mức phải lo lắng như thế! Thực tế đã diễn ra trong mùa thi tuyển sinh năm ngoái: Trong cả nước không có thí sinh nào mang các thiết bị này vào phòng thi.

Thiết bị ghi âm, ghi hình công nghệ cao rất đa dạng nên không thể nào liệt kê đầy đủ danh mục của chúng. Nhưng ai cũng biết, muốn nghe được âm thanh thì phải có loa hoặc tai nghe; muốn xem được hình ảnh thì phải có màn hình hiển thị thông tin. Đó là những điều mà giám thị nào cũng nhận biết được. Nếu nghi ngờ thiết bị có thể truyền tin ra ngoài thì báo với Hội đồng thi để kiểm chứng.

Để ngăn chặn gian lận bằng thiết bị công nghệ cao thì giám thị phải hết sức quan tâm đến trách nhiệm của mình khi làm nhiệm vụ. Nếu quan sát kỹ phòng thi một cách nghiêm túc thì không có sự gian lận nào, dù là xem tài liệu truyền thống hay sử dụng thiết bị công nghệ cao, có thể qua mắt được cán bộ coi thi.

Đợt I của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 vừa kết thúc. Đến giờ này đường dây nóng của Bộ trưởng cũng chưa nhận được phản ánh tiêu cực nào từ các phòng thi trên cả nước. Những thí sinh bị đình chỉ thi năm nay chủ yếu là mang điện thoại di động vào phòng thi, không có thí sinh nào bị xử lý vì gian lận bằng thiết bị công nghệ cao.  

 Đừng nghĩ đến việc vào ĐH bằng con đường tiêu cực

- Thưa Thứ trưởng, buối thi môn Toán sáng 4/5, Học viện An ninh Nhân dân đã phát hiện một trường hợp thi hộ của thí sinh ở điểm thi Trường THCS Nguyễn Trãi, (Hà Đông, Hà Nội). Việc phát hiện khi thí sinh này đang làm bài, cho thấy vai trò của cán bộ coi thi là rất quan trọng. Ban chỉ đạo thi có ý kiến gì về vụ việc này?

* Qui chế tuyển sinh đã qui định rõ qui trình kiểm tra thí sinh khi vào phòng thi qua đối chiếu ảnh của thí sinh trên thẻ dự thi, trên giấy tờ tùy thân, trên danh sách ảnh của phòng thi. Khi có nghi ngờ thí sinh thi hộ thì giám thi cần báo cho điểm trưởng điểm thi biết để xác minh.

Việc xác minh những trường hợp này không khó nhưng vấn đề quan trọng là phải phát hiện thí sinh có dấu hiệu thi hộ. Điều này phụ thuộc nhiều vào vai trò và trách nhiệm của cán bộ coi thi. Mặt khác, các hội đồng thi cần chấp hành nghiêm qui chế về lập danh sách ảnh để đối chiếu với thí sinh khi đến dự thi.

Việc xác minh thi hộ không phải chỉ diễn ra trong quá trình thi mà còn được tiến hành sau khi thí sinh đã trúng tuyển vào trường thông qua việc đối chiếu chữ viết trên bài làm, trên hồ sơ và chữ viết thực tế của thí sinh. Việc làm này cũng không phải dừng lại khi thí sinh nhập học mà thực hiện lại bất cứ lúc nào có sự nghi ngờ trong quá trình học, thậm chí sau khi thí sinh đã tốt nghiệp. Nếu phát hiện gian lận vẫn bị xử lý bình thường.

Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là kỳ thi nghiêm túc, có tính cạnh tranh cao nên khó có hành vi gian lận nào mà không bị phát hiện. Vì vậy thí sinh cần đặc biệt chú ý điều này, sức đến đâu làm bài đến đó, đừng bao giờ nghĩ đến mình có thể đạt được kết quả cao hơn bằng con đường tiêu cực.

Trước giờ làm bài thi, Thứ trưởng động viên thí sinh bình tĩnh, tự tin
Trước giờ làm bài thi, Thứ trưởng động viên thí sinh bình tĩnh, tự tin

Giám thị nêu cao tinh thần trách nhiệm – Thí sinh cố gắng hết sức cho tương lai

- Trước khi bắt đầu đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Thứ Trưởng có điều gì lưu ý đến các Hội đồng tuyển sinh?

* Tuy đã tập huấn và phổ biến qui chế ở đợt 1 nhưng các Hội đồng thi cần quán triệt lại qui chế thi đối với tất cả cán bộ làm nhiệm vụ coi thi và thí sinh trong các đợt tiếp theo. Những tình huống bất thường chưa có trong qui chế cần phải báo cáo về ban chỉ đạo quốc gia để hướng dẫn xử lý.

Các giám thị cần làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình một cách nghiêm túc, quán xuyến phòng thi để đảm bảo trật tự, an toàn. Những hội đồng ở xa địa điểm in sao đề thi cần lưu ý đảm bảo an toàn tuyệt đối đề thi. Nếu nhận nhiều đề thi cùng lúc cần đặc biệt lưu ý đến lịch thi để tránh nhầm lẫn.

Các hội đồng thi đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi để thí sinh mang các thiết bị được phép vào phòng thi, không gây bất kỳ khó khăn, phiền hà nào. Tuy nhiên nếu phát hiện thí sinh mang tài liệu hay các vật dụng, thiết bị nhằm mục đích gian lận thì phải xử lý nghiêm

- Và thông điệp Thứ trưởng muốn gửi đến các thí sinh dự thi đợt 2?

* Các em hãy bình tĩnh, tự tin và quyết tâm đạt kết quả cao nhất. Một phút cố gắng hôm nay có thể thay đổi cả cuộc đời ngày mai. Một hành động bồng bột trong phòng thi dẫn đến vi phạm qui chế thi hôm nay có thể ảnh hưởng cả tương lai nghề nghiệp lâu dài.

Vì vậy các em hãy nhớ hai điều: Đừng lãng phí một giây phút nào trong quá trình làm bài thi, cố gắng tối đa và hài lòng với kết quả mình đạt được. Không mang tài liệu, điện thoại di động, các thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận vào phòng thi. Chúc các em thành công!

Xin cám ơn Thứ trưởng!

Bạch Ngọc Dư (Thực hiện)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/dot-i-ky-thi-tuyen-sinh-dh-cd-giam-thi-da-thuc-hien-tot-chuc-trach-cua-minh-1970651/

Học sinh lo mất điểm oan

Posted: 05 Jul 2013 10:30 PM PDT

Lý do là đáp án chính thức mà hội đồng thi (Sở GD-ĐT Đà Nẵng) đưa ra hoàn toàn khác với cách làm bài thi của nhiều học sinh, cho dù kết quả cuối cùng hoàn toàn giống nhau.

Kỳ thi này diễn ra ngày 24-6 vừa qua. Câu a, bài 1 của đề toán như sau: "Tính bằng cách thuận tiện nhất: 2013+4026+6039+8052". Nhiều học sinh đã làm theo cách cộng từng hai số và lấy kết quả cộng lại với nhau để ra kết quả cuối cùng là 20.130.

Cũng có học sinh làm theo cách lấy cả bốn số cộng lại với nhau để ra kết quả là 20.130. Tuy nhiên cách hướng dẫn chấm điểm mà hội đồng thi đưa ra hoàn toàn khác. Theo hướng dẫn thì bài toán trên phải được giải theo cách sau: 2013 + 4026 + 6039 + 8052 = 2013 x 1 + 2013 x 2 + 2013 x 3 + 2013 x 4 = 2013 x (1+2+3+4)= 2013 x 10 = 20.130.

Sau khi biết được cách hướng dẫn chấm điểm nói trên, rất nhiều học sinh và phụ huynh đã lo lắng vì nếu không thực hiện đúng bài giải theo trình tự các bước như trên thì đương nhiên bài thi bị mất 1 điểm.

Một phụ huynh cho rằng: với cách đặt vấn đề của câu hỏi thì việc cộng bốn con số trên lại với nhau là cách tính đơn giản, thuận tiện nhất. Đồng quan điểm trên, một giáo viên dạy toán ở Trường tiểu học Phù Đổng cho biết: "Cách tính mà hội đồng thi đưa ra là một trong các phương pháp tính mà thôi. Theo quan điểm cá nhân tôi, đó chưa hẳn là cách tính thuận tiện nhất. Chính vì vậy nếu hội đồng thi chỉ chấm điểm cho những bài thi làm đúng theo hướng dẫn của sở thì đó là một thiệt thòi rất lớn cho nhiều học sinh, nhất là học sinh ở các quận, huyện vùng ven".

Ông Lê Trung Chinh – giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng – cho rằng: "Đáp án mà Sở GD-ĐT đưa ra là đáp án tối ưu. Học sinh nào làm bài thi đúng trình tự như đáp án sẽ được điểm tối đa (1 điểm). Hội đồng chấm thi cũng sẽ nghiên cứu và có cách chấm đối với những bài thi không thực hiện đúng theo các bước như đáp án của sở nhưng vẫn cho kết quả đúng. Tất nhiên những bài giải loại này sẽ không đạt điểm tối đa".

Được biết năm nay có gần 1.800 học sinh đăng ký thi vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Khuyến, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường này chỉ là 280 học sinh.

ĐĂNG NAM

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/557534/hoc-sinh-lo-mat-diem-oan.html

GS.TS Phạm Tất Dong: Vào sư phạm là định mệnh

Posted: 05 Jul 2013 09:30 PM PDT

(GDTĐ) – Gần 70 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của GS. TS Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam – những hình ảnh của ngày đầu tiên đến lớp vẫn còn in đậm trong tâm trí. Những bài học làm người, tinh thần vượt khó trong cuộc sống, sự cống hiến hết mình cho học tập, cho công việc… đã được hình thành trong ông ngay từ những buổi đầu cắp sách tới trường ấy.

Những người thầy tận tâm


GS. TS Phạm Tất Dong
 

Người khai tâm cho tôi là thầy Nguyễn Đức Tuần, hồi đó dạy lớp đồng ấu (lớp 1) ở Trường Bonnal (Trường THPT Ngô Quyền – Hải Phòng hiện nay). Ấn tượng sâu đậm về người thầy khai tâm đã theo tôi suốt cuộc đời, đem lại cho tôi tình cảm tốt đẹp về việc học tập, về trường lớp ngay từ những buổi học đầu tiên.

Trong ký ức của tôi, thầy Nguyễn Đức Tuần là người thầy rất tận tâm với học trò. Thầy rèn cho các trò từng li từng tí về nề nếp học tập, sinh hoạt; ý thức giữ gìn sách vở; chữ viết… Chính vì được rèn luyện quy củ, tỉ mỉ ngay từ khi mới bước chân vào môi trường học đường nên những học trò thời ấy nhập tâm rất nhanh và những gì họ được giáo dục đã theo họ suốt quãng đời còn lại. Học xong lớp đồng ấu, tôi theo học lớp dự bị, sau đó đang học lớp 3 thì Nhật Bản vào Đông Dương. Ghét cả phát xít Nhật lẫn thực dân Pháp, bố tôi quyết định cho con nghỉ học. Mãi 3 năm sau, khi đi tản cư, năm 1947, tôi mới tiếp tục việc học đang dở dang của mình ở trường học kháng chiến.

Người thầy thứ hai khiến tôi không thể nào quên là thầy Nguyễn Công Tụng – người thầy đầu tiên của tôi ở trường tiểu học kháng chiến. Chính thầy đã động viên tôi học "nhảy cóc" để khỏi lãng phí thời gian. Cũng chính thầy đã dồn hết thời gian, công sức kèm cặp tôi, giúp tôi hoàn thành chương trình Tiểu học vào cuối năm 1947. Nhờ có thầy, dù học muộn tới 3 năm, nhưng tôi đã dần dần đuổi kịp các bạn cùng lớp.

Gian khổ nhưng hăng say

Từ khi bước chân vào trường học kháng chiến, chúng tôi bắt đầu một thời kỳ học tập đầy gian khổ nhưng cũng thật hào hùng. Quên sao được một thời kỳ dài thiếu ăn, khiến những đứa trẻ mới lớn luôn thèm quay quắt một bữa ăn đủ no. Quên sao được những trận sốt liên tiếp, vậy mà một viên kí ninh phải chia cho nhiều người cùng uống.

Đi cùng cuộc chiến thần thánh của dân tộc, nên kháng chiến càng gian khổ, điều kiện học tập, sinh hoạt của chúng tôi cũng càng khó khăn hơn. Cuộc kháng chiến rèn cho chúng tôi lối sống, nếp sinh hoạt "quân sự hóa", luôn sẵn sàng ẩn nấp, di chuyển để tránh sự phát hiện của địch.

Tuy ăn không đủ no, tháng nào cũng ốm, nhưng cả thầy và trò đều hăng say học tập, rèn luyện. Có lẽ vì tất cả mọi người ai cũng phải chịu gian khổ, thiếu ăn như mình, nên chúng tôi lại không thấy mình khổ. Ngoài giờ học, chúng tôi vào rừng, ra suối để kiếm bất cứ thứ gì có thể ăn được. Chúng tôi cũng tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi chỉ trừ những ngày bị cơn sốt hành hạ mới đành chịu phải nghỉ học.

Trong những ngày tháng khó quên ấy, chúng tôi đã chứng kiến sự ra đi của một thầy giáo vì những cơn sốt rét rừng. Người thầy ấy từ Hà Nội vào, mang theo vợ và hai cô con gái 17 – 18 tuổi. Những ngày tháng ở rừng, thầy vẫn giữ nguyên nề nếp của một ông giáo Hà thành, vẫn áo dài trắng, quần trắng khi lên lớp. Thầy ốm liên miên, nhưng trên vai là cả gánh nặng gánh gia đình. Rồi một ngày, một trận sốt rét ác tính quật ngã thầy. Hôm chúng tôi chôn cất thầy ở đồi sim, trời nắng chang chang. Sau khi thầy mất, cô và hai con trở về thành (về vùng địch chiếm). Từ đó, chúng tôi không biết tin tức gì của những con người ấy nữa…


 

Theo học sư phạm là nghiệp của tôi

Ngày ấy, Chính phủ có chủ trương đưa học sinh sang Trung Quốc học tập để sau này về xây dựng và phát triển đất nước. Lúc đầu, theo thông báo, tôi được chọn sang Vân Nam học về hỏa xa. Chuyến đi sang Trung Quốc ấy được ví như một cuộc trường chinh để chinh phục tri thức. Chúng tôi đã phải đi bộ ròng rã cả tháng trời, toàn phải chọn đường vòng, ngày nghỉ đêm đi để tránh sự phát hiện của địch. Đến Tuyên Quang, đoàn của tôi đến căn cứ bí mật của Bộ Giáo dục, nhưng chúng tôi không được vào tận nơi cơ quan Bộ đóng mà phải chờ bên ngoài. Một ngày sau, người của Bộ Giáo dục ra thông báo chúng tôi sẽ sang Quảng Tây học về sư phạm. Lúc hành quân sang Trung Quốc, tôi chỉ là một cậu trai mới lớn, nên thích học về hỏa xa lắm. Giờ lại bị "bắt" phải học sư phạm. Khỏi phải nói, lúc đó trong lòng tôi ngổn ngang suy nghĩ như thế nào.

Nghiệp làm thầy thực sự đến với tôi như một định mệnh. Anh cả của  tôi đến điểm hẹn Bộ giáo dục để đón tôi về vì muốn kèm cặp, rèn luyện tôi trong môi trường gian khổ của cuộc kháng chiến. Song, khi anh tôi tới Bộ giáo dục thì đoàn của tôi lại vừa rời đi.

Tinh thần cống hiến hết mình

Những ngày tháng học tập tại Khu học xá Nam Ninh – Trung Quốc là quãng thời gian sung sướng nhất trong cuộc đời đi học của tôi. Ở đó, chúng tôi được ăn uống và nuôi dưỡng chuyên nghiệp, chu đáo, được học toàn thầy giỏi, cơ sở vật chất khá đầy đủ, lại có điều kiện học nhạc, họa, thể dục thể thao… Thế nhưng, đây cũng là quãng thời gian chúng tôi được rèn luyện tinh thần hết lòng vì tập thể, hăng say lao động và học tập, cống hiến hết mình mà không đòi hỏi bất cứ sự ưu đãi nào.

Những buổi sáng mùa đông ở Trung Quốc lạnh thấu xương, vậy mà, chỉ cần lớp trưởng hô: "Hôm nay cầu áo bị hỏng, ai xung phong xuống sửa nào?", lập tức có vài chục cánh tay xung phong. Chúng tôi nhảy ào xuống ao nước giá băng, làm việc cật lực, vui vô cùng.

Sau hai năm học tập tại Trung Quốc, khi được phân công về nước, chúng tôi đều xung phong đi vào vùng địch. Bản thân tôi xin vào mảnh đất Bình Trị Thiên khói lửa.

Ngoài kiến thức chuyên môn, chúng tôi còn học được từ những người thầy hết lòng vì học trò tinh thần cống hiến, phương pháp truyền dạy kiến thức tuyệt vời, biến những điều hay lẽ phải từ các thầy thành tri thức của mình. Nhờ đó, khi trở về Việt Nam, dù không mang theo bất cứ tài liệu gì, nhưng tất cả kiến thức đã được học đều như được in trong đầu chúng tôi. Sau này, khi trở thành những người thầy, chúng tôi lại nối tiếp các thầy để truyền dạy cho các thế hệ học trò những kiến thức quý giá ấy, ý chí vượt khó trong học tập và trong cuộc sống, phương pháp học tập sáng tạo…

Và hơn tất cả, các thầy đã dạy chúng tôi những bài học làm người, để chúng tôi luôn sống không hổ thẹn với bản thân mình, với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh.

Ninh Kiều (ghi)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201307/gsts-pham-tat-dong-vao-su-pham-la-dinh-menh-1970649/

Học bổng du học Anh dành cho học sinh hết lớp 11 & 12

Posted: 05 Jul 2013 09:30 PM PDT

Kaplan là tổ chức giáo dục hàng đầu trên thế giới, hợp tác với 10 trường Đại học danh tiếng của Vương Quốc Anh: City University London, Westminter, Liverpool, Cranfield, Brighton, Sheffield, Nottingham Trent, Bournemouth, Glasgow và West of England.

Ông Daniel Takage, đại diện tuyển sinh của Kaplan sẽ có buổi nói chuyện giới thiệu về chương trình học và cơ hội học bổng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh theo lịch cụ thể:

Hà Nội
Thời gian: 17h30 thứ Năm, 11/07/2012. Địa điểm: Sunrise Vietnam – Số 3A Cao Bá Quát, Ba Đình

TP.Hồ Chí Minh
Thời gian: 10h thứ Ba, 09/07/2013. Địa điểm: 11 Nguyễn Văn Mai, Phường 8, Quận 3

Một số nét về tổ chức Kaplan

Kaplan là một phần của các trường Đại học và do các trường Đại học quản lý. Các sinh viên theo học tại Kaplan sẽ được đào tạo theo tiêu chuẩn học thuật được thiết kế bởi các trường Đại học, đảm bảo sau khi hoàn tất thành công khóa họcDự bị Đại học, Năm I Đại học hoặc Dự bị Thạc sĩ tại Kaplan, sinh viên có cơ hội được nhập học vào các khóa học tiếp theo tại các trường Đại học danh tiếng trên hoặc các trường Đại học khác của Vương Quốc Anh.

Hàng năm, Kaplan đón nhận hàng ngàn sinh viên quốc tế, đến từ khắp nơi trên thế giới. Các em được Kaplan đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao ngay từ ngày đầu tiên nhập học. Tất cả các trường đều có dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc sinh viên quốc tế hoàn hảo.

- Chuyên ngành đào tạo đa dạng: Kinh doanh, Khoa học xã hội, Kỹ thuật, Luật, Khoa học tự nhiên, Máy tính, Nghệ thuật và thiết kếvà nhiều chuyên ngành khác,…

- Nằm ngay trong khuôn viên và được bảo đảm chất lượng bởi các trường Đại học.

- Các khóa học đa dạng: Tiếng Anh, Dự bị Đại học, Năm 1 đại học, Dự bị thạc sĩ.

- Khai giảng linh hoạt: Tháng 9, Tháng 1, 2 và Tháng 5.

- Thủ tục cấp thư mời nhanh, được quyết định trong vòng 48 giờ.

Bên cạnh các chương trình đào tạo Dự bị Đại học, Năm I Đại học và Dự bị Thạc sĩ, sinh viên mong muốn theo học các khóa học thi lấy chứng chỉ tài chính và kế toán quốc tế như AAT, ACA, ACCA, CIMA, CFA®, CAIA, FRM, IAQ, IMC và SII có thể đăng ký học tại Kaplan Financial – một trong những tổ chức đào tạo các chương trình tài chính, kế toán có chất lượng hàng đầu Anh quốc.

Tin dịch vụ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Can-biet/giao-duc-huong-nghiep/557624/hoc-bong-du-hoc-anh-danh-cho-hoc-sinh-het-lop-11--12.html

Comments