Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thủ khoa 58,5 điểm bật mí về kỳ thi ĐH 2013

Posted: 13 Jul 2013 09:11 AM PDT

(TNO) Chàng thủ khoa THPT năm 2013 của TP.HCM Trương Trọng Tín (58,5 điểm) khá hài lòng với kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua. Trải qua một kỳ thi căng thẳng, với nhiều cung bậc cảm xúc, Tín đang rất tự tin vào điểm thi khối A và hồi hộp đợi chờ kết quả ĐH Y dược.

Kết thúc hai đợt thi ĐH-CĐ 2013 vừa qua, Tín thở phào nhẹ nhõm: "Vậy là 12 năm đèn sách cũng đã qua, kết thúc một chặng đường đầu tiên trong cuộc đời. Em cảm thấy rất thoải mái, tinh thần phấn chấn, không bị căng thẳng như những ngày thi vừa qua".

Cũng… hơi run

Cũng như nhiều bạn bè, lần đầu tiên bước vào một kỳ thi lớn, có tính bước ngoặt, Tín cũng hồi hộp, lo lắng thậm chí là chàng thủ khoa này còn "hơi run" khi đọc đề thi môn đầu tiên.

Tín cho biết: "Em đã hít một hơi thật sâu, sau đó đọc qua hết một lần đề toán, chọn câu dễ làm trước. Vì em tiếp xúc nhiều với những đề thi năm trước nên đề năm nay không có gì gây "sốc". Chỉ có câu bất đẳng thức hơi rối nên em để cuối giờ mới làm nhằm tránh tâm lý lo sợ. Sau môn "khởi động" này thì em tự tin hơn".

 

 
Trọng Tín và nụ cười lạc quan, yêu đời – Ảnh: D.Út

Tín thi khối A ngành Sư phạm Hóa, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, tuy nhiên em cho biết: "Đây chỉ là khối thi "thử" bởi chàng trai này muốn giải tỏa tâm lý, làm quen với đề thi, biết được cảm giác ngồi trong phòng thi căng thẳng như thế nào.

“Vì ngành Bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM lấy điểm rất cao nên em phải chuẩn bị tốt nhất cho khối B", Tín cho biết.

Tín tiết lộ: "Những môn thi trắc nghiệm đòi hỏi phải tư duy nhanh nhẹn, làm quen tay, quen dạng bài tập. Cũng có vài câu khó quá em phải chọn đại vào cuối giờ. Em luôn tận dụng hết thời gian để làm bài, vì thi ĐH nên không thể chủ quan được".

Nhớ lại những ngày thi căng thẳng, Tín cho biết may mắn là việc nhà đã có mẹ lo toan hết.

"Em thức dậy lúc 5 giờ, ăn sáng xong thì nhờ bác xe ôm quen biết đưa đi thi. Mẹ đã nấu sẵn cơm ở nhà nên trưa chỉ việc về nhà ăn uống, nghỉ ngơi, chiều thi tiếp. Tối đến em tranh thủ ôn bài, 10 giờ là đi ngủ. Sau ngày thi đầu tiên thì tâm trạng cũng khá ổn định. Em thấy đi thi mà cởi bỏ được tâm lý nặng nề thì sẽ làm bài tốt thôi", Tín chia sẻ.

Sau khi tham khảo đáp án của Bộ thì Trọng Tín cảm thấy rất hào hứng. "Nếu không có gì sai sót thì chỉ cần hai môn Hóa (9 hoặc 8 điểm) và Lý (7 đến 8 điểm) thì em đã dư điểm đậu khối A vì ngành em thi lấy điểm thấp lắm".

Chờ đợi để bắt đầu

"Sau kỳ thi thì nhiều bạn chọn cách vui chơi giải trí khác nhau. Có người thì được bố mẹ cho đi du lịch, mua sắm quà. Em thì ở lại Sài Gòn chơi với các bạn, chắc là sẽ họp lớp và liên hoan ở một nơi nào đó. Giờ cũng lớn rồi, sẽ không còn nhiều thời gian để gặp nhau như hồi còn học sinh nữa nên phải tận dụng. Sau đó em sẽ về quê (Tiền Giang) để chờ kết quả chính thức”, Tín cho biết.

Anh chàng này cũng khá tự tin vào đợt thi thứ hai vừa qua.

“Em cũng đã tra đáp án của Bộ và đối chiếu kết quả, khối B môn Hóa em được 9,4 điểm, môn Sinh được 9,2 điểm. Môn Toán em làm cũng khá nên bây giờ em thoải mái lắm. Thời gian chờ kết quả em sẽ sống vui vẻ bên gia đình, không phải lo nghĩ nhiều đến đậu hay rớt nữa. Mình đã làm hết khả năng rồi. Chuyện còn lại từ từ tính tiếp (cười)", Tín cười chia sẻ.

Được hỏi về tâm lý chuẩn bị làm tân sinh viên, nhất là một ngành học như bác sĩ, Tín khiêm tốn: "Khi nào có kết quả chính thức rồi hẳn nói. Thay vì tiếc nuối quá khứ hay mơ mộng đến những điều tương lai thì thời gian em dành hết cho gia đình và bạn bè".

Kỳ thi ĐH đã khép lại cũng là để bắt đầu cho một chặng đường mới, Tín cùng các thí sinh cũng vậy, họ đang có những ngày nghỉ ngơi, giải trí tuyệt vời bên người thân yêu và cũng hồi hộp chờ đợi giây phút đặt chân vào giảng đường.

Bài, ảnh: Diễm Út

Bốn thủ khoa tiết lộ cách làm bài thi khối C
Các thủ khoa bật mí bí quyết làm bài trước "giờ G"
Thủ khoa tốt nghiệp ước mơ trở thành cô giáo
Tuyên dương thủ khoa và học sinh xuất sắc

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/DaoTao/www.thanhnien.com.vn/Thu-khoa-585-diem-bat-mi-ve-ky-thi-DH-2013/11462308.epi

Đắng lòng nữ sinh viên vừa tốt nghiệp bị nước cuốn trôi

Posted: 13 Jul 2013 06:11 AM PDT

Đón đọc ấn phẩm Lao Động Đời sống số 14

Hàng trăm sinh viên và thầy cô giáo xé lòng trước cảnh người cha từ quê vội vã vào Sài Gòn nhận xác con, chỉ khi mới ngày trước, ông nhận tin con đã tốt nghiệp đại học. Niềm vui và hy vọng tương lai tươi sáng phía trước chỉ mới nhen nhúm, chưa kịp gặp mặt con, người cha đã quặn lòng ôm xác con mà khóc!

Buổi chiều định mệnh…

Sẩm tối ngày 8.7, cơn mưa như trút dội xuống khu Làng Đại học Thủ Đức, TPHCM. Các con đường nhỏ bỗng biến thành sông, nước chảy rất mạnh. Đứng chờ mãi mà mưa không tạnh, Đinh Thị Phương Thảo (22 tuổi, quê Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, là sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, vừa tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh) đã cùng cô bạn học chung lớp tên là Thu vội lên xe gắn máy để trở về ký túc xá, vì sợ đường tối nguy hiểm hơn.

"Nhưng không ngờ, đây là lần cuối cùng em thấy bạn mình, khi chúng em cùng đi xe gắn máy từ trường trở về ký túc xá, thì gặp nạn" – Thu tâm sự trong nỗi đau tột cùng. Khi đi đến đoạn đường nội bộ, chỉ còn cách khu ký túc xá sinh viên của Đại học Quốc gia TPHCM vài trăm mét, lúc này mưa vẫn như trút nước, đường mù mịt khơi. Xe gắn máy chở Thu và Thảo vừa băng trên con đường nhỏ, lúc này đã biến thành con suối nước chảy dữ dội. Bất ngờ, một khối nước khổng lồ ầm ầm đổ ập đến, cuốn phăng chiếc xe gắn máy, làm Thảo và Thu ngã nhào. Lúc đó, dòng nước chảy xiết cuốn Thảo và Thu trôi đi.


Ông Đang đau đớn ôm di ảnh con gái mình.

Một ngày sau khi xảy ra vụ việc kinh hoàng này, cô nữ sinh Thu vẫn chưa hết hoảng sợ, kể lại giây phút sinh tử ấy: "Mưa to lắm, nước ngoài đường chảy mênh mông, em và Thảo đang đứng chờ mưa tạnh ở trường, nhưng chờ hoài không thấy dứt, mà trời lại càng lúc càng tối, nên bọn em quyết định đội mưa chạy xe về ký túc xá. Lúc đó, chiếc xe hình như vấp vào cái gì đó, nước ngập gần hết chiếc xe, nước chảy quá mạnh cuốn trôi bọn em, em không thấy gì nữa hết, chỉ quơ tay rồi bám vào một cành cây. Sau đó có một người nông dân phát hiện em đang bám ở cái cây, bên dưới nước chảy rất mạnh, bác đã lôi em lên… thế là em thoát nạn, còn Thảo bị nước cuốn đi đâu mất, em không còn thấy gì nữa".

Ông Trần Thanh An – Giám đốc Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, cái cây nơi sinh viên Thu bám được cách cái cống khoảng 20m. Khi bị nước cuốn trôi, em Thu may mắn bấu víu được vào một cái cây gần cống và được người chăn vịt cứu giúp. Riêng em Thảo bị cuốn phăng về phía rạch Suối Nhum cách đó khoảng 30m rồi mất tích. Sau khi nhận được tin báo, Ban Giám đốc ký túc xá cùng nhiều sinh viên và lực lượng bảo vệ cùng công an địa phương tỏa ra tìm Thảo.

Hơn 2 tiếng đồng hồ sau, mọi người mới phát hiện Thảo nằm bất động cách xa hiện trường nơi ống cống con suối chảy qua. Thảo nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực quận Thủ Đức cấp cứu, nhưng đã muộn.

Đắng lòng người cha ôm xác con gái


Hàng trăm sinh viên, thầy cô giáo tiễn đưa Thảo lần cuối.

Chiều 9.7, hàng trăm sinh viên cùng các thầy cô và Ban Giám đốc ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM tập trung tại nhà Đại thể Bệnh viện Đa khoa khu vực quận Thủ Đức để đưa tiễn sinh viên Đinh Thị Phương Thảo về quê an táng. Dòng người lặng lẽ, đau buồn, ánh mắt thầy cô giáo tiếc thương, các bạn sinh viên cố nén những giọt nước mắt chực trào.

Hình ảnh đau lòng nhất là người cha lặn lội từ Quy Nhơn, Bình Định vào Sài Gòn nhận xác con. Đó là ông Đinh Thành Đang (51 tuổi, cha của Thảo). Với dáng người gầy nhom, trong nỗi đau tột cùng, ông Đang như điên dại vì mới vừa nhận tin con gái đầu lòng báo về gia đình "con đã tốt nghiệp đại học rồi ba ơi!".

Ông Đang tức tưởi: "Nó là con gái lớn trong gia đình, em nó cũng là sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM, đang là sinh viên năm đầu. Tôi vừa nhận tin nó báo đã tốt nghiệp và sẽ xin việc làm ở Sài Gòn, nó còn bảo sẽ kiếm tiền giúp em học hành, đỡ phần nào lo lắng của cha mẹ ở quê… Thế mà chưa kịp vui , tôi đã nhận tin nó mất…".


Tiễn bạn…!

Gia đình ông Đang thuộc diện khó khăn, bản thân ông là thương binh và mang trong người bệnh tim mạch nặng. Câu chuyện đầy nước mắt mà ông Đang vừa khóc vừa kể về con mình khiến hàng trăm người đến tiễn đưa cô sinh viên lần cuối không cầm nổi lòng. Gần 13h chiều 9.7, hàng trăm sinh viên, thầy cô giáo tiễn Thảo lên xe, về quê Bình Định an táng. Chiếc xe cứu thương chở Thảo lăn bánh, tiếng khóc rưng rức, có tiếng nấc nghẹn ở cổ họng xót xa cho số phận cô gái còn quá trẻ.


Nữ sinh Thu (áo carô), bạn cùng lớp với Thảo, là người thoát nạn nhờ bám víu vào cành cây ven suối.

Chiều cùng ngày, sau khi tiễn chiếc xe tang đưa Thảo về quê an táng, tôi tìm gặp một cán bộ công tác tại Đại học Quốc gia TPHCM và được biết Thảo là một sinh viên rất giỏi và năng động. Vừa tốt nghiệp loại giỏi, tương lai đang chờ Thảo phía trước với nhiều hy vọng tươi sáng. "Nhìn cảnh người cha ôm xác con gái, tôi không thể nào cầm lòng" – cán bộ này cho biết.

Cũng theo cán bộ này, đây là một tai nạn đau lòng, nhưng cũng cần nói đến trách nhiệm của những người quản lý Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM. Dự án khu đô thị này đã phát triển một cách lệch pha, xây dựng ký túc xá, trường học rất tốt, nhưng đường sá và cơ sở hạ tầng của Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM lại quá tệ. Nơi sinh viên Thảo và Thu gặp nạn là con đường quá tệ hại so với tầm cỡ một Khu đô thị Đại học Quốc gia.

Con đường dẫn từ khu ký túc xá đến trường học không được xây dựng đàng hoàng, chiếc cống nhỏ để nước chảy ra con Suối Nhum, chỉ cần nước mưa lớn một chút là nước chảy tràn lên mặt đường, người xe đi qua rất dễ lọt xuống dưới, chứ đừng nói là mưa to, kéo dài, thì con đường qua đây là một con suối lớn, nước chảy rất mạnh, đe dọa người xe qua lại nơi này.

Đáng nói hơn nữa, là trong cơn mưa lớn, biết nước chảy mạnh, nguy hiểm, mà Thảo và Thu vẫn phải về ký túc xá, như lời Thu kể lại, vì sợ tối nên phải về. Điều đó cho thấy tình hình an ninh trật tự tại khu vực giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương, khu đô thị đại học này rất bất an bấy lâu nay.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/laodong.com.vn/Dang-long-nu-sinh-vien-vua-tot-nghiep-bi-nuoc-cuon-troi/11462341.epi

Tạm dừng mở ngành đào tạo mới khối khoa học giáo dục, đào tạo …

Posted: 13 Jul 2013 05:11 AM PDT

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản thông báo tới các cơ sở giáo dục đại học về việc tạm dừng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên ở trình độ cao đẳng, đại học.

Việc tạm dừng này nhằm triển khai thực hiện chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm đến năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương rà soát, thống kê và quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước.

Trên cơ sở kết quả rà soát, quy hoạch mạng lưới và những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, quy hoạch phát triển nhân lực sư phạm ở từng địa phương, vùng, miền ở từng giai đoạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành các chính sách cụ thể để cân đối giữa cung- cầu nhân lực sư phạm, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Nguồn: http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/tam-dung-mo-nganh-dao-tao-moi-khoi-khoa-hoc-giao-duc-dao-tao-giao-vien-n20130711152754872.htm

Hoàn thiện hệ thống giáo dục chất lượng cao

Posted: 13 Jul 2013 04:11 AM PDT

Hệ thống giáo dục chất lượng cao Skyline cho biết trường THPT Skyline sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2014 – 2015, quy mô 15 lớp học (5 lớp/khối) theo hình thức xét tuyển học sinh khá, giỏi và đạt chuẩn tiếng Anh.

Hoàn thiện hệ thống giáo dục chất lượng cao

Nhà trường còn liên kết đào tạo với Trung tâm phát triển nguồn nhân lực TP.Đà Nẵng để cung cấp "chất xám" cho địa phương (ảnh).  Ngoài 1 buổi chính khóa, học sinh nhà trường còn tham gia các lớp năng khiếu, kỹ năng, định hướng nghề nghiệp… Trước đó, UBND TP.Đà Nẵng đã công bố quyết định thành lập trường THPT Skyline nhằm hoàn thiện mô hình hệ thống giáo dục chất lượng cao đầu tiên liên thông từ bậc mầm non đến THPT tại TP.Đà Nẵng.

Mục tiêu đầu ra của nhà trường là đưa học sinh vào các trường ĐH chất lượng cao trong và ngoài nước với hai chương trình đào tạo THPT chuẩn quốc tế hoặc chuẩn của Bộ Giáo dục Đào tạo theo hướng chất lượng cao.

Tin, ảnh: Nguyễn Tú

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130713/hoan-thien-he-thong-giao-duc-chat-luong-cao.aspx

Tuyên dương học sinh dũng cảm cứu 5 bạn nhỏ thoát chết

Posted: 13 Jul 2013 03:11 AM PDT

(TNO) Trên sân khấu chương trình Vinh Quang Việt Nam sáng nay 13.7, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã ôm hôn, dành tình cảm chân thành cho cậu học trò Lê Văn Được, người đã có hành động dũng cảm cứu 5 bạn nhỏ thoát chết.

Chương trình Vinh Quang Việt Nam lần thứ 10 năm 2013 có chủ đề Vượt khó đi lên, tôn vinh 15 cá nhân và 11 tập thể có thành tích xuất sắc, không ngừng vượt khó vươn lên đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội, đất nước.

Lê Văn Được, học sinh lớp 9B, THCS Thanh Ngọc (H.Thanh Chương, Nghệ An) là cá nhân nhỏ tuổi nhất được vinh danh trong chương trình này.

Khi cái tên Lê Văn Được được xướng lên, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đưa ánh mắt dõi theo người hùng nhỏ tuổi đang rụt rè bước lên sân khấu. Ngoài trao bằng khen, bà đã có nhiều cử chỉ chân thành, thể hiện tình cảm và sự xúc động trước cậu học trò từng bơi ra giữa sông cứu được 5 bạn nhỏ thoát khỏi tay thần chết.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, qua 10 năm duy trì, chương trình đã tôn vinh những giá trị có ý nghĩa thiết thực trong đời sống xã hội; trở thành thương hiệu có uy tín trong tôn vinh các điển hình tốt, có sức lan tỏa mạnh.

Bằng sự đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước, những tấm gương được tôn vinh trong chương trình này đã góp phần khích lệ, cổ vũ phong trào thi đua hăng hái trong các tầng lớp nhân nhân, tiếp tục đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn cho đất nước.

Như Thanh Niên Online đã đưa tin, chiều ngày 17.6 vừa qua, khi đang chăn trâu bên bờ sông Gang, Được phát hiện 5 em nhỏ đi cùng tắm sông bị đuối nước. Không sợ nguy hiểm, Được lao xuống sông cứu thành công 5 em nhỏ lên bờ. Trong số đó, Được sơ cứu kịp thời giúp 2 em nhỏ thoát khỏi ngạt nước.

 
Bà Nguyễn Thị Doan trao chứng nhận Vinh Quang Việt Nam tuyên dương Lê Văn Được
– Ảnh: Ngọc Thắng

Cảm kích trước hành động dũng cảm này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư riêng khen ngợi; T.Ư Đoàn tặng huy hiệu: Tuổi trẻ dũng cảm cho cá nhân Lên Văn Được.

Trước đó, chiều ngày 12.7, Lê Văn Được và các đại biểu được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 10 đã gặp gỡ và giao lưu với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Trong lần gặp này, Chủ tịch Quốc hội tặng Được chiếc xe đạp dùng làm phương tiện đi học.

Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng trao số tiền 5 triệu đồng do các cá nhân, tập thể gửi tặng cậu học trò này.

 


Phó thủ tướng Nguyễn Thiện nhân trao kỷ niệm chương cho các tập thể – Ảnh: Ngọc Thắng

Chương trình Vinh quang Việt Nam do Báo Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng T.Ư phối hợp tổ chức.

Hoàng Phan

Chủ tịch nước gửi thư khen học sinh Lê Văn Được dũng cảm cứu người
31 lần hiến máu cứu người
Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2: Cứu người trong cơn lũ dữ
Chủ tịch nước gửi thư khen học sinh Lê Văn Được dũng cảm cứu người
Thầy thuốc hiến máu cứu người
Robot cứu người đuối nước
Cứu người tự tử
Giải cứu người con bị cha giam cầm, ngược đãi

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130713/tuyen-duong-hoc-sinh-dung-cam-cuu-5-ban-nho-thoat-chet.aspx

Trường mầm non ưu tiên con cán bộ?

Posted: 13 Jul 2013 03:11 AM PDT

Ảnh minh họa
Lý do: trường ưu tiên nhận con em cán bộ công chức, không còn chỗ cho con em người dân lao động tự do. Anh Đ. bức xúc: "Trường mầm non Hoa Lan ở xã An Phú Tây thông báo phát hành hồ sơ nhận trẻ vào ngày 17/6 dành cho con em cán bộ và ngày 18/6 dành cho người dân thường. Ngày 18 tôi đến trường thì được báo đã hết chỉ tiêu. Liệu có phát sinh tiêu cực trong việc phát hồ sơ? Tại sao con em người dân lao động cư trú trên địa bàn không có chỗ học?".

Phải có xác nhận cha mẹ là công chức

Tương tự, anh Dũng, phụ huynh có con 3 tuổi ở địa bàn P.3, Q.Gò Vấp, bức xúc: "Nhiều năm nay người dân khu vực này túc trực tại Trường mầm non Hoa Hồng nhưng không có chỗ học. Trường ít chỗ nhưng hồ sơ quá nhiều, nhà trường lại ưu tiên con em cán bộ nên có gia đình ở ngay sát trường mà con vẫn không được vào trường".

Trong thông báo tuyển sinh năm học mới của Trường mầm non Thiên Lý (Q.Tân Phú) ngày 21/6 ghi rõ: Phụ huynh liên hệ nhập học cho con cần mang theo bản sao hộ khẩu hoặc KT3, bản sao giấy khai sinh, giấy xác nhận cha mẹ là cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức. Anh Minh Hoàng, phụ huynh có nhà ở gần trường, bức xúc: "Các cháu có cha, mẹ là cán bộ, giáo viên, công nhân, viên chức thì được ưu tiên xét duyệt trước. Nếu như vậy thì không công bằng đối với người dân cũng là lao động nhưng không làm việc ở cơ quan nhà nước. Không hiểu nhà trường căn cứ vào quy định nào mà xét duyệt ưu tiên và đòi hỏi giấy xác nhận như vậy? Tại sao không tiến hành bốc thăm nếu số lượng đăng ký nhiều hơn kế hoạch?".

Có cha mẹ là cán bộ công chức là một trong những yêu cầu được một số quận, huyện tại TP.HCM đưa ra khi tuyển sinh mầm non, nhằm thu hẹp số lượng hồ sơ đăng ký vào trường trong tình cảnh nhu cầu thực tế cao gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp tại Q.7, thứ tự ưu tiên xét tuyển lần lượt là: có hộ khẩu thường trú trong tuyến, là con cán bộ công chức làm việc tại địa bàn quận, có KT3, không có KT3. Q.8 cũng nêu rõ trong thành phần hồ sơ mà phụ huynh nộp, ngoài hộ khẩu, bản sao giấy khai sinh, còn phải có giấy xác nhận có cha, mẹ là công chức làm việc tại Q.8. Ở một số trường mầm non, trong mẫu đơn xin nhập học còn có mục xác nhận cha mẹ là cán bộ công chức, có đóng dấu xác nhận của cơ quan.

Đà Nẵng: ưu tiên tuyển con nhà nghèo, chính sách


Ngày 12/7, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết đã có chỉ đạo
các phòng GD-ĐT trên địa bàn về công tác tuyển sinh trẻ mầm non công lập
năm học 2013-2014. Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải đảm bảo
huy động 100% trẻ 5 tuổi trên địa bàn đến lớp để thực hiện đề án phổ cập
giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Việc tuyển sinh phải ưu tiên tiếp
nhận con hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn phường vào học. Nếu
nhu cầu tuyển sinh vào trường mầm non công lập lớn hơn khả năng tiếp
nhận trẻ của trường, cần có phương án tuyển sinh cụ thể và công khai để
nhân dân được biết.


Ông Nguyễn Đăng Ngưng – trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải
Châu (Đà Nẵng) – cho biết quận có 16 trường mầm non công lập và 22
trường tư thục. Theo chỉ đạo của sở về việc phổ cập giáo dục mầm non cho
trẻ 5 tuổi thì các trường phải vận động hết trẻ đến trường. Nếu trường
nào không vận động hết thì bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ của năm.
Ông Ngưng cũng nói thêm đối với trẻ 3-4 tuổi thì ưu tiên nhận con của
gia đình chính sách, con hộ nghèo. Hiện các trường đang tiến hành nhận
hồ sơ tuyển sinh cho đến hết tháng 7.


ĐOÀN CƯỜNG

Lực bất tòng tâm

Thiếu trường, thiếu chỗ học mầm non trong điều kiện phải tiếp nhận 100% trẻ 5 tuổi để phổ cập đang là mối lo của các trường công lập mỗi mùa tuyển sinh. Vì vậy, không ít trường phải đưa ra các tiêu chí xét tuyển để hạn chế lượng hồ sơ cho phù hợp với khả năng tiếp nhận của trường mình.

Tại Trường mầm non Thiên Lý (Q.Tân Phú), trường đạt chuẩn quốc gia và là một trong những trường mầm non đầu tiên nhận giấy kiểm định chất lượng giáo dục tại TP.HCM, khả năng tiếp nhận trong năm học 2013-2014 là 600 học sinh, trong đó số học sinh 5 tuổi đã gần 300 em. Hơn 300 suất còn lại chia đều cho các lứa tuổi nhà trẻ, mầm, chồi.

Tuy nhiên, số lượng trẻ trên địa bàn ở các độ tuổi này lại cao hơn rất nhiều lần. Nhà trường đành đưa ra các tiêu chí xét duyệt hồ sơ, trong đó ưu tiên 1 là có hộ khẩu, KT3 tại địa bàn, ưu tiên 2 là khai sinh tại địa bàn và ưu tiên 3 là con em cán bộ, công chức làm việc tại Q.Tân Phú.

"Khi xét hết ba dạng ưu tiên này mà vẫn còn chỗ học, trường sẽ tiếp tục tuyển các đối tượng khác. Năm nào trường cũng bị phụ huynh phàn nàn, trường đã cố gắng hết cách nhưng không thể đáp ứng hết nhu cầu. Nếu nhận quá đông, sĩ số sẽ không đảm bảo yêu cầu của trường chuẩn. Vì vậy, trường phải đưa ra các tiêu chí ưu tiên. Trong đó, việc ưu tiên con em cán bộ công nhân viên chức là bởi thời gian hoạt động của trường phù hợp và thuận lợi cho giờ giấc làm việc, đưa đón con của cán bộ công chức" – cô Trương Hồng Phượng, hiệu trưởng nhà trường, giải thích.

Cô Nguyễn Thị Trúc Ly, phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện  Bình Chánh, cho biết đã làm việc với Trường mầm non Hoa Lan sau khi nhận được phản ảnh của phụ huynh về việc ưu tiên tuyển sinh con em cán bộ. Cô Ly giải thích: "Sau khi ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi, hiện các trường mầm non công lập trên địa bàn không đủ chỗ để nhận hết trẻ có hộ khẩu thường trú ở các độ tuổi nhà trẻ, mầm, chồi. Trường mầm non Hoa Lan chỉ có khả năng tiếp nhận thêm một vài trẻ ở lứa tuổi này, vì vậy không thể tuyển rộng rãi mà có chế độ ưu tiên cụ thể. Khi phụ huynh đến thì trường đã hết chỗ, tuy nhiên người tiếp nhận hồ sơ không giải thích rõ khiến phụ huynh bức xúc".

Các quận, huyện có số dân nhập cư đông như Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân… cũng gặp phải những khó khăn tương tự. Thậm chí tại Q.Gò Vấp, trẻ 5 tuổi cũng không đủ chỗ học tại các trường công lập. Phòng giáo dục phải phân tuyến trẻ 5 tuổi ở một số phường vào học các trường tư thục hoặc các trường công ở địa bàn lân cận. Trẻ 5 tuổi còn thiếu chỗ học nên các lứa tuổi còn lại khó mà tìm được một suất vào trường công, dẫn đến nhiều bức xúc, cự cãi giữa phụ huynh với các trường gần nhà khi nhận được thông báo "hết chỉ tiêu".

 


Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/DaoTao/alobacsi.vn/Truong-mam-non-uu-tien-con-can-bo/11462300.epi

Quỳnh Anh Shyn: ‘Tôi đang giảm cân’

Posted: 13 Jul 2013 03:11 AM PDT


Xuất hiện trong một sự kiện của sinh viên, hot girl Quỳnh Anh Shyn đã khẳng định hoàn toàn không “đụng dao kéo” hay sử dụng công nghệ thẩm mỹ như tin đồn gần đây.

Là khách mời trong sự kiện Hội thao mừng sinh nhật cao đẳng Thực hành FPT, diễn ra vào sáng nay (13/7), Quỳnh Anh Shyn lập tức nhận được sự chú ý của rất nhiều bạn trẻ bởi vẻ ngoài xinh xắn, nụ cười hút hồn của mình.


Hot girl Quỳnh Anh Shyn rạng rỡ sau nghi án độn cằm.

Sau tin đồn hot girl này học tập đàn chị sử dụng filler – chất làm đầy với những tác dụng như một thần dược nâng ngực, nâng mũi, xóa nhăn, tạo dáng mặt, Quỳnh Anh Shyn vẫn tự tin tạo dáng trước ống kính và không ngại nhận lời chụp ảnh với rất nhiều sinh viên có mặt tại sự kiện này.


Cô nàng là khách mời của chương trình hội thao chào mừng kỷ niệm sinh nhật ba năm cao đẳng Thực hành FPT.

Tươi cười trước ống kính.

Trước đó, trên trang mạng xã hội, Quỳnh Anh đã viết chia sẻ minh oan cho mình khi xuất hiện tin đồn thất thiệt này. Sáng nay, hot girl này một lần nữa khẳng định: "Em không hề sử dụng bất cứ biện pháp thẩm mỹ nào".

Khi được hỏi lý do bị nghi ngờ độn cằm, hot girl này chia sẻ: "Thời gian gần đây em có tập gym và giảm cân khá nhiều, vì vậy khuôn mặt cũng gầy đi khiến mọi người hiểu lầm".

Không chỉ là khách mời đến giao lưu cùng sinh viên của trường, cô nàng còn trực tiếp làm kem dành tặng những bạn trẻ có mặt tại sự kiện này.


Quỳnh Anh tự tay làm kem tặng các bạn sinh viên.

Tạo dáng xì tin trước ống kính.

Chăm chút từng chiếc kem.


Nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Bên cạnh đó, chương trình còn thu hút hàng nghìn sinh viên bởi màn biểu diễn võ thuật hấp dẫn của câu lạc bộ Vovinam, hay tham gia những trò chơi vui nhộn như kéo co, đua thuyền rồng cạn để dành phần thưởng hấp dẫn từ ban tổ chức. Đây là một hoạt động ý nghĩa do chính các sinh viên tổ chức, dành tặng ngôi trường thân yêu, nhận dịp sinh nhật tròn ba tuổi.

An Hoàng

Theo Infonet

Nguồn: http://news.zing.vn/nhip-song-tre/quynh-anh-shyn-toi-dang-giam-can/a334892.html

Theo chân người thầy giáo anh hùng thăm lại vùng ngã ba biên giới

Posted: 13 Jul 2013 03:10 AM PDT

Khó khăn, gian khổ đã không làm nhụt chí người trai trẻ. Xóa mù chữ, dựng ký túc xá dân nuôi đầu tiên của miền Bắc và những thành tích đáng nể trong giáo dục của người thầy giáo này chưa bao giờ là câu chuyện cũ đối với người Hà Nhì ở Mường Tè.


Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn trong cuộc nói chuyện với học trò cũ và thầy trò trường Mù Cả.

Mấy chục năm sau, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Bôn, nay đã ngoài 70 tuổi, trở lại vùng đất Mù Cả bốn mùa sương núi phủ. Thế hệ học trò đầu tiên của ông đã mắt mờ, đầu bạc. Họ đã cùng nhau khóc những giọt nước mắt thấm đẫm tình thầy trò.


Vạch lối tìm đường đi dạy chữ

Những ngày cuối tháng 9.1959, bà con vùng Việt Bắc và Tây Bắc đã đón hơn 500 nhà giáo trẻ tình nguyện dấn thân vào những vùng lam sơn chướng khí để xóa mù chữ – "diệt giặc dốt" theo lời kêu gọi của chính phủ và Bác Hồ. Thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Bôn cùng 18 đồng nghiệp khác đã vượt rừng, lội suối vào huyện Mường Tè – vùng đất xa xăm và hoang vu, nơi "một con gà gáy 3 nước Việt – Trung – Lào nghe tiếng" để dạy chữ. Mỗi người họ được tặng 1 chiếc áo bông, 1 chiếc chăn chiên và 30 viên "ký ninh" chống sốt rét.

Trong suốt 6 ngày đi bộ từ Lai Châu vào đến Mù Cả, thầy giáo Bôn đã phải vạch lá tìm lối mà đi. Hàng trăm vạn con vắt như giá đỗ đổ vung vãi ra đường, ngóc đầu ngoe nguẩy chực lao vào hút máu những chàng trai miền xuôi chưa bao giờ biết đến rừng núi. Người đi cứ phải bôi dầu, bôi xà phòng vào chân rồi vừa đi vừa chạy. Cái tên xã Mù Cả ngày ấy còn mang nghĩa dân gian là…"mù tất cả". Không một người dân nào biết chữ, không có một "chi tiết thực tế" nào liên quan đến 2 chữ "y tế". Các em bé Hà Nhì được sinh ra giữa núi rừng, hoang vu như cây cỏ, bé trai đến tuổi lấy vợ, bé gái đến tuổi thì lấy chồng. Nhà nào cũng có ít nhất một cái bàn đèn thuốc phiện, mỗi buổi sớm ban mai, họ ra nương rẫy quanh nhà khênh xác hoang thú bị hổ sói moi ruột đem về chia đều cho cả bản… Một "thế giới khác" lem luốc và nhọc nhằn hiện ra trước mắt chàng trai trẻ miền xuôi.

Thế rồi, cái chòi nhỏ tranh tre nứa lá cũng được dựng lên. Thầy Bôn cùng ông Chủ tịch xã Hoàng A Hù vượt núi, đi khắp các bản Mù Cả, Xi Nế, Gò Cứ, Ma Ký… nằm lẻ loi giữa rừng già và lớp lớp núi cao, đến từng nhà, vận động bà con cho các em nhỏ đi học chữ. Người lớn đều lắc đầu bảo: "Ố mạ tù nhạ" – "người Hà Nhì không biết học đâu, người Hà Nhì không có chữ vì cái chữ đã bị nuốt mất vào trong bụng rồi". Kiên trì vận động, cuối cùng, thầy Bôn cũng tổ chức được lớp học với gần bốn chục học sinh. Đó là những người Hà Nhì biết chữ đầu tiên của ở vùng đất Mù Cả – ngã ba biên giới.

Lần này, trở lại Mù Cả thăm quê hương thứ hai của mình, ông Bôn bồn chồn, xúc động lắm. Vừa bước xuống xe, những người học trò già mặc quần áo Hà Nhì sặc sỡ tua rua đã vây lấy ông, nắm tay, bá cổ rồi khóc nức nở. Họ là bà Go Sừ (65 tuổi) – Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 7, nguyên PCT Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu; là bà Pờ Phí Nhù (65 tuổi) – Nguyên Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Tè; là ông Lỳ Go Hừ (68 tuổi) – Nguyên Phó trưởng phòng Văn hóa huyện Mường Tè; là ông Pờ Hờ Lòng (63 tuổi) – Nguyên Bí thư xã Mù Cả…. Tất cả 35 người trong lứa học trò đầu tiên của thầy Bôn đều trưởng thành, nhiều người học hành đỗ đạt, nhiều người ở lại tiếp gót nghề giáo của thầy. Họ đã góp không ít công sức xây dựng đất Mường Tè – Lai Châu.


Thầy Bôn gặp lại các học trò của mình ở Mù Cả.


Viết chữ lên trời, lên lá chuối, lên lưng trâu

Thuở ấy, muốn đi từ bản nọ sang bản kia của xã Mù Cả phải hết 1 ngày đường. Thấy dân cư quá thưa thớt, ông giáo Bôn tính chuyện tập trung học trò lại để học. Rồi ông kéo học sinh về "ký túc xá" của trường ở bản Mù Cả, vận động bà con đóng góp dựng lều lán cho con em mình ở, cho các em mang gạo đến trường tự thổi cơm đi học. Ông Bôn tự hào kể lại: "Đó là mô hình ký túc xá dân nuôi đầu tiên của toàn miền Bắc, được nêu gương điển hình toàn quốc đấy. Học sinh lớp 3 đã biết tự sản xuất lúa gạo, rồi đến khi thu hoạch được hàng tấn thóc, lập thành những kho lúa khổng lồ lúc ấy. Nhà trường còn đổi thóc lấy đèn măng xông, máy phát nhạc phục vụ việc học, đổi lấy trâu bò để cày cấy nữa ".

Thầy giáo Bôn còn tổ chức mô hình trường học hết sức khoa học và quy mô với vườn hoa có đài phun nước, vườn thuốc nam, vườn khí tượng, đài quan sát thiên văn, thư viện… Thầy trò trường Mù Cả còn lập hẳn một cái "bảo tàng" với đủ các mẫu hiện vật trưng bày. Ông Bôn vui vẻ kể lại: "Ngày ấy tôi kêu gọi học sinh sưu tầm bàn đèn thuốc phiện đưa vào bảo tàng trưng bày, để học về tác hại của thuốc phiện. Lớp tôi có 35 học sinh thì chúng đem theo 35 cái bàn đèn thuốc phiện bằng đồng chạm trổ rất tinh vi đến. Thế mới biết, ngày ấy, Mù Cả nhiều người nghiện thế nào". Rồi đến "góc sinh vật" với đủ các loại con vật từ con chim, con lợn con, kỳ đà, tắc kè… được ngâm vào rượu 45 "độ" trong những chiếc bình thủy tinh nhỏ mà thầy Bôn đã cất công mang ở dưới xuôi lên mỗi lần đi công tác. Thầy còn dạy học sinh bắt các loại bướm, ép khô rồi đem vào phục vụ trực quan sinh động cho sách giáo khoa.

Bà Pờ Phí Nhù kể lại: "Ngày ấy, thầy trò còn dẫn nước về trường qua mấy quả đồi cao mà người dân không ai tin rằng có thể làm được. Giờ con suối ấy vẫn mang tên "Suối Thầy Giáo". Thầy còn làm đài phát thanh chạy bằng cái đèn măng xông. Cả bản đã khóc nức nở khi chiếc đài phát thanh của thầy giáo bắt được Đài Tiếng nói Việt Nam đấy".

Bà Go Sừ thì sụt sùi nhớ lại: "Thầy giáo còn làm cả xà đơn, xà kép trong trường – những thứ mà trẻ con người Hà Nhì chưa bao giờ nhìn thấy. Những ngày đầu, không có bút, giấy gì cả, thầy Bôn đưa tay thế nào, chúng tôi đưa tay thế ấy viết thành chữ O, chữ A trong… không khí. Rồi thầy dạy chúng tôi viết chữ lên lá chuối, viết ra cả mặt đất. Chỗ nào cũng viết. Thầy còn viết chữ lên lưng trâu cho chúng tôi ôn bài mỗi khi lên nương nữa…"


Áng trường ca bất tuyệt kể hàng đêm

Ông Bôn nhớ lại câu chuyện khiến ông buồn lòng suốt bao năm qua: "Thời kỳ dạy lớp 3, trẻ con trong bản có mang cho tôi 2 con quạ nhỏ, không hề có tí lông nào, nó bảo để thầy nuôi. Một con yếu quá, chết ngay lúc đấy. Còn 1 con, tôi nuôi nó lớn, mọc lông cánh đầy đủ. Tôi cứ đi đến đâu là nó đi đến đấy. Nó ở đỉnh núi kia, cứ nhìn thấy mình mặc cái áo trắng cái là nó bay vù vù đến. Sau nó vào trong bản nó cắp cả thìa, cả đũa mang về trường. Dân họ thấy thì mới cười bảo: Nó mang về cho ông Bôn đấy!". Sau này, khi trở về xuôi, ông Bôn để con quạ lại cho mấy anh em giáo viên nuôi. Con quạ nhớ chủ ngẩn ngơ rồi bay đi nơi khác. Nửa tháng sau nó quay về cổng trường tìm người. Cậu giáo viên trẻ gọi nó không được, mới cầm súng trường ngắm rồi bắn chết. Ông Bôn không ngờ con vật ấy vì trung thành mà lại chết thảm. Bao nhiêu năm, ông vẫn cứ trách mình sao không mang nó về xuôi? Đến giờ, bản Mù Cả vẫn lưu truyền câu chuyện ấy. Người Hà Nhì bảo nhau: "Ông ấy là thợ Giời đấy, con quạ là loài hoang mà ông ấy dạy được khôn như thế thì dạy con người còn khôn đến mức nào nữa".

Ông giáo Bôn thương yêu học trò như ruột thịt của mình. Mùa đông Tây Bắc lạnh cắt da cắt thịt, ông chỉ có 1 chiếc chăn chiên và 1 chiếc áo bông. Trời rét như muốn đóng băng mọi thứ, ông lấy áo bông của mình khoác cho học trò. Ông cắt đôi tấm chăn chiên của mình rồi chia cho 2 học trò mỗi người 1 nửa. Câu chuyện ấy đã đi vào chương trình giảng dạy trong SGK, làm nức lòng nhiều thế hệ học sinh một thời. Hai người học trò được thầy cho chăn ấy là Toán Pó Nhù và Pờ Phí Nhù. Bây giờ, mỗi lần nhắc đến thầy Bôn, họ đều ôm mặt nức nở. Bà Phí Nhù lại khóc: "Thầy quá là bố mẹ rồi thầy ơi. Không biết tả thế nào cho hết tình cảm cả".

Từ nơi rừng núi Mù Cả hoang sơ và xa diệu vợi, trường học của thầy giáo Bôn đã trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời giáo dục cả nước. Năm 1962, ông Nguyễn Văn Bôn về Hà Nội báo cáo điển hình, được gặp Bác Hồ, được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông là vị anh hùng đầu tiên của ngành giáo dục phổ thông nước nhà. Đến năm 1963, Mù Cả là xã duy nhất của rẻo cao nước ta được công nhận xóa xong nạn mù chữ. Những câu chuyện về thầy giáo anh hùng Nguyễn Văn Bôn và những người học trò của mình cứ miên man như một áng trường ca bất tuyệt của người Hà Nhì kể hằng đêm bên những chén rượu nồng nàn say men núi rừng Tây Bắc.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/laodong.com.vn/Theo-chan-nguoi-thay-giao-anh-hung-tham-lai-vung-nga-ba-bien-gioi/11459963.epi

Phú Thọ chuẩn bị phổ cập hát xoan

Posted: 13 Jul 2013 12:10 AM PDT

Những thông số này khiến các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng Phú Thọ chuẩn bị “xoan hóa” và “ngợp” trong xoan.

Sân khấu hóa di sản

Theo đề nghị của Sở VHTTDL Phú Thọ, Sở GDĐT Phú Thọ đã chấp thuận phương án xây dựng kế hoạch dạy hát xoan trong nhà trường giai đoạn 2012 – 2015. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, từ tháng 11/2012, Sở GDĐT tỉnh Phú Thọ tiến hành bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên, đồng thời, mua sắm trang thiết bị, in ấn tài liệu hát xoan.

Với mục đích truyền dạy và phổ biến hát xoan, trong đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – hát xoan giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã xây dựng mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2015, phấn đấu 30% người dân Phú Thọ hiểu biết về hát xoan, riêng TP Việt Trì là 50%, tỷ lệ người dân biết hát xoan là 10% và Việt Trì là 25%. Đến năm 2020, tỷ lệ này có thể được nâng lên là 60 – 80%. Ghi nhận sự vào cuộc nhanh chóng của Phú Thọ trong việc bảo vệ hát xoan, song nhìn vào các thông tin mà đề án bảo tồn và phát huy giá trị hát xoan đưa ra, PGS.TS Nguyễn Chí Bền, PGS.TS Đặng Văn Bài, TS Nguyễn Thị Minh Lý, GS.TS Lưu Trần Tiêu… đều “choáng ngợp” trước tình trạng xoan hóa, đưa hát xoan thành nghệ thuật trình diễn nhiều hơn đề cao giá trị văn hóa.

Ông Nguyễn Chí Bền cho rằng: “Chúng ta đã đặt trên vai học sinh quá nhiều gánh nặng, quá nhiều di sản được đề nghị đưa vào nội dung giảng dạy. Bây giờ lại thêm hát xoan nữa liệu có hiệu quả? Theo tôi, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cần có ý kiến thẩm định trước các đề án đưa ra”. GS.TS Tô Ngọc Thanh lưu ý chủ nhiệm đề án cần tránh đi vào “vết xe đổ” của nhiều di sản khác là sân khấu hóa hát xoan…

Bên cạnh ý kiến phản đối, cũng có nhiều ý kiến đồng tình và yêu cầu chỉnh sửa đề án. TS Nguyễn Thị Minh Lý quan niệm, không nên bỏ qua cơ hội giáo dục di sản cho học sinh. Bản thân các nhà làm di sản sẽ có cách giáo dục hấp dẫn mà không lý thuyết, khô cứng. TS Đoàn Mạnh Hùng – Vụ trưởng Vụ GDĐT của Bộ VHTTDL lưu ý, cần bám sát vào hướng dẫn của Bộ về đưa di sản vào các cấp. Ông Hùng quan niệm, rất có thể quá trình giảng dạy cho học sinh sẽ tìm được nguồn nhân lực trẻ cho di sản. Cho dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song các nhà nghiên cứu đã nhất trí, tỉnh Phú Thọ nên tập trung bảo tồn 4 phường xoan gốc hơn là bảo tồn mang tính dàn trải như hiện nay, vừa không hiệu quả lại vừa gượng ép.

Đề án bảo tồn đầu tiên

Đề án bảo tồn và phát huy giá trị hát xoan vừa đưa ra đã được sửa thảo lần 2 với nguồn kinh phí dự tính là 196 tỷ đồng, thấp hơn so với kinh phí dự tính ban đầu là hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính, Bộ KHĐT đều lưu ý về tính khả thi của việc thu hút nguồn vốn. Đặc biệt, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa chỉ có thể hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này. Ngoài ra, đề án còn tách biệt việc bảo tồn di sản hát xoan với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong khi theo PGS.TS Đặng Văn Bài: “Hát xoan là một biểu hiện điển hình của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tại sao chúng ta không gộp 2 đề án làm 1. Nếu tách biệt và làm thêm đề án tốn gần 200 tỷ đồng bảo tồn thì lấy đâu ra?”.

Các nhà khoa học và đơn vị quản lý tập trung bày tỏ quan điểm về những mặt chưa được của đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – hát xoan giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020. Nhưng phải công nhận rằng, so với 5 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, mặc dù di sản hát xoan Phú Thọ được công nhận sau, nhưng lại là nơi đầu tiên có đề án bảo tồn và phát huy giá trị. Tỉnh Phú Thọ cũng là nơi thực hiện tốt chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân hát xoan, trước khi Nghị định xét tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú được ban hành. Chính điều này đã góp phần bảo vệ hát xoan, dễ dàng hoàn thành mục tiêu đưa di sản khỏi danh sách cần bảo vệ khân cấp trong thời gian tới.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/www.ktdt.com.vn/Phu-Tho-chuan-bi-pho-cap-hat-xoan/11459969.epi

Lên chức ông, bà vẫn thi đại học

Posted: 12 Jul 2013 11:11 PM PDT

(VTC News)- Dù đã có gia đình yên ấm cùng các con, các cháu nhưng những sĩ tử "tóc bạc" vẫn quyết tâm chinh phục giấc mơ đại học.

Gần đây, dư luận cả nước xôn xao xung quanh thông tư của Bộ GD-ĐT về việc cộng 2 điểm cho "Mẹ Việt Nam anh hùng" thi đại học. Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng thông tư của Bộ GD-ĐT đưa ra không phù hợp với thực tế.

Theo lý giải của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Cục Người có công (Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội), những "Mẹ Việt Nam anh hùng" trong thời kỳ mới rất có thể chỉ khoảng độ tuổi 30- 40 tuổi. Những bà mẹ này  hoàn toàn có thể tham gia vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Xung quanh vấn đề này, VTC News xin điểm lại những trường hợp sĩ tử đã lên chức ông, bà nhưng vẫn quyết tâm chinh phục giấc mơ đại học.

Lên chức, ông bà, đại học, bạc đầu, sĩ tử, cao tuổi, Mẹ Việt Nam anh hùngDù đã lên chức ông, bà nhưng nhiều sĩ tử “đầu bạc” vẫn tham gia thi đại học 
63 tuổi 5 lần trốn vợ thi đại học

Đó là thí sinh Nguyễn Văn Minh (63 tuổi), trú tại phường 1, TP.Đông Hà (Quảng Trị), vừa trốn vợ con đi thi đại học lần thứ 5 tại Huế.

Ông Minh có 3 người con thì cả 3 đều đã tốt nghiệp ĐH. Trước đây, ông từng học Trường Trung cấp Sư phạm An Cựu (Thừa Thiên- Huế). Sau khi ra trường, ông làm giáo viên tiểu học. Đến năm 1988, vì lý do sức khỏe ông phải về hưu sớm rồi xin làm bảo vệ tại Đài Truyền thanh Quảng Trị cho đến nay.

Thí sinh Nguyễn Văn Minh. Thí sinh Nguyễn Văn Minh.  
Mê học từ nhỏ nên hàng ngày, với công việc bảo vệ không quá bận rộn, ông Minh lại đem sách vở ra tự học. Ông thường mua bộ đề câu hỏi về nghiên cứu, tự giải, câu nào khó ông nhờ con cái bày vẽ.

Ông Minh cho biết, năm 2008, ông thi vào ngành kiến trúc thuộc Trường ĐH Khoa học Huế nhưng không đỗ. Đến năm 2010, ông đăng ký dự thi vào ngành vật lý Trường ĐH Khoa học Huế nhưng vì đau răng nên đành bỏ thi.

Năm 2011, 2012 ông tiếp tục dự thi vào ngành vật lý, nhưng lại trượt. 4 năm trời đeo đuổi thi khối A không đậu, năm nay ông Minh thay đổi "chiến thuật", chuyển qua thi khối D, vào ngành sư phạm tiếng Pháp của Trường ĐH Ngoại ngữ.

"Khi nghe tôi tiếp tục đi thi đại học, vợ con phản đối kịch liệt, một vài người hàng xóm còn nói tôi là thằng dở hơi, điên điên. Nhưng thực ra, tôi quyết tâm thi đỗ đại học vì tôi mê cái sự học thôi" – ông Minh tâm sự.

Để có lộ phí đi thi, mỗi ngày ông Minh giấu vợ, dành ra 500 – 1.000 đồng, ngày nào nhiều thì 2.000 đồng bỏ vào heo đất. Kỳ thi ĐH năm nay, ông có khoản tiền 300.000 đồng để vào Huế "vượt vũ môn".

Để tiết kiệm chi phí, ông đem theo 5 ổ bánh mì không để ăn trong 2 ngày thi. Sợ bị mất tiền, ông đã gửi 200.000 đồng cho bác bảo vệ Trường ĐH Nông Lâm để hàng đêm lang thang quanh khu vực thi, tiện chỗ nào ngủ chỗ đó.

Tham gia kỳ thi đại học năm nay, ông Minh xác lập hai kỷ lục, là thí sinh lớn tuổi nhất, đồng thời là thí sinh có số lần đi thi đại học nhiều nhất tại Huế.

"Kỳ thi năm nay tôi làm bài cũng tạm ổn, được nhất là môn văn. Hy vọng năm nay tôi sẽ đậu đại học. Nếu không đậu, sang năm tôi sẽ vào Đà Nẵng thi" – ông Minh quả quyết.

Có hai cháu nội vẫn quyết tâm thi đại học

Mùa thi đại học năm 2012, tại điểm thi Trường THCS Hưng Bình, TP. Vinh, Nghệ An thuộc cụm thi Vinh có một thí sinh đặc biệt cũng tham gia kỳ thi. Đó là thí sinh Nguyễn Thị Phong, dự thi khối C vào ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM. Thời điểm dự thi đại học, bà Phong 56 tuổi và đã có 2 cháu nội.

 Thí sinh Nguyễn Thị Phong Thí sinh Nguyễn Thị Phong
Bà Phong chia sẻ lý do đăng ký dự thi đại học vì muốn thử sức mình xem có tụt hậu với thế hệ trẻ ngày nay hay không.

Được biết, bà Nguyễn Thị Phong sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, bố công tác trong ngành quân đội. Bản thân bà trước đây cũng được gia đình cho ăn học tử tế.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bà thi đậu vào trường ĐH Thủy lợi nhưng do nhận được giấy báo trúng tuyển quá muộn nên không được nhập học.

Sau lần vào đại học hụt, bà xung phong lên Nông trường 3-2, đóng tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An làm công nhân rồi đi học thêm và được phân công làm kế toán của nông trường.

Năm 1978, bà lấy chồng, sinh được một con trai. Thế nhưng sau đó mỗi người mỗi ngả, bà phải ở vậy nuôi con một mình.

Sau thời gian dài gắn bó với nông trường 3-2, bà xin nghỉ và chuyển vào Đà Lạt sinh sống.

Con trai của bà là Nguyễn Tử Ngọc Anh học giỏi nên sớm thành đạt. Hiện con trai bà Phong đang là Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực ở Sài Gòn, đã có vợ và hai cháu nhỏ.

Sau 4 năm sống ở Đà Lạt, bà về quê ở Thanh Chương và đi thêm bước nữa với một người đàn ông cũng đã từng có vợ. Cuộc sống cứ thế bình yên trôi đi. Khi đáng lẽ an nhàn tuổi già, sống vui vẻ bên con cháu thì bà đột ngột quyết định đi thi đại học.

Lo ngại ý tưởng của mình bị cho là có phần không bình thường, chồng con sẽ phản đối, thế nhưng, ngược lại, cả gia đình đều ủng hộ bà. Riêng cô con dâu hiếu thảo của bà còn gửi từ Sài Gòn về cho 3 bộ đề thi khối C để ôn luyện.

Khi làm hồ sơ dự thi, bà quyết định thi vào trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM.

Cho đến ngày thi, bà lại một mình khăn gói bắt xe xuống TP. Vinh. "Con cái ở xa, chồng thì già yếu, nên tôi phải tự bắt xe đi một mình. Xuống đây tôi ở nhà một người quen nên việc ăn ở trong những ngày thi không phải lo", bà Phong cho hay.

Bà cũng cho hay dự thi thí sinh bậc con, bậc cháu nên lúc đầu cũng bị "ngợp".

Tuy nhiên, khi làm bài được một lúc thì bà đã lấy lại bình tĩnh, tự tin làm bài đến hết giờ. Chỉ đến khi trống báo hiệu nộp bài vang lên bà mới chịu buông bút.

38 tuổi làm thuê bốc vác 4 lần thi đại học

7h sáng, người đàn ông này đạp xe đạp, mang theo ổ bánh mỳ, phi thẳng vào cổng trường thì bị các bạn sinh viên tình nguyện chặn xe lại và nói: "Chú ơi chú không vào được, chú mang bánh mì cho con ạ, em thi phòng nào để cháu mang vào giúp chú".

Phải đến khi tận mắt xem giấy báo dự thi, các bạn tình nguyện mới tin người đàn ông này là thí sinh.

Được biết anh là Đoàn Hưng, sinh sống tại quận 10, TP.HCM, thi vào khoa Hóa, trường đại học sư phạm TP.HCM. Anh Hưng cho biết đây là lần thứ 4 anh đi thi đại học.

Anh kể ngày xưa gia đình nghèo khổ, không có tiền cho đi học nên anh chỉ học hết lớp bổ túc giáo dục thường xuyên của quận. Nhiều năm liền anh tự ôn rồi đi thi nhưng không đỗ.

Thí sinh Đoàn Hưng đi thi đại họcThí sinh Đoàn Hưng đi thi đại học
Hiện tại, anh làm đủ nghề, ai thuê gì làm nấy, như bốc vác, phu xe. Ban ngày đi làm, tối về ôn thi. "Đâu có tiền như người ta mà đóng mấy triệu vào các lò luyện thi đại học. Tôi tới các nhà sách mua sách về học, đâu quen biết ai mà nhờ người ta chỉ dùm. Thi thoảng tôi lên mạng tìm đề thi các năm trước rồi tự giải" – anh Hưng chia sẻ.

Anh Hưng cho biết nếu năm nay không đỗ đại học, năm sau anh sẽ tiếp tục dự thi. Người đàn ông này luôn tâm niệm: "Nick bị cụt tay, cụt chân nhưng không bỏ cuộc, học và thành đạt. Tại sao mình có tay có chân mình lại không học được”.

 Khởi Nguyên (tổng hợp)

Nguồn: http://vtc.vn/538-394701/giao-duc/len-chuc-ong-ba-van-thi-dai-hoc.htm

Comments