Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Xúc động cha già cõng con đến trường thi

Posted: 04 Jul 2013 08:21 AM PDT

(GDTĐ) - Thí sinh gương mặt xinh đẹp nhưng hai chân teo nhỏ vì dị tật trên lưng người cha già mặc bộ quân phục bạc màu, gương mặt đen sạm vì nắng gió – hình ảnh tại điểm thi Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã khiến nhiều người xúc động.

Chú Phiên cõng con gái về ký túc. Ảnh: gdtd.vn
Chú Phiên cõng con gái về ký túc, nơi hai cha con ở trọ trong 3 ngày thi. Ảnh: gdtd.vn

Vũ Thị Hoài – Học sinh Trường THPT Đông Hưng Hà (huyện Hưng Hà, Thái Bình) – là thí sinh dự thi khoa Công nghệ Thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Ngay từ lúc lọt lòng, đôi chân Hoài đã dị dạng khác thường. Nhà nghèo, bố mẹ đều làm nông nghiệp, lúc nào Hoài cũng mong mỏi được học, được trở thành trí thức để tự nuôi sống bản thân, không giống các anh chị của em, không ai học quá cấp 2.

Đôi chân không thể tự đi lại, hàng ngày, cha hoặc mẹ phải thay phiên cõng em đến trường. Biết bao nhiêu khó khăn phải đối mặt trong suốt 12 năm học, vậy mà năm học nào Hoài cũng là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi.

"Nhiều anh chị còn tật nguyền hơn em nhưng họ vẫn phấn đấu để trở thành người thành đạt trong cuộc sống, có đóng góp cho xã hội. Em cũng mong được như các anh chị. Ước mơ của em sau này trở thành một lập trình viên giỏi, có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân và đỡ đần cha mẹ. Em chọn thi vào Học viện Bưu chính Viễn thông và quyết tâm thi đỗ vào trường.

Hai ngày qua, mơ ước vào trường của em càng lớn hơn. Các anh chị, thầy cô ở trường quá tốt, không chỉ giúp em lên được phòng thi an toàn mà còn đến động viên, thăm hỏi, tặng quà. Ngay thầy Phó giám đốc Học viện cũng đã đích thân xuống phòng em hỏi thăm, động viên." – Hoài tâm sự.

Chú Vũ Văn Phiên – cha của Hoài – từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Theo chú, Hoài có thể bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. 

Vũ
Vũ Thị Hoài xem lại kiến thức môn Hóa chuẩn bị cho ngày thi sáng mai. Ảnh: gdtd.vn

Tự hào về cô con gái giàu nghị lực, chú Phiên kể lại: Hoài rất ham học. Đầu tiên, gia đình chỉ xác định cho con bé học hết cấp 2 nhưng nó năn nỉ được học tiếp nên gia đình cố gắng khắc phục khó khăn. Thời gian cấp 1, 2 trường ở khá gần nhà nên hai vợ chồng hoặc các anh chị thay phiên nhau cõng Hoài tới trường. Lên cấp 3, các anh chị đều đi làm xa, cả nhà chỉ còn 3 người, trường lại xa cách nhà đến 4 cây số nên việc đi lại rất vất vả:

"Chúng tôi làm nông, ở nhà còn ruộng nương, lại chăm sóc bố mẹ già yếu nhưng vẫn phải bố trí ngày 4 lượt đưa con đi về bằng xe máy, hôm nào học hai buổi là 8 lượt đi về. Nếu cháu thi đỗ ĐH, tôi mừng nhưng cũng lo nhiều lắm, một phần vì kinh tế, nhưng cái chính vẫn vì không yên tâm khi con không có cha mẹ ở bên. Trước khi đi thi, hai cha con đã cùng bàn bạc, nếu cháu đỗ tôi sẽ lên ở cùng tháng đầu, sau đó chắc sẽ phải nhờ cậy vào sự giúp đỡ của bạn bè, nhà trường" – chú Phiên chia sẻ.

Khi phóng viên hỏi về trường hợp của thí sinh Vũ Thị Hoài, ông Lê Hữu Lập – Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông – cho biết: Trường hợp như của em có thể được xét tuyển thẳng vào ĐH. "Nếu kết quả thi của Hoài tốt, đủ điểm đỗ thì không sao, nhưng nếu có khó khăn, em có thể làm đơn xin đặc cách, nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện. Chúng tôi cũng đã nói với em và gia đình về chuyện này." -ông Lập khẳng định.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/xuc-dong-cha-gia-cong-con-den-truong-thi-1970622/

Hai mẹ con xương thủy tinh xuống núi thi đại học

Posted: 04 Jul 2013 08:21 AM PDT

Giữa trời nắng gắt, bà Trần Thị Liên (40 tuổi, trú tổ 5, phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum) vịn cánh cửa đứng chờ con gái Võ Thị Thanh Thảo trước hội đồng thi ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Biết tin con làm được bài, hai mẹ con vui vẻ dắt nhau về khu ký túc xá của trường nghỉ tạm. “Phải gắng thi cho tốt. Cả nhà trông chờ vào con đó”, bà động viên cô con gái.

anh5-1372926942_500x0.jpg

Hai mẹ con cùng mắc chứng xương thủy tinh trên đường về ký túc xá sau khi kết thúc môn Toán. Ảnh: Nguyễn Đông

18 tuổi, Thảo nhỏ thó, cao chừng hơn 1m, đi lại khó khăn. Bà Liên giọng buồn rầu cho biết mình bị mắc chứng bệnh xương thủy tinh từ khi 26 tuổi. Còn Thảo, khi học lớp 9 bị tai nạn giao thông, gãy chân. Khi điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết bị di chứng xương thủy tinh từ mẹ.  

Hai người em của Thảo là Võ Hoài Anh Thi và Võ Minh Thiện cũng mắc chứng bệnh này, hiện cả hai đã nghỉ học ngang lớp 8 và lớp 6 do xương mọc ngược từ bàn chân, vỡ thành nhiều đoạn. Bốn mẹ con được Nhà nước hỗ trợ 180.000 đồng/người/tháng theo diện người tàn tật.

Mắt ngấn nước, bà Liên nói gia cảnh khó khăn, bà làm nông nghiệp còn chồng Võ Tấn Thanh làm nghề phụ hồ, đồng lương bấp bênh. Cả nhà đều mắc bệnh nặng, không có tiền chữa trị. Riêng Thảo, suốt 12 năm học em phải đi bộ đến trường vì gia đình không đủ tiền mua xe đạp.

Mặc cảm với bệnh tật, đã có lúc Thảo nghĩ đến chuyện nghỉ học. Mỗi lần trái gió trở trời, toàn thân em lại đau nhức. “Nhưng biết hoàn cảnh của mình cũng như cả gia đình, em hạ quyết tâm thi đỗ đại học!”, Thảo tâm sự. Tốt nghiệp THPT tại trường THPT Lê Lợi với 34,5 điểm, cô bé dồn hết thời gian ôn thi đại học.

Gần ngày thi, vợ chồng bà giành toàn bộ số tiền tích góp và vay mượn hàng xóm để đưa con xuống núi, dự thi khối V vào ngành Thiết kế đồ họa (Đại học Kiến trúc Đà Nẵng). Hai mẹ con vừa bước xuống xe hôm 1/7 đã gây sự chú ý với các tình nguyện viên và có được một chỗ ở trong ký túc xá.

anh6-1372926943_500x0.jpg

Bà Liên thấp thỏm chờ con trong ngày thi đầu tiên. Ảnh: Nguyễn Đông

Đôi mắt cô bé ánh lên hi vọng khi tự tin môn Toán có thể cầm chắc trên 5 điểm, Thảo chia sẻ em ước mơ sẽ trở thành một họa sĩ giỏi. “Môn vẽ là sở trường của em. Năm lớp 9 em được giải nhì cuộc thi vẽ về quê hương, mái trường do một đoàn tình nguyện vì nạn nhân chất độc da cam tổ chức”, cô bé khoe.

Thương bố mẹ tảo tần sớm tối, Thảo chỉ dự thi một trường đại học. “Con bé cứng cỏi nhất nhà và cũng là đứa có nghị lực khi phấn đấu học hết lớp 12. Cả gia đình đều hi vọng con sẽ đậu được đại học để tự giúp mình và sống có ích hơn cho xã hội”, bà Liên nói, khẽ nắm chặt tay con.

Nguyễn Đông

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/hai-me-con-xuong-thuy-tinh-xuong-nui-thi-dai-hoc-2843273.html

Gợi ý đáp án môn Toán

Posted: 04 Jul 2013 04:20 AM PDT

(GDTĐ) – Sáng nay (04/7), các thí sinh bước vào môn thi đầu tiên (môn Toán), thời gian làm bài 180 phút. Báo gdtd.vn giới thiệu gợi ý đáp đáp môn Toán.


 


 


 


 


 


 


 


 


 
 - Xem gợi ý đáp án đầy đủ môn Toán tại đây

Nguồn: Hocmai.vn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/goi-y-dap-an-mon-toan-1970603/

Học bổng dành cho học sinh hết lớp 11, 12

Posted: 04 Jul 2013 04:20 AM PDT

Kaplan là tổ chức giáo dục hàng đầu trên thế giới, hợp tác với 10 trường đại học danh tiếng của Vương quốc Anh như: City University London, Westminter, Liverpool, Cranfield, Brighton, Sheffield, Nottingham Trent, Bournemouth, Glasgow và West of England. Sunrise Vietnam tổ chức buổi hội thảo và phỏng vấn tuyển sinh chương trình học bổng 10% – 30% học phí dành cho học sinh hết lớp 11 – 12, đăng ký khóa dự bị đại học, năm thứ nhất đại học, dự bị thạc sĩ khai giảng tháng 9/2013 và tháng 1/2014 tại các trường đại học đối tác của Kaplan.

Ông Daniel Takage – đại diện tuyển sinh của Kaplan sẽ có buổi nói chuyện giới thiệu về chương trình học và cơ hội học bổng tại Hà Nội vào 17h30, thứ năm, ngày 11/7,  Sunrise Vietnam – số 3A Cao Bá Quát, Ba Đình; Tại TP HCM vào 10h, thứ ba, ngày 9/7, 11 Nguyễn Văn Mai, phường 8, quận 3. 

2.jpg

Kaplan là một phần của các trường đại học và do các trường đại học quản lý. Các sinh viên theo học tại Kaplan sẽ được đào tạo theo tiêu chuẩn học thuật được thiết kế bởi các trường đại học, đảm bảo sau khi hoàn tất khóa dự bị đại học, năm nhất đại học hoặc dự bị thạc sĩ tại Kaplan, sinh viên được nhập học vào các khóa học tiếp theo tại các trường đại học danh tiếng trên hoặc các trường đại học khác của Vương quốc Anh. 

Hàng năm, Kaplan đón nhận hàng nghìn sinh viên quốc tế, đến từ khắp nơi trên thế giới. Các em được Kaplan đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao ngay từ ngày đầu tiên nhập học. Tất cả các trường đều có dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc sinh viên quốc tế. Trường nằm ngay trong khuôn viên và được bảo đảm chất lượng bởi các trường đại học. 

Chuyên ngành đào tạo của trường đa dạng như: Kinh doanh, Khoa học xã hội, Kỹ thuật, Luật, Khoa học tự nhiên, Máy tính, Nghệ thuật và thiết kếvà nhiều chuyên ngành khác… Các khóa học bao gồm: tiếng Anh, dự bị đại học, năm nhất đại học, dự bị thạc sĩ. Thời gian khai giảng tại trường linh hoạt vào tháng 9, tháng 1, 2 và 5. Học sinh, sinh viên nhận thủ tục cấp thư mời nhanh, được quyết định trong vòng 48 giờ.

Bên cạnh các chương trình đào tạo kể trên, sinh viên mong muốn theo học các khóa học thi lấy chứng chỉ tài chính và kế toán quốc tế như: AAT, ACA, ACCA, CIMA, CFA, CAIA, FRM, IAQ, IMC và SII có thể đăng ký học tại Kaplan Financial – một trong những tổ chức đào tạo các chương trình Tài chính, Kế toán có chất lượng hàng đầu Anh quốc.

Candy Vũ

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/co-hoi-du-hoc/hoc-bong-danh-cho-hoc-sinh-het-lop-11-12-2842156.html

Thắm tình quân dân mùa thi ĐH, CĐ 2013

Posted: 04 Jul 2013 03:20 AM PDT

(GDTĐ) – Sáng 3/7, nhiều đoạn đường của Thành phố Thái Nguyên bị ngập lụt do mưa lớn, gây không ít khó khăn cho các thí sinh đi làm thủ tục dự thi đại học, cao đẳng; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên đã huy động 3 xe thiết giáp chở thí sinh và người nhà vượt qua các điểm ngập lụt để đến làm thủ tục tại các điểm thi.

Tỉnh đội, Quân khu I đã huy động xe quân dụng để giúp sĩ tử qua những đoạn ngập lụt nặng. (Ảnh Infonet).
Tỉnh đội, Quân khu I đã huy động xe quân dụng để giúp sĩ tử qua những đoạn ngập lụt nặng. (Ảnh Infonet).

Ông Bùi Tiến Chính – Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên – cho biết: Trong buổi sáng, gần 100 cán bộ, chiến sĩ và 3 xe thiết giáp cùng lực lượng công an, sinh viên tình nguyện đã chở được gần 500 lượt thí sinh  và người nhà qua các điểm ngập.

Theo Đại tá Đỗ Đại Phong – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên, việc huy động xe thiết giáp “tiếp sức mùa thi” nằm trong phương án của tỉnh Thái Nguyên và Hội đồng tuyển sinh.

Nhận được thông tin tỉnh đội Thái Nguyên đã điều động xe quân dụng lội nước chở các thí sinh đến điểm thi làm thủ tục kịp thời, hôm nay (4/7), Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã gửi thư cảm ơn tới các đồng chí Phùng Quang Thanh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên và thông qua các đồng chí, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng gửi tới các cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên và toàn quân lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất.

Dưới đây là toàn văn bức thư:


 

PV

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/tham-tinh-quan-dan-mua-thi-dh-cd-2013-1970612/

Học sinh ăn cơm trộn… nước sông

Posted: 04 Jul 2013 03:20 AM PDT

Học sinh ăn cơm trộn… nước sông

Hai bé gái Trung Quốc bị bỏ đói đến chết

TPO – Mới đây, hình ảnh những học sinh tiểu học ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ăn cơm trộn nước sông được một nhân viên phúc lợi công cộng chụp lại, khiến không ít người phải thương cảm.

Em bé vặn vòi nước dẫn từ sông trộn cùng cơm để ăn
Em bé vặn vòi nước dẫn từ sông trộn cùng cơm để ăn.

Theo CRI hôm nay, 3/7, những bức ảnh được chụp tại trường tiểu học Dongjiang, Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Anh Zhang Yunming, người chụp bức ảnh cho biết, tình trạng học sinh của trường ăn trưa bằng cơm trộn cùng nước trong vòi dẫn từ sông có từ rất lâu và đây là thói quen của các em.

Bát cơm chan nước sông đục ngầu của các em học sinh tiểu học
Bát cơm chan nước sông đục ngầu của học sinh tiểu học.

Những bức ảnh cho thấy học sinh xếp hàng ăn trưa, một cô bé đổ nước sông vào bát cơm không có rau, thịt.

Kể từ lần đầu tiên được đăng tải trên mạng hôm 29/6, những bức ảnh thu hút sự chú ý của nhiều phương tiện truyền thông.

Một số cư dân mạng bày tỏ sự thương cảm đối với các học sinh trong khi nhiều người khác đặt câu hỏi liệu chính quyền địa phương có phải đang làm ngơ trước tình trạng như vậy.

Nơi các em ăn trưa
Nơi các em ăn trưa.

Người có nickname Lijiang A Ying nói: "Cần phải có trợ cấp bữa ăn dinh dưỡng trong những trường học nông thôn. Lũ trẻ phải ăn như vậy hàng ngày sao?"

Tuy nhiên, anh Yunming cho biết, các trường học ở đây có các dự án bữa trưa dinh dưỡng nhưng những học sinh này vẫn thêm nước sông vào cơm vì thói quen sinh hoạt.

Xếp hàng ăn trưa
Xếp hàng ăn trưa.

Hiệu trưởng của trường tiểu học này, ông Hai cũng nói với phóng viên rằng, nhà trường cung cấp nước sôi và canh cho học sinh nhưng, các em vẫn không uống vì thói quen ở nhà và thời tiết nóng.

Các quan chức thuộc sở giáo dục địa phương cũng giải thích rằng, chính phủ có đảm bảo về bữa ăn và nước uống cho họ sinh nhưng chúng vẫn giữ thói quen uống nước lã.

Sau khi công chúng bày tỏ lo ngại cho học sinh ở nông thôn, các cuộc điều tra về việc sử dụng quỹ từ thiện xã hội vào việc cung cấp bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ đang được tiến hành.

Phan Yến
Theo CRI

Nguồn: http://www.tienphong.vn/the-gioi/634991/Hoc-sinh-an-com-tron%E2%80%A6-nuoc-song-tpod.html

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục cầm đường dây nóng

Posted: 04 Jul 2013 02:20 AM PDT

(GDTĐ) – Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, dù đang tham dự kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận vẫn cung cấp đường dây nóng tới các cơ quan thông tấn qua số điện thoại và email: pvluan@moet.edu.vn, với mong muốn nhanh chóng tiếp nhận những thông tin liên quan đến công tác tổ chức thi để nắm bắt tình hình, kịp thời có sự chỉ đạo.

Thí sinh ra về sau khi hoàn thành môn Toán

Tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ lần này, qua đường dây nóng nêu trên, Bộ trưởng cũng mong muốn được tiếp nhận các thông tin góp phần tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ GDĐT cũng công bố đường dây nóng trực thi trong suốt kỳ thi tuyển sinh năm nay qua các số điện thoại: 0438682136, 0989538415.

P.V

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/bo-truong-pham-vu-luan-tiep-tuc-cam-duong-day-nong-1970614/

Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc – Kỳ 2

Posted: 04 Jul 2013 02:20 AM PDT

(TNO) Hăm hở với ước mơ của mình nhưng sự bồng bột của tuổi trẻ đã khiến chàng trai này trượt dài đến cùng cực trong lối sống đàn đúm, ăn chơi và sa ngã. Cha mẹ khóc hết nước mắt vì con khi Tiến thi ĐH-CĐ đến 4 lần. Thế nhưng, giấc mơ giảng đường và sự thức tỉnh của "thằng đàn ông" đã giúp Tiến trở thành chàng sinh viên sắp ra trường.

Thanh Niên Online muốn giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện của Nguyễn Đức Tiến (đang là sinh viên năm 3 khoa Báo chí – Truyền thông, ĐH KHXH-NV TP.HCM) như một chia sẻ cho giấc mơ giảng đường của hàng triệu thí sinh trong mùa thi ĐH-CĐ 2013.

 Kỳ 2: Nước mắt tủi nhục và mừng vui

Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc – Kỳ 1

Ra đời vấp phải nhiều đắng cay, tủi hổ, Tiến mới thấm thía nỗi khổ cực của cha mẹ. Quyết tâm tìm đến con chữ như sự giải thoát cho số phận u ám, cậu bé hư ngày nào cũng hoàn thành giấc mơ giảng đường sau… bốn lần thi đại học.

Ra đời trong nước mắt

Trong xóm có rất nhiều người lập nghiệp ở Tây nguyên, Tiến nghĩ mình cũng có đủ sức vóc và may mắn nên xách ba lô ra đi mà không ngoảnh mặt nhìn ai.

Đặt chân lên Gia Lai, khi xe dừng lại quán cơm, thấy người ta tuyển người phụ việc, Tiến xin làm. Hằng ngày Tiến phải làm đủ thứ việc trong quán. Thời gian ngủ dường không có, có chăng chỉ là chợp mắt lúc đợi khách.

Kiệt sức, nghe người ta rủ lên Đắk Lắk coi rẫy cà phê, thấy bùi tai và Tiến lên đường. Thoải mái thời gian đầu, đến mùa thu hoạch cà phê một lần nữa công việc trở nên quá sức với cậu bé 18 tuổi. Ban ngày Tiến cùng mọi người hái rồi vác những bao cà phê hơn nửa tạ trên các con dốc sừng sững. Đêm đến Tiến cũng chẳng được chợp mắt vì phải canh giữ cà phê.

Dù mưa hay nắng trên tay Tiến luôn có một đèn pin và con dao để đi "tuần tra" canh rẫy. Chỉ một lần lơ đễnh làm mất cà phê, Tiến bị đuổi phắt ra đường.

Nghĩ mình dễ thích nghi với phố thị hơn ở vùng nông thôn, Tiến quyết định vào Sài Gòn.

Nhưng cơ hội ở đâu? Công việc sinh nhai dễ tìm nhất chỉ là một chân phụ hồ ở các công trình.

Vật vã xúc từng xẻng bê tông giữa cái nắng chói chang của mảnh đất Sài thành, chân tay Tiến bỏng rát đau buốt nhưng vẫn cắn răng chịu đựng. Nhiều lúc vác bê tông đến tróc da, nằm sốt miên man nhưng không có một đồng mua thuốc, khi ấy, Tiến đã biết ứa nước mắt nghĩ đến mẹ những lúc như thế này vẫn thường chăm nom, chiều chuộng mình.

4 lần thi Đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc - Kỳ 2: Tuổi teen bước ra… đời 2
Từ Tây nguyên, lang bạt vào Sài Gòn phụ hồ, giấc mơ ĐH của Tiến bùng cháy – Ảnh: T.L

4 lần thi Đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc - Kỳ 2: Tuổi teen bước ra… đời 3
Thời điểm làm thợ hồ, Tiến tranh thủ ôn bài với quyết tâm thi ĐH một lần nữa… Ảnh: TL

Rồi Tiến xin vào làm ở một quán bar. Những tháng ngày lêu lổng thời phổ thông, không ít lần Tiến là khách quen của các quán bar thành phố. Nhưng chưa bao giờ Tiến nghĩ sẽ có ngày mình phải đi bưng bê, mồi thuốc cho những cậu ấm cô chiêu mặt còn búng ra sữa.

Thỉnh thoảng, những lúc say, Tiến bước qua dãy phòng trọ vẫn còn sáng đèn. Nhìn các bạn sinh viên đang ôn bài, đang chia sẻ những mẩu chuyện trong thi cử, chuyện tình yêu khiến Tiến chạnh lòng, rơi nước mắt. 

Những lúc như vậy, trong lòng Tiến trỗi dậy khao khát được đi học, được ngồi giảng đường và có một bạn gái xinh xắn.

Từ những giọt nước mắt ấy, Tiến nghĩ mình vẫn còn cơ hội. Mặc dù con đường đến với giảng đường của mình chông gai hơn người khác.

Hạnh phúc đâu dễ đến

Tiến cắn răng quay về quê, xin cha mẹ cho đi học lại.

Trước khát khao và sự thành khẩn của Tiến, cha mẹ Tiến không đành lòng nên gom góp tiền bạc để Tiến đi ôn thi. Tưởng như những cố gắng nỗ lực của Tiến sẽ được đền đáp nhưng một lần nữa số phận vẫn quay mặt.

Sáu tháng ôn thi là khoảng thời gian chưa đủ để khỏa lấp lỗ hổng kiến thức mà Tiến đã đánh mất thời phổ thông. Lần thứ hai thi trượt đại học năm 2008 khiến Tiến như muốn ngã quỵ.

Trước áp lực từ gia đình, Tiến “chọn đại” một trường cao đẳng ở Đà Nẵng để ba mẹ an tâm. Gói gọn những day dứt, hổ thẹn vào một góc nhỏ trong lòng, Tiến coi Đà Nẵng như điểm dừng chân cuối cùng của kẻ thất bại. Nhưng chính nơi đây lại đưa Tiến đến tấn bi kịch mà cho tới bây giờ, Tiến vẫn còn nhớ mãi.

Vì không muốn thua thiệt bạn bè, Tiến âm thầm thi lại đại học. Nhưng cùng lúc, Tiến không thể gồng gánh chương trình ôn luyện đại học và chương trình học ở trường cao đẳng.

Thi trượt năm 2009, Tiến như người điên

Mải mê chạy theo những thứ không thuộc về mình để khi dừng lại thì mọi chuyện đã quá muộn. Vỡ mộng đại học lần thứ ba, lại còn nợ môn ở trường CĐ, cảm giác chơi vơi khiến Tiến như mất định hướng.

Mặt khác, cái tôi trong Tiến cứ giằng xé: "Là đàn ông ngã chỗ nào đứng dậy chỗ đó. Còn trẻ thì hãy làm những gì mình thích đừng để sau này phải hối hận".

Thế là, Tiến lại lén gia đình âm thầm vào Sài Gòn với quyết tâm cao độ, không đậu đại học không về nhà.

Trong khoảng thời gian chờ thi đại học Tiến lại tìm đến công việc phụ hồ quen thuộc. Ban ngày miệt mài làm việc ở công trường, đêm về luyện thi trên chiếc võng dù ố bạc.

Nhiều lúc mệt mỏi, úp sách trên mặt muốn ngủ thiếp đi nhưng Tiến lại nhớ đến những lời động viên của mẹ. Cổ họng nghẹn đắng, nước mắt lăn dài trên đôi gò má hốc hác, Tiến lại ngấu nghiến học.

Hồi đó, con đường Lê Văn Lương Q.7, nơi Tiến phụ hồ, đỏ rực màu chôm chôm. Nhiều lúc đi làm về muốn mua một ký chôm chôm ăn cho đã thèm. Nhưng những lo toan tiền bạc còn đầy ắp đó, Tiến chỉ biết tự an ủi chừng nào thi đỗ đại học thì mua về mừng tiệc.

Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ

Ngồi trước hội đồng thi với vẻ mặt từng trải, Tiến nhâm nhi ly cà phê, phì phèo điếu thuốc. Chẳng ai nghĩ Tiến là thí sinh bởi khuôn mặt già dặn và bộ quần áo còn bốc mùi xi măng.

Thi xong, Tiến lại trở về đồng hành với chiếc xe rùa từ công trình này đến công trình khác. Mặc dù đã có nhiều “kinh nghiệm”, nhưng lần này Tiến lại không dám đối mặt với kết quả thi đại học của mình.

Nhờ một người bạn gái xem giúp với lời dặn dò: "Nếu trên 15 điểm thì gọi lại. Còn dưới thì đừng gọi. Tiến sẽ tự hiểu". Chuông điện thoại rung, Tiến hồi hộp bắt máy: "20 điểm bạn ơi". Tiến tra cứu trên mạng cả chục lần, xem số báo danh, tên, ngày sinh, xem thử có nhầm lẫn với ai không.

Hôm ấy, trên con đường Lương Định Của (Q.2), có một kẻ phát điên vì hạnh phúc.

Mẹ Tiến đã khóc, những giọt nước mắt chứa chan hạnh phúc. Đứa em gái cũng lăn tăn chạy khắp xóm để chung niềm vui cùng người anh trai phương xa.

Cánh cửa tương lai đã rộng mở nhưng sự tin tưởng mà Tiến đã đánh mất trước đó khiến cha của Tiến phản đối kịch liệt. Ông không cho Tiến học ĐH, ông không tin con mình sẽ trưởng thành và cứ bị ám ảnh chuyện "bỏ ngang" của Tiến.

Tiến không dám oán trách, hoài nghi của cha. Tiến thuyết phục ông bằng sự hối cải ẩn chứa đầy khát khao. Sau nhiều ngày suy nghĩ, một lần nữa, ông tha thứ cho lỗi lầm của đứa con lì lợm của mình.

Tiến đến giảng đường đã được 3 năm ở một ngành “hot”: Báo chí – Truyền thông nhưng chàng trai trẻ vẫn luôn biết mình chỉ mới bắt đầu trong một chặng đường mới, đầy thử thách phía trước.

Giờ đây, mỗi dịp tết, mang chiếc ba lô về nhà, đôi chân Tiến không còn nặng trĩu như trước. Bởi bên bụi tre trước nhà cả gia đình đang đứng đợi Tiến. Mẹ Tiến đã bày biện sẵn những món ăn mà Tiến thích.

Cả gia đình lại sum vầy bên bữa cơm ấm cúng và đầy ắp tiếng cười…

Toàn Liêm

Hàng ngàn thí sinh dự thi đại học đổ về TP.HCM
18 điều giúp bạn thi đại học tốt
Giảm 10% giá vé tàu hỏa cho thí sinh thi đại học, cao đẳng
Nhật Bản sẽ hủy bỏ thi đại học trong 5 năm tới
Khi nào thì bỏ kỳ thi đại học ?

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130703/bon-lan-thi-dai-hoc-cua-chang-trai-ruou-che-co-bac-ky-2.aspx

Không dạy trước lớp 1: Chỉ thị hợp lòng dân

Posted: 03 Jul 2013 10:20 PM PDT

(GDTĐ) – Ngày 28/6/2013 Bộ GDĐT vừa có Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT về việc chấm dứt tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1. Ngay sau khi được ban hành Chỉ thị đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ của các bậc phụ huynh và dư luận xã hội. Xin trích dẫn một số ý kiến (comment) của bạn đọc trên một số tờ báo mạng: gdtd.vn, dantri.vn, vietnamnet.vn, vnexpress.net…

x
Hãy để trẻ bước vào lớp 1 với tâm trạng hồn nhiên

Nguyễn Hoa: Chủ trương của Bộ rất đúng đắn, hợp ý phụ huynh nhưng thực hiện mới là cái khó. Để thực hiện được, đề nghị thanh tra Bộ phải kiểm tra giám sát các trường và có hình thức kỷ luật nếu có sai phạm xảy ra (giao cho Hiệu trưởng các trường giám sát nhân viên của mình là tốt nhất).

Bui Quoc Vuong: Chỉ thị của Bộ GDĐT rất hợp lòng các phụ huynh có con chuẩn bị vào học lớp 5 tuổi. Đây sẽ là lứa tuổi đầu được thực hiện sự quan tâm của Bộ cũng như xã hội về vấn đề này. Nhưng tôi mong mỏi Chỉ thị của Bộ sẽ được thực hiện nghiêm túc đúng với những gì phụ huynh chúng tôi mong đợi. Nói và làm.

Phuc Nguyen: Tôi hoàn toàn ủng hộ Bộ GDĐT, không nên cho học trước chương trình lớp 1 từ mẫu giáo. Tuổi mẫu giáo là tuổi ăn tuổi chơi, không nên cướp mất cái quyền này từ trẻ. Nếu dạy trước vậy thì chúng ta nên đổi tên lớp 1 thành lớp 2 thì đúng hơn. Như thế thì hoàn toàn không công bằng cho các trẻ tại các khu vực nông thôn. Mà tôi thấy các trẻ ở khu vực nông thôn không có học trước như vậy lại phát hiện ra nhiều nhân tài đích thực hơn đấy chứ.

Thanh: Nên cấm dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức. Điều đó thật quan trọng. Theo tôi dạy thêm làm cho con người ta phần đông lười đi, tạo sự chủ quan, ỉ lại, ít sáng tạo hơn. Khi các kiến thức đã được học thêm lên lớp giáo viên rất khó dạy, học sinh lại ít hứng thú vì kiến thức đã biết, ít sáng tạo. Về phía giáo viên thì không đầu tư cho tiết dạy trên lớp.

Niuniu: Con trai tôi sang năm cũng vào lớp 1. Theo tìm hiểu của tôi từ vài năm trước, số lượng phụ huynh không cho con học trước khi vào lớp 1 là rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Thực tâm tôi rất không muốn cho con đi học trước, nhưng nếu không cho học thì sợ con tôi sẽ trở thành hiện tượng cá biệt trong lớp. Đề nghị Bộ GD thực hiện nghiêm chỉ thị này để các cháu thoát khỏi tình trạng "ôn thi" vào lớp 1 như hiện nay.

Guvolie: Nhỏ thì nên dạy lễ nghĩa, kiến thức thì để sau, các bố mẹ không nhồi con là được rồi.

Vu Thanh Van: Rất hoan nghênh mong có biện pháp kiểm tra và xử lý các trường học nào có hành vi buộc học sinh mới vào lớp 1 đã phải biết chữ.

QuangThuy: Tôi cũng có con chuẩn bị vào lớp 1. Nếu không cho cháu đi học thêm thì sợ sẽ bỡ ngỡ so với các bạn.

Dang Cong Nhat: Tôi thấy chỉ thị của Bộ Giáo dục rất hợp lý và đúng. Hiện tôi đang có con năm nay lên lớp mẫu giáo 5 tuổi nên tôi rất băn khoăn ko biết chuẩn bị dạy cho cháu như thế cho đúng và khoa hoc. Tôi hoàn toàn ủng hộ và mong muốn chỉ thị này được thực hiện nghiêm túc trên ở các trường mầm non trên cả nước.

Thủy: Hoan nghênh Bộ GDĐT, đề nghị kiểm tra gắt gao các trường khi vào dậy chính thức, yêu cầu cô giáo phải dạy đúng theo quy chuẩn của bộ. Tôi có 2 cháu, ngày cháu đầu nhà tôi vào lớp 1 tôi định cho cháu đi học trước khi vào lớp 1, nhưng chồng tôi nói: “Em cứ lo làm gì, anh thấy thời nay có ai là không biết đọc biết viết đâu nào, ở nông thôn thường thì không có dạy trước, sao các con vẫn học giỏi đó thôi”. Phụ huynh không ai muốn con trẻ phải học trước cả, nhưng do quản lý, kiểm soát lỏng lẻo nên cũng đành cho con học trước, vì không học trước không theo kịp các bạn.

GV: Chỉ thị ra quá đúng!

BTV

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201307/khong-day-truoc-lop-1-chi-thi-hop-long-dan-1970590/

Thương hai chị em mồ côi đưa nhau đi thi đại học

Posted: 03 Jul 2013 10:20 PM PDT

(TNO) Đó là Nguyễn Thị Lệ Thắm (20 tuổi) đưa em trai Nguyễn Như Ý (18 tuổi) từ Phú Yên ra TP.Quy Nhơn (Bình Định) dự thi vào ngành Cơ khí, Trường đại học Nông lâm TP.HCM.

Một thí sinh bị bệnh hiểm nghèo trước ngày thi đại học
Đi thi đại học bằng xe… thiết giáp
Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc
Gương sáng học trò

Gia đình của hai chị em Thắm và Ý ở làng quê nghèo An Định, H.Tuy An, Phú Yên. Cả gia đình bốn miệng ăn đều sống dựa vào gánh rau của người mẹ, người vợ là bà Phan Thị Thanh Sen.

Tuy nhiên, 5-6 năm trước, bà Sen bị bệnh ung thư vú. Mặc dù gia đình đã đưa đi chữa trị nhưng bà không thể qua khỏi.

"Mẹ em mất vào cuối tháng 1 năm ngoái, lúc em vừa đang học năm nhất ở Trường đại học Xây dựng miền Trung", Lệ Thắm cho biết.

Những năm tháng hai chị em vừa học vừa chăm lo sức khỏa cho mẹ thì cũng là lúc ông Nguyễn Văn Phụng (bố của Thắm và Ý) mắc chứng bệnh tâm thần.

"Triệu chứng bệnh của bố mỗi ngày xuất hiện thêm một ít, tụi em mãi lo sức khỏe của mẹ ngày càng yếu nên không để ý, đến khi bố bệnh nặng rồi, không còn cách nào khác…", Như Ý trầm ngâm.

Lặng lòng 2 chị em mồ côi đưa nhau đi thi
Hai chị em Thắm và Ý trò chuyện với anh Lương Tam Sơn, Trưởng ban tiếp sức mùa thi tại chùa Hiển Nam, TP.Quy Nhơn – Ảnh: Minh Úc

Nỗi buồn mất mẹ chưa nguôi thì bố lại mất. Ông Phụng mất trước lúc Thắm dẫn Ý ra Quy Nhơn dự thi đại học đúng 10 ngày.

"Trước khi bố mất, Đài truyền hình Phú Yên có đến nhà tụi em làm chương trình và ủng hộ 8 triệu đồng. Sau này tụi em dùng số tiền đó để lo lễ tang cho bố, các cô chú hàng xóm cũng giúp đỡ nhiều. Mọi người đều động viên tụi em ráng học…", Ý nghèn nghẹn.

Thời gian ông Phụng bị bệnh nằm tại nhà, hai chị em phải tự nuôi lấy nhau. Thắm học ở TP.Tuy Hòa phải vay tiền ngân hàng để đóng học phí, còn tiền sinh hoạt "em nhận làm công việc nhà cho gia đình em trọ nên không phải tốn tiền ăn, ở; riêng buổi tối em tranh thủ tìm việc làm thêm để dành tiền gửi về cho Ý", Thắm nói.

Có những học kỳ điểm tích lũy của Thắm được loại giỏi nên em cũng nhận thêm được học bổng của trường hoặc các đơn vị tài trợ.

Còn ở quê, Ý vừa lo học THPT vừa chăm sóc bố. 

Ý chia sẻ: "Cũng may em được miễn phí học ở trường, còn nhà có 1 sào 7 ruộng lúa cho người ta thuê làm, mỗi mùa người ta để lại cho mình 240 kg. Riêng trong vườn, em có trồng thêm mướp và bầu để mang ra chợ bán, canh chừng gần tết em nuôi thêm khoảng 20 con gà để bán kiếm tiền".

Khi được hỏi chi phí đâu mà hai chị em có tiền đón xe ra Quy Nhơn, Thắm nói: "Trước khi đi em mượn cô chủ nhà trọ 500.000 đồng, lúc đến chùa Hiển Nam, ở TP.Quy Nhơn, do có người giới thiệu từ trước nên cô Mai và chú Út ở đây cho tụi em thêm 400.000 đồng nữa". 

Liên lạc với cô giáo Kiều Thị Kim Phượng, chủ nhiệm năm lớp 12 của Như Ý ở Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (H.Tuy An, Phú Yên), được cô cho biết: "Ở lớp Ý rất hiền, ít nói, khi bố của Ý mất, tôi cứ sợ em bị trầm cảm, buồn rồi không học hành gì được nên cùng các bạn trong lớp động viên, tâm sự với Ý. Trước khi đi thi đại học, em Ý có nói với tôi sẽ cố gắng làm bài thật tốt, nếu năm nay không đậu sẽ cố gắng năm sau thi phải đậu". 

Minh Úc

Đón đọc gợi ý bài giải và nhận xét đề thi trên Báo Thanh Niên

* Thanh Niên Online cập nhật liên tục

Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, trên các số báo ra ngày 5 và 6.7, Báo Thanh Niên sẽ tặng thí sinh và bạn đọc 4 trang phụ trương gợi ý bài giải, đáp án các môn thi ĐH đợt 1 năm 2013 của Bộ GD-ĐT. Trên các số báo này còn có những thông tin đầy đủ, phân tích sâu về đề thi, tình hình mùa thi năm nay, dự kiến điểm sàn cũng như nhiều tin tức hữu ích liên quan đến kỳ thi.

Website của Báo Thanh Niên (www.thanhnien.com.vn) sẽ cập nhật liên tục gợi ý giải đề thi, nhanh chóng có đáp án các môn thi của Bộ. Thanh Niên Online sẽ mời các chuyên gia là giáo viên, giảng viên từ các trường THPT, ĐH nhận xét đề, tư vấn nhiều thông tin bổ ích cho thí sinh các môn tiếp theo.

Chúc thí sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. 

Thanh Niên

Chủ tịch nước gửi thư khen học sinh Lê Văn Được dũng cảm cứu người
Bộ GD-ĐT biểu dương học sinh dũng cảm cứu 5 em nhỏ
Thông tin về gương dũng cảm đăng trên Thanh Niên Online vào đề văn tốt nghiệp
Gương vượt khó đăng trên Báo Thanh Niên vào đề văn lớp 10

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130703/thuong-hai-chi-em-mo-coi-dua-nhau-di-thi-dai-hoc.aspx

Comments