Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Cuốn sổ và tấm lòng của cô giáo dạy Văn

Posted: 03 Jul 2013 09:19 AM PDT

(GDTĐ) – Đầu năm học lớp tám, mấy đứa bạn kháo nhau: "Cô Hoa sẽ dạy đội tuyển của mình đấy!", tôi kêu "Ối". Cô Hoa thì… thôi rồi! Cô dạy giỏi, học sinh nào cũng phải trầm trồ. Cô cũng nổi tiếng là người có khuôn mặt lạnh như nước đá, cách xưng hô "tôi" – "anh", "bạn", "cô" nghe chẳng gần gũi chút nào. Đã thế, cô lại rất khắt khe khi kiểm tra bài vở. Khái niệm, định nghĩa phải chính xác từng từ. Và đặc biệt, cô không bao giờ có sự châm chước cho học sinh khá, giỏi.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Biết cô sẽ chủ nhiệm đội tuyển, tôi lo hơn mừng. Chỉ đến khi cô dạy, tôi mới vỡ lẽ nhiều về ý nghĩa của việc học và viết văn.

Cô bảo, điểm quan trọng nhất trong một bài văn hay là sự chân thành và sáng tạo. "Viết như những gì các bạn nghĩ, đừng lo sai, đừng dẫn ý của các nhà phê bình văn học nếu như các bạn chưa hiểu". Cô nói, bài văn của học sinh giỏi không hẳn là bài nêu đầy đủ các ý trong biểu điểm, nhưng phải thể hiện một suy nghĩ độc lập, mang dấu ấn sáng tạo của người viết. Nhờ học cô, chúng tôi được trang bị khá bài bản các phương pháp làm bài văn hay. Cô lại phân tích cụ thể các ví dụ, khiến chúng tôi như được "mở mắt".

Cô vẫn là giáo viên dạy văn lạnh lùng nhất, nhưng cũng là người suy nghĩ cởi mở và thấu hiểu tâm lí học trò nhất trong số những người thầy của tôi. Cô không tỏ ra ưu ái với bất cứ học sinh nào, không bao giờ so sánh hay xếp hạng chúng tôi trong đội tuyển. Cô không chấm điểm, chỉ nhận xét. Và cô nhận xét rất tỉ mỉ bài của từng người bằng giọng nói đều đều, trung tính. Cô cho chúng tôi thấy, văn của  mỗi người đều có nét riêng. Nhờ đó, chúng tôi tập trung vào sở trường của bản thân mình thay vì chú ý đến sự vượt trội của bạn bè, để rồi tự ti, lo lắng.  Nhiều khi thấy bài viết của mình kém quá, chúng tôi rất thất vọng về bản thân. Song, cô bình thản bảo chúng tôi đừng lo và gợi ý cách khắc phục. Những lời ngắn ngủi ấy của cô khiến chúng tôi vững tâm và tin tưởng lạ lùng. Những lời cô nói không phải để an ủi mà giống như lời phán. Chúng tôi bảo nhau, cô Hoa đã phán thì chỉ có chuẩn!

Thi thoảng cô hỏi thăm gia đình chúng tôi, nhắc nhở đứa này mặc thêm áo cho đỡ lạnh, bảo đứa kia đừng cúi xuống sát quyển vở. Những lúc như thế, cô xưng "mày – tao", nghe có vẻ xuồng xã, nhưng chúng tôi lại thấy thích thú bởi vẻ gần gũi rất riêng, như con người cô vậy. Rồi chẳng biết từ khi nào, tôi để ý thấy cô có nhiều điểm thật đặc biệt: Nụ cười hiếm hoi nhưng thật tươi, và cô không cười thành tiếng; đôi mắt màu nâu nhạt, to tròn luôn nhìn thẳng vào người nói chuyện; kiểu chữ đều tăm tắp, với những nét sổ dọc thẳng đứng, rắn rỏi, những nét cong khoáng đạt, thanh thoát và nét bút dằn mạnh ở các dấu, móc phụ khiến con chữ  vừa thanh vừa sắc, toát lên vẻ khẳng khái, vững vàng như dáng dấp của cô… Tất cả những điều đó đều cuốn hút tôi.

Cô có cách truyền cảm hứng cũng thật đặc biệt, không phải qua những lời giảng trầm ấm, tha thiết mà bởi sự gắn bó lặng thầm của cô với môn văn. Chúng tôi rất thích xem mấy quyển sổ tay thời đi học của cô. Trong đó, cô ghi lại những ý mới lạ, những đoạn văn hay và những câu chuyện văn học lí thú. Những cuốn sổ được cô lưu giữ mấy chục năm, giấy đã ngả vàng, nhưng không hề có một mép quăn, bìa sổ được bọc kĩ càng. Cuốn sổ hé lộ một tấm lòng bền bỉ và trân trọng mà cô dành cho văn chương từ khi cô nhỏ hơn chúng tôi vài tuổi.

Có lần, cô tâm sự, bố mẹ cô là giáo viên Toán, các anh chị em của cô đều học tự nhiên. Nhưng từ nhỏ cô đã chọn theo văn mặc những lời can ngăn của mọi người. Những tác phẩm văn chương chính là bạn tâm tình của cô trong những lúc buồn, vui hay lẻ loi nhất. Cô nói văn không phải là môn học thức thời. Có thể chúng tôi, cũng như cô hồi nhỏ, sẽ bị gia đình phản đối, bạn bè xem thường, nhưng chúng tôi, hãy tin vào lựa chọn và niềm yêu thích của mình. Đấy là lần duy nhất cô kể về bản thân. Trong một chiều muộn mùa đông, khi chúng tôi sắp kết thúc đợt ôn đội tuyển, trong đám bạn học của tôi, có đứa sụt sùi, có đứa viết vào sổ lời dặn của cô. Còn tôi, lòng tràn ngập niềm hân hoan, ấm áp, thầm cám ơn cô đã cho tôi động lực để tiếp tục con đường mình chọn. Đến bây giờ, cô vẫn là người thầy mà tôi ngưỡng mộ và ghi nhớ nhất.n

Mã số: 1080

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3062/201307/cuon-so-va-tam-long-cua-co-giao-day-van-1970535/

Xem điểm thi lớp 10 Hà Nội

Posted: 03 Jul 2013 09:19 AM PDT

(GDTĐ) – Hôm nay (3/7), Sở GDĐT Hà Nội công bố kết quả thi vào lớp 10 THPT năm học 2013-2014, sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch.


 

Kết quả thi của từng thí sinh sẽ được niêm yết công khai tại trường THPT nơi đăng ký nguyện vọng 1 và nguyện vọng chuyên từ ngày 4/7.

Dự kiến điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên của 4 trường THPT: chuyên Hà Nội – Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Sơn Tây và Chu Văn An sẽ được công bố vào ngày 6/7 tới. Điểm chuẩn vào lớp 10 THPT không chuyên được công bố dự kiến vào ngày 13/7.

Thí sinh tra cứu điểm thi tại đây.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201307/xem-diem-thi-lop-10-ha-noi-1970582/

Một thí sinh khiếm thị từ chối đặc cách vào đại học

Posted: 03 Jul 2013 09:19 AM PDT

(TNO) "Em muốn được bước vào giảng đường đại học bằng chính sức lực của mình”, đó là câu trả lời của thí sinh khiếm thị Võ Văn Nhật tại buổi làm thủ tục thi sáng nay 3.7 ở Hội đồng thi ĐH Đông Á (TP.Đà Nẵng). Rất nhiều người – cả phụ huynh lẫn bạn bè – đều khuyên em nên đến Hội đồng Tuyển sinh ĐH Đà Nẵng để làm thủ tục được đặc cách vào đại học. Nhưng, Nhật lắc đầu.

Vượt lên nghịch cảnh

Cùng đồng hành với Nhật đến hội đồng thi là mẹ của em, chị Nguyễn Thị Anh và thầy giáo của em Nguyễn Duy Quy (giáo viên Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.Đà Nẵng).

Theo lời của mẹ Nhật, lúc mới sinh ra, mắt Nhật vẫn sáng như bao người. Nhưng được 18 tháng tuổi, thị lực một bên mắt của Nhật bỗng suy yếu. Bốn tháng sau, con mắt còn lại cũng không còn nhìn thấy được nữa.

"Cố gắng chạy chữa khắp nơi, nghe ở đâu có bác sĩ giỏi, mình đều bồng con tìm đến. Nhưng, bất lực!", chị Anh kể lại trong tiếng thở dài.

Vậy là… cậu bé con mới 2 tuổi đầu đã không được nhìn thấy ánh sáng, bắt đầu từ ngày đó!


Tại kỳ thi ĐH năm nay, Nhật sẽ làm bài thi bằng chữ nổi với sự hỗ trợ của cán bộ coi thi

Song, mặc số phận nghiệt ngã, Nhật cứ thế mà lớn lên, chấp nhận một sự thật không hề dễ dàng với mình.

Nhưng, trong em luôn cháy bỏng một niềm khát khao, đó là được tiếp cận những con chữ.

Sau đó, em vào học tại Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu và ở nội trú tại đây.

"Nhật là học sinh rất thông minh, lại siêng năng. Em học ngày, học đêm, học bất kể thời gian. Đối với em, thêm được kiến thức nào vào đầu thì niềm vui càng thêm lớn hơn!", thầy Quy cho hay. Vì vậy, thành tích học tập của Nhật bao giờ cũng rất tốt.

Lên lớp 10, em phải học cùng các bạn bình thường khác tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Là học sinh khiếm thị, ở trường và về nhà, tài liệu các môn học Nhật đều phải nhờ bạn bè, người thân đọc giúp để chuyển sang chữ nổi và tự học tập.

Ấy vậy mà, suốt 3 năm THPT, Nhật luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi và luôn dẫn đầu lớp. Em đặc biệt giỏi các môn Toán, Lý, Hóa.

Năm lớp 12, Nhật còn đạt giải ba môn Hóa kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố.

Không chỉ học giỏi, Nhật còn là thành viên của đội văn nghệ của trường vì em là một "nghệ sĩ" đàn organ. Ngoài ra, Nhật còn tham gia các hoạt động thể thao khác như bóng đá, cờ vua…

Không chấp nhận được xét đặc cách

Năm nay, Nhật đăng ký dự thi khối A, vào ngành Quản trị kinh doanh tổng quát, ĐH Kinh tế Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng).


Thầy giáo Quy từng khuyên Nhật nên làm thủ tục đặc cách, nhưng em từ chối 

Chọn học ngành này, Nhật bảo do em có một mong ước riêng. Đó là: Sau khi học xong, em sẽ về nhà, sử dụng kiến thức của mình để mở một công ty riêng, để từ nơi này, thâu nhận những người khuyết tật, đặc biệt là những người khiếm thị như em vào làm việc, để họ có cơ hội cống hiến cho xã hội.

Đứng trước những lời khuyên về quy chế đặc cách cho thí sinh khuyết tật, Nhật thẳng thắn: "Em muốn được bước vào giảng đường ĐH bằng chính sức lực của mình. Em không muốn được hưởng đặc cách dù thầy cô, bạn bè cũng đã khuyên nhủ em!". Câu trả lời đầy nghị lực và tự tin của Nhật khiến nhiều người, cả người đã biết Nhật lâu nay cũng như người mới quen, đều càng thêm khâm phục.

Thầy giáo Quy cho biết, thầy cô cũng đã có lời khuyên em là nên hưởng chế độ đặc cách, miễn khi vào giảng đường đại học, em nỗ lực, đạt kết quả tốt là được. Nhưng, Nhật vẫn nhất quyết từ chối.

Thậm chí, với gia đình, Nhật cũng thế. Em lẳng lặng giấu cha mẹ để làm hồ sơ dự thi.

"Tôi cũng không biết là cháu được đặc cách theo đúng quy định. Cháu chỉ nói là mình phải thi như các bạn khác nên tôi cũng giúp cháu làm hồ sơ, đưa cháu đi thi thôi! Giờ cháu mong muốn được thi thì cứ để cháu được thực hiện suy nghĩ đó của mình!", mẹ Nhật chia sẻ, tự tin về cậu con trai của mình.

Bài, ảnh: Bảo Nguyên

Giúp người khiếm thị
Người khiếm thị học giới tính
GS Ngô Bảo Châu xúc động khi giao lưu với người khiếm thị
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển thẳng học sinh khiếm thị
Xét tuyển 9 thí sinh khiếm thị vào đại học
Nghệ sĩ khiếm thị Nobuyuki Tsujii biểu diễn tại Việt Nam

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130703/mot-thi-sinh-khiem-thi-tu-choi-dac-cach-vao-dai-hoc.aspx

Cô tiên hiền dịu của tôi

Posted: 03 Jul 2013 08:19 AM PDT

(GDTĐ) -Từ nhỏ tôi đã phải sống trong cảnh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Vì gia đình tôi làm ruộng, ba mẹ quanh năm lam lũ trên những đám đất khô cằn, phải làm quần quật mà cuộc sống vẫn cơ cực, nghèo khổ vô cùng. Nhưng tôi thấy mình hạnh phúc lắm khi được ba mẹ cho cắp sách đến trường để học như bao đứa trẻ khác.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Được nghe cô giáo dạy bao bài học hay và cũng nhờ có cái chữ mà tôi đã thoát khỏi cảnh làm nông. Năm tháng tuy dần xa nhưng tôi không sao quên được cô Thu – giáo viên dạy tôi năm lớp 4 Trường tiểu học cơ sở Tam Phước.

Ngôi trường làng ngày đó không nguy nga, tráng lệ như bao ngôi trường học thời bấy giờ. Nói là ngôi trường nhưng nó chỉ có một lớp học. Ngày ngày trên chiếc xe đạp cũ kỹ cô vẫn không ngại nắng mưa để đến dạy cho chúng tôi. Con đường đất đỏ trời nắng thì bụi dính đỏ chói cả áo quần, trời mưa thì lầy lội cũng rặt một màu đỏ.

Cô Thu không xinh đẹp nhưng rất hiền, cô giản dị như bao người mẹ quê khác vậy. Vì học tiểu học nên cô dạy tất cả các môn học cho chúng tôi từ Toán đến Tiếng Việt, Mỹ thuật, Âm nhạc… Môn nào cô cũng giỏi nên cô có sức hút rất lớn với lớp chúng tôi ngày ấy. Cả lớp có gần 30 học sinh nghịch ngợm có, hiền lành có… đủ loại nhưng đến giờ cô dạy thì chỉ có một loại đó là chăm chú, ngoan ngoãn lắng nghe bài học của cô. Cô đem tất cả tình yêu thương dành cho lũ học trò nghèo chúng tôi. Bởi vậy, lớp tôi đứa nào cũng thương cô lắm.

Tôi còn nhớ ngày ấy, cuối học kỳ I và cũng bước vào dịp tết đến, cô lên lớp như mọi ngày nhưng hôm đó trông cô có vẻ băn khoăn điều gì đó. Rồi cô ngừng bài dạy lại để nói với chúng tôi: "Lớp mình đa số các em đều là con nhà nghèo nhưng Nhà nước đưa suất quà về chỉ đủ dành tặng cho những em nghèo học giỏi trong lớp. Lớp mình có năm bạn học giỏi nhất mà đều là con nhà nghèo. Cô muốn chúng ta có sự công bằng trong việc phát quà. Bạn nào đồng ý cho những bạn sau đây nhận quà học sinh nghèo thì biểu quyết nhé!".

Trong số năm bạn ấy, tôi cũng vinh dự là người được nhận quà. Nhưng khi có rất nhiều cánh tay biểu quyết cho tôi thì Trí – cô bạn ngồi cùng bàn với tôi không đồng ý vì cho rằng nhà tôi nghèo sao tôi lại mặc quần áo đến trường sạch sẽ, trắng trẻo vậy.

Cô cười hiền lành nhìn xuống cả lớp rồi nói: "Đói cho sạch- Rách cho thơm. Cô để ý từ ngày vào học đến giờ bạn K chỉ có một bộ quần áo duy nhất. Mà bạn ấy vẫn giữ gìn sạch sẽ thật đáng khen lắm. Các em nên học tập bạn ấy. Không nên ganh tị như vậy là không đúng nhé!". Lúc ấy, quả thật tôi cảm động muốn khóc thật to cho cả lớp thấy. Nhưng tôi thương cô vì hiểu ra rằng, cô là người mẹ tuyệt vời nhất.

Cô không chỉ có biết dạy cho tôi những con chữ mà còn cho tôi biết phải lắng nghe, phải quan tâm đến người xung quanh ta như cô đã quan tâm tôi vậy. Rồi ngày hôm sau, cô đích thân đến thăm gia đình tôi, nhìn thấy hoàn cảnh nghèo khổ của ba mẹ tôi, cô đã rất đau lòng.

Từ sau ngày ấy, cô luôn động viên và giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống lẫn trong học tập. Cô không chỉ là một người thầy, người mẹ mà còn là người bạn rất thân của tôi. Và cũng nhờ cô mà tết năm đó, tôi được nhận một xấp vải trắng. Mẹ tôi vui khôn tả và vội vã may cho tôi chiếc áo sơ mi trắng tinh.

Tôi vui như mùa xuân tỏa nắng, vui như chim én gặp mùa, vui lắm lắm tôi cứ nâng niu gìn giữ chiếc áo ấy một cách hết sức cẩn thận. Vì tôi biết, tôi có được chiếc áo ấy là nhờ có cô đã quan tâm, thương yêu tôi chứ không phải vì tôi học giỏi.

Mỗi mùa ve cất tiếng kêu râm ran là mỗi một mùa hè đến. Theo tháng năm tôi dần lớn khôn nên người nhưng hình ảnh những người mẹ – người cô như cô Thu thật khắc ghi mãi trong con tim tôi. Cô thật đẹp – một vẻ đẹp của lòng nhân từ và hiền hậu.

Giờ đây, tuy cô đã chuyển công tác về nơi khác và mái trường làng ngày ấy không còn nữa nhưng tận sâu trong tâm khảm, tôi vẫn luôn nhớ về cô. Người đã lái con đò đưa tôi sang bến bờ hạnh phúc.

Mã số: 1079

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3062/201307/co-tien-hien-diu-cua-toi-1970567/

74,65% thí sinh làm thủ tục dự thi đợt 1

Posted: 03 Jul 2013 08:19 AM PDT

(GDTĐ) – Theo báo cáo nhanh của Bộ GDĐT, hôm nay (3/7) có tổng số 629.833 trên tổng số 843.687 đăng ký dự thi đến làm thủ tục dự thi, đạt tỷ lệ 74,65% (tăng 1,26% so với năm 2012).

Thí sinh đến làm thủ tục dự thi sáng 3/7 tại ĐH Thương mại. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh đến làm thủ tục dự thi sáng 3/7 tại ĐH Thương mại. Ảnh: gdtd.vn

Đợt 1 có tổng số 133 trường ĐH tổ chức thi với 996 điểm thi và 24.311 phòng thi; lượng cán bộ được huy động tham gia công tác tuyển sinh là 69.468 người.

Theo báo cáo của Hội đồng tuyển sinh các trường, các điều kiện phục vụ tổ chức thi được chuẩn bị tốt. Lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện tiếp tục phát huy hiệu quả đối với việc hỗ trợ công tác tổ chức thi.

Ghi nhận của phóng viên, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục khối các trường Công an nhân dân rất cao. Trường ĐH Cảnh sát nhân dân có trên 94% thí sinh đến làm thủ tục; Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy đạt trên 96% thí sinh (hệ công an) đến làm thủ tục…

Nhiều trường ĐH phía Bắc tỷ lệ đạt trên 70%; còn tại 201 địa điểm thi trên địa bàn TP.HCM lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi khoảng 80% tổng số thí sinh đăng kí dự thi.
 

Hiếu Nguyễn
 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/7465-thi-sinh-lam-thu-tuc-du-thi-dot-1-1970583/

Đi thi đại học bằng xe… thiết giáp

Posted: 03 Jul 2013 08:19 AM PDT

(TNO) Mưa lớn ngập đường ở TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) khiến nhiều thí sinh (TS)phải ngồi xe thiết giáp tăng bo qua các đoạn đường ngập để đến trường làm thủ tục dự thi đại học.

Một thí sinh khiếm thị từ chối đặc cách vào đại học
 ”Cập nhật” những kiểu gian lận thi cử tinh vi
Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc
Thí sinh mang theo con nhỏ đi thi… đại học 

Cơn mưa lớn trong đêm ngày 2 rạng ngày 3.7 trên địa bàn TP Thái Nguyên khiến nhiều tuyến đường bị ngập úng, làm hàng trăm TS không thể có mặt đúng giờ để làm thủ tục dự thi.

Theo ghi nhận, mưa lớn ngập nhiều tuyến đường chính ở TP Thái Nguyên như đường Quang Trung, đoạn qua P.Tân Thịnh và P.Thịnh Đán; đường Lương Ngọc Quyến, đoạn chạy qua ĐH Sư phạm Thái Nguyên; đường Hoàng Văn Thụ… Ở nhiều đoạn đường, mực nước ngập cao tới đầu gối khiến nhiều TS và phụ huynh lội bì bõm để vào trường thi. Khu vực bị ngập có nhiều điểm thi của các trường: ĐH Sư phạm Thái Nguyên; ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên; ĐH Công nghiệp Thái Nguyên.

Một số hộ dân địa phương đã mang thuyền ra giúp TS đi qua chỗ ngập úng, đến điểm thi bảo đảm an toàn. Ngoài lực lượng thanh niên tình nguyện, cảnh sát và thanh tra giao thông, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên đã điều 100 cán bộ chiến sĩ và xe thiết giáp ứng trực, đưa hàng trăm TS tăng bo qua các đoạn ngập sâu.

PGS.TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết cơn mưa lớn đã làm tiến bộ hướng dẫn TS làm thủ tục bị chậm lại. Ở các điểm thi của ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Khoa học và Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc, lực lượng quân đội đã điều 3 xe thiết giáp đưa TS đến các điểm thi an toàn.

Cũng theo ông Vui, trong buổi sáng, tại 506 phòng thi ở 11 điểm thi đã có 14.758 TS đến làm thủ tục dự thi, đạt 75,3 % so với tổng số TS đăng kí dự thi. Ông Vui cũng cho biết, đối với các TS có nguyện vọng dự thi nhưng chưa đến điểm thi làm thủ tục do trời mưa, các hội đồng thi sẽ nhận làm thủ tục dự thi đến hạn chót là trước 6 giờ 30 phút ngày 4.7.

 Thí sinh đến trường thi bằng xe…thiết giáp
Đường ngập khiến nhiều xe máy chở TS đến trường làm thủ tục bị chết máy phải nhờ sinh viên tình nguyện ứng cứu – Ảnh: Kim Hoa

Thí sinh đến trường thi bằng xe…thiết giáp
TS ĐH Sư phạm Thái Nguyên đội mưa, lội bì bõm đi làm thủ tục dự thi – Ảnh: Kim Hoa

Thí sinh đến trường thi bằng xe…thiết giáp


Thí sinh đến trường thi bằng xe…thiết giáp

Thí sinh đến trường thi bằng xe…thiết giáp
Bộ chỉ huy quân sự Thái Nguyền điều xe thiết giáp lội nước chở TS và phụ huynh qua các điểm ngập úng – Ảnh: Kim Hoa


Đón đọc gợi ý bài giải và nhận xét đề thi trên Báo Thanh Niên

* Thanh Niên Online cập nhật liên tục

Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, trên các số báo ra ngày 5 và 6.7, Báo Thanh Niên sẽ tặng thí sinh và bạn đọc 4 trang phụ trương gợi ý bài giải, đáp án các môn thi ĐH đợt 1 năm 2013 của Bộ GD-ĐT. Trên các số báo này còn có những thông tin đầy đủ, phân tích sâu về đề thi, tình hình mùa thi năm nay, dự kiến điểm sàn cũng như nhiều tin tức hữu ích liên quan đến kỳ thi.

Website của Báo Thanh Niên (www.thanhnien.com.vn) sẽ cập nhật liên tục gợi ý giải đề thi, nhanh chóng có đáp án các môn thi của Bộ. Thanh Niên Online sẽ mời các chuyên gia là giáo viên, giảng viên từ các trường THPT, ĐH nhận xét đề, tư vấn nhiều thông tin bổ ích cho thí sinh các môn tiếp theo.

Chúc thí sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. 

Thanh Niên


Hoàng Phan – Tuệ Nguyễn 

  Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc
Cốc Cốc ra mắt dịch vụ tìm nhà trọ cho thí sinh thi đại học
Thí sinh ồ ạt đến Văn Miếu cầu may
Thêm một vụ chặt tay người để cầu may
Đánh nhau để… cầu may
Thí sinh đội nắng lên chùa cầu may

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130703/di-thi-dai-hoc-bang-xe%E2%80%A6-thiet-giap.aspx

Cụm thi Vinh sẵn sàng cho giờ G

Posted: 02 Jul 2013 03:13 PM PDT

(GDTĐ) – Hôm nay (2/7), tại Trường ĐH Vinh, Hội đồng coi thi liên trường Cụm thi Vinh đã tổ chức Hội nghị triển khai Công tác coi thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đợt I năm 2013. Toàn thể Ban Chỉ đạo và Hội đồng coi thi Cụm thi Vinh đã tham dự Hội nghị.

Sinh vi
Sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi Trường ĐH Vinh

Theo Ban Chỉ đạo Cụm thi Vinh, tổng số thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 của 72 trường đại học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Vinh là 36.310 em. Trong đó đăng ký dự thi vào Trường Đại học Vinh là 11.734 em; vào 41 trường đại học ở Hà Nội là 20.031 em; vào 31 trường đại học ở TP Hồ Chí Minh là 4.675 em.

Để chuẩn bị tốt cho đợt 1 kỳ thi tuyển sinh năm nay, Cụm thi Vinh đã bố trí 54 điểm thi với 1.076 phòng thi. Trường Đại học Vinh cũng điều động 5.186 cán bộ làm nhiệm vụ coi thi, bảo vệ và phục vụ công tác thi.

Báo cáo tại cuộc họp, PGS. TS. Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, Chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường Cụm thi Vinh-  cho biết: Mọi công tác liên quan đến kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay tại Cụm thi Vinh đã được chuẩn bị chu đáo.

Tại hội nghị, lãnh đạo Hội đồng coi thi đã phổ biến những quy định mới của Quy chế thi, đặc biệt là các quy định có liên quan tới giám thị và thí sinh.

Bắt đầu từ hôm nay (2/7), 130 đội "Tiếp sức mùa thi" của Nghệ An đã chính thức hoạt động, trong đó có 18 đội giữ đồ và 15 đội xe lai miễn phí; 12 đội tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; 85 đội hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ tại các bến xe, ga tàu, các giao lộ.giao thông.

Các đội "Tiếp sức mùa thi" đã khảo sát, chuẩn bị được 6.000 chỗ ở và 3.500 suất cơm miễn phí; 560 cơ sở ăn uống và 16.600 chỗ ở giá rẻ để phục vụ thí sinh và người nhà thí sinh.

                                                                                  Minh Đức

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/cum-thi-vinh-san-sang-cho-gio-g-1970549/

Tăng cường phân cấp và phối hợp trong hoạt động thanh tra

Posted: 02 Jul 2013 02:13 PM PDT

(GDTĐ) – Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, Bộ GDĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra (hoặc cử cán bộ thanh tra cắm chốt), kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi và xét tuyển tại một số Hội đồng tuyển sinh. Các đoàn thanh tra coi thi, chấm thi sẽ tiến hành theo hình thức thanh tra đột xuất không báo trước.

Xung quanh việc phân cấp, phối hợp trong hoạt động thanh tra, Báo Giáo dục và Thời đại đã phỏng vấn ông Phạm Ngọc Trúc – Phó Chánh Thanh tra Bộ GDĐT.

123
Phó Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Phạm Ngọc Trúc

- Xin ông cho biết cụ thể các hoạt động thanh tra trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay?

* Bộ GDĐT đã có văn bản Hướng dẫn về công tác thanh tra thi tuyển sinh 2013, trong đó nêu rõ nội dung thanh tra, cách thức thanh tra, trách nhiệm tổ chức thanh tra ở tất cả các khâu của quá trình tuyển sinh.

So với năm 2012, Hướng dẫn năm nay của Bộ nhấn mạnh thêm trách nhiệm liên đới của cán bộ thanh tra nếu không làm tốt nhiệm vụ và một số vấn đề mới của Quy chế thi tuyển sinh như: trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh tiêu cực của thanh tra, thanh tra việc chấm kiểm tra, thanh tra việc xét tuyển…

Bộ GDĐT cũng thành lập các Đoàn thanh tra (hoặc cử cán bộ thanh tra độc lập) để thanh tra công tác coi thi, chấm thi và xét tuyển tại các cụm thi và các khu vực trong cả nước. Các Đoàn thanh tra coi thi, chấm thi sẽ thực hiện thanh tra lưu động, không báo trước địa điểm thanh tra.

- Thưa ông, có trường cho rằng thanh tra ở địa phương không được thanh tra độc lập đối với các trường trực thuộc mà chỉ phối hợp với các đoàn thanh tra của Bộ thôi! Ông giải thích về việc này như thế nào?

* Đó là nhận thức sai. Khoản 1, Điều 4, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 5/3/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT đã nêu rõ: "Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trường thành lập các đoàn (hoặc cử cán bộ), phối hợp với Thanh tra Bộ GDĐT tiến hành thanh tra việc thực hiện Quy chế tuyển sinh ở các trường trực thuộc".

Hướng dẫn thanh tra tuyển sinh năm 2013 của Bộ cũng nhấn mạnh trách nhiệm thanh tra của bộ, ngành, địa phương có trường theo tinh thần phân cấp quản lý giáo dục của Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ.

Theo đó, các địa phương, bộ, ngành có trường cần thành lập các đoàn thanh tra (hoặc cử cán bộ thanh tra) để tiến hành thanh tra độc lập hoặc phối hợp với Thanh tra Bộ GDĐT để cùng thanh tra việc thực hiện Quy chế tuyển sinh ở các trường trực thuộc địa phương, bộ, ngành mình.

Thực tế nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt việc này từ những năm trước và có kế hoạch tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn trong kỳ thi này, góp phần tích cực vào việc bảo đảm trật tự, an toàn cho kỳ thi.

- Xin cảm ơn ông!

                                                                                           An Việt (Thực hiện)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/tang-cuong-phan-cap-va-phoi-hop-trong-hoat-dong-thanh-tra-1970551/

Giáo dục đạo đức trong trường phổ thông: Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội

Posted: 02 Jul 2013 09:12 AM PDT

(GDTĐ) – Hôm nay (2/7), tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khảo sát công tác GD đạo đức trong các nhà trường phổ thông. Hội nghị do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chủ trì.

Tham dự  Hội nghị có: Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận; Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý; ông Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội…

123
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị

Cần nhiều hơn trách nhiệm từ gia đình

Đánh giá của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy: Với mục tiêu GD thế hệ trẻ trở thành người toàn diện, hội tụ đủ các tiêu chuẩn "Đức – Trí – Thể – Mỹ", những năm qua Bộ GDĐT đã dành ngày càng nhiều sự quan tâm hơn đến công tác GD đạo đức cho HS.

Đặc biệt là đào tạo đội ngũ giáo viên, cải tiến nội dung chương trình, giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, tiến bộ; lồng ghép GD đạo đức vào nội dung các môn học; chủ động phối hợp với các chính quyền địa phương và tổ chức  đoàn thể nhằm xây dựng môi trường sư phạm tốt, tăng cường quản lý HS ở trường, ở gia đình và xã hội…

Công tác này đã được ngành GD triển khai gắn với đặc thù của từng cấp học theo các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nhiều địa phương cũng đã xác định GD đạo đức là nội dung quan trọng trong GD toàn diện cho HS. Nhiều cơ sở GD đã có những sáng kiến, biên soạn và đưa vào giảng dạy làm phong phú thêm cho môn học, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD đạo đức trong các nhà trường…

Từ những cách làm hay, những sáng kiến, sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, nhiều nhà trường đã đào tạo ra những lớp HS có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức bản thân, hiểu và thực hiện tốt các chuẩn mực, các hành vi đạo đức trong cuộc sống và giao tiếp ứng xử.

Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy đã xuất hiện nhiều hiện tượng HS vi phạm chuẩn mực đạo đức, có lối sống buông thả, vô cảm; thậm chí đã có không ít trường hợp vi phạm pháp luật… Từ đó, dư luận dấy lên mối  ngại về sự xuống cấp đạo đức trong giới trẻ hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý, thực tế trong xã hội hiện nay, khi thấy HS trường này, trường kia có các hành vi vi phạm pháp luật, thái độ chưa ngoan… người ta thường "đổ lỗi" cho ngành GD. Không thể phủ nhận, có một số đơn vị trường học còn GD đạo đức cho HS chưa triệt để, chưa có biện pháp xử lý nghiêm khắc với hành vi vi phạm của HS. Tuy nhiên, nếu chỉ đổ nguyên nhân về phía nhà trường sẽ không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Bởi HS hư, vi phạm pháp luật còn bắt nguồn từ phía gia đình.

"Hiện không ít gia đình do mải mê làm ăn, kiếm sống không chú ý, quan tâm đến con mình nghĩ gì, làm gì, học gì. Cũng còn những bậc cha mẹ chưa làm gương cho con cái. Thậm chí, có phụ huynh còn mang tư tưởng giao phó việc dạy dỗ con em cho giáo viên, cho nhà trường… Cùng với đó là sự tác động của những tiêu cực xã hội (những tin giật gân được nhiều trang điện tử đăng tải) lên tâm lý của HS. Ở lứa tuổi mới lớn, các em đón nhận những mặt trái của xã hội một cách thụ động, lệch lạc, không nghĩ tới hậu quả…", Thứ trưởng Trần Quang Quý nhấn mạnh.

123
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nội dung giảng dạy các môn học sẽ đổi mới toàn diện, trong đó có môn GD đạo đức trong nhà trường.

Xã hội cũng phải là "nhà trường" của giới trẻ

Báo cáo khảo sát của đoàn giám sát của Văn phòng Chủ tịch nước tại 3 miền thuộc 7 tỉnh, thành phố, với 43 lớp của 22 trường học, cho thấy: Hiện đang có một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng dạy và học đạo đức chỉ cần thông qua môn Đạo đức và GD công dân là đủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận nêu rõ: Kiến thức trong những môn học nào cũng có tính GD, vấn đề là người dạy biết lồng ghép trong mỗi bài học để định hướng tư tưởng cho HS.

Bộ trưởng cũng cho rằng, đã đến lúc thay vì dạy HS những bài học đạo đức xa vời, các nhà trường cần GD cho các em về lòng nhân ái, bao dung, độ lượng hay GD về các chuẩn mực đạo đức trong quan hệ xã hội. Nhiệm vụ của ngành GD là phải tìm ra các hình thức sinh hoạt hiệu quả, tạo sân chơi lành mạnh cho HS. Cũng như vậy, để GD đạo đức cho con em mình, mỗi gia đình cần giữ gìn đạo đức, nề nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, là tấm gương cho con cái noi theo.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, GD đạo đức lối sống cần phải có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữ gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, nội dung giảng dạy các môn học cũng sẽ phải đổi mới toàn diện, trong đó có môn GD đạo đức trong nhà trường.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã chỉ rõ những mặt được cũng như chưa được trong công tác GD cho HS. Trong đó, đặc biệt quan trọng là vai trò của các nhà trường.

Đối với Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch nước đề nghị cần sớm rà soát lại nội dung chương trình, giáo trình để có thay đổi phù hợp với thực tiễn và tâm lý học trò. Nghiên cứu, xem xét khả năng tăng thời lượng một cách hợp lý cho môn đạo đức – GD công dân. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo bổ sung đội ngũ giáo viên GD công dân còn thiếu trong trường phổ thông; nghiên cứu, ban hành chính sách thống nhất hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy môn học này.

Đặc biệt Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý Bộ GDĐT sớm nghiên cứu, cụ thể hóa nguyên lý GD kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội thành những quy định, hướng dẫn cụ thể, tạo thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế, bên cạnh sự tăng cường phối kết hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể khác…

Phó Chủ tịch nước đề nghị: Cần xây dựng được một môi trường GD tốt; rộng lớn là xã hội và nhà trường, nhỏ là gia đình và lớp học để HS được học tập và rèn luyện trở thành những công dân có đức, có tài.

Trung Toàn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201307/giao-duc-dao-duc-trong-truong-pho-thong-can-su-phoi-hop-chat-che-giua-gia-dinh-nha-truong-va-xa-hoi-1970550/

Comments