Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thanh Hóa: “Chặn cổ” phụ huynh thu 200 nghìn đồng ngày đầu nộp hồ sơ

Posted: 16 Jul 2013 06:18 AM PDT

Sự việc gây bức xúc cho các phụ huynh có con em mình vào lớp 1 năm học 2013-2014 đang diễn ra tại Trường Tiểu học Thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn – Thanh Hóa), khi các phụ huynh đến nộp hồ sơ tuyển sinh thì phải nộp 200.000đ để ủng hộ nhà trường và 10.000đ tiền chè nước cho các thầy, cô.

Trước phản ánh của phụ huynh, chúng tôi đã tiếp cận sự việc thì được biết, trong 2 ngày 15-16/7, Trường Tiểu học thị trấn Rừng Thông đang triển khai nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 trên địa bàn thị trấn này.

Khi phụ huynh đến nộp được những người thu hồ sơ của trường "tuyên truyền" là nộp 200 nghìn đồng để ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất. Thêm nữa nhà trường còn thu mỗi trường hợp nộp hồ sơ 10.000đ để chè nước cho người thu hồ sơ.

Xác nhận sự việc, bà Ninh Thị Thảo – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc thu hồ sơ kèm thu tiền ủng hộ nhà trường là có thật. Bên cạnh đó chúng tôi còn thu thêm 10.000đ của mỗi phụ huynh để phục vụ chè, nước cho người làm việc.

Cùng lúc đó, bà Lê Thị Nhung – kế toán nhà trường nói rằng, việc thu là tự nguyện của các phụ huynh và dân chủ, có người đóng 100 nghìn, có người 150 và có người 200 nghìn đồng.

Khi PV đề nghị xem kế hoạch năm học và biển bản nộp tiền của phụ huynh thì bị từ chối với lý do không có hiệu trưởng ở nhà và bản ghi nộp tiền của các phụ huynh không có ở trường, trong khi sáng 16/7 nhà trường vẫn đang tiến hành thu hồ sơ.

Tuy đại diện trường Tiểu học Thị trấn Rừng Thông nhận là có việc thu tiền của phụ huynh và thu trên tinh thần tự nguyện, dân chủ thế nhưng họ quên một điều rằng là chưa có cuộc họp phụ huynh nào, chưa có biên bản thống nhất của phụ huynh. Vì rằng, trong 2 ngày 15-16/7 mới thu hồ sơ tuyển sinh, do vậy phụ huynh đến lần lượt rồi "bị" cán bộ thu hồ sơ kiêm luôn việc phổ biến nộp tiền chứ bản thân phụ huynh cũng chẳng hiểu gì.

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Ly – Phó phòng giáo dục huyện Đông Sơn, bà Ly khẳng định: Nhà trường chưa hề báo cáo việc thu tiền của phụ huynh đến nộp hồ sơ với phòng giáo dục. Đến giờ các anh chị nói tôi mới biết, chúng tôi sẽ cho đoàn kiểm tra ngay việc thu tiền của trường Tiểu học Thị trấn Rừng Thông.

Theo tôi, việc thu tiền như vậy là sai vì nếu có họp thì trường mới chỉ họp Ban giám hiệu chứ chưa hề có việc họp bàn với phụ huynh, trong khi tiền này nhà trường lại bảo thu tự nguyện. Chúng tôi sẽ kiểm tra rõ nhà trường thu tiền gì, để làm gì?.

Bà Ly cũng cho biết thêm, đầu năm học phòng giáo dục không chỉ đạo thu bất cứ khoản gì ngoài qui định. Nếu thu gì thì cũng phải được bàn với phụ huynh rõ ràng xem phụ huynh có đồng ý không mới được phép thu.

Tamnhin sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/tamnhin.net/Thanh-Hoa-Chan-co-phu-huynh-thu-200-nghin-dong-ngay-dau-nop-ho-so/11483704.epi

39 thí sinh bị kỷ luật trong kỳ tuyển sinh cao đẳng

Posted: 16 Jul 2013 06:18 AM PDT


Kỳ thi tuyển sinh cao đẳng vừa kết thúc. Theo báo cáo nhanh của Bộ GD – ĐT, đợt thi có 35 thí sinh bị đình chỉ và 4 thí sinh bị khiển trách.

Ngày 14/7, các thí sinh dự thi cao đẳng đã đến trường làm thủ tục dự thi. Năm nay, có 135 trường tổ chức thi tuyển hệ cao đẳng; 327 điểm thi với 9.512 phòng, 27.740 cán bộ coi thi.

Trong đợt tuyển sinh năm nay (diễn ra từ 15-16/7), số thí sinh đăng ký là 341.612 nhưng chỉ có 236.476 thí sinh đến dự thi, đạt tỷ lệ 67,07%.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD – ĐT, kỳ thi cao đẳng năm nay diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc. Bởi cả nước chỉ có 39 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (đình chỉ: 35, khiển trách: 4). Bên cạnh đó, 5 cán bộ cũng bị xử lý kỷ luật (đình chỉ: 3; khiển trách: 2).

Do Bộ GD – ĐT yêu cầu các trường cao đẳng phải công bố kết quả cho thí sinh trước 5/8. Vì vậy, ngay sau khi kỳ thi kết thúc, Hội đồng chấm thi đã nhanh chóng triển khai để kịp tiến độ. Sau đó, Bộ GD – ĐT sẽ họp và đưa ra mức điểm sàn trước ngày 10/8.

An Hoàng

Theo Infonet

Nguồn: http://news.zing.vn/nhip-song-tre/39-thi-sinh-bi-ky-luat-trong-ky-tuyen-sinh-cao-dng/a335596.html

Dạy nghề cho người mù: Cách làm hay của Hải Phòng

Posted: 16 Jul 2013 05:18 AM PDT

(GDTĐ) – Chủ tịch Hội người mù thành phố Hải Phòng Bùi Quang Tâm cho biết: Thuận lợi của thành phố chính là có trường chuyên biệt dạy văn hóa cho các em trong độ tuổi đi học. Do đó, việc đào tạo, dạy nghề của Hội tập trung cho đối tượng không trong độ tuổi đi học. Thời gian trước, kinh phí có hạn nên công việc này còn nhiều hạn chế. Song những năm trở lại đây hoạt động này diễn ra thường xuyên, đem lại cơ hội nghề cho người khuyết tật mắt.


Người mù ở Hải Phòng có thu nhập từ nghề làm tăm tre
 

Được sự giúp đỡ của T.Ư hội và UBND TP Hải Phòng, trong 5 năm qua, hội người mù TP Hải Phòng đã tổ chức được 9 lớp học nghề trong đó có 3 lớp học nghề xoa bóp, 3 lớp học tin học, 1 lớp trồng nấm và 2 lớp dạy nghề theo đề án 1956 với các nghề trồng hoa và mây tre đan.

Nắm bắt cơ chế thị trường, nhận thấy nghề xoa bóp bấm huyệt đang phát triển mạnh ở Hải Phòng, nên Hội đã mạnh dạn mở lớp cho hội viên đi học, ăn ở tại trung tâm. Do đó, hiện nay trong toàn hội có 28 cơ sở xoa bóp bấm huyệt do các cấp hội và hội viên thành lập, thu hút 189 người mù trong và ngoài hội tới làm việc với mức thu nhập trung bình 2.500.000 đồng/người/tháng. Doanh thu của các cơ sở xoa bóp bấm huyệt năm 2012 đạt gần 5 tỉ đồng. Riêng cơ sở của Thành hội mỗi tháng phục vụ khoảng 4.000 lượt khách đến xoa bóp chữa bệnh.

Dạy nghề, tạo công ăn việc làm ổn định cho người mù là mục tiêu quan trọng của Hội người mù Hải Phòng. Nhất là thời gian qua, thông qua ngân hàng chính sách, được vay vốn, nhiều hội viên mù được đi học nghề, vươn lên làm giàu ngay tại quê hương mình.

Chị Vũ Thị Hướng, huyện An Lão chia sẻ: "Tôi sinh ra đã kém may mắn. Cả 4 chị em trong gia đình đều bị mù, cuộc sống rất khó khăn. May mắn năm 2000, tôi được các cô chú trong Hội động viên tham gia sinh hoạt hội, tôi đã xóa được mặc cảm, sống hòa mình cùng cộng đồng, được tham gia tổ đóng gói tăm tre cùng với các hội viên khác. Nhưng thu nhập cũng chỉ đỡ đần phần nào cho gia đình.

Năm 2007, tôi được tham gia lớp học xoa bóp, bấm huyệt của Thành hội. Sau 4 tháng, học xong nhưng khi đó muốn mở cơ sở tại gia đình vẫn còn nhiều mặc cảm. Bởi người phụ nữ chỉ biết chạm đến cơ thể chồng, nay làm nghề này sợ bị bà con làng xóm dị nghị, nên thời gian đầu tôi rất lo. Nhưng được sự động viên của gia đình, người thân, với số vốn vay từ Hội là 10 triệu đồng, gia đình đã mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, rồi tự truyền dạy nghề cho các chị em". Cơ sở của chị đến nay đã tạo việc làm thường xuyên cho hội viên, có mức thu nhập 2 – 3 triệu/tháng. Ngày cao điểm có gần 20 khách tới cơ sở của chị để chữa bệnh.

Hoạt động của các cơ sở sản xuất tập trung trong những năm qua cũng được các cấp hội quan tâm, đã tạo điều kiện và môi trường làm việc cho nhiều hội viên trong những lúc nông nhàn với các nghề như: Làm hương, đan lát, làm chổi và đóng gói tăm… lao động tại các cơ sở tổ nhóm sản xuất tập trung nói trên đã có mức thu nhập trung bình khoảng 1.100.000 đồng/người/tháng.

Vì thế, đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình biết cách tổ chức sản xuất tạo việc làm cho bản thân và người thân trong gia đình như bà Vũ Thị Bính (huyện An Dương), bà Phạm Thị Hường (huyện Tiên Lãng), ông Phạm Hữu Bằng (quận Kiến An) và đặc biệt trường hợp ông Phạm Quang Thực (huyện Vĩnh Bảo) đã tổ chức được cơ sở xoa bóp bấm huyệt, tạo việc làm thường xuyên cho 5 người mù với mức thu nhập tương đối ổn định.

Việt Hoa

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201307/day-nghe-cho-nguoi-mu-cach-lam-hay-cua-hai-phong-1970951/

Bắt giáo viên Úc ấu dâm với 4 bé trai

Posted: 16 Jul 2013 05:18 AM PDT

Tổng Biên tập: LÊ XUÂN SƠN

Địa chỉ: 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội – Điện thoại: (84-4)39431250 /(84-4)39434341 – Fax: (84-4) 39430693
– Email: online@tienphong.vn

GPXB số 449/GP-BC cấp ngày 18/10/2004. CQCQ: Báo Tiền Phong, Cơ quan Trung ương
của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Nguồn: http://www.tienphong.vn/the-gioi/636950/Bat-giao-vien-Uc-au-dam-voi-4-be-trai-tpod.html

Ồn ào chạy đua học trái tuyến

Posted: 16 Jul 2013 04:18 AM PDT

(GDTĐ) – Mặc dù biết là trái tuyến do hộ khẩu khác phường hoặc chỉ mới đăng ký tạm trú nhưng nhiều PHHS vẫn "nuôi" nguyện vọng cho con em mình vào học các lớp đầu cấp của trường "chất lượng cao". Vậy làm thế nào để những HS đó có "cửa vào" thuận lợi nhất?

Tuy chỉ có hộ khẩu tạm trú nhưng để có đủ điều kiện cho con nhập trường này, theo lời khuyên của người nhà, vợ chồng anh Lê Văn D. –  công nhân Khu công nghiệp Vĩnh Lộc đã tìm cách nhờ "cò"  chạy hộ khẩu KT3. Đây cũng là "đường binh" của rất nhiều người dân sống quanh khu vực này đang có nguyện vọng hướng cho con "tới cái đích mà cha mẹ đã ngắm".

Chính vì thế áp lực chạy hộ khẩu bắt đầu "chuyển kênh" sang công an phường. Nếu giá "cò" hộ khẩu từ 1 "chai" (1 triệu) trong đầu tháng 4 thì đến nay đã nhảy vọt lên 3 "chai". Đây cũng là "con đường máu" của rất nhiều PH muốn tìm cách cho con mình được vào các trường "chất lượng cao" theo suy nghĩ của họ. 

Cô Nguyễn Thị Thu Lan – Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Lộc A có lời khuyên: "Nhà trường rất muốn nhận hết con em vào học nhưng do cơ sở vật chất còn thiếu nên không thể đáp ứng được mọi yêu cầu của người dân nhất là diện trái tuyến và tạm trú tại địa phương. Có hộ khẩu KT3 chỉ là điều kiện cần chứ không phải quyết định tất cả. PH cố chạy KT3 nhưng trường không mở được thêm lớp thì cũng không thể nào nhận vào được".

Để tránh tình trạng chạy nóng hộ khẩu, nhiều quận huyện đã đưa ra quy định hộ khẩu chỉ có giá trị trước đó 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm. Thế nhưng không ít PHHS vẫn tìm cách vớt vát nên trong thời điểm giữa hè mà vẫn bỏ tiền triệu ra "mua" hộ khẩu để lo chạy trường cho con. Trong khi đó, một số trường đã ra thông báo không nhận hộ khẩu nhập sau ngày 30/5. Đây chính là bài toán nan giải cho các hiệu trưởng và BGH các trường dư chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp khi phải làm việc và "giải trình" với người dân. 


Thay vì tìm cách chạy vào trường công chất lượng, nhiều phụ huynh chọn trường ngoài công lập uy tín. Trong ảnh: HS trường Đinh Thiện Lí (TPHCM) trong giờ học
 

Cách đây vài năm, một trường THCS quận Bình Thạnh có nhận và giải quyết cho một hồ sơ trái tuyến. Khi có người thắc mắc thì mới biết nguyên nhân để nhà trường chấp thuận là do HS có hộ khẩu ở quận Thủ Đức, nhà ở Khu tập thể cao su Bình Lợi giáp ranh với quận Bình Thạnh. Nếu HS này ra học Trường THCS Ngô Chí Quốc đúng tuyến thì mất 4 cây số nhưng nếu được học trái tuyến thì chỉ băng qua cầu Bình Lợi là tới. Trong hồ sơ của em còn có giấy bảo lãnh của cha mẹ đều là GV ở trong ngành Giáo dục nên cũng được BGH và Phòng GDĐT chiếu cố hơn.

Đây cũng là cách giải quyết của một số trường hiện nay khi xét hồ sơ HS đăng ký theo nguyện vọng. Hiệu trưởng một trường TH quận Bình Thạnh cho biết, hàng năm vẫn có một số GV đến trường xin cho con cháu vào học theo nguyện vọng.

Tuy nhiên nhà trường chỉ có thể linh động ưu tiên cho những HS là con ruột của GV. Nhưng cũng phải chờ đến cuối tháng 7 khi đã ổn định mới có thể trả lời được. Còn nhiều trường hợp nhận là cháu họ, cháu vợ thì chúng tôi không thể giải quyết được vì biết đâu đó chỉ là người quen, bạn bè hay cháu ruột trên danh nghĩa nhưng "bắn đại bác ba ngày cũng không tới".

Biết chắc là không còn cơ hội để vào Trường Vĩnh Lộc A nên anh D. đã nhanh chóng cho con vào nhập Trường TH Vĩnh Lộc B theo tuyến. Tuy biết phải đưa rước con xa xôi và cực nhọc nhưng vợ chồng anh nuôi hy vọng sang học kỳ 2 con anh sẽ được chuyển về học tại Trường TH Vĩnh Lộc B cho gần nhà vì theo Phòng GDĐT và BGH khẳng định lúc đó trường sẽ xây xong gần 10 phòng học mới chắc chắn nhưng đứa trẻ như con anh sẽ có "cửa vào"  trường trái tuyến.

Vừa qua, theo chỉ đạo của Phòng GDĐT Tân Bình, Trường THCS Trường Chinh bắt đầu niêm yết danh sách HS vào học lớp 6 theo nguyện vọng PHHS đăng ký. Thầy Trịnh Công Thuận – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đây là những HS có hộ khẩu ngoài địa bàn P.12 thuộc diện trái tuyến.

Tuy nhiên, theo sự thống nhất của Phòng GDĐT quận, các em đã đủ điều kiện để được vào học lớp 6 tại trường THCS Trường Chinh". Nhìn vào danh sách được dán trên bảng thông báo trước cổng trường, một số PHHS không thấy họ tên con em mình nhưng cũng bằng lòng vì gần 50 em được xét học trái tuyến lần này đều có số điểm tuyệt đối cho cả 2 môn Tiếng Việt và Toán là 20 điểm.

Chị Ngọc Xuân ngụ ở P.10, Q. Tân Bình phân trần: "Con trai tôi học Trường TH Lê Thị Hồng Gấm là HS trái tuyến nhưng gia đình vẫn có nguyện vọng đầu tiên cho cháu vào học Trường THCS Trường Chinh. Tuy nhiên, do cháu chỉ được 19 điểm nên không có tên trong danh sách này". Theo chị Xuân, cả 2 vợ chồng đều tiếc nhưng cũng đành phải chấp nhận vì cháu còn thiếu điểm đầu vào.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ – Phó Trưởng phòng GDĐT quận Tân Bình cho biết: "Trường THCS Trường Chinh là một trong những trường của quận vài năm gần đây bắt đầu chịu áp lực tuyển sinh đầu cấp.

Tuy nhiên trường vẫn có chỉ tiêu ưu tiên cho một số HS thuộc diện trái tuyến theo nguyện vọng của PH". Cũng theo bà Thuỷ, điều kiện đầu tiên là điểm số về học lực những em đạt điểm tối đa thường được xét ưu tiên trước.

Nếu còn chỗ học thì hạ điểm chuẩn xuống 19,75 như năm học trước và 19,50 như năm học này. Nói như vậy không có nghĩa là HS nào đạt 19,50 đều có tên trong danh sách mà còn xét tới các yếu tố ưu tiên khác như địa lý hay hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Cách làm của trường cũng là cách một số trường THCS trong quận Tân Bình thực hiện".

Trong khi đó, tại Trường TH Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh phải gánh trách nhiệm vô cùng nặng nề với số lượng HS đúng tuyến. Do trường chỉ có 20 phòng học nên hàng năm không đủ chỗ cho HS 5 khối theo học.

Thế nhưng – theo ông Nguyễn Minh Châu, nguyên Trưởng phòng GDĐT huyện Bình Chánh – TH Vĩnh Lộc A là một trường thuộc huyện ngoại thành nhưng nhiều năm nay áp lực tuyển sinh đầu cấp vô cùng lớn.

Nguyên nhân là do trường nằm gần khu công nghiệp nên số lượng gia đình công nhân từ các tỉnh miền ngoài nhập cư hàng năm rất đông. Trường lại nằm giáp ranh với quận Bình Tân nên còn phải làm "nghĩa vụ quốc tế" với quận bạn nữa. Dù PHHS có nhu cầu rất lớn nhưng nhà trường không dám tổ chức các lớp học bán trú như một số trường TH khác chung địa bàn nhưng vẫn không "hạ nhiệt" được sự quá tải.

Nguyễn Hoàng Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201307/on-ao-chay-dua-hoc-trai-tuyen-1970952/

Lò đào tạo nghề chăm sóc sức khỏe tại Mỹ

Posted: 16 Jul 2013 04:18 AM PDT

Hội thảo du học trường đào tạo y, dược lâu đời thứ hai của Mỹ -  Massachusetts College of Pharmacy and Health Sciences University (MCPHS), sẽ diễn ra tại TP HCM vào 8h30, thứ bảy, ngày 20/7 tại khách sạn Royal – 133 Nguyễn Huệ, quận 1; Tại Hà Nội, vào 8h30, chủ nhật, ngày 21/7 tại khách sạn Thăng Long Opera – 1C Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, với sự phối hợp tổ chức của EduPath cùng ông Rene Cabrera – Giám đốc tuyển sinh quốc tế của trường. Tại hội thảo, phụ huynh và học sinh sẽ được cập nhật thông tin về chương trình đào tạo nổi bật, chính sách học bổng của trường (tương đương 148 triệu đến 294 triệu đồng một năm) cũng như được nhận ưu đãi miễn phí ghi danh, phí thực hiện hồ sơ du học từ EduPath. 

1.jpg

Tại Mỹ, sinh viên ngành y, dược được học tập, thực tập với các kiến thức kỹ thuật công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới, bằng cấp tốt nghiệp được đánh giá cao, sinh viên dễ kiếm được công việc thu nhập tốt.

Là trường lâu đời thứ hai của Mỹ, chuyên cung cấp các chuyên ngành đào tạo chăm sóc sức khỏe, Massachusetts College of Pharmacy and Health Sciences University (MCPHS) đứng đầu danh sách tên trường được mọi người nhắc tới khi được hỏi về trường y, dược nổi tiếng nhất thành phố Boston, bang Massachusetts. Đây là ngôi trường được sinh viên Mỹ và cả sinh viên quốc tế tín nhiệm lựa chọn. Trường có ba cơ sở đặt tại các thành phố lớn của bang: Boston, Worcester và Manchester.

Hàng năm, trường chỉ xét tuyển gần 900 sinh viên để đào tạo. Đặc biệt, MCPHS là trường đại học duy nhất tại khu vực Đông Bắc Mỹ cung cấp chương trình đào tạo Dược sĩ trong vòng 5 năm (chương trình thông thường 6 năm) cũng như chương trình cấp tốc 3 năm (hoàn tất sớm một năm) một số chuyên ngành đang cần nguồn nhân lực tại Mỹ như: Vệ sinh nha khoa, Y tá, Chẩn đoán hình ảnh, Vật lý trị liệu, Nhãn khoa, Bác sĩ trợ lý, Kinh doanh Chăm sóc sức khỏe, Sức khỏe cộng đồng, Kỹ thuật chụp tia…

2.jpg

Là trường lâu đời thứ hai của Mỹ, chuyên cung cấp các chuyên ngành đào tạo chăm sóc sức khỏe, (MCPHS) đứng đầu danh sách tên trường được mọi người nhắc tới khi được hỏi về trường y, dược nổi tiếng.

MCPHS cung cấp môi trường tốt, giúp các tân sinh viên cũng như những người đã và đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có cơ hội nâng cao kỹ thuật hành nghề và bằng cấp học vị. Sau khóa học, sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, chứng chỉ sau đại học, kể cả đào tạo online. Mỹ được đánh giá là một trong những nước có nền y – dược, chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới. Tại Mỹ, sinh viên ngành y, dược được học tập, thực tập với các kiến thức kỹ thuật công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới, bằng cấp tốt nghiệp được đánh giá cao, sinh viên dễ kiếm được công việc thu nhập tốt.

Đây là lần thứ hai trường đến Việt Nam và EduPath vinh dự là đơn vị tổ chức, tư vấn, tuyển sinh chính thức của MCPHS tại Việt Nam. Hội thảo lần một của trường vào tháng 4/2013, có đông đảo sinh viên, phụ huynh đến tham dự và đăng ký nhập học. Điều đó cho thấy nguyện vọng học ngành y – dược hiện nay rất lớn. 

Hải Chi

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/co-hoi-du-hoc/lo-dao-tao-nghe-cham-soc-suc-khoe-tai-my-2848374.html

Còn ai được như thầy!

Posted: 16 Jul 2013 03:18 AM PDT

(GDTĐ) – Là hiệu trưởng có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, thầy H được bà con trong vùng mến mộ. Về đức độ, thầy là người thương dân, thương trò, luôn gương mẫu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong cộng đồng và trong môi trường sư phạm. Giản dị, khiêm tốn, chu đáo, cần mẫn, thầy còn là người nổi tiếng về tiết kiệm, liêm chính… Nghiêm túc mà nói, thầy là lớp thầy đồ thuở xưa… mà lớp trẻ bây giờ chỉ có biết mà… mơ.

Ảnh: Minh họa/internet
Ảnh: Minh họa/internet

Thế hệ sinh viên trẻ ra trường, bao người cảm phục thầy mà đều lắc đầu quầy quậy, quyết không thể học tập thầy.

Bởi lẽ: Làm thầy như thầy thì nghèo lắm. Bao tâm huyết thầy dành cho chuyên môn và sợ tối kỵ hai tiếng ăn bẩn của anh em; nhất là sự mẫu mực của người thầy từ cốt cách đến tinh thần đều trong như tấm gương… Thà mang tiếng "đời thường" một chút mà giàu có còn hơn mang tiếng thanh liêm như thầy để đến nỗi vợ con nheo nhóc.

Chủ trương xa lánh cái nghèo của đông đảo giáo viên lớp trẻ đã khiến thầy không thể hòa đồng với phong cách sống và sự suy nghĩ cực tiến bộ, thực tế của lớp trẻ. Ngay cả con thầy, tốt nghiệp THPT quyết chí không theo tấm gương cũng như công việc của bố. Cả 2 đứa con đều thi khối kinh tế. Chúng mưu sinh khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường, bằng cách bán hàng theo ca cho cửa hàng hoặc làm nhân viên tiếp thị cho hàng mỹ phẩm. Vất vả một chút, nhưng những đồng tiền chúng kiếm được đều bằng mồ hôi nước mắt và cả trí tuệ của tuổi trẻ. Chúng không thể chờ đến cuối tuần về nhà, chìa tay xin bố mấy trăm tiền lương, hoặc đợi mẹ bán con gà, con vịt để chúng ra Thủ đô học tập.

Tôi đến thăm thầy hiệu trưởng đáng kính vào một buổi chiều hè khi những đợt nắng nóng đang bủa vây vùng trung du, sau khi đi qua con đường bụi đỏ người xe ồn ã.

Thầy ốm. Gương mặt đã gầy của thầy giờ đây lại gầy hơn, cặp mắt hốc hác vô hồn sau trận ốm nặng hơn 1 tuần. Căn phòng của thầy đơn sơ, lọ hoa cắm hoa hồng để ở chiếc bàn gỗ vẫn tươi rói – những bông hoa được ngắt lên tại vườn nhà thơm ngát.  Ấm trà nóng được vợ thầy mang lên, đặt trên chiếc khay bằng gỗ… Bên ngoài, giàn thiên lý trĩu hoa, lá xanh mướt phủ xuống, tạo thành vòm xanh cho lối đi… Tiếng chim gáy vang lên, phá tan bầu không khí tĩnh mịch của khu vườn.

Hình như bao nhiêu yêu dấu bình yên đều dồn về đây sau những mưu sinh khó nhọc, bươn chải của kiếp người.

Tôi nhìn lên gian giữa của căn nhà gỗ đơn sơ.  Hình ảnh một ông đồ khăn xếp, râu tóc bạc phơ, ánh nhìn hiền hậu, bao dung… được chụp bằng ảnh trắng đen mỉm cười độ lượng nhìn qua những chân nhang. Thầy bảo đó là ông cụ thân sinh ra thầy, trước là thầy đồ thời thuộc Pháp. Ông cụ nghiêm nghị lắm, giỏi tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc. Ông cụ dạy trẻ trường làng, vì muốn cho dân làng bớt khổ bớt mù chữ. Cụ dạy không lấy tiền. Tiếng Pháp và tiếng Trung ông cụ tự học. Nếu không có học vấn, con người không khác con trâu con ngựa… Mà đã có học, phải ứng xử ở tầm có học, sống nhân văn, yêu và thương những người dân lao động, những người bất hạnh hơn…

Ông cụ không học hành ở chốn cửa Khổng sân Trình, mà chỉ bằng con đường tự học – cụ đã dạy học ở ngôi làng này, đưa bao trẻ em, bao thế hệ ra khỏi bóng đêm của sự ngu dốt bởi thiếu học. Người dân nơi này gọi cụ là ông đồ một cách trân trọng và tôn kính… Cụ mong muốn trở thành thầy giáo, sống trong sạch, gương mẫu và biết yêu thương, trân trọng những giá trị nhân văn. Đặc biệt là sống vì người khác.

Thầy hiệu trưởng của chúng tôi đã là bản sao của thầy đồ ngày xưa – bản sao của cha, sống đúng như mong mỏi của cha: Sống có ích, vì người khác.

Tôi hỏi về việc tại sao thầy lại quá nghiêm khắc với việc có một học sinh nói dối và suýt đánh mẹ vì mẹ không cho tiền chơi điện tử. Thầy bảo: Khi tôi ký quyết định hạ hạnh kiểm, ở lại lớp để kỷ luật học sinh này, tôi cũng đau lòng lắm chứ. Có 3 người đau đớn: Mẹ em học sinh, tôi và cậu bé. Giáo dục cần nhân ái, vị tha… nhưng cũng tùy trường hợp, từng lỗi vi phạm, tùy từng thời điểm… mà mình cần làm nghiêm. Nếu không lần sau lỗi đó lại tiếp tục bị vi phạm. Bất hiếu với mẹ cha là tội lớn… khó thể dung tha. Vấn đề là kỷ luật không chỉ là tờ giấy có các chữ ký và em học sinh là người thực thi. Tôi làm như vậy là đồng hành cùng em trên con đường đi tới, con đường để làm người có ích cho xã hội. Tôi không hà khắc với em, vẫn cùng các thầy cô, các bạn trong lớp bên em… Và, nhất là không định kiến với em, để em vẫn tin tưởng vào sự công bằng, nhân văn trong cuộc đời này…

Thì ra là như vậy. Giờ tôi đã hiểu, làm được thầy đồ như thầy khó lắm… Không phải ai cũng đủ tố chất, phẩm hạnh, cách sống và bản lĩnh như thầy để biết chấp nhận và rời bỏ cho mình những cái cần thiết và không cần thiết. 

Không biết trên đời này còn có nhiều thầy cô được như thầy hiệu trưởng của chúng tôi không?

Sa Mộc 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201307/con-ai-duoc-nhu-thay-1970958/

Nếu bạn phải chọn lại

Posted: 16 Jul 2013 03:18 AM PDT

LTS: Báo GDTĐ nhận được mail của Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM kể rằng ông vừa đón tiếp một nữ sinh viên sắp sửa lên năm thứ hai của một trường đại học đến trình bày nguyện vọng xin được chuyển về trường ĐH Sư phạm học lại năm thứ nhất. Lý do: Cô đã chọn sai ngành nghề mình yêu thích. Kèm theo mail là lá thư của bạn sinh viên gửi đến ông với thỉnh nguyện nói trên được viết bằng những lời lẽ chân thành, tha thiết. Nhận thấy nội dung lá thư có liên quan đến việc hướng nghề chọn nghiệp mà các bạn đọc là sĩ tử đại học đang quan tâm, báo GDTĐ – đã được sự đồng ý của người viết – xin đăng lên như một chia sẻ, nhắc nhở…


 

Em là P.H.N.M, sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa – Đồng Nai, hiện là sinh viên năm nhất của một trường Đại học công lập danh tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Em viết thư này với nguyện vọng được chuyển đến học tại trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh ngành Sư phạm Lịch sử – con đường thích hợp mà em nghĩ em phải theo.

Đã từ lâu em yêu quý nghề dạy học, đó là cảm xúc rất tự nhiên của bất kỳ người học trò nào được những thầy cô tận tụy dạy dỗ. Em có được may mắn được học thầy Quân, cô Ngân, thầy Hùng, thầy Mai… – những con người luôn yêu nghề, quý trò ấy đã để lại nhiều kỉ niệm trong em cũng như ảnh hưởng đến em trong quyết định viết thư cho thầy để khẳng định em sẽ lựa chọn nghề dạy học. Thầy cô hàng ngày vẫn bình dị lên lớp với những bài giảng quen thuộc. Điều em nhận được từ thầy cô không chỉ là những kiến thức mà còn là những tình cảm người dạy gửi gắm. Đó là nguyện vọng của người thầy, mong muốn qua những kiến thức mình truyền dạy, học trò có hiểu biết hơn cả thầy và hơn hết là thành nhân. Giá trị của người thầy là lâu dài, nó không hào nhoáng và dễ nhận thấy, nó thấm vào tiềm thức người trò, vì vậy mà hôm nay – sau rất nhiều lần bỏ lỡ, em quyết định lựa chọn nghề dạy học vì đã cảm nhận được giá trị quý giá ấy từ những thầy, cô em yêu quý. Em mong có cơ hội được chọn lại.

Dạy là một nghề, đã là nghề thì phải học. Có người nói "Ai dạy mà chẳng được", em không tin thế, dạy là nghề chuyên biệt mà mọi kiến thức và phương pháp của người dạy có ảnh hưởng không nhỏ với người học. Người thầy cần được đào tạo bài bản và có tâm thì mới có thể dạy người khác. Em nhận ra điều này khi hỗ trợ các thầy cô hướng dẫn các em tiểu học sinh hoạt và học tập hè tại Nhà Thiếu nhi Đồng Nai trong đợt làm thêm trước khi thi Đại học. Công việc không hề đơn giản và em thấy mình thiếu kỹ năng sư phạm. Em muốn được học những kiến thức và kỹ năng giúp mình có thể theo đuổi ngành. Theo em nghĩ môi trường tốt nhất để học chính là trường Sư phạm.

Khi học Sư phạm, em xin chọn ngành Sư phạm Lịch sử. Lịch sử đã để lại ấn tượng trong em từ những câu chuyện của mẹ và những bài giảng của cô. Mẹ lớn lên trong thời kỳ có nhiều biến động – chiến tranh. Mẹ biết thế nào là đau thương, mất mát, thế nào là đói ăn, thế nào là đi lính, thế nào là nỗi buồn vô hạn khi "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa" ngày Bác mất. Những tình cảm về con người, về thời đại ấy dường như em cảm nhận được phần nào.

Những bài giảng của cô khiến cho những câu chuyện quá khứ thêm hoàn chỉnh. Em không thể nào quên bài học về chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, chỉ bằng phấn trắng – bảng đen, cô giáo đã thuật lại diễn biến trận đánh thật sinh động. Theo lời kể của cô, từng mũi tên viên đạn như lướt trước mắt chúng em, cả lớp ai cũng nín thở hồi hộp nghe cô kể chuyện. Cả lớp vỡ òa khi cô kể về chiến thắng của ta… Lịch sử có ở mọi nơi từ trong đất, trong con người, kể cả cây đại thụ kia cũng chứng kiến bao thăng trầm, biến cố. Biết đâu có bao người lính hành quân qua nó, hay có những người đã nằm lại nơi ấy cho mọi bóng cây ngọn cỏ mãi là của người Việt. Học Lịch sử để biết hiện tại hôm nay được hình thành từ quá khứ như thế nào, từ đó hiện tại phải ra sao để tương lai tươi đẹp.

Tuy không là học sinh giỏi môn Lịch sử, nhưng em yêu quý Lịch sử đơn giản vì vậy. Và cũng vì "Dân ta phải biết sử ta", học để biết mình là ai, hay dở thế nào, để mà tự hào và để mà cố gắng xứng đáng với tiền nhân. Mong rằng tấm lòng yêu Lịch sử của em có thể sẻ chia cho các bạn trẻ khác khi em trở thành cô giáo Lịch sử.

Lựa chọn học Sư phạm đồng nghĩa em sẽ không học ngành học hiện nay em đang theo học. Dù đó là ngành hay, và em cũng khá thích, em sẽ không hối hận khi từ bỏ nó. Lí do em đến với ngành học này vì đây là ngành của gia đình, ngành mà người ta xem trọng, có lương bổng khá, ngành mà nhiều lãnh đạo từ đó mà ra… Một năm qua học rất nhiều điều. Một năm đủ để biết những người bạn và quen với cách học ở đại học, dù cũng có những niềm vui nhưng em vẫn luôn ray rứt trong lòng.

Một năm đủ để em nhận ra mình không hợp với ngành em đang học và là một năm để em nhận ra thiên hướng của em là làm thầy cô giáo… Em thấy mình như "Những kẻ lạc đường" mà Báo Tuổi Trẻ cuối tuần số 7-13-15/2013 đã viết: những bạn trẻ thiếu định hướng ngành mình yêu thích và theo đuổi, mọi sự lựa chọn là miễn cưỡng, miệt mài ôn thi để vào đại học và học đại, đến đâu thì đến rồi tự nhủ số mình là như vậy. "Người không mục đích, không lý tưởng như ngựa không cương, như thuyền không lái". Em cũng đã như thế, cho đến khi nghĩ đến câu slogan của hãng Apple "Think different" – Nghĩ khác đi. Nghĩ khác đi, em tin mình có thể chọn lại con đường nghề nghiệp mình gắn bó.

Có câu "Lý trí có thể mách bảo ta điều phải tránh, còn con tim sẽ chỉ cho ta biết điều ta nên làm". Con tim đã thôi thúc và lý trí đã thuận theo vì em đã cân nhắc mọi khó khăn khi lựa chọn con đường dạy học. Cuộc sống có phần khó khăn về kinh tế mà mọi thầy, cô gặp phải từng làm em chùn bước trước quyết định lớn này. Nhưng giờ, cản trở, khó khăn ấy không còn là rào cản nữa, dạy học là điều tốt nhất em nên lựa chọn.

Em có tham khảo văn bản qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thấy mình không thuộc các trường hợp chuyển trường, ngoài trường hợp nhận được sự đồng ý của trường chuyển đến. Vì vậy với mong mỏi được đi đúng hướng Sư phạm Lịch sử của mình, em mong được sự chấp thuận của Ban Giám hiệu trường Đại học Sư Phạm TP Hồ Chí Minh cho em vào học năm nhất Sư phạm Sử từ năm học sau. Vì em viết lá thư này vào thời điểm việc nộp hồ sơ thi Đại học đã qua lâu và em không còn cơ hội thi vào ngành Sư phạm trong năm nay nhưng em vẫn hy vọng được học tập tại trường sớm nhất có thể".

PV

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201307/neu-ban-phai-chon-lai-1970959/

Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng

Posted: 16 Jul 2013 03:18 AM PDT

Năm 2020 có 1 trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới – Ảnh minh họa

Quan điểm quy hoạch là mở rộng hợp lý quy mô đào tạo đại học, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa; phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước; thực hiện điều chỉnh cơ cấu hệ thống đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội; gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn…

Mục tiêu Quy hoạch đến năm 2020 đạt khoảng 256 sinh viên/1 vạn dân; khoảng 70-80% sinh viên đại học được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp-ứng dụng và khoảng 30-20% sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu.

Đến năm 2015 có 10 trường đại học mà mỗi trường có ít nhất 1 khoa (ngành) hoặc lĩnh vực đào tạo đạt tiêu chí chất lượng tương đương so với các trường có uy tín trên thế giới; đến năm 2020 có 20 trường đại học đạt tiêu chí nêu trên và có 1 trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới.

Đến 2020, SV ngành công nghiệp, giao thông, xây dựng chiếm 31%

Quyết định nêu rõ, ưu tiên đào tạo một số ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn; công nghệ thông tin; công nghệ cơ điện tử và tự động hoá; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; một số ngành, nghề kỹ thuật và công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá; đào tạo giáo viên và chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực dịch vụ.

Đến năm 2020, số sinh viên khối ngành công nghiệp, giao thông và xây dựng chiếm khoảng 31%, khối ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn khoảng 14%, khối ngành sư phạm và quản lý giáo dục khoảng 10%, khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, ngân hàng, luật và trợ giúp xã hội khoảng 31%, khối ngành nông-lâm-ngư khoảng 5%, khối ngành y-dược khoảng 6% và khối ngành nghệ thuật, thể dục-thể thao khoảng 4% trong tổng số sinh viên đào tạo.

Tỷ trọng sinh viên đại học so với tổng số sinh viên đại học, cao đẳng chiếm khoảng 64% vào năm 2015 và khoảng 56% vào năm 2020; tiếp tục thành lập mới các trường trung cấp chuyên nghiệp và mở rộng các chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong các trường cao đẳng, cao đẳng cộng đồng; nghiên cứu phát triển hệ cao đẳng 2 năm.

Phân bố mạng lưới trường theo 3 vùng kinh tế trọng điểm

Theo Quyết định, phân bố sinh viên, mạng lưới trường theo 3 vùng kinh tế trọng điểm. Cụ thể, với  vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (gắn với vùng Đồng bằng sông Hồng), tỷ lệ sinh viên học tập tại vùng trong tổng quy mô sinh viên của cả nước chiếm khoảng 40% vào năm 2020. Thu hút đầu tư thành lập một số trường đại học 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài.

Đối với, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gắn với vùng duyên hải Nam Trung Bộ), thành lập mới một số trường đại học, cao đẳng nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hoá và hiện đại hoá của các tỉnh miền Trung. Tỷ lệ sinh viên học tập tại vùng trong tổng quy mô sinh viên của cả nước chiếm khoảng 15% vào năm 2020.

Còn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gắn với vùng Đông Nam Bộ), tỷ lệ sinh viên học tập tại vùng trong tổng quy mô sinh viên của cả nước chiếm khoảng 24% vào năm 2020. Thu hút đầu tư thành lập một số trường đại học 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài.

Hoàng Diên

 


Chia sẻ tin này qua Google Plus


Chia sẻ tin này qua Facebook

Chia sẻ tin này qua Twitter

Chia sẻ tin này qua email

Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Chi-dao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu/Dieu-chinh-Quy-hoach-mang-luoi-cac-truong-dai-hoc-cao-dang/172822.vgp

Đề Văn đại học dễ bị hiểu nhầm vì "khôn khéo"

Posted: 16 Jul 2013 03:18 AM PDT


“Câu nghị luận xã hội năm nay ở đề thi
môn Văn CĐ
khá dễ vì chỉ yêu
cầu thí sinh trình bày quan điểm xoay quanh ý kiến:
"Khi mắc lỗi người tử tế sẵn sàng nhận lỗi, còn người ti tiện sẵn sàng đổ lỗi".
Những vấn đề đó thí sinh đã từng nghe, từng đọc, từng gặp qua… nên cứ thế viết
ra bằng lập luận của mình.

Tuy
nhiên, ở đề thi
môn Văn ĐH khối C thì lại
khác
, dẫn lời Giáo sư Trần Đình Hượu về lối sống người
Việt: "Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước,
lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn" nêu yêu cầu
khá rõ ràng là "từ những nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực" của lối sống
trên để "bày tỏ quan điểm sống của chính mình", cho nên thí sinh lại rất dễ đi
nhầm đường. Lý do xuất phát từ tầm nhận thức và kinh nghiệm sống còn khá hạn hẹp
của tuổi học trò.

Quan điểm
đề cao sự khôn khéo khá phổ biến, không chỉ ở người Việt Nam ta mà hầu như đều
xuất hiện ở hầu hết các nước, đặc biệt là các nước phương Đông. Chẳng hạn như
triết lý sống của cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Khôn cũng chết, dại cũng
chết, biết thì sống" cũng không nằm ngoài ý này. "Biết" ở đây cũng chính là sự khôn
khéo.

Nhưng, cái "biết", cái "khôn khéo" ấy đòi hỏi ở chúng ta có sự trải nghiệm,
thậm chí là qua những va chạm, những lần được mất thì mới rút ra và thấm thía
được. Trong khi đó, tâm hồn và suy nghĩ của các em học sinh còn ngây thơ, trong
sáng nên các em chưa đủ tầm nhận thức để hiểu hết cái gọi là "khôn khéo" ở đây.

Một hệ quả khó tránh khỏi là có không ít em nghĩ rằng "khôn khéo" chính là thái
độ "ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau". Vô hình trung, sự "khôn khéo" bị đánh đồng
với sự "khôn lỏi", và theo yêu cầu của đề thi, các em phải nói về mặt tích cực
của nó. Sẽ có không ít thí sinh sẽ phân tích đề thi này theo hướng: phải khôn
khéo mà sống.

Hơn nữa, nếu chỉ chăm chăm vào câu nhận xét của
nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu và thiếu tỉnh táo một chút, các em sẽ dễ bị đẩy theo một chiều suy nghĩ là đề
cao sự khôn khéo (có thể bị nhầm là khôn lỏi), và cứ thế ca ngợi sự khôn lỏi
khi đưa ra quan niệm sống của mình.

Hẳn đó
không phải là điều người ra đề thi, cũng như người chấm thi mong đợi.

Thí sinh
không sai, chỉ là tầm hiểu biết của các em chưa đủ để cảm nhận
và bình luận về vấn đề được đặt ra. Câu hỏi cũng không đáng bị phê phán, vì yêu
cầu của nó thực sự rất hay và thú vị. Vấn đề ở đây là sự thiếu phù hợp. Do đó,
đây là một câu hỏi khó, không giăng bẫy thí sinh, nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều
em bị lạc đường”.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/danviet.vn/De-Van-dai-hoc-de-bi-hieu-nham-vi-khon-kheo/11483997.epi

Comments