Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thời gian làm việc của giảng viên là 1.760 giờ/năm

Posted: 10 Jul 2013 08:56 AM PDT

(GDĐT)-Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT vừa ban hành thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, thời gian làm việc của giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp theo chế độ tuần làm việc 40 giờ; tổng quỹ thời gian làm việc hàng năm là 1.760 giờ.

Khung định mức giờ chuẩn giảng dạy được quy đổi từ quỹ thời gian giảng dạy đối với giảng viên là 280 giờ chuẩn; đối với giảng viên chính là 300 giờ chuẩn; với giảng viên cao cấp là 320 giờ chuẩn.

Thủ trưởng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quy định cụ thể định mức giờ chuẩn cho từng giảng viên phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình nhưng không cao hơn hoặc thấp hơn 15% so với khung định mức giờ chuẩn được quy định trên.

Những nhiệm vụ như hướng dẫn thực tập, hướng dẫn học viên làm khóa luận tốt nghiệp, hướng dẫn học viên đi thực tế, soạn đề kiểm tra, đề thi; coi kiểm tra, coi thi; chấm kiểm tra, chấm thi … đều được quy đổi ra giờ chuẩn.

Những giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thì số giờ dành cho việc nghiên cứu khoa học theo quy định được quy đổi thành giờ chuẩn để giảm trừ vào số giờ giảng dạy, thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn khác vượt định mức giờ chuẩn khi thanh toán tiền lương dạy thêm giờ.

Giảng viên trong thời gian hợp đồng làm việc lần đầu hoặc trong thời gian tập sự ở cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy của chức danh giảng viên.

Giảng viên giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoạt động chuyên môn khác vượt định mức giờ chuẩn được hưởng chế độ dạy thêm giờ đối với thời gian vượt định mức, nhưng không quá 200 giờ chuẩn trong 1 năm.

Giảng viên làm nhiệm vụ chủ nhiệm lớp thì cứ chủ nhiệm một lớp được giảm 5% định mức giờ chuẩn quy định. Giảng viên nữ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được giảm 10% định mức giờ chuẩn.

Giảng viên được bổ nhiệm giữ chức danh Giám đốc, Hiệu trưởng thực hiện 15% – 20% định mức giờ chuẩn của ngạch giảng viên đang giữ. Tỷ lệ này đối với Phó Giám đốc, Phó Hiệu trưởng là 20% – 25%; Trưởng phòng: 25% – 30%; Phó Trưởng phòng: 30% – 35%; Trưởng khoa: 75% – 80%; Phó Trưởng khoa, Trưởng bộ môn: 80% – 85%; Phó Trưởng bộ môn, Chủ nhiệm lớp: 85% – 90%; Bí thư đảng ủy, Chủ tịch công đoàn: 55% – 60%; Phó Bí thư đảng ủy, Phó Chủ tịch công đoàn, Bí thư chi bộ (nơi chưa thành lập đảng bộ), Bí thư Đoàn TNCS HCM: 60% – 65%.

Thông tư này cũng quy định tiêu chuẩn của giảng viên. Trong đó, có có quy định phải đạt chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn từ đại học trở lên quy định theo chức danh, phù hợp với chuyên môn, chuyên ngành giảng dạy; có trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giảng viên cần thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ; tham gia công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, công tác đảng, đoàn thể và các hoạt động khác; đồng thời, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2011.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3101/201106/Thoi-gian-lam-viec-cua-giang-vien-la-1760-gio/nam-1948452/

Mở ra những cánh cửa khác

Posted: 10 Jul 2013 08:56 AM PDT

(GDTĐ) – Trong cuộc sống, có những thứ đã qua mà ta không thể nhớ, nó thoáng qua như một cơn gió thoảng. Nhưng cũng có những thứ neo giữ lại trong tâm hồn để ta nhớ, ta yêu. Tôi cũng cất giữ những chiếc hộp kỷ niệm cho riêng mình. Đối với tôi, những năm tháng được cắp sách đến trường, được vui vẻ cùng thầy cô, bè bạn là khoảng thời gian đáng nhớ nhất. Đó thực sự là những kỉ niệm vô giá.

Bước chân vào mái trường THPT Việt Bắc năm học 2011 – 2012, tôi đã thực sự may mắn khi được học ở lớp 10C2, dưới sự dìu dắt của cô giáo chủ nhiệm Mai Bích Hồng – một cô giáo không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn rất tâm huyết trong công tác chủ nhiệm.

Hơn một năm qua với tôi là một quãng thời gian đầy ắp những kỷ niệm. Những bài giảng sâu sắc, những lần cô chuẩn bị cho lớp tham gia văn nghệ hoặc hướng dẫn làm các bài dự thi, những lần đi thăm học sinh ốm và những tiết sinh hoạt mà tôi biết khắc khoải trong lòng cô là mong muốn chúng tôi trở thành những con người theo đúng nghĩa… Tất cả tạo nên hình ảnh cô – một cô giáo – một người mẹ vừa nghiêm khắc, vừa thân thương, vừa dịu hiền in đậm trong trái tim tôi và tập thể lớp 11C2 bây giờ.

Năm học 2011 – 2012, tôi đăng kí thi vào lớp chuyên Anh của Trường Chu Văn An. Bởi lẽ tôi là một đứa rất thích học ngoại ngữ, ước mơ của tôi là trở thành một nhà ngoại giao. Tôi muốn sau này được đi nhiều nước trên thế giới, để mở mang tầm nhìn… Nhưng không phải tất cả những gì ta muốn đều trở thành hiện thực. Tôi đã khóc rất nhiều khi biết tin mình trượt chuyên Anh. Tôi đành ngậm ngùi theo học lớp ban C của Trường THPT Việt Bắc. Mới đầu vào học ở lớp 10C2 tôi chẳng thấy hào hứng gì. Người ta không thể nào làm tốt được việc gì nếu như không hề thích nó. Tôi chẳng thích học mấy  môn xã hội tẻ nhạt, buồn ngủ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa/Internet

Hôm ấy là giờ học môn Văn, tiết “Luyện tập trình bày một vấn đề”. Bài “Trình bày một vấn đề” học ở tiết trước, tôi có chú ý mấy đâu nên không nghe cô nhắc về nhà chuẩn bị trước cho tiết luyện tập này. Cô gọi tôi trình bày trước lớp vấn đề “Thật thà là dại chăng?”. Do không có sự chuẩn bị nên tôi cứ áp a ấp úng, mặc dù đề tài cô cho chẳng có gì là khó. Thấy bộ dạng tôi như vậy, cả lớp cười ồ lên như muốn chế nhạo tôi. Lúc ấy, tôi thấy xấu hổ vô cùng, chẳng có cái lỗ nẻ nào chui xuống được.

Hiểu được tâm trạng của tôi, cô xuống chỗ tôi và nói cuối giờ ở lại gặp cô. Cô đã hỏi tôi rằng: “Em không thích học môn Văn đúng không?”. Tôi không ngần ngại nói với cô tất cả những gì tôi nghĩ về các môn xã hội, trong đó có cả môn Văn của cô. Thực sự nói ra được với cô những điều ấy tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Cô ngồi im lặng nghe tôi “giải tỏa” nỗi bức bối trong lòng. Sau đó cô đã kể cho tôi rằng khi còn là học sinh phổ thông cô cũng từng không thích học môn Văn. Nhưng dần dần, cô đã yêu thích nó từ lúc nào không hay. Cô hi vọng là tôi sẽ thấy hứng thú và học tốt môn học này. Cô cũng nói rằng tôi có khả năng học môn Ngữ văn nhưng vì tôi chưa cố gắng nên chưa có kết quả tốt. 

Từ sau hôm nói chuyện với cô, tôi bắt đầu suy nghĩ chín chắn hơn. Tôi đã chú ý và dành nhiều thời gian cho môn Văn. Tôi muốn cho lũ bạn cùng lớp không thể cười tôi được nữa, bọn chúng sẽ phải nhìn tôi bằng ánh mắt khác. ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là phải lấy lại lòng tự trọng, không để người khác cười mình nữa. Và tôi ngày càng ấn tượng với cách dạy học của cô. Cô không vội vã khi giảng bài, không lo chạy lướt kiến thức cho nhanh mà cô giảng một cách trầm tư, chậm rãi. Giọng cô không trong trẻo như nước mùa thu mà ấm áp như làn nắng mùa đông đầy chất men say nồng nàn lôi cuốn học trò vào một thế giới văn chương kì diệu… Cứ như thế, cô dần làm tôi thay đổi qua từng bài giảng. Sau mỗi tiết học, tôi như lại được tiếp thêm nguồn sinh lực mới để hăng say học tập, hăng say tìm tòi và say mê môn Văn hơn. Từ lúc học cô, tôi đã có được những thói quen như: Tự đề ra cho mình trong một tuần phải đọc và hiểu được một cuốn sách. Chăm chỉ viết cảm nhận sau khi đọc một tác phẩm văn học hoặc viết một câu chuyện của cuộc sống xung quanh. Tôi tập suy nghĩ một cách sâu xa, từ nhiều khía cạnh, khách quan, chủ quan… về một vấn đề nào đó. 

Và tôi cũng bắt đầu hiểu sâu hơn về chân lí cuộc đời qua những lời giảng sâu lắng của cô. Tôi bắt đầu cảm thấy yêu gia đình hơn, yêu cuộc đời hơn, yêu văn học hơn. Tôi bắt đầu trở lại với chính bản thân mình, với ước mong ngày nào mà tôi đã vô tình thờ ơ, quên lãng. ánh mắt luôn nghiêm nghị nhưng cũng tràn đầy tình yêu thương của cô đã cho tôi nguồn tình yêu mới. Hơn thế nữa cô đã cho tôi một tình cảm – được truyền từ trái tim cô, một tình cảm đặc biệt với môn Văn. 

Bây giờ tôi đã trưởng thành hơn nhiều, biết suy nghĩ và không hối hận về những gì mình đã chọn. Lúc này tôi mới thực sự hiểu câu nói: “Cánh cửa này đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra”.

Mã số: 142

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3062/201305/Mo-ra-nhung-canh-cua-khac-1969382/

Cấp thiết!

Posted: 10 Jul 2013 08:56 AM PDT

(GDTĐ) – Từ năm học 2013-2014 sẽ đưa nội dung phòng chống tham nhũng (PCTN) vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục (từ bậc THPT trở lên). Đây là chỉ thị vừa được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành thực hiện nhằm nâng cao sự hiểu biết và vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong PCTN.


 

Vì sao có chỉ thị này? Xin kể câu chuyện dưới đây từ một cán bộ ngoại giao. Một nhóm người Việt sang Đức lao động, học tập tự túc. Họ gặp không ít khó khăn về chỗ ở, đi lại. Biết chuyện, nhà máy nơi họ làm việc đã nhờ một viên chức của thành phố xin cho họ được ở một ký túc xá gần đó với chi phí rất thấp, gần như miễn phí. Để tạ ơn, nhóm người Việt mua một bình gốm từ trong nước tặng viên chức nọ. Người này từ chối dù rất thích bình gốm. Năn nỉ thế nào ông cũng không nhận vì quy chế viên chức tại đây cấm nhận quà dưới bất cứ hình thức nào. Nhóm người Việt giải thích đây là phong tục của người Việt để tỏ lòng biết ơn, nếu không nhận họ sẽ buồn. Nghe vậy ông miễn cưỡng nhận. Một thời gian sau, nhóm người Việt đến chào ông về nước. Họ thấy trong văn phòng còn đó bình gốm ngày nào. Viên chức này không có ý nghĩ mang về nhà làm của riêng.

Câu chuyện hẳn làm nhiều người ngạc nhiên. Tặng quà để cám ơn ai đã giúp đỡ mình là việc bình thường ở nước ta. Người tặng vô tư mà người nhận cũng vô tư. Thực tế cho thấy hiện có nhiều người chưa hiểu biết tường tận về hối lộ, tham nhũng; một hành vi như thế nào thì bị coi là hối hộ, tham nhũng.

Tham nhũng được định nghĩa là việc lạm dụng quyền lực để đạt được những lợi ích cá nhân. Theo một báo cáo của Thanh tra Chính phủ, một số ngành, một số lãnh vực ở nước ta dễ xảy ra tham nhũng là nhà đất, xây dựng, hải quan, thuế vụ, cảnh sát giao thông, giao thông vận tải… Theo xếp hạng Nhận thức về tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố năm 2010 thì Việt Nam được 2,7 trên 10 điểm (những nước có điểm số dưới 5 bị coi là có tình trạng tham nhũng cao). Sang năm 2011, số điểm của Việt Nam là 2,9 và năm 2012 là 3,1. Điều này cho thấy tham nhũng ở nước ta vẫn là vấn nạn chưa có dấu hiệu giảm.

Tham nhũng gây thiệt hại, thất thoát rất lớn về tài sản của Nhà nước. Một khảo sát cho thấy tham nhũng đã gây thiệt hại khoảng 30% nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho hạ tầng. Tham nhũng cũng làm xói mòn lòng tin của người dân đối với chính quyền. Tham nhũng còn làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, nguồn gốc gây ra các tệ nạn xã hội.

Theo GS Stephen P.Heyneman, Đại học Vanderbilt (Mỹ), trường học được coi là nơi tôi luyện cho thế hệ mai sau, bởi vậy nơi đây dứt khoát không có đất sống cho tham nhũng. Tuy vậy, những nghiên cứu gần đây cho thấy tham nhũng trong giáo dục cũng tồn tại như bất kỳ lĩnh vực nào khác. Tính công bằng, trong sạch vốn được cho là đặc tính cơ bản của lĩnh vực giáo dục đang ngày càng bị xâm phạm bởi các lợi ích cá nhân, nhóm cá nhân, bởi cả các gia đình hay tổ chức.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng như pháp luật còn kẽ hở, thủ tục hành chính phiền phức gây ra tệ nhũng nhiễu, bộ máy cán bộ, công chức thiếu tâm, lương thấp… Tuy nhiên, còn một nguyên nhân theo chúng tôi là khá cơ bản: Đó là việc thiếu hiểu biết về tham nhũng. Không hiếm cán bộ khi ra đứng trước vành móng ngựa vẫn ngây thơ khai nhận không biết việc mình làm là phạm vào tội tham nhũng!

Chống tham nhũng là chủ trương lớn của Nhà nước, trong nhiều năm qua đã được nhiều ngành, địa phương thực hiện một cách quyết liệt. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phanh phui. Tuy nhiên, cần khách quan nhìn nhận đây là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, khó khăn. Tại buổi ra mắt Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng ban, Tổng Bí thư đã phát biểu: "PCTN là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ, nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp…".

Bởi vậy, trong lúc này, chỉ thị đưa nội dung PCTN vào nhà trường là việc làm cấp thiết!

Từ Nguyên Thạch

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201307/cap-thiet-1970797/

Cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học

Posted: 10 Jul 2013 08:56 AM PDT

Bộ GDĐT vừa ban hành thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, thông tư 24 là cụ thể hóa pháp lệnh người công và Nghị định số 31 của Chính phủ đã có hiệu lực từ tháng 4/2013, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên. 

Theo đó, sẽ bổ sung đối tượng 03 (được cộng 2 điểm) đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng.

me-VN-anh-hung-1373444128_500x0.jpg

Theo thông tư sửa đổi của Bộ Giáo dục, bà mẹ Việt Nam anh hùng dự thi đại học sẽ được cộng 2 điểm. 

“Cần hiểu rằng bà mẹ Việt Nam anh hùng không phải chỉ là những bà cụ 80, 90 tuổi mà những bà mẹ có con đi bộ đội đã hi sinh cũng được xem xét phong tặng. Điều này rất phù hợp để đảm bảo học tập suốt đời. Quy chế tuyển sinh cũng không quy định tuổi dự thi đại học”, ông Khôi nói.

Con của Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế và con của người có công giúp đỡ cách mạng được bổ sung vào đối tượng ưu tiên 04, được cộng 2 điểm khi thi đại học.

Thông tư cũng sửa đổi đối tượng ưu tiên "con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945" thuộc đối tượng 04 thành "con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945".

Thông tư sửa đổi này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/8/2013. Theo ông Khôi, đây cũng là điều mà Bộ đã tính toán để đảm bảo các thí sinh dự thi năm nay, thuộc đối tượng được bổ sung có thể hưởng ngay chính sách, đúng thời điểm các trường công bố điểm trúng tuyển.

Hoàng Thùy

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/giao-duc/cong-diem-cho-me-viet-nam-anh-hung-thi-dai-hoc-2847137.html

Sỹ tử bàn về lối sống của người Việt trong đề Văn

Posted: 10 Jul 2013 08:56 AM PDT

Thí sinh ”lơ mơ” với đề thi

Với đề Văn khối C, có 4 câu, TS phải làm 3 câu, trong đó có câu 2 và câu 3 là những câu khiến TS khó nhằn nhất. Câu 2 của đề thi yêu cầu nhận xét lối sống của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu: Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình huống khó khăn.

Với câu nói này đề yêu cầu TS phải phân tích những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống trên và bày tỏ quan điểm sống của mình.

TS Lê Thủy- Nông Cống- Thanh Hóa dự thi vào ĐH Luật Hà Nội cho rằng: “Câu hỏi này thực sự là bất ngờ với em và nhiều bạn trong phòng thi. Nhiều bạn khi đọc câu hỏi còn không biết sẽ làm bài theo hướng nào, vì đơn giản để hiểu đúng câu nói của nhà nghiên cứu trên cũng không hề đơn giản”.

Nói qua về bài làm của mình, Thủy chia sẻ: ”Em đang ở trong độ tuổi học sinh, sinh viên vẫn mang trong mình tố chất không ngại khó, ngại khổ, sống đúng với lương tâm và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, nhìn rộng ra ngoài xã hội, em thấy hiện nay không phải ai cũng sống theo cách sống yêu thương, hy sinh, chịu thiệt thòi vì người khác. Vậy nên khi đặt bút viết em cũng rất băn khoăn".

Cũng quan điểm, TS Nông Hồng Thắm- huyện Hòa An- Cao Bằng thi vào khoa Luật của trường này nhăn nhó: “Em bất ngờ với câu hỏi nghị luận. Em không hiểu câu nói của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu, nên không làm được. Quan điểm sống của em là cần ca tụng cả trí tuệ  lẫn sự khôn khéo và biết thủ thế, giữ mình để vượt qua mọi khó khăn thách thức”.

"Trong bài em chủ yếu phân tích về cách sống này, không biết có đúng ý đáp án của Bộ hay không. Bên cạnh đó em cho rằng câu hỏi nghị luận nên đưa vào đề thi những vấn đề thời sự, như vừa qua Bộ đã làm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 hay kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012, sẽ phù hợp với TS hơn", TS Thắm chia sẻ.

Băn khoăn với đề thi

Với đề Văn khối D, nhiều TS cũng lắc đầu với câu hỏi số 2 về phần nghị luận về câu nói về trải nghiệm sống của Việt kiều Tran Hung John: Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.

Với câu nói trên, đề thi yêu cầu TS đưa ra quan điểm đồng tình hay không của bản thân, từ đó bày tỏ quan điểm của mình.

Câu hỏi này khiến nhiều TS không biết nên trả lời đồng tình hay không, nên trả lời theo cách giáo điều, sách vở hay trả lời đúng với suy nghĩ của bản thân.

TS Đào Thị Nguyệt Nga- Đan Phượng- Hà Nội nói: “Em cũng như nhiều bạn khác cũng đôi lần rơi vào cách sống "theo sau chứ không phải là người tiên phong", tuy nhiên trong bài thi, nếu em trả lời là không đồng tình đương nhiên là câu trả lời của số đông, nhưng bản thân em đôi lúc lại đồng tình với quan điểm sống này. Vậy nếu em trả lời đồng tình, liệu bài làm có được cho điểm?”

"Nếu TS tự thấy bản thân mình cũng theo lối sống "theo sau người khác" nhưng trong bài thi lại kịch liệt lên án phê phán lối sống đó, thì có nên không. Nếu làm như vậy TS sẽ cảm thấy xấu hổ vì đã tự lừa dối bản thân, lừa dối người khác", Nguyệt Nga trăn trở.

Khi được cách ra đề Văn năm nay của Bộ GD-ĐT, nhiều TS cho rằng đề không hay, yêu cầu quá cao với TS.

Với cách ra đề thi như năm nay của Bộ, nhiều TS đang rất lo lắng về bài làm của mình, liệu cách suy nghĩ, cách cảm nhận của mình có trùng khớp với thang điểm trong đáp án mà Bộ GD-ĐT đưa ra.

Minh Châu

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/DaoTao/www.baohaiquan.vn/Sy-tu-ban-ve-loi-song-cua-nguoi-Viet-trong-de-Van/11440718.epi

Dân mạng cười nghiêng ngả với đề thi đại học chế

Posted: 10 Jul 2013 08:56 AM PDT


Không chỉ tràn ngập những bức ảnh chế hài hước, cư dân mạng chia sẻ những status, thậm chí là đề thi "chế" thể hiện sự dí dỏm, thông minh của người sáng tác.


Một trong rất nhiều bức ảnh “chế” hài hước của cộng đồng mạng.

Trên mạng xã hội, một thí sinh tóm tắt đề Văn khối D bằng cách liên hệ tất cả những tác phẩm, tác giả, nhân vật được nói đến trong đề một cách rất logic và hài hước: "Đọc đề xong, Xuân Diệu vội vàng cùng phóng viên Phùng cướp chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, lội ngược dòng sông Đà đi tìm cố nhân để truy tìm tung tích của Trần Hùng John".

Cao tay hơn, trên một diễn đàn còn xuất hiện cả một đề thi chế dành cho các sĩ tử khối C. Nội dung của đề thi này kết hợp kiến thức của cả 3 môn Văn, Sử, Địa, thậm chí là cả Hóa học và Toán.

"Đề thi khối C – Đề thi Đại học 2013 Khối C (dành cho thí sinh không chuyên)

Câu 1: Dựa vào hình tượng đáng thương của nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, anh/chị hãy phân tích hậu quả của đột biến gen?

Câu 2: “Sông không hiểu nổi mình. Sóng tìm ra tận bể”. Anh/chị hãy:

a. Tính bước sóng Lamđa.

b. Tìm thể tích nước biển cho H=1, O=16, C=12.

Câu 3: Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam, anh/chị hãy khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị hàm số y = f(x) = x3-2x?

Chúc các thí sinh làm bài tốt và hẹn gặp lại ở kỳ thi kế tiếp".

Không chỉ thế, các "anh hùng bàn phím" sáng tạo này còn cập nhật ngay những câu hỏi "chế" dạng trắc nghiệm với những đáp án độc nhất vô nhị khiến người đọc cười nghiêng ngả.

"Vương Thúy Kiều đã trầm mình ở sông?

A: Tiền Giang

B: Tiền Giường

C: Tiền Đường

D: Tiền Đàng

Thị Nở đã nấu nồi cháo gì cho Chí Phèo ăn?

A: Cháo gà

B: Cháo hải sản

C: Cháo hành

D: Cháo bào ngư

Ở cuối truyện Tấm Cám mẹ con Cám đã bị đem ra làm loại thức ăn nào sau đây?

A: Làm khô

B: Làm gỏi

C: Làm tương

D: Làm nem

Chị Dậu nói: “Mày đánh chồng bà đi rồi bà cho mày xem!” Và chị đã cho chúng nó xem thật. Thế chị Dậu muốn cho chúng nó xem cái gì?

A: ………… (học sinh tự điền)

Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm, nếu… thí sinh không hỏi!"

Không "tha" cả phần quy định làm bài, cư dân mạng còn sử dụng luật chơi của gameshow "Ai là triệu phú?" để sáng tác ra những status có lẽ chỉ có những người trẻ vui tính mới có thể nghĩ ra.

"Thời gian: 234 phút không kể thời gian ngủ và ngồi chơi của thí sinh. Nghiêm cấm thí sinh ra khỏi phòng thi trước phút thứ 233 để tránh đề thi bị tuồn ra ngoài.

Cách làm bài: Thí sinh làm bài trên máy vi tính, chỉ được chọn câu trả lời duy nhất 1 lần. Thí sinh có 3 quyền trợ giúp: Gọi điện thoại cho người thân, 50 -50 và nhòm bài của bạn.

Cách chấm điểm: Mỗi câu trả lời đúng được tính 1 điểm, trả lời sai trừ 2 điểm… Đề thi có 1 câu hỏi đặc biệt, thí sinh trả lời chính xác câu này thì không cần làm những câu khác vẫn được điểm tuyệt đối.

Quy định khác:

1. Để tránh nhàm chán trong giờ thi, mỗi thí sinh được phát 5 tờ A4 để vẽ máy bay, tàu thủy, ô tô khi không làm được bài và không biết làm gì trong thời gian rỗi.

2. Thí sinh vào phòng thi không được phép mang tài liệu nhưng được phép mang theo tiền để đánh bài. Cả phòng thi được phát 5 bộ bài để thí sinh giải trí, dành cho thí sinh không làm được bài".

Theo Vietnamnet


Nguồn: http://news.zing.vn/nhip-song-tre/dan-mang-cuoi-nghieng-nga-voi-de-thi-dai-hoc-che/a334200.html

Gợi ý đáp án môn Ngữ văn khối D

Posted: 10 Jul 2013 08:56 AM PDT

PHẦN CHUNG

* Mở bài:

- Giới thiệu về tác gia Xuân Diệu – "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới".

- Giới thiệu về tác phẩm:

 + Vội vàng là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu, trích từ tập "Thơ thơ".

 + Bài thơi khẳng định cái tôi với quan điểm sống mới mẻ.

 + Trích dẫn 2 ý kiến: "đó là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực" (1) và "đó là tiếng nói của cái tôi các nhân tích cực" (2).

* Thân bài

- Giải thích ý kiến:

+ Ý kiến (1): Giai đoạn 1930 – 1945, đất nước bị phương Tây hóa, các giá trị tuyền thống, đạo đức bị đảo lộn khiến tầng lớp trí thức, đặc biệt là các nhà thơ lãng mạn rơi vào bế tắc, thoát ly tiêu cực = ý kiến trên có lý.

+ Ý kiến (2): "Vội vàng" rút từ tập "Thơ Thơ" là tập thơ đầu tay của Xuân Diệu, "đây là tuổi xuân của tôi, sự sống của tôi nữa" = Bài thơ thể hiện khát khao dâng hiến, giao cảm mãnh liệt của tác giả = Ý kiến trên đúng với bản chất và phong cách thơ Xuân Diệu, đó là quan điểm sống tích cực.

- Bình luận: Tích cực và tiêu cực thể hiện trong cái nhìn, quan điểm sống của Xuân Diệu

+ Tình yêu, khát khao sống mãnh liệt, khát vọng lưu giữ, sở hữu vẻ đẹp trần thế với điệp từ "Tôi muốn…" (4 câu thơ đầu).

+ Khát khao hưởng thụ cuộc sống (bức tranh thiên nhiên trần thế) và khát khao giao hòa cuộc sống (hình ảnh "cặp môi gần", hành động "muốn cắn vào ngươi").

+ Quan niệm, cảm quan thời gian: Thời gian tuyến tính một chiều, một đi không trở lại tương đương với tuổi xuân tàn phai. Bài thơ thể hiện khát khao cướp quyền tạo hóa – khát khao ngưng đọng thời gian – khát khao tuổi trẻ.

Ám ảnh thời gian qua hai hướng: tích cực (sống vội, sống gấp để hưởng thụ hiện tại) và tiêu cực (thoát li hiện tại).

+ Nghệ thuật: so sánh liên tưởng táo bạo; ngôn ngữ tân kì, thể thơ tự do; miêu tả thiên nhiên đẹp; biện pháp nghệ thuật điệp từ, lặp, tương phản

= Ý nghĩa: Thể hiện tài năng của Xuân Diệu và làm nổi bật sâu sắc niềm khát khao sống.

* Kết bài:

- Cái tôi cá nhân tích cực là bản chất, là tinh thần của thơ Xuân Diệu.

- Đưa ra quan điểm sống, cảm quan thời gian mới mẻ làm dậy sóng ao đời bằng phẳng của xã hội đương thời.

 

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/goi-y-dap-an-mon-ngu-van-khoi-d-1970780/

Đã có đáp án chính thức các môn thi ĐH đợt 2

Posted: 10 Jul 2013 08:56 AM PDT

(GDTĐ) – Bộ GDĐT vừa công bố đáp án các môn thi ĐH đợt II kỳ tuyển sinh năm 2013.

Thí sinh thi ĐH 2013. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh thi ĐH 2013. Ảnh: gdtd.vn

(Bộ GDĐT)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/da-co-dap-an-chinh-thuc-cac-mon-thi-dh-dot-2-1970796/

Xét tuyển TS huyện nghèo, TS đạt giải hội thi KHKT đến 31/7

Posted: 10 Jul 2013 08:56 AM PDT

(GDTĐ) – Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi các Sở GDĐT, học viện, trường ĐH, CĐ về chỉ tiêu và thời gian xét tuyển đối với học sinh được ưu tiên xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ.


 

Theo đó, đối với thí sinh thuộc 20 huyện quy định tại công văn số 4007/BGD ĐT-GD ĐT và học sinh đạt giải trong Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông, thời gian xét tuyển kéo dài đến hết 31/7/2013.

Sở GDĐT hướng dẫn học sinh 20 huyện nói trên căn cứ vào các tiêu chí xét tuyển của cơ sở giáo dục ĐH đã công bố, khai hồ sơ đăng ký xét tuyển và gửi trực tiếp về cơ sở giáo dục ĐH để xét tuyển hoặc tiếp nhận vào học.

Đối với học sinh đạt giải trong Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông, Sở GDĐT hướng dẫn học sinh khai hồ sơ đăng ký tuyển thẳng gửi trực tiếp về cơ sở giáo dục để tiếp nhận vào học.

Chỉ tiêu để các cơ sở giáo dục ĐH xét tuyển thẳng các học sinh được ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 03/2013/TT-BGD ĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy không nằm trong chỉ tiêu mà cơ sở giáo dục ĐH xác định hàng năm theo quy định hiện hành.

Trước đó, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 4007/BGDĐT-GDĐH về việc bổ sung các huyện biên giới thuộc khu vực Tây Nguyên và giáp Tây Nguyên có học sinh được ưu tiên xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ và Công văn số 4221/ BGDĐT-GDĐH về việc xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ đối với học sinh đạt giải trong Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4681/201307/xet-tuyen-ts-huyen-ngheo-ts-dat-giai-hoi-thi-khkt-den-317-1970800/

Những chuyện bên lề “hi hữu” của kỳ thi đại học

Posted: 10 Jul 2013 05:56 AM PDT

* Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, điểm thi trường THCS Khương Đình có một thí sinh đến muộn không được vào thi. Khi các thí sinh vào phòng thi được 18 phút rồi thí sinh này mới hớt hải tới. Mặc dù rất cảm thông với tình huống "bất đắc dĩ" này, nhưng chiếu theo quy chế, thí sinh sẽ không được dự thi.

* Học viện CSND cho biết, trong đợt II, một số thí sinh dự thi vào trường đã bất cẩn bị kẻ gian trộm hết đồ đạc và bị mất thẻ dự thi, giấy tờ tùy thân. Nhà trường đã tạo điều kiện tối đa để thí sinh được thi, sau khi đối chiếu "người thật" với ảnh lưu trong hồ sơ. Cũng tại Học viện CSND, có hơn 100 thí sinh thuộc diện chính sách đã được nhà trường miễn phí ăn ở trong suốt đợt thi.

* Nhằm tạo sự thoải mái vui vẻ cho phụ huynh khi chờ con, ĐH Hà Nội đã mở cửa hội trường 500 chỗ, chuẩn bị nước uống, phim Táo quân để phụ huynh em, nghỉ ngơi và thư giãn. Nhà trường còn dành nơi gửi xe miễn phí cho phụ huynh yên tâm

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/DaoTao/cand.com.vn/Nhung-chuyen-ben-le-hi-huu-cua-ky-thi-dai-hoc/11439030.epi

Comments