Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Hơn 300 cuốn sách gói trong 0,5 kg

Posted: 27 Jun 2013 08:58 AM PDT

– 310 cuốn sách giáo khoa và bài tập của học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đã được ‘gói gọn’ trong một thiết bị cầm tay có trọng lượng 500 gram. Đó là sách giáo khoa điện tử đầu tiên ở Việt Nam vừa được giới thiệu ngày 25/6 tại Hà Nội.

classbook, sách giáo khoa điện tử

Sản phẩm sách giáo khoa điện tử Việt Nam được giới thiệu ngày 25/6

Sách giáo khoa số hóa

Sách giáo khoa điện tử (Classbook) là một thiết bị giống như Ipad, kích thước 8 inch, tỉ lệ 4:3, độ phân giải 1024×762 pixel. có màn hình chống loá. Công nghệ chống lóa IPS (In Plane Switching) được giới thiệu sẽ đảm bảo hỗ trợ góc nhìn rộng (tối đa 178 độ) với màu sắc trung thực và tự nhiên, không gây ảnh hưởng xấu tới thị lực người dùng. Với thời lượng pin từ 8-10 giờ, thiết bị đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong thời gian ở trường của học sinh.

Classbook cài đặt sẵn trọn bộ sách giáo khoa và sách bổ trợ theo chương trình phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12.

Ngoài ra, trên Classbook còn có hơn 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học, thích ứng với các độ tuổi khác nhau.

Classbook có ưu điểm nổi bật so với sách giáo khoa truyền thống ở tính tương tác. Sách hỗ trợ  việc biên tập và gắn kết với những nội dung đa phương tiện mở rộng cho bài học, cung cấp chức năng cho phép học sinh tương tác với nội dung của bài.

Chẳng hạn, với sách Tiếng Anh, học sinh có thể tra nghĩa của từ bằng cách chạm trên màn hình, nghe phát âm chuẩn một câu, một đoạn văn hoặc cả bài học, ghi âm lại giọng đọc của mình để đối chiếu với giọng bản ngữ hoặc xem các video bài giảng…

Với các môn học khác như Toán học, Vật lý, Hoá học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Ngữ Văn, học sinh có thể khai thác những thí nghiệm mô phỏng, hình ảnh, bản đồ, những đoạn âm thanh hoặc phim tư liệu hoặc nghe ngâm thơ, kể chuyên…

Là thiết bị học tập chuyên dụng, Classbook không được trang bị Camera, 3G, bluetooth và GPS. Chức năng WiFi bị kiểm soát, chỉ dùng để kết nối vào mạng phân phối sách điện tử và những mạng giáo dục được duyệt nội dung.

Ông Phạm Thúc Trương Lương, Giám đốc Công ty cổ phần Sách điện tử giáo dục, NXB Giáo Dục Việt Nam cho biết, sách có cài thêm 20 ứng dụng. Các ứng dụng bổ trợ cho việc học tập khác, nếu được cho phép cũng sẽ cập nhật thêm, khi đó Classbook sẽ như một “gian hàng”.

Mặc dù tích hợp sách từ lớp 1 đến 12, nhưng việc 1 thiết bị có ‘theo” học sinh đến 12 năm được hay không lại là chuyện khác. Ông Lương cho biết , nếu người dùng có xu hướng cập nhật phiên bản mới sẽ cập nhật ba năm/lần. Người dùng coi sách đơn thuần là tài liệu học tập thì sau 5-6 năm cũng sẽ phải thay sách mới. Ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, khi sách tái bản hoặc sửa chữa, người dùng có thể cập nhật miễn phí.

Không bắt buộc trong nhà trường

Có mặt tại buổi lễ giới thiệu sản phẩm sáng 25/6, nhiều người nhìn nhận 4,8 triệu đồng cho “cuốn sách đặc biệt” này là cái giá không rẻ đối với đa số học sinh.

GS Ngô Bảo Châu cho hay, đây là một cản trở với học sinh vùng khó khăn. Theo ông, cần phải tìm cách để học sinh nhiều nơi được tiếp cận với sách điện tử. Không để tình trạng trong một môi trường giáo dục em thì mang sách giấy, em thì mang sách điện tử.

Ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, ban đầu khi đối tượng sử dụng còn ít thì mức chi phí này cao, nhưng khi được sử dụng rộng rãi hơn thì chi phí sẽ điều chỉnh cho hợp lý.

Trong giai đoạn thí  điểm, Classbook đã được triển khai giới thiệu tại gần 400 trường phổ thông tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Một mối băn khoăn khác cũng được nhiều người trao đổi tại buổi giới
thiệu sản phẩm, liệu sắp tới đây các trường học có “ép buộc” học sinh
mua sản phẩm này, như hiện tượng nhiều hàng hóa phục vụ cho giáo dục
đang thâm nhập sôi động vào các nhà trường?

Ông Lương nhìn nhận, đây là một hàng hóa trên thị trường, không phải là yếu tố “bắt buộc” trong các trường học. Nếu muốn đưa sản phẩm với chi phí giá rẻ đến đông đảo học sinh thì phải có các chính sách bao cấp hoặc trợ giá.

Số hóa và đổi mới giáo dục

Theo GS Ngô Bảo Châu, trên thế giới đã có những sáng kiến hoặc chương trình để xây dựng và triển khai sử dụng sách giáo khoa điện tử rộng rãi, nhưng ông chưa thấy nơi nào có ứng dụng tổng thể như ở Việt Nam. Lợi thế là do ở VN chỉ có một nhà xuất bản và chỉ có một bộ sách. Còn ở nước ngoài thì có nhiều bộ sách khác nhau, không có sản phẩm chung cho các cấp học.

Tại Việt Nam, từ năm 2009, NXB Giáo dục Việt Nam đã kết hợp với đối tác Hàn Quốc để thử nghiệm đầu tiên về sách giáo khoa điện tử. Đến năm 2012, NXB thành lập Công ty Cổ phần Sách điện tử Giáo dục (EDC) – với chức năng nhiệm vụ chính là phát triển và triển khai sách giáo khoa điện tử trên thiết bị học tập chuyên dụng Classbook.

TS Trần Thị Bích Liễu, một chuyên gia giáo dục đang nghiên cứu và áp dụng “giáo dục sáng tạo” trong trường học cho biết, nếu Bộ GD-DT cũng như Chính phủ quyết tâm đổi mới giáo dục Việt Nam, đột phá để theo kịp bước đi của thế giới thì nên tập trung vào để hiện thực hóa sách giáo khoa điện tử. Ví dụ như hướng dẫn sử dụng cho giáo viên, phụ huynh, tạo các điều kiện để học sinh sử dụng được sách như hỗ trợ kinh phí để học sinh vùng khó khăn cũng dùng được, tạo kết nối internet ổn định, đủ mạnh,v.v..Một số nước đã phát triển sự sáng tạo của học sinh nhờ các tương tác công nghệ thông tin ở trong sách giáo khoa điện tử.

  • Song Nguyên

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/128895/hon-300-cuon-sach-goi-trong-0-5-kg.html

Hà Nội ban hành quy định mức trần thu phí học thêm

Posted: 27 Jun 2013 08:58 AM PDT

(GDTĐ) – UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Nội dung đáng chú ý trong văn bản mới là quy định mức trần thu phí học thêm trong nhà trường ở từng cấp học.

Ở cấp THCS, tùy theo quy mô lớp học, mức thu tối đa đối với mỗi HS/ 1 tiết học dao động từ 6000đ/ 1 tiết học (với lớp có số lượng trên 40 HS) đến 26.000đ/ tiết học (lớp có dưới 10 HS). Tương tự, ở cấp THPT, mức thu dao động từ 7.000đ/HS/ tiết học đến 32.000đ/ HS/ tiết học.

Mức thu tiền học thêm tối đa hằng năm theo tỷ lệ với mức lương tối thiểu tại cùng thời điểm. Mức thu tiền học thêm được thực hiện theo hình thức thỏa thuận bằng văn bản giữa phụ huynh với nhà trường.


 

Đối tượng áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm và các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm. Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh; hoạt động trông giữ trẻ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống không coi là dạy thêm, học thêm.

Văn bản cũng quy định cụ thể việc thu, sử dụng và quản lý tiền dạy thêm, học thêm. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm; Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh với nhà trường đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Các nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được thông qua Hội đồng Giáo dục trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.

Lan Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201306/ha-noi-ban-hanh-quy-dinh-muc-tran-thu-phi-hoc-them-1970388/

Giáo viên, chuyên gia “kêu than” về chương trình, SGK nặng và khó

Posted: 27 Jun 2013 08:58 AM PDT

Méo mồm để đánh vần

Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) nhận định: Chương trình và các môn học cấp tiểu học đã bám sát mục tiêu giáo dục, đã chú ý tới giáo dục toàn diện con người về các mặt đức, trí, thể, mỹ. Đã đảm bảo được tính chính xác, khoa học, hiện đại, cập nhật và tiếp cận được trình độ giáo dục ở các nước phát triển trong khu vực.


Giáo viên, chuyên gia

Những hạn chế, bất cập của chương trình, SGK bậc tiểu học, NGƯT Nguyễn Thị Hiền đã nêu ra dài tới 11 trang từ lớp 1 đến lớp 5 ở các môn học.

Điển hình như phần học vần lớp 1, nếu học sinh học xong phần vần khi đọc thêm các văn bản ngoài như báo, truyện… nếu gặp vần khó thường không đọc được. Nguyên nhân do các vần khó đọc như: uyt, oeo, oao, uyu, oong… không dạy ở phần vần và đưa vào các bài tập sau mỗi bài tập đọc ở phần Luyện tập tổng hợp.

Ở lớp 2, phần tập đọc, bài "Mùa nước nổi" có nhiều từ khó, khó hiểu và khó giải thích thích với học sinh lớp 2; Lỗi chính tả: "Lời ve kim da diết" hay như cụm từ ứng học sinh khó hiểu: "Xuôi chèo mát mái"; phần minh họa môn Toán bài "Tiền Việt Nam" không còn phù hợp với thực tế, các tờ tiền mệnh giá nhỏ, học sinh ít có cơ hội làm quen và sử dụng trong thực tế.

Đối với học sinh lớp 3, trong phần Tập làm văn, bài kể về Lễ hội, trong khi đó vốn hiểu biết của học sinh chưa phong phú về Lễ hội, sách không có hệ thống câu hỏi gợi ý để định hướng. Hay như phần Tự nhiên – Xã hội, bài 7: Hoạt động tuần hoàn, một số nội dung kiến thức chưa phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh.

Đối với lớp 4, phần tiếng Việt, trang 68 về Chủ ngữ trong câu kể Ai là gì? Thì phần Chủ ngữ trong câu 2 (bài 1 – phần Luyện tập) "Vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm của bông phượng", không phù hợp với nội dung ghi nhớ: Chủ ngữ trong câu Ai là gì thường do danh từ hoặc cụm từ hoặc cụm danh từ tạo thành. Nguyên nhân là Buồn, vui trong chủ ngữ không thuộc từ loại nó đến trong ghi nhớ. Về Địa lý, nội dung về Thủ đô Hà Nội thì các số liệu như số dân, diện tích, lược đồ quá cũ so với sự thay đổi của thực tế.

Với Toán lớp 5 đã đưa phần hình học, đặc biệt là hình học không gian, Toán chuyển động, đưa vào sớm, nội dung khó cho nhiều học sinh không nắm được bản chất vì khả năng tư duy của các em còn hạn chế.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền đề nghị: "Chương trình và SGK cần hỗ trợ giáo viên dạy cho học sinh có năng lực phân tích kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hơn so với hiện nay. Bởi vì SGK hiện nay đang thừa nhiều kiến thức hàn lâm và thiếu kỹ năng thực hành. Nội dung sgk mới cần tăng cường kỹ năng thực hành cho học sinh, coi trong về phương pháp học hơn là tăng cường quá nhiều kiến thức. Cần có giải pháp giúp học sinh tự học theo năng lực cá nhân".

Sinh học phổ thông: Vừa nặng lại vừa thấp!

Nhận định về chương trình và SGK môn Sinh học bậc phổ thông, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: "Tôi đã mua trên 70 cuốn SGK Sinh học ở bậc phổ thông ở các nước và thấy chương trình ở ta chẳng giống nước nào cả (!). Vừa nặng lại vừa thấp. Có lẽ đó là do chịu ảnh hưởng của SGK Sinh học trước đây của Liên Xô. Hầu như tất cả các môn học ở Khoa Sinh Trường đại học Sư phạm đều có trong chương trình phổ thông. Như vậy có thể thấy trong cuốn Sinh học chương trình phổ thông có quá nhiều nội dung, quá nhiều chi tiết không cần thiết trong khi số giờ lại quá ít".

GS Dũng cho hay: “Tôi đã thử hỏi nhiều em đang học cấp ba và thấy các em hiểu biết rất mù mờ và hầu như chả mấy em thích thú. Em nào định thi vào Sinh, vào Y, vào Dược thì đi tìm sách Đại học để đọc thêm, vì phải cạnh tranh rất cao trong khi sách phổ thông quá sơ lược (nhiều vấn đề nhưng dàn trải, vấn đề nào cũng rất “nông”). Hơn nữa, ra đề thi tốt nghiệp THPT nếu theo nguyên tắc không được hỏi trùng các đề đã ra thì thật vô cùng khó, vì cuốn SGK lớp 12 quá… mỏng! Ngoài ra, các em đã học quá nhiều chuyên ngành (động vật không xương, động vật có xương, thực vật bậc thấp, thực vật bậc cao, vi sinh vật học, giải phẫu và sinh lý người, di truyền học, tiến hóa học, sinh thái học…), trong khi số lượng giờ dạy quá ít ỏi mỗi tuần.

Bên cạnh đó, nội dung di truyền học là rất khó, nếu giáo viên không hiểu kỹ thì rất khó làm cho học sinh có thể hiểu được. Và liệu rằng một cháu 12 tuổi có nhớ nổi sơ đồ cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như vỏ, tầng sinh vỏ, thịt vỏ, mạch rây, tầng sinh trụ, mạch gỗ? Cháu 13 tuổi có thể nhớ các bộ phận thùy khứu giác, thùy thị giác, não trước, tiểu não, hành tủy, tủy sống của con thằn lằn? Tôi thấy cần tham khảo chương trình các nước.

Còn việc in SGK lại là chuyện của từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản. Bộ sách nào không theo sát chương trình thì không được in, nhưng trình bày có thể rất khác nhau (như nhiều nước khác). Lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy thầy cô giáo và học sinh. Chỉ có cạnh tranh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt. Đây là một sự cạnh tranh rất khoa học, rất lành mạnh.

"Tôi thấy cần sớm thay đổi chương trình Sinh học ở bậc phổ thông để không chênh lệch nhiều với các nước khác trên thế giới. Kiên quyết dạy theo phương pháp tích hợp. Không đi sâu vào từng nhóm sinh vật và càng không học phân loại (vừa khó nhớ lại vừa không cần thiết)" – GS Dũng đề nghị.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-vien-chuyen-gia-keu-than-ve-chuong-trinh-sgk-nang-va-kho-747894.htm

Chấn chỉnh trường học dùng sách chưa thẩm định

Posted: 27 Jun 2013 07:58 AM PDT

- Năm học 2012-2013, một số trường tiểu học sử dụng các SGK hoặc tài liệu thay thế trong việc dạy tiếng Anh tiểu học mà chưa được Bộ GD-ĐT thẩm định và cho phép sử dụng.

Ngày 27/6, Bộ GD-ĐT có công văn gửi các Sở GD-ĐT chấn chỉnh việc sử dụng SGK, tài liệu dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học, SGK Tiếng Anh 3, Tiếng Anh 4, Tiếng Anh 5 để thực hiện tại các trường có đủ  điều kiện.

Việc sử dụng SGK, tài liệu dạy tiếng Anh tiểu học đã được Bộ hướng dẫn tại công văn trong các năm từ 2011 đến 2013.

Bộ Giáo dục, chấn chỉnh, trường học, SGK, tiếng Anh, chưa thẩm định
Ảnh minh họa. Văn Chung

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Định: "Năm học 2012-2013 một số trường tiểu học sử dụng các SGK hoặc tài liệu thay SGK trong việc dạy tiếng Anh tiểu học mà chưa được Bộ GD-ĐT thẩm định và cho phép sử dụng".

Do đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT: “Tổ chức rà soát tình hình sử dụng SGK và các tài liệu thay SGK trong dạy học tếng Anh ở các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, thành phố để chấn chỉnh các sai phạm, hướng dẫn các trường thực hiện đúng các quy định hiện hành".

Công văn cũng chỉ đạo các sở GD-ĐT: "Từ năm học 2013-2014 không đưa thêm các tài liệu mới để thay SGK tiếng Anh vào giảng dạy trong nhà trường khi chưa được sự thẩm định và cho phép của Bộ GD-ĐT”.

Bộ cũng giao sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức thẩm định hai bộ tài liệu dạy tiếng Anh vàbáo cáo về Bộ trước ngày 15/7/2013.

Các sở GD-ĐT cần tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện chương trình và SGK tiếng Anh trước khi triển khai nhiệm vụ năm học 2013-2014.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐTtriển khai thực hiện nghiêm túc và báo cáo về bộ trước ngày 15/7/2013, nếu có vấn đề phát sinh cần kịp thời phản ánh về Bộ (qua Vụ Giáo dục Tiểu học) để được hướng dẫn.

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/128906/chan-chinh-truong-hoc-dung-sach-chua-tham-dinh.html

Hoàn thành vượt mức kế hoạch cấp học bổng cho SV dân tộc thiểu số

Posted: 27 Jun 2013 07:58 AM PDT

(GDTĐ) – Sáng nay (27/6), tại Hà Nội, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết đợt đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN năm 2013. Đại diện lãnh đạo các cục, vụ chức năng của Bộ GDĐT; đại diện ADB, cùng lãnh đạo 17 trường, các Sở GDĐT thụ hưởng dự án đã cùng tham dự Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: KT)
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: KT)

Dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN (USPTDP) được Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ nguồn vốn là 43,186 triệu USD (vốn vay ADB là 34 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 9,186 triệu USD) và chính thức khởi động vào đầu năm 2007 với 3 thành phần chính: Nâng cao chất lượng giáo viên; Mở rộng cơ hội được đào tạo thành giáo viên; Nâng cao năng lực quản lý, lập kế hoạch và phân bổ đào tạo giáo viên; Nâng cấp trang thiết bị cho các cơ sử đào tạo giáo viên.

Đây được xem là một dự án lớn của Bộ GDĐT và Ngân hàng Phát triển Châu Á với mong muốn củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, chất lượng giảng dạy của đội ngũ GV bậc THPT và TCCN.

Tại Hội nghị, bà Eiko – Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển Châu Á – cho biết: ADB rất hài lòng với tiến độ và thành công của Dự án Phát triển giáo viên THPT và TCCN. Những kết quả khả quan mà dự án này mang lại đã củng cố thêm lòng tin và mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa ADB với Việt Nam không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo mà ở nhiều lĩnh vực khác trong thời gian tới. 

Trong bản báo cáo của Trưởng ban điều hành Dự án Vũ Quốc Chung, đến thời điểm này, các kế hoạch đã cơ bản hoàn thành và phát huy tính hiệu quả trong thực tiễn. Với những nỗ lực không ngừng trong suốt thời gian qua, Dự án đã cấp 5.044 suất học bổng cho sinh viên người dân tộc thiểu số được đào tạo thành giáo viên THPT và TCCN, đạt 100,88% kế hoạch (con số dự kiến ban đầu là 5000 suất).

Trong đó, số sinh viên nữ chiếm 3.176 suất (tương ứng 63,52%). Đây là con số đáng mừng vì Dự án đã nhân thêm cơ hội học tập và cơ hội cống hiến cho cộng đồng của một bộ phận không nhỏ những người thiếu cơ hội học tập vì lý do kinh tế.

Đánh giá về Dự án sau 6 năm triển khai, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, tính đến thời điểm này, Dự án đã đáp ứng được nhu cầu thiết thực của các địa phương, đặc biệt là các trường Sư phạm. Bởi dự án đã quan tâm đến nguồn nhân lực, cơ sở vật chất giáo dục, tạo nền móng cho tri thức có cơ hội phát triển và nhân rộng. 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển mong rằng, sau khi dự án chính thức khép lại trên văn bản thì 3 vấn đề quan trọng sẽ luôn được bảo tồn: Đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; Đảm bảo tính hiệu quả các hạng mục đầu tư và Đảm bảo tính bền vững. 

Bảo Minh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201306/du-an-phat-trien-giao-vien-thpt-va-tccn-hoan-thanh-vuot-muc-ke-hoach-cap-hoc-bong-cho-sv-dan-toc-thieu-so-1970390/

Kon Tum: 54 cán bộ, giáo viên bị kỷ luật

Posted: 27 Jun 2013 07:58 AM PDT

Cùng chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo là 2 phó Giám đốc Nguyễn Hữu Kiểm, Nguyễn Ngọc Ánh và các ông bà giữ chức vụ đứng đầu, cán bộ đang công tác tại các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề, trung tâm Hỗ trợ thanh niên trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Tổng số tiền sai phạm, thất thoát trong vụ này hơn 4,7 tỉ đồng, trong đó số tiền phải thu  hồi là trên 2,8 tỉ đồng.

Thiên Thư

Nguồn: http://dantri.com.vn/xa-hoi/kon-tum-54-can-bo-giao-vien-bi-ky-luat-747869.htm

Trường được dạy thêm, thu tối đa 32.000đ/tiết học

Posted: 27 Jun 2013 03:56 AM PDT

- UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Theo đó, thành phố sẽ cho các đơn vị, nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm. Mức thu tối đa/HS/tiết là 32.000 đồng.

Hà Nội, được phép, cho phép, dạy thêm, thu phí, đối đa, 32.000, 32 ngàn đồng, tiết học,

Ảnh minh họa. (Ảnh: Văn Chung)

Quyết định do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc ký có hiệu lực từ  5/7/2013. Theo đó, thành phố sẽ cho các đơn vị, nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm. Việc phụ đạo cho những học sinh năng lực yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm nhà trường, không thu tiền của học sinh.

Hoạt động trông giữ xe ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống không coi là dạy thêm học thêm.

Các hoạt động trông giữ trẻ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống giao cho Sở GD-ĐT có hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra thực hiện dạy thêm, học thêm; cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép đối với tổ chức cá nhân, tổ chức dạy thêm học thêm; chịu trách nhiệm trước UBND TP về quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.

Chủ tịch UBND cấp quận huyện thị xã ủy quyền cho Trưởng phòng GD-ĐT cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định của UBND TP, chỉ đạo việc thanh kiểm tra hoạt động dạy thê học thêm trên địa bàn để phát hiện các sai phạm, kịp thời xử lí hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lí.

Về việc thu chi, các cơ sở được thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.

Mức thu tiền học thêm được thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh với nhà trường đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Căn cứ vào số học sinh/lớp và bậc học THCS hay THPT mức quy định thu cho 1 HS/tiết thấp nhất là 6.000 đồng, cao nhất là 32.000 đồng/HS/tiết.

Mức thu tiền học thêm tối đa hàng năm theo tỷ lệ với mức lương tối thiểu tại cùng thời điểm. Tỷ lệ chi thù lao giáo viên trực tiếp giảng dạy bằng 70%, chi công tác quản lý 15%, hỗ trợ tiền điện nước, vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm học thêm 15%.

Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.

Mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được thông qua Hội đồng giáo dục nhà trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị. Những tổ chức, cá nhân vi phạm tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý nghiêm.

Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/128769/truong-duoc-day-them--thu-toi-da-32-000d-tiet-hoc.html

Khó thống kê thiệt hại của ngành GD sau thiên tai

Posted: 27 Jun 2013 03:56 AM PDT

(GDTĐ) – Khi thiên tai xảy ra trên diện rộng, dài ngày và gây hậu quả nghiêm trọng thì công tác thu thập xử lý thông tin thiệt hại của cộng đồng nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng không hề dễ dàng. Nếu không có cách thức tổ chức khoa học và công cụ thu thập xử lý thông tin thiệt hại khi thiên tai xảy ra, công tác này gặp rất nhiều khó khăn.


Học sinh tỉnh Hà Tĩnh và những món hàng cứu trợ sau lũ kép lịch sử 2010. Ảnh: Bá Hải

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại nằm gần 1 trong 5 ổ bão lớn của thế giới; hàng năm ngành Giáo dục phải gánh chịu những tác hại vô cùng to lớn do thiên tai gây ra làm thiệt hại tính mạng, tài sản, làm gián đoạn hoạt động dạy – học của giáo viên, học sinh và nhà trường.

Trong lúc thiên tai xảy ra các kênh thông tin liên lạc, giao thông bị gián đoạn trong nhiều ngày thì việc có bộ công cụ thu thập thông tin về giáo dục trong hoàn cảnh khẩn cấp và điều hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Bộ GDĐT đã và đang phối hợp với Tổ chức Unicef Việt Nam hoàn thiện Đề án "xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro thiên tai ngành giáo dục" nhằm thu thập xử lý thông tin thiệt hại khi thiên tai xảy ra để kịp thời khắc phục hậu quả.

Cần nhất quán trong phân công, phân nhiệm

Hiện nay tại các tỉnh, thành phố việc thu thập thông tin về thiệt hại của ngành Giáo dục chưa được các Sở GDĐT chú ý và giao cho một bộ phận chuyên trách. Đa phần cán bộ làm công tác này đều kiêm nhiệm và thiếu kĩ năng về xử lý thông tin. Các Sở GDĐT cũng không thống nhất trong việc điều hành công tác thu thập và xử lý thông tin, cách phân công phân nhiệm mỗi địa phương mỗi khác. Ngay như việc cử cán bộ đi tập huấn bộ công cụ thu thập thông tin về giáo dục trong hoàn cảnh khẩn cấp do Bộ GDĐT triệu tập các Sở cũng không nhất quán. Có nơi cử cán bộ phòng GD Tiểu học, có nơi sở cử cán bộ phòng GD Trung học, thậm chí là cả lãnh đạo cấp trường phổ thông đơn lẻ đi tập huấn…

Ông Nguyễn Duy Ngọc – Phó Chánh văn phòng Sở GDĐT Hà Tĩnh cho rằng: Khi hoàn thiện xong bộ công cụ, phải hoàn thành một mạng lưới cán bộ mang tính chất chuyên trách hành chính từ Trung ương tới cơ sở để vận hành một cách đồng bộ theo bộ công cụ. Do đó Bộ GDĐT phải có sự chỉ đạo rõ ràng, cụ thể hơn bộ phận chuyên trách công tác này ở các Sở để ngay từ đầu được tiếp xúc với bộ công cụ này nhằm vận hành một cách trơn tru từ dưới lên trên khi có thiên tai, tình huống khẩn cấp xảy ra.

Theo đề xuất của ông Ngọc, nên giao cho phòng Kế hoạch- Tài chính (KH-TC) của các Sở GDĐT; bởi ở Ban đạo phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (PCGNTT) của Bộ GDĐT, cơ quan thường trực là Cục Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học và Đồ chơi trẻ em thì ở các Sở GDĐT nên giao cho bộ phận có chức năng tương ứng là phòng KH-TC.

Kiện toàn bộ máy

Hiện nay ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, ít có Sở GDĐT nào thành lập riêng được Ban chỉ đạo PCGNTT ngành Giáo dục; đấy là chưa kể đến việc ban hành kế hoạch hành động PCGNTT của ngành Giáo dục tại địa phương. Chính vì vậy, trong Chỉ thị số 1813/CT-BGDĐT ngày 22/5/2013 về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2013 và thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia PCGNTT của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020; Bộ trưởng Bộ GDĐT đã yêu cầu các Sở GDĐT, các Đại học, trường ĐH – CĐ phải củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp.

Ông Vũ Đức Mạnh, Phòng GD Trung học, Sở GDĐT Yên Bái cho biết ngành Giáo dục Yên Bái đang có kế hoạch sáp nhập các Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy các công tác như biến đổi khí hậu; phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các dự án về quản lý rủi ro thiên tai của địa phương thành một Ban chỉ đạo chung để thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác PCGNTT ngành Giáo dục.

Hy vọng rằng với sự chỉ đạo bước đầu quyết liệt, các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và với sự hỗ trợ đắc lực của bộ công cụ thu thập thông tin về giáo dục trong hoàn cảnh khẩn cấp, ngành giáo dục cả nước sẽ thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia PCGNTT của ngành Giáo dục giai đoạn 2011– 2020.

Bá Hải

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201306/kho-thong-ke-thiet-hai-cua-nganh-gd-sau-thien-tai-1970371/

Kon Tum kỷ luật 54 cán bộ, giáo viên dạy nghề

Posted: 27 Jun 2013 03:56 AM PDT

Trên cơ sở kết quả xử lý kỷ luật về Đảng của các cơ quan có thẩm quyền, chủ tịch UBND tỉnh đã xử lý kỷ luật về mặt chính quyền gồm: cảnh cáo bà Nguyễn Thị Tĩnh – giám đốc, cảnh cáo ông Nguyễn Hữu Kiểm – phó giám đốc, khiển trách ông Nguyễn Ngọc Ánh – phó giám đốc Sở

LĐ-TBXH; cảnh cáo ông Lê Văn Kế – phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế – kỹ thuật tổng hợp tỉnh; hiệu trưởng và hai phó hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề Kon Tum bị cảnh cáo; giám đốc trung tâm dạy nghề các huyện Kon Rẫy, Đăk Tô, Đăk Hà và Trung tâm dạy nghề Măng Đen – huyện Kon Plông đều bị cảnh cáo…

Những cán bộ, đảng viên phải chịu các hình thức kỷ luật là do trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều sai phạm như: sử dụng nguồn kinh phí quản lý người có công với một số nội dung không đúng nguyên tắc, sai mục đích, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, làm trái các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí dạy nghề gây hậu quả rất nghiêm trọng. Sai phạm này làm thất thoát số tiền trên 4,7 tỉ đồng, trong đó số tiền phải thu hồi trên 2,8 tỉ đồng.

TRẦN NGUYÊN

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/556145/kon-tum-ky-luat-54-can-bo-giao-vien-day-nghe.html

Canada tiếp tục dẫn đầu các nước OECD về giáo dục

Posted: 27 Jun 2013 02:56 AM PDT

Đánh giá mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết học sinh và sinh viên Canada đã vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu tốt hơn so với giới trẻ ở hầu hết các quốc gia công nghiệp phát triển trên thế giới, nhờ nước này có tỷ lệ người được đào tạo qua đại học và các ngành nghề chuyên môn ở mức khá cao.

Với 51% dân số trưởng thành có trình độ sau trung học hoặc có bằng tốt nghiệp đào tạo nghề từ các trường cao đẳng, Canada tiếp tục dẫn đầu danh sách các nước thành viên của OECD về giáo dục và đào tạo.

Theo OECD, tất cả các quốc gia có tỷ lệ lớn thanh thiếu niên từng trải qua một chương trình dạy nghề đều rất “thành công trong việc giảm nguy cơ thất nghiệp” và Canada cũng không phải ngoại lệ, khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ so với phần còn lại của các nước thành viên OECD đang ở dưới mức trung bình.

Tuy nhiên, OECD cũng lưu ý rằng mặc dù Canada đang có lợi thế nhưng nước này vẫn không thoát khỏi xu hướng thất nghiệp của giới trẻ đang diễn ra trên toàn cầu.

Tỷ lệ lao động ở độ tuổi từ 15-29 không có việc làm hoặc không được đào tạo (NEET) tại Canada vẫn tiếp tục được nới rộng, tăng khoảng 1,6% trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2011.

Trong những năm gần đây, khoảng cách giàu nghèo giữa những người được giáo dục qua đại học hoặc cao đẳng ngày một tăng so với những người không được đào tạo bởi một lý do đơn giản là những người có trình độ thường vẫn kiếm được công ăn việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của những người ít học đang ngày một tăng lên.

Các số liệu của OECD cũng chỉ ra rằng mặc dù Canada có nhiều biện pháp tốt trong giáo dục tiểu học và trung học, nhưng số lượng trẻ em đi học ở tuổi mầm non thấp hơn nhiều so với các nước khác.

Canada chỉ có khoảng 50% trẻ em dưới 4 tuổi được đến trường, trong khi tỷ lệ chung của OECD lên đến 84%. Chi phí giáo dục công ở Canada đang tụt hậu khi chỉ chiếm khoảng 76%, so với mức trung bình 84% của các quốc gia OECD.

Tuy vậy, chi phí trả lương cho giáo viên ở Canada lại cao hơn đáng kể so với mức trung bình của các nước OECD. Trong năm 2011, những giáo viên có 15 năm kinh nghiệm, thu nhập trung bình khoảng 59.000 USD/năm, trong khi mức trung bình của giáo viên thuộc các nước OECD dao động từ 38.000 USD đến 44.000 USD.

Giáo viên ở các trường đại học và cao đẳng của Canada cũng có thu nhập trung bình cao hơn khoảng 4% so với ở các nước khác.

Bên cạnh đó, Canada cũng đầu tư nhiều hơn cho giáo dục ở cấp đại học, với chi phí 24.000 USD/một sinh viên, cao hơn nhiều so với mức trung bình 14.200 USD của các nước thành viên OECD và chỉ đứng sau Mỹ./.

(Theo TTXVN)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/128831/canada-tiep-tuc-dan-dau-cac-nuoc-oecd-ve-giao-duc.html

Comments