Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Các Trung tâm học tập cộng đồng góp phần phát triển KT

Posted: 30 Jun 2013 02:07 AM PDT

(GDTĐ) – Ngày 29/6, Sở GDĐT Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng giai đoạn 2003-2013, triển khai kế hoạch thực hiện đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020". Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đã tham dự hội nghị.


Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc
 

Trong những năm qua, sự nghiệp GD – ĐT cả chính quy và không chính quy của Bắc Ninh đã thu được những kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là sự phát triển của những Trung tâm học tập cộng đồng.

Nhiều chuyên đề được các TTHTCĐ ứng dụng vào thực tế như nuôi cá chim trắng, cá chép lai cá diêu hồng ở huyện Gia Bình, Tiên Du, nuôi lợn hướng nạc, gà siêu trứng, bò sữa ở huyện Quế Võ… Nhiều trung tâm HTCĐ ở huyện Gia Bình, Lương Tài đã phổ biến, học tập việc nuôi trồng thủy sản cho bà con nông dân, giúp bà con thoát nghèo; trồng rau sạch cung cấp cho các thành phố lớn, trồng các cây có giá trị kinh tế cao…

Không ít hoạt động học tập về kiến thức văn hóa xã hội được triển khai trong các TTHTCĐ, thông qua các chuyên đề xây dựng nếp sống mới ở nông thôn, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, các chương trình đọc sách báo, sinh hoạt CLB thơ, dạy hát quan họ… Phong trào học tập của các TTHTCĐ đã thực sự gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở các cộng đồng dân cư.

Thực tiễn 10 năm cho thấy, TTHTCĐ là công cụ thiết yếu trong quá trình triển khai các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, là nơi thuận lợi để các tầng lớp nhân dân được học tập, bồi dưỡng kiến thức thường xuyên suốt đời, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tham quan gian trưng bày sản phẩm của một TTHTCĐ
 

Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Hiện nay, ngành GD – ĐT đang chủ trương phát triển nền giáo dục mở, giáo dục không chính quy với giáo dục chính quy, đảm bảo sự liên thông kết nối các bậc học, các cấp học, tạo ra con người học tập suốt đời. Bắc Ninh là địa phương giàu truyền thống khoa bảng, đang là đơn vị dẫn đầu về xây dựng xã hội học tập, phát triển GD thường xuyên.

Trải qua 10 năm, 125 xã phường thị trấn đều có TTHTCĐ. Thứ trưởng ghi nhận những thành tích mà ngành GD – ĐT Bắc Ninh đã đạt được, đồng thời gửi lời cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp các ngành cùng với ngành GD-ĐT, cùng với các địa phương đã ổn định phong trào học tập suốt đời, giáo dục thường xuyên, giáo dục không chính quy qua các trung tâm HTCĐ, góp phần vào thành tích phát triển KT – XH của địa phương.

Lan Anh
 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201306/cac-trung-tam-hoc-tap-cong-dong-gop-phan-phat-trien-kt-xh-1970497/

Hoàn thành công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ

Posted: 29 Jun 2013 08:04 PM PDT

(GDTĐ) – Tính đến thời điểm này, các điều kiện phục vụ kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013 tại ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng cơ bản đã hoàn thành. Chương trình Tiếp sức mùa thi cũng đã được triển khai với nhiều hoạt động có ý nghĩa.

Chương trình tiếp sức mùa thi năm 2013 được triển khai với quy mô lớn và rộng khắp
Chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2013 được triển khai với quy mô lớn

Tỷ lệ “chọi” ở ĐH Huế

Theo thống kê thì năm 2013, ĐH Huế có tổng số 66.300 hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó, đợt 1 thi khối A, A1, V có 20.909 hồ sơ; đợt 2 thi khối B, C, D, H, M, T có 45.391 hồ sơ.

Cả 2 đợt thi năm nay, ĐH Huế có 92 điểm thi với 1.871 phòng thi. Trong đó, đợt 1: (khối A, A1, V) có 20.910 hồ sơ được bố trí tại 574 phòng thi với 26 điểm thi; đợt 2, có 45.391 hồ sơ được bố trí tại 1.297 phòng thi, 66 điểm thi.

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị điều kiện phục vụ kỳ thi đang được gấp rút hoàn thành. Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế đã tổ chức tập huấn công tác coi thi, phổ biến nhiệm vụ coi thi cho cán bộ, giảng viên và sinh viên được điều động làm công tác coi thi.

Theo đó, chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2013 với nhiều hoạt động đa dạng, sôi động được Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế cùng Hội sinh viên Đại học Huế phối hợp tổ chức triển khai. Dự kiến chương trình sẽ giới thiệu 10.000 chỗ trọ giá rẻ và 3.000 chỗ trọ miễn phí, cung cấp 15.000 suất ăn miễn phí.

Các đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện không chỉ tập trung "tiếp sức" cho thí sinh cùng người nhà thí sinh tại các địa điểm thi trong thành phố Huế, mà còn triển khai tại hầu hết những điểm thi ở các huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà.

Theo thống kê tỷ lệ số hồ sơ và chỉ tiêu tuyển sinh các trường là: ĐH Khoa học 5.987 hồ sơ/1.800 chỉ tiêu, ĐH Sư phạm 8.569/1.870, ĐH Y Dược 15.317/1.900, ĐH Nông Lâm 13.516/2.200, ĐH Kinh tế 6.026/1.700, ĐH Nghệ thuật 386/260, ĐH Ngoại ngữ 3.583/1.100, Khoa Giáo dục thể chất 747/220, Khoa Luật 4.797/650, Khoa Du lịch 3.448/550 và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị 78/200.

Ngành Công nghệ thực phẩm có tỷ lệ chọi cao nhất là 34,27; ngành Quản lý đất đai có tỷ lệ chọi 20,27; ngành Khoa học môi trường có tỷ lệ 17,43; ngành Công nghệ sinh học có tỷ lệ 16,20 và ngành Thú y có tỷ lệ 11,72.

Các ngành có tỷ lệ chọi thấp như: ngành Toán học ứng dụng là 0,03 (2 hồ sơ/60 chỉ tiêu), Kỹ thuật trắc địa – Bản đồ 0,11 (6 hồ sơ/54 chỉ tiêu), Ngôn ngữ học 0,14 (7 HS/50 CT), Hán – Nôm 0,24 (12 HS/50 CT), Sư phạm tiếng Trung Quốc 0,17 (6 HS/35 CT).

Các đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện ngày đêm
Các đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện ngày đêm "bám" các bến xe, nhà ga…để hỗ trợ kịp thời thí sinh cùng người nhà thí sinh

ĐH Đà Nẵng: Huy động 3.654 cán bộ, giảng viên, sinh viên làm nhiệm vụ coi thi

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, Đà Nẵng có tổng cộng 58.662 thí sinh dự thi. Trong đó, đợt 1 có 33.969 thí sinh dự thi tại 37 điểm thi với 917 phòng thi; đợt 2 có 21.870 thí sinh thi tại 24 điểm, 600 phòng; đợt 3 gồm 2.639 thí sinh thi tại 3 điểm, 75 phòng thi.

Tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, hầu hết các điểm thi được chọn đều tập trung ở trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại các điểm thi đã cơ bản được hoàn thành, các điều kiện phục vụ thi cũng đã được hoàn tất. Hiện ĐH Đà Nẵng đang triển khai tập huấn cho 3.654 cán bộ, giảng viên, sinh viên được điều động làm nhiệm vụ coi thi.

Nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cho kỳ thi năm nay, ĐH Đà Nẵng phối hợp với Công an Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch, lập phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho kỳ thi.

Đại Thắng

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201306/hoan-thanh-cong-tac-chuan-bi-cho-ky-thi-tuyen-sinh-dh-cd-1970492/

Học Sử thế nào cho nhanh thuộc, dễ hiểu và nhớ lâu

Posted: 29 Jun 2013 02:04 PM PDT

(GDTĐ) – Cấu trúc đề thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng Lịch sử nhiều năm nay chủ yếu nằm trong chương trình và sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 gồm 2 phần: Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam. Trong đó, phần Lịch sử Việt Nam thường chiếm 2/3 lượng kiến thức và số lượng câu hỏi trong đề thi.

Thi sinh thi ĐH, CĐ 2012
Thi sinh thi ĐH, CĐ 2012

Phần Lịch sử Việt Nam

Chương trình thi là thời kỳ 1919 – 2000. Để học có hiệu quả, khi ôn tập, học sinh cần nắm vững kiến thức theo từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử. Mỗi giai đoạn lịch sử giải quyết những nội dung cơ bản gì, những nhiệm vụ cốt lõi gì? Gắn liền mỗi giai đoạn đó có những sự kiện tiêu biểu nào, sự kiện nào là tiêu biểu nhất? Từ đó khái quát được kết quả, ý nghĩa lịch sử và giúp học sinh rèn luyện kỹ năng xâu chuỗi các sự kiện tiêu biểu lại với nhau trong mối quan hệ tương tác, nhân quả của sự kiện đó.

Giai đoạn từ 1919 – 1930: Học sinh xác định nội dung chính, nhiệm vụ chính của cách mạng Việt Nam cần phải giải quyết là quá trình đấu tranh để xác lập khuynh hướng cứu nước mới khi ngọn cờ phong kiến đã thất bại và khuynh hướng dân chủ tư sản đã lỗi thời.

Kiến thức khởi đầu làm tiền đề cho nhiều vấn đề khác của  giai đoạn này là chương trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp liên quan đến: sự chuyển biến về kinh tế và sự phân hóa xã hội, phong trào yêu nước, phong trào công nhân, hoạt động cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Sự kiện kết thúc cho giai đoạn này là việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930 ) đánh dấu sự thắng thế hoàn toàn của khuynh hướng cứu nước vô sản và sự xác lập quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Tóm lại, vấn đề cốt lõi nhất của cách mạng Việt Nam giai đoạn này là quá trình chuẩn bị thành lập Đảng về tư tưởng chính trị và tổ chức.

Giai đoạn 1930 – 1945: Đây là giai đoạn mà lịch sử Việt Nam diễn ra nhiều sự kiện cùng với sự tác động  của tình hình thế giới. Nhiệm vụ chính của cách mạng Việt Nam giai đoạn này là quá trình đấu tranh giành chính quyền trong 15 năm với nhiều giai đoạn 1930 – 1931, 1932 – 1935, 1936 – 1939, 1939 – 1945. Từ bối cảnh, diễn biến của từng giai đoạn đã chuẩn bị (tập dượt ) những gì, để lại những bài học kinh nghiệm gì cho giai đoạn kế tiếp, cho sự bùng nổ và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

Từ sự thay đổi của tình hình thế giới có ảnh hưởng, tác động đến trong nước như khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 và sự xuất hiện chủ nghĩa phát xít, Chiến tranh Thế giới thứ 2 bùng nổ, đặc biệt là những diễn biến quan trọng trên chiến trường châu Á – Thái bình dương như Nhật nhảy vào Đông Dương (9/1940 ), Nhật đảo chính Pháp (3/1945 ), Nhật đầu hàng quân Đồng Minh (8/1945 )… để học sinh thấy được hoàn cảnh thay đổi thì chủ trương thay đổi và Đảng ta đã có những đối sách gì trước sự chuyển biến mau lẹ đó thông qua các Hội nghị VI (11/1939 ), Hội nghị VII (11/1940 ), Hội nghị VIII (5/1941 ), Hội nghị Ban thường vụ (3/1945 ), Hội nghị toàn quốc của Đảng (8/1945 )…

Kết thúc giai đoạn này chính là thắng lợi Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, kết thúc cho 15 đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tóm lại, vấn đề cốt yếu nhất của lịch sử dân tộc giai đoạn này thực chất là quá trình chuẩn bị toàn diện cho Cách mạng tháng Tám thắng lợi, trong đó sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên đảm bảo cho thắng lợi là đường lối cách mạng giải phóng dân tộc được vạch ra ngay từ khi Đảng ra đời.

Giai đoạn 1945 – 1946: Học sinh cần phải khái quát được vấn đề cơ bản nhất của cách mạng nước ta giai đoạn này chính là đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền (nói gắn gọn là giai đoạn giữ chính quyền ) – thành quả cơ bản nhất của Cách mạng tháng Tám.

Thực trạng "ngàn cân treo sợi tóc" với nhiều khó khăn thử thách đe doạ vận mệnh dân tộc buộc Đảng, Chính phủ đứng đầu là Hồ Chủ tịch phải đưa ra và thực hiện nhiều quốc sách và giải pháp vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo để từng bước giữ vững thành quả của cách mạng, giữ vững được chính quyền, bảo vệ được độc lập dân tộc.

Giai đoạn 1946 – 1954: Vấn đề quan trọng đầu tiên trong giai đoạn này mà học sinh phải hiểu là đây là giai đoạn nhân dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm bảo vệ và phát triển những thành quả cơ bản của Cách mạng tháng Tám là chính quyền quốc gia và nền độc lập của dân tộc, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.

Vấn đề cần phải nêu lên và giải quyết là: Vì sao toàn quốc kháng chiến bùng nổ? Nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến? Cuộc kháng chiến được mở đầu và kết thúc như thế nào? Từ đó học sinh mới rút ra được nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến.

Cuộc kháng chiến được diễn ra trên nhiều mặt: kinh tế, chính trị, quân sự ,văn hoá, ngoại giao nhưng thắng lợi trên mặt trận quân sự mang tính chất quyết định. Có 4 thắng lợi quân sự mang tính chiến lược là: mùa Đông 1946 ở các đô thị từ vĩ tuyến 16 trở ra bắc; Việt Bắc Thu-Đông 1947; Biên giới Thu – Đông 1950; Đông-Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên phủ 1954. Cuộc kháng chiến được kết thúc bằng chiến thắng quân sự là Điện Biên Phủ (7/5/1954 ) và thắng lợi ngoại giao là Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954 ).

Giai đoạn 1954 – 1975: Học sinh muốn hiểu được những kiến thức với rất nhiều sự kiện, số liệu, ngày tháng trong giai đoạn này, điều trước tiên phải nắm được đặc điểm nổi bật của nước ta sau Hiệp định Giơnevơ có gì mới, tại sao đất nước lại chia làm 2 miền với 2 hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Từ đó mới xác định đúng nhiệm vụ chiến lược, ví trí, vai trò của cách mạng 2 miền Nam-Bắc có gì khác nhau, giống nhau.

Ở miền Bắc, học sinh phải khái quát được vai trò của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn được thể hiện như thế nào? Thắng lợi của công cuộc xây dựng CNXH và đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ có tác dụng và ý nghĩa như thế nào đối với cách mạng miền Nam? Vì sao "Điện Biên phủ trên không" (12/1972 ) là thắng lợi quân sự quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (21/1/1973 ).

Ở miền Nam, học sinh phải xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là từng bước đánh bại và đánh bại hoàn toàn các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, đánh cho "Mỹ cút" (1973), "Nguỵ nhào" (1975) nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi chiến lược chiến tranh đều ra đời trong những bối cảnh lịch sử cụ thể khác nhau, âm mưu và thủ đoạn cũng không giống nhau nhưng đều là những hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ ở miền Nam nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta và đều lần lượt bị phá sản.

Giai đoạn 1975 – 2000, học sinh nên nắm được 2 vấn đề cơ bản là quá trình thống nhất đất nước về mặt nhà nước và Đại hội VI của Đảng và công cuộc đổi mới.

Phần lịch sử thế giới

Cách học dễ nhớ nhất là ôn tập theo từng vấn đề trên cơ sở bài Tổng kết lịch sử thế giới hiện đại từ 1945 đến 2000. Để  tránh sự nhầm lẫn về kiến thức và sự kiện, học sinh  nên lập biểu những sự kiện chính theo từng vấn đề và sơ đồ hoá  kiến thức theo từng nội dung chủ yếu sẽ hiệu quả hơn.
 

Trần Trung Hiếu
Giáo viên Sử (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An)

Phần II : Một số kỹ năng cơ bản khi làm bài thi môn Lịch sử
 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201306/bi-quyet-on-thi-dh-cd-2013-hoc-su-the-nao-cho-nhanh-thuoc-de-hieu-va-nho-lau-1970462/

Comments